Nội dung số này



tải về 9.01 Mb.
trang17/21
Chuyển đổi dữ liệu26.11.2017
Kích9.01 Mb.
#34588
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21
Hương Chiên Đàn
Như nhánh cỏ điềm nhiên xanh mướt

Những con sông về biển hân hoan

Trăng vô ưu nên trăng sáng vô vàn

Đêm sinh tử bỗng tràn lan ân sủng.
Mở cánh cửa càn khôn sinh động

Đường chim bay hiển lộng khôn lường

Hương chiên đàn thơm đến mười phương

Trời hoa tạng vẫn miên trường nhả nhạc.
Trang Kinh điểm lệ người khao khát

Những hàng cây râm mát núi Linh-Sơn

Ôi ! nhơn gian vĩnh viễn cội nguồn

Của một khắc nhiệm mầu chứng đắc.
Ta vẫn bơi giữa dòng sông mật

Bến bờ nào nguyên vẹn những vườn sen

Vẫn tinh khôi pháp giới hiện tiền

Ôi! diện mục Phổ-Hiền Bồ-Tát.
Hàng phi lau ngút ngàn gió hát

Tiếng quẫy chèo khua động trường giang

Những khung trời mây trắng thênh thang

Về đâu đó giữa nguồn tâm Tịnh-Độ.

Tiếng Đàn Tỳ Lô Giá Na
Mầu nhiệm thay vạt áo ca-sa vẫn phất phới

bay trên những sương mù ám chướng

Với sắc màu vô vàn an nhẫn

Lòng từ của một vị Phật

Vẫn thị hiện mười phương.
Mưa vẫn rơi thanh thản trên thành phố biển xanh

Trên vai Thầy tỳ kheo lóng lánh từng hạt châu

Móng vuốt loài quạ sắt tua tủa bên sườn núi

Đâu thể nào làm bận tâm

Những hạt cát se sẻ hát dưới chân

Thầy vẫn đi qua hố hầm

Bình yên vô sự.
Trong khu rừng, tiếng gầm gừ loài thú dữ

Đâu ngăn được tiếng gió reo

Tiếng đàn Tỳ Lô Giá Na

Tiếng cười vang lên từng cánh cửa mở

Con đường dẫn vào bao la

Thánh địa Di-Đà

Hoa vẫn nở.


CHỊ TÔI
Văn Hưng


Thân tặng anh chị Phạm Nhật bài CHỊ TÔI


Câu chuyện Chị Tôi, dựa trên những thời gian mà anh chị đã trải qua ở quê nhà, từ thời niên thiếu đến ngày tỵ nạn ở Hoa Kỳ năm 1980. Người viết bài Chị Tôi là cậu em, chỉ sắp xếp những diễn tiến của anh chị trong đời sống theo thời gian và thêm vào những cụm từ để câu văn được chải chuốt, ngoài ra những gì trong bài Chị Tôi là chuyện thật.

Quý mến gửi đến anh chị bài này với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ một người anh đã hy sinh và chịu đựng qua nhiều biến cố của lịch sử tại quê nhà trong thời niên thiếu. Đặc biệt vụ đàn áp Phật giáo 1963. Và đây là câu chuyện Chị Tôi.

Mặt trời đang lùi dần về phía sau lũy tre làng. Bữa cơm tối đạm bạc đã dọn sẵn ở hiên nhà ngoài trời. Cả gia đình ngồi quanh bên mâm cơm, vừa lúc chị tôi đi buôn bán hàng cá đang từ ngõ bước vào, chị khóc òa, và hét lớn; chị ngồi bệt xuống đất và tiếp tục khóc nức nở, vừa khóc chị vừa nói “sao ba mạ gả con đi cho người ta?”, rồi chị lại khóc hu, hu, hu… Tuổi chị tôi lúc đó vừa đúng trăng tròn lẻ.

“Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó,” đã quyết định rồi, Ba nói, mẹ phụ lời; nhà người ta tử tế, mẹ thấy hắn cũng cao ráo, và hiền lành, con về làm dâu sau này được người ta thương mến. Thế là kể từ ngày Ba mẹ tôi ăn cau trầu của nhà người ta, chị tôi trở thành người đã có “chủ.”

Ba tôi là người chức sắc trong làng, chị tôi lại có rất nhiều bạn, và cũng được nhiều người biết đến chị qua sinh hoạt Gia Đình Phật Tử (GĐPT), nên mới một ngày mà cả làng ai cũng biết chị tôi đã có người dạm hỏi. Vậy là chị tôi chết cứng với hai chữ "dạm hỏi." Những người bạn của chị thường lai vãng trước sân nhà, bây giờ cũng vắng bóng nhường lại thời gian để chị tôi vừa khóc, vừa giận, vừa vui, vừa hãnh diện với bạn bè. Mẹ tôi thì vui ra mặt, sợ con gái lớn không ai dạm hỏi người ta cười nhà mình. Bây giờ tôi mới biết thương Ba mẹ, lúc nào cũng lo cho con, dù con gái mới 17 tuổi mà mẹ đã lo sợ ế chồng.

Mùa xuân năm 1962 lần đầu tiên anh đến nhà "làm rể" vừa vô tới nhà trên thì chị tôi chui xuống nhà dưới đi trốn không cho anh thấy mặt. Mỗi tuần anh đến nhà vài ba lần, nhưng lần nào chị tôi cũng đi “đúng đường”, anh vừa vào ngả trước chị tôi lùi ngả sau. Mãi cho đến khi Sài Gòn đưa tin anh sắp đi nhập ngũ chị tôi mới dọn cơm cho ba mẹ, có anh ngồi đó. Tôi biết chắc rằng chị cũng sợ mất cơ hội nhìn lén anh. Kể từ dạo ấy anh chị tôi mới tạo cơ hội gặp nhau, những lúc như vậy tôi thường hay được sự chú ý của cả hai, có lẽ anh chị lấy tôi ra làm cục độn khi hai anh chị gặp nhau khóa khẩu không nói nên lời.

Anh chị rất yêu mến tổ chức Gia Đình Phật Tử. Anh ở đoàn thanh niên, chị ở trong đoàn thiếu nữ. Sân chùa là nơi anh chị thường xuyên đối đầu nhau qua những buổi sinh hoạt chung của đoàn. Hai anh chị đều là đoàn viên trung kiên của tổ chức Gia Đình Phật Tử tại quê nhà ở vùng duyên hải. Ngày rằm, mồng một anh chị thường hay đi chùa về khuya sau những buổi họp đoàn dưới ánh trăng rằm. Tuổi thanh xuân của anh chị lấy tổ chức Gia Đình Phật Tử làm nguồn sống, lấy biển cả làm bạn đồng hành, và anh yêu biển như yêu chị tôi.

Đầu mùa xuân năm 1963, lúc phong trào Cần Lao lan tràn khắp niềm nam, vụ Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm lên cao điểm, anh bị nhân viên mật vụ ở miền Trung của Ông Ngô đình Cẩn bắt giam trong chiến dịch ngăn chặn sự phát triển của tổ chức Gia Đình Phật Tử tại các vùng thôn quê hẻo lánh ở Thừa Thiên.

Kể từ mùa hè 1963 anh đã bị vô số lần bắt bớ, đánh đập, tra tấn một cách man rợ. Bắt anh uống nước xà phòng pha trộn nước ớt, bỏ anh vào bao bố, rồi đem quẳng anh xuống hồ, nhốt anh vào hầm nước, sức khỏe anh bị tàn phá kinh khủng sau một thời gian ngắn; từ đó anh phải kiên trì chịu đựng, và hy sinh một phần thân thể để phục vụ lý tưởng của anh là bảo vệ Phật Giáo. Mẹ tôi nóng lòng, cho chị tôi cưới, hy vọng đưa anh ra khỏi cơn xoáy của xã hội trong thời kỳ đen tối ấy. Lòng mẹ bao la, cũng là lòng của trời đất thiên mệnh.

Ngày 01/11/1963 kết thúc một chế độ do gia đình họ Ngô lãnh đạo, và trả lại anh một sự sống tràn đầy niềm tin, từ niềm tin đó anh chị nắm tay nhau chung bước đi trên cuộc đời lứa đôi.

Anh chị tôi cưới nhau đã nhiều năm. Kể từ ngày anh vào quân ngũ chị tôi theo anh: nơi nào anh đồn trú nơi đó có chị. Mẹ nhìn hạnh phúc anh chị mẹ cười, mẹ vui, nhưng lòng mẹ vẫn còn chờ đợi tin từ con gái. Mạ ơi con đã… có bầu, được chị báo tin, mẹ tôi lòng vui tràn ngập, thế là đứa con gái đầu lòng của anh chị đã chào đời sau nhiều năm lấy nhau tưởng chừng như tuyệt giống.

Chiến tranh leo thang, chị bế con về Đà nẵng, anh ở lại chiến trường. Từ đó chị tôi mỗi năm gặp anh được vài lần, rồi anh để lại cho chị mỗi năm một đứa nhỏ, ba năm liên tiếp, một mẹ 3 con, chồng ngoài tiền tuyến chị bắt đầu gánh nặng đôi vai. Anh lo bảo vệ giang sơn, chị ở nhà buôn thúng bán bưng. Ngày tháng của năm 1975, khi Sàigòn đổi tên, anh lững thững bước vào nhà, chị lại khóc nức nở, lần này chị khóc là mừng sự hiện hữu của anh trong gia đình, có vợ, có chồng, và có các con.

Ngày đoàn tụ anh còn một con mắt, con còn lại anh đã dâng hiến cho tổ quốc, và vết thương trong lòng phổi gây nên bởi chế độ Diệm vẫn mãi đeo đuổi anh lên cơn suyễn hành hạ không ngừng nghỉ theo thời tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông. Những hy sinh và chịu đựng bền bĩ cộng thêm bản chất hiền hòa của anh, đã giúp cho chị tôi thêm phần tự tin vào đời sống trong những ngày kế tiếp.

Gia đình anh chị cũng như muôn vạn gia đình khác kiếm sống theo bản năng sinh tồn, nhưng vẫn không đủ để ăn cho qua ngày trong những năm đầu Saigon xoá tên. Anh chị quyết định đưa gia đình về quê xưa, nơi mà anh chị đã sinh ra và lớn lên của tuổi thanh xuân. Anh thì vẫn hiền hòa, dễ tính rồi anh lặng lẽ sắp xếp hành trang đưa vợ con về nhà ngoại. Cửa ngõ, lối đi, và hiên nhà là nơi thường để dọn những bữa cơm đạm bạc cho gia đình, và sân nhà thường vang bóng một thời của bọn con trai đến “ra mắt” chị, bây giờ nhường lại chỗ cho những cây tre ốm đói mọc ngổn ngang và một đống gạch vụn sau những trận bom xối xả của Tết Mậu Thân.

Trở về quê nhà, anh như con sò dấu mình trong vỏ và chỉ lặng lẽ tiếp tục lấy biển cả làm bạn đồng hành. Anh đánh cá, chị luôn trên vai đôi gánh hàng rong độ nhật. Chiều về trên bãi biển của quê nhà, anh chị thường đưa các con ra bãi biển để hội nhập với dân làng chờ đón ghe về. Niềm hạnh phúc sau một ngày khắc khổ là anh chị đã tận hưởng được những giây phút êm đêm bên nhau trên bãi biển quê nhà, và nhìn những đứa con nô đùa, chạy, nhảy, tung tăng trên những đợt sóng chậm chạp lùa lên bãi biển.

Anh nhìn các con với dáng suy tư, chị ngồi yên và đưa mắt nhìn từng đợt sóng lùa vào bờ, rồi những đứa con của anh chị lại tiếp tục chạy, nhảy, vui cười, như không thấy được nỗi lo âu của cha mẹ đang nghĩ về tương lai của chúng tại quê nhà.

Những đợt sóng đang lùi dần ra biển, để chuẩn bị cho đợt sóng kế tiếp tràn vào, ba đứa con anh chị mải mê bận rộn đưa tay bắt lấy những bọt sóng mong manh. Chị cầm tay anh âu yếm và khẽ nói, sự hiện hữu của anh trên quê hương này là để đón nhận những mất mát, thiệt thòi, và bất công mà dường như xã hội để dành cho riêng anh, rồi nơi nào anh trở lại thì nơi đó chỉ còn là kỷ niệm buồn vui. Anh phải ở một nơi khác hơn, nơi mà không ai có quyền bắt anh phải dâng hiến thêm đời mình. Anh mỉm cười, ôm chị vào lòng; đầu chị tựa vai anh và cùng hướng ra biển đông xa xăm, một màu xanh nước biển, là màu hy vọng của anh, của chị và của gia đình. Tháng 3 năm 1978 anh để lại chị và 3 đứa con nhỏ sống với ngoại, và anh đã vượt biên đến Hồng Kông theo ước nguyện của anh chị.

Thùng quà đầu tiên chị nhận được sau ba tháng anh gửi về từ Hongkong. Anh đã gửi những bộ áo quần trẻ em mới toanh, một bộ rất đẹp cho chị, may theo kiểu Hongkong và những bức thư dài tràn đầy thương nhớ. Rồi những thùng quà kể tiếp, đã góp phần hữu hiệu đáng kể, trong đời sống gia đình hàng ngày. Như những ngày còn có anh bên cạnh, chị vẫn đưa con ra biển, vì đây là nơi duy nhất của dân làng, tìm đến sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Dân làng tấp nập, trẻ em nô đùa, những đứa con chị nhanh chóng hòa nhập vào đám trẻ con đang chạy dài trên bãi biển, vui đùa với những đợt sóng li ti, đuổi bắt những con ốc chưa kịp dấu mình dưới cát sau đợt sóng lụi dần ra biển.

Một mình đứng trước bãi biển quê nhà hôm nay một mình, chị thì thầm hát. “Biển vắng anh rồi em ở với ai”. Chị có máu văn nghệ trong người, nên thỉnh thoảng chị hay hát một mình để thư giãn tâm hồn; nhưng lần này chị hát không phải để thư giãn tâm hồn, mà vừa hát đôi mắt chị vừa hướng ra biển đông xa xăm, một màu xanh nước biển, là màu hy vọng của chị và của các con, từ đó chị nuôi mộng đưa con đến vùng trời nơi đó có anh.

Hai năm từ ngày anh đi, chị ôm ấp ý chí phải đến vùng trời nơi đó có anh. Những thùng qùa anh gửi về chị biến chúng thành những lít dầu thô chôn vùi trên bãi biển để đợi ngày vượt biên. Tháng 5, năm 1980, giờ cao điểm của đêm định mệnh, chị bế ba con, dắt theo người em dâu và hai cháu bé lên chiếc ghe nhỏ chưa đầy 4 thước bề ngang, cùng với 25 người khác từ giã quê nhà. Ghe vừa rời bến, những tiếng la, hãi hùng, rồi những tiếng súng, đì đùng, vi vút trên không tỏa ra một đường ánh sáng, dường như xuyên qua da thịt của chị. Ghe vẫn tiếp tục chèo trong màn đêm, sự sợ hãi kinh hoàng cộng thêm tiếng súng đã làm cho tất cả những người trong ghe không còn nghe tiếng kêu cứu của một ai. Chị tôi và cô em dâu đan chặt đôi bàn tay lại với nhau rồi ôm 5 đứa con vào lòng và đưa lưng hướng về bờ biển như cố ý chắn ngang lằn đạn từ bờ bắn ra. Chị ngồi xuống và khâm người lại, rồi bảo các con miệm Phật Quan Thế Âm Bồ Tát.


Ghe thoát nạn và ra khơi, bỗng một lằn ánh sáng bay vút trên không như một linh hồn vừa rời khỏi xác. Bàn tay chị thấm ướt; cô em dâu đã ngã gục đầu lên vai chị từ lúc nào, dường như chưa nói hết lời nhắn nhủ, chị nuôi và dạy bảo các cháu giùm em. Viên đạn đã cướp đi mạng sống của người em dâu, để lại hai đứa con nhỏ và người chồng đang ngày đêm chờ đợi nơi xứ người.

Những ngày phong ba bão táp trên biển, chị ngồi nhìn xác em dâu và ôm năm đứa con vào lòng. Đứa nhỏ nhất mới ba tháng tuổi. Biển nước mênh mông sóng gió hãi hùng, chị phó mặc cho trời, phó mặc chiếc ghe nổi trôi theo dòng nước. Chị tiếp tục, với sự hiệp lực cùng các con cầu nguyện Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn. Chiếc ghe bé bỏng đã nhiều ngày đêm lênh đênh, vật lộn với tử thần, mọi người đã kiệt sức, cho đến khi giây phút nhiệm mầu xuất hiện: một ánh sáng lóe lên từ phương đông, một tiếng kêu vang dội từ xa vọng lại và rồi ghe chị được tàu hàng hải cứu vớt ngoài khơi biển Hải nam, nơi đây đã để lại thân xác cô em dâu bé nhỏ. Chiếc ghe bé bỏng thân yêu lại một lần nữa tiếp tục thi gan và phấn đấu với biển cả để đưa đoàn người đến Hongkong an toàn.

Tháng 10, năm 1980, anh đón chị và các con ở phi trường Wichita Kansas. Lần này chị không khóc nức nở như những lần trước, dù chị vừa trải qua nỗi kinh hoàng. Thay cho chị, nước mắt anh chảy dài trên hai gò má đầy xương sau những năm khó ngủ vì nỗi nhớ thương vợ con nơi quê nhà. Chị hiểu ý, đưa tay thấm giọt nước mắt, anh ghé kề tai chị nói vừa đủ hai người nghe: cảm ơn trời Phật, cảm ơn em đã đưa gia đình đến nơi có anh.

Chiếc xe Chevrolet đời 69 cũ kỹ, cõng đại gia đình lên đường về thị trấn GardenCity, Kansas vào một buổi chiều cuối thu có ánh nắng vàng đang đọng lại ở lưng đồi.

Dọc theo hai bên xa lộ là những cánh đồng bất tận của loài hoa hướng dương đã thắp đuốc từ thuở nào, để đón mừng anh chị bắt đầu đi vào cuộc đời mới, ở một nơi mà không ai có quyền bắt anh phải dâng hiến thêm đời mình.

Virginia mùa thu 2007





Thơ MỸ HUYỀN



ĐI

Vách núi cheo leo lòng ngẩn ngơ

Đường lên sơn tự mưa giăng mờ

Sắc thu ướt sũng khung trời ảo

Chạnh lòng ta khởi một ý thơ
ĐẾN

Chiều mưa da diết trên đồi non

Sừng sững trên cao cuối lối mòn

Mộng mơ giữa rừng phong ngập lá

Ô hay có phải Phổ Đà Sơn!


Gió vút đồi non mưa thu rơi

Rừng phong lá đổ sắc tuyệt vời

Vạn hữu sánh duyên cùng hành giả

Phổ Đà Sơn tự bước thảnh thơi
VỀ

Lung linh giọt nắng đùa trên vai

Xào xạc tiếng thu dưới gót hài

Ôi gió vi vu thay lời tiễn

Núi rừng lưu luyến khúc chia tay.

MIẾNG ĐẬU HŨ


Lữ



Từ nhà tôi, ở đường Trần Quí Cáp, lên trường Măng Non trên đường Độc Lập là khoảng chừng ba trăm thước. Vậy mà tôi đi lạc. Nha Trang nhỏ xíu, nhưng mấy con đường chung quanh nhà là một thế giới đồ sộ cho tôi, một đứa bé vừa lên năm tuổi.

Đứa bé đó, do hoàn cảnh đưa đẩy, lớn lên chu du khắp nơi. Đến đâu, tôi cũng hơi ngơ ngác, thấy thế giới chung quanh mình to lớn và xa lạ, rồi lại có khi đi lạc, đôi lúc tôi vẫn còn sợ hãi. Nhưng lạc đường, lạc sá, dần dà tôi không hoang mang bằng sự lầm đường, lạc lối ở trong lòng.

Do đó, tôi nhất định phải hiểu được mình. Tôi muốn thấy tâm mình cho thật rõ ràng. Tôi không muốn làm người đi lạc ở ngay trong tâm mình. Có khi tôi giận mà không hiểu tại sao tôi giận. Vô lý không? Tôi đâu có muốn giận, nhưng lại không biết đường quay về với sự bình an.

Bình an là quê nhà,

Con về trước ngõ.

Cất lên tiếng gọi:

Mẹ ơi,

Nam mô bồ tát Quan Thế Âm!
Tôi muốn về trước cửa ngõ của bình an.

Ngày xưa có một người đi tìm sự bình an. Anh nghe nói tới “thầy ngó vách.” Cả ngày thầy không làm, không nói gì, chỉ quay mặt vào vách mà ngồi thật yên. Có thể thầy cũng không ngó vách. Con mắt thịt của thầy nhắm lại, nhưng con mắt của ý thức nơi thầy chiếu sáng. Mỗi ngày, thầy tập nhìn mình. Thầy ngồi yên như vậy trong suốt chín năm liền.

Anh nọ tìm tới thầy và xin được tham vấn. Anh đặt nhiều câu hỏi, nhưng thầy chỉ im lặng. Im lặng. Thầy im lặng như bức tường trước mặt. Anh muốn khóc, và nói: “Con không hiểu sự im lặng của thầy. Xin thầy từ bi mở lời chỉ dạy cho con.” Nhưng thầy không nói gì. Thầy biết, câu trả lời sẽ không giúp cho người hỏi hiểu thêm về mình. Không ai có thể hiểu mình bằng cái đầu.
Người ta nói, câu chuyện trên xảy ra vào thế kỷ thứ 6. Thật ra, đó là thế kỷ thứ 20. Tôi biết điều này bởi vì người đi tìm sự bình an đó là tôi. Tôi gặp thầy nhiều lần. Thầy không lạnh lùng như người ta tưởng. Hai thầy trò chúng tôi hay ngồi bên nhau trong một cái cốc nho nhỏ. Thầy dạy: “Con pha trà đi.” Pha trà xong, nếu tôi sắp bắt đầu hỏi gì đó thì thầy sẽ nói: “Uống trà đi con.”

Một hôm, tôi được ngồi ăn trưa với thầy. Đó là một vinh dự lớn cho người làm học trò. Tôi dại dột nghĩ: “Hôm nay, mình sẽ có cơ hội để đặt nhiều câu hỏi.” Nhưng thật bất ngờ, thầy gắp một miếng đậu hũ rất thơm ngon bỏ vào chén cơm tôi. Tôi hơi ngạc nhiên, rồi theo thói quen tôi bỏ vào miệng nhai thật nhanh, nuốt chửng. Ăn xong, tôi mới sực nghĩ ra là thầy vừa trao cho mình một cái gì đó mà tôi chưa kịp tiếp nhận. Tôi cảm thấy hối tiếc, nhận ra trong cuộc đời, tôi cũng đã sống vội vã như nuốt miếng đậu hũ vậy.

Thầy trở nên im lặng hơn, như đang thông cảm cho nỗi băn khoăn trong lòng người học trò. Rồi thấy thương, thầy lại gắp bỏ vào chén tôi một miếng đậu hũ khác. Tôi sung sướng quá. Miếng đậu hũ này là một cơ hội mới. Cuộc đời cũng giống như miếng đậu hũ. Ta đánh mất những cơ hội quí báu nhất để mà sống cho thật trọn vẹn, hạnh phúc. Nhưng miếng đậu hũ khác lại đến. Đó là sự rộng lượng của cuộc đời, của sự sống.

Tôi nhai miếng đậu hũ thật chậm. Tôi nhai như là trong giây phút đó, hoàn toàn không có gì quan trọng hơn để làm. Miếng đậu hũ trở thành lời dạy của thầy. Tôi tiếp nhận lời thầy bằng tất cả sự cung kính. Tôi nhai với lòng biết ơn sâu xa của tôi. Tôi nhai như là vừa mới hiểu ra một điều gì thật là sâu sắc. Một cái hiểu giúp tôi chậm lại, dừng lại được thói quen hấp tấp, vụt chạc để tiếp xúc với sự sống một cách trọn vẹn. Thầy nhìn tôi và mỉm cười, hài lòng.


Câu chuyện về “thầy ngó vách” lại được kể rất khác. Người ta đâu có sống những giây phút thật ly kỳ như thầy trò chúng tôi đâu mà biết. Họ kể rằng người học trò bày tỏ sự quyết tâm học hỏi của mình bằng cách chặt đi một cách tay. Thầy nói: “Khá lắm, ý chí khá lắm! Bây giờ, con hãy hỏi và ta sẽ trả lời.” Thấy thầy bắt đầu nói chuyện, người học trò mừng quá, anh nói: “Thưa thầy, xin thầy dạy cho con cách làm cho lòng mình được bình an.”

Thầy hỏi: “Lòng con bất an ra sao?” Học trò trả lời: “Cũng không hẳn là bất an. Con không biết gì về con hết. Xin thầy chỉ cho con một con đường.” Thầy nói: “Bình an chính là con đường.” Người học trò nghe thầy nói thì chợt hiểu, biết rằng mình phải trở về tập sống cho thật bình an trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Anh theo phương pháp đó tu tập, dần dà thành tựu được một nếp sống khá thong dong.


Câu chuyện được kể một cách thông minh. Nhưng đáng tiếc là người ta quên mất miếng đậu hũ. Có thể người ta biết, nhưng lại tưởng rằng đó là một chi tiết vụn vặt, không quan trọng. Quan trọng lắm đó, vì chính nhờ miếng đậu hũ mà lần lần tôi hiểu được tâm mình. Và tôi thấy rằng trong cuộc sống, nhiều người coi thường miếng đậu hũ. Người ta làm nhiều chuyện quan trọng, nhưng không ăn miếng đậu hũ.

Bạn hãy quan sát cách ăn cơm của nhiều người thì biết. Ăn hấp tấp như vậy là đánh mất miếng cơm ngon, đánh mất giây phút thật đẹp mình đang sống bên cạnh những người trong gia đình. Và cuối cùng là đánh mất cơ hội để bình an, hạnh phúc và để hiểu được lòng mình.



Đứa bé năm tuổi lớn lên, nhìn thấy con đường từ nhà đến trường Măng Non chỉ là một khoảng cách ngắn ngủi. Nhớ lại câu chuyện đi lạc năm xưa, bé cười xòa, vươn vai đôi ba lần, cảm thấy mình lớn lên vù vù như Phù Đổng Thiên Vương. Rồi bé làm oai, đưa hai tay lên trời, hét lớn: “Ta không bao giờ đi lạc nữa. Ta đã lớn.” Nói rằng mình đã lớn tức là vẫn còn hơi con nít. Bạn thông cảm, cậu bé trong tôi còn tinh nghịch lắm. Thỉnh thoảng tôi hay che miệng, cười thầm chính mình. Thấy vui vui.
Pháp, 10-2007






Không đề
Nỗi nhớ có từ hôm qua

Hôm nay nghe còn rất lạ

Tìm em từ thuở ngày xưa

Yêu em từ thuở... cơn mưa đầu mùa

Có chi một chút bông đùa

Sao ta ngơ ngẩn, tìm mua nỗi buồn.

NGUYỄN VĂN PHIN


MẶC!
(tường thuật buổi ra mắt sách Huyền Thoại Duy Ma Cật của Tuệ Sỹ



tại Houston, Texas ngày 04.11.07)

Huệ Trân


Tựa bài viết này, đáng lẽ phải khá dài, chẳng hạn như: “Tường thuật buổi ra mắt sách Huyền Thoại Duy Ma Cật của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ tại Houston, TX, ngày 04 tháng 11 năm 2007”.

Cái tựa khá dài, khi được thay thế lại quá ngắn. Chỉ còn một chữ “Mặc!”

Chữ này của diễn giả đầu tiên trong chương trình là triết-gia Phạm Công Thiện, người được ban tổ chức mời giới thiệu về tác giả và tác phẩm Huyền Thoại Duy Ma Cật.

Vâng, đây chỉ đơn giản là bài tường thuật một buổi ra mắt sách. Nếu nó được nhìn không đơn giản dưới nhãn quan nào thì đó chỉ vì tác giả và thời điểm ra mắt đang ở trong một bối cảnh đặc biệt, dưới nhãn quan đó.

Buổi ra mắt sách do Hội Dharma Wheel Corporation tổ chức. Hội trưởng là Thượng Tọa Thích Nhật Trí, trụ trì chùa Pháp Vũ, Florida, với sự đóng góp tham gia của các cư-sỹ đồng quan điểm với hội là yểm trợ và phát huy bốn lãnh vực Giáo dục, Văn hóa, Hoằng pháp và Từ thiện.

Địa điểm ra mắt là nhà hàng Kim Sơn, từng nổi tiếng về sự rộng rãi, khang trang. Phục vụ lịch sự, chu đáo.

Chúng tôi tưởng chỉ mình tới đúng giờ ghi trong thiệp mời là 5 giờ chiều chủ nhật 04 tháng 11, 2007. Ấy thế mà sau khi đậu xe, nhìn quanh bốn phía, hướng nào cũng có những giòng xe đang tiến vào và chủ nhân những chiếc xe đó, đa số là khách đến tham dự buổi ra mắt sách.

Trước cổng vào nhà hàng Kim Sơn không chỉ là những người Việt đứng chờ thân hữu mình để cùng vào mà chúng tôi còn thấy thấp thoáng dăm cảnh sát bảo vệ an ninh. Tôi hỏi nhỏ đạo hữu cùng đi:

- Ra mắt sách của một tu sỹ về một cuốn kinh Đại Thừa mà cần cảnh sát bảo vệ ư?

Câu trả lời là một nụ cười nhẹ:

- À, đó là sự cẩn trọng của ban tổ chức vì nhận được những cú điện thoại cho biết sẽ có biểu tình trước chùa Việt Nam, chống việc Hòa Thượng viện chủ sẽ tham gia, rồi sau đó kéo đến nhà hàng Kim Sơn phản đối buổi ra mắt sách. Ban tổ chức mướn an ninh chỉ để phòng hờ có sự can thiệp hợp pháp nếu những sự việc đáng tiếc này xảy ra.

Nụ cười nhẹ của đạo hữu vừa trả lời, quả là đầy ý nghĩa!

Phòng được chọn cho buổi ra mắt sách ở trên lầu. Bước vào phòng mới biết rằng, không chỉ chúng tôi đến đúng giờ mà nhiều người đã đến trước giờ. Sáu mươi bàn, dự trù mời sáu trăm quan khách, không bàn nào không đã có người ngồi. Và thật ngạc nhiên, chưa đầy ba mươi phút sau, sáu mươi bàn, dường như không còn ghế trống. Với bốn bàn trước sân khấu dành cung thỉnh Chư Tôn Đức Tăng, Ni, chúng tôi ghi nhận có Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa (viện chủ chùa Từ Đàm, Dalas, Texas), Hòa Thượng Thích Nguyên An (trụ trì chùa Cổ Lâm, Seattle), Hòa Thượng Thích Nguyên Trí (Trụ trì chùa Bát Nhã, Nam Cali), Hòa Thượng Thích Trí Đức (Trú xứ chùa Việt Nam), Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh (Trụ trì chùa Việt Nam, Houston), Thượng Tọa Thích Linh Quang (Nepal), Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu (Trụ trì chùa Phật Đà, San Diego, Nam Cali), Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn (Trụ trì chùa Trúc Lâm, Chicago), Thượng Tọa Thích Tâm Hòa (trụ trì chùa Pháp Vân, Canada), Thượng Tọa Thích Nhật Trí (Trụ trì chùa Pháp Vũ, Florida), Thượng Tọa Thích Thông Hải (Thiền viện Chân Không), Thượng Tọa Thích Chơn Lễ, Đại Đức Thông Đức, Đại Đức Tâm Bình, Đại Đức Minh Phước, Đại Đức Quảng Kim, Đại Đức Quảng Minh, Đại Đức Thiện Nhẫn, Đại Đức Nhuận Thành …

Chúng tôi cũng nhận thấy sự hiện diện của Quý Ni thuộc các ni-viện Hương Nghiêm, Hương Lâm, Huệ Lâm…

Về giới văn nghệ sĩ, ngoài hai diễn giả là nhà văn Doãn Quốc Sỹ và triết gia Phạm Công Thiện, còn có nhà thơ Tô Thùy Yên, nhà thơ Vũ Tiến Lập, nhà văn Vĩnh Hảo, nhà văn Liên Hoa, nhà văn Quỳnh My v.v… cũng có mặt, trong đó khá nhiều văn nghệ sĩ mà chúng tôi không nhớ hết tên. Các cơ quan truyền thông, truyền thanh, truyền hình, báo chí, chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của tuần báo Việt Tide, bán nguyệt san Thế Giới, tạp chí Xây Dựng, chương trình phát thanh Tiếng Chuông Tỉnh Thức, đài phát thanh Saigon-Houston; cùng các Hội đoàn như Hội Văn Hóa Khoa Học, Hội ái hữu cựu nữ sinh Gia Long, An Giang, Sương Nguyệt Ánh… Chúng tôi phải xin lỗi, vì không thể nào ghi hết ra đây.

Theo đúng chương trình, sau phần chào cờ và giới thiệu thành phần tham dự, Thượng Tọa Thích Nhật Trí, Hội Trưởng Hội Dharma Wheel Corporation (DWC) đã long trọng khai mạc buổi ra mắt sách Huyền Thoại Duy Ma Cật (HTDMC) của TT Tuệ Sỹ và tiệc chay gây quỹ cho những chương trình hoạt động của DWC qua hình ảnh nhập thế đầy Trí Tuệ và Từ Bi của hành giả Duy Ma Cật.

Diễn giả đầu tiên được mời lên giới thiệu về tác phẩm và tác giả HTDMC là triết gia Phạm Công Thiện. Ngôn ngữ của một triết gia có thể có đôi chút xa lạ với số đông quần chúng nhưng nhân dáng thì gần gũi, thân thương với chòm râu bạc, mái tóc thưa phơ phất. Ông chậm rãi chia xẻ: “Đứng trước khung cảnh rất tinh túy nghệ thuật, rất tinh túy thi ca này, nhìn xuống là Quý Thầy, Quý Ni và đông đảo đồng hương, tôi cảm thấy như mình đang ở chùa, những ngôi chùa tôi từng thấp thoáng thấy bóng dáng hai chú tiểu cực kỳ thông minh, mới trên hai mươi tuổi đã nghiêm túc đứng trên bục giảng các giảng đường Đại Học. Hai chú tiểu đó chính là Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh đang có mặt trong buổi này, và Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ ở bên trời Quê Hương. Thầy Tuệ Sỹ, với đôi mắt rực sáng từ thuở ấu thơ cho đến tuổi già xế bóng không chỉ là sự rực sáng của nhãn quan mà phải là sự rực sáng từ Tâm Bồ Tát. Nên khi Thầy Tuệ Sỹ viết HTDMC, với tôi, là cuốn sách tuyệt vời nhất. Cuốn Kinh Đại Thừa này, tôi chỉ tóm gọn trong một chữ. Chữ MẶC.”

Tiếng vỗ tay không dứt khi triết gia kết luận như vậy. Ông buông lửng cho mỗi người tự cảm nhận.

“Mặc”, phải chăng là sự tĩnh mặc Vô Ngôn của Bậc Đại Trí Duy Ma Cật khi Ngài Văn Thù hỏi về Pháp Bất Nhị?

Diễn giả Doãn Quốc Sỹ đã rất khiêm nhường khi trích dẫn Kinh Pháp Cú để nói về ý vị cao siêu của Duy Ma Cật trong cuộc đời. Đó là hình ảnh đóa sen nở giữa bùn nhơ, là hình ảnh Đại-sỹ đứng thẳng giữa phàm phu sân, uế.

Diễn giả thứ ba bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt, và những búp tay thầm lặng chắp lại, biểu tỏ lòng tôn kính. Đó là H.T. Thích Nguyên Hạnh, trụ trì chùa Việt Nam, Houston. Với nhân dáng nhu hòa, điềm đạm, giọng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi nhưng ẩn chứa âm thanh của đường gươm Bát Nhã Vô-Úy, H.T đưa ra hình ảnh vị Tăng-sỹ tài hoa thông tuệ 1600 năm trước đã viết Bát Nhã Vô Tri Luận khi mới hai mươi tuổi; và nhiều luận khác, tập thành Triệu-luận mà người sau coi như Trung Quán Luận của Trung Hoa. Vị Tăng-sỹ trí tuệ tuyệt luân đó đã hơn một lần ngẩng cao đầu trước bạo quyền, bình thản nhìn lưỡi gươm sẽ chém xuống đầu mình chẳng khác chi gươm chém ngọn gió Xuân!

Hòa Thượng đã mượn hình ảnh Ngài Tăng Triệu để nói về Thầy Tuệ Sỹ, mà theo H.T. nói về Thầy Tuệ Sỹ là nói về một Tăng-sỹ đã mang Đại Bi Tâm vào đời với hạnh Vô Úy.

Con người đó cũng đã bất khuất trước bạo quyền, đôi mắt sáng rực nhìn thẳng tử thần không chút nao núng.

Con người đó cũng là nhà tư tưởng, luôn nhìn sâu vào tận cùng nỗi thống khổ nhân gian nên tư tưởng đó không phải là son phấm điểm trang cho đời mà là những hoài bão gắn liền với khổ đau dân tộc.

Con người đó, vượt trên mọi tư duy Đời-Thường, đã lặng lẽ ngồi trong góc tối, trong cõi-riêng đời mình để hoàn thành Huyền Thoại Duy Ma Cật, chạm tới vĩnh cửu ngay trong khoảnh khắc ta-bà, tựa câu kinh Pháp Cú:

“Như tảng đá kiên cố

Không gió nào lay động

Cũng vậy, giữa khen chê

Người trí không giao động”

Diễn giả thứ tư là lời nhà xuất bản cuốn HTDMC, T.T Thích Nguyên Siêu. Thượng Tọa khẳng định rằng, con đường Giáo dục Phật-Việt là thành trì bảo vệ và tài bồi nền Văn hóa của dân tộc Việt Nam suốt mấy ngàn năm qua, và sẽ còn mãi mãi ngàn sau. Cũng theo TT, sự tham dự nồng nhiệt, đông đảo của Chư Tôn Đức Tăng, Ni và đồng hương, Phật tử hôm nay nói lên niềm ưu tư chung về trọng điểm phát huy nền Văn hóa tự trị.

Tới đây thì nhân viên nhà hàng đang tuần tự mang tới những món chay tinh khiết, được trình bầy mỹ thuật. Đây cũng là thời điểm bước sang phần hai của chương trình. Đó là phần Thơ Nhạc đạo vị.

Đêm nay, người nghệ sỹ mà đại đa số khán thính giả mong được thưởng thức tài nghệ là nam danh ca Tuấn Ngọc. Cảm nhận như thế nên anh là người mở đầu phần Thơ Nhạc.

Người nghệ sỹ nào cũng mang theo hành trang là những tác phẩm đắc ý quen thuộc và thường trình diễn, hoặc được yêu cầu những tác phẩm đó. Thật bất ngờ và thật cảm động khi Tuấn Ngọc tiết lộ rằng, bản nhạc đầu tiên anh sẽ trình bày là một bài thơ trong thi phẩm Giấc Mơ Trường Sơn của Thầy Tuệ Sỹ. Đó là bài Tống Biệt Hành mà nhạc sỹ Hoàng Quốc Bảo đã phổ thành ca khúc. Anh cũng xin phép khán thính giả cho anh được nhìn vào bản nhạc vì anh mới tập với ban nhạc có... mấy tiếng đồng hồ trước.

Âm thanh bát đũa im bặt khi người ca sỹ cất tiếng vút cao, chuyên chở giòng thơ bi tráng của một Người-Việt-Nam-Bất-Khuất:



“Một bước đường thôi, nhưng núi cao

Trời ơi mây trắng đọng phương nào

Đò ngang neo bến đầy sương sớm

Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?

Một bước đường xa, xa biển khơi

Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời

Thuyền chưa ra bến bình minh đó

Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi …”

Nói là mới tập, nhưng Tuấn Ngọc trình bày như đã từng trình bày từ muôn kiếp trước.

Phần ngâm thơ cũng xúc cảm vô cùng với giọng ngâm cô Bạch Hạc trong bài “Những năm anh đi”, giọng ngâm anh Vĩnh Tuấn trong bài “Phố trưa” và “Một bóng trăng gầy” giọng ngâm GS Kim Oanh trong bài “Tóc huyền” qua phần phụ họa đàn bầu, đàn tranh của Hải Yến, Kim Oanh và tiếng sáo réo rắt Hoàng Nhật Thành. Tất cả những bài thơ này đều trích từ thi phẩm GMTS của Thầy Tuệ Sỹ.

Trong khi khán thính giả còn bùi ngùi với âm thanh diễn tả như tiếng nấc của anh Vĩnh Tuấn ở câu thơ cuối, bài Phố Trưa “Người yêu cát bụi quê mình là đâu?” thì loáng thoáng đó đây có tiếng yêu cầu Thầy Tâm Hòa ngâm bài thơ Khung Trời Cũ, bài thơ mà ai biết đến thi phẩm GMTS không thể không thuộc dăm câu.

Tiết mục ngoài chương trình này là điều ngạc nhiên đối với tôi vì Thầy Tâm Hòa ngâm thơ “tuyệt” quá! (Thưa thầy, nói thế không phải vì con tưởng thầy ngâm không tuyệt, mà ngạc nhiên vì thầy đa tài quá). Muốn tận dụng sự thâu nhận của nhĩ căn nên tôi chỉ nghe mà không nhìn Thầy trình diễn. Chỉ nghe thôi, đã cho tôi nghe thấy tiếng mái chèo khua nhẹ trên giòng sông Nhị của thiền-sư Pháp-Thuận đời vua Lê Đại Hành, vị thiền-sư đã hóa thân làm ông lái đò đưa sứ Tầu qua sông, đem lại niềm ngưỡng phục của Bắc phương đối với đất phương Nam nhỏ bé.

Mái chèo khua nước năm xưa đang vỗ lên những đợt sóng bùi ngùi lịch sử:



“…Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ

Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn”

Trong khi khán thính giả đang bâng khuâng với hồn thơ bất tận thì Thầy Tâm Hòa kéo về thực tế hiện thực bằng cách giơ cao bao thư đã cầm sẵn trên tay. Đây là số tịnh tài mà Chư Tôn Đức hiện diện vừa đóng góp để yểm trợ vào quỹ sinh hoạt của Hội DWC. Kẻ viết bài không nhớ hết chi tiết “mạnh thường quân” nhưng hầu như Chư Tôn Đức đều đồng lòng yểm trợ. Con số có thể nhớ là mười lăm ngàn mỹ kim từ Hòa Thượng Nguyên Trí, chùa Bát Nhã. Bao thư “khá nặng” được trao thẳng tới tay thủ quỹ của DWC. Phía dưới, đồng hương Phật tử cũng noi gương, xôn xao ký tên yểm trợ vào những bì thư để sẵn trên mỗi bàn rồi tùy tâm, hoan hỷ bỏ vào.

Thầy Tâm Hòa bước xuống, nhưng sân khấu đã không bỏ trống một giây nào. Và đây lại là một tiết mục bất ngờ. MC thưa rằng, có một vài vị xin nêu đôi lời thắc mắc về tình trạng Phật Giáo Việt Nam. Ban Tổ Chức chấp nhận ngay, chỉ xin giới hạn thời gian vì chương trình còn dài. Không những chấp nhận ngay, BTC còn mời những vị muốn hỏi, lên sân khấu cầm micro, hỏi trực tiếp, và cung thỉnh HT Thích Nguyên Hạnh từ bi trả lời cho. HT cũng hoan hỷ nhận lời ngay. Sự việc xảy ra quá nhanh, sắp xếp quá gọn gàng trong tinh thần trong sáng, thẳng thắn, minh bạch khiến toàn hội trường đồng loạt vỗ tay.

Hỏi: Gần đây, dư luận có thư nặc danh thắc mắc rằng, trong Đại Hội Phật Giáo năm 2006 tại Việt Nam, tại sao HT Nguyên Hạnh lại gửi bài về tham dự?

Đáp: Không phải là Đại Hội Phật Giáo mà là cuộc Hội Thảo Quốc Tế về Phật Giáo trong thời đại mới. Ban tổ chức đã gửi thư mời nhiều tu sỹ, học giả, giáo sư trên khắp thế giới về tham dự. Tôi cũng nhận được thư mời nên chỉ gửi lá thư cám ơn và xin lỗi không thể tham dự được. Nhưng trong thư này, tôi cũng góp vài ý kiến. Một, trong những ý kiến đó là, một tôn giáo gắn bó với dân tộc trong 2000 năm mà không có được cơ cấu Giáo Hội độc lập để nói lên tiếng nói của mình thì đó là điều mà người Phật tử Việt Nam khó có thể cam tâm chấp nhận. Vì vậy, tôi hy vọng qua cuộc Hội Thảo này, quý vị sẽ cởi bỏ những sợi giây oan nghiệt từng trói buộc Phật Giáo bấy lâu nay.

Những lời nói như thế, CSVN không chống thì thôi, chứ những người nhân danh chống Cộng ở xứ Tự Do này lại chống là chống cái gì?

(Tiếng vỗ tay kéo dài, dù câu hỏi tiếp đã cất lên)



Hỏi: Xin Thầy cho biết về Đại Hội Phật Giáo Về Nguồn ở Canada. Có dư luận cho rằng quý Thầy là Đại Hội quốc doanh, họp để chống đối GHPGVNTN ở quê nhà.

Đáp: (cười nhẹ) Không có cái gì gọi là Đại Hi PG Về Nguồn cả, mà chỉ có Ngày Về Nguồn được tổ chức lần đầu ở Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Pháp Vân Canada. Ngày này cũng đã được sự đồng thuận của Chư Tôn Đức tham dự, là sẽ tiếp tục tổ chức hàng năm, tuần tự ở mỗi nơi trên khắp thế giới vì đây là niềm hoài vọng của Tăng lữ VN nói riêng, và đồng bào Phật tử, nói chung, từ khi lưu lạc xứ người, chưa định được một ngày cùng nhau trở về hàn huyên.

Đó là ngày về, cùng quỳ dưới chân Chư Phật, cùng ôn lời Phật dạy để soi sáng, sách tấn cho nhau. Đó là ngày về, cùng quỳ dưới chân Chư Tổ, cảm niệm ơn ân sư bao đời đã dìu dắt, che chở ta trên giòng nghịch lưu. Đó là ngày về của những đứa con trong gia đình, lưu lạc muôn nơi, hẹn nhau về ngôi Từ-đường để cùng ôn lại ơn đức Tổ Tiên, Ông Bà …..

Tôi thực không hiểu nổi, những việc làm như vậy, sao gọi là quốc doanh, là CS? Mình sống không có cội nguồn, Tổ Tiên, Ông Bà ư?

(Hội trường thinh lặng mấy giây khi Thầy nghẹn ngào, hỏi như thế, rồi tiếng vỗ tay mới đồng loạt vang lên)



Hỏi: Thưa Thầy, con đã đọc hầu hết những văn thư cùng các dữ kiện quanh vấn đề khủng hoảng trong GHPGVNTN. Trước thực trạng tả tơi như vậy, phải làm gì để hàn gắn, xóa dị biệt, hầu giúp Phật tử có niềm tin vào Giáo Hội?

Đáp: Cuộc khủng hoảng trong GHPGVNTN, xin để GH trả lời. Ngay tại Houston này, quý vị có thể đến hỏi HT Hộ Giác. Còn câu hỏi làm sao hàn gắn đổ vỡ thì theo tôi, người con Phật hãy trầm tĩnh lắng nghe lời Phật dạy. Phật từng dạy rằng:

Hãy đừng vội vàng tin vào bất cứ điều gì, dù điều đó đã được truyền tới cho hàng ngàn người nghe.

Hãy đừng vội vàng tin vào bất cứ điều gì, dù điều đó được nói ra từ người quyền uy tột đỉnh.

Hãy đừng vội vàng tin vào bất cứ điều gì, dù điều đó được loan truyền từ ngàn xưa.

Hãy thận trọng quán chiếu, gạn lọc, xét suy trong trạng thái sáng suốt của tâm rồi hãy lần tìm cho mình câu giải đáp.
Quả thật, ngay những lời Phật dạy, Phật cũng ân cần nhắc nhở, là chớ vội tin ta, hãy tự suy ngẫm đi đã.

Để chấm dứt phần thắc mắc, Thầy từ bi dặn dò, là Phật tử, hãy giữ niềm tin ở nơi Phật Pháp vì thế gian dù có điên đảo đến đâu, dù những khủng hoảng hôm nay có làm đỗ vỡ đến như thế nào thì Phật Pháp vẫn là Giáo pháp chân thật của muôn đời; là Phật tử hãy nên phát nguyện, xin cho chúng con không bao giờ đánh mất Bồ Đề Tâm, vì có Bồ Đề Tâm thì làm việc gì cũng là việc của Phật. Không có Bồ Đề Tâm thì việc nào cũng là việc của ma.

Thầy Nguyên Hạnh bước xuống trong sự cảm kích của cả hội trường. Những người đặt câu hỏi cũng chắp tay, cung kính.

Phần văn nghệ tiếp nối với một ngạc nhiên nữa cho người thưởng ngoạn là nhạc sỹ Duy Thành, vừa phổ bài thơ Nhớ Dương Cầm trong thi phẩm GMTS và vừa đàn, vừa hát, diễn tả trọn vẹn tinh thần giòng thơ:



“…Thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi

Vùng đất đỏ, bàn chân ai bối rối

Đạp cung đàn, sương ứa đọng vành môi …”

Xen giữa chương trình thơ nhạc là những bao thư tới tấp gửi lên BTC. Vô danh, hữu danh, con số yểm trợ có khác từ hàng chục, hàng trăm, tới hàng ngàn, nhưng tấm lòng thì như MỘT. Giữa chương trình mà con số được loan báo đã lên tới hơn ba mươi bẩy ngàn. Trong khi nam danh ca Tuấn Ngọc “cúng dường” tất cả những bài được yêu cầu thì chị thủ quỹ túi bụi làm toán cộng, nâng con số lên gần năm mươi ngàn.

Tôi không nghĩ cần tường thuật thêm gì nữa. Những diễn tiến đêm nay đã tự nói lên những gì đáng nói.

Chỉ khi ra về, thấy mấy nhân viên bảo vệ an ninh còn lảng vảng quanh khu phố, tôi mới nhận ra là suốt chương trình, tôi đã quên hẳn họ. Vì như lời chị Viên Minh, đại diện BTC cảm tạ quan khách “Suốt mấy tiếng đồng hồ qua, không gian này đã tưới tẩm đầy ắp hương Đạo Vị …”



Hẳn là sau khi nhận thù lao mà chẳng phải làm gì, trên đường về, mấy nhân viên bảo vệ an ninh đều nghĩ “Sao những người Việt Nam này dễ thương thế!”

(Houston 04 tháng 11/2007)



Từ trái sang phải: Triết gia Phạm Công Thiện, diễn giả đầu tiên trong buổi Ra Mắt tác phẩm Huyền Thoại Duy Ma Cật của TT. Tuệ Sỹ; bên phải là nhà văn Doãn Quốc Sỹ, diễn giả kế tiếp của chương trình.
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương