Nội dung số này



tải về 9.01 Mb.
trang16/21
Chuyển đổi dữ liệu26.11.2017
Kích9.01 Mb.
#34588
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21





Thơ
MAI KHANH - LÊ ĐÌNH CÁT



Khoác áo Chân Không
Kính tặng: TT. Thích-Quảng-Thanh

Khoác áo chân không

Lòng người thong dong

Sống đời đạm bạc

Có cũng như không
Khoác áo chân không

Nương tựa cửa Không

Tìm tu học Ðạo

Ðể đời quán thông
Khoác áo chân không

Lòng những ước mong

Trở về cố quốc

Thôi sống lưu vong
Khoác áo chân không

Nhìn ánh trời hồng

Ðông đi Xuân tới

Ta, đời chờ mong
Khoác áo chân không

Quên đời long đong

Thôi không vướng đọng

Tâm hồn sáng trong

họa bài thơ “khoác áo chân không”

của Thi-Sĩ.- Thanh-Trí-Cao

Bỏ quên phiền muộn

Chừ tôi đã đến chốn nầy

Dừng chân quán trọ đợi ngày mai đi

Bâng khuâng tìm mãi những gì..?

Loanh quanh chẳng biết cái chi mô chừ
Ðời sao cứ mãi thế ư..?!

Cái vòng danh lợi không từ được sao..?

Bao nhiêu phiền não gánh vào

Ðể rồi chuốc lấy biết bao chán chường
Nợ duyên trong cõi vô thường

Biết đâu lần lữa, cứ vương vào đời

Thủy chung chỉ một kiếp người

Ðã vay, phải trả sự đời thế thôi
Thế gian đau khổ lắm rồi

Còn chi để nữa mà đòi, mà mơ

Ði tìm một cõi riêng tư

Lòng thì ấp ủ giấc mơ hằng chờ
Lang thang chỉ một túi thơ

Bạn bè sông núi, thẫn thờ đó đây

Tỉnh say bầu rượu vơi đầy

Vui cùng trăng gió, tháng ngày trôi tan
Xin đời một chút bình an

Tình không vướng bận, đời đành lãng quên

Xa lìa cuộc sống đảo điên

Tìm về nơi chốn tịnh yên tâm hồn

Lake Forest, cuối Ðông Bính-Tuất (2007)




CHUYỆN TÌNH VỚI ANH CU YÊN


Trần thị Nhật Hưng



Năm tôi mười ba tuổi, vào một buổi tối mùa hè như thường lệ, trước sân nhà rộng như sân banh, tôi cùng lũ bạn trong xóm trai có, gái có cùng nhau chơi đá banh.Cuộc chơi thật hào hứng sôi nổi, tiếng reo hò vang vọng một góc phố.Nhờ khỏe, chạy nhanh, tôi luôn giành được banh về dưới chân tôi.

Tôi đang co chân đá trái banh về phía thằng Tèo, chợt có tiếng mẹ tôi đứng trong nhà gọi vói ra:

- Thơ ơi, vào đây mẹ bảo.

Tôi ngừng cuộc chơi, chạy vào:

- Dạ, mẹ gọi gì con ạ?

- Bà Bắc Hải nhờ con qua viết dùm bà bức thư.

Tôi phụng phịu:

- Mẹ nhờ chị Quỳnh đi. Con đang chơi mà !

Mẹ tôi lắc đầu:

- Không, bà Bắc Hải nhờ đích tên con. Con nên qua giúp bà.

Miễn cưỡng vâng lời mẹ, tôi vừa đi vừa vùng vằng, phụng phịu.

Nhà bà Bắc Hải bên kia đường, đối diện xéo với nhà ba má tôi. Lúc tôi bước vào nhà bà, tiệm của bà đà vắng khách. Bà bán rượu trắng, phở và cơm. Dù sống bằng hàng ăn, nhưng trông bà lúc nào cũng thong dong nhàn hạ. Bà luôn ngồi một chỗ trên tấm phản gụ bóng loáng sau kệ tủ thấp kín đáo trông ra nhà trước và chỉ huy người cháu gái gọi bà bằng cô ở nhà sau.

Bà Bắc Hải béo ụ. Bộ bà ba thường nhật bằng lụa tơ tằm màu trắng ngà càng làm bà béo hơn. Nhưng trong dáng vẻ đường bệ, nặng nề, khuôn mặt phúng phính, làn da trắng hồng, sáng láng, tươi nhuận trông bà thật phong lưu, giàu sang. Bà sống chung với cô cháu gái tên Mây. Trái với bà, chị Mây thật khô khan, khắc khổ. Đã trên 40 tuổi, chị Mây vẫn chưa lập gia đình. Có người xì xầm cho rằng, chị là tớ gái của bà, theo bà từ Bắc vào Nam. Thấy chị trung thành, tận tụy, lo lắng và phục vụ bà hết mình, bà thương, nhận chị làm con cháu. Hằng ngày chị đi chợ nấu ăn, quần quật ở nhà sau. Khi có khách ăn, bà gọi một tiếng, chị tất bật từ nhà sau chạy lên, nhanh nhẹn dọn cơm cho khách. Còn bà, chỉ ngồi một chỗ thu tiền.

Tiệm khá rộng, tươm tất, sạch sẽ; kê được mười bàn ăn, mỗi bàn sáu ghế. Chỉ lai rai vậy thôi, nhưng tiệm của bà cũng khấm khá, có số khách ăn thường nhật và thỉnh thoảng có đoàn lính hành quân ghé tiệm khi có dịp ngang qua thành phố.

Bà Bắc Hải hiện sống độc thân, dù trước đây bà từng có một đời chồng. Dựa theo dung nhan của cậu Cu Yên, con trai bà: cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai có nét Tây lai, thiên hạ cho rằng chồng bà là một ông Tây. Nhưng ông đã về nước sau biến động của thời cuộc, bỏ lại bà với cậu con trôi nổi vào miền Nam. Trước đây Cu Yên ở chung với bà; sau khi đậu Tú Tài, cậu phải rời miền Trung vào Sài Gòn tiếp nối Đại Học.

Buổi tối, từ 8 giờ trở đi, tiệm thường vắng khách. Bà thư thả ngồi nhai trầu, hết miếng này lại miếng khác. Bà ít đi đâu. Phần vì mập khó di chuyển tấm thân nặng nề dễ chừng đến 100 ký; phần phải coi nhà; phần nữa bà sống lặng lẽ, khép kín, ít giao tiếp với chòm xóm. Dường như trong niềm cô đơn, bà âm thầm gậm nhấm nỗi đau từ cuộc tình dang dở của bà với ông Tây. Tuy vậy với má tôi, tương đối hai nhà qua lại thân thiện do cùng đồng hương người Bắc di cư. Ở tỉnh lẻ, người Bắc càng ít ỏi, tình đồng hương càng gắn bó đậm đà. Ngoài ra, giữa mẹ tôi và bà còn chơi chung một sở hụi.

- Con chào bác ạ.

Tiếng của tôi cất lên khi tôi vừa bước vào nhà bà. Bà ngước mắt nhìn tôi, mỉm cười, gật đầu:

- Thơ đấy à ?

- Dạ, con đây.

- Con ngồi đó đi. Vừa nói bà vừa chỉ cho tôi chiếc ghế đẩu gần tấm phản gụ:

- Năm nay con học lớp mấy?

- Dạ, đệ thất ạ. (lớp 6 bây giờ).

Bà tròn mắt ngạc nhiên, vẻ khâm phục:

- Học tới… đệ thất rồi cơ à?

- Dạ.


- Giỏi quá. Đời chúng bay bây giờ may mắn hơn thời chúng tao.

Bà Bắc Hải vẫn có thói quen xưng hô với tôi loạn cào cào như thế mỗi khi mẹ sai tôi qua nhà bà mua rượu trắng hay lấy số hụi.

- Chúng mày được đi học sướng nhỉ?

- Dạ, sao cơ ạ?

Bà Bắc Hải không trả lời. Ánh mắt bà xa vắng, mơ màng, như dõi hồn về cõi xa xăm.

- Thời chúng tao, đàn bà con gái không được đi học. Bố mẹ bảo, đi học biết chữ chỉ viết thư cho “giai,” nên bị cấm. Vì thế, tao không biết chữ.

Tôi an ủi bà:

- Bác ơi, bây giờ bác học cũng được, như mẹ cháu.

Bà ngạc nhiên:

- Mẹ mày mà còn học cơ à?

Tôi hãnh diện:

- Vâng, do tụi cháu dạy. Rồi tôi khoe:

- Mẹ cháu đã đánh vần được rồi đấy.

Bà Bắc Hải thán phục:

- Giỏi quá nhỉ.

- Dạ.


Bà tò mò hỏi tiếp:

- Thế mẹ mày đã viết được chưa?

- Dạ được. Nhưng…

- Nhưng sao cơ?

Tôi cười:

- Nhưng chữ này đá lên chữ kia, râu ông kia cắm cằm bà nọ ạ.

Bà Bắc Hải lắc đầu:

- Thế thì nước mẹ gì.

Tôi cao giọng:

- Vì thế, mẹ cháu còn phải học.

- Thế hôm nào mày dạy cho tao học với nhé?

Tôi cười cười không trả lời, lòng thầm nghĩ: “Bác ơi, bác muốn học, bác phải làm lễ bái sư, và đóng học phí nữa.” Nghĩ thế, nhưng tôi không nói ra. Thấy tôi lặng thinh, bà xuống giọng:

- Nói thế chứ, tao già rồi, đầu óc đâu để học.

Tôi lên giọng cụ non:

- Có chí thì nên. Có công mài sắt có ngày nên kim, bác ạ.

- Nhưng tao nào có chí.

Tôi cười:

- Không chí thì sạch đầu, bác ơi.

Có tiếng trái banh đánh “bịch” vào thành tường nhà bà Bắc Hải, tôi nhìn ra, thấy thằng Bình đang đuổi theo lượm banh. Sực nhớ chúng bạn đang nô đùa, tôi sốt ruột hỏi bà:

- Bác gọi con có việc gì cơ?

- Ừ, thì nghe mày hay chữ, nên tao nhờ tí.

Tôi lắc đầu:

- Con không hay chữ đâu ạ. Sao bác nghĩ thế?

- Thì ở bên đây tao nghe mày học bài đọc to nhất xóm.

Nghe bà giải thích, tôi phì cười. Tôi là chúa lười học, chỉ ham chơi đua đòi với chúng bạn. Hễ chúng học là tôi học, chúng chơi là tôi chơi. Như thằng Tèo, con Cúc, con Minh… nhà đối diện bên kia đường, mỗi tối học bài, chúng đọc to như la làng, la xóm. Bên này đường, tôi tức chí cố gào to hơn. Mấy cái loa đua nhau phát thanh, loa nào cũng mở hết ga mong lấn loa khác. Chú tâm học thì ít, chơi thì nhiều. Thế mà không hiểu sao, những cái loa sát vách nhà bà, bà không nghe thấy, lại nghe rõ cái loa phát ra từ miệng tôi!

Tôi cười cười nói với bà:

- Thùng rỗng kêu to bác ạ!

Bà lắc đầu:

- Tao nghĩ không rỗng đâu. Tao đã hỏi chuyện với mẹ mày. Mày ham chơi, nhưng mà cũng ham học.

- Bác khen quá lời.

- Nên vì thế hôm nay tao gọi mày sang đây, nhờ tí.

- Dạ, bác cứ bảo ạ.

- Tao không biết chữ, tao nhờ mày viết hộ tao bức thư.

- Viết thư thăm ai ạ?

- Viết thư thăm Cu Yên, thằng con giai của tao đang học ở Sài Gòn.

Tôi “à” một tiếng không mấy ngạc nhiên. Cu Yên của bà, trong xóm ai cũng biết, đã lớn tồng ngồng, đang là sinh viên đại học mà lúc nào bà cũng âu yếm gọi anh là thằng Cu—Cu Yên—như khi anh còn bé; riết rồi, mọi người từ trẻ đến già, từ xóm dưới đến xóm trên, vô tình chung, xem chữ “Cu” như tiếng đệm lót vào tên anh: Anh Cu Yên hay thằng Cu Yên.

Hồi anh còn ở miền Trung, chưa du học… Sài Gòn, thỉnh thoảng, anh cũng chạy ra sân đứng nhìn chúng tôi chơi ô quan, cò cò, búng dây thun… Anh thuộc bậc đàn anh, cao chói vói, nên không giao du với đám choai choai như chúng tôi và ngược lại. Tôi chỉ nhớ thoang thoáng anh cao lớn, trắng trẻo, mũi cao như Tây, thế thôi.

- Bây giờ tao đọc mày viết nhá. Tiếng bà Bắc Hải lại cất lên. Vừa nói, bà Bắc Hải vừa mở ngăn tủ đưa tôi một tập giấy và bút. Tôi cầm lấy, kéo cái ghế xích lại gần bàn ăn, ngồì ngay ngắn chuẩn bị viết.

- Nào! Bà lên giọng.

Tôi ngước mặt nhìn bà, trông đợi. Bà ậm ự, tằng hắng. Nét mặt bà bỗng nghiêm trọng, xa xôi. Bà như đang gởi hồn vào kỷ niệm. Một lúc lâu lắm, bà mới cất tiếng:

- Nào, viết nhá, “Cu Yên ơi … hu …hu…hu…!” Bà chỉ thốt được mấy chữ rồi bà khóc òa.

Trước sự kiện như vậy, tôi ngớ người ra giương mắt nhìn bà, lòng tôi bỗng xốn xang, tiu nghỉu. Nhưng tôi không ngạc nhiên lâu trước tình mẫu tử thiêng liêng đó, vì chính tôi, khi mẹ đi chợ hơi lâu hay vắng nhà, tôi trông đứng trông ngồi, chưa thấy mẹ về, tôi thương nhớ chui xuống gầm bàn ngồi khóc.

Bây giờ nhìn bà Bắc Hải sụt sịt nước mắt nước mũi lèm nhèm vì nhớ con, tôi trang trọng cảm thông tình cảm đó, nhưng tôi không biết nói gì để an ủi bà, chỉ kiên nhẫn ngồi chờ, đợi bà khóc đã đời cho đến lúc niềm xúc cảm trong bà lắng dịu, bà đưa tay vào túi áo lấy khăn giậm mắt rồi ngước nhìn sang tôi, bà hỏi :

- Mày viết tới đâu rồi?

- Dạ, Cu Yên ơi… hu… hu… hu…!

Bà mở lớn mắt:

- Sao mày lại viết mấy tiếng… hu… hu… vào thế?

- Dạ, con thấy bác khóc, con viết mấy chữ đó vào thư để anh Cu Yên cảm động ạ.

Bà gật đầu ưng ý:

- Ừ, thế cũng được. Vậy giờ mày viết tiếp nhá.

Nói rồi, bà cất giọng. Nhưng vừa nhắc đến tên con, niềm xúc cảm lại dâng trào, bà lại khóc. Lần này bà khóc dai hơn, lâu hơn. Bà khóc mãi, khóc hoài. Nước mắt làm như không xoa dịu nổi niềm nhung nhớ ngút ngàn bấy lâu bà ấp ủ. Bà ngồi khóc mùi mẫn, quên mất tiêu sự hiện diện của tôi.

Còn tôi, từ nãy giờ, tuy đã rất thông cảm, đã kiên nhẫn ngồi đợi nhưng nhìn bà khóc như thể chưa bao giờ được khóc, không biết bao giờ dứt, trong khi ngoài kia tiếng lũ bạn reo hò từng chặp dội lại khiến tôi bắt đầu sốt ruột. Tôi ngao ngán đưa tay che miệng ngáp dài.

Đang khóc, bà Bắc Hải chợt nghe tiếng thở dài (khá to) của tôi, bà khịt mũi nín thinh, quay lại hỏi tôi:

- Mày đã viết được đến đâu rồi ?

- Dạ, cũng chỉ mấy chữ “Cu Yên ơi… hu… hu... hu…” thôi ạ.

- Thế à? Vậy giờ lại viết tiếp nhá.

Cứ thế, cái điệp khúc dạo đầu “Cu Yên ơi” của bà kèm với tiếng đệm “hu… hu…” lặp đi lặp lại mãi làm cho tôi nhàm chán. Chợt một ý nghĩ lóe lên, tôi đề nghị với bà:

- Bác ơi, hay để con tự thảo bức thư rồi đọc bác nghe nhé.

Bà lắc đầu, cao giọng:

- Không được. Như thế thì đâu còn là ý thư của tao. Để tao đọc mày viết.

Tôi uể oải cầm bút. Lần này bà đọc, bà cố nén tiếng khóc trong cổ họng nên mỗi chữ thốt ra, bà chấm câu bằng một tiếng nấc nghẹn ngào “Cu…Yên… ơi, hic hic… mẹ… mẹ, mẹ nhớ… nhớ con… con lắm! hic… hic… Còn con, con… hic hic, con… con cũng… nhớ, nhớ mẹ… chứ?... hic…hic…” Phải cả tiếng đồng hồ, tôi mới viết xong được bức thư, chỉ vài hàng, với… ý thư của bà, nội dung không ngoài thương với nhớ.

*

Những lần sau đó, mỗi khi phải qua nhà bà Bắc Hải viết và đọc thư anh Cu Yên gởi về, mẹ thường nói với tôi:



- Con qua giúp bà, sau này lớn lên, mẹ gả con cho cậu Cu Yên.

Tôi lắc đầu nguầy nguậy:

- Con không lấy chồng, con không lấy chồng. Rồi tôi nhõng nhẽo ngả đầu vào lòng mẹ, ôm choàng lấy bà, giọng nhừa nhựa:

- Con chỉ ở với mẹ thôi rồi con… đi tu!

Mẹ xô tôi ra, âu yếm dí ngón tay lên trán tôi, mắng yêu:

- Con chỉ tu hú. Đuổi đầu con đi, qua ở với bà Bắc Hải. Bà cũng đã nói chuyện với mẹ rồi đấy.

Tôi vùng vằng, giẫy nẫy:

- Con không chịu đâu, con không chịu đâu. Mẹ nói thế, thì con không qua nhà bà nữa.

Thế nhưng, đã vài năm rồi, vâng lời mẹ và cũng nghĩ thương hoàn cảnh neo đơn quạnh quẽ của bà Bắc Hải, tôi vẫn qua nhà bà tiếp tục làm công việc không mấy thích thú đó. Đã nhiều lần, để tránh sự nhàm chán phải lặp đi lặp lại những nội dung cũ rích, ngoài việc thương với nhớ, dặn dò đủ thứ ăn cho nhiều, cho khỏe, chăm học, mỗi ngày nhớ tắm, đánh răng… theo ý thư của bà, không thể thiếu ở mỗi bức thư, tôi đã viết thêm vào, không hỏi ý kiến bà, kể thêm đủ thứ chuyện vặt vãnh xảy ra quanh nhà bà, trong xóm, trong tỉnh rồi đọc cho bà nghe, thấy xuôi tai, bà cũng không phàn nàn, phản đối. Từ việc ông Cát Nhu khật khùng bất bình thường nhưng nổi tiếng chí hiếu, cả tỉnh ai cũng biết, cũng quí, thường ghé nhà bà xin nước cơm heo (đồ ăn thừa) về nuôi heo, bán heo lấy tiền nuôi mẹ bị mù. Thỉnh thoảng, ông thường bị lũ con nít chúng tôi bu quanh yêu cầu ông làm trò. Cái trò cố hữu, đưa hai ngón tay trỏ bịt vào hai lỗ tai, co một chân rồi vừa cò, vừa chạy, vừa hát… ứ… ư… Một lúc, ông đổi chân khác rồi cứ thế diễn tiếp, nhưng lần này, ông thêm kiểu bậm môi thổi gió bật ra những tiếng kêu… pịp… pịp… Ông diễn xong, chúng tôi mới chạy vào nhà xách nước cơm heo đưa ông.

Tôi còn kể cho anh Cu Yên chuyện bà Cúc điên nữa. Bà lang thang lếch thếch từ đầu trên xóm dưới thường xin cơm ăn ở nhà mẹ của anh. Bà Cúc thường bị lũ con nít chúng tôi theo chọc để được bà… rượt chơi. Vừa rồi không hiểu sao, bà điên đó mang bầu rồi đẻ em bé.

Tôi kể hết cho anh Cu Yên, nhưng không được phép trực tiếp đứng ở vị trí chủ từ mà gián tiếp qua giọng điệu của bà Bắc Hải, của mẹ trò chuyện cùng con để khỏi bị bà trách như thế là đâu còn là ý thư của bà. Ví dụ: “Hằng ngày có ông Cát Nhu khật khùng vẫn đến xin nước cơm nhà ta. Ông ấy thật chí hiếu…”, hoặc: “Cái con Cúc điên quần áo lếch thếch thế mà vừa rồi lại đẻ em bé, thật tội. Mẹ đã phải trích tí tiền mua quần áo cho con nó. Lũ con nít trong xóm hay theo chọc nó rượt…”

Những đề tài vớ vẩn, trẻ con như thế giúp tôi bớt nhàm chán, riết rồi, tôi có cảm tưởng chính tôi tâm tình với anh Cu Yên chứ không phải bà Bắc Hải.

Một lần, anh thắc mắc viết thư về hỏi mẹ: “Ai giúp mẹ viết thư thế?” Cũng chính tôi thay bà giải thích cho anh: “Cái con bé Thơ nhà bà Thành bên kia đường. Con bé thật chăm, ngoan, hiền, tội và… dễ ghét đáo để, con ạ.” Tôi viết và tự… quảng cáo tôi như thế, anh Cu Yên hiểu sao thì hiểu.

Mùa hè và tết, anh thường về thăm nhà. Có anh, bà Bắc Hải dường như—chẳng phải dường như đâu mà ràng—quên mất tiêu tôi. Thế nhưng, khi con bà vừa đi, bà nhớ con, bà sai chị Mây gọi ngay tôi sang viết thư để bà trút bầu tâm sự. Nghĩ cũng phũ phàng, nhưng tôi không buồn, còn mừng là khác vì ít ra một thời gian, tôi được tự do tung tăng chạy nhảy nô đùa với chúng bạn, thoải mái với thế giới riêng của tôi. Hơn nữa, tôi cũng thông cảm tâm trạng của bà, hai mẹ con bao ngày xa cách, thời gian gặp nhau lại có hạn, để họ quấn quít nhau cũng là điều bình thường thôi. Buồn, giận, ghen, hờn… àm gì, để mặt bí xị cho xấu người đi.

Rồi cứ thế, thời gian lặng lẽ trôi, thấm thoát mà đã hơn bốn năm trời tôi qua lại đọc và viết thư giúp bà Bắc Hải. Với tuổi tròn mười tám, tôi rời bỏ thiên đường tuổi thơ ung dung chuyển mình bước vào thế giới đầy mộng mơ của một cô thiếu nữ. Những bức thư tôi viết giúp mẹ anh ý tứ cũng người lớn hơn, không còn trẻ con vớ vẩn qua những câu chuyện của ông Cát Nhu, bà Cúc điên, mà thay vào đó khung trời mở rộng về cuối chân trời… tím, nơi có những buổi chiều đầy áng mây hồng được rọi sáng bởi tà dương e ấp bên kia đỉnh núi. Rồi thì tôi thả hồn đuổi theo những cặp chim sẻ tíu tít đuổi nhau chuyền cành từ cây phượng đang trổ bông đỏ rực trước cửa nhà anh sang cây si do ba tôi trồng trước cửa nhà tôi; một hôm xuất hiện một con rắn lục, ba tôi bắt lấy ngâm rượu mua từ rượu trắng nhà bà Bắc Hải. Tôi kể, kể hết, kể nhiều lắm.Và dường như với thời gian, anh có vẻ bị lôi cuốn, thích thú đọc thư… mẹ anh, nên thấy anh hồi âm liên tục. Và vì thế, tôi lại bận rộn giúp mẹ anh đọc và viết thư trả lời anh. Và cũng với thời gian, tôi bỗng thích thú viết thư cho anh dù là dưới vai trò của một bà mẹ!

Còn anh, dù đã biết người viết thư là con bé Thơ con bà Thành bên kia đường nó bày chuyện đủ thứ chứ mẹ anh làm gì viết được, nhưng những bức thư anh gởi về, anh không bao giờ trực tiếp viết cho tôi hay ngược lại, mà lúc nào anh cũng một điều thưa mẹ, hai điều thưa mẹ: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” và anh kể cho… mẹ anh nghe nhiều chuyện ở Sài Gòn: “Mẹ ạ, Sài Gòn, nơi con ở, mệnh danh Hòn Ngọc Viễn Đông, phố xá sầm uất, xe cộ dập dìu, có những căn nhà chọc trời ngạo nghễ bên cảng Bạch Đằng. Trên bờ, hình tượng đức thánh Trần Hưng Đạo thật lớn chỉ tay xuống sông nhắc nhớ chiến công oanh liệt hiển hách của ngài đánh đuổi quân Nguyên xâm lược. Và giữa sóng nước mênh mông tàu bè tấp nập qua lại, cũng có vài tàu đồ sộ thả neo trên bến làm nhà hàng ăn. Buổi chiều và tối tại đây, rất nhiều tài tử giai nhân quần là áo lượt, họ lả lướt dọc bờ sông, khắp phố trông đẹp mắt lắm. Thế nhưng mẹ ơi, dù Sài Gòn có là thiên đường hạ giới, trong con, con vẫn luôn nhớ về mẹ, nhớ từng con đường lối đi, nhớ không khí êm đềm tỉnh lẻ với tình láng giềng chòm xóm đậm đà khắng khít. Con nhớ cả những người bạn nhỏ dễ thương và… dễ ghét đáo để nữa...” Bốn chữ dễ ghét đáo để anh đóng trong ngoặc kép, tôi biết ngay là anh… nhớ tôi, anh nhắn khéo với tôi. Phải thế chứ, không thôi tôi giận, tôi buồn và không giúp mẹ anh viết thư thăm anh nữa.

Mùa Xuân năm đó, như thông lệ, anh về thăm gia đình, ăn tết cùng mẹ anh. Lần này, anh cố tình muốn gặp tôi. Anh nhờ chị Mây qua nhà tôi nhắn, bà Bắc Hải có quà từ Sài Gòn tặng tôi và nhờ tôi tí việc. Nghe mẹ bảo lại thế và nhất là nghe có quà, tôi chạy sang ngay.

Vẫn buổi tối khi tiệm vắng khách, vẫn sạp gụ bóng loáng nằm sau kệ tủ thấp ngăn đôi căn phòng, bà Bắc Hải vẫn lù lù ngồi đó, nhưng bên cạnh bà còn có thêm cậu con trai quí tử của bà. Thấy tôi, cả bà cùng anh mỉm cười chào. Anh đứng dậy đon đả đón tôi, kéo chiếc ghế đẩu đặt gần cạnh phản rồi mời tôi ngồi xuống. Tôi lúng túng thẹn thùng thấy rõ, mặt đỏ bừng lên, không dám nhìn thẳng anh, tảng lờ hướng mặt về phía bà Bắc Hải:

- Con chào bác. Bác gọi con có việc gì ạ?

Bà Bắc Hải lắc đầu:

- Chả có việc gì cả. Cu Yên có quà cho con và muốn gặp con. Thôi, chúng mày cứ tự nhiên trò chuyện.

Nói xong, bà ngả người nằm xuống phản, xoay lưng ra ngoài. Tôi sượng tím mặt, lấm lét nhìn sang anh, bắt gặp ánh mắt anh đang nhìn tôi chăm chú. Ôi, ánh mắt đó dịu dàng làm sao, nó không thao láo, trâng tráo như mắt con Minh, thằng Tèo, thằng Xí, con Bo… mà tôi hằng thấy mỗi ngày. Ánh mắt anh sâu thẳm lạ lùng, như cơn xoáy cuốn tôi và nhận chìm tôi xuống lòng biển sâu. Tôi chới với, ngụp lặn, chao đảo, bủn rủn, mềm nhũn, tê liệt… và trái tim tôi thì đập loạn xạ. Cảm giác quái lạ này tôi chưa từng có trong đời. Tự nhiên tôi giận lấy tôi, sao để mất chính mình. Cái vẻ tinh nghịch, hiếu động, ranh mãnh thường ngày giờ để đâu?!

- Anh có quà cho Thơ.

Tiếng của anh Cu Yên cất lên thật âu yếm nhẹ nhàng, cùng lúc anh mở hộc tủ lấy ra một hộp giấy nhỏ được gói cẩn thận đẹp đẽ trên có gắn một cái nơ hồng. Anh cầm đưa cho tôi, tiện dịp, anh luồn bàn tay xuống dưới hộp giấy nắm lấy tay tôi. Eo ơi, trời ơi, tôi giật bấn người như bị điện giật, vội rút nhanh tay về rồi ngồi run như cầy sấy. Cũng may, từ nãy giờ, bà Bắc Hải vẫn nằm xoay lưng lại nên không thấy mọi diễn biến xảy ra xung quanh bà, nhưng tôi vẫn thấy ngượng, miệng lắp bắp:

- Thơ… Thơ… Thơ cám ơn quà… quà của anh.

Nói được bấy nhiêu chữ, tôi cầm quà định chạy về, nhưng không hiểu sao có cái gì đó cứ cột chân tôi ở lại, dán dính tôi trên chiếc ghế.

- Anh cám ơn Thơ mới phải. Thơ đã tốn nhiều công sức, thời gian viết thư cho anh.

Dzô dziên chưa, câu nói đó tự nhiên chạm tự ái trong tôi. Nếu có ai nghe được, có phải tôi là đứa con gái hư “học cho biết chữ để viết thư cho… giai.” Đang vui trong lòng, tôi bỗng xấu hổ cúi gằm mặt xuống, lầm lì. Tôi hơi… giận anh rồi đó, vội đứng phắt dậy, không quên cầm theo quà, chạy về nhà. Vừa chạy, tôi vừa quay đầu lại nhìn anh, nói:

- Đâu có, đâu có. Đấy chỉ là những bức thư của… mẹ anh!

Anh Cu Yên chỉ mỉm cười, nhìn vói theo, vẫn ánh mắt mê hồn, cho đến lúc tôi khuất khỏi cửa nhà anh.

Ra tới đường, lạng quạng thế nào, tôi đâm xầm vào một xe xích lô. Gói quà văng khỏi tay. Lồm cồm ngồi dậy… lượm quà, tôi còn nghe ông xích lô mắng:

- Đi đâu mà quáng mắt… gà như vậy hả con nhỏ kia?

Tôi chả nói, chả rằng, lầm lũi chạy ù về nhà, vào buồng đóng cửa lại, tôi còn nghe tim tôi đập loạn xạ. Ôi, một bản tình ca đầu đời, nó làm tâm hồn tôi bần thần bấn loạn với những cảm giác thật lạ.

Tôi nhìn gói quà, tò mò mở ra xem. Một chiếc khăn quàng cổ bằng lụa, thật mềm, màu hồng nhạt điểm lấm tấm những đóa hoa trắng nhỏ li ti. Tôi mân mê một lúc rồi thử quấn quanh cổ, soi mình trong gương và mỉm cười sung sướng.

Tôi nhớ lại ánh mắt anh, khuôn mặt anh. Ôi chao, cái dung nhan “cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai” ngày nào đâu xa lạ gì với tôi. Từ bé, tôi đã từng nhìn thấy, sao bây giờ mới… len lén đi vào hồn tôi một cách lạ lùng như thế. Anh ngự trị trong tôi, như vị vua đi trên thảm đỏ bước đến ngai vàng trong cung điện trái tim tôi. Và anh ngồi lì nơi đó.Vạn tuế!

Sau tết, anh Cu Yên trở vô Sài Gòn. Anh viết thư ngay về thăm… mẹ anh. Kèm với bức thư lần này, anh còn viết một bức dành riêng cho tôi: “Thơ mến, từ bé, gặp em đã nhiều lần, nhưng chưa lần nào anh thấy em… dễ ghét đáo để như lần này, người con gái tỉnh lẻ duyên dáng với những nét e ấp, thẹn thùng mà ở Sài Gòn, từng tiếp xúc với nhiều giai nhân anh hiếm khi may mắn tìm thấy. Từng là mọt sách, nhưng không phải vì thế mà anh chịu tuân thủ tục ngữ Việt Nam ‘ta về ta tắm ao ta, dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn.’ Em không hơn họ nhờ ở cái “ao nhà,” mà em cũng “không đục” để cho anh tự an ủi dù này, dù khác. Trái lại, ở em, anh tìm thấy em và tâm hồn em trong sáng như tờ giấy trắng mà anh muốn viết vào đó ba chữ “ANH YÊU EM”. Đọc xong, tôi… rợn người, rùng mình. Tôi vừa vui, vừa sợ. Sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi cất kỹ thư anh dưới đáy tủ quần áo, và thỉnh thoảng dấu mẹ, dấu các chị len lén mở ra coi. Rồi tôi trả lời anh, nhưng vẫn với tư cách cố hữu của một người mẹ gởi thư cho con. Tôi không viết riêng cho anh, lý do đơn giản, tôi sợ mang tiếng “con gái học biết chữ chỉ để viết thư cho… giai,” và nhất là sợ con “giai” đem thư của tôi bêu riếu lấy le như tôi đã từng thấy từ nạn nhân những bạn tôi. Tuy nhiên, để đáp lại tình anh, cũng như thâm tâm, tôi cũng muốn… viết thư cho giai, tôi đã bóng gió mượn lời mẹ anh, nồng nàn bày tỏ lòng tôi: “Cái Thơ rất sung sướng nhận quà của con. Con bé quấn khăn đó mỗi ngày, cả lúc mưa lạnh cũng như khi trời nóng nực! Chiếc khăn đẹp quá và nó rất trân quí. Thơ cám ơn con thật nhiều. Hè này, con nhớ về thăm nó. Nó mong. Và con cũng đừng quên… quà Sài Gòn tặng nó!” Viết xong, tôi cười. Khi đọc lại cho bà Bắc Hải nghe, tôi dấu phần vòi quà và tỏ lòng mong đợi của tôi.

Thế nhưng, mùa hè năm đó anh không về. Anh bận thi tốt nghiệp ra trường cần nhiều thời gian ráo riết cho bài vở. Còn tôi, tôi cũng bận rộn cho cuộc thi Tú Tài phần một sắp tới. Những bức thư thưa dần, chậm dần. Nhưng hình ảnh anh vẫn lảng vảng ngự trị đâu đó trong một góc trái tim tôi.
*
Cuối năm đó tôi lấy chồng. Tôi lên xe hoa về nhà chồng giữa khi tôi chưa kịp lớn, giữa khi tôi vẫn cắp sách đến trường. Mẹ đã chẳng cho tôi “chỉ ở với mẹ thôi rồi đi tu” như hồi bé tôi từng nói với mẹ. Mẹ… đuổi đầu tôi ra khỏi nhà khi có người đặt vấn đề muốn… rước tôi. Mẹ nói:

- Nhà có một rổ con gái (năm cô) như chứa những trái mìn chưa nổ. Tống được đứa nào mẹ mừng đứa đó.

Tôi hỏi mẹ:

- Mẹ sợ mìn như thế, sao mẹ lại đẩy mìn sang nhà người ta?

Mẹ thản nhiên trả lời:

- Ở nhà mình thì nó là mìn chết người. Sang nhà người ta nó trở thành… pháo bông con ạ.

Tôi cười:

- Mẹ chế chất nổ hay thật, tài tình hơn cả các nhà khoa học thời nay đấy.

Lý sự với mẹ cho vui vậy thôi, chứ tôi hiểu nỗi lo lắng của mẹ và tôi vâng lời mẹ khăn gói về nhà chồng. Nhưng tôi không về nhà anh Cu Yên với bà Bắc Hải, tôi về nhà người không cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai như anh Cu Yên, mà là người có cơ hội cũng đi lại thân quen với bố mẹ tôi và ở gần bên tôi suốt thời gian từ lúc tôi mười ba cho đến mười tám tuổi. Tình gần vẫn hơn tình xa mà. Và nhất là, chàng không “lửng lơ con cá vàng” như anh Cu Yên; trái lại, chàng biết “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thật vững chắc đến… đám cưới” để thực hiện câu ca dao, phương châm khuyên bảo người đời: “Cưới vợ phải cưới liền tay, chớ để lâu ngày… người khác rước đi!” thế thôi.

Và bây giờ, hình ảnh anh Cu Yên đã phai mờ, như vị vua bị truất phế mất ngai vàng, không còn mảy may nào, vị trí nào dù nhỏ nhoi nhất trong cung điện trái tim tôi. Tất cả đã đi vào… lịch sử, tôi nôm na gọi là “lịch sử của tình yêu!”







Thơ LÝ THỪA NGHIỆP

1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương