NHỮng vưỚng mắc trong việc nâng cao chất lưỢng dạy tiếng anh


Về điều kiện cơ sở vật chất nhà trường



tải về 0.57 Mb.
trang20/21
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích0.57 Mb.
#36700
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21

5.5. Về điều kiện cơ sở vật chất nhà trường


Không thể nào học giỏi ngoại ngữ chỉ bằng con đường lên lớp học với giáo viên với thời lượng mỗi tuần 3 hoặc thậm chí 5 tiết. Đó là kết luận được rút ra từ những nghiên cứu về quá trình học ngôn ngữ thứ hai (Lightbown, 2000; Littlewood, 2004). Để học ngoại ngữ thành công cần có ba điều kiện tiên quyết. Một là, người học được tiếp xúc thật nhiều với ngôn ngữ đang học bằng con đường nghe và đọc (rich input). Hai là, người học có điều kiện sử dụng vốn ngoại ngữ của mình để trao đổi thông tin với người có trình độ ngoại ngữ cao hơn mình (interaction). Ba là, người học có nhiều cơ hội để nói và viết bằng ngoại ngữ (output). Trong ba điều kiện trên đây, tiếp xúc với ngoài bằng con đường nghe và đọc là điều kiện cần, cơ hội để sử dụng ngoại ngữ trao đổi thông tin với người có trình độ giỏi hơn là phương tiện để người học xử lý và lĩnh hội những kiến thức mới của ngoại ngữ đang học và cơ hội để nói và viết là điều kiện để giúp người học phát triển kiến thức ngôn ngữ đã lĩnh hội được thành kỹ năng (Lightbown & Spada, 2006). Để có được ba điều kiện này trong bối cảnh trường trung học phổ thông hiện nay, mỗi nhà trường cần quan tâm đến việc trang bị nguồn sách đọc thêm bằng tiếng Anh, các băng hình, băng tiếng, truy cập internet cho học sinh và tổ chức các hoạt động ngoại khóa thường xuyên.

Khuyến nghị 4: Mỗi trường trung học phổ thông cần có một “Góc Tiếng Anh” (English Corner) trong thư viện nhà trường. Cần có những nguồn đầu tư cho các tài liệu đọc thêm bằng tiếng Anh và tài liệu nghe-nhìn cho học sinh. Những tài liệu này không phải chỉ là những sách bổ trợ hay bài tập nâng cao được xuất bản với mục đích thương mại ít có giá trị học thuật mà là những sách truyện vui, truyện khoa học, sách tham khảo được viết bằng ngôn ngữ phù hợp với trình độ học sinh. Ngoài ra mỗi trường cần được cấp kinh phí để cho học sinh được truy cập internet, đặc biệt là được lắp đạt truyền hình cáp để học sinh được xem các chương trình bằng tiếng Anh. Góc tiếng Anh trong thu viện phải do một giáo viên tiếng Anh được đào tạo về phương pháp tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh phụ trách. Người phụ trách này sẽ là người quản lý và hướng dẫn phương pháp tự học bằng những công cụ trên đây cho học sinh đồng thời là người chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động ngoại khóa sử dụng tiếng Anh cho học sinh trong trường. Các hoạt động ngoại khóa phải được thường xuyên đổi mới, tránh hình thức nặng nề như cách làm truyền thống.

5.6. Kết luận


Trong chương này chúng tôi đã trình bày bốn kết luận chính được rút ra từ kết quả của nghiên cứu này liên quan đến những vướng mắc về chất lượng dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông trung học. Đó là những vướng mắc liên quan đến người học bao gồm thái độ, hứng thú và động lực cũng như phương pháp học tập của người học, những vướng mắc liên quan đến người dạy bao gồm trình độ kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm và điều kiện làm việc của giáo viên. Cuối cùng là những vướng mắc liên quan đến điều kiện phục vụ dạy và học tiếng Anh ở trường trung học phổ thông bao gồm môi trường tiếng và các thiết bị phục vụ học tập, đặc biệt phục vụ công tác tự học của học sinh. Chúng tôi cũng trình bày ý kiến phân tích của chúng tôi về bốn vấn đề đó trên cớ sở của lý thuyết về quá trình học ngôn ngữ thứ hai cũng như những quan điểm hiện nay về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và phương pháp giảng dạy ngoại ngữ. Trên cơ sở của những phân tích đó, chúng tôi đưa ra bốn khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong điều kiện văn hóa, xã hội và kinh tế của trường trung học phổ thông Việt Nam.

Như đã nói ở phần đầu chương này, những kiến nghị chúng tôi đưa ra trong chương này chỉ mang tính gợi ý xuất phát từ kết quả nghiên cứu và cơ sở lý thuyết hiện hành. Để các khuyến nghị này đi vào đời sống nhà trường cần có những thực nghiệm thí điểm. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng đây sẽ là những đề xuất mang tính nền tảng để từ đó chúng ta tiếp tục nghiên cứu xây dựng một mô hình dạy và học ngoại ngữ phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cần ưu tiên tập trung đầu tư cho nghiên cứu để xây dựng mô hình dạy học này còn nếu cứ “nhập khẩu” phương pháp hay mô hình dạy tiếng Anh của các nước Âu-Mỹ thì chắc chắn tình hình sẽ không cải thiện được.


Chương 6

KẾT LUẬN


Hình ảnh đặc trưng của một trường trung học phổ thông ở vùng nông thôn của Việt Nam là trường tọa lạc trên một khu đất xung quanh là khu dân cư và một cánh đồng lúa. Trường thường nằm bên trục đường giao thông chính, xe cộ qua lại luc nào cũng đông. Mỗi lớp học có từ 45 đến 50 học sinh được ngồi theo hai dãy bàn, mỗi dãy có 6 bàn. Từ 4 đến 5 học sinh ngồi chung một dãy bàn. Giữa hai dãy bàn là lối đi lại của giáo viên. Trên tường phía trước mặt học sinh là hai yêu cầu được viết to bằng chữ đỏ: HỌC TỐT, DẠY TỐT hoặc IM LẶNG, TRẬT TỰ, mỗi yêu cầu được viết ở một bên. Mỗi lớp được trang bị hai quạt trần. Học sinh phải đi trung bình là 3km bằng xe đạp đến trường. Sau khi tan trường, học sinh ai về nhà ấy và buổi chiều ra đồng giúp bố mẹ làm ruộng hoặc ở nhà làm việc nhà.

Giáo viên đến trường bằng xe máy, có giờ thì đến không có giờ thì thôi. Trước khi đi dạy nhiều giáo viên nữ đã phải lo cho chồng con ăn sáng xong, đi chợ mua thức ăn cho bữa trưa của gia đình. Mỗi khi không có giờ thì hoặc dạy thêm hoặc tìm công việc khác để có thêm thu nhập cho gia đình. Đồng lương không đủ để trang trải bao nhiêu chuyện chi tiêu trong gia đình và chi cho các mục đích xã giao. Trên giá sách trong nhà là một vài quyển sách giáo khoa tiếng Anh, mấy quyển bài tập dùng để luyện thi hay ra đề kiểm tra hay dạy thêm, một vài quyển sách ngữ pháp và một quyển từ điển nho nhỏ. Công việc buổi tối là soạn bài, chấm bài cho học sinh và làm các công việc sổ sách theo quy định của Nhà nước. Từ khi ra trường cho đến lúc về hưu hầu như chỉ được nghe học trò nói tiếng Anh trên lớp.

Trong cộng đồng dân cư từ thầy cô đến học trò có khi cả đời chẳng nhìn thấy ông tây bà đầm nào đến vùng quê mình cả. Những cơ hội được tiếp xúc với tiếng Anh chỉ là thoáng qua mỗi khi nghe các bài hát tiếng Anh, hay đọc các quảng cáo, nhãn mác giới thiệu sản phẩm của nước ngoài. Internet đã về đến vùng quê và nhiều gia đình cũng có thể truy cập tại nhà, nhưng thời gian đâu để sử dụng internet vào việc học tiếng Anh. Giáo viên thì bận nhiều việc còn học sinh thì còn phải lo một núi bài tập của các môn học khác. Sức ép học hành đối với học sinh được thể hiện trong những câu thơ dân gian phổ biến trong học sinh dưới đây:

“Sống trong Toán, chết vùi trong Lý

Những trái tim thấy Hóa kinh hoàng

Đêm mơ Văn lệ nhỏ hai hàng

Ngày Sử, Địa chập chờn ám ảnh

Anh Văn: Thức triền miên đêm lạnh

Ngập đầu Sinh, nhụt chí anh hùng”

Dẫu quan trọng đến mấy thì tiếng Anh cũng chỉ là một môn học trong nhiều môn. Dẫu tiếng Anh có cần thiết cho tương lai đến mức nào đi nữa thì đấy cũng chưa phải là nhu cầu trước mắt. Trước mắt là thi tốt nghiệp và vào đại học. Nếu đỗ đại học thì còn có cơ dùng đến tiếng Anh, còn nếu không phỏng tiếng Anh có ích gì. Phải chăng tất cả học sinh của chúng ta đều cần và muốn học tiếng Anh? Phải chăng tất cả học sinh của chúng ta đều cần có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh? Phải chăng tất cả học sinh của chúng ta đều mong muốn được học nói, nghe, đọc, viết bằng tiếng Anh? Những lý thuyết của Ngôn ngữ học ứng dụng, những phương pháp dạy tiếng Anh giao tiếp được phát triển bên trời Tây sẽ giúp ích được gì cho hiệu quả dạy và học tiếng Anh ở trường trung học phổ thông của nước ta? Vận dụng những lý thuyết, những mô hình dạy tiếng Anh của phương tây vào điều kiện nhà trường phổ thông như thế nào để đạt hiệu quả mong muốn? Tất cả những câu hỏi đó cần được suy nghĩ nghiêm túc và chỉ có thể trả lời bằng các chứng cứ khoa học để chúng ta xác định được những mục tiêu thực tế có thể đạt được. Lý tưởng hóa học sinh, lý tưởng hóa điều kiện dạy và học hay chúng ta phải sống với những thực tế của cuộc sống?

Ngay từ những năm 1960, Michael West trong cuốn sách The Teaching of English in Difficult Circumstances (Longman 1960) đã nói hết tất cả những khó khăn của việc dạy tiếng Anh trong một môi trường giáo dục tương tự như các trường trung học phổ thông miền quê của chúng ta và đưa ra những giải pháp rất thực tiễn.Gần đây nhất, bài báo của Paolo Toledo “A Modest Proposal Revisited: Teaching English in the Real World” đăng trên số đặc biệt của Tạp chí IATEFL cũng đã nêu lên những vấn đề tương tự. Tiếc rằng chúng ta quá ư bị cuốn hút vào những gì lý tưởng để rồi quên mất hiện thực.

Chất lượng dạy và học tiếng Anh ở phổ thông trung học vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra và cũng chưa đáp ứng được mong đợi của xã hội. Dư luận xã hội có phần bức xúc với thực trạng này. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn vào một thức tế là hầu hết các quốc gia châu Á đều chưa thành công trong việc dạy tiếng Anh ở phổ thông. Điều này đã được đề cập ở Chương 2 trong nghiên cứu này. Trong ba quốc gia được nêu trong Chương 2 là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc tất cả đều có sức mạnh về kinh tế tốt hơn chúng ta rất nhiều. Họ đầu tư nhiều hơn nhưng kết quả cũng không hơn gì chúng ta. Nhìn thất thực tế này không phải để tự an ủi hay ru ngủ chúng ta mà để chúng ta bình tình hơn trong nỗ lực đi tìm nguyên nhân hay những vướng mắc về chất lượng dạy và học tiếng Anh ở trường trung học phổ thông nước ta.

Vấn đề chất lượng dạy và học tiếng Anh là một vấn đề phức tạp do vậy không thể giải quyết bằng những giải pháp đơn giản như thay đổi sách giáo khoa, tập huấn giáo viên dạy theo phương pháp mới một cách chiếu lệ, triển khai dạy tiếng Anh từ tiểu học, hay tăng số giờ dạy tiếng Anh một cách cơ học. Giải quyết vấn đề này phải cần đến những giải pháp giáo dục đồng bộ chứ không thể hoàn toàn dựa vào những giải pháp thuần túy liên quan đến dạy tiếng Anh. Với thực trạng dạy và học ngoại ngữ như hiện nay, dù giáo viên dạy giỏi đến đâu và học sinh chăm học đến đâu cũng không mang lại kết quả mong muốn vì chưa có ai học giỏi ngoại ngữ chỉ với mấy quyển sách giáo khoa. Không có tài liệu đọc thêm, không có cơ hội để sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong khi đó giờ học lại dàn trải như hiện nay thì việc học sinh không biết gì về tiếng Anh là không tránh khỏi. Kết quả nghiên cứu này cho ta thấy một phần những vướng mắc trong việc dạy và học tiếng Anh ở phổ thông. Để tháo gỡ những vướng mắc đó, có nhiều việc phải làm nhưng có lẽ những khuyến nghị trên đây là những biện pháp cơ bản và hoàn toàn có thể thực hiện được mà không cần phải có nhiều đầu tư lắm về tiền của. Giải pháp của Michael West đưa ra từ những năm 1930 hôm nay vẫn được nhiều quốc gia xem xét nghiêm túc kể cả những quốc gia dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai như Hoa Kỳ đó là tăng cường việc đọc tiếng Anh vào mục đích giải trí bên ngoài lớp học (extensive reading).

Nghiên cứu này gần như là một trong số rất ít những nghiên cứu dựa trên số liệu về những yếu tố tác động đến chất lượng dạy tiếng Anh ở trường trung học phổ thông và đương nhiên nó có những hạn chế không tránh khỏi. Một là, đối tượng khảo sát còn ít, chỉ tập trung ở ba trường trung học phổ thông. Mặc dù tất cả các trường này có nhiều nét tương đồng với đại đa số các trường trung học phổ thông ở vùng nông thôn đồng bằng ở Việt Nam, những kết quả trong nghiên cứu này không nhằm để khái quát chung cho tất cả các trường. Muốn có một bức tranh đầy đủ hơn cần có những nghiên cứu ở quy mô lớn trên tất cả các khu vực địa lý: thành thị, nông thôn, miền núi, vùng xa, vùng sâu và ở cả hai cấp trung học sơ sở và trung học phổ thông. Hạn chế thứ hai của nghiên cứu này là chưa tìm hiểu được mức độ phù hợp của sách giáo khoa với nhu cầu sử dụng tiếng Anh của học sinh trung học phổ thông. Cần tiến hành những nghiên cứu với mục đích tìm hiểu nhu cầu chung về học tiếng Anh của học sinh để xác định rõ nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Anh của các em có không và nếu có thì đó là những nhu cầu gì. Trên cơ sở đó tiến hành phân tích, đánh giá sách giáo khoa và mục tiêu của chương trình cũng như phương pháp giảng dạy do chương trình đề ra phù hợp đến mức nào.

Mặc dù còn hai hạn chế chính trên đây, chúng tôi hy vọng những thông tin từ nghiên cứu này sẽ hữu ích phần nào đối với các nhà quản lý, những nhà chuyên môn làm công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cũng như giáo viên các trường trung học phổ thông. Hy vọng sau nghiên cứu này sẽ có nhiều nghiên cứu định tính tìm hiểu sâu hơn vấn đề này. Có lẽ đã đến lúc ngành giáo dục nước ta, cụ thể là những nhà hoạch định chính sách giáo dục trong đó có giáo dục ngoại ngữ cần phải dựa vào số liệu của những nghiên cứu nghiêm túc có chất lượng để đưa ra chính sách mới về giáo dục, tránh cách làm giáo điều, duy ý chí như hiện nay. Điều kiện dạy và học tiếng Anh ở các trường trung học phổ thông khác xa với những điều kiện lý tưởng được các nhà ngôn ngữ học ứng dụng mặc nhiên thừa nhận. Do vậy, cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu tìm ra được một mô hình dạy tiếng Anh thực sự có hiệu quả đối với thực tế phổ thông Việt Nam hơn là sao chép các mô hình của nước ngoài. Mô hình đó phải tính đến thực tiễn giáo dục nói chung của nước ta chứ không nên nhìn một cách hạn hẹp trong lĩnh vực dạy và học tiếng Anh.




tải về 0.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương