Nghĩa vụ BẢo vệ BỜ CÕi việt nam kỹ Sư Nguyễn Đình Sài



tải về 208.2 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích208.2 Kb.
#29672
1   2   3

Phần Hai : Phân Tích


 

I. Các cuộc nhượng bộ của Hà Nội đối với Bắc Kinh

Viết về các cuộc thương thảo giữa Bắc Kinh và Hà Nội không đơn giản và dễ dàng. Lý do chính là Hà Nội giữ nội dung các cuộc thương thảo vô cùng bí mật. Ðảng CSVN lúc nào cũng tự xem là đại diện nhân dân, nhưng không bao giờ hỏi ý hay báo cáo cho nhân dân được rõ. Các tài liệu, vì thế phần lớn được sưu tầm từ báo chí quốc tế hay thư khố Trung Quốc. Ta có thể suy đoán rằng đảng CSVN phạm nhiều trọng tội đối với nhân dân nên phải triệt để dấu kín những gì đã thỏa thuận đối với Trung Quốc. Ðiều này sẽ được trưng dẫn trong phần này. Tuy nhiên, trước hết ta hãy tìm hiểu về những nguyên nhân bề mặt cũng như bề trái của Trung Quốc khi xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam.



1- Tham vọng bá quyền của Trung Quốc

Bành trướng biên giới lãnh thổ

Khi cử đại quân xâm lấn bờ cõi Việt Nam, Bắc Kinh đã đưa ra một số lý do mà họ cho là "tự vệ chính đáng", như sau :

* Cảnh cáo Hà Nội không được nuôi tham vọng thôn tính Lào và Campuchia. Vào thời gian đó đảng CSVN đã cho quân tràn sang đánh đuổi Polpot, thủ lãnh Khemer Ðỏ thân Trung Cộng nói là để cứu dân campuchia khỏi nạn diệt chủng. Ở Lào, CSVN cũng đã thiết lập một chính phủ thân Hà Nội. Ðối với Bắc Kinh, thế liên hiệp ba nước Việt Miên Lào có nguy cơ trở thành liên bang Ðông Dương sẽ ngăn chặn mộng bá quyền của Trung Quốc về phía nam.

* Phá vỡ thế liên hiệp hỗ tương giữa Liên Sô và Việt Nam. Ngày 3 tháng 11, 1978, Moscow và Hà Nội ký hiệp ước quốc phòng, mở đầu cho sự hiện hữu thường trực của quân đội Soviet Union (Liên Sô) tại hải cảng Cam Ranh. Theo tài liệu chính phủ Mỹ, bắt đầu từ tháng 9-1978, Liên Sô bắt đầu gia tăng việc chuyên chở vũ khí cho Việt Nam cả đường biển lẫn đường bay (Bruce Elleman, "Sino-Soviet Relations" 20 April 1996.) Ðây là thế gọng kềm chiến lược mà Bắc Kinh rất lo sợ. Trong khi đó cuộc tranh chấp biên giới giữa Liên Sô và Trung Quốc vào cuối thập niên 60 càng ngày càng thêm căng thẳng. Như vậy, cuộc xâm lấn biên thùy Việt Nam của Trung Quốc còn có hai mục tiêu chiến lược. Một là biểu thị cho Hà Nội thấy rằng "sự cam kết của Soviet trong việc bảo đảm yểm trợ quân sự cho Việt Nam" chỉ là một điều không tưởng. Hai là giải đáp bài toán cân não : Soviet có thật sự là một siêu cường đáng sợ không, hay chỉ là một con gấu giấy "paper polar bear". Ðiều đáng lưu ý là : Sau cuộc lấn chiếm biên giới Việt Nam từ 15 tháng 2 đến 4 tháng 3, 1979, gần một tháng sau, ngày 3 tháng 4, Bắc Kinh tuyên bố chấm dứt Hiệp ước Liên Sô - Trung Quốc ký năm 1950 về Hữu Nghị, Liên Minh, và Hỗ Tương giữa hai nước.

* Cảnh cáo Hà Nội áp dụng chính sách "kỳ thị" với người Hoa Kiều sinh sống lâu đời tại Việt Nam như ở Chợ Lớn, Hải Phòng, v.v..., Từ đầu năm 1978, trên nửa triệu người Việt gốc Hoa đã phải ra đi "vượt biên bán chính thức", để lại nhà cửa, gia tài, của cải cho đảng viên cao cấp đảng CSVN thu gom và chia chác.

Tuy nhiên, những lý do "tự vệ" hay "công đạo" mà Trung Quốc nêu ra chỉ là vỏ bọc của một âm mưu thâm độc, và cuộc lấn chiếm biên thùy Việt Nam chỉ là bước đầu của một kế hoạch "Ðại Trung Quốc" mà Bắc Kinh bắt đầu theo đuổi từ thập niên 50.



Năm 1950, một năm sau ngày dành được đất nước từ tay Tưởng Giới Thạch và Trung Hoa Quốc Dân Ðảng để chính thức thành lập nước Trung Hoa Cộng Hòa Nhân Dân Quốc, Trung Quốc đã công bố một bản đồ rộng lớn (hình 15 : "Paracels Forum", Muzi Daily News, 6/26/01), bao trùm một phần lớn các quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc như : (tính từ Tây bắc theo chiều kim đồng hồ) Mongolia, East Russia, Ðại Hàn, Việt Nam, Lào, Miên, Thái Lan, Tây Tạng, Miến Ðiện, Bhutan, Nepal, một phần nhỏ của Ấn Ðộ, Pakistan, và Kyrgyzstan. Ðây là một sự kiện chưa hề được ghi lại trong tài liệu thư khố ở bất cứ quốc gia tây phương nào. Bắc Kinh chỉ tuyên bố mơ hồ rằng biên giới và lãnh hải này có từ thời nhà Hán (khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên).



Bành trướng lãnh hải

Theo bản đồ với những ghi chú bằng chữ Trung Hoa, thì Trung Quốc không những dành chủ quyền cả các biển tiếp giáp với Trung Quốc như Korea Bay, Yellow Sea (bắc Thượng Hải), East China Sea (Bao gồm Ðài Loan), South China Sea (Biển Ðông của Việt Nam), mà còn lấn sang cả Vịnh Thái Lan, và một phần của Ấn Ðộ Dương nữa.



Trong một tài liệu khác (hình 16) từ U.S. International Institute for Strategic Studies (IISS - FAS, January 30, 2000), Mao Trạch Ðông đã chỉ thị cho Chu Ân Lai ra tuyên cáo xác nhận chủ quyền trên toàn thể "Nanhai" là "nội hải", và hai quần đảo "Xisha" và "Nansa" là lãnh thổ của Trung Quốc. Hình 17 là bản đồ chín gạch do Bắc Kinh phổ biến.



Mặt khác, cũng theo thống kê của IISS, Trung Quốc đang nuôi dưỡng một đạo quân gần 3 triệu người. Với một lực lượng hùng hậu như vậy, cộng thêm tham vọng bành trướng lãnh thổ bằng vũ lực, Trung Quốc là mối đe dọa sinh tử hàng đầu cho các nước trong vùng Ðông Nam Á, nhất là Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc theo chiến lược lấy sức mạnh để uy hiếp từng nước yếu, chỉ chịu thương thuyết song phương mà không chịu thương thuyết đa phương, không để các nước đưa Trung Quốc vào thế "mãnh hổ nan địch quần hồ."

Trong khi đó, đảng CSVN đã đối phó như thế nào trong các vụ thương thảo với Trung Quốc từ trước đến nay ? Họ đã "đối phó" bằng cách nhượng bộ tiên tục để trục lợi và củng cố thế lực của đảng. Ðây là vấn đề sẽ được phân tích kế tiếp.

2- Những nhượng bộ của Hà Nội

Nhượng bộ quần đảo Hoàng Sa

Năm 1974, khi Trung Cộng tiến chiếm Hoàng Sa và VNCH chống trả mãnh liệt, thì Hà Nội hoàn toàn im lặng.

Năm 1975, VNCH ban hành bạch thư và tuyên cáo xác nhận chủ quyền trên hai quần đảo với quyết tâm bảo vệ bờ cõi. Bản tuyên cáo có đoạn mở đầu như sau :

"Bổn phận cao cả và cấp bách nhất của một chính phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập, và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa quyết tâm thi hành bổn phận này, mặc cho bao khó khăn gặp phải và mặc cho những trở ngại đến bất cứ từ đâu.

Ðối diện với cuộc lấn chiếm bằng vũ lực bất hợp pháp của Trung Cộng trên quần đảo Hoàng Sa, một phần của lãnh thổ nước Việt Nam Cộng Hoà, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần tuyên cáo trước dư luận thế giới, bạn cũng như thù, rằng :

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần bất khả phân của nước VNCH. Chính phủ VNCH sẽ không nhượng bộ trước vũ lực và chịu mất chủ quyền trên các quần đảo này."

("The noblest and most imperative task of a Government is to defend the sovereignty, independence and territorial integrity of the Nation. The Government of the Republic of Vietnam is determined to carry out this task, regardless of difficulties it may encounter and regardless of unfounded objections wherever they may come from.

In the face of the illegal military occupation by Communist China of the Paracels Archipelago which is an integral part of the Republic of Vietnam, the Government of the Republic of Vietnam deems it necessary to solemnly declare before world opinion, to friends and foes alike, that :

The Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) archipelagoes are an indivisible part of the territory of the Republic of Vietnam. The Government and People of the Republic of Vietnam shall not yield to force and renounce all or part of their sovereignty over those archipelagoes.")

Trong khi đó, Hà Nội vẫn giữ thái độ im lặng, vì Hà Nội đã có quá nhiều thương lượng và nhượng bộ bí mật từ trước, mãi sau này mới lộ ra.

Những nhượng bộ của đảng CSVN đối với Trung Quốc có thể được truy nguyên từ lòng ham muốn "thống nhất lãnh thổ" của đảng từ năm 1950, khi hai nước Trung Quốc và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ký hiệp ước hữu nghị và hỗ tương. Từ đó đến 1975, Bắc Kinh đã viện trợ cho Hà Nội trên 20 tỷ Mỹ Kim (King C. Chen, Chiana's War with Vietnam). Ðương nhiên, Hà Nội phải trả nợ bằng cách này hay cách khác. Tiền và tài nguyên không có để trả thì phải trả bằng lãnh hải và lãnh thổ, nhất là lãnh thổ đang nằm trong vòng kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa.

Dấu hiệu khởi đầu của hành động "trả nợ" này là văn thư nhượng đảo và nhượng biển của Thủ Tướng VNDCCH Phạm Văn Ðồng, ký ngày 14-9-58, để đáp ứng với bản tuyên bố về lãnh hải và "bản đồ chín gạch" (the nine dash map - hình 17) của Trung Quốc ban hành 10 ngày trước đó, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một lãnh hải bao bọc gần hết bờ biển Việt Nam, lan ra tận Phi Luật Tân, chạy dài xuống tận bờ biển Nam Dương, Mã Lai. Ðọc câu đầu của văn thư Phạm Văn Ðồng gởi cho Chu Ân Lai (hình 18) "Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc." Người ta thấy ngay đã có sự thương thảo và thỏa thuận bí mật giữa Bắc Kinh và Hà Nội từ nhiều ngày trước, và sự di nhượng đất nước Việt Nam phát nguyên từ tham vọng thống nhất đất nước của Ðảng CSVN.



Nhượng bộ biên giới Hoa Việt 1979

Như các phần trên đã trình bày, trận xâm chiến của Trung Quốc vào biên giới phát nguyên từ nhiều nguyên do, trong đó, tham vọng lấn chiếm và thôn tính các nước láng giềng là động cơ thầm kín còn mục tiêu phá vỡ hiệp ước liên kết của Liên Sô - Việt Nam ký vào năm 1978 là lý do bên ngoài. Dĩ nhiên, vì đã lỡ chọn theo Liên Sô và trở thành kẻ thù của Trung Quốc, Hà Nội phải kháng cự vì sự sống còn của chế độ, chứ không phải để bảo toàn đất nước. Bằng cớ CSVN xem nhẹ về sự vẹn toàn lãnh thổ được nêu lên bằng một chuỗi thảo luận và tương nhượng sau khi Trung Cộng rút quân về.

Kết quả sau 15 lần thương thảo là việc CSVN thỏa thuận nhường cho Trung Quốc 720 km vuông ở vùng Lạng Sơn mà nhiều cán bộ CSVN trong nước đã tố cáo lãnh đạo đảng. Nhưng diện tích này chỉ tính ở biên giới Nam Quan vùng Ðồng Ðăng tỉnh Lạng Sơn mà thôi. Theo tài liệu từ Trung Quốc mà giáo sư Trần Ðại Sỹ thu thập, thì cổng Hữu Nghị đã bị dời về phía nam, cách ải Nam Quan 5 cây số, và nằm trong địa phận của quận Ðồng Ðăng (hình 19). Hiện nay, trạm ga xe lửa xuyên quốc gia đặt tại Ðồng Ðăng là trạm kiểm soát của hai bên (hình 20 - Vietnam and China Rebuild Ties, The Christian Science Monitor - International, Oct 3, 1997).


Ðó là chưa kể bề dày của biên giới mới khoảng 600 m cũng nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Du khách từ nước này phải đi bộ giữa 2 trạm mới qua được biên giới nước kia.

Trên thực tế, diện tích đất đai mất mát lên hàng ngàn cây số vuông, nếu tính cả các vùng phải di nhượng ở Cao Bằng và Lào Kay. Theo tài liệu Pacific Forum CSIS Comparative Connections, cuộc thương thảo lần cuối (thứ 15) giữa hai bên Việt Hoa kéo dài một tháng từ 22-6 đến 22-7-1999. Hai bên nỗ lực làm việc để kịp thời hạn ký kết hiệp ước vào cuối năm theo lệnh của các chủ tịch đảng. Mất thời gian nhất là một số "bất đồng ý kiến về ranh giới trong 76 vùng tranh chấp". Lược qua các ghi chép (chronology) của CSIS về các cuộc thăm viếng qua lại giữa đôi bên, hay các cuộc thảo luận song phương, người ta thấy rất rõ là Hà Nội luôn luôn ở thế bị động và sau những lần dằng co từ chối, đều phải chấp nhận những đòi hỏi của Bắc Kinh. Kết quả, hiệp ước biên giới song phương đã được bộ trưởng ngoại giao Tống Gia Xuân và Nguyễn Mạnh Cầm ký vào ngày cuối năm (30-12-1999). Ngày 29-4-2000, quốc hội Trung Quốc thông qua hiệp ước ; ngày 9 tháng 6, 2000, quốc hội CSVN cũng thông qua. Hiển nhiên là hai bên đều được lợi : Trung Quốc được chủ quyền các vùng đất huyết mạch kiểm soát phía bắc ngạn các sông Kỳ Cùng và sông Bằng, hầu có thể mở tung cánh cửa vào phía nam, mà mấy ngàn năm qua các cuộc xâm lăng từ phương Bắc thường bị chặn vì địa thế hiểm trở.

Khi đất đã nhượng thì cũng nhượng luôn cả dân bản xứ, ai không muốn sống trong vùng quản chế của Trung Quốc thì được giúp đỡ tái định cư trên đất hoang ở ranh giới phía nam các sông Kỳ Cùng và sông Bằng.

Khi nhượng đất như thế thì Hà Nội được lợi gi ? Theo tiết lộ của nhật báo Xinhua, món lợi đưa đến từ cuộc di nhượng đất đai này là việc giao thương lên đến hàng tỷ mỹ kim và việc Bắc Kinh viện trợ cho Hà Nội xây dựng các dự án kỹ nghệ về thủy lực (hydropower), thép, hơi đốt, phân bón và quặng nhôm (bauxite).

Có người đặt vấn đề rằng nếu Hà Nội phải hy sinh vài ngàn cây số đất hoang mà được viện trợ như thế thì đó là việc "thuận mua vừa bán" và việc "bán nước" không còn là một "tội" như những người khác buộc. Lý luận như thế có hai điều không chỉnh : Thứ nhất, đất nước là của dân tộc, không phải của bất cứ một chế độ nào. Chế độ không có quyền cắt nhượng đất đai của dân tộc cho người để được lợi trong thời đại của mình. Thứ hai, lý luận "thuận mua vừa bán" mặc nhiên chấp nhận tính cách đổi chác của Bắc Kinh trong việc "mua" đất của dân tộc Việt Nam bằng một cái giá được nhà cầm quyền CSVN chấp nhận, do đó sẽ rất khó cho dân tộc Việt Nam đặt vấn đề bất công để đòi lại sau khi chế độ hiện hữu cáo chung. Thực tế cho thấy Bắc Kinh vừa dùng vũ lực, vừa mua chuộc, vừa gạt gẫm lãnh đạo Hà Nội để chiếm cho bằng được các vùng đất có quặng mỏ quý và có địa lợi chiến thuật, làm đầu cầu xâm lược sau này. Trong bản tường trình của Giáo sư Trần Ðại Sỹ, ông đã nêu lên những "nghi vấn" về vụ một số nhân vật lãnh đạo cao cấp "thân Nga chống Hoa" đã bị đầu độc, trở thành "bán thân bất toại." Nếu những nghi vấn này có thật, thì cũng chẳng bao giờ có thể trở thành những vụ án được cứu xét. Trong chế độ cộng sản, không bao giờ có "công lý" cho người ngã ngựa.



Nhượng bộ một phần vịnh Bắc Việt

Vụ nhượng đất vừa xong thì tiếp đến vụ sang nhượng một phần biển trong vịnh Bắc Việt (Tonkin Bay). Theo Luke T. Chang, (China's Boundary Treaties and Frontiers Disputes), hiệp ước Pháp - Thanh được ký kết tại Bắc Kinh trên 100 năm trước, ngày 26-6-1887, có ghi rõ đường phân ranh giới hải phận EEZ (Exclusive Economic Zone) trong vịnh Bắc Việt được lấy theo đường kinh tuyến (longgitude) 108o03'18"E (tính từ Greenwood) khởi đầu từ biên giới bờ biển giữa hai nước tại Vịnh Tonkin. Bắc Kinh không đồng ý tuân theo hiệp ước cũ và đòi hỏi Việt Nam phải chấp nhận lấy đường trung tuyến để ấn định lãnh hải EEZ giữa hai nước. Tuy nhiên đường trung tuyến của Bắc Kinh dựa trên đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam, trong khi Hà Nội chủ trương trung tuyến nằm giữa hai đảo Bạch Long Vĩ và Hải Nam. Tính ra, sự khác biệt là vùng màu xám ở giữa vịnh, với một diện tích trên 5 ngàn cây số vuông (hình 21).



Sau một năm thảo luận, Hà Nội lại phải nhượng bộ, chịu hủy bỏ hiệp ước Pháp-Thanh, chịu mất độc quyền kinh tế trong vùng xám. Vùng này nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, rất gần với đảo Bạch Long Vĩ, có nhiều tôm cá và các loại hải sản khác cũng như tiềm năng về khí đốt dưới lòng biển. Ngày 25-12-2000, Chủ Tịch Nhà Nước Trần Ðức Lương sang Trung Quốc ký hiệp ước lịch sử chấp nhận hải phận theo đường vẽ của Trung Quốc. Hiệp ước cũng phân định sự hợp tác đánh cá và sử dụng tài nguyên năng lực nguyên tử giữa hai nước. Lại một lần nữa, quyền lợi và sự sống còn của chế độ được Hà Nội đặt lên trên chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.



Nhượng bộ tại quần đảo Trường Sa

Việc nhượng bộ tại quần đảo Trường Sa hiện nay là vấn đề gay go nhất cho chế độ CSVN. Tất cả tài liệu của VNCH đều xác định chủ quyền toàn vẹn trên lãnh thổ ngoài khơi này. Hiện nay, Hà Nội không những đương đầu với Trung Quốc mà còn với nhiều quốc gia khác như Ðài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai là các nước đã chiếm đóng một phần của quần đảo. Một điều vô cùng nghịch lý, là Trung Quốc không chịu thương thuyết đa phương (multilateral discussion) mà chỉ chịu thương thảo song phương (bilateral) với các quốc gia Phi Luật Tân và Mã Lai Á, nhưng lại không chịu thương thuyết với Việt Nam về Trường Sa. Ðiều nghịch lý này tương tự như những tên cướp bàn luận để chia chác những gì cướp được, còn người bị cướp thì không được dự vào. Nguồn lợi dầu hỏa và khí đốt lớn lao trong vùng không cho phép Hà Nội nhượng bộ các nước một cách dễ dàng. Vì nếu chấp nhận tình trạng chiếm đóng của các nước, thì Hà Nội sẽ bị mất vĩnh viễn một nguồn lợi lớn. Mặc dù hiện nay Hà Nội thừa hưởng di sản của VNCH để lại, chiếm đóng nhiều đảo và diện tích rộng lớn hơn tất cả các nước cộng lại, nhưng trên 50% vùng dầu hỏa và khí đốtlạinằm trong hải phận EEZ của Mã Lai Á. Mặt khác, đối với Trung Quốc, Hà Nội lâm vào tình trạng "há miệng mắc quai", vì bị kẹt với văn thư của Phạm Văn Ðồng chấp nhận lãnh hải rộng lớn của "Ðại Trung Quốc." từ năm 1958.

Do đó, hiện nay Hà Nội có vẻ "chịu phép" với Trung Quốc, không dám hăng hái tranh đấu bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

Theo tờ LatelineNews ngày 15-2-2001, dưới tựa đề "Vietnam Distances Itself from Spratly Islands Report", Hà Nội đã "né tránh trách nhiệm" khi tờ Sài Gòn Giải Phóng, một đại nhật báo của đảng tại miền Nam tương tự như tờ Nhân Dân ở miền bắc, đăng một bài báo tiết lộ rằng "các viên chức cao cấp của đảng và quân đội đã họp kín để thảo luận về việc thành lập đơn vị quản trị hành chính riêng cho quần đảo Trường Sa và thiết kế việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam."

Bài báo của tờ SGGP đã gây nên một "phản ứng bén nhạy" từ phía Trung Quốc. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Quốc Zhu Bangzao (Dư Bằng Giao) đã lên tiếng : "Trung Quốc có chủ quyền toàn vẹn bất khả tranh chấp đối với quần đảo Nansha và toàn vùng lãnh hải liên hệ. Bất cứ quốc gia nào có hoạt động gì trên quần đảo này đều xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, đều bất hợp pháp và vô giá trị."

Ðể đáp lại lời tuyên bố của Dư Bằng Giao, phát ngôn nhân bộ Ngoại Giao CSVN Phan Thúy Thanh giải thích một cách ngượng ngập : "Ðó (báo SGGP) chỉ là một tờ báo thành phố ("only a city newspaper"). Bà Phan Thúy Thanh nhiều lần từ chối trả lời trực tiếp các câu hỏi của nhiều ký giả về việc nhà nước CHXHCNVN minh định thế nào về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, mà chỉ giải thích rằng "theo sử liệu của Việt Nam Cộng Hoà thời trước, quần đảo này được xem là một phần của tỉnh Khánh Hòa."

Xem như thế, người Việt Nam không còn hy vọng gì ở đảng CSVN trong việc tranh đấu với Trung Quốc để đòi lại chủ quyền về lãnh thổ và lãnh hải mà Trung Quốc đã lấn chiếm bằng một kế hoạch dài hạn và có hệ thống sách lược từ nửa thế kỷ qua. Sự lấn chiếm này sẽ tiếp diễn liên tục theo chiến lược tiệm tiến như vết dầu loang, cho đến khi Trung Quốc hoàn thành tham vọng "Ðại Trung Quốc" của họ. Ðể tự cứu, dân tộc Việt Nam cần ý thức được mối hiểm họa ngoại xâm này hầu có một sách lược đấu tranh quyết liệt và hữu hiệu đối với Trung Quốc. Cuộc đấu tranh này phải được tiến hành song song với cuộc đấu tranh giải trừ mối hiểm họa nội thù của dân tộc là chế độ CSVN.

Xem phần kế tiếp : II. Hiểm họa trường kỳ của Trung Quốc đối với Việt Nam


II. Hiểm họa trường kỳ của Trung Quốc đối với VN



1- Hiểm họa về an ninh : Thế phong tỏa của Trung Cộng

Trong cuốn "Ðịa Lý Biển Ðông", tác giả Vũ Hữu San có trình bày một phóng đồ (trang 65) với một viễn tượng vô cùng bi quan một khi Trung Quốc muốn khống chế Việt Nam bằng vũ lực. Trên mặt biển hiện nay Trung Quốc đã có các căn cứ Hải Quân vùng đông nam Trung Quốc sau đây (từ bắc xuống nam) :

- Quangzou (gần Hồng Kông)
- Zhanjiang (bán đảo bắc Hải Nam)
- Beihai (Trong vịnh Bắc Việt, gần biên giới Hoa Việt)
- Haikou (phía đông bắc đảo Hải Nam)
- Yulin (phía nam đảo Hải Nam)
- Hoàng Sa.
- Riêng trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chưa xây được căn cứ Hải Quân, vì đang tranh chấp với các nước. Dù vậy, Trung Quốc đã xây xong một cầu cho chiến hạm cập bến tại bãi Fiery Cross. Tuy nhiên, bản phúc trình của ông Michael Studeman, Hải Quân Thiếu Tá Tình Báo Hoa Kỳ (Naval Intelligence Lieutenant Commander), dưới tiêu đề "Calculating China's Advances in the South China Sea Identifying the Triggers of Expansionism" có nhắc đến chủ trương của Hải Quân thuộc "Quân Ðội Giải Phóng của Nhân Dân" (People's Liberation Army Navy - PLAN) như sau :

"In order to make sure that the descendants of the Chinese nation can survive, develop, prosper and flourish in the world in the future, we should vigorously develop and use the oceans. To protect and defend the rights and interests of the reefs and islands within Chinese waters is a sacred mission. . . . The [Spratly] Islands not only occupy an important strategic position, but every reef and island is connected to a large area of territorial water and an exclusive economic zone that is priceless."

Ðể thực hiện được sách lược trên, PLAN xác quyết :



"The only way to give our maritime defense a solid basis is to intensify our naval buildup and upgrade our naval buildup defense capability. We cannot resolve problems with political or diplomatic measures until we have great naval strength, and only then will it be possible to overcome our enemies without engaging in battles. If intimidation fails to achieve any effects, we would then be able to actually deal an effective blow."

Bằng vào lịch sử hành động của Trung Quốc 50 năm qua, luôn luôn dùng sức mạnh vũ lực để đạt mục đích tối hậu, viễn ảnh Trung Quốc xây cất quân cảng và căn cứ Hải Quân tại Trường Sa chỉ là vấn đề thời gian. Như vậy, Việt Nam sẽ chịu một áp lực khổng lồ của hải, lục, và không quân Trung Quốc trong tương lai đến từ mọi phía (hình 22). Trong một bản tin của Kanwa News ngày April 14, 1999, bình luận gia Andrei Pinkov đã báo động về việc Trung Quốc đã đẩy nhanh chương trình xây cất hệ thống hỏa tiễn "ground-to-air " bắn từ đất liền lên không trong kế hoạch phòng vệ không gian. Trung Quốc đã điều nghiên hệ thống chỉ huy C31, bằng vệ tinh không gian (hình 23), đã bắt đầu thiết trí tại một vài căn cứ quân sự và sẽ được hoàn tất cho toàn quốc trong vài năm tới.



Ðầu năm 2000, cơ quan thông tấn AP có đề cập đến dự án xây xa lộ Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh. Tin tức về dự án này làm xôn xao dư luận cộng đồng Việt Nam cũng như quốc tế. Nhiều người lo ngại về ảnh hưởng môi sinh của dự án, như phá rừng, đất lở, lụt lội miền đồng bằng, nhưng không mấy ai để ý đến khía cạnh quân sự. Hiển nhiên, dự án này là kết quả của việc Hà Nội đã ký thuận bản hiệp ước biên giới vào cuối năm 1999. Ðiều đáng chú ý là con đường mòn HCM trong thời chiến chỉ bắt đầu từ Nghệ An, mạn bắc của rặng Trường Sơn, nhưng dự án xây xa lộ mới lại bắt đầu từ tỉnh Lai Châu, tỉnh cực tây bắc của Việt Nam tiếp giáp với Lào và Trung Quốc. Dự án xa lộ chạy qua miệt phía tây rặng Hoàng Liên Sơn, qua phía đông lòng chảo Ðiện Biên Phủ, xuống Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Tây Ninh, Gia Nghĩa, An Lộc, và nhập vào Quốc Lộ 1 tại Tây Ninh. Quốc lộ 1 chạy từ Bắc dọc duyên hải vào Sài Gòn rồi đổi hướng chạy về phía Tây qua Nam Vang, Cambodia. Như vậy việc chuyên chở từ biên giới cực bắc vào nam sẽ ngắn hơn và thuận tiện hơn quốc lộ 1. Từ đó, người ta có thể suy ra viễn ảnh bán đảo Ðông Dương có thể bị Trung Quốc thôn tính một cách dễ dàng.



2. Hiểm họa về kinh tế : Mất những tài nguyên quan trọng

Từ khi lập quốc đến nay, sinh mệnh dân tộc Việt Nam luôn luôn gắn liền với ngư nghiệp và hải sản. Với sự lấn chiếm của Trung Quốc trên vịnh Bắc Việt, Hoàng Sa, và Tây Sa, nguồn lợi hải sản, ngư sản bị thu hẹp lại khá nhiều.

Vì đáy biển quanh các quần đảo khá cạn và nhiều san hô, nhiều loài cá sinh sản tại các vùng này. Từ nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên này đã bị người cướp đoạt và sẽ ảnh hưởng đến sự trù phú của bờ biển Việt Nam.

Hiện nay, nguồn dầu hỏa và khí đốt là năng lượng thiết yếu cho việc phát triển kỹ nghệ và sự phù thịnh kinh tế. Hoàng Sa cũng như Trường Sa là những nơi có túi dầu nằm phía dưới (hình 24). Mất hai vùng này, Việt Nam chỉ còn túi dầu nằm ngoài khơi đảo Côn Sơn mà thôi. Vùng này nằm trong lãnh hải EEZ của Việt Nam. Thế nhưng cũng đã có lần vào năm 1996, một chiếc tàu với dụng cụ rà dầu (oil survey) của Trung Quốc đã bị phát hiện.



3. Hiểm họa về giao thông : Thủy lộ gián đoạn

Bản đồ về thủy lộ của tàu viễn duyên (hình 25) trích từ tài liệu của U.S. Institute for Naval Strategic Studies cho thấy Biển Ðông thủy lộ hàng hải chính cho tàu bè từ các nước nằm trong vùng đông bắc Á Châu chạy xuống vùng Tây Nam. Ðây không chỉ là một hiểm họa riêng cho Việt Nam, mà còn cho cả thế giới, nếu Trung Quốc thành công trong việc phong tỏa toàn vùng biển này như là một "nội hải" (territorial waters) của họ.

Trong một bài báo mới đây của tổ chức U.S. Heritage Foundations, tựa đề "How the Bush Administration Should Handle China and South China Sea Maritime Territorial Disputes", Sep. 05, 2001, tác giả Dana R. Dillon đã báo động về sự phong tỏa của Trung Quốc trên vùng biển Ðông Hải. Tác giả trích dẫn bản tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền toàn vùng Biển Ðông, trong đó có "Ðiều 64" như sau :

"The People's Republic of China reaffirms that the provisions of the United Nations Convention on the Law of the Sea concerning innocent passage through the territorial sea shall not prejudice the right of a coastal state to request, in accordance with its laws and regulations, a foreign state to obtain advance approval from or give prior notification to the coastal state for the passage of its warships through the territorial sea of the coastal state."

Rõ ràng đó là một sự thách thức công khai đối với các quốc gia trên thế giới nói chung và với Hạm Ðội Thái Bình Dương của Mỹ nói riêng trong việc hải hành qua Biển Ðông. Hành động kiểm soát và bắt giữ các tàu chở hàng của Việt Nam từ năm 1992 và sự kiện Trung Quốc xây cất trạm hải quân (navy station) năm 1995 tại vùng đá ngầm Mischief Reef nằm trong hải phận EEZ của Phi Luật Tân, đã biểu lộ quyết tâm của Trung Quốc trong việc kiểm soát tàu bè qua lại trong Biển Ðông. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc tham dự các cuộc thương thảo và ký vào các giao ước ngăn cấm việc sử dụng vũ lực. Nhưng hành động của họ thì ngược lại và luôn luôn vô hiệu hóa một cách có hệ thống (systematically nullify) bản Luật Biển Liên Hiệp Quốc UNCLOS.

Cũng theo nhận định của bình luận gia Dillon, cho đến nay, các chính phủ Mỹ từ Clinton cho đến Bush vẫn giữ thái độ thụ động ngay cả khi Trung Quốc lấn chiếm một vùng đá ngầm của Phi Luật Tân, một đồng minh của Mỹ. Hoa Thịnh Ðốn vẫn tiếp tục giữ thái độ "trung hòa" (neutrality), từ chối lên án hay phản đối hành động lấn chiếm của Trung Quốc, và chỉ kêu gọi các bên nên tự hạn chế trong việc dùng vũ lực để giải quyết các cuộc tranh chấp. Một trong những suy diễn để giải thích sự thụ động của chính phủ Mỹ là : Hiện nay Washington phải theo chính sách hòa hoãn với Trung Cộng để phân chia nguồn lợi kinh tế từ việc khai thác dầu hỏa, và cũng để nhờ Trung Quốc giúp đỡ trong cuộc chiến chống khủng bố tại A Phú Hãn.

Trong khi đệ nhất cường quốc thế giới ngại phản kháng Trung Quốc như thế, thì các nước ASEAN lại không dám "bênh" nhau hoặc đoàn kết để chống lại Trung Quốc. Nhìn rõ tình trạng hiện nay, mới thấy sự suy luận của một số người Việt Nam cho rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ để yên cho Trung Quốc thực hiện được mộng bá quyền của họ trên Biển Ðông, để rồi kết luận rằng dân tộc Việt Nam khỏi cần làm gì cả đối với Trung Quốc, quả thật là một sự lạc quan đầy tai hại.

Ðối với Việt Nam, sự phong tỏa ngoài khơi của Trung Quốc về đường biển sẽ làm cho các hải cảng quan trọng như Hải Phòng, Ðà Nẵng, Cam Ranh và Vũng Tàu mất hẳn tầm mức hữu hiệu, khi mà các thương thuyền ngoại quốc muốn đi từ ngoài khơi biển Ðông vào các hải cảng này lại phải "xin phép" Trung Quốc.

4. Hiểm họa về môi sinh : Rủi ro về dầu loang và khí độc

Các cuộc khai thác dầu cặn và khí đốt trong vùng Biển Ðông sẽ phóng ra trên mặt biển nhiều khối lượng dầu thô bị tràn ra cũng như trong không gian các loại khí đốt chưa dùng. Nếu nhà máy lọc dầu và lọc gas được xây cất trên Hoàng Sa và Trường Sa, các chất đổ tràn hay thoát ra từ nhà máy sẽ nhiều hơn. Quanh năm, gió biển thổi vào Việt Nam chỉ có hai chiều : hoặc từ hướng đông bắc trong mùa đông, hoặc từ đông nam trong mùa hè. Gió mùa nào cũng sẽ mang dầu tràn trên biển hoặc khí đốt lan trong không gian vào nội địa Việt Nam. Dầu nổi trên biển sẽ làm ô nhiểm nước biển, sẽ che ánh nắng mặt trời làm cho đáy biển tối tăm và mất đi điều kiện sinh sản. Khí trên không sẽ lẫn vào hơi nước, gặp rặng Trường Sơn, đông lạnh và thành mưa độc trên sinh vật thực vật. Nếu việc khai thác do chính người Việt Nam quản trị, thì vì phúc lợi của dân tộc, chúng ta sẽ thận trọng trong mọi việc phế thải chất độc. Ngược lại, người Trung Quốc sẽ không bao giờ quan tâm đến sự an nguy vủa người Việt Nam.

Xem phần kế tiếp : III. Trách nhiệm của các chính phủ cầm quyền tại Việt Nam trong 50 năm qua

III. Trách nhiệm của các chính phủ cầm quyền tại Việt Nam trong 50 năm qua

Qua những dữ kiện đã được trình bày và phân tích ở các phần trên, chúng ta thấy là Trung Quốc đã bắt đầu thực thi kế hoạch lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam trong hoàn cảnh Việt Nam bị các thế lực quốc tế chia đôi thành hai miền Nam và Bắc. Ðến khi miền Bắc nhờ viện trợ vũ khí của Trung Quốc mà chiếm được miền Nam, thì cuộc bành trướng của Trung Quốc càng gia tăng. Như vậy, trên phương diện lãnh thổ, tuy đảng CSVN tạo được hào quang bề mặt là "thống nhất đất nước về một mối", song bề trái là "đảng đã hy sinh sự toàn vẹn của đất nước vì mục đích thống nhất đất nước".



1. Ðảng CSVN hy sinh sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam để đổi lấy quyền lợi cho đảng

So sánh chứng từ của hai văn kiện đã trích dẫn ở phần Hai, mục I :



Một bên là Bạch Thư (White Paper) của bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam) tuyên cáo rằng "hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần bất khả phân của nước VNCH. Chính phủ VNCH sẽ không nhượng bộ trước vũ lực và chịu mất chủ quyền trên các quần đảo này" ;

Một bên là Văn Thư của Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Miền Bắc) "ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc". Văn thư này được giữ bí mật tuyệt đối trước nhân dân cả hai miền, mãi sau này mới bị Trung Quốc đưa ra ánh sáng.

Người ta thấy rõ :



Trong khi Miền Nam bị khốn đốn vì phải dồn nỗ lực tự vệ chống lại sự xâm lấn của Miền Bắc, thì chính phủ Sài Gòn vẫn cương quyết hy sinh bảo vệ lãnh thổ. Sau khi Hoàng Sa thất thủ, dù bị Ðồng Minh Mỹ bỏ rơi, Miền Nam vẫn bày tỏ quyết tâm tranh đấu quyết liệt và công bố bạch thư đưa vấn đề Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ra trước công luận quốc tế.

Trong khi Miền Bắc tiến hành cuộc nội chiến xâm chiếm Miền Nam với chiêu bài "Chống Mỹ Cứu Nước", thì hành động của chính phủ Hà Nội lại chứng tỏ "Vì Lợi Bán Nước", đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của quốc gia và dân tộc.

Tuy nhiên, có người cho rằng việc kết án đảng CSVN "bán nước" là bất công, vì "bộ đội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) đã hy sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất trong hai trận chiến năm 1979 tại biên giới Hoa Việt và năm 1988 tại Trường Sa". Ðây là một lý luận xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về căn nguyên của từng biến cố. Sự thật, những nguyên nhân, diễn biến cuộc chiến cho thấy CSVN quyết chiến không phải vì để bảo vệ đất nước :



Trên phương diện công pháp quốc tế, hai quốc gia Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được thành lập bởi Hiệp Ðịnh Genève, lấy Vĩ Tuyến (Latitude) 17 làm đường ranh giới. Quần đảo Hoàng Sa nằm phía nam Vĩ Tuyến 17 và thuộc chủ quyền của VNCH. Thế nhưng VNDCCH đã gởi văn thư hội ý cho Trung Cộng tiến chiếm Hoàng Sa. Như vậy, đảng CSVN đã toa rập với Trung Quốc, hy sinh sự tòa vẹn lãnh thổ để đổi lấy sức mạnh quân sự tiến hành cuộc xâm chiếm miền Nam.

Sau khi Miền Bắc chiếm được Miền Nam, đảng CSVN cho quân đến tiếp thu một số đảo trong quần đảo Trường Sa do quân đội của VNCH trấn giữ trước. Ðó là điều dĩ nhiên, vì nguồn lợi dầu hỏa quá to lớn, không thể bỏ được. Trung Quốc liền đòi hỏi Miền Bắc thực thi việc di nhượng lãnh thổ và lãnh hải mà trước kia hai bên đã giao kết trong bí mật.

Ðảng CSVN vì không muốn bị toàn dân Việt Nam nguyền rủa, nên toan tính bội tín bằng cách dựa vào hiệp ước hỗ tương ký kết với Liên Sô. Vì vậy mới xảy ra vụ Trung Quốc lấn chiếm biên giới Việt Nam năm 1979 và vụ Trung Quốc đánh chìm ba chiến hạm của Hà Nội năm 1988.

2. Ðảng CSVN quá yếu kém trong việc thương thuyết và luôn luôn che đậy sự thật về kết quả

Tiếp theo sụp đổ của Liên Sô vào cuối thập niên 1980's, đảng CSVN đã hết phương bám víu để chống lại "the Chinese aggression", nên đổi thái độ, bắt đầu ngoan ngoãn với Trung Quốc. Vì vậy mà có hiện tượng là đột nhiên Bắc Kinh và Hà Nội trở thành thân thiện, bắt đầu thương thuyết với nhau về vấn đề tranh chấp biên giới và hải phận từ đầu thập niên 1990's đến nay.

Nói là thương thuyết, nhưng thật ra là đảng CSVN đã phải thi hành các điều đã bí mật cam kết với Trung Quốc trong thời chiến để đổi lấy viện trợ quân sự.

Hậu quả như chúng ta đã thấy, là các hiệp ước 1999 và 2000, Hà Nội đã nhượng cho Bắc Kinh vừa lãnh thổ lẫn lãnh hải của Việt Nam.

Tất cả các yêu sách của Bắc Kinh đưa ra trước khi ngồi vào bàn hội nghị, Hà Nội đều phải thỏa thuận lúc ký hiệp ước. Từ vụ Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền ải Nam Quan và một số vùng nằm phía bắc các sông Kỳ Cùng và sông Bằng, cho đến việc xé hiệp ước Pháp Thanh 1887 để ấn định ranh giới lãnh hải mới trong vịnh Bắc Việt để nhượng cả toàn vùng mỏ khí đốt dưới đáy biển cho Trung Quốc, Hà Nội đều triệt để tuân theo. Tất cả các thỏa thuận với Bắc Kinh, Hà Nội giữ bí mật, không bao giờ hỏi ý dân, vì biết rằng sẽ bị dân phản đối.

Các hiệp ước nhượng bộ này chắc chắn vẫn còn tiếp diễn, cho đến khi Việt Nam hoàn toàn bị Trung Quốc khống chế về mọi phương diện, hoặc cho đến khi đảng CSVN không còn quyền hành cai trị đất nước Việt Nam. Trong tương lai gần, Hà Nội sẽ phải nhượng trọn vẹn quần đảo Trường Sa và có thể cả hải phận của đảo Côn Sơn, nơi có mỏ dầu mà Hà Nội đang khai thác, kế thừa khế ước của VNCH. Vì mọi huyết mạch của đảng CSVN đã bị tên phù thủy Trung Quốc nắm lấy, cho sống thì sống, bắt chết cũng không dám cưỡng lại.

Tóm lại trong vụ đánh mất lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam trong 50 năm qua, đảng CSVN là thành phần duy nhất chịu trách nhiệm hoàn toàn trước nhân dân và lịch sử. Bề trái của các hiệp định "hữu nghị hỗ tương giữa hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam" đã bị phơi bày : Ðó là chỉ là phản ảnh của tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, và quyền lợi tối thượng của đảng CSVN được đảng đặt trên quyền lợi quốc gia.

Xem phần cuối cùng : Ðề Nghị, Kết Luận



Каталог: 2009
2009 -> Công ty cổ phần Xây dựng Điện vneco3
2009 -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố HỒ chí minh độc lập Tự do Hạnh phúc
2009 -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôN
2009 -> Nghị ĐỊnh số 163/2004/NĐ-cp ngàY 07/9/2004 quy đỊnh chi tiết thi hành một số ĐIỀu của pháp lệNH
2009 -> BỘ CÔng thưƠng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> Mẫu số: 01 (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 31 /2009/ttlt-btc –BLĐtbxh ngày 09 tháng 09 năm 2009) CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> BỘ y tế Số: 12/2006/QĐ-byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam sở TƯ pháP Độc lập Tự do Hạnh phúc
2009 -> CÔng ty cp đIỆn tử BÌnh hòa cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> Ủy ban nhân dân thành phố HỒ chí minh

tải về 208.2 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương