Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一


Tứ Nghi là bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi



tải về 2.21 Mb.
trang26/29
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích2.21 Mb.
#36455
1   ...   21   22   23   24   25   26   27   28   29

Tứ Nghi là bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.

28 Đơn vị đo chiều dài đời Châu, tám thước là một Nhận.

29 Chữ Bạch Hoa ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa:

1. Phổ Đà nói chung vì Phổ Đà (Potalaka) chính là tên một loại hoa màu trắng mọc rất nhiều ở đảo Lanka. Do vậy, Lanka (Lăng Già) mới được gọi là Phổ Đà Lạc Ca.

2. Am Bạch Hoa trên núi Phổ Đà.


30 Trong Niên Phổ, Thái Hư đại sư đã cho biết khi các ông Dịch Thật Phủ, Thịnh Quý Bảo v.v… lên chơi núi Bạch Vân ở Quảng Châu, tình cờ gặp lại thi hữu là đại sư Thái Hư ở đó bèn cùng nhau xướng họa; đại sư đã họa lại bài thơ của ông Dịch Thật Phủ có câu: “Thái hư như thái hư, na phạ bạch vân yểm” (Thái hư như thái hư, nào sợ mây trắng phủ). Câu thơ được ghi vào thi tập. Ấn Quang đại sư đọc được câu này vào năm Tuyên Thống thứ ba (1911), rất tán thưởng, viết bài thơ họa lại, gởi cho Thái Hư có câu: “Thái hư đại vô biên, hà vật năng tương yểm, bạch vân ngẫu nhĩ thê, đương xử tiện đảm ảm, xuy dĩ hạo đãng phong, hoa cảnh liễu vô điểm, thứ khả quán cận giả, mạc do trì tuấn biếm” (Thái hư rộng vô biên, vật nào che lấp được, ngẫu nhiên mây trắng đậu, chỗ ấy thành âm u, một trận gió to thổi, hoa cảnh lại rạng ngời, mong được đến gần ngắm, không cách nào ruổi rong). Thái Hư đại sư họa lại: “Nhật nguyệt hồi hỗ chiếu, thái hư ánh hoàn yểm, hữu thời phong lãng lãng, hữu thời vân ảm ảm, vạn tượng tư nghiên sửu, đương xứ tuyệt trần ai, tuy hữu xuân thu bút, diệc nan thi bao biếm” (Nhật nguyệt cùng chiếu rọi, thái hư ánh sáng ngăn, có lúc gió lồng lộng, có khi mây lờ mờ, muôn vật thành đẹp xấu, nơi ấy bặt bụi trần, bút xuân thu dẫu sẵn, cũng khó thể khen chê). Hai vị xướng họa qua lại, tình cảm rất sâu đậm.

31 Pháp Hoa Tam Muội (Saddharma-Pundarīka-Samādhi) là một trong bốn thứ tam-muội do Tông Thiên Thai đề xướng, còn gọi là Pháp Hoa Sám Pháp hay Pháp Hoa Sám. Cách tu trì dựa theo giáo nghĩa của hai kinh Pháp Hoa và Quán Phổ Hiền Hạnh, lấy hai mươi mốt ngày làm hạn, đi kinh hành, tụng kinh, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, không được nằm, tư duy quán tưởng sâu xa lý Trung Đạo. Do pháp này lấy sám hối diệt tội làm chủ nên trong sáu thời phải sám hối. Trong suốt thời gian ấy, hành nhân không được nằm, miệng ngoài lúc tụng kinh ra không được nói đến sự duyên nào khác, trong mọi lúc tâm luôn tưởng theo từng câu từng chữ trong kinh Pháp Hoa và luôn nghĩ sám hối những tội chướng nơi sáu căn; lại còn tùy lúc thâm nhập Thiền Định để liễu đạt lý Tam Đế của Thật Tướng.

32 Thông Giáo là một trong bốn giáo do Tông Thiên Thai thành lập, coi những giáo pháp thuộc thời Phương Đẳng và Bát Nhã đều thuộc về Thông Giáo. Theo cuốn Tứ Giáo Nghĩa của Trí Giả đại sư thì chữ Thông gồm tám nghĩa:

1) Giáo thông: Ba thừa cùng vâng nhận giáo pháp này.

2) Lý thông: Ba thừa cùng thấy lý thiên chân.

3) Trí thông: Ba thừa cùng được Nhất Thiết Trí khéo độ.

4) Đoạn thông: Ba thừa cùng đoạn những Kiến Hoặc, Tư Hoặc trong tam giới.

5) Hạnh thông: Ba thừa cùng tu những hạnh khiến Kiến Hoặc, Tư Hoặc đều không còn sót thừa.

6) Vị thông: Ba thừa cùng trải qua những địa vị từ Càn Huệ cho đến Bích Chi Phật.

7) Nhân thông: Ba thừa cùng lấy chín thứ vô ngại làm nhân.



8) Quả thông: Ba thừa cùng đắc hai thứ Niết Bàn giải thoát

33 Địa vị Tam Hiền trong Đại Thừa là những quả vị trước khi chứng được mười địa vị thuộc về hàng Thập Địa Bồ Tát. Như vậy Tam Hiền gồm ba mươi địa vị thuộc Thập Trụ, Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng.

34 Theo Tông Thiên Thai, Biệt Giáo bao gồm những giáo nghĩa chỉ dành riêng cho căn cơ Đại Thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn v.v… Những pháp ấy hàng Nhị Thừa không thể lãnh hội hoặc tin nhận được nên gọi là Biệt. Giáo pháp ấy riêng vì hàng Bồ Tát mà nói ra hằng sa lý Tục Đế, dùng Đạo Chủng Trí đoạn Trần Sa Hoặc và những Kiến Hoặc, Tư Hoặc ở ngoài tam giới, phá Vô Minh Hoặc, tu các Ba La Mật để tự hành hóa tha… Do giáo pháp này không dành cho Nhị Thừa nên còn gọi là Bất Cộng Giáo. Biệt Giáo chú trọng dạy về những Sự vượt ngoài tam giới, nhưng sự lý chưa viên dung tương tức như trong Viên giáo.

35 Nguyên văn: “Đại tân, phú phẫu” (Thay củi, bịt vò). Lấy tích từ chuyện Dương Hùng đời Hán soạn sách Thái Huyền chú giải kinh Dịch nhằm muốn lưu danh hậu thế. Lưu Hâm đọc xong quở: “Học giả trong thiên hạ còn không hiểu kinh Dịch, sao ông dám soạn Thái Huyền? Chỉ sợ người đời sau đem sách này để bịt vò tương mà thôi”. Do đó, có thành ngữ “đại tân phú phẫu” (thay củi, bịt vò) với ngụ ý văn chương vô giá trị, chỉ đáng dùng giấy in thứ văn chương ấy để bịt miệng vò tương hay đốt thay củi mà thôi!

36 Do người Nhật thường tự gọi là Hòa Nhân nên văn tự của họ thường được gọi là Hòa Văn, Hòa văn dung hợp ba thể loại Kanji (Hán tự) và hai loại chữ để viết những chữ đặc thù trong tiếng Nhật gọi là Hiragana (Bình Bản Danh) và Katakana (Phiến Bản Danh). Hiragana nét viết mềm mại thường dùng để ghi những chữ gốc Nhật không vay mượn từ Hán tự, hoặc ghi những trợ từ đặc thù trong câu như no, wa v.v… hoặc để ghi những âm cuối diễn tả thì quá khứ, hiện tại v.v… của động từ hay trạng từ như bemashita chẳng hạn. Ví dụ như, chữ Ta (: ăn), viết theo thời quá khứ thành tabemashita (食べました). Còn Katakana thường dùng chủ yếu để phiên âm những chữ vay mượn từ tiếng ngoại quốc hoặc những danh từ khoa học. Trong lối chữ Kiragana và Katakana, mỗi chữ là một âm, không như trong Kanji, một chữ Hán có thể đọc thành một hoặc nhiều âm, chẳng hạn chữ Sơn (山) đọc thành Yama, Thần (神) đọc thành Kami, Đế (帝) đọc thành Mikado trong Hòa văn v.v… Đôi khi cùng một chữ Hán được đọc thành nhiều âm khác nhau rất bất tiện, như Nhân (人) đọc thành Jin, Nin hoặc Hito tùy theo ngữ cảnh.

37 Đại Chánh San Kinh Hội, gọi đủ là Đại Chánh Nhất Thiết Kinh San Hành Hội (về sau đổi tên là Đại Tạng Xuất Bản Châu Thức Hội Xã) được thành lập vào năm Đại Chánh (Taishō) thứ 13 (1924) ở Nhật Bản (Đại Chánh là niên hiệu của hoàng đế Gia Nhân (Yoshihito), tức ông nội của Thiên Hoàng Minh Nhân (Akihito) hiện thời). Hội này do ông Cao Nam Thuận Thứ Lang (Takakushu Junjiro) và pháp sư Độ Biên Hải Húc (Watanabe Kaigyoku) đề xướng, tập hợp những pháp sư, những nhà nghiên cứu Phật học có uy tín nhằm tham gia biên tập Đại Tạng Kinh, hiệu đính cho thật tinh xác, hoàn chỉnh.

38 Ở Trung Hoa thuở xưa thường có truyền thuyết rằng: Tại Tây Vực, trước khi kết hạ an cư trong ba tháng, mỗi vị Tăng phải đúc một tượng người bằng sáp có phân lượng bằng chính mình để cất giữ. Sau ba tháng An Cư, Tăng đoàn sẽ cân người thật và tượng sáp để kiểm nghiệm xem vị ấy có giữ giới thanh tịnh không? Nếu người thật nhẹ hơn tượng sáp tức là đã không nghiêm trì giới luật trong ba tháng An Cư. Bách Trượng Thanh Quy chương tám đã biện định về vấn đề này như sau: “Tăng không tính theo tuổi mà tính theo Lạp vì khác thế tục. Trong ba thời, Tây Vực dùng một thời để an cư, cấm ngặt ra vào. Phàm Thiền, tụng, đi, ngồi đều phải theo đúng thứ tự như giới đã thọ. [Phép an cư] được chế ra để thúc giục [Tăng chúng] siêng năng nơi đạo. Dùng ba tuần [trước khi an cư] để chuẩn bị những vật cần dùng để dưỡng cho thân tâm trong ngoài đều được yên ổn, định kỳ hạn tấn tu để khỏi bỏ lỡ thời gian, mến tiếc, bảo vệ sanh mạng loài vật cũng như thực hành lòng từ nhẫn… Do tùy theo thời tiết từng nơi mà an cư cho thích đáng nên gọi là “tọa hạ” hoặc “tọa lạp”, ý nghĩa của Giới Lạp bắt nguồn ở chỗ này. Còn như nói kiểm nghiệm người sáp (lạp nhân) xem có bị chảy hay không để xét định người an cư kiết hạ giới hạnh có còn trong sạch hay không, hoặc nói đem người sáp chôn xuống đất để kiểm nghiệm xem người an cư kiết hạ có giữ giới trọn vẹn hay không, đều là những lời quê kệch vu báng phàm tục, chẳng phải là ngoa truyền ư?” Như vậy, có lẽ do người Trung Hoa thời cổ đã lầm lẫn chữ Lạp (臘: tuổi) với chữ Lạp (蠟: sáp) nên mới có những lời ngoa truyền như vậy.

39 Tức dấu sẹo tròn do đốt những viên hương trên đỉnh đầu khi thọ Cụ Túc Giới. Thông thường, người ta lấy hương nghiền nát trộn với bột giấy bản cho dễ cháy, hòa thành viên rồi tùy theo sự phát nguyện của người thọ giới mà đốt từ một đến mười hai viên, thông thường là ba viên, cũng có những vị không đốt.

40 Sở dĩ Tổ nhấn mạnh chuyện đốt hương thọ giới vì thời ấy sau khi nhà Thanh bị lật đổ, nam giới Trung Hoa thôi gióc tóc thắt đuôi sam, bắt đầu hớt tóc ngắn theo lối Âu Tây. Dân nghèo thường cạo trọc luôn cho tiện và đỡ tốn tiền hớt tóc. Do vậy, khó thể phân biệt được Tăng và Tục nếu không có dấu sẹo thọ giới.

41 Lộc Dã (Mrgadāva) thuộc về thành phố Sārnāth hiện nay. Theo truyền thuyết đây là nơi các tiên nhân ở để tu khổ hạnh trong quá khứ nên loài nai được sống bình yên, do đó có tên Lộc Dã Uyển, cũng do đây là nơi các tiên nhân thường ở nên còn gọi là Tiên Nhân Trụ Xứ. Đại Tỳ Bà Sa Luận cho biết: Trong đời quá khứ Phật là Tối Thắng tiên nhân, từng tu tập ở nơi ấy. Đây là nơi đức Phật cùng nhóm Kiều Trần Như năm người cùng tu khổ hạnh trước khi thành đạo.

42 Đề Vị, gọi cho đủ là Đề Lý Phú Sa (Trapusa) và Ba Lợi (Bhallika) là hai vị thương nhân được phước báo cúng dường và quy y đức Phật đầu tiên sau khi Ngài mới đắc đạo. Theo Phương Quảng Đại Trang Nghiêm Kinh quyển 10, Đề Vị Ba Lợi Kinh, Thái Tử Thụy Ứng Bổn Khởi Kinh, Phổ Diệu Kinh và Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh, khi ấy, đức Phật đã thành đạo được bốn mươi chín ngày, tính đi đến Lộc Dã Uyển để độ nhóm Kiều Trần Như, giữa trưa Ngài đang tịnh tọa dưới cội cây trong rừng Đa Diễn thì thấy anh em ông Đề Vị đẩy năm trăm cỗ xe châu báu đi qua. Họ thấy Phật bèn ghé lại thưa hỏi, cúng dường lương khô lên Phật và được thọ pháp Ưu Bà Tắc đầu tiên. Hai vị này xin đức Phật ban cho vật kỷ niệm để đem về nước thờ phụng, đức Phật liền ban cho mấy sợi tóc và móng tay. Hai ông đem về nước dựng tháp cúng dường. Theo Đại Đường Tây Vực Ký quyển một, phần chép về nước Phược Yết nói: “Cách đại thành về phía Bắc hơn 50 dặm có thành Đề Vị, cách thành Đề Vị về phía Bắc 40 dặm lại có thành Ba Lợi, trong mỗi thành đều có tháp cao hơn ba trượng để thờ tóc và móng tay của Như Lai”. Người Miến Điện tin tưởng những sợi tóc này đã được đưa sang thờ tại chùa Shwedagon ở Ngưỡng Quang (Yangon, hoặc Rangoon), tức cựu thủ đô của Miến Điện.

43 Thúc Tu là thịt muối hay thịt khô được bó chặt lại, thường được dùng thay cho học phí thuở xưa.

44 Hoàng Quyển Xích Trục: Đôi khi còn gọi là Hoàng Quyển Châu Trục hoặc Hoàng Chỉ Châu Trục. Do thời cổ nhằm tỏ ý trân trọng, kinh được chép trên một tờ giấy dài màu vàng, hai đầu có gắn trục sơn son để cuộn lại cho dễ bảo quản. Sơn son vừa nhằm mục đích trang trí cho đẹp, vừa cho dễ thấy, để chỉ nắm lấy hai đầu trục mà mở ra từ từ, không làm rách giấy. Phong tục này không biết bắt nguồn từ thời nào, có thuyết cho rằng từ thời Trinh Quán (627-649) nhà Đường, vua ban chiếu chép kinh lên giấy nhuộm nghệ vàng để khỏi bị mối mọt cắn. Từ đấy về sau, kinh thường được chép trên giấy có màu vàng. Cũng có truyền thuyết cho rằng năm Vĩnh Bình 14 (630) đời Hán Minh Đế, vua chấp thuận lời thỉnh cầu của bọn đạo sĩ cho phép dùng lửa thí nghiệm xem kinh Phật hay kinh Đạo giáo kinh nào cao quý hơn. Rốt cuộc kinh của Đạo giáo cháy tan thành tro, chỉ còn kinh Phật bị khói hun nên ngả sang màu vàng. Do đó, kinh Phật được gọi là “hoàng quyển” từ đó.

45 Thân Tử là cách dịch nghĩa tên ngài Xá Lợi Phất trước thời pháp sư Cưu Ma La Thập. Từ thời pháp sư Huyền Trang trở đi, nếu dịch nghĩa chữ Xá Lợi Phất sẽ dịch là Thu Tử, hoặc Thu Lộ Tử.

46 Ngũ Giáo ở đây là Ngũ Giáo do đại sư Hiền Thủ phán định vào thời Đường, chứ không phải là Ngũ Thời Bát Giáo của Tổ Trí Giả. Theo Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương, quyển một, ngài Hiền Thủ phán định một đời giáo hóa của đức Phật gồm năm loại giáo pháp: Tiểu Thừa Giáo (ngu Thanh Văn giáo), Đại Thừa Thủy Giáo (Quyền giáo), Đại Thừa Chung Giáo (Thật giáo), Đốn Giáo và Viên Giáo.

47 Hai ông được nói đến ở đây chính là đại sư Vân Thê Liên Trì và đại sư Cừ Am U Khê.

48 Đoàn Chấp Chánh chính là Đoàn Kỳ Thụy (1864-1936), một tay quân phiệt dưới thời Dân Quốc, từng làm Quốc Vụ Tổng Lý và Tổng trưởng Lục Quân, kiêm nhiệm nhiều bộ dưới thời Dân Quốc. Ông này vốn có tên là Khải Thụy, tự là Chi Tuyền, người Hợp Phì (tỉnh An Huy), từng được huấn luyện quân sự tại Đức Quốc, là tay chân của Viên Thế Khải. Ông ta luôn tích cực phát động chiến tranh để tranh giành quyền bính. Do họ Đoàn giữ chức Lâm Thời Chấp Chánh (tương ứng với chức Đại Tổng Thống) từ năm 1924 đến năm 1926 nên lá thư này phải được viết trong khoảng thời gian đó.

49 Nguyên văn “Tiết kinh triệu doãn”: Tiết là tên họ, còn Kinh Triệu Doãn chức vụ được đặt ra từ thời Tần giữ nhiệm vụ quản lý hành chánh và trị an ở kinh đô. Về sau, tất cả những vị trưởng quan quản trị hành chánh và trị an ở thủ đô đều được gọi là Kinh Triệu Doãn. Chúng tôi dùng chữ Đô Trưởng để tạm dịch vì người Việt thường gọi chức vụ này bằng danh xưng Đô Trưởng. Tiết Kinh Triệu Doãn là ông Đô Trưởng họ Tiết.

50 Cao Hạc Niên (1872- không rõ năm mất) là người huyện Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô, tên thật là Hằng Tùng. Mộ đạo từ nhỏ, thấu hiểu sanh tử là chuyện lớn, nên đã phát nguyện hành cước, tham phỏng thiện tri thức khắp các danh sơn. Trong số các cư sĩ cận đại, ông là người đi tham học rộng khắp nhất. Năm 1921, để đáp tạ ơn vợ thay mình phụng dưỡng bố mẹ trong khi ông rong ruổi tham học, ông đã biến nhà mình thành Trinh Tiết Tịnh Độ An Lão Viện để làm chỗ cho vợ và những phụ nữ đức hạnh tu tập Tịnh nghiệp. Ông tích cực tham gia công tác từ thiện, nhất là trong vụ lụt lớn tại các huyện phía Bắc tỉnh Giang Tô, đã tận tụy đi cứu tế hơn mười mấy chỗ. Năm Dân Quốc 37 (1948), ông về ẩn tu tại Chung Nam Sơn, không rõ mất năm nào. Tác phẩm nổi danh nhất của ông là Danh Sơn Du Phỏng Ký.

51 Tức Tây Phương Tam Thánh, đôi khi còn gọi là Di Đà Tam Tôn.

52 Chương Gia (Lcan-skya) là một trong bốn vị Đại Hô Đồ Khắc Đồ (Khutuktu: hóa thân) của Nội Mông Cổ. Vị này thuộc Tông Gelupa (Hoàng giáo, Hoàng Mạo phái) theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, thường được gọi là Chương Gia Cách Căn (Lcan-skya Gegen: Chương Gia Quang Minh). Người Mông Cổ tin Chương Gia là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát. Vị Chương Gia nói ở đây thuộc đời chuyển thế thứ mười chín (thật ra, chỉ từ đời thứ mười ba trở đi, vị hóa thân này mới có tên là Chương Gia, nên đa số các sách vở thường gọi vị này là Chương Gia Hoạt Phật đời thứ bảy. Chương Gia vốn là một địa danh tại Tây Tạng). Sư có tên là Lịch Nghinh Diệp Tích Đạo Nhĩ Tế (Ye-śes rdo-rje), còn gọi là Tang Kết Trát bố (Sans-rgyas-skyabs), sanh vào năm Quang Tự mười bảy (1891) tại Thanh Hải, lên ngôi Pháp Vương năm Quang Tự 22 (1896). Năm Quang Tự 25 (1899), theo lệnh vua Quang Tự đến Bắc Kinh hoằng pháp, phụng chỉ quản trị các chùa thuộc hệ thống Phật giáo Tây Tạng tại Bắc Kinh, Ngũ Đài như Côn Chúc, Pháp Uyên… được sắc phong danh hiệu Quán Đảnh Phổ Thiện Quảng Từ Đại Quốc Sư. Khi Dân Quốc thành lập, Sư được mời làm ủy viên của Mông Tạng Ủy Viên Hội, kiêm nhiệm Lý Sự Trưởng hội Phật Giáo Trung Hoa. Sư từng được cử làm trưởng đoàn nghênh đón xương đỉnh đầu ngài Huyền Trang từ Nhật Bản về Trung Hoa. Sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập, Sư sang Đài Loan và mất ở Đài Bắc năm 1978. Sau khi Sư mất, dòng chuyển thế này bị chấm dứt. Hòa thượng Tịnh Không từng theo học pháp với vị này khi còn là tại gia cư sĩ.

53 Núi Kê Túc (Kukkutapāda-giri) còn dịch là Kê Cước, Tôn Túc, Lang Túc, Lang Tích, là một ngọn núi thuộc nước Ma Kiệt Đà, cách Già Da (Gayā) hơn 25 km về phía Đông Bắc là nơi ngài Ma Ha Ca Diếp nhập diệt. Đại Đường Tây Vực Ký quyển chín đã mô tả: “Núi cao chót vót, hang sâu thăm thẳm không đáy, cây to phủ kín hang núi… Sau này, tôn giả Ca Diếp Ba nhập diệt nơi ấy nên [người ta] không dám gọi thẳng tên núi mà gọi là Tôn Túc”. Do tại huyện Bảo Xuyên tỉnh Vân Nam cũng có một hòn núi mang tên Kê Túc nên Phật giáo Trung Hoa đã đồng nhất núi này với núi Kê Túc tại Ấn Độ, và nơi ấy cũng được coi là đạo tràng ứng hóa của ngài Ma Ha Ca Diếp.

54 Đây là một công án Thiền (được đánh số 22) trong bộ Vô Môn Quan với nhan đề Ca Diếp Sát Can (Cột phan của Ca Diếp). Theo đó, ngài A Nan hỏi tôn giả Ca Diếp: “Ngoài y ca-sa vàng truyền lại cho ngài, đức Thế Tôn còn để lại vật gì nữa hay không?” Ngài Ca Diếp liền gọi: “A Nan!” A Nan thưa: “Dạ!”, ngài Ca Diếp bảo: “Lật đổ cái cột phan trước cửa đi” (Đảo khước môn tiền sát can). Theo ngu ý, ở đây Tổ Ấn Quang khuyên ông Cao Hạc Niên hãy lắng lòng tu tập, lãnh hội lời dạy của Tổ Ca Diếp thì chẳng khác gì ngày ngày gặp gỡ Ca Diếp tôn giả, hơn là bôn ba đến núi Kê Túc.

55 Thái Sơn, còn gọi là Đại Sơn, Đại Tông, Đại Nhạc, Đông Nhạc, Thái Nhạc… cùng với Hành Sơn, Hằng Sơn, Hoa Sơn, Tung Sơn hợp thành Ngũ Nhạc, tức năm ngọn núi thiêng phân định ranh giới của Trung Nguyên. Thái Sơn nằm trong tỉnh Sơn Đông, chạy dọc từ huyện Tế Nam đến tận huyện Khúc Phụ, cao đến 1.545m. Hoa Sơn (Tây Nhạc) thuộc huyện Hoa Dương, tỉnh Thiểm Tây, cao đến 2.154m.

56 Chung Nam (còn gọi là Trung Nam Sơn, Thái Ất Sơn, Địa Phế Sơn, hay Nam Sơn) là một quả núi hữu danh thuộc rặng Tần Lĩnh ở huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây, có quan hệ mật thiết với Phật giáo. Năm Kiến Đức thứ hai (573) nhà Bắc Châu, sư Pháp Tạng lên ngọn Tử Cái của núi này kết thảo am tu hành. Khi Châu Vũ Đế phế Phật, hơn ba trăm vị danh tăng đã phải ẩn cư trong núi này. Sơ Tổ Tông Hoa Nghiêm là pháp sư Đỗ Thuận cũng ẩn tu tại núi này vào thời Đường. Tổ Trí Nghiễm của Tông Hoa Nghiêm cũng hoằng dương giáo nghĩa Hiền Thủ tại nơi này. Ngài Đạo Tuyên luật sư cũng hoằng dương Tứ Phần Luật Tông tại đây (Sử sách thường gọi là Chung Nam Luật Tông, hoặc Nam Sơn Luật Tông).

57 La Phù là một ngọn núi nổi tiếng vùng Lĩnh Nam, núi nằm trong rặng La Phù, thuộc huyện Bác La, tỉnh Quảng Đông, có rất nhiều đạo tràng nổi tiếng. Ngài Đạo Khai là người đầu tiên đến dựng thảo am thờ Phật tại núi này. Các vị danh tăng như Chi Pháp Phòng, Tăng Cảnh, Đạo Tiệm, Huệ Trì, Huệ Lãm, Trí Dược, Hy Thiên, Duy Nghiễm, Đại Điên (vị sư hóa độ Hàn Dũ), Hành Minh đều từng tu tại đây. Sách Thái Bình Ngự Lãm còn cho biết: Theo truyền thuyết Cát Hồng từng tu tiên nơi đây. Do vậy, núi này được coi là thánh địa của cả Phật Giáo lẫn Đạo Giáo.

Núi Bôi Độ thuộc huyện Bảo An, tỉnh Quảng Đông, còn có tên là Độn Môn, tức ngọn Thanh Sơn ở Hương Cảng hiện thời. Sau chùa Thanh Sơn trên núi còn có Bôi Độ Nham thờ tượng đá của Bôi Độ thiền sư, tương truyền đây là nơi ngài từng ngồi Thiền. Theo truyền thuyết, chính vị này đã quăng một cái chén xuống biển, đạp lên đó, vượt biển đến núi này nên có tên là Bôi Độ. Trong bài tán Tăng Bảo đã nhắc đến chuyện này: “Phù bôi quá hải sát na thời” (Chén nổi vượt biển trong khoảng sát-na).

Núi Nhạn Đãng thuộc thành phố Ôn Châu tỉnh Chiết Giang, chia ra thành ba rặng Bắc, Trung, Nam. Bắc Nhạn Đãng nổi danh nhất, có nhiều đạo tràng cổ nhất.


58 Tức Trinh Tiết Tịnh Độ An Lão Viện. Do Cao Hạc Niên chí muốn xuất gia nhưng vì cha mẹ ép buộc, phải lấy vợ. Vợ chồng ông coi nhau như bạn, ông đi tham học khắp nơi, vợ ở nhà thủ tiết phụng dưỡng bố mẹ chồng. Hai người không có con cái. Khi về già, ông biến nhà riêng thành Tịnh nghiệp đường để làm nơi tu trì Tịnh nghiệp và dưỡng lão cho những bà góa hoặc những phụ nữ không chồng.

59 Nguyên văn “Hổ phách triều châu”. Triều Châu (xâu chuỗi đeo khi chầu vua) là một thứ trang sức bắt buộc của các quan lại dưới triều Thanh khi mặc triều phục. Do các đế vương khai sáng nhà Thanh sùng phụng Phật giáo, họ cho rằng chữ Mãn Châu (Manchu) vốn là biến âm của chữ Văn Thù và dân tộc Mãn Châu là hậu duệ của Bồ Tát Văn Thù (Mạn Thù Sư Lợi: Manjushri) nên hoàng đế nhà Thanh được coi như hóa thân của Bồ Tát Văn Thù. Quan viên vào chầu vua như triều kiến Bồ Tát, đương nhiên phải đeo tràng hạt. Theo điển chế nhà Thanh, vương công, đại thần, mệnh phụ khi mặc triều phục bắt buộc phải đeo Triều Châu. Triều Châu phải gồm đủ 108 hạt, thường làm bằng Hổ Phách, cứ cách hai mươi bảy viên lại xâu thêm một hạt ngọc, hạt ngọc ấy gọi là Phật Đầu. Viên Phật Đầu nằm ngay chính giữa ngực phải được xỏ lớn hơn các viên khác, thường bằng Lục Ngọc, và được gọi là Phật Đầu Tháp. Cuối viên Phật Đầu Tháp phải có đuôi hình quả hồ lô để gắn tua trang trí. Hai bên Phật Đầu Tháp phải gắn thêm ba sợi dây xâu ngọc mỗi bên, mỗi dây gồm mười viên.

60 Tức bài văn cho Trinh Tiết Tịnh Độ An Lão Viện đã nói trong lá thư thứ năm.

61 Sát Hải: nói đủ là “sát độ đại hải”, từ ngữ dùng để chỉ mười phương thế giới hay vũ trụ. Sát tức là chữ Ksetra (sát-độ) nói gọn. Một Ksetra nhỏ nhất là một tam thiên đại thiên thế giới, tức khu vực giáo hóa của một đức Phật. Do sát-độ của chư Phật vô lượng vô biên nên dùng chữ Hải (biển) để hình dung số lượng rộng lớn không thể tính xuể được.

62 Diễm Dự là một hòn đá to ở ngay cửa vào kẽm núi Cù Đường (còn gọi là Quỳ Hiệp) đầu nguồn Trường Giang, thuộc huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên. Nước sông chảy rất xiết, xoáy rất mạnh khi vỗ qua hòn đá này, tạo thành một cảnh quan hùng vĩ nên thường được thi nhân ngâm vịnh, và dùng như một hình ảnh để mô tả thời gian trôi qua quá nhanh.

63 Sát-na (Ksana), còn được phiên âm là Xoa Noa, có nghĩa là khoảnh khắc, trong vòng một niệm, thường được hiểu là khoảng thời gian đủ cho một tâm niệm dấy khởi lên hay trong một cái chớp mắt. Tuy thế, một chớp mắt vẫn lâu hơn một Sát-na rất nhiều. Có nhiều cách giải thích chữ Sát-na:

1) Theo Câu Xá Luận quyển 12 thì một trăm hai mươi Sát-na là một Đát-sát-na (Tat-ksana), sáu mươi Đát-sát-na là một Lạp-phược (Lava), ba mươi Lạp-phược là một Mâu-hô-lật-đa (Muhūrta), ba mươi Mâu-hô-lật-đa là một ngày đêm. Như vậy, một Sát-na là 0.013 giây.

2) Theo Ma Ha Tăng Kỳ Luật quyển 17, một Sát-na là một Niệm, hai mươi Niệm là một Thuấn, hai mươi Thuấn (chớp mắt) là một Đàn Chỉ (khảy ngón tay), hai mươi Đàn Chỉ là một Lạp Phược, hai mươi Lạp Phược là một Tu Du, ba mươi Tu Du là một ngày đêm. Như vậy, một sát-na bằng 0.018 giây.

3) Theo phẩm Quán Không kinh Nhân Vương quyển thượng thì chín mươi Sát-na là một Niệm. Theo Vãng Sanh Luận Chú quyển thượng thì sáu mươi Sát-na là một Niệm (tức là một niệm theo như Ma Ha Tăng Kỳ Luật lại được chia thành 60 phần hay 90 phần, nên càng nhỏ hơn nữa).



4) Cũng theo phẩm Quán Không kinh Nhân Vương, trong một Sát-na có chín trăm lần sanh diệt. Còn theo Vãng Sanh Luận Chú thì trong một Sát-na có một trăm lẻ một lần sanh diệt.

64 Điển tích Đào Nguyên (gọi đủ là Đào Hoa Nguyên) xuất phát từ bài ký Đào Hoa Nguyên Ký của Đào Tiềm thời Tấn. Theo đó, vào niên hiệu Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng ven theo dòng suối lạc bước vào rừng hoa đào, đến một hang núi ở đầu nguồn dòng suối. Anh chàng đánh cá đi vào trong hang núi đến một khu đất trù phú bình yên, người dân sống trong ấy thong dong, đẹp đẽ vượt ngoài cõi tục. Hỏi ra mới biết họ là những người lánh nạn đời Tần, không hề giao thiệp với thế giới bên ngoài nữa. Anh ta được đãi đằng trọng hậu, ở chơi mấy ngày ra về, ghi dấu kỹ càng, báo lên quan Thái Thú. Quan Thái Thú sai người dõi theo dấu đã ghi nhưng không tìm được chốn Đào Nguyên nữa.

Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư

tải về 2.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   21   22   23   24   25   26   27   28   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương