Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一


Thư trả lời cư sĩ Huệ Thanh



tải về 2.21 Mb.
trang24/29
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích2.21 Mb.
#36455
1   ...   21   22   23   24   25   26   27   28   29

190. Thư trả lời cư sĩ Huệ Thanh
Ông đã đến tuổi cổ hy (bảy mươi), lại còn phải dạy học kiếm ăn, nhưng cuồng tâm vẫn chẳng dứt! Muốn nghiên cứu Lăng Nghiêm, Thiền Tông, muốn được vang danh “có Thiền, có Tịnh”. Thật có thể gọi ông là kẻ “chưa đến suối vàng chưa chết lòng” (Thế tục nói: “Chẳng đến Hoàng hà chẳng cam lòng”, đấy chính là đã khéo léo dùng Hoàng Hà thay cho hoàng tuyền (suối vàng). Nếu đến suối vàng, dẫu chẳng chịu nguội lạnh tấm lòng thì cũng đành nguội lạnh cõi lòng mà thôi). Những kẻ biết tà thấy lầm hiện thời nhan nhãn khắp thế giới. Ai có tinh thần để biện luận với bọn họ? Đã biết lời phê phán Bát Thức là sai, sao vẫn gởi cho người khác?

Tri thức hiện thời mỗi người đề cao một pháp, ông hãy nên đọc kỹ các sách Tịnh Độ, lấy cổ nhân làm thầy để khỏi đến nỗi bị mê muội. Nếu thân cận những tri thức theo kiểu trẻ trung, hiện đại264 hiện thời, chắc sẽ có kẻ mê mà chẳng biết mình đang mê! Đối với sách Yếu Giải mà ông còn chưa mãn ý, bảo [ngài Ngẫu Ích] học vấn chẳng bằng ngài Liên Trì, nhưng lũ ta há dám suy đoán xằng bậy sở chứng của cổ nhân ư? Nếu bàn đến chỗ mấu chốt, trọng yếu về mặt nghĩa lý của sách Yếu Giải thì quả thật là ngàn đời chưa hề có. Tàng Kinh Viện có sách Tịnh Độ Thập Yếu, Bảo Vương Luận cũng nằm trong bộ sách ấy, sao lại bảo là tìm [Bảo Vương Luận] không ra?

Bản chú giải Khai Mông265 có cũng được, không cũng được. Cái học của ngài Thông Trí có chỗ thông mà cũng có chỗ chưa thông. Những bản chú giải cổ của kinh Lăng Nghiêm nhiều vô số, cần gì phải đọc bản Khai Mông ấy? Khai Mông cũng sao lục văn của người xưa, nhưng sư [Thông Trí] sắp xếp không theo thứ tự. Ông thử đọc lá thư gởi cho hòa thượng Tịch Sơn chùa Vạn Thọ trong Văn Sao sẽ hiểu ý. Muốn thấy được đại ý kinh Lăng Nghiêm thì cần phải tìm tòi, phân tích từng câu kinh văn, chú thích tường tận thì mới [thấy rõ ràng] như nhìn vào đường chỉ tay trong lòng bàn tay.

Ông tuổi đã gần bảy mươi mà vẫn chưa hiểu rõ pháp môn Tịnh Độ, cứ si tâm vọng tưởng muốn nghiên cứu Lăng Nghiêm, lại muốn biết mùi vị của Thiền Tông. Đừng nói chưa biết mùi vị nhà Thiền; dẫu biết rồi cũng chẳng thể gọi là “có Thiền”! Sao ông không đọc bài Tịnh Độ Quyết Nghi Luận và Tông Giáo Bất Nghi Hỗn Lạm Luận của Quang vậy? Ông muốn được “có Thiền” thì ông phải nằm mộng! Nếu không, chẳng thể “có Thiền” được! Tâm phải đặt nơi “cầu không thể được”; nếu đích thân thấy được điều này thì may mắn lớn. Nếu không, hãy nhất tâm niệm Phật, niệm đến mức cùng cực sẽ tự biết ngay. Dẫu chẳng biết, nhưng được vãng sanh Tây Phương thì lo gì không biết?

Ông muốn người khác chỉ cho ông [chân tâm] nhất định ở chỗ nào thì chính là kẻ si “dán trụ gảy đàn Sắt”266 vậy. Ông hoàn toàn chẳng có khí phận Thiền môn, lầm lạc bảo những lời cổ nhân nói như “đem cái tâm [của ông lại đây], ta sẽ an cho ông”267 là mờ mịt, chẳng sợ mắc tội báng pháp ư? Đấy chính là cổ nhân vận dụng tâm tham cứu đến cùng cực, cho nên từ một lời liền đích thân thấy được bản lai như người uống nước, lạnh - nóng tự biết. Ông dùng cái tâm dò đoán suy lường để lãnh hội nơi văn tự bề ngoài, nên mới cho là mờ mịt, không thân thiết, phân minh! “Thuần tưởng tức phi”268 nghĩa là bay lên, sao lại lầm lạc bảo là “tâm ở trên đảnh”269? Đúng là tri kiến ngoại đạo nói nhăng nói càn! Kinh được dẫn trong Cảm Ứng Vựng Biên chưa từng giảo chánh, đối chiếu, nhưng ý nghĩa chánh yếu là “thiên thần giám sát chẳng hề xa lìa”, cũng chẳng cần phải chấp chết cứng từng câu từng chữ.

Tâm như nước lặng, gương sáng” là ước theo bản thể để nói. “Gương sáng chẳng phải đài” chính là thánh tình và phàm tình đều tận, Năng - Sở lưỡng vong (chủ thể và đối tượng được nhận biết đều mất). Ông chỉ sợ người khác chấp trước, nhưng [chính ông lại] lầm lạc khác nào vạn dặm. Sách Kim Cang Bàng Chú là do ngoại đạo nói ra, ông coi đó là Phật pháp, đáng than tột cùng! Cái được cầu chính là tâm, nhưng cần phải hiểu được cái tâm ấy thì mới tốt. Nếu không, chẳng những cái được cầu chính là tâm mà ngay cả cái bị buông bỏ cũng chưa hề chẳng phải là tâm! Ngay như làm chuyện giết - trộm - dâm, có bao giờ chẳng phải là tâm? Có thể nói ông [là hạng người] biết nhiều, hiểu nhiều, nhưng đối với chuyện này lại chẳng biết quy hướng về đâu để được thọ dụng! Ông hãy nên chết lòng sốt sắng niệm Phật, đừng làm [ra vẻ] một vị đại thông gia giỏi phân biệt pháp nghĩa kiểu đó, sẽ chẳng uổng đời này, chẳng phí dịp gặp gỡ này. Nếu không, sanh tử xảy đến, vẫn theo nghiệp thọ báo y như cũ! Mong gặp được pháp môn Tịnh Độ lần nữa, e rằng chẳng được may mắn như thế đâu!


191. Thư trả lời cư sĩ Hồ Trạch Phạm (thư thứ nhất)
Xem thư gởi đến, có thể nói là “phát đại Bồ Đề tâm để mong mình lẫn người đều được lợi”, nhưng thư viết “tâm lợi mình nhạt nhẽo, tâm lợi người thiết tha” cũng là ngữ bệnh! Chẳng thể tự lợi thì trọn chẳng thể làm lợi lớn lao cho người khác được! Hai điều ấy hãy nên chẳng phân biệt thân - sơ mới đúng. [Tự lợi và] lợi tha chính là một nguyện mà thôi, đối với tự lợi ắt phải dốc hết tâm lực, há nên đối với phương diện tự lợi lại nói là nhạt nhẽo, lầm lạc học theo thân phận của đại Bồ Tát!

Cuốn Di Đà Kinh Bạch Thoại Giải của ông Hoàng Hàm Chi (lúc ấy ông ta đang giữ chức Đạo Đài 270 vùng Ninh Thiệu, vẫn chưa quy y) trích dẫn những kinh văn từ những sách vở khác, nhưng trước đấy không dẫn nguyên văn mà dùng ngay Bạch Thoại để diễn giải [ý nghĩa những đoạn kinh văn ấy], quả thật là một thiếu sót lớn! Khi ấy, Quang chẳng nghĩ làm như vậy là đúng lắm, nhưng chưa thể khuyên ông ta không nên làm như vậy. Năm Dân Quốc 18 (1929), ông ta lại soạn cuốn Phật Học Đại Ý (khoảng hai trăm trang), Triêu Mộ Khóa Tụng Bạch Thoại (hơn hai trăm trang) cũng giống như vậy. Quang bảo ông ta trước hết dẫn nguyên văn kinh điển, phía dưới lại dùng Bạch Thoại để chú thích thì phần kinh văn [vừa dẫn] có thể dùng làm căn cứ [chứng tỏ những câu ấy xuất phát từ kinh luận của Phật, của Tổ], phần Bạch Thoại chỉ là giải nghĩa sẽ có lợi ích. Thật ra, chỉ dùng lối văn rõ ràng để diễn tả thì mới là hợp căn cơ, nhưng chẳng nên chuyên bắt chước theo quy cách trong nhà trường vào thời gần đây271. Thoạt đầu ông ta rất vội vã, muốn đem in ngay. Do vậy, vĩnh viễn không nhắc tới nữa. Quang cũng vĩnh viễn không hỏi tới nữa vì sợ ông ta thấy tốn công sẽ đình chỉ.

Các hạ đã thờ pháp sư Hoằng Nhất làm thầy, [tác phẩm do các hạ biên soạn] lại được Hồ Ký Trần giảo duyệt, lại cậy ông Phạm Cổ Nông giảo duyệt, cần gì phải gởi cho Quang nữa? Quang đã bảy mươi hai tuổi, tinh lực lẫn mục lực đều không đủ. Tất cả những bưu kiện từ bên ngoài gởi đến đều để nguyên đem gởi trả lại vì tự thấy mình chẳng rảnh rỗi, đâu thể nhọc nhằn vì người khác được? Sách ấy tôi chưa từng đọc qua! Nghe nói mùa Đông năm ngoái ông Cổ Nông trở về nhà; đã từ nhiệm chức vụ ở Phật Học Thư Cục, nhưng đối với những sách vở có quan hệ khẩn yếu vẫn lo liệu đôi chút tại nhà.

Ngàn vạn phần xin đừng gởi [bản thảo] tới, Quang thật chẳng có tinh thần để thù tiếp chuyện bên ngoài. Huống chi còn có chuyện chưa giải quyết xong, muốn cầu người khác lo giùm mà chẳng thể được, quả thật là lo nghĩ đến cùng cực. Hiện nay chiến sự khốc liệt như thế, nhân dân cả nước đều khó yên tâm. Hằng ngày chỉ trì chú Đại Bi, niệm danh hiệu Quán Âm để cầu Tam Bảo gia bị khiến cho chiến tranh chấm dứt mà thôi (Ở đây là nói về cuộc chiến ở Thượng Hải vào năm Dân Quốc 21 - 1932. Người biên tập chú thích)


192. Thư trả lời cư sĩ Hồ Trạch Phạm (thư thứ hai)
Chiến sự đã dứt là do trăm ngàn vạn thiện sĩ Tăng - tục Trung Quốc tha thiết cầu nguyện mà cảm nên. Quang bất quá chỉ là một trong số trăm ngàn vạn người mà thôi! Nếu nói là do lòng Thành của tôi cảm vời thì sẽ thành “trộm danh, đoạt sự tốt lành”, không có công lao gì mà mạo nhận! Há Quang chịu nhận sự khen ngợi ấy ư? Sách Lễ Ký chép: “Làm người ắt phải theo lẽ thường”, cư sĩ bảo “[Quang] là cổ Phật tái lai không còn ngờ gì nữa” tức là coi Phật như phàm phu, coi phàm phu là Phật, so với lỗi quy công cho Quang càng lớn hơn vô lượng lần! Ông và tôi có duyên, hãy nên đối đãi với nhau bằng tình ý chân thật. Nếu nói như vậy (tức là nói đại sư Ấn Quang là cổ Phật tái lai – ghi chú của người dịch) thì đôi bên đều phạm tội lỗi!

Kinh Di Đà là pháp môn căn bản của pháp môn Tịnh Độ. Phẩm [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện tuy rộng lớn sâu mầu nhưng xét đến cùng chẳng phải là nguồn pháp căn bản của pháp môn Tịnh Độ. Vì thế, hãy nên cùng tụng hai kinh, trọn chớ nên chỉ tụng phẩm Hạnh Nguyện, chẳng tụng kinh Di Đà. Chỉ tụng kinh Di Đà, không tụng phẩm Hạnh Nguyện thì được; chứ chỉ tụng Hạnh Nguyện, không tụng kinh Di Đà thì không được! Dùng kinh Di Đà làm khóa tụng sáng tối hoặc tụng nhiều hơn cũng được, quyết chớ nên trọn chẳng tụng kinh Di Đà để chuyên tụng phẩm Hạnh Nguyện, vì [làm như vậy] sẽ trở thành tu trì mà quên gốc vậy.

Hai kinh ấy cố nhiên không có cao - thấp, nhưng đối với hành nhân Tịnh Độ lại có thân - sơ; do vậy, chẳng thể luận định các kinh Đại Thừa giống hệt như nhau được. Những lợi ích của mười đại nguyện vương như đã nói [trong phẩm Hạnh Nguyện] vốn là nêu ra những điều thù thắng, ông cho rằng những lợi ích đạt được bởi kinh Di Đà chẳng được như thế hay sao? Nếu nói như vậy, về mặt khuyên dạy cũng có thể chấp nhận được, nhưng nơi phương diện Thể, Đạo, Minh Tông (nêu rõ tông chỉ) sẽ chẳng tránh khỏi [khuyết điểm] chỉ hiểu theo mặt chữ. “Chúng sanh sanh giả, giai thị A Bệ Bạt Trí” (Chúng sanh sanh về cõi đó đều là Bất Thoái Chuyển); bậc A Bệ Bạt Trí cố nhiên có thể tùy loại hóa thân. Cư sĩ luận định kinh A Di Đà như thế, Quang chưa hề thấy nghe bao giờ! Thứ nghị luận thừa thãi ấy sao bằng không mở miệng thốt ra sẽ hữu ích hơn hay sao?
193. Thư trả lời cư sĩ Hồ Trạch Phạm (thư thứ ba)
Nhận được thư đầy đủ. Đã muốn lợi người hãy nên y theo kinh văn. Sao lại gọi Vô Lượng Thọ Kinh là Đại A Di Đà Kinh? Trong Đại Tạng vốn có bản kinh A Di Đà272 được dịch vào đời Ngô, lại có bản Đại A Di Đà Kinh do Vương Long Thư giảo chánh vào đời Tống. Nếu gọi [kinh Vô Lượng Thọ] là Đại A Di Đà Kinh sẽ khiến cho người ta chẳng biết rốt cuộc là kinh nào! Muôn phần chớ nên thay đổi tên gọi. Hễ thay đổi thì lâu ngày sẽ mê mất nguồn gốc.

Trong lời tựa của cư sĩ, có chỗ hơi không được viên mãn, tôi mạo muội sửa đổi. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ do ngài [Tịnh Ảnh] Huệ Viễn273 soạn vào đời Tùy, cư sĩ cho là do ngài [Lô Sơn] Huệ Viễn đời Tấn soạn. Tiểu thuyết thường có chuyện đặt tên theo từng hồi, bọn chúng ta giải thích kinh đã thành nề nếp, sao lại ngược ngạo bắt chước tiểu thuyết chia thành từng hồi? Trộm nghĩ dùng văn Bạch Thoại để giải thích thì trước hết phải dẫn [nguyên bản] kinh văn, rồi mới dùng văn Bạch Thoại để chú thích giản lược. Phàm những chữ thừa thãi không quan trọng đều nhất loạt chẳng dùng. Nếu chỗ nào đã rõ ràng thì đừng [giải thích] lan man nữa. Thường thấy có những người viết văn Bạch Thoại, [chánh kinh] chẳng có mấy chữ mà biến thành [câu văn Bạch Thoại] mười mấy chữ, đâm ra phí công! Nếu hoàn toàn viết hết kinh văn thành văn Bạch Thoại thì vàn muôn phần không nên! Vì sao vậy? Vì về lâu dài [người đọc] sẽ chẳng biết được những điều cốt yếu, lại còn làm mất cội nguồn!

Quang già rồi, mục lực chẳng đủ. Trong mùa Đông năm Dân Quốc 22 (1933) đã cho đăng tải trên các bán nguyệt san Tân Thân (xét ra, chính là các tờ Tân Văn Báo và Thân Báo) lời cự tuyệt hết thảy thư từ hoặc nhờ cậy viết lách. Chẳng thể soạn lời tựa [cho cuốn sách của ông] được vì không có tinh lực lẫn mục lực, chứ không phải là chẳng muốn ra sức để [hoằng truyền] kinh. Ngay như với thư từ nhận được hoặc gởi đi, Quang vẫn phải dùng cả kính lúp và kính lão để miễn cưỡng đọc, viết. Nếu chỉ dùng một loại sẽ chẳng thể thấy được. Hãy nên thương Quang già cả, nghiệp chướng sâu nặng, đừng trách móc thì may mắn lắm thay! Dùng văn Bạch Thoại để diễn giải [kinh văn] mà dùng chữ “dịch” thì chưa khỏi phạm lỗi tiếm dụng [từ ngữ] “dịch kinh”, chẳng thể không cẩn thận! Phàm ăn nói phải dựa theo sự thực, ông suy tôn Quang nào khác kẻ thường dân xưng là hoàng đế, muốn chẳng gây hệ lụy khiến cho tôi mắc phải tội khiên “đem phàm lạm thánh” há có được ư? Hãy hết sức tránh nhé!
194. Thư trả lời cư sĩ Nhạc Minh Thọ
Thư nhận được đầy đủ. Thư [ông gởi vào] hai năm trước đây do không khẩn yếu nên tôi chẳng trả lời. Nay bốn vị Thủy, Đặng, Bùi, Dương đều đến Lan Châu lo việc đề xướng niệm Phật, thật là may mắn cho đất Cam (Cam Túc). Phật pháp đã bặt tiếng vang ở đất Cam từ lâu; mấy năm gần đây, dần dần được phục hưng. Dương Hán Công cực lực đề xướng, tiếc rằng đại viện của Lạc Thiện Thư Cục ở Lũng Hữu bị lính đóng, ông ta phải ở trong tiểu viện thật bất tiện. Lại có ông Quách Hán Nho, Kha Huệ Mẫn đều tu trì khá chân thật. Năm trước, đúng vào hôm Cục Đạn Dược phát nổ, người làm công trong phân xưởng chế đạn của một đệ tử [Quang], tức ông Lý Tiên Đào, đều qua Minh Thủy Lâu xem diễn tuồng, chỉ để lại một người là con của ông Phó Kinh Lý ở lại xưởng. Nơi phân xưởng của Mã Côn Sơn, cả xưởng ra về hết, không còn một ai. Cục Đạn Dược phát nổ, mấy dãy phố đều bị sụp đổ, tan nát sạch, nhưng căn nhà nơi người con của vị Kinh Lý ở lại [hôm ấy] vốn thuộc xưởng của ông Tiên Đào chẳng bị tổn hại gì. Một gian thờ Phật trong xưởng của ông Côn Sơn cũng chẳng bị tổn hại gì, kiếng đều chưa bị nứt vỡ. Tiên Đào tuy có tín tâm, nhưng chưa cực lực tu trì. Côn Sơn do được Tiên Đào khuyên lơn, mới bắt đầu quy y, chưa đầy một năm. Chuyện này quả thật đã phát khởi tín tâm cho người dân địa phương.

Hà Hồng Cát ở Cam Cốc cũng khá gắng công đề xướng, ba năm trước đây nạn dịch tả chẳng lan đến vùng ấy. Trước khi tròn sáu mươi tuổi, Trịnh Triết Hầu là oan gia của Phật pháp; năm tròn sáu mươi tuổi đọc Văn Sao của Quang liền sanh tín tâm, ăn chay, niệm Phật, nay cực lực đề xướng tại Bình Lương. Các ông Đặng Hiểu Thần, Lý Văn Trạm v.v… ở Tần An mỗi người đều đề xướng. Đời đã loạn đến cùng cực, dân không lẽ sống, những người có chánh tri chánh kiến từ đời trước đều biết sự lý nhân quả ba đời, luân hồi trong lục đạo do đức Phật đã dạy chân thật chẳng sai, đều muốn thoát khỏi cõi Ngũ Trược này, lên cõi sen chín phẩm kia. Vì thế, vừa nghe được giáo pháp của Phật bèn sôi nổi thuận theo. Nay lại được bốn vị Thủy, Đặng, Bùi, Dương đề xướng, sẽ thấy Phật pháp hưng thịnh lớn lao, lòng người hướng thiện, lễ nghĩa, nhân nhượng hưng thịnh, can qua chấm dứt, tịnh xã lập ra, vận nước tốt đẹp là điều có thể dự đoán được!

Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, chẳng thể khai thị tường tận được. Nay gởi cho mỗi người các ông hai gói kinh sách. Gói thứ nhất vốn là Tịnh Độ Ngũ Kinh (một cuốn), đấy chính là căn bản của pháp môn Tịnh Độ, hãy nên thường thọ trì; Tịnh Độ Thập Yếu (một bộ năm cuốn) đây chính là trước thuật thiết yếu của pháp môn Tịnh Độ, Ấn Quang Văn Sao (một bộ bốn cuốn hoặc in thành hai cuốn). Đây là sách nông cạn, gần gũi nhất, khế hợp thời cơ nhất. Đọc kỹ sách này thì những ý chánh của pháp môn Tịnh Độ sẽ đều hiểu rõ. Gói thứ hai gồm Gia Ngôn Lục (một cuốn), đây là những nghĩa trọng yếu được trích lục từ Văn Sao, được chia thành môn loại, khi xem đỡ tốn tâm lực nhất; Tịnh Độ Thánh Hiền Lục (ba cuốn) thuật sự tích của những người niệm Phật xưa nay. Liễu Phàm Tứ Huấn (một cuốn), sách này văn lẫn lý đều tinh vi châu đáo, hết thảy mọi người đều nên đọc thuộc. Phật Học Cứu Kiếp Biên (hai cuốn), sách này sưu tập những chuyện nhân quả thiển cận trong kinh Phật để mong lòng người hướng thiện. Lịch Sử Thống Kỷ (hai cuốn) thâu thập những sự tích nhân quả báo ứng từ hai mươi bốn bộ sử để người đọc lấy chuyện xưa làm gương. Bộ sách này có công dụng như hai bộ sách: Trong phần đầu có mục lục, lại có biểu đồ phân loại. Như với phần Hiếu thì những gương hiếu tử trong cả bộ sách đều được liệt kê theo số quyển, số trang. Những gương không hiếu đễ, không cung kính v.v… tổng cộng gồm hai mươi bốn loại. Nếu như muốn tìm theo loại nào thì có thể tra [trong bản phân loại ấy], dựa theo số quyển, số trang mà tìm thấy ngay. Gói ấy còn hơi thiếu, nên tôi bỏ thêm các loại truyền đơn vào đấy. Các vị Thủy, Đặng, Bùi, Dương và ông mỗi người hai gói, tổng cộng là mười gói. Ngoài ra còn có năm loại sách Quán Âm Linh Cảm Lục, Gia Ngôn Lục, Kỹ Lộ Chỉ Quy, Vật Do Như Thử, Giai Đại Hoan Hỷ mỗi người đều hai gói (nếu những loại này không có, sẽ bảo [Hoằng Hóa Xã] gởi sách Sơ Cơ Tiên Đạo) để giúp cho việc đề xướng. Tổng cộng là hai mươi gói, mong hãy kiểm nhận.

Đợi đến khi đã nhận được sách đầy đủ và thùng mõ cũng đã nhận được, xin hãy viết thiếp cho biết các gói sách đều nhận được đầy đủ (đây chính là cách ngăn ngừa [bưu điện làm ăn] tắc trách), không cần phải nói nhiều vì tôi mục lực chẳng đủ, đọc khá mất sức. Nếu mõ không gởi cẩn thận, không bỏ trong một cái rương gỗ sẽ không được. Nếu chẳng bị lạc mất trên đường thì nhận được cũng chỉ đem đốt vì ông nhờ tôi mua giùm bốn cái. Sau này hãy nên giảm bớt [chuyện nhờ cậy mua sắm] những thứ ấy. So với kinh sách, đem gởi những thứ ấy qua bưu điện lắm thủ tục hơn nhiều. Xin hãy đem thư này đưa cho bốn vị ấy xem. Người học Phật phải lấy chú trọng thực hành làm gốc, không cần phải gởi đến những lời lẽ sáo rỗng!


195. Thư trả lời cư sĩ Châu Tử Tú
Nhận được thư, tôi khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Ông nói đến biện pháp của hội phóng sanh đủ thấy từ tâm, nghị lực; hãy nên dựa vào đó để khuyên khắp hết thảy mọi người kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay, niệm Phật thì mới là đại phóng sanh và chính mình lẫn những người cùng hàng đều được thả vào biển pháp Liên Trì, ngõ hầu vĩnh viễn thoát khỏi nỗi khổ sanh tử, thường hưởng niềm vui chân thường thì mới là phóng sanh có kết quả lớn lao. Hôm mồng Bảy, tôi đã gởi thư cho [Châu] Bá Tù và gởi bốn gói Văn Sao, chắc đã nhận được rồi!

Nói tới công phu, đạo đức của tiên sinh Tấn Tô, khôn ngăn khiến cho người khác phải mất hồn! Tuy nhiên, ông ta chú trọng pháp luyện đan, xem lời ông ta tự thuật nói “đã được bí truyền của tiên sinh X…. Vị tiên sinh X… đã kế thừa pháp mạch chân chánh từ nguồn pháp do Lục Tổ truyền cho người thế tục”; lời lẽ ấy chính là lời nói phổ biến của hết thảy ngoại đạo! Nếu ông Tấn thật sự được lợi ích chân thật nơi Phật pháp, quyết chẳng thốt ra lời lẽ “bịt tai trộm linh” ấy! Các hạ cho rằng để dẫn dụ kẻ sơ cơ, ngoài cách “luyện đan, tánh - mạng song tu” ra, chẳng thể nào khiến cho kẻ sơ cơ nhập đạo được ư? Sự tu trì của ông ta phần nhiều lấy Phật pháp làm chủ, nhưng những điều ông ta đề xướng phần nhiều trái nghịch Phật pháp, mà còn đáng gọi là bậc quân tử đức dầy “tâm và miệng như một, lời nói đi đôi với việc làm” ư?

Để trả lời câu kết luận của Ngũ Đình Phương, các hạ đã lấy công phu minh tâm làm chứng thì quả thật [tuy] đã mượn lời lẽ nhà Thiền để làm bùa hộ thân, nhưng vẫn chưa hiểu Thiền Tông, thật sự chẳng biết “đại triệt đại ngộ là ngộ nhưng chưa chứng”. Đừng nói “hễ ngộ thì hư không nát vụn, người lẫn pháp đều mất, thánh, Phật, tiên, phàm, Tấn Tô đều quy vào chốn quê hương chẳng có gì”; ngay như đã chứng được lý “hư không nát vụn, người lẫn pháp đều mất” cho đến “thánh, Phật, tiên, phàm, Tấn Tô hiện bày trọn vẹn sát sao” vẫn chớ nên lẫn lộn! Huống chi, dẫu ngộ thì vẫn là phàm phu sanh tử, [phải là] chứng thì mới có thể thoát lìa luân hồi. Người đời nay có ai ngộ được, huống là chứng ư? Đấy là lý do vì sao đức Như Lai mở rộng pháp môn Tịnh Độ để khiến cho khắp hết thảy chúng sanh đều cùng liễu sanh thoát tử ngay trong đời này.

Xưa kia, Quang trúng phải chất độc của bọn Hàn - Âu - Trình - Châu, hủy báng Phật pháp. Tấn Tô mượn Phật pháp để mở rộng môn đình luyện đan, lại sợ lỡ ra chẳng được lợi ích thật sự nên vẫn ngấm ngầm y theo Phật pháp tu trì để tự ngăn ngừa những mất mát lỡ có thể xảy ra. So về hình tích thì Tấn Tô hơn Quang rất nhiều, nhưng Quang đã biết Phật pháp quyết chẳng thể “ngấm ngầm vâng hành, ngoài mặt thốt lời bài xích”. Tấn Tô bảo là “đã đắc pháp do Lục Tổ bí mật truyền cho hàng bạch y”; lời lẽ ấy đúng là quét sạch các vị đại tổ sư sau thời Lục Tổ! Cái tâm ấy cố nhiên chẳng thẳng thắn, chất phác, không dối trá như Quang được. Tuy nhiên, mỗi người có điều ưa thích riêng, há Quang có thể ép người khác thuận theo mình được ư? Chỉ vì có duyên nên mới chẳng ngại gì bình luận đại lược một phen. Nếu ông nghĩ là không đúng, xin ông cứ tuyên dương rộng rãi đạo của ông ta cho được truyền khắp thiên hạ thì tôi cũng rất mong mỏi ưa thích nghe vậy.


196. Thư trả lời cư sĩ Châu Chí Thành (thư thứ nhất)
Phàm là người tu hành hãy nên tu trong nhà của chính mình, chẳng cần nhất định phải đến tu trong [Cư Sĩ] Lâm. Nếu [ai nấy] đều đến tu trong Cư Sĩ Lâm thì sao có căn nhà đủ lớn để chứa? Người đông thì chi phí trong Cư Sĩ Lâm cũng phải nhiều, mọi người phải bươn chải nhọc nhằn, những chuyện trong nhà có khi chẳng thể lo liệu tới nơi tới chốn. Tất cả Cư Sĩ Lâm, Tịnh Nghiệp Xã chẳng qua [được lập ra] nhằm làm một cơ sở để đề xướng mà thôi. Mỗi tháng cử hành một hoặc hai lần. Nếu đông người lễ Phật khó thể chứa hết, hãy nên chia ra ngày lễ tụng [riêng biệt] cho nam nữ. Lễ Phật xong, giảng diễn kinh Phật một hai tiếng đồng hồ rồi bảo họ về nhà ngõ hầu chẳng đến nỗi bị người ngoài mang lòng đố kỵ, bịa chuyện đồn đãi.

Đối với pháp môn để tu trì, cố nhiên không có cao - thấp! Thiền, Luật, Mật, Tịnh đều là đại pháp để liễu sanh thoát tử, nhưng luận trên thân phận của chúng sanh đời Mạt thì chẳng tu pháp môn Tịnh Độ quyết khó thể liễu thoát ngay trong đời này do các pháp môn khác đều cậy vào tự lực; pháp môn Tịnh Độ cậy thêm Phật lực. Phật lực, tự lực khác biệt vời vợi một trời một vực! Không biết nghĩa này, lầm lạc bắt chước cách tu của người có khả năng to lớn, thật khó thể đạt được lợi ích thật sự. Vì thế, thiền sư Bách Trượng của Thiền Tông nói: “Tu hành bằng cách niệm Phật là ổn thỏa, thích đáng”. [Trong Bách Trượng Thanh Quy], cầu đảo cho vị Tăng bị bệnh, đưa vị Tăng đã mất đi thiêu đều chú trọng vãng sanh. Do đây biết Tây Phương Cực Lạc thế giới là chỗ quy túc của hết thảy thượng thánh hạ phàm tu tập Phật đạo vậy.

Trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm, các vị Pháp Thân đại sĩ khắp tột cùng Hoa Tạng thế giới hải đem công đức của mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để mong viên mãn Phật Quả, huống chi chúng sanh đời Mạt căn cơ kém hèn ư? Công phu Thiền Tông dẫu đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ nhưng hễ Phiền Hoặc chưa đoạn thì vẫn chẳng thể liễu thoát ngay trong đời này. Ngũ Tổ Giới lại làm thân [Tô] Đông Pha, Thảo Đường Thanh lại làm Lỗ Công là những tấm gương đời trước (Ngũ Tổ là tên chùa. Giới là Sư Giới, tên người. Sư Giới từng làm Trụ Trì chùa Ngũ Tổ, nên gọi là Ngũ Tổ Giới, thuộc pháp hệ Vân Môn của pháp tổ Đại Giác Liên quốc sư274. Sư kiến địa cao siêu, môn đình cao ngất, người học phần nhiều kiêng sợ chẳng dám thân cận. Chết rồi lại sanh làm Tô Đông Pha, có bằng chứng rất rõ ràng. Thảo Đường là tên chùa, Thanh là tên người. Tăng Lỗ Công tên Công Lượng, chính là hậu thân của Thảo Đường Thanh275; làm Thừa Tướng vào lúc năm mươi bảy tuổi, được phong tước Lỗ Quốc Công, cũng có bằng chứng rõ rệt). Nhìn vào đây có thể biết sự khó khăn do cậy vào tự lực liễu sanh tử!

Thiền Tông thường nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. “Minh tâm kiến tánh” là đại triệt đại ngộ. Nói “kiến tánh thành Phật” là đích thân thấy được đức Phật thiên chân nơi tự tánh thì gọi là “thành Phật”. Đấy chính là “lý tức Phật” và “danh tự tức Phật”, chứ không phải là Cứu Cánh Phật phước huệ viên mãn! Vị ấy tuy ngộ đến chỗ cùng cực, đích thân thấy được Phật Tánh, nhưng vẫn là phàm phu, chẳng phải là thánh nhân. Nếu có thể rộng tu Lục Độ, trong hết thảy cảnh duyên đều đối trị tập khí phiền não cho thanh tịnh không còn thừa sót sẽ có thể liễu sanh thoát tử, vượt ra ngoài tam giới, chẳng ở trong lục đạo nữa. Thời đức Phật còn tại thế, hạng người như vậy rất nhiều, trong thời Đường - Tống vẫn còn có, nay thì đại triệt đại ngộ còn chưa dễ được, huống là bậc hết sạch phiền não ư?

Thuyết “hiện thân thành Phật” hoặc còn gọi là “tức sanh thành Phật” (thành Phật ngay trong đời này) của Mật Tông giống như thuyết “kiến tánh thành Phật” của Thiền Tông, đều ứng theo công phu rất sâu mà nói. Chớ nên tưởng lầm là thật sự có thể thành Phật ngay trong thân này! Cần biết rằng thành Phật ngay trong thân này, chỉ có mình đức Thích Ca Mâu Ni Phật mà thôi! Ngoài ra, dẫu là cổ Phật thị hiện, cũng không có chuyện “hiện thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân hiện tại)! Kẻ vô tri thường hiểu lầm, mất mát lớn lắm! Cận sự nam nữ tại gia lấy chất phác niệm Phật làm gốc. Cư sĩ tin Phật đã lâu năm, chắc là tu trì đã nắm vững, đừng coi pháp môn Tịnh Độ là thừa thãi, và xin hãy dạy cho hết thảy những nam nữ tin Phật nơi quý địa nỗ lực tu trì, nhất tâm niệm Phật, đấy là hợp thời cơ nhất!


Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư

tải về 2.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   21   22   23   24   25   26   27   28   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương