Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc phầN 1 M. T. D. X. M. T. D. X


A- TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI



tải về 8.44 Mb.
trang4/9
Chuyển đổi dữ liệu29.11.2017
Kích8.44 Mb.
#34801
1   2   3   4   5   6   7   8   9

A- TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI


Trong kinh sách, nhất là trong Tiểu Bộ (Khuddaka nikàya), chỉ riêng kinh Bổn Sanh (Jàtaka) đã có trên 550 câu chuyện về tiền thân đức Phật. Chúng tôi chỉ kể ra đây hai kiếp3 sau cùng trước khi đức Phật thị hiện đản sanh và thành đạo.

1- Bồ tát Sumedhà (Thiện Huệ)4



Ở một đời quá khứ xa xưa, thuộc kiếp Trang Nghiêm5 (Vyuha kalpa), có Thái tử tên là Samantàprabhasa (Phổ Quang) con vua Arcimat (Đăng Chiếu), xin phép vua cha vào núi Himalaya tìm thầy học đạo, lấy hiệu là Sumedhà (Thiện Huệ). Ngài theo học với nhiều vị đại sư, cầu đạo cao thượng, nhưng lòng chưa thỏa mãn. Một hôm Sumedhà đấu lý với 500 ngoại đạo được toàn thắng, được thưởng 500 đồng tiền vàng. Sumedhà vui mừng từ giã thầy, mang tiền lên đường tìm đến cúng Phật Dìpankara6 (Nhiên Đăng) đang cư trú tại thủ đô Divapati. Giữa đường gặp một cô gái (tiền thân của công chúa Yasodharà) đang đi, tay cầm bảy hoa sen màu xanh vừa thơm vừa đẹp, chàng liền hỏi mua. Nhưng cô gái đáp : “Tôi mang hoa cúng Phật, đâu có bán mà ông hỏi mua”. Sumedhà (Thiện Huệ) đưa ra 500 đồng tiền vàng, năn nỉ xin mua năm hoa sen để cúng Phật, nhưng cô gái vẫn đứng làm thinh, không đáp. Túng thế, chàng nói :

– Cô cúng dường hai bông cũng được rồi. Tôi từ xa đến đây, mong được hoa sen quý báu này để cúng Phật Dìpankara và xin học hỏi giáo lý cao thượng của ngài. Xin cô thông cảm nhường lại cho tôi năm bông đi; rồi cô muốn gì tôi cũng làm theo.

– Anh ơi, cô gái ửng hồng đôi má, đứng nhìn xuống đất, rụt rè nói. Không biết sao vừa trông thấy anh thì em đem lòng thương anh liền hà. Em muốn tặng không cho anh năm bông sen này để anh cúng đức Giác ngộ. Nhưng anh phải hứa với em là anh chịu cưới em làm vợ trong kiếp này và mãi mãi về sau.

– Cô ơi, Sumedhà đáp. Cô là người rất dễ mến và rất chân thật. Vừa gặp cô tôi cũng có cảm tình với cô ngay. Nhưng tôi đã phát tâm cầu đạo giải thoát. Nếu cưới vợ thì bị ràng buộc, làm sao tôi có thể xuất gia tầm đạo!?

– Anh cứ hứa với em đi. Rồi sau này mỗi khi anh muốn xuất gia thì em cam kết sẽ không ngăn cản mà còn tìm cách giúp anh thực hiện được hoàn toàn chí nguyện.

Nghe cô gái nói như thế, Sumedhà (Thiện Huệ) miễn cưỡng nhận lời.

Rồi hai người tìm tới nơi đức Phật Dìpankara (Nhiên Đăng) đang ngự. Quần chúng đông đảo đang vây quanh đức Phật. Có cả vua và quần thần đến làm lễ dâng hoa cúng Phật. Sumedhà và cô gái cố len lỏi đến gần, nhưng còn khoảng hai mươi bước nữa thì họ không tài nào tiến lên được nữa. Sumedhà rất sung sướng được nhìn thấy Phật Dìpankara tận mắt. Bỗng nhiên chàng cảm thấy tinh thần sản khoái lạ thường. Chàng phát nguyện sẽ cố gắng tu học cho đến khi được hoàn toàn giác ngộ như ngài. Chàng chí thành tung năm hoa sen của mình lên không trung để cúng dường Phật theo thông lệ lúc bấy giờ. Năm hoa sen được tung lên không trung bỗng biến thành năm đài sen lớn trang nghiêm rực rỡ, lơ lửng giữa không gian. Cô bạn gái trao cho chàng hai hoa sen của cô, nhờ dâng cúng dùm. Chàng lại chí thành tung lên không trung cúng dường Phật. Hai đóa sen này hiện thành hai đài sen lớn đứng ở hai bên Phật. Trước sự ngạc nhiên của đại chúng, đức Phật Dìpankara hoan hỉ giải thích sở dĩ có sự kỳ diệu như thế là do tâm vô cùng thanh tịnh và thành kính của người cúng dường. Rồi Phật gọi Sumedhà (Thiện Huệ) và cô gái đến bảo:

– Ông là người có nhiều thiện căn, hãy ráng tinh tấn tu hành sẽ đạt được đạo quả lớn. Còn cô này cũng có thiện duyên với ông, nhưng cô nên tôn trọng lời hứa, nên khuyến khích chứ không nên ngăn cản bạn cô xuất gia tu học.

Từ đó Sumedhà theo Phật Dìpankara học đạo, về sau thọ bồ tát giới và tỳ kheo giới. Sumedhà cố gắng tinh tấn tu hạnh Bồ tát. Một hôm đức Phật Dìpankara đi từ tinh xá Sudassana đến thành phố Ramma, giữa đường gặp chỗ đất lầy, Bồ tát Sumedhà liền cởi áo đương mặc mà trải lên chỗ dơ ướt, nhưng còn hụt một chút không biết làm sao, ông bèn xả tóc lót thêm cho Phật đi qua khỏi lấm chân. Nhận thấy Bồ tát Sumedhà sẽ thực hành đầy đủ 10 thánh hạnh7 nên đức Phật thọ ký8 cho ông sẽ thành Phật hiệu là Sàkyamuni (Thích-Ca Mâu-Ni) trong đời Hiền kiếp (Bhadra kalpa).

2- Bồ tát Vessantàra (Hộ Minh)9

Đến lúc Phật Kassapa (Ca Diếp)10 ra đời, nhằm Hiền kiếp thứ chín, Bồ tát Sumedhà (Thiện Huệ) tái sanh làm thái tử Vessantàra (Visvantàra, Hộ Minh), chuyên thực hành hạnh bố thí từ lúc ấu thơ; khi lớn lên làm vua, rồi xuất gia theo Phật Kassapa và trở thành Bồ tát Vessantàra (còn gọi là Svetaketu). Nhờ công hạnh đầy đủ nên khi lâm chung Bồ tát Vessantàra được sanh về cõi trời Đâu Suất (Tusita) làm Bồ tát bổ xứ, lãnh đạo chư Thiên cõi này và diễn thuyết pháp mầu cho Thiên chúng nghe. Ngài ở Đâu Suất bốn ngàn năm, dùng pháp tướng11 để giáo hóa chúng sinh. Một hôm ngài nhìn xuống thế gian thấy chúng sinh phần nhiều chỉ đua nhau tạo ác, chìm đắm trong tà kiến, không biết tin nhân quả tội phước, sống đau khổ về thể xác lẫn tinh thần, chết bị đọa trong ba đường ác12. Ngài phát tâm từ bi, nguyện giáng thế để giáo hóa chúng sinh, mang đến ánh sáng chân lý để cứu chúng sinh thoát khỏi sanh già bệnh chết, chứng được đạo quả niết bàn, an lạc thanh tịnh. Ngay lúc đó toàn thân ngài phóng đại quang minh, đại địa mười tám tướng động, ma cung ẩn náu, mặt trời mặt trăng hết tinh quang, chấn động tất cả trời rồng tám bộ13. Ngài liền quan sát năm việc dưới đây :

1- Quan sát thời kỳ, ngài thấy tuổi thọ con người lúc bấy giờ khoảng 100 năm14, rất thuận lợi; vì với thọ mạng quá dài con người không ý thức được thế nào là già chết, với thọ mạng quá ngắn thì không có đủ thời gian tu tập.

2- Quan sát lục địa, ngài chọn Jambudipa (Diêm phù đề, bán đảo Ấn Độ) vì lúc bấy giờ ngôn ngử và tư tưởng triết học nơi đây được phát triển hơn hết.

3- Quan sát quốc độ, ngài chọn Majjhimadesa (vùng Trung Ấn, thung lũng sông Hằng); vì nơi đây có nhiều nhà hiền triết và minh quân xuất hiện.

4- Quan sát chủng tộc, ngài chọn dòng dõi Sàkya (Sàkiya) với vua Suddhodana là người có tâm đạo nhất. Theo kinh Lalitavistara (Tiểu Sử Đức Phật) thì dòng họ này có 64 đức tính cần thiết.

5- Quan sát người có đủ đức tính làm mẹ vị Phật tương lai, ngài chọn hoàng hậu Mahà Màyà; biết rằng bà chỉ còn sống thêm 10 tháng 7 ngày nữa. Theo kinh Lalitavistara thì bà Mahà Màyà có 32 đức tính cần thiết.

Khi thấy cơ duyên đã đến, Bồ tát Vessantàra (Hộ Minh) bèn phó chúc ngôi vị lãnh đạo chư Thiên lại cho ngài Maitreya (Metteyya, Di Lặc) làm Bồ tát bổ xứ, rồi từ cung trời Tusita (Đâu Suất) giáng trần, thị hiện nhập thai tại thành Kapilavatthu (Kapilavastu), xứ Sàkya15, gần chân núi Himalaya, thuộc vùng biên giới đông-bắc nước Ấn Độ và Nepal ngày nay, làm con trai của vua Suddhodana (Tịnh Phạn), và hoàng hậu Mahà Màyà (Ma Da, Đại Hòa). Hoàng tộc xứ này đều thuộc dòng dõi SÀKYA (Sàkiya, Thích Ca).




B- ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH


Một vị Phật ra đời là một nhân duyên lớn rất hiếm có, là một niềm vui vô tận cho tất cả muôn loài chúng sanh. Đức Phật là bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, có trí tuệ và lòng từ bi rộng lớn cùng tột, vì thông cảm nỗi khổ triền miên vô bờ bến của chúng sanh mê lầm nên ngài dùng phương tiện thị hiện đản sanh để chỉ dạy và dìu dắt chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, đạt đến niết bàn an lạc thanh tịnh.

Về phương diện lịch sử, chúng tôi xin trình bày trước huyền thoại về 5 họ của đức Phật là Gotama (Cồ Đàm), Sujàtà (Thiện Sanh), Okkàka (Cam Giá), Suryavamsa (Nhật Chủng) và Sàkya (Thích Ca), sau đó mới nói đến lúc Phật đản sanh.



1- Lai lịch họ Gotama và bộ tộc Sàkya16

Vào thuở xa xưa, ở thủ đô Sàketa17 xứ Kosala, thuộc miền Trung Ấn Độ, có giống dân Aryan. Theo kinh Phật Bản Hạnh (Abhinikramana sutra), kinh Lalitavistara (Tiểu Sử Đức Phật), kinh Ambattha (Trường Bộ 3) và kinh Mahàvastu (do ngài Buddhaghosa chú giải vào thế kỷ thứ năm sau tây lịch), thì xưa kia nơi đây có vị vua tên là Mahà Sammàta (Đại Mao Thảo) nhường ngôi cho em, xuất gia theo đại tiên Gotama (Cồ Đàm)18 tu trong rừng. Để người đời không nhận ra mình là vua, ông lấy họ thầy là Gotama làm họ mình. Từ đó người ta gọi thầy ông là Mahà Gotama (Đại Cồ Đàm) và gọi ông là Culla Gotama (Tiểu Cồ Đàm).

Hai thầy trò tu trong rừng, ở trong một cái am bên cạnh một vườn mía (Cam Giá, Okkàka) lớn. Một hôm có 500 tên cướp đánh cướp tài sản của quan, trong lúc chạy trốn băng qua vườn mía, đánh rơi những đồ cướp được trong vườn. Quan quân theo dấu tìm đến, cho Culla Gotama (Tiểu Cồ Đàm) là giặc cướp, liền dùng tên bắn chết, máu chảy lênh láng xuống đất. Mahà Gotama đang có việc đi xa, dùng thiên nhãn nhìn thấy, buồn bã rơi lệ. Ông liền bay về đến nơi, gom máu trộn lẫn với bùn trên mặt đất, vo thành hai viên lớn bằng nắm tay, đặt lên bàn thờ giữa trời, rồi chú nguyện rằng :

– Cồ Đàm tôi thành tâm cầu nguyện chư thiên biến hai hòn máu này thành người.

Qua 10 tháng, nhờ hấp thụ ánh sáng mặt trời, viên bên trái hóa thành một bé trai, viên bên phải hóa thành một bé gái, đều lấy họ Gotama (Cồ Đàm). Các quan đại thần trong triều nghe tin, rước về cung nuôi dưỡng19. Bé trai được đặt tên là Sujàtà (Thiện Sanh)20, còn gọi là Okkàka (Cam Giá)21 hay Suryavamsa (Nhật Chủng)22. Bé gái được đặt tên là Sobhavati (Thiện Hiền).

Về sau các đại thần lập Sujàtà (Thiện Sanh) làm vua hiệu là Ikshvaku (Ý Ma vương), và Sobhavati (Thiện Hiền) làm hoàng hậu, sanh được bốn người con trai tên là Okkàmukha, Karakanda (Karandu), Hatthinika, Sinipura, và năm người con gái là Piya, Suppiyà, Ànanda, Vijita và Vijitasena. Sau đó hoàng hậu Sobhavati qua đời, vua Ikshvaku cưới thêm một công chúa trẻ đẹp tên Jayanti phong làm hoàng hậu sanh được một người con trai tên là Jantu.

Vì muốn lập Jantu lên làm vua nên vị hoàng hậu thứ nhì là Jayanti xui giục vua Ikshvaku đày bốn người con trai của hoàng hậu Sobhavati ra khỏi xứ Kosala. Bốn hoàng tử này cùng với năm chị em gái đi về hướng đông bắc, đến gần chân núi Himalaya, gặp nhà hiền triết rất giỏi thiên văn địa lý tên Kapila khuyên nên ở lại đây lập nghiệp. Nơi đây lần hồi trở nên phồn thịnh. Vua Ikshvaku được tin này, thốt lời khen rằng “Sàkya vata bho Ràja Kumàra”, có nghĩa là “Các vị hoàng tử này quả thật là những người có khả năng”. Từ đó bộ tộc của các hoàng tử và vương quốc của họ sáng lập mang tên là Sàkya (Sakiya, Thích Ca), có nghĩa là “người có khả năng” hay người anh hùng. Để nhớ ơn nhà hiền triết Kapila, các hoàng tử Sàkya đặt tên thủ đô xứ Sàkya là Kapilavatthu (Kapilavastu, Ca Tỳ La Vệ). Ít lâu sau, người chị cả là Piya mắc bệnh cùi, vào rừng ở. Trong khi đó vua xứ Kasi ở Benares là Ràma cũng mắc bệnh cùi, truyền ngôi cho con trai cả rồi vào sâu trong rừng núi ở, thời may gặp thuốc hết bệnh. Hai người gặp nhau, vua Ràma chỉ thuốc cho bà Piya được lành bệnh, hai người ăn ở với nhau, thành lập xứ Koliya, lên làm vua23.

Ở Kapilavatthu, bốn hoàng tử con vua Ikshvaku (Okkàka) không thể lập gia đình với người bản xứ vì không có ai thuộc giai cấp quý tộc (Ksatriya) nên phải sống chung với bốn chị em gái còn lại như vợ chồng24. Trong số bốn hoàng tử này có ba người chết, hoàng tử còn lại là Okkàmukha (Ni Câu La25) lên làm vua. Sau truyền ngôi cho con là Câu Lô26 (?). Câu Lô truyền ngôi cho con là Jayasena (Cù Câu Lô27). Jayasena truyền ngôi cho con là Sìhahanu (Sư Tử Giáp). Vua Sìhahanu (Sư Tử Giáp) sinh được bốn người con trai là: Suddhodana (Tịnh Phạn), Dhotodana (Hộc Phạn), Sukkodana (Bạch Phạn) và Amitodana (Cam Lộ Phạn); và một người con gái là Amità (Cam Lộ vương phi) gả cho vua Suppabuddha (Thiện Giác vương) xứ Koliya. Vua Sìhahanu truyền ngôi cho con là Suddhodana. Vua Suddhodana (Tịnh Phạn vương) và hoàng hậu Mahà Màyà (Ma Da, Đại Hòa) sinh ra thái tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) về sau thành Phật hiệu là Sàkyamuni (Thích Ca Mâu Ni).

Do đó đức Phật có cả thảy năm họ: Gotama (Cồ Đàm), Okkàka (Cam Giá), Sujàtà (Thiện Sanh), Suryavamsa (Nhật Chủng) và Sàkya (Thích Ca). Nhưng người thời bấy giờ thường dùng tiếng Gotama để chỉ họ của đức Phật, tiếng Sàkya để chỉ dòng dõi, bộ tộc hay tên xứ, và tiếng Sàkyamuni để chỉ Phật hiệu của ngài.

Phật hiệu Sàkyamuni có nghĩa là “năng nhơn tịch mặc”. Sàkya là “năng nhơn”, là bậc anh hùng có khả năng hơn người. Muni là “tịch mặc”, tịch tĩnh, vắng lặng, cũng có nghĩa là nhơn từ. Sàkyamuni cũng có nghĩa là “bậc anh hùng hoàn toàn”.



2- Lúc mới sanh28 (năm -623)

Vua Suddhodana GOTAMA và hoàng hậu Mahà Màyà là người giàu lòng nhân ái, kính trọng thánh hiền. Đã gần bốn mươi tuổi mà chưa có con. Vua và hoàng hậu thường lập đàn cúng vái, và mở hội bố thí cho người nghèo khổ để cầu sanh được một hoàng nam hầu sau này nối ngôi vua.

Năm 62329 trước tây lịch (năm Mậu Tuất), tại khu lâm viên xinh đẹp Lumbini30 (Lâm Tỳ Ni), hoàng tử Siddhattha GOTAMA, thuộc dòng dõi bộ tộc Sàkya, con vua Suddhodana GOTAMA, 42 tuổi, và hoàng hậu Mahà Màyà, 44 tuổi, sanh vào ngày trăng tròn tháng Vesàkha31 (còn gọi là Vesak hay Vaisakha, tương ứng với tháng 4 hay tháng 5 dl).

Trước đó mười tháng, trong khi được vua cho phép giữ tám giới thanh tịnh nhân dịp lễ cầu mưa (Asadh Utsav), vào đêm trăng tròn tháng Àsàlhà32 (tháng 6 hay tháng 7 dl), tại thành Kapilavatthu33 (Ca Tỳ La Vệ), hoàng hậu Màyà nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà34, trong bụng có một hoa sen lớn màu trắng, từ trên trời bay xuống chun vào hông phải của bà, lúc đó bà cảm thấy thân tâm khoái lạc, nhẹ nhàng, sáng chói như ánh trăng rằm. Sáng hôm sau, bà thuật lại giấc chiêm bao kỳ diệu ấy cho vua nghe và xin vua ban lệnh ân xá tù nhân, cứu trợ dân chúng nghèo khổ để tạo phước đức cho đứa con sau này. Nhà vua hoan hỉ nhận lời và cho mời 64 nhà tiên tri Bà-la-môn đến giải mộng; các vị nầy đoán là hoàng hậu đã mang thai và hoàng tử sắp được sanh ra sẽ là một đại đế hoặc một thánh nhân tiếng tăm lừng lẫy. Từ lúc thọ thai thân tâm hoàng hậu luôn luôn được an lạc, thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt.



Theo phong tục, gần đến ngày sanh, hoàng hậu Mahà Màyà đi từ thành Kapilavatthu về nhà cha mẹ ruột là quốc vương Anjana Sàkya (A Noa Thích Ca) và hoàng hậu Yasodharà (đừng lầm với công chúa Ysodharà vợ thái tử Siddhattha) ở thành Devadaha còn gọi là Ràmagama thuộc xứ Koliya (Câu Lợi), hiện nay thuộc lãnh thổ Nepal. Giữa đường phái đoàn tạm nghỉ chân trong khu lâm viên Lumbini, cách Kapilavatthu khoảng 30 km về hướng đông, và cách Devadaha 38 km về hướng tây. Lumbini là khu lâm viên xinh đẹp và linh thiêng của cả hai xứ Sàkya và Koliya.

Hoàng hậu đến hồ nước (puskara) tắm rửa, thay đổi y phục, rồi đi 24 bước về hướng bắc hồ nước, đến cây Asoka (Vô ưu)35 đang trổ đầy hoa vô cùng xinh đẹp, bà vói tay phải định hái thì chuyển bụng. Bà vội đứng đưa hai tay vịn cành cây. Các thế nữ vội chạy đến đứng chăng màn bốn phía. Bỗng cõi đất rung động, hào quang chiếu khắp nơi, rồi hoàng tử xuất hiện ra đời, thân ngài thanh tịnh không bị nhơ nhớp, vẻ mặt an lành không khóc la. Chư thiên biết đấng cứu thế ra đời liền hiện đến tung hoa, tấu nhạc, ca hát chúc mừng. Hoàng hậu và các cung nữ hân hoan chào đón hoàng tử36. Khi mới sanh ra hoàng tử Siddhattha cũng được tắm rửa lần đầu tiên37 tại hồ nước nói trên. Hồ nước Puskarini này hiện nay được xây lại theo hình vuông mỗi cạnh độ 20m, nổi tiếng là linh thiêng, có khả năng trị bệnh cho người xuống tắm. Bên cạnh hồ hiện còn một cây bồ đề to lớn, cành lá sum sê, đã có từ hồi đức Phật còn tại thế. Bên cạnh phía bắc hồ hiện nay có ngôi đền thờ nữ thần Mahà Màyà, trong đó có chỉ vị trí chính xác nơi đức Phật đản sanh, và có hai bức tranh nổi điêu khắc cảnh đức Phật đản sanh, một bức bằng đá và một bức bằng cẩm thạch . Đến năm 252 trước tây lịch, vua Asoka có đến đây chiêm bái theo sự hướng dẫn của đạo sư Moggaliputta Tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu). Vua Asoka có cho dựng gần hồ một trụ đá kỷ niệm. Trên trụ đá có khắc năm hàng gồm 93 chữ bằng tiếng Brahmi như sau :

<< Devanapiyena Piyadasina38 lajina visativasabhisitena



Atana agacha Mahìyite. Hida Budhe jate Sàkyamuniti

Sìlavigadabhi cha kalapita Sìlathabhe cha usapapite.

Hida Bhagavam jateti Lumbini-game ubalike kate.

Atha bhagiye cha.>>

(Có nghĩa là : Vua Piyadasina, được các vị thiên thần kính mến và ủng hộ, đích thân đến đảnh lễ chỗ này, sau khi lên ngôi được 20 năm. Đây là nơi đức Phật Sàkyamuni đản sanh. Vua hạ lệnh xây dựng một vách thành bằng đá bao quanh nơi nầy và một trụ đá bên trong để đánh dấu chỗ đức Thế Tôn đản sanh. Vua cho phép dân làng Lumbini từ nay chỉ đóng thuế mễ cốc hằng năm là một phần tám39.)

Trong ký sự của ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ bảy có nói “Đầu trụ đá có hình con ngựa rất mỹ thuật và trơn láng”. Nhưng hiện nay chưa tìm được di tích tượng con ngựa đặc biệt ấy.

Kinh sách còn nói đến trong lúc đức Phật đản sanh thì đồng thời bảy nhân vật sau đây cũng chào đời40 : 1- Cây Đại Bồ đề, 2- Yasodharà (Da Du Đà La), 3- Kàludàyi (Ca Lưu Đà Di), 4- Channa (Xa Nặc), 5- Kanthaka (ngựa Kiền Trắc), 6- Con voi báu, và 7- Bốn bình châu báu.




3- Sau khi sanh41

Ba ngày sau, tiên ông Asita Kàladevala (A Tư Đà) do thấy điềm lạ trên trời, biết có thánh nhơn vừa giáng sinh, liền cùng với đệ tử là cháu ruột gọi ông bằng cậu, tên Nàlaka42, từ sườn núi Himalaya đến xin phép vua được xem tướng cho hoàng tử43. Vua Suddhodana rất vui vẻ cho bồng hoàng tử ra đảnh lễ tiên ông. Nhưng, trước sự kinh ngạc của mọi người, hoàng tử bỗng nhiên quay về phía tiên ông và đặt hai chân lên đầu tóc của ông. Đang ngồi trên ghế, tiên ông Asita vội đứng dậy chắp tay xá chào hoàng tử và tiên đoán hoàng tử sẽ trở thành bậc vĩ nhân cao quí nhất của nhân loại. Nhà vua cũng làm theo, xá chào hoàng tử. Trong khi xem tướng cho hoàng tử, tiên ông Asita tỏ vẻ rất vui mừng, nhưng khi xem xong thì ông oà lên khóc nức nở. Nhà vua ngạc nhiên hỏi điềm lành dữ thế nào, tại sao ông hết vui mừng lại khóc. Tiên ông Asita sục sùi đáp :



Tâu Đại vương, hoàng tử có 32 tướng tốt44 và 80 vẻ đẹp45, sau nầy sẽ là vị Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ; nhưng chắc ngài sẽ xuất gia tu hành thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, là bậc thầy lỗi lạc của khắp các cõi trời và cõi người, giảng dạy pháp mầu để ban vui cứu khổ cho chúng sanh. Rất tiếc nay tôi đã quá già rồi, không còn sống đến lúc đó để được nghe lời ngài chỉ dạy, nên tôi tủi thân tôi khóc.

Lễ quán đảnh được tổ chức vào ngày thứ năm sau khi hoàng tử ra đời. Vua Suddhodana triệu tập sáu vị hiền triết Bà-la-môn để chọn tên và tiên đoán tương lai cho con. Tên được chọn là Siddhattha (Siddartha, Sarvarthasiddha) có nghĩa là “người thành đạt nguyện vọng”. Sau khi bàn thảo về tương lai của hoàng tử, năm vị đưa lên hai ngón tay, tuyên bố :

– Muôn tâu Đại vương, hoàng tử sẽ trở thành bậc Chuyển Luân Thánh Vương (Cakravartin), vị hoàng đế vĩ đại nhất thế gian nếu ngài muốn trị vì thiên hạ. Nếu xuất gia tu hành, ngài sẽ thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammà Sambuddha) cứu nhân loại ra khỏi cảnh tối tăm đau khổ .

Nhưng vị trẻ tuổi nhất tên Kondanna (Kiều Trần Như)46 chỉ đưa lên một ngón tay và nói :

– Tâu Đại vương, sau nầy, sau khi nhìn thấy một người già, một người bệnh, một xác chết và một sa môn, hoàng tử sẽ xuất gia đi tìm chân lý và sẽ trở thành một vị Phật, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Sau khi sanh hoàng tử được bảy ngày thì hoàng hậu Màyà từ trần47, vãng sanh về cung trời Đâu Suất (Tusita)48. Siddhattha được hoàng hậu phó chúc cho người dì ruột cũng là thứ hậu trong triều là bà Pajàpati Gotamì (Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di)49, chăm sóc. Do các lời tiên đoán của các nhà tiên tri nên vua Suddhodana tìm đủ mọi cách cho Siddhattha hưởng đầy đủ lạc thú trong hoàng cung, không bao giờ nhìn thấy các cảnh khổ đau, bệnh hoạn, già chết ở đời. Khi Siddhattha được sáu tuổi, vua Suddhodana cho mời các vị thầy nổi tiếng vào triều dạy học, mong đào tạo hoàng tử thành một vị vua tương lai có đầy đủ khả năng và đức hạnh để kế nghiệp ngài.





tải về 8.44 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương