Lâm Ngữ Đường


NGƯỜI TA HIỂU LẦM CHỦ NGHĨA DUY VẬT



tải về 1.38 Mb.
trang9/21
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.38 Mb.
#4040
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   21

4. NGƯỜI TA HIỂU LẦM CHỦ NGHĨA DUY VẬT
 
Đoạn văn của Kim Thánh Thán đủ cho ta tin rằng những cái vui vật chất và tinh thần liên quan mật thiết với nhau. Những cái vui tinh thần – và cả những cái vui đạo đức nữa – phải do thể xác cảm được thì mới có thực. Những người truyền bá một học thuyết thường phải chịu cái nông nỗi bị người ta hiểu lầm, như trường hợp các nhà trong phái Khắc kỉ như Marc Aurèle; và biết bao lần chủ nghĩa minh triết, thận trọng, điều độ của Epicure bị hạng người phàm tục coi là chủ nghĩa của hạng người chỉ tìm khoái lạc! Họ trách cái quan niệm hơi vật chất của chủ nghĩa đó là ích kỉ, thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội, là chỉ dạy cá nhân hưởng thụ lấy một mình. Như vậy là lầm, là không biết cái nhân hậu của chủ nghĩa hưởng lạc, cái khả ái của hạng người yêu đời. Ta không nên coi lòng yêu nhân loại là một học thuyết, một tín điều, một lòng tin do trí tuệ mà có hoặc một đề mục biện luận có thể đem chứng cứ ra bênh vực được. Nếu lòng yêu nhân loại cần có lí lẽ để bênh vực thì nó không còn là một lòng yêu chân chính nữa, vì lòng yêu chân chính thì phải hoàn toàn tự nhiên, tự nhiên đối với ta cũng như sự vỗ cánh tự nhiên đối với loài chim vậy; nó phải là một tình cảm phát thẳng từ tâm hồn ra, một tâm hồn tiếp xúc với tự nhiên. Một người thật sự yêu cây cối không thể nào độc ác với loài vật hoặc với đồng bào được. Trong một tâm hồn hoàn toàn lành mạnh, thì sự nhân ái là tự nhiên, không cần cầu viện tới một triết học hay một tôn giáo nào cả.
 
Chủ nghĩa duy vật đã bị người ta hiểu lầm, hiểu lầm quá lắm. Tôi xin nhường lời cho George Santayana 99 [8] , một người tự cho là “một kẻ theo chủ nghĩa vật chất – kẻ độc nhất còn sống mà theo chủ nghĩa đó”; nhưng cũng chính là người mà chúng ta đều biết là hiền từ có lẽ vào bực nhất trong thế hệ hiện nay. Ông bảo chúng ta sở dĩ có thành kiến về chủ nghĩa duy vật vì chúng ta đứng ở ngoài mà xét nó; và muốn hiểu nó, cũng như muốn hiểu một triết học, một tín ngưỡng, một nước nào, phải đứng ở trong mà xét, phải sống trong cái thế giới mới đã. Theo ông một người thực duy vật thì luôn luôn là một triết gia tươi cười, vị tha như Démocrite, mà bọn chúng ta, “miễn cưỡng duy vật”, duy vật mà vẫn theo chủ nghĩa tinh thần, mới là sống một đời duy vật ích kỉ, mới hướng về trí lực một cách vụng về và không biết cười.
 
Ông nói:
 
“Nhà chân duy vật đứng trước vũ trụ, một cơ cấu tự nó có thể biến đổi thành những hình trạng tuyệt diệu, tuyệt mĩ, lại có thể tạo nên những nhiệt tình rất phấn khởi, tất thấy một nỗi vui tinh thần y như người đi thăm một viện bảo tàng vạn vật học, đứng ngắm hàng ngàn những con bướm nằm trong hộp, những con hồng hạc, con tôm, con cua, con voi thời cổ, con tinh tinh (gorille). Trong cái đời sống vô số lượng đó, tất có nhiều đau khổ, nhưng rồi cũng vượt được; mà trong lúc đó, cảnh vũ trụ đẹp đẻ biết bao, những hỗ tương động tác thú vị biết bao, còn những đau khổ nho nhỏ không sao tránh được kia, xét ra có đáng kể gì đâu.
 
“Chủ nghĩa duy vật phải gây được trong một bộ óc lành mạnh, một tình cảm vui vẻ, hoạt động, vô tư, một sự miệt thị những ảo giác của cá nhân.
 
“Đối với những thống khổ vô tội của sinh vật, chủ nghĩa đó không khi nào lãnh đạm; mà đối với những cái khổ do hư vinh cùng ảo tưởng gây ra thì nó chỉ có một thái độ để tự vệ là mỉm cười”.
 
Vả lại cái đời sống tinh thần hoặc tâm linh mà ta tự hào, đặt lên trên đời sống của cảm quan kia, là đời sống gì? Nó do đâu mà có, nguồn gốc bản thể của nó ở đâu, nó tồn tại nhờ cái gì? Đã từ lâu, các triết gia đã bảo ra rằng tri thức đều do kinh nghiệm của giác quan mà có. Không có giác quan thì ta không thể có tri thức cũng như máy ảnh không thể chụp hình được nếu không có ống kính và phim. Một người thông minh với một người đần độn khác nhau ở chỗ người thông minh có những giác quan hoàn hảo hơn, nhạy hơn, bắt được hình ảnh mau hơn và giữ được bền hơn. Khi ta dò dẫm trong đời để rút kinh nghiệm thì tất cả những giác quan của ta đều làm việc chung và do sự hợp tác đó, sự hợp tác của tim và óc, mà ta có được cái nhiệt tình tinh thần, nó biểu hiện cho sự sống, cũng như màu xanh biểu hiện cho thảo mộc. Xét một tư tưởng ta thấy nó sinh động nhiều hay ít là nhờ nó có nhiều nhiệt tình hay ít, cũng như nhìn một cây, thấy là xanh hay khô mà biết nó tươi tốt hay đã héo.
 
4. NHỮNG THÚ VUI TINH THẦN LÀ GÌ?
 
Khi xét những thú vui mà người ta cho là cao thượng nhất của tinh thần, chẳng hạn thú vui văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, tôn giáo, triết học, ta thấy trí tuệ đóng một vai trò rất nhỏ so với vai trò của giác quan và tình cảm. Một bức hoạ có công dụng gì nếu không phải là cho ta thấy một phong cảnh, một diện mạo và gợi cho ta cái vui khả cảm, như được nhìn một phong cảnh, một diện mạo thực? Và công dụng của văn chương là gì nếu không phải là tạo lại một trạng thái đời sống, gây cho ta cái không khí, màu sắc, hương thơm của bãi đồng cỏ, hoặc cái xú khí của cống rãnh trong đô thị? Chúng ta đều cho rằng một tiểu thuyết là thứ văn học chân chính nếu nó tả được những sinh vật và cảm xúc chân thật. Một cuốn sách thoát li nhân sinh một cách lạnh lùng thì không phải là văn học; nó càng chân thật, cận nhân tình thì nó càng hay. Nếu nó chỉ phân tích một cách lạnh lùng, không cho ta cảm được cái khí vị chua chát, mặn nồng của đời sống thì đọc nó ta chán lắm.
 
Thi ca chỉ là chân lí đã nhuộm màu sắc của cảm xúc; âm nhạc là tình cảm không có ngôn từ; còn tôn giáo chỉ là sự minh triết diễn thành hình ảnh. Hội hoạ đặt cơ sở trên sự cảm giác về màu sắc; thi ca cũng đặt cơ sở trên sự cảm giác về âm, vận, tiết điệu và trên xúc cảm. Âm nhạc là tình cảm thuần tuý, có thể gợi cho ta được tiếng chuông, tiếng họp chợ, tiếng binh đao, có thể tả được cái đẹp thanh tú của hoa, tiếng ào ào của sóng hoặc vẻ tĩnh mịch êm đềm của trăng, nhưng khi nó vượt giới hạn của giác quan mà rán diễn một ý triết học thì phải coi nó là suy đồi rồi.
 
Mà tôn giáo chẳng vậy ư? Như Santayana đã nói, nó mà dùng nhiều lí luận quá thì nó cũng biến mất mà suy đi: “Chẳng may tôn giáo đó (Ki Tô giáo) đã từ lâu không còn là sự minh triết diễn bằng hình ảnh nữa, mà đã thành ra một thứ mê tín trong một lớp lí luận”. Ta càng biện giải, càng hợp lí hoá các tín ngưỡng của ta, càng tin chắc rằng mình có lí thì đức thành tín của ta càng giảm. Cho nên tôn giáo nào tự cho là đã phát minh được chân lí độc nhất thì sẽ biến thành một môn phái hẹp hòi, cuồng nhiệt. Một tôn giáo như vậy nuôi lòng ích kỉ của con người vì chẳng những nó làm cho tín đồ không hiểu được những môn phái khác mà còn biến đổi sự thờ phụng thành một lối buôn bán giữa Thượng Đế và tín đồ. Tín đồ hát thánh ca và cầu Thượng Đế trong mọi trường hợp để được phù hộ hơn người khác, để Thượng Đế phù hộ gia đình mình hơn những gia đình khác. Vì vậy ta thấy nhiều bà già rất mộ đạo mà rất ích kỉ. Tóm lại sự biện giải rằng chỉ có mình mới là chính đáng, sự tin tưởng rằng chỉ có mình mới nắm được chân lí làm cho những tình cảm đẹp đẽ nhất do tôn giáo gây nên hoá ra xấu xa, hẹp hòi, ích kỉ.
 
Tôi cho rằng nghệ thuật, thi ca, tôn giáo chỉ nên nhắm mục đích này là rán làm cho chúng ta khôi phục được lại một thị giác mới mẻ, một sự hoan hỉ lớn hơn và một ý thức lành mạnh hơn về nhân sinh. Vì chúng ta càng già thì giác quan của ta càng tê liệt đi, cảm xúc của ta càng chai lại vì đau khổ, vì bất công, vì tàn nhẫn, và lối nhìn đời hoá ra sai lầm vì tiếp xúc quá lâu với những thực tại lạnh lùng, thô bỉ. Nghệ thuật phải bồi bổ giác quan của ta, tái lập sự liên hệ giữ lí trí và thể xác, phục hưng lại bản chất của ta. Một thế giới có khoa học mà thiếu sự thông cảm, có sự phê bình mà thiếu sự hân thưởng, có cái đẹp mà thiếu tình yêu, có chân lí mà thiếu nhiệt tình, có luật pháp mà thiếu từ bi, có lễ độ mà thiếu sự ấm áp của con tim, một thế giới như vậy quả thật đáng thương.
 
Phải coi trọng đời sống hơn tư tưởng, mới có thể tìm lại được cái mới mẻ, cái tự nhiên trong chân kiến thức của trẻ em. Tôi tin tưởng các triết gia phải xấu hổ khi nhìn một em bé hoặc một con sư tử con trong chuồng. Chân cẳng, bắp thịt, bộ lông đẹp đẽ, cặp tai nhọn, cặp mắt sáng mà tròn và ý thức về du hí của con vật đó, nhất thiết đều là những công trình tuyệt diệu của hoá công. Các triết gia phải xấu hổ rằng đôi khi con người làm cho cái tuyệt diệu của hoá công biến thành cái bất hảo, phải xấu hổ rằng con người phải đeo kính, mất ăn mất ngủ, tâm trí thường âu sầu, không cảm thấy lạc thú của đời sống nữa. Hạng người như vậy quả là vô dụng và những thuyết họ đưa ra đối với chúng ta không có một giá trị gì cả. Chỉ có triết học nào cho chúng ta một kiến giải đúng đắn về thiên nhiên, về bản tính của con người, mới là một triết học hữu ích.
 
Triết học nào cũng phải đặt cơ sở trên sự điều hoà bản năng của con người; nếu ta quá thiên về chủ nghĩa lí tưởng thì thế nào cũng bị thiên nhiên trừng phạt. Theo Khổng giáo, con người đạt được lí tưởng cao nhất, đạt được sự tôn nghiêm bằng cách sống hoà hợp với thiên nhiên, thuận với thiên nhiên, và như vậy sẽ sánh được với tạo hoá. Đó là học thuyết của Tử Tư (cháu đích tôn Khổng Tử) trong cuốn Trung Dung:
 
“Cái trời phó cho gọi là Tính, noi theo Tính gọi là Đạo, sửa cho hợp Đạo gọi Giáo (dạy). Mừng, giận, thương, vui chưa phát ra thì gọi là Trung 100 [9] , phát ra mà đều trung triết thì gọi là Hoà. Trung là gốc lớn của thiên hạ; Hoà là cái đường thông suốt 101 [10] trong thiên hạ. Hễ trung hoà rất mực thì trời đất yên vị và vạn vật được sống mãn nguyện 102 [11] .
 
Do đức thành 103 [12] mà được sáng suốt, đó là tính: sáng suốt rồi mới thành, đó giáo: hễ thành thì sáng suốt, hễ sáng suốt thì thành 104 [13] .
 
Chỉ có bậc chí thành trong thiên hạ mới biết rõ và thực hành được hết cái bản tính của mình; biết rõ và thực hành được hết cái bản tính của mình thì biết rõ và thực hành được hết bản tính của người, biết rõ và thực hành được hết bản tính của người thì biết rõ và thực hành hết bản tính của vật; biết rõ và thực hành hết được bản tính của vật thì giúp được vào việc hoá dục Trời, Đất; giúp được vào việc hoá dục của Trời, Đất thì sánh được cùng Trời , Đất 105 [14] “.

 

Chú thích:




106 [1] Mit uns, tiếng Đức, nghĩa là “với chúng tôi”, về phía chúng tôi; mit ihnen nghĩa là “với các anh”, về phía các anh.
107 [2] Văn hào Mĩ ở thế kỉ trước (1817-1862), môn đệ của Emerson, tác giả những cuốn: Une semaine sur les rivières Concord et Merrimack, La vie dans les bois; tả cảnh rất khéo, có tinh thần hài hước và nhiều tư tưởng ngược đời, tinh thần rất gần dân tộc Trung Hoa.
108 [3] Chính là tháp: cái giường hẹp và dài.
109 [4] Tức Tô Đông Pha, thi hào đời Tống. Trong bài Hậu Xích Bích Phú, một người bạn Tô Đông Pha có cá ngon, nhưng không có rượu. Tô về nhà hỏi vợ có rượu không. Bà đáp: “Tôi có đấu rượu, cất đã lâu, đợi ông thình lình dùng tới”. Thế là Tô đem rượu và cá cùng bạn đi chơi Xích Bích.
110 [5] Trong bản tiếng Pháp bỏ đoạn này. Người Trung Hoa rất thích chuối vì thứ đó hiếm.
111 [6] Nguyên tác: “The green makes me feel tender toward the peaks, and the red tells me there are oranges”. Nhưng trong bản Sinh hoạt đích nghệ thuật đăng trên website Sina lại là: 青惜峰峦过, 黄知橘柚来 (Thanh tích phong loan quá, Hoàng tri quất dữu lai). Xem thêm bài Phóng thuyền trong Phụ lục 2. (Goldfish).
112 [7] Một truyện ngắn của Đỗ Quang Đình, đời Đường, chép trong bộ Thái Bình nguyên kí, kể chuyện một hiệp sĩ râu quăn (cầu nhiêm khách) và Lí Thế Dân. Truyện được nhiều người khen là hay nhất đời Đường. Coi bản dịch ra tiếng Việt của Giản Chi đăng trong Nội san Bưu điện số Xuân Canh Tí và bản viết lại ra tiếng Anh của Lâm Ngữ Đường trong Famous Chinese Short Stories. [Có thể xem truyện Gã râu xòm tại http://www.thuvien-it.net/home/truyen/view.asp?act=6_3&lv=6&cid=1&sid=19&tid=21239. (Goldfish)]
113 [8] Triết gia Mĩ gốc Y Pha Nho (1863-1952), tác giả nhiều cuốn viết về triết học; ông theo chủ trương duy vật, cho rằng lí tưởng nào cũng phải có một cơ sở tự nhiên; về luân lí, ông theo học thuyết Aristote.
114 [9] Lâm Ngữ Đường dịch là “the innersell” (cái ở trong con người).
115 [10] Lâm dịch là “illustrious way” (con đường rực rỡ).
116 [11] Đoạn này ở trong chương I sách Trung Dung.
117 [12] Chữ thành ở đây không phải chỉ có nghĩa là thành thực, mà còn hàm cái nghĩa theo tự nhiên, không hư nguỵ. Lâm dịch là “being one’s true seft” cũng là nghĩa đó.
118 [13] Đoạn này là chương XXI.
119 [14] Đoạn này là chương XXII.


Lâm Ngữ Đường

Một Quan Điểm Về Sống Đẹp

Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê

CHƯƠNG VII

CẦN BIẾT NHÀN TẢN




1. TRONG CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT CHỈ DUY CÓ CON NGƯỜI LÀ LÀM VIỆC
 
Vậy bữa tiệc nhân sinh đã bày trước mặt ta rồi đấy, chỉ còn mỗi một vấn đề là ta có thèm ăn hay không. Không phải món ăn là quan trọng, thèm ăn mới quan trọng. Khi xét loài người, điều lạ lùng nhất là cái quan niệm về sự làm việc và cái số lượng công việc mà loài người tự bắt mình phải làm. Vạn vật trong vũ trụ đều nhàn tản, duy có loài người là làm việc để sống. Con người bây giờ phải làm việc vì do những tấn bộ của văn minh, đời sống hoá ra phiền phức không tưởng tượng được: đủ các bổn phận, trách nhiệm, lo âu, chướng ngại, tham vọng, do xã hội tạo ra cả. Trong khi tôi ngồi viết ở đây, thì một con bồ câu lượn chung quanh gác chuông một giáo đường, ngay trước cửa sổ tôi, chẳng hề lo lắng rằng sẽ có cái gì ăn không. Tôi nhận rằng bữa cơm của tôi phiền phức hơn bữa ăn của con bồ câu và phải nhờ cả ngàn người làm việc, phải nhờ một hệ thống rất phức tạp về văn hóa, mậu dịch, vận chuyển, giao hàng, nấu nướng, tôi mới có vài món ăn trong mỗi bữa. Cho nên con người khó kiếm được miếng ăn hơn loài vật, và nếu một con thú rừng nào lạc vào thành phố, mà lại nhận thấy được kiếp lao động khó nhọc của chúng ta thì tất nó sẽ hoài nghi và kinh ngạc lắm.
 
Nó sẽ nghĩ rằng trong vạn vật chỉ có cái con vật đi hai chân là chúng ta mới làm việc. Trừ ít con ngựa kéo xe, vài con bò kéo cày, ngay những gia súc của chúng ta cũng không làm việc. Con chó săn của cảnh sát ít khi phải làm nhiệm vụ; con chó giữ nhà buổi sáng kiếm chỗ nắng ấm ngủ thẳng giấc rồi chơi giỡn gần suốt ngày, con mèo quí phái nhất định là không hề làm một việc gì để “mưu sinh” rồi, muốn đi chơi đâu thì đi. Con người siêng năng cũng bị nhốt trong chuồng, cũng bị thuần phục (như gia súc) mà lại không được xã hội nuôi, phải làm việc cực khổ để kiếm lấy miếng ăn. Tôi hoàn toàn nhận rằng nhân loại được hưởng nhiều cái lợi, như cái vui khoa học, cái vui đàm đạo và cái vui ảo tưởng. Nhưng vẫn còn sự tình cốt yếu này là đời sống chúng ta hoá ra phiền phức quá và chín mươi chín phần trăm hoạt động của ta chỉ để lo việc kiếm ăn mà sự tấn bộ làm cho việc kiếm ăn mỗi ngày một khó khăn cực nhọc, cực nhọc đến nỗi chúng ta mất thèm ăn đi, ăn mất ngon đi. Dù đứng vào quan điểm một con thú rừng hay quan điểm một triết gia thì sự tình đó cũng rất đỗi là vô lí.
 
Mỗi lần tôi đứng xa nhìn một châu thành hoặc đứng trên cao nhìn một biển nóc nhà thì tôi thấy kinh khoảng. Vài ba tháp chứa nước, vài ba tấm quảng cáo chìa phía lưng ra, có lẽ thêm một hai gác chuông giáo đường, rồi những sân trải hắc in làm mái cho những ngôi nhà bằng gạch, hay bê tông, ngôi nào cũng dựng đứng lên, vuông vắn, cứng ngắc, không ra cái hình dáng gì cả, trên nó cắm những ống khói phai màu, bẩn thỉu, những ăng ten máy thâu thanh và những dây chì phơi quần áo. Ngó xuống phố, tôi thấy những bức tường gạch đỏ hoặc xám nối tiếp nhau với những hàng cửa sổ cùng một kiểu, nhỏ, tối, sáo che khuất một nửa, và ở cửa thành cửa đặt một bình sữa hoặc vài chậu bông nhỏ xíu, èo ọt. Một em bé dắt chó trèo lên nóc nhà, ngồi ở cầu thang để hưởng chút ánh nắng mặt trời. Lại ngửng đầu lên, ngó ra xa, tôi thấy hàng dãy mái nhà trải tới chân trời, cứ vuông chành chạnh ra, xấu xí làm sao. Đó, nhân loại sống trong những khu như vậy đó. Người ta sống ra sao nhỉ, sau những cửa sổ tối tăm kia? Thật kinh hồn. Phía sau hai ba chiếc cửa sổ, mỗi đêm một cặp vợ chồng lên giường ngủ y như bồ câu chui vào chuồng vậy; sáng thức dậy, uống cà phê, rồi ông chồng ra phố, tới một nơi nào đó kiếm cơm cho gia đình, trong khi đó bà vợ rán quét tước, lau chùi một cách cương quyết, thất vọng để giữ cho căn nhà nhỏ được sạch sẽ. Khoảng bốn năm giờ chiều, vợ chồng dắt nhau ra ngồi ở cửa chuyện trò với hàng xóm và hít ít không khí mát mẻ. Đêm xuống, họ mệt đừ và đi ngủ. Đó, họ sống như vậy đó.
 
Có những kẻ phong lưu hơn, sống trong những căn nhà tốt hơn, có nhiều phòng, nhiều chụp đèn hơn. Mà cũng thứ tự, sạch sẽ hơn, rộng rãi hơn, hơn một chút thôi. Họ đỡ lo lắng về tiền nông hơn. Nhưng lại thêm bao nhiêu rắc rối về tình cảm, thêm bao nhiêu cuộc li dị, thêm bao nhiêu đêm ông chồng đêm không về nhà, thêm bao nhiêu cặp tôi tớ rủ nhau tìm cách vung phí để khuây khoả. Có Trời Phật chứng giám, họ cần quên những bức tường gạch đơn điệu, những sân đánh bóng này nữa chứ! Và tất nhiên bọn đàn ông đi coi đàn bà khoả thân. Do đó mà những chứng thần kinh thác loạn cũng nhiều hơn, thuốc aspirine cũng bán chạy hơn, bệnh đau bụng, đau bao tử, đau ruột dư, đau óc, đau gan, bệnh huyết áp, đường xí, mất ngủ, bón, mất ăn, mệt mỏi cũng nhiều hơn. Để cho bức hoạ được đủ, tôi phải thêm: chó nuôi cũng nhiều hơn mà trẻ con thì bớt đi. Thực ra trong bọn họ cũng có vài người sống vui vẻ, nhưng xét chung thì có lẽ không sung sướng bằng những kẻ làm lụng nhiều; và họ buồn chán hơn. Nhưng họ có xe hơi và có lẽ có cả một ngôi nhà nghỉ mát ở vùng quê. Vậy là ở nhà quê người ta làm việc cực khổ để có tiền ra tỉnh ở, và ở tỉnh người ta lại kiếm tiền cho nhiều để trở về nhà quê nghỉ.
 
Nếu bạn đi dạo một vòng trong châu thành, bạn sẽ thấy phía sau một phố chính với những mĩ viện lộng lẫy, những hàng bán hoa, những công ti vận hành, có một phố nữa với các tiệm thuốc, tiệm tạp hoá, tiệm bán đồ sắt, tiệm giặt ủi, các quán ăn rẻ tiền, các sạp báo. Đâu đâu cũng những tiệm, những quán đó. Họ sẽ sống ra sao? Tới đây làm gì? Giản dị lắm. Người thợ giặt giặt quần áo cho người hớt tóc, người hớt tóc lại hớt tóc cho người thợ giặt và người bồi quán ăn. Văn minh là như thế. Có lạ lùng không? Tôi cá rằng một số thợ giặt, thợ hớt tóc hoặc bồi quán ăn suốt đời không bao giờ ra khỏi châu thành. Nhờ trời, còn có những rạp hát bóng trong đó họ có thể trông chim hót trên cành lá đong đưa, thấy nước Thổ, nước Ai Cập, núi Hi Mã Lạp Sơn, núi Andes, thấy những cơn bão, những vụ đắm tàu, những cuộc lễ gia miện, thấy những con kiến, con sâu, con xạ thử, thấy con rắn mối đánh nhau với con bò cạp, thấy núi, sông, mây và cả mặt trăng nữa; thấy tất cả những cái ấy trên màn bạc.
 
Ôi! Nhân loại thông minh trí tuệ một cách kinh khủng! Tôi xin bái phục. Làm sao hiểu nổi cái văn minh nó bắt người ta làm việc cực khổ đến bạc đầu để kiếm ăn mà quên mất cái sự nghỉ ngơi, vui chơi .
 
2. THUYẾT NHÀN TẢN CỦA TRUNG HOA
 
Người Mĩ nỗi danh là làm việc dữ dội, người Trung Hoa nổi danh là nhàn tản thung dung. Hễ tính tình trái ngược nhau thì người ta lại phục nhau, cho nên tôi đoán rằng người Mĩ phục người Trung Hoa cũng ngang với người Trung Hoa phục người Mĩ. Tôi không biết phương Đông và phương Tây sau này có gặp nhau không; có dấu hiệu chắn chắn là hai bên đương tiến lại gần nhau đấy, và văn minh hiện đại càng tiến, phương tiện giao thông càng dễ dàng thì mỗi ngày hai bên càng gần nhau lại. Ít nhất là ở Trung Hoa người ta không phản đối văn minh cơ giới đó và người ta đương tìm cách dung hoà hai nền văn hóa, nền triết học cổ của Trung Hoa với nền văn minh kĩ thuật, để rán hợp nhất lại trong một lối sống thực tế. Còn ảnh hưởng của triết học phương Đông tới lối sống phương Tây thì không chắc chắn gì cả, không ai dám đoán trước về điểm đó được.
 
Văn minh cơ giới mau đưa loài người tới một thời đại nhàn nhã và con người sẽ bắt buộc phải tiêu khiển nhiều hơn mà làm việc bớt đi. Sẽ tới một lúc mà con người hoá ra mệt mỏi, chán ngán sự tiến bộ hoài huỷ về kĩ thuật; vì tôi không tin rằng khi đã có những điều kiện tốt đẹp nhất để sống rồi, con người vẫn còn làm lụng hoài như ngày nay. Có thể rằng con người lúc đó sẽ làm biếng hơn.
 
Theo tôi hiểu, văn hóa trước hết là sản phẩm của sự nhàn nhã. Hình như người nào minh triết thì không bận rộn, người nào bận rộn thì không minh triết. Người minh triết nhất là người nào nhàn tản ưu du nhất. Ở đây tôi không trình bày kĩ thuật cùng những cách nhàn tản ở Trung Hoa mà chỉ xin nói về cái triết học nó bồi dưỡng lòng ham nhàn tản thần tiên và tạo ra cái tính tình vô ưu, lạc thiên tri mệnh của văn nhân, thi nhân Trung Hoa – nói chung là của dân chúng Trung Hoa thôi. Cái tính khinh sự thành công mà sai mê đời sống đó do đâu mà phát sinh?
 
Trước hết, tôi xin trình bày học thuyết nhàn tản của một tác giả ít có tên tuổi ở thế kỉ mười tám, Thư Bạch Hương: “Thời gian sở dĩ ích lợi là vì nó không được dùng tới. Thời nhàn hạ cũng như khoảng trống trong phòng”. Một thiếu nữ siêng năng nào mướn được một căn phòng nhỏ đầy đồ đạt, không còn chỗ trống thì ai cũng thấy không thư thái, vì không có chỗ để cử động nữa, cho nên khi được tăng lương thì đi kiếm ngay một căn phòng rộng hơn để có nhiều chỗ trống hơn. Chính những chỗ trống đó làm cho căn phòng dễ ở; những lúc nhàn hạ cũng vậy, làm cho đời ta dễ chịu hơn. Một bà giàu có, sống ở Park Avenue, mua một khu đất cạnh nhà để cho người ta khỏi cất một ngôi nhà chọc trời trên khu đó. Bà ta phải trả một số tiền lớn để có một khoảng đất hoàn toàn vô dụng, và tôi cho rằng chưa bao giờ bà dùng tiền một cách sáng suốt bằng lần đó.
 
Về điểm đó, tôi xin chép một kinh nghiệm bản thân. Ở Nữu Ước, tôi không sao thấy được cái đẹp của một ngôi nhà chọc trời; tới Chicago tôi mới hiểu được rằng một ngôi nhà chọc trời rất có thể uy nghi, rất đẹp, nếu trước mặt có đủ đất trống và ba phía kia có khoảng trống ít nhất là non một cây số. Về phương diện đó, Chicago có lợi thế hơn là khu Mahattan ở Nữu Ước, và những ngôi nhà lớn ở Chicago có nhiều khoảng trống chung quanh để người ta có thể đứng xa trông ngó được. Nói một cách bóng bẩy thì đời sống của chúng ta cũng hẹp quá, nên ta không thể thong thả bao quát được phần tâm linh của nó. Ta thiếu cái thế nhìn xa .
 
3. ĐẠO THANH NHÀN
 
Lòng yêu thanh nhàn của người Trung Hoa có nhiều nguyên nhân: trước hết là do bản tính họ rất yêu đời, lại thêm lòng yêu đó, trải qua các triều đại, được một tiềm lưu trong văn chương lãng man đề cao, sau cùng được một triết học – đại thể là triết học Lão, Trang – biện giải cho. Gần như toàn thể người Trung Hoa chấp nhận quan niệm về nhân sinh đó, cơ hồ như họ có cái máu Lão Trang trong người vậy.
 
Có một điểm ta cần phải minh xác. Nhiều người thường tưởng rằng chỉ hạng người giàu có mới sùng thượng đời sống thanh nhàn. Chính các văn nhân thi sĩ nghèo hèn, lao đao mới thường lựa đời sống đó. Khi đọc các kiệt tác trong văn học Trung Hoa và tưởng tượng cảnh ông đồ nghèo ngồi giảng cho bọn học sinh cũng nghèo những thơ văn ca tụng đời sống an nhàn, tôi chắc rằng cả thầy lẫn trò đều tìm được một niềm an ủi về tinh thần và đều mãn nguyện vô cùng. Những bài luận về cái luỵ của danh vọng, cái thú ẩn dật, thư sinh lạc đệ nào nghe mà chẳng thích; mà những câu tục ngữ như “Vãn thực khả dĩ đương nhục” (Ăn trễ thì cũng thấy ngon như ăn thịt), gia đình bần sĩ nào nghe mà chẳng mỉm cười. Trong văn học sử không có sự lầm lẫn nào lớn bằng sự lầm lẫn của các tác giả trẻ tuổi trong giai cấp vô sản khi họ chê Tô Đông Pha, Đào Uyên Minh là ở trong giai cấp trí thức, ăn không ngồi rồi, bị dân chúng ghét. Chỉ vì Tô miêu tả “giang thượng thanh phong” cùng “sơn gian minh nguyệt”, và Đào ngâm nga câu “Tịch lộ triêm ngã y”, cùng “Kê minh tang thụ điên” (Sương chiều thấm áo ta – Gà gáy trên ngọn dâu) mà bảo họ là tư sản ư? Làm như gió mát trên sông, trăng thanh trên núi, và con gà đậu trên cành dâu là vật sở hữu của giai cấp tư sản! Các bậc danh nhân thời cổ đã sống đời sống của dân quê nghèo khổ và tìm thấy trong đời sống đó một sự an tĩnh, vui vẻ, điều hoà.
 
Vì vậy mà tôi cho rằng sự sùng thượng thanh nhàn có tính cách rất dân chủ. Ta có thể hiểu rõ điều đó hơn khi ta tưởng tượng cuộc mạn du khắp châu Âu của Laurence Sterne hay Wordsworth và Coleridge; họ đi bộ, rất ít tiền trong túi nhưng biết bao diễm cảm ở trong lòng! Đã có một thời người ta không cần phải giàu có mới đi du lịch được; mà ngay bây giờ nữa, du lịch không phải là một xa xỉ phẩm dành riêng cho bọn phú gia. Xét chung thì hưởng nhàn đâu có tốn tiền bằng hưởng cái xa xỉ. Chỉ cần có một tâm hồn nghệ sĩ biết tìm những buổi chiều vô dụng để hưởng thụ một cách hoàn toàn nhàn nhã. Thật ra đời sống thanh nhàn tốn kém rất ít, như Thoreau đã chịu khó vạch ra cho ta thấy trong cuốn Walden 120 [1] .
 
Các nhà lãng mạn Trung Hoa phần nhiều là đa cảm, phóng lãng, nghèo tiền nhưng giàu tình. Họ rất yêu đời, ghét lễ nghi, ghét sự bó buộc, không chịu chịu đem con tâm làm nô lệ hình hài. Sự thanh nhàn không phải là đặc quyền của bọn nhà giàu sang, quyến thế, của bọn thành công (bọn này bận rộn suốt ngày, hưởng nhàn sao được!); ở Trung Hoa nó là sản phẩm của những tâm hồn cao thượng, quá tự phụ nên không thèm xin ân huệ, quá độc lập nên không chịu làm việc dưới quyền một ai, và quá minh triết nên không coi trọng những thành công trên đời. Họ cao thượng nên thản nhiên đối với bi kịch của đời sống, họ vượt được lên trên những tham vọng, những đam mê, những quyến rũ của danh lợi. Họ thành hạng người lí tưởng được mọi giới ngưỡng mộ nhất trong văn học Trung Quốc. Họ sống rất giản dị và khinh thị công danh.
 
Những văn hào đó – Đào Uyên Minh, Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị, Viên Trung Lang, Viên Tử Tài – đều có làm quan trong một thời gian ngắn ngủi, chính tích rất tốt đẹp, nhưng rồi đều chán cái cảnh ra luồn vào cúi nên cam tâm bỏ quan từ lộc, về vườn ở ẩn. Khi Viên Trung Lang làm tri huyện Tô Châu, có lần ông dâng lên quan trên một mạch bảy lá đơn từ chức, nhất định không chịu cảnh ra luồn vào cúi nữa, chỉ xin về nhà để được tự do, tự chủ.
 
Ngoài ra, còn một thi nhân là Bạch Ngọc Thiềm làm một bài thơ rất mực ca tụng sự thanh nhàn để treo ở thư trai mà ông đặt tên là “Dong am” (Am biếng nhác).
 
Bài đó như sau:
 
--- Đan kinh 121 [2] biếng đọc vì Đạo không phải ở trong sách.
--- Tạng kinh 122 [3] biếng coi vì chỉ là cái bì phu của Đạo.
--- Cái tốt của Đạo là trong sự thanh hư.
--- Thanh hư là gì? Là suốt ngày như ngu.
--- Có thơ mà biếng ngâm vì ngâm xong thì ruột héo 123 [4] ,
--- Có đàn mà biếng gảy, vì gảy xong là hết nhạc.
--- Có rượu mà biếng uống vì ngoài cái say còn có sông hồ 124 [5] .
--- Có cờ mà biếng chơi vì ngoài nước cờ còn có can qua 125 [6] .
--- Biếng coi núi khe vì trong lòng có hoạ đồ rồi 126 [7] .
--- Biếng ngắm gió trăng vì trong lòng có Bồng Lai rồi.
--- Biếng lo việc đời vì trong lòng có vườn ruộng nhà cửa rồi .
--- Biếng hỏi nóng lạnh vì trong lòng có cảnh tiên ấm áp rồi 127 [8] .
--- Dù tùng héo núi tan, ta cũng vậy thôi 128 [9] ,
--- Cho nên gọi là “Am biếng nhác”, chẳng cũng đúng ư?
 
Không, hưởng nhàn không tốn tiền. Hạng người giàu sang không biết hưởng thú đó nữa và chỉ những kẻ rất khinh tiền, tâm linh phong phú, ưa đời sống giản dị mới hưởng được đời sống thanh nhàn. Người ta không hưởng kiếp trần này vì người ta không yêu nó, biến cuộc sống thành một thói quen buồn tẻ. Lão Tử bị người ta vu oan cho là ghét đời; tôi tưởng trái lại, ông khuyên ta không màng thế tục chính vì ông quá yêu đời, nên không muốn cho nghệ thuật sống thành một việc phàm tục: sống chỉ để sống.
 
Hễ có yêu thì có tiếc; những người yêu đời tất phải tiếc những lúc vui hiếm có trong đời, tất giữ cái tôn nghiêm và cái ngạo mạn đặc biệt của hạng phóng lãng. Họ cho những lúc đi câu cũng thiêng liêng như những giờ làm việc. Khi họ đi chơi gôn (golf) mà kẻ nào lại nói về thị trường chứng khoán thì họ cũng bực mình như nhà bác học bị quấy rầy trong khi nghiên cứu ở trong phòng thí nghiệm. Họ sẽ đếm những ngày xuân đã trôi qua mà tiếc rằng không đi chơi được nhiều hơn cũng như nhà doanh thương tiếc rằng trong ngày không bán được nhiều món hàng hơn .
 
Каталог: file
file -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
file -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
file -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 7790-5 : 2008 iso 2859-5 : 2005
file -> Qcvn 81: 2014/bgtvt
file -> UỶ ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 1.38 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương