Lâm Ngữ Đường


CÕI TRẦN LÀ THIÊN ĐƯỜNG DUY NHẤT



tải về 1.38 Mb.
trang10/21
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.38 Mb.
#4040
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   21

4. CÕI TRẦN LÀ THIÊN ĐƯỜNG DUY NHẤT
 
Thật lạ lùng, biết rằng kiếp trần có hạn, rằng không ai không chết, thì ta lại yêu đời nồng nhiệt hơn lên, muốn tận hưởng cái thú ở đời, và trong lòng yêu đời đó, đượm một chút bi cảm nên thơ. Nếu chúng ta có một chút hi vọng rằng chúng ta sẽ bất tử thì trong lòng muốn hưởng lạc của ta tất giảm đi. Như tước sĩ Arthur Keith đã nói “Vì nếu mọi người tin như tôi rằng cõi trần này là Thiên đường duy nhất thì người ta đã tận lực biến đổi nó thành một Thiên đường”. Cảm tưởng của ông y như cảm tưởng của người Trung Hoa. Tô Đông Pha viết: “Đời qua như một giấc mơ xuân, không lưu lại một vết nào cả” (Sự như xuân mộng liễu vô ngấn), biết vậy cho nên Tô càng quyến luyến với đời. Trong văn học Trung Quốc, ta luôn luôn thấy cái cảm giác “nhân sinh bất tái” đó. Trong những lúc vui nhất của họ, thi nhân và học giả Trung Hoa đều bi cảm về nỗi “nhân sinh bất tái”, “kiếp người ngắn ngủi”, về nỗi “hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết”. Trong bài phú “Xuân dạ yến đào lý viên tự”, Lí Bạch viết: “Phù sinh nhược mộng, vi hoan kỉ hà” (Đời người như mộng, vui được bao lâu?) và Vương Hi Chi 129 [10] , trong lúc vui vầy yến tiệc cùng bạn bè viết bài bất hủ “Lan Đình tập tự” để than thở cho cảnh “nhân sinh bất tái”.
 
“Năm thứ chín, niên hiệu Vĩnh Hoà, nhằm năm Quí Sửu, đầu tháng ba, hội ở Lan Đình tại huyện Sơn Âm, quân Cối Kê để tiến hành lễ tu hễ 130 [11] . Quần hiền tới đủ, già trẻ đều họp. Nơi đó có núi cao đỉnh lớn, rừng rậm trúc dài, lại có dòng trong chảy xiết, chiếu quanh hai bên, dẫn nước uốn khúc, làm chỗ thả chén 131 [12] . Mọi người ngồi theo thứ tự. Tuy không có tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng quản, tiếng huyền cho vui tai, nhưng uống một hớp rượu, ngâm một câu thơ, cũng đủ thư sướng u tình. Hôm đó khí trời trong sáng, gió nhẹ lâng lâng, ngẩng nhìn vũ trụ mênh mông, cúi xem vạn vật muôn vẻ, phóng tầm mắt, mở cõi lòng, đủ để hưởng hết cái thú của tai mắt, thật là vui vậy.
 
“Người ta cùng củi ngửa ở trong đời, có người đem cái hoài bão của mình ra đàm đạo với bạn bè trong một nhà, có kẻ gởi tấm lòng ở một sự tình gì mà phóng lãng ở ngoài hình hài, tuy hai hạng người đó thủ xả, tĩnh động khác nhau, nhưng đương lúc vui gặp thời, tạm đắc ý với mình thì đều khoan khoái tự túc mà chẳng hay cái già sắp tới. Kịp đến khi mỏi mệt, tình ý theo sự thể mà thay đổi thì đều sinh ra cảm khái. Cái mà trước kia vui trong lúc cúi ngửa đã thành ra vết cũ mà nay nhớ lại, lòng không thể không hoài cảm. Huống đời người dài ngắn do trời, nhưng đều qui về cõi chết cả. Cổ nhân nói: “Tử sinh đều là việc lớn”, há chẳng đau lòng!
 
“Mỗi khi xét người đời xưa cảm khái như in với người đời nay, không lần nào đọc văn người trước mà không than thở buồn rầu, trong lòng không hiểu tại sao. Cho hay bảo tử sinh cũng như nhau là lời hư ngoa; bảo Bảnh Tổ không hơn vì kẻ chết yểu là lời nói láo. Người đời sau nhìn lại đời bây giờ cũng như người bây giờ nhìn lại đời xưa, buồn thay!
 
“Vì vậy tôi chép lại truyện người trong tiệc, sao lục thơ họ làm, tuy đời và việc đều khác, nhưng lẽ sở dĩ cảm khái thì là một. Người đời sau đọc bài này chắc không khỏi bùi ngùi” (Tới dây mới hết bài Lan Đình tập tự)”.
 
Biết rằng có lúc mình sẽ chết, sẽ tắt như ngọn nến, cảm giác đó thật quí vì nó làm cho ta hoá ra nghiêm trang, hơi buồn, và nhiều khi lại còn nẩy ra thi ý nữa; nó bắt ta an phận, rồi sắp đặt sao để có thể sống một cách hợp lí, một cách chân thực mà không quên giới hạn của ta. Nó tạo cho ta sự an ổn trong tâm hồn vì ta đã chịu nhận trước cái xấu nhất có thể xảy ra rồi. Xét về tâm lí, tôi cho rằng cảm giác “kiếp người có hạn” đó giải phóng sinh lực cho ta.
 
Khi thi nhân và dân chúng Trung Hoa hưởng lạc thì trong tiềm thức họ cảm thấy rằng, cái vui sẽ không vĩnh viễn, rằng hội hè dù vui tới mấy, sớm muộn gì cũng phải tàn. Họ nhìn đời như một nhà vẽ sơn thuỷ đời Tống nhìn sau một màn sương bí mật, hoặc sau một lớp không khí mù mù hơi nước.
 
Cái cảm giác có tính cách nửa hiện thực, nửa tinh thần đó, được chủ nghĩa nhân bản của người Trung Hoa, được cả cái lối sống và lối suy nghĩ của họ nhận là đúng, mà triết học của họ chú trọng tới sự hiểu đời hơn là tới sự tìm chân lí. Gạt bỏ tất cả những lí luận siêu hình, trừu tượng; cho nó là sản phẩm mơ hồ của trí tuệ, các triết gia Trung Hoa 132 [13] chỉ nhắm vào đời sống, chỉ đặt một vấn đề giản dị, vĩnh viễn: “Chúng ta sống ra sao đây?”. Người ta Trung Hoa cho rằng triết học mà hiểu theo nghĩa của phương Tây thì thật là phù phiếm, vô ích. Triết gia Tây phương chỉ lo nghiên cứu về lí luận để tìm những cách đạt tới tri thức, họ nghiên cứu về nhận thức luận để tìm hiểu khả năng tính của tri thức mà quên không tìm hiểu đời sống. Như vậy cũng ngu xuẩn, bá láp như ve vãn một người đàn bà mà không cưới người ta để sinh con đẻ cái, cũng như bận quân phục, đi từng đoàn ra chiến trường để chẳng chiến đấu. Phù phiếm nhất là các triết gia Đức, họ ve vãn chân lí y như những gã si tình mà rất ít kẻ kết hôn với chân lí .
 
5. VẤN ĐỀ HOẠ PHÚC
 
Đạo giáo nhận rằng không có gì là hoạ, là phúc, do đó mà đặc biệt tạo cho người Trung Hoa cái tính tình ưa nhàn. Tư tưởng cốt yếu của đạo đó ở chỗ cho hiện sinh quan trọng hơn sự biến hoá 133 [14] , tư cách quan trọng hơn sự thành công, và tĩnh thắng được động. Con người chỉ có thể bình thản được khi không bị dao động vì hoạ phúc ở đời. Chúng ta còn nhớ truyện “Tái ông thất mã” trong sách Hoài Nam Tử:
 
“Một ông lão ở biên cương mất con ngựa. Người ta lại hỏi thăm, ông bảo: “Biết đâu đó chẳng phải là phúc?”. Ít ngày sau, con ngựa trở về, theo sau là một bầy ngựa Hồ rất tốt. Người ta lại mừng ông, ông đáp: “Biết đâu đó chẳng phải là hoạ?”. Thấy có nhiều ngựa, con ông già đâm ham cưỡi ngựa, té gãy giò. Người ta lại chia buồn, ông đáo: “Biết đâu đó chẳng phải là phúc?”. Năm sau, rợ Hồ lấn cõi, tráng đinh ra trận, mười người chết tới chín. Duy có con ông vì khập khiểng nên khỏi ra trận mà cha con được sống với nhau”.
 
Triết lí đó giúp ta chịu được ít nhiều cái bất hạnh trong đời vì ta tin rằng trong cái hoạ có cái phúc cũng như huy chương có mặt trái thì có mặt phải. Nếu một người nghĩ rằng không có gì là quan trọng thì đối với người ấy không có gì là quan trọng cả; và như vậy người ấy có thể bình tĩnh, khinh sự dao động lăng xăng, khinh sự thành công vì còn thích sự thành công là còn sợ thất bại, càng thành công lớn thì càng sợ té đau. Những phần thưởng hão huyền của danh vọng sánh sao được với cái lợi mênh mông của sự ẩn dật. Đạo gia cho rằng kẻ sĩ sáng suốt thì khi thành công không cho rằng mình đã thành công mà khi thất bại cũng không chắc rằng mình đã thất bại; còn kẻ chưa thật sáng suốt mới tin chắc rằng thành công cùng thất bại đều là tuyệt đối và xác thực.
 
Do đó mà Đạo giáo khác với Phật giáo: mục đích của Phật giáo là không cần gì ở đời, còn mục đích của Đạo giáo là không muốn cho đời cần mình. Chỉ những người không muốn cho đời cần mình mới có thể vô ưu, và chỉ những người vô ưu mới có thể sung sướng. Nghĩ vậy cho nên Trang Tử, triết gia nổi danh nhất, tài trí nhất trong phái Đạo gia thường khuyên ta đề phòng, đừng nên nổi danh quá, hữu ích quá, lo giúp đời nhiều quá. Heo mà mập quá thì bị làm thịt để cúng tế, chim mà lông đẹp quá thì bị thợ săn bắn trước hết. Ông lại kể một ngụ ngôn: hai người đi quật một ngôi mộ để trộm bảo vật, cầm búa đập bể sọ và hàm răng người chết, chỉ vì kẻ này ngu xuẩn dặn người thân đặt một viên ngọc trong miệng mình khi liệm xác 134 [15] .
 
Những điều tôi trình bày trong đoạn trên đưa tới kết luận tất nhiên này là “Thế thì tại sao ta không sống một đời nhàn tản?”.
 
6. BA TẬT CỦA NGƯỜI MĨ
 
Nhân sinh quan của người Mĩ ngược hẳn với người Trung Hoa. Trong một xưởng nọ, tôi thấy một tấm bảng lớn với hàng chữ này: “Mới chỉ gần ngay thì vẫn chưa được”. Người Mĩ khó chịu ở chỗ cầu toàn trách bị, khi một vật nào đã gần ngay thì họ còn muốn làm cho ngay hơn nữa, cho thật ngay, còn người Trung Hoa thì xính xái, cho gần ngay là được rồi.
 
Ba tật của người Mĩ là tăng hiệu năng, muốn đúng giờ và muốn thành công. Họ rất khổ, rất quạo quọ vì ba tật đó cướp mất của họ cái quyền nhàn tản, cái quyền hưởng một buổi chiều an nhàn, vui vẻ. Chúng ta phải quen với ý này đi: ở đời không có gì là tai hoạ cả và bên cạnh cái nghệ thuật làm việc còn có một nghệ thuật cao cả hơn nữa là chẳng làm gì cả. Xét chung thì trả lời ngay các bức thư với không trả lời, kết quả đại loại cũng gần như nhau. Rút cục cũng chẳng có gì xảy ra cả, một bên không giúp cho người ta được một vài việc tốt, còn một bên tránh được cho người ta vài cái hại. Đa số các bức thư, có bỏ trong ngăn kéo ba tháng rồi lấy ra coi lại, sẽ thấy nếu trả lời thì thật là mất thì giờ vô ích. Viết thư có thể sẽ thành một thói xấu nó làm cho các văn sĩ, giáo sư thành những thầy kí rành nghề. Cho nên tôi hiểu tại sao Thoreau khinh những người Mĩ ngày nào cũng ra sở bưu điện.
 
Vấn đề tranh luận của chúng ta không phải ở điểm: sự hiệu năng có ích hay không. Tôi nhận rằng nhờ nó mà chúng ta có được những đồ dùng tốt, chế tạo kĩ lưỡng. Tôi luôn luôn tin những vòi nước Mĩ hơn là những vòi nước chế tạo ở Trung Hoa vì nó không rỉ nước. Vấn đề ở điểm này: những kẻ lăng xăng với những kẻ nhàn tản, thì kẻ nào khôn hơn? Có hiệu năng mới làm được việc, đồng ý, nhưng thói hiệu năng cũng cướp thì giờ của ta, không cho ta rãnh rang để hưởng lạc, mà kích thích thần kinh ta quá vì cái tật cầu toàn trách bị. Một viên chủ bút Mĩ lo đến bạc đầu vì ông ta không muốn thấy một lỗi in nào trong tạp chí của ông. Viên chủ bút Trung Hoa khôn hơn: để cho độc giả cái thú tìm ra được ít nhiều lỗi trên báo. Hơn nữa, một tạp chí Trung Hoa có thể khởi đăng một truyện rồi nửa chừng bỗng quên phắt nó đi. Ở Mĩ mà như vậy thì các ông chủ bút cho là trời sập rồi; nhưng ở Trung Hoa điều đó chẳng quan trọng gì cả, chỉ vì nó chẳng có chút quan trọng nào. Và người Trung Hoa luôn luôn đúng kì nếu để cho họ thong thả. Rút cục họ cũng làm xong công việc đã dự tính, miễn là đừng tính sát quá.
 
Cái tốc độ của đời sống kĩ nghệ hiện tại không cho ta nhàn tản ưu du nữa. Tệ hơn nữa, nó bắt ta thay đổi quan niệm về thời gian mà người ta đo bằng chiếc đồng hồ, rồi biến luôn con người thành chiếc đồng hồ. Ở Trung Hoa cũng đương có tình trạng đó. Trong một xưởng hai vạn thợ thì tất nhiên phải đúng thời khắc, nếu ai muốn tới lúc nào tuỳ ý thì sự hỗn độn sẽ kinh khủng. Nhưng sự bắt buộc phải đúng giờ đó làm cho đời sống cực khổ, bực bội quá đi. Biết rằng chiều nay, đúng năm giờ ta phải tới một nơi nào đó, thế là mất toi cả buổi chiều, chỉ những lo ngai ngái sao cho khỏi trễ. Người Mĩ nào cũng sắp đặt thời khắc y như ở trường tiểu học: ba giờ chiều làm việc này, năm giờ làm việc kia, sáu giờ rưỡi thì thay quần áo, sáu giờ năm mươi kiếm tắc xi, bảy giờ tới lữ quán. Đời sống mà như vậy thì còn giá trị gì nữa?
 
Người Mĩ ngày nay đã tới một tình trạng bi đát là chẳng những họ lập thời khắc biểu cho hôm sau hoặc tuần sau, mà còn lập trước cho tháng sau nữa. Người Trung Hoa không khi nào hẹn gặp nhau ba tuần lễ trước khi và khi nhận được một thiệp mời thì sung sướng thay, họ không bắt buộc phải trả lời là nhận lời hay không. Họ có thể sẽ viết lên tấm thiệp chữ “sẽ tới” hoặc “đa tạ” rồi gởi trả lại; nhưng thường thường họ chỉ viết “nhận được rồi” mà chẳng cần cho biết quyết định ra sao: tới hay không tới. Một người Mĩ hay Âu sống ở Thượng Hải có thể sẽ bảo trước cho tôi biết rằng ngày 19 tháng 4 năm 1938 135 [16] , đúng ba giờ chiều, sẽ dự một hội nghị ở Ba Lê, rồi ngày 21 tháng 5 sẽ tới Vienne bằng chuyến xe lửa bảy giờ sáng. Người ta không thể đi du lịch mà tự làm chủ mình, muốn tới lúc nào thì tới, muốn đi lúc nào thì đi ư?
 
Nhưng, người Mĩ không biết nhàn tản, nguyên do quan trọng nhất là tại họ thích hoạt động, đặt hoạt động lên trên sự sinh tồn. Các ông Mĩ ham hoạt động vì họ muốn thoả lòng tự tôn và muốn cho bọn trẻ tôn trọng họ; người Trung Hoa cho họ là lố bịch. Già mà còn hăng hái hoạt động thì cũng không khác gì bắt một máy thu thanh trên đỉnh một giáo đường cổ rồi ra rả phát ra thứ nhạc Jazz vậy. Làm ông lão, chưa đủ sao? Có cần gì phải lúc nào cũng hoạt động không? Chúng ta thích những giáo đường cổ, những đồ cổ, mà chúng ta quên cái cốt cách đẹp đẽ của tuổi già. Hồi tráng niên mà không biết nhàn tản thì quả là một tội lớn đối với bản tính con người .
 
*
* *

Chú thích:


136 [1] Thereau: coi chú thích ở trang 8. Tác phẩm Walden cũng có nhan đề là La vie des bois (Đời sống trong rừng)
137 [2] Tức kinh Đạo giáo.
138 [3] Tức kinh Phật.
139 [4] Nghĩa là hết thơ,
140 [5] Nghĩa là ngoài cảnh mộng lúc say có có cảnh thiên nhiên.
141 [6] Nghĩa là ngoài sự đấu trí trong cuộc cờ còn có sự chiến đấu trong đời.
142 [7] Ý nói: trong lòng cảnh đẹp như tranh (hoạ đồ) rồi, không cần coi cảnh thiên nhiên nữa.
143 [8] Nguyên văn: Thần đô là cảnh tiên. Lâm dịch là: trong lòng có đám rước trên trời (Within me there are heavenly processions).
144 [9] Nghĩa là: dửng dưng, không quan tâm tới.
145 [10] Ông tự là Dật Thiếu, người đời Tấn, quê ở Cối Kê (nay thuộc Chiết Giang) nổi danh về chữ tốt và về văn thơ,
146 [11] Lễ tắm rửa ở bờ sông, vấy nước để trừ ma.
147 [12] Người ta thả một chén rượu trên dòng nước, chén trôi đi tấp vào đâu thì vớt lên mà uống.
148 [13] Theo tôi, xét chung thì lời đó đúng mà xét riêng đời Tống thì triết gia Trung Hoa cũng hay bàn về những vấn đề siêu hình như lí, khí, tính, tâm.
149 [14] Sách in là “tự biến hoá”, tôi tạm sửa lại là “sự biến hoá”. (Goldfish).
150 [15] Sách Trang tử, thiên Ngoại vật. (Goldfish).
151 [16] Nên nhớ tác giả viết cuốn này vào năm 1937.


Lâm Ngữ Đường

Một Quan Điểm Về Sống Đẹp

Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê

CHƯƠNG VIII

LẠC THÚ TRONG GIA ĐÌNH




1. TRONG VÒNG ĐÀO CHÚ 152 [1]
 
Tôi vẫn nghĩ rằng tiêu chuẩn của một nền văn minh là cái mẫu vợ chồng, cha mẹ mà văn minh đó đào tạo. Bên cạnh vấn đề giản di mà nghiêm túc đó, mọi thành công khác – như nghệ thuật, triết học, văn học, tiện nghi vật chất – đều hoá ra mờ nhạt, cơ hồ như vô nghĩa lí.
 
Tiêu chuẩn tôi mới đề nghị đó có khả năng lạ lùng này là đặt tất cả nhân loại ngang hàng với nhau, gạt bỏ tất cả những cái gì không cần thiết trong văn minh và văn hóa, để chúng ta có thể xét văn minh và văn hóa một cách giản dị, sáng suốt hơn. Như vậy tất cả những sản phẩm khác của văn minh chỉ còn là những phương tiện để đào tạo nên những người vợ, người chồng, người cha, người mẹ lương hảo hơn. Khi mà chín chục phần trăm loài người là chồng hay vợ, và trăm phần trăm đều có cha mẹ, thì nhất định là nền văn minh cao nhất phải tạo được mỗi người vợ, người chồng, người cha, người mẹ lương hảo nhất, làm cho đời sống sung sướng nhất. Bản chất của những người – đàn ông hay đàn bà – sống chung với ta quan trọng hơn công việc họ làm và các thiếu nữ nên mang ơn nền văn minh nào tạo cho họ được người chồng lương hảo nhất. Tất nhiên sự lương hảo chỉ là tương đối; và lí tưởng về người vợ, người chồng, người cha, người mẹ thay đổi tuỳ thời và tuỳ xứ. Có thể rằng phương pháp tốt nhất để tạo những người chồng người vợ tốt là áp dụng môn ưu sinh học 153 [2] (eugénisme), như vậy đỡ tốn công dạy dỗ trai gái. Vả lại, một nền văn minh không biết tới gia đình hoặc đặt nó xuống hàng thấp nhất thì chỉ sản sinh được những trai gái bất lương.
 
Tôi nhận thấy rằng tôi gần như theo chủ nghĩa sinh vật rồi đấy. Tôi đã theo nó rồi chứ. Đàn ông, đàn bà, ai cũng theo nó cả. Vì dù muốn hay không, chúng ta cũng đều là sinh vật, đều bị những luật tự nhiên về sinh vật chi phối. Chúng ta do sinh vật tính mà sung sướng, do sinh vật tính mà giận dữ, do sinh vật tính mà tham lam, chúng ta có tinh thần tôn giáo hoặc tinh thần hoà bình cũng là do sinh vật tính cả. Chúng ta đều là những sinh vật do cha mẹ sinh ra, hồi nhỏ bú sữa mẹ, lớn lên lập gia đình, sinh con đẻ cái. Có những người không muốn làm cha mẹ, cũng như có những cây không chịu sinh hạt giống, nhưng ai cũng phải có cha mẹ cũng như cây nào cũng phải do một hạt sống mà sinh. Vậy có sự kiện căn bản này: những tương quan đầu tiên trong đời sống là những tương quan giữa nam nữ, và thiếu nhi, và triết học nào không xét về những tương quan cốt yếu đó thì không thể coi là một triết học thích đáng được, không đáng gọi là một triết học.
 
Sự tương quan giữa nam và nữ tự nó không đủ, nó phải tạo ra con cái rồi mới hoá ra hoàn bị. Không một nền văn minh nào truất được cái quyền sinh sản của nam nữ. Tôi biết ngày nay có nhiều người đàn ông đàn bà ở độc thân hoặc kết hôn với nhau mà vì lẽ này hay vì lẽ khác không chịu có con. Tôi cho rằng dù họ viện lí lẽ nào cũng mặc, hễ không sinh con là họ phạm một tội lớn nhất đối với bản thân rồi. Nếu họ không sinh sản được vì cơ thể thì cơ thể họ hư hỏng, có bệnh; nếu vì đời sống đắt đỏ, thì đời sống đó xấu xa; nếu vì mức sống cao quá thì mức sống đó bất hảo; nếu vì một chủ nghĩa cá nhân thì chủ nghĩa đó lầm lẫn; nếu vì cả một tổ chức xã hội thì tổ chức đó tệ hại. Có thể rằng con người thế kỉ hai mươi mốt sẽ thấy chân lí đó, khi khoa sinh vật học tiến bộ hơn. Tôi hoàn toàn tin rằng thế kỉ hai mươi mốt sẽ là thế kỉ của sinh vật học, cũng như thế kỉ mười chín là thế kỉ của tự nhiên học. Khi loài người hiểu mình hơn, nhận rằng chống đối với bản năng của mình chỉ là vô ích, thì sẽ trọng chân lí đó hơn. Đã có vài dấu hiệu đáng mừng rồi đấy vì tâm lí gia Thuỵ Sĩ Jung đã khuyên các nữ bệnh nhân giàu có nên trở về nhà quê nuôi gà, nuôi con và trồng rau. Họ đau vì không hoạt động đúng với luật thiên nhiên của các sinh vật.
 
Không người đàn ông nào thoát li đàn bà mà sống được. Nếu người ta nhận rằng ai cũng có mẹ thì không một người nào có thể miệt thị đàn bà được. Từ lúc oe oe chào đời tới lúc nhắm mắt, đàn ông luôn luôn sống giữa đàn bà: mẹ, vợ, con gái…; nếu không có vợ thì cũng được một người đàn bà săn sóc, hoặc là chị như William Wordsworth, hoặc thím quản gia như Herbert Spencer. Không một triết học nào có thể cứu vớt một kẻ không lập được những tương quan bình thường, thích hợp với mẹ hoặc với chị; và nếu đối với thím quản gia mà cũng không biết cư xử nữa thì chỉ có Trời mới cứu được.
 
Có cái gì bi đát trong đời sống của một người đàn ông không tạo được những quan hệ bình thường với người đàn bà đến nỗi phải than thở như Oscar Wilde: “Đàn ông không thể sống với đàn bà được; mà không có đàn bà cũng không sống được”. Thành thử trong bốn nghìn năm, từ khi có một truyện Ấn Độ về Sáng thế kí cho tới Oscar Wilde ở đầu thế kỉ hai mươi, cái khôn của nhân loại chẳng tiến được chút nào cả, vì ý tưởng của Wilde cũng y như ý tưởng trong truyện Ấn Độ đó 154 [3] .
 
2. CHỦ NGHĨA ĐỘC THÂN: SẢN PHẨM LỐ LĂNG CỦA VĂN MINH
 
Sự chấp nhận quan niệm giản dị và tự nhiên về gia đình đó đưa tới hai sự xung đột: Xung đột giữa cá nhân và gia đình; xung đột giữa triết học chủ trí (trọng trí tuệ) và triết học chủ tính (trọng thiên tính, bản năng). Sự xung đột sau khốc liệt hơn vì một người tin ở cái chủ nghĩa cá nhân, có thể rất thông minh, còn một người chỉ tin ở cái trí tuệ lạnh lẽo, chứ không tin ở cái tâm nồng nhiệt, là kẻ điên. Không trọng tính cách tập thể của gia đình, không coi gia đình là một đơn vị xã hội, thì còn có thể tìm một tập thể khác mà thay gia đình; nhưng mất cái thiên tính phối ngẫu, cái thiên tính làm cha mẹ thì vô phương cứu vớt được.
 
Chúng ta phải nhận giả thuyết này là đúng: con người không thể sống cô độc mà sướng được, phải sống chung trong một nhóm mà tôi gọi là cái “đại ngã”. Cái đơn vị “đại ngã” đó có thể là một giáo khu, một trường học, một giáo đường, một thương điếm, một hội kín hoặc một cơ quan từ thiện. Tất cả những tổ chức đó đều có thể thay thế gia đình. Tôn giáo hoặc chính trị có thể thu hút tất cả hoạt động của một người. Nhưng vẫn chỉ có gia đình là một đoàn thể tự nhiên và thực tại về phương diện sinh vật. Nó tự nhiên vì người nào mới sinh ra cũng có gia đình rồi và suốt đời sống trong gia đình; nó thực tại về phương diện sinh vật vì những người trong gia đình đều chung một dòng máu. Người nào không thành công trong đoàn thể tự nhiên đó thì khó thành công trong những đoàn thể khác được. Khổng tử bảo: “Đệ tử trong nhà thì phải hiếu, ra ngoài (xã hội) thì phải đễ, siêng năng và ngay thẳng, yêu mọi người và gần những người nhân. Làm theo những điều đó mà còn dư sức thì hãy học văn” (Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân. Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn). Ngoài đoàn thể gồm cha mẹ, anh em, chị em đó ra, con người muốn phát biểu và phát triển đến cực độ cá tính của mình còn cần có một người bạn khác giống mà thích hợp với mình để điều hoà, bổ túc cho mình nữa.
 
Phụ nữ nhờ có cảm giác về sinh vật tính sâu sắc hơn đàn ông nên biết rõ điều ấy. Thiếu nữ Trung Hoa nào cũng mơ mộng được bận quần hồng và ngồi kiệu hoa; còn phụ nữ phương Tây thì mơ mộng được bận áo voan và nghe chuông giáo đường khi làm lễ kết hôn. Tôi tin chắc rằng Tạo hoá phú bẩm cho đàn bà tính tình để làm mẹ hơn là làm vợ, nên họ mới có óc thực tế, biết phán đoán, yêu trẻ con và những kẻ yếu, thích săn sóc cho người khác, có nhiều thành kiến, đa cảm… Cho nên triết học mà không kể tới bản năng làm mẹ đó, rán tìm hạnh phúc ở ngoài gia đình cho phụ nữ, là đi lầm đường. Tất cả những người đàn bà vô học hoặc có một học thức lành mạnh đều có mẫu tính, mẫu tính này phát sinh từ hồi nhỏ, càng lớn lên càng mạnh; còn phụ tính của đàn ông ít khi xuất hiện trước ba mươi lăm tuổi, hoặc trước khi con trai hay con gái đầu lòng tròn năm tuổi. Tôi không tin rằng một chàng trai hai mươi lăm tuổi đã muốn có con. Chàng chỉ mê một thiếu nữ nào đó, vô ý mà sinh một đứa con rồi chẳng nghĩ tới nữa, cho tới khi, khoảng ba chục tuổi, chàng mới bỗng nhiên nhận ra rằng mình có một đứa con trai hay gái, có thể dắt nó đi chơi hoặc khoe khoang với bạn bè, và lúc đó chàng mới cảm thấy rằng mình là cha. Đàn bà thì trái lại, cho có con là việc quan trọng nhất trong đời, và khi có con thì từ tính tình đến thói quen đều có thể biến đổi hẳn. Ngay từ khi có mang, họ đã nhìn đời khác trước rồi. Họ đã thấy rõ sứ nạng của mình, mục đích của mình trong đời sống. Tôi đã thấy một thiếu nữ con trong một gia đình Trung Hoa giàu có, được cha mẹ nuông chiều quá đỗi, vậy mà bỗng thành ra can đảm, bỏ ngủ trong mấy tháng để săn sóc con đau. Theo luật tự nhiên, bản năng hi sinh đó không cần thiết cho người cha, vì đàn ông cũng như con vịt hay con ngỗng đực, chỉ lo kiếm ăn nuôi con thôi. Cho nên người đàn bà sẽ đau khổ về tâm lí nếu không sanh con, nuôi con được. Nền văn minh Mĩ làm cho bao nhiêu thiếu nữ diễm lệ như vậy không có cơ hội kết hôn, thì quả thực là không nhân từ với phụ nữ chút nào cả.
 
Tôi xin trở lại vấn đề: “Làm sao sống một đời sung sướng?”. Muốn sống sung sướng thì ngoài những thành công bề ngoài ra, còn cần điều kiện này nữa là bản tính của ta không bị ngăn cản mà được phát ra điều hoà. Tôi vẫn nghi ngờ các ông các bà sống độc thân chỉ lo về những thành công bề ngoài và tưởng rằng có thể hoàn toàn thoả mãn trong những hoạt động về tinh thần, nghệ thuật hay nghề nghiệp mà không cần tới hạnh phúc trong gia đình nữa.
 
Không, tôi không tin như vậy. Những thành công về chính trị, văn chương, nghệ thuật chỉ gây được một chút vui tinh thần nhạt nhẽo, làm sao ví được cái phần thưởng âm thầm nhưng vô cùng chân thực khi thấy con cái mình lớn lên, mạnh lên. Có bao nhiêu văn nhân, nghệ sĩ khi về già còn thoả mãn về những thành công của mình? Và có bao nhiêu người không coi những thành công đó chỉ là sản phẩm của những hoạt động để tiêu khiển, nhất là để mưu sinh? Người ta kể rằng vài ngày trước khi mất, Herbert Spencer ôm trên đùi một chồng mười tám cuốn “Triết học tổng hợp”, thấy nó lạnh và nặng quá, tự hỏi giá lúc đó còn một đứa cháu nội để ôm có phải thú hơn không. Phải dùng đường nhân tạo, bơ nhân tạo, bông gòn nhân tạo cũng là chán ngán rồi, nếu lại phải có những sản phẩm để thay trẻ em thì thực là bi thảm!
 
Về một phương diện khác, nhiều người cho rằng hạnh phúc là vấn đề kiếm được công việc mà mình thích, công việc của đời mình. Tôi tự hỏi chín chục phần trăm đàn ông và đàn bà làm một nghề nào đó có tìm được cái công việc mà họ thích không. Tôi cho rằng câu mà người ta thường đem ra khoe: “Tôi thích công việc của tôi” có chút ý nghĩ chua chát. Có ai mà khoe: “Tôi yêu gia đình tôi” không, vì điều đó tự nhiên quá đi. Một nửa những nhà kinh doanh lại phòng giấy mỗi ngày có cái tâm trạng y như của phụ nữ Trung Hoa đợi lúc sanh đẻ: “Thiên hạ như vậy, thì mình không thể khác được”. Ai cũng nói: “Tôi thích công việc của tôi”. Thốt từ miệng một người coi thang máy, một cô giữ điện thoại, một ông nha y thì câu đó láo khoét; còn thốt từ miệng một nhà xuất bản, một nhân viên địa ốc, một nhân viên chứng khoán thì lời đó quá đáng. Trừ trường hợp những nhà thám hiểm nam, bắc cực, những nhà bác học nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, còn thì chỉ cần cho công việc mình làm được hơi thích thích, tạm vừa ý, cũng là may rồi. Không thể so sánh lòng yêu công việc với lòng mẹ yêu con được. Nhiều người không thấy rõ khuynh hướng của mình và thường đổi nghề; nhưng có người mẹ nào không thấy rõ cái thiên chức của mình là nuôi nấng, dìu dắt con cái khi chúng còn nhỏ không? Nhìn những người chung quanh, chúng ta thấy rằng may mắn có được năm phần trăm là sung sướng vì kiếm được một công việc mà họ thích, còn năm phần trăm cha mẹ đều tìm được lẽ sống trong sự săn sóc con cái đấy ư? Vậy thì đối với một người đàn bà, tìm chân hạnh phúc trong công việc làm mẹ chẳng chắc chắn hơn là tìm nó trong nghề kiến trúc sư ư? Vậy thì hôn nhân chẳng phải là cái nghề thích hợp nhất cho đàn bà ư?
 
Tất nhiên, chúng tôi nói đây là nói về cái lí tưởng trung bình của hạng người trung bình. Đàn bà cũng như đàn ông, có những người tài năng siêu việt mà sức sáng tạo giúp cho thế giới tấn bộ được nhiều. Điểm quan trọng là chúng ta phải đánh đổ cái ý kiến phổ thông coi đời sống gia đình, với nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng của nó, tức nhiệm vụ nuôi nấng dạy dỗ trẻ em, là ti tiện đối với đàn bà; ý kiến đó không hợp tình hợp lí và chỉ có thể phát sinh trong một xã hội mà nền văn hóa không tôn trọng đàn bà, gia đình và bổn phận làm mẹ .
 
Каталог: file
file -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
file -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
file -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 7790-5 : 2008 iso 2859-5 : 2005
file -> Qcvn 81: 2014/bgtvt
file -> UỶ ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 1.38 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương