Lm. Giuse nguyeãn höÕu trieáT 01/02/2013



tải về 386.84 Kb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích386.84 Kb.
#3715
1   2   3   4

Vấn đề Độc Thần.

Trong các dân tộc trên thế giới chỉ có dân Israel theo tôn giáo Độc thần.

11.1 Kinh Thánh Cựu Ước :

  • "Nghe đây hỡi Israel ! Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta là Đức Chúa duy nhất, hãy yêu mến Đức Chúa của anh em hết lòng, hết sức anh em" (Đnl 6,4-6).

  • "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Người không được có thần nào khác ngoài Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình vật gì trên trời cao cũng như dưới đất thấp hoặc ở trong nước, dưới mặt đất để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà thờ phụng. Vì Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tuông" (Đnl 5,6-10).

  • "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi từ khi ngươi còn ở đất Ai Cập. Ngoài Ta ra ngươi không được biết vị thần nào khác, chẳng có vị cứu tinh nào khác ngoại trừ Ta" (Hs 13,4).

  • "Há chẳng phải Ta và cũng là Đức Chúa, ngoài Ta ra không có thần nào khác nữa. Chẳng có thần công minh cứu độ ngoại trừ Ta – Ta là Thiên Chúa, chẳng còn Chúa nào khác" (Is 45.22).

11.2 Kinh Thánh Tân Ước :

  • "… Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô" (Ga 17,3).

  • Thánh Phaolô dạy : "Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô" (1Tm 2,4-5).

  • "Chỉ một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha" (1Cr 3,11).

11.3 Giáo Hội : Kinh tin kính, lời tuyên xưng cửa miệng của mọi tín hữu trong Giáo Hội : "Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình".

Ghi chú : kiểu nói "thờ cha, kính mẹ" là kiểu nói dân gian, người Công giáo cũng dùng, ví dụ : chuộc tượng Đức Mẹ, các Thánh về thờ, chụp hình ông bà để thờ. Thực ra người Công giáo chỉ thờ một Thiên Chúa mà thôi. Với Đức Mẹ là biệt kính (không tôn thờ như Chúa), với các Thánh, ông bà, tổ tiên thì tôn kính.

NHẬN ĐỊNH

Những nhà nhân chủng học và tôn giáo học đều cho rằng tín ngưỡng tâm linh hay tôn giáo là thành phần không thể thiếu trong đời sống xã hội : xã hội nào cũng có tín ngưỡng, tôn giáo. Tín ngưỡng tôn giáo tạo nên những nền văn hóa đặc thù : văn hóa Phật giáo, văn hóa Khổng giáo, văn hóa Đạo giáo, văn hóa Ấn giáo, văn hóa Thiên Chúa giáo hay Kitô giáo …

Qua những nghiên cứu khoa học, người ta còn cho rằng chính con người đã tạo ra tôn giáo. [Riêng đối với những người Thiên Chúa giáo thì Đạo là do Thiên Chúa trực tiếp ban truyền, dạy bảo. Thánh Phaolô đã quả quyết : "Tin Mừng tôi loan báo không phải do loài người vì không ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng chính là Đức Giêsu Kitô đã mặc khải" (Gl 1,11-12)].

Quả vậy, trong xã hội loài người nguyên thủy, loài người luôn bị đe dọa bởi nhiều thế lực, lại chưa có hiểu biết về khoa học, không đủ phương tiện chống đỡ nên lúc nào cũng sống trong sự sợ hãi. Để trấn an phần nào, loài người chỉ còn cách vái lạy, thờ cúng những thế lực đó, họ tự sáng tạo ra đồ thờ : tạc vẽ ảnh tượng ; xây dựng nơi thờ phượng : gò, miếu … ; lễ nghi : vái, lạy … ; sắm lễ vật : hoa quả, cơm cháo, thịt thà. Có nhiều nơi sát tế cả người nữa … Vì có quá nhiều nỗi sợ hãi nên cũng phát sinh nhiều thần :



  • Sấm sét ghê hồn, chết người, đổ nhà … nên người ta thờ thần Sấm, thần Sét, họ còn rỉ tai nhau về một lưỡi búa nào đó : "Lưỡi Tầm Sét".

  • Sông trào nước lũ làm ngập lụt, cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn … nên người ta thờ thần "Hà Bá".

  • Đất lạ, có thể sinh bệnh tật, chết người (do ăn ở mất vệ sinh), người ta sợ nên thờ thần "Thổ Công".

  • Câu tục ngữ nơi cửa miệng mọi người : "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá".

  • Rắn độc cắn chết người, quá sợ hãi nên người ta thờ thần Rắn (Chằn tinh trong câu chuyện Thạch Sanh Lý Thông, không một đứa trẻ nào không nghe).

  • Núi non vĩ đại, huyền bí … nên có Sơn Tinh … (câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh).

Thần trong Ấn giáo thì không thể đếm nổi. Thần thoại Hy Lạp cũng muôn màu muôn vẻ, các thần đều có hình tượng : thần Biển, thần Gió, thần Mặt trời, thần Chiến tranh, có cả thần sắc đẹp "Vệ Nữ" nữa … Không nói đâu xa, ngay tại số 394 đường Lê Văn Sỹ, quận 3, tp.HCM hiện nay có đình Ông Súng, thờ một khẩu súng đại bác bằng gang, khoảng 200kg, nhưng đã vỡ nòng tới 2/3.

Ngoài ra dân còn thờ :



  • Ông Ba Mươi (con hổ)

  • Ông Bình Vôi

  • Cá Ông (cá voi)

  • Cẩu Nhi (đền thờ ở Hà Nội)

  • Chiến Tượng (đền voi phục ở Hà Nội)

  • Linh Cẩu và tượng Khỉ ở Chùa Cầu (Hội An)

  • Suối Cá Thần ở huyện Cẩm Thủy, gần Thành Hồ Thanh Hóa – có rất nhiều cá lạ giống cá trôi mà không phải cá trôi, có con tới 30kg, dân địa phương gọi là Cá Thần vì tương truyền ngày xưa có người ăn cá này bị chết, thế là cả 100 năm nay không ai dám ăn.

Dân mình như thế thì độc thần làm sao nổi ?

Có thể nói tóm lại tất cả các dân tộc (trừ dân Israel) đều nằm trong hệ đa thần. Ngay cả dân Israel, mặc dù được Chúa dạy bảo, răn đe, sửa phạt, họ cũng luôn hướng về đa thần giáo của các dân chung quanh.



  • Dân Israel đã gom góp trang sức bằng vàng và yêu cầu Aharon đúc cho họ con bò vàng để họ cúng bái rồi bày trò lễ hội, khiến Môsê phải nổi giận đập bể bia đá rồi phạt tội toàn dân … (Xh 32,1-30).

  • Bóng mây đen trên vương quốc : Vua Salômôn cuối đời cũng theo Đa thần giáo, đem tai họa đến toàn cõi Israel (xem trang 20-22).

  • Vua Akháp lấy vợ ngoại đạo, bà Ideven, toàn dân theo thần Baan – bấy giờ ông Êlia đến bên dân và nói : "Các ngươi khập khễnh hai chân cho đến bao giờ ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người. Còn nếu là Baan thì cứ theo nó !". Nhưng dân chúng không đáp lại lời nào … Ông Êlia lại nói với dân : "Chỉ còn sót lại mình tôi là ngôn sứ của Đức Chúa …" (1V 18,20-40).

Tuy vô cùng khó khăn để giữ tôn giáo độc thần, nhưng chung cuộc Israel (ngày xưa) và Thiên Chúa giáo (ngày nay) vẫn giữ được tôn giáo độc thần. Những lệch lạc chỉ là những "phá cách" nhanh chóng bị loại bỏ.

  • "Nếu Baan là thần của các ngươi thì hãy theo nó !" – Đây là lời thách thức của tiên tri Êlia.

  • "Nếu các thần ngoại là thần của anh em thì hãy thờ chúng, nhưng tôi và gia đình tôi chỉ thờ một Thiên Chúa mà thôi" (Gs 24,15) – Đó là lời thách đố của thủ lãnh Giosuê, kẻ kế vị ông Môsê.

Quả thật tôn giáo độc thần mà tồn tại suốt 4000 năm nay thì phải kể là một phép mầu. Ngoài ra không có thể lý giải cách khác được.

  1. Vấn đề đơn hôn và vĩnh hôn.

Hai bản năng hay khuynh hướng mạnh mẽ nhất của muôn loài sinh vật là bản năng bảo tồn, phát huy sự sống và bản năng duy trì nòi giống.

Bản năng duy trì nòi giống nơi thú vật được thể hiện qua việc giao phối tự nhiên giữa con vật đực và con vật cái. Nơi loài người vì là loài "linh ư vạn vật" nên không thể ăn ở giống như cầm thú, mà phải ăn ở theo quy luật, định chế hẳn hoi, đó chính là giao ước và định chế hôn nhân do Thiên Chúa thiết lập ngay từ khi tạo dựng loài người. [Chúa phán : "Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó" … Thiên Chúa rút một cái xương sườn của con người ra và lắp thịt thế vào … Thiên Chúa làm ra người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói : "Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi" … nàng sẽ được gọi là đàn bà … bởi thế đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai làm nên một xương một thịt (St 2,18-25)]. Kể từ đó loài người phát triển và xã hội nào, thời đại nào cũng có hôn nhân, tuy có khác nhau về hình thức, lễ nghi, thủ tục … nhưng nội dung tức là mục đích vẫn giống nhau, đó là sự kết hợp giữa người nam và người nữ để yêu thương, giúp đỡ nhau và sinh con đẻ cái "nối dõi tông đường".

Các nhà nghiên cứu nhân chủng học, xã hội học, và các chuyên gia đều nhận thấy rằng xã hội loài người từ những bộ lạc nguyên thủy, trải qua chế độ nông nô, rồi phong kiến, người ta đều có khuynh hướng đa thê (một số dân như Lào, đồng bào thiểu số Tây nguyên theo mẫu hệ, nhưng không có đa phu, nghĩa là một người con gái lấy 2, 3 chồng một lúc).

Sở dĩ hôn nhân đa thê phát triển và tồn tại tới ngày nay là vì dường như có những điều kiện thuận lợi về tâm sinh lý và xã hội ủng hộ nó.



  1. Tâm lý : Đàn ông thân dài vai rộng, được Thượng Đế phân công làm cột trụ, làm chỗ dựa cho vợ con. Đàn ông thể hiện sức mạnh của mình qua hành động chinh phục, chở che phái yếu và dĩ nhiên không phải chỉ chở che cho một cá thể phụ nữ mà còn dư sức lực chở che cho nhiều phụ nữ nữa, chính vì vậy mà dễ nảy sinh tình trạng đa thê.

  2. Sinh lý : Về khả năng sinh con thì đàn ông quá dư dật. Một ngày "nhà máy" của họ sản xuất hàng triệu "chiến binh". Xài hết lại có và có trong khoảng thời gian rất dài – có cụ trên 70 vẫn còn khả năng sinh con. HTV7 – chương trình thế giới 24 giờ tối 17/10/2012 : Một cụ ông Ấn Độ 92 tuối, sinh con với một bà vợ 52 tuổi. Đây là ông cụ già nhất còn sinh con ! (BTV Bửu Điền). Trong khi đàn bà ở tuổi sinh đẻ, mỗi tháng chỉ có một lần rụng trứng, thường chỉ một trứng chín, ít khi có hai hay ba (trường hợp sinh đôi hoặc sinh ba) – Tuổi sinh đẻ của phụ nữ cũng ngắn, qua 45 đã ngưng sinh đẻ, bước vào thời mãn kinh.

Đám cưới chênh tuổi cao nhất xưa nay : cụ ông Ahmed Muhamed Dore 115 tuổi, cưới cô Safia Abdulleh 17 tuổi tại vùng Galguduud của Somali. Cụ đã kết hôn 5 lần, 3 bà đã chết, 2 người còn lại đã quá già mà cụ thì còn rất sung sức. Cụ có 18 con, con cả đã 83 tuổi … Gần đây hôn nhân có trục trặc … Sợ rằng, cụ Dore chẳng sống được bao lâu nữa, nên Sofia Abdulleh nhất định không có con với cụ. Nếu có con rồi, khi cụ Dore chết, theo luật Somali, cô sẽ không đi được bước nữa. Cụ Dore rất tức giận khi cô vợ nhất định không muốn có con với mình, mặc dù cụ vẫn còn khả năng sinh con ? Safia Abdulleh cũng không ly dị được với cụ, vì theo luật, nếu bỏ cụ, bố mẹ cô phải hoàn lại lễ cưới. (Lạc An – Báo Đời Sống & Pháp Luật số 160, ra từ ngày 13-20/01/2013).

  1. Xã hội : Càng về xa xưa, dân số nhân loại càng ít, vấn đề làm ăn để bảo đảm cuộc sống (hái lượm, chăn nuôi, săn bắt …) cần nhiều lao động, nhất là lao động nam. Rồi vấn đề an ninh, bành trướng đòi hỏi phải có nhiều chiến binh, bộ lạc nào ít người, lập tức bị chinh phục, bị cướp bóc và thường bị sát nhập, xóa sổ. Có những cuộc chiến mà bên chiến thắng giết sạch đàn ông con trai của bên chiến bại, đàn bà con gái thì trở thành hầu thiếp hoặc nô lệ cho quan quân chiến thắng.

Do sức ép của động cơ bành trướng thế lực và bảo vệ an ninh, cần phải đẻ nhiều và thật nhiều : "Đa tử đa tôn đa phú quý". Để đáp ứng yêu cầu phải giải quyết theo hướng đa thê.

Lưu ý một điểm là có không ít nơi theo mẫu hệ, con gái cưới chồng, đàn bà nắm quyền lực trong gia đình và thôn bản nhưng vẫn không có tình trạng đa phu, lý do đàn ông vốn có sức mạnh dù theo tục lệ phải ở dưới sự điều hành của phụ nữ, nhưng tình trạng 3, 4 ông chồng chung nhau một bà vợ thì không thể có hòa khí được, phải "một mất một còn", "ăn thua đủ", "được ăn cả, ngã về không". Cứ quan sát nơi súc vật "nhân sao vật vậy". Có khi cả bầy chỉ một con đực chủ quản, con đực lạ léo hánh tới là bị "xực" liền, trừ khi kẻ đến sau lại khỏe hơn.

Còn một lý do nữa khiến tình trạng đa phu không xảy ra, đó là vấn đề liên hệ máu mủ của cha con. Đây là trách nhiệm của người cha và cũng là quyền lợi của đứa con. Hôn nhân đa thê thì dù bà nào có bầu sinh con, theo nguyên tắc cũng rõ ràng liên hệ cha + mẹ + con. Còn hôn nhân đa phu thì hoàn toàn không rõ ràng, đứa con không thể biết chắc ai là bố thật của mình (trừ ra phải thử ADN, mà ngày xưa thì làm gì đã có kỹ thuật này, ngay cả bây giờ cũng rất tốn kém mỗi khi yêu cầu thử). Tình trạng "cha chung không ai khóc" thì "con chung cũng chẳng ai lo". Có lẽ chính vì thế mà không thấy xảy ra tình trạng đa phu nơi các dân tộc theo mẫu hệ (đa phu mà nối tiếp thì lúc nào cũng có thể có : chồng chết, vợ tái giá, chồng ly dị, vợ lấy chồng khác …).

Người ta vẫn nói với nhau "hàng ngoại" thì thứ thiệt chắc như bắp, còn "hàng nội" thì chỉ có trời mới biết đích xác. Chế độ hôn nhân đa thê kéo dài mãi tới bây giờ, và sẽ còn dài dài cách hợp pháp hoặc bất hợp pháp (lén lút). Người viết có lần sưu tầm được tờ hôn thú năm 1936 dưới triều vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn. Tờ hôn thú dùng 3 thứ tiếng : Hán, Pháp, Việt – có những câu hỏi đại ý như sau : là vợ cả hay vợ lẽ ? Nếu là vợ lẽ thì vợ cả có thuận ý không ? … Thậm chí ngay xã hội Việt Nam hiện nay, mặc dù luật hôn nhân gia đình là "một vợ, một chồng", thế nhưng vẫn còn tình trạng đa thê công khai đây đó : Báo Câu Chuyện Pháp Luật ngày 12/10/2012, trang 20 có bài của biên tập viên Trịnh Thành – Ý Nhi : "Đừng ai học theo người đàn ông có nhiều vợ nhất xứ Nghệ" :

Tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, có một người đàn ông tên Tiến có tới 6 vợ, mà cả 6 bà đều được cưới xin hoành tráng, được chồng đối xử công bằng nên các bà vợ rất đoàn kết, hòa thuận, chưa bao giờ xảy ra ghen tuông, xô xát, bất hòa …

Đây là câu chuyện ở Việt Nam, còn hiện nay tại các nước theo Hồi giáo, luật vẫn cho phép đàn ông được lấy 4 vợ (chả trách gì dân số Hồi giáo phát triển cực nhanh). Còn tại Mỹ ? Holyfield phá sản vì "5 thê 7 thiếp" : "Võ sĩ quyền anh huyền thoại Evander Holyfield đã phải trả giá cho cảnh '5 thê 7 thiếp' khi đang đèo bồng 11 đứa con với 6 người phụ nữ. Tình cảnh này khiến tay đấm 4 lần vô địch WBA hạng nặng thế giới lâm cảnh nợ nần chồng chất …" (T.Nguyên, báo Thanh Niên 4/11/2012).

Trong khi đà phát triển của nhân loại theo chiều đa thê như vậy thì lại có một dân tộc được lệnh truyền phải giữ đời sống hôn nhân một vợ, một chồng (đơn hôn) :


  • "Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên một người nam và một người nữ, vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt" (Mc 10,7-8 ; x. Mt 19,1-9 ; Lc 16,18 ; St 1,27;2,24 ; Ep 5,31 ; 1Cr 6,16).

Lệnh truyền của Chúa là lý tưởng tuyệt hảo, nhưng dân Israel trong những năm dài của lịch sử dựng nước và giữ nước, họ cũng nhiễm thói tục đa thê của các dân tộc xung quanh. Về phía Thiên Chúa, Ngài quá rõ bản năng và sự yếu hèn của loài người, Ngài là Cha giàu lòng nhân ái, đường lối giáo dục của Ngài là đường lối "tiệm tiến", uốn nắn từ từ, nên trong thời Cựu Ước Ngài làm ngơ cho phép hôn nhân đa thê : "Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người để họ còn ăn năn hối cải" (Kn 11,23). Khi tới thời viên mãn, Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, hóa thân làm người mang tên Giêsu, Ngài đã kiên quyết bắt mọi người trở về tình trạng thánh thiện ban đầu, đó là đơn hôn : Một vợ một chồng. Chúng ta có thể tưởng tượng việc chấm dứt một tục lệ, một thói quen phù hợp bản năng tự nhiên lâu đời, mà cả xã hội loài người đều theo thì khó khăn biết chừng nào ! Làm sao để họ nghe đây ? Nhưng Đức Giêsu kiên quyết không nhượng bộ :

  • Có mấy người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Người. Họ nói : "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không ?" Người đáp : "Các ông không đọc thấy điều này sao ? Thuở ban đầu Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ (1 nam + 1 nữ) và Người đã phán : Vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly". Họ thưa với Người : "Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ ?" Người bảo họ : "Vì các ông lòng chai dạ đá nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu" … (Mt 19,1-10).

Kể từ đó những tín đồ theo Chúa Giêsu trong Hội Thánh Công giáo luôn chấp hành đời sống hôn nhân "một vợ một chồng, sống chung thủy cho đến chết, không ly dị". Dĩ nhiên không phải người Công giáo nào cũng giữ được luật này, nhưng đây là luật cố định của Chúa, ai không chấp hành thì tự loại mình ra khỏi Hội Thánh của Chúa, họ bị dứt phép Thông Công, không được thi hành hai việc trọng đại trong đời sống đức tin, đó là lãnh Bí tích Giải tội và Rước lễ ; và cũng như Chúa Giêsu, Hội Thánh kiên quyết duy trì luật này, không bao giờ nhượng bộ.

Đơn hôn luôn song hành với vĩnh hôn, cả hai là một thực thể không bao giờ tách rời. Đơn hôn đòi phải vĩnh viễn chung sống với nhau, vì nếu ly dị rồi lấy vợ khác, chồng khác rồi lại ly dị, lại tái hôn thì đó cũng là hình thức đa thê và đa phu, chỉ khác ở chỗ nhiều vợ, nhiều chồng, không đồng thời chung chạ với nhau (bà Élizabeth Taylor – Liz Taylor – một ngôi sao màn bạc lừng danh thế giới, qua đời ngày 23/3/2011 ở tuổi 79, 8 lần lên xe hoa với 7 chồng, Richard Buston cưới 2 lần, bà có 2 con trai, 2 con gái với 3 chồng khác nhau. "Vì tôi là vợ và mẹ như thế nên được kết hôn rất nhiều lần trong đời … Nếu ai muốn nghe tin tôi qua đời thì xin lỗi, tôi không bao giờ chết đâu. Tôi chưa từng lên kế hoạch giã từ cuộc đời này" – Bà Taylor trả lời phỏng vấn CNN 3/2/2003, Báo Thanh Niên ngày 24/3/2011).

Còn trường hợp một người phối ngẫu chết đi, hôn nhân của họ đã chấm dứt, do đó nếu có tái giá hay tục huyền thì vẫn còn nguyên tính đơn hôn là một vợ một chồng, và chung thủy vĩnh viễn. Đây chính là định chế muôn đời của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã xác định lại (sau một thời gian dài bị vi phạm thời Cựu Ước mà Thiên Chúa là Cha nhân hậu tạm làm ngơ, bao dung cho sự yếu đuối của loài người) : "Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly" (Mt 19,6). Giáo Hội Công giáo và chỉ có Giáo Hội Công giáo tuyệt đối tuân thủ luật này, lý do là Giáo Hội không có thẩm quyền sửa đổi hay bãi bỏ luật Chúa bất cứ vì lý do gì, cho dù bị áp lực của các vua chúa trần gian cũng không làm Giáo Hội lay chuyển. Trường hợp "đình đám" nhất là vụ ly hôn của vua Henry VIII – hoàng đế nước Anh với hoàng hậu Catherine of Aragon.

Vua Henry VIII sinh ngày 28/6/1491, mất ngày 28/1/1547. Ngày 21/4/1509 lên ngôi vua trị vì Anh quốc. Ngày 23/6/1509 cưới bà Catherine of Aragon và phong hoàng hậu cho bà. Bà Catherine sinh được một con trai nhưng chết từ bé. Vua Henry rất nóng lòng muốn có con trai nối dòng, nhưng với hoàng hậu Catherine thì chỉ còn một người con gái là công chúa Mary. Năm 1525 nhà vua phải lòng bà Anne Boleyn, và bí mật tổ chức hôn lễ vì bà Boleyn đã có thai.

Nhà vua làm áp lực trên hàng Giám mục và quốc hội Anh, đòi hủy Hôn phối với bà Catherine để chính thức hóa Hôn phối với bà Anne Boleyn. Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII bác đơn xin tiêu hôn của nhà vua. Nhà vua trả đũa bằng cách ly khai với Roma. Ông tiếp tục làm áp lực trên quốc hội Anh, đến năm 1532 quốc hội Anh công nhận "quyền tối cao của vua trên Giáo Hội Anh" (phong vua làm giáo chủ của tổ chức gọi là Anh giáo).

Ngày 25/1/1533 nhà vua ngang nhiên tổ chức hôn lễ lần thứ hai với bà Anne Boleyn. Ngày 23/5/1533 tòa án tối cao Anh quốc tuyên bố hủy hôn nhân chính thức giữa vua Henry VIII và hoàng hậu Catherine và hợp thức hóa hôn phối giữa nhà vua và bà Anne Boleyn. Ngày 1/6/1533 vua tấn phong bà Boleyn làm hoàng hậu.

Trước sự ngang ngược của vua Henry, ngày 7/9/1533 Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII ra vạ tuyệt thông cho nhà vua. Đối lại, nhà vua tịch thu tất cả tài sản của Giáo Hội Công giáo, lập ra Anh giáo, bắt mọi công dân tuyên thệ trung thành với nhà vua, chấm dứt liên hệ với Giáo Hoàng La Mã. Ai không tuân lệnh thì bị chém đầu. Một cuộc bách hại đạo Công giáo thật khốc liệt đã xảy ra trên khắp nước Anh. Nhiều người tín hữu trung thành với Giáo Hội Công giáo đã bị xử tử, trong đó có Giám mục Fischer là linh hướng của hoàng cung và Ngài Thomas More là tể tướng của vua. Một số tín hữu Công giáo chạy trốn cuộc bách đạo, đã sang đảo Irland làm thành nước Ái Nhĩ Lan, Công giáo gần như toàn tòng cho đến ngày nay (96% năm 1961 – CG&DT số 1884 tuần lễ từ 16-22/11/2012).

Ngày 8/1/1536, cựu hoàng hậu Catherine qua đời, cũng năm ấy bà Anne Boleyn sảy thai và không còn hy vọng có con trai nối dòng. Bà này rất xinh đẹp nhưng tính tình độc đoán, xa hoa, đòi hỏi quá đáng. Ban đầu nhà vua rất sủng ái nhưng càng về sau càng bị thất sủng, cho tới ngày 2/5/1536 bà bị tống ngục cùng 5 người đàn ông, trong đó có cả em trai bà Boleyn vì bị buộc tội thông dâm với bà. Ngày 17/5/1536 bà bị tuyên án tử hình, và 8 giờ sáng ngày 19/5/1536 bà bị xử chém.

Tể tướng Cromwell, người thế chân tể tướng Thomas More, ủng hộ nhà vua, cũng là người mai mối hôn nhân giữa nhà vua và bà Boleyn … cuối cùng cũng bị chém đầu ngày 28/7/1540.

Sau khi xử tử bà Anne Boleyn, nhà vua còn lần lượt cưới thêm 4 bà nữa, cũng một chiêu bài áp lực hủy hôn nhân trước, lập hôn ước sau. Ban đầu là bà Jane Seymour, kế đến là bà Anne of Cleves, rồi tới bà Catherine Howard, cuối cùng là bà Catherine Parr. Như vậy trước sau nhà vua lấy 6 vợ.

Các nhà nghiên cứu sử học giai đoạn này có nhận định chung như sau : "Henry VIII là một ông vua có nhiều tài nhưng dâm đãng, ích kỷ, khắc nghiệt và có tâm lý bất ổn". Sau lần ngã ngựa trong một cuộc đi săn, ông suy sụp và băng hà ngày 28/1/1547 (tư liệu Wikipedia Internet).

NHẬN ĐỊNH


  1. Trước áp lực ghê gớm của một ông vua quyền thế như Henry VIII, Giáo Hội Công giáo vẫn kiên trì bảo vệ hôn nhân đơn thuầnvĩnh viễn, dù biết trước sẽ mất hết tài sản : đất đai, Nhà thờ, tu viện và cuộc ly giáo cũng như cuộc bách hại khốc liệt đang chờ, nhưng Giáo Hội vẫn giữ vững lập trường "Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly" (Mt 19,6).

  2. Luật Chúa là thánh thiện, hoàn hảo và công minh, tình trạng "xé rào" thì chỉ dẫn tới bất công và tồi tệ.

Ngay trường hợp vua Henry VIII, người mang danh hiệu "Supreme Head of The Church of England" trong 38 năm trên ngai vàng Anh quốc, cả nước coi nhà vua là "dân chi phụ mẫu", thế mà từ một lần ly dị đã kéo theo 5 lần cưới vợ, 5 lần luật pháp đạo đời của nước anh tuyên bố "hôn nhân hợp pháp", rồi ít lâu sau lại tuyên bố "hủy bỏ hôn nhân hợp pháp" đó để rồi lại tuyên bố một cuộc hôn nhân khác "hợp pháp". Chuyện hôn nhân linh thiêng là thế (thề trước Chúa), quan trọng là thế mà bị coi như là một "trò đùa" thật đáng tiếc ! Vết "sẹo" này đến muôn đời không thể tẩy xóa được.

  1. Ngày nay do tình trạng đạo đức xuống cấp và do quyền lợi cá nhân được đề cao quá mức, mọi nước trên thế gian đã cho phép ly dị (trừ nước Vatican của Đức Giáo Hoàng), Giáo Hội Công giáo chịu một áp lực rất lớn của cả thế giới. Giáo Hội luôn bị chỉ trích là cổ hủ, không đi kịp thời đại, chậm tiến, lạc hậu … Thế nhưng lập trường của Giáo Hội trước sau vẫn như một, cho dù tất cả mọi người đàn ông lấy vợ, đàn bà lấy chồng đều ly dị thì lập trường của Giáo Hội cũng không thay đổi, bởi vì đây là luật của Chúa, Giáo Hội chỉ chấp hành và thi hành chứ không có quyền thay đổi. Người viết cho đây là một phép mầu.

  2. Lạ lùng hơn nữa là ngay cả khi Kinh Thánh bị dịch sai do vấn đề rắc rối của ngôn ngữ cổ, thì trong thực hành Giáo Hội vẫn xử đúng luật Chúa. Trường hợp câu Kinh Thánh bị dịch sai : Tin Mừng theo thánh Mátthêô đoạn 19 câu 9 : "Và ta bảo cho các ngươi biết hễ ai rẫy vợ mình không phải vì tội ngoại tình mà cưới người khác thì phạm tội gian dâm ; lại hễ ai cưới người bị rẫy cũng phạm tội ngoại tình" (bản dịch Tân Ước Đức Giêsu Kitô, Sàigòn 1963 và bản dịch trọn bộ Cựu Tân Ước của Linh mục Đaminh Trần Đức Huân, Sàigòn 1969).

"Trừ trường hợp ngoại tình, còn hễ ai rẫy vợ mình mà lấy vợ khác thì phạm tội ngoại tình và ai lấy người vợ bị rẫy cũng phạm tội ngoại tình" (bản dịch của Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, in tại Tây Ban Nha 1984).

"Nếu ai để (rẫy, bỏ) vợ mình không phải vì cớ ngoại tình và cưới vợ khác thì người ấy phạm tội tà dâm và hễ ai cưới người bị để thì phạm tội ngoại tình" (bản dịch Liên hiệp Thánh Kinh Hội Tp.HCM, 1996).

Có thể nói từ gần 2000 năm nay, các bản dịch đều dùng cụm từ "ngoại tình" với tất cả nội hàm của nó và như thế theo mạch văn, ngữ cảnh, ngữ nghĩa … đều phải hiểu là nếu xảy ra trường hợp ngoại tình (có chứng cớ rõ ràng) thì được phép rẫy vợ, rẫy chồng, ly dị, và có thể chính thức tái hôn. Nếu đúng như vậy thì đây là luật trừ duy nhất của hôn nhân Công giáo. Thế nhưng ngay từ thế kỷ thứ hai, vấn nạn về nố trừ "ngoại tình" đã được Giáo Hội giải quyết đúng đường lối của Chúa, mặc dù bản dịch vẫn giữ nguyên từ ngữ và cấu trúc "sai" như vậy.

Một cuốn sách có tên Pastor Hermas (thế kỷ II) của Giáo Hội sơ khai ghi nhận rất nhiều sự kiện của Tân Ước, trong đó có một thắc mắc như sau : một người hỏi chủ chăn : "Trường hợp người vợ ngoại tình bị bắt quả tang thì chồng có được phép ly dị và tái hôn không ?" Câu trả lời đại ý : "Không được ly dị, sửa phạt rồi tha thứ cho nhau – cùng lắm thì được ly thân nhưng cả hai phải ở vậy, không được đi lấy người khác". Đây là câu trả lời dứt khoát, từ đó về sau trong Giáo Hội không đặt vấn đề về câu Kinh Thánh Mátthêô đoạn 19, câu 9 nữa.

Tuy nhiên những nhóm ly khai thì cứ nghĩa chữ của câu đó mà quyết. Thậm chí chẳng những trường hợp "ngoại tình" mà nhiều trường hợp khác cũng cho ly dị và tái hôn. Cụ thể chính vua Henry VIII, người thiết lập Anh giáo mà ông là Giáo chủ đã ly dị nhiều lần và cưới 6 bà vợ chính thức. Đi xa hơn nữa, khoảng thập niên 80-90 thế kỷ 20, người viết có đọc mẩu tin và xem hình ảnh trên tạp chí Thể Thao và Văn Hóa : một mục sư ở Đan Mạch đã cử hành hôn lễ tại một Nhà thờ Tin lành cho một cặp đồng tính.

Phía Giáo Hội Công giáo không bao giờ có chuyện như thế, dù vẫn chấp nhận bản dịch chưa chính xác ở Mt 19,9. Mãi tới thập niên 60-70 thế kỷ 20 – ngành ngôn ngữ học tiến triển, những nhà nghiên cứu Thánh Kinh tìm ra gốc gác những từ diễn tả việc ngoại tình, chuyện dâm bôn, hôn nhân bất hợp pháp … họ khám phá ra tác giả Kinh Thánh Mátthêô dùng từ Hy Lạp porneia, Do Thái là Jenút nghĩa là hôn nhân phi pháp hay dâm bôn … ở phần đầu và từ Hy Lạp moicheia là ngoại tình ở phần sau của cùng một câu : "Trừ nố dâm bôn hay hôn nhân phi pháp (Porneia, Jenut) ra, ai rẫy vợ mà lấy người khác thì phạm tội ngoại tình (moicheia), và hễ ai cưới người vợ đã bị rẫy cũng phạm tội ngoại tình (moicheia)".

Các nhà chuyên môn, qua nghiên cứu khoa học đã xác định được Porneia (Jenút) là tội gian dâm hay ăn ở với nhau như vợ chồng nhưng bất hợp pháp, tức là hôn nhân phi pháp. Còn tội ngoại tình (moicheia), nghĩa là đã có vợ, có chồng hợp pháp mà còn ăn ở với người khác – rõ ràng hai từ khác nhau để chỉ hai tội khác nhau : gian dâm và ngoại tình. Từ đó câu Tin Mừng Mt 19,9 – (đã bị phiên dịch sai gần 20 thế kỷ) đã được chỉnh lại nơi các bản dịch mới từ thập niên 60-70 thế kỷ 20 trở đi.

Linh mục Nguyễn Thế Thuấn trong bản dịch Tân Ước, Sàigòn 19659 lần đầu tiên tại Việt Nam, đã dịch như sau : "Ta bảo các ngươi, ai mà rẫy vợ mình trừ phi là nố dâm bôn – và cưới vợ khác tức là phạm tội ngoại tình" (Mt 19,9). Ngài chú thích chữ "dâm bôn" như sau : "nghĩa vợ chồng bất di bất dịch, nố trừ ở đây có thể là thứ hôn nhân bất hợp pháp trái với luật của Thiên Chúa".

Đã là hôn nhân bất hợp pháp, trái luật Thiên Chúa thì phải được hợp thức hóa, nếu không thì có thể, có quyền và buộc phải ly dị để dứt bỏ dịp tội và tiến tới một hôn phối hợp pháp, đó là lẽ đương nhiên. Những bản dịch chưa chính xác đã được chấp nhận cho đọc trong toàn Hội Thánh, thời gian kéo dài gần 20 thế kỷ, ấy thế mà định luật hôn nhân đơn hônvĩnh viễn vẫn được giữ đúng trong toàn Giáo Hội, không bao giờ nhượng bộ dù phải chịu mất cả "Giáo Hội" Anh quốc đang phồn thịnh, đó là phép mầu!

Ghi chú : lối giải thích mới, xác đáng này do Linh mục J. Bonsirven, Giáo sư Kinh Thánh tại Học viện Kinh Thánh Roma khám phá, dựa vào từ ngữ học về tư tưởng của các Rabbi Do Thái giáo.

SƠ KẾT

Thánh Kinh là sách của Chúa : "Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải" (Gl 1,11-12).

***

LỜI TÂM NIỆM


  • Lạy Đấng thiêng liêng Tối cao,

  • Lạy Đấng Tạo Hóa,

  • Lạy Đấng Tuyệt Đối,

  • Lạy Thượng Đế,

  • Lạy Ông Trời,

Chúng con đây là những thọ tạo đứng trên muôn vật trong vũ trụ. Chúng con đã được Ngài tạo dựng nên giống hình ảnh của Ngài là Thiên Chúa, vì chúng con có trí nhớ, có trí tuệ, có ý muốn, có tự do.

Chúng con luôn thao thức trước những vấn đề :



  1. Bởi đâu có vũ trụ này ?

  2. Bởi đâu có bản thân chúng con ?

  3. Đâu là mục đích của cuộc đời ?

  4. Chết rồi sẽ đi về đâu ?

  5. Làm điều thiện, ai sẽ thưởng công cho ? (theo ai, thờ ai thì sẽ lãnh thưởng nơi người ấy, nếu người ấy to hơn Ông Trời)

  6. Làm điều ác, ai sẽ phạt tội ?

  7. Ai sẽ thỏa mãn khát vọng hạnh phúc tuyệt đối của chúng con ?

Chúng con muốn đi tìm chân lý, tìm ý nghĩa đích thực cho cuộc đời. Xin Ngài soi trí mở lòng cho chúng con, để chúng con được tìm thấy Ngài, và được niềm vui gọi Ngài là Cha, như hơn 2 tỉ Kitô hữu trên thế giới – Amen.

(Tiến sĩ Phan Như Ngọc,

Email : pnngoc@gmx.net – Trích Bài giảng Chúa nhật - TGM, số 4/2007, trang 74)




Tân bình, ngày 01 tháng 02 năm 2013

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết




NỘI DUNG


  1. Một Viện Đại học chỉ dạy về 1 cuốn sách 5

  2. Điều kiện và thời gian để học Kinh Thánh cực kỳ gắt gao 10

  3. Kinh Thánh – Sách của sự thật 13

  4. Từ sự thật Kinh Thánh tới sự thật lịch sử 40

  5. Vấn đề bình đẳng giới 53

  6. Vấn đề nghỉ ngơi và giải trí 94

  7. Vấn đề môi trường 101

  8. Đầy tớ nhân dân 105

  9. Trách nhiệm cá nhân 111

  10. Lời giảng đầu tiên của các Tông Đồ 123

  11. Vấn đề độc thần 145

  12. Vấn đề đơn hôn và vĩnh hôn 155





1 Vụ nước ở Mơriva miền Cađê : dân nổi loạn vì thiếu nước, Chúa truyền cho ông Môsê lấy gậy đập vào tảng đá cho nước chảy ra, thay vì đập 1 cái, ông Môsê đã đập 2 cái (cho chắc ăn), thế là bị Chúa quở.


Каталог: tulieu -> nam2013
nam2013 -> Lm. Giuse nguyeãn höÕu trieáT 08/07/2013
nam2013 -> -
tulieu -> BÁo cáo về hoạT ĐỘng của bộ TƯ pháp trong ba tháng đẦu năM 1948 ĐẠi hội nghị TƯ pháp toàn quốc lần thứ nhất các cuộC Đi kinh lý
tulieu -> CÁc trậN ĐỘng đẤt từ NĂM 1500 ĐẾn năM 2005
tulieu -> Kinh ngày chúa nhật hôm nay
tulieu -> LUẬt công đOÀN 1990 VÀ 2012 ĐỐi chiếU
nam2013 -> Lm. Giuse nguyeãn höÕu trieáT 20/04/2012
nam2013 -> GIẢi viết văN ĐƯỜng trưỜng 2013 BẢn tin 08
nam2013 -> Lm. Giuse nguyeãn höÕu trieáT 01/06/2012
nam2013 -> THÔng đIỆP Ánh sáng đỨc tin lumen fidei củA ĐỨc thánh cha phanxicô cho các giám mụC, linh mục và phó TẾ những ngưỜI ĐÃ thánh hiến và TÍn hữu giáo dân về ĐỨc tin

tải về 386.84 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương