LỊch sử ĐỘi tntp hồ chí minh mở đầu truyền thống “TUỔi nhỏ chí LỚN” CỦa con trẻ việt nam



tải về 0.77 Mb.
trang4/8
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.77 Mb.
#13179
1   2   3   4   5   6   7   8

1- Tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và của Đoàn về công tác thiếu niên nhi đồng, hướng dẫn Hội đồng phụ trách Đội cấp dưới về nghiệp vụ công tác Đội.

2- Cùng với Ban tổ chức các cấp của Đoàn và các ngành liên quan xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách Đội (quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng cán bộ).

3- Thay mặt Ban Chấp hành Đoàn phối hợp với các ngành trong ủy ban thiếu niên nhi đồng cùng cấp trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, chăm lo xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động của Đội.

4- Chỉ đạo các trung tâm hoạt động Đội: cung thiếu nhi, nhà văn hóa thiếu nhi, câu lạc bộ, trường đào tạo cán bộ phụ trách Đội, trường cán bộ chỉ huy Đội, hướng dẫn các cơ quan xuất bản, báo chí, tuyên truyền của Đoàn phục vụ cho công tác thiếu nhi.

Hội đồng phụ trách Đội ở Trung ương ngoài nhiệm vụ trên còn có nhiệm vụ thay mặt Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh quan hệ với tổ chức Đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các tổ chức thiếu nhi dân chủ, tiến bộ trên thế giới; phát triển tình đoàn kết, hữu nghị, trao đổi kinh nghiệm và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với phong trào thiếu nhi nước ta. Nghiên cứu những vấn đề lý luận về tổ chức và hoạt động của Đội để giúp Đoàn chỉ đạo công tác Đội và đề xuất với các ngành hữu quan về công tác thiếu niên, nhi đồng.

Sau khi Hội đồng Đội các cấp được thành lập, công tác Đội và phong trào thiếu nhi có bước tiến mới. Cuộc hành quân truyền thống của thiếu nhi cả nước phát triển nhanh chóng trên quy mô toàn quốc với nhiều hình thức phong phú, có tác dụng giáo dục chính trị và đạo đức cho thiếu nhi, góp phần tạo ra không khí hoạt động sôi nổi trong nhà trường và có tác động tốt đến môi trường xã hội. Các phong trào đã thành truyền thống như "Công tác Trần Quốc Toản", "Kế hoạch nhỏ" được duy trì và phát triển. Hoạt động Đội trong nhà trường theo quy trình liên đội và chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp dần dần đi vào nền nếp. Nhiều liên đội mạnh, chi đội mạnh đã trở thành lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng nhà trường tiên tiến. Hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư bước đầu có nhiều điển hình tốt, các trung tâm giáo dục ngoài nhà trường của Đội như Câu lạc bộ, nhà thiếu nhi.. phát triển thành hệ thống. Phong trào xây dựng Sao nhi đồng tự quản, chi đội mạnh, giới thiệu đội viên lên Đoàn từng bước đi vào chiều sâu.

Hội đồng Đội nhiều tỉnh, thành đã năng động bám sát thực tiễn, có nhiều sáng kiến trong việc đề ra các hình thức hoạt động mới hấp dẫn. Phong trào "Tìm địa chỉ đỏ" của thành phố Hồ Chí Minh, "Công trình chúng em làm chủ" của Hà Nội, "Vì điểm tựa tiền tiêu" của Hoàng Liên Sơn và các tỉnh biên giới là những sáng kiến mới. Hội đồng Đội nhiều tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, Đoàn thanh niên ra Nghị quyết về tổ chức giáo dục thiếu nhi ở địa bàn dân cư và kết hợp với Sở giáo dục, ban thi đua tổ chức xét duyệt sáng kiến công nhận tổng phụ trách giỏi được các quyền lợi như giáo viên giỏi của các trường phổ thông ở Hải Phòng, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Sông Bé, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang.

Sau hai năm hoạt động, Hội đồng Đội các cấp đã từng bước khẳng định được vị trí vai trò của mình. Trước những kết quả đó, năm 1983, Ban Bí thư Trung ương Đoàn (Khóa IV) ra Nghị quyết số 46 bổ sung nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng Đội khẳng định: "Hội đồng Đội là cơ quan đại diện cho tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh, nằm trong hệ thống tổ chức Đội từ cơ sở (liên đội) đến Trung ương và do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trực tiếp phụ trách" và quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy, điều kiện, quan hệ của Hội đồng Đội. Như vậy, đến Nghị quyết 46 những vấn đề cơ bản về Hội đồng Đội đã được phát triển thêm, Hội đồng Đội vừa là cơ quan của Đoàn, vừa là bộ máy của tổ chức Đội. Đây là bước phát triển quan trọng về nhận thức và thực tiễn về công tác Đội và tổ chức Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Ngày 15-5-1981, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Trong buổi lễ long trọng này, đội viên và thiếu nhi cả nước hân hoan vui mừng đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương cao quý của Đảng, Nhà nước tặng cho Đội TNTP Hồ Chí Minh. Bác Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay mặt Nhà nước đã gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Cũng từ đó, phong trào thi đua "Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ" được đội viên thiếu niên cả nước hăng hái thực hiện đạt những kết quả tốt đẹp. Theo nguyện vọng của các cháu ngoan Bác Hồ và thiếu nhi cả nước, Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất từ 20 đến 26-8-1981 tại Thủ đô Hà Nội. 408 đại biểu về dự Đại hội trong đó có 305 cháu ngoan Bác Hồ gồm 180 nữ, 56 đại biểu của 27 dân tộc ít người và 35 anh chị phụ trách giỏi xuất sắc nhất của các tỉnh thành, 68 anh chị lãnh đạo Hội đồng Đội các cấp đại diện cho 2 triệu cháu ngoan Bác Hồ trong cả nước. Đây là Đại hội cháu ngoan Bác Hồ lịch sử sau ngày nước nhà thống nhất và tổ chức Đội được thống nhất mang tên Bác Hồ kính yêu.

Sáng ngày 23-8-1981, Đại hội tổ chức báo công tại Cung thiếu nhi Hà Nội. Bác Lê Duẩn Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến dự và nói chuyện với Đại hội. Bác Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cùng nhiều cô bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể ở Trung ương và Hà Nội đã gặp gỡ và nói chuyện với các cháu. Tới dự còn có đại diện các tổ chức quốc tế UNICEF và FAO và các em thiếu nhi ở các Đại sứ quán các nước xã hội chủ nghĩa.

Lễ báo công diễn ra tưng bừng, tươi vui và phong phú, đầy màu sắc. Các bạn Lê Bạch Hoa (đại biểu Hà Nội), Nguyễn Văn Giáp (đại biểu Bình Trị Thiên), Đặng Thanh Phương (đại biểu thành phố Hồ Chí Minh) thay mặt Đại hội báo cáo những thành tích đạt được trong phong trào học tập và rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ dạy, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh lúc này có 11 nghìn liên đội, 140 nghìn chi đội với hơn bốn triệu đội viên, và hơn một triệu đội viên nhi đồng. Qua hai năm phấn đấu, đã có 53 nghìn chi đội mạnh và ba triệu em được tặng danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ. Có nhiều tấm gương tốt trong học tập, rèn luyện, giúp đỡ bạn, khắc phục khó khăn để học tập và làm công tác Đội, làm kế hoạch nhỏ, công tác Trần Quốc Toản, giúp các chú bộ đội bảo vệ biên giới Tổ quốc, và mưu trí dũng cảm, giúp các chú bộ đội bắt bọn phun rô bảo vệ buôn làng. Các em bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng và Nhà nước đã hết lòng chăm lo cho thiếu nhi, dành những tình cảm quý mến nhất và điều kiện vật chất ưu tiên nhất cho thế hệ mầm non. Các đại biểu đại hội xúc động lắng nghe lời Bác Hồ khen ngợi và căn dặn thiếu nhi, được ghi lại từ lúc sinh thời. Các em minh họa báo cáo của mình bằng những tiết mục nghệ thuật hồn nhiên sôi nổi và những đoạn phim phản ánh hoạt động mọi mặt của Đội ở khắp nơi.

Đại biểu thiếu nhi các dân tộc ùa tới tặng hoa bác Lê Duẩn. Bác Tổng Bí thư đón các cháu vào lòng và thân mật nói chuyện với Đại hội. Bác khen ngợi những thành tích của thiếu nhi cả nước và rất vui khi thấy các em biết tổ chức đại hội một cách phong phú và hấp dẫn. Bác căn dặn các cháu, phải biết làm chủ bản thân, xã hội và thiên nhiên từ những điều nho nhỏ ở lứa tuổi mình. Năm điều Bác Hồ dạy, không phải chỉ cho thiếu nhi mà cho cả người lớn. Con người sống là phải lao động, có tình thương và lẽ phải, đấy là đạo lý cuộc sống. Bác mong muốn các cháu làm được việc đó. Loài người gọi Việt Nam là lương tâm, các em hãy xây dựng lương tâm của Việt Nam. Thế giới nói Việt Nam anh hùng, các em sẽ là những anh hùng của Việt Nam.

Trong thư của Đại hội gửi lên Trung ương Đảng, thiếu nhi cả nước đã thể hiện quyết tâm làm theo lời dạy của Bác Hồ để trở thành cháu ngoan của Người, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng. Hướng tới Đại hội lần thứ V của Đảng, hưởng ứng khẩu hiệu "Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân", toàn thể đội viên và thiếu nhi quyết tâm thi đua lập nhiều thành tích trong học tập, lao động và rèn luyện ý chí cách mạng. Đại hội cũng đã kêu gọi thiếu niên nhi đồng cả nước dấy lên phong trào thi đua sôi nổi lập nhiều thành tích dâng lên Đại hội Đảng; hoàn thành tốt nhất chương trình năm học mới 1981 - 1982 và chương trình hoạt động của Đội.

Nhân dịp Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất, ba đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hôxê Mácti con của các đồng chí cán bộ Đại sứ quán Cu Ba tại Việt Nam đã gửi thư tới Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và góp 300 đồng để đóng vào quỹ xây dựng khách sạn Khăn quàng đỏ. Đây là tiền do các em thu nhặt sách báo cũ, giấy loại ở các cơ quan của Cu Ba tại Việt Nam hưởng ứng phong trào kế hoạch nhỏ của thiếu nhi Việt Nam.

Tại sân Phủ Chủ tịch, bác Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã gặp gỡ thân mật và vui cùng các đại biểu cháu ngoan Bác Hồ cả nước.

Bác Trường Chinh khen ngợi đội viên thiếu niên nhi đồng cả nước đã có những tiến bộ trong phấn đấu rèn luyện thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Đặc biệt bác khen ngợi phong trào kế hoạch nhỏ và công tác Trần Quốc Toản của Đội đã góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác Trường Chinh khẳng định:"Từ trong cuộc sống tươi đẹp của các cháu hôm nay, nhìn về tương lai của Tổ quốc, những người có trách nhiệm, các bậc làm cha mẹ cần thấy một cách sâu sắc rằng, chỉ có độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội mới đem lại cho con em mình một cuộc sống hạnh phúc và tương lai tươi đẹp. Và chính việc xây dựng cuộc sống hạnh phúc và tương lai tươi đẹp ấy lại do thế hệ các cháu hôm nay trưởng thành lên và gánh vác lấy".

Năm 1983 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thu hút gần 10 triệu lượt đoàn viên, thanh niên và thiếu niên tham gia "Cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng" hướng tới kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 10 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng và kỷ niệm 10 năm thống nhất Tổ quốc. Trong hai năm 1983 - 1984 tổ chức Đội và phong trào thiếu nhi đã có nhiều hoạt động phong phú để "Chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ" phấn đấu giành danh hiệu "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên - Cháu ngoan Bác Hồ". Năm học 1984 - 1985 có chủ đề "Mừng Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng" cổ vũ đội viên, thiếu nhi cả nước phấn đấu giành danh hiệu "Chiến sĩ nhỏ giải phóng quân - Cháu ngoan Bác Hồ".

ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã làm lễ ra quân thực hiện chủ đề "Mừng chiến thắng Điện Biên Phủ" và "Mừng chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng" hàng vạn em xuống đường với quần áo, mũ tai bèo... hóa trang, ăn mặc như các chiến sĩ năm xưa rồi cùng chia các mũi "tấn công" thể hiện khí thế hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Qua những hoạt động hướng về những ngày chiến thắng, phong trào "tìm địa chỉ đỏ" đã xuất hiện từ thành phố Hồ Chí Minh là hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng rất sáng tạo bắt nguồn từ công tác Trần Quốc Toản. Bằng việc thăm hỏi, chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ các bạn thiếu nhi thành phố đã tổ chức các nhóm đến từng gia đình ở địa phương để vẽ bản đồ, ghi địa chỉ cụ thể các gia đình đó. Khi đến với các gia đình thương binh liệt sĩ có công với cách mạng các bạn đã gắn những ngôi sao đỏ xinh xắn lên tường và cánh cửa ra vào của từng gia đình như một lần ghi công và cảm ơn các chiến sĩ đã vì nước, vì dân, vì tuổi thơ hôm nay. Chính trong phong trào "tìm địa chỉ đỏ", các đội viên, thiếu nhi cả nước đã ghi được nhiều câu chuyện anh hùng của các chiến sĩ và chính các em cũng tìm được nhiều chiến sĩ cách mạng lão thành, chiến sĩ quân đội nhân dân đã có công với nước để đến chăm sóc thường xuyên và đề nghị chính quyền địa phương làm các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước. Trong những ngày này đến thành phố Hồ Chí Minh gặp các liên đội TNTP là có thể tìm được, biết được các chiến tích anh hùng của các chiến sĩ cách mạng ở địa phương thông qua sự ghi chép, thăm hỏi chăm sóc đặc biệt là qua những tấm bản đồ, ghi địa chỉ đỏ của các em.

Qua các hoạt động trên, Đội đã thu hút hàng chục triệu em thiếu nhi tự giác học tập, rèn luyện bản thân; nhiều thiếu niên đã nhanh chóng được đứng vào hàng ngũ của Đội. ở thời điểm này, cả nước có 4,5 triệu đội viên TNTP và 2,5 triệu đội viên nhi đồng. Đây là một minh chứng về sự phát triển của tổ chức Đội. Chính trong các hoạt động, các em đã tự tu dưỡng để cùng nhau trưởng thành với 400.000 Sao hoạt động có chất lượng và 1,5 triệu nhi đồng đã được kết nạp vào Đội nhi đồng. Đội thiếu niên tiền phong đã giới thiệu cho Đoàn 800.000 đội viên ưu tú để Đoàn xét kết nạp. Các Liên đội Mỹ Thắng (Bình Lục - Hà Nam), Phạm Văn Cội (thành phố Hồ Chí Minh) có từ 80 đến 100% đội viên lớn tuổi được vào Đoàn, cả nước bình bầu được hơn 4 triệu "Cháu ngoan Bác Hồ - Chiến sĩ nhỏ Điện Biên", xây dựng được hơn 53.000 chi đội mạnh chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số chi đội trong cả nước.

Trên chặng đường hành quân "Học tập tốt" để góp phần xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa được Đội triển khai bằng nhiều hình thức hoạt động như tổ chức các "Đôi bạn điểm 10" mỗi điểm 10 là một viên đạn đại bác bắn trúng xe tăng địch, mỗi điểm 10 diệt được 1 tên xâm lược... đã lan rộng trong mọi liên đội. Nhiều điển hình xuất sắc xuất hiện, như em Phạm Minh Tú (Hà Nội) dẫn đầu kỳ thi toán cấp I toàn quốc, Dương Quỳnh Giao (Hà Nội) và rất nhiều em đã đạt điểm thi hết phổ thông cơ sở với số điểm 40/4 bài thi, Từ Ngọc Thương 12 tuổi là một trong số 40.000 học sinh nghèo học trong các lớp học tình thương của thành phố Hồ Chí Minh đã khắc phục mọi khó khăn để đến lớp học ban đêm nhưng 4 năm liền đều học giỏi, đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ là một cán bộ chỉ huy đội giỏi. Đặc biệt tinh thần giúp đỡ nhau trong học tập được đẩy mạnh, thiếu niên thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ gần 30 vạn bạn không có điều kiện đi học được vào học các lớp học "Tình thương" và vào Đội. Thiếu nhi Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh, Hải Phòng cùng với cha anh nhanh chóng khắc phục các thiệt hại do thiên tai, đảm bảo học tập liên tục. Từ ngày thống nhất Tổ quốc đến cuộc vận động "Hành quân theo bước chân những người anh hùng", các em đã đóng góp 2.486.280 ngày công giúp các gia đình thương binh liệt sĩ. Ngoài ra, các hình thức kết nghĩa giữa các liên đội với các đơn vị bộ đội được triển khai rộng rãi. Liên đội Trưng Vương (Hà Nội) bằng lao động tiết kiệm may 8 lá cờ Tổ quốc gửi tặng các đơn vị ở trên các chốt phía Bắc. Nhạy bén với tình hình chính trị, Đội đã có phong trào tiết kiệm mua công trái xây dựng Tổ quốc. Nhiều điển hình xuất hiện như thiếu nhi Đồng Nai mua 33.200 đồng công trái, thành phố Hồ Chí Minh các em đã gửi 639.302 đồng vào quỹ tiết kiệm, 161.632 đồng mua công trái "Vì đàn em năm 2000".

Quá trình gắn hoạt động của Đội với xã hội đã tạo cho các em trưởng thành nhanh chóng, tạo cho các em tư cách của người công dân nhỏ tuổi để xây dựng đất nước. Nhiều công trình phúc lợi cho thiếu nhi được xây dựng bằng lao động tiết kiệm của các em. Từ nhà máy nhựa Thiếu niên tiền phong, Đoàn tàu thống nhất mang tên Đội TNTP, năm 1984 các em đã góp vốn để xây dựng khách sạn Khăn quàng đỏ và góp phần của mình làm nên nhiều nhà thiếu nhi, câu lạc bộ... bằng kết quả lao động kế hoạch nhỏ.

Ngoài ra, các em còn tham gia lao động, xây dựng địa phương của mình như trồng cây, sửa đường... ở Minh Hải thiếu nhi góp phần sửa 5.000 m đường phố, trồng 50 ha rừng tràm để làm xanh thêm rừng U Minh. ở Phú Khánh các em trồng được hàng vạn cây xanh và ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc các em đã phủ xanh hàng trăm đồi trọc bằng các loại cây bạch đàn, bồ đề... góp phần cùng cha anh làm giàu quê hương. Đội TNTP đã tổ chức các hợp tác xã Măng non, các đội chuyên bảo vệ thực vật, nuôi trâu bò béo... phát triển nhiều ở cả miền Nam và miền Bắc. Hàng năm, Đội đã góp hàng triệu ngày công cho các hợp tác xã và địa phương mình. Qua lao động, các em đã trưởng thành, nhất là sau khi tốt nghiệp phổ thông nhiều em về địa phương sản xuất, đã trở thành đội trưởng, đội phó sản xuất.

Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của Đội phát triển rộng khắp. Các bài hát truyền thống về Điện Biên Phủ như "Giải phóng Điện Biên", "Qua miền Tây Bắc"... các điệu múa sạp, xòe... được phổ biến rộng rãi cho tất cả các đội viên, hầu hết các đội viên đều thuộc và biết múa các bài quy định. Nhiều cuộc thi hát, thi múa, thi kể chuyện truyền thống đã được các địa phương tổ chức thu hút hàng vạn thiếu nhi tham gia. Cuộc thi sưu tầm truyền thống cách mạng địa phương giành danh hiệu "Nhà sử học trẻ tuổi" thu hút nhiều đội viên, thiếu niên tham gia. Các em Trần Phương Anh, Nguyễn Thị Hải Yến (Hà Nội) đã được Viện Sử học và Báo Thiếu niên Tiền phong công nhận "Nhà sử học trẻ tuổi". Các đơn vị: Vĩnh Thuỷ (Bình Trị Thiên), Kim Liên (Hà Nội)... đã có phong trào xây dựng phòng truyền thống và tổ chức sưu tầm những hiện vật lịch sử, tạo cho các em đội viên những hoạt động lý thú, bổ ích trong cuộc hành quân tìm về truyền thống.

Hoạt động quốc tế của Đội ở giai đoạn này được thể hiện bằng phong trào "Tình bạn bốn phương" giúp đội viên nước ta có quan hệ hữu nghị với thiếu nhi các nước trên thế giới đặc biệt là thiếu nhi Lào, Campuchia và Liên Xô. Các em gửi thư, tặng quà cho nhau, nhiều câu lạc bộ hữu nghị được hình thành.

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhiều em đã giúp các anh bộ đội, dân quân bắt những tên thám báo. ở Hoàng Liên Sơn hai em Trần Văn Hương và Phạm Văn Phong đã mưu trí dũng cảm bắt giữ được tên thám báo vừa xâm nhập vào địa phương. Cũng ở Hoàng Liên Sơn với tinh thần làm chủ, em Nguyễn Quang Huy, 14 tuổi đội viên liên đội Thái Ninh (Bảo Thắng) đã kịp thời báo cho các chú công nhân đường sắt cứu được một đoàn tàu khách từ Lào Cai về Hà Nội. Em Trần Giang Huy, 14 tuổi, Trần Tiến Thọ 7 tuổi đều cứu được bạn mình khỏi chết đuối. Em Nguyễn Thu Thủy đội viên nhi đồng lớp 2 trường Kim Đồng (Hà Nội) nhặt được 1 chiếc dây chuyền vàng nặng 3,2 đồng cân đã đưa cho cô giáo nộp lại cho ngân hàng vì không có ai đến nhận. Em Nguyễn Quang Tháo ở Phú Khánh cũng đã nhiều lần nhặt được của rơi đem trả người mất.

Trong năm học 1984 - 1985, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức cuộc họp mặt "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" tại Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 2 đến 11-7-1984180 đại biểu "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" xuất sắc nhất của cả nước đã về dự cuộc họp mặt tại Hà Nội và Hải Phòng trong đó có 84 đại biểu là nữ, 25 đại biểu là dân tộc ít người. Đoàn đại biểu thiếu nhi Lào và Campuchia cũng đã tham dự (mỗi đoàn gồm 10 thiếu nhi và 1 phụ trách).

Cuộc họp mặt chiến sĩ nhỏ Điện Biên đã tuyên dương thành tích của các tập thể và cá nhân đội viên có thành tích xuất sắc trong cả nước và sơ kết bước 1 cuộc vận động "Hành quân theo bước chân những người anh hùng". Cuộc gặp gỡ đã tạo khí thế thi đua mới chào mừng chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Hè năm 1985, cuộc họp mặt "Chiến sĩ nhỏ giải phóng quân" đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố biển Vũng Tàu từ ngày 21 đến 29 - 6 - 1985 với 281 đại biểu, trong đó có 156 nữ, 125 nam, 40 em là dân tộc ít người và 81 anh chị phụ trách.

Hai đoàn đại biểu thiếu nhi Lào và Campuchia đã sang dự cuộc họp mặt. Buổi lễ báo công của các em đạt danh hiệu "Chiến sĩ nhỏ giải phóng quân" xuất sắc được tổ chức tại sân trước Dinh Thống Nhất, Sau lễ báo công, bác Mai Chí Thọ, cùng các cô, bác lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã gặp gỡ toàn thể đại biểu tại Công viên Kỳ Hòa - công viên đẹp nhất của thành phố Hồ Chí Minh lúc ấy, được xây dựng sau ngày giải phóng.

Các đại biểu đã đi thăm và gặp gỡ các chiến sĩ cách mạng các khu di tích cách mạng Củ Chi, Hóc Môn, 18 thôn vườn trầu... và tập kết ở Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước để làm lễ xuất phát cuộc "Hành quân theo chân Bác", gặp gỡ các cô bác lãnh đạo đặc khu Vũng Tàu, thăm giàn khoan dầu và gặp gỡ các cô chú công nhân, chuyên gia khoan dầu thuộc liên doanh khai thác dầu khí Việt-Xô...

Cuộc họp mặt "Chiến sĩ nhỏ giải phóng quân" thành công tốt đẹp. Đây là cuộc họp mặt đầu tiên của đội viên thiếu nhi cả nước ở thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu - vào dịp kỷ niệm 10 năm chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, 10 năm thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau cuộc họp mặt, đội viên thiếu nhi cả nước phất cao cờ tiếp tục "Cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng" lập thành tích chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đội và tiến tới Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ 2 vào hè năm 1986.

Từ sáng kiến của các bạn thiếu nhi huyện Đông Anh thành phố Hà Nội, các tập thể Đội và thiếu nhi cả nước đã phát động rộng rãi phong trào kế hoạch nhỏ để xây dựng tượng Kim Đồng, người đội trưởng đầu tiên của Đội và di tích lịch sử Kim Đồng tại quê hương anh - nơi thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Các anh chị đoàn viên trường Đại học Kiến trúc đã ủng hộ sáng kiến của Đội và nhận thiết kế khu di tích và tượng Kim Đồng. ủng hộ sáng kiến của Đội TNTP Hồ Chí Minh về xây dựng khu di tích lịch sử Kim Đồng, Tỉnh uỷ, ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã nhanh chóng quy hoạch khu đất nơi Kim Đồng hy sinh trước đây.

Ngày 21-11-1985, Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng đã họp liên tịch quyết định khởi công xây dựng khu di tích vào ngày 22 - 12 - 1985 và khánh thành vào dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Đúng ngày 15-5-1986, ngày kỉ niệm 45 năm thành lập Đội, khu di tích Kim Đồng và tượng người anh hùng - đội trưởng đầu tiên của Đội Nhi đồng Cứu quốc đã được khánh thành. Từ đó đến nay, nhiều đoàn đại biểu các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã thăm, viếng di tích Kim Đồng, đến với quê hương cách mạng Cao Bằng, nơi có suối Lênin, có núi Các Mác và hang Pác Bó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của thiếu nhi và nhân dân Việt Nam.

Chào mừng kỉ niệm 45 năm thành lập Đội, đội viên thiếu nhi cả nước đã mở cuộc thi đua tiến tới Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ hai được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và thành phố biển Hải Phòng từ 1-7 đến 9-7-1986 với 274 đại biểu, trong đó có 157 nữ, 117 nam và 73 anh chị phụ trách giỏi về dự.

Đại hội được đón đoàn biểu thiếu nhi Lào và Campuchia mỗi đoàn 15 bạn sang dự Đại hội.

Tối 4-7-1986 tại Hội trường Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh trong lễ báo công của Đại hội các đại biểu rất vui mừng được đón bác Trường Chinh ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cùng các cô bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước khác đã đến dự. Bác Trường Chinh tuyên dương những thành tích của các cháu và căn dặn các cháu phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ.

Trong 5 năm, kể từ Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ nhất, mỗi năm Đội đã kết nạp được từ 500 nghìn đến 1 triệu đội viên vào Đội TNTP và nhi đồng Hồ Chí Minh nâng tổng số đội viên và nhi đồng lên gần 9 triệu. Hàng năm có gần 5 triệu đội viên trở thành những Cháu ngoan Bác Hồ, riêng năm học 1985 - 19865,4 triệu em đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ. Sự trưởng thành của từng đội viên đã góp phần vào sự phát triển vững mạnh của Đội. Năm 1980 - 1981 mới có 53.000 chi đội mạnh là tập thể Cháu ngoan Bác Hồ thì đến năm 1986 phát triển lên 99.400 chi đội mạnh chiếm hơn 50% tổng số các chi đội trong cả nước. Sự vững mạnh của các chi đội là tiền đề cho Đội phát triển các phong trào mới ở trong và ngoài nhà trường và cũng là môi trường tốt để mỗi đội viên được phấn đấu rèn luyện trở thành đoàn viên. Thực tế trong 5 năm đã có hơn 2 triệu đội viên lớn được giới thiệu lên Đoàn và 931 nghìn bạn được kết nạp vào Đoàn là minh chứng rõ ràng, khẳng định sự lớn mạnh của tổ chức Đội.

Các phong trào và các hoạt động của Đội đã có những bước phát triển mới. Nổi bật là cuộc vận động "Hành quân theo bước chân những người anh hùng" bằng hai chủ đề "Chào mừng thắng lợi Điện Biên Phủ" năm học 1983 - 1984, "Chào mừng 10 năm chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng", năm học 1984 - 1985 và "Cuộc hành quân theo chân Bác" được tiến hành càng ngày càng có hiệu quả. Nét nổi bật của cuộc hành quân truyền thống Đội đã thu hút được đông đảo thiếu nhi tích cực tham gia.

Nhiều đơn vị chi đội, liên đội và địa phương đã xây dựng được các phòng truyền thống với các hiện vật lịch sử quý giá mà các em đã sưu tầm được như chiếc gậy Trường Sơn của đồng chí Võ Bẩm ở (Hà Nội), lá cờ Đảng của chi bộ đầu tiên (1930) ở Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) mảnh vải dù của Bác Hồ tặng chiến sĩ trong thời kì kháng chiến chống Pháp (Kim Liên - Hà Nội)... và hàng loạt các phòng truyền thống được tiếp tục bổ sung và hoàn thiện ở Liên đội Tam Sơn, Đình Bảng (Hà Bắc), Trưng Vương (Hà Nội), các phòng truyền thống mới xây dựng ở Chiềng Lề (Sơn La), Tân Hòa (Thái Bình), Ngô Quyền (Thành phố Hồ Chí Minh)... Trong hoạt động sưu tầm hiện vật truyền thống, nhiều đội viên TNTP đã được tặng danh hiệu "Nhà sử học trẻ tuổi". Bước vào "Cuộc hành quân theo chân Bác" hầu hết các cơ sở Đội đã hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ, qua đó đội viên và tập thể Đội có chương trình rèn luyện, lập công để báo công của mình bằng "Sổ vàng làm theo lời Bác" và bằng các công trình của Đội.

Công tác Trần Quốc Toản ngày càng được phát huy mạnh mẽ, nét nổi bật trong giai đoạn này là phong trào "Vì điểm tựa tiền tiêu". Hướng về các chiến sĩ ở biên giới, hải đảo và làm nghĩa vụ Quốc tế, thiếu nhi cả nước trong 3 năm kể từ 1983 đến 1986 đã gửi: 14.699.534 lá thư và gửi 10.498.840 tặng phẩm như tem thư, phong bì, khăn, bút... cho bộ đội đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo. Liên đội trường PTCS Trương Vương (Hà Nội) bằng lao động tiết kiệm các em đã may 8 lá cờ Tổ quốc để tặng các đơn vị giữ chốt ở biên giới phía Bắc.

Liên đội Bích Sơn (Việt Yên - Hà Bắc) kết nghĩa với một đơn vị giữ chốt ở Lạng Sơn, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán tổ chức đoàn đại biểu lên thăm và tặng quà cho các anh. Các em đã đến giúp các gia đình thương binh, liệt sĩ, bộ đội, từng gánh nước, bó củi đến bó tranh lợp nhà... đã đến với các gia đình thương binh, liệt sĩ, neo đơn. ở các chi đội, liên đội có đội viên là con thương binh, liệt sĩ, các em đã tổ chức giúp cho các bạn trong học tập và trong cuộc sống. Chỉ tính trong học kỳ I năm học 1985 - 1986 thiếu nhi Quảng Nam - Đà Nẵng đã tặng cho các bạn là con liệt sĩ số quà trị giá 32.370 đồng...

Những khẩu hiệu "Chưa thuộc bài, chưa đi ngủ", "Mỗi điểm 10 là một bông hoa, dâng thầy cô giáo", "Mỗi điểm 10 là một viên đạn diệt một xe tăng địch", "Đôi bạn cùng tiến" đã khích lệ mạnh mẽ phong trào thi đua học tập trong đội viên với hơn 263 nghìn cuộc thi vui học tập ở các liên đội và chi đội toàn quốc.

Cũng thời gian này, nhiều chi đội đã góp phần cùng các cô bác mở các "lớp học tình thương" các "lớp phổ thông phổ cập"... Các tập thể đội và từng đội viên, giúp đỡ một phần phương tiện học tập cho các bạn mồ côi, gặp khó khăn không có điều kiện học tập và hoạt động. Qua phong trào đã góp phần cùng xã hội giúp 132 nghìn bạn đã được đến lớp, trong đó thành phố Hồ Chí Minh có 40 nghìn em, ở Tây Ninh có 78 lớp thu hút 1.249 em theo học... các cuộc vận động giúp sách vở và các dụng cụ học tập cho các bạn ở những vùng khó khăn, bão lụt cũng được các em hưởng ứng có hiệu quả. Thiếu nhi An Giang đã nhanh chóng giúp các bạn Bình Trị Thiên số học cụ trị giá 6.373 đồng... Bằng sự cố gắng của mình và sự giúp đỡ của Đội, của nhà trường và của các thầy cô giáo, nhiều đội viên đã trở thành những học sinh giỏi toàn diện, nhiều em đã đạt giải trong các kỳ thi quốc tế và quốc gia. Trong năm học 1985 - 1986 đợt thi học sinh giỏi lớp 5 và lớp 8 toàn quốc đã có 199 đội tuyển với 1.660 em (có 24 em người dân tộc) tham dự và 75 đội với 380 em trúng giải 3 môn thi Văn, Toán, Ngoại ngữ.

Học gắn liền với hành, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Phong trào thi đua thực hành thí nghiệm, lao động sản xuất mang tính khoa học kỹ thuật ở trong và ngoài trường thu hút hầu hết thiếu nhi ở địa phương vào các hoạt động của Đội.

Bằng phong trào kế hoạch nhỏ, thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung góp phần xây tượng đài Bác Hồ; ở Lâm Đồng, Phú Khánh có công trình đóng xe ô tô mang tên Đội và nhiều địa phương có những công trình xây dựng nhà thiếu nhi, sắm phương tiện hoạt động cho Đội, hoặc để tặng các bạn ở địa phương khác như 50 bộ nghi thức trống, cờ Đội của thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh tặng các bạn ở Hà Quảng (Cao Bằng), trống của thiếu nhi Tiền Giang tặng các bạn ở Nà Mạ, quê hương anh Kim Đồng, và hàng trăm bộ trống của các tỉnh phía Nam tặng các bạn thiếu nhi Campuchia...

Thông qua các hoạt động của Đội, mỗi đội viên thực sự tham gia vào công tác xã hội cùng với cha anh làm sạch, đẹp đường phố, xóm làng. Những "Đội sao đỏ an ninh", "Chiến sĩ an ninh", "Đội chim xanh"... đã góp phần bảo vệ trật tự trị an, chống những hiện tượng tiêu cực trong xã hội ngày càng phát triển có hiệu quả. Năm học 1983 - 198423.412 đội bảo vệ an ninh đến năm học 1985 - 1986 đã phát triển lên 29.474 đội. ở Hải Phòng có 1.800 em hoạt động trong "Câu lạc bộ an ninh" phát hiện 200 vụ việc làm ăn phi pháp, lưu manh, trộm cắp tài sản, các đội sao đỏ ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) góp phần bảo vệ đường dây điện thoại, bài trừ mê tín dị đoan và phát hiện ra những kẻ trộm cắp tài sản của Nhà nước và nhân dân. ở Lâm Đồng đã có 4 đội ở xã Dư Sai, 3 đội ở Da Chúp thường xuyên bảo vệ 1.500 ha rừng. Em Lơ Sa Ha Xếp liên đội phó trường Da Sa đã phát hiện và kịp thời huy động toàn liên đội dập tắt 5 vụ cháy rừng.

Nhiều tập thể và cá nhân đội viên đã có hành động mưu trí, dũng cảm phát hiện và tham gia bắt bọn Phun rô. Trong một buổi chiều chăn trâu bạn Lê Văn Tiến và Mùng Văn Thiều ở trường Đào Viên 2 huyện Tràng Đinh, Lạng Sơn đã nhanh chóng phát hiện và báo cho dân quân những kẻ có hành động không bình thường, tình nghi buôn lậu,v.v... Các em K Mánh (Di Linh - Lâm Đồng), K Tăm (Lạc Dương), K Seo (Di Linh) đã cảnh giác phát hiện bọn Phun rô kịp thời báo cho dân quân bắt gọn. Nhiều tấm gương dũng cảm thông minh khác đã góp phần bảo vệ an ninh cho quê hương và vùng biên của Tổ quốc. Ngày 24-5-1986, Dương Trung Dũng người đội viên vừa được kết nạp Đoàn ở trường Quang Trung Hà Nội là tấm gương sáng ngời của người đội viên TNTP Hồ Chí Minh đã dũng cảm quên mình cứu bạn.

Trong các hoạt động của Đội, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đã thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. Những tốp ca khúc Măng non, phong trào múa hát tập thể được phổ biến rộng rãi trở thành thường xuyên trong các buổi sinh hoạt ở nhiều liên đội và ở thôn xóm. Hàng năm cuộc thi tiếng hát "hoa phượng đỏ" được thiếu nhi các tỉnh, thành sôi nổi tham gia, những buổi biểu diễn văn nghệ, phục vụ cô bác càng ngày càng được tổ chức rộng rãi. Các tốp ca khúc thiếu nhi của các tỉnh biên giới đã lên tận chốt hát cho các chú bộ đội nghe. ở thành phố Hồ Chí Minh hình thành các điểm vui chơi ở xóm phường; các câu lạc bộ ở thôn xóm của Nghệ Tĩnh, Hà Nam Ninh (cũ)... phát triển mạnh. Phong trào thi điền kinh 4 môn, giải bóng bàn thiếu niên, các cuộc thi vẽ "Để mãi mãi màu xanh", " Em yêu Tổ quốc, em yêu hòa bình", các cuộc thi truyền thống, viết truyện, đọc và làm theo báo Đội đã được duy trì đều đặn thu hút hàng chục vạn em tham gia. Nhiều em đã đoạt giải quốc tế và quốc gia trong các cuộc thi viết, vẽ của thiếu nhi. Thông qua các hoạt động này, nhiều tài năng trẻ đã được phát hiện và bồi dưỡng.

Hoạt động quốc tế của Đội ngày càng được mở rộng. Với phong trào "Tình bạn bốn phương" các liên đội đã tổ chức các câu lạc bộ hữu nghị, các buổi sinh hoạt "Tìm hiểu Đội bạn". Phong trào kết nghĩa với thiếu nhi Campuchia của các tỉnh phía Nam càng ngày càng phát triển và có hiệu quả tốt đẹp. Hàng năm các đoàn đại biểu của thiếu nhi Campuchia và Lào đã sang dự các cuộc gặp mặt ở các trại hè của thiếu nhi Việt Nam. Các cuộc thi tìm hiểu đất nước Liên Xô, Tiệp Khắc... đã được đông đảo thiếu nhi Việt Nam tham gia và có em đã trúng giải được mời sang Tiệp Khắc dự trại hè quốc tế.

Phong trào hưởng ứng Festival 12, hưởng ứng cuộc chạy tiếp sức "Vì hòa bình" phát triển rộng rãi, các cuộc mít tinh "Vì hòa bình" và phong trào "1 triệu lá thư, 1 triệu việc làm", đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước.

Những thành tích của đội viên, thiếu nhi cả nước đã phát huy truyền thống của Đội tạo nên những hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều thiếu nhi tham gia trong và ngoài nhà trường. Những kết quả hoạt động đó đã góp phần làm rạng rỡ chặng đường 45 năm Đội TNTP Hồ Chí Minh, thể hiện rõ Đội là một lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, góp phần tích cực giáo dục đội viên, thiếu nhi trở thành những cháu ngoan Bác Hồ, đoàn viên TNCS từng bước hình thành nhân cách của người công dân xã hội chủ nghĩa.

Những thành tích đó là những trang vàng của một giai đoạn lịch sử của Đội và cũng là nguồn lực để đội viên, thiếu nhi và các tập thể Đội trong cả nước tiếp tục phất cao cờ Đội trong cuộc thi đua mới "Hành quân theo chân Bác Hồ kính yêu" và tiến tới Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ III".




tải về 0.77 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương