LỊch sử ĐỘi tntp hồ chí minh mở đầu truyền thống “TUỔi nhỏ chí LỚN” CỦa con trẻ việt nam



tải về 0.77 Mb.
trang2/8
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.77 Mb.
#13179
1   2   3   4   5   6   7   8

CHƯƠNG II

Bộ đội cố gắng,


Quyết chiến quyết thắng
Diệt giặc lập công.
Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông.
Đưa tin thắng trận cờ hồng tung bay.
Các cháu vui thay!
Bác cũng vui thay!
Thu sau so với Thu này vui hơn.

Bác đã dự đoán rất đúng như thực tiễn sau này đã diễn ra.

Ngày 20-11-1953, sau khi được tin quân ta tiến lên Tây Bắc, giặc Pháp vội vàng cho 6 tiểu đoàn nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Đến đầu tháng 3-1954, địch tăng quân ở Điện Biên Phủ lên 17 tiểu đoàn cùng với nhiều xe tăng, xe vận tải và cả một phi đội không quân thường trực. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chủ trương xây dựng Điện Biên Phủ thành một pháo đài không thể bị tấn công và sẵn sàng nghiền nát đối phương bất cứ lúc nào.

Trước những lời lẽ huênh hoang và sự chuẩn bị tốn kém to lớn của giặc. Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở cuộc tiến công chiến lược vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch, Bác viết: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được". Các chiến trường trong cả nước cũng đồng loạt ra quân đánh địch phối hợp với Điện Biên Phủ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, mãnh liệt, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Đờ Cáttơri và toàn bộ Bộ tham mưu của giặc vào lúc 17 giờ 30 ngày 7-5-1954.

Lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của Bác Hồ tung bay trên Điện Biên Phủ. Ngày 21-7-1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương kết thúc. Hội nghị thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do. Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng.

Trung thu năm 1954, như Bác đã dự đoán vào năm trước là sẽ vui hơn. Quả đúng như vậy nên trong thư gửi các cháu, Bác viết: "Trung thu này là Trung thu hòa bình đầu tiên, sau 8, 9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta... Trăng thu trong đẹp, sáng rọi khắp nơi, từ Nam đến Bắc. Cũng như lòng Bác yêu quí tất cả các cháu miền Bắc và miền Nam".

Bác còn nêu lên hy vọng thiết tha:

"Đến ngày Nam Bắc một nhà
Các cháu xúm xít, thì ta vui lòng".

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hy sinh, Đội ta và biết bao đội viên đã anh dũng hy sinh, nhiều đơn vị của Đội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 huân chương quân công, 30 huân chương chiến sĩ, 2 huân chương kháng chiến, hàng vạn bằng khen... Nhiều đội viên đã trở thành chiến sĩ thi đua toàn quốc, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ, đảng viên ưu tú xứng đáng với niềm tin yêu sâu sắc của Đảng, của Bác Hồ, Chính phủ và nhân dân cả nước.



CHƯƠNG III

Trong chiến tranh ác liệt, mặc dù chưa đến tuổi cầm súng, nhưng chính sự tàn bạo của kẻ địch buộc các em phải tìm cách tiêu diệt chúng để bảo vệ mình. Em Y Noát, người dân tộc Êđê ở Buôn Đát, một làng chiến đấu nổi tiếng của Tây Nguyên, trong một lần vào rừng sâu hái cây cơ búc, cơ ban về cho mẹ đốt tro hòa nước chàm nhuộm quần áo thì gặp bọn biệt kích Mỹ, Ngụy. Chúng bắt em phải dẫn về làng tìm bắt du kích, nếu không chúng sẽ bắn bỏ. Không còn cách nào khác Y Noát phải dẫn chúng đi. Có Y Noát dẫn đường, bọn địch đều tránh được các bãi chông ở ngoài. Ông Y Đung chỉ huy đội du kích của buôn là cha của Noát không khỏi ngạc nhiên khi thấy con mình lại dẫn bọn Mỹ về buôn. Lại còn để chúng đi ngang nhiên đến vậy. Ông không thể biết chính Y Noát cũng đang tính toán từng bước đi. Khi đi đến cách cây kơ nia bên tay phải mấy bước chân, em bỗng dừng lại. Bọn địch cũng dừng theo, co cụm lại một đám. Bất ngờ Y Noát đạp mạnh vào hòn đá nằm giữa đường và nhanh chóng nằm rạp xuống. Hòn đá chính là nơi du kích đã cài chốt bẫy. Chốt bẫy được mở. Như một ánh chớp, một cây tre dài xé gió phạt ngang qua đầu Y Noát. Bọn biệt kích Mỹ, Ngụy chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì chiếc cần bật bằng cây tre dài đã phạt ngang vào bụng 2 tên Mỹ, và toán đông đứng đầu, hất chúng xuống hầm chông tẩm nhựa tang nang. Toán đi sau nhớn nhác tháo chạy bị sập bẫy, sập hầm chông chết gần hết. Số còn lại bị tên tẩm thuốc độc và mũi súng bắn tỉa của Y Đung và đội du kích diệt gọn. Còn Y Noát, em đã nhanh nhẹn lao vào một lùm cây theo đường an toàn trở về buôn.

ở Cà Mau, em Nguyễn Văn Hải, một thiếu niên bị giặc bắt, biết em rành đường vào căn cứ, lại nghe tin Ban Chấp hành huyện ủy đang có mặt họp ở đó, chúng bắt em dẫn đường cho chúng, nếu không sẽ bị chúng giết chết. Hải đã giả vờ ngoan ngoãn dẫn chúng đi. Nhưng chúng không ngờ lại bị em dẫn vào bãi mìn. Mìn nổ. Không một tên giặc nào sống sót và Nguyễn Văn Hải đã anh dũng hy sinh.

Những năm tháng kháng chiến ác liệt, thiếu nhi miền Nam đã có nhiều cách lập công hết sức độc đáo, như em Liên, 13 tuổi đã vào du kích xã. Hàng ngày em thường chơi thân với lính Mỹ trong đồn, rồi lén lấy lựu đạn gài ngoài cổng đồn trước khi ra về. Bọn lính Mỹ đi càn, đụng lựu đạn nổ, 9 tên thương vong. Một lần cũng lấy lựu đạn nhưng Liên lại gài ngay trong đồn. Lựu đạn nổ làm 5 tên thương vong. Tính ra Liên đã khôn khéo lấy được 15 lựu đạn và 1 khẩu súng cho du kích. Bọn địch phát hiện ra hành động của em, tìm cách truy lùng nhưng không bắt được. Riêng em diệt được 14 tên Mỹ.

Em Thanh ở Quảng Ngãi hàng ngày đi chăn bò đã lén mang cơm cho cán bộ ở trong núi. Em hỏi các anh cán bộ cách gỡ lựu đạn địch gài. Lần đầu gỡ được 1 quả em mang ra cho các anh du kích, các anh khen Thanh tiếp tục vào ấp gỡ trái, chỉ một thời gian em đã gỡ được 180 trái lựu đạn trong ấp chiến lược gửi cho du kích.

Lính Mỹ đi câu, em lân la ăn cắp được 4 trái lựu đạn, đem cho du kích 3 trái, giữ lại 1 trái. Rồi theo dõi Mỹ đi săn, em gài trái, lính Mỹ đụng trái 4 tên chết. Em lân la chơi với lính Mỹ, lấy được 300 đồng. Em làm hầm chông, Mỹ sập hầm, 6 thằng bị thương. Em lấy cắp bản đồ Mỹ, nó biết đuổi theo, em lấy đá ném, trúng mũi lõ nó, chạy thoát. Em bắn chết 1 lính ngụy, giải thoát 1 cán bộ bị bắt.

Không chỉ từng cá nhân tự động lấy súng địch cung cấp cho du kích. ở nhiều địa phương có cả những chi Đội tổ chức lực lượng để lấy súng địch đánh địch. Một chi Đội TNTP mật ở Điện Bàn Quảng Nam trong tháng 8 - 1968 đã lấy cắp của địch 22 súng, 1 máy bộ đàm, diệt 31 lính địch.

ở xã Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương, Đội thiếu nhi có 20 em (4 gái) các em chia thành từng tổ nhỏ: Tổ báo tin, tổ dỡ cơm, tổ mua đồ ăn cho du kích. Các em gỡ được 30 trái lựu đạn, 500 viên đạn cho du kích, rải 600 tờ truyền đơn. Các em còn dùng mìn đặt đánh 2 xe M113 của Mỹ, đánh 2 bót gác lính ngụy.

Khi trực tiếp cầm súng chiến đấu, thiếu niên, nhi đồng các tỉnh miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cũng có những cách đánh vừa táo bạo, nhưng cũng thật mưu trí và cũng rất... thiếu nhi song đã lập được nhiều chiến công. Phát hiện tốp lính Mỹ đang phục kích, nửa đêm, chờ cả nhà đã ngủ yên, Võ Hường nhẹ nhàng bò dậy, cài mùng cẩn thận như vẫn có người đang ngủ trong đó, rồi lẻn ra vườn, lấy trái lựu đạn M26, đến chỗ bọn lính Mỹ phục kích. Hường bò lên một mô đất cao, ngay trên đầu bọn Mỹ, rút chốt an toàn quả lựu đạn thả xuống và rút êm về nhà trong khi bọn lính Mỹ la hoảng và vãi đạn tứ tung. Trận đó Võ Hường đã diệt được 3 tên Mỹ và làm nhiều tên bị thương. Võ Hường còn đánh nhiều trận khác, diệt 20 tên Mỹ, 1 xe bọc thép M. 118 và 1 xe tăng M. 41, trở thành 1 dũng sĩ diệt Mỹ tiêu biểu của Quảng Nam - Đà Nẵng.

ở Quảng Nam còn có em Hồ Thị Thu, tuổi nhỏ nhưng chí lớn. Khi giặc Mỹ chiếm đóng quê hương, gây nhiều tội ác với đồng bào, Thu đã không quản mình bé nhỏ, cướp cả súng của địch để đánh địch. Em còn dùng thuốc súng chế mìn, diệt được nhiều tên.

Tiêu biểu cho tinh thần 'Tuổi nhỏ chí lớn", mưu trí, dũng cảm tiến công địch của thiếu nhi miền Nam thời kỳ này có Kơpa Kơlơng, một thiếu niên người dân tộc Bana ở Gia Lai. Kơpa Kơlơng tham gia du kích năm 13 tuổi, là một thiếu niên giỏi đánh mìn, vót chông, gài thò, làm cạm bẫy. Lớn hơn một chút, Kơpa Kơlơng nhập ngũ, làm trinh sát cho bộ đội huyện Chưprông, có biệt tài bắn xiên táo. Em luôn chọn điểm cao thích hợp, bình tĩnh chờ địch đến gần, cách chừng 20 - 30 mét mới nổ súng. Có lần bắn 3 viên đạn em đã diệt được 5 tên địch... Lần đi trinh sát ở Plâyme, nhờ chọn được địa thế thích hợp, em bắn 2 viên đạn, diệt 4 tên biệt kích. Trong trận phục kích một trung đội địch trên đường đi khu dinh điền Lệ Ngọc, trận địa bị lộ. Thấy tình hình nguy hiểm Kơpa Kơlơng đã nhanh chóng giật mìn diệt một số tên địch, tạo điều kiện cho đơn vị rút về tuyến sau, còn mình ở lại kìm chân địch. Bị thương máu ra nhiều, em vẫn bình tĩnh tìm điểm cao thích hợp, diệt thêm một số tên địch rồi mới tìm cách trở về đơn vị.

Trong mọi tình huống Kơpa Kơlơng đều tìm mọi cách diệt địch đạt hiệu suất cao nhất. Có lần chỉ còn 3 viên đạn, em vẫn bám địch từ sáng đến chiều, đứng nấp cách địch chỉ 5 mét, chờ cho chúng tập hợp thành một hàng dọc, mới nổ súng, viên đạn đi xuyên táo, diệt một lúc 7 tên, tên còn lại bị thương. Đối với bọn lính Mỹ, Kơpa Kơlơng cũng có cách đánh thích hợp. Biết được bọn lính Mỹ khi tác chiến thường chiếm điểm cao. Kơpa Kơlơng thường bố trí mìn trên đường, rồi chiếm điểm cao trước, nằm phục chờ địch. Một lần, bọn Mỹ từ căn cứ Plơime hành quân, vấp phải mìn trên đường, đứa chết, đứa bị thương, số còn lại vội chạy lên chiếm điểm cao, liền bị Kơpa Kơlơng đang ém sẵn trên đó, ném lựu đạn vào đội hình, diệt tiếp 4 tên, khiến chúng hoảng sợ phải tháo chạy, bỏ dở cuộc hành quân.

Kơpa Kơlơng được ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 17-9-1967, với 6 chữ vàng "Tuổi thiếu niên, chí anh hùng".

Dũng cảm và mưu trí là những đức tính nổi bật của những thiếu nhi người dân tộc thiểu số "Tuổi nhỏ chí lớn" như Điểu Văn Cải, dân tộc Châu Ro, ở vùng Túc Trưng (nay là xã Phú Túc, huyện Phú Túc, Đồng Nai). Sớm chứng kiến những tội ác man rợ của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đối với gia đình và bà con làng xóm, lên 8 tuổi Cải đã mưu trí chuyển được tài liệu mật của cán bộ cách mạng giao qua cổng ấp có bọn lính đang kiểm soát gắt gao từng người ra vào. Tham gia du kích nhiều lần Điểu Cải đã cải trang vào tận hang ổ địch để tiêu diệt chúng. Trong đó có những lần chỉ một mình với cây súng bá đỏ anh vẫn ngang nhiên qua mắt địch để đánh vỗ mặt, làm chúng không kịp trở tay, như trận đánh chớp nhoáng làm sập cầu lô cốt đầu ấp Đức Thắng diệt 4 tên địch; hay trận đánh giặc giữa phiên chợ đông, chỉ sau một loạt đạn nổ giòn đã thấy 3 tên lính bảo an ngã gục, còn người bắn loạt đạn đanh gọn đó đã biến đi nhanh chóng, không ai kịp nhận mặt. Mọi người chỉ biết kêu lên "Kon Trô, Kon Trô, Điểu Cải về!"

Huyền thoại về Kon Trô Điểu Cải đã làm bọn địch mất ăn mất ngủ. Chúng tung mọi lực lượng lớn thám báo lùng sục khắp nơi để diệt tên "du kích trẻ con Điểu Cải". Tên phụ tá ấp Cây Xăng không bắt được Điểu Cải rất cay cú. Nó bắt nhiều người dân vô tội, chụp cho họ cái mũ Việt Cộng rồi bắn chết tại chỗ. Một hôm Điểu Cải cải trang thành một cảnh sát ngụy đột nhập vào một quán bar, nơi tên ác ôn đang ăn chơi trác táng. Khi tên ác ôn kịp nhận ra Điểu Cải thì hắn đã bị một mũi súng gí sát vào ngực. Chỉ trong nháy mắt hắn đã bị Điểu Cải bắt gọn.

Với ý chí dũng cảm và mưu trí, 16 tuổi Điểu Cải đã được giao trọng trách xã đội phó, phụ trách đội du kích, nhiều phen làm cho kẻ địch kinh hồn bạt vía. 18 tuổi anh trở thành một xã đội trưởng "gan cùng mình". Anh hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, đụng phải mìn định hướng do địch gài. Sau này Điểu Văn Cải được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Từ năm 1961, sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, các tổ chức quần chúng được thành lập, Đội Thiếu niên Tiền phong của thiếu niên, nhi đồng miền Nam Việt Nam cũng được hình thành ở nhiều cơ sở, trên cả 3 vùng. Không chỉ ở vùng giải phóng, mà cả ở những vùng giáp ranh, vùng địch tạm chiếm đóng, Đội Thiếu niên Tiền phong cũng được thành lập ở nhiều cơ sở, góp phần tổ chức thiếu niên, nhi đồng tham gia nhiều hoạt động thiết thực của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đến năm 1966, ở Khu Đoàn miền Tây đã có 270 chi đội thiếu niên, có 8.572 đội viên, trong đó có 3.116 đội viên nữ. Cùng thời gian, Liên khu Năm có 305 chi đội, với 35.035 đội viên. Riêng tỉnh Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng) với 132 xã thì có 113 xã đã có chi đội thiếu niên tiền phong.

Được các cơ sở Đoàn hướng dẫn, tổ chức Đội ở nhiều địa phương đã có nhiều hoạt động phù hợp với lứa tuổi các em, tổ chức thiếu niên, nhi đồng tham gia mọi công tác kháng chiến. Trong các vùng địch tạm chiếm đóng, nhiều chi đội thiếu niên đã tổ chức thành những Đội thiếu niên du kích bí mật, làm nhiệm vụ nắm tình hình địch, giúp đỡ các anh chị du kích đánh địch có hiệu quả. Khi có điều kiện đội du kích thiếu nhi của các em cũng tham gia đánh địch. Nhiều trận đánh của các em đã có tiếng vang lớn, làm chính kẻ địch được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại cũng phải lo sợ.

Các đội thiếu nhi du kích của phân khu I (gồm Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát, Dầu Tiếng) hoạt động bí mật ngay trong lòng địch, đã nhiều lần tổ chức đặt trái, diệt nhiều xe tăng. Trong đó Đội du kích mật của thiếu nhi Trảng Bàng diệt 5 chiếc, Củ Chi diệt 5 chiếc. Các đội du kích mật của thiếu nhi Bến Cát, Dầu Tiếng, mỗi nơi diệt 1 chiếc. Nhiều tên Mỹ chết và bị thương. Riêng các em thiếu nhi du kích Dầu Tiếng đặt mìn diệt một lúc 50 tên lính Mỹ và lính Ngụy. Có 31 em thiếu nhi trong phân khu đạt danh hiệu dũng sĩ. Trong đó có một em ở Trảng Bàng, 15 tuổi đã diệt được 97 tên lính Mỹ.

ở Quảng Nam - Đà Nẵng, quê hương người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Sau khi anh Trỗi bị chế độ Ngụy ở Sài Gòn giết hại đã dấy lên phong trào thi đua diệt Mỹ để trả thù cho anh. Nhiều đội du kích thiếu niên mang tên anh Trỗi đã ra đời và đã có nhiều hoạt động táo bạo làm cho kẻ địch hoang mang lo sợ không biết sẽ tấn công vào lúc nào. Đội Thiếu nhi du kích Nguyễn Văn Trỗi ở xã B (Quảng Nam), có 4 em, trong 7 ngày, từ 8 đến 15- 8 - 1968 đã diệt 15 tên địch, thu 4 súng. Các em còn tự làm lấy mìn, đánh 2 xe địch, diệt 20 tên. Những tháng cuối năm 1968, các em liên tiếp đánh địch nhiều trận khác, diệt 47 tên địch... Tổ được tặng danh hiệu Tổ dũng sĩ cấp ưu tú.

ở Điện Bàn, tổ thiếu niên du kích xã T có 6 em, trong 6 tháng đã diệt 80 tên ác ôn lính Mỹ, Ngụy, được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhất. Cũng ở Điện Bàn, Đội thiếu niên du kích Bích Bắc đã đánh địch trên 100 trận, trận nào cũng lập công, diệt 153 lính Mỹ, Ngụy. Trong đó có 1 em diệt được 47 tên, được tặng danh hiệu dũng sĩ và chiến sĩ thi đua giết giặc của Quân khu V.

Không chỉ ở Khu V, ở nhiều nơi khác, các đội du kích thiếu niên cũng đã ra đời và có nhiều hoạt động táo bạo. Đội thiếu nhi du kích của Sở cao su Bình Sơn, tỉnh Biên Hòa, hoạt động trong lòng địch đã từng đột nhập phá 3 buổi chiếu phim phản động của bọn Mỹ - Ngụy, phá huỷ 1 xe tăng, giết chết 15 tên Mỹ, thu 7 súng và hàng ngàn viên đạn, được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng tặng bằng khen. Đội Thiếu nhi du kích Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, chỉ riêng năm 1968 đã diệt 10 xe thiết giáp địch, giết chết 40 tên lính Mỹ, thu 2 súng.

Còn ở Hải Lăng (Quảng Trị), sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam Tết Mậu Thân 1968, kẻ địch điên cuồng phản công ác liệt. Chúng cho cả một đoàn xe đến đóng ở Rùa Hạ (xã Thượng Xá). Hai em thiếu nhi Thống và Lộc đã tìm cách nắm tình hình đóng quân của địch báo cho du kích và bộ đội tổ chức đánh địch, diệt một lúc 120 xe bọc thép của Mỹ. Khi bị địch bắt vào phòng vệ dân sự, Thắng và Lộc vẫn tìm cách bắt liên lạc với du kích và cơ sở cách mạng, tổ chức đánh địch, làm tan rã hoàn toàn toán phòng vệ dân sự 50 tên của địch.

Thời kỳ tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ", không những đế quốc Mỹ đã sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tàn bạo đối với nhân dân miền Nam Việt Nam, mà chúng còn mở rộng đánh phá có tính hủy diệt nhiều cơ sở kinh tế, quốc phòng trên miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người sức của của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân của Mỹ chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có chủ quyền, nhiều trường học, nhiều cơ sở vui chơi của các em thiếu niên, nhi đồng cũng đã bị tàn phá nặng nề. Không ít cơ sở đã bị hủy diệt hoàn toàn. Chỉ riêng ở Nghệ An, chưa đầy 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1965, đế quốc Mỹ đã đánh phá vào 40 trường học, trong đó 100% số trường học ở thành phố Vinh hoàn toàn bị phá hủy. Ngày 23 - 9 - 1965, máy bay Mỹ đã đánh phá dã man trường phổ thông cấp I - II Quỳnh Tiến ngay trong giờ các em đang học, làm 5 em học sinh cấp I (tiểu học), 11 em học sinh cấp II ( THCS) và 3 giáo viên bị chết; 26 học sinh cấp I, 10 học sinh cấp II bị thương.

ở Hà Tĩnh đã có gần 400 trường học bị máy bay Mỹ đánh phá. Ngày 9-2-1966, máy bay Mỹ ném bom vào trường cấp II Hương Phúc (Hương Khê) làm chết một lúc 33 em học sinh, trong đó có 7 em mất tích, 1 thầy giáo và 24 em học sinh khác bị thương...

Nhưng chính trong những điều kiện khó khăn, thử thách đó, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt", thầy và trò các trường học trong tất cả các địa phương trên toàn miền Bắc, từ đồng bằng ven biển đến miền núi cao, từ thành thị đến nông thôn cả trong những vùng trọng điểm máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá có tính hủy diệt, đã kiên cường bám trường, bám lớp, bảo đảm thực hiện thi đua "hai tốt" trong mọi tình huống. Nhiều trường đã thực hiện "vác trường lên vai đi sơ tán", đến những vùng sâu vùng xa, nơi địch ít đánh phá, tổ chức dạy và học. Những trường không có điều kiện sơ tán đến nơi học an toàn thì tổ chức đào hầm hào xung quanh lớp học để khi báo động, từ trong lớp học ra nơi trú ẩn an toàn. Không học được ban ngày, nhiều trường tổ chức cho các em học ban đêm. Không thắp được đèn để học, các em dùng đèn chai, lấy giấy bọc xung quanh, chỉ chừa một lỗ nhỏ vừa đủ ánh sáng chiếu xuống trang vở. Để tránh bom đạn địch sát thương, các em làm mũ rơm để đội. Đội mũ rơm trên đường đến trường. Đội mũ rơm khi đi sinh hoạt, trong những lúc làm kế hoạch nhỏ, và dĩ nhiên cả khi ra trận địa, cung cấp lá ngụy trang, giẻ lau súng cho các anh bộ đội. Chiếc mũ rơm trong những năm kháng chiến chống Mỹ trở thành như một biểu tượng của ý chí Việt Nam, ý chí ham học, ý chí quyết thắng bom đạn kẻ thù. Rất nhiều trường hợp, bom đạn Mỹ, kể cả loại bom có khả năng sát thương hàng loạt như bom bi, cũng phải chịu thua lực cản của vành mũ rơm trên đầu các em nhỏ. Nhờ đó mà ngay trong những thời điểm địch đánh phá ác liệt nhất, hàng chục vạn thiếu niên các tỉnh, thành phố miền Bắc ngày ngày vẫn bền bỉ đến trường đến lớp. Phần lớn trên đầu các em đều đội mũ rơm, như một công cụ bảo vệ của một thời đạn bom,. Nhiều em sau này đã trở thành nổi tiếng, trở thành những tài năng trên nhiều lĩnh vực văn hóa, khoa học kỹ thuật, khi còn đi học trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cũng đã từng đội chiếc mũ rơm đến trường, cũng đã từng theo trường đi học ở nơi sơ tán, với những bữa cơm độn mì độn khoai, như trường hợp nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn, từng đoạt giải khôi nguyên trong cuộc thi đàn Pianô quốc tế mang tên nhạc sĩ thiên tài Chopin.

Trong điều kiện máy bay Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt, thiếu niên, nhi đồng xã Nghi Hương nêu quyết tâm "Đội bom đi học", đảm bảo chương trình học trong mọi tình huống. "Đội bom đi học", thiếu niên, nhi đồng ở Nghệ An, ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong điều kiện chiến tranh ác liệt vẫn đảm bảo ngày ngày đội mũ rơm đến trường thi đua học tập và rèn luyện theo "5 điều Bác Hồ dạy". Số thiếu niên đến trường hàng năm vẫn không ngừng tăng. Riêng tỉnh Nam Hà (Hà Nam, Nam Định ngày nay) số học sinh đến trường năm học 1965 - 1966 tăng 3,6% so với năm học 1964 - 1965. Xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) trong một năm trường học bị đánh phá tới 22 lần, học sinh vẫn tới trường tới lớp đầy đủ, vẫn đảm bảo dạy tốt và học tốt. ở Hà Tĩnh số học sinh đến lớp vẫn thường xuyên đạt trên 90%. ở Quảng Ninh trong năm đầu không quân Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc (1965), cả tỉnh có 317 trường học phổ thông các cấp, với 2.362 giáo viên và 47.862 học sinh đến trường, thì sau 10 năm, đến năm 1975, toàn tỉnh đã có 130.692 học sinh và 4.687 thầy, cô giáo dạy và học trong 384 trường.

Phong trào "Dạy tốt và học tốt" phát triển, thu hút hàng vạn các em thiếu niên, nhi đồng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để vươn lên trở thành những con ngoan, trò giỏi. ở Nghệ An, em Hoa Xuân Tứ, từ nhỏ bị tai nạn cụt cả 2 tay. Không cam chịu số phận, em đã kiên trì rèn luyện để được cắp sách đến trường như nhiều bạn bè cùng lứa. Không còn tay để cầm bút, Hoa Xuân Tứ kẹp bút vào giữa vai và má kiên nhẫn tập viết, phấn đấu trở thành một học sinh học giỏi toàn diện, luôn có ý thức rèn luyện đạo đức, được thầy cô và bạn bè quý mến. Trong nhiều năm thiếu niên, nhi đồng ở nhiều tỉnh, thành phố trên miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua học tập tấm gương vượt khó học giỏi của Hoa Xuân Tứ, phấn đấu trở thành những học sinh phát triển toàn diện.

Tháng 1 - 1967, Hoa Xuân Tứ vinh dự được thay mặt hàng vạn "Cháu ngoan Bác Hồ" dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ nhất và được gặp Bác Hồ kính yêu. Cùng có vinh dự như Hoa Xuân Tứ còn có Trần Thị Vệ, cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Thanh Hóa, dũng cảm cứu bạn khi máy bay Mỹ ném bom; Trần Quốc ý, một thiếu niên của Nghệ An, trong khi máy bay Mỹ đang điên cuồng đánh phá, vẫn lao ra cứu bạn; Đinh Thị Lệ Kim, một học sinh chăm ngoan, học giỏi của Hải Phòng; Phạm Thị Kiều Oanh, một thiếu niên của Hà Nội, trong gia đình là một con ngoan, ở trường là một trò giỏi, trong công tác Đội là một con người năng nổ, có sức cuốn hút các bạn; Bùi Thị Hải, là một thiếu niên dân tộc Mường của tỉnh Hòa Bình, luôn được bạn bè quý mến nhờ có phương pháp học tập tốt, năm nào cũng đạt học sinh giỏi, trong mọi việc đều chăm chỉ... Các em là những "Cháu ngoan Bác Hồ" tiêu biểu, luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện theo "5 điều Bác Hồ dạy".

Phong trào thi đua hai tốt "Dạy tốt và học tốt", trở thành mục tiêu phấn đấu của các trường học trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt. Các cơ sở Đoàn đã kết hợp với nhà trường tổ chức giáo dục các em thiếu niên, nhi đồng ý thức công dân, không ngừng nâng cao tinh thần học tập và tham gia lao động, tham gia phục vụ chiến đấu trong từng điều kiện thích hợp. Các hoạt động theo chủ đề tiếp tục được mở rộng. Khi quân và dân ta ở miền Nam thắng lớn, các em có chủ đề: "Vì miền Nam rực lửa chiến công, nguyện làm chiến sĩ nhỏ thắng Mỹ", phấn đấu nâng cao chất lượng từng tiết học, giờ học. Các em coi "đi học là đánh Mỹ", giành nhiều điểm 5, điểm 10... thi đua cùng các anh bộ đội và dân quân bắn rơi nhiều "thần sấm", "con ma" Mỹ. ở Sơn La các em thực hiện "hai giờ vàng ngọc", phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng học bài, ôn bài. ở trường cấp II Cẩm Bình (Hà Tĩnh) các em phấn đấu kết hợp chặt chẽ giữa học và hành, luôn gắn bó chặt chẽ với các hoạt động ngoài xã hội, tích cực tham gia mọi công tác sản xuất, cũng như phục vụ chiến đấu và nhiều công tác xã hội khác, đảm bảo thường xuyên dạy tốt và học tốt, góp phần phấn đấu xây dựng nhà trường và địa phương trở thành lá cờ đầu của ngành giáo dục miền Bắc những năm đánh Mỹ, được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, tháng 1 - 1967.

Phong trào phấn đấu trở thành "Cháu ngoan Bác Hồ" phát triển mạnh ở hầu khắp các địa phương. Được sự hướng dẫn của tổ chức Đoàn các cấp, các em thường xuyên đẩy mạnh phong trào "Nói lời hay, làm việc tốt", phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ". Ngoài nhiệm vụ học tập thường xuyên được các em duy trì thành nền nếp, thiếu niên và nhi đồng các tỉnh, thành phố trên miền Bắc thời kỳ này còn đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực góp phần cùng quân và dân các địa phương trong nhiệm vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, trong các hoạt động chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam về tinh thần cũng như vật chất, và trong nhiệm vụ xây dựng, củng cố hậu phương lớn miền Bắc.

Công tác Trần Quốc Toản thời kỳ này đã có những nội dung và cách làm mới, thiết thực và phong phú. Tùy theo từng hoàn cảnh, tổ chức Đội thiếu niên, Nhi đồng ở các cơ sở đã tiến hành điều tra nắm chắc số lượng các gia đình chính sách trên địa bàn dân cư, phân loại từng đối tượng cần giúp đỡ. Không những qua đó các em có kế hoạch phân công giúp đỡ một cách thiết thực đối với từng đối tượng, mà các em còn góp phần phát hiện cho địa phương những việc làm sai chính sách trong công tác thương binh, xã hội.

ở nhiều địa phương, tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong sau khi điều tra nắm chắc tình hình các đối tượng chính sách đã phân công trách nhiệm cho từng phân đội nhỏ theo từng địa bàn dân cư, một xóm, một đường phố. Hơn thế phân công đến từng đội viên phụ trách từng gia đình cần giúp đỡ. Chỉ những việc lớn các em mới tổ chức cho cả chi đội, phân đội tập trung đến giúp. Thường đó là những công việc đột xuất. Những công việc thường xuyên, như gánh nước, dọn dẹp nhà cửa, và cả những công việc như đi xếp hàng mua thực phẩm, đong gạo... các em đều phân công cố định cho một số em, thường là từ 1-2 em phụ trách giúp đỡ một gia đình.

Thực hiện lời Bác Hồ dạy "... giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến. Và do đó, các cháu sẽ luyện tập tinh thần siêng năng và bác ái để sau này thành người công dân tốt...", trong thư Người gửi thiếu niên, nhi đồng tháng 2 - 1948, khi Người khuyên các em tổ chức những "Đội Trần Quốc Toản", thiếu niên, nhi đồng các tỉnh, thành phố miền Bắc thời kỳ cả nước có chiến tranh đã có nhiều phương thức làm công tác Trần Quốc Toản, không những thiết thực giúp đỡ gia đình chính sách có khó khăn mà còn góp phần làm yên lòng các anh, các chị ra trận, vì biết bố mẹ mình ở nhà đã thường xuyên có người đến chăm nom chu đáo. Các em thường tổ chức thực hiện theo các chủ đề hết sức sinh động, như "Uống nước nhớ nguồn", hoặc "Tháng đền ơn đáp nghĩa", rồi "Tháng thăm một lần, tuần làm một việc"... Nhiều gia đình chính sách, nhờ đó, mặc dù neo đơn, phần lớn chồng, con đều đã ra mặt trận vẫn thấy ấm lòng, không phải lo toan vất vả đến từng gánh nước, con gà. Những công việc đó đã có các em trong Đội Trần Quốc Toản giúp sức. Nhiều em đội viên đi học về, chưa kịp cất sách vở đã đến ngay các gia đình chính sách được phân công quét tước sân vườn, thu dọn nhà cửa, cho lợn, cho gà ăn... tươm tất đâu đó mới về lo việc nhà mình.

Phong trào xây dựng Hợp tác xã Măng non thời kỳ này cũng được phát triển lên một bước, với nhiều nội dung mới: nuôi gà chống Mỹ, chăn nuôi trâu bò béo khỏe... Năm học 1967 - 1968, đã có 1.100 Hợp tác xã Măng non được phát triển ở các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng, vùng trung du và ven biển, thu hút hàng chục vạn xã viên là thiếu niên, nhi đồng. Trong 6.000 em trực tiếp nhận chăm sóc trâu bò béo khỏe đã có 2.000 em được biểu dương khen thưởng. Nhiều địa phương đã tổ chức các cuộc thi trâu bò béo khỏe giữa các chi đội, Liên chi đội để các em có dịp trao đổi, thi đua với nhau làm cho phong trào ngày càng có hiệu quả thiết thực. Phong trào xây dựng Hợp tác xã Măng non phát triển không chỉ góp phần giáo dục các em ý thức trách nhiệm công dân, mà thực sự đã hỗ trợ nhiều mặt cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiêp, tiểu thủ công nghiệp giải quyết được nhiều vấn đề trong lúc cả nước đang phải tập trung sức người cho nhiệm vụ đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay) đến năm 1973 đã có tới 2.592 Hợp tác xã Măng non, đóng góp với các hợp tác xã 1.083. 340 ngày công, gần bằng 20% số ngày công của các xã viên lớn tuổi.

Thời kỳ cùng quân và dân đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với nhiệm vụ học tập và tham gia các công tác xã hội, thiếu niên, nhi đồng các tỉnh, thành phố trên toàn miền Bắc cũng là những người tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ, thực hiện việc giáo dục thể chất theo kinh nghiệm và phong trào thiếu nhi của nhiều nước xã hội chủ nghĩa. Tổ chức Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã cùng Bộ Giáo dục, ngành thể dục thể thao và các ngành liên quan phát động rộng rãi phong trào rèn luyện thân thể theo 4 môn phối hợp (chạy 60 mét, nhảy xa, nhảy cao và ném bóng 150 gam). Hàng năm để phát triển phong trào, các trường phổ thông cơ sở và sau đó là các huyện, các tỉnh và cả toàn quốc đều tổ chức thi đấu để chọn những vận động viên tiêu biểu. Sau này phong trào đã phát triển thành "Hội khỏe Phù Đổng". Nhiều vận động viên nhỏ tuổi trưởng thành qua phong trào rèn luyện theo tiêu chuẩn 4 môn phối hợp về sau đã trở thành những vận động viên tài năng, đóng góp nhiều thành tích cho nền thể thao nước nhà.

Nhiều môn thể thao được chú ý phát triển, như môn bơi lội, các em có cuộc vận động "Toàn Đội biết bơi". Nhiều làng quê, nhiều trường học đã biết lợi dụng địa thế, sông ngòi, bờ biển tổ chức cho các em học bơi lội. Nhiều địa phương còn tạo ra những "bể bơi" đơn giản để các em có điều kiện tập luyện, như Minh Tân (Hải Phòng), Nam Chính (Hải Dương), Quỳnh Đôi (Nghệ An). Nhiều em trưởng thành từ phong trào đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, như Trần Thị Huyền, 2 lần đạt danh hiệu kiện tướng bơi lội, giành liên tiếp 5 Huy chương Vàng trong các kỳ thi đấu.

Bóng bàn cũng là môn được chú ý phát triển, thu hút nhiều em thiếu niên, nhi đồng tham gia tập luyện. Ngày 5 - 8 - 1964, đúng ngày đế quốc Mỹ cho không quân mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam, cũng là ngày khai mạc giải bóng bàn mang tên giải Báo Thiếu niên Tiền phong lần thứ nhất và từ đó trở thành giải truyền thống của thiếu niên, nhi đồng, góp phần đào tạo nên nhiều vận động viên tiêu biểu cho bộ môn bóng bàn nước ta, như Trần Văn Quỳnh, Nguyễn Đình Phiêu, Nguyễn Hồng Nga, Nguyễn Thu Nga...

Cũng như thiếu niên, nhi đồng miền Nam, những năm tháng cả nước cùng đánh Mỹ, thiếu niên, nhi đồng các tỉnh, thành phố miền Bắc cũng đã phải nhiều lần cầm súng và nhất là nhiều thời gian các em phải bỏ dở cả nhiệm vụ học tập để phục vụ chiến đấu, đến các trận địa phòng không động viên các chiến sĩ, thu gom giẻ lau súng, hái lá ngụy trang, tham gia trồng cây bảo vệ các tuyến đường giao thông, bảo vệ cầu cống, nhà kho... ở Hà Tĩnh, trong nhiều trường học, các em có phong trào "Cây Trung thu thắng Mỹ", hoặc "5 con gà thắng Mỹ". Phong trào đã thu hút hầu hết thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh tham gia dưới nhiều hình thức. Hàng năm đều có tổng kết thi đua khen thưởng, rút kinh nghiệm, mở rộng phong trào. Phong trào trồng cây, nuôi gà chống Mỹ cũng được phát triển ở nhiều địa phương. Một mặt các em tham gia "Tết trồng cây" cùng các anh, chị, mặt khác các em tổ chức chăm sóc những cây đã trồng, thực hiện "đoạn đường em nuôi", "vườn cây em chăm"... thường xuyên rào chắn, không để trâu bò phá hoại, không cho người bẻ cành.

Phong trào lấy lá ngụy trang, thu gom giẻ rách cho các anh bộ đội, cho dân quân tự vệ trực chiến lau súng thì ở đâu cũng có. Nhiều lần máy bay Mỹ đánh phá vào trận địa, khói bom mù mịt, các em thiếu nhi địa phương vẫn không quản ngại nguy hiểm, băng ngay đến, băng bó cho những người bị thương, tiếp tế nước cho các pháo thủ. Có em còn cởi cả áo của mình nhúng vào nước, đắp lên nòng pháo làm giảm nhiệt để các anh bộ đội chiến đấu được liên tục, chính xác. Nhiều em đã sẵn sàng hy sinh cả tính mạng trong khi phục vụ chiến đấu. Hàm Rồng là một trọng điểm máy bay Mỹ thường xuyên tập trung đánh phá có tính hủy diệt trong suốt những năm chúng tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Em Lê Thị Hoàn, nhà ở Nam Ngạn (bờ phía Nam cầu Hàm Rồng), 15 tuổi, mỗi lần máy bay Mỹ đánh phá ác liệt cầu Hàm Rồng, em đều có mặt tiếp tế cơm nước, mang lá ngụy trang cho các trận địa chiến đấu. Một lần khi em vừa mang nước ra trận địa chưa kịp trao ca nước cho một pháo thủ thì máy bay giặc Mỹ ập đến cắt bom, em đã hy sinh trong tư thế đang trao ca nước. Cũng ở Thanh Hóa còn có em Nguyễn Văn Thịnh, (Quảng Xương) ngay khi máy bay Mỹ đang đánh phá trận địa pháo, vẫn không quản nguy hiểm, đã như một con thoi chạy đi chạy lại, tham gia tiếp đạn và cứu chữa thương binh.

Có cả những em thiếu nhi đã trực tiếp cầm súng bắn rơi máy bay Mỹ, như Nguyễn Văn Lộc và các bạn trong tổ chăn trâu ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình). Thường ngày đi chăn trâu các em vẫn để ý quan sát các anh dân quân thao tác bắn; máy bay Mỹ bất ngờ tập kích vào trận địa, Lộc đã chỉ huy tổ chăn trâu của mình dùng súng 12,7 ly bắn rơi 1 chiếc A4F. Cả tổ được khen thưởng. Riêng Nguyễn Văn Lộc được thay mặt các bạn đi dự trại hè ở Liên Xô.

Nhiều đội viên thiếu niên, nhi đồng đã sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ bạn mình, bảo vệ những em bé nhỏ tuổi khỏi bị bom Mỹ giết hại. ở Hải Phòng đó là em Trịnh Văn Hòa, một đội viên thiếu niên đã lấy thân mình che bom bi cứu sống một em nhỏ, còn mình thì hy sinh anh dũng. Đặc biệt là tấm gương hi sinh của Nguyễn Bá Ngọc (Quảng Xương, Thanh Hóa) đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần sẵn sàng hy sinh chiến đấu của các em thiếu nhi trên cả hai miền Nam Bắc. Nguyễn Bá Ngọc là một học sinh chăm ngoan, chịu khó trong học tập và giúp đỡ gia đình. Trong một trận máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, đang trên đường đi học về, nghe tiếng khóc của một em nhỏ, Nguyễn Bá Ngọc đã không ngần ngại băng đến lấy thân mình che chở cho em khi một quả bom bi nổ gần. Nhiều viên bi đã găm khắp cơ thể Ngọc. Ngọc đã hy sinh nhưng em nhỏ thì được cứu sống.

Có nhiều tấm gương thiếu nhi đã dũng cảm hy sinh giống như Nguyễn Bá Ngọc. Em Nguyễn Thị Lan (Quảng Xương) đã cứu sống 4 em bé và cùng các anh chị dân quân trong xã ngụy trang xác máy bay Mỹ, sau đó còn đi tuyên truyền tin chiến thắng cho bà con nghe. Các em Hoàng Thị Hợi, Nguyễn Thị Minh Hồng (Nông Cống) không quản nguy hiểm đã tham gia cùng các anh chị lớn tuổi đào bom nổ chậm, cứu người bị thương, cứu chữa kho hàng... Các em tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã nêu những tấm gương về tinh thần sẵn sàng hy sinh vì người khác.

Bên cạnh những tấm gương sẵn sàng hy sinh vì bạn, vì những em bé của nhiều đội viên thiếu niên, nhi đồng, nhiều hành động quả cảm của các thầy cô giáo, quên mình vì đàn em thân yêu trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, cũng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ học sinh. Bên cạnh những thầy giáo, cô giáo, nhiều anh chị em phụ trách nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên tự học tập nâng cao kiến thức, trở thành giáo viên giỏi trong nhiều năm, như thầy giáo Phạm Thế Hùng, trường An Tiến, thầy giáo Hoàng Mai Kiểm, trường cấp II (THCS) Đại Thắng, Tiên Lãng (Hải Phòng)... nhiều thầy, cô giáo đã không quản hy sinh cả tính mạng mình để bảo vệ học sinh, như thầy Bùi Xuân Thảo (trường cấp II Kênh Giang, Thủy Nguyên, Hải Phòng), trên đường đến trường bị thương nặng do bom Mỹ, trước khi trút hơi thở cuối cùng thầy vẫn bình tĩnh dùng bàn tay giập nát lấy chìa khóa trong túi đưa cho đồng chí Bí thư Đảng ủy nhà trường về mở ngăn kéo lấy đầu bài thi cho học sinh. Đặc biệt trong điều kiện sơ tán, phần lớn các em học sinh không có bố mẹ đi theo chăm sóc, sự quan tâm bảo vệ các em của các thầy cô giáo càng trở nên quý giá. Nhiều thầy, cô giáo trường Việt Hải (Cát Bà, Hải Phòng) trong điều kiện sơ tán phải ăn cơm muối với rau rừng hàng tháng, vẫn miệt mài cùng các em học sinh đảm bảo "dạy tốt, học tốt". Các thầy, cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức văn hóa cho học sinh mà còn là những cán bộ quản lý công tác phòng tránh cho các em, đôi khi phải làm cả nhiệm vụ của người y tá, cứu thương và khi cần che chắn cho học sinh khỏi bị bom Mỹ giết hại. Cô giáo Long Thị Ngọc ở Quảng Ninh trong một lần bom Mỹ đánh vào lớp học đã quên mình bảo vệ từng em học sinh, đưa các em ra hầm trú ẩn an toàn, đến khi bị thương vẫn không rời nhiệm vụ.

Cùng với việc đẩy mạnh phong trào thi đua "dạy tốt và học tốt", công tác xây dựng Đội trong nhà trường được quan tâm phát triển. ở Nghệ An đến năm 1966 đã có 377 tiểu ban thiếu niên, nhi đồng được thành lập ở cơ sở, góp phần chăm sóc, bảo vệ các em, nhất là trong điều kiện địch thường xuyên đánh phá ác liệt. ở 13 huyện, thị xã trong tỉnh đã có 42% các trường cấp I và 73% số trường cấp II có tổ chức Đội. Cùng thời gian có 63% các em học sinh cấp II được vào Đội Thiếu niên Tiền phong, 30% các em học sinh đầu cấp I được vào Đội Nhi đồng. Đến năm 1968 số học sinh cấp I và cấp II vào Đội đã tăng lên đến trên 80 - 90%. Nhiều trường như ở Diễn Minh (Diễn Châu), Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu)... 100% các em được vào Đội. ở tỉnh miền núi Sơn La, tổ chức Đội trong nhà trường đã thu hút trên 50% các em thiếu niên, nhi đồng thường xuyên tham gia các hoạt động thiết thực, bổ ích. Tổ chức Đoàn các cấp đã phối hợp với nhà trường lựa chọn những giáo viên là đoàn viên thanh niên có nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trực tiếp phụ trách công tác Đội, tổ chức, hướng dẫn các em đẩy mạnh tham gia các hoạt động gắn với những nhiệm vụ của địa phương trong sản xuất và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách Đội, cùng với việc thường xuyên mở các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ trách các cấp, từ năm 1965 đến năm 1969, được sự đồng tình, ủng hộ của ngành giáo dục và trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong 3 niên khóa liên tục, Đoàn đã gửi gần 200 cán bộ Đoàn và một số sinh viên nhiệt tình với công tác Đội đến đào tạo tại khoa tâm lí - giáo dục học, chuẩn bị đội ngũ cán bộ có hiểu biết về khoa học giáo dục cho các trường huấn luyện cán bộ Đoàn, các trường cao đẳng sư phạm, làm nòng cốt đưa việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách Đội trong trường học đi vào nền nếp. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách Đội trong trường học ngày càng được nâng cao, không những có nhiệt tình, còn có những kiến thức chuyên sâu, góp phần làm cho hoạt động Đội trong trường học luôn tạo được những nét mới, năng động và tự chủ, có sức cuốn hút thiếu niên, nhi đồng đến với tổ chức của mình, phấn đấu theo những mục tiêu trong học tập, trong rèn luyện, thực hiện "5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng".

Phấn đấu trở thành "Cháu ngoan Bác Hồ" là nguyện vọng thiết tha của mọi đội viên thiếu niên, nhi đồng. Ngày 15 - 5 - 1966, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập Đội (15-5-1941 - 15-5-1966), bác Tôn Đức Thắng, thay mặt Đảng và Nhà nước đã trao Đội lá cờ thêu 16 chữ vàng, nêu lên nhiệm vụ của Đội trong thời kỳ cả nước có chiến tranh:

"Vâng lời Bác dạy


Làm nghìn việc tốt
Chống Mỹ, cứu nước
Thiếu niên sẵn sàng".

Phong trào thi đua "Làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ" từng bước phát triển ngày càng sâu rộng, thể hiện trên tất cả mọi mặt hoạt động của Đội. Được Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo giáo dục, bảo vệ, hàng vạn thiếu niên, nhi đồng đã không ngừng trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp của toàn dân. Trong đó có 42 vạn em đã trở thành "Cháu ngoan Bác Hồ". Riêng trong năm học 1964 - 1965, năm học đầu tiên phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đã có 650 em học giỏi toàn diện đã được nhận phần thưởng của Bác Hồ, 32 em có những cử chỉ tốt được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Hàng trăm em liên tục phấn đấu, được Bác Hồ tặng phần thưởng hai, ba năm liền. Số đội viên phấn đấu trở thành "Cháu ngoan Bác Hồ" ngày càng tăng. ở Hà Nội, năm học 1965 có 3 vạn đội viên được tặng danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ", đến năm 1968, khi tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ số đội viên đạt danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ" đã lên tới 57.500 em. Có cả những tập thể Đội được tặng danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ" như chi đội thiếu nhi thôn Bằng A (huyện Thanh Trì), với hợp tác xã Măng non tham gia trồng lúa thâm canh đúng kỹ thuật đạt 9,1 tấn/ha, chăn nuôi hàng trăm con gà, vỗ béo hàng chục trâu bò, từ 99 - 100% học sinh cấp I và cấp II được lên lớp, 100% thi đỗ hết cấp. ở Nghệ An, năm học 1967 - 1968 có 145 nghìn em phấn đấu đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ, tăng hơn năm học 1966 - 1967 tới 25 nghìn em. ở tỉnh miền núi Sơn La, phong trào phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ được các cấp bộ Đoàn quan tâm tạo điều kiện cho các em không ngừng vươn lên trong học tập, rèn luyện, "làm nghìn việc tốt". Ngay trong những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhiều trường lớp phải sơ tán vào vùng sâu, sinh hoạt khó khăn vẫn có 11.000 đội viên thiếu niên, nhi đồng phấn đấu trở thành "Cháu ngoan Bác Hồ". Nhiều em đạt thành tích xuất sắc được tặng huy hiệu của Người, như em Hà Văn Yên, một mình cứu sống 4 em nhỏ khỏi bị chết đuối; em Lò Văn Lun nhặt được của rơi đã trả lại cho người mất; em Hà Văn Phi ngoài việc chăm chỉ học tập, còn tích cực tham gia lao động sản xuất, đã góp nhặt được 1.000 kg phân bón giao cho hợp tác xã; em Hà Thị Liên học giỏi toàn diện, 4 năm liền đều đạt danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ". Đặc biệt cả 4 chị em Liên đều là những đội viên gương mẫu, nhiều lần nhặt được của rơi đều mang trả lại cho người mất, trong đó có 2 lạng vàng.

Ngày 1-6-1969, Tết Quốc tế thiếu nhi là lúc sức khỏe của Bác Hồ ngày càng yếu. Bác đề nghị tổ chức cho các cháu thiếu nhi Hà Nội vào vui chơi với Bác ở Phủ Chủ tịch và Bác vẫn viết thư cho các cháu như thường lệ, Bác viết: "...Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ".

Không ai nghĩ được rằng đó là lần cuối cùng các em được quây quần bên Bác vui Tết thiếu nhi Quốc tế và cũng là lần cuối cùng các em được đón nhận thư Bác. Ngày 2 - 9 - 1969, vào lúc 9 giờ 17 phút Bác đã vĩnh viễn ra đi. Trước lúc đi xa, Bác Hồ để lại cho thế hệ trẻ nước ta, cho các các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước "Muôn vàn tình thương yêu". Người đánh giá: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn có chí tiến thủ", và căn dặn: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bác khẳng định: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" (Di chúc).

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của thế hệ trẻ và theo đề nghị của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết cho tổ chức Đoàn, tổ chức Đội Thiếu niên, Đội Nhi đồng Việt Nam được mang tên Bác Hồ vĩ đại:

- Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

-Đội Nhi đồng Việt Nam nay là Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh.

Trong buổi lễ trọng thể trao Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho Đoàn, Đội được mang tên Bác, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 39 ngày thành lập Đoàn (26-3-1931 /26-3-1970), bác Trường Chinh, thay mặt Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã nói: "... trao cho Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên và Đội Nhi đồng vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta mong muốn thế hệ trẻ nước ta suốt đời trung thành với lý tưởng của Bác, học tập phẩm chất và đạo đức cao quý của Bác Hồ, đưa sự nghiệp của Bác, của Đảng đến thắng lợi hoàn toàn".

Hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa III) đã kêu gọi các em thiếu niên, nhi đồng: "Hãy học và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, thi đua làm nghìn việc tốt, ra sức xây dựng Đội vững mạnh, phấn đấu trở thành "Cháu ngoan Bác Hồ".

Nhận rõ vinh dự và trách nhiệm của Đoàn, của Đội, Đoàn ta tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tập trung sâu rộng về tấm gương vĩ đại của Bác Hồ trong đoàn viên và thanh, thiếu nhi. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn coi đợt học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ, thực hiện 5 diều Bác dạy thanh niên, 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng là đợt sinh hoạt chính trị mở đầu, nhằm "Làm cho đoàn viên thanh niên, thiếu niên, nhi đồng thấm nhuần công lao, sự nghiệp, đạo đức của Bác. Từ đó nâng cao lòng tự hào, tin tưởng, đoàn kết quyết tâm phấn đấu, không sợ khó khăn gian khổ hoàn thành mọi nhiệm vụ để càng xứng đáng với Bác hơn nữa".

Kết hợp chặt chẽ với nhà trường, các cơ sở Đội đã tổ chức cho đoàn thể đội viên, thiếu niên, đội viên nhi đồng tham gia đợt sinh hoạt và phát động rộng rãi chủ đề "Vì vinh dự Đội, học tập tốt, lao động tốt", xây dựng "Lời hứa đội viên". Toàn Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh đã mở cuộc vận động xây dựng chi đội mạnh, liên đội mạnh, tập trung vào 5 mặt hoạt động của Đội.

Trong trường học phong trào thi đua "hai tốt" tiếp tục được nâng cao. Nhiều chi đội trong trường học phát triển phong trào "vở sạch, chữ đẹp", coi "nét chữ là nết người", tổ chức thi đua giữa các chi đội, liên đội tạo thành không khí rèn luyện phong cách học tập mới, có ý thức không ngừng nâng cao chất lượng từng tiết học, giờ học. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong (15-5-1941 - 15-5-1971) Trung ương Đoàn đã chỉ đạo thí điểm liên đội Bắc Lý thực hiện chủ đề: "Phát huy truyền thống Bắc Lý, vì vinh dự Đội, học tập tốt, lao động tốt", với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, thu được kết quả tốt và năm học 1972 - 1973, Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương phát động rộng rãi trong các trường học toàn miền Bắc chủ đề: "Tiến theo Bắc Lý, vì vinh dự Đội, thi đua học tập tốt, lao động tốt" tạo nên không khí thi đua học tập, rèn luyện trong đông đảo đội viên thiếu niên, nhi đồng. Nhiều liên đội, chi đội đã sáng tạo những hình thức sinh động, đề ra những biện pháp tích cực thúc đẩy phong trào học tập, phát triển toàn diện. Riêng liên đội Trường THCS Bắc Lý liên tục đạt danh hiệu xuất sắc, dẫn đầu phong trào hoạt động Đội, được Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn tặng thưởng nhiều cờ và bằng khen, góp phần vào thành tích chung của nhà trường, được Nhà nước 8 lần tặng cờ thưởng luân lưu, 8 Huân chương Lao động (3 hạng nhất, 3 hạng nhì, 2 hạng ba), 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất. Hai lần Nhà nước tặng trường danh hiệu Anh hùng, năm 1985 và năm 2000.

Năm 1972 đế quốc Mỹ cho không quân và hải quân đánh phá trở lại miền Bắc Việt Nam, với mức độ ác liệt tăng lên gấp bội so với lần thứ nhất. Bom B52 của Mỹ rải thảm xuống Khâm Thiên, Uy Nỗ, An Dương (Hà Nội); thủy lôi Mỹ phong tỏa cửa biển Hải Phòng, Quảng Ninh... Nhiều trường học, một lần nữa lại phải sơ tán đến nơi an toàn. Các chi đội, liên đội vẫn tổ chức đội viên duy trì nền nếp học tập. Khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, chịu ký Hiệp định Pari về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, đội viên thiếu niên, nhi đồng lại nhanh chóng cùng nhà trường bắt tay xây dựng lại trường sở. Nhiều chi đội đã làm chủ công trong việc xây dựng vườn trường, làm thêm nhiều dụng cụ học tập...

Tổ chức Đội ngày càng được củng cố vững mạnh, thật sự trở thành, một lực lượng giáo dục trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, theo tinh thần Nghị quyết về cải cách giáo dục của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tổ chức Đội được củng cố và phát triển, từng bước Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã có những cuộc giao lưu với thiếu nhi các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế. Năm 1958, lần đầu tiên thiếu nhi miền Bắc Việt Nam được đón nhận quà tặng của các bạn Đội Thiếu niên Tiền phong mang tên E. Thalmanr (Cộng hòa Dân chủ Đức cũ). Quà tặng gồm quần áo, sách vở và học cụ, kèm theo nhiều bức thư thể hiện tình cảm của các bạn thiếu nhi Đức đối với thiếu nhi Việt Nam. Quà tặng của các bạn thiếu nhi Đức được dành dùng làm phần thưởng hoặc được trao cho những bạn học sinh nghèo, có nhiều khó khăn.

Mùa hè năm 1971 lần đầu tiên một Đoàn Thiếu nhi Việt Nam đã được mời tham dự trại hè thiếu nhi Quốc tế tổ chức tại Artek (Liên Xô). Đoàn gồm một số em có thành tích trong học tập và hoạt động Đội, trong đó có em Nguyễn Rừng, một chi đội trưởng xuất sắc ở xã Kim Mã (Kim Sơn, Ninh Bình). Cũng trong năm 1971, một đoàn đại biểu thiếu nhi hai miền Nam - Bắc Việt Nam đã tham dự trại hè Wilhem Pieck, tại Cộng hòa Dân chủ Đức với tinh thần tuy là một đoàn nhưng hoạt động như hai đoàn. Mỗi đoàn có 5 em. Tham gia có anh Nguyễn Đức Thìn, một Tổng phụ trách Đội của trường Tam Sơn, Bắc Ninh và những em thiếu nhi hai miền Nam - Bắc có thành tích trong học tập, rèn luyện và chiến đấu. Có em từng là chiến sĩ diệt Mỹ, diệt xe tăng. Đặc biệt có em Liên là nhân chứng vụ thảm sát ở Sơn Mỹ (Quảng Nam). Một lần sang Tây Beclinh tố cáo tội ác của Mỹ trong vụ Sơn Mỹ, một nhà báo phương Tây hỏi Liên: "Có phải có ai đó đã xui em kể chuyện đó hay không? Mặc dù tuổi nhỏ nhưng Liên vẫn hiểu được dụng ý xấu của nhà báo đó, em đã phản ứng lại ngay, với một câu hỏi đặt ngược lại: Có phải chú đã được trả tiền để hỏi như vậy không? Gia đình, bà con làng xóm bị sát hại trước mặt cháu, làm sao cháu không căm thù, việc gì phải ai xui".

Nghe dịch xong, tên nhà báo phương Tây vội thanh minh mấy câu rồi biến mất. Còn báo chí tiến bộ ở Đức ca ngợi hết lời trí thông minh sắc sảo của Liên.

Đến năm 1974, một Đoàn đại biểu thiếu nhi Việt Nam và 2 cán bộ phụ trách lại được mời tham dự Đại hội lần thứ VI thiếu nhi toàn Liên bang Liên Xô và tham dự Hội nghị những người lãnh đạo phong trào thiếu nhi các nước xã hội chủ nghĩa, tại trại hè Artek. Từ đó, hàng năm tổ chức Đội của thiếu nhi Việt Nam đều cử các đoàn đại biểu thiếu nhi tiêu biểu tham dự trại hè của thiếu nhi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Mông Cổ... Trong đó nhiều lần thiếu nhi miền Nam cũng đã cử những đại biểu xuất sắc của mình cùng tham dự, đem đến cho thiếu nhi cả nước niềm cổ vũ mạnh mẽ tinh thần học tập và rèn luyện, sự ủng hộ quý báu của bạn bè thế giới đối với cuộc đấu tranh của nhân dân và thiếu nhi nước ta.

Phong trào thiếu niên, nhi đồng ở các tỉnh, thành phố miền Nam sau khi được mang tên Bác Hồ vĩ đại (do điều kiện chiến tranh, đến tháng 6 - 1970, Đội Thiếu niên và Đội Nhi đồng các tỉnh, thành phố miền Nam chính thức được mang tên Bác Hồ) đã có những bước phát triển vượt bậc. ở các vùng giải phóng của tỉnh Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng) đến đầu những năm 70 đã có 60% các em thiếu nhi được vào Đội. Năm 1972, riêng các tỉnh Nam Bộ đã có 811.281 đội viên, 285.913 em khác được tập hợp dưới những hình thức khác nhau.

Tổ chức Đoàn các cấp, trong điều kiện khó khăn của chiến tranh vẫn thường xuyên quan tâm chăm lo công tác Đội. Bên cạnh việc định hướng hoạt động của tổ chức Đội trong từng thời kỳ, các kỳ Đại hội Đoàn đều có Nghị quyết về công tác Đội. Tổ chức Đoàn Thanh niên miền Nam đặc biệt coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ phụ trách Đội, bổ sung, kiện toàn bộ máy phụ trách công tác thiếu nhi đến tận cơ sở. ở cấp miền, Ban Thiếu niên, nhi đồng đã có tới 7 cán bộ chuyên trách, do một đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn phụ trách và một đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trực tiếp làm trưởng ban. ở cấp tỉnh và phân khu đến cấp huyện đều có từ 2-3 cán bộ chuyên trách làm công tác thiếu nhi (Cà Mau, Rạch Giá). Ban Thiếu nhi Trung ương còn tổ chức biên soạn và phát hành thường xuyên "Sổ tay kinh nghiệm người cán bộ phụ trách", tạo điều kiện hỗ trợ cán bộ cơ sở kinh nghiệm hoạt động Đội. Nhiều chi đội ở vùng giải phóng, cũng như ở vùng tranh chấp, vùng do địch tạm kiểm soát đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp phần công sức xứng đáng vào việc tổ chức thiếu niên, nhi đồng tham gia nhiều trong công tác kháng chiến.

Chi đội Hàm Rồng đất mũi Cà Mau (huyện Năm Căn), khi còn nằm trong vùng giải phóng (thời kỳ 1960 - 1968), đã có không ít những hoạt động sôi nổi, thu hút hầu hết thiếu nhi trên địa bàn tham gia nhiều hoạt động thiết thực như xóa mù chữ, làm vệ sinh xóm ấp, giúp đỡ gia đình chính sách, tổ chức tập nghi thức Đội. Đội văn nghệ Chim Việt của chi đội từng đi biểu diễn ở nhiều xã trong vùng, góp phần tuyên truyền chính sách của Đảng, của cách mạng.

Khi địch tiến hành bình định, dồn dân, hầu hết thiếu nhi đều theo các anh, chị du kích vào "Làng Rừng", tổ chức làng chiến đấu, trở thành trụ cột của đội du kích. Các em cùng các anh, chị bố phòng tại những khu vực xung yếu, đánh biệt kích, bắt thám báo. Những bãi chông, bãi lửa (bãi mìn) của các em từng bẻ gãy nhiều cuộc càn của địch, làm thất bại chiến thuật "Hắc điểu ngủ rừng xanh" của chúng. Năm 1972, khi bộ đội ta bao vây Cái Nước và các vùng xung quanh, ngoài nhiệm vụ phối hợp tác chiến, các em còn tổ chức đánh cá làm khô tiếp tế cho bộ đội. Đồn Cựa Gà, đồn Đầm Cùng lần lượt bị tiêu diệt. Căn cứ nổi của địch bị nhấn chìm... buộc địch phải bỏ chạy khỏi chi khu Cái Nước. Quê hương được giải phóng, chi đội tổ chức rước đền thờ Bác Hồ từ "Làng Rừng" về làng cũ để nhân dân cùng được tưởng niệm.

Tiêu biểu cho hoạt động Đội vùng giải phóng có Liên đội Hoàng Lệ Kha, nơi chuyên dạy con em liệt sĩ, con cái cán bộ của tỉnh Tây Ninh, trường văn hóa tập trung đầu tiên của toàn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mang tên Hoàng Lệ Kha, một cán bộ cách mạng kiên cường đã hy sinh trong những ngày Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam tiến hành cái gọi là chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng". Trong điều kiện chiến tranh, trường thường xuyên phải di chuyển, nhiều lần phải tự làm lấy nhà để ở, để làm lớp học, phải sản xuất tự túc một phần lương thực, thực phẩm... Không ít lần trường bị biệt kích bao vây, càn quét, bị pháo bắn vào khu vực trường, bị B52 rải thảm, có bạn bị chết, bị thương... Liên đội vẫn tổ chức, động viên các đội viên giữ vững tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục mọi hậu quả, bảo đảm kết quả học tập, giữ vững sinh hoạt và hoạt động Đội có nền nếp trong mọi hoàn cảnh. Hàng trăm đội viên lớn của liên đội còn nhiều lần cùng các anh, chị lớn tuổi, cùng các thầy cô đi vác đạn, tải thương phục vụ các chiến dịch đánh địch của các lực lượng vũ trang giải phóng. Liên đội đã báo cáo thành tích làm được lên Bác Hồ, bác Tôn. Bác Tôn đã thay mặt Bác Hồ gửi thư khen ngợi tập thể Liên Đội Thiếu niên Tiền phong Hoàng Lệ Kha làm được nhiều việc tốt.

ở vùng tranh chấp, Đội Thiếu niên Tiền phong thường có hai hình thức tổ chức: Đội bất hợp pháp hoạt động công khai ở căn cứ vùng lõm của xã; những đội viên sống hợp pháp trong ấp chiến lược thì hoạt động trong khu dồn, trong ấp, phối hợp với tổ chức Đội ở khu căn cứ nắm tình hình địch, tổ chức đánh địch. ở vùng tranh chấp Triệu Phong (Quảng Trị) có Đội Thiếu niên xã Triệu Vân, với trên 300 đội viên, liên tục lập công từ năm 1960 đến 1972, đánh 275 trận, diệt 409 tên địch (có 141 tên Mỹ), làm bị thương 566 tên (có 166 lính Mỹ), diệt 3 xe tăng, phá hủy 8 chiếc khác; tự làm được cả mìn, bàn chông tre, bàn chông sắt, làm hầm bí mật. Đã có 94 đội viên bị địch bắt từ 3 đến 15 ngày, bị đánh đập, tra tấn dã man, nhưng không một em nào khai báo điều gì với địch. Từ năm 1969 - 1972 địch điên cuồng bình định, dồn dân tách dân ra khỏi các cơ sở cách mạng, 62 đội viên đã tham gia móc nối được 152 cơ sở trong ấp chiến lược, trong thị trấn; có 35 đội viên tham gia du kích mật; 34 đội viên lớn trưởng thành thoát ly đi bộ đội, vào các cơ quan, 9 em sau đó đã hi sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.

Trong các vùng địch tạm chiếm, hoạt động của tổ chức Đội Thiếu nhi thường đa dạng, tùy theo từng điều kiện, các em tham gia các công tác của cơ sở, làm liên lạc, tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược, dẫn đường cho các đội biệt động, các đơn vị đặc công luồn sâu vào vùng địch tổ chức các trận đánh tiêu hao, tiêu diệt lực lượng địch. Nhiều cơ sở Đội đã tổ chức thành những nhóm du kích thiếu niên mật, hoạt động khá táo bạo, làm kẻ địch nhiều khi phải bị động đối phó, như các Đội du kích Nguyễn Văn Trỗi (Điện Bàn, Quảng Nam), Đội Chim én (Bình Định), Đội Thiếu nhi Bình Sơn (Biên Hòa), Đội diệt ác Chim Quyên (Vĩnh Long), các Đội Chim Xanh, Phù Đổng... hoạt động ngay trong các quận nội thành Sài Gòn...

Từ năm 1972, tổ chức Đoàn Thanh niên các tỉnh, thành phố miền Nam chủ trương chuyển công tác thanh, thiếu nhi vào vùng yếu, vùng sâu, tổ chức Đội trong các vùng tạm bị địch chiếm đã có những bước phát triển đáng chú ý, trong đó có việc vận động đưa các nội dung giảng dạy tiến bộ vào trong các trường học. Tại Bến Tre, Đoàn đã khéo léo chỉ đạo đưa nội dung 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng vào các trường học ở cả các thị xã, thị trấn. Đáng chú ý là Đoàn thiếu nhi Phù Đổng ra đời và hoạt động trong lòng Sài Gòn, từ mùa xuân 1972 với 20 em ban đầu đã nhanh chóng phát triển lên 200 em. Ngoài ra còn lôi cuốn hàng chục em khác tham gia sinh hoạt với nhiều hoạt động phong phú ngay dưới con mắt nhòm ngó của bọn cò chìm, cò nổi của địch. Các em là tai mắt của nhiều hoạt động đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn. Trong đó có cuộc đấu tranh của Tổng đoàn học sinh Sài Gòn tưởng niệm học sinh Quách Thị Trang, ngày 25 - 8 - 1973. Mặc dù sau đó bị địch khủng bố, chị Nga (người tổ chức ra Đoàn Thiếu nhi Phù Đổng) và một số bạn bị bắt, song các em Lê Văn Thâu, Lê Thị Hoa, Phạm Thị Mai... vẫn tiếp tục tổ chức các hoạt động của Đoàn Thiếu nhi Phù Đổng. Tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) được sự chỉ đạo của Ban Thiếu nhi Trung ương Đoàn và Thành Đoàn Sài Gòn, lợi dụng âm mưu "đoàn ngũ hóa" thiếu nhi học sinh đã chỉ đạo cán bộ trong cơ sở giáo viên thành lập Liên đoàn nữ sinh trường Chi Lăng I, đưa các nội dung tiến bộ vào giảng dạy trong nhà trường, chuyển hóa từ 5 điều Bác Hồ dạy, sang thành 5 điều luật của Liên đoàn là:

- Yêu nước, yêu dân tộc Việt Nam
- Biết kính yêu thầy cô, vâng lời cha mẹ
- Dũng cảm anh hùng vì lẽ phải
- Kỷ luật và đoàn kết giúp nhau học tập
- Giữ vệ sinh chung, không coi sách báo ti vi nhảm nhí.

Liên đoàn nêu khẩu hiệu:

Sẵn sàng: vâng lời!
Sẵn sàng: cố gắng!
Sẵn sàng: học tập!

Liên đoàn tập hợp được 790 đoàn viên, trong đó có 490 đoàn viên chính thức, được đeo khăn quàng đỏ viền xanh, chia thành 12 đoàn và 50 toán. Liên đoàn có cả tờ nội san, góp phần giúp các em thiếu niên, nhi đồng phân biệt tốt xấu, phải trái, biết yêu và biết ghét đúng người, đúng sự việc. Phần lớn nội dung của nội san đều lấy những câu chuyện được đăng tải trên báo chí Sài Gòn về tội ác của lính Mỹ, những hình ảnh trẻ em lang thang sống bằng đồ thải của lính Mỹ... để thức tỉnh tinh thần dân tộc, hướng các em làm những việc có ích, tham gia công tác xã hội, dạy học cho trên 200 trẻ em nghèo, không có điều kiện cắp sách đến trường, làm bông giấy, búp bê bán, lạc quyên tiền ủng hộ quỹ cứu tế xã hội...

Hoạt động Đội trong vùng địch tạm chiếm đóng cũng đã mang lại những hiệu quả thiết thực, nhất là trong việc tổ chức các đội viên tham gia các công tác kháng chiến, làm liên lạc, móc mối cơ sở, tổ chức nắm tình hình địch, giúp đỡ các lực lượng vũ trang giải phóng đánh địch. ở Mỹ Tho, trong những chiến công vẻ vang của Đội biệt động thành, có công sức đóng góp của Trịnh Văn Vũ, một thiếu niên mới 13 tuổi. Lợi dụng mình còn nhỏ tuổi, địch ít để ý, Vũ đã khôn khéo áp sát mục tiêu, điều tra, nghiên cứu trận địa, vận chuyển mìn, lựu đạn, súng ngắn... đến các vị trí tập kết để các chiến sĩ biệt động có cơ hội tiếp cận mục tiêu đánh địch. Trong đó có trận đánh của đội trưởng Huỳnh Văn Long vào nhà hàng ăn uống Việt Hải, nơi bọn sĩ quan Mỹ và bọn Ngụy ác ôn thường tụ tập. Nhà hàng nằm cạnh bờ sông Tiền, rất khó tiếp cận. Việc đưa khí tài đến gần mục tiêu càng khó khăn. Để đưa được quả mìn đến vị trí cần thiết, anh Huỳnh Văn Long đã phải ngâm mình dưới nước gần một đêm trời. Còn Trịnh Văn Vũ lại có thể qua mắt địch một cách dễ dàng. Trận ấy, đội biệt động thành phố Mỹ Tho diệt được 30 tên địch, có 8 tên Mỹ. Vũ được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" cấp I.

Trong chiến tranh ác liệt, kẻ địch khủng bố gắt gao, việc chuyển lương thực, thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là số cán bộ chiến sĩ hoạt động trong vùng địch tạm chiếm đóng, nhiều khi cũng là những cuộc chiến đấu sinh tử, đòi hỏi phải khôn khéo mới có thể qua được mắt địch. Tại chiến trường miền Đông - Nam Bộ, trong các năm từ 1969 đến 1971, các vùng đồn điền cao su phần lớn đều bị địch khống chế. Hàng ngày công nhân ra lô cạo mủ, các em đi thả trâu bò đều bị chúng kiểm soát gắt gao, không một thứ gì có thể lọt được ra ngoài, trong khi cán bộ nằm tại địa bàn thiếu thốn đủ thứ: thiếu gạo, thiếu muối, nhất là thuốc chữa bệnh... nhưng không thể tiếp tế. Các em thiếu nhi trong các sở cao su phải tìm đủ cách, từ việc buổi sáng phải ăn thật no, ăn cả phần cho buổi trưa, còn cơm lèn chặt trong guy gô chỉ để dành tiếp tế cho các chú, các anh cán bộ. Để cán bộ có chất ngọt bồi dưỡng sức khỏe, các em mua đường về hòa thật đặc vào nước cho vào can 3 lít để mang đi, tránh con mắt dò xét của bọn lính canh. Nhưng thuốc chữa bệnh thì không thể hòa vào nước các em phải tìm cách khác. Các em đan những cái rọ bịt mõm làm như để cai sữa cho bê lớn và hạn chế bê nhỏ bú sữa, giấu thuốc vào rọ để che mắt địch. Không chỉ các em ở vùng đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ, các em thiếu niên, nhi đồng ở Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng... trong nhiều lần cũng đã phải dùng mưu như thế khi muốn tiếp tế cho cán bộ cách mạng ở những vùng địch chiếm đóng, vùng tranh chấp.

Còn ở Cà Mau, em Cam là một đội viên thiếu niên, thường xuyên tích cực tham gia công tác Đội, bị thương nặng khi bom Mỹ đánh phá vào ấp, biết không thể qua khỏi, em chỉ nói với mẹ: "Con... chết... má bắt con gà chống Mỹ... góp với các bạn gởi cho các chú thương binh!". Con gà là một chuyện nhỏ, nhưng Cam đã gửi theo nó cả một ý chí lớn - ý chí đánh Mỹ của mình, cũng là ý chí của thiếu niên, nhi đồng miền Nam những năm tháng cùng cha anh tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ, cứu nước.

Nhiều em đã trở thành tai mắt của cuộc kháng chiến. ở Phù Cát (Bình Định), có em Vũ Bão, 10 tuổi đã có thể giúp má đưa thư, nhắn tin cho cán bộ cách mạng đang hoạt động tại địa phương. 12 tuổi Bão trở thành một giao liên tin cậy, thường đưa đón cán bộ đi lại hoạt động trong vùng. Em nắm chắc quy luật hoạt động của từng đồn bốt địch, nơi chúng thường tổ chức phục bắt cán bộ. Trong lần cảnh giới bảo vệ cuộc họp của huyện ủy tại xã Cát Khánh, bị địch bao vây, Bão đã dũng cảm dùng xuồng máy, đưa 11 cán bộ của Đảng thoát ra ngoài an toàn. Bị thương vào đùi, máu trào ra như xối, Bão vẫn bình tĩnh giữ chắc tay lái. Bị thương lần thứ hai, trúng ngực, Bão cắn răng, giữ hướng cho xuồng vào khuất sau doi cát có chòm dừa che khuất mới chịu buông lái, khi tim đã ngừng đập. Em được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tưởng nhớ chiến công của người Anh hùng nhỏ tuổi, thành phố Quy Nhơn lấy tên Vũ Bão đặt cho một con đường.

Cũng ở thành phố Huế còn có em Đỗ Văn Tràu, 14 tuổi đã tham gia Đội an ninh vũ trang của thành phố. Chiến đấu bị thương, bị địch bắt, giam cầm trong trại tù thiếu niên, Tràu vẫn tìm cách hoạt động. Em vận động 5 bạn thành lập Đội thiếu niên tiền phong, tham gia đấu tranh không treo cờ ngụy. Khi chúng thích vào tay các em hai chữ "sát cộng", Tràu lấy lửa đốt cháy chỗ da đó và vận động các bạn cùng làm theo. Địch khủng bố, các em tuyệt thực phản đối. Anh em tù binh thường gọi các em là "Đội thiếu nhi chống sát cộng". Tháng 10 - 1970, Đỗ Văn Tràu được kết nạp vào Đoàn và tháng 1 - 1973 được kết nạp vào Đảng.

Nhiều em thiếu niên, nhi đồng táo bạo tổ chức đánh địch ngay trong các thị trấn, thị xã. Hồ Văn Mên, quê ở xã An Thạnh, Lái Thiêu, mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay từ ngày còn nhỏ, em phải ở với bà nội. Bà là cơ sở của chi bộ Đảng. Mên nhiều lần nài nỉ xin các chú cho vô du kích. Nhưng thấy em còn nhỏ, mọi người ngần ngại. Mên rủ bạn mình tên là Thu, tìm cách lân la chơi với bọn lính Mỹ để kiếm súng. Phong trào thiếu nhi tham gia đánh Mỹ ở quê Mên phát triển, nhưng phần lớn đều tự phát. Chi bộ Đảng ở địa phương thấy phải kịp thời tổ chức các em lại, hướng dẫn các em đánh Mỹ. Chi bộ họp, giao cho Đoàn Thanh niên lãnh đạo và tổ chức cho các em tham gia những công việc vừa sức, bảo đảm an toàn tối đa cho các em. Mỗi lần các em tổ chức đánh địch, Đoàn Thanh niên đều bố trí lực lượng hỗ trợ, bố trí cả lực lượng đội quân tóc dài do cô Ba Thà phụ trách, để khi cần đấu tranh không cho địch khủng bố các em. Mừng ngày sinh nhật Bác Hồ 19 - 5, tổ thiếu niên du kích của Mên xin các chú du kích cho đánh địch ngay trong thị trấn Phú Lợi, bằng những trái lựu đạn Mã lai các em được thưởng trước đó. Thị trấn Phú Lợi có sòng tài xỉu ở trong chợ, bọn lính ngụy, phần lớn là những sĩ quan ác ôn, thường tụ tập tại đó đánh bài.

Cái khó ở đây là làm thế nào đánh được địch, nhưng vẫn bảo vệ được dân. Chú Mười cử thêm Điền tăng cường cho nhóm của Mên và Thu, ngoài ra còn có tổ du kích của chú út sẵn sàng hỗ trợ khi cần. Mên và các bạn cho trái Mã lai vào những ổ bánh mỳ, hoặc gói xôi, bình thản tiếp cận mục tiêu. Nhưng mãi người trong chợ vẫn chưa vãn. Chờ đến hơn 10 giờ, vẫn còn 2 chị em một đứa bé bế nhau mê mải đứng xem đánh bài và một anh thanh niên đang say gỡ. Phải tìm cách mãi mới điều được những đối tượng này ra xa. Khi đã yên tâm chỉ còn lại trên chiếu bạc bọn sĩ quan ác ôn đủ các sắc lính ngụy, Mên mới ra hiệu, để cùng lúc 3 trái Mã lai được tung vào giữa đám bạc, làm chết một lúc 30 tên, 29 tên khác bị thương, trong đó có 5 tên sĩ quan và 10 tên bình định.

Tổ thiếu nhi du kích của Hồ Văn Mên còn mưu trí đánh địch nhiều trận, đánh cả bọn lính Pắc Chung Hi. Có trận Mên tổ chức đặt mìn định hướng vào trong một gánh cỏ của một bác cơ sở để bác gánh đến gần chỗ bọn địch sư 5 đang co cụm, mới điểm hỏa, mìn nổ thổi bay cả đám lính địch, còn Mên thì rút êm. Riêng Hồ Văn Mên đã diệt 80 tên, 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt cơ giới và dũng sĩ Quyết thắng cấp ưu tú, được cử đi dự Đại hội thi đua của Khu và tham gia đoàn đại biểu của Khu dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn miền Nam.

Những dũng sĩ nhỏ tuổi xuất hiện ngày càng nhiều, mỗi người một vẻ lập công. Lê Văn Nghĩa ở Hóc Môn, dùng búa đánh mạnh vào huyệt "phong thủ" giết tại chỗ tên Theo chỉ huy bọn biệt kích gian ác; Trần Văn Chẩm, ở đất thép Củ Chi, đã dũng cảm xử tội chết tên đại diện Chưng có nhiều tội ác với nhân dân ngay tại một quán nước bên đường chỉ bằng một phát súng. Về sau địch bắt được em và Chẩm đã hi sinh lúc mới 14 tuổi. Trần Văn Chẩm được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (Tuyên dương 6 - 1995).

Sau thắng lợi của các hoạt động quân sự trong Đông - Xuân 1972, vùng giải phóng được mở rộng ở miền Đông - Nam Bộ, tỉnh Bình Phước được thành lập. Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1973, lần đầu tiên Đại hội "Cháu ngoan Bác Hồ" cấp tỉnh được tổ chức. 100 đại biểu "Cháu ngoan Bác Hồ" tiêu biểu cho phong trào thiếu nhi miền Nam những năm chiến đấu chống Mỹ gian khổ và oanh liệt của tỉnh Bình Phước đã dự Đại hội, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần vươn lên lập công không chỉ đối với thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh. Một số địa phương khác như Cà Mau, Tây Ninh cũng đã tiến hành xét chọn và mở "Đại hội thiếu nhi Thành đồng". Tuy diện tổ chức được "Đại hội Thiếu nhi Thành đồng" chưa rộng song cũng đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào "Việc nhỏ chí lớn" của thiếu nhi miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Vùng giải phóng được mở rộng, thiếu niên, nhi đồng miền Nam ngày càng được quan tâm chăm sóc về đời sống, về học tập, vui chơi. Trong nhiều năm trước việc học tập của thiếu niên, nhi đồng ở các vùng giải phóng đã có những bước phát triển đáng chú ý. Chỉ riêng ở Cà Mau, trước năm 1968 đã có 40.000 học sinh các cấp. Nhưng sau chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968, kẻ địch đẩy mạnh bình định, đánh phá ác liệt nhiều vùng căn cứ cách mạng. Việc học tập của các em gặp khó khăn. Trường lớp phân tán, không ổn định. Nhiều nơi các em phải ăn ngủ dưới hầm, vệ sinh không đảm bảo, sức khỏe giảm sút. Chất lượng học tập sút kém dần. Sau năm 1972, việc học tập của các em từng bước được khắc phục. Các em nêu khẩu hiệu "Đi học là thắng Mỹ, học giỏi là dũng sĩ", không ngừng phấn đấu vươn lên. ở phân khu 2, các em nêu quyết tâm "Căm thù Mỹ em gắng học chăm". Phong trào học tập của các em đi dần vào nền nếp, chất lượng học tập không ngừng được nâng lên. Nhiều em phấn đấu trở thành học sinh giỏi.

Cùng với việc đẩy mạnh phong trào học tập, một số địa phương, bước đầu đã đi vào hoạt động theo những chủ đề thích hợp, như "Em yêu anh giải phóng quân", hoặc "Lít gạo nuôi quân, góp phần thắng Mỹ" "Con khô (cá) gửi ra tiền tuyến", "Chòi của bộ đội"... Chỉ tính sơ bộ, trong 5 năm (từ 1966 - 1970), thiếu niên, nhi đồng các tỉnh, thành phố miền Nam đã trồng được 1.150.000 cây xanh, cây ăn trái; 900.000 gốc mì cách mạng; ủng hộ bộ đội 123.356 kg rau xanh, 900 con gà, 1.500 kg cá khô; góp 2.000 lít gạo nuôi quân.

Những năm từ 1954 - 1975, là thời kỳ thiếu niên, nhi đồng nước ta, cũng như cha anh mình, phải trải qua nhiều thử thách, đôi khi vượt rất xa những gì lứa tuổi các em có thể có, cả thể chất, tâm, sinh lí và nhất là năng lực hành động. Cũng là thời kỳ tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh, được sự quan tâm chăm sóc của Đảng, của Đoàn đã từng bước trưởng thành, hình thành hệ thống hoàn chỉnh, với Điều lệ, Nghi thức của Đội mang tính chất chính quy, tạo cơ sở để hoạt động Đội đi dần vào nền nếp, tổ chức các phong trào hành động cách mạng phù hợp, lôi cuốn đông đảo thiếu niên, nhi đồng không ngừng rèn luyện phấn đấu theo 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành con ngoan trò giỏi, "Cháu ngoan Bác Hồ", góp phần đào tạo nên những thế hệ tuổi trẻ, đáp ứng nhu cầu sự nghiệp cách mạng như Bác Hồ từng mong muốn.

Đội Thiếu niên Tiền phong luôn gắn liền hoạt động và giáo dục của mình với thực tiễn cách mạng và lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, thật sự đã trở thành trường học cộng sản chủ nghĩa đầu tiên của tuổi trẻ, góp phần hình thành phẩm chất những thế hệ con người mới phát triển toàn diện, là nơi các em tập dượt để trở thành người chủ xã hội mới, thành đội hậu bị đông đảo của Đoàn và là lực lượng dự trữ trẻ tuổi của Đảng.

Các thế hệ thiếu niên, nhi đồng cùng cha anh đã trải qua những năm tháng cam go nhưng vô cùng oanh liệt, đánh thắng đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thu về một mối giang sơn gấm vóc, càng vững bước trên con đường xây dựng một xã hội giàu mạnh, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công bằng, dân chủ và văn minh, dù còn phải vượt qua không ít thử thách trên con đường vạn dặm.



tải về 0.77 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương