Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


- Viên ngọc quí thứ hai trong bộ Luận ''Na-Tiên Tì-Kheo Kinh''



tải về 1.4 Mb.
trang4/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   59

5.- Viên ngọc quí thứ hai trong bộ Luận ''Na-Tiên Tì-Kheo Kinh''.


Viên ngọc nầy liên-quan đến Thái-độ đứng-đắn trong khi bàn-luận về Giáo-Pháp. Xin chép lại đoạn văn quan-trọng sau đây trong bộ Luận ''Na-Tiên Tì-Kheo Kinh'' nói đến thái-độ đứng-đắn ấy:

Vương hỏi Na-Tiên:

- Sư có thể cùng Ta bàn-luận về các Kinh khó chăng?
- Nếu Vua dùng trí-huệ để hỏi tôi, thì có thể cùng nhau bàn-luận. Nếu Vua dùng ý lời vương-giả kiêu-quí, thì chẳng thể cùng Vua bàn-luận được.
- Trí-huệ có bao nhiêu loại? 
- Bực trí-giả, khi đàm-luận, hết sức vặn hỏi cùng nhau, giải rõ cùng nhau, lời nói cao, lời nói thấp, lời nói chánh-trực, lời nói bất-chánh; có thắng, có thua tự mình biết lấy phải trái, đó là trí-huệ tối-thượng, chẳng cần chút giận-hờn. Bực trí-giả là như thế đó. 
- Lời nói vương-giả có bao nhiêu loại? 
- Lời nói vương-giả tự phóng theo cảm-nghĩ của mình, hễ có chỗ trái lệ chẳng như ý Vua, tức thời Vua bắt tội nặng, phạt giết đi. Như thế đó là lời nói bực vương-giả.

Vương liền nói rằng:

- Nguyện dùng lời nói của bực trí-giả, chẳng dùng lời nói của vương-giả, chẳng giữ ý-nghĩ vương-giả trong lời mình nói, chỉ nên nói theo như lời đệ-tử của chư Sa-môn, như lời các vị ưu-bà-tắc. Nên theo lời của chư Sa-môn mà khiến cho lòng mình chẳng mang sợ-hãi, chánh-tâm cũng được khai-ngộ. 

Na-Tiên liền thốt lên rằng:

- Thật lành thay! 

Sự phân-biệt của Na-Tiên giữa lời nói của bực trí-giả và lời nói của bực vương-giả, đưa đến thái-độ đứng-đắn cho những ai tham-dự một cuộc tranh-luận về Giáo-Pháp. Lời nói ngay-thẳng, chơn-chánh, hướng về Chơn-lý, có thua, có thắng, tự mình mình biết lấy phải-trái, dẫu thất-bại cũng chẳng chút giận-hờn, trái-ngược hẳn với thái-độ của kẻ bướng-bỉnh, ngoan-cố, biết rõ mười-mươi đối-phương hữu-lý mà vẫn cố cượng-cầu, phải chăng đó là vì tự-ái còn quá sâu-đậm, cái Ngã còn to-tướng như ... cái bồ! Lời nói kiêu-quí, phóng theo cảm-nghĩ của riêng mình, gặp chỗ chẳng vừa ý thì hung-hăng chống-đối, để bảo-vệ các thành-kiến cố-chấp, đó là thái-độ của kẻ tự-cao trong một phút ''bốc-đồng'' đã dại-khờ bỏ qua mất cơ-hội hưởng lợi-lạc được đến gần với Chơn-lý mà đối-phương đã mang tới cho mình. 

Đức khiêm-cung của vua Di-Lan được biểu-lộ ra rất rõ-ràng trong lời nói sau đây, thật đáng cho ta khâm-phục:

- Nguyện dùng lời nói của bực trí-giả, (...) chẳng giữ ý-nghĩ vương-giả trong lời mình nói...

Viên ngọc quí thứ hai của bộ Luận chính là nằm ngay tại đấy.

*

Khi suy-gẫm về đoạn văn ''quí-giá'' trên đây thuật lời đối-đáp giữa Na-Tiên và vua Di-Lan, Thiện Nhựt có thêm vài cảm-nghĩ thô-thiển của mình, về thái-độ chơn-chánh tại các buổi nói chuyện Đạo:



1.- Kinh-sách Phật-học thường nhắc đến lời Đức Phật dạy là phải tránh các cuộc hí-luận. Thế nào là hí-luận? Hí là vui-đùa. Luận là bàn-cãi. Thường thấy, tiếp theo các buổi trà dư tửu hậu, nhiều người tự nhận là ''bực trí-thức hiểu Đạo'' ngồi nhâm-nhi tách trà, bàn-luận nhau với lời-lẽ dao to búa lớn mà ý-nghĩa lại rỗng-tuếch, phê-bình vị đại-sư nầy, khen ngợi vị thiền-giả kia, từ Đông sang Tây, hết kim đến cổ, đó là ... bàn luận chơi cho vui, vậy thôi, chớ nào phải đi tìm Chơn-Lý để rút lấy kinh-nghiệm tu-tập. Thế cho nên, Đức Phật mới gọi là hí-luận và dạy ta cần phải tránh.

2.- Kinh-sách Phật-học phân-biệt hai loại Chơn-Lý: (1) sự-thật ở thế-gian, có thể đúng nơi nầy, vào lúc nầy, mà cũng có thể chẳng hợp với chỗ kia, vào một thời khác, cho nên gọi đó là tục-đế, nghĩa là sự-thật tương-đối trong đời sống thế-tục; (2) sự-thật đúng muôn đời và khắp mọi nơi, đưa con người tu-hành đến nơi giác-ngộ và giải-thoát, vì thế cho nên mới gọi là chơn-đế, nghĩa là Chơn-Lý tuyệt-đối của lãnh-vực xuất-thế-gian. Bởi thế người hiểu-biết bao giờ cũng nghĩ là mình chưa hề nắm vững được Chơn-đế, nên phải giữ thái-độ khiêm-hoà, chẳng dám liều-lĩnh bảo rằng điều mình nói đây là sự-thật duy-nhứt và tối-thượng. Trái lại, tâm-trạng kẻ ấy nên mở rộng ra đón nhận tạm-thời lời-lẽ của người đối-thoại, hẹn với lòng mình sẽ truy-cứu thêm chỗ đúng cùng sai, hầu rút lấy kinh-nghiệm tu-tập cho bản-thân.

3.- Thái-độ thích-nghi khi luận-bàn về Giáo-lý là phải hết sức thành-khẩn trong tư-tưởng và lời nói:

a.- Về phía người thưa hỏi, ở vị-thế của người đi học Đạo, cần phải giữ lễ-độ với người mà mình thưa-thỉnh. Thái-độ đứng-đắn là nêu ra các câu hỏi cho rõ-ràng, chú-trọng đến chỗ mình còn nghi-ngờ chưa được giải rõ. Và khi nghe lời giảng-giải, phải lắng lòng, chú-tâm, chẳng vội chấp-nhận mà cũng chẳng bài-bác ngay, nếu có chỗ chưa kịp hiểu, thì xin được minh-chứng thêm bằng các thí-dụ cụ-thể trong đời sống hằng ngày.

b.- Về phần người được hỏi, chẳng bao giờ để khởi lên trong lòng mình một chút ý-nghĩ tự-hào cỏn-con nào rằng mình biết Đạo hơn người kia, nếu chẳng đáng làm Thầy thì cũng là người đi trước. Và khi giảng-giải, phải tùy theo căn-cơ của người nghe mà dùng lời-lẽ giản-dị, rõ-ràng, dễ hiểu, kèm theo các thí-dụ thực-tế.

4.- Trong một cuộc thảo-luận về các vấn-đề đạo-giáo, có hai điều mà kẻ hỏi và người đáp, cần nên tránh, thì mới xứng-danh là một cuộc thảo-luận đứng-đắn và hữu-ích:

a.- Về phía người hỏi, chớ bao giờ có ẩn-ý muốn dồn kẻ đối-thoại vào ... ngõ bí. Trên điạ-hạt tâm-linh, có nhiều vấn-đề mà chính Đức Phật đã gọi là bất-khả tư-nghì, nghĩa là chẳng thể nghĩ bàn rốt-ráo được với lời-lẽ của thế-gian. Đừng đòi hỏi có cho được những bằng-cớ thật cụ-thể, tai nghe mắt thấy, có thực-nghiệm của khoa-học chứng-minh rồi mới chấp-nhận. Điều mình chẳng tin được, trong khung-cảnh thời-gian và không-gian hiện-tại, chưa chắc hẳn là chẳng thể nào có được, biết đâu đó lại là một sự-thật tại một cảnh-giới khác, vào một thời khác. Thế cho nên, thái-độ khoa-học chơn-chánh là phải tỏ ra dè-dặt, chớ vội bác-bỏ hoàn-toàn mà chưa xét kỹ lại khả-năng thông-hiểu của trí-óc con người (và trí-óc của mình nữa).

b.- Về phía người đóng vai-trò hướng-dẫn, tưởng cũng chẳng nên đưa ra ''tối-hậu-thơ'': ''Tôi nói như thế, có tin thì tu theo, còn chẳng tin, thì cứ giữ lấy quan-niệm của mình vậy!'' Người thưa hỏi thành-tâm muốn được giải chỗ còn hoài-nghi, nghe câu nói đó rất chán-nản, và đạo-tâm vì thế mà lùi-sụt. 

Lại nữa, cũng đừng nên dùng luôn câu nói quá dễ-dàng nầy: ''Tôi nói thế, đạo-hữu cứ đọc đi, tụng đi, thi-hành theo đi, rồi sẽ có ngày hiểu rõ được ý-nghĩa sâu-xa mà đạo-hữu muốn hỏi.'' Người hỏi đang chờ đợi một vài câu khuyên thực-tiễn, đôi lời giảng-giải gọn-gàng về ý-nghĩa trong đoạn Kinh, câu kệ hiện còn thắc-mắc ấm-ức trong bụng, làm sao mà tiếp-tục đọc-tụng thêm được nữa, nếu chỗ hồ-nghi còn chưa được giải-toả. Tưởng chẳng có chi là đáng hổ-thẹn khi chính mình nhận thấy mình còn chưa đủ lời-lẽ để phân-tách điều đang được hỏi, sao lại chẳng thành-thật nhìn-nhận sự thiếu-sót của mình và mời người hỏi tìm đến một bực cao-minh nào khác?

5.- Và trong mọi trường-hợp, chớ chẳng cứ là chỉ trong các dịp thảo-luận mà thôi, luôn luôn nên giữ thái-độ cởi-mở, đón nhận mọi lý-lẽ, -- tin hay chẳng chịu tin, đó là quyền tự-do tư-tưởng riêng bên trong của mình -- hãy lắng nghe để cho người đối-thoại có đủ cơ-hội trình-bày lập-trường. Thái-độ đáng trách nhứt là cố-chấp, ôm giữ khư-khư các ý-kiến, các cảm-nghĩ cá-nhơn, và cả các thành-kiến.




tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương