Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Phẩm thứ mười một, Tịnh Hạnh Phẩm Phần 30 大方廣佛華嚴經 十一)淨行品



tải về 410.22 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích410.22 Kb.
#39615
1   2   3

()振以乞食。

(Sớ: Dùng rung lên để khất thực).

Trong khi khất thực, chẳng thể hỏi người ta để xin, khất thực bằng cách nào? Rung tích trượng. Trên tích trượng thường là treo hai hay ba cái vòng, hễ rung lên, nó sẽ phát ra tiếng. Người bên trong nghe bên ngoài có tiếng rung tích trượng của người xuất gia, biết ngay là người ấy đến khất thực, chẳng cần nói chuyện. Rung ba lần mà người ta vẫn chẳng mở cửa, bèn ngay lập tức rời khỏi, đến khất thực nhà thứ hai. Nhà thứ hai chẳng có, đến nhà thứ ba. Có thể xin tới bảy nhà, chẳng thể đến nhà thứ tám. Xin bảy nhà chẳng được, ngay lập tức trở về. [Ôm bát rỗng] trở về, vẫn có cái ăn. Vì có đồng bạn khất thực được nhiều sẽ chia sẻ với quý vị. Vì thế, khất thực chẳng thể xin hơn bảy nhà, luôn có quy củ. Quý vị thấy hòa thượng nào vượt hơn bảy nhà, đi xin khắp nơi, [đó là kẻ] chẳng có quy củ! Do vậy, đấy là cách sử dụng của tích trượng.

Phát ra nguyện tương tự, “đương nguyện chúng sanh, thiết đại thí hội, thị như thật đạo” (nguyện cho chúng sanh, lập hội đại thí, chỉ bày đạo như thật). Chúng ta đi khất thực, người thí thực [được gọi là] “thí chủ”. Thời cổ, cuộc sống cũng chẳng phải là rất giàu có, dư dả. Vì thế, khất thực nhất định phải tùy duyên. Người ta cho gì ăn nấy, chẳng có tâm phân biệt. Một bát cơm này, quý vị đến nhà người này, người ta chỉ cho một muỗng to, đương nhiên là chẳng đủ! Lại đến nhà thứ hai [để xin tiếp]; do vậy, có thể đến bảy nhà. Bảy nhà gần như đầy bát, có thể xin được một bát cơm. Có dư, sẽ san sẻ cho người khác. Nếu đại chúng đều có, còn dư ra, sẽ chia cho chim thú, quyết định chẳng thể chừa lại để đợi sang ngày hôm sau mới ăn. Đức Phật quy định người xuất gia không ăn cơm và đồ ăn để qua đêm. Đây cũng là chú trọng vấn đề vệ sinh. Do trước kia, hoàn toàn chẳng có tủ lạnh. Chẳng có tủ lạnh, cơm và thức ăn ấy để sang hôm sau, nhất định là sẽ biến đổi mùi vị. Do vậy, sau khi ăn xong, phần còn dư sẽ bố thí cho chim, thú.

Đối với người xuất gia, thí chủ đã hành Tài Bố Thí. Đồ ăn thuộc loại Tài Bố Thí. Để báo đáp, người xuất gia nhất định thuyết pháp cho người ấy (thí chủ), chẳng thể nhận suông! Phải thuyết pháp, phải chúc phước cho người ấy. Trong các tôn giáo ở ngoại quốc thì kỳ đảo (祈禱, cầu nguyện) cho họ, chính là vì ý nghĩa này. Cầu phước cho họ. Đó là Pháp Bố Thí. Dùng Pháp Bố Thí để báo đáp. Ở đây, khẳng định là có [Pháp Bố Thí]. Không chỉ là có, mà chúng tôi tin tưởng là còn có rất nhiều. Đó là gì? Trong cuộc sống hằng ngày, trai chủ gặp những chuyện nghi nan chẳng thể giải quyết, bèn hướng về người xuất gia thỉnh giáo. Cớ sao chúng ta biết? Quý vị thấy trong kinh Phật, chuyện tuơng tự như vậy quá nhiều! Khá nhiều người gặp mặt Thích Ca Mâu Ni Phật, hễ gặp phải những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày của chính mình, đều hướng về lão nhân gia nêu ra, thỉnh cầu lão nhân gia chỉ dạy. Do vậy, chúng ta có thể liên tưởng, đệ tử Phật hằng ngày ra ngoài khất thực, khẳng định là sẽ gặp gỡ những vấn đề ấy, nay chúng ta gọi là “cơ hội giáo dục”. Đấy là phương pháp giúp đỡ chúng sanh hữu hiệu nhất, mà cũng là thuận tiện nhất, chẳng chú trọng hình thức, cũng chẳng bị bó buộc. Một hỏi, một đáp, sẽ giúp người ấy giải quyết vấn đề nghi nan!

Vì thế, dẫn phát đại nguyện “thiết đại thí hội”. “Đại thí hội” (大施會, hội bố thí rộng lớn) là đại pháp hội. Có thể nói mỗi ngày đức Thế Tôn đều lập hội đại thí, hằng ngày vì mọi người giảng kinh, thuyết pháp, vì mọi người giải quyết những vấn đề nghi nan. Mọi người đều biết rõ chuyện này. Ngài giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm. Thuở đức Thế Tôn tại thế, pháp hội lớn nhất là hội Bát Nhã, giảng Bát Nhã hai mươi hai năm, thời gian dài như thế đó. Đấy là một đơn nguyên (unit) lớn. Đương nhiên là trong một đơn nguyên lớn, có thể chia thành nhiều trung đơn nguyên và tiểu đơn nguyên. Trong kinh, chúng ta đã thấy Thường Tùy Chúng của đức Thế Tôn là một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị. Đấy là những vị thường theo Ngài, suốt đời chẳng rời khỏi đức Phật. Đức Phật đến đâu, các Ngài đều theo đến đó. Chúng ta có thể tưởng tượng, còn có những người chẳng phải là Thường Tùy Chúng, chẳng phải là vĩnh viễn theo gót đức Phật. Họ theo đức Phật một tháng, hai tháng, nghe một bộ kinh, nghe hết một đơn nguyên, [những kẻ như vậy] nhiều lắm! [Những người] nghe một năm, nửa năm cũng chẳng ít. Những thính chúng như vậy chẳng ghi chép số lượng, khi kết tập kinh bèn nhắc sơ qua là xong, [thí dụ như câu] “dữ nhất thiết đại chúng câu” (nhóm họp cùng hết thảy đại chúng), được bao gồm trong một chữ “câu” (俱). Đấy là trạng huống giáo học thuở đức Thế Tôn tại thế!

Những chỗ có đệ tử Phật cư trụ, các Ngài sẽ thay Phật hoằng dương, giáo hóa, chúng ta phải hiểu điều này. Sau khi đã học, họ cũng phải đi giảng khắp nơi, dạy và học tăng trưởng lẫn nhau, ta và người cùng được lợi. Người học trò nào (đệ tử đức Phật) đi khất thực chính là dạy học, là cơ hội giáo học. [Đối với những học trò] có năng lực, có pháp duyên, hễ có nơi khác thỉnh, đức Phật cũng thường phái đệ tử đến đó: “Nơi ấy có duyên với ông, nay ông đến nơi đó giảng cho họ một buổi”. Thường có [chuyện như thế đó]. Do cách dạy như vậy, Phật pháp có thể tạo ảnh hưởng to lớn. Quý vị thấy Ngài có hơn một ngàn học trò, một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị ấy, chúng ta biết vị nào cũng đều có thể nói ra những đường hướng tốt lành, tu tập tốt đẹp! Do tu tập tốt đẹp, nhất định sẽ giảng tốt đẹp. Vì thế, trong kinh thường chép các Ngài là “giai thị đại A La Hán, chúng sở tri thức” (đều là bậc đại A La Hán, mọi người đều hay biết). Nếu không thường xuyên ra ngoài giảng, chẳng thường xuyên tiếp xúc đại chúng, làm sao người ta có thể nhận biết quý vị cho được. Do vậy, từ những hàng chữ này, quý vị cũng liễu giải trạng huống hoằng pháp thuở đức Thế Tôn trụ thế.

Đức Phật đã vì chúng ta thị hiện một ý nghĩa hết sức sâu xa. Trong sự thị hiện ấy, chư vị phải ghi nhớ: Đức Phật chẳng có đạo tràng, thật sự xuất gia. Thuở ấy, trong số các vị đệ tử tại gia của đức Phật, có rất nhiều vị quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ; nay chúng ta nói họ là “hào môn quý tộc” (豪門貴族, gia tộc quyền quý, có thế lực) rất nhiều, đều là đệ tử của đức Phật. Những vị tại gia đệ tử cũng thường lễ thỉnh đức Phật đến khu vực cai quản của họ, quốc vương thì có lãnh thổ quốc gia, nghênh thỉnh đức Phật đến nơi đó giảng kinh, thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, bèn cung cấp vườn, rừng, tinh xá [cho Tăng đoàn cư trụ]. Đức Phật có cự tuyệt hay không? Rất tùy duyên. Quý vị cung cấp tinh xá, được! Chúng ta trụ trong tinh xá. Chẳng có tinh xá, chúng ta bèn qua đêm dưới cội cây. Quý vị thấy tự tại lắm, tiêu sái lắm, chẳng bó buộc, hết thảy tùy duyên, chẳng phan duyên. Chúng ta nhìn từ chỗ này, học tập từ chỗ này!

Quốc vương đại thần cung cấp những vườn, rừng, tinh xá như Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên. Nơi ấy thuộc loại hoa viên tư nhân của trưởng giả Cấp Cô Độc, cuộc đất rất lớn, Tăng đoàn to ngần ấy hoạt động trong đó, chắc chắn là chẳng bị trở ngại gì! Nhưng đức Phật chẳng cần quyền sở hữu những nơi ấy, chẳng phải là [thí chủ] nói “ta cúng dường khu vườn này cho Thích Ca Mâu Ni Phật”. Khi đó, cúng dường là gì? Cúng dường chỗ này để quý vị giảng một bộ kinh, dạy một môn công khóa này ở nơi đây. Sau khi dạy xong, chỗ khác thỉnh, đức Phật bèn rời khỏi. Chúng ta nói theo kiểu hiện thời, [sẽ là] đức Phật tiếp nhận quyền sử dụng, chẳng tiếp nhận quyền sở hữu. Viên lâm tinh xá ấy vẫn là của trưởng giả Cấp Cô Độc. [Cuộc đất ấy] vốn là của thái tử Kỳ Đà, trưởng giả Cấp Cô Độc dùng vàng ròng trải đất để mua lại, trao cho trưởng giả Cấp Cô Độc. Chúng ta hiểu đạo lý này!

Sau này, Phật giáo truyền sang Trung Hoa. Tự, viện, am, đường của Trung Hoa do đế vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ kiến lập; kiến lập để cúng dường người xuất gia. Sự cúng dường [tại Trung Hoa] và sự cúng dường tại Ấn Độ khác nhau. [Tại Trung Hoa], ngay cả quyền sở hữu cũng đều nhường cho, nhưng là nhường cho Tăng đoàn, chẳng phải là nhường cho một ai đó, vẫn đúng pháp y như cũ! Do vậy, đạo tràng tại Trung Hoa được gọi là “thập phương đạo tràng”. Chỉ cần là người xuất gia, thật sự là người xuất gia, đã thọ giới, xưa kia bèn có độ điệp, có giới điệp, quý vị đến đạo tràng ấy, [mọi người đều] chiếu cố, đều có thể “an đơn”7. Vì thế, người xuất gia chẳng sợ không có chỗ ở, bất cứ đạo tràng nào cũng đều là người một nhà, giống như anh em ruột, chẳng có lẽ nào không chiếu cố! Mỗi đạo tràng đều có đạo phong và học phong của chính mình. Nếu [đạo phong và học phong nơi ấy] rất tương ứng với quý vị, quý vị rất ưa thích, có thể lưu lại nơi ấy một thời gian dài để học tập. Chỗ chẳng tương ứng, hoặc chẳng ưa thích pháp môn ấy, không ưa chuộng phương pháp ấy, quý vị ở nơi đó mấy hôm, có thể đến tham học nơi khác!

Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn là do căn tánh bất đồng của chúng sanh mà kiến lập. Do vậy, tại Trung Hoa, Phật pháp có mười tông phái. Mười tông, trong mỗi tông còn chia ra các phái. Đấy là gì? Nhằm thích hợp các loại căn tánh bất đồng của chúng sanh. Vì thế, người học Hoa Nghiêm sẽ đều đến núi Ngũ Đài. Núi Ngũ Đài là đạo tràng của tông Hoa Nghiêm. Học Pháp Hoa bèn đến núi Thiên Thai, đến Chiết Giang, giống như hiện thời chúng ta nói đến đại học chuyên khoa. Một người mà mong học trọn các pháp do đức Thế Tôn đã nói trong bốn mươi chín năm sẽ là chuyện chẳng thể được! [Bởi lẽ, toàn thể Phật pháp] giống như một đại học hoàn chỉnh! Căn tánh của bọn người đời sau như chúng ta chẳng bằng cổ nhân. Vì thế, muốn thành tựu, chỉ có thể từ trong các kinh điển, chọn ra một phần mà quý vị ưa thích, quý vị có thể đọc tụng, lý giải, thâm nhập một môn, huân tu lâu dài, sẽ có thể thành tựu. Nhất định phải biết bí quyết ở chỗ này là “thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”.

Căn tánh hiện thời cũng là ngày càng chẳng bằng cổ nhân, đúng như người đời đã nói: “Mỗi thế hệ sau chẳng bằng thế hệ trước”. Lời này là thật, chẳng giả! Nguyên nhân là gì? Thiện căn và phước đức chẳng bằng cổ nhân, chướng duyên bên ngoài đối với mỗi thế hệ càng nghiêm trọng hơn! Thành tựu trong thời đại hiện thời há dễ dàng ư? Đối với tiếng tăm, lợi dưỡng, tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, quý vị có thể chẳng động tâm ư? Hễ động tâm sẽ thoái chuyển, đọa lạc trên một mức độ lớn. Đấy là chướng duyên bên ngoài. Trong có phiền não, ngoài có ác duyên, làm sao quý vị có thể thành tựu cho được? Vì thế, trong thế hệ này, thuở trước, thầy Lý đã giới thiệu tôi học theo pháp sư Ấn Quang. Trong quá trình học tập, xác thực là [chuyện này] có tánh chất tất yếu: Chúng ta mới học, phải theo một vị thầy tốt, chẳng thể rời khỏi thầy. Theo thầy thì phải chọn lựa, chính mình chẳng thể chọn lựa, đã có thiện tri thức hướng dẫn, duyên ấy hết sức thù thắng!

Ấn Quang đại sư chẳng còn trụ thế, chúng ta học theo Ngài bằng cách nào? Trước tác của lão nhân gia hãy còn. Hằng ngày đọc Văn Sao của Ngài, làm học trò của Ngài. Quý vị đọc mà có thể liễu giải, liễu giải rồi có thể hành, có thể làm được, sẽ là học trò của tổ Ấn Quang. Tổ Ấn Quang gần thời đại của chúng ta, nghe lời Ngài, chắc chắn sẽ chẳng có sai lầm. Ngài dạy chúng ta, trong thời đại hiện tại, chẳng cần dựng đạo tràng lớn, hãy dựng Niệm Phật Đường với quy mô nhỏ, chúng thường trụ đừng vượt quá hai mươi người, cùng nhau học kinh, niệm Phật. Đấy là Tịnh Độ Tông. Học kinh thì chỉ giới hạn trong năm kinh một luận của Tịnh Độ, sẽ là tốt đẹp. Chớ nên học quá nhiều, chớ nên học quá tạp, hãy nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh Độ. Phải mất bao nhiêu thời gian? Nhìn từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, từ Vãng Sanh Truyện, [sẽ thấy] tuyệt đại đa số là từ ba năm đến năm năm bèn thành tựu, vãng sanh.

Trong quá khứ, có đồng học hỏi tôi, người hỏi ấy là bậc xuất gia, ông ta nói mình đọc Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, xem Vãng Sanh Truyện, [thắc mắc]: Những người ấy có phải là từ ba năm đến năm năm thọ mạng đã hết? Vì sao thời gian [tu niệm Phật vãng sanh] đều là như vậy? Tôi nói: Cách nhìn ấy chẳng hợp lý luận! Há có chuyện xảo hợp như thế? Chẳng thể nào! Đó là do nguyên nhân gì? Những vị ấy công phu đã thành tựu, tuy hãy còn thọ mạng mà chẳng cần nữa. Pháp môn Niệm Phật này đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Thiện Đạo đại sư đã dạy: “Vạn người tu, vạn người vãng sanh”. Tu hành đúng lý, đúng pháp, chẳng có một ai không thành tựu. Nhưng trong xã hội hiện tiền, thầy Lý nói, năm xưa ở Đài Trung, lão nhân gia thường nói: “Một vạn người niệm Phật, thật sự có thể vãng sanh hai, ba người”. Chẳng phải là vạn người tu, vạn người đến, mà biến thành hai, ba người! Đấy là do nguyên nhân nào? Chẳng đúng lý, chẳng đúng pháp. Đó gọi là “miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, hét toạc cổ họng cũng uổng công”. Loại người ấy đông lắm!

Chẳng thể buông xuống phiền não tập khí, sẽ chẳng phải là thật tu; chẳng giống như cổ nhân, cổ nhân thật sự hành! Thân, tâm, thế giới hết thảy đều buông xuống thì mới hữu dụng. Dăm ba năm, quý vị sẽ vĩnh viễn thoát ly lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi là biển khổ, quý vị thật sự thành công. Nếu quý vị chẳng chịu buông xuống, nếu còn lưu luyến pháp thế gian, còn có chấp trước, còn muốn dính dáng, quý vị sẽ chẳng thể vãng sanh. Người thật sự niệm Phật, chuyện gì cũng đều buông xuống, quý vị giao tiếp với họ, thứ gì cũng đều tốt, chẳng có thứ gì không tốt! Vì sao? Những thứ rác rưởi đều là chuyện của quý vị, chẳng có mảy may liên quan với tôi, tôi cần gì phải can thiệp quý vị? Hết thảy đều tùy duyên, trọn chẳng phan duyên!

Nay dẫu đúng như tổ Ấn Quang đã dạy, [đạo tràng của] chúng ta là tiểu đạo tràng. Giống như Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội là một tiểu đạo tràng, tiểu đạo tràng vẫn có thể lập hội đại thí! Đấy chính là lợi dụng khoa học kỹ thuật cao trong hiện tại, đạo tràng của chúng ta có mạng Internet, có vệ tinh. Chúng ta cùng nhau học tập tại đây, cùng nhau tu hành, lợi dụng Internet và vệ tinh khiến cho người hữu duyên trên toàn thể thế giới có thể đồng thời cùng nhau học tập. Hội đại thí ấy còn lớn hơn những pháp hội thời đức Thế Tôn tại thế. Nhìn từ dấu tích, còn to hơn hội của đức Thế Tôn, nhưng trên thực tế, sẽ là đuổi theo hít bụi chẳng kịp! Vì sao? Hội đại thí của đức Thế Tôn trọn khắp pháp giới, hư không giới. Chúng ta chẳng biết điều này, chẳng trông thấy, xác thực là trọn khắp pháp giới, hư không giới. Học giáo pháp Đại Thừa đã nhiều năm ngần ấy, Lý và Sự đều hiểu rõ, còn đợi chứng minh. Khi nào sẽ chứng minh? Vãng sanh thế giới Cực Lạc sẽ chứng minh.

Đức Thế Tôn đã giới thiệu hội đại thí của A Di Đà Phật, cảnh giới trang nghiêm ấy xác thực là chẳng có cách nào hình dung được! Chỉ có thể nói là “chẳng thể nghĩ bàn”! Người học trong mười phương thế giới, người đắc tâm thanh tịnh, từ trong Định đều có thể trông thấy. Nay chúng ta hiểu rõ, từ trong Định bèn đột phá thời gian và các chiều không gian. Đã đột phá các chiều không gian, sẽ chẳng có gần xa, khắp pháp giới, hư không giới đều ở trước mặt, chẳng có khoảng cách. Đã đột phá thời gian, chẳng có trước hay sau. Chúng ta có thể nghe cổ Phật đang giảng kinh, thuyết pháp, cũng có thể thấy hội đại thí của vị lai Phật. Trong hiện thời, các nhà khoa học đã chứng minh chuyện này là có thể, là thật: “Thời gian và không gian đều có thể đột phá”. Nhưng khoa học kỹ thuật hiện thời vẫn chưa làm được, chẳng biết dùng phương pháp gì để đột phá! Hiện thời, chỉ là chứng minh thời gian và không gian chẳng thật. Đúng như trong Phật pháp đã nói, thời gian và không gian là Bất Tương Ứng Hành Pháp. Nói theo cách hiện thời, Bất Tương Ứng Hành Pháp là khái niệm trừu tượng, chẳng phải là sự thật! Vì thế, chúng ta có kẻ ở trong mộng hoặc trong Định đột phá các chiều không gian. Người có công năng định lực càng sâu, phương diện thời gian và không gian bị quý vị đột phá càng to.

Tuy chúng ta chẳng khế nhập cảnh giới này, nhưng từ kinh điển nhà Phật và từ khoa học, gộp hai phương diện lại để nhìn, chúng ta tin tưởng, nói theo Lý sẽ thông suốt, chuyện này chờ đợi chính mình cầu chứng. Dùng phương pháp gì để cầu chứng? Công năng định lực chính là cái tâm thanh tịnh, không nhất định phải ngồi xếp bằng nhìn vách, mà là đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng chấp trước, đoạn Kiến Tư phiền não, chứng quả A La Hán. A La Hán là Cửu Thứ Đệ Định, vượt thoát lục đạo, đối với tình cảnh và trạng huống trong lục đạo đều hiểu rành rẽ, rõ ràng, tức là họ đã hoàn toàn đột phá các chiều không gian và thời gian ngay trong lục đạo. Nếu lại tiến cao hơn một tầng, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng phân biệt, sẽ là cảnh giới Bồ Tát, A La Hán chẳng thể sánh bằng! Nếu lại chẳng khởi tâm, không động niệm đối với pháp thế gian và xuất thế gian, đấy là cảnh giới Như Lai, sẽ là trọn khắp pháp giới, hư không giới chẳng có chướng ngại. Do vậy có thể biết, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong kinh Hoa Nghiêm và quả địa Như Lai giống như nhau, “thiết đại thí hội, thị như thật đạo” (lập hội đại thí, chỉ dạy đạo như thật).

Nay chúng ta gọi “đại thí hội” là mở lớp dạy học. Dạy học có mục đích là gì? Khai thị Thật Tướng của các pháp, giáo hóa chúng sanh về chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Kinh Bát Nhã có câu “chư pháp Thật Tướng”, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai dạy điều gì? Dạy chuyện này! Nói rõ ràng, nói minh bạch chân tướng của vũ trụ và nhân sinh cho quý vị. Sau đấy, dạy quý vị tu như thế nào, chứng như thế nào. Đấy là chỗ cao minh khôn sánh của Phật pháp. Đức Phật tuyệt đối chẳng nói “ta nói như thế đó, các ngươi phải tin tưởng”, chẳng phải vậy! Đức Phật nói điều gì? Dạy quý vị phương pháp, quý vị hãy cầu chứng, chứng đắc thì mới là của chính quý vị. Chẳng chứng đắc, [vậy là] chẳng ăn nhằm gì đến quý vị! Đấy là gì? Chỗ khác biệt giữa Phật và các tôn giáo thông thường! Tôn giáo thông thường thì “lời Chúa nói phải là chân lý, bọn ngươi phải tin tưởng”. Đức Phật chẳng nói như vậy, đức Phật nói “cảnh giới do chính ta chứng đắc, quý vị phải chứng đắc thì mới coi như là của quý vị. Quý vị chẳng thể chứng đắc, sẽ chẳng có phần!” Điều này khiến cho kẻ khác tâm phục, khẩu phục, chẳng có một tí mê tín nào!

Chứng nhập như thế nào? Trước hết, đức Phật dạy chúng ta cương lãnh, như tôi vừa mới nói đấy thôi:

- Quý vị buông xuống hết thảy chấp trước, sẽ chứng quả A La Hán.

- Quý vị buông xuống hết thảy phân biệt, hết thảy đều chẳng phân biệt, sẽ chứng đắc quả vị Bồ Tát.

- Nếu quý vị lại buông xuống khởi tâm động niệm, vậy thì quý vị sẽ chứng đắc quả vị Như Lai, chẳng khác gì Phật.

Nói rõ ràng và minh bạch ngần ấy. Tôi học Phật, hai mươi sáu tuổi tiếp xúc Phật pháp, quen biết vị xuất gia đầu tiên là Chương Gia đại sư. Ngày đầu tiên tôi gặp Ngài, hướng về Ngài thỉnh giáo. Phật pháp là do tiên sinh Phương Đông Mỹ giới thiệu, tôi tín nhiệm thầy, chẳng có mảy may hoài nghi. Thầy bảo tôi (tôi theo học Triết Học với thầy): “Triết Học trong kinh Phật là đỉnh cao nhất của Triết Học thế giới, học Phật là sự hưởng thụ cao nhất trong đời người”. Tôi bị mấy câu nói ấy của thầy chấn động. Tôi vốn bài xích Phật giáo nhất, cứ ngỡ Phật giáo là mê tín. Thầy bảo tôi: “Triết Học trong kinh Phật là đỉnh cao nhất của Triết Học thế giới”.

Vì thế, tôi thưa với Chương Gia đại sư: “Nay con đã biết, nhưng có cách nào khiến cho con khế nhập rất nhanh hay không?” Lão nhân gia dạy tôi “thấy thấu suốt, buông xuống”, hãy thật sự làm! Tôi thỉnh giáo Ngài: “Con đã hiểu ý nghĩa thấy thấu suốt, buông xuống, nhưng thực hiện từ chỗ nào?” “Bố thí”. “Vậy thì khó quá!” “Khó chứ! Phải làm! Không làm, anh sẽ chẳng thể khế nhập”. [Thầy dạy] xả tài, khi đó, [bản thân tôi] cuộc sống hết sức vất vả, tiền đâu để bố thí? Đại sư bảo tôi: “Một, hai đồng thì có chứ?” “Có thể ạ!” “Một, hai đồng vẫn là bố thí. Ngoài những thứ [thiết yếu cho] cuộc sống, những thứ dư ra đều phải nên bố thí”. Chúng tôi mới hiểu học từ tùy hỷ công đức; người ta phóng sanh, chúng tôi dùng một, hai đồng tùy hỷ. Người ta in kinh, chúng tôi cũng dùng mấy đồng để góp phần in. Chúng tôi chẳng mong tưởng quả báo, mà nó tự nhiên đưa đến, càng thí càng nhiều, càng nhiều càng thí. Chớ nên tích cóp, tích tài táng đạo! Hễ tích lũy, sẽ có phiền não đưa tới, tất cả hết thảy những thói hư tật xấu đều dấy lên! Vì thế, quyết định chớ nên tích lũy, phải tán tài!

Tài ở Trung Hoa được gọi là “thông hóa” (通貨), có lý lắm! “Thông” (通) là lưu thông, giống như nước. Quý vị phải để cho nó lưu thông, chớ nên ngăn chặn nó. Hễ ngăn chặn, sẽ biến thành nước tù đọng. Nước tù đọng mất vệ sinh nhất, chất chứa ô uế, bẩn thỉu. Vì thế, nhất định phải lưu thông, hết sức có lý. Do Pháp Bố Thí được thông minh, trí huệ, do Vô Úy Bố Thí được khỏe mạnh, sống lâu. Những điều này đều do Chương Gia đại sư dạy cho tôi. “Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”. Cầu không được là do có chướng ngại, làm thế nào để có thể bài trừ chướng ngại? Bố thí. Bố thí có thể hóa giải chướng ngại. Đến cuối cùng, quý vị sẽ hiểu: Bố thí hết sạch ích kỷ, bố thí hết sạch tiếng tăm, lợi dưỡng, bố thí hết sạch ngũ dục, lục trần, bố thí hết sạch tham, sân, si, mạn, dẫu quý vị chẳng chứng quả cũng chẳng sai khác cho lắm, cũng rất gần gũi! Pháp thế gian và xuất thế gian thảy đều phải bỏ sạch. Kinh Kim Cang nói rất hay: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Pháp còn nên bỏ, huống hồ phi pháp), [có nghĩa là] Phật pháp cũng chớ nên chấp trước! Chấp trước là bệnh. Thậm chí bảo quý vị, đối với Phật pháp, cũng chớ nên phân biệt. Hễ phân biệt, quý vị sẽ mê, sẽ đọa vào vô minh. Hễ chấp trước, sẽ tạo ác nghiệp. Phải hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch những đạo lý và chân tướng sự thật này!

Do vậy, hội đại thí là thời thời khắc khắc, nơi nơi chốn chốn, đối với một người cũng là hội đại thí. Quý vị nói về đại pháp liễu sanh tử, thoát tam giới, đoạn phiền não, chứng Bồ Đề, hội ấy chỉ có một, hai người [tham dự], vẫn là hội đại thí, chẳng phải là tiểu thí, mà là đại thí. Đấy là “thị như thật đạo” (chỉ bày đạo như thật). Chúng ta hiểu đạo lý này, bất luận khi nào, bất luận ở chỗ nào, bất luận gặp nhân sự như thế nào, toàn là cơ duyên để tự hành và hóa tha. Tự hành là tăng cao cảnh giới của chính mình, hóa tha là cho người khác cùng hưởng cảnh giới của chính mình, chia sẻ với người khác. Đấy là lợi tha.



Vì thế, người học Phật, đầu tiên là hình tướng phải tốt đẹp. Quý vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật, trong kinh đã có nói. Trong kinh nói rất nhiều lời phương tiện, chúng ta phải hiểu, lời nào là chân thật, lời nào là lời phương tiện. Bồ Tát tu hành đã thành Phật, còn phải đặc biệt tu thêm trong thời gian dài một trăm kiếp, nhằm tu phước báo, tu tướng hảo, ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo. Vì sao? Tướng hảo có thể nhiếp thọ hết thảy chúng sanh. Chúng sanh vừa thấy tướng hảo của quý vị, cũng rất hâm mộ, sẽ chủ động thỉnh giáo quý vị: “Quý vị tu như thế nào?” Vậy là quý vị có thể “thị như thật đạo” (chỉ bày đạo như thật), có thể “thiết đại thí hội” (lập hội bố thí to lớn). Phải vận dụng vào cuộc sống hằng ngày, vận dụng trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, giống như hằng ngày đi khất thực, niệm niệm chẳng xả8, tự hành, hóa tha. Vì thế, hình tướng của chính chúng ta chẳng thể không tốt đẹp. Mở đầu bằng hình tướng, đó là đức. Quý vị có đức rồi sau đấy mới có đạo. Đạo đức có thể cảm hóa hết thảy chúng sanh, có thể tăng tấn chính mình. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta nói tới đây!

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 30 hết


1 Siberia (người Nga gọi là Sibir, thường được giải thích là danh xưng này xuất phát từ một từ ngữ trong tiếng Tartar có nghĩa là “vùng đất ngủ say”) là một vùng đất rộng lớn mênh mông của nước Nga, nằm từ phía Đông rặng núi Ural cho đến ven Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương, giáp ranh các nước cộng hòa thuộc vùng Trung Á của Liên Sô cũ, Mông Cổ và Trung Hoa. Tổng diện tích lên tới 13.1 triệu cây số vuông, tức là 77% lãnh thổ của Liên Bang Nga, nhưng dân số chỉ là 27% dân số toàn nước Nga. Đây là vùng đất lạnh nhất trên thế giới, nhiệt độ trung bình hằng năm là nửa độ C (0,5 độ C). Tháng nóng nhất trong năm chỉ là 19 độ C, còn tháng Giêng thì hầu như nhiệt độ chỉ dao động quanh âm hai mươi độ C! Trước kia vùng này là lãnh thổ của hãn quốc Sibir (hoặc còn gọi là hãn quốc Turan) do vương tử Taibuga thuộc dòng dõi Borijin (bộ tộc của Thành Cát Tư Hãn) sáng lập, kinh đô là Tyumen. Từ thế kỷ mười sáu, các Nga Hoàng đã dòm ngó vùng này và nhiều nhóm kỵ binh Cossacks đã tiến vào vùng này, lập các pháo đài, chiếm đóng các khu đất của người Mông Cổ. Cho đến giữa thế kỷ 17, Siberia hoàn toàn trở thành lãnh địa của Nga. Do khí hậu quá khắc nghiệt, vùng này được dùng để lưu đày những kẻ chống lại chính quyền. Hiện thời, Siberia được chia thành nhiều tỉnh (Oblast) và một số nước cộng hòa tự trị như Altai, Buryat, Khakassia, Tuva, Sakha (Yakutia) v.v...

2 Nguyên văn là “tự họa” (字畫) tức là tranh thư pháp.

3 Nguyên văn là “bào chế” (炮製). Đây là một từ ngữ bắt nguồn từ cách chế luyện thuốc Bắc. Căn cứ theo dược tánh của từng loài thuốc mà dùng những cách chế biến khác nhau như tẩm muối, ngâm giấm, sấy khô, ngâm mật ong, khử thổ, xay, giã, rang, nướng, nung, sắc, cô đặc, hòa mật vò thành từng hoàn v.v… Hòa Thượng Tịnh Không dùng chữ này nhằm nói lên cách cư xử và rèn luyện thích hợp từng hoàn cảnh.

4 Phụng Tự Quan Phủ (奉祀官府) là một ty của chánh quyền Trung Hoa Dân Quốc, đặc trách việc trông nom Khổng miếu cũng như tuyên truyền, giáo dục Nho học. Người đứng đầu ty này là con cháu trực hệ của Khổng Tử. Thời cụ Lý làm Chánh Bí Thư của Sở, ông Khổng Đức Thành làm ty trưởng.

5 Tích Trượng còn được gọi là Khế Khí La, Khích Khí La, Thanh Trượng, Minh Trượng. Những danh xưng này đều có nghĩa là cái gậy dài có thể phát ra âm thanh. Theo quy định, tích trượng khi cầm thẳng sẽ cao ngang tầm mắt của người dùng. Tích trượng là một trong mười tám món đồ vật cần phải có của người tu hạnh Đầu Đà. Điều đáng ngạc nhiên là các nước Phật giáo Nam phương hiện thời không thấy sử dụng tích trượng. Thoạt đầu, tích trượng dùng thiếc để làm, nhưng về sau, do hầu như chỉ sử dụng trong nghi lễ thọ giới, hoặc trong các pháp hội khi cung nghinh vị sa-môn chủ pháp, cho nên tích trượng có thể dài hơn. Hiện thời, tích trượng thường có thân bằng gỗ, đầu bịt sắt có gắn mấy vòng tròn bằng sắt. Số vòng từ hai cho đến mười hai vòng, thông thường là sáu vòng nhằm biểu thị Lục Độ. Thiếu Lâm Tự đã biến tích trượng thành một món vũ khí gọi là Thiền Trượng bằng sắt, to, dài và nặng hơn những quy định trong Luật Tạng về tích trượng. Vị Tổ thứ sáu của Tịnh Tông là Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư hằng ngày làm một trăm lẻ tám thiện sự, điều thứ chín mươi lăm là: “Ngày đêm sáu thời, khắp vì hết thảy chúng sanh trong pháp giới, thọ trì tích trượng. Nguyện tiếng rung của tích trượng sẽ vang vọng trọn khắp pháp giới, thực hiện Phật sự lớn lao, giác ngộ hết thảy chúng sanh trong địa ngục, lìa khổ giải thoát, giác ngộ hết thảy chúng sanh đang đói khát, trong miệng toàn là suối ngọt, giác ngộ hết thảy loài trùng thú, đều được mở mang, tránh khỏi bị sát hại, quy mạng giải thoát”.

6 Đạo cụ (道具) vốn có nghĩa gốc là các dụng cụ cần thiết để hành đạo. Về sau, đạo cụ bị hiểu thành các vật dụng dùng để biểu diễn trên sân khấu ngoại trừ trang phục, các thiết bị âm thanh, ánh sáng, phông nền, các nhạc khí. Chẳng hạn như khi hát tuồng, phất trần, gươm, giáo, kích, thương, cờ, quạt, lọng, roi, dải lụa, lồng đèn… chính là những đạo cụ. Hiểu rộng hơn, đạo cụ là những vật dụng cần dùng để biểu diễn các màn nghệ thuật hay tạp kỹ, chẳng hạn đầu lân, sào cao, dây chăng, đu quay…. Chẳng hạn với người biểu diễn phóng dao thì dao và tấm gỗ để người mẫu đứng dựa vào đều gọi là đạo cụ.

7 “Đơn” (單) là một tấm ván kê thành giường, bề rộng chỉ vừa đúng một người nằm, nên gọi là đơn. Khi tăng sĩ nhập chúng, sẽ kê đơn cho người ấy có chỗ nghỉ, nên gọi là “quải đơn” hoặc “an đơn”. Khi vị tăng sĩ ấy đi nơi khác, sẽ gọi là “trừu đơn”.

8 Niệm niệm chẳng xả” ở đây có nghĩa là luôn luôn chú trọng ngôn ngữ hành vi sao cho hiển thị đạo như thật, lấy thân mình làm gương hòng hóa độ người khác cũng như nâng cao cảnh giới của chính mình.



tải về 410.22 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương