Tập 80 Xin xem a di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm hai mươi chín: Ngũ, năng thuyên Thể Tánh



tải về 170.04 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích170.04 Kb.
#36662


Tập 80
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm hai mươi chín:
Ngũ, năng thuyên Thể Tánh.

五、能詮體性

(Năm, trình bày Thể Tánh của kinh này).
Đây là môn thứ năm trong mười môn, mà cũng là đoạn lớn thứ năm, thuyết minh Thể Tánh của bộ kinh này. Thể (體) là bản thể của kinh, Tánh (性) là nói đến tánh chất của nó. Phần Huyền Nghĩa trong đoạn này cũng hết sức trọng yếu. Nếu hiểu rõ Thể Tánh của kinh này, chúng ta mới tin tưởng. Dùng danh từ, thuật ngữ hiện thời để nói, [luận định] Thể Tánh chính là [nói rõ] đức Phật đã dựa trên đạo lý nào để giảng bộ kinh này, cũng như [bàn định] Ngài đã dựa trên căn cứ lý luận nào. Quý vị nói với chúng tôi nhiều như thế, quả thật có căn cứ lý luận, đương nhiên chúng tôi sẽ tin tưởng. Thể Tánh là nói về đạo lý và lý luận dùng làm căn cứ cho bộ kinh này. Vì thế, điều này khá quan trọng, đủ để khơi gợi, dấy lên tín tâm cho chúng ta, chẳng đến nỗi hoài nghi pháp môn này. Phần giải thích [Thể Tánh] được chia thành bốn đoạn: Một là Tùy Tướng (luận về sự phụ thuộc giữa văn tự và nghĩa lý), hai là Duy Thức, ba là Quy Tánh, bốn là Vô Ngại. Đoạn văn này có mức độ khá sâu vì dính dáng đến căn cứ lý luận. Do vậy, đây là đoạn khó hiểu nhất trong phần Huyền Nghĩa.

Sơ, Tùy Tướng.

(Huyền Nghĩa) Dĩ tri thử kinh bị cơ phổ biến, vị tri năng thuyên, hà vi Thể Tánh.

初、隨相

(玄義) 已知此經被機普遍,未知能詮,何為體性。

(Thứ nhất, Tùy Tướng.

Huyền Nghĩa: Đã biết kinh này thích hợp trọn khắp các căn cơ, nhưng chưa biết kinh này dùng Thể Tánh nào để nói).

Trước tiên, nêu vấn đề bằng phương thức vấn đáp, nêu ra vấn đề này đầu tiên. Đoạn trước nói về đối tượng thích ứng, được tiếp dẫn bởi kinh này, chúng ta biết người căn tánh thượng, trung, hạ, kinh đã giảng hết sức hay: Chỉ cần có thể tin, có thể nguyện, có thể hành, sẽ đều là đối tượng được tiếp dẫn bởi pháp môn này. Nói cách khác, quý vị chẳng tin, chẳng chịu phát nguyện, chẳng chịu niệm Phật, sẽ không có cách nào hết, chẳng phải là đối tượng tiếp dẫn của pháp môn này. Nói điều này với chúng ta hết sức rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu. Trong các đối tượng được tiếp dẫn, bậc thượng thượng căn như Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát đều là đối tượng được tiếp dẫn. Kẻ hạ hạ căn, thậm chí không biết chữ, chưa từng đi học, chẳng hiểu biết gì, nghe pháp môn này rồi bèn chết sạch lòng mong ngóng, khăng khăng niệm Phật cũng có thể thành công. Thậm chí, còn có súc sanh niệm Phật vãng sanh. Trong lịch sử Trung Quốc, qua các đời đã ghi chép chẳng ít [những chuyện như vậy]; tôi tin là những chuyện không được ai ghi chép còn nhiều hơn nữa. Vì thế, pháp môn này quả thật rộng lớn, phổ biến, “bị cơ phổ biến” (thích hợp trọn khắp căn cơ), “bị” (被) có nghĩa là gia bị, hết sức phổ biến.

Tiến thêm bước nữa, chúng ta muốn hiểu, “vị tri năng thuyên” (chưa biết kinh này thuật nói), “thuyên” (詮) là nói, thuật, những văn tự, ngôn ngữ được nói trong kinh này “hà vi Thể Tánh” (Thể Tánh như thế nào), Thể là Lý, tức là đạo lý của bản kinh, căn cứ đạo lý của bộ kinh này là gì? Thể và Tánh đều nói về Lý, dưới đây là câu trả lời.
(Huyền Nghĩa) Y cổ triển chuyển thập môn thôi bổn, ước chi thành tứ.

(玄義) 依古展轉十門推本,約之成四。

(Huyền Nghĩa: Nếu theo lối cổ thì lần lượt dùng mười môn để suy xét đến tận gốc, nếu nói tóm tắt thì gồm bốn điều).
“Ước” (約) là quy nạp, quy nạp thành bốn môn. Trong Thể, nói đến Tùy Tướng, Duy Thức, Quy Tánh và Vô Ngại, quy nạp thành bốn môn ấy. Ở đây, trước hết phải giải thích “thập môn thôi bổn” là gì? Cổ đức giảng về giáo thể, tức là [biện định] những bộ kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm là từ chỗ nào mà nói ra? Căn cứ trên đạo lý nào để nói? [Những đạo lý ấy được gọi chung là giáo thể]. Cổ đại đức gom những đạo lý ấy thành mười điều, từ mười điều ấy truy ngược lên dần dần để tìm được điều căn bản. Điều thứ nhất là “âm thanh, ngữ ngôn”. Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, Ngài dùng âm thanh làm Phật sự. Do vậy, âm thanh là giáo thể. Sau khi đức Phật diệt độ, các đệ tử đem những lời thầy đã giảng trong quá khứ ghi chép lại, viết thành văn tự. Điều thứ hai là “danh cú văn thân”: [Danh (名) là] danh từ, thuật ngữ. Một ý nghĩa hoàn chỉnh thì gọi là một Cú (句: Câu). Văn (文) là văn tự. [Cú và Văn] đều gọi là Thân (身)1. Điều thứ ba là “thông thủ tứ pháp” (gom chung bốn pháp Danh, Cú, Văn, Thân để nói lên Thể). Điều thứ tư là “chư pháp hiển nghĩa” (dùng các pháp ấy để hiển thị nghĩa lý); đây là nói về Lý. Văn tự là “năng thuyên” (chủ thể đóng vai trò diễn nói), nó có thể trình bày, giảng nói. Trong [những điều được diễn nói] ấy, nhất định có nội dung, cổ nhân nói “văn dĩ tải đạo” (dùng văn để chở đạo), trong ấy có lý luận, có đạo lý. Chúng ta hãy từ ngôn ngữ, văn tự mà ngộ đạo lý, chớ nên chết cứng trong ngôn ngữ, văn tự. Ngôn ngữ, văn tự là công cụ, có mục đích nhằm khiến cho chúng ta ngộ được cái Lý trong ấy; có như vậy thì mới thật sự thụ dụng.

Thứ năm là “nhiếp cảnh duy tâm” (quy kết cảnh chỉ do tâm biến hiện), “cảnh” là cảnh giới; âm thanh, ngôn ngữ, văn tự đều thuộc vào cảnh giới. Những cảnh giới ấy từ chỗ nào biến hiện ra? Duy tâm sở hiện. Nói cách khác, dần dần có thể phát hiện được bản thể của nó, bản thể là chân tâm, bổn tánh. Những kinh do đức Phật nói do từ chân tâm, bổn tánh lưu lộ. “Dần dần” là như kinh Hoa Nghiêm đã nói [từ bốn pháp Danh, Cú, Văn, Thân, truy ngược lại để thâm nhập nghĩa lý], thâm nhập đến mức Lý Sự vô ngại, rồi Sự Sự vô ngại, khi đạt đến viên mãn rốt ráo, tâm tánh hoàn toàn khôi phục sự sáng sạch, tức là lúc quang minh tịnh khiết, chẳng nhiễm mảy trần, hết thảy Sự - Lý trong tận hư không trọn pháp giới đều thấy, giống như Tâm Kinh đã nói: “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”. Ngũ Uẩn là gì? Hết thảy Sự Lý thế gian và xuất thế gian chẳng ra ngoài Ngũ Uẩn, nhỏ thì như cái thân của chúng ta là thân Ngũ Uẩn, lớn thì toàn thể thế giới là thế giới Ngũ Uẩn. Hữu tình thế gian là như thế, mà Trí Chánh Giác thế gian cũng chẳng phải là ngoại lệ! Thế giới Sa Bà của chúng ta do Ngũ Uẩn hợp thành, Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn do Ngũ Uẩn hợp thành. Ngũ Uẩn nơi chúng ta là nhiễm, Ngũ Uẩn ở bên kia là tịnh. Thật ra, Ngũ Uẩn đâu có nhiễm hay tịnh? Tịnh hay nhiễm do lòng người, quý vị phải hiểu rõ: Tâm mê là nhiễm, tâm thanh tịnh là tịnh.

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật nói rất minh bạch: Chúng sanh và Phật khác biệt ở chỗ nào? Chúng sanh có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng; Phật chẳng có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, chuyện là như vậy đó! Phẩm [Như Lai] Xuất Hiện trong kinh Hoa Nghiêm có nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”. Phật và chúng sanh không khác nhau, chỉ sai biệt đôi chút như vậy. Chỉ cần hết thảy chúng sanh buông phân biệt, vọng tưởng, chấp trước xuống thì quý vị gọi là Phật, gọi là “thành Phật”. Nói thật ra, thành Phật đơn giản như vậy đó. Quý vị đã hiểu rõ Lý, nhưng không buông phân biệt, chấp trước xuống được, biết làm cách nào nữa đây? Chịu buông xuống là được! Không chịu buông xuống, Phật cũng chẳng cứu được quý vị, cũng chẳng giúp đỡ được. Vì thế, tu hành là tu gì? Chính là trừ bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tu điều này. Cổ đức nói: “Chỉ cầu trừ vọng”, quý vị trừ hết hư vọng là được rồi, chẳng cần phải cầu Chân. Vì sao chẳng thể cầu Chân? Cầu Chân là một thứ vọng niệm, giống như trong lần trước tôi đã với quý vị: Quý vị chỉ cần niệm Phật, chẳng cần cầu nhất tâm bất loạn; vì quý vị cầu nhất tâm bất loạn thì ý niệm ấy cũng là vọng niệm, là chướng ngại đối với nhất tâm bất loạn. Quý vị phải hiểu rõ đạo lý này. Chỉ cần thẳng thừng niệm bốn chữ, niệm đến khi công phu thành thục, tự nhiên sẽ là nhất tâm bất loạn. Niệm Phật suốt ngày [mà cứ băn khoăn] “sao ta vẫn chưa đắc nhất tâm bất loạn?” Niệm như vậy suốt cả đời vẫn chẳng thể đắc nhất tâm bất loạn, trong mỗi niệm đều có chướng ngại, trong mỗi niệm đều có vọng tưởng, làm sao thành tựu cho được?

Thập môn2 được quy nạp thành bốn môn. Trong bốn môn, môn thứ nhất là Tùy Tướng. Chữ Tùy có hai nghĩa:

- Thứ nhất là “văn tùy ư nghĩa, nghĩa tùy ư văn”, [tức là] trong văn có ý nghĩa, trong ý nghĩa cũng có văn chương; bởi lẽ, ý nghĩa có trình tự, có tầng lớp, từng điều rạch ròi, chẳng lộn xộn, đó là văn chương. Đây là nói về Giáo Thể.

- Ý nghĩa thứ hai là khi chưa đến mức “hội quy nhất tâm” (gom hết về nhất tâm) thì chúng ta sẽ tìm tòi, dựa trên văn tự nhằm hiểu rõ chỗ quy kết của những lý luận ấy.



Đó là ý nghĩa Tùy Tướng. Bốn đoạn này, càng đọc về sau càng sâu, mỗi phần sau đều sâu hơn phần trước.
(Huyền Nghĩa) Tiên minh Tùy Tướng, ư trung phục nhị, nhất vị thanh danh cú văn, nhị vị sở thuyên nghĩa, dĩ văn dữ nghĩa giai thuộc tướng cố.

(玄義) 先明隨相 ,於中復二 一謂聲名句文 ,二謂

所詮義,以文與義皆屬相故。

(Huyền Nghĩa: Trước hết, nói về Tùy Tướng. Trong đây lại có hai điều: Một là thanh, danh, cú, văn; hai là nghĩa lý được diễn nói bởi [thanh, danh, cú, văn], bởi lẽ, văn và nghĩa đều thuộc về tướng).
Cũng có đồng học chúng ta đọc xong sẽ có nghi vấn. Văn tự là tướng, chẳng thành vấn đề! Cớ sao nghĩa lý cũng nói là tướng? Phía dưới sẽ có giải thích. Vì nếu đem nghĩa so với Lý để nói thì nghĩa vẫn là “năng thuyên” (chủ thể tuyên nói), cho nên nó vẫn thuộc vào tướng. Sâu hơn một tầng nữa là giáo lý, giáo lý phải do chính mình lắng lòng lãnh hội, thường nói là “ý nằm ngoài lời”, sâu là sâu tại chỗ này; nhưng đối với bản kinh này, bất luận quý vị thấu hiểu nghĩa lý sâu hay cạn, đều được lợi ích. Thậm chí hoàn toàn chẳng hiểu nghĩa lý, ta tin tưởng, ta muốn về Tây Phương, ta niệm một câu A Di Đà Phật cũng có thể vãng sanh. Pháp môn này thù thắng chẳng thể nghĩ bàn ở chỗ này, chẳng giống các pháp môn khác: Nhất định phải ngộ nhập sâu xa mới được thụ dụng. Pháp môn này hay là hay ở chỗ này, chẳng ngộ nhập vẫn được thụ dụng!
(Sớ) Thập môn triển chuyển, tường kiến Hoa Nghiêm Huyền Đàm, Khuê Phong phục ư trung ước nhi thúc chi, toại vi tứ môn.

() 十門展轉 詳見華嚴玄談 圭峰復於中約而束

之,遂為四門。

(Sớ: “Mười môn lần lượt” xem chi tiết trong bộ Hoa Nghiêm Huyền Đàm, ngài Khuê Phong lại rút gọn [mười môn ấy] thành bốn môn).
Bộ Hoa Nghiêm Kinh Huyền Đàm3 gồm chín quyển do Thanh Lương đại sư viết vào đời Đường, là bản chú giải kinh Hoa Nghiêm có uy tín nhất, được gọi là Đại Sớ. Ngài Khuê Phong là thiền sư Tông Mật, là học trò ngài Thanh Lương. Ngài Thanh Lương là tổ sư đời thứ tư của tông Hoa Nghiêm, ngài Tông Mật là đời thứ năm, là Ngũ Tổ của tông Hoa Nghiêm. Tác phẩm trứ danh nhất của Ngài được lưu truyền hậu thế là bộ Viên Giác Kinh Sớ Sao. Ngài dốc sức rất lớn nơi kinh Viên Giác, viết mấy bản chú giải. Viên Giác Kinh Sớ Sao, Viên Giác Kinh Lược Sớ đều do Ngài viết. Từ truyện ký, chúng ta thấy vị pháp sư này cũng rất bất phàm. Ngài thấy kinh điển nhiều quá, một người trong một đời mà đọc hết thảy các kinh có thể nói là chuyện không thể được! Làm thế nào để chọn lấy một hai thứ trong hết thảy các kinh để chuyên dốc công phu? Thấy kinh điển nhiều dường ấy đều thích hết, vậy thì rốt cuộc nên chọn thứ nào mới nên? Lão nhân gia dùng phương pháp [sau đây]: Trước hết, lễ Phật cầu cảm ứng, cầu Phật, Bồ Tát gia trì. Lạy Phật xong bèn tiện tay rút lấy một quyển trong Đại Tạng Kinh, quyển ấy do Phật, Bồ Tát gia trì, rút được cuốn Viên Giác Kinh. Được rồi! Ngài bèn chết sạch mong ngóng, khăng khít dốc sức nơi kinh Viên Giác, Ngài bèn thành tựu. Thuận tay rút ra một quyển là do lễ Phật kiền thành, cung kính cầu Tam Bảo gia trì hòng biết chính mình có duyên với bộ kinh nào, dùng phương thức ấy. Từ xưa đến nay, mãi cho đến hiện tại, chú giải kinh Viên Giác không có ai hơn được Tông Mật đại sư. Ngài chú giải kinh Viên Giác chẳng dùng thập môn khai khải mà đem mười môn quy nạp thành bốn môn, “ước nhi thúc chi, toại vi tứ môn” (rút gọn lại bèn thành bốn môn). Nay Liên Trì đại sư chọn dùng phương thức của Khuê Phong Tông Mật đại sư, dùng bốn môn để thuyết minh [thể tánh của kinh Di Đà].
(Sớ) Sơ, “thanh, danh, cú, văn” giả, cứ Đại Tiểu Thừa giáo, hoặc dĩ thanh vi giáo thể.

() 初、聲名句文者,據大小乘教,或以聲為教體。

(Sớ: Thứ nhất, “thanh, danh, cú, văn”: Theo Đại Tiểu Thừa giáo, hoặc lấy âm thanh làm giáo thể).

Đức Phật tại thế, dùng âm thanh để thuyết pháp; thuở ấy không có kinh sách, đức Phật giảng, mọi người nghe.


(Sớ) Hoặc dĩ Danh, Cú, Văn, Thân nhi vi giáo thể.

() 或以名句文身而為教體。

(Sớ: Hoặc dùng danh, cú, văn, thân để làm giáo thể).
Sau khi đức Phật diệt độ, do tôn giả A Nan là bậc đa văn đệ nhất, có trí nhớ tốt nhất, sức ghi nhớ của ngài A Nan giống như máy thâu âm hiện thời, nghe qua một lần chẳng quên một chữ nào, có thể nhắc lại, Ngài có năng lực ấy. Ngài A Nan nhắc lại, các đồng học chứng minh, lại còn ghi chép, trở thành cội nguồn của kinh điển cho đời sau. Đối với sự truyền thừa của Phật giáo, ngài A Nan có cống hiến rất lớn. Có thể nói: Nếu không có Ngài, dù đức Phật nói kinh nhiều dường ấy, chúng ta vẫn chẳng có cơ hội được nghe.
(Sớ) Kim y Thanh Lương đại sư, thông thâu tứ giả, dĩ thanh vi giáo chủ.

() 今依清涼大師,通收四者,以聲為教主。

(Sớ: Nay dựa theo Thanh Lương đại sư, gộp chung cả bốn thứ này lại, lấy âm thanh làm Giáo Thể chủ yếu).
Đây là ý nghĩa mà ngài Thanh Lương đã dùng để chú giải kinh Hoa Nghiêm: Ngài quy nạp lại, lấy âm thanh làm Giáo Thể. Ngài Thanh Lương cũng có căn cứ [để luận định như vậy], chứ không phải là nói bừa, như trong kinh Lăng Nghiêm, Văn Thù Bồ Tát khi chọn lựa pháp Viên Thông đã nói: “Thử phương chân Giáo Thể, thanh tịnh tại âm văn” (Chân Giáo Thể phương này, thanh tịnh nơi nghe tiếng). Chúng sanh trong thế giới Sa Bà, Nhĩ Căn nhạy bén nhất; quý vị bảo họ nhìn, chẳng dễ gì khai ngộ, nói cho họ nghe, họ rất dễ khai ngộ. Đây là dùng âm thanh làm Giáo Thể.
(Sớ) Danh giả thứ đệ hàng liệt, thuyên pháp tự tánh.

() 名者次第行列,詮法自性。

(Sớ: Danh là liệt kê theo thứ tự nhằm diễn tả tự tánh của pháp).
“Thuyên” (詮) là “thuyên thuật” (詮述: giảng nói, trình bày). Trong những danh từ ấy có chứa đựng tự tánh của hết thảy các pháp. Chẳng hạn như đối với danh từ Vô Lượng Thọ Phật, chúng ta quả thật nghĩ đến một vị Phật. Chữ Vô có nghĩa là “chẳng có tự tánh”, hết thảy đều không có! “Vô Lượng”: Gộp hai chữ Vô và Lượng lại sẽ biến thành vô hạn, chẳng có hạn lượng. “Thọ” là thọ mạng. [Vô Lượng Thọ là] thọ mạng chẳng có hạn lượng, ý nghĩa rất rõ ràng. Chúng ta có thể nghĩ đến vị Phật ở bên ấy, chẳng cần nói đến điều gì khác, chỉ nói là Ngài có thọ mạng chẳng có hạn lượng, chẳng có giới hạn. Phật có nghĩa là Giác, vị Phật ấy đã có thọ mạng dài lâu lại vừa là bậc đại trí đại giác, Phật là đại trí đại giác. Từ danh từ này, chúng ta có thể thấu hiểu một sự thật: Có một vị Phật đại trí đại giác, thọ mạng cực dài. “Danh” có thể chứa đựng tự thể của pháp này, “pháp” là nói hết thảy vạn pháp. Chúng ta nêu ra [danh hiệu của] một vị Phật để nói, thì [danh hiệu ấy] chứa đựng tự thể của Ngài.

Thông thường, những kẻ tầm thường như chúng ta danh chẳng phù hợp thật! Chúng ta đặt tên, chọn những danh xưng đẹp đẽ, nhưng sự thật và danh xưng chẳng phù hợp. Chư Phật, Bồ Tát danh phù hợp thật, các Ngài chọn danh hiệu nào thì trên thực tế, đúng là như vậy. Chúng ta học Phật, khi quý vị quy y, vị pháp sư truyền thọ Tam Quy đặt pháp danh cho quý vị, pháp danh có nghĩa là gì? Hy vọng trong một đời này, quý vị sẽ danh phù hợp thật, đừng nên để danh và thật mâu thuẫn. Cổ nhân Trung Quốc đặt danh xưng rất chú ý, đa số là mong sao danh và thật phù hợp. Con người hiện tại chẳng đáng tin, chẳng chín chắn như người đời trước. Từ kinh điển, chúng ta thấy tại Ấn Độ vào thời cổ, rất nhiều danh xưng của một cá nhân quả thật là “danh phù hợp thật”. Chẳng hạn như tôn giả Câu Hy La (Kausthila), Câu Hy La nghĩa là gì? Đại Tất Cái, dịch sang nghĩa tiếng Hán là đầu gối của Ngài đặc biệt to, tiếng Hán gọi là Đại Tất Cái. Ngài danh và thật tương hợp, tương xứng.


(Sớ) Cú giả thứ đệ an bố, thuyên pháp sai biệt.

() 句者次第安布,詮法差別。

(Sớ: Cú là sắp đặt theo thứ tự để giảng về sự sai biệt của các pháp).
Chúng tôi vẫn dùng Vô Lượng Thọ Phật để làm tỷ dụ. Cú là một câu hoàn chỉnh, Vô Lượng Thọ Phật là một câu hoàn chỉnh, ý nghĩa rất hoàn bị, có thể bao hàm ý nghĩa của đại pháp. Nếu chúng ta chỉ nói Lượng Thọ Phật thì ý nghĩa chưa toàn vẹn. Do vậy, mỗi chữ trong bốn chữ này chẳng thể thiếu một chữ nào. Hễ thiếu một chữ, ý nghĩa sẽ không trọn vẹn, chẳng hoàn chỉnh. Mỗi một chữ trong Cú đều sai khác, gộp lại mới thành một ý nghĩa hoàn chỉnh. “Cú giả, thứ đệ an bố, thuyên pháp sai biệt” (Cú là sắp đặt theo thứ tự để giảng về sự sai biệt của các pháp). Những chữ ấy chẳng thể xáo trộn, chẳng thể thiếu khuyết thì mới hiển thị hoàn toàn ý nghĩa [của câu ấy].
(Sớ) Văn giả thứ đệ liên hợp, thượng nhị sở y. Thử Danh, Cú, Văn tam giả, khuất khúc vi Thanh thượng thuyên biểu. Duy Thanh, tắc bất năng thuyên nghĩa. Duy Danh, Cú, Văn, tắc vô tự thể. Kiêm thử tứ sự, thị vi giáo thể, dĩ Giả, Thật, Thể, Dụng kiêm tư dã.

() 文者次第聯合 上二所依 此名句文三者,屈

曲為聲上詮表,唯聲,則不能詮義。唯名句文,則無自體。兼此四事,是謂教體,以假實體用兼資也。

(Sớ: Văn là liên kết theo thứ tự, phụ thuộc vào hai loại trước (Danh và Cú). Ba món Danh, Cú, Văn phải nương vào Thanh (âm thanh) để nói ra. Chỉ có Thanh, sẽ chẳng thể diễn tả nghĩa lý. Chỉ có Danh, Cú, Văn, ắt chúng sẽ không có tự thể. Kiêm cả bốn điều này để thành giáo thể, trọn dùng Giả, Thật, Thể, Dụng để giúp lẫn nhau vậy).
Đoạn này hơi khó hiểu. “Văn” là từ hai câu gộp lại trở lên thì mới là văn chương. Trong sách Luận Ngữ, có khi hai câu là một chương, có khi ba câu là một chương, mỗi chương trình bày một chuyện hoàn chỉnh. Trước đời Hán, văn tự vô cùng thuần phác, nhất định chẳng rườm rà; về sau, văn tự có phong cách tu từ, càng ngày càng cố sức bóng bẩy, khác rất xa với tánh chất chất phác, thành thật của cổ văn. “Văn” có nghĩa là văn sức (trau chuốt lời lẽ cho bóng bẩy), ắt phải dùng lối nói hoa mỹ, nay ta gọi là “tu từ” (Rhetoric)4, kết hợp [những biện pháp tu từ lại] như vậy thì mới phô diễn được sự mỹ hóa (beautify) văn chương: Văn tự đẹp đẽ, đọc lên âm thanh du dương. Lối văn Biền Thể5 được người ta ưa thích nhất. Trong văn học, nói đến những loại đẹp đẽ nhất như thơ, từ, ca, phú, những lời văn trong tuồng hát đều hết sức bóng bẩy, đều càng được trau chuốt. Kinh Phật sau khi được kết tập lần đầu, cũng tìm những người giỏi văn chương nhuận sắc, tu chỉnh. Từ Phạn văn dịch sang tiếng Hán, sau khi đã dịch xong toàn bộ kinh văn, nhất định phải mời mấy tay văn học gia nổi tiếng đến nhuận văn. “Nhuận văn” là gọt giũa, trau chuốt, nhưng chẳng thể biến đổi ý nghĩa, mà gắng hết sức chỉnh sửa từ ngữ, câu văn, văn tự sao cho đẹp đẽ; có công tác này. Những chuyện này đều thuộc về ý nghĩa đang nói ở đây!

“Kiêm thử tứ sự, thị vị giáo thể” (kiêm cả bốn chuyện này để làm giáo thể): Kinh thể và bản thể của kinh Phật là văn tự. Chúng ta chẳng thể tách khỏi kinh sách, kinh sách là căn cứ giáo học của Phật giáo. “Giả, Thật, Thể, Dụng kiêm tư” là nói tới điều gì vậy? Trong ấy có Giả, có Thật, có Thể, có Dụng, những điều này bổ trợ lẫn nhau. Danh, Cú, Văn đều là giả, vì sao là giả? Chúng là bất tương ứng hành pháp. Quý vị học Duy Thức, học Bách Pháp sẽ hiểu: Cái gọi là “bất tương ứng hành pháp” nói theo danh từ bây giờ là những gì thuộc về trừu tượng, không có thực thể. Vì thế, chúng được gọi là “bất tương ứng”, chẳng tương ứng với ai? Chẳng tương ứng với Tâm, chẳng tương ứng với Tâm Sở, chẳng tương ứng với Sắc. Tâm pháp là Bát Thức Tâm Vương, đó là thật, vì hết thảy vạn pháp đều do nó biến, tâm là Năng Biến. So sánh giữa Năng Biến và Sở Biến thì Năng Biến là chân, Sở Biến là giả. Tâm Sở pháp là tác dụng của Tâm Vương, phụ thuộc Tâm Vương, gồm có tất cả năm mươi mốt món. Đối lập với Tâm Sở pháp là Sắc pháp. Sắc pháp là Y Tha Khởi Tánh, cũng coi như là có, quả thật có chuyện ấy, chẳng thể nói chúng không có. Ngôn ngữ, văn tự là bất tương ứng hành pháp, đã chẳng phải là Tâm pháp hay Tâm Sở pháp, mà cũng chẳng phải là Sắc pháp. Nói theo ba tánh của Duy Thức, tánh chất của chúng (bất tương ứng hành pháp) được gọi là Biến Kế Sở Chấp Tánh; đây chính là một thứ vọng tưởng hay quan niệm chấp trước trong tâm chúng ta, cho rằng có những thứ này, chứ trên thực tế chẳng có! Vì thế, văn tự bất quá là một thứ phù hiệu mà thôi, là một thứ hết sức trừu tượng, là giả, chẳng thật!

Âm thanh quả thật tồn tại, âm thanh thuộc về Sắc pháp. Sắc pháp có mười một thứ, gồm Ngũ Căn và Lục Trần, Ngũ Căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; Lục Trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Âm thanh là một thứ trong Lục Trần, thuộc về Sắc pháp. Sắc pháp là Y Tha Khởi Tánh, thật sự có. Biến Kế Sở Chấp Tánh chẳng thật sự có, mà là giả có. Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp, âm thanh là Thể, về sau ghi chép thành văn tự, đó là Dụng. Có Thể, có Dụng, có Giả, có Thật! Cái Thật ấy chẳng phải là chân thật tuyệt đối; do so sánh với Danh Cú Văn Biến Kế Sở Chấp Tánh nên quả thật có chuyện ấy. Tuy có chuyện ấy, nhưng cũng chẳng thể coi là chân thật tuyệt đối được.


(Sớ) Nhị, sở thuyên nghĩa giả, thử Thanh, Danh, Cú, Văn, nhược vô sở thuyên chi nghĩa, tắc đồng hồ thiên vận, thù vô ý huống.

() 二、 所詮義者 ,此聲名句文 ,若無所詮之義

則同乎篇韻,殊無意況。

(Sớ: Hai là những nghĩa lý được diễn bày [bởi thanh danh cú văn]: Những thứ Thanh, Danh, Cú, Văn ấy nếu không diễn tả những nghĩa lý thì chúng sẽ giống như các sách tự điển, gieo vần6, trọn chẳng có ý nghĩa gì!)

Trong văn tự, nếu thật sự không có ý nghĩa, sẽ giống như từng chữ một trong tự điển, mỗi chữ chẳng liên kết với nhau thì chẳng có ý nghĩa gì hết, giống như các loại sách vận thư (sách dạy gieo vần như Quảng Vận) hay thi vận (sách liệt kê những chữ có cùng vần trong thơ ca) xưa kia, chẳng có ý nghĩa gì hết, trở thành có tánh chất giống như vậy. Vì thế, trong văn nhất định phải có nghĩa thì mới có giá trị. Nghĩa lý càng sâu càng có giá trị. Trong báo chí có văn tự, trong tạp chí cũng có văn chương, nhưng ý nghĩa quá nông cạn, đọc một lần chẳng muốn xem lần thứ hai. So với những thứ văn học có giá trị, có mức độ sâu thì ý vị sâu hơn, đọc xong vẫn muốn đọc nữa. Thế nhưng tác phẩm văn học dù hay đến đâu, đọc hai chục hay ba chục lần cũng chẳng muốn đọc nữa. Chúng ta đọc Thập Tam Kinh7 là sách của Nho gia, đọc Lão Tử, Trang Tử, những sách đó ý vị nồng nàn, sâu đậm, đúng là đọc trăm lần chẳng chán! Nếu xem kinh Phật, đích xác là từ Sơ Phát Tâm cho đến Đẳng Giác Bồ Tát, đọc qua vô lượng kiếp vẫn đọc không chán, vì sao vậy? Vì kinh từ Chân Như bổn tánh lưu lộ, bổn tánh chẳng có cùng tận. Vì thế, pháp vị được bao hàm trong ngôn ngữ văn tự cũng chẳng cùng tận, có nghĩa vị



rất nồng đậm.
(Sớ) Nhược đồ nghĩa vô văn, diệu lý bằng hà nhi đắc hiển thị.

() 若徒義無文,妙理憑何而得顯示。

(Sớ: Nếu chỉ có nghĩa lý suông, chẳng có văn tự, diệu lý nhờ vào đâu để hiển thị).
Tuy có nghĩa vị, nhưng nếu không có văn tự dẫn dắt, chúng ta sẽ không có cách nào thông đạt [nghĩa lý ấy]. Nghĩa vị ấy do đâu mà có? Thưa quý vị, tuyệt đối chẳng phải là có sẵn trong văn tự. Nếu trong văn tự có pháp vị, lẽ ra mỗi người đọc văn tự đều có thể cảm nhận, chẳng phải vậy! Pháp vị ấy do đâu mà có? Do quý vị nhờ vào văn tự để dẫn khởi tâm tánh của chính mình phát xuất; do vậy, ý vị chẳng có cùng tận. Đó gọi là “pháp hỷ sung mãn”, chúng ta thường nói là “ngộ xứ”. Sự ngộ ấy có chấm dứt hay không? Không có! Chẳng có chấm dứt! Quý vị đọc kinh, hằng ngày có ngộ xứ. Cũng có người nói: “Tôi hằng ngày niệm kinh mà chẳng có ngộ xứ, vì sao chẳng có ngộ xứ?” Quý vị niệm kinh không đúng cách; vừa niệm kinh, vừa khởi vọng tưởng, chẳng có ngộ xứ! Khi niệm kinh, tâm địa chẳng thanh tịnh, chẳng thể có ngộ xứ! Khi niệm kinh, thái độ chẳng cung kính, chẳng có ngộ xứ! Vì thế, nếu dùng cái tâm thành kính, thanh tịnh để niệm kinh, chẳng thể nói là không có ngộ xứ; chỉ có thể nói là ngộ xứ sâu hay cạn khác nhau, nhất định có ngộ xứ! Niệm một lượt sẽ có ngộ xứ một lượt, niệm hai lượt sẽ có ngộ xứ hai lượt. Ngộ xứ ấy chẳng có giới hạn. Vì thế, đọc kinh từ Sơ Phát Tâm cho đến khi thành Phật vẫn chẳng chán là do đạo lý này! Niệm ra hết vô lượng trí huệ và đức năng trong Chân Như bổn tánh của chính mình, mầu nhiệm ở chỗ này, chẳng thể nghĩ bàn! Vì thế, đức Phật khuyên chúng ta: Kinh Phật chẳng thể không đọc. Ba món phước trong Quán Kinh đến cuối cùng là “đọc tụng Đại Thừa”. Vì thế, đọc kinh hết sức trọng yếu.
(Sớ) Lương dĩ văn tùy ư nghĩa, nghĩa tùy ư văn.

() 良以文隨於義,義隨於文。

(Sớ: Bởi lẽ, văn nương theo nghĩa, nghĩa nương theo văn).
Văn có thể khơi gợi, phát khởi tâm trí của chúng ta, khiến cho tâm trí của chúng ta sẽ thuận theo văn tự ấy mà lưu lộ ra. Đó là lợi ích chẳng thể nghĩ bàn.

(Sớ) Văn nghĩa tương tư, nãi thành giáo thể.

() 文義相資,乃成教體。

(Sớ: Văn và nghĩa nương giúp nhau, bèn thành giáo thể).
Giáo thể, nói theo cách hiện thời, những kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật nói được chép thành sách, tuy sách vở là giả, nhưng chúng có tác dụng. Tác dụng gì vậy? Có thể dẫn phát tự tánh của chúng ta. Tự tánh của chúng ta là Thể. Cái Thể của chúng ta và Thể của Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng khác, là một Thể, chẳng có hai Thể! Đọc kinh có thể minh tâm kiến tánh, phải đọc như vậy thì mới được! Chết cứng nơi văn tự là hỏng rồi. Vì thế, quyết định đừng để văn tự xoay chuyển, phải dùng văn tự để dẫn dắt, phát khởi chân tánh của chính mình, đọc như vậy thì mới được!

Quý vị nghe thấy điều này dường như rất huyền, rất diệu. Đương nhiên quý vị cũng khát khao, ta nên làm sao thì mới đạt được? Quý vị hãy nhớ những gì tôi vừa mới nói, đừng quên: Dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm cung kính để niệm. Khi niệm, chẳng cần phải phân biệt những ý nghĩa trong ấy, ý nghĩa sẽ tự nhiên hiển hiện. Đó là ngộ xứ. Quý vị suy nghĩ điều này có nghĩa là gì, đại khái có ý nghĩa nào? Lầm rồi! Quý vị hoàn toàn rớt trong ý thức. Bài kệ Khai Kinh nói rất hay: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, thế mà quý vị đã hoàn toàn hiểu lầm ý nghĩa chân thật của Như Lai. Quý vị hằng ngày niệm kinh, niệm đến cuối cùng bèn hiểu lầm nghĩa chân thật của Như Lai! Còn có cách nào nữa đây? Không có cách nào cả! Vì thế, quý vị nhất định phải biết niệm.

Trong quá khứ, tôi cũng đã từng bảo quý vị: Niệm kinh là hoàn thành Tam Học Giới - Định - Huệ cùng một lúc. Vì thế, niệm kinh là tu hành: Tu Giới, tu Định, tu Huệ. Giới luật là “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”. Giới Tiểu Thừa là “đừng làm các điều ác”, Bồ Tát Giới là “vâng làm các điều lành”. Khi chúng ta niệm kinh, tâm địa chân thành, cung kính, thanh tịnh, tâm quý vị đương nhiên cũng chẳng có điều ác, bèn làm được “không làm các điều ác”. Kinh là ngôn ngữ lưu lộ từ Chân Như bổn tánh của Thích Ca Mâu Ni Phật, lành nhất trong những sự lành, chẳng có gì tốt lành hơn được! Đọc kinh là “vâng làm các điều thiện”. Do vậy, giới luật Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa đều viên mãn, thảy đều trọn đủ. Khi niệm kinh bèn nhất tâm niệm, nhất tâm là Định, chuyên tâm, niệm kinh nhất định chẳng suy nghĩ loạn xạ. Ta niệm một câu, suy nghĩ trong ấy có ý nghĩa gì, thì gọi là “suy nghĩ loạn xạ”, chẳng có Định! Ta niệm kinh là tu Định, chẳng khởi một niệm trong ấy. Chẳng có phân biệt, chấp trước, đó là tu Định. Niệm kinh văn từng chữ phân minh, từng câu rõ ràng, chẳng đọc sai, chẳng đọc lộn xộn, đó là tu Huệ. Quý vị niệm như vậy mới hòng khai ngộ. Vì thế, công đức niệm kinh rất lớn, đạo lý là ở chỗ này!

Vừa niệm vừa suy nghĩ ý nghĩa, đó là khởi vọng tưởng. Những gì quý vị suy nghĩ chẳng phải là ý nghĩa được nói trong kinh, những ý nghĩa trong kinh phải là lưu lộ, từ nội tâm của quý vị tuôn ra, chẳng cần phải nghĩ, hễ nghĩ là trật mất rồi! Đây là chỗ tuyệt đối khác nhau giữa kinh Phật và những thứ văn chương, sách vở thế gian. Tất cả sách vở trong thế gian đều từ cái tâm phân biệt, chấp trước, ý thức lưu lộ, quý vị đọc có thể suy ra những ý nghĩa; còn những gì đức Phật nói chính là từ cái tâm vô phân biệt lưu lộ. Quý vị dùng cái tâm phân biệt để suy nghĩ, sẽ tuyệt đối chẳng hiểu được ý nghĩa; ắt phải bỏ sạch phân biệt, chấp trước, vọng tưởng! Niệm kinh như thế mới hòng đạt được ý nghĩa chân thật của Như Lai, quý vị niệm kinh mới thật sự đạt được thụ dụng.



(Sớ) Cố kim thử kinh.

() 故今此經。

(Sớ: Nên nay kinh này).
Nói đến bản kinh [Di Đà] này.
(Sớ) Tùng “như thị ngã văn”, chí “tác lễ nhi thoái”.

() 從如是我聞,至作禮而退。

(Sớ: Từ “tôi nghe như thế” cho đến “làm lễ, lui ra”).
Đây là nói toàn bộ kinh A Di Đà.
(Sớ) Thị Thanh, Danh, Cú, Văn Thể.

() 是聲名句文體。

(Sớ: Là Thể của Thanh, Danh, Cú, Văn).
Văn tự trong kinh văn thật sự là Thể của Thanh, Danh, Cú, Văn.
(Sớ) Nhi kỳ trung sở thuyết y chánh nhị báo, tín nguyện vãng sanh đẳng, thị sở thuyên nghĩa dã.

() 而其中所說依正二報 信願往生等 是所詮義

也。

(Sớ: Nhưng những điều như y báo và chánh báo, tín nguyện vãng sanh v.v... nói trong ấy chính là những nghĩa được kinh nói tới).
Trong văn tự có những ý nghĩa.
(Sớ) Dĩ thị nhị giả, giao tương tùy cố, nhi vi giáo thể.

() 以是二者,交相隨故,而為教體。

(Sớ: Dùng hai điều này (văn và nghĩa) tùy thuộc lẫn nhau để làm giáo thể).

Trong văn có nghĩa, trong nghĩa có văn. Đây là nói từ “tùy tướng” (nghĩa tùy thuộc vào tướng văn tự, tướng văn tự tùy thuộc nghĩa) để nêu ra đại ý của giáo thể.


(Huyền Nghĩa) Hựu nhược cứ pháp sở hiển nghĩa, tắc vô phi Phật sự, như hương phạn, quang minh đẳng, đương tri pháp pháp giai vi giáo thể.

(玄義) 又若據法所顯義 則無非佛事 如香飯光明

等,當知法法皆為教體。

(Huyền Nghĩa: Lại nữa, nếu dựa theo những nghĩa đã được hiển thị bởi pháp thì không gì chẳng phải là Phật sự, như cơm thơm, quang minh v.v... Hãy nên biết pháp nào cũng đều là giáo thể).
“Pháp” là hết thảy các pháp. Nói thật ra, hết thảy các pháp đều có thể “hiển nghĩa”. Quý vị đọc bộ kinh sách này thì bộ kinh sách này là một pháp, nó có thể hiển lộ nghĩa lý. Trừ kinh sách ra, hết thảy các pháp đều có thể hiển lộ nghĩa lý. Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy thế giới Hoa Tạng; từ kinh này, ta thấy lục trần trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thuyết pháp. Lục trần thuyết pháp, tức là pháp nào cũng đều có thể hiển lộ nghĩa lý. Đây là thật, chẳng giả! Trong Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, Thanh Lương đại sư đã giảng ý nghĩa này rất thấu triệt, đấy chính là như chúng tôi thường nói “biểu pháp”. Biểu (表) là tỏ lộ, pháp (法) là ý nghĩa trong ấy. Chẳng hạn như chúng ta thấy nến thì nến là một pháp; người giác ngộ, người chẳng mê thấy nến có thể dẫn phát công đức từ trong bổn tánh của chính mình. Nến thắp lên là quang minh, tâm địa của chúng ta phải quang minh, phải chiếu hết thảy chúng sanh, phá mê khai ngộ cho hết thảy chúng sanh. Ngộ là tướng sáng, mê là tướng tối. Nến thắp lên, cháy dần dần, cháy không còn gì nữa, đó là “xả kỷ vị nhân” (hy sinh mình vì người khác), hy sinh chính mình, ta vì người khác. Đó là Tánh Đức. Trước tượng Phật phải cúng đèn, xưa kia là đèn dầu hay nến nhằm tượng trưng cho những ý nghĩa ấy. Thắp hương thì hương biểu thị lòng tin, tượng trưng cho Giới - Định, trong bài Hương Tán có câu “Giới Định chân hương”. Thấy hương, ngửi mùi hương phải nghĩ: Ta phải tin. Tin vào những lời răn dạy của đức Phật, tin Phật là bậc chân thật, Phật chẳng gạt người, hãy nên tu Giới, tu Định. Đèn tượng trưng tu Huệ. Đốt hương, thắp đèn biểu thị căn bản của sự tu học trong Phật pháp: Tam Học Giới - Định - Huệ. Một bộ Đại Tạng Kinh nhằm giảng Giới - Định - Huệ. Quý vị thấy một nén hương, một cây nến hoàn toàn biểu thị [căn bản tu học trong Phật pháp]. Đại Tạng Kinh nhiều ngần ấy cũng nhằm nói những điều này. Một cây hương, một ngọn nến cũng [diễn tả những ý nghĩa] nhiều dường ấy, chẳng tăng, chẳng giảm, nhưng có mấy ai giác ngộ?

Vì thế, người giác ngộ hằng ngày thấy Phật, thấy vô lượng vô biên Phật; chư Phật, Bồ Tát mỗi ngày từ sáng đến tối vây quanh chính mình, phàm phu chẳng biết, đáng thương thay! Người giác ngộ cảm kích khôn ngằn. Phật ở nơi đâu? Tất cả hết thảy chúng sanh, hết thảy nhân vật, không ai chẳng phải là Phật, không ai chẳng phải là thiện tri thức. Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm là một tấm gương cho chúng ta, năm mươi ba vị thiện tri thức là những ai? Chính là nam, nữ, già, trẻ, các ngành nghề trong xã hội hiện thời. Trong ấy có kẻ xấu, đúng thế! Trong năm mươi ba người cũng có người xấu, trong ấy có người học Phật, mà cũng có kẻ học theo ngoại đạo, quả thật đã tượng trưng cho xã hội hiện thời. Trong mắt Thiện Tài, những người ấy đều là thiện tri thức, thảy đều là Phật, Bồ Tát. Tôi thấy chỗ tốt lành của quý vị, tôi học theo quý vị, dẫn phát thiện hạnh của chính mình. Thấy chỗ ác của quý vị, tôi hiểu rõ, phản tỉnh xem tôi có điều ác ấy hay chăng. Do vậy, thiện nhân lẫn ác nhân đều là thầy của chính mình. Không có thiện nhân, sẽ chẳng thể khơi gợi, dấy lên thiện tâm của chính mình; không có kẻ ác, sẽ chẳng thể sửa đổi lỗi lầm của chính mình. Vì thế, người lành, kẻ ác, chuyện tốt, việc xấu đều thành tựu vô thượng Bồ Đề của chính mình. Đoạn này có ý nghĩa như vậy đó!

Do vậy, nói: Chẳng có pháp nào không phải là giáo thể! “Pháp”

là nói đến pháp tướng. Đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, nếu quý vị hiểu ý nghĩa được hiển thị bởi chúng thì “vô phi Phật sự” (không gì chẳng phải là Phật sự), có thứ nào chẳng phải là Phật sự? Chúng ta thấy những kẻ chấp trước khôn ngằn, hãy suy nghĩ coi chính mình có chấp trước như vậy hay là không? Những người ấy là thầy của ta! Vì nếu chúng ta không gặp họ, sẽ chẳng phản tỉnh. Hễ có, bèn lập tức thay đổi; không có, ta bèn gắng sức, từ nay về sau ngàn vạn phần chớ nên có chấp trước ấy! Tu hành như vậy mới có thể thành tựu!



“Hương phạn, quang minh” (cơm thơm, quang minh): Khi ăn cơm, mỗi cá nhân hằng ngày phải ăn cơm. Cơm tượng trưng điều gì? Nếu quý vị nghĩ thông suốt ý nghĩa biểu thị pháp của sự ăn cơm, quý vị sẽ đại triệt đại ngộ, thật sự có thể buông xuống. Trong ấy, biểu thị ý nghĩa gì? Thân thể của chúng ta là cái thân mang bệnh. Thân thể quý vị rất khỏe mạnh, nhưng ba ngày không ăn cơm sẽ đói rã ruột, chẳng có khí lực gì hết. Mạnh khỏe ở chỗ nào? Cơm là thuốc. Quý vị thấy đó: Sau mấy tiếng đồng hồ lại phải dùng thuốc một lần, chẳng uống thuốc ấy, thân thể sẽ chẳng thể chống chọi được! Thân thể quý vị khỏe mạnh, cường tráng ở chỗ nào? Giả trất, chẳng thật! Mê hoặc, điên đảo! Nhưng cách mấy tiếng đồng hồ, quý vị lại phải uống thuốc ấy để duy trì thân mạng. Trừ thân mạng ra, quý vị phải nghĩ: Quý vị còn có huệ mạng. Trừ cái thân xác thịt ra, còn có Pháp Thân. Làm thế nào để duy trì Pháp Thân huệ mạng của chúng ta? Lẽ nào ăn cơm chẳng phải là Phật sự? Lẽ nào chẳng phải là tu hành? Chẳng có chuyện nào không phải là Phật sự! Chẳng có một pháp nào chẳng thông với vô thượng đạo!

Vô thượng đạo là Chân Như bổn tánh, đạo lý gì vậy? Vì hết thảy các pháp đều từ Chân Như bổn tánh biến hiện. Kinh Đại Thừa đã dạy: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Nên quán tánh pháp giới, hết thảy chỉ do tâm tạo), không có pháp nào chẳng thông với tánh Thấy. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Nhất thiết pháp nhân tâm thành Thể” (hết thảy các pháp do tâm mà thành Thể), “ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm”, quý vị học Phật thường nghe những câu này. Vì thế, chẳng có pháp nào không thể giác ngộ, chẳng có pháp nào không thể nhập đạo.

Người căn tánh nhạy bén, thấy hoa bay, lá rụng trong thiên nhiên đều có thể ngộ “vạn pháp vô thường”, có thể buông xuống hết thảy thân tâm thế giới, tâm được thanh tịnh. Kẻ nghiệp chướng nặng nề, đừng nói là chẳng thấy được dấu tích gợi ý nơi các pháp, mà nghe kinh cũng chẳng hiểu, cũng chẳng thể giác ngộ, nghiệp chướng quá nặng!

(Sớ) Pháp năng hiển nghĩa.

() 法能顯義。

(Sớ: Pháp có thể hiển lộ nghĩa lý).
Chúng tôi vừa nói một chút về ý nghĩa này.
(Sớ) Tắc pháp pháp tự chương.

() 則法法自彰。

(Sớ: Nên mỗi pháp tự phơi bày).
“Chương” là rõ ràng, hiển lộ, chẳng ẩn giấu một tí nào!
(Sớ) Bất sĩ văn tự.

() 不俟文字。

(Sớ: Chẳng đợi văn tự).
Cần gì phải giải nói, cần gì dùng đến văn tự? Đúng là chẳng cần dùng đến!
(Sớ) Như Hoa Nghiêm vân đài, bảo võng, mao khổng quang minh, giai năng thuyết pháp.

() 如華嚴雲臺寶網,毛孔光明,皆能說法。

(Sớ: Như trong kinh Hoa Nghiêm, đài mây, lưới báu, lỗ chân lông tỏa quang minh đều có thể thuyết pháp).

Quý vị hãy nên liễu giải, những thứ ấy nói pháp gì vậy? Tôi vừa mới nêu lên một thí dụ trước mắt: Cây nến thuyết pháp gì? Hương thuyết pháp gì? Bục giảng thuyết pháp gì? Tượng Phật thuyết pháp gì? Đều phải hiểu. Quý vị thảy đều hiểu rõ, danh xưng chung của chúng là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Kinh Hoa Nghiêm sống động, chẳng phải là một bản kinh [chết cứng], chẳng phải là bộ kinh tám mươi quyển! Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh là thế giới hiện tiền, nếu quý vị hiểu, sẽ nhập cảnh giới Hoa Nghiêm.


(Sớ) Tịnh Danh vân: Hữu Phật thế giới, dĩ hương phạn nhi tác Phật sự.

() 淨名云:有佛世界,以香飯而作佛事。

(Sớ: Kinh Tịnh Danh nói: “Có thế giới Phật dùng cơm thơm8 để làm Phật sự).

Người trong thế giới ấy thiệt căn nhạy bén! Người trong thế gian này của chúng ta vừa nghe kinh liền khai ngộ! Người trong thế giới ấy nhĩ căn chẳng nhạy bén, Phật nói cách nào họ cũng không hiểu, Phật làm mấy món ăn, họ vừa ăn liền khai ngộ. Họ khai ngộ từ ngũ vị, căn tánh khác nhau! Chúng ta đến thế giới ấy, Phật quyết định chẳng mời chúng ta ăn cơm, vì sao? Càng ăn càng mê, chẳng thể khai ngộ. Do vậy, đọc đến đoạn kinh Duy Ma này, đừng nghĩ sang thế giới ấy vì thế giới ấy hằng ngày có món ngon. Thế giới ấy khá lắm, quý vị muốn sang bên đó, căn tánh chẳng thích hợp, quý vị sang bên đó cũng chẳng ăn gì được!


(Sớ) Hữu Phật thế giới, dĩ quang minh nhi tác Phật sự.

() 有佛世界,以光明而作佛事。

(Sớ: Có thế giới Phật dùng quang minh để làm Phật sự).
Đây là Phật phóng quang, quý vị thấy quang minh ấy bèn khai ngộ. Quý vị hiểu ý nghĩa tượng trưng bởi quang minh ấy, màu sắc của quang minh cũng nhiều đến vô lượng. Trong thế gian hiện thời của chúng ta cũng có, nhưng ít hơn. Ở ngã tư đặt đèn đỏ, đèn xanh, đèn vàng, chúng ta đều hiểu, chẳng cần phải nói. Người lái xe trông thấy đèn đỏ liền biết ngừng lại. Đó là “làm Phật sự”, quý vị bèn giác ngộ. Do vậy, có thế giới, đức Phật chẳng nói câu nào, mà phóng quang, đại chúng trông thấy bèn khai ngộ, phiền não cũng đoạn, Phật đạo cũng thành.
(Sớ) Nãi chí nhất sắc, nhất hương, nhất cử, nhất động.

() 乃至一色一香,一舉一動。

(Sớ: Cho đến một sắc, một hương, nhất cử, nhất động).
Cử động có thể biểu thị pháp ư? Có thể biểu thị pháp! Trong thế gian hiện tại của chúng ta cũng có, thủ ngữ (sign language, ngôn ngữ giao tiếp bằng cách dùng tay ra dấu). Trước kia, người ngoại quốc đề xướng phổ biến [thủ ngữ], vì sao? Không thông hiểu ngôn ngữ, dùng “thủ ngữ” để trao đổi ý kiến bèn hiểu nhau. Học ngôn ngữ rất phiền phức, học thủ ngữ dễ dàng hơn. Học xong, đi khắp thế giới đều có thể sử dụng được, động tác mà! Vì thế, chúng ta thấy thủ ấn của Phật, Bồ Tát, đó chính là động tác, các động tác ấy cũng biểu thị những ý nghĩa rất sâu!
(Sớ) Kim thử kinh giả, thủy, điểu, thụ lâm, hàm tuyên diệu pháp, tắc tùy cử nhất pháp, giai thành giáo thể.

() 今此經者 ,水鳥樹林 ,咸宣妙法 則隨舉一法

,皆成教體。

(Sớ: Nay kinh này: Nước, chim, rừng cây đều tuyên diệu pháp. Lấy bất cứ pháp nào đều thành giáo thể).
Do điều này có thể biết: Giáo thể rộng lớn chẳng có ngằn mé. Vì sao? Nói xuyên suốt thì Tánh - Tướng bất nhị, Tánh - Tướng như một. Lìa Tướng, nào còn có Tánh? Muốn thấy Tánh thì phải thấy từ Tướng. Cổ đức có tỷ dụ: “Dùng vàng chế đồ vật, món nào cũng là vàng”. Rời khỏi đồ vật chẳng tìm ra vàng, rời khỏi vàng chẳng có đồ vật. Hai thứ này nương tựa vào nhau mà tồn tại. Mối quan hệ giữa Tánh và Tướng là như vậy đó. Nói đến Phật pháp thì mối quan hệ giữa Văn và Nghĩa cũng như thế đó. Từ chỗ này có thể thấu hiểu những nghĩa thú được nói trong phần Tùy Tướng, chúng ta mới hiểu rõ Thể Tánh của kinh. Sau khi hiểu rõ, chẳng riêng bộ kinh này, mà hết thảy các pháp do đức Phật đã nói chúng ta đều tin tưởng, đều chẳng hoài nghi. Đức Phật nói ngoài mười vạn ức cõi Phật lại có thế giới, chúng ta cũng tin tưởng, vì sao? Do tâm mà thành Thể. Tự tánh của chúng ta là vạn đức, vạn năng, thế giới Tây Phương là cái được biến (Sở Biến), là vật được biến hiện bởi tâm thức của chính mình. Công năng này vô lượng vô biên, lẽ nào chẳng thể biến hiện? Sau khi hiểu rõ Lý, quý vị sẽ khẳng định chân tướng sự thật, chẳng hoài nghi nữa.

Đoạn văn này chủ yếu nhằm tăng trưởng tín tâm cho chúng ta. Trong bốn đoạn, hôm nay chúng tôi giảng xong một đoạn, phần sau còn ba đoạn nữa, đều nhằm thâm nhập, thảo luận Giáo Thể. Hôm nay đã hết thời gian rồi.





1 Theo Hoa Nghiêm Kinh Sớ, chữ Thân có nghĩa là “tụ tập”. Do Văn là từ Cú hợp thành, Cú do Danh hợp thành, nên Cú và Văn được gọi chung là Thân.

2 Trong phần này, không rõ vì sao hòa thượng Tịnh Không chỉ nói năm môn đầu, không giảng năm môn còn lại. Theo A Di Đà Kinh Sớ Sao Sự Nghĩa, mười môn ấy chính là: 1) Âm thanh ngữ ngôn 2) Danh cú văn thân 3) Thông thủ tứ pháp 4) Chư pháp hiển nghĩa 5) Nhiếp cảnh duy tâm 6) Hội duyên nhập Không (gom các duyên về Không) 7) Lý Sự vô ngại 8) Thông nhiếp sở thuyên (đúc kết những điều đã nói) 9) Sự sự vô ngại 10) Hải ấn bính hiện (Chân như hải ấn hiển hiện rạng ngời).

3 Hoa Nghiêm Huyền Đàm có tên đầy đủ là Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao Huyền Đàm, còn gọi là Thanh Lương Huyền Đàm. Nội dung bao gồm phần cương yếu và những phần luận định liên quan đến Huyền Nghĩa của kinh Hoa Nghiêm trích từ các tác phẩm Hoa Nghiêm Kinh Sớ và Hoa Nghiêm Kinh Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao. Tác phẩm này lại còn được chú giải bởi các bộ Hoa Nghiêm Huyền Đàm Quyết Trạch (do Tông Diễn soạn) và Huyền Đàm Hội Huyền Ký (do Phổ Thụy soạn).

4 Tu từ là biện pháp tăng cường hiệu quả thuyết phục của ngôn ngữ, ngoài mục đích thẩm mỹ, còn tăng cường sức hấp dẫn, tạo ấn tượng trong tâm trí người nghe, cũng như khiến cho những ý tưởng được diễn tả trở nên rõ ràng, mạch lạc. Những biện pháp tu từ thường dùng nhất trong chữ Hán là ngụ ngôn, phú (diễn tả trực tiếp), tỷ (so sánh), hứng (gợi ý liên tưởng), khoa sức (thậm xưng, nói ngoa), phúng thích (bỡn cợt), đảo ngữ... cũng như sử dụng điển tích, thành ngữ v.v... Tác phẩm đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống về Tu Từ Học là Văn Tâm Điêu Long của Lưu Hiệp.

5 Văn Biền Thể còn gọi là Tứ Lục, Biền Lệ, Biền Văn, Biền Phú v.v... Theo sách Thuyết Văn Giải Tự, Biền (駢) có nghĩa là hai con ngựa cưỡi đi song song. Biền Văn đã có từ thời Tiên Tần, hưng thịnh nhất dưới thời Ngụy - Tấn, về sau trở thành thể văn bắt buộc phải dùng trong trường thi vào đời Minh và Thanh. Toàn thể bài văn phải theo kết cấu đối ngẫu, tức là trừ một ít câu, cứ mỗi đoạn đều có thể chia thành hai vế đối, số chữ, vần điệu đều phải giống nhau, mỗi chữ chính yếu phải “ăn vần” với nhau rất phức tạp. Mỗi câu dùng bốn chữ, hay sáu chữ là chính, đôi khi có thể dùng năm hay bảy chữ, có khi dùng đến tám, chín, mười chữ, nhưng rất ít khi dùng đến kiểu này. Lời văn phải hết sức đẹp đẽ, bóng bảy, sử dụng điển tích cầu kỳ, bí hiểm, âm thanh du dương nhằm phô diễn sự học rộng, nhưng nhiều khi nội dung rỗng tuếch! Xin trích một đoạn trong bài Thu Nhật Đăng Hồng Phủ Đằng Vương Các Tiễn Biệt Tự (Lời giãi bày nhân một ngày Thu lên gác Đằng Vương của Hồng Phủ tiễn biệt nhau): “Lạo thủy tận nhi hàn đàm thanh, yên quang ngưng nhi mộ sơn tử. Tằng đài tủng thúy, thượng xuất trùng tiêu, phi các tường đan, hạ lâm vô địa. Hạc đinh phù chử, cùng đảo dự chi oanh hồi, quế điện lan cung, tức cương loan chi thể thế” (tạm dịch: Nước lụt đã hết, đầm lạnh xanh thẫm. Chiều tà, khói quyện ánh sáng, núi tím biếc. Đài cao chập chùng chót vót, vút tận trời xanh, gác son chênh vênh, nhìn không thấy đất. Le, hạc xúm xít bến sông, sóng vờn quanh đảo, cung lan, điện quế, dường thế núi quanh co).

6 Thiên vận” là tên gọi gộp chung hai bộ sách Ngọc Thiên và Quảng Vận. Sách Ngọc Thiên là một loại tự điển cổ xưa do Cố Dã Vương biên soạn dưới đời Lương vào thời Nam Bắc Triều, phỏng theo cách biên soạn của bộ Thuyết Văn Giải Tự, nhưng cải tiến, hợp lý hơn, gồm ba mươi quyển, 16.917 chữ, chia thành 542 bộ thủ. Với mỗi chữ có ghi âm đọc theo cách Phiên Thiết (tức dùng hai chữ đã biết ghép lại nhằm giải thích âm đọc. Chẳng hạn, chữ được chú âm cách đọc là Thả Duyên thiết, nên phải đọc là Thuyên). Sơ Tổ Chân Ngôn Tông của Nhật Bản là ngài Không Hải vào năm 806 đã mang tác phẩm này về Nhật, và dựa theo đó để biên soạn bộ Tenrei Basho Meigi (Triện Lệ Vạn Tượng Danh Nghĩa), tức là bộ tự điển đầu tiên của Nhật. Quảng Vận có tên gọi đầy đủ là Đại Tống Trùng Tu Quảng Vận, do nhóm Trần Bành Niên biên soạn trong niên hiệu Tường Phù đời Tống Chân Tông, là một bộ sách được biên tập từ các vận thư (sách dạy cách gieo vần trong khi làm thơ phú, chữ nào vần với chữ nào) trước đó như Thiết Vận, Đường Vận v.v... Nội dung sách rất rắc rối, chia các chữ Hán thường dùng thời đó (26.194 chữ) thành bốn loại dựa theo dấu giọng (bình, thượng, khứ, nhập) rồi với mỗi giọng lại chia thành các vần, thành hai trăm lẻ sáu hệ thống vần chính. Do vậy, từ ngữ “thiên vận” thường được dùng để chỉ các loại từ điển và sách dạy gieo vần nói chung.

7 Thập Tam Kinh là mười ba bộ kinh điển chủ yếu của Nho gia mà các sĩ tử Trung Hoa kể từ đời Tống bắt buộc phải học nếu muốn đỗ đạt, gồm kinh Thi, kinh Thư, Lễ Ký, Châu Dịch, Tả Truyện (Tả Thị Xuân Thu là bộ biên niên sử nhằm chú giải kinh Xuân Thu do Tả Khâu Minh biên soạn), Công Dương Truyện (chú giải kinh Xuân Thu do Công Dương Cao người nước Tề biên soạn), Cốc Lương Truyện (chú giải kinh Xuân Thu do Cốc Lương Tử biên soạn), Châu Lễ (tương truyền do Châu Công biên soạn, viết về cách tổ chức quan chế đời Châu), Nghi Lễ (ghi chép các thứ nghi lễ đời Châu), Luận Ngữ (ghi chép lời dạy của Khổng Tử), Hiếu Kinh (ghi chép lời Khổng Tử dạy Tăng Sâm về đạo hiếu), Nhĩ Nhã (bộ từ điển đầu tiên của Trung Hoa, không rõ tác giả) và Mạnh Tử (sách ghi lại tư tưởng, quan điểm của Mạnh Tử, thường được tin là do chính Mạnh Tử biên soạn, và do các học trò của ông như Vạn Chương, Công Tôn Sửu v.v... chỉnh lý).

8 Theo phẩm Hương Tích Phật trong kinh Duy Ma Cật, ngài Xá Lợi Phất tự nghĩ: “Đã sắp đến giờ thọ trai, các vị Bồ Tát này sẽ ăn bằng gì?” Khi ấy, cư sĩ Duy Ma Cật bèn bảo: “Đức Phật nói tám món giải thoát, nhân giả nên phụng hành, há lẽ chẳng lìa ăn uống để nghe pháp ư? Nếu ngài muốn ăn, hãy đợi giây lát, tôi sẽ cho ngài món ăn chưa từng có”. Thế rồi ngài Duy Ma Cật chẳng rời khỏi tòa, trước mặt đại chúng, hóa ra một vị Bồ Tát tướng hảo quang minh, oai đức thù thắng lấn át chúng hội, bảo vị Bồ Tát ấy hãy đến cõi Chúng Hương ở phương trên cách xa Sa Bà bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật. Trong cõi ấy, Phật hiệu là Hương Tích Như Lai. Hóa Bồ Tát cầu Phật ban cho cơm thơm đem về thế giới Sa Bà để làm Phật sự. Hương Tích Như Lai bèn đem những cái bát thơm ngát đựng cơm thơm trao cho hóa Bồ Tát. Chín trăm vạn Bồ Tát cõi ấy cũng theo hóa Bồ Tát đến thế giới Sa Bà. Khi đó, ngài Duy Ma hóa ra chín trăm vạn tòa sư tử, nghiêm tịnh tốt đẹp cho các vị Bồ Tát ấy ngồi. Hương thơm từ cơm ấy xông khắp thành Tỳ Da Ly và tam thiên đại thiên thế giới. Ngài Duy Ma Cật bảo ngài Xá Lợi Phất và chúng Thanh Văn: “Các vị nhân giả có thể ăn cơm cam lộ vị, do lòng đại từ un đúc của Như Lai, đừng đem lòng suy nghĩ có hạn lượng, sẽ không thể tiêu hóa cơm này”. Hóa Bồ Tát nói: “Đừng dùng tiểu trí, tiểu đức của Thanh Văn để suy lường vô lượng phước huệ của Như Lai. Bốn biển cạn sạch, cơm này vẫn không hết. Dẫu cho hết thảy mọi người bốc cơm vo thành nắm to bằng núi Tu Di [để ăn], ăn suốt một kiếp, cơm vẫn chẳng hết”.

Quyển III - Tập 80



tải về 170.04 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương