Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Phẩm thứ mười một, Tịnh Hạnh Phẩm Phần 30 大方廣佛華嚴經 十一)淨行品



tải về 410.22 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích410.22 Kb.
#39615
  1   2   3


Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 30

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1521
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, xem từ bài thứ năm trong đoạn thứ năm của phần kệ tụng.
(Kinh) Tẩy địch hình uế, đương nguyện chúng sanh, thanh tịnh điều nhu, tất cánh vô cấu.

()洗滌形穢。當願眾生。清淨調柔。畢竟無垢。



(Kinh: Gột rửa thân nhơ, nguyện cho chúng sanh, thanh tịnh, mềm mại, rốt ráo chẳng bẩn).

Bài kệ này là [nguyện sẽ phát] trong khi tắm rửa, bài kệ tiếp theo là rửa tay, bài kệ cuối cùng là rửa mặt. Quý vị thấy những chuyện này đều là trong cuộc sống hằng ngày. Ở phương Nam, nhất là ở miền nhiệt đới, người nơi ấy gọi là “xung lương” (沖涼, xối mát). Vì khí trời nóng bức, nói chung, mỗi ngày phải xối đôi ba lượt, chẳng như phương Bắc rét buốt, thời gian tắm gội, rửa ráy ít hơn! Phương Nam thì tối thiểu mỗi ngày nhất định phải tắm rửa một lần, rửa tay và rửa mặt càng nhiều hơn nữa. Trong cuộc sống hằng ngày, xác thực là chúng ta khởi tâm động niệm đều thuận theo phiền não, thuận theo tập khí; Bồ Tát là người giác ngộ, xác thực là chẳng giống chúng ta, ngay trong những sự tướng rất nhỏ, [các Ngài] đều có thể dẫn phát vô lượng hoằng nguyện.

Chúng ta đọc đến đây, nghĩ tới đây, [nhận thấy các vị ấy] khiến cho kẻ khác chẳng thể không nghiêm túc cung kính. Các Ngài thành tựu như thế nào? Vì sao trong từng chút việc nhỏ nhặt, vặt vãnh, các Ngài đều có thể dẫn phát hoằng nguyện? Hoằng nguyện là Tánh Đức, chớ nên không hiểu đạo lý này! Đó gọi là “niệm niệm bất vi Tánh Đức” (niệm nào cũng đều chẳng trái nghịch Tánh Đức), niệm nào cũng đều tương ứng với Tánh Đức. Đấy là Bồ Tát. Đấy chẳng phải là hạng Bồ Tát bình phàm, mà là Pháp Thân Bồ Tát như trong kinh Đại Thừa đã nói. Pháp Thân Bồ Tát là Phật, trong Tông Môn thường nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Cảnh giới ấy là cảnh giới kiến tánh thành Phật, là trạng huống kiến tánh thành Phật. Quý vị thấy các Ngài có thành Phật hay không? Hãy dùng tiêu chuẩn này để kiểm nghiệm, đối chiếu một phen. [Muốn biết] chính mình có thành Phật hay không, cũng dùng tiêu chuẩn này để nghiêm túc kiểm điểm một phen. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta xử sự, đãi người, tiếp vật, từng ly từng tí có tương ứng với những điều được nói trong phẩm kinh này hay không? Chư vị phải biết: Đệ Tử Quy là thiện pháp của nhân gian, tương ứng với Tánh Đức nơi nhân đạo. Thập Thiện Nghiệp Đạo là thiện pháp của chư thiên. Thượng phẩm Thập Thiện sanh thiên, tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn trong Đệ Tử Quy một bậc. Phẩm Tịnh Hạnh là thiện pháp của Pháp Thân đại sĩ, hoàn toàn là Tánh Đức tự nhiên lưu lộ.

“Đương nguyện chúng sanh” (Nguyện cho chúng sanh): “Đương nguyện” là tự nhiên. Nói “tự nhiên” tức là chẳng cố ý. Trong cố ý, sẽ xen tạp ý thức, sẽ chẳng tự nhiên. Ý nghĩa này sâu lắm. Trong giáo pháp Đại Thừa có nói “tâm, ý, thức”. Hễ trong ấy có tâm, ý, thức, sẽ chẳng phải là tự nhiên; lìa tâm, ý, thức mới là tự nhiên. “Tâm, ý, thức” là gì? Chúng tôi nói rõ ràng hơn một chút, nói nông cạn một chút: Thức là phân biệt, Ý là chấp trước, Tâm là khởi tâm động niệm. “Lìa tâm, ý, thức” cũng có nghĩa là khéo dùng cái tâm. Trong chân tâm, chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Hễ xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, sẽ chẳng phải là chân tâm. Đối với “đương nguyện chúng sanh” ở đây,“đương nguyện” là chân tâm, chẳng phải là vọng tâm. Nói cách khác, lìa tâm, ý, thức, trong ấy chẳng có tâm, ý, thức, tức là chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tôi nói thông thường cho mọi người dễ hiểu, đấy là quyết định chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước. Đấy là khéo dùng cái tâm. Quý vị có khởi tâm động niệm, có phân biệt, chấp trước, [tức là] chẳng khéo dụng tâm! Chẳng khéo dụng tâm, sẽ rơi vào mười pháp giới, rơi vào lục đạo. Chúng sanh trong lục đạo dụng tâm hoàn toàn sai lầm!

Quý vị nhìn vào Đệ Tử Quy, hãy ngẫm xem, quý vị có khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước hay không? Có chứ! Do vậy, nó là thiện pháp trong nhân gian, chẳng thoát khỏi lục đạo. Đối với Thập Thiện Nghiệp Đạo, tùy thuộc quý vị dụng tâm như thế nào. Nếu khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước đều có, sẽ là thiện pháp của nhân thiên. Đấy là Thập Thiện Nghiệp của nhân thiên. Nếu chỉ có khởi tâm động niệm, có phân biệt, chẳng có chấp trước, sẽ là tứ thánh pháp giới, là A La Hán, Bích Chi Phật, là thiện pháp của họ. Nếu khởi tâm động niệm đều chẳng có, đó là thiện pháp của Phật, Bồ Tát. Thảy đều là Thập Thiện, nhưng dụng tâm khác nhau! Không khởi tâm, không động niệm, tức là dùng chân tâm. Một trăm bốn mươi mốt nguyện ở đây, “đương nguyện chúng sanh” đều là chẳng có khởi tâm động niệm.

Do vậy có thể biết, những ngôn ngữ văn tự này là pháp phương tiện. Trong Phật môn thường nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Người bình phàm trong hiện thời thường gọi từ bi là “ái tâm” (愛心, tâm yêu thương), đại ái. Trong ái tâm chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, chẳng có khởi tâm động niệm, do tự tánh viên mãn lưu lộ, chẳng có mảy may khiếm khuyết. Tôi nói lời này có ý nghĩa rất sâu; nói thật ra, rất khó lãnh hội! Tự tánh vốn trọn đủ Tánh Đức, trong giáo pháp Đại Thừa, [tự tánh] được gọi là Bổn Giác, cổ thánh tiên hiền gọi nó là “bổn thiện”. Bổn Giác chẳng phải là giác trong “giác và mê”. Bổn thiện chẳng phải là thiện trong “thiện ác”. Do vậy, khó hiểu! Lục đạo phàm phu, hễ nói tương đối, nói so sánh, sẽ [cảm thấy] rất dễ hiểu. Chẳng phải là tương đối, chẳng phải là so sánh, [họ sẽ cảm thấy] rất khó hiểu! Phàm phu cho đó là trừu tượng, trừu tượng thì chẳng dễ hiểu. Có phải là Phật pháp nói trừu tượng hay không? Phàm phu ngỡ là trừu tượng, nhưng trong tâm mục của người giác ngộ, đấy mới là chân thật.

Trong lục đạo chẳng có chân thật, trong mười pháp giới chẳng có chân thật. Kinh Bát Nhã nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Trừu tượng là hư vọng, cái được gọi là “chân thật” trong mười pháp giới vẫn là hư vọng! “Mộng lý minh minh hữu lục thú, giác hậu không không vô đại thiên” (Trong mộng rành rành phô sáu nẻo, giác rồi ba cõi rỗng toang hoang). Tổng kết kinh Đại Bát Nhã (tôi thường nói) sẽ là: “Hết thảy các pháp vô sở hữu, rốt ráo không, chẳng thể được”. Đấy mới là chân tướng sự thật, mới là tự tánh hiển lộ viên mãn. Hiển lộ ở chỗ nào? Hiển lộ ngay trong hiện tiền, chỉ là quý vị chẳng nhận biết! Vì sao quý vị chẳng nhận biết? Vì quý vị có khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước gây chướng ngại, ở ngay trước mặt quý vị mà quý vị chẳng thấy! Ở bên tai quý vị, quý vị chẳng nghe! Ở cạnh thân quý vị, quý vị chẳng chạm được! Nếu quý vị trừ bỏ những chướng ngại ấy, sẽ đúng như kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Chúng ta buông vọng tưởng, chấp trước xuống, khi đó sẽ như thế nào? Khi đó, việc gì cũng thuận lợi, đâu đâu cũng là đạo; thấy, nghe, hay, biết, chẳng có một pháp nào không phải là đạo. Đấy mới là tự tánh thanh tịnh, vĩnh viễn lìa trần cấu.

Hằng ngày, khi chúng ta tắm rửa hoặc xối mát, nay là phàm phu, đang học Phật, khi tắm rửa, xối mát hòng gột sạch những thứ dơ bẩn trên thân, khi ấy, ta đang mong muốn thân thể sạch sẽ, [hãy nghĩ] trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật đã dạy: Cội nguồn của hết thảy các nhiễm pháp chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Phải gột rửa sạch những thứ ấy! Trong tự tánh thanh tịnh tâm, vốn chẳng có [những phiền não ấy]. Trong tự tánh vốn đã chẳng có, quý vị phải gột sạch những thứ ấy! Giống như thân thể, thân thể vốn sạch sẽ, cấu uế là ô nhiễm. Chúng ta biết dùng nước trong để xối trôi những ô nhiễm ấy đi, tẩy sạch chúng. Vậy thì hãy quay lại suy nghĩ, những ô nhiễm trong tâm chúng ta có cần gột sạch hay không?

Nói đến chỗ này, trong những năm qua, trong các buổi giảng, chúng tôi cũng thường nhắc tới chuyện “bảo vệ môi trường”. Nửa thế kỷ trước, chẳng có danh từ này, chẳng nghe nhắc đến. Ba mươi năm gần đây, bất cứ ở chỗ nào trên khắp thế giới, mọi người đều lưu tâm bảo vệ môi trường! Đấy là do nguyên nhân nào? Hoàn cảnh (môi trường) bị nhiễm bẩn. Trước kia có hay không? Có chứ! Vì sao chẳng có ý thức này? Ô nhiễm chẳng nghiêm trọng, cho nên chẳng có ý thức này. Nửa thế kỷ gần đây nhất, do khoa học kỹ thuật tiến bộ, khoa học kỹ thuật mang lại sự ô nhiễm, phá hoại hoàn cảnh sanh thái trên địa cầu, trực tiếp ảnh hưởng đến vấn đề an toàn của mọi người sống trên địa cầu, mọi người đều nhận biết, [ai nấy đều có] ý thức chính mình [cần phải] có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Chánh phủ, thậm chí những tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc đều lớn tiếng kêu gào, nhắc nhở đại chúng về ý thức bảo vệ môi trường. Có thể hữu hiệu hay không? Tôi đã nói rất nhiều lần, rất khó thu được hiệu quả!

Vì sao tôi phải nói như vậy? Ý thức bảo vệ môi trường thì có, nhưng vẫn mơ hồ về cội nguồn gây ô nhiễm y như cũ, chẳng hiểu rõ ràng! Chẳng đổ công dốc sức từ căn bản, chỉ [thực hiện] nơi cành lá, sẽ thu được hiệu quả hết sức hữu hạn. Căn bản là gì? Căn bản là khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm bất thiện, khởi tâm động niệm ô nhiễm nghiêm trọng. Đấy là cội nguồn gây ô nhiễm! Người hiện thời khởi tâm động niệm là gì? Ích kỷ, tổn người lợi mình, ai nấy đều dấy lên ý niệm tổn người lợi mình. Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật thường nói: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, hết thảy các pháp bao gồm hoàn cảnh tự nhiên của chúng ta. Đại hoàn cảnh sống của chúng ta được gọi là “sanh thái tự nhiên” (natural ecosystems), nó sanh từ tâm tưởng. Tâm tưởng bất thiện, chẳng có thứ gì là thiện pháp, sức phá hoại ấy quá lớn! Như thế nào thì mới có thể bảo vệ môi trường có hiệu quả? Phải thực hiện từ tâm, tâm thanh tịnh. Tôi cũng thường nói, “tâm thanh tịnh, thân sẽ thanh tịnh”. Thân tâm thanh tịnh, hoàn cảnh sẽ thanh tịnh, sanh thái tự nhiên sẽ thanh tịnh. Đấy mới là thật sự biết bảo vệ môi trường, phải thực hiện từ cái tâm thanh tịnh!

Tắm rửa có quan trọng hay không? Nếu chúng ta nói chuyện này không trọng yếu, người hiện thời sẽ nói “bọn học Phật các ngươi không quan tâm vệ sinh”. Ngôn luận, tâm thái ấy sẽ chướng ngại khá nhiều người, đoạn mất ý nguyện học Phật. Do vậy, Phật, Bồ Tát hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, [coi] tắm rửa là trọng yếu! Quý vị thấy [phẩm kinh này] nêu ra một trăm bốn mươi mốt thí dụ, có nhắc đến rửa tay, rửa mặt, tắm rửa, tức là trong một trăm bốn mươi mốt điều có ba điều. Chúng ta phải hiểu đấy là phương tiện thiện xảo của chư Phật Như Lai. Đấy là đại từ đại bi. Nhưng cũng có những trường hợp đặc thù nhằm bảo chúng ta, ô nhiễm nơi hình thể không trọng yếu, tâm địa thanh tịnh quan trọng hơn!

Tại Trung Hoa, vào đời Tống, xác thực là có người như vậy. Hễ nói đến Tế Công, chư vị đều biết. Sở dĩ Tế Công lừng danh tại Trung Hoa là vì tiểu thuyết đã khiến cho Ngài nổi danh, tức là bộ Tế Công Truyện. Thật sự có vị ấy! Trong Đại Tạng Kinh có truyện ký của Ngài. Trong Cao Tăng Truyện có truyện ký của Ngài. Vị này đúng là cả đời chẳng tắm rửa. Quý vị thấy thân Ngài rất bẩn thỉu, quần áo cũng chẳng giặt giũ, rách rưới, tơi tả. Tâm người ta thanh tịnh, dẫu hằng ngày chẳng tắm rửa, thân thể chẳng có mùi hôi hám gì! Quý vị ngửi thử, còn thấy dễ ngửi, trên thân toàn là mùi thơm. Đấy là Ngài thị hiện cho chúng ta, chỉ rõ điều gì? Chỉ rõ tâm địa thanh tịnh là trọng yếu. Tâm thanh tịnh, thân sẽ thật sự thanh tịnh. Thanh tịnh thì cần gì phải gột rửa nữa? Chẳng có ô nhiễm! Tế Công là người đời Tống, cách hiện tại khoảng tám trăm năm.

Cận đại cũng có một vị, vào thời đầu Dân Quốc, dường như đến thời Kháng Chiến, vị này vẫn còn. Pháp sư Diệu Thiện ở chùa Kim Sơn thuộc Trấn Giang, tỉnh Giang Tô. Người ta gọi Ngài là Kim Sơn Hoạt Phật (Phật sống chùa Kim Sơn). Hình tướng của Ngài cũng chẳng khác những điều mô tả trong Tế Công Truyện cho mấy. Suốt đời Ngài chẳng tắm rửa, điên điên, khùng khùng, làm ra vẻ điên khùng, ngớ ngẩn, kỳ tích rất nhiều. Nghi nan tạp chứng hễ gặp Ngài, chắc chắn trị lành! Tôi nghe những vị lão hòa thượng thuộc lớp tiền bối kể những câu chuyện và sự tích về Ngài rất thần kỳ. Nhà Phật gọi là “thần thông”. Trong tâm quý vị nghĩ chuyện gì, Ngài biết ngay, đó gọi là Tha Tâm Thông. Tâm thanh tịnh, ắt thân thanh tịnh! Suốt từ đầu năm đến cuối năm là một bộ quần áo như vậy đó, bên trong là một cái quần lửng, bên ngoài là một chiếc áo dài, những thứ khác đều chẳng có. Đó gọi là “lôi thôi, xộc xệch, nhưng người tôn kính Ngài rất nhiều. Sự hành trì của Ngài xác thực là kẻ bình phàm không có cách nào tưởng tượng. Chẳng hạn như ăn cơm, ba ngày chẳng ăn vẫn không sao. Một bữa, ăn hai ba chục chén cũng chẳng sao! Đúng là “du hý nhân gian”. Khuyên lành, sửa lỗi, nói năng với kẻ khác đều luôn khuyên người ta đoạn ác tu thiện, ăn chay, niệm Phật.

Những vị ấy đã thị hiện “tâm địa thật sự đạt đến thanh tịnh”. Đó gọi là “tâm thanh tịnh, thân sẽ thanh tịnh”. Trấn Giang ở bờ Bắc của Trường Giang, khí hậu mùa Đông cũng khá rét buốt, mùa Hè nóng bức, Ngài mặc một bộ quần áo mỏng mảnh ấy, Xuân, Hạ, Thu, Đông đều như thế. Mùa Đông, Ngài cũng chẳng lạnh, mùa Hè cũng chẳng nóng. Bộ quần áo ấy từ đầu năm đến cuối năm cũng chưa hề giặt giũ. Ngài cũng chẳng tắm rửa, quần áo cũng chẳng giặt giũ. Tôi đã thấy một người, chính mắt trông thấy, tức là Chương Gia đại sư, Chương Gia đại sư ăn mặc rất chỉnh tề. Nhưng tôi cảm thấy lão nhân gia một năm bốn mùa mặc quần áo giống hệt như nhau, giống y hệt như trong ảnh chụp của Ngài vậy. Mùa Hè cũng là như vậy, mùa Đông đương nhiên chẳng có vấn đề. Chúng ta thấy [ăn mặc như vậy] rất bình thường, nhưng mùa Hạ cũng [ăn mặc dầy cộp] như vậy, chúng tôi cảm thấy rất lạ lùng!

Trước kia, lão hòa thượng Đạo Nguyên có kể: Lần đầu tiên, Đài Loan in Đại Tạng Kinh, [giới tăng sĩ muốn] giới thiệu, vận động thỉnh kinh trên toàn thể đảo Đài Loan, hy vọng mọi người sẽ góp sức ấn hành. Họ liền mời Chương Gia đại sư cầm đầu một phái đoàn đi khắp đảo Đài Loan giới thiệu Đại Tạng Kinh. Pháp sư Đạo Nguyên cũng là một vị pháp sư giảng kinh, cũng được mời [tháp tùng]. Nhằm đúng lúc mùa Hè oi bức, tay Sư cầm quạt không ngừng phe phẩy. Sư thấy Chương Gia đại sư mặc nhiều lớp y phục như vậy, vẫn như như bất động. Có một hôm, Sư hỏi Chương Gia đại sư ([mọi người] thường gọi Ngài là Hoạt Phật, Phật gia), Sư thưa: “Thưa Phật gia! Ngài có nóng hay chăng? Mặc quần áo nhiều như vậy có nóng hay không?” Chương Gia đại sư cười: “Tâm tịnh, tự nhiên mát”. Pháp sư Đạo Nguyên nghe nói vậy, cảm thấy hết sức hổ thẹn. Ngài mặc dầy như vậy, chính mình mặc sơ sài như thế, mà còn quạt phành phạch, còn toát mồ hôi. Người ta mặc nhiều như vậy, tâm tịnh tự nhiên mát mẻ! Pháp sư Đạo Nguyên kể cho tôi nghe chuyện này. Do vậy, tâm thanh tịnh trọng yếu như thế đó!

Trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Chúng ta cũng biết đọc, biết nói câu ấy, nhưng ý nghĩa và cảnh giới thật sự trong câu nói ấy, chúng ta vẫn chẳng tham cứu thấu triệt! Vì sao? Nếu thật sự tham cứu thấu triệt, chúng ta cũng sẽ giống như Bồ Tát, một bộ quần áo là đủ rồi! Từ chỗ này, chúng ta nghĩ Thích Ca Mâu Ni Phật thuở tại thế, ba y, một bát là được rồi. Khi chúng tôi mới học Phật, cứ nghĩ Ấn Độ là xứ nhiệt đới, ba y một bát là đủ; nếu đến Trung Hoa, chỉ sợ không được. Quý vị nói có được hay không? Đến Trung Hoa, vẫn là ba y một bát, đến Tây Bá Lợi Á (Siberia)1 vẫn là ba y một bát. Ngài có thể hóa độ chúng sanh hay không? Chẳng thể! Vì sao chẳng thể? Phương Bắc là chỗ rét căm căm, [kẻ khác] thấy quý vị mùa Đông ăn mặc phong phanh như vậy, người ta sẽ nói: “Quý vị là thần, tôi là người, làm sao tôi có thể học theo quý vị cho được!” Tuy có từ bi, chẳng có phương tiện. Thế nào mới là phương tiện? “Thuận theo cái tâm của chúng sanh, ứng với khả năng lãnh hội của họ” chính là phương tiện. Đến phương Bắc, quý vị mùa Đông mặc nhiều như vậy, tôi cũng mặc nhiều như quý vị. Mọi người thấy bình thường, chẳng quái lạ tí nào, vậy thì tôi cũng có thể học theo quý vị!

Do vậy, quý vị thấy trưởng lão Tế Công, thấy pháp sư Diệu Thiện như vậy, mọi người rất bội phục, rất tôn trọng quý vị, nhưng chẳng có cách nào học theo, chẳng dám học theo quý vị, học chẳng nổi! Vì thế, Bồ Tát ắt phải mở rộng cửa phương tiện thì mới có thể tiếp dẫn chúng sanh. Ngài thị hiện kiểu đó, khiến cho kẻ chẳng tin trông thấy, [khiến cho] kẻ ương ngạnh khó giáo hóa trông thấy, sẽ mềm lòng, đối với Phật pháp sẽ tò mò, sanh khởi tín tâm, [sau đấy, Ngài] sẽ lại dùng phương tiện để tiếp dẫn, giáo hóa họ. Đấy cũng là một phương pháp, nhằm tiếp dẫn một loại chúng sanh nào đó. Do vậy, “phương tiện có nhiều môn, về nguồn chẳng hai đường”. Không gì chẳng nhằm giúp cho quý vị giác ngộ, giúp cho quý vị sanh khởi tín tâm. “Tín là nguồn đạo, mẹ công đức”. Quan sát căn cơ, đáng nên dùng phương pháp gì để đắc độ, bèn dùng phương pháp ấy. Vì thế, đức Phật chẳng có pháp nhất định để có thể nói, mà cũng chẳng có hình tướng nhất định.

Nhưng có một sự thật, chúng ta học Đại Thừa, trong hiện thời, lẽ ra có thể nói, có thể bàn tới vấn đề này: Các Ngài chẳng bị cảnh giới bên ngoài ảnh hưởng. Cảnh giới bên ngoài kể cả lạnh, nóng, chúng ta nói là “khí hậu biến hóa”, các Ngài chẳng bị ảnh hưởng. Đối với hoàn cảnh, chúng ta nói là thuận cảnh và nghịch cảnh, các Ngài chẳng bị ảnh hưởng. Trong hoàn cảnh nhân sự, các Ngài chẳng bị ảnh hưởng bởi thiện duyên hay ác duyên, đắc đại tự tại. Hễ bị ảnh hưởng bởi cảnh giới bên ngoài, quý vị sẽ chẳng tự tại. Các Ngài chẳng bị ảnh hưởng. Lại thưa cùng chư vị, đối với chuyện ẩm thực, ăn và không ăn chẳng bị ảnh hưởng. Các Ngài có thể suốt năm chẳng ăn cơm, không uống nước, các Ngài cũng có thể giống như quý vị, mỗi ngày ngoài ba bữa ra, còn phải ăn lót dạ, ăn bữa khuya, vẫn được, chắc chắn là chẳng bị ảnh hưởng. Nếu quý vị hỏi đấy là đạo lý gì ư? Đạo lý rất đơn giản! Trong kinh đã thường nói: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Hễ tham cứu thấu triệt câu ấy, quý vị sẽ hiểu rõ. Vì sao? Trong tâm các Ngài chẳng có tưởng; vì thế, các Ngài có thể tùy thuận tâm tưởng của hết thảy chúng sanh, tùy duyên chứ không phan duyên. Chúng ta mong học Phật, trước hết phải hiểu rõ Lý, phải hiểu rõ Sự, sau đấy mới hành. Khi hành, chớ nên có hoài nghi, tức là chớ nên có vọng tưởng, chớ nên có phân biệt, chớ nên có chấp trước, quý vị sẽ đắc đại tự tại. Nếu trong ấy, quý vị có mảy may hoài nghi, phân biệt, chấp trước, sẽ chẳng tự tại, ngay lập tức lại bị đọa lạc trở lại, lại quay về cảnh giới phàm phu. Đấy là chân tướng sự thật. Pháp Thân Bồ Tát đã giải thoát; nói “giải thoát” tức là khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước đã hoàn toàn buông xuống! Đấy chính là tự tại, là giải thoát.

Cảnh giới giải thoát là như trong hai câu sau [trong bài kệ này] đã nói: “Thanh tịnh điều nhu, tất cánh vô cấu” (Thanh tịnh, điều hòa, mềm mỏng, rốt ráo chẳng dơ bẩn). Tự tánh thanh tịnh tâm, lấy đâu ra một tí ô nhiễm? Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đã nói rõ ràng, nói dễ hiểu: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”. Dùng hai câu ấy để chú giải câu “tất cánh vô cấu” (rốt ráo chẳng dơ bẩn) không còn gì thích đáng hơn! Quý vị thấy pháp sư Thần Tú có “cấu” (垢), phải “thời thời cần phất thức, vật sử nhạ trần ai” (luôn luôn siêng phẩy dọn, chẳng để nhuốm bụi trần). Đấy là gì? Ngài Thần Tú có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Huệ Năng đại sư chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; do vậy, cái tâm của Ngài vốn chẳng có một vật. Vốn chẳng có một vật chính là tự tánh thanh tịnh tâm, là Chân Như bản tánh. Vọng tưởng là một vật, phân biệt lại là một vật, chấp trước lại là một vật nữa, quá nhiều! Đó là gì? Đấy là trần cấu, Ngài đã buông xuống toàn bộ!

Thông thường, vị đường chủ trong Niệm Phật Đường khuyên người khác: “Buông xuống thân, tâm, thế giới, một mực chuyên niệm”. Nếu chẳng thể buông thân, tâm, thế giới xuống, “một mực chuyên niệm” sẽ chẳng làm được! Đừng nghĩ chính mình đã làm được, ta đã nhất tâm chuyên niệm, “phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”. Trong ấy, quý vị còn xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Ba thứ ấy giống như loài sâu mọt phá hoại Pháp Tánh, “một mực chuyên niệm” của quý vị cũng bị phá hoại mà chính quý vị vẫn chẳng biết! Niệm bao nhiêu năm, chẳng có hiệu quả, chẳng có thành tích, chẳng biết nguyên nhân phát sanh ở chỗ nào? Vì sao tôi nói như vậy? Nếu công phu thật sự đắc lực, cũng có nghĩa là quý vị thật sự có thể buông thân, tâm, thế giới xuống!

Buông xuống, mỗi cá nhân có mức độ sai khác, chẳng đều! Có người buông xuống mấy phần, phần lớn chưa buông xuống. Có người buông xuống một nửa, còn có một nửa chưa buông xuống. Có người buông xuống chín mươi phần trăm, còn chừa lại khúc đuôi chẳng buông xuống. Làm sao họ có thể bằng nhau cho được? Đấy là [lý do có] các đẳng cấp Bồ Tát khác nhau! Trong Hoa Nghiêm, hàng Bồ Tát này được nói là Thập Tín vị Bồ Tát (các vị Bồ Tát thuộc địa vị Thập Tín), có mười đẳng cấp. Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín, ví như vọng tưởng có mười phần, phân biệt mười phần, chấp trước cũng là mười phần, quý vị mới buông xuống một phần, hãy còn có chín phần; đấy là Sơ Tín. Lại buông xuống thêm một phần nữa, quý vị là Nhị Tín Bồ Tát. Lại buông xuống một phần nữa, quý vị sẽ là Bồ Tát thuộc địa vị Tam Tín. Mười phần quý vị đều buông xuống, sẽ gọi là đại triệt đại ngộ, chính là như Tông Môn đã nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo đã thành Phật, thành Phật bình đẳng, là chân Phật, chẳng phải là giả Phật. Vì sao? Chẳng có khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, làm sao bất đồng cho được? Kinh Hoa Nghiêm nói bốn mươi mốt địa vị Bồ Tát, địa vị cuối cùng là Phật Quả rốt ráo viên mãn, các Ngài đều bình đẳng, quyết định là chẳng có sai biệt! [Đã là] chẳng có sai biệt, vì sao nói bốn mươi hai tầng cấp? Trong chú giải, ngài Thanh Lương đã giảng rất rõ ràng: Là vì tập khí vô thỉ vô minh chưa đoạn hết, sai biệt ở chỗ này; nhưng chuyện ấy chẳng trở ngại, phải hiểu! Quý vị chẳng hiểu, sẽ có nghi hoặc. Hễ nghi, sẽ nẩy sanh chướng ngại, chướng ngại quý vị giác ngộ, chướng ngại quý vị nâng cao cảnh giới, nhất định là phải hiểu rõ ràng, phải hiểu minh bạch. “Tất cánh vô cấu” (rốt ráo không nhơ), toàn thể đều buông xuống! Chúng ta phải nỗ lực ở chỗ này, chẳng có chi khác! Đã buông xuống, lại tiếp tục buông xuống nữa. Đó là đúng. Nay đã hết thời gian rồi, chúng ta nghỉ ngơi mấy phút.

***

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem tiếp bài kệ thứ sáu:


(Kinh) Dĩ thủy quán chưởng, đương nguyện chúng sanh, đắc thanh tịnh thủ, thọ trì Phật pháp.

()以水盥掌。當願眾生。得清淨手。受持佛法。



(Kinh: Dùng nước rửa tay, nguyện cho chúng sanh, được tay thanh tịnh, thọ trì Phật pháp).
Trong đời sống mỗi ngày, có thể nói số lần rửa tay là nhiều nhất. Vì làm lụng cần đến hai bàn tay. Sau khi làm xong việc, nhất định phải biết rửa tay. Như chúng ta thông thường tụng kinh, lạy Phật, trước đó, nhất định phải rửa tay. Cổ nhân, người thời nay cũng có, chẳng nhiều mấy, tôi đã thấy Trương lão cư sĩ sống tại Gia Nã Đại chép kinh, trước khi viết một chữ, nhất định sẽ rửa tay. Viết chữ ấy xong, lại rửa tay để viết chữ thứ hai. Nói cách khác, bộ kinh ấy có bao nhiêu chữ, cụ đã rửa tay bấy nhiêu lần, biểu lộ lòng cung kính. Vì thế, thường là có sự cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Cảm ứng do đâu mà có? Chẳng có gì khác, chân thành, cung kính! Do chân thành, cung kính, đạt được cảm ứng, đạo lý rất sâu. Nếu quý vị có thể thông đạt, sẽ hiểu chuyện cảm ứng là bình thường. Kẻ chẳng liễu giải đạo lý này, thường là trông thấy những sự cảm ứng ấy, bèn cảm thấy hết sức kinh ngạc, lạ lùng, cảm thấy chẳng thể nghĩ bàn! Phàm là Sự thì đều có Lý, Lý quá sâu, những kẻ bình phàm sẽ chẳng thể hiểu rõ. Chỉ cần dùng cái tâm chân thành, sẽ nhất định có cảm ứng.

Đấy là chuyện [phải làm] nhiều nhất trong cuộc sống hằng ngày, nhưng trong mỗi niệm đều là Tánh Đức lưu lộ. “Đương nguyện chúng sanh” là Tánh Đức tự nhiên lưu lộ. Chúng ta đọc phẩm kinh này, phải đặc biệt lưu ý chuyện này. Vì sao Bồ Tát có thể làm viên mãn dường ấy? Chúng ta mong học, học kiểu nào cũng đều học chẳng được. Rất muốn học, nhưng hễ tiếp xúc sự tướng liền quên khuấy, vẫn tùy thuận tập khí phiền não. Chuyện này cũng khiến cho chúng ta tự cảm thấy rất hổ thẹn, rất phiền não. Mong sửa mà cớ sao chẳng sửa được? Mong học, vì sao học chẳng được? Có phương pháp nào để học hay không? Nói thật ra, thật sự là có phương pháp. Phương pháp gì vậy? Buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, quý vị sẽ học được chẳng khó! [Chắc là quý vị sẽ thắc mắc] “buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, dường như chẳng có quan hệ quá lớn đối với điều này?” Trên thực tế, nó có mối quan hệ căn bản, chẳng phải là không có quan hệ, mà là thật sự có quan hệ, chỉ là quý vị vẫn chẳng phát hiện mối quan hệ của chúng; chúng thật sự có quan hệ! Bởi lẽ, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là tổng mê hoặc, tổng chướng ngại, khiến cho chúng ta chẳng có cách nào tâm tưởng sự thành.



“Đương nguyện chúng sanh, đắc thanh tịnh thủ, thọ trì Phật pháp” (nguyện cho chúng sanh, được tay thanh tịnh, thọ trì Phật pháp), nói hay lắm! Chỉ có tay thanh tịnh thì mới có thể thọ trì Phật pháp. Vì sao? Phật pháp là pháp thanh tịnh; tay chẳng thanh tịnh làm sao có thể thọ trì Phật pháp cho được? Từ chỗ này, hãy nghĩ đến chuyện cổ nhân chép kinh hoặc vẽ tượng Phật, mỗi khi vẽ một nét, hoặc viết một chữ, đều phải rửa tay một lần. Quý vị nói xem có hợp lý hay không? Sự hành trì của những người ấy dường như phô trương quá đáng, nhưng trong ấy bao hàm ý nghĩa giáo dục rất sâu! Tôi nói như thế, rất nhiều đồng học sẽ lãnh hội. Đấy là đại từ đại bi, là Phổ Môn thị hiện, chứa đựng ý nghĩa giáo dục rất sâu trong ấy. Dạy chúng ta điều gì? Thanh tịnh; kinh Vô Lượng Thọ nói “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Từ những hình tướng ấy, nhắc nhở chúng ta phải thanh tịnh. Thanh tịnh là trừ bỏ trần cấu. Trong trần cấu, vi tế nhất là ý niệm. Bất luận là thiện niệm hay ác niệm, đều phải buông xuống. Ác niệm là ô nhiễm, thiện niệm cũng là ô nhiễm! Ác niệm cảm quả báo trong ba ác đạo, thiện niệm cảm quả báo trong ba thiện đạo, thảy đều chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi.

Đức Phật dạy mọi người thiện niệm hay ác niệm thảy đều buông xuống, sau đấy, cái niệm ấy mới là “tịnh niệm”. Tịnh niệm là thiện niệm lẫn ác niệm đều chẳng có. Như vậy thì quý vị sẽ hiểu, trong cái tâm thanh tịnh, chẳng có thiện hay ác. Trong cái tâm thanh tịnh, chẳng có đúng hay sai. Trong cái tâm thanh tịnh, chẳng có chân hay vọng. Nói cách khác, phàm những gì là tương đối thì sẽ chẳng tìm thấy trong cái tâm thanh tịnh. Bởi lẽ, tâm thanh tịnh vốn chẳng có một vật. Quý vị vừa dấy lên một ý niệm, tức là đã có một vật. Lại dấy lên một ý niệm nữa, bèn có hai vật. Bọn phàm phu chúng ta chẳng đoạn ý niệm, vô lượng vô biên, niệm trước diệt, niệm sau sanh. Đấy là gì? Tập khí vô thỉ phiền não! Pháp Thân Bồ Tát có tập khí Vô Minh, còn chúng ta có tập khí Vô Minh, có tập khí Trần Sa, có tập khí Kiến Tư, phiền toái quá! Đấy là phân loại theo kiểu quy nạp, thành ba loại lớn, trong mỗi loại đều có vô lượng vô biên [phiền não]. Chúng ta sống ở nơi đâu? Chẳng phải là trong một đời này, [mà là từ] quá khứ vô thỉ! Nếu đời này chẳng thể vãng sanh, [sẽ là] vị lai vô chung. Vô thỉ, vô chung, sống trong tập khí phiền não, khổ sở chẳng thể nói nổi! Trong lục đạo, thoạt vào, thoạt ra, trong kinh, đức Phật nói là “sanh tử bì lao” (生死疲勞, sanh tử nhọc nhằn). Lời này nói đúng quá, chẳng giả tí nào! Sanh tử nhọc nhằn!



“Phật pháp”: Phật pháp là gì? Ắt phải hiểu rõ ràng, “pháp” là hết thảy các pháp. Quý vị cũng chẳng cần nói thế gian hay xuất thế gian chi cả, toàn bộ đều được bao gồm trong ấy, hết thảy các pháp. “Phật” có nghĩa là gì? Giác ngộ! Vì thế, hai chữ Phật pháp hàm ý “đối với hết thảy các pháp, sẽ giác chứ không mê”. Đấy là Phật pháp. Mê mà bất giác, sẽ chẳng phải là Phật pháp. Phật pháp là giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm. Đó gọi là Phật pháp. Phật pháp là “giác, chánh, tịnh”. Tâm địa thanh tịnh, chẳng có ô nhiễm; khi ấy, sẽ sanh trí huệ. Kinh Kim Cang đã nói rất hay: “Tín tâm thanh tịnh, tắc sanh Thật Tướng” (Tín tâm thanh tịnh, sẽ sanh Thật Tướng). Thật Tướng là trí huệ. Trí huệ dấy lên, đương nhiên là quý vị sẽ chẳng mê hoặc!

“Thọ trì” là từ ngữ hình dung. Tâm được thanh tịnh thì có pháp nào chẳng phải là Phật pháp? Tâm chẳng thanh tịnh, có pháp nào là Phật pháp? Do vậy, pháp thế gian và Phật pháp chẳng có sai biệt, nói chung là trong một niệm. Một niệm giác, chẳng có pháp nào không phải là Phật pháp. Một niệm mê, Phật Pháp Tăng Tam Bảo cũng chẳng phải là Phật pháp! Chớ nên không hiểu rõ đạo lý và chân tướng sự thật này! Nếu quý vị chẳng minh bạch, chẳng hiểu rõ, quý vị sẽ chẳng có cách nào học Phật được. Học Phật, nói tóm gọn một câu là học giác ngộ. Nói cách khác, học chẳng hồ đồ. Giác ngộ sẽ không hồ đồ, hồ đồ sẽ không giác ngộ. Ai bằng lòng hồ đồ? Ai chẳng mong giác ngộ? Giác ngộ, quý vị sẽ đại tự tại. Chẳng ngộ, quý vị sẽ chịu khổ não to lớn!

Khổ và lạc cũng chẳng thật, chúng là Bất Tương Ứng Hành Pháp. Xác thực là có chuyện ấy, quý vị nghiêm túc truy cứu, [sẽ thấy chúng] thật sự là trọn chẳng thể được”. Vì thế, đức Phật thường dùng “mộng, huyễn, bọt, bóng” để tỷ dụ. Nói thật hay! Trong mộng có khổ và lạc, tỉnh giấc, chuyện gì cũng chẳng có. Chúng ta đọa lạc trong lục đạo, trong mười pháp giới, giống như trong mộng. Sau khi đã giác ngộ, giống như tỉnh giấc, lục đạo mười pháp giới đều chẳng có, là một giấc mộng, [đúng ra là] một cơn ác mộng, đã tỉnh giấc rồi! Chúng ta đã mơ giấc mộng ấy rất lâu, chẳng tỉnh giấc. Chư Phật, Bồ Tát ứng hóa trong chín pháp giới để làm gì? Đánh thức chúng ta, chuyện là như thế đó. Dùng phương tiện thiện xảo giúp chúng ta phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. “Khổ” ở đây là nói đến lục đạo mười pháp giới, chẳng có gì không khổ! Lạc là gì? Sau khi đã tỉnh ngộ, trở về Nhất Chân pháp giới. Chuyện là như thế đó!

Do vậy, đức Phật dạy chúng ta. Đối với chính mình, phải biết dùng cái tâm thanh tịnh, đối với người khác phải dùng cái tâm từ bi. Từ bi là đối với người khác, chẳng phải là đối với chính mình. Thanh tịnh là đối với chính mình, chẳng phải là đối với người khác. Thanh tịnh là thâm tâm, là tự lợi, nay chúng ta nói là “tự ái” (yêu thương chính mình). Thanh tịnh là yêu thương chính mình, từ bi là yêu thương người khác. Chẳng yêu thương chính mình, há có thể yêu thương người khác ư? Con người chẳng thể tự lợi, làm sao có thể lợi ích chúng sanh? Cội gốc là chân thành. Đối với Bồ Đề tâm, chúng ta nói đến Bồ Đề tâm, kinh luận bảo chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm”, Quán Kinh của Tịnh Độ Tông nói như vậy đấy. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đức Phật giảng Bồ Đề tâm thành ba tâm. Ba tâm là một tâm, có Thể và Dụng. Thể là chí thành tâm, chân thành đến tột cùng, chẳng có mảy may hư ngụy, chẳng có mảy may hư giả, chân thành đạt đến tột bậc! Cái tâm ấy khởi tác dụng, Dụng thì có Tự Thọ Dụng và Tha Thọ Dụng. Tự Thọ Dụng là thâm tâm. Thâm tâm chẳng dễ hiểu, tôi dùng cương yếu về nhân và hạnh trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ, “thanh tịnh, bình đẳng, giác” [để diễn tả thâm tâm]. Đấy là Tự Thọ Dụng.

Tâm chân thành biểu hiện thành Tự Thọ Dụng, biểu hiện nơi tự lợi là thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Phu tử nói “học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? (học rồi thường xuyên tập luyện, há chẳng vui sao?) Duyệt” (悅) là gì? Là “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Phu tử có [“duyệt”] hay không? Có, nhưng chẳng viên mãn! Tuy chẳng viên mãn, chỉ cần có thể đạt được ít phần; ví như “thanh tịnh, bình đẳng, giác” có tất cả một trăm phần, quý vị mới đạt được một phần. Do một phần ấy, quý vị bèn cảm thấy pháp hỷ sung mãn, biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày là quý vị thường sanh tâm hoan hỷ. Quý vị thấy một phần trăm mà đã có thể khiến cho quý vị hoan hỷ như thế, thứ ấy đúng là của báu, Tam Bảo đấy! Như vậy thì quý vị đối đãi kẻ khác, quý vị có một phần đại từ bi tâm, một phần ấy là gì vậy? Cái tâm yêu thương người khác. Chúng ta thường nói, quý vị yêu cha mẹ, yêu anh em, yêu người nhà, yêu dòng họ, yêu láng giềng chòm xóm, yêu quốc gia, yêu dân tộc, yêu hết thảy chúng sanh, bao nhiêu phần? Một phần. Thật đấy, chẳng giả! Vì sao có thể dấy lên tác dụng to lớn như thế? Cho thấy nó là thật, chẳng giả! Nếu giả, sẽ chẳng thể khởi tác dụng to lớn như thế. Là thật, nó sẽ khởi tác dụng to tát như vậy. Huống hồ hai phần, ba phần, bốn phần thì sẽ tuyệt diệu lắm, càng nhiều càng thù thắng.

Đạt được một phần thanh tịnh, chúng ta sẽ biết thọ trì một phần Phật pháp, thọ trì một phần chánh pháp. Chúng ta lại nghĩ tưởng, chẳng dễ đạt được cái tâm thanh tịnh! Hằng ngày tuy rửa tay, có rửa tâm hay không? Từ rửa tay, hãy nghĩ đến rửa tâm; như vậy thì mới có thể khế nhập. Thật sự là tám vạn bốn ngàn pháp môn, có môn nào chẳng thể khế nhập? Môn nào cũng đều có thể khế nhập. Vì thế, cổ đại đức sau khi đã ngộ mới nói: “Đầu đầu thị đạo, tả hữu phùng nguyên” (Chuyện gì cũng là đạo, làm gì cũng thuận lợi). “Đầu đầu xứ xứ” (Mọi chuyện, mọi chốn) là nói gì vậy? Một trăm bốn mươi mốt nguyện ở đây chính là “đầu đầu xứ xứ”. Từ rửa tay mà có thể nhập đạo, chính là minh tâm kiến tánh, khế nhập cảnh giới Như Lai. Cảnh giới Như Lai là cảnh giới nguyên gốc của tự tánh, kinh Hoa Nghiêm [gọi cảnh giới ấy] là Nhất Chân pháp giới, hoặc thế giới Hoa Tạng. Kinh Vãng Sanh gọi [cảnh giới ấy] là thế giới Cực Lạc, quý vị bèn khế nhập. Từng ly từng tí trong cuộc sống hằng ngày, đúng như vậy đó, Văn Thù Bồ Tát dạy chẳng sai tí nào! “Khéo dùng cái tâm” quý vị sẽ khế nhập. Quý vị tu hành dẫu dụng công đến mấy, dụng công bao nhiêu thời gian, vẫn chẳng thể khế nhập, là do nguyên nhân gì? Do chẳng khéo dụng tâm!

“Thiện dụng kỳ tâm, tắc hoạch nhất thiết thắng diệu công đức” (Khéo dùng cái tâm, sẽ đạt được hết thảy công đức thù thắng, nhiệm mầu). Câu này đúng là tuyệt diệu, chúng ta đọc xong, chẳng thể không [bội phục] năm vóc sát đất! Một lời đã nói toạc ra người ta tu hành, triệt ngộ, chứng quả như thế nào? Chính là do khéo dùng cái tâm! Khi quý vị rửa tay mà khéo dùng cái tâm, sẽ chứng quả, sẽ đại triệt đại ngộ. Thậm chí khi đại tiện, tiểu tiện mà khéo dùng cái tâm, sẽ đều có thể chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đấy chính là chuyện nào cũng là đạo, đâu đâu cũng thuận lợi. Người đã hiểu, sẽ hiểu hết thảy; kẻ chẳng hiểu thì vẫn chẳng hiểu! Vì sao kẻ không hiểu vẫn là chẳng hiểu? Tâm chẳng thanh tịnh! Nói theo bài kệ này, [sẽ là do] vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quá nhiều, nhưng người ấy chẳng chịu buông xuống! Chẳng buông xuống những thứ ấy, tâm quý vị bị nhuốm bẩn, muốn học cũng học chẳng giống! Khéo dùng cái tâm, cái tâm ấy chính là chân tâm. Kẻ chẳng khéo dụng tâm sẽ dùng vọng tâm, phải hiểu điều này!

Chân tâm là tâm thanh tịnh, vọng tâm là tâm ô nhiễm. Chân tâm là tâm bình đẳng. Vọng tâm là tâm cao thấp: “Ta cao hơn ngươi, ngươi chẳng bằng ta!” Đó là tâm cao thấp. Có cao thấp, chúng ta nói là “có ngạo mạn”, làm sao quý vị có thể thanh tịnh cho được? Thanh tịnh nhất định là bình đẳng, bình đẳng nhất định là giác ngộ, chúng liên kết với nhau. Vì thế, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, hễ có một thứ thì [những thứ khác] thảy đều có. Một thứ chẳng có, toàn bộ đều chẳng có, chân thành cũng chẳng có, từ bi cũng chẳng có. Một thứ có, hết thảy đều có; một thứ không, hết thảy đều là không! Như thế nào thì sẽ có thể thật sự đạt được? Buông xuống mà thôi. Quý vị chẳng chịu buông xuống, có cách nào nữa đây? Quý vị thấy người thật sự tu hành đã vì chúng ta mà thị hiện triệt để buông xuống, chẳng sở hữu thứ gì!

Bổn Sư của chúng ta, tức vị thầy căn bản là Thích Ca Mâu Ni Phật. Thuở tại thế, lão nhân gia đã nêu gương, làm mẫu cho chúng ta: Triệt để buông xuống, chẳng sở hữu một thứ gì, làm cho chúng ta thấy. Bất luận làm chuyện gì, tâm tưởng sự thành, quý vị thấy chuyện này tự tại lắm! Chẳng sở hữu gì thì mới là tâm tưởng sự thành. Nếu quý vị có rất nhiều, quý vị mong muốn cách nào, sự gì cũng chẳng thể thành tựu. Vì sao? Chẳng sở hữu gì cả thì chân tâm hiển lộ. [Bởi lẽ], trong chân tâm, vốn chẳng có một vật nào! Hễ quý vị có chi đó, sẽ là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm. Thành tựu của chân tâm tự nhiên, thành tựu của vọng tâm chẳng ngoài “thành, trụ, hoại, không”, chẳng thật! Sự thành tựu do “tâm tưởng sự thành” là vĩnh hằng. Người biết những chân tướng sự thật này ít ỏi! Đấy là trong cuộc sống hằng ngày, do đã sơ sót trong một thời gian quá lâu, nay đọc đến, từ hôm nay bắt đầu học, chẳng trễ! Nhưng còn gặp khó khăn, khó khăn ở chỗ nào? Khó ở chỗ cái tâm của chúng ta không thanh tịnh, khó ở chỗ này!

Chúng ta thật sự mong học theo Bồ Tát, thật sự mong có đại thành tựu trong một đời này, quý vị hãy ngẫm xem có cần phải buông xuống hay không? Có phải [bảo quý vị] buông xuống là lừa gạt quý vị hay chăng? Buông xuống có gây tổn hại cho quý vị hay không? Mọi người phải giác ngộ! Không buông xuống mới thật sự là tổn hại, mới là chẳng được lợi ích mảy may. Quý vị khẳng định nếu chính mình không buông xuống những thứ hư huyễn chẳng thật ấy, sẽ hứng chịu trọn hết mọi nỗi nhọc nhằn! Quý vị chẳng giác ngộ, hứng chịu bao nhiêu nỗi khổ, quý vị có cảm thấy hay không? Nếu ngày nào đó, quý vị cảm nhận được, sẽ tỉnh táo ngay. Sau khi đã tỉnh táo, mới biết ta hãy nên buông xuống. Ta buông xuống, sẽ chẳng hứng chịu những thứ thừa thãi vô ích, chẳng chịu những nỗi khổ sở ấy nữa. Đức Thế Tôn đã vì chúng ta thị hiện ý nghĩa rất sâu, chúng ta chẳng có cách nào học theo hoàn toàn, chỉ tận hết khả năng để tiếp cận! Suốt đời, đức Thế Tôn chẳng có trụ xứ cố định. Quý vị thấy kinh điển chép: “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại” (Tôi nghe như thế này, một thời đức Phật ở…), chẳng thể nói là “Phật trụ”, vì đức Phật chẳng có trụ xứ! “Chẳng có trụ xứ”, nói cách khác, đức Phật dạo khắp mọi nơi, nói theo Phật pháp là “du hóa”. Hằng ngày Ngài đều lữ hành, chẳng ở một nơi cố định, chỗ nào có duyên bèn đến chỗ đó, chỉ làm một chuyện là giáo hóa chúng sanh.

Kẻ hữu duyên là gì? Những người được tiếp xúc đều là hữu duyên; chẳng tiếp xúc tức là chẳng có duyên. Hễ tiếp xúc thì đều là hữu duyên. Duyên có cạn hay sâu khác nhau. Tiếp xúc quý vị, [nếu người ấy] rất cung kính, rất tôn trọng, tin tưởng quý vị, đấy là chúng sanh căn cơ chín muồi. Tuy rất tôn trọng, nhưng vẫn còn hoài nghi quý vị, lại còn chẳng liễu giải rất sâu, đấy là chúng sanh căn cơ chưa chín muồi. Tuy đã tiếp xúc quý vị, hoàn toàn chẳng liễu giải, mà cũng chẳng tôn trọng quý vị, cũng chẳng mong nghe quý vị nói. Đấy là chúng sanh cũng có duyên, nhưng chẳng có thiện căn. Thảy đều là hữu duyên. Đức Phật độ họ như thế nào? Chẳng có thiện căn thì giúp họ gieo thiện căn. Đã có thiện căn bèn giúp cho họ tăng trưởng. Thiện căn đã tăng trưởng bèn giúp cho họ chín muồi, chẳng sót một ai!

Nay chúng ta sống trong thế gian này, chẳng khác gì Thích Ca Mâu Ni Phật, hãy ngẫm xem những kẻ chúng ta tiếp xúc chẳng phải là ba loại người như vậy ư? Nay chúng ta cùng học Phật, quý vị đã nhận biết Phật pháp kha khá, có thể tin, có thể hiểu, có thể hành. Đấy là loại thứ nhất, thiện căn chín muồi. Vậy thì làm như thế nào? Giúp họ làm Phật. Cũng có nghĩa là trong đời này, hy vọng họ có thể niệm Phật vãng sanh, vãng sanh là làm Phật. Không chỉ là vượt thoát lục đạo, [mà còn] vượt thoát mười pháp giới. Đấy là một dịp hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay, đương nhiên [những người như vậy] là thiểu số. Những người thiện căn chín muồi, chắc chắn vãng sanh. Tuy là thiểu số, trên thực tế, cũng chẳng ít. Loại thứ hai là thiện căn chưa chín muồi, hễ có thiện căn bèn giúp họ tăng trưởng, phải tăng lên, nâng cao cảnh giới của người ấy, tăng tấn tín tâm, tăng tấn sự lý giải của người ấy. Đấy là hạng thứ hai! Hạng thứ ba là chẳng có thiện căn, đông lắm! Quý vị thấy chúng ta ra khỏi cửa, trông thấy khá nhiều người qua lại. Hễ trông thấy, nghe thấy âm thanh nói năng của họ, thảy đều là người hữu duyên, nhưng họ chẳng có thiện căn, vậy thì như thế nào? Hãy giúp họ gieo thiện căn.

Người xuất gia thuận tiện lắm, đi ra ngoài, người khác trông thấy biết ngay là Phật giáo. Quý vị thấy [người xuất gia] đã gieo một chủng tử Phật vào A Lại Da của họ, giúp họ gieo thiện căn. Các đồng tu tại gia, ăn mặc giống hệt như họ (những người bình phàm), nhìn không ra! Có một phương pháp là quý vị tay cầm chuỗi tràng hạt, người ta trông thấy, [bèn nghĩ đó là kẻ] học Phật. Trên thân đeo một tấm thẻ có hình Phật, họ vừa trông thấy, [sẽ nghĩ] “đấy là kẻ học Phật!” Hiện thời còn có rất nhiều máy niệm Phật cỡ nhỏ phát ra tiếng, “nam-mô A Di Đà Phật, nam-mô A Di Đà Phật”, cũng là có âm thanh, đeo trên người. Quý vị đi đến chỗ nào, chính quý vị cũng có thể niệm theo, người khác cũng nghe tiếng, nghe câu danh hiệu ấy. Hễ một phen thoảng qua tai, sẽ vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo, cũng tạo thiện căn cho họ. Rất nhiều phương pháp! Mùa Hè, trong những năm qua, chúng tôi đã làm rất nhiều quần áo mùa hè, loại áo cổ tròn, trên đó in “A Di Đà Phật”. Quý vị đi ra đường, người ta thấy quý vị mặc quần áo có in chữ A Di Đà Phật, họ cũng sẽ niệm Phật một tiếng. Chẳng niệm ra tiếng, A Di Đà Phật đã in sâu trong tâm họ. Đấy là gì? Đó là độ chúng sanh! Chẳng có thiện căn thì tạo thiện căn cho họ; nhất là áo T-shirt có in “A Di Đà Phật”, đi một vòng trên đường, chẳng biết đã độ bao nhiêu người. Chính quý vị cũng chẳng biết bản thân đã làm được chuyện tốt đẹp rất lớn, giúp gieo một chủng tử Phật trong A Lại Da Thức của họ!

Trong nhà quý vị, trong phòng khách, hãy treo một bức tượng Phật, treo một số bức tranh chữ2, nội dung đều là danh hiệu của Phật, Bồ Tát. Phàm là khách đến nhà quý vị, [hễ trông thấy], toàn bộ đã được gieo thiện căn. Đó là có ý nghĩa, là công đức chân thật, là khéo dùng cái tâm! Đấy là đại từ đại bi. Chính mình hằng ngày xem, hằng ngày nghe, hằng ngày đọc, đọc thông suốt, đọc hiểu rõ, giác ngộ, tâm sẽ thanh tịnh. Đã ngộ, sẽ thanh tịnh. Tâm chẳng thanh tịnh, chính mình nhất định phải biết: [Nguyên nhân chẳng thanh tịnh là do] chẳng giác ngộ, vẫn là mê hoặc, điên đảo. Quý vị có thể cảm nhận điều này, đó là chuyện tốt. Đấy là gì? Quý vị sẽ nhanh chóng đạt đến bờ mé khai ngộ. Nếu ngay điều cảm nhận này mà quý vị chẳng biết, chính mình suốt ngày từ sáng đến tối khổ sở ngần ấy, vẫn hoàn toàn chẳng hiểu, vậy là sẽ còn phải hứng chịu nỗi khổ. Đến khi nào sẽ thật sự giác ngộ?

Nếu quý vị thật sự muốn giúp cho chính mình tăng tấn, chẳng có gì khác. Xác thực là như Chương Gia đại sư đã dạy tôi, “thấy thấu suốt, buông xuống; buông xuống, thấy thấu suốt”. Quý vị hãy dụng công nơi câu ấy. Chính mình có tài vật, quần áo, thức ăn, tất cả hết thảy những vật dụng cần dùng trong cuộc sống dư ra, hễ có dư thì đều bố thí kẻ khác. Quần áo quá nhiều, phiền não sẽ nhiều. Ra khỏi cửa, thấy [chính mình] có đến mấy chục bộ quần áo, [sẽ băn khoăn] “hôm nay ra ngoài phải mặc bộ quần áo nào cho đẹp?” Quý vị nẩy sanh phiền não mất rồi, lại phải chú tâm lựa chọn! Nếu quý vị chỉ có một bộ quần áo, ý niệm gì cũng đều chẳng có, mặc xong là đi. Suy nghĩ từ những chuyện nhỏ nhặt này, quý vị [sẽ thấy] cần gì phải có nhiều [quần áo] như vậy? Chỉ cần quần áo sạch sẽ, thoải mái, chỉnh tề là được rồi, chẳng cần phải chạy theo thời trang. Chạy theo thời trang là sai mất rồi, tâm chính mình chẳng thanh tịnh!

Do vậy, người thật sự biết yêu thương chính mình, Thích Ca Mâu Ni Phật là người biết yêu thương chính mình nhất, chỉ có ba y một bát. Trừ những thứ ấy ra, trên thân chẳng có một vật gì cả! Trong giới Sa Di, có giới tay chẳng cầm tài vật, chẳng tiếp xúc tiền tài. Trong xã hội hiện thời, trên thân quý vị chẳng có tiền thì có được hay không? Nói thật ra, được chứ! Chẳng phải là không được! Nói “không được” là vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình chẳng buông xuống được. Thật sự buông xuống, sẽ được, chẳng có gì là không được! Cuộc sống phải đơn giản, vọng tưởng ít, phiền não nhẹ nhàng, cuộc sống sẽ tự nhiên đơn giản! Ngày ăn một bữa là đủ rồi, bớt nhiều việc, chẳng phiền phức tí nào! Tất cả hết thảy phiền phức, phiền não đều do chính mình chuốc lấy, phiền não đâu có tìm người! Chính con người tự tìm phiền não. Phiền toái chẳng tìm người, mà người cứ tìm phiền toái. Bó tay! Nói chung, quý vị phải tham cứu thấu triệt. Tham cứu thấu triệt thì là Phật pháp; chẳng thể tham cứu thấu triệt thì gọi là “thế pháp” (pháp thế gian) hoặc “trần lao”. Nay đã hết thời gian rồi! Chúng tôi nói tới đây.




tải về 410.22 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương