Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Phẩm thứ mười một, Tịnh Hạnh Phẩm Phần 30 大方廣佛華嚴經 十一)淨行品



tải về 410.22 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích410.22 Kb.
#39615
1   2   3
Tập 1522
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, bài tụng cuối cùng trong đoạn thứ năm của phần kệ tụng.
(Kinh) Dĩ thủy tẩy diện, đương nguyện chúng sanh, đắc tịnh pháp môn, vĩnh vô cấu nhiễm.

()以水洗面。當願眾生。得淨法門,永無垢染。

(Kinh: Dùng nước rửa mặt, nguyện cho chúng sanh, đắc tịnh pháp môn, mãi chẳng nhuốm nhơ).
Đoạn này có tất cả bảy bài kệ, đều là [những chuyện nho nhỏ] trong cuộc sống hằng ngày, gần như ngày nào chúng ta cũng đều làm. Bồ Tát và phàm phu chẳng khác nhau, phàm phu phải ăn uống, Bồ Tát cũng phải ăn uống. Phàm phu phải mặc quần áo, Bồ Tát cũng phải mặc quần áo. Mỗi ngày sáng dậy rửa mặt, súc miệng, đánh răng, phàm và thánh chẳng có sai biệt. Sai biệt ở chỗ nào? Sai biệt ở chỗ Bồ Tát có thể tùy thuận Tánh Đức, phàm phu tùy thuận phiền não. Sai biệt ở ngay chỗ này! Nói cách khác, phàm phu dùng cái tâm luân hồi, Bồ Tát sử dụng Bồ Đề tâm.

Một trăm bốn mươi mốt nguyện trong phẩm kinh này, câu thứ hai trong mỗi bài kệ là “đương nguyện chúng sanh”. Đấy chính là Tánh Đức trong đại Bồ Đề tâm lưu lộ viên mãn. Nếu chúng ta đã học hiểu, nếu đều có thể vận dụng, quý vị sẽ thành Phật, tức là Pháp Thân Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm. Pháp Thân Bồ Tát là Phật. Từ kinh Pháp Hoa và kinh Lăng Nghiêm, chúng ta thấy ba mươi hai ứng thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, “đáng nên dùng thân Phật để đắc độ, bèn hiện thân Phật để thuyết pháp”. Quý vị nói Ngài có phải là Phật hay không? Ngài có thể hiện thân Phật, Ngài có thể thị hiện ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp trong thế gian này. Đấy là thật sự thành Phật, chẳng giả! Chúng ta thấy các Ngài trong cuộc sống hằng ngày, công việc, đãi người, tiếp vật, khởi tâm động niệm, niệm nào cũng đều chẳng bỏ chúng sanh, chứng minh “trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai”. Thật đấy, chẳng giả!

Tâm luân hồi là gì? Ta ưa thích người này, ta chán ghét kẻ kia. Ta thích thú chuyện này, chán ngán chuyện kia. Đấy là tâm luân hồi. Dùng cái tâm luân hồi để niệm Phật, dùng tâm luân hồi để tụng kinh, dùng tâm luân hồi để làm Phật sự, vẫn là nghiệp luân hồi! Vì sao? Trong kinh, đức Phật đã nói rõ ràng! Thông thường, chính chúng ta do học tập bằng tâm ý hời hợt, ơ hờ; vì thế, chẳng thể thấu hiểu! Đức Phật thường nói: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Lại nói: “Cảnh chuyển theo tâm”. Do quý vị là tâm luân hồi, quý vị sẽ nghĩ tưởng luân hồi, bất luận tu học pháp môn nào, cũng đều chẳng thoát khỏi luân hồi, chính là do đạo lý này. Nếu quý vị chuyển biến ý niệm, chuyển cái tâm luân hồi thành tâm Bồ Đề, chẳng dễ dàng! Nói chung, nói đơn giản, nói rõ ràng cho mọi người dễ nhớ, tâm luân hồi là gì? Niệm nào cũng đều vì chính mình thì là tâm luân hồi, niệm nào cũng vì chúng sanh thì là Bồ Đề tâm. Quý vị thấy các Ngài đối với mỗi chuyện nhỏ nhặt đều là “đương nguyện chúng sanh”, còn lũ phàm phu chúng ta là nguyện cho chính mình, chẳng nghĩ đến người khác. Đúng là “sai chi hào ly, thất chi thiên lý” (sai chừng hào ly, lạc xa ngàn dặm). Khởi tâm động niệm do một tí sai biệt ấy, nhưng quý vị thấy kết quả cuối cùng, một đằng ở trong Nhất Chân pháp giới, một đằng là trong tam đồ lục đạo. Sai biệt to lớn ngần ấy, chúng ta chớ nên không biết.

Từng ly từng tý trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta mỗi ngày phải rửa mặt bao nhiêu lượt? Tối thiểu là sáng dậy rửa mặt, khi nghỉ trưa sẽ rửa mặt, buổi tối trước khi ngủ sẽ rửa mặt. Đấy là tối thiểu quý vị rửa ba lần một ngày. Thông thường, thân chảy mồ hôi, cầm khăn lông ướt lau mặt, số lượt nhiều lắm, đều thuộc về “dĩ thủy tẩy diện” (dùng nước rửa mặt). Chúng ta biết mặt mũi phải rửa ráy cho sạch sẽ. Quý vị thấy Bồ Tát từ chuyện này bèn dẫn phát hoằng nguyện, “đương nguyện chúng sanh”. Tôi đã nói về “chúng sanh” cùng chư vị rất nhiều lần, [chúng sanh” là] hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới, hư không giới. Ngài chẳng nói nguyện cho chúng sanh trong thế giới Sa Bà, chẳng nói nguyện cho chúng sanh trên địa cầu, chẳng nói nguyện cho chúng sanh trong một khu vực. Vì thế, “chúng sanh” bao gồm toàn thể chúng sanh trong vô lượng vô biên cõi nước suốt mười phương ba đời khắp pháp giới, hư không giới. Trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai!



“Đắc tịnh pháp môn, vĩnh vô cấu nhiễm” (Đắc pháp môn thanh tịnh, vĩnh viễn chẳng nhuốm dơ). Hễ hóa đạo (化導, giáo hóa, hướng dẫn) chúng sanh, điều kiện đầu tiên là chính mình phải làm được! Người thế gian thường nói: “Kẻ nào đó có phước báo, làm bất cứ chuyện gì cũng đều rất thuận lợi, quý nhân [giúp đỡ] rất nhiều. Tôi chẳng có phước báo, làm chuyện gì cũng là chướng ngại tầng tầng, chẳng có quý nhân”. Nói những lời ấy, dường như trong ấy có hơi hướng oán trời, hờn người. Đó là gì? Tập khí, bất tri bất giác, hữu ý hay vô tình bộc lộ. Kẻ ấy chẳng nghiêm túc phản tỉnh một phen, vì sao người ta có phước báo, ta chẳng có phước báo?

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Thế Tôn đã nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, “đức tướng” là phước báo, hết thảy chúng sanh đều có, vì sao chúng ta chẳng có? “Chỉ vì vọng tưởng và chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Khi ấy, chúng ta có nghĩ đến câu giáo huấn này hay không? Chẳng phải là không có phước báo, chẳng phải là ta không có quý nhân [giúp đỡ], mà là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của ta đã chướng ngại phước báo, chướng ngại quý nhân! Quý vị có hiểu đạo lý này hay không? Có thể giác ngộ hay không? Thật sự hiểu rõ, giác ngộ, khẳng định là sẽ giống như cổ thánh tiên hiền, “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ” (có chuyện gì chẳng làm được, bèn quay lại xét mình). Trong công việc hằng ngày, xử sự, đãi người, tiếp vật, hễ gặp phải chướng ngại, bèn quay lại phản tỉnh, nguyên nhân chắc chắn chẳng ở bên ngoài, quyết định là ở chính mình. Nếu quý vị tìm nguyên nhân bên ngoài, sẽ vĩnh viễn chẳng thể thành tựu. Quý vị hướng vào trong để tìm, chắc chắn sẽ tìm được, tức là sẽ tìm được nhân tố gây chướng ngại. Chướng ngại là ô nhiễm! Ở đây nói là “cấu nhiễm”. Hóa giải ô nhiễm, chướng ngại, tâm thanh tịnh bèn hiện tiền, pháp thanh tịnh hiện tiền. Pháp thanh tịnh thông suốt, chẳng ngăn trở, chẳng bị chướng ngại!

Đạo lý này rất sâu. Phật pháp xác thực là “biết khó, hành dễ”, làm chẳng khó, quý vị muốn hiểu rõ chẳng dễ dàng đâu nhé! [Chẳng hạn] như đạo lý trong một trăm bốn mươi mốt bài kệ của phẩm Tịnh Hạnh, Pháp Thân Bồ Tát mới biết. Không chỉ là lục đạo chẳng tham cứu thấu triệt, mà tứ thánh pháp giới cũng chẳng được! Vì sao? [Đó là] cảnh giới nơi quả địa Như Lai. “Như Lai” như tôi nói ở đây, hàng Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo đã chứng đắc. Sơ Trụ Bồ Tát còn có đức hiệu là Như Lai. Trong những phần trước, tôi đã nói đạo lý này rất nhiều: Sơ Trụ Bồ Tát đã thành Phật. Đã thành Phật, vì sao có bốn mươi hai giai cấp? Vì sao còn có Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác? Trong Sớ Sao, Thanh Lương đại sư đã nói rất hay. Bốn mươi hai giai cấp là do tập khí vô thỉ vô minh dầy hay mỏng khác nhau; nói từ chỗ này, tập khí vô minh! Chẳng phải là đã đoạn vô minh rồi sao? Đã đoạn, Sơ Trụ đã đoạn; [vô minh] ở đây là tập khí! Tập khí chẳng trở ngại Sự. Do vậy, quả đức rốt ráo, trí huệ, đức năng, tướng hảo viên mãn, hàng Sơ Trụ Bồ Tát đã hiển lộ, chẳng có chướng ngại.

Nơi Báo Thân của Sơ Trụ Bồ Tát, thân có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo. Ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo, đấy là Ứng Hóa Thân, chẳng phải là Báo Thân. Tuy mọi người đều là “thân có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo”, nhưng xác thực là tướng hảo còn có sai khác. Đấy là do nguyên nhân nào? Chính là do tập khí vô minh khác nhau. Vô lượng tướng hảo của người tập khí sâu dầy phải khác với người đã đoạn sạch tập khí vô minh rất lớn. Từ thường thức, chúng ta cũng lãnh hội đôi chút chuyện này, hoàn toàn chẳng khó hiểu, nhưng chẳng có cách nào đoạn tập khí, quý vị dùng phương pháp gì? Chẳng có cách nào, chẳng có phương pháp, chỉ đành để cho thời gian tự nhiên đào thải. Cổ đại đức nói ở chỗ này chẳng dùng sức được! Tu hành trong mười pháp giới thì có thể dùng sức, đã vượt khỏi mười pháp giới sẽ chẳng thể dùng sức được. Vì sao? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều đoạn, quý vị dùng sức gì? Nếu quý vị dùng sức, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước lại dấy lên, ngay lập tức, quý vị bị đọa lạc. [Vì lẽ này], ở đây chẳng dùng sức!

Trong cảnh giới hiện tiền, chúng ta phải nên học tập chỗ này, tức là thời thời khắc khắc nhắc nhở chính mình tu tâm thanh tịnh, tu hạnh thanh tịnh. Chẳng cần nói “phân biệt, chấp trước là ô nhiễm”; hễ khởi tâm động niệm là đã ô nhiễm rồi! Khởi tâm động niệm là Vô Minh phiền não, phân biệt là Trần Sa phiền não, chấp trước là Kiến Tư phiền não. Chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, niệm nào cũng đều chẳng lìa phiền não, làm sao có thể thoát khỏi sanh tử luân hồi cho được? Thậm chí niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ cũng bị chướng ngại. Đây là đại sự, chẳng phải là chuyện nhỏ!

Quý vị hãy nghĩ đến Tây Phương Tịnh Độ, suy ngẫm tên gọi ấy. Kinh luận Đại Thừa đã dạy chúng ta: “Tâm tịnh, ắt cõi Phật tịnh”. Chúng ta cầu sanh Tịnh Độ, điều kiện thứ nhất là gì? Tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, Tịnh Độ sẽ hiện tiền. Tâm chẳng thanh tịnh, lấy đâu ra Tịnh Độ? Nói thật thà, cõi nước chẳng thể tịnh, thanh tịnh là do lòng người. Lòng người tịnh; núi, sông, đại địa chẳng có gì không thanh tịnh. Lòng người ô nhiễm, ngay cả hư không pháp giới thảy đều ô nhiễm. Một nhiễm, hết thảy nhiễm; một tịnh, hết thảy tịnh, tức là tâm chuyển pháp giới, chẳng phải là pháp giới chuyển tâm. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã nói rất hay: “Nếu có thể chuyển vật, ắt đồng Như Lai”. Thật khó có là chuyện này đã được tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bản dùng thí nghiệm với nước để chứng minh, chứng minh cảnh chuyển theo tâm, chứng minh tâm chuyển vạn vật, tăng trưởng vô lượng tín tâm cho người tu Tịnh Độ chúng ta, khiến cho người niệm Phật chúng ta thật sự nắm chắc vãng sanh. Bí quyết vãng sanh ở ngay cái tâm thanh tịnh.

Chúng ta phải biết nhiễm và tịnh có vô lượng cấp bậc, trong lục đạo thì lục đạo nhiễm và tịnh khác nhau. Trong mười pháp giới, mười pháp giới nhiễm và tịnh khác nhau. Kinh Hoa Nghiêm đã nói đến năm mươi mốt tầng cấp Bồ Tát, tức là năm mươi mốt loại nhiễm hay tịnh bất đồng. Nơi vị trí này thì là thanh tịnh, nhưng lên cao hơn một cấp, [sẽ thấy] vị trí này chẳng thanh tịnh, là ô nhiễm! Những tầng cấp cao hơn sẽ càng thanh tịnh hơn địa vị này. Năm mươi mốt tầng cấp, mỗi tầng cấp [nhiễm và tịnh] khác nhau! Nay chúng ta suy ngẫm, nói chung là chính mình phải hiểu cái tâm và hành vi của chính mình. Nếu chính mình chẳng hiểu, sẽ chẳng có cách nào tu. Biết bản thân chúng ta chỉ có nhiễm, chẳng có tịnh. Con người phải tự hiểu mình, chính mình phải thường suy ngẫm, ta có ích kỷ hay không? Ta có tiếng tăm, lợi dưỡng hay không? Ta có thị phi, nhân ngã hay không? Ta có ngũ dục, lục trần, có tham, sân, si, mạn hay không? Thảy đều có, thứ nào cũng trọn đủ, sẽ là thuần nhiễm, chẳng tịnh! Ta niệm Phật có thể vãng sanh hay không? Chẳng thể! Dẫu chẳng thể [vãng sanh], niệm Phật cũng có cái lợi! Trong A Lại Da đã gieo chủng tử Phật, coi như là hữu duyên với A Di Đà Phật. Nếu quý vị hỏi khi nào sẽ được vãng sanh ư? Khi nào thân tâm quý vị thanh tịnh thì sẽ vãng sanh.

Nếu [xét theo] tiêu chuẩn thanh tịnh ở mức độ thấp nhất, những năm qua, chúng tôi đề xướng Đệ Tử Quy. Đệ Tử Quy là tiêu chuẩn thấp nhất. “Nhập tắc hiếu” (Ở trong nhà bèn hiếu thảo), hiếu là thanh tịnh, tương ứng với Tánh Đức. Bất hiếu là nhiễm. “Xuất tắc đễ” (Ra ngoài bèn đối xử hòa thuận). Đễ (悌) là Tánh Đức, là thanh tịnh. Hễ tương ứng với Tánh Đức sẽ thanh tịnh, trái nghịch Tánh Đức thì là ô nhiễm. Trong ba trăm sáu mươi câu của Đệ Tử Quy, gồm một trăm mười ba chuyện, tức là đã nêu ra một trăm mười ba chuyện trong cuộc sống hằng ngày, quý vị đều có thể làm được, sẽ tương ứng với Tánh Đức, là sự thanh tịnh trong loài người. Nếu chẳng làm được, tương phản với nó, sẽ là ô nhiễm. Phải biết điều này! Do [trọn đủ] sự thanh tịnh trong loài người, trong đời sau, sẽ còn có thể được làm thân người. Nếu ô nhiễm, chẳng thanh tịnh, đời sau sẽ đọa lạc trong ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, đọa lạc xuống dưới. Rành rẽ, rõ ràng bày ra ngay trước mặt quý vị.

Đời này rất ngắn, đời người khổ sở, ngắn củn! Thuở trẻ, quý vị chẳng hiểu, đại khái là sau năm, sáu chục tuổi, cảm xúc bèn rất sâu, biết thế nào là vô thường! Bách niên quang âm nhất đàn chỉ” (thời gian trăm năm như một cái khảy ngón tay). Ngẫm lại suốt một đời này, chẳng thành được một chuyện gì, uổng phí cả đời, quý vị nói xem có đáng tiếc lắm hay không? Vì ngu si chẳng có trí huệ mà khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác quá nhiều lầm lỗi! Đúng như kinh Địa Tạng đã dạy: “Diêm Phù Đề chúng sanh, khởi tâm động niệm vô bất thị tội” (Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề, khởi tâm động niệm không gì chẳng phải là tội). Lúc tuổi già, hối hận chẳng kịp, kẻ bình phàm trong thế gian thường nói như vậy. Trong giáo pháp Đại Thừa chẳng phải vậy. Giáo pháp Đại Thừa dạy, chỉ cần quý vị một hơi thở chưa dứt, thật sự có thể quay đầu, thật sự có thể sám hối thì vẫn còn kịp! Theo bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, lúc lâm chung, do một niệm hay mười niệm, đều có thể sanh vào Tịnh Độ. Sự quay đầu ấy chính là quay lại nhanh chóng, quay lại mạnh mẽ, dũng mãnh quay đầu. Người ấy thật sự quay lại, đối với lục đạo mười pháp giới, xác thực là thống khoái một đao cắt phăng. Vậy là được! Nhưng vấn đề ở chỗ nào? Bao nhiêu người mong quay đầu, nhưng quay đầu chẳng được. Vì sao? Tập khí, tức tập khí phiền não quá nặng; rất mong buông xuống nhưng không thể buông xuống được!

Trong cuộc sống thông thường, chúng ta chỉ cần hơi lưu ý đôi chút, chính quý vị có thể phát hiện những chuyện ấy. Sau đấy mới biết sự ô nhiễm do thói quen nghiêm trọng như thế nào! Trong tập nhiễm (習染, sự ô nhiễm do thói quen hoặc do huân tập) sâu nặng ngần ấy, quý vị chẳng hạ quyết tâm, sẽ không được, chẳng có tâm cảnh giác cao độ, sẽ không được! Do vậy, Ấn Quang đại sư dạy chúng ta một phương pháp rất hay. Tuy nói là “rất hay”, kẻ thật sự học tập [theo phương pháp của Tổ] chẳng nhiều! Lão nhân gia dùng phương pháp gì? Chữ Tử (死)! Suốt ngày từ sáng đến tối dán chữ Tử trên trán, nghĩ ta sắp chết, sau khi đã chết sẽ đọa trong tam đồ địa ngục; khi ấy, quý vị sẽ làm như thế nào? Tôi đã đến thăm Niệm Phật Đường trong quan phòng (關房, nơi bế quan) của tổ sư. Quan phòng của Ngài hết sức sơ sài, trong Niệm Phật Đường chỉ thờ một bức tượng A Di Đà Phật, không quá to, một đôi chân đèn, một lư hương, một chén nước cúng, những thứ khác đều chẳng có. Phía sau tượng Phật dán một chữ, tức chữ Tử do lão pháp sư tự viết. Dạy chúng ta thời thời khắc khắc đừng quên, niệm nào cũng đều đề cao cảnh giác: Đã chết thì thứ gì cũng đều chẳng mang theo được, toàn là giả! Đời này rỗng tuếch, quý vị còn có thể chẳng buông xuống ư? Lão pháp sư dùng phương pháp này. Phương pháp này hay lắm, chính Ngài sử dụng thật sự có hiệu quả.

Buông xuống ích kỷ, khởi tâm động niệm đều vì chánh pháp tồn tại lâu dài, vì chúng sanh trong pháp giới, nhất là vì những chúng sanh khổ nạn trong tam đồ lục đạo của pháp giới mà nghiêm túc nỗ lực tu hành, hy vọng chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề, có thể giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn ấy. Chính mình chẳng có thành tựu, quý vị chẳng có năng lực giúp đỡ người khác. Chính mình thành tựu thì mới có thể giúp người khác. Bản thân quý vị chẳng đoạn phiền não, sẽ chẳng có cách nào giúp người khác đoạn phiền não. Bản thân quý vị chẳng khai ngộ, sẽ chẳng thể giúp kẻ khác khai ngộ! Vì thế, giáo huấn của cổ thánh tiên hiền cứu vớt những tai nạn xã hội trong thế kỷ hai mươi mốt hết sức hữu hiệu. Tám chữ “tu thân làm gốc, dạy học làm đầu”; tám chữ ấy hữu hiệu. Mở hội nghị sẽ chẳng có hiệu quả, dùng tám chữ ấy bèn có hiệu quả!

Chúng ta phải học tập như thế nào? Những vị tổ sư đại đức từ bi thị hiện, chúng ta đã nhận biết rõ ràng, đã thông hiểu; kế đó, bản thân chúng ta phải thật sự làm. “Thật sự làm” chính là khắc phục tập khí phiền não của chính mình. Trước hết là khắc phục lòng tham dục của chính mình. Tham dục là cấu nhiễm. Tham, sân, si là tam độc phiền não, là ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Tham danh, tham lợi, tham sắc, thậm chí học Phật mà tham Phật pháp cũng không được. Đức Phật dạy chúng ta bỏ tham lam, keo kiệt, chẳng bảo chúng ta thay đổi đối tượng. Ta chẳng tham pháp thế gian, ta tham Phật pháp. Quý vị ngẫm xem: Cái tâm tham của quý vị chỉ thay đổi đối tượng, hoàn toàn chẳng bỏ tâm tham. Tham là tâm ngạ quỷ. Kẻ tâm tham nặng nề, tương lai sẽ đến đâu? Quỷ đạo. Hiện thời quỷ đạo rất khổ, quỷ đạo và địa ngục đạo chẳng sai khác cho mấy!

Đối với tình hình ấy, nếu quý vị lắng lòng, tư duy rất cẩn thận, sẽ có thể suy nghĩ được, suy nghĩ từ chỗ nào? Suy tưởng từ hoàn cảnh sống trong hiện thực. Nay chúng ta làm người khổ sở hơn những người thuộc thế hệ trước. Nếu quý vị suy nghĩ kỹ càng, [sẽ thấy] cha mẹ chúng ta khổ hơn ông bà. Đúng là trong một trăm năm nay, chứ trước một trăm năm, chúng ta sẽ chẳng biết, quá xa! Trong một trăm năm nay, [so sánh] ba đời hoặc bốn đời, [sẽ thấy] mỗi đời sau đều chẳng bằng đời trước! Đừng thấy hiện thời nền văn minh vật chất phát triển, khoa học đem lại những thuận tiện trong cuộc sống, quý vị hãy suy ngẫm cặn kẽ: Cuộc sống hiện thời thuận tiện đôi chút, nhưng đã phải trả cái giá to cỡ nào? Phải trả cái giá to lớn ấy, nếu là cổ nhân, họ sẽ quyết định chẳng làm, chẳng cần! Người hiện thời mê hoặc, điên đảo, [do vậy] họ sẽ làm, chứ cổ nhân chẳng làm!

Chúng tôi tùy tiện nêu ra một thí dụ. Trong xã hội hiện thời, chuyện vay nợ rất phổ biến. Có ai chẳng vay mượn từ ngân hàng, hoặc vay mượn từ công ty bảo hiểm? Tổ tiên từ mấy ngàn năm truyền lại, có dạy quý vị sống bằng vay mượn hay không? Chẳng có! Dẫu bần cùng, dẫu khổ sở đến mấy, vẫn chẳng vay nợ. Đó gọi là “vô trái nhất thân khinh” (chẳng nợ nần, tấm thân nhẹ nhàng). Quý vị có nợ nần quấn thân, sẽ có áp lực, sẽ có gánh nặng. Hưởng thụ một tí cuộc sống vật chất, đó là gì? Ở trong khổ mà coi là vui, cái được không bù đắp nổi cái mất! Nghiễm nhiên hiện thời còn có chuyện sống bằng vay nợ, từ khi sanh ra đã mượn nợ, mượn tiền ngân hàng, đến chết vẫn chẳng trả hết nợ! Đó là cuộc sống gì vậy? Trong sự giáo dục suốt năm ngàn năm tại Trung Hoa, chẳng hề có quan niệm “nợ”, làm sao có chuyện gì nẩy sanh? Nghèo túng đến mức ăn mày cũng chẳng thể vay mượn! Chúng tôi chỉ nêu một thí dụ này, sau đấy, quý vị phản tỉnh: Nền văn minh khoa học kỹ thuật trong xã hội hiện thời đã đem lại điều gì tốt đẹp cho chúng ta? Có phải là “ở trong khổ mà tưởng là lạc” như cổ đức đã nói hay không? Cuối cùng là như thế nào? Khổ càng thêm khổ! Đời này chẳng trả hết, đời sau vẫn phải trả nợ, phiền toái to đùng!

Khởi tâm động niệm tổn người lợi mình, cái tâm ấy là gì? Cái tâm ấy là tâm trộm cắp, tâm giết chóc. Do tích tập quá sâu, thường nói “tích trọng nan phản” (chứa nặng, khó thể lật lại được), rất khó quay đầu. Chẳng quay đầu được, cấu nhiễm của quý vị hằng ngày tăng trưởng, hàng năm tăng trưởng, cuối cùng nhất định sẽ lôi dẫn quý vị đọa tam đồ. Tam đồ rất dễ vào, rất khó thoát ra. Trong kinh, đức Phật toàn nói lời thật, quyết định chẳng lừa gạt kẻ khác, quyết định chẳng có vọng ngữ, quyết định chẳng nói lời dọa nạt kẻ khác, chẳng có những chuyện ấy! Câu nào cũng là nói lời thật với quý vị, quý vị phải giác ngộ.

Thật sự là “làm chuyện tốt” sẽ là Xả, tức là buông xuống, [làm những điều tốt đẹp] chẳng có điều kiện gì, chẳng mong cầu bất cứ điều gì! Nếu quý vị hỏi vì sao ư? Tự tánh vốn là như thế! Trong tự tánh thanh tịnh tâm, vốn chẳng có những thứ ấy; vì vậy, phải buông xuống! Đã có trong tự tánh thì phải khôi phục! Trong tự tánh vốn có luân lý, đạo đức. Đấy là những thứ vốn có trong tự tánh. Trong tự tánh chẳng có tham, sân, si, mạn, trong tự tánh cũng chẳng có tiếng tăm, lợi dưỡng. Trong tự tánh, vẫn chẳng tìm thấy sự hưởng thụ ngũ dục, lục trần. Quý vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật thuở tại thế, suốt đời là ba y một bát, tiêu sái lắm! Tự tại lắm! Cuộc sống vật chất của Khổng Tử và Nhan Hồi đều rất sơ sài, nhưng họ sống cuộc đời hạnh phúc lắm, sung sướng lắm. Cổ nhân nói “Khổng Nhan chi lạc”, tức là niềm vui của Khổng Tử và Nhan Hồi. Niềm vui của họ ở chỗ nào? Nói thật thà, quý vị chẳng nhập cảnh giới ấy, nói kiểu nào, quý vị cũng đều chẳng có cách nào lãnh hội. Chỉ có chính mình khế nhập cảnh giới, mới biết là chân lạc!

Chúng tôi nêu một thí dụ đơn giản nhất: Mỗi ngày ăn một bữa giữa trưa, mỗi ngày ăn một bữa, người khác sẽ nói “làm sao mà chịu được?” Trong ấy có niềm vui thú mà chẳng có ai biết! Bản thân quý vị hành xử3 đúng như pháp, mà cũng chăm chỉ học, học được vài năm, quý vị mới thấu hiểu niềm vui trong ấy, thật sự vui sướng! [Niềm vui ấy] khiến cho thân thể khỏe mạnh, tâm địa thanh tịnh, tinh thần sung mãn. Năm xưa, tôi theo học với thầy Lý, thầy Lý mỗi ngày ăn một bữa. Tôi theo thầy mười năm, chính mắt tôi trông thấy. Lúc cụ đã tám mươi tuổi, thoạt nhìn thì tối đa dường như là người sáu mươi tuổi. Thể lực, công việc của cụ, tôi thường nói “lượng công việc hằng ngày của cụ bằng lượng công việc của năm người thông thường”! Trừ công việc ra, hằng ngày đều phải họp hành. Liên hữu ở Đài Trung Liên Xã số lượng rất đông, chia thành bốn mươi tám ban (do bốn mươi tám nguyện mà chia thành bốn mươi tám ban). Số người trong mỗi ban nếu ít thì gần một trăm người, nhiều là bốn, năm trăm người. Bốn mươi tám ban, mỗi ban một tháng gặp thầy một lần.

Các vị hãy nghĩ nhé, bốn mươi tám ban, liên hữu mỗi tháng gặp thầy một lần, còn thầy hằng ngày phải cùng mọi người gặp mặt. Tối thiểu là dành ra hai tiếng đồng hồ để giải đáp vấn đề cho họ. Chuyện này chẳng thể thiếu khuyết, hằng ngày đều có. Bốn mươi tám ban, từ mồng Một cho đến Ba Mươi sẽ luân lưu một lượt. Ban ít người thì gộp hai ban lại. Ban lớn, đông người, gần như ba trăm người trở lên là một ban. Những ban ít người, sẽ hợp hai ban lại, chúng tôi đích thân trông thấy chuyện này. Ngài còn phải tiếp khách, còn phải giảng kinh, còn phải dạy học, còn phải đi làm. Ngài là Bí Thư Chủ Nhiệm của Phụng Tự Quan Phủ4. Hằng ngày còn phải đi làm, bận tối tăm mắt mũi. Thời gian để ngủ rất ít, ăn uống ít, mà tinh thần tốt đẹp như vậy, rất đáng khiến cho kẻ khác hâm mộ. Do nguyên nhân gì? Thưa cùng chư vị, tâm thanh tịnh!

Trước khi tôi được quen biết Ngài, tôi đã không ăn tối, đã dưỡng thành thói quen. Phật môn gọi là “trì Ngọ”. Do vậy, tôi đến Đài Trung theo thầy, dường như chẳng bao lâu, tôi cũng thôi ăn sáng. Tôi bỏ [ăn sáng] đến tháng thứ tám, mới trình lên lão nhân gia, tôi nói: “Thưa thầy, hiện thời con cũng ăn một bữa”. Thầy hỏi: “Anh cảm thấy thân thể thế nào?” Tôi thưa: “Rất bình thường!” Thầy vỗ bàn: “Tốt lắm! Hãy vĩnh viễn gìn giữ, suốt đời chẳng cầu cạnh ai, cuộc sống đơn giản!” Đó gọi là “người đạt đến mức chẳng mong cầu, phẩm hạnh tự cao”. Thời gian sẽ dôi ra, do sáng tối chẳng cần ăn, sẽ có nhiều thời gian hơn. Từ chỗ này mà thực hiện công phu điều phục bản thân.

Vứt bỏ tiếng tăm, lợi dưỡng, phải biết đó là ô nhiễm, chẳng thanh tịnh, gây chướng ngại nghiêm trọng cho cái tâm thanh tịnh. Quý vị chẳng buông những thứ ấy xuống thì làm sao được nữa! Thứ gì cũng đều phải buông xuống, quý vị mới thanh tịnh, chuyện hoằng pháp lợi sanh cũng phải buông xuống. Đã buông xuống, vì sao vẫn phải làm? Tùy duyên! Hễ có duyên thì làm, chẳng có duyên sẽ không làm. Chẳng có duyên bèn tìm kiếm duyên, vậy là không hay rồi, tâm chẳng thanh tịnh! Tùy duyên, chẳng phan duyên. Tùy duyên là tâm địa thanh tịnh, chẳng vướng mắc! “Làm mà không làm, không làm mà làm”, sẽ tự tại, [đó là] tịnh pháp môn! A! Nay đã hết thời gian rồi, chúng ta nghỉ ngơi mấy phút!

**

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem tiếp đoạn lớn thứ sáu.



(Sớ) Khất thực đạo hành thời, tổng hữu ngũ thập ngũ nguyện.

()乞食道行時,總有五十五願。

(Sớ: Khi khất thực, đi đường, có tất cả năm mươi lăm nguyện).
Kinh văn trong đoạn này khá dài. Phần “khất thực, đạo hành” có thể chia làm mấy tiểu đoạn. Đoạn thứ nhất là…
(Sớ) Du thiệp đạo lộ.

()游涉道路

(Sớ: Đi lại trên đường).
[Phần này] có mười hai nguyện. Đấy là hoạt động hằng ngày của người xuất gia trong thuở ấy. Người hiện thời nói là “hoạt động”. Hoạt động hằng ngày là trì bát khất thực. Khất thực cũng là tu hành, cũng là độ sanh, cũng là nêu một tấm gương tốt nhất cho đại chúng trong xã hội. Gương ấy là gì? “Ư nhân vô tranh, ư thế vô cầu” (Chẳng tranh với người, chẳng cầu nơi đời). Một người đạt đến mức vô tranh, vô cầu, cái tâm sẽ an, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. “Thanh tịnh, bình đẳng, giác” như kinh Vô Lượng Thọ đã nói được hoàn toàn triển hiện trong những hoạt động ấy.

Thấy người xuất gia đi ra ngoài, một mực oai nghi, đoan trang, xác thực là khiến cho người ta sau khi trông thấy, từ nội tâm sẽ sanh khởi lòng cung kính. Tâm cung kính là Tánh Đức, đấy là nghi biểu (儀表, tư thái biểu hiện) và hình tướng có thể hướng dẫn chúng sanh bình phàm về Tánh Đức. Đấy là phương tiện thiện xảo; đó gọi là “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Vừa thấy người xuất gia, quý vị sẽ nghĩ phải hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng, hòa thuận, yêu thương những kẻ đồng hàng, từ bi với hết thảy! Do vậy, đi khất thực là một thời công khóa, là công khóa tự hành, hóa tha! Đoạn này cũng đặc biệt dài, bao gồm năm mươi lăm bài kệ. Toàn văn phẩm kinh này có một trăm bốn mươi mốt bài kệ, đoạn này chiếm một phần ba. Từ chỗ này, ta cũng thấy thuở ấy, các vị đệ tử của đức Thế Tôn đã tự hành, hóa tha như thế nào? Chúng ta xem bài kệ thứ nhất.


(Kinh) Thủ chấp tích trượng, đương nguyện chúng sanh, thiết đại thí hội, thị như thật đạo.

()手執錫杖。當願眾生。設大施會。示如實道。

(Kinh: Tay cầm tích trượng, nguyện cho chúng sanh, lập hội đại thí, chỉ dạy đạo như thật).
Trong phần chú giải, Thanh Lương đại sư đã nói rất rõ ràng. Chúng ta hãy đọc lời chú giải của Ngài. Năm mươi lăm nguyện được chia thành ba đoạn:

1) Đoạn thứ nhất gồm mười hai nguyện, tức “du thiệp đạo lộ” (đi lại trên đường).

2) Đoạn thứ hai là “kiến chúng hội” (見眾會, thấy các cuộc hội của đại chúng), gồm mười chín nguyện. “Sở đổ sự cảnh” (所睹事境, những sự và cảnh được trông thấy), tức là những sự việc trông thấy và những cảnh giới mà quý vị sẽ gặp gỡ trong khi khất thực. Đây đều là nêu ra những trường hợp tiêu biểu, gồm có mười chín nguyện.

3) Đoạn thứ ba là những nhân vật sẽ gặp gỡ, [phần này có tiểu đề là] “kiến nghiêm sức” (見嚴飾, thấy các sự trang hoàng, nghiêm tịnh). Đấy là phần kinh văn bao gồm hai mươi bốn nguyện kế đó, [bao gồm] các nhân vật sẽ gặp gỡ. Nhân vật rất phức tạp, nghĩa là nam, nữ, già, trẻ, các nghề nghiệp, giống như năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử. Gặp gỡ kẻ nào, quý vị dùng tâm thái gì để đối đãi, giúp đỡ người ấy. Từ chỗ này, quý vị sẽ thấy những phương tiện thiện xảo.

Nay là nguyện thứ nhất, “thủ chấp tích trượng” (tay cầm tích trượng). Trước hết, tôi giải thích đơn giản đôi chút về tích trượng (錫杖, khakkhara)5. Tích trượng nhằm biểu thị pháp. Thanh Lương đại sư nói:
(Sớ) Kim sơ Tích giả, khinh dã, minh dã.

()今初錫者,輕也,明也

(Sớ: Nay trước hết, [giải thích chữ] Tích, [có ý nghĩa] nhẹ, sáng).
Trong ngũ kim, tức vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc, Tích (錫, thiếc) nhẹ nhất, vàng nặng nhất. Dùng theo ý nghĩa gì? Biểu thị sự nhẹ nhàng. Màu của thiếc là trắng, màu như chất bạc, biểu thị sự sáng. Vì thế, nó biểu thị nhẹ và sáng.

(Sớ) Chấp thử trượng giả.

()執此杖者。

(Sớ: Người cầm cây trượng ấy).
Nhẹ và sáng biểu thị ý nghĩa gì?

(Sớ) Khinh phiền não cố, minh Phật pháp cố.

()輕煩惱故,明佛法故。

(Sớ: Nhẹ phiền não, hiểu rõ Phật pháp).
Quý vị trông thấy tích trượng phải hiểu sự biểu pháp của nó, phiền não nhẹ đi, hiểu rõ Phật pháp, nhằm thể hiện ý nghĩa này! Hai ý nghĩa ấy là quan trọng nhất, và còn có [những ý nghĩa] khác.
(Sớ) Cánh hữu đa nghĩa, cụ như kinh biện.

()更有多義,具如經辨。

(Sớ: Còn có nhiều nghĩa, nói đầy đủ thì như trong các kinh đã biện định).
Kinh Phật đã nói rất nhiều, quý vị có thể tham khảo trong sách Giáo Thừa Pháp Số, hoặc cũng có thể tham khảo trong Phật Học Từ Điển. Ở đây, [lời Sớ] cũng nêu rõ tác dụng của nó, tác dụng gì vậy?
(Sớ) Nhất chấp vi hành đạo chi nghi.

()一執為行道之儀。

(Sớ: Một, cầm [tích trượng] là oai nghi khi đi đường).
Đệ tử Phật ra khỏi cửa, nhất định là phải cầm tích trượng; nay chúng ta nói là “đạo cụ”6 của họ. Họ ra khỏi cửa, chẳng thể không cầm tích trượng, nhất định phải cầm tích trượng. Đấy là một thứ oai nghi. [Tác dụng] thứ hai là:
(Sớ) Chấn dĩ khất thực.



tải về 410.22 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương