I- suy niệm tin mừng lễ chúa giêsu chịu phép rửA : Lời Chúa



tải về 473.16 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích473.16 Kb.
#38051
1   2   3

- Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho Đại hội Giới trẻ châu Âu của Cộng đoàn Taizé :

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp qua Đức Tổng giám mục Pietro Parolin - Quốc vụ khanh Toà Thánh, cho 25.000 bạn trẻ đang tham dự Đại hội Giới trẻ châu Âu của Cộng đoàn Taizé. Đây là Đại hội hằng năm lần thứ 36 của cộng đoàn Taizé; Đại hội lần này được tổ chức tại Strasbourg, thủ phủ của vùng Alsace, Pháp, nằm sát biên giới Ortenau (Baden, Đức) từ ngày 28-12-2013 đến ngày 01-01-2014.

Trong sứ điệp, Đức Tổng giám mục Parolin nói lên sự gần gũi của Đức Thánh Cha với các bạn trẻ tham dự Đại hội. Ngài nói rằng, Strasbourg là “một vùng đất bị chiến tranh tàn phá, gây ra vô số các nạn nhân, nhưng cũng là một vùng đất đem lại niềm hy vọng lớn lao của việc xây dựng gia đình châu Âu”.

“Châu Âu đã trải qua và vẫn còn tiếp tục sống những thời khắc khó khăn, cần đến sự dấn thân của các bạn, niềm tin và lòng can đảm của các bạn”.

Nói về chủ đề của Đại hội Tìm kiếm sự hiệp thông hữu hình của tất cả những ai yêu mến Chúa Kitô, Đức Tổng giám mục nhìn nhận rằng người trẻ “ý thức được rằng sự chia rẽ của các Kitô hữu là một trở ngại rất lớn cho việc thực hiện sứ vụ đã được uỷ thác cho Giáo hội và tính khả tín của sứ điệp Kitô giáo sẽ mạnh mẽ hơn nhiều nếu các Kitô hữu vượt qua được những chia rẽ ấy”.

“Đức Thánh Cha chia sẻ với các bạn niềm xác tín rằng chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau nhiều thứ, vì những thực tại nối kết chúng ta có rất nhiều. Đức Thánh Cha tin tưởng ở các bạn: qua đức tin và chứng tá của các bạn, tinh thần hoà bình và hoà giải của Phúc Âm sẽ toả sáng nơi bạn bè đồng trang lứa với các bạn”.

Cuối cùng, Đức Tổng giám mục Parolin chuyển đến các bạn trẻ, các tu sĩ cộng đoàn Taizé, các vị mục tử và những người chủ nhà của Đại hội phép lành của Đức Thánh Cha.

- Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các gia đình :

Trưa ­Chúa nhật 29-12, trong buổi đọc Kinh Truyền tin cùng với hàng vạn tín hữu và khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi lại ý suy niệm bài Tin Mừng lễ Thánh Gia thất và mời gọi mọi người hướng về các gia đình tại nhiều nơi trên thế giới đang lâm cảnh phải bỏ nhà cửa quê hương vì nghèo đói, chiến tranh và nhiều thảm họa khác. Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay, bài Tin Mừng trần thuật cho chúng ta tình cảnh đáng thương của Thánh Gia thất phải lên đường tị nạn, tìm nơi nương náu an toàn bên Ai Cập. Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu phải trải qua cảnh ngộ bi thảm của cuộc sống đầy những sợ hãi, bấp bênh, thiếu thốn. Đáng buồn thay, ngày nay cũng có hàng triệu gia đình phải rơi vào hoàn cảnh đau đớn này. Hầu như ngày nào truyền hình, báo chí cũng đều đưa tin về biết bao người phải lìa bỏ nhà cửa, quê hương vì nghèo đói, chiến tranh và nhiều thảm họa khác tìm nơi an toàn, mong cho bản thân và gia đình mình được hưởng một cuộc sống xứng đáng. Nơi đất khách quê người, những anh chị em di dân và tị nạn dù có tìm được việc làm cũng không phải lúc nào cũng được đón nhận, kính trọng và được thừa nhận các giá trị họ đem lại. Sự chờ đợi được hợp pháp hóa của những anh chị em này đã gặp phải các tình thế phức tạp, khó khăn, có khi rất bế tắc”.

Đức Thánh Cha mời gọi mọi người noi gương Thánh Gia thất, nhất là gương mẫu Chúa Giêsu, và vững tin vào Thiên Chúa:

“Chúa Giêsu đã muốn sống trong một trong gia đình gặp phải những khốn khó này để không ai thấy mình không được ở gần tình yêu của Thiên Chúa. Cuộc chạy trốn sang Ai Cập để thoát khỏi những mối đe dọa của vua Hêrôđê cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn ở bên những ai đang nguy nan, đang đau khổ, những ai phải tị nạn, bị khước từ và bị bỏ rơi”.

Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các gia đình hãy học theo Thánh Gia thất sống giản dị, trở thành “một cộng đoàn yêu thương, luôn biết tha thứ và hòa giải”, đồng thời hãy giữ gìn những vẻ đẹp truyền thống trong đời sống gia đình, như cách nói năng, cư xử hòa nhã, yêu thương, biết nói lời “xin phép, xin lỗi, cảm ơn”, ba từ ngữ thông thường nhưng rất có ý nghĩa trong gia đình.

Mừng lễ Thánh Gia và hướng về Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường về Gia đình trong năm 2014, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện cho các gia đình,:

Lạy Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, chúng con chiêm ngắm ánh quang rạng ngời của tình yêu đích thực nơi ba Đấng và xin tín thác dâng mình cho ba Đấng.

Lạy Thánh Gia Nazarét, xin ban cho các gia đình chúng con được trở thành nơi dành cho hiệp thông và căn phòng dành cho cầu nguyện, nên ngôi trường thực sự giảng dạy Phúc âm và thành những Giáo hội tại gia bé nhỏ.

Lạy Thánh Gia Nazarét, hơn bao giờ hết xin cho các gia đình đừng xảy ra cảnh bạo lực, sống khép kín và chia rẽ; xin cho bất cứ thành viên nào đã bị xúc phạm hoặc khủng hoảng cũng đều nhanh chóng tìm được sự ủi an và chữa lành.

Lạy Thánh Gia Nazarét, xin cho Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới khơi cho mọi người nhận biết các gia đình đều có tính chất linh thánh và bất khả xâm hại, đều là những công trình tuyệt đẹp trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, xin đoái nghe và nhậm lời chúng con cầu xin.

- Kết thúc năm 2013: tạ ơn và tạ lỗi :

Chiều cuối năm 2013, lúc 5g, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Giờ Kinh chiều và chầu Thánh Thể kết thúc năm 2013.

Trong bài giảng Kinh Chiều, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu suy niệm Thư 1 Gioan (2, 18): “Hỡi anh em là những người con thơ bé, đây là giờ cuối cùng”.

Đức Thánh Cha nói: “Người tín hữu Kitô hữu dựa trên Thánh Kinh thấy thời gian không mang tính tuần hoàn mà là một đường thẳng: thời gian là con đường dẫn đến chung cuộc”. Từ suy nghĩ này, Đức Thánh Cha nhìn lại một năm vừa trôi qua chính là một bước đi hướng đến sự hoàn tất của lịch sử, đến cứu cánh của nhân loại là hy vọng và vui mừng được gặp Chúa.

Với tư cách là giám mục Rôma, Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng trong năm mới, thành phố Rôma sẽ được tốt đẹp hơn, trong đó có sự đóng góp của các tín hữu Rôma, “những Kitô hữu sẽ dấn thân làm dậy men Tin Mừng, trở nên dấu chỉ và khí cụ của lòng Thiên Chúa thương xót”.

Trong những thời khắc cuối cùng của một năm, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy gom hết thời gian đã sống trong năm qua –mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng– để dâng tất cả lên Chúa, với tâm tình cảm tạ mọi ơn lành Chúa đã ban, thống hối về những sai lỗi, và nhờ ơn Chúa ban, sẽ canh tân cuộc sống của cộng đoàn và của bản thân.

Sau Giờ Kinh chiều, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi chầu Thánh Thể và hát thánh thi Te Deum, tạ ơn Chúa đã gìn giữ Hội Thánh trong suốt năm qua và dâng lên Ngài năm 2014 đang đến.

- Đón Năm Mới 2014: Phó thác nơi Mẹ Thiên Chúa niềm khát khao công lý và hòa bình :

Sáng thứ Tư 01-01-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ đồng tế tại Đền thờ Thánh Phêrô, kính trọng thể Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và mừng Năm Mới 2014.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đã gợi lại lịch sử tước hiệu “Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”. Đây là tước hiệu tôn vinh Đức Maria được các nghị phụ Công đồng Êphêsô đồng thanh khẳng định. Sự khẳng định này của các nghị phụ đã đáp ứng lòng mong mỏi của các tín hữu tập trung trước nơi các nghị phụ nhóm họp và hô vang: “Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”.

Nhắc lại sự kiện lịch sử này, Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh lòng tôn sùng Đức Mẹ của các tín hữu đã có từ lâu và hơn nữa “đó chính là sensus fidei –cảm thức đức Tin– của dân Chúa; trước sau cảm thức này chẳng hề lệch lạc bao giờ”.

Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu hãy nuôi dưỡng cảm thức đức Tin và vững bước theo Chúa vì đã có Đức Mẹ: “Mẹ Đấng Cứu Thế đi trước chúng ta và không ngừng củng cố chúng ta trong đức tin, trong ơn gọi và sứ mệnh. Mẹ nêu gương khiêm nhường, vâng phục ý Chúa và giúp chúng ta biết diễn tả đức tin thành lời loan báo Tin Mừng tươi vui, vượt qua mọi ranh giới. Như vậy sứ mệnh của chúng ta sẽ sinh hoa kết quả dồi dào, bởi đã nên giống thiên chức làm mẹ của Đức Maria. Chúng ta hãy phó thác nơi Mẹ hành trình đức Tin, cõi lòng khao khát và những thiếu thốn của chúng ta cùng những nhu cầu của toàn thế giới, nhất là niềm khát khao công lý và hòa bình. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau khẩn nài Đức Mẹ, như các tín hữu Êphêsô xưa: Lạy Mẹ là Mẹ Thiên Chúa!” 

- Đức Thánh Cha Phanxicô: Sức mạnh của Giáo hội không ở nơi chính mình, nhưng ở nơi sâu thẳm của Thiên Chúa” :

Sáng thứ Sáu 03-01, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ kính Thánh Danh Chúa Giêsu tại Nhà thờ Chúa Giêsu, để tạ ơn nhân dịp chân phước Pierre Favre, dòng Tên, được tuyên thánh. Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh; Đức hồng y Agostino Vallini, Giám quản giáo phận Roma, Đức giám mục Luis Francisco Ladaria Ferrer, S.J., thư ký Bộ Giáo lý Đức tin; Đức giám mục Yves Boivineau, giám mục giáo phận Annecy, Pháp - sinh quán của Thánh Favre, và Tổng đại diện, cha Alain Fournier-Bidoz; Bề trên tổng quyền dòng Tên, cha Adolfo Nicolas, S.J., và bảy linh mục trẻ của dòng Tên.

Thánh Pierre Favre, được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh ngày 17-12 năm ngoái, là người bạn đồng hành đầu tiên của Thánh Inhaxiô Loyola – vì thế, ngài được gọi là “tu sĩ dòng Tên thứ hai” – và là một trong những người sáng lập Dòng Chúa Giêsu, đồng thời ngài còn là linh mục đầu tiên của Dòng. Mộ của Thánh Inhaxiô và của Thánh Pierre Favre được đặt trong Nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu.

Trong bài giảng dành riêng tôn vinh vị thánh mới, Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Pierre Favre là người của những khát vọng cao cả: “Cần phải tìm kiếm Chúa để gặp Chúa, và gặp được Chúa để lại tìm Chúa nữa và cứ như thế. Chỉ có sự thao thức ấy mới mang lại bình an cho con tim của một tu sĩ dòng Tên, thao thức ấy cũng là thao thức tông đồ, vì thế chúng ta không bao giờ mệt mỏi trong việc loan báo kerygma và rao giảng Tin Mừng với lòng can đảm. Chính sự thao thức ấy chuẩn bị cho chúng ta đón nhận hồng ân hoa trái tông đồ. Nếu không có sự thao thức ấy, chúng ta sẽ trở thành những người cằn cỗi.”

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Và đó là sự thao thức của Thánh Pierre Favre, con người có những khát vọng cao cả, một Daniel khác. Favre là một người khiêm tốn, nhạy cảm với một đời sống nội tâm sâu xa. Ngài được phú cho khả năng làm bạn với mọi người. Tuy nhiên, thánh nhân có một tinh thần thao thức, day dứt khôn nguôi. Dưới sự hướng dẫn của Thánh Inhaxiô, ngài đã học biết kết hợp sự nhạy cảm tinh tế luôn thao thức nhưng cũng dịu dàng và điềm đạm, với khả năng đưa ra quyết định: thánh nhân là một người có những khát vọng cao cả, ngài đã nhận ra những khát vọng ấy và nuôi dưỡng chúng. Thật vậy, đối với Thánh Favre, chính khi phải đối diện với những khó khăn, thì ngài lại chứng tỏ được tinh thần chân thực thúc đẩy ngài hành động”.

“Một đức tin đích thực luôn bao hàm khát vọng sâu xa thay đổi thế giới. Và đây là vấn đề chúng ta cần đặt ra cho chính mình: liệu chúng ta có được tầm nhìn và nhiệt huyết lớn lao ấy không? Chúng ta có dũng cảm không? Ước mơ của chúng ta có bay bổng không? Lòng nhiệt thành có đốt cháy chúng ta? Hay chúng ta cứ tầm thường và hài lòng với những kế hoạch tông đồ lý thuyết của mình? Chúng ta hãy luôn nhớ rằng sức mạnh của Giáo hội không ở nơi chính Giáo hội hay trong năng lực tổ chức của Giáo hội, nhưng ở nơi sâu thẳm của Thiên Chúa. Và vùng sâu thẳm ấy khuấy động những khát vọng của chúng ta, và khát vọng của chúng ta lại mở rộng con tim chúng ta. Như Thánh Augustinô đã nói: hãy cầu nguyện để khao khát và hãy khao khát mở rộng cõi lòng của bạn. Chính trong nỗi khát khao của mình mà cha Favre đã có thể phân định được tiếng Chúa. Không có khao khát, chúng ta không thể tiến bước, và đó là lý do tại sao chúng ta phải dâng những khát vọng của chúng ta cho Chúa. Hiến pháp dòng Tên nói rằng chúng ta phải giúp đỡ người khác dâng lên Chúa những khát vọng”.

Đức Thánh Cha khẳng định: “Thánh Favre khao khát thực sự và sâu xa mở ra trong Thiên Chúa”: ngài hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa, và vì thế ngài có thể đi đến khắp nơi ở châu Âu, trong tinh thần vâng phục và thường đi bộ, để đối thoại với mọi người một cách dịu dàng và loan báo Tin Mừng. Tôi nghĩ rằng cơn cám dỗ mà chúng ta gặp phải, mà nhiều người đã đầu hàng, đó là liên kết việc loan báo Tin Mừng với sự trừng phạt của Toà án dị giáo và việc kết án. Không, Tin Mừng phải được rao giảng với sự dịu dàng, trong tinh thần huynh đệ, với tình yêu thương. Tình thân thiết với Thiên Chúa đã dẫn thánh nhân đến chỗ hiểu rằng kinh nghiệm nội tâm và đời sống tông đồ luôn đi với nhau. Thánh nhân đã viết trong Hồi ký rằng rung động đầu tiên của con tim phải là niềm khao khát điều chính yếu và cội nguồn, hay đúng hơn, việc tìm kiếm Thiên Chúa, Chúa chúng ta, phải là ưu tiên. Thánh Favre đã cảm nghiệm nỗi khát mong để cho con tim mình được Chúa Kitô chiếm hữu. Chỉ khi tập trung vào Thiên Chúa, chúng ta mới có thể đi ra ngoài, đến vùng ngoại biên của thế giới! Và Thánh Favre đã lên đường không ngơi nghỉ đến những biên giới địa lý; thật vậy, người ta nói rằng hình như ngài được sinh ra để không bao giờ ở yên một chỗ nào. Thánh Favre đã bị đốt cháy bởi khát mong mãnh liệt hiệp thông với Chúa. Nếu chúng ta không có cùng một khát mong ấy, chúng ta cần phải dừng lại một chút để cầu nguyện, và âm thầm tha thiết xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Pierre Favre là người anh em của chúng ta, cho chúng ta cảm nghiệm lại niềm say mê Thiên Chúa vốn đã hướng dẫn thánh nhân trong những cơn điên rồ tông đồ của ngài”.

- Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tu sĩ phải là người có thể đánh thức thế giới” :

Theo một bài báo mới đăng trên tuần báo La Civiltà Cattolica của dòng Tên tại Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ những người sống đời thánh hiến hãy “đánh thức thế giới”.

Bài báo của Tổng biên tập Antonio Spadaro, S.J., thuật lại cuộc gặp gỡ hồi tháng Mười Một năm ngoái của Đức Thánh Cha Phanxicô với Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng Nam lúc kết thúc Đại hội toàn thể lần thứ 82.

Bài viết trình bày quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô về đời sống của tu sĩ.

Đức Thánh Cha nói: “Hãy đánh thức thế giới! Hãy trở nên chứng nhân của một cách làm việc khác, cách hành động khác, cách sống khác! Có thể sống khác đi trong thế giới này”.

“Chúng ta đang nói về một triển vọng cánh chung, về các giá trị của Nước Trời hiện thân ở đây, trên trái đất này. Đây là vấn đề bỏ mọi sự để đi theo Chúa. Không, tôi không muốn nói đến ‘tính quyết liệt’. Tính quyết liệt của Tin Mừng không chỉ dành cho các tu sĩ: mà đòi hỏi tất cả mọi người. Nhưng tu sĩ đi theo Chúa một cách đặc biệt, mang tính ngôn sứ. Đó là chứng tá mà tôi mong đợi nơi anh em. Các tu sĩ phải là những người có thể đánh thức thế giới”.

Bài báo cũng cho biết Đức Thánh Cha đã yêu cầu Bộ Tu sĩ duyệt lại huấn thị Mutuae Relationes (Những liên hệ hỗ tương) do Bộ Tu sĩ và và Bộ Giám mục ban hành năm 1978, liên quan đến các mối tương quan giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo hội, mà ngài cho là đã “lỗi thời”.

- Giáo hội Chính thống Ai Cập mừng lễ Giáng sinh theo lịch Giulianô :

Các tín hữu Chính thống Copt Ai Cập, cũng như nhiều tín hữu của các Giáo hội Đông phương khác, đang chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh theo lịch Giulianô vào ngày thứ Ba, 07-01-2014. Tuy nhiên cộng đồng Copt Ai Cập hiện đang lo lắng, vì những tháng gần đây có nhiều cuộc tấn công nhắm vào họ.

Trong khi có vẻ như Ai Cập vẫn là nạn nhân của bạo lực từ khi chế độ của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi sụp đổ, các Kitô hữu mong muốn đất nước được ổn định.

Đức giám mục Yohanna Golta, giám mục phụ tá Alexandria (Công giáo Copt), hy vọng các tín hữu Chính thống Copt có thể mừng lễ Giáng sinh trong an bình và hy vọng. Ngài phản đối việc phương Tây coi Ai Cập như một đất nước bạo loạn và tin tưởng vào tương lai của Ai Cập, dù vẫn còn những căng thẳng.

Đức giám mục Golta nói: “Chúng tôi không phủ nhận rằng mọi người Ai cập đều có một nỗi lo sợ nào đó. Chúng tôi sợ tương lai, sợ hành động của các phần tử cực đoan, Phong trào Huynh đệ Hồi giáo. Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ vượt qua được những khó khăn. Tuy nhiên sẽ vẫn có những nạn nhân, sẽ vẫn phải hy sinh: cũng như trong mọi cuộc cách mạng, mọi thay đổi trên thế giới, chúng tôi phải trả giá.

Chính phủ đã làm những gì có thể làm. Đêm 01-01 đã trôi qua bình an. Tôi tin rằng chính phủ kiểm soát được đất nước. Vẫn luôn có mối quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ để giữ gìn trật tự, hòa bình và an ninh. Tôi chắc rằng người Ai Cập thực sự sẵn sàng trả bất cứ giá nào để không bao giờ trở lại tình trạng Quốc giáo.

Không chỉ có các Kitô hữu di tản. Người Hồi giáo còn ra đi nhiều hơn, gấp 3 đến 4 lần các Kitô hữu. Họ sợ hãi, mất hết hy vọng - hy vọng về một tương lai hòa bình, và rời khỏi đất nước. Thế nên sẽ vẫn có những người ra đi, nhưng điều đó không quan trọng trong một đất nước có gần 90 triệu dân.

Các giáo xứ luôn mở rộng cửa, chúng tôi tiếp tục cầu nguyện, với các Thánh Lễ Chúa Nhật, các hoạt động ... Chứ không như tưởng tượng của báo chí phương Tây trích nguồn từ các phần tử cực đoan như Phong trào Huynh đệ Hồi giáo, Al-Jazeera ... Tôi hoàn toàn phản đối sự dối trá của giới báo chí, luôn có cái nhìn tiêu cực đối với Ai Cập! Không, Ai Cập không phải như thế. Ai Cập sẽ không bao giờ đánh mất mục tiêu và hy vọng. Chúng tôi tranh đấu, chúng tôi phải trả giá, và chúng tôi sẽ có một tương lai hòa bình”.



Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Đức Thượng phụ Chính thống giáo Bartholomaios I tại Thánh Địa :

Trưa Chúa nhật lễ Hiển linh 05-01, tại quảng trường Thánh Phêrô (Rôma), trong bài huấn từ ngắn sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo về chuyến tông du của ngài hành hương Thánh địa vào tháng Năm tới:

“Trong bầu khí hân hoan của mùa Giáng sinh, tôi muốn báo cho anh chị em biết, từ 24 đến 26 tháng Năm sắp tới, nếu Chúa muốn, tôi sẽ hành hương Thánh Địa. Mục đích chính của cuộc hành hương này là để kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ của Đức giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras vào đúng ngày 5-01 như hôm nay. Cuộc hành hương sẽ gồm ba chặng: Amman, Bêlem và Giêrusalem, diễn ra trong ba ngày. Tại nhà thờ Mồ Thánh, chúng tôi sẽ cùng Đức Thượng phụ Chính thống giáo Bartholomaios I, Giáo chủ Constantinopolis, tiến hành cuộc gặp đại kết với đại diện các Giáo hội Kitô ở Giêrusalem. Từ bây giờ xin anh chị em cầu nguyện cho cuộc hành hương này, một cuộc hành hương cầu nguyện”.

Đón nhận thông báo này của Đức Thánh Cha, Đức cha William Shomali, giám mục phụ tá kiêm đại diện Thượng phụ Giêrusalem tại Giêrusalem, đã phát biểu:

“Chúng ta sẽ được sống thời khắc lịch sử với cuộc hành hương của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng Năm sắp tới. Chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc hành hương này. Có nhiều điều phải tính đến nhất là về khía cạnh đại kết và đối thoại liên tôn.

Về phương diện đại kết, Đức Thánh Cha sẽ gặp các nhà lãnh đạo các Giáo hội Kitô. Chúng tôi đang chuẩn bị cho cụôc gặp gỡ này. Ngài cũng sẽ gặp Đức Thượng phụ Bartholomaios, người kế vị Đức Athenagoras. Cử chỉ ôm hôn của hai vị sẽ thực sự là một biến cố lịch sử. Nút thắt chủ yếu giữa Công giáo và Chính thống giáo là vấn đề về quyền tối thượng.

Tuy nhiên không chỉ mong những khoảnh khắc xúc động, chúng ta chờ đợi những mối quan hệ giữa hai Giáo hội, nhất là vấn đề về quyền tối thượng, sẽ được giải quyết theo một cách thức hai bên đều chấp nhận được. Bởi nút thắt chủ yếu giữa Công giáo và Chính thống giáo chính là vấn đề về quyền tối thượng. Anh em Chính thống giáo không chấp nhận quyền tối thượng của Đức giáo hoàng như các tín hữu Công giáo. Vì vậy chúng ta cầu nguyện cho cả hai phía Chính thống và Công giáo đều có tinh thần cởi mở.

Về phương diện đối thoại liên tôn, chắc chắn Đức Thánh Cha sẽ gặp các nhà lãnh đạo Hồi giáo và các vị giáo trưởng Do Thái giáo ở Giêrusalem. Không chỉ các Kitô hữu mà cả các tín hữu Hồi giáo, Do Thái giáo đều rất mong đợi chuyến viếng thăm này mang lại nhiều hoa trái.

Chuyến tông du này có thể so sánh với chuyến tông du của Đức Phaolô VI, đều là sự khởi đầu. Chúng ta vẫn nhớ cử chỉ ôm hôn của Đức Phaolô VI với Đức Athenagoras. Thực sự là một khởi đầu. Vì vậy chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm tôn vinh những nỗ lực của Công đồng Vatican II trong lĩnh vực đại kết.

Chúng tôi cho rằng chuyến tông du này của Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp bước các vị tiền nhiệm đồng thời tăng cường các mối quan hệ đại kết và liên tôn”.

Cuộc hành hương đến Thánh Địa là chuyến tông du thứ hai của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau chuyến thứ nhất đến Brazil chủ tọa Ngày Giới trẻ Thế giới 2013.

Đức Thánh Cha tặng 3,6 triệu euro cho Đại hội Giới trẻ Thế giới Rio 2013

Hôm thứ Bảy 04-01, báo chí Brazil đưa tin: Ban Tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới Rio 2013 đã nhận được khoản tiền 3,6 triệu euro do Đức Thánh Cha Phanxicô trao tặng để giúp trang trải các khoản nợ từ việc tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới hồi tháng Bảy năm ngoái.

Việc kiểm toán do công ty dịch vụ chuyên nghiệp Ernst & Young thực hiện cho biết kết quả: WYD 2013 tại Rio kết thúc với một khoản nợ 28,3 triệu Euro (tương đương 91,3 triệu real Brazil).

Một phần chi phí đã được thanh toán nhờ bán một toà nhà quan trọng thuộc sở hữu của Tổng giáo phận (đang được một bệnh viện thuê) và nhờ sự đóng góp lên tới 4 triệu euro, bán vé tàu xe, giấy phép kinh doanh và các hình thức thu nhập nhỏ khác. 6,26 triệu trong số khoản nợ 28,3 triệu euro là do phải trả cho các nhà cung cấp và 22,92 triệu là tổng số các chi phí chung khác.



- Tổng tu nghị Dòng Đạo Binh Chúa Kitô :

Ngày thứ Năm 09-01-2014 tại Roma, Đức hồng y Velasio De Paolis, Đặc sứ của Đức Thánh Cha cho Dòng Đạo Binh Chúa Kitô đã cử hành Thánh lễ khai mạc Tổng tu nghị ngoại lệ của Dòng này. Trước đó các linh mục trong kinh sĩ đoàn đã tham dự tuần tĩnh tâm chín ngày để cầu nguyện cho Tổng tu nghị. Sau ba năm rưỡi cải tổ kể từ khi được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Đặc sứ giáo hoàng để quản trị Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, Đức hồng y De Paolis đã triệu tập Tổng tu nghị để bầu ban lãnh đạo mới và phê chuẩn bản hiến pháp mới của Dòng.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức hồng y nói đây không phải là một công việc kỹ thuật và Tu nghị phải giúp mỗi người kiểm điểm đời sống, cam kết canh tân đời sống thiêng liêng của cá nhân và cộng đoàn.

Hiến pháp mới vì thế không được giới hạn vào một bộ luật và các kỷ luật nhưng phải diễn tả một ơn gọi, một lý tưởng và một tầm nhìn chung, một con đường nên thánh chung.

Sau đó, ngài nhắc lại rằng nhiệm vụ trước hết của các người lãnh đạo mới là bảo vệ và phát triển đặc sủng của Dòng, họ phải hướng dẫn Dòng trong tinh thần Phúc Âm và trung thành với lề luật của Giáo hội. Hiến pháp mới dành sự quan tâm đặc biệt đến Tu nghị này, nhưng vẫn không quên quá khứ đau thương.

Tiếp theo, Đức hồng y De Paolis nói về việc chuẩn bị Tu nghị đổi mới, mời gọi các tu sĩ đặt hy vọng nơi Chúa, Đấng đã gìn giữ ơn gọi của họ và đã chuẩn bị họ cho một một triển vọng mới. Nhắc lại sự nâng đỡ của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI và của Đức giáo hoàng Phanxicô hiện nay trong giai đoạn đen tối của Hội Dòng, Đức hồng y bày tỏ sự tin tưởng vào tinh thần đổi mới và trung thành với Chúa của các chiến binh Chúa Kitô: “Anh em đã đau khổ nhiều, đã nếm trải nỗi tủi hổ bị tố cáo, bị nghi ngờ, bị công luận phán xét, cả trong lòng Giáo hội. Anh em đã biết đón nhận thử thách với lòng yêu mến ơn gọi, yêu mến Giáo hội và cộng đoàn. Thử thách ấy thanh tẩy anh em và củng cố anh em vì anh em đã cảm nghiệm ân sủng và tình yêu của Chúa, Đấng đã kêu gọi anh em dự phần vào mầu nhiệm thập giá và cứu chuộc. Anh em đã chia sẻ nỗi đau khổ của các nạn nhân của một số thành viên của Đạo binh và đã chỉ chọn con đường Phúc Âm để chuộc lại điều ác. Anh em đã không trốn chạy, không loại bỏ và không lên án người khác. Anh em đã đi theo con đường tham gia và liên đới, đó là con đường tình yêu đi vào tội lỗi và đau khổ để cứu chuộc chúng từ bên trong”.



- Malaysia: Vấn đề sử dụng từ Allah lại nóng lên :

Cha Lawrence Andrew, linh mục người Malaysia, chủ nhiệm báo Herald, tờ tuần báo của giáo phận Kuala Lumpur, đang bị Toà án Malaysia điều tra và có thể sẽ bị truy tố và khép vào tội “kích động nổi loạn. Theo thông tin từ Giáo hội địa phương, đã có 109 đơn kiện chống lại cha, vì trong một bài viết trên tờ Herald số ra ngày 27-12-2013, cha đã nói các tín hữu Công giáo có quyền tiếp tục sử dụng từ Allah để chỉ Thiên Chúa. Trong bài viết này, cha Andrew trích dẫn một bản kinh Kitô giáo bằng tiếng Mã Lai cả trăm năm trước đã sử dụng từ Allah.

Cha Julian, cựu thư ký Hội đồng Giám mục Malaysia cho biết: “Tình hình khá nghiêm trọng và Giáo hội Công giáo rất quan tâm, bởi vì vấn đề đã trở nên tồi tệ hơn. Cuộc điều tra đang diễn ra của toà án là một hình thức gây áp lực tinh vi đối với tất cả các Kitô hữu. Cộng đồng Công giáo hết sức quan tâm vì mối căng thẳng với các nhóm Hồi giáo cực đoan. Hội đồng Giám mục Malaysia –đang nhóm họp tại Johor– sẽ xem xét vấn đề tế nhị này, mặc dù có thể các giám mục sẽ không can thiệp một cách chính thức. Người ta lo ngại sẽ có leo thang và có thể dẫn đến bạo lực.

Việc mở cuộc điều tra đối với cha Andrew được tiến hành sau khi xảy ra một sự kiện nghiêm trọng: cảnh sát thu giữ hơn 300 quyển Kinh Thánh tại bang Selangor. Cơ quan Tôn giáo vụ của tiểu bang đã biện minh cho hành động trên –vốn đã làm dấy lên cuộc tranh cãi quyết liệt– vì các sách Kinh Thánh này được viết bằng ngôn ngữ địa phương Bahasa, đã sử dụng từ Allah. Hiệp hội Kinh Thánh Malaysia, chủ sở hữu của các sách bị tịch thu, đã yêu cầu chính quyền bang Selangor chính thức công nhận “Tuyên bố 10 điểm”, do chính phủ Liên bang Malaysia ban hành năm 2011. Tuyên bố này cho phép cộng đồng Kitô hữu “in ấn, nhập khẩu và phân phối Kinh Thánh bằng tiếng bản địa Mã Lai trong nước”, với một số điều kiện về việc phân phối tại bán đảo Malaysia. Hiệp hội nói rằng mình đã tuân thủ những điều kiện này và các sách Kinh Thánh dành cho các nhà thờ Sabah và Sarawak và một số Kitô hữu bản địa nói tiếng Mã Lai sống ở bán đảo. Thủ hiến bang Selangor, ông Abdul Khalid Ibrahim, đã ra lệnh cho cảnh sát trả lại các sách Kinh Thánh, tuân theo bản Tuyên bố.

Cuộc tranh luận về việc sử dụng từ Allah của người ngoài Hồi giáo nổ ra vào đầu năm 2009. Giáo hội Công giáo đã khởi kiện vì lệnh cấm sử dụng từ Allah là vi phạm quyền hiến định của mình. Trong năm này, Tòa án đã phán quyết phía Giáo hội thắng kiện. Đến tháng Mười 2013 Toà Phúc thẩm Malaysia lại đưa ra phán quyết phục hồi lệnh cấm: người ngoài Hồi giáo không được sử dụng từ Allah để chỉ Thiên Chúa, ngay cả trong tín ngưỡng riêng của người ấy.

Người Hồi giáo chiếm hơn 60% trong tổng số 28 triệu dân Malaysia, trong khi các Kitô hữu chỉ có khoảng 9%.



Каталог: sites -> default -> files -> Files -> 2014
2014 -> CHÚa nhậT 6 thưỜng niên a 2014 Dân Do Thái” có Một bộ Luật
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhật chúa thánh thần hiện xuống : LỬa thánh thầN, LỬa tình yêu lời Chúa
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 17 thưỜng niên năm a : NƯỚc trờI, viên ngọc quý Lời Chúa
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 24 thưỜng niên năm a : 14/9 – LỄ suy tôn thánh giá TÌnh yêu chúa qua thánh giá
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 3 thưỜng niên năm a : kiếm tìM – rao giảng – chữa lành lời Chúa
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 2 MÙa chay năm a : hiến mình đỂ biến hình lời Chúa
2014 -> Con đường Giêsu, Con đường tình yêu Theo Báo Thanh Niên số 69, ra ngày thứ ba 30 1996
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 3 thưỜng niên năm a : kiếm tìM – rao giảng – chữa lành lời Chúa

tải về 473.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương