I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 24 thưỜng niên năm a : 14/9 – LỄ suy tôn thánh giá TÌnh yêu chúa qua thánh giá



tải về 119.43 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu08.09.2017
Kích119.43 Kb.
#33007

GIÁO XỨ TÂN TRANG

NHÀ THỜ THÁNH GIUSE

  



I- SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM A :

14/9 – LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

TÌNH YÊU CHÚA QUA THÁNH GIÁ

Lời Chúa : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)

Suy niệm : Thập giá là một dụng cụ người Rô-ma dùng để hành hình người pham tội nặng mà không phải là công dân Rô-ma. Vậy mà Thiên Chúa đã dùng nó làm công cụ cứu độ và diễn tả tình yêu của Ngài với con người. Vì yêu con người, Ngài đã trao ban cho chúng ta điều quý giá nhất là chính Người Con Duy Nhất của Ngài: Đức Giê-su. Thánh Gio-an đã khẳng định tình yêu trao ban ấy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Con Một đã chịu chết trên thánh giá theo kế hoạch yêu thương của Chúa Cha. Như thế, việc chúng ta suy tôn Thánh Giá là cách nhìn nhận và suy tôn tình yêu của Thiên Chúa. Khi suy tôn Thánh Giá, ta cũng sung sướng tuyên xưng như thánh Phao-lô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gl 6,14).

Mời Bạn : Thánh Giá là biểu tượng của Ki-tô giáo. Thánh giá nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với con người,  được Đức Giê-su thực hiện qua cái chết trên thánh giá. Khi suy tôn Thánh Giá là bạn suy tôn tình yêu Thiên Chúa, bạn cũng được kêu mời sống tình yêu như Đấng đã vì yêu mà chết cho bạn.

Sống Lời Chúa : Thường xuyên nhìn lên Thánh Giá để nhớ mình được Chúa yêu thương và dâng lời cảm tạ Ngài.

Cầu nguyện : Lạy Chúa, hằng ngày chúng con vẫn nhìn lên Thánh Giá và làm dấu thánh giá. Xin cho tình yêu Chúa qua thánh giá thấm sâu vào cõi lòng chúng con, để chúng con ngày càng yêu mến Thánh Giá. Amen.

(Trích từ : www.5phutloichua.net)

II- NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH :

Chủ đề của tháng 09/2014 :

GIA ĐÌNH – ‘CHỦNG VIỆN ĐẦU TIÊN’ – THAM GIA SỨ VỤ PHÚC ÂM HÓA QUA VIỆC ƯƠM MẦM VÀ VUN TRỒNG ƠN GỌI

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16).



III- PHỤNG VỤ :

Tháng 9/2014

- Ý Chung : Cầu cho những người chậm phát triển trí tuệ : Xin cho những người đang đau khổ vì chậm phát triển trí tuệ nhận được sự yêu thương và giúp đỡ mà họ cần để có một cuộc sống xứng đáng.

- Ý Truyền Giáo : Cầu cho việc phục vụ người nghèo : Xin cho Lời Chúa thúc đẩy các Kitô hữu đang dấn thân phục vụ người nghèo và những ai đang gặp đau khổ.

Lịch Công Giáo trong tuần

NGÀY

CÁC LỄ

Chúa Nhật

14/09/2014



CN 24 THƯỜNG NIÊN A.

Lễ kính SUY TÔN THÁNH GIÁ

Thứ Hai

15/09/2014



Lễ nhớ ĐỨC MẸ SẦU BI

Thứ Ba

16/09/2014



Lễ nhớ THÁNH CORNÊLIÔ, Giáo Hoàng và THÁNH CYPRIANÔ, Giám Mục, tử đạo

Thứ Tư

17/09/2014






Thứ Năm 18/09/2014




Thứ Sáu

19/09/2014






Thứ Bảy

20/09/2014



Lễ nhớ THÁNH ANRÊ KIM TÊGON, PHAOLÔ CHONG HASANG và các bạn, tử đạo.

Chúa Nhật

21/09/2014



CN 25 THƯỜNG NIÊN A.

Giáo huấn số 42

CHÚA GIÊSU LOAN BÁO NƯỚC THIÊN CHÚA

Mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa. Nước này của Đấng Messia trước tiên được loan báo cho con cái Israel (x. Mt 10,5-7), nhưng hướng đến việc đón nhận mọi người thuộc mọi dân tộc (x. Mt 8,11 ; 28,19). Để vào Nước Thiên Chúa, cần phải đón nhận lời của Chúa Giêsu : “Lời Chúa được ví như hạt giống gieo trong ruộng : ai nghe Lời Chúa với đức tin và gia nhập đàn chiên nhỏ của Đức Kitô, thì đã đón nhận chính Nước Người; rồi do sức của nó, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho tới mùa gặt” (Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Ánh Sáng Muôn Dân Lumen Gentium).

Nước Thiên Chúa thuộc về những người nghèo hèn và bé mọn, nghĩa là, những người đón nhận Nước ấy với tâm hồn khiêm tốn. Đức Kitô được sai đến để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18 ; x. Lc 7,22). Người tuyên bố rằng họ có phúc, “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3) ; Chúa Cha đã thương mạc khải cho những kẻ “bé mọn” này điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết (x. Mt 11,25). Chúa Giêsu, từ máng cỏ cho tới thập giá, đã chia sẻ kiếp sống của những kẻ nghèo hèn ; Người đã từng chịu đói (x. Mc 2,23-26 ; Mt 21,18), chịu khát (x. Ga 4,6-7 ; 19,28), chịu thiếu thốn (x. Lc 9,58). Hơn thế nữa, Người tự đồng hóa mình với mọi hạng người nghèo hèn và coi lòng yêu thương tích cực đối với họ là điều kiện để được vào Nước của Người (x. Mt 25,31-46).

(Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 543, 544)



- Suy tôn Thánh Giá, mừng kính ngày 14/09 :

Dưới thời hoàng đế Hérachius I, những người Ba Tư xâm chiếm Giêrusalem và lấy mất phần chính của Thánh Giá thật mà thánh Hélène, mẹ của hoàng đế Constantin đã để lại. Hérachius nhất định chiếm lại Thánh Giá này. Ngài cầu nguyện, xin Chúa giúp đỡ và nung nấu lòng can đảm. Quả nhiên, lời cầu xin của nhà vua đã được Chúa chấp thuận, ngài đã đánh bại được quân Ba Tư và trở về Constantinople giữa tiếng reo hò của dân chúng. Với những cành Olive, những ngọn đuốc cháy sáng, Thánh Giá thật của Chúa đã được tôn vinh trong bầu khí khải hoàn. Hoàng đế tràn trề sung sướng muốn trở về Giêrusalem với Thánh Giá này sau 14 năm lưu lạc. Nhà vua tiến vào thành thánh, nhưng trước khi lên núi Sọ, ngài đã không thể bước đi được nữa, khiến cho mọi người đều kinh ngạc sợ hãi. Giáo trưởng Zachazie hô lớn: "Tâu đức vua, chắc chắn phẩm phục của đức vua không xứng đáng với cảnh nghèo nàn và khiêm nhượng của Chúa Giêsu khi vác Thánh Giá".

Hérachius vội cởi bỏ phẩm phục sang trọng, và thay bằng vào bộ quần áo nghèo hèn. Tức thì nhà vua cất bước một cách dễ dàng... và để ra sự khải hoàn, Chúa đã ban nhiều phép lạ cả thể trong ngày ấy.

Từ đó, lễ kính Thánh Giá Chúa Giêsu được lập ra để nhắc nhớ cho các thế hệ kỷ niệm ngày này.



- Kính Bảy Sự Thương Khó Ðức Maria, mừng kính ngày 15/09 :

Những đau khổ của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn thật vô cùng lớn lao. Tiên tri Isaia đã gọi Ngài là "Con người của đau khổ". Bên cạnh những thống khổ ấy, đau khổ trong đời Mẹ Maria cũng vượt mức chịu đựng của loài người, và chúng ta không làm sao diễn tả đầy đủ được. Nếu Ðức Giêsu đã đau khổ như một Thiên Chúa, Mẹ Maria cũng đã vô cùng đau đớn khi nhìn con Mẹ xuôi tay trước những cực hình phải chịu.

Trong một mức độ nào đó, Mẹ đã đóng góp rất nhiều vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu bằng việc liên kết những khổ đau của Mẹ với những đau khổ của Chúa.

Giáo Hội suy tôn Ðức Maria là Nữ Vương các thánh tử đạo và đã cụ thể hóa những đau khổ của Mẹ qua các sự kiện sau:

- Lúc nghe lời tiên tri Simêon, khi dâng Chúa Giêsu trong đền thánh.

- Lúc ẵm bế Chúa Hài Ðồng trốn sang Ai Cập.

- Lúc lạc mất Chúa tại Giêrusalem. 

- Lúc gặp Chúa vác thánh giá.

- Lúc Chúa chịu đóng đinh.

- Lúc hạ xác Chúa xuống khỏi thập giá.

- Lúc táng xác Chúa.

Cùng với Giáo Hội, chúng ta dâng lên Chúa lời nguyện: "Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ðức Mẹ Ðồng Trinh cộng khổ đứng kề bên Con Chúa chịu treo trên thánh giá, xin ban cho Hội Thánh Chúa, khi đã thông phần đau khổ với Chúa Kitô thì cũng đáng được sống lại với Người".



- Thánh Cornêliô, Giáo Hoàng (+ 253) và Cyprianô, Giám Mục Tử Ðạo (200-258), mừng kính ngày 16/09 :

Thánh Cornêliô sinh trưởng tại Rôma, ngài được nhiều người biết đến về tính hiền hậu và tiết độ. Năm 251, ngài được bầu lên ngôi Giáo Hoàng kế vị Ðức Fabianô giữa lúc con thuyền Giáo Hội đang nghiêng ngửa trong cơn bách đạo của hoàng đế Gallô và Volusianô. Ngoài ra, ngài còn phải đương đầu với ly giáo Novatianô và đã viết nhiều sách nói về những người bội giáo.

Vì trung thành với Chúa Kitô, thánh Cornêliô bị đày ở Civita Vecchia và chịu tử đạo ở đó vào cuối tháng 6 năm 253.

Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Cyprianô. Ngài sinh năm 200 tại Phi Châu trong một gia đình quý phái ngoại giáo. Sau khi trở lại, ngài phân phát hết của cải cho người nghèo. Dù mới trở lại chưa đầy một năm nhưng lòng nhiệt thành và hoạt động truyền giáo của ngài đã vang dội khắp nơi. Ngài được phong chức linh mục và sau đó được gọi giữ chức Giám Mục thành Carthagô. Chính trong thời thánh nhân làm Giám Mục cũng là lúc bạo vương Ðêciô ra tay tàn sát người Công Giáo. Cả Phi Châu sống trong lo sợ. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ngài thấy cần phải điều khiển địa phận trong âm thầm hơn là công khai đương đầu với địch thủ, nên đã rút vào nơi bí mật. Bằng những thơ luân lưu, ngài khuyến khích các tín hữu bị tù đày can đảm chịu đau khổ và những người chối đạo trở về với Giáo Hội. Khi cuộc bách hại tạm yên được một thời gian, ngài phải lo kiếm tiền để giải thoát cho hàng trăm ngàn người bị bắt làm nô lệ. Ngoài ra, ngài còn phải đương đầu với ly giáo Novatianô. Ngài viết nhiều sách để kêu gọi họ trở về Giáo Hội.

Năm 257, Valêrianô ban hành sắc lệnh bách hại đạo Công Giáo lần nữa. Thánh Cyprianô bị bắt và đày ở đảo Curubi và người ta buộc ngài phải dâng hương tế thần, nhưng ngài đã cương quyết từ chối. Vì vậy, ngày 14/9/258, ngài được vinh dự lấy máu đào làm chứng cho Chúa.

- Thánh Anre Kim Têgon, Phaolô Chong Hasang và Các bạn tử đạo, mừng kính ngày 20/09 :

Anrê Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao, Trung Cộng. Sáu năm sau, ngài xoay sở để trở về quê hương qua ngả Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và thụ phong linh mục. Khi trở về quê, ngài có nhiệm vụ thu xếp cho các vị thừa sai vào Ðại Hàn qua ngã đường biển, nhằm tránh né sự kiểm soát biên phòng. Ngài bị bắt, bị tra tấn và sau cùng bị chặt đầu ở sông Han gần thủ đô Hán Thành.

Thánh Phaolô Chong Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi.

Kitô Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592, lúc ấy có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế. Một trong những chuyến đi này, khoảng năm 1777, sách vở tài liệu Công Giáo của các cha dòng Tên ở Trung Cộng được lén lút đem về để dạy bảo người tín hữu Kitô Ðại Hàn. Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình. Khoảng mười năm sau đó, khi một linh mục Trung Hoa lén lút đến Ðại Hàn, ngài thấy có đến 4,000 người Công Giáo mà chưa có ai được gặp một vị linh mục. Bảy năm sau, số người Công Giáo ấy lên đến khoảng 10,000 người. Sau cùng, tự do tôn giáo được ban hành vào năm 1883.

Khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong thánh, ngoài Thánh Anrê và Phaolô, còn 98 người Ðại Hàn và ba vị thừa sai người Pháp, tất cả đều tử đạo trong khoảng 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu hết là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý ông.

Trong những người tử đạo năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26 tuổi. Ngài bị cầm tù, bị tra tấn bằng vật dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài và người em là Agnes bị lột quần áo và bị giam chung với những tù nhân hình sự, nhưng họ không bị làm nhục. Sau khi Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó về sau không một phụ nữ nào bị nhục nhã như vậy nữa.

Hai người bị chém đầu. Một em trai 13 tuổi, Phêrô Ryou, bị tra tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của mình mà ném vào quan toà. Em bị xiết cổ cho đến chết. Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi, sau khi bị tra tấn ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó, ông trở lại, tuyên xưng đức tin và bị tra tấn cho đến chết.

IV- THÔNG TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ :

- ĐHY Paul Josef Cordes tròn 80 tuổi: số hồng y cử tri còn lại 114 vị :

Ngày 05-09-2014, Đức hồng y Paul Josef Cordes người Đức đã mừng sinh nhật 80 tuổi, gia nhập nhóm các hồng y không còn quyền bầu giáo hoàng.

Đức hồng y Cordes là nguyên Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cor Unum. Ngài được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nâng lên hàng Hồng y vào ngày 24-11-2007 và đã tham gia Mật tuyển viện bầu Đức giáo hoàng Phanxicô.

Mới đây, Đức giáo hoàng Phanxicô đã cử Đức hồng y Cordes làm đặc sứ của ngài tham dự lễ kỷ niệm 450 năm thành lập Chủng viện Willibaldinum ở Eichstätt, nước Đức, sẽ diễn ra vào tháng 10 sắp tới.

Với sự kiện này, hiện nay số hồng y trong Hồng y đoàn là 210 vị, trong đó có 114 hồng y cử tri.

- 28 tháng Chín: Ngày cầu nguyện cho Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình :

Chỉ còn 4 tuần nữa, sẽ diễn ra Đại hội chung ngoại thường lần thứ ba của Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình với chủ đề “Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng”.

Như đã loan báo trong buổi họp báo giới thiệu Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) của Thượng Hội đồng vào ngày 26-06, Đức hồng y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã nhắc lại rằng ngày 28 tháng Chín –một tuần trước ngày khai mạc–, là Ngày cầu nguyện cho Thượng Hội đồng.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Bảy 06-09, Đức hồng y Baldisseri mời gọi “các Giáo hội địa phương, các giáo xứ và Dòng tu, các hiệp hội và các phong trào, cầu nguyện trong các Thánh lễ và các cử hành phụng vụ khác, vào những ngày trước khi Thượng Hội đồng khai mạc và đang khi Thượng Hội đồng nhóm họp”.

Trong suốt thời gian diễn ra Thượng Hội đồng, sẽ có chầu Thánh Thể hằng ngày tại Nhà nguyện “Đức Mẹ che chở Dân thành Roma” (Salus Populi Romani) ở Vương cung thánh đường Đức Bà Cả tại Roma. Tuyên bố cũng khuyến khích các tín hữu trên khắp thế giới hiệp thông với các giám mục bằng việc lần hạt Mân Côi.

Tuyên bố còn cho biết, trong những ngày sắp tới sẽ phát hành một sách kinh nhỏ, trong đó có kinh cầu nguyện với Thánh Gia do Đức Thánh Cha Phanxicô soạn, và những gợi ý cầu nguyện khác.

Sau đây là kinh cầu nguyện cho Thượng Hội đồng do Đức Thánh Cha Phanxicô soạn:

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse,

nơi các Đấng chúng con được chiêm ngắm

nét rạng ngời của tình yêu đích thực,

chúng con tin tưởng dâng lời nguyện xin:

Lạy Thánh Gia Nazareth,

xin làm cho các gia đình của chúng con

trở thành nơi hiệp thông và nhà Tạm của cầu nguyện,

thành trường học đích thực của Phúc Âm

Giáo hội tại gia bé nhỏ.

Lạy Thánh Gia Nazareth,

xin cho trong các gia đình
đừng bao giờ xảy ra bạo lực, khép kín và chia rẽ nữa:


xin cho tất cả những ai đã bị tổn thương hoặc bị ảnh hưởng vì gương xấu
sớm tìm được niềm an ủi và được chữa lành.


Lạy Thánh Gia Nazareth,

xin cho Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới

làm thức tỉnh nơi mọi người

ý thức bản chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình,

cũng như vẻ đẹp của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse

xin nghe lời chúng con,

xin nhậm lời chúng con cầu xin.

- Đức Thánh Cha Phanxicô gửi sứ điệp cho Hội nghị quốc tế Anwerp :

Từ ngày 07 đến 09-09-2014, Hội nghị quốc tế “Con người và tôn giáolần thứ 28 do Cộng đồng Thánh Egidio tổ chức đã diễn ra tại Antwerp, Bỉ, với chủ đề “Các tôn giáo và các nền văn hoá đối thoại với nhau, một trăm năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất – Hoà bình là tương lai.

Trong ngày khai mạc Hội nghị, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp video cho các tham dự viên, qua Đức cha Johan Bonny, giám mục giáo phận Antwerp.

Đức Thánh Cha bày tỏ lòng “biết ơn giáo phận Antwerp và Cộng đồng Thánh Egidio đã tổ chức sự kiện này, quy tụ nhiều người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, để cùng nhau sống cuộc hành hương cầu nguyện và đối thoại, lấy cảm hứng từ ‘tinh thần Assisi’”.

Đức Thánh Cha lên án “biết bao cuộc xung đột - tuyên bố hay không tuyên bố, những cuộc tàn sát vô ích”, đang đè nặng trên gia đình nhân loại ngày nay và ngài nói rằng “những người thiện chí không thể cứ thụ động”.

Đức Thánh Cha quả quyết: “Chiến tranh không bao giờ là cần thiết và không phải là không thể tránh được. Bao giờ cũng có thể tìm được một giải pháp khác, đó là con đường đối thoại, gặp gỡ và chân thành tìm kiếm sự thật”.

Hơn nữa, “chiến tranh không bao giờ là phương thế thích đáng để khắc phục những bất công và để đạt được các giải pháp cho những mối bất đồng. Nó lôi kéo mọi người vào vòng xoáy bạo lực, rất khó kiểm soát; nó phá huỷ những gì mà nhiều thế hệ vừa mới xây dựng và nó dọn đường cho những bất công và xung đột còn tồi tệ hơn”.

Đức Thánh Cha nêu bật sự đóng góp của các tôn giáo cho hoà bình: “Các nhà lãnh đạo tôn giáo được mời gọi trở thành những con người của hoà bình, có khả năng thúc đẩy một nền văn hoá gặp gỡ và hoà bình, khi các chọn lựa khác đều thất bại”.

Đức Thánh Cha xác định: “Các tôn giáo đóng góp cho hoà bình chủ yếu bằng sức mạnh của lời cầu nguyện. Tôi hy vọng rằng những ngày cầu nguyện và đối thoại này sẽ nhắc nhở rằng việc tìm kiếm hoà bình và sự cảm thông qua lời cầu nguyện sẽ xây dựng được những mối dây hiệp nhất vững bền và vượt trên thói yêu thích chiến tranh”.

Các cộng đồng tôn giáo là “trường dạy về lòng tôn trọng và đối thoại với các nhóm sắc tộc hay tôn giáo khác”.

Kết luận, Đức Thánh Cha nói: “Đã đến lúc các nhà lãnh đạo tôn giáo hợp tác với nhau một cách hiệu quả để hàn gắn các vết thương, giải quyết những xung đột và tìm kiếm hoà bình”, vì “hoà bình là dấu chỉ chắc chắn rằng con người dấn thân cho chính nghĩa của Thiên Chúa”.

Cộng đồng Thánh Egidio khai sinh tại Roma vào năm 1968, trong giai đoạn sau Công đồng Vatican II. Phong trào giáo dân này hiện nay có hơn 60.000 thành viên, lo việc truyền giáo và bác ái, có mặt tại Roma và hơn 73 quốc gia trên toàn thế giới.

Linh đạo của Cộng đồng Thánh Egidio gồm những nét chính: cầu nguyện, thông truyền Tin Mừng, liên đới với người nghèo, đại kết và đối thoại.

Các Hội nghị quốc tế liên tôn do sáng kiến của Cộng đồng Thánh Egidio bắt đầu được tổ chức từ giữa những năm 1980, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và đối thoại giữa các tôn giáo trong viễn tượng hòa bình.

Cộng đồng Thánh Egidio tiếp tục sống tinh thần Ngày Thế giới cầu nguyện tại Assisi được Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đề xướng vào năm 1986, với việc đón nhận lời mời gọi của ngài trong cuộc gặp gỡ lịch sử ấy: “Chúng ta hãy truyền bá sứ điệp Hoà bình và sống tinh thần Assisi”.

Từ đó, thông qua mạng lưới bằng hữu giữa các đại diện của các tôn giáo và các nền văn hóa từ hơn 60 quốc gia khác nhau, Cộng đồng đã thúc đẩy một cuộc hành hương hoà bình, gồm nhiều chặng ở nhiều thành phố của châu Âu và Địa Trung Hải, năm này qua năm khác.

Hai Hội nghị đầu tiên tổ chức tại Roma vào năm 1987 và năm 1988, tiếp theo tại Warszawa vào tháng 9 năm 1989 nhân kỷ niệm năm mươi năm Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hội nghị năm ngoái diễn ra tại Roma với chủ đề “Dám hy vọng – Các tôn giáo và các nền văn hoá đối thoại với nhau”.

- Thượng Hội đồng tháng Mười với một phương pháp mới :

Hôm thứ Ba 09-09, Văn phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội đồng Giám mục đã công bố danh sách tham dự viên của Đại hội chung ngoại thường lần thứ ba của Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình, sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 19 tháng 10 năm 2014 tại Vatican.

Sau đây là bản trình bày của Đức hồng y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, về các thành viên tham dự Thượng Hội đồng:

“Tại sao lại có danh sách dài hai trang các tên tuổi được phổ biến trên tờ Osservatore Romano hôm nay? Bởi vì đây là tên của những người trên toàn thế giới sẽ tham dự Khoá họp ngoại thường của Thượng Hội đồng Giám mục về chủ đề ‘Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng’.

Mục đích của cuộc gặp gỡ này là giới thiệu vẻ đẹp và các giá trị của gia đình theo giáo huấn của Đức Giêsu Kitô, Đấng xua tan sợ hãi và nâng đỡ niềm hy vọng.

Thượng Hội đồng, –có nghĩa là đồng hành–, là tên gọi một khung cảnh của Giáo hội dành để gặp gỡ và suy tư, trong sự trung tín với Thiên Chúa và với con người, trước những thách đố hiện nay đối với gia đình.

Danh sách gồm 253 đại diện của năm châu lục, chia ra như sau:

114 Chủ tịch các Hội đồng Giám mục,

13 vị lãnh đạo các Giáo hội Công giáo Đông phương tự quản,

25 vị đứng đầu các cơ quan của Giáo triều Rôma,

9 thành viên của Hội đồng Thông thường của Văn phòng Tổng thư ký,

vị Tổng thư ký và Phụ tá Tổng thư ký,

3 Bề trên Tổng quyền do Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền đề cử

và 26 vị do Đức giáo hoàng bổ nhiệm.

Các tham dự viên khác gồm:

8 đại biểu của các Giáo hội Kitô anh em,

38 dự thính viên (trong đó có 13 đôi vợ chồng)

và 16 chuyên viên.

Trong động thái canh tân Giáo hội theo mong muốn của Đức giáo hoàng Phanxicô, việc cập nhật hóa định chế Thượng Hội đồng được triển khai đặc biệt trong việc chuẩn bị và trong diễn tiến của các phiên họp.

Bắt đầu với việc triệu tập Thượng Hội đồng, kế hoạch này được triển khai theo một cách thức mới và được đổi mới, với những hành động cụ thể. Tiêu chí của sự canh tân là trước tiên vẽ nên bức tranh, rồi mới lồng khung. Các quy tắc hiện hành là tạo ra đường ray cho con tầu canh tân vận hành. Khi tiến tới, các bước cần thiết để cải tiến các quy tắc hay tiến hành việc tái cấu trúc thực sự tổ chức Thượng Hội đồng, sẽ trở nên hiển nhiên.

Thượng Hội đồng sắp tới diễn tiến theo hai giai đoạn: Khoá họp chung ngoại thường vào năm 2014 và Khoá họp chung thường lệ vào năm 2015. Thượng Hội đồng sẽ áp dụng một phương pháp mới để các cuộc thảo luận được linh hoạt hơn và có nhiều ý kiến tham gia hơn, với các phát biểu và chứng từ, để dẫn đến giai đoạn hai, và văn kiện Thượng Hội đồng sẽ được phổ biến sau giai đoạn hai này”.

- Các Hồng y viết sách bảo vệ giáo lý Hội Thánh :

Năm thành viên trong Hồng y đoàn đã viết chung một cuốn sách để bảo vệ giáo lý Hội Thánh liên quan đến người Công giáo ly dị và tái hôn và khằng định rằng giáo lý ấy là thái độ thương xót nhất.

Cuốn sách tiếng Anh có nhan đề “Ở lại trong Sự thật của Chúa Kitô: Hôn nhân và Hiệp thông trong Hội Thánh Công giáo sẽ được phát hành vào tháng Mười năm nay. Tác phẩm nhằm trả lời cho Đức hồng y Walter Kasper, người đã  kêu gọi Giáo hội mở cửa cho phép người Công giáo ly dị và tái hôn được rước lễ.

Theo nhà xuất bản Ignatius Press, để bảo vệ cho giáo lý Hội Thánh hiện nay, cuốn sách sẽ phác hoạ những lập luận cả về Kinh Thánh cũng như như giáo huấn và thực hành của Giáo hội sơ khai.

Trong bản tóm tắt trên trang mạng, nhà xuất bản Ignatius Press giải thích, tác phẩm “duyệt lại lịch sử kéo dài nhiều thế kỷ của việc Hội thánh Công giáo” chống lại việc chấp nhận cho những người Công giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ, và thấy được “những khó khăn nghiêm trọng về mặt thần học và giáo luật vốn có trong thực hành của Giáo hội Chính thống trong quá khứ lẫn hiện tại”.

Các tác giả nhận thấy, “trong cả hai trường hợp này, các học giả kinh thánh hay giáo phụ, đều không tìm thấy sự ủng hộ cho kiểu ‘khoan dung’ đối với hôn nhân dân sự sau khi ly dị mà Đức hồng y Kasper ủng hộ”.

Trong một bài diễn văn dài hai tiếng đồng hồ trước Công nghị Hồng y về gia đình vào tháng Hai vừa qua, Đức hồng y Kasper, nguyên chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo, đã bàn về hôn nhân và cuộc sống gia đình; và dành phần cuối của bài diễn văn để nói đến “vấn đề ly dị và tái hôn”.

Trong phần này Đức hồng y Kasper đặt câu hỏi, “phải chăng là điều bóc lột con người?” khi một người đã ly dị và tái hôn bị cấm rước lễ, và ngài gợi ý rằng “đối với mốt số ít người ly dị và tái hôn”, có lẽ có thể cho phép họ lãnh nhận “bí tích giải tội, và sau đó là bí tích Thánh Thể”.

Ngài lặp lại những tình cảm tương tự như trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Commonweal hồi tháng Năm, trong đó ngài nói đến đề nghị cho phép người đã ly dị và tái hôn được rước lễ. Ngài cho rằng các Kitô hữu không được mời gọi trở thành anh hùng vì sống với nhau như anh chị em đã là “một hành động anh hùng, và chủ nghĩa anh hùng không dành cho người Kitô hữu sống làng nhàng”.

Về kết luận được các tác giả đưa ra, Ignatius Press giải thích rằng các nghiên cứu khác nhau được xem xét trong cuốn sách “dẫn đến kết luận rằng lòng trung tín lâu dài của Hội Thánh với sự thật của hôn nhân chính là nền tảng không thể thay đổi của câu trả lời đầy lòng thương xót và yêu thương của Hội Thánh cho những người đã ly dị và tái hôn về mặt dân sự”.

“Vì vậy, quyển sách này phủ nhận ý kiến cho rằng giáo lý Công giáo truyền thống và thực hành mục vụ hiện nay mâu thuẫn với nhau”.

Năm vị hồng y đồng tác giả cuốn sách này là Gerhard Müller, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin; Raymond Leo Burke, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Toà Thánh; Walter Brandmüller, nguyên Chủ tịch Ủy ban Toà Thánh về Khoa học lịch sử; Carlo Caffarra, Tổng giám mục Bologna và là một trong các nhà thần học thân cận với Thánh Gioan Phaolô II trong các vấn đề về đạo đức và gia đình; và Velasio De Paolis, nguyên Giám đốc Văn phòng kinh tế Tòa Thánh.

Ngoài các vị hồng y này, có bốn chuyên gia thần học và giáo sư khác cũng góp phần trong cuốn sách. Đó là Robert Dodaro, O.S.A, biên tập viên, John Rist, và hai tu sĩ Dòng Tên: cha Paul Mankowski và Đức Tổng giám mục Cyril Vasil.

- Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập Lễ nhớ hai thánh giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II :

Thể theo quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức hồng y Cañizares Llovera, Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích đã ký Sắc lệnh ngày 26-05-2014, về việc ghi tên hai Thánh giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội, và ấn định bậc “lễ nhớ không buộc” (gra­du memoriae ad libitum) dành cho hai vị thánh này.

Lễ nhớ Thánh giáo hoàng Gioan XXIII mừng vào ngày 11 tháng Mười (không phải 03 tháng Sáu như đã ghi trong Sổ bộ các thánh Roma sau lễ tôn phong Chân phước của ngài). Ngày 03 tháng Sáu là ngày Đức Gioan XXIII qua đời, tức là sinh nhật trên trời; và ngày này thường được chọn để mừmg lễ một vị thánh. Còn ngày 11 tháng Mười là ngày kỷ niệm khai mạc Công đồng Vatican II (năm 1962) tại Đền Thánh Phêrô. Công đồng này là công trình vĩ đại và gây nhiều ngạc nhiên của một giáo hoàng chỉ mới bắt đầu thừa tác vụ Phêrô vào 4 năm trước đó, khi đã gần 77 tuổi.

Lễ nhớ Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II mừng vào ngày 22 tháng Mười, ngày kỷ niệm lễ nhậm chức giáo hoàng của ngài (năm 1978). Ngày này đã được ấn định từ khi Đức giáo hoàng Bênêđictô  XVI tôn phong chân phước cho ngài vào ngày 01 tháng Năm 2011.

LOsservatore Romano số ra ngày 12 tháng Chín 2014 đã đăng sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, cùng với các bản văn phụng vụ của Lễ nhớ Thánh giáo hoàng Gioan XXIII. Bản văn phụng vụ Lễ nhớ Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã được công bố trước đó.

(Trích từ : www.hdgmvietnam.org)

V- THÔNG TIN GIÁO XỨ :

- Chúa Nhật 14/09/2014 : Mừng kính Lễ Suy Tôn Thánh Giá.

Đây là ngày Lễ mừng Tước Hiệu của các Hội Dòng Mến Thánh Giá. Trong Giáo xứ chúng ta, có cộng đoàn của Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập và Mến Thánh Giá Thanh Hóa.



Chúng ta hiệp thông Tạ Ơn và cầu Bình An cho Quý Dì.

LƯU HÀNH NỘI BỘ


Каталог: sites -> default -> files -> Files -> 2014
2014 -> CHÚa nhậT 6 thưỜng niên a 2014 Dân Do Thái” có Một bộ Luật
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhật chúa thánh thần hiện xuống : LỬa thánh thầN, LỬa tình yêu lời Chúa
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 17 thưỜng niên năm a : NƯỚc trờI, viên ngọc quý Lời Chúa
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 3 thưỜng niên năm a : kiếm tìM – rao giảng – chữa lành lời Chúa
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 2 MÙa chay năm a : hiến mình đỂ biến hình lời Chúa
2014 -> Con đường Giêsu, Con đường tình yêu Theo Báo Thanh Niên số 69, ra ngày thứ ba 30 1996
2014 -> I- suy niệm tin mừng lễ chúa giêsu chịu phép rửA : Lời Chúa
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 3 thưỜng niên năm a : kiếm tìM – rao giảng – chữa lành lời Chúa

tải về 119.43 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương