I- suy niệm tin mừng lễ chúa giêsu chịu phép rửA : Lời Chúa



tải về 473.16 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích473.16 Kb.
#38051
  1   2   3

GIÁO XỨ TÂN TRANG

NHÀ THỜ THÁNH GIUSE

  


I- SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA :

Lời Chúa : Khi Chúa Giêsu vừa chịu phép rửa xong, Người lên khỏi nước. Lúc ấy các tầng trời mở ra ; Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán rằng : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3,16-17)

Suy niệm : Chúa Giêsu đã khai mạc sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ bằng việc chịu phép rửa của Gioan. Chúa Giêsu ở giữa dòng người sám hối tại sông Giođan không chỉ nêu gương khiêm nhường, mà còn để được ở giữa họ, liên đới với họ trong thân phận tội lỗi cần ơn cứu độ, và để cùng họ thực hiện một cuộc hành trình thoát ách tội lỗi. Sự hiện diện của Đức Giêsu còn là một mạc khải mới mẻ cho con người về Thiên Chúa. Hôm nay Chúa Cha đã chuẩn nhận một cách long trọng về căn tính và sứ mạng của Đức Giêsu, và Ngài lại nhận được Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ. Là Kitô hữu, Bí tích Rửa tội và Thêm sức cũng đặt chúng ta vào một cuộc hành trình loan báo Tin Mừng và thực hiện ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Mời Bạn : Trong cuộc hành trình Kitô hữu, một câu hỏi cần phải đặt ra cho bạn : chúng ta liên đới với người tội lỗi để cùng họ bẻ gãy xiềng xích tội lỗi, hay liên minh với tội lỗi để tạo thêm sức nặng cho ách tội lỗi ?

Sống Lời Chúa : Bạn hãy làm một nghĩa cử bác ái đối với một người chung quanh bạn.

Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con không ngừng làm sáng lên dung mạo thật của Ngài trong cuộc sống, để mọi người nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế. Amen

(Trích từ : www.5phutloichua.net)

II- NĂM PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH :

1/ Chủ đề của tháng 01/2014 :

GIA ĐÌNH, HỘI THÁNH TẠI GIA, CÙNG LẮNG NGHE

VÀ CẦU NGUYỆN VỚI NHAU.

Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy,



thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,20)

2/ Học Giáo Lý :

(Trích từ : Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo. Bản Dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc HĐGMVN.) (tiếp theo…)

PHẦN THỨ TƯ

KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO

------------

ĐOẠN THỨ NHẤT

KINH NGUYỆN TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

------------

CHƯƠNG BA

ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

567.  Thời gian nào thích hợp nhất cho việc cầu nguyện ?

Mọi thời điểm đều thích hợp cho việc cầu nguyện. Nhưng Hội thánh đề nghị cho các tín hữu những chu kỳ cố định để nuôi đưỡng việc cầu nguyện liên tục : kinh sáng và kinh chiều, trước và sau khi dùng cơm, Các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh lễ ngày Chúa nhật, kinh Mân Côi, các lễ mừng trong năm Phụng vụ.  

Chúng ta phải nhớ đến Chúa, thường hơn là chúng ta hít thở” (thánh Grêgôriô thành Nazianze)

568.  Có mấy hình thức diễn tả đời sống cầu nguyện ?

Truyền thống Kitô giáo đã lưu giữ ba hình thức chính để diễn tả và sống việc cầu nguyện :  khẩu nguyện, suy niệm và cầu nguyện chiêm niệm. Đặc điểm chung của cả ba hình thức này là tập trung tâm trí.  



NHỮNG HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN

569.  Khẩu nguyện có đặc tính gì ?

Khẩu nguyện liên kết thân xác chúng ta với lời cầu nguyện nội tâm. Ngay cả lời cầu nguyện thầm kín nhất cũng phải cần đến khẩu nguyện. Trong mọi trường hợp, khẩu nguyện phải luôn xuất phát từ đức tin của bản thân người cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta một công thức tuyệt hảo của khẩu nguyện, đó là kinh Lạy Cha. 



570.  Suy niệm là gì ?

Suy niệm là suy tư trong cầu nguyện. Việc suy tư này phải bắt đầu từ Lời Chúa trong Thánh Kinh. Suy niệm vận dụng lý trí, trí tưởng tượng, tình cảm, ước muốn, để đào sâu đức tin, hoán cải tâm hồn và củng cố ý chí muốn bước theo Đức Kitô. Đây là bước khởi đầu tiến đến việc kết hợp với Chúa trong tình yêu.  



571.  Cầu nguyện chiêm niệm là gì ?

Chiêm niệm là đơn sơ chiêm ngắm Thiên Chúa, trong thinh lặng và trong tình yêu. Đó là một hồng ân của Thiên Chúa, một khoảnh khắc của đức tin thuần túy trong đó người cầu nguyện tìm kiếm Đức Kitô, phó thác mình cho ý định yêu thương của Chúa Cha và đặt mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Têrêsa Avila định nghĩa chiêm niệm như  “một cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, một mình bên  Đấng mà chúng ta biết là Ngài yêu thương ta.” 



CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA CẦU NGUYỆN

572.  Tại sao cầu nguyện lại là một cuộc chiến đấu ?

Cầu nguyện là một quà tặng của ân sủng, nhưng trước đó phải có một lời đáp trả dứt khoát từ phía chúng ta. Ai cầu nguyện cũng “phải chiến đấu” chống lại chính bản thân mình, chống lại những gì chung quanh và nhất là chống lại tên cám dỗ, là kẻ làm tất cả để ngăn chận việc cầu nguyện. Cuộc chiến đấu trong cầu nguyện phải gắn liền với sự tấn tới trong đời sống thiêng liêng. Chúng ta cầu nguyện như chúng ta sống, bởi vì chúng ta sống như chúng ta cầu nguyện.  



573.  Có những chướng ngại nào cản trở việc cầu nguyện không ?

Có nhiều quan niệm sai lệch về cầu nguyện. Nhiều người cho rằng họ không có thời giờ để cầu nguyện hay cầu nguyện là vô ích. Người cầu nguyện có thể nản lòng trước những khó khăn và những điều xem ra thất bại. Để thắng vượt những chướng ngại này, chúng ta cần sự khiêm nhường, tin tưởng và kiên trì.  



574.  Đâu là những khó khăn trong việc cầu nguyện ?

Lo ra (chia trí) là khó khăn thường xuyên của việc cầu nguyện. Lo ra tách sự chú ý của chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, và cũng có thể cho thấy chúng ta đang quyến luyến điều gì. Lúc đó tâm hồn chúng ta phải khiêm tốn quay về với Chúa. Lời cầu nguyện còn thường bị sự khô khan tấn công. Ai muốn chiến thắng sự khô khan, phải gắn bó với Thiên Chúa bằng đức tin, cho dù không cảm thấy một sự an ủi nào. Sự nguội lạnh là một hình thức lười biếng về mặt thiêng liêng do lơ là việc tỉnh thức và do sự chểnh mảng của tâm hồn.  

575. Làm thế nào để củng cố lòng tin tưởng hiếu thảo của chúng ta ?

Lòng tin tưởng của người con hiếu thảo bị thử thách khi nghĩ rằng chúng ta không được Thiên Chúa nhậm lời. Lúc đó, phải tự vấn xem, đối với chúng ta, Thiên Chúa thực sự là một người Cha mà chúng ta đang cố gắng thực thi ý Ngài, hay Ngài chỉ là phương tiện để chúng ta đạt được điều mong muốn. Nếu kết hợp lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta còn nhiều ơn hơn chúng ta cầu xin : đó là chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng thay đổi tâm hồn chúng ta.  



576.  Có thể cầu nguyện trong mọi lúc hay không ?

Chúng ta có thể cầu nguyện luôn luôn, vì thời gian của người Kitô hữu là thời gian của Đức Kitô phục sinh, Đấng “ở với chúng ta mọi ngày” (Mt 28,20). Cầu nguyện không thể tách rời khỏi đời sống của người Kitô hữu. 

Bạn có thể cầu nguyện thường xuyên và sốt sắng, khi  ở ngoài chợ hay khi đi dạo một mình, khi đang ngồi ở cửa hàng hay khi đang mua bán, và ngay cả khi làm bếp” (thánh Gioan Kim Khẩu).  

577.  Kinh nguyện của Chúa Giêsu trong Giờ của Người là gì ?

Người ta gọi kinh nguyện này là “lời nguyện tư tế” của Chúa Giêsu trong bữa tiệc cuối cùng. Chúa Giêsu, vị Thượng tế của Giao ước mới, dâng lời cầu nguyện này lên Cha của Người khi Giờ của “cuộc vượt qua” , Giờ Hy tế của Người, đã đến. 



III- PHỤNG VỤ :

Tháng 01/2014 :

- Ý Chung : Cầu cho nền kinh tế phát triển : Xin cho mọi người phát huy một nền kinh tế phát triển đích thực biết tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người và mọi dân tộc.

- Ý Truyền Giáo : Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất : Xin cho các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội khá nhau có thể đi đến hợp nhất như Đức Kitô mong muốn.

Lịch Công Giáo trong tuần

NGÀY

CÁC LỄ

Chúa Nhật

12/01/2014



CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA. Lễ Kính.

Thứ Hai

13/01/2014



MÙA THƯỜNG NIÊN

Tuần I Thường Niên. Thánh Vịnh tuần I.

Thứ Ba

14/01/2014






Thứ Tư

15/01/2014






Thứ Năm

16/01/2014






Thứ Sáu

17/01/2014



Lễ Nhớ Thánh Antôn, viện phụ.

Thứ Bảy

18/01/2014



Bắt đầu tuần Lễ cầu cho các Kitô hữu được hợp nhất với nhau.

Giáo huấn số 5

THIÊN CHÚA THẬT VÀ NGƯỜI THẬT (tiếp theo)

Lạc thuyết Nestôriô cho rằng trong Đức Kitô ngôi vị nhân loại được liên kết với Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa. Chống lại lạc thuyết này, Thánh Cyrillô Alexandria và Công đồng chung thứ III họp tại Êphêsô năm 431 tuyên xưng rằng : “Ngôi Lời đã làm người, khi một thân thể do một linh hồn có lý trí làm cho sống động được kết hợp với Ngài theo Ngôi Vị” (Công đồng Êphêsô). Nhân tính của Đức Kitô không có một chủ thể nào khác ngoài Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình từ lúc tượng thai. Chính vì vậy, Công đồng chung Êphêsô vào năm 431 công bố rằng Đức Maria, nhờ sự tượng thai nhân loại của Con Thiên Chúa trong lòng bà, bà đã rất thật sự trở thành Mẹ Thiên Chúa : “[Đức Maria là] Mẹ Thiên Chúa…, không phải vì bản tính của Ngôi Lời và thần tính của Ngài đã bắt đầu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ rất thánh, nhưng vì từ Đức Trinh Nữ đã sinh ra thân xác thánh thiêng đó, do một linh hồn có lý trí làm cho sống động, và Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với thân xác đó theo Ngôi Vị, nên có thể nói Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác phàm” (Công đồng Êphêsô).

(Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 466).

Giáo huấn số 6

THIÊN CHÚA THẬT VÀ NGƯỜI THẬT (tiếp theo)

Những người chủ trương thuyết Nhất Tính (Monophysitae) khẳng định : bản tính nhân loại không còn tồn tại nơi Đức Kitô, khi bản tính đó được Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa đảm nhận. Để chống lại lạc thuyết này, Công đồng chung thứ IV, họp tại Chalcêđônia năm 451, tuyên xưng :

“Theo sau các thánh phụ, chúng tôi đồng thanh dạy phải tuyên xưng Một Chúa Con duy nhất là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính ; là Thiên Chúa thật và là người thật, gồm có một linh hồn có lý trí và một thân xác ; đồng bản thể với Đức Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính, ‘giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi’ (x. Dt 4,15) ; sinh bởi Đức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời, và trong những thời cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Cùng một Đấng duy nhất là Đức Kitô, là Chúa, là Con Một, phải được nhìn nhận trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt, sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn khi kết hợp với nhau trong một Ngôi Vị và một Đấng duy nhất” (Công đồng Chalcêđônia).

(Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 467)



Giáo huấn số 7

THIÊN CHÚA THẬT VÀ NGƯỜI THẬT (tiếp theo)

Sau Công đồng Chalcêđônia một số người biến nhân tính của Đức Kitô thành như một chủ thể có ngôi vị riêng. Chống lại những người này, Công đồng chung thứ V, họp tại Constantinôpôli, năm 553, tuyên xưng rằng : “Chỉ có một Ngôi Vị duy nhất, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Một Ngôi Vị trong Ba Ngôi Chí Thánh” (Công đồng Constantinôpôli II). Bởi vậy, mọi sự trong nhân tính của Đức Kitô đều phải được quy về Ngôi Vị thần linh của Người với tư cách là chủ thể riêng của Người (x. Công đồng Êphêsô), không những các phép lạ, nhưng cả những đau khổ và chính cái chết : chúng tôi tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng bị đóng đinh vào thập giá về phần xác, là Thiên Chúa thật, là Chúa vinh quang, và là một Ngôi trong Ba Ngôi Chí Thánh” (x. Công đồng Constantinôpôli II).

Như vậy, Hội Thánh tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật một cách không thể tách biệt. Người thật sự là Con Thiên Chúa đã làm người, là anh em của chúng ta, mà vẫn không ngừng là Thiên Chúa, Chúa chúng ta :

Phụng vụ rôma hát kính : “Ngài vẫn là ngài như trước [Ngài là Thiên Chúa], và Ngài đã đảm nhận lấy điều mà trước đó Ngài không là [Ngài làm người].” Còn phụng vụ của Thánh Gioan Kim Khẩu công bố và hát kính : “Lạy Con duy nhất và Ngôi Lời của Thiên Chúa, dù bất tử, nhưng để cứu độ chúng con, Chúa đã đoái thương nhập thể trong lòng Đức Maria, Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh. Chúa đã làm người và đã chịu đóng đinh vào thập giá mà không hề biến đổi. lạy Đức Kitô, là Thiên Chúa, Chúa đã dùng cái chết của mình mà đập tan sự chết, Chúa là Một trong Ba Ngôi Chí Thánh, được tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, xin cứu độ chúng con !”

(Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, các số 468,469)

- Thánh Antôn Cả, Tu Viện Trưởng (Khoảng 251-356) :

Cosma, một ngôi làng xinh đẹp với cảnh sắc thơ mộng của miền Ai Cập đã là nơi đón nhận Antôn vào cuộc sống. Antôn lớn lên giữa bầu khí đầm ấm của một gia đình quý phái. Nhưng rồi cha mẹ lần lượt khuất bóng và Antôn phải bảo bọc em gái. Hai người luôn thương yêu và nâng đỡ lẫn nhau.

Một buổi sáng, Antôn tới nhà thờ dự thánh lễ và đã nghe lời Phúc Âm: "Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó" (Mt 19, 21). Tưởng như Chúa đã phán bảo chính mình, Antôn đã quyết tâm thực hiện. Chàng chia ruộng đất cho bà con lối xóm, bán tất cả những cái đang có, lấy tiền bố thí cho người túng bấn, gửi em gái vào một cộng đồng trinh nữ, còn chàng một mình lên đường theo tiếng gọi của Chúa bên Ai Cập (khoảng năm 270).

Sau nhiều ngày lang thang, ngài đã gặp một vị tu hành và dựng lều gần vị ấy để học tập cuộc sống khổ hạnh. Nhân đức của chàng sáng chói và được các bạn hữu cùng lý tưởng quý mến. Trong thời gian này, ma quỷ dùng mọi nỗ lực để cám dỗ chàng, nhưng chàng đã dùng lời cầu nguyện và sự hy sinh như khí cụ để chiến thắng.

Năm 35 tuổi, Antôn vào sa mạc hầu được hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa. Danh tiếng ngài đồn xa. Khách thập phương kéo đến xin ngài chỉ dạy. Năm 305, ngài từ bỏ cuộc đời ẩn tu để thiết lập các tu viện và đã quy tụ được rất nhiều môn đệ.

Ngoài ra, ngài còn nuôi ước vọng tử đạo. Năm 327, hoàng đế Maximinô Dain ra sắc chỉ cấm đạo Công Giáo. Thánh nhân liền tới Alexandria để khích lệ những người sắp lãnh nhận cái chết vì danh Ðức Kitô, và ngài đã ở lại đó cho đến khi cơn bách hại chấm dứt. Từ đó, ngài dựng lều trên sườn núi Gokzin, suốt ngày tiếp đón mọi người và làm nhiều phép lạ: Chữa lành bệnh nhân, trừ ma quỷ và nói tiên tri.

Thánh nhân qua đời ngày 17/01/356, hưởng thọ 105 tuổi. Năm 561, xác ngài được đem về an táng trong nhà thờ thánh Gioan Tiền Hô tại Alexandria. Lòng sùng kính ngài phát sinh từ các giáo Hội Trung Ðông, tràn sang Âu Châu và Giáo Hội đã chính thức tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh.

IV- THÔNG TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI :

(Trích từ : www.hdgmvietnam.org)

- Giáng sinh 2013 : Các Kitô hữu ở Dải Gaza bị từ chối cấp thị thực vào Bêlem :

Các Kitô hữu sống ở Dải Gaza chỉ cách Bêlem 73 km, nhưng hầu hết trong số họ không thể mừng lễ Giáng sinh tại nơi Chúa Giêsu sinh ra. Theo AsiaNews, chính phủ Israel một lần nữa lại từ chối hàng trăm đơn xin do các Giáo hội Chính thống Hy Lạp và Giáo hội Công giáo chuyển đến trong năm nay.

Suzy (20 tuổi) và Samer (30 tuổi) là đôi vợ chồng trẻ Chính thống giáo. Cả hai đều bị chi phối bởi lệnh cấm đi lại để tham dự các buổi lễ tôn giáo và thăm thân nhân ở Bờ Tây áp dụng cho người Palestine từ 16 đến 35 tuổi. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua họ vẫn gửi đơn xin đến Bêlem, dù bị từ chối. Trả lời phỏng vấn nhật báo trực tuyến Al-Monitor, Suzy cho biết: “Chúng tôi hy vọng được đón Giáng sinh tại Nhà thờ Chúa Giáng sinh, nhưng điều này dường như là không thể. Ở Gaza có rất ít bầu khí của ngày lễ vì tình hình kinh tế và phạm vi mừng lễ bị hạn chế”. Samer nói thêm rằng “mọi Kitô hữu đều mơ ước được đến Bêlem mừng lễ. Về mặt địa lý, chúng tôi rất gần với thành Bêlem, nhưng lại không thể đến đó được”.

Đức giám mục Chính thống Hy Lạp Alexios nói: “Tôi đã sống ở Gaza 12 năm, tôi đã chứng kiến ​​mọi cuộc chiến và bây giờ tôi là chứng nhân của lệnh phong tỏa tàn nhẫn đối với thành phố và cư dân ở đây. Tôi yêu cầu các quyền lực thế gian để cho công dân của Dải Gaza được ra vào bình thường; vì tình yêu có ở khắp nơi, nhưng chúng ta cũng phải thấy được tình yêu ấy trong tim mình”. Ngài nói thêm rằng mỗi năm và hằng năm Giáo hội đều nhận đơn, nhưng ngài không có quyền chấp thuận. Đức giám mục Alexios tin rằng vấn đề chính nằm trong cuộc chiến giữa Israel và Palestine, cuộc chiến đã dẫn đến sự phong tỏa và một tình hình ảnh hưởng chủ yếu đến người trẻ.

Jabr al-Jaldeh, người phụ trách liên lạc về tôn giáo của Giáo hội Chính thống Hy Lạp ở Gaza, nói rằng hàng ngàn Kitô hữu thuộc tất cả các hệ phái đã nộp đơn xin đến Bêlem qua Toà Thượng Phụ Giêrusalem vào ngày 07-01. Một số người đã được cấp thị thực, nhưng có 214 người bị từ chối vì ở trong độ tuổi từ 16 đến 35.

Lisa al-Souri, 20 tuổi, và chồng cô là Tarek, 27 tuổi, một cặp vợ chồng Công giáo, đã mừng lễ Giáng sinh tại Bêlem lần cuối cùng cách nay hơn 10 năm. Tuy nhiên, Lisa cho biết ngay ở Gaza bây giờ mừng lễ Giáng sinh cũng thật khó khăn.

Cô nói: “Năm 2005 một cây thông lớn với đèn thắp sáng đã được dựng lên ở trung tâm thành phố và mọi người đều tham gia mừng lễ. Nhưng đó là chuyện của tám năm trước. Năm nay thay vì đến Bêlem mừng lễ, tôi muốn mừng lễ Giáng sinh ở Gaza với những người ở đây, như chúng tôi đã làm trong quá khứ”.

- Sứ điệp cứu rỗi từ Bêlem :

Bài giảng của Đức Thượng phụ Latinh Giêrusalem Fouad Twal

trong Thánh lễ Đêm Giáng sinh 24-12-2013

tại Nhà thờ Chính toà Chúa Giáng sinh, Bêlem

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,



bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14)

Kính thưa ngài M. Mahmoud Abbas, Tổng thống Palestine,

Thưa Thủ tướng Rami Al Hamadallah,

Thưa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jordan Nasser Judeh

Thưa quý ông bà Đại sứ, lãnh sự, và các vị đại diện khác của các Giáo hội,

Quý khách hành hương và các tín hữu thân mến,

Từ hang Bêlem, tôi xin chúc quý vị những lời chúc niềm vui và bình an tốt đẹp nhất.

Thưa ngài Tổng thống, xin cảm ơn ngài đã đến đây hôm nay để mừng lễ Giáng sinh với chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện cho ngài và cho sứ mạng của ngài để tìm được giải pháp công bằng và bình đẳng cho cuộc xung đột hiện nay, cho sự đoàn kết giữa những người Palestine vì hòa bình và thịnh vượng của đất nước của ngài.

Chúng tôi cầu xin Chúa ban cho ngài khôn ngoan và can đảm. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho tất cả các nhà lãnh đạo ở Trung Đông, đặc biệt là cho Quốc vương Abdullah II Bin Al-Hussein, là người canh giữ những Nơi Thánh ở Palestine.

Anh em thân mến,

Đêm Giáng sinh là đêm bi kịch cho Thánh Gia, vì các ngài không tìm được chỗ trọ (Lc 2,7). Đêm lịch sử này nhắc nhở chúng ta rằng thế giới của chúng ta và Trung Đông của chúng ta đang chìm đắm trong đêm dài.

Thế giới đang trải qua một đêm dài của những xung đột, chiến tranh, hủy diệt, sợ hãi, hận thù, phân biệt chủng tộc, và trong những ngày này còn là cái lạnh và tuyết nữa. Từ Nơi thánh này, chúng ta nhớ đến những bi kịch của nhân loại trên khắp năm châu: từ những cuộc nội chiến ở châu Phi đến trận bão ở Philippines, qua đến tình hình khó khăn ở Ai Cập và Iraq và thảm kịch ở Syria, đồng thời không quên các vấn đề của địa phương chúng ta: các tù nhân, gia đình họ vẫn nuôi hy vọng họ sẽ được trả tự do, những người nghèo mất hết đất đai và nhà cửa của họ bị phá hủy, những gia đình đang chờ được đoàn tụ, những người thất nghiệp và tất cả những ai đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế.

Lạy Hài nhi Bêlem, chúng con đã mệt mỏi rồi. Đối mặt với thực tế đau thương này, chúng con cầu xin bằng bài hát này của Mùa Vọng: “Vide Domine afflictionem populi tui ... Lạy Chúa xin hãy đoái nhìn nỗi thống khổ của dân Chúa. Xin gửi Đấng mà Chúa sẽ gửi đến, xin gửi Chiên Con (...), để người giải thoát chúng con khỏi ách bị giam cầm”.

Nhưng, chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng, bởi vì Chúa Giêsu Cứu Thế đã loan báo cho chúng ta biết rằng hòa bình là điều có thể, rằng ngọn lửa hy vọng vẫn còn cháy sáng, công lý, hòa bình và hòa giải sẽ đến. Sứ điệp cứu rỗi đến từ Bêlem, và chúng ta phải nhìn về Bêlem. Vì trong đêm này, lời hứa của Thiên Chúa lại được thực hiện, qua tiếng hát của các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đến lượt mình, chúng ta được mời gọi hãy lạc quan và canh tân đức tin của mình hầu cho Miền Đất này, quê hương của ba tôn giáo độc thần, một ngày kia sẽ trở nên bến bình an cho mọi dân tộc.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14)

Bình an của Chúa Kitô là chung cho mọi người và đặt nền tảng trên công lý. Bình an ấy giúp chúng ta nhìn thấy nơi mỗi người là một thụ tạo của Thiên Chúa. Đó là bình an đem lại sự sống. Không ai được lấy mất bình an ấy của chúng ta nhân danh một Thiên Chúa giết chết và báo thù. Vì vậy, dùng lời của Đức giáo hoàng Phanxicô, “tôi muốn mạnh mẽ kêu gọi tất cả những ai đang dùng vũ khí gieo rắc bạo lực và chết chóc: hãy tái khám phá nơi người mà hôm nay mình chỉ xem như kẻ thù phải triệt hạ chính là người anh em của mình, và hãy dừng tay lại! Hãy từ bỏ con đường vũ khí và đến gặp người khác bằng đối thoại, tha thứ, và hòa giải để xây dựng lại công lý, tin tưởng và hy vọng chung quanh mình!” “Theo nhãn quan này, rõ ràng là, đối với các dân tộc trên thế giới, xung đột vũ trang luôn là cố ý phủ nhận mọi hòa hợp quốc tế có thể có, gây ra những chia rẽ sâu sắc và vết thương nặng nề đòi hỏi nhiều năm mới chữa lành được” (Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 47).

Nơi Thánh Địa, chúng ta đang phải chịu một cuộc xung đột mà dường như sẽ không sớm có được một giải pháp. Cuộc xung đột ấy đè nặng trên các cư dân của Thánh Địa, gồm cả các Kitô hữu. Thực tế đau thương này đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến tương lai của chúng ta ở đất nước này, khiến chúng ta lo lắng. Chúng ta cần có câu trả lời của đức tin. Câu trả lời là không di cư nhưng cũng không khép mình lại. Câu trả lời là ở lại đây và sống chết tại đây. Miền đất của chúng ta là Thánh và đáng để chúng ta gắn bó với nó vì việc chúng ta cư ngụ liên tục trên miền đất này là một ơn gọi của Thiên Chúa, một phúc lành, hơn nữa còn là một đặc ân. Ngọn lửa đức tin sẽ vẫn mạnh mẽ như ngôi sao của các nhà đạo sĩ để chỉ đường cho chúng ta. Chúng ta cần vững tâm nhờ niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa quan phòng: “Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khổ” (2 Cr 1, 4-5).

Ánh sáng đức tin có thể soi chiếu mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, hiện tại và tương lai của chúng ta. Nhờ đức tin, cái nhìn của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn, cao cả hơn và bao quát hơn mà mắt con người không thể nhìn thấu được. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta cũng nhìn thấy một chút, như chính Thiên Chúa nhìn thấy! Vì vậy, đức tin là sự khôn ngoan làm cho chúng ta có những quyết định đúng đắn và đúng lúc. Nhưng nếu không có ánh sáng này, “mọi thứ trở nên mơ hồ, không phân biệt được tốt xấu, không phân biệt được đường nào dẫn tới đích với đường nào dẫn chúng ta đi lòng vòng không định hướng” (Lumen Fidei, 3). Điều củng cố niềm tin của chúng ta là: Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn trí, trung tín và yêu thương chúng ta. Đó là lý do tại sao không có gì làm chúng ta sợ hãi, dù là hiện tại hay tương lai, hay những xáo trộn đang ảnh hưởng đến miền đất Trung Đông của chúng ta.

Lạy Hài Nhi thánh thiện, Người đã phải trốn sang Ai Cập, khi Herôđê đe dọa và đã giết các hài nhi Bêlem 2000 năm trước, xin thương xót các con trẻ của chúng con và tất cả các trẻ em trên thế giới. Xin thương đến các tù nhân, người nghèo, người thiệt thòi và những người dễ bị tổn thương nhất. Đêm nay, chúng con cầu nguyện cho các giám mục và các nữ tu của Syria đã bị bắt cóc. Chúng con cầu nguyện cho họ được trở về và được phục hồi phẩm giá. Xin Chúa nhớ đến họ cũng như những người tị nạn. Xin ban cho họ dấu chỉ hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn để họ có thể trở về đất nước mình và tìm lại được nhà cửa.

Lạy Hài Nhi thánh thiện, là Thiên Chúa tốt lành và đầy lòng thương xót, xin nhìn đến Thánh Địa và các dân tộc sống ở Palestine, Israel và Jordan và tất cả các dân tộc ở Trung Đông. Xin ban cho họ ơn hòa giải để họ trở thành anh em với nhau, là con cùng một Cha.

Lạy Hài Nhi thánh thiện, xin ban bình an cho chúng con, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Thánh Người là Đức Trinh nữ Maria, người con của miền đất của chúng con.

Xin chúc mọi người lễ Giáng sinh vui vẻ và tràn đầy phúc lành của Hài Nhi Bêlem.



Каталог: sites -> default -> files -> Files -> 2014
2014 -> CHÚa nhậT 6 thưỜng niên a 2014 Dân Do Thái” có Một bộ Luật
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhật chúa thánh thần hiện xuống : LỬa thánh thầN, LỬa tình yêu lời Chúa
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 17 thưỜng niên năm a : NƯỚc trờI, viên ngọc quý Lời Chúa
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 24 thưỜng niên năm a : 14/9 – LỄ suy tôn thánh giá TÌnh yêu chúa qua thánh giá
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 3 thưỜng niên năm a : kiếm tìM – rao giảng – chữa lành lời Chúa
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 2 MÙa chay năm a : hiến mình đỂ biến hình lời Chúa
2014 -> Con đường Giêsu, Con đường tình yêu Theo Báo Thanh Niên số 69, ra ngày thứ ba 30 1996
2014 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 3 thưỜng niên năm a : kiếm tìM – rao giảng – chữa lành lời Chúa

tải về 473.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương