Hvth : Hà Thị Xuyên danh mục các chữ viết tắT


Tăng cường công tác tổ chức cán bộ, công chức làm công tác QLNN về tôn giáo



tải về 0.51 Mb.
trang14/15
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.51 Mb.
#19763
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

3.2.4. Tăng cường công tác tổ chức cán bộ, công chức làm công tác QLNN về tôn giáo


Muốn làm tốt công tác tôn giáo nói chung và quản lý tốt các hoạt động nói riêng đòi hỏi phải có tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức làm công tác tôn giáo phù hợp, đủ mạnh để thực thi nhiệm vụ.

Về tổ chức bộ máy: Ban tôn giáo Sở Nội vụ, phòng Nội vụ được kiện toàn theo qui định tại Thông tư số 04/2008/TT-BNV, ngày 04 tháng 6 năm 2008, của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, phòng Nội vụ thuộc UBND cấp tỉnh, huyện.

Hiện tại, Ban tôn giáo Sở Nội vụ Bắc Ninh có 9 cán bộ và như vậy là tăng so với trước, song vẫn có yêu cầu phát triển về chất lượng. Còn phòng Nội vụ các huyện thường chỉ có 01 cán bộ và 01 công chức phụ trách công tác tôn giáo, so với trước (trước đây nếu là ban, thường có 04 biên chế), thì số lượng giảm đi mà thực tế đòi hỏi luôn tăng lên, bởi cần phải tăng cường QLNN về tôn giáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của địa phương trong giai đoạn mới. Vậy cấp Phòng Nội vụ, kiến nghị Chủ tịch UBND huyện bổ xung biên chế cho công tác tôn giáo, trong tổng số biên chế của huyện. Còn ở cơ sở, cán bộ làm công tác tôn giáo theo chế độ kiêm nhiệm, lại không qua đào tạo nên hiệu quả không cao.

Vậy hiện nay UBND tỉnh cần có kế hoạch thực hiện Quyết định số 83/2007/QĐ-TTg, ngày 8/6/2007, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo và cán bộ công chức QLNN về tôn giáo”. Theo đó sẽ cử cán bộ, công chức đi học các lớp dài hạn, như Cử nhân chính trị chuyên ngành công tác tôn giáo, cao học tôn giáo, tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh3. Đồng thời thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo cho cán bộ các cấp, các ngành và nhất là ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đối với cán bộ, công chức cơ sở cần nắm vững hiểu đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về tôn giáo và công tác tôn giáo. Cán bộ, công chức chuyên làm công tác tôn giáo thường xuyên giao lưu, tham khảo ý kiến của các chức sắc tôn giáo, điều đó sẽ góp phần tuyên truyền, vận động họ thực hiện tốt chủ trương, chính sách đối với tôn giáo.

Hiện nay việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ công tác tôn giáo còn hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo. Thêm vào đó, nguồn kinh phí bố trí cho công tác triển khai, thực hiện Pháp lệnh, Nghị định, Chỉ thị còn ít, đặc biệt là nguồn kinh phí cho công tác QLNN về tôn giáo, như công tác điều tra, khảo sát. Chế độ ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo chưa được quan tâm đúng mức, đời sống vật chật của họ còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, đội ngũ cán bộ công chức làm công tác QLNN về tôn giáo đang có yêu cầu phải được tiêu chuẩn hoá. Về vấn đề này, nguyên Trưởng ban tôn giáo tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Quang Khải, đã có những nghiên cứu, đề xuất đáng trân trọng. Theo đồng chí, người cán bộ làm công tác này, bên cạnh phẩm chất chính trị và đạo đức, họ cần có kiến thức trên các lĩnh vực sau:

Một là, phải am hiểu sâu sắc học thuyết của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Đồng thời cũng cần có hiểu biết về chính sách, pháp luật tôn giáo của các quốc gia trong khu vực và những nước có thể chế chính trị khác nước ta, để từ đó rút ra tính ưu việt trong chính sách tôn giáo của Việt Nam, từ đó tuyên truyền chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta cho đồng bào tôn giáo và phản bác lại những luận điệu vu cáo, xuyên tạc chính sách, đời sống tôn giáo của nước ta.

Hai là, ngoài văn bản qui phạm pháp luật về tôn giáo, họ còn phải nắm chắc các văn bản pháp luật và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan (như Luật di sản văn hóa, Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật giáo dục,… Nghị định qui định về quản lý hộ tịch hộ khẩu, về xử phạt hành chính,… và các Thông tư Liên Bộ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành,…).

Ba là, họ phải nắm thật chắc và đầy đủ tình hình tôn giáo trên địa bàn mình phụ trách và những địa bàn lân cận; tình hình tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và trên thế giới,… để xây dựng chương trình công tác cho phù hợp, kịp thời tham mưu, đề xuất hướng giải quyết với cấp trên khi vụ việc phức tạp xảy ra.

Bốn là, họ cần nắm vững kiến thức lịch sử dân tộc, thế giới và lịch sử các tôn giáo, từ đó mà lý giải được vì sao trong giai đoạn lịch sử nào đó, một triều đại nào đó lại quan tâm đến tôn giáo hoặc không chú ý đến vấn đề tôn giáo; những đóng góp của giáo sĩ, tu sĩ các tôn giáo đối với lịch sử dân tộc. Nắm vững kiến thức lịch sử còn giúp chúng ta có tâm thế thoải mái, tự tin trong khi giải thích, tiếp xúc với giáo dân, giáo sĩ, cả khi thuyết trình, diễn giảng những vấn đề có liên quan đến tôn giáo.

Năm là, họ cũng cần có kiến thức nhất định về một số ngành khoa học có liên quan, như tâm lý học, triết học, văn học, xã hội học, mỹ học, đạo đức học,… và các ngành nghệ thuật, như: kiến trúc, điêu khắc, hội họa,… Ngoài ra, kiến thức về giáo lý, giáo luật, tín ngưỡng thờ tự,… của một số tôn giáo cũng cần phải am hiểu càng sâu rộng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Sáu là, ngoại ngữ cũng là vần đề cần phải chú ý tự trang bị. Sẽ bị hạn chế rất nhiều, nếu làm công tác QLNN đối với Phật giáo mà lại không đọc được, không giải thích được, không dịch được nội dung những tấm hoành phi câu đối và các văn bản Hán Nôm của các cơ sở thờ tự Phật giáo [52, tr.162].

3.2.5. Xây dựng và hoàn thiện phương pháp công tác tôn giáo và QLNN về tôn giáo

Đối với lĩnh vực tôn giáo, một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, các thế lực thù địch lại luôn dựa vào đó để thực hiện âm mưu diễn biến hoà bình, do đó, khi giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo phải hết sức thận trọng, các phương án đưa ra phải được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp cho từng đối tượng cụ thể, không để xảy ra sai sót, bởi nếu có sai sót thì hậu quả có thể khắc phục được.

Từ phương diện này cần chú ý những vấn đề như:

Một là, giải quyết vấn đề tôn giáo phải có lý, có tình, có sức thuyết phục. Một mặt phải căn cứ vào pháp luật của Nhà nước, mặt khác, cần phải tính đến các yếu tố luật lệ, lễ nghi của các tôn giáo để giải quyết cho hài hoà. Tuy nhiên, những gì còn mâu thuẫn thì phải căn cứ vào pháp luật để giải quyết.

Hai là, khi giải quyết một vấn đề tôn giáo phải được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, tức là phải lấy quan điểm quần chúng làm tiêu chuẩn xử lý. Nguyên tắc khi xử lý là phải tranh thủ sự đồng tình của quần chúng, chú trọng công tác vận động, giáo dục thuyết phục là chủ yếu, nhưng vẫn phải đảm bảo về mặt nguyên tắc. Phương pháp phải mềm mỏng, tế nhị, tránh thô bạo, nôn nóng, phải tách được các đối tượng cầm đầu quá khích ra khỏi quần chúng.

Ba là, Khi giải quyết vấn đề tôn giáo phải thống nhất một nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể làm công tác tuyên truyền, vận động. Tiến hành đồng thời ba biện pháp: Giáo dục thuyết phục, kinh tế, hành chính, trong đó biện pháp giáo dục thuyết phục phải được đặt lên hàng đầu. Cần tạo lập được cơ chế phối hợp tốt với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong công tác hàng ngày và khi giải quyết những vụ việc phức tạp có liên quan đến tôn giáo.

Bốn là, Phải biết kiên trì giải thích, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giáo dân khi họ vi phạm pháp luật do chưa am hiểu pháp luật; khơi dậy và động viên mọi người phát huy bản tính thiện của người có đạo, truyền thống đoàn kết con Lạc cháu Hồng của người Việt Nam, đồng thời đề cao việc thực hiện lời răn dạy của vị giáo chủ.

Năm là, Không được tỏ ra có sự phân biệt đối xử giữa các tôn giáo, không gợi lại những điều không hay của một ai đó hay của một bộ phận người nào đó trong lịch sử, mà phải tìm ra những mặt khả thủ của mỗi con người, mỗi tập thể mà động viên, tuyên truyền, biểu dương kịp thời.

Sáu là, Cần tìm ra những điểm tương đồng có sẵn trong mỗi con người Việt Nam (như tinh thần dân tộc, thích làm điều thiện, tránh làm điều ác,…) để tìm kiếm sự đồng thuận khi phải đối mặt với những vụ việc phức tạp.

Như vậy, với 5 giải pháp đưa ra như trên của công tác QLNN đối với tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mà chúng tôi đưa ra ở trên, thiết nghĩ, là đảm bảo về tính hệ thống, cũng như tính trọng tâm, trọng điểm của công tác này. Vì thế, trong triển khai, nó cần được tất cả các tổ chức hợp thành HTCT các cấp khác nhau của tỉnh Bắc Ninh tham gia. Nhưng chủ công vẫn là Ban tôn giáo Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ các huyện, thị xã.



3.3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

3.3.1. Đối với Trung ương

Một, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng

Chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần phải có sự ổn định, song trên thực tế, sự ổn định cũng chỉ là tương đối, vì thế, việc tiếp tục hoàn thiện nó được đặt ra vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo chủ yếu thuộc về vai trò của Nhà nước trong việc thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng ở lĩnh vực này, nên về nguyên tắc, nó phải phù hợp với quan điểm của Đảng. Đây cũng là một quan điểm, một vấn đề mới mà tại Đại hội lần thứ XI của Đảng ta đã đưa ra.

Hiện nay, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đang có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có khó khăn. Việt Nam đã và đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN mà một trong những đặc trưng cơ bản là nhà nước quản lý xã hội và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Vì thế, nhà nước không thể không quan tâm đến việc luật hoá các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đảng và Nhà nước ta cũng luôn coi trọng đến vấn đề luật pháp quốc tế và xem đó như là một cơ sở không thể thiếu để vận dụng vào chính sách, pháp luật tôn giáo. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và gia nhập vào nhiều công ước, điều ước của thế giới, trong đó có vấn đề tôn giáo4. Bởi vậy, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của pháp lệnh này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế”. [8, tr.30].

Còn khó khăn là ở, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, nhận thức của người dân và của toàn xã hội về vấn đề tôn giáo còn hạn chế. Một số cán bộ, đảng viên còn chưa có sự thống nhất, nhất trí cao về quan điểm, trách nhiệm và phương thức giải quyết vấn đề tôn giáo. Trình độ văn hoá dân chủ, văn hoá pháp luật của người dân ở vùng sâu, vùng xa và vùng cao, có một bộ phận “mù luật”. Vậy, trên vấn đề hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay, người viết cho rằng:

- Đến thời điểm này, Việt Nam chưa nên xây dựng một văn bản pháp luật tôn giáo, tín ngưỡng (Nghị quyết 25/NQ-TW, ngày 12/3/2003, của Ban chấp hành TW Đảng, khoá IX “về công tác tôn giáo”, đã đề ra nhiệm vụ xây dựng luật về tín ngưỡng, tôn giáo). Thay vào đó, nên quy định cho các hoạt động tôn giáo tại những mục, điều, khoản nằm trong các luật về hoạt động xã hội của các tổ chức, đoàn thể xã hội của nhân dân. Bởi vì, để QLNN về tôn giáo, Nhà nước ta đã có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và đến nay mới thực hiện được 7 năm, nên chỉ cần bổ sung (không nhiều) là đủ; tiếp theo, xây dựng một nghị định mới thay thế Nghị định 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Mặt khác, trên thế giới hiện nay, các nước có một bộ luật riêng về tôn giáo, chúng tôi biết là có không nhiều, không mang tính phổ biến5.


  • Một khi Nhà nước đã công nhận tư cách pháp nhân của một tôn giáo nào thì cũng nên để tôn giáo đó tự do hoạt động theo quy định của hiến chương, điều lệ tôn giáo đó. Hay nói cách khác, Nhà nước đã công nhận tư cách pháp nhân của một tôn giáo thì nên công nhận trọn gói. Theo đó tránh được tình trạng tôn giáo được công nhận rồi nhưng vẫn bị “cấm không được...”, bị “không được có các hoạt động...”. Vấn đề là, tổ chức tôn giáo cũng như mọi tổ chức xã hội khác, khi hoạt động không thể, không được vi phạm pháp luật, nếu vi phạm sẽ có pháp luật xử lý và việc này thuộc về chủ thể lãnh đạo, quản lý xã hội.

Hai, chính phủ sớm xây dựng và củng cố bộ máy làm công tác QLNN về tôn giáo, đồng thời xây dựng hệ thống tổ chức từ TW đến cơ sở. Trong đó, QLNN đối với tôn giáo, bên cạnh những nội dung cần phải điều chỉnh và xây dựng mới, thì cần coi trọng đến việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa.

Ba, Ban Tôn giáo Chính phủ tăng cường phối hợp với tỉnh Bắc Ninh, giúp đỡ tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng công tác QLNN đối với hoạt động tôn giáo.

Bốn, Bộ Nội vụ, cơ quan chức năng làm công tác QLNN đối với tôn giáo hiện nay cần ban hành Thông tư qui định biên chế cán bộ công chức làm công tác tôn giáo ở cấp huyện, xã. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng ban hành chính sách và tiêu chuẩn đối với cán bộ làm công tác tôn giáo để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đạt hiệu quả cao.

3.3.2. Đối với tỉnh Bắc Ninh

Một, Hội đồng nhân dân tỉnh cần có kế hoạch định kỳ giám sát công tác QLNN về tôn giáo tại các, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh.

Hai, UBND tỉnh cần ban hành qui định thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong thực hiện quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và chủ động mạnh dạn phân cấp, phân quyền QLNN đối với tôn giáo cho 3 cấp của địa phương. Như, những công trình phụ trợ của các công trình tôn giáo, Chủ tịch UBND tỉnh nên giao quyền cho Chủ tịch UBND huyện cấp giấy phép xây dựng.

UBND tỉnh tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo của các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở, cùng với các trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận thôn, khu dân cư.

UBND tỉnh có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức tôn giáo cơ sở trong việc tổ chức hoặc tổ chức lồng ghép các hội nghị tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo.

Về đất đai cơ sở thờ tự của các tôn giáo, đề nghị UBND tỉnh cần có nghiên cứu cơ bản để trình TW ban hành chính sách phù hợp, đồng thời cũng có vận dụng sáng tạo tùy tình hình thực tế của địa phương. Cần rà soát lại quy hoạch tổng thể về sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; có cơ chế giải quyết đất đai xây dựng nơi thờ tự của các tôn giáo theo nhu cầu hợp pháp và phù hợp với thực tế; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo. Đối với các khiếu kiện đất đai cơ sở tôn giáo, cần căn cứ vào pháp luật hiện hành và nhu cầu của các tổ chức tôn giáo để giải quyết. Không đặt vấn đề giải quyết đối với với cơ sở đất đai, kinh tế, văn hoá, xã hội đã quốc hữu hoá.



Quan tâm, nghiên cứu có chính sách ưu đãi thu hút cán bộ làm công tác tôn giáo. Có chính sách trợ cấp cho cán bộ làm công tác tôn giáo tại cơ sở vì hiện nay theo dõi công tác tôn giáo ở cơ sở do các đoàn thể kiêm nhiệm6.

Ba, Ban Tôn giáo sở Nội vụ

Nên thường xuyên mời các cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo ở các huyện, thành phố, thị xã tập huấn, giao ban để trao đổi, rút kinh nghiệm mỗi khi có vụ việc tôn giáo phức tạp xảy ra và sau khi đã giải quyết xong. Việc này sẽ là cơ sở để các địa phương làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra các vụ việc tôn giáo phức tạp.

Đồng thời Ban tôn giáo luôn phải chú trọng, tăng cường công tác xây dựng lực lượng cốt cán trong các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, những giải pháp và kiến nghị của luận văn là xuất phát từ cơ sở tác giả vận dụng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tôn giáo và công tác tôn giáo vào thực tiễn đời sống xã hội - tôn giáo của một địa phương có nhiều đặc thù về tôn giáo cả trong lịch sử cũng như đương đại: đó là tỉnh Bắc Ninh. Tiếp đó, vấn đề triển khai nó như thế nào, hiệu lực, hiệu quả ra sao, việc đó lại xuất phát và quyết định từ nhân tố chủ thể lãnh đạo, quản lý địa phương. Song người viết hy vọng, một khi đã nhận thức được vấn đề, biến thành tư tưởng, quan điểm, thì công việc tổ chức hiện thực hoá tư tưởng, quan điểm đó đã hội những yếu tố cần cho nó rồi.



KẾT LUẬN
1. Việt Nam là một quốc gia có nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo và hiện nay đang có sự phục hồi, phát triển khá mạnh. Vì vậy, công tác tôn giáo từ TW đến địa phương đặt ra rất nhiều vấn đề phải quan tâm, trong đó, làm tốt công tác QLNN về tôn giáo là góp phần đưa hoạt động tôn giáo dần đi vào nề nếp, ổn định, tuân thủ pháp luật, qua đó đấu tranh ngăn chặn được âm mưu lợi dụng tôn giáo của những thế lực thù địch.

2. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời gian qua, công tác QLNN đối với tôn giáo đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Có được kết quả đó là do các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đã có chuyển biến về nhận thức đối với tôn giáo và đã vận dụng quan điểm, chủ chương, đường lối đổi mới về tôn giáo của Đảng sát với tình hình của địa phương. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh Bắc Ninh, cho đến nay, thái độ mặc cảm, định kiến và nhận thức phiến diện về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo, trong đó có công tác QLNN đối với tôn giáo đã dần được khắc phục.

Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh đã mang lại hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào có đạo được nâng lên rõ rệt. Quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo tin tưởng vào đường lối của Đảng, ra sức lao động sản xuất góp phần phát triển kinh tế- xã hội xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Song bên cạnh đó, công tác QLNN về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tôn giáo trong tình hình mới. Do vậy, việc quan tâm tới công tác QLNN về tôn giáo, từ vấn đề thể chế hoá đường lối, chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước, tăng cường các yếu tố, điều kiện vật chất cho đến xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ vẫn là vấn đề luôn đặt ra với cả tính chất tình thế và lâu dài.

3. Từ việc khảo sát toàn diện về thực trạng công tác QLNN đối với tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua, tác giả đã đề xuất 5 giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác này trên địa bàn tỉnh. Đó là: Nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể về công tác tôn giáo và QLNN về tôn giáo; tăng cường hơn nữa công tác QLNN về tôn giáo trên những hoạt động trọng điểm của tôn giáo ở Bắc Ninh; tăng cường công tác vận động quần chúng tín đồ các tôn giáo và xây dựng lực lượng chính trị tại cơ sở; tăng cường công tác tổ chức cán bộ, công chức làm công tác QLNN về tôn giáo; xây dựng và hoàn thiện phương pháp công tác tôn giáo và QLNN đối với tôn giáo.

Đồng thời, người viết cũng có một số kiến nghị đối với cấp TW và cấp tỉnh, với tính cách là những việc làm, những điều kiện cụ thể có tính cấp thiết cần được đáp ứng kịp thời cho công tác QLNN đối với tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay và sắp tới.

Hy vọng những giải pháp và kiến nghị đó sẽ được chấp nhận và được triển khai đồng bộ, từ cấp tỉnh đến cơ sở, trong sự sáng tạo và quán triệt quan điểm toàn diện và lịch sử cụ thể của chủ thể QLNN đối với tôn giáo ở Bắc Ninh.



tải về 0.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương