Hvth : Hà Thị Xuyên danh mục các chữ viết tắT


Vấn đề đặt ra từ phương diện khách thể quản lý



tải về 0.51 Mb.
trang10/15
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.51 Mb.
#19763
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

2.3.1. Vấn đề đặt ra từ phương diện khách thể quản lý

2.3.1.1. Đối với hoạt động của Phật giáo


- Về mặt tổ chức, tỉnh Bắc Ninh đã có Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh và Ban đại diện Phật giáo cấp huyện, nhưng hoạt động không chặt chẽ, chưa nền nếp, không rõ nét, nên hiệu lực thấp dẫn đến vai trò mờ nhạt, định hướng các hoạt động còn hạn chế, quản lý tăng ni kém hiệu quả.

Đây chính là một nhân tố khiến cho một số tăng ni sao nhãng Phật sự, coi thường giới luật, làm nảy sinh mâu thuẫn trong quần chúng phật tử cũng như nảy sinh mâu thuẫn giữa sư trụ trì với tín đồ, rất dễ bị các phần tử xấu lợi dụng kích động, trục lợi… Tai hại hơn, mâu thuẫn đó không dừng lại ở sinh hoạt tôn giáo, mà không ít nơi đã kéo vào cả trong chi, đảng bộ, vào trong các tổ chức khác thuộc HTCT ở cơ sở. Vậy, từ vấn đề mâu thuẫn tôn giáo đã chuyển sang vấn đề xã hội chính trị, mà trách nhiệm cao nhất ở đây vẫn là Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Ban đại diện Phật giáo huyện, thị xã, thành phố.

- Về việc trùng tu sửa chữa cơ sở thờ tự, do kinh tế phát triển, đời sống của người dân Bắc Ninh ngày càng được nâng cao, sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo càng trở nên sầm uất, do vậy, việc trùng tu, xây dựng chùa diễn ra sôi động, với quy mô lớn (có chùa dự toán đến hàng chục tỷ đồng), nhu cầu mở rộng diện tích khuôn viên gia tăng. Tuy nhiên, đối với công tác QLNN về xây dựng cơ sở thờ tự đòi hỏi phải thực hiện như thế nào để có hiệu lực và đạt hiệu quả là vấn đề luôn đặt ra. Công tác quản lý hoạt động xây - sửa cơ sở thờ tự tôn giáo thường rất khó khăn, trong đó có cả tình hình là, Pháp lệnh, Nghị định hướng dẫn thi hành ở đây có khi chưa cụ thể, cũng như còn bất cập với đời sống thực tiễn, có nhu cầu phải bổ sung.

- Vấn đề thuyên chuyển chức sắc, gần đây, xu hướng các nhà sư từ miền Nam tràn ra miền Bắc, có nguyện vọng trụ trì ở Bắc Ninh gia tăng. Mới về, họ thường bỏ tiền ra đầu tư giúp đỡ nhân dân địa phương xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng nên rất được phật tử và nhân dân bước đầu ủng hộ. Hơn nữa, sư miền Nam ra được người dân ủng hộ và cả kính trọng còn do trình độ Phật học của họ khá vững vàng. Hiện nay, mâu thuẫn giữa sư miền Bắc, sư Bắc Ninh với sư miền Nam, cho dù không ít người là gốc Bắc, đã nảy sinh.

Có tình trạng, các nhà sư “lâu năm” tại Bắc Ninh đang có xu thế kiêm nhiệm trụ trì từ 2 - 3 chùa, để giữ đất, giữ chùa, mở rộng phạm vi, địa bàn hành đạo. Mặt khác, ở một số địa phương, nhân dân tự ý mời, đón rước sư về trông nom chùa nhưng chưa được sự đồng ý của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và Ban đại diện Phật giáo huyện, mà chỉ có sự đồng thuận của Hội người cao tuổi và chính quyền thôn… Tất cả đã đẩy sự việc đến tình thế đã rồi, gây ra các tình huống khó xử cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và cho các cơ quan QLNN về tôn giáo ở các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

- Về vấn đề tài chính kinh tế, ở một chùa hiện nay, lượng tài chính tăng rất nhanh, có chùa tăng đột biến… nhưng chưa có quy chế quản lý thống nhất, Giáo hội cũng không kiểm soát được, dẫn đến tình trạng sử dụng tùy tiện theo mục đích riêng của nhà sư trụ trì, hoặc của tập thể đệ tử con hương, dễ gây ra mâu thuẫn mất đoàn kết, vi phạm pháp luật.


2.3.1.2. Đối với hoạt động của đạo Công giáo


- Hoạt động của Tòa Giám mục Bắc Ninh, tập trung cho củng cố đức tin; mở rộng đội ngũ thừa tác viên; củng cố hội đoàn, khôi phục và thành lập các xứ, họ đạo, tăng cường công tác đào tạo; từng bước thực hiện chủ trương “Tứ hóa” của Giáo hội (Thánh hóa gia đình, Phúc âm hóa sinh hoạt, Tri thức hóa giáo sỹ, Giáo hội hóa cơ sở)... đòi hỏi công tác QLNN đối với đạo Công giáo phải rất sâu sát, phải phân biệt được đâu là hoạt động thuần túy tôn giáo và đâu là hoạt động có mục đích ngoài tôn giáo.

- Tình hình khiếu kiện đòi lại đất đai, cơ sở cũ của Giáo hội Công giáo trên địa bàn tỉnh Bắc ninh dù không có điểm mới phát sinh, nhưng tiềm ẩn dấu hiệu phức tạp ở một số địa bàn, như TP.Bắc Ninh, huyện Thuận Thành và Yên Phong…và đây cũng là vấn đề mà công tác QLNN đối với đạo Công giáo phải có giải pháp chủ động, đón đầu.

- Chức sắc Công giáo ở tỉnh Bắc Ninh, ngoài trách nhiệm làm mục vụ ở các xứ, họ đạo trong tỉnh, họ còn thường xuyên đi kinh lý ở các tỉnh khác thuộc giáo phận, với mục đích mở rộng địa bàn hoạt động, gây thanh thế, địa vị và uy tín trong giáo hội. Một số họ bề ngoài tỏ ra tuân thủ và phối hợp với chính quyền, nhưng thực chất luôn thực hiện theo sự chỉ đạo của “Bề trên”. Họ lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo, cũng như các văn bản có liên quan đến tôn giáo, cùng những sơ hở của cơ quan nhà nước, cố tình vận dụng “làm sai” để hoạt động có lợi cho giáo hội… Vậy, công tác QLNN đối với đạo Công giáo phải sâu sát tình hình, nắm vững địa bàn hơn nữa, từ đó chủ động trong công việc và phối hợp có hiệu quả với các địa phương ngoài Bắc Ninh.

2.3.1.3. Đối với hoạt động của đạo Tin lành và đạo lạ ở Bắc Ninh


- Hoạt động truyền đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều lén lút, trái pháp luật, nhưng ở phạm vi hẹp, mang nhiều màu sắc mê tín dị đoan và không đủ các điều kiện để thành lập điểm nhóm, cũng như đăng ký hoạt động và công nhận về mặt tổ chức. Đạo Tin lành đã gây nên những xáo trộn trong sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, làm chia rẽ, mất đoàn kết, ảnh hướng đến tình hình an ninh trật tự địa phương... Nó đã trở thành vấn đề cấp thiết và lâu dài mà công tác QLNN về tôn giáo phải quan tâm giải quyết.

- Các đạo lạ truyền vào Bắc Ninh từ giữa năm 1991, đến nay đã có ở 6/8 địa phương (gồm đạo Long Hoa Di lạc, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Thanh Hải Vô Thương sư, Nhất quán đạo, Tâm linh Bác Hồ, đạo Mẫu). Các đạo lạ đều không có và không rõ đối tượng cầm đầu, không có kinh sách riêng, không có trụ sở để tổ chức truyền giáo, mà chủ yếu là tuyên truyền mang tính mê tín dị đoan. Người theo đạo lạ đều có hoàn cảnh đặc biệt, diện tầng lớp yếu thế…Đây là vấn đề mới phát sinh và khó giải quyết đối với công tác QLNN, nhưng nhất định phải được tăng cường và quản lý có hiệu lực.


2.3.2. Vấn đề đặt ra từ phương diện chủ thể quản lý


2.3.2.1. Theo quan điểm của Đảng, công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, song ở Bắc Ninh, sự phối hợp của các cơ quan chức năng, của các cấp, các ngành làm công tác QLNN về tôn giáo vẫn thiếu sự đồng bộ, thống nhất, việc phân công, phân cấp còn chưa rõ ràng và cụ thể. Biểu hiện là, vừa chồng chéo, vừa buông lỏng, nên dẫn đến việc nhiều đơn vị cùng tác động vào một con người hay một vụ việc, gây lên tình trạng mạnh ngành nào ngành ấy can thiệp, tạo ra mâu thuẫn ngay trong cách hướng dẫn, giải quyết của chủ thể quản lý. Vì vậy, chức sắc, tín đồ rất lúng túng và rất khó trong xử lý các mối quan hệ, thậm chí, có thái độ coi thường chính quyền, xem nhẹ pháp luật. Mặt khác, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong QLNN đối với tôn giáo trên địa bàn Bắc Ninh có khi chỉ được đặt ra khi có ý kiến chỉ đạo từ cấp trên xuống, hoặc trong những trường hợp khó khăn, phức tạp cần phải có ý kiến của nhiều ngành.

2.3.2.2. Công tác QLNN về tôn giáo luôn có yêu cầu số một, là phải làm cho cán bộ, nhân dân và quần chúng tín đồ các tôn giáo nhận thức được quan điểm, chính sách, pháp luật đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, nhưng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, việc này vẫn là vấn đề đang đặt ra. Từ thực tế đang đặt ra như vậy, rõ ràng việc đầu tiên là phải rà soát, xem lại toàn bộ quá trình triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt quan điểm, chính sách, pháp luật đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ở Bắc Ninh mấy năm qua và hiện nay ra sao. Trên cơ sở đó, tiếp theo là phải mạnh dạn thay đổi, làm mới, từ nội dung, cách thức, phương tiện cho đến công tác tổ chức.

2.3.2.3. Công tác QLNN về tôn giáo, để có hiệu lực, hiệu quả, vấn đề quyết định vẫn là đảm bảo có chất lượng công tác vận động quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo. Ở Bắc Ninh, công tác này vẫn có yêu cầu phải được tăng cường và tiến hành thường xuyên. Hơn nữa, về quan điểm nhận thức, không nên xem đây chỉ là công tác của riêng Ban Dân vận Tỉnh uỷ và của MTTQ, hoặc của các đoàn thể chính trị - xã hội của nhân dân, mà với các cơ quan nhà nước, nó có yêu cầu đặc biệt cao. Đồng thời cũng không nên xem công tác vận động quần chúng tín đồ, chức sắc tôn giáo chỉ thuần tuý là công tác tư tưởng, mà cao hơn, đó phải là đẩy mạnh các hoạt động thực tiễn, mà quan tâm số một hiện nay là phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tính thần của người dân có và không có tôn giáo.

2.3.2.4. Vấn đề tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc của cơ quan làm công tác QLNN về tôn giáo ở Bắc Ninh còn không ít khó khăn, hạn chế và bất cập, đang có yêu cầu phải được củng cố và tăng cường trong sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao và hiệu lực mạnh. Về lý thuyết, chúng ta luôn xác định, phải có bộ máy và con người ngang tầm với đường lối, chính sách. Song trên thực tế chung của cả nước, đây vẫn còn là việc phải phấn đấu, có khi là mơ ước và ở Bắc Ninh, đối với ngành QLNN về tôn giáo càng đúng là như vậy. Tại sao? Chúng tôi cho rằng có vấn đề quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với công tác này.

Vấn đề càng trở nên bức xúc, trở thành tâm tư của cán bộ, công chức trong ngành khi nhìn sang, so sánh với điều kiện và con người của các cơ quan QLNN thuộc các ngành khác ngay trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện luận văn này, chúng tôi đã nhiều lần đến Bắc Ninh, làm việc với đồng chí Trưởng ban tôn giáo Đinh Xuân Vịnh, cùng cán bộ Ban. Tại đây chúng tôi thấy: Phương tiện điều kiện làm việc của Ban tôn giáo tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là từ khi sáp nhập về Sở Nội vụ: Phương tiện làm việc để đi công tác (xe ô tô) không có, nhiều việc cần giải quyết thì thường bị động; chỗ làm việc của cán bộ thì ở dãy nhà tạm, mái tôn, chật hẹp, khi gặp trời mưa to, gió lớn đều bị ảnh hưởng. Vai trò quyền uy của cơ quan nhà nước đối với các tổ chức tôn giáo cũng vì thế mà bị giảm đi phần nào. Vậy, mong mỏi là, làm sao để cơ quan làm công tác QLNN về tôn giáo ở Bắc Ninh có điều kiện giống như và ngang với các cơ quan QLNN khác trên địa bàn tỉnh.

Vậy, vấn đề đặt ra từ phương diện khách thể QLNN chính là những vấn đề “nóng” đối với chức năng, trách nhiệm của chủ thể QLNN về tôn giáo ở Bắc Ninh. Còn về chủ thể quản lý, mặc dù đã đảm bảo được chức năng, nhiệm vụ và có nhiều thành công, song tình hình vận động biến đổi của đời sống tôn giáo ở địa phương cũng như của cả nước vẫn đặt ra yêu cầu phải tiếp tục được củng cố và tăng cường. Muốn vậy, trước hết nó cần phải tiến hành việc sơ kết, tổng kết quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, nghị quyết của TW, của tỉnh về tôn giáo và thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện,... những quan tâm, tập trung vào những vấn đề đặt ra một cách bức bách mà chủ thể QLNN về tôn giáo của Bắc Ninh chưa triển khai, chưa có giải pháp đạt hiệu lực, hiệu quả cao.

Với những tình hình và vấn đề đặt ra của thực trạng công tác QLNN đối với tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh như trên, đòi hỏi phải có các giải pháp mang tính căn cốt nhưng toàn diện và lại phải lịch sử cụ thể, thì mới có thể đảm bảo để các tôn giáo hoạt động tuân thủ pháp luật, giữ gìn được bản sắc truyền thống văn hiến Kinh Bắc. Mặt khác, từ đó ngành QLNN đối với tôn giáo của tỉnh Bắc Ninh mới được trưởng thành, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.






tải về 0.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương