Hudson taylor, god’s venturer



tải về 0.86 Mb.
trang21/31
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích0.86 Mb.
#38887
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   31
Chương 5

VỀ NHÀ


Chiếc xe ngựa chạy lọc cọc trên đường tráng đá dừng lại ở trung tâm khu phố chợ tỉnh Barnsley. Hành khách lần lượt xuống xe và sau cùng Hudson cũng xuống, trông hơi mệt mỏi vì đoạn đường khá dài từ Luân đôn. Mọi vật trông thật quen thuộc và trìu mến! Anh cảm thấy vui được ông cha nghiêm khắc nhưng nhân từ chào đón, cùng bà mẹ hiền hậu với mái tóc chải gọn dưới chiếc mũ vải cột qua cằm! Anh cảm thấy dễ chịu khi anh chống gậy đi dạo bên ngoài, gặp hết bạn nầy đến bạn kia vồn vã hỏi han, họ mừng vì gặp lại anh, và nóng lòng muốn nghe anh kể chuyện về đời sống của anh nơi thủ đô xa xôi ấy! Ở Luân đôn mọi việc đều khác hẳn. Ở đó anh chỉ là một người lạ không tên tuổi, ra đường phố bận rộn chẳng có một người nào chào hỏi để giúp anh lên tinh thần. Anh vẫn hãy còn yếu cho nên về nhà là nơi tốt nhất để anh nghỉ ngơi hoàn toàn và cảm thấy mãn nguyện. Anh ngồi cạnh lò sưởi trong phòng đàng sau cửa hiệu, nhìn cảnh vật quen thuộc làm anh hồi tưởng nhiều kỷ niệm êm đẹp thời niên thiếu. Chẳng hạn khi nhìn vào chiếc bàn to và chắc giữa phòng thì anh chợt nhớ lại khi còn bé, một hôm anh ăn mặc bộ đồ nhung đẹp nhất và ngồi nơi bàn ấy, xung quanh là khách khứa. Anh nhìn mẹ anh đang cắt những miếng bánh táo lớn, trao cho từng người khách nhưng lại không ngó ngàng gì đến cậu con đang lễ phép yên lặng ngồi đó vì anh được dạy như thế, anh chờ mãi mà không thấy phần của mình đâu! Hóa ra là lần nầy hình như mẹ anh đã quên bẵng cậu con. Anh đã được dạy là không được xin gì ở bàn ăn! Câu chuyện khôn khéo của cậu đã được ghi vào nhật ký gia đình và được nhắc đến nhiều lần vào lúc mà khách khứa vơi câu chuyện hàn huyên thì có tiếng nhỏ nhẹ nhắc khéo:

“Mẹ ơi—có phải bánh táo rất bổ cho các bé trai không?”

Cũng nơi chiếc bàn ấy mà mỗi ngày cậu phải học những bài cha cậu đã giao. Đến mười một tuổi thì cậu vào trường học. Mặc dù cậu thích được cha dạy hơn là học ơ trường tuy nhiên cậu đã trở thành một học trò xuất sắc nơi nhà trường. Cha cậu có một vẻ gì cương nghị và trí thức, ông mang những ý nghĩ bất di dịch về cái sai, cái đúng và kỷ luật sắt thép của ông. Hudson đã tập phải đúng giờ từ lâu trước khi đời anh bị chi phối bởi tiếng chuông của nhà trường! Thật khổ cho những cậu nào không quen ngồi ở bàn mà buộc phải rửa tay trước, tóc phải chải tươm tất trước khi ăn!
Cha cậu thường nghiêm nghị dặn bảo, “Nếu có năm người mà mỗi người bắt kẻ khác chờ một phút thôi là mất đi năm phút rồi. Đó là những phút đi mất không bao giờ lấy lại được!” Thật quả là lời dạy nghiêm khắc!

Một định luật khác của ông là, “Phải tập mặc áo quần cho nhanh. Vì suốt đời con, con phải làm chuyện ấy mỗi ngày một lần.” Vì thế mà con phải tập cho quen đi. Ông có lý do chính đáng để nêu ra luật ấy. Nếu Hudson nhớ lại các kỷ niệm đó và cười một mình đang khi ngồi trong căn nhà ấm cúng là vì cậu thích nhớ lại những chuyện ngộ nghĩnh về tính ngông của các bậc cha mẹ. Anh thích thú nhớ lại rằng lần đầu tiên anh nghe nói đến Trung Hoa là qua cha anh. Lúc ấy anh mới năm tuổi, anh còn nhớ nghe ông dõng dạc thốt lên:

“Sao chúng ta không gởi giáo sĩ qua đó! Đó là một xứ mà mình phải hướng đến. Một xứ đông dân...khoẻ mạnh, thông minh và học thức!”

Bây giờ, sau mười lăm năm, chính Hudson là người chuẩn bị sang đó! Trong khi anh nghỉ ngơi nhiều tuần ở nhà, có nhiều thì giờ suy nghĩ, anh lấy làm ngạc nhiên về phần số đã chứng tỏ cho anh thấy. Rõ ràng đây là phần số của anh, phần việc anh đã được giao cho để thực hiện. “Hãy đi sang Trung Hoa cho Ta.” Anh không quên được cái đêm mà anh nhận sứ mạng thiêng liêng ấy. Chắc chỉ có một kinh nghiệm khác hiện rõ hơn trong trí anh mà thôi. Trung Hoa lúc đó chưa nghe nói tới. Số là một buổi chiều trong một nhà kho cũ khi cái nhìn của anh về cuộc đời hoàn toàn thay đổi, nhưng nếu kinh nghiệm đó không xảy ra thì bây giờ chắc chắn anh cũng chẳng có ý định đi sang Trung Hoa nữa. Nhiều lần Hudson đã sống qua buổi chiều khó quên ấy. Nó xảy ra cách đây ba năm nhưng vẫn còn hiện rõ trong trí anh như thể mới xảy ra hôm qua thôi...

Lúc ấy anh mới mười sáu tuổi mà đã cảm thấy chán đời! Sống ở nhà, giúp cha anh trong cửa hàng, đời thật chán phèo! Không phải là anh không thương cha mẹ, anh rất thương cha mẹ anh nhưng anh thấy nếp sống của họ khó chịu làm sao ấy. Họ không thích khiêu vũ hay đi săn. Họ chỉ thích hát thánh ca trong ngôi nhà thờ nhỏ ở cuối đường, Hudson ngoan ngoãn phải đi theo cha mẹ đến đó nhưng anh cảm thấy chán ngán. Anh cố gắng tìm niềm vui như họ nhưng không được. Ao ước riêng tư của anh là được ở trong một ngôi nhà thật rộng có nhiều đầy tớ để anh được phóng khoáng, được ăn mặc áo khoác đỏ để đi săn. Anh ao uớc được cỡi trên một cái gì đó để chạy hết tốc độ—như cỡi ngựa chẳng hạn vì lúc đó người ta chưa phát minh ra xe mô tô! Lẽ dĩ nhiên các ước vọng đó rất có thể không thực hiện được, cho nên vì đầu óc chán nản mà một buổi chiều tháng sáu, anh lang thang vào trong phòng tìm cái gì để làm.

Anh liếc qua tủ sách nhưng chẳng thấy có gì hấp dẫn nên anh nhìn xuống cái giỏ đựng các sách bìa giấy, nhặt lên một quyển.


Anh nghĩ, “Tôi biết sách nầy thuộc về loại gì rồi.” Anh biết loại sách nhỏ mà ông cha anh thích sưu tầm. “Lúc nào bắt đầu cũng bằng một câu truyện hay rồi kết thúc bằng một bài học luân lý hay một bài giảng.” Anh định bụng sẽ đọc phần cốt truyện rồi bỏ phần kết thúc! Vì thế anh mang nó ra ngoài nhà kho để khỏi bị các cô em gái quấy rầy đòi bày đủ thứ trò chơi. Anh ngồi giữa đống thùng và chai lọ và bắt đầu đọc.
Nhưng anh không biết rằng đúng lúc ấy mẹ anh đang đi nghỉ hè cách đó hơn một trăm cây số đang quì gối cạnh giường và hết lòng cầu nguyện cho anh. Anh cũng không hay rằng sáu tuần trước đó, Amelia, em gái của anh, mười ba tuổi, đã quyết định sẽ cầu nguyện cho anh mỗi ngày ba lần cho đến khi ý niệm của anh về Thượng Đế được thay đổi. Đó là điều anh cần—thay đổi ý niệm về Thượng Đế. Anh đã từng bảo cô là anh không tin chắc lắm về Thượng Đế; cho nên tính tình anh trở nên gắt gởng! Anh không biết chắc có Thượng Đế hay không nữa! Không chắc có Thượng Đế! Cô Amelia thì tin chắc nơi Thượng Đế cho nên cô cảm thấy không thể để cho tình trạng của ông anh kéo dài được. Cô cũng biết rằng những lý lẽ của cô ta dù có khả năng thuyết phục hay vững chắc đến đâu đi nữa cũng chẳng lay chuyển nổi ông anh cho nên cô kết luận rằng chỉ có một mình Chúa mới có thể thay đổi ý kiến anh mà thôi. Vì thế mà cô quyết định cầu nguyện cho anh ba lần một ngày cho đến khi có kết quả. Cô còn ghi cả quyết định ấy vào nhật ký. Đàng sau các lọn tóc cuốn bồng bềnh và áo quần lượt là, Amelia là một thiếu nữ trẻ cương nghị, và cô cầu nguyện ba lần một ngày thật!
Anh không hề biết những chuyện ấy đang khi anh ngồi trong kho hàng và đọc quyển sách nhỏ. Nhờ quyển sách ấy mà anh ta hoàn toàn thay đổi quan điểm về cuộc đời. Bỗng nhiên và bất ngờ mà giờ đây anh hiểu ra rằng những gì anh đã học về Thượng Đế và về Chúa Giê-xu từ lúc còn thơ ấu là thật. Thượng Đế có thật. Chúa Cứu Thế Giê-xu là Con Thượng Đế và đã chịu chết vì tội nhân. Ngài đã sống lại và hiện đang sống trên thiên đàng. Ngài nhìn thấy mọi việc trên đất—Ngài thấy anh đang ngồi trong nhà kho! Ngài đã chết vì tội lỗi của cả thế gian—cho nên Ngài cũng chết vì tội lỗi của Hudson Taylor nữa. Ngài hứa ban sự sống đời đời cho những ai tin nhận Ngài, cho nên Ngài cũng hứa ban sự sống cho Hudson Taylor nữa. Ngài nghe lời cầu nguyện, vì thế Ngài cũng nghe lời cầu nguyện của Hudson Taylor! Thật là kỳ diệu vì đó là những điều anh đã nghe bao nhiêu lần trước đây mà bây giờ anh mới hiểu rõ! Sự hiểu biết đó khiến Hudson cảm thấy như tình cờ tìm được giải đáp cho một bài toán khó đã làm anh bối rối hàng giờ—đó là một cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng, và khoan khoái. Giờ đây mọi việc đã đổi khác. Cảm nghĩ nặng nề vì bất mãn, cảm giác khó chịu vì sợ rằng những gì mình làm bậy sẽ bị phơi bay, giờ đây biến mất. Anh cảm thấy được giải thoát. Anh sợ e những cảm giác ấy khó kéo dài được!
Nhưng chúng quả thật kéo dài. Ba năm rưỡi sau đó, đang khi ngồi cạnh ngọn lửa nổ lẹt đẹt trong lò sưởi, Hudson biết rằng những cảm giác ấy đã kéo dài. Những năm tháng trôi qua kể từ buổi chiều tháng sáu năm ấy không phải là thời gian êm đềm và dễ dàng. Thời gian ấy có những thử thách và khó khăn mà từ trước anh chưa hề trải qua. Nhưng cũng là thời gian anh cảm thấy thích thú vì dấn thân vào một lãnh vực anh chưa hề từng trải. Cái vui thích khi biết Chúa nghe lời cầu nguyện, và dẫn anh vào những lối đi mà tự anh không thể nào khám phá được khiến anh thích thú trăm lần hơn là chạy đua cùng đàn chó săn. Và anh biết bí quyết đơn giản để trút cái mặc cảm tội lỗi ấy. Anh chỉ cần làm điều anh cho là phải, và nếu anh vô tình làm điều gì quấy thì anh xưng tội với Chúa, đấng hứa tha tội cho anh nếu anh xưng tội! Thật vậy, cảm giác ấy quả có kéo dài!

Thời gian ở Barnsley qua nhanh, Hudson cảm thấy phải trở lại Luân đôn. Anh từ giã nơi ấm cúng thân mật và tình yêu của gia đình mà trong lòng không khỏi đau buồn. Anh bắt đầu cảm nhận được ý nghĩa của việc phải dấn thân trên đường đời một mình, và phải chịu đựng thiếu thốn mà không có sự nâng đỡ của những bạn đồng hành cùng chí hướng. Dù sao đó cũng là cách đào tạo anh trở nên mạnh mẽ và tự tin. Công tác truyền giáo tiền phong dành cho những người đàn ông nghị lực—chứ không phải cho những người yếu ớt, được nuông chiều đủ thứ! Từ nhỏ Hudson vốn yếu ớt nhưng anh nhất quyết làm một giáo sĩ tiền phong—cho nên anh phải trở nên một đàn ông nghị lực theo đúng nghĩa.

Lẽ dĩ nhiên cha mẹ anh rõ ràng là không mấy thích cái viễn ảnh anh trở thành một người có nghị lực bằng cách lại về với một thực đơn gồm táo, bánh mì nâu, và uống nước lạnh. Hai ông bà không tin rằng làm như thế mà anh trở nên có nghị lực được. Thậm chí Hudson cũng không mấy tin vào chuyện ấy! Cho nên thay vì ở nhà trọ tại Soho và tự mua lấy thức ăn, anh được thu xếp để làm phụ tá bác sĩ và ở chung trong gia đình họ. Anh bằng lòng việc xếp đặt ấy. Buổi sáng anh dự các giảng khoa ở bệnh viện, rồi giúp đỡ ông bác sĩ giải phẫu, tức chủ nhân của anh sau khi dùng cơm chiều đến chín giờ tối, sau đó thì anh hoàn toàn tự do—nghĩa là anh có thể ôn bài vở!

Cuộc sống anh dĩ nhiên khá vất vả nhưng anh vui thích. Được ăn ngon và có nơi ở thoải mái khiến anh lên tinh thần. Trong vòng sáu tháng không những anh thu thập được những kiến thức hữu ích về y khoa và kinh nghiệm về bản chất con người, mà anh còn nhận thấy một điều ích lợi hơn nhiều—là sự giúp đỡ của Chúa cho anh về mọi vấn đề anh cầu xin.


Một ví dụ điển hình là trường hợp của một bệnh nhân bị lở loét nơi chân. Ông ta nghiện rượu nặng, bây giờ đang nằm chờ chết mà không hay.
Hudson được cảnh cáo trước khi đến nhà thăm ông ấy rằng, “Nói về đạo với ông ta là vô ích. Ông ta là tay vô thần. Ông không bao giờ muốn nghe về đạo. Có lần chúng tôi nhờ một người đọc Kinh Thánh đến thăm ông ta, nhưng ông ta nổi giận đuổi người đó ra khỏi phòng.” Linh mục giáo xứ cũng có đến thăm ông. Tuy nhiên ông ta phải ra về trong cảnh lúng túng vì người ông ấy nổi giận chỉ cho phép linh mục tới gần để nhổ vào mặt ông ta mà thôi! Hudson cảm thấy mình chẳng khác nào người đấu với thú dữ sắp ra đấu trường khi lần đầu tiên đến thăm để băng bó chân cho ông ta. Anh cảm thấy phải nói cho ông ta biết rằng Chúa sẵn sàng tha thứ tội lỗi ông, và bằng lòng tiếp nhận ông như người con trai phóng đãng được cha tiếp đón. Đằng nào thì ông ta cũng gần chết rồi! Nếu không có Chúa thì ông ta còn hi vọng gì ở đời nầy hay đời sau đâu? Hudson quyết định tìm dịp thuận tiện để khơi mào vấn đề quan trọng ấy. Nếu thái độ hung hăng và bạo ngược của ông ta không có dấu hiệu thay đổi thì nêu lên chuyện ấy sẽ gây ra rắc rối nhiều hơn là có lợi. Trong nhiều ngày, Hudson băng bó chân cho ông ta hết sức cẩn thận và không đá động gì đến vấn đề tôn giáo cả. Nhưng lúc nào anh cũng nghĩ đến ông ấy. Anh cảm thấy có trách nhiệm với ông ta và nhiều lần trong ngày, Hudson cầu nguyện cho ông. “Hãy tập huy động người khác qua sự cầu nguyện.” Nếu lời cầu nguyện của anh để làm mềm mại những người cứng lòng không linh nghiệm bên Anh thì làm sao linh nghiệm bên Tàu?

Dần dần thái độ người ấy thay đổi. Sự thay đổi trước hết là thái độ ông ta đối với Hudson. Người sinh viên y khoa trẻ tuổi băng bó chân ông ta thận trọng và khéo léo đến nỗi ông bớt đau nhiều nên ông rất cám ơn Hudson. Ông nói ra như thế. Hudson nghĩ, bây giờ là đúng dịp tiện anh đang chờ từ lâu nay. Anh giải thích cho người kia biết rằng anh đã nhờ cậy Chúa như thế nào để Ngài giúp anh trong ngành y khoa rồi anh nói tiếp đến vấn đề mọi người cần sự thương xót và tha thứ của Chúa.

Nếu Hudson là người đọc Thánh Kinh hay vị linh mục thì chắc chắn anh cũng chung số phận như hai người kia! Tuy nhiên vì anh là bác sĩ, có thể làm cho bớt đau, cho nên ông ta nén giận, chỉ bày tỏ sự bực tức của ông bằng cách quay lưng lại không nói tiếng nào và cứ nằm mãi như thế, hướng mặt vào tường cho đến khi Hudson ra về! Không có dấu hiệu đáng khích lệ nào nhưng ít ra nó cũng là triệu chứng tốt. Hôm sau Hudson lại nêu lên vấn đề tôn giáo, lại cũng gặp phản ứng như trước. Cho nên sau nhiều lần thăm ông ta, Hudson bắt đầu xuống tinh thần. Có ích gì mà tiếp tục như thế nầy không? Có lẽ là không. Một ngày nọ anh cảm thấy chán nản và sốt ruột về ông ta, là người mặc dù nóng tính, vẫn vương vấn trong lòng anh đến nỗi anh cảm thấy có cái gì dâng lên trong cổ họng anh và anh bật khóc.

Anh kêu lên, “Bạn ơi, xin nghe đây.” Vừa nói anh đi về phía giường người bệnh. “Ôi, ước gì anh cho phép tôi cầu nguyện với anh!” Hudson nói giọng run run, và nghĩ rằng ông ta sẽ quay lưng đi như trước. Nhưng không. Ông ta ngạc nhiên nhìn vị bác sĩ chịu vất vả quá sức, và thấy rõ ràng như có cái gì làm ông bác sĩ bực dọc. Ông bảo:


“Nếu cầu nguyện làm cho ông bớt bực dọc thì ông cứ cầu nguyện đi!”

Nói như thế cũng chẳng phải là lời mời mọc gì sốt sắng cho lắm nhưng Hudson đâu có cần gì hơn nữa. Anh quì gối, nhắm mắt và cầu nguyện lớn tiếng. Anh cầu xin Chúa mở mắt người ấy và tỏ cho ông ta biêt Ngài thực hữu, và rằng Chúa Giê-xu đã chết để cứu ông ta khỏi sự trừng phạt ông ta đáng phải lãnh vì tội lỗi mình, và ông sẽ được tha tội nếu ông xin Ngài. Ông ta nằm lặng yên, và mặc dù không nói tiếng nào nhưng rõ ràng đó là khúc quanh trong đời ông. Ông ta không còn quay lưng đi khi Hudson làm chứng cho ông về Chúa. Ông nhận ra rằng những gì anh thanh niên trẻ tuổi nầy nói với ông nhiều lần là thật. Và nếu những điều ấy là thật thì tại sao ông lại không tin? Tại sao không...? Cho nên một ngày nọ Hudson rời phòng của bệnh nhân mình mà cảm thấy sung sướng như đi trên mây. Một ông già cay đắng, cứng lòng, trong bốn mươi năm chưa hề đặt chân đến nhà thờ, chỉ bước vào nhà thờ có một lần để làm lễ cưới, bây giờ đang nằm trên giường, đôi mắt cung kính nhắm lại, tập cầu nguyện cùng Chúa mình.


Chương 6

BỊ BÃO GIỮA BIỂN


Con tàu bắt đầu chuyển động. Chiếc cầu nối với bến đã được kéo lên tàu sau khi anh thủy thủ vui tính, người cuối cùng rời bến, đã nhảy lên tàu. Giờ đây con tàu từ từ tách bến. Hudson đứng một mình trên bong tàu, vẫy tay từ biệt nhóm người đang đứng nhìn anh lên đường. Mắt anh nhìn đăm đăm bà mẹ anh. Một người mẹ nhỏ bé, yêu dấu, dịu dàng, và dũng cảm! Bà cố gắng hết sức để tỏ ra can đảm, nhưng khi bà xuống thăm phòng anh dưới tàu và vuốt thẳng khăn trải giường ngủ anh, thì anh chợt thấy những dòng nước mắt chảy xuống má bà. Giờ đây bà vội ngồi trên một khúc gỗ cũ, trông như bà sắp ngất đi. Hudson đã chạy xuống gặp bà qua chiếc cầu nối và ôm mẹ lần cuối để trấn an bà.

Anh bảo, ‘Mẹ ơi, mẹ đừng khóc. Chỉ một thời gian ngắn thôi con và mẹ sẽ gặp nhau lại.” Nhưng rồi anh phải vội vã chia tay bà và chạy trở lên tàu. Bây giờ thì bà đứng dậy, chiếc váy của bà bồng bềnh trong gió, lấy khăn tay vẫy chào con mình. Hudson không muốn khuất bóng mẹ nên liền quay người và trèo lên cột buồm để nhìn rõ hơn. Đứng giữa các dây thừng lắc lư, một tay anh nắm chặt dây thừng, một tay anh vẫy nón thật mạnh. Có lẽ làm như thế sẽ giục lòng bà mẹ anh! Cao trên đỉnh đầu anh là các cánh buồm đang phất phới trong gió, các cột buồm kêu kẽo kẹt trong khi con tàu tiến về cửa bến. Hình ảnh của người mẹ yêu dấu trên bến nhỏ dần, nhỏ dần, rồi chiếc khăn tay vẫy vẫy cũng dần dần trở thành nhỏ xíu...

“Ô-i-i” Hudson thôi vẫy khi nghe tiếng rú lên. Đó là tiếng rú của mẹ anh. Giờ đây con tàu đã qua cửa bến, hướng về biển khơi, mang theo đứa con trai duy nhất của bà đến Trung Hoa, một vùng đất xa lạ, ít ai biết tới! Thật là cảnh vĩnh biệt! Nỗi đau buồn của tiếng rú ấy đâm vào lòng Hudson như dao nhọn. Bà đang thiệt mất một điều gì lớn lao! Bà còn đau lòng nhiều hơn anh nữa! Cổ họng anh như có vật gì dâng lên làm anh nghẹn ngào.

Con tàu dần dần tăng tốc độ. Anh không còn trông rõ những bóng người nhỏ xíu đang đứng ở cuối bến tàu. Anh ráng hết sức để nhìn qua lớp sương mù cho đến khi anh không còn thấy ai nữa. Anh từ từ ngồi xuống trên bong tàu, tiếng rú của mẹ vẫn còn văng vẳng bên tai anh. Một ý nghĩ tràn ngập óc anh. Nếu mẹ anh cảm thấy mất mát như thế khi nhìn anh đi Trung Hoa thì Thượng Đế cảm thấy mất mát như thế nào lúc Ngài phải chia tay với Con Ngài, khi Chúa Giê-xu đến thế gian để chết cho tội lỗi loài người? Phải chăng Thượng Đế cũng là Cha? Phải chăng Chúa Giê-xu là “Con Một của Ngài”? Hình như cái cảm giác về sự hi sinh trong việc chia tay giữa anh với mẹ anh mang anh lại gần Chúa hơn, hiểu được tình yêu của Ngài nhiều hơn. Thượng Đế yêu thương, cho nên chắc hẳn Ngài cũng hiểu nỗi khổ nầy của anh nữa. Hudson cảm thấy được thêm sức một cách kỳ lạ giữa cảnh đau lòng trong khi anh đi xuống buồng anh trên tàu.

Anh là người hành khách duy nhất trên chiếc tàu Dumfries, một chiếc tàu buồm nhỏ, trọng tải chỉ có 470 tấn. Người ta cho anh biết là phải năm hay sáu tháng nữa tàu mới cập bến Thượng hải. Vào năm 1863 chưa có kênh đào Suez để đi đến vùng Viễn Đông cho gần, vì thế chiếc thuyền nhỏ ấy phải vất vả với sóng gió đi vòng mũi Hảo Vọng Giác ở Nam Phi, chống chọi lại các trận cuồng phong của Thái bình dương trước khi đến đích. Quả là một cuộc hành trình dài trên biển, một cuộc hành trình tạo cho anh nỗi nguy hiểm và thích thú trong vòng mười ngày nhưng đủ để kéo dài trong lòng anh suốt cuộc hải hành! Chiếc Dumfries vừa mới vào eo biển Ái-nhĩ-lan thì đã phải gặp bão. Suốt mấy ngày chiếc tàu bị biển vùi dập như nút chai bị xô đẩy theo sức gió. Hudson chưa bao giờ trải qua những kinh nghiệm như thế cho nên anh vội vàng điều chỉnh lại những ý nghĩ trước kia của anh về cuộc sống thơ mộng của thủy thủ. Các cột buồm kêu kẽo kẹt như rên rỉ, nước biển tràn vào trong buồng tàu, áo quần anh cảm thấy ẩm ướt và rít rắm. Ngày đêm trôi qua, trận bão hình như dữ tợn thêm cho đến chiều Chúa nhật thì biển trở thành cao ngất như núi.

Hudson lảo đảo bước lên sàn tàu, tay bám chặt vào hông tàu và nhìn quang cảnh hãi hùng. Mặt biển trắng xóa, các lượn sóng ào tới liên tiếp cho đến khi chúng như cao ngất như những vách đá đáng sợ so với chiếc tàu Dumfries nhỏ bé trong khi chiếc tàu đang lảo đảo vào chỗ xoáy nước. Lúc có vẻ như tàu hụp xuống nước thì nó lại nghiêng qua một bên thật nguy hiểm. Hudson, chân đang trượt trên sàn tàu trơn, không đứng vững được cho đến khi chiếc tàu nhô lên khỏi vách nước rồi lại hụp xuống khi sóng tràn tới. Nhìn vào mặt biển đang giông tố, anh thấy bên hông tàu có một chiếc thuyền lớn, cũng đang bị sóng dập và một chiếc tàu nhỏ khác. Tất cả đều vô vọng. Anh tự nghĩ nếu sóng lớn xô các chiếc tàu ấy vào nhau thì chắc là chết hết!

Viên thuyền trưởng đứng cạnh anh, gương mặt cả quyết nhưng đăm chiêu. Ông bảo chưa bao giờ ông thấy biển hung hăng như thế.

Ông nghiêm giọng bảo, “Nếu Chúa không giúp thì chẳng có hi vọng gì.”

Hudson hỏi, “Chúng ta cách bờ biển Ái-nhĩ-lan bao xa?” Bờ biển Ái-nhĩ-lan rất nguy hiểm vì các mỏm đá nhô ra biển!
“Khoảng hai mươi hay hai mươi lăm cây số...” Nhưng con tàu đang trôi giạt về hướng đó vì bị gió Tây đẩy. “Chúng ta phải giương nhiều buồm lên. Càng nhiều buồm giương lên thì chúng ta càng ít bị thổi giạt. Cầu trời cho các cột buồm chịu nổi...” Nếu chúng bị gãy dưới sức gió thì sao? Nhưng cũng phải liều. Mạng sống của mọi người đang lâm nguy. Viên thuyền trưởng ra lệnh giương hai cánh buồm nữa.

Chiếc tàu lao tới, nhanh hơn bao giờ hết vì sức gió thổi vào buồm. Nó nghiêng qua một bên, lại bị sóng tràn vào bên kia. Chiều dần đến, mặt trời khuất sau rặng mây. Hudson quan sát quang cảnh mà lòng lo ngại.


Anh thầm nghĩ, “Ngày mai mặt trời lại mọc như thường,” vừa hình dung trong đầu. “Nhưng nếu không có phép lạ thì ngày mai chắc chiếc tàu nầy sẽ chỉ còn có mấy tấm ván bể trôi lềnh bềnh trên sóng nước...” Gia đình anh sẽ buồn biết bao nhiêu nếu anh bị chết đuối trên biển! Và số tiền mà Cơ quan Truyền giáo Trung Hoa chi cho anh để sắm quần áo và mua vé tàu xem như bỏ! Và anh sẽ cảm thấy thế nào sau khi chiến đấu với các luồng sóng hung hăng rồi để chúng chụp phủ trên đầu anh? Quả là một ý nghĩ bi thảm. Hudson cảm thấy lạnh, cô đơn và sợ hãi khi bóng tối chụp xuống giữa các luồng sóng gầm thét và các tia nước đập vào mặt anh. Anh lần mò đến cầu thang để xuống phòng anh ở bên dưới sàn tàu. Anh tìm được quyển thánh ca và Kinh Thánh, anh ngồi trên giường và bắt đầu đọc.

“Lòng các con chớ lo âu; hãy tin Thượng Đế, và hãy tin ta nữa...” Trong câu ấy có một cái gì trấn an đến nỗi Hudson cũng cảm thấy vững tâm. Anh tiếp tục đọc, ít lâu sau, mắt anh mỏi vì đọc trong ánh sáng lung linh của ngọn đèn dầu, anh ngả lưng trên giường và ngủ thiếp đi.

Khi anh tỉnh dậy thì có lẽ đã gần nửa đêm. Chiếc tàu hãy còn dao động mạnh, gió bão hãy còn gầm thét. Anh không biết hiện thời chiếc tàu cách bờ và các mỏm đá nguy hiểm ấy bao xa? Hudson bước lên bong tàu trở lại. Nhìn qua làn nước lóng lánh dưới ánh trăng, anh thấy trước mặt có ánh đèn. Đó là đèn của ngọn hải đăng Holyhead, báo cho các tàu bè biết là chúng đang tới quá gần ngọn hải đăng. Hải đăng Holyhead—và các mỏm đá...

Anh hỏi to cùng viên thuyền trưởng, “Mình tránh được ngọn hải đăng ấy không?” Tiếng la của anh gần như bị luồng gió mang đi mất.

“Nếu chúng ta không bị dạt thì tránh được,” ông thuyền trưởng trả lời lớn tiếng lại. “Nhưng nếu chúng ta bị giạt thì chỉ có trời mới cứu chúng ta được thôi...”

Và chiếc tàu bị giạt thật. Họ nhìn một cách tuyệt vọng tia sáng mà chiếc tàu càng lúc càng tới gần. Với độ dạt nầy thì bao giờ chúng ta đụng ngọn hải đăng?


Hudson hỏi lớn, “Mình còn được hai tiếng đồng hồ không?” Có tiếng trả lời là chắc không lâu như thế. Không đến hai giờ đồng hồ...

Hudson xuống phòng của anh trở lại, nước mắt anh bắt đầu chảy xuống khỏi khoé mắt khi anh nghĩ đến cha, mẹ, và các cô em gái. Sẽ không bao giờ anh còn gặp họ trên đất nầy nữa. Họ sẽ buồn bã ra sao vì không biết số phận anh như thế nào khi tàu chìm. Anh rút ra một quyển sổ nhỏ và cẩn thận ghi tên và địa chỉ của anh. Anh nghĩ nếu người ta tìm được xác anh thì người ta sẽ nhận ra anh. Chuẩn bị xong chuyện ấy thì anh liền nhìn quanh quất để tìm một vật gì để bám vào khỏi chết đuối. Anh chưa tuyệt vọng. Nhìn thấy một cải giỏ đựng áo quần mà anh tin là có thể nổi trên nước, anh mang nó lên bong tàu, và dự định sẽ ôm chặt lấy nó khi tàu chìm. Anh bỏ một ít món đồ vào đó mà anh hi vọng sẽ hữu dụng nếu anh may mắn tấp vào đất liền. Xong anh mang chúng lên bong tàu.


Suốt thời gian ấy anh thầm nguyện trong lòng. Anh không thể cầu nguyện cho có mạch lạc vì quá rối trí. Bên trong lòng anh câm lặng khẩn cầu Chúa, Cha của anh trên trời, để Ngài cứu họ. Anh nhìn vào mặt biển thấy bọt trắng xóa dưới ánh trăng sáng. Trước mặt con tàu vài trăm trước hình như là đất liền và các mỏm đá.

Anh hỏi viên thuyền trưởng, “Các thuyền cấp cứu có thể nào chịu nổi sóng gió như thế nầy không” vì anh lấy làm ngạc nhiên tại sao họ chưa cho hạ thuyền cứu cấp xuống.

“Không được...”

Hudson đề nghị, “Mình có thể cột một vài thanh gỗ rồi ráp lại thành bè được không?”

“Không đủ thì giờ...” Viên thuyền trưởng bỗng nhiên bước đi, dường như ông ta đã quyết định điều gì.

“Chúng ta sẽ thử cho mũi thuyền quay lại, nếu không nó sẽ lật úp” ông ta bảo thế. Hình như chiếc tàu đang đi thẳng vào đất liền ngay trước mặt. “Chúng ta phải cố gắng...nếu không sóng biển sẽ tràn qua bong tàu khi chúng ta quay mũi, đùa chúng ta xuống biển hết...Nhưng chúng ta phải thư xem sao!” Rồi ông ra lệnh. Nỗ lực quay mũi thuyền đi ra khơi không có kết quả. Sức gió và sóng biển quá mạnh. Tuyệt vọng, viên thuyền trưởng cho quay mũi thuyền sang phía bên kia. Làm như thế tức là mang chiếc tàu gần các mỏm đá hơn, rất nguy hiểm. Nhưng hi vọng với sức gió thổi vào các cánh buồm, chiếc tàu có thể tránh được các mỏm đá. Mọi người chăm chú nhìn vào các mỏm đá mà sóng biển đang đập vào trắng xóa, nước tung lên cao đến mấy thước. Chiếc tàu tránh được đá không? Chúng chỉ cách tàu bằng khoảng hai chiều dài của con tàu thôi. Nếu con tàu nhỏ ấy không giữ được phương hướng thì trong vòng mấy phút nữa sóng sẽ xô nó đập vào các mỏm đá, vỡ tan tành. Hudson nín thở theo dõi, tay bám chặt vào các dây cột buồm trong khi chiếc tàu chòng chành chống lại sóng cả. Chiếc tàu tránh được mỏm đá rồi! Thoát rồi! Bây giờ chỉ làm sao cố gắng ra khơi, tránh bờ biển nguy hiểm ấy là thoát nạn.

Rồi phép lạ xảy ra. Luồng gió từ trước vẫn đập không ngưng vào thuyền tự nhiên chuyển hướng thuận lợi cho chiếc tàu. Thật ra sự chuyển hướng chỉ nhỏ vài độ thôi nhưng cũng đủ mang tàu ra xa khỏi bờ biển. Sáng thứ hai khi mặt trời mọc lên thì ánh nắng không phải chiếu vào các mảnh gỗ bể vụn như Hudson lo ngại, mà chiếu xuống một chiếc tàu nhỏ, buồm giương lên hùng dũng, hướng ra biển khơi!



tải về 0.86 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương