KHÁi niệm về BỒ TÁt quán thế ÂM (Lý Thuyết Và Thực Hành)


Huấn luyện lòng từ bi ngang qua việc tu tập thiền định



tải về 0.83 Mb.
trang25/27
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.83 Mb.
#13200
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   27

Huấn luyện lòng từ bi ngang qua việc tu tập thiền định


Như người ta thường nói, mọi thành tựu mang tính sáng tạo luôn luôn là kết quả của một sự kiên nhẫn phi thường và một sự tập trung cao độ. Mọi sáng tạo, có thể là công trình khoa học, nghệ thuật, âm nhạc v.v..., đều là sản phẩm của sự tập trung (thiền định) tột cùng. Tất nhiên, trong lãnh vực chứng đắc tâm linh việc này lại rõ ràng hơn. Sự kiện chứng ngộ độc đáo, vô song của Ðức Phật Gotama (Cù Ðàm) dưới cội cây Bồ Ðề (Bodhi) tại Bồ đề đạo tràng (Boghayà) sau 49 ngày đêm thực hành thiền định có thể được xem như là một biểu mẫu cụ thể và hùng hồn nhất cho sự thật đó. Ðiều quan trọng hơn nữa mà chúng ta cần phải lưu ý ở đây là vai trò của mettà-karunà (từ bi) trong quá trình tu tập thiền định. Theo kinh Bộ Tương Ưng, nếu một hành giả tu tập bảy chi phần của thánh đạo (thất giác chi) cùng với bốn thứ tâm vô lượng (tứ vô lượng tâm), tức mettà (từ), karunà (bi), mudita (hỷ) và upeka (xả), vị ấy có thể dễ dàng thành tựu các cấp độ thiền định hơn người chỉ tu tập bảy chi phần thánh đạo. Quả thật, qua việc tu tập tứ vô lượng tâm một cách đúng đắng người ta có thể chứng đắc giải thoát sau cùng như được diễn tả trong kinh Trung Bộ:

“Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai,... phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân...

Vị ấy biết: “Có cái này, có cái hạ liệt, có cái cao thượng, có sự giải thoát vượt qua các tưởng. Do vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát được khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã giải thoát, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái này nữa.”

Cũng giống như đời sống tâm linh, sự tu dưỡng về cái nhìn từ bi ngang qua thực tập thiền định được tin là có một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của quần chúng. Như mọi người thường công nhận khái ái, sân hận và ngu dốt là ba cội rễ chính của mọi khổ đau, trắc trở đối với con người; và chúng chỉ hiện hữu và tồn tại trong cái tâm hẹp hòi, ích kỷ và hiểm ác. Tuy nhiên, những thứ ấy có thể từng bước được loại trừ khi nào ý niệm từ bi xuất hiện trong tâm thức người ta. Nói khác đi, tư tưởng từ bi chắc chắn sẽ khiến cho phiền não, lậu hoặc biến mất trong tâm thức con người. Trong ý nghĩa đó, rõ ràng ý tưởng từ bi có thể đem lại an lạc và hạnh phúc cho cả đời sống tôn giáo và xã hội nếu như chủ ý hay tác ý chính của hành động (nghiệp) thật sự được lèo lái bởi việc thiền quán về từ bi.

---o0o---

Huấn luyện cái nhìn trí tuệ hay cái nhìn Quán Thế Âm


Có lẽ sẽ không có gì sai khi chúng ta nói rằng nếp sống của con người luôn luôn tùy thuộc vào cấp độ về cái nhìn của người ấy. Quan điểm này hy vọng sẽ trở nên rõ ràng hơn ngang qua ý nghĩa của câu danh ngôn Việt Nam: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Như thế, do vì cái nhìn buồn rầu, sầu muộn của con người khiến cảnh vật chung quanh người ấy mang khoác một màu sắc ảm đạm tương tự. Nói cách khác, chính tự ngã của một người đưa người ấy đến trạng thái hạnh phúc hay sầu muộn. Nhưng bản chất thật của tự ngã ấy là gì? Theo Phật giáo, đó là một sự kết hợp của năm thành tố được gọi năm uẩn hay năm nhóm, bao gồm sắc (vật chất), cảm thọ, tưởng, hành (tri giác), và thức. Khi năm thành tố này nối kết lại với nhau, nó được gọi là “cá nhân”, “tôi”, “chúng sanh”, v.v... Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy được bất cứ một cái ngã bất biến thường hằng nào trong sự phối hợp như thế, và dĩ nhiên ngay cả trong từng chi phần của chúng. Vì thế nên Ðức Phật đã dạy như sau “Tất cả pháp hữu vi (tức những thứ tồn tại có điều kiện – all   conditioned things) là vô thường (sabbe samakhàrà anicà); tất cả các pháp hữu vi là khổ (sabbe samakhàrà dukkhà); và tất cả các pháp hữu vi là vô ngã (sabbe samakhàrà anttà)”. Như vậy, ngay tự thân năm uẩn hay năm nhóm này chỉ là các pháp hữu vi (sự vật tồn tại có điều kiện), vậy thì làm thế nào để chúng ta tìm ra một thực ngã trong các vật như thế? Trong thực tế, do không nhận thức được sự thật này, tức ngang qua việc nhận thức sau lầm về tự ngã, con người phải khổ đau trong vòng sinh tử, luân hồi.

Ngược lại, cái nhìn trí tuệ hay cái nhìn Quán Thế Âm có thể giúp con người nhận ra được thực chất của cuộc sống và của mọi sự vật với kết quả là tư tưởng và cảm giác giải thoát sinh khởi và hiện hữu ngay trong đời sống của họ, tại đây và bây giờ. Tuy nhiên, “Cái nhìn là gì? Cái nhìn trí tuệ hay cái nhìn Quán Thế Âm là gì?”

Như người ta thường hiểu, “nhìn là cái thấy với sự hiện diện của ý thức”; hay nói khác đi, tâm nhìn sự vật ngang qua nhãn căn (con mắt). Ngang qua lập luận trên chúng ta có thể nói rằng tâm nhìn sự vật ngang qua nhĩ căn (lỗ tai), tỉ căn (lỗ mũi), thiệt căn (lưỡi), thân căn (thân thể) và ý căn (thức). Với ý nghĩa trên của cái nhìn, định nghĩa cái nhìn liên hệ đến thuật ngữ Avalokitesvara (như được chỉ rõ trong Chương IV) có thể được gợi ý là “vị lắng nghe tiếng nói của cuộc đời”. Sự gợi ý này rõ ràng có tương quan mật thiết với sự chuyển dịch thường thấy của ngôn ngữ Trung Hoa, đó là Quán Thế Âm. Tất nhiên, ở đây người ta có thể thắc mắc rằng “cuộc đời đang nói cái gì? Hay các pháp hiện hữu đang nói cái gì?” Hoa nở để rồi tàn; trăng tròn để rồi khuyết; mây tụ để rồi tán v.v... Rõ ràng, mọi sự vật đang nói tiếng nói vô thường, khổ và vô ngã; nghĩa là chúng đang nói về ba đặc tánh chân thật (tam pháp ấn) của tất cả pháp hữu vi. Do đó, bất cứ ai có thể lắng nghe được những tiếng nói ấy như thật, người ấy chắc chắn sẽ đi ra khỏi sự chấp thủ về một cái ngã sai lầm. Không có các “ý tưởng về “tôi”, “của tôi”, “và tự ngã của tôi” trong tâm thức con người, hiển nhiên khổ đau cũng không có nơi trú ẩn. Ðây là những gì mà Ðức Phật đã dạy trong bài Bát Nhã Tâm Kinh:

“Trong khi trầm tư sâu xa vào trong sự toàn thiện của trí tuệ (prajnàparamità) và nhận thức được năm uẩn (tức sắc, thọ tưởng, hành, và thức) là không có tự ngã, Bồ Tát Avalokitesvara (Quán Thế Âm) vượt qua được tất cả chướng ngại và khổ ách”

(Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến giai không độ nhất thiết khổ ách).

Hoặc,


“Sắc ví với bọt nước,

Thọ ví bong bóng nước,

Tưởng ví ráng mặt trời,

Hành ví như cây chuối,

Thức ví với ảo thuật,

Ðấng bà con mặt trời,

Ðã thuyết giảng như vậy”

Ngang qua phương pháp tuệ quán (cái nhìn trí tuệ) ở trên, hiển nhiên tâm giải thoát và trí tuệ giải thoát có thể được mong chờ như là hệ quả của nó qua lời tuyên bố sau đây của Ðức Phật:

“Thấy vậy, này các Tỷ kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với hành... nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: ‘Ta đã giải thoát... không còn trở lui trạng thái này nữa’.”

Như thế, xuyên qua việc huấn luyện cái nhìn Quán Thế Âm (Avalokitesvara), hay nói một cách chính xác hơn ngang qua tuệ quán (cái nhìn trí tuệ vipassanà) hành giả có thể nhận chân được sự thật của mọi sự vật, đó là vô thường, khổ và vô ngã. Nhờ vậy, sự chứng ngộ chân lý sẽ sinh khởi trong tâm thức của người ấy như thể họ đang được Bồ Tát Quán Thế Âm gia hộ, và làm cho họ có thể cảm nghiệm được hạnh phúc và giải thoát mà không hề có chấp thủ. Trong thực tế, đây không chỉ là mục tiêu cao nhất của lý tưởng Bồ Tát nói chung, và giáo lý Quán Thế Âm nói riêng, mà còn là trí tuệ độc đáo, vô song mà ngang qua đó Ðức Phật đã chứng ngộ chân lý tối hậu, tức giáo lý Duyên Sinh (Pratityasamutpàda), và tuyên bố chứng đắc Phật quả. Do đó, không hề do dự người ta có thể nói rằng mục tiêu này là nơi hội tụ thật sự của cả hai hệ thống giáo lý Phật giáo, tức Phật giáo Nam Truyền hay Thượng Tọa Bộ và Phật giáo Bắc Truyền hay Phát Triển. Ðây cũng chính là phương pháp tu tập chủ đạo của tín đồ Phật giáo:

“Do vậy, hãy nhìn các pháp hữu vi,

Như là ngọn đèn, là huyển cảnh, là vì sao,

Như trò ảo thuật, như hạt sương, bọt nước,

Như giấc mộng, như ánh chớp, đám mây.”

“Hãy nhìn như bọt nước,



Hãy nhìn như huyển cảnh,

Quán nhìn đời như vậy,

Thần chết không bắt gặp.”

 

---o0o---




tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương