Gordon Livingston



tải về 0.56 Mb.
trang6/9
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.56 Mb.
#31218
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Gordon Livingston

Già quá sớm, khôn quá muộn

Dịch giả: Đỗ Thu Hà

Chương 18

Không có gì vô ích và thông thường hơn là làm những điều tương tự mà lại mong đợi có kết quả khác nhau


Lỗi lầm là hậu quả của con người và là yếu tố cấu thành – một nhân tố quan trọng của việc thử nghiệm và học từ lỗi của chính mình. Một vài lỗi lầm có những hậu quả lâu dài hơn những lỗi khác, một số ít không thể nào sửa chữa được. Cái làm người ta điên tiết nhất là những kinh nghiệm tạo ra những lỗi lầm lặp đi lặp lại. Hiện tượng này đặc biệt rõ ràng trong cái cách mà mọi người lựa chọn người sẽ trở nên thân thiết đối với mình. Một người nào đó đã gợi ý rằng cuộc hôn nhân lần thứ hai chứng tỏ thắng lợi của niềm hy vọng vượt lên trên kinh nghiệm. Người ta có thể mong đợi trong tâm khảm rằng những bài học đã được học trong cuộc hôn nhân thứ nhất sẽ làm cho quá trình lựa chọn cuộc hôn nhân thứ hai tốt hơn. Lạy trời, tỉ lệ thất bại của những cuộc hôn nhân sau thậm chí còn vượt hơn 50 % so với những may rủi lần đầu chúng ta đám đương đầu với hôn nhân khi còn trẻ!


Thực tế nằm sau những con số này là chúng ta có xu hướng giống hệt như chúng ta khi chúng ta trước đây, cả về nhân sinh quan lẫn hành vi cư xử, vào lúc bốn mươi hay lúc hai mươi. Điều này không có nghĩa là chúng ta không học được gì trong những năm tháng đã qua. Trong thực tế, hầu hết mọi người học xong vào giai đoạn này và trở nên thành công hơn trong nghề nghiệp. Chúng ta chỉ chưa đạt được cái nhìn nội tâm đầy đủ về việc chúng ta là ai và tại sao chúng ta lại chọn những người mà chúng ta chọn.
Quá trình học tập bao gồm không nhiều lắm nhưng câu trả lời mang tính tích luỹ như làm thế nào có thể đưa ra những câu hỏi đứng đắn. Đây là lý do tại sao việc trị liệu về tâm lý lại có hình thức những bản khai Hỏi và Đáp. Điều này không phải là một trò khéo như nhiều người nghĩ mà là do bác sĩ tâm lý tạo ra đề dẫn dắt khách hàng đi theo một hướng đã được biết trước. Nó hiện diện cho sự đồng khám phá một câu hỏi miêu tả những động cơ và mô hình hóa của tư duy và hành vi, luôn luôn cố gắng tạo ra sự kết nối giữa những ảnh hưởng trong quá khứ và những khái niệm trong hiện tại về việc chúng ta muốn cái gì và làm cách nào tốt nhất để đạt được nó.
Rất nhiều, và có thể là nhiều nhất, hành vi của con người được những dự định của anh ta chèo lái mà chính anh ta cũng ít khi có ý thức về điều đó. Vì chúng ta thích nghĩ về bản thân mình như những người suy nghĩ có lô gích và hành động theo lẽ phải, sẽ là một trở ngại để nhận ra rằng rất nhiều điều trong thói quen cư xử của chúng ta là do những nhu cầu, khao khát và kinh nghiệm quyết định về những điều mà chúng ta chỉ mù mờ cảm thấy và có liên hệ với quá khứ của chúng ta, thường là từ thời thơ ấu.
Chẳng hạn như hành động hay quên thường có thể được hiểu là sự hiện diện trong vô thức của chúng ta về sự  nhận định của chúng ta về những tình huống xảy ra cuộc sống dù chúng ta có dự định hay không. Tại sao phòng mạch của các nha sĩ lại thường phải gọi điện cho các bệnh nhân của họ để nhắc nhở về cuộc hẹn? Đó là bởi vì việc đi đến chỗ nha sĩ thường gợi cho người ta những trải nghiệm không đáng hài lòng. Điều này là thông thường thôi, do đó, mọi người có xu hướng «quên» các cuộc hẹn của họ. Khi chúng ta quên những điều khác như: Ngày sinh nhật, lễ kỷ niệm hàng năm, tên, lời hứa. Cũng có thể có những trở ngại tiềm ẩn phía sau khiến chúng ta quên cái điều mà ta ngại thú nhận một cách cởi mở.
Cho nên chính chúng ta là người lựa chọn những người mà chúng ta sẽ sống cùng. Gần như tất cả mọi hành động của con người đều là một cách qua đó biểu lộ việc chúng ta nghĩ gì về bản thân. Có một vài hành vi có «tính trung hòa khi tự đánh giá». Tôi thường gợi ý cho bệnh nhân rằng tiêu chuẩn này có thể áp dụng với bất kỳ quyết định nào của họ trong cuộc sống. Điều này sẽ khiến cho tôi nghĩ như thế nào về bản thân? Đặc biệt là việc ở cùng người này sẽ làm cho tôi cảm thấy như thế nào? Chúng ta liệu có thể nói như nhân vật của Jack Nichoson trong cuốn «tốt hết mức có thể»: «Anh có thể làm cho tôi muốn trở thành một người tốt đẹp hơn hay không?».
Những lỗi lầm lặp đi lặp lại của chúng ta trong những tấn bi kịch của gia đình rất đáng chú ý nhất là khi  chúng được đóng đi đóng lại theo cách của những gợi ý được tập dượt nhiều lần. Câu hỏi thông thường nhất của tôi đối với một người mô tả một giai đoạn nào đó đang có xung đột về hôn nhân là «Anh đã nghĩ câu chuyện này sẽ đi đến đâu nếu anh nói ra điều đó?» Nếu truy tìm dấu vết ngay từ lúc khởi đầu. người ta có thể hầu như luôn luôn tìm ra trong bất kỳ một sự bất đồng nào một hướng nào đó, sự phê bình hay sự khinh miệt mà người còn lại đùng để phản ứng lại sự xung khắc có thể dự đoán được. Chẳng hạn gần đây người ta báo cáo rằng bệnh nhân đã đáp lại lời phàn nàn buổi sáng của vợ là: «Đừng có tru lên nữa!». Bạn có thể dự đoán là ngày hôm đó của họ đã qua đi một cách tồi tệ như thế nào. Khi được hỏi là tại sao một người có xu hướng tuôn ra một lời nói chắc chắn sẽ gây ra xung đột như vậy, câu trả lời hoá ra luôn là để tự vệ cho chính người nói: «Thế tôi không có quyền tự vệ hay sao?». Thật đáng ngạc nhiên là các mối quan hệ gần gũi nhất của chúng ta thường xuyên đến rồi đi, chúng giống như những cuộc đấu tranh giành quyền lực trong đó chúng ta trở thành những kẻ thù của nhau, chỉ có điều là chúng ta biết về nhau quá rõ. Cảm giác cùng chia xẻ số phận đã qua đi, thay thế cho một cuộc chiến xảy ra hàng ngày trong đó nguy cơ xuất hiện là sự sống sót của lòng tự trọng thường bị đe doạ bởi người mà chúng ta biết rõ nhất và gần gũi nhất. Ai là người muốn sống theo cách như vậy trong tình trạng căng thẳng và cạnh tranh tột độ vì những mục tiêu rất mơ hồ, thậm chí đối với cả những bên có liên quan?
Và thế là, khi người ta yêu cầu để ngừng đưa ra những lời bình luận vô bổ và xúc phạm lẫn nhau vốn là nguồn gốc xung đột trong hôn nhân, họ lại chuyển trách nhiệm từ bản thân họ sang người kia theo cách giải quyết các xung đột quốc tế, trong đó ai cũng muốn hoà bình nhưng không ai muốn là người đầu tiên ngừng gây chiến. Sợ rằng điều đó chỉ càng khiến cho họ dễ bị thương tổn hơn mà thôi.
Trong tình trạng như vậy, sự đa nghi thường bị người ta dùng sai và hiểu lầm. Điều này, rất tiếc, lại đúng với nhiều mối quan hệ. Cuộc tranh luận của tôi trong những hoàn cảnh như vậy thường rất đa dạng: «Bạn mất gì nếu thử như vậy?». Câu trả lời thường là: «Tôi phải cố gắng bao lâu chứ?», Hay có khi là câu hỏi: «Tại sao tôi lại phải sống với một người mà tôi không tin tưởng?». Nhưng hiếm khi người ta dám hỏi điều này bởi vì nó sẽ mang theo đủ loại lý do khiến người ta thường sống cộng sinh với nhau trong nhiều năm mà không có hạnh phúc như tiền bạc, con cái, sợ phải cô đơn và đôi khi đơn giản là do quán tính.
Sự thật đáng buồn là hầu hết mọi người có sự mong mỏi rất thấp về hạnh phúc. Điều đó giống như họ đã quen với ý nghĩ về việc chờ đợi một phép lạ -ông già tuyết sẽ giúp, hay chiếc răng cổ tích sẽ nâng đỡ cuộc sống của họ. Họ coi bất kỳ một niềm vui lâu dài nào như là những tư tưởng lãng mạn được ngành công nghiệp giải trí tạo ra chứ không có thật, hoặc không có sự thích ứng nào đối với cuộc sống của họ ngay cả khi họ có căn nhà trị giá hàng triệu đôla, hay máy bay phản lực riêng. Sự tan vỡ ảo tưởng này chính là một rào chắn chủ yếu cho những sự thay đổi bởi vì mọi người không mong đợi để đám liều lĩnh trong tình cảm của mình khi họ theo đuổi những mục đích mà họ nghĩ là không thể đạt tới.
Khuyến khích mọi người thay đổi là một sự chia sẻ hy vọng. Hầu hết mọi người chúng ta, dù họ có tính châm biếm hay đa nghi như thế nào vẫn có thể cải thiện trong cuộc sống riêng, mong đợi những điều tốt đẹp hơn cho con cái mình. Thường thì tôi khơi gợi sự khao khát đó để khuyến khích mọi người thử những điều mới. Đòn bẩy ở đây là niềm tin thông thường rằng trẻ em học hầu hết những điều chúng biết về cuộc sống từ việc quan sát cha mẹ chúng. Tôi thường dùng ý tưởng đó để cố thuyết phục họ thử nêu gương về sự tử tế, khoan dung và giải quyết các xung đột vì lợi ích và đại điện cho con cái.
Đây chính là nơi mà khái niệm về những hành vi bị lặp đi lặp lại dẫn đến những kết quả có thể báo trước. Hầu hết mọi người ít giác ngộ đầy đủ đối với các phương pháp có tính thử nghiệm, khái niệm về nguyên nhân và kết quả để đánh giá đúng rằng nếu như cái họ làm trong quá khứ sản sinh ra những kết quả không đáng hài lòng, một sự tiếp cận mới có thể đáng để người ta xem xét. Tôi khoanh vùng cuộc tranh luận này trong sự thực dụng hơn là mang tính lý thuyết: «Tôi không có câu trả lời có thể áp dụng cho mọi mối quan hệ; tôi tin vào những gì có hiệu quả. Nếu cái bạn đang làm không có tác dụng thì tại sao lại không thử cách khác?».


Gordon Livingston

Già quá sớm, khôn quá muộn

Dịch giả: Đỗ Thu Hà

Chương 19

Chạy trốn sự thật là vô ích


Năm bốn mươi ba tuổi, tôi đang phải theo một khoá huấn luyện về tâm lý học liệu pháp. Một ngày nọ, bác sĩ phân tích bảo tôi rằng tôi là con nuôi. Lúc đó, tôi đang nằm trên giường và trước đó ít ngày, tôi đã tham gia vào một hội nghị nơi có khá nhiều người trưởng thành nói chuyện về tìm kiếm những người đã sinh ra mình. Bác sĩ tâm lý hỏi tôi sẽ làm gì nếu tôi ở vào vị trí của họ, tôi đáp lại rằng chắc chắn là tôi sẽ đi tìm cha mẹ đẻ của mình và ông ta khuyên: «Hãy bắt đầu tìm kiếm đi!».


- Ông nói gì? Tôi là con nuôi sao?
- Phải!
- Làm sao mà ông biết được?
Ông ta biết là vì trong một khoá học tư về liệu pháp điều khiển hơi thở để thư giãn, bác sĩ tâm lý của vợ tôi đã tiến lại gần và hỏi ông ta rằng: «Tiến sĩ Livingston có biết ông ấy là con nuôi hay không?». Ông này trả lời: «Tôi không thấy ông ấy đề cập đến vấn đề đó».
Hoá ra là vợ tôi đã biết về vấn đề này nhiều năm trước đó qua câu chuyện của những bạn bè trong gia đình nhưng cô ấy cho rằng đó là quyền lựa chọn của cha mẹ tôi để bảo cho tôi biết hay là không. Cô ấy thảo luận việc ấy với họ và họ đã từ chối. Cho nên cô ấy kể cho bác sĩ tâm lý của cô ấy nghe, ông này kể cho bác sĩ của tôi và ông ấy tìm ra một cách là đưa sự thật ra theo cách đối thoại một chiều của khoá học tâm lý. Tôi luôn luôn biết ơn ông về việc có đủ can đảm để làm như vậy.
Vào lúc đó tôi cảm thấy tin này làm tôi khó xử. Cha mẹ tôi không bao giờ đề cập đến vấn đề này. Đôi khi tôi tự hỏi là tại sao cha tôi, một nghệ sĩ nhiếp ảnh mà lại không bao giờ chụp ảnh cho tôi trước một tuổi. Tôi cũng hơi băn khoăn về việc tại sao tôi sinh ra ở Memphis mà cha mẹ tôi lúc đó lại sống Ở Chicago. Cha tôi làm việc cho nhà nước và ông giải thích cho tôi rằng có đôi khi cha mẹ tôi đến Tennessee theo những nhiệm kỳ tạm thời. Giấy khai sinh của tôi, trong đó viết rằng tôi là con của họ, do đó rõ ràng là một lời nói dối.
Mẹ tôi chết trước khi tôi tìm ra nhân thân thực của mình một thời gian ngắn. Cuộc trò chuyện với cha tôi quả thực là khá khó khăn. Tôi phải lựa chọn giữa một bên là sự giận dữ vì bị lừa và lòng thông cảm với nỗi sợ của cha tôi rằng nếu tôi biết, tôi sẽ không còn giữ được tình cảm của tôi đối với cha như một đứa con đẻ thực thụ. Thật ra, tôi rất háo hức để tìm ra ai là bố mẹ đẻ của mình và cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ rằng tôi sẽ hơi khác cha tôi vì không cùng dòng giống. Tôi cảm thấy mình tự do và tò mò, một chút nhẹ lòng nữa. Cha tôi chỉ có thể nhớ một vài chi tiết về việc nhận con nuôi và thề rằng ông không biết tên thật của tôi. Lời tuyên bố này về sau hoá ra là một lời nói dối.
Tôi tới Memphis và tiếp xúc với một luật sư, người này thông qua sự hiểu biết về địa phương và những mối quan hệ cá nhân đã lấy được hồ sơ về việc nhận tôi làm con nuôi. Giấy tờ được toà án địa phương đóng dấu nhiều năm trước đây. Trên giấy tờ có tên tôi, David Alfred Faulk và tên mẹ đẻ ra tôi là Ruth. Hoá ra là người ta đã bỏ rơi tôi ở trại trẻ tại Tennessee, nơi có đường đây thực hiện việc mua bán trẻ em khét tiếng thông qua một viên chánh án xấu xa, ông ta cung cấp lệnh - nhiều khi là bất hợp pháp của toà án để cho phép đứa trẻ ra khỏi trại. Hãng này cung cấp trẻ em cho các bậc phụ huynh tiềm năng giàu có ở khắp đất nước. Tôi đã gọi điện cho cha tôi và hỏi xem ông đã trả bao nhiêu để được nhận tôi. Nhiều người băn khoăn là lũ trẻ đáng giá bao nhiêu? Nay tôi đã biết: 500$.
Người luật sư bảo tôi là hãy để công việc tìm kiếm cho ông ta lo. «Tôi không biết là ông sẽ tìm thấy gì. Một vài trong số những đứa trẻ này được sinh ra từ những nhà thương điên của nhà nước đấy». Tôi tìm ra rằng tôi có thể đương đầu với bất cứ cái gì và bất cứ ai mà tôi khám phá ra. Tôi cũng hiểu ra rằng biết thì tốt hơn là không biết.
Những người đầu tiên mà tôi tìm ra là các thành viên của gia đình đã giữ tôi vào năm đầu tiên của cuộc đời. Tôi chỉ có họ cho nên tôi bèn dùng đanh bạ điện thoại của Memphis để tìm ra nơi họ ở. Sau mười cú gọi và tôi luôn phải giải thích rằng tôi là ai, tôi nghe thấy người đàn ông ở đầu đây bên kia quay sang gọi một người nào đó: «Mẹ ơi, bố gọi này», mẹ nuôi tôi là một phụ nữ khoảng tám mươi tuổi,  khi tôi đến thăm, bà đã mang ra cho tôi xem một tấm ảnh được chụp ở hiệu ảnh khi tôi khoảng sáu tháng tuổi. Chồng bà điều hành một trạm bán xăng. Không đứa con nào của bà được đi học. Tôi cố tưởng tượng hình ảnh của mình nếu tôi sống ở Tennessee với chiếc mũ đội đầu và bộ đồng phục thợ máy với chữ «Bo» trên ngực áo. Cả gia đình tụ tập lại để chào đón tôi trở về. Họ nói là mẹ đẻ tôi, người đã bỏ tôi lại cho họ là người từ Vicksburg, bang Mississipi tới.
Tôi bắt đầu gọi những người tên là Faulk ở trong danh bạ điện thoại của vùng Vicksburg và nhanh chóng tìm ra bà chị gái của mẹ tôi. Lần này tôi tự giới thiệu rằng tôi là con trai của một người bạn và hỏi xem Ruth đang ở đâu. Chị gái mẹ tôi nói bà hiện đang sống ở Atlanta và làm việc cho một nhà xuất bản. Tôi đi đến đó và gọi cho bà. Tôi nói với bà tôi là ai và tôi muốn gặp bà. Khi cánh cửa căn hộ mở ra. Tôi thấy một người thật quá giống tôi. Câu đầu tiên bà hỏi là «Tại sao con lâu đến với mẹ như vậy?».
Bà đã từng là cô giáo tiểu học và sinh ra trong một gia đình sùng đạo, có mang vì tình với một người đàn ông không muốn cưới bà mà chỉ cho bà một số tiền để bà có thể nạo thai bất hợp pháp. Bà suy sụp, đi đến Memphis, sinh ra tôi và để tôi lại cho gia đình đó, dự định là quay lại để đón tôi. Khi bà gọi cho hãng thì đã quá muộn. Bà không bao giờ lấy chồng «vì cảm thấy không xứng đáng». Bà dạy tiểu học và trong thực tế đã thay đổi các lớp học để có thể dạy trong những lớp mà bà nghĩ tôi học đến đó. Bà đã không bao giờ tha thứ cho mình vì đã «không đương đầu được với hoàn cảnh» để nuôi tôi. Bà cảm thầy nhẹ lòng khi thấy tôi sống ổn thoả và tôi cũng tỏ lòng biết ơn bà vì bà đã sinh tôi ra đời.
Tất nhiên, tôi cũng tò mò muốn biết về ông bố đẻ của tôi. Ruth đưa tên của ông ta cho tôi, ông ta chết cách đó mấy năm, để lại phía sau một cô con gái. Tôi tìm ra nơi cô này ở và gọi điện cho cô vì nghĩ rằng mình vốn là con một thì nay cuối cùng đã tìm được một người chị cùng cha khác mẹ. Cô ta vui mừng được gặp tôi nhưng hình như cô ấy cũng là con nuôi. Cô ấy đang nghĩ đến việc đi tìm bố mẹ đẻ của mình.
Vậy thì chúng tôi có quan hệ với nhau nhưng chúng tôi có phải có cùng một ông bố hay không thì khó biết. Không biết bố tôi nghĩ gì khi không thể sinh một đứa con với vợ mình mà lại phải mang nặng bí mật về một đứa con trai không biết lưu lạc nơi nào. Con gái ông ta tặng tôi một tấm ảnh của ông. Đó là tất cả những gì tôi có về ông. Tôi biết những đứa trẻ có cha chết trận cảm thấy như thế nào khi chúng nhìn vào những tấm ảnh đã ố vàng hình cha chúng, người mà chúng không bao giờ và không thể gặp được. Tôi tưởng tượng như nhìn thấy nỗi buồn trong mắt cha tôi. Giá mà tôi có thể nói chuyện với ông một lát, để nói với ông rằng cuối cùng thì mọi chuyện cũng ổn, rằng dù sao thì cũng có một điều gì tốt đẹp đã xảy ra từ lỗi lầm của ông. Nếu tôi không thể yêu ông được, tôi ước mình có thể đem lại cho ông sự thanh thản.


Gordon Livingston

Già quá sớm, khôn quá muộn

Dịch giả: Đỗ Thu Hà

Chương 20

Nói dối chính mình là đáng thương


Sự xác thực là một lý tưởng rất đáng coi trọng. Mặc dù được đòi hỏi là đóng nhiều vai khác nhau trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta rất muốn nhìn thấy chính mình có một hình ảnh xác định nào đó có thể bộc lộ được giá trị cốt lõi của chúng ta trải qua thời gian. Hầu hết mọi người chúng ta cũng nhấn mạnh tầm quan trọng vào cách mà người chúng ta coi trọng nhìn nhận chúng ta.


Có ít những đặc tính nào của con người bị coi thường hơn là sự đạo đức giả. Những người mà hành động không hoà hợp với những niềm tin của họ thường trở nên mục tiêu cho sự khao khát. Hầu hết những vụ ầm ĩ có thể mua vui cho chúng ta thường được dựa trên sự đứt gẫy giữa lời nói và hành vi: Thầy tu ngoại tình, chính khách lừa đảo, nhà đạo đức học lại nghiện hút, thầy tu mà tham lam dâm dục. Sự giận dữ của chúng ta cũng ngang bằng với sự lôi cuốn của chúng ta, lửa đổ dầu thêm bởi sự hiểu biết đầy tội lỗi về thất bại của chính mình để uốn hành vi cá nhân theo tiêu chuẩn công cộng mà chúng ta chấp nhận. Mọi người nghĩ gì nếu họ biết?
Tồi tệ hơn việc che giấu những chặng đường đạo đức đáng xấu hổ là những lời giải thích cho phép chúng ta tiếp tục làm những điều làm xói mòn cảm xúc của chính mình. Chúng ta thường gợi lên lý thuyết về tai nạn, sự trùng hợp và sự đãng trí khi giải thích những hành vi mà không ai muốn xem xét một cách cẩn thận. Chẳng hạn như những khám phá về sự không chung thủy hiện nay thường do một bên đọc được thư từ điện tử do phía kia tình cờ để lại trên máy vi tính của gia đình (đây là một sự biến dạng của những cuốn nhật ký truyền thống bị đọc trộm xưa kia).
Chối bỏ điều đã làm là một cách khác mà mọi người thường tự nói dối mình. Những người nghiện ngập thường nói là họ không có vấn đề gì và có thể bỏ chất gây nghiện bất cứ lúc nào thường có những vấn đề ngầm ẩn kinh niên như hôn nhân tan vỡ, thất nghiệp, lâm trọng bệnh. Tôi thường bảo những người như vậy rằng (có thể hiểu được khi họ cảm thấy nhu cầu nói dối người khác nhưng tự dối mình sẽ khiến chúng ta trở thành tàn tật về tâm hồn và không thể tiến hành những thay đổi cần thiết cho cuộc đời mình).
Tôi biết một người thường đánh vợ ban đêm trong những giấc mơ kỳ lạ mà anh ta thật sự không thể nhớ được.
Bởi vì điều này được coi là «ngẫu nhiên », nó chưa bao giờ được đôi vợ chồng nọ coi là chủ đề câu chuyện có thể phản ánh bản chất mối quan hệ. Ít nghiêm trọng hơn, hàng triệu đôi vợ chồng phải ngủ trong những căn buồng riêng biệt vì không chịu nổi tiếng ngáy của một bên. Chắc là không ai coi đó là một lỗi lầm nghiêm trọng khi nói về một hành vi vô thức như vậy.
Những lời nói dối có thể gây ra nguy hại cho mối quan hệ nhất mà chúng ta tự nhủ mình thường liên quan đến những lời hứa: «Không gì có thể đẹp hơn một lời hứa, nhất là sau khi nó đã buột ra». Những phẩm chất mau phai mờ của những lời chúc lúc đầu năm nhiều khi chỉ là những lời hứa sáo rỗng về văn hoá, những dự định tốt đẹp nhiều khi trở thành những viên đá lát đường để xuống địa ngục, chúng ngăn cản nhiệm vụ nghiêm túc trong việc đánh giá chúng ta là ai và chúng ta thực sự muốn gì. Nếu chúng ta mất thời gian để tưởng tượng về vẻ đẹp lý tưởng hay sự tự cải thiện mình, nó sẽ rút cạn sinh lực và đánh lạc hướng sự chú ý của chúng ta khỏi những mục tiêu nghiêm túc và có khả năng thành công hơn.
Trong khi không ai chối cãi vai trò của cơ hội trong công việc của con người, nếu chúng ta chỉ ngồi chờ cơ may xảy ra với mình thì thật quả là quá lười biếng. Lại một lần nữa, con người ngần ngại chịu trách nhiệm, thích biện hộ dễ dãi để tránh sự nghiêm khắc xem lại mình. Đây là một dạng tự khinh mình khác mà kết quả chẳng đi đến đâu cả. Tất nhiên là cũng có những sự ngẫu nhiên xảy ra. Nếu một người nào đó bị sét đánh ở một nơi đồng không mông quạnh thì chúng ta khó có thể trách anh ta được. Nếu anh ta bị sét đánh khi đang đứng dưới một gốc cây thì người ta có thể đặt dấu hỏi về kiến thức của anh ta về điện.
Hàng ngày, chúng ta phải đương đầu với những ví dụ như «chết vì ngu ngốc». Lái xe khi đang say, các bệnh liên quan đến hút thuốc hay béo phì, tai nạn do sử dụng vũ khí... tất cả chỉ là những lỗi lầm ngu ngốc và chúng nhắc nhở chúng ta về sự dễ bị thương tổn của mình khi làm những hành động tự phát mà không suy nghĩ. Thế mọi người thường tự nhủ điều gì về những sự liều lĩnh này? Nếu chúng ta hiến dâng đời mình vì người khác hay vì một lý tưởng thì chúng ta đang hành động một cách can đảm.
Nhưng khi San cho Panza quan sát Đôn Quixote, anh ta nói: «Chết mà không có lý do tốt đẹp biện hộ thì thật là một tội lỗi lớn nhất».
Sự thật không giúp cho chúng ta trở nên tự do nhưng nói dối nhân danh sự dễ dàng nhất thời thì rõ là điều ngu ngốc. Những sự lừa gạt như vậy có vẻ như là sự khởi đầu của sự không trung thực. Không ai khác ngoài chính chúng ta bị lừa hay thiệt thòi nhưng những quyết định của cuộc sống không được dựa trên hiện thực sẽ luôn sai lầm. Tự nhìn mình một cách thẳng thắn thì có thể là đau đớn hoặc thậm chí không thể làm được nhưng khó mà sống một cách yên lành nếu bạn không hành động theo lẽ phải và sự hợp lý. Chỉ khi những ước mơ của chúng ta bị cọ sát với thực tế thì tiếng kêu chói tai của nó mới làm cho chúng ta tỉnh ngộ hoặc điếc vĩnh viễn trước tiếng gọi của cuộc đời.


Gordon Livingston

Già quá sớm, khôn quá muộn

Dịch giả: Đỗ Thu Hà

Chương 21

Tất cả chúng ta đều hướng tới huyền thoại về một người xa lạ hoàn hảo


Không có một nhân tố nào của sự không hài lòng với cuộc sống thông thường hơn là niềm tin rằng trong tuổi trẻ, chúng ta đã lựa chọn sai người bạn đời của mình. Những ảo vọng tiêu tan thường được khơi gợi từ một điều tâm niệm rằng ở đâu đó có một người sẽ cứu rỗi chúng ta bằng tình yêu của mình. Nhiều sự không chung thuỷ chính là đỉnh cao của những cuộc hôn nhân bất hạnh nhưng lại đặt trên nền tảng của ảo ảnh này.


Một vài đánh giá về sự ngoại tình trong hôn nhân vào tuổi bốn mươi thường đưa ra con số khoảng 50 đến 65 phần trăm đàn ông và 35 tới 45 phần trăm đàn bà đã có gia đình. Trong một xã hội mà những giá trị hôn nhân dựa trên nền tảng một vợ một chồng thì những con số này không chỉ biểu hiện sự đạo đức giả mà cả sự không hài lòng thường trực của ta với những người bạn đời. Điều gì là cái mà những con người bất hạnh đó kiếm tìm ngoài hôn nhân?
Mặc dù có sự đa dạng trong các đối tượng, người ta thường tìm kiếm sự bảo đảm lại giá trị của mình. Trong một vài lĩnh vực, mỗi một hành động đi trên nguồn vui lại là sự trả lời cho nỗi sợ cái chết. Khi chúng ta già đi và cố tìm cách để thoả hiệp với mơ ước được trẻ mãi không già và bất tử một câu trả lời là tìm kiếm kinh nghiệm để nuôi dưỡng ảo tưởng về sự hấp dẫn mãi mãi của chúng ta. Còn có cách nào tốt hơn là có quan hệ tình dục với một người nào đó mới mẻ?
Tiến trình lành mạnh của sự trưởng thành sẽ cho phép chúng ta nuôi dưỡng niềm tin rằng chúng ta có những phẩm chất hiếm có và đem lại cho chúng ta cảm giác vững chắc của người đáng yêu và được yêu. Nhưng điều này lại là một kết quả lý tưởng, người ta thường có xu hướng tìm kiếm trong sự thất vọng một người nào đó yêu họ vô điều kiện nhưng lại khó chịu khi bị người khác yêu cầu đúng như vậy. Chúng ta hiếm khi nhận được sự tán thành này từ người bạn đời của mình, điều đó chính là nguyên nhân của trạng thái càu nhàu khó chịu và sự không hài lòng thầm lặng trong hầu hết các cuộc hôn nhân.
Trong thực tế, cái điều đã trải qua đối với tình yêu của những người trưởng thành rất giống với một loại hợp đồng dịch vụ không thành văn bản. Về truyền thống, điều này thường có dạng một thoả thuận ngầm rằng người đàn ông phải chịu trách nhiệm về sự an toàn tài chính trong khi người đàn bà cung cấp sự phục vụ trong gia đình, tình dục và chăm sóc con cái. Phong trào nữ quyền đã đưa tới một sự đàm phán lại về hợp đồng đó để thoả mãn nhu cầu của một số phụ nữ muốn tham gia vào những công việc ở bên ngoài gia đình hay bộc lộ sự ngần ngại của họ trong việc một mình đảm nhận việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái, cũng như những việc vặt trong nhà. Những bước phát triển mới này theo hướng tự do hơn với sự bình đẳng giới đã có hệ quả là một cảm giác phản ứng và cạnh tranh được nâng cao hơn lên trong nhiều cuộc hôn nhân.
Các nhà tranh đấu vì nữ quyền đã tin rằng không ai chịu chia xẻ quyền lực một cách tự nguyện, người ta phải giành giật lấy, thái độ này thực ra không phải là đơn thuốc cho căn bệnh phân cách trong gia đình và mang lại sự gần gũi. Khi điều này được kết hợp thêm với sự độc lập về tài chính của người phụ nữ, chúng ta chẳng nên ngạc nhiên là hơn nửa các cuộc hôn nhân hiện nay ở Mỹ sẽ chấm dứt trong ly hôn. Trong một mặt nào đó, sự thay đổi này có vẻ là một điều tốt. Mọi người ít bị mắc kẹt trong những mối quan hệ mà họ không hài lòng. Bất kỳ một sự phát triển nào của xã hội sẽ làm gia tăng sự lựa chọn của chúng ta, cuộc sống dường như được cải thiện, thế thì tại sao chúng ta lại sống mà luôn cảm thấy là chúng ta đang đánh mất một điều gì rất quan trọng?
Trước hết, nó gây ra sự hủy hoại có ảnh hưởng xấu đối với con cái. Chúng phải tập thích nghi với sự chia ly cha mẹ khi còn quá nhỏ. Có vẻ như là tốt hơn cho chúng để mà sống với các bậc cha mẹ, ly hôn còn hơn là sống trong một gia đình bất hạnh nhưng liệu có phải là các bậc cha mẹ bây giờ chỉ biết theo đuổi hạnh phúc riêng của mình mà không nghĩ gì đến con cái hay không? Có chứng cớ rõ ràng rằng sự tan vỡ của hôn nhân sẽ gây ra hậu quả là sự bất ổn cực lớn và sự bất hạnh cho lũ trẻ, đặc biệt là bởi vì hầu hết thời gian, có một cảm giác cay đắng và oán trách giữa hai bố mẹ. Những đứa con này có thể thích nghi bằng cách nào đó với sự đảo lộn hoàn toàn trong cuộc sống mà không có sự lựa chọn nào để cứu vãn những ảo mộng tan vỡ và sự suy sụp tinh thần mà hầu hết chúng đều phải trải qua.
Bởi vì những hậu quả tinh thần và tài chính này, hầu hết sự ngoại tình đều không dẫn đến sự ly hôn mặc dù ly hôn thường là kết quả của sự ngoại tình. Tình trạng này thể hiện một mức độ nào đó sự lang chạ thường thấy trong những con vật. Ở một phương diện khác, sự ngoại tình lại là hình thức bộc lộ có một không hai của con người về nỗi sợ và sự mong chờ. Sự tìm kiếm một tình yêu lý tưởng vừa là triệu chứng ảo tưởng của tuổi trẻ vừa là nỗi khao khát lẫn nỗi sợ của tuổi trung niên. Sự ngoại tình do đó hầu như không đem lại sự cải thiện cho cuộc sống của chúng ta mà thường là phá hoại nó nhưng nó cũng không ngăn cản nổi con người vẫn tiếp tục thử nghiệm.
Rất lâu trước đây Joan Baez đã hát: «Em bỏ đi để tìm một người hoàn hảo xa lạ…». Tên của bài ca đó là Nguồn cội đau thương.


Каталог: file
file -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
file -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
file -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 7790-5 : 2008 iso 2859-5 : 2005
file -> Qcvn 81: 2014/bgtvt
file -> UỶ ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương