Gordon Livingston



tải về 0.56 Mb.
trang4/9
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.56 Mb.
#31218
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Gordon Livingston

Già quá sớm, khôn quá muộn

Dịch giả: Đỗ Thu Hà

Chương 11

Nhà tù an toàn nhất chính là nhà tù do chúng ta tự xây nên.


Khi chúng ta nghĩ về sự mất tự do, ta hiếm khi tập trung chú ý vào cách mà chúng ta tự nguyện áp đặt những hạn chế đối với cuộc sống của mình. Những điều chúng ta sợ phải thử và tất cả những ước mơ không thành đã hình thành nên cuộc đời của chúng ta và việc chúng ta có thể trở thành người như thế nào. Thường thì chính nỗi sợ và những chị em họ hàng của nó như sự lo lắng đã khiến cho chúng ta không dám làm những điều sẽ giúp chúng ta hạnh phúc. Có quá nhiều điều trong cuộc đời của chúng ta. Nhà tù an toàn nhất chính là nhà tù do chúng ta tự xây nên bao gồm những lời hứa sáo rỗng. Những thứ mà chúng ta khao khát là học vấn, thành công trong công việc, yêu một người nào đó là mục đích mà tất cả chúng ta đều chia sẻ. Đó không phải là cách để đạt được những điều tế nhị hay nhìn rõ những góc khuất trong tâm hồn một con người. Tuy nhiên, chúng ta thường không làm những điều cần thiết để trở nên người chúng ta muốn.


Con người thường đổ lỗi cho thất bại của mình. Cha mẹ của chúng ta thường chịu một phần vai trò này. Chúng ta thường đề cập đến sự thiếu cơ hội như thể cuộc sống là một trò chơi xổ số với một con số nhất định trên những chiếc vé trúng thưởng. Sự thiếu thời gian và yêu cầu kiếm sống cũng thường là những lời biện hộ cho sự không hành động. Cũng như vậy. nỗi sợ phải thử và cố gắng và sợ không thành công có thể sinh ra sự tê cứng bất động. Việc giữ những mong đợi của chúng ta ở mức thấp chẳng qua là để bảo vệ chúng ta khỏi sự thất vọng.
Chúng ta không thích nghĩ rằng bản thân mình bị mắc bẫy. Đây chính là mảnh đất của cơ hội. Chúng ta bị bao quanh bởi những ảo ảnh về sự thành công. Nền văn hoá của chúng ta hiện ra trước mắt chúng ta những câu chuyện về những con người từ vô danh trở nên nổi tiếng (họ thường có tài năng hữu hạn cả). Lẽ ra nên nuôi hy vọng từ những câu chuyện như vậy, hầu hết mọi người lại tiếp thu chúng như những chỉ định phụ về sự khiếm khuyết của họ. Chúng ta cũng nhầm lẫn và bị ngăn cản bởi sự dễ dàng của những sự chuyển đổi này. Sự chậm chạp với những thay đổi từ từ không đáp ứng nổi một xã hội thiếu kiên nhẫn. Từ nơi nào chúng ta sẽ tìm thấy lòng quyết tâm và kiên nhẫn để đạt được những điều mà chúng ta mong muốn?
Không thiếu những lời khuyên. Những cửa hàng sách và tạp chí đầy những gợi ý về việc làm thế nào để trở nên giàu có, hùng mạnh, gầy hơn, năng động hơn, ít lo lắng hơn, hấp dẫn hơn đối với phái khác. Người ta sẽ nghĩ rằng chúng ta quá bận rộn trong một chương trình để tự cải thiện bản thân. Tuy nhiên, mặc dù những người mà tôi nói chuyện cùng có đủ can đam để tự xác định ra là bản thân cần được giúp đỡ lại làm những điều lặp đi lặp lại ngày hôm nay những cái họ đã làm ngày hôm qua và có thể là năm ngoái! Công việc của tôi là chỉ ra điều này và làm họ tự hỏi rằng nên làm gì để có thể tạo ra sự thay đổi thực sự trong hành vi của họ.
Trước khi chúng ta làm cái gì, chúng ta cần phải có khả năng hình dung ra nó. Điều này nghe có vẻ dễ nhưng tôi đã thấy nhiều người không biết cách nối kết một mối quan hệ giữa hành vi và cảm xúc. Tôi trách nền y học hiện đại và ngành công nghiệp quảng cáo về vấn đề này. Chúng ta trở nên quen dần với ý nghĩ rằng chúng ta có thể chỉ cố gắng rất ít để nhanh chóng vượt qua rất nhiều những điều chúng ta không thích về bản thân mình và cuộc sống. Thị trường thuốc ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng của chúng ta, thay đổi vẻ ngoài của chúng ta thông qua phẫu thuật thẩm mỹ và sự tự cải thiện bản thân thông qua quá trình tiêu thụ hàng hoá… đã đóng vai trò lớn trong việc tạo ra ảo tưởng cho rằng hạnh phúc có thể mua bán được. Malcolm Forbes nổi tiếng đã từng gợi ý rằng: «Bất kỳ ai nghĩ rằng tiền không thể mua được hạnh phúc đều đang đi mua hàng sai chỗ cả!»
Trong thực tế, tất nhiên, một niềm tin như vậy sẽ khiến cho sự tức giận của chúng ta càng tăng lên và những ngục tù do chúng ta tạo nên cho chính mình thêm an toàn Tôi gọi tình trạng đó là thứ «trí tuệ xổ số». Có những người bào chữa cho việc cờ bạc rằng nó khơi gợi nên hy vọng. Những người xếp hàng để tiêu những đồng tiền tiết kiệm vào một trò chơi không đáng tin cậy thường nói không dứt về việc họ sẽ tiêu những triệu cua họ như thế nào. Đây không phải là «hy vọng» theo bất kỳ một ý nghĩa nào. Nó là sự nằm mơ giữa ban ngày. Tôi có xu hướng phải đương đầu với những bệnh nhân nói về việc thay đổi cuộc sống của họ nhưng không hề bước một bước nhỏ nào cụ thể để thực hiện điều đó. Tôi thường hỏi họ liệu rằng kế hoạch mới nhất của họ có gì khác hơn là một dự định hay đơn giản chỉ là một điều ước. Dự định hay điều ước có thể để giải trí nhưng bạn không nên nhầm lẫn nó với thực tại cuộc sống.
Sự cải đạo, sự thay đổi hành vi và thái độ là một quá trình diễn ra chậm chạp, thay đổi là sự thăng tiến dần dần. Hãy xem xét bất cứ một kẻ tù nhân trốn trại thành công nào, bạn sẽ thấy anh ta đầy trí tưởng tượng, những giờ lập kế hoạch, thường là hàng tháng, thậm chí hàng năm với những bước tiến vô cùng chậm chạp về phía tự do. Chúng ta có thể không ngưỡng mộ những người đó nhưng lòng quyết tâm và sự vượt khó của họ là bài học cho tất cả chúng ta.
Một trong những điều khó khăn nhất để xác minh được khi tôi phải đối mặt với một người đang tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý là sự sẵn lòng thay đổi của họ, sự nhiệt tình để luyện tập, sự can đảm rất cần thiết khi muốn thay đổi. Một số người tìm kiếm sự giúp đỡ vì những lý do khác hơn là vì muốn thay đổi lối sống. Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi đã nâng sự phàn nàn lên thành một hình thức hàng đầu của sự dân chủ. Sóng không gian hay toà án đầy những nạn nhân của những điều này: sự lạm dụng trẻ em, lỗi lầm của người khác, sự rủi ro ngẫu nhiên… Hành vi tình nguyện đã bị phân loại như một loại bệnh để cho người chịu đựng có thể nhận được lòng thương hại và có khi còn được đền bù. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người trong số này xuất hiện trong văn phòng của bác sĩ tâm lý để mong đợi một sự thông cảm hay những viên thuốc để làm dịu nỗi tuyệt vọng cửa họ. Thường thì họ muốn những tờ giấy chứng nhận để có thể kiện cáo hay những lá thư biện hộ để mong khỏi phải đi làm. Họ không tới đó để tham gia vào một tiến trình khó khăn xem xét lại cuộc sống của mình, chịu trách nhiệm về cảm xúc của chính họ, quyết định là họ cần phải làm gì để hạnh phúc hơn và bắt tay vào làm điều đó.
Để xác định vai trò tôi đã sẵn sàng để đóng, tôi thường yêu cầu bệnh nhân trong lần đầu gặp mặt phải ký một lá thư trong đó viết: Tôi không liên quan gì đến việc xin nghỉ việc, kiện cáo, bất đồng về việc nuôi con, không có khả năng quyết định hay những vấn đề rắc rối với pháp luật bao gồm cả việc biện hộ cho sự nghỉ việc hay muốn đổi điều kiện làm việc tốt hơn. Nếu bạn muốn một người tư vấn về bất cứ điều gì trong những điều trên, bạn cần phải thuê một người khác; tôi ở đây để giúp bạn về những vấn đề tâm lý.
Mọi người thường có những ý nghĩ, những mơ ước hay dự định sai lầm về những thay đổi trong thực tế. Sự nhầm lẫn giữa lời nói và việc làm này bao phủ một đám mây mù lên trên quá trình trị liệu. Sự tự thú có thể tốt cho tâm hồn nhưng nếu nó không kèm theo sự thay đổi thái độ, nó vẫn chỉ là những lời nói mà thôi. Chúng ta là sinh vật sử dụng lời nói, thích tóm tắt những ý nghĩ thành văn bản (bạn hãy nhớ lại nhưng lúc bạn nghe người ta say sưa nói trong máy điện thoại đi động mà xem) Chúng ta đã gắn cho lời hứa một tầm quan trọng quá mức.
Bất cứ lúc nào, như nó thường xảy ra, tôi chỉ ra cho mọi người khe hở giữa lời họ nói và cái mà họ thực sự làm, họ luôn tỏ ra ngạc nhiên và đôi khi nổi khùng lên cho rằng tôi sẽ không nhận thấy giá trị thực sự của những gì họ dự định làm mà thích tập trung vào một sự giao tiếp đáng tin cậy là hành vi.
Có thể điều gây nhầm lẫn nhiều nhất chính là điều mà mọi người thường bảo nhau «Anh yêu em». Chúng ta mong đợi được nghe thấy những lời nói rất mạnh mẽ và giàu tính thuyết phục này. Nếu tách riêng ra, tuy nhiên, khi những lời nói đó không được những hành động thực sự hỗ trợ, nó chỉ còn là một lời nói dối, một sự từ thiện, một lời hứa không chắc chắn được hoàn thành.
Sự gián đoạn giữa cái chúng ta nói và cái chúng ta làm không chỉ là sự đo lường về tình trạng đạo đức giả bởi vì chúng ta luôn tin rằng những lời tuyên bố của chúng ta xuất phát từ những dự định tốt đẹp. Đơn giản là chúng ta đã chú ý quá nhiều đến lời nói của chúng ta hay của những người khác- mà không chú ý đủ đến những hành động thực sự xác định con người chúng ta. Những bức tường của cái nhà tù mà chúng ta tự xây dựng nên được làm bằng những nỗi sợ mạo hiểm và những giấc mơ của chúng ta rằng thế giới này và những con người trong đó được tạo nên để tuân theo những giấc mơ đẹp nhất của chúng ta. Thật khó để cho qua một ảo ảnh dễ chịu nhưng việc xây dựng một cuộc sống hạnh phúc bên ngoài những niềm tin không thích ứng với thế giới bao quanh chúng ta còn khó hơn nhiều.


Gordon Livingston

Già quá sớm, khôn quá muộn

Dịch giả: Đỗ Thu Hà

Chương 12

Vấn đề của những người lớn tuổi thường nghiêm trọng nhưng ít khi thú vị


Tuổi già thường được coi là thời khắc của sự lên ngôi. Sau những năm dài làm việc, người về hưu được tận hưởng sự thoải mái, an toàn về xã hội và những sự giảm giá dành cho người già. Tuy nhiên, tất cả những cái đó chỉ là sự đền bù nghèo nàn cho tình trạng xuống cấp của những người lớn tuổi. Người già thường bị đánh giá là không vững vàng trong trí tuệ và thể xác. Ngoài vai trò của một người tiêu thụ, ý tưởng rằng người già còn có chút gì hữu ích để đóng góp cho xã hội hiếm khi được chú ý tới.


Nỗ lực để chia cắt người già trong những tập thể riêng của họ và cộng đồng được phát ngôn ra từ niềm tin cho rằng họ có rất ít để dạy chúng ta và phản ánh một ước muốn được giảm sự tiếp xúc đối với họ. Chính người già, cũng như những cộng đồng thiểu số khác, đã hợp tác để tăng thêm sức mạnh cho cái sự sỉ nhục này. Khả năng lái xe một ví dụ thường được đưa ra để chứng minh tính hạn chế trong sự độc lập của họ-là chủ đề của nhưng trò mua vui hài hước nơi công sở (Cậu có biết là xe ô tô ở Florida hiện đang được bán kèm theo với một thiết bị đảm bảo rằng nếu dấu hiệu rẽ được đưa ra lâu hơn hai mươi giây thì chiếc xe sẽ được định hướng tự động rẽ hay không?). Cuộc tranh luận của chứng ta về những vấn đề lão hoá đã đổ nhiên liệu cho ngành công nghiệp mỹ phẩm 150 triệu đôla một năm, đó là chưa kể những ưu đãi mang tính quốc gia khác như giáo dục, bảo trì bảo dưỡng xe cộ, quốc phòng. Sự gia tăng của phẫu thuật thẩm mỹ, sự tiêm botulinum toxin và các loại thuốc làm giảm nếp nhăn và hói đầu-những tiến trình bình thường của quá trình lão hoá- đã khiến cho nỗi sợ tuổi tác trở nên một cơn cuồng loạn.
Cái chúng ta sợ chính là cái chết của chính chúng ta và những dấu hiệu tuổi tác chỉ đơn giản là những dấu hiệu không mong muốn nhắc nhở về sự có sinh có tử của chúng ta mà thôi. Bằng cách phản đối người già và những dấu hiệu tuổi già, chúng ta đang phản ứng lại nỗi sợ mang tính tự nhiên về cái chết vốn ám ảnh con người từ bao đời. Đây là một câu chuyện cười mang tầm vóc vũ trụ. Số phận hay Chúa Trời hay bất cứ ai đi nữa đang trình diễn chương trình này và nói: «Tôi sẽ đem lại cho anh sự thống trị đối với tất cả những dạng thức của cuộc sống. Nhưng anh sẽ là loài duy nhất có khả năng biết suy ngẫm về cái chết của chính mình».
Và người già có thể đáp lại sự giới hạn và miệt thị của xã hội đối với mình bằng cách nào? Họ rất giận dữ. Điều đó không đủ cho nên họ vẫn phải chịu đựng sự thua thiệt khi tuổi già đến: mất đi sự hấp dẫn và lòng nhiệt tình về tình dục, sức khoẻ giảm sút, cái chết của những người bạn lâu năm, mất dần sự minh mẫn về trí tuệ. Họ cũng phải giải quyết những khó chịu thường ngày mà xã hội giành cho những ai không còn có quyền lực và thu nhập cao nữa.
Thế cho nên người già tự cho mình một nhiệm vụ là phàn nàn. Trong thế giới phức tạp của chúng ta, những nhóm người nhất định đã được dành cho những vai trò nhất định. Chẳng hạn như việc của các thiếu niên bây giờ là lái xe như điên, cư xử ồn ào. và dùng quá nhiều từ «đáng nể». Các công dân lớn tuổi của chúng ta đôi khi có vẻ như tồn tại để gây khó chịu cho những người khác về sự chậm chạp và những lời phàn nàn về tình trạng sức khoẻ của mình.
Chính là trong vòng quay của cuộc sống mà khi chúng ta già đi, chúng ta có xu hướng trở về với thời ấu thơ của mình. Kết luận này về tình trạng chỉ tập trung vào bản thân và phụ thuộc trong sự chuẩn bị cho cái chết đã gây khó chịu cho tất cả những người có liên quan. Tại sao điều này xảy ra và nó nhanh đến mức nào phụ thuộc vào những điều chúng ta học được trong những năm tháng chúng ta sống trên Trái Đất này. Một lý do cho nỗi sợ của chúng ta về tuổi tác là vì những người đi trước chúng ta đã nêu những tấm gương thật đáng thương. Hầu hết các gia đình mà tôi nói chuyện đều coi những họ hàng lớn tuổi như một gánh nặng. Ý nghĩ cho rằng những người lớn tuổi có thể đem lại điều gì cho thế hệ trẻ nhờ sự thông thái và kinh nghiệm sống của họ ít khi được xem xét đến. Lý do là: hầu hết người già đều quá bận rộn với những lời phàn nàn ích kỷ.
Khi những người trung niên nói về các bậc cha mẹ già nua của họ, người ta thường có một cảm giác về trách nhiệm, về sự bắt buộc trộn lẫn với với cảm giác bất an. Những người tuyệt vọng có xu hướng chỉ chú ý đến mình, họ khó tính khó nết khi ai đó phải ở cạnh họ. Sự chữa trị đúng mức chứng tuyệt vọng đối với người già thường bị người ta từ chối. Lối giải thích cho sự chối bỏ đó thường là «Tôi mà già như thế thì tôi cũng tuyệt vọng thôi».
Những mong đợi bị hạ thấp như vậy ở cả hai phía sẽ gây ra hậu quả là sự giậm chân tại chỗ trong đó người già là cả một nguồn cơn phàn nàn cáu kỉnh còn người trẻ thì lắng nghe một cách nhẫn nhục chịu đựng và cố gắng làm tròn nghĩa vụ của mình với cha mẹ, ông bà nhưng gắng tiếp xúc với họ càng ít càng tốt. Bị giằng xé giữa tình trạng sống riêng biệt như vậy và những cam kết đáng sợ với nhà dưỡng lão là hai thành tố rất thông thường của sự cô lập thường đi kèm với tuổi già.
Trong thực tế, sự phân tầng của xã hội đi kèm với tuổi tác là một trong những sự phân chia rất khắc nghiệt, thường làm tăng quá mức sự phân chia vốn được tạo ra do học vấn, sự giàu có và tầng lớp xã hội. Khi người già vẫn còn năng động sẽ xảy ra một sự di cư tự nguyện tới những vùng ấm áp để tạo ra «cộng đồng giành cho những người về hưu». Florida và miền Tây Nam nước Mỹ là những điểm đến thông dụng nhất. Người già thường chọn để sống ở những nơi xa những người dưới một độ tuổi nào đó, thường là năm mươi.
Ảnh hưởng của sự chia rẽ này là cho phép «những bậc đàn anh» tham gia vào các thú tiêu khiển không đòi hỏi trí thông minh mà chúng ta thường gắn với tuổi già như bingo, golf, các lớp tập thể dục bao gồm những động tác trông có vẻ rất chậm và ít hiệu quả. Trong thực tế, cái vắng thiếu ở đây là sự tiếp xúc với những người trẻ tuổi, ngoại trừ những chuyến đi thăm bắt buộc của gia đình, cũng như bất kỳ những nỗ lực tích luỹ trí thông minh nào vốn đã được chứng minh là có thể làm chậm quá trình mất trí nhớ của tuổi già.
Người ta đã làm những điều có hại đối với quan hệ giữa các thế hệ bằng những lời phàn nàn (thường là hệ quả hay nguyên nhân của sự thờ ơ) vốn rất nhiều trong các cuộc đối thoại của người già. Tôi biết rất nhiều những người lớn tuổi sợ chết khiếp những cú điện thoại của cha mẹ và những câu trả lời của cha mẹ khi họ đáp lại câu: «Tình hình của bố mẹ như thế nào?» Còn gì có thể đáng chán hơn là những chuỗi phàn nàn về sự đau đớn. Những khó khăn trong khi cúi xuống. được kể bằng một giọng rên xiết nghiêm trọng của những người đã nhận ra rằng họ đang chịu đựng những chứng bệnh vô phương cứu chữa và mỗi ngày một tồi tệ hơn?
Tôi tin rằng làm cha mẹ là một sự cam kết tự nguyện chứ không phải là một trách nhiệm bắt người khác phải nghe những lời kể lể vô tận về thời kỳ khi mình còn trẻ và lắng nghe những lời phản đối vô tận của chúng ta về những thay đổi của thời gian. Trong thực tế, tôi có quan điểm rằng người già phải có bổn phận để chịu đựng những mất mát trong tuổi già với sự lòng quyết tâm và can đảm khi họ còn có thể đương đầu được để tránh sự bất tiện cho những người thương yêu họ.
Nhiệm vụ chính yếu của người già suốt cuộc đời họ là giúp cho người trẻ có được lòng lạc quan. Nếu chúng ta còn có bổn phận nào khác với con cái mình thì chính là chúng ta cần phải thuyết phục được chúng rằng mình có thể giành được hạnh phúc dù có phải chịu mất mát và bất ổn vốn chứa đựng trong cuộc sồng. Đó là món quà vĩ đại nhất mà chúng ta có thể chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Giống như tất cả những điều quí báu mà chúng ta mong muốn dạy con cái mình- lòng trung thực, sự cam kết tự nguyện, tình thương, sự tôn trọng, lao động chăm chỉ- tầm quan trong lớn nhất về niềm hy vọng cũng cần phải được dạy thông qua tấm gương sống của chính chúng ta.
Nhiều người già nói về những cảm xúc vô hình được trải nghiệm qua những điều nhỏ nhặt. Điều này thường nấp dưới dạng của sự thờ ơ, không thấy bản thân mình trong những chuẩn mực văn hoá chung là mục tiêu của những cuộc thăm viếng hay những cú điện thoại bắt buộc của các thành viên trong gia đình và trên hết, không muốn bị đối xử như thể họ chẳng còn gì hữu ích nữa với người khác. Điều kinh khủng nhất đối với người già là cảm giác chẳng ai cần đến mình, không ai lắng nghe mình. Những câu chuyện buồn chán lặp đi lặp lại mà người già thường kể cho người trẻ chính là một loại ví dụ về sự kể lại cảm giác mất giá trị và không thích nghi được mà nhiều người già cảm thấy.
«Việc trở nên già không giành cho những kẻ hèn nhát» là một lời tuyên bố chính xác về tình cảnh mà người già phải đương đầu trong một xã hội bị tuổi trẻ ám ảnh. Có thể bổn phận cuối cùng của chúng ta là chống lại những thử thách của sự suy yếu về thể xác và tinh thần thường kèm theo tuổi già với nhân phẩm và sự vượt lên lòng tự thương hại.
Liệu có thể giữ nguyên niềm hy vọng để đương đầu với những xung đột của thời gian đối với chúng ta hay không? Và vì lòng can đảm được phân chia không đều trong những người trẻ tuổi cho nên ta cũng đừng mong là nó được thể hiện đồng đều trong những người già! Tuy nhiên. chúng ta biết và đánh giá cao nó khi chúng ta thấy nó. Chính đây là lúc chúng ta bộc lộ khả năng của mình để coi thường những giới hạn của cuộc sống. một cơ may cuối cùng để có thể tỏ ra can đảm.
Nếu chúng ta có thể giữ nguyên óc hài hước của mình và sự quan tâm đến người khác, thậm chí ngay cả khi màn sắp khép lại. chúng ta sẽ có thể đóng góp một điều gì đó có giá trị không thể đánh giá nổi đối với những ai đã cứu sống chúng ta. Do đó, chúng ta sẽ có thể hoàn thành những bổn phận cuối cùng của mình và bày tỏ sự biết ơn của mình với món quà của cuộc sống đã được giành cho chúng ta và chúng ta đã tận hưởng lâu đến thế cho đến nay.


Gordon Livingston

Già quá sớm, khôn quá muộn

Dịch giả: Đỗ Thu Hà

Chương 13

Hạnh phúc là sự liều lĩnh thượng hạng.


 Những người tuyệt vọng có xu hướng tự nhiên để tập trung vào những «triệu chứng» của họ: buồn, thiếu sinh lực khó ngủ, ăn không ngon miệng, không có khả năng để hài lòng. Thật dễ để bị mắc kẹt khi người ta cố gắng bằng cách dùng thuốc và vật lý trị liệu để làm giảm những nỗi lo lắng. Tuy nhiên đôi khi, nhất là khi chúng ta nỗ lực để cải thiện tình hình nhưng không có hiệu quả, chúng ta phải định hướng lại sự chú ý của mọi người vào những khả năng có lợi cho sự tuyệt vọng của họ.


Một trong những lợi ích đó là một vị trí an toàn. Tương tự như vậy. chúng ta có thể nói về chứng bi quan thường là nguyên nhân hay là kết quả của sự tuyệt vọng. Thật khó để xua tan sự bi quan, chúng thường ngăn cản và do đó miễn dịch đối với sự ngạc nhiên đầy bất hạnh. Bởi vì sự mong đợi của những người bi quan cực thấp, họ thường không coi mình là người có đầu óc thực tế, cho nên họ hiếm khi thất vọng. Khi tôi gợi ý với họ rằng những mong đợi của chúng ta đã là tốt hay xấu, thường có kết quả là họ nhìn tôi đầy vẻ nghi ngờ bởi vì đã từ lâu, họ chẳng mong đợi gì ngoài những điều tồi tệ nhất.
Khi chúng ta yêu cầu một người nào đó xoá bỏ sự bi quan, tuyệt vọng, chúng ta thường vấp phải sự chống đối. Muốn hạnh phúc thì thường phải đương đầu với sự liều lĩnh là có thể đánh mất sự hạnh phúc đó. Tất cả những gì chúng ta thực hiện được đều đòi hỏi sự liều lĩnh: Phải đương đầu với thất bại khi sáng tạo, trong những chuyến đi thám hiểm, và trong tình yêu. Chúng ta đang sống trong một xã hội phải đương đầu với sự liều lĩnh. Biết bao nhiêu thời gian và sinh lực đã bị tiêu phí để làm tăng sự an toàn trong tất cả những gì chúng ta làm. Người ta dạy chúng ta phải buộc chặt ghế ngồi, khoá cửa, hạn chế hút thuốc, kiểm tra sức khoẻ hàng năm, tham vấn thầy thuốc trước khi tập luyện. Chúng ta lo lắng về thời tiết, ám ảnh về sự an toàn của con cái chúng ta, sống trong những ngôi nhà có hệ thống báo động và tự trang bị để chống lại những kẻ xâm nhập.
Những sự liều lĩnh mà các thế hệ đi trước coi là đương nhiên như: trẻ con chết yểu, lây nhiễm bệnh, thảm hoạ môi trường thì nay làm cho hầu hết mọi người phải lo ngại. Thay vào đó, giờ đây chúng ta chọn những thành viên nhất định trong xã hội vào những nhiệm vụ đặc biệt như: cảnh sát, lính cứu hoả, quân đội, vận động viên... để đảm nhận những sự liều lĩnh mà phần còn lại trong số chúng ta sợ phải chấp nhận. Sự mô tả sinh động về chủ nghĩa anh hùng trong môi trường của chúng ta là ngọn nguồn của nhiều sự kích động kỳ lạ và cung cấp những ví dụ sinh động về cái mà người ta muốn mô tả là can đảm. Mối liên hệ giữa bạo lực, sự kiểm soát và lòng can đảm trong những vấn đề đó là không thể tránh khỏi và có rất ít sự thích ứng với cuộc sống của chính chúng ta.
Thường khó để thuyết phục những người bất hạnh rằng hãy nắm lấy những cơ hội cần thiết để thay đổi thái độ và hành vi vốn đóng một vai trò trong những trở ngại trong cuộc đời của họ. Nghề của tôi đã đóng góp vào vấn đề này nhờ việc đưa ra những giải pháp về hoá học và y học đối với những bệnh tật và đau đớn. Trong vấn đề này, chúng ta còn được bảo đảm bởi các công ty bảo hiểm rằng họ sẽ giúp chúng ta có được sự chữa chạy có hiệu quả.
Thế vật lý trị liệu là gì? Nó chính là cuộc đối thoại có định hướng để tìm kiếm sự thay đổi. Đó chính là cái mà những người đến nhờ chúng tôi giúp đỡ mong muốn- sự thay đổi. Thường thì họ muốn thay đổi cách họ cảm xúc: nỗi buồn, sự lo lắng, sự mất phương hướng, giận dữ, sự trống rỗng, sự trì trệ... Cảm xúc của chúng ta phụ thuộc phần lớn vào sự nhận định của chúng ta về những gì đang xảy ra quanh chúng ta và với chúng ta- đó chính là thái độ của chúng ta. Thực ra, vấn đề không phải là cái gì đã xảy ra mà là việc chúng ta nhận định các sự kiện như thế nào và đáp lại chúng với lòng quyết tâm của chúng ta ra sao. Điều khu biệt rõ những người gặp rắc rối về cảm xúc là họ thấy mất mát hay là tin rằng bị mất mát, chính khả năng lựa chọn hành vi của con người đã làm cho họ hạnh phúc hay không.
Hãy nghĩ về một người bị tê liệt bởi lo lắng đến nỗi anh ta không còn có thể thích ứng với sự tồn tại của thế giới này nữa. Mọi quyết định cần phải đo lường xem có tính khả thi đến đâu và nó ảnh hưởng đến sự tăng hay giảm nỗi lo của bạn. Khi nỗi lo tăng đến mức độ khiến cho sự lựa chọn của con người đã trở nên căng thẳng đòi hỏi phải có nhu cầu tránh sự lo lắng thì cuộc sống của người ta sẽ co hẹp lại. Khi điều này xảy ra, nỗi lo lắng càng tăng lên và rất nhanh chóng sau đó, người chịu đựng nó tràn ngập nỗi sợ hãi- không phải là từ bên ngoài mà chính từ bên trong anh ta. Vào thời điểm này, một số bệnh nhân cảm thấy những sự lựa chọn của họ trong cuộc sống trở nên hạn chế đến nỗi họ rút lui khỏi những mối tiếp xúc với con người. Sự rút lui này có thể nhìn thấy rõ trong những trường hợp trầm cảm nghiêm trọng.
Công việc của thầy thuốc tâm lý là đem lại niềm hy vọng. Tôi thường hỏi bệnh nhân: «Anh đang mong đợi gì?» Một người bị lo lắng thái quá thường không thể đưa ra câu trả lời. Những người tuyệt vọng thật sự, tất nhiên, thường nghĩ đến chuyện chấm dứt cuộc đời.
Khi phải đương đầu với một người có xu hướng muốn tự tử, tôi hiếm khi cố gắng thuyết phục họ không làm điều đó. Thay vào đó, tôi yêu cầu họ kiểm tra xem cái gì làm họ cảm thấy tuyệt vọng nhất và cái gì có thể ngăn cản họ không tự tử cho đến lúc này. Thường thường điều này sẽ giúp chúng ta hiểu ra mối quan hệ nào đã giúp cho con người đó chịu đựng được cho đến lúc ấy những điều tưởng như không thể chịu nổi trong cuộc sống. Không thể chối cãi được rằng những cơn giận dữ sẽ thúc đẩy và khiến cho người ta có thể đưa ra quyết định tự sát vào bất cứ lúc nào. Tự sát là một loại lời nguyền vĩnh viễn đối với tất cả những ai yêu quí chúng ta. Chắc chắn đây là lời tuyên bố kinh khủng nhất về sự tuyệt vọng và nó cũng là lời tuyên bố đối với những người thân cận gần gũi nhất đối với chúng ta rằng sự quan tâm và tình yêu của họ đối với chúng ta cũng như sự quan tâm của ta đối với họ không đủ mạnh để níu giữ chúng ta sống thêm nữa. Tự nhiên là những người trong sự tuyệt vọng thường chỉ tập trung vào chính mình một cách rất căng thẳng. Tự sát là sự bộc lộ tối hậu về sự quan tâm này đối với bản thân. Thay cho việc bộc lộ nỗi sợ và lòng thông cảm thì những người tự sát thường tạo nên xung quanh họ một nỗi sợ đối với người xung quanh (trong đó có cả các bác sĩ tâm lý), tôi nghĩ là hợp lý khi buộc họ phải đương đầu với sự ích kỷ và cơn giận dữ thường đi kèm với bất kỳ một hành động tự sát nào.
Liệu hướng tiếp cận này có thể ngăn cản một người có ý định tự sát khỏi tự giết mình hay không? Đôi khi. Trong ba mươi năm hành nghề, tôi đã thua cuộc chỉ một lần. Một người mẹ có hai đứa con đang trải qua sự tuyệt vọng do một cuộc ly hôn cay đắng gây ra đã tự bắn mình vào ngày cô phải đi đến bệnh viện. Khi cô ta không đến, tôi đã gọi cảnh sát đến nhà cô ấy và họ tìm thấy xác cô. Tất cả những ảo tưởng của tôi về việc có thể kiểm soát mạng sống của một người khác đang tuyệt vọng đã rời bỏ tôi ngày hôm đó.
Và rồi, nhiều năm sau, tôi nhận được một cú điện thoại nói với tôi rằng đứa con trai yêu quí của tôi, Andrew, hai mươi hai tuổi đã chấm dứt cuộc đấu tranh đã ba năm với bệnh lưỡng cực của nó. Giờ đây, sau mười ba năm, vẫn không có lời nào tả xiết nỗi đau đã giày vò tôi kể từ cái ngày kinh khủng đó. Thật là một sự trái qui luật tự nhiên khi cha mẹ phải chôn chính con cái mình. Trong thế giới chúng ta đã xảy ra những điều không thể nào tưởng tượng nổi như vậy đấy.
Khi Andrew đầu hàng cuộc đấu tranh lâu dài của cháu, cháu để lại sau mình biết bao nhiêu người yêu thương cháu và những ký ức không thể nào chịu đựng nổi cứ đeo đẳng mãi về những niềm vui mà cháu đã mang đến cho chúng tôi và nỗi buồn vĩnh viễn sau cái chết của cháu. Khi tôi mở chiếc đĩa ghi về cuộc đời cháu mà cháu để lại cho tôi, tôi tình cờ tìm thấy một bài luận cháu viết từ khi có chín tuổi. Một phần bài luận đó như sau:
«Đã khoảng hai rưỡi chiều, cha tôi và tôi đã chạy được hơn một tiếng. Chúng tôi lao đi trong gió cho nên tôi tụt lại phía sau và cha che gió cho tôi. Chúng tôi đang tranh tài cùng với hơn 200 người khác. Đó là một cuộc tranh tài khó khăn vì sườn đồi rất dốc. Trong những dặm cuối cùng, chúng tôi tăng tốc và vượt qua nhiều người khác. Khi chúng tôi về đến đích, chúng tôi phải đi bộ thêm một quãng đường dài. Thế là chúng tôi đã hoàn thành cuộc đua dài 13 dặm ».
Cháu từng là một sinh viên tuyệt vời, là chủ tịch hội sinh viên trường cháu và đã từng được bầu vào hội đồng hội sinh viên khi còn là sinh viên năm thứ hai tại nơi mà cháu bắt đầu nhận thấy những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh quái ác. Cháu chịu đựng ba lần nằm viện kéo dài và trở nên hoang mang dao động khi cùng lúc phải chịu chứng hoang tưởng và sự căng cơ. Tôi thường tưởng tượng rằng trong những cử động khó nhọc cuối cùng của mình, cháu đã cố giải phóng cơn giận dữ và đau đớn mà cháu phải chịu đựng. Tôi cầu nguyện để cháu tìm thấy sự thanh thản trong giây phút cuối cùng đó. Chỉ có sự hy vọng cuối cùng này mới khiến cho tôi có thể chịu đựng được cơn đau của chính mình và tiếp tục sống.
Bệnh tật của Andrew là một cơn giá lạnh mà không ai trong chúng tôi có thể che đỡ cho cháu được và cuối cùng, nó đã cuốn cháu đi. Cháu đã lựa chọn giây phút ra đi quá sớm, nhưng tôi biết rằng cháu yêu chúng tôi như chúng tôi đã yêu cháu và tôi tha thứ cho cháu về nỗi đau mà cháu gây ra cho chúng tôi cũng như tin rằng cháu tha thứ cho những lỗi lầm của tôi với tư cách một người cha. Khi tôi nhớ đến tiếng cười của cháu, tôi như nghe thấy lời ca trong bài hát của Tom Paxton:
«Em đi đâu không một lời từ biệt?
Liệu em còn để lại chút dấu yêu?
Tôi đã không biết yêu em nhiều hơn thế,
Nhưng cũng chẳng định thờ ơ
Hãy biết rằng em là điều cuối cùng còn lại trong trí tôi».


Каталог: file
file -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
file -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
file -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 7790-5 : 2008 iso 2859-5 : 2005
file -> Qcvn 81: 2014/bgtvt
file -> UỶ ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương