Giới thiệu Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam MỤc lục lịch sử phát triển



tải về 0.5 Mb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích0.5 Mb.
#2199
1   2   3   4   5   6   7

g. Hoằng pháp

Đức Phật dạy bậc xuất gia có hai bổn phận phải làm: học pháp và hành pháp. Từ hai nền tảng căn bản, chư Tăng đem giáo lý của Đức Phật giảng dạy cho hàng cư sĩ tại gia áp dụng tu tập và hành trì. Vì thế công việc hoằng pháp là một yêu cầu rất hệ trọng đối với chư Tăng Phật giáo Nam tông. Phật tử hiểu đuợc Phật pháp thì thực hành mới có kết quả và mới bảo tồn đuợc Chánh pháp. Do đó trong thời kỳ sơ khai của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, các vị Hòa thượng trong phái đoàn truyền giáo của ngài Hộ Tông phát huy cực mạnh công tác hoằng pháp độ sinh.

Trong giai đoạn đầu chỉ có khoảng bốn hoặc năm trung tâm hoằng pháp, đa số đều ở ngoại ô Sài Gòn - Gia Định, chỉ có trụ sở Kỳ Viên tự là trung tâm Sài Gòn. Điều đó ít nhiều cũng hạn chế việc phổ biến giáo lý Nguyên thủy. Tuy nhiên chủ truơng của quý Hòa thượng là trong bất cứ cuộc lễ lớn hoặc nhỏ, như lễ giỗ, cầu an, cầu siêu, trai tăng, hai ngày sám hối 14 và 30 trong tháng, đều có tổ chức chương trình thuyết pháp. Các Pháp sư trong giai đoạn này gồm có: Hòa thượng Thiện Luật, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Huệ Nghiêm, Hòa thượng Hộ Tông, Thượng tọa Giới Nghiêm, Thượng tọa Hộ Giác, Thượng tọa Thông Kham v.v...

Tại Bửu Quang tự, Hòa thượng Thiện Luật, Bửu Chơn và Hộ Tông là những vị pháp sư đầu tiên thuyết pháp giảng đạo để gây lòng tin trong một số Phật tử nòng cốt để phát triển Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam. Những nguời Phật tử đó là các ông Nguyễn Văn Hiểu, Văn Công Hương, hội đồng Hườn, xã trưởng Bùi Văn Hứa, ông Quyên, ông Cầm, ông Mum, ông Phước, ông Minh, ông Ngưu, ông Nhân, ông Núi, ông Tâm, ông Tịnh, Tám Vĩnh, Bảy Quyền, phó huơng quản Sách, ông Hai Ta. Về tín nữ có bà Cả, bà Tích, chị Ba, cô Tư thợ may, bà Bảy Thao, bà Năm Nhiều, bà Tư Ốm, bà Ba v.v...

Tại Kỳ Viên tự, các vị Hòa thượng trong phái đoàn hoằng pháp của Hòa thượng Hộ Tông thường xuyên thuyết giảng Phật pháp vào những ngày sám hối (14 và 30 âm lịch). Cụ thể và thường xuyên nhất là Pháp sư Thông Kham. Những bài giảng của pháp sư vừa thực tế vừa chuyển tải nội dung giáo lý được diễn đạt rất mới mẻ, trích từ Tam tạng Pàli, nên lôi cuốn rất nhiều Phật tử đến quy y Tam bảo theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy.

Thêm vào đó, trong những đạo tràng của Phật giáo Bắc truyền, Thượng tọa Pháp sư Hộ Giác cũng thường được thỉnh giảng kinh điển Nguyên thủy cho Phật tử. Mỗi buổi giảng của Thượng tọa giúp cho hàng Phật tử tại gia hiểu thêm về kinh điển truyền thống Nguyên thủy của Đức Phật vốn đã bị mờ nhạt tại quê hương Việt Nam dưới nền giáo lý Đại thừa Bắc tông đã có mặt hàng ngàn năm lịch sử. Không chỉ hàng cư sĩ tại gia mà còn cả hàng xuất gia nữa đã ý thức tầm quan trọng của kinh điển Nguyên thủy.

Tại trung tâm hoằng pháp Tam Bảo tự (Đà Nẵng), các Hòa thượng Thiện Luật, Bửu Chơn và Giới Nghiêm thuyết giảng Phật pháp đến các giới Phật tử rất thành công. Trung tâm này đã thu hút giới Phật tử đến quy y và xuất gia theo Phật giáo Nguyên thủy rất đông. Từ nền tảng đó, nhiều ngôi chùa ở các tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang, Đà Lạt được thành lập và tồn tại cho đến ngày hôm nay.

II. TỪ 1975 ĐẾN NAY (2003)

Sau năm 1975, tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế, do đó Phật giáo cũng chịu ảnh hưởng chung. Tất nhiên quốc gia nào cũng vậy, sau chiến tranh thì phải hàn gắn lại những gì bị đổ nát, muốn khôi phục lại phải có một thời gian tương đối nào đó. Nước ta mất hơn 15 năm để phục hưng lại những gì mà chiến tranh gây ra. Trước những thử thách to lớn đó, nước Việt Nam và con người Việt Nam vẫn kiên trì, nhẫn nại, phấn đấu, nỗ lực trong khả năng những gì mình đã có để khắc phục lại những khó khăn trên.

Khoảng 10 năm sau khi thống nhất đất nước, có thể nói các hoạt động trong nhiều lĩnh vực của cộng đồng Phật giáo rất khiêm tốn trong khuôn khổ của Nhà nước cho phép. Gần đây, Nhà nước đã có nhiều đổi mới về nhiều lĩnh vực nên Phật giáo cũng khởi sắc theo, trong đó có Phật giáo Nam tông.

a. Xuất bản kinh sách

Trong 10 năm đầu sau khi thống nhất đất nước, kinh sách Phật giáo được xuất bản rất ít, chỉ có đôi ba tác phẩm được xuất bản với giấy in có chất lượng rất xấu trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế. Các sách của những tôn giáo bạn, các sách giáo dục phổ thông, v.v... đều chịu chung ảnh hưởng đó. Thêm vào đó, kinh sách Phật giáo Nam tông lại rất hiếm, dù rằng giáo lý rất thực dụng trong quần chúng. Hiếm là vì nhiều kinh điển chưa được dịch sang tiếng Việt và chưa có nhân sự chính thức để dịch Tam tạng lẫn chú giải từ nguồn Pàli tạng.

Điều đáng mừng là tạng Kinh tạng Nikaya (Sutta Pitaka) đã được Hòa thượng Thích Minh Châu tiếp tục chuyển ngữ và được ấn hành. Dư luận trong giới Phật giáo và quần chúng Phật tử rất hoan hỷ đón nhận. Trước đây, chư Tăng Ni và Phật tử Bắc tông muốn tìm hiểu Kinh tạng Nam tông thì lại không có tư liệu đầy đủ. Cho nên tạng kinh Nam tông ra đời giúp cho bộ phái Bắc tông và Nam tông có sự hiểu biết và thông cảm cho nhau.

Đồng thời theo chiều hướng phát triển tốt của tạng kinh, Hòa thượng Siêu Việt kết hợp với các đệ tử của ngài Hòa thượng Tịnh Sự thành lập Ban Tu thư tạng Luận tại chùa Nam Tông, huyện Bình Chánh, để biên tập các dịch phẩm của Hòa thượng Tịnh Sự. Mặc dù công tác đó chưa hoàn tất trọn vẹn, trên căn bản đó đến nay Thượng tọa Giác Chánh, Đại đức Giác Giới và cư sĩ Định Tri đã sửa chữa, in ấn gần hoàn tất 7 bộ A Tỳ Đàm Pàli (Vi Diệu Pháp, Abhidhamma Pitaka), với hơn 15 cuốn.

Thêm vào đó, Thượng tọa Tăng Định và Đại đức Thiện Minh ở chùa Kỳ Viên; Thượng tọa Giác Chánh, Đại đức Giác Giới, Đại đức Giác Nguyên ở chùa Siêu Lý; Thượng tọa Viên Minh và Thượng tọa Hộ Pháp ở chùa Bửu Long; Thượng tọa Giới Đức và Thượng tọa Pháp Tông ở chùa Huyền Không; Đại đức Minh Huệ ở chùa Phước Hộ; Thượng tọa Hộ Chơn ở chùa Bửu Thắng, đã trước tác và dịch thuật hơn 50 tác phẩm, gồm nhiều thể loại khác nhau: thơ, truyện ngắn, hành thiền, giáo lý căn bản, chú giải kinh Pháp Cú, giảng giải Vi Diệu Pháp v.v... cung cấp cho giới Phật giáo và đồng bào Phật tử thêm nhiều tư liệu kinh sách tiếng Việt để tham khảo và học tập.

b. Gửi Tăng Ni đi du học

Phong trào du học của chư Tăng Nam tông rất khả quan trước 1975. Tuy nhiên sau khi đất nước giải phóng, do tình hình chung, nhiều tu sĩ không được đi du học. Thay vào đó, chư Tăng tham gia những khóa học trong nước như trường cơ bản, trường cao cấp Phật học hoặc tham dự các khóa giảng sư do Ban Hoằng pháp GHPGVN tổ chức. Tuy không được xuất dương du học nhưng nhờ học như vậy nên Tăng sĩ ở Việt Nam có một trình độ Phật học căn bản rất tốt.

Năm 1994, nhân dịp Hòa thượng Thích Minh Châu tham dự Đại hội Phật Giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP), Giáo hội Tăng già Sri Lanka tặng Hòa thượng hai suất học bổng cho Tăng sinh Nam tông được du học tại đất nước này. Trường Cao cấp Phật học Việt Nam và Phật giáo Nam tông chọn Đại đức Bửu Hiền và Đại đức Hộ Phạm lên đường sang Sri Lanka du học. Sự du học của hai Đại đức là đánh dấu đầu tiên của những Tăng sĩ Nam tông được du học sau năm 1975.

Tiếp theo chiều hướng tốt đẹp đó và tình hình đất nước mở cửa kinh tế, nhiều Tăng Ni Phật giáo Nam tông lần lượt được GHPGVN và chính phủ Việt Nam cấp phép lên đường du học ở Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar.

Nói chung phong trào du học sau năm 1975 không thua kém gì trước đó, trái lại số lượng tốt nghiệp cao học tăng nhiều hơn. Điều đáng chú ý là trong số lượng du học sau này, có thêm đội ngũ Ni giới giúp cho các hoạt động hoằng pháp của Nam tông thêm phần khởi sắc.

c. Mở Phật học viện

Đa số chư Tăng Nam tông có khả năng đều tham dự những khóa học của trường cao cấp Phật học hoặc truờng cơ bản của GHPGVN, vì đây là hệ thống giáo dục chung của Giáo hội. Hệ thống giáo dục này đào tạo cả hai hệ tư tưởng Nam truyền và Bắc truyền. Chương trình giáo dục này có điểm không phù hợp cho giới Tăng sĩ Nam tông. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Giáo hội chưa mở một phân khoa Phật học riêng cho Phật giáo Nam tông, vì số Tăng sĩ còn quá ít và cũng chưa có vị cao tăng nào đủ pháp lý, học vị để chịu trách nhiệm tổ chức phần giáo dục này.



d. Xây dựng chùa tháp

Chùa tháp kiến tạo thêm thì ít, trong lúc đó, chính quyền địa phương lại mượn một số chùa, tịnh xá làm cơ sở công ích. Lý do là Giáo hội không đủ nhân sự trực tiếp quản lý các chùa đó. Thí dụ như các chùa Huệ Quang (Bình Định), chùa Như Ý (Nha Trang), chùa Bửu Sơn (Đà Lạt), chùa Pháp Quân (Tùng Nghĩa), chùa Bồ Đề (Vũng Tàu), Thích Ca Phật đài (Vũng Tàu), Phước Hải (Tiền Giang), Tam Bảo (Phan Thiết) v.v... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ số Tăng sĩ gia tăng và chính sách Nhà nước đổi mới nên có một số chùa được trả lại cho Giáo hội để hoạt động Phật sự, như Thích Ca Phật đài, Phước Hải, Tam Bảo.

Hưởng ứng theo chủ trương của Nhà nước, các Thượng tọa Tâm Hỷ, Giác Chánh, Thiện Pháp và các vị Đại đức Bửu Chánh, Chánh Định, Chánh Tâm, Minh Huệ, Chơn Thiện, Trí Đức, Tuệ Quyền tham gia thực hiện chương trình khai phá vùng kinh tế mới ở Long Thành, đồng thời các vị cũng mở mang thêm chùa tháp ở các vùng trong tỉnh Đồng Nai, như các chùa Thiền Quang I, Thiền Quang II, Quảng Nghiêm, Tam Phước, Ngọc Đạt, Y Sơn, Phước Hộ, Cồ Đàm, Bửu Đức, Linh Phú, Từ Thiện, Thái Hòa, Quang Minh, Phước Huệ. Tuy những ngôi chùa này không hoạt động mạnh mẽ như những chùa Nam tông ở thành phố nhưng đó là một dấu ấn thành công lớn của các vị Tỳ kheo đã tích cực hoạt động phụng sự giáo pháp. Đồng thời Thượng tọa Viên Minh cũng mở thêm Thiền viện Viên Không ở Bà Rịa-Vũng Tàu với ý định thành lập một làng Thiền của Phật giáo Nam tông.

Trong điều kiện kinh tế thuận lợi, gần đây, một số chùa được trùng tu như chùa Bửu Long, chùa Bửu Thắng, chùa Pháp Quang, chùa Siêu Lý rất khang trang, rộng rãi, tiện lợi cho sinh hoạt tín ngưỡng của Phật tử trong những ngày lễ lớn.



e. Hoạt động trong Phật giáo quốc tế

Kể từ năm 1981, khi thống nhất Giáo hội thì Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam trở thành một thành viên của GHPGVN. Lại nữa sau năm 1975, trong tình hình chung của đất nước nên việc ngoại giao với Phật giáo Nam tông của các quốc gia bạn bị giới hạn.

Hòa thượng Siêu Việt, Thượng tọa Thiện Tâm, Thượng tọa Hộ Pháp và Thượng tọa Tăng Định, Thượng tọa Bửu Chánh, Thuợng tọa Minh Giác, Đại đức Thiện Minh, Đại đức Thiện Hạnh, Đại đức Pháp Chất đều có tham gia hoạt động trong Ban Phật giáo Quốc tế, nhưng việc hoạt động này mang tính chất chung trong ngôi nhà GHPGVN.

Năm 1997, Hòa thượng Siêu Việt và Thượng tọa Thiện Tâm tổ chức tiếp đón phái đoàn Phật giáo Campuchia do Hòa thượng Um Sum làm trưởng đoàn. Sự viếng thăm Việt Nam của phái đoàn Phật giáo Campuchia với chủ ý là để cám ơn Nhà nước Việt Nam và Phật giáo Nam tông Việt Nam đã giúp đỡ phục hồi Phật giáo Campuchia sau nạn diệt chủng của Khmer đỏ.

Khoảng năm 1990, do tình hình đất nước mở cửa, Thượng tọa Hộ Pháp liên lạc với các trường Phật giáo Nam tông trên thế giới để gửi Tăng sinh Nam tông du học. Kết quả là có 8 vị được sang Myanmar và 2 vị sang Thái Lan tu học. Cũng trong thập niên này Thượng tọa Thiện Tâm và phái đoàn GHPGVN sang Đài Loan và Thái Lan dự các hội nghị Phật giáo quốc tế.

Song song với chiều hướng đổi mới đó, Thượng tọa Tăng Định được gửi sang Myanmar nghiên cứu các pháp hành thiền và gặp gỡ nhiều vị Đại thiền sư để học pháp, nhằm mục đích khi về nước xiển dương pháp hành Tứ niệm xứ cho các Phật tử trong nước. Sự có mặt của Thượng tọa Tăng Định ở Myanmar đã làm cho các vị thiền sư rất hoan hỷ khi biết Phật giáo Nam tông Việt Nam đang phát huy pháp hành thiền tuệ. Các ngài hứa nếu đủ duyên sẽ sang Việt Nam hướng dẫn thêm những khóa tu đặc biệt cho các Phật tử tu theo pháp môn này.

Trong năm 2000, Đại đức Thiện Minh đã sang Trung tâm Phật giáo Amaravati, Anh quốc, nhập hạ và tu học. Đây là một trung tâm nổi tiếng ở đất nước này. Trung tâm Phật giáo Amaravati hiện nay là trụ sở của Giáo hội Tăng già Anh quốc.

f. Hoạt động từ thiện xã hội

So với các tông phái khác, hoạt động từ thiện xã hội của hệ phái Nam tông tương đối khiêm nhuờng. Tuy vậy, hệ phái Nam tông cũng đã tích cực đóng góp cứu trợ sau những trận thiên tai ở miền Trung hoặc miền Tây Nam Bộ.

Các Thượng tọa Viên Minh, Thiện Pháp, Giới Đức, Pháp Tông, Tuệ Tâm, Pháp Cao, Tăng Định, Chánh Niệm, Pháp Chất, và các Đại đức Chánh Định, Tuệ Quyền, Thiện Đạt, Thiện Minh... cùng chư Tăng và Phật tử hệ phái sẵn sàng vận động đồng bào Phật tử trong hoặc ngoài nước để kịp thời cứu trợ khi có thiên tai xảy ra. Thống kê của Phật giáo Nam tông cho biết, trong năm 1999 và năm 2000, hệ phái đã cứu trợ đồng bào ở miền Trung và sáu tỉnh miền Tây bị thiên tai gần một tỷ đồng, gồm có tiền mặt và quà biếu như đường, nước tương, gạo, quần áo. Năm 2002, chùa Kỳ Viên đi cứu trợ các tỉnh miền Tây khoảng 8 chuyến, mỗi chuyến trị giá khoảng 30.000.000 đồng. Đồng thời trong năm này, Tăng Ni Phật tử chùa Kỳ Viên và Phật tử hải ngoại tài trợ chuơng trình "Đem lại ánh sáng cho nguời mù nghèo", cụ thể là mổ cườm 100 ca, mỗi ca trị giá 500.000 đồng, v.v...

g. Hoằng pháp

Trong những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất (1975), nhà nước và nhân dân cùng nhau xây dựng xứ sở trong bối cảnh mới đầy khó khăn. Do đó việc hoằng pháp của Phật giáo nói chung và Phật giáo Nguyên thủy nói riêng cũng bị giới hạn. Mặc dù vậy, trong những cuộc lễ lớn hoặc nhỏ chư Tăng vẫn đều duy trì thời thuyết giảng Phật pháp cho hàng tại gia. Đặc biệt nhất là những ngày lễ Dâng y, mỗi chùa tổ chức một ngày trong mùa Dâng y (16 tháng 9 âm lịch đến 15 tháng 10 âm lịch) đều có chương trình thuyết pháp.

Bên cạnh đó, những chùa nào có đủ điều kiện đều tổ chức thuyết pháp sám hối lệ hàng tháng (một tháng có hai kỳ) để tạo điều kiện cho Phật tử học tập giáo lý và gìn giữ truyền thống. Điển hình là các chùa Pháp Quang, Phổ Minh, Từ Quang, Giác Quang, Nam Tông, Siêu Lý, Trúc Lâm, Bửu Thắng, Phật Bảo, Thiền Quang 1 (Long Thành), Phước Hải (Vũng Tàu), Pháp Bảo (Mỹ Tho), Siêu Lý (Vĩnh Long), Tam Bảo, Thiền Đường (Bình Phước), Bửu Long, Huyền Không v.v...

Tóm lại, trước và sau 1975, công tác hoằng pháp của Phật giáo Nam tông đã khá thành công và đã để lại nhiều thành quả đáng kể.



Tài liệu tham khảo

- Nguyễn Tối Thiện, Lịch sử truyền bá Phật giáo Nguyên thủy, xuất bản 1990.


- Nguyễn Văn Sáu, Lịch sử Phật giáo Nam tông Việt Nam, ấn hành 1987.
- Các công văn của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy VN.

Trích: Nguyệt san Giác Ngộ, số 88, 07-2003

Phật giáo Nam tông Việt Nam: Cái nhìn từ bên ngoài

Thích Huệ Giáo

Phật giáo Nam tông Việt Nam (PGNTVN) hiện nay có hai hệ chính: hệ phái của người Khmer ở các tỉnh phía Nam của đất nước và Phật giáo Nam tông (PGNT) trong cộng đồng người Việt. So với Phật giáo Bắc tông thì số lượng chùa chiền (tinh xá), tự viện, Tăng sĩ còn rất khiêm tốn. PGNTVN bắt nguồn từ Campuchia ở thập niên 1930, do một bác sĩ chuyên ngành thú y thế danh Lê Văn Giảng làm việc và sinh sống xuất gia tu học tại Campuchia, sau đó khi về nước đã trở thành một vị sư (Hòa thượng Hộ Tông) theo truyền thống Nam tông và truyền bá rộng rãi PGNT. Có thể xem ngài là người đặt nền móng ban đầu cho PGNTVN hiện hữu và phát triển đến nay, bên cạnh sự nỗ lực của một số Tăng sĩ, cư sĩ Nam tông Việt Nam.

Cho đến hôm nay PGNTVN đã gần tròn 70 tuổi, phát triển cùng với khối Phật giáo các hệ phái thống nhất thành một Giáo hội hòa hợp trong hoạt động Phật sự.

Về tư tưởng - học thuật: PGNTVN vẫn một lòng chung thủy với truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, gắn bó vào đời sống của mình, đời sống thực tiễn xã hội, cũng như trong thiền môn. Tại Việt Nam, PGNT thiên về tu tập thiền quán, soạn dịch kinh điển, hướng dẫn Phật tử đi thẳng vào nội dung lời dạy của Đức Phật được kết tập trong Kinh tạng Pàli.

Tuy nhiên, so với các nước theo truyền thống Phật giáo Nam tông khác như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka và Myanmar, Tăng sĩ PGNTVN có cơ hội tiếp cận với nhiều hệ thống giáo lý Phật giáo khác nhau. Thực tế, nền giáo dục Phật giáo nước nhà từ thấp đến cao, mọi tu sĩ Phật giáo được học cả những tư tưởng của hai trường phái chính Phật giáo. Từ đó, có thể nói rằng tu sĩ PGNTVN có cái nhìn tư tưởng của Phật Đà toàn diện hơn so với các nước Phật giáo Nam tông khác, mặc dù nền giáo dục của họ về chất và lượng có trội hơn chúng ta. Qua thực tế cho thấy, họ xác nhận vẫn bị rơi vào lổ hổng là phần lớn tu sĩ của các nước ấy bị hạn chế kiến thức đối với các hệ tư tưởng Phật giáo Phát triển, một nửa trái tim học thuật của Phật giáo. Đây là một trong những điểm đặc thù mà chúng ta có thể so sánh về PGNT giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trong châu lục.



Về thực tiễn sinh hoạt: Trên cơ sở tư tưởng tiếp thu nhiều nền giáo lý khác nhau, sự hành trì của PGNTVN đã có những nét khác biệt, có cái nhìn thông thoáng và dễ dàng hòa nhập với các hệ phái khác hơn, không câu nệ vào giới tướng, hình thức như Phật giáo Nam tông ở các nước khác. Đây là điểm đặc thù thứ hai mà chúng ta có thể thấy được, xuất phát từ nền tảng văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. Mặc dù có truyền thống ứng phó khác nhau giữa các hệ phái, nhưng một mặt nào đó PGNTVN muốn phát triển thì phải phương tiện để hòa nhập là điểm tất yếu, chúng ta thấy rất rõ điều đó qua sinh hoạt của chư Tăng PGNTVN hiện nay.

Vai trò hiện tại: Từ khi PGNT có mặt tại Việt Nam, chúng ta đã thấy rằng ngay từ đầu có một sự hòa hợp sinh hoạt, ranh giới khác biệt trong ngôi nhà chung Phật giáo giữa Nam và Bắc tông là không đáng kể. Mối quan hệ giữa chư Tăng, cư sĩ cả hai phái đã thể hiện tinh thần lục hòa đồng trụ một cách nhuần nhuyễn, nói lên một sự nhất trí và dễ dàng hưởng ứng lời kêu gọi thống nhất PGVN ngay từ ngày đầu thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trải qua hơn 20 năm, chúng ta đã thấy rõ, đây là một điểm mạnh mà tất cả những người con Phật cần phải phát huy. Cung cách biểu lộ sinh hoạt của PGNT từ nội dung đến hình thức có khác, tuy nhiên vai trò là một Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam được xem là bất biến, không gì thay đổi, hy vọng PGNTVN càng phát huy hơn nữa để hòa nhập trong xu hướng phát triển Phật giáo trong thời đại mới cùng với xu hướng phát triển chung của đất nước.

Từ những điểm trên, chúng ta có thể giới thiệu cho PGNT các nước bạn hiểu biết thêm về một nền PGNTVN đã hòa nhập vào ngôi nhà chung PGVN, vào dân tộc như nước với sữa. Mặt khác, chư Tăng Nam tông Việt Nam thấy được những điểm mạnh và những mặt hạn chế của mình để làm sao vừa không đánh mất đi lập trường của hệ phái mình, vừa có sự hòa nhập hơn nữa, hầu đóng góp cho Phật giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh, vừa cống hiến đầy hương thơm cho dân tộc Việt. Thể hiện được những đặc trưng PGNT đang có trong thế giới Phật giáo tuy không đồng nhưng hòa. Điều này đã phần nào được thể hiện qua 70 năm tồn tại với thời gian trong dòng lịch sử Phật nước nhà, một chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển của PGNTVN./.



Trích: Nguyệt san Giác Ngộ, số 88, 07-2003
Những Nhà Sư Phật giáo Nguyên thủy truyền giáo đầu tiên
ở Sài gòn - Gia định


Tỳ kheo Thiện Minh

Những người Việt Nam đầu tiên phát động phong trào nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy có thể nói là cụ Nguyễn Văn Hiểu, Văn Công Hương và Bác sĩ Lê Văn Giảng. Các người này là những nhà nho, có học thức thời bấy giờ, vì tuổi đời chồng chất và ngán ngẩm thế sự nên tìm đến sự êm dịu , thanh tịnh và mát mẻ của tâm hồn bằng con đường sách vỡ. Chính quyển sách "La Sagesse de Boudha" của người Đức viết bằng tiếng pháp về Phật giáo đã làm chuyển hóa những tâm hồn vĩ đại đó. Thế rồi ba tâm hồn này tự hứa hẹn nhiệm vụ cho nhau để mở đạo pháp Nguyên Thủy tại Việt Nam, nhiệm vụ đó là:

-Cụ Nguyễn Văn Hiểu tìm đất xây chùa tạo tháp để có địa điểm chư Tăng hoằng dương chánh pháp.

- Cụ Văn Công Hương nhận trách nhiệm in ấn những tài liệu kinh điển cần thiết để truyền bá chánh pháp.

- Bác sĩ Lê văn Giảng vì đang còn làm việc ở Campuchia nên nhận trách nhiệm khảo cứu kinh điển Phật giáo và tìm biện pháp truyền bá Phật giáo Nguyên thủy về Việt Nam.

Trách nhiệm đã có, ngày chia tay đầy cảm động, trời đất dường như cũng đồng cảm với ba con người vĩ đại này. Ai cũng có trách nhiệm với công việc của mình nên không bao lâu hoài bão và tâm nguyện của các vị này thành tựu. Từ ngày chia tay bác sĩ Lê Văn Giảng trở về Nam Vang tầm sư học đạo ,sôi mài kinh sử. Với chút vốn liếng hiểu biết về đạo pháp, bác sĩ chia sẻ cho những người bạn của mình. Nào có ngờ đâu, Phật pháp nhiệm mầu nên những người bạn của bác sĩ hoan hỷ đến mức độ bỏ tất cả trần duyên cuộc sống xuất gia theo Phật giáo Nguyên thủy.

Người đầu tiên tu theo Phật giáo nguyên thủy là Hòa thượng Thiện Luật, thế danh Ngô Bảo Hộ, sinh năm 1898 tại Sa Đéc, xuất gia Sa di năm 1934 và xuất gia Tỳ kheo năm 1937. Người thứ hai là Hòa thượng Huệ Nghiêm, thế danh Hồ văn Viên, sanh tại Sa Đéc, xuất gia năm 1938. Người thứ ba là hòa thượng Bửu Chơn, thế danh Phạm văn Tông sinh 1914 tại Hội An, Sa Đéc, xuất gia ngày 19 tháng 7 năm 1940. Người thứ tư, Hòa thượng Hộ Tông, thế danh Lê văn Giảng sinh 1893 quận 7, Phnom- Penh, xuất gia ngày 15 tháng 10 năm1940.

Tuy nhiên trước đó cũng có một số nhà sư xuất gia tu theo Phật giáo Nguyên Thủy nhưng những vị này là người việt gốc Khơme ở sáu tỉnh miền Tây nam bộ. Cố nhiên những vị này cũng có công rất lớn trong giai đoạn đầu của Phật giáo Nguyên thủy, đó là sư Miên, sư Sanh, sư Thạnh (trụ trì Chùa Sùng Phước) và sư Bảy Tiệm.

Song song với những nhà sư đó là nhóm Phật tử Việt kiều ở Campuchia, họ cũng là những người phát huy phong trào nghiên cứu đạo Phật nguyên thủy và truyền bá chánh pháp. Thầy Tám Học là người Phật tử có công rất lớn chuyển đổi ngôi chùa Sùng Phước ở Nam Vang thành ngôi chùa của Phật giáo Nguyên Thủy đầu tiên. Chính địa điểm này là trung tâm đầu tiên để nhóm cư sĩ Phật tử hội họp bàn thảo về đạo pháp. Ban dịch thuật lần đầu được thành lập tại đây để dịch những kinh sách cần thiết giúp ích Phật tử việt Nam hiểu về đạo Phật Nguyên thủy. Nhóm dịch thuật này do Cư sĩ Lê Văn Giảng (nay là Hòa Thượng Hộ Tông) làm trưởng ban. Trong số này có Thầy Sáu Hoa, thầy Ba Diên và thầy Ba Lý là những nhà dịch thuật rất có tầm cỡ, Thầy Ba Lý dịch nhiều bài kinh trong quyển Nhật tụng bằng lối văn vần bất hủ như tiểu sử Phật Thích Ca, kinh Phật Nhập Níp bàn, kinh Vô Thường Khổ Não, Vô Ngã. Và cũng chính nhóm dịch thuật này thành lập tạp chí Ánh Sáng Phật pháp đầu tiên để phổ giáo lý cho người Việt Nam. Nhờ hoạt động Phật pháp tốt nên đã gây tiếng vang rất xa, chẳng bao lâu nhiều nhà trí thức đến cộng tác và hỗ trợ cho công việc truyền bá Phật pháp về Việt Nam. Trong số những người đến tham gia có ông Sáu Tông sau này xuất gia trở thành Hòa Thượng Bửu Chơn, một vị cao tăng đóng góp rất nhiều công trình cho Phật giáo Nguyên Thủy tại Việt Nam trong giai đoạn đầu.

Về phía cụ Nguyễn Văn Hiểu thì cố công tìm đất xây chùa, ông tìm một khu đất khá lý tưởng và rất thích hợp cho những vị Sa môn chân tu thiền định, đó là chùa Bửu Quang ngày nay. Còn nỗi hoan hỷ nào hơn khi hoài bão và lý tưởng của mình đã thành tựu. Lại nữa hiện nay có nhiều người Việt Nam đã tu theo Phật giáo Nguyên Thủy, nên ông lập tức viết thư gởi cho người bạn của mình là bác sĩ Lê Văn Giảng tức Hòa Thượng Hộ Tông nên nghĩ đến việc truyền đạo về Việt Nam. Hòa Thượng lúc này bận việc khảo cứu kinh điển và dịch quyển kinh Nhật Tụng để người Việt tụng niệm công phu tối và sáng. Hòa Thượng bàn lại chuyện này với Hòa Thượng Thiện Luật và được sự động viên của Phật tử Việt Kiều ở Nam Vang nên Hòa Thượng Thiện Luật về Việt Nam tiếp nhận chùa Bửu Quang đầu tiên.

Lần đầu tiên ở Việt Nam có một vị danh tăng tướng mạo trang nghiêm y bát chỉnh tề đi vào xóm khất thực mỗi buổi sáng ở ngoại ô thành phố. Cử chỉ và việc làm đó quá lạ đối với dân Việt Nam, nên óc tò mò của họ, mỗi buổi chiều dân chúng kéo nhau vào chùa Bửu Quang vấn đạo Hòa Thượng Thiện Luật. Nhờ vậy không bao lâu có được một số Phật tử nồng cốt biết cung kính chư Tăng, biết bố thí và tham thiền. Sở dĩ Hòa Thượng thành công bước đầu như vậy phần lớn cũng nhờ cụ Nguyễn Văn Hiểu và một số bạn bè của cụ. Thế rồi hình ảnh đẹp đó không tồn tại được bao lâu rồi Hòa Thượng phải trở về lại Nam Vang. Cuối cùng chùa Bửu Quang lúc này do cư sĩ tạm thời quản lý. Mặc dù tâm đạo của họ còn non nhưng niềm tin và sự tin tiến của họ vững chãi. Bận rộn nhiều công việc ở trần thế nhưng ngày nào họ cũng đến tụng kinh lạy Phật và tham thiền như ông Hiểu, ông Hương...

Khi cư sĩ Lê Văn Giảng xuất gia thì lúc bấy giờ cơ duyên về việc hoằng pháp ở Việt Nam đã chín muồi. Chùa chiền thì cụ Nguyễn Văn Hiểu đã xây dựng, chư Tăng lúc bấy giờ đã xuất gia hơn năm vị, kinh sách dịch khá nhiều. Theo lời mời của cụ Nguyễn Văn Hiểu, phái đoàn chư tăng gồm có Hòa Thượng Thiện Luật , Hòa Thượng Huệ Nghiêm và Hòa Thượng Hộ Tông lên đường sang Việt Nam khai sáng Phật pháp. Ngôi chùa các ngài dừng chân là chùa Bửu Quang (Ratana) .

Ngôi chùa này là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy sau ngôi chùa Sùng Phước ở Nam Vang. Truyền thống chư Tăng Nam tông mỗi sáng các ngài điều đi hóa duyên khất thực để cho Phật tử gieo duyên lành trong chánh pháp. Hình thức khất thực rất đặc biệt vừa giới thiệu Phật tử hình ảnh cao đẹp của chư Phật trong quá khứ, vừa nêu cao nếp sống dung dị của chư Tăng và gần gũi với đồng bào Phật tử. Buổi sáng khất thực còn buổi chiều thuyết pháp giảng đạo dạy thiền cho Phật tử, nhất là nhóm Phật tử của cụ Nguyễn Văn Hiểu. Nhóm Phật tử này tuy ít nhưng là thành phần trí thức, do đó họ rất dễ dàng hấp thụ đạo pháp. Nhờ đạo phong, tài đức và lối thuyết giảng của các ngài cộng thêm sự truyền đạt lại của nhóm trí thức đạo pháp cho những người bạn và thân bằng quyết thuộc. Thế là chẳng bao lâu số Phật tử đến quy y theo Phật giáo Nguyên thủy rất đông như Gia đình bà Cả và ông Xã Hứa, ông Cả Ngưu ở Phú Nhuận, ông Hương Giáo Thêm (về sau, xuất gia và là trụ trì chùa Giác Quang ), ông Cựu Thông Phán, Phạm Côn Lợi, ông Hương, Quyến, Núi, Cầm và ông Nhân...

Càng ngày số tín đồ đông đảo nên mỗi buổi chiều là các ngài luân phiên nhau thuyết giảng Phật pháp và mở lớp dạy giáo lý cũng như hướng dẫn Phật tử pháp môn thiền. Không khí mỗi ngày ở tổ đình Bửu Quang lại thêm sinh động. Lúc này Hòa Thượng Bửu Chơn thì đang trong giai đoạn tu thiền ở rừng trên Nam Vang, cho nên vào mùa hạ thì cụ Nguyễn Văn Hiểu thỉnh Hòa Thượng xuống dạy thiền và giảng đạo cho Phật tử.

Sau đó Hòa Thượng Huệ Nghiêm hóa duyên ở Phú Nhuận và thuận duyên nên ngài được Phật tử hỗ trợ xây một trung tâm thiền định nhỏ để tự tu và hướng dẫn Phật tử tu thiền. Đây là trung tâm thiền định đầu tiên (nay không còn nữa), nhờ có trung tâm thiền định nên Phật tử rất thích đến đây hành đạo để cho tâm tư thanh thản.

Về phía cư sĩ, ông Dương Văn Thêm nhờ hấp thụ Phật pháp do phái đoàn truyền đạo đầu tiên ở chùa Bửu Quang nên ông cảm thấy tuổi đời chồng chất và ngán ngẩm thế sự và rồi ông quyết định cất cốc tu tại gia ở Bình Đông. Chẳng bao lâu duyên lành hội đủ, ông xuất gia ở Nam Vang và về cốc ở Bình Đông tiếp tục tu hành. Cốc của ngài ở Bình Đông sau này trở thành chùa Giác Quang là một trung tâm truyền bá Phật pháp rất mạnh trong giai đoạn đầu. Tại đây nhiều Phật tử đã quy y trở thành cận sự nam và cận sự nữ hộ trì Phật giáo Nguyên thủy, có rất nhiều vị tăng tài xuất gia tại ngôi chùa này và phụ các ngài trong công cuộc xây dựng ngôi nhà Phật giáo Nguyên thủy.

Thế cho nên phái đoàn truyền giáo do Hòa Thượng Hộ Tông làm trưởng đoàn du nhập Phật giáo Nguyên thủy vào Việt Nam năm 1939 là một thành tựu lớn. Mặc dù lúc đó người ta chỉ thấy có một vài nhà sư áo vàng mỗi buổi sáng khất thực trên đường phố, ấy vậy mà ngày nay nó đã trở thành một tổ chức hệ thống của Phật giáo Nam Tông được nhà nước công nhận.

(Tuần báo Giác Ngộ, số 132, 7 tháng Tám, 2002)
Phật giáo Nam tông ở Cố đô Huế

Tỳ kheo Thiện Minh
NỘI DUNG

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

1. Niên đại và người khai sáng


2. Nguyên nhân du nhập
3. Những điểm thuận lợi và khó khăn

4. Ðôi nét về cuộc đời người khai sáng và các vị có công truyền bá:

a) Tóm tắt tiểu sử đức Giới Nghiêm, người khai sáng Phật giáo Nam tông tại Huế
b) Tóm tắt tiểu sử Hoà thượng Hộ Nhẫn
c) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Viên Minh
d) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Ðịnh Lực
e) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Giới Ðức
f) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Hộ Tịnh
g) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Pháp Tông
h) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Tuệ Tâm
e) Tóm tắt tiểu sử Ðại đức Giới Hỷ

5. Những thiện nam và tín nữ hộ trì Tam Bảo đầu tiên



II. NHỮNG NGÔI CHÙA Ở CỐ ÐÔ HUẾ

Tăng Quang


Thiền Lâm
Huyền Không
Huyền Không Sơn Thượng
Ðịnh Quang
Pháp Luân

III. ÐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG

Nghi thức


Lễ hội
Xã hội
Văn hóa

Nghệ thuật kiến trúc:

a. Chùa Tăng Quang
b. Chùa Thiền Lâm
c. Chùa Huyền Không
d. Chùa Huyền Không sơn thượng

IV.KẾT LUẬN

PHỤ LỤC

I. Những Giai Thoại

1. Chuyện trong nhà ngoài phố
2. Chuyện nhà sư và chiếc bình bát
3. Chuyện ma

II. Tài liệu tham khảo

-ooOoo-

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

1. Niên đại và người khai sáng.

Có thể nói là Phật giáo Nam Tông ở Huế bắt đầu bằng việc thành lập chùa Tăng Quang vào năm 1954 do Hoà thượng Hộ Tông và Hoà thượng Giới Nghiêm (trực tiếp là Hoà thượng Giới Nghiêm) chủ trương. Lúc đầu, chùa chỉ là một ngôi nhà lá đơn sơ để Ngài Giới Nghiêm dừng chân tu thiền và dạy đạo cho Phật tử hữu duyên. Nhờ oai lực của Tam Bảo và đức độ của Ngài nên Phật tử phát tâm mua đất để xây chùa cho đức Giới Nghiêm và chư Tăng tu hành.

Mãi đến năm 1959, nhờ đức tin trong sạch của Phật tử, chùa Tăng Quang tiến hành trùng tu chánh điện và xây dựng bảo tháp tôn trí Xá lợi Ðức Phật Thích Ca. Ngày lễ khánh thành và kết giới Sìmà có sự chứng minh của Hoà thượng Hộ Tông, Hoà thượng Bửu Chơn và 63 vị Tỳ kheo Phật giáo Nguyên Thủy từ Sài gòn đến dự lễ.

Năm 1963, Xá lợi Ðức Phật Thích Ca chính thức được cung thỉnh về tôn thờ tại bảo tháp của chùa Tăng Quang cho đến ngày nay.



2. Nguyên nhân du nhập

Hoà thượng Giới Nghiêm xuất gia Sa di năm 1930 tại một ngôi chùa ở làng Bãng Lãng, huyện Hương Trà, thành phố Huế theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Tại cố đô Huế, một ngày nọ đức Giới Nghiêm được trông thấy hình bóng các Sa môn của Phật giáo Nguyên Thủy Lào được Hoàng hậu Từ Cung thỉnh vào Thành Nội tụng kinh đầu năm cầu quốc thái dân an. Hình ảnh những vị tu sĩ Phật giáo Lào là một nhân tố vô cùng tươi đẹp cho đức Giới Nghiêm sau này trở thành một tu sĩ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Sau lần gặp gỡ đó, Ngài có ước nguyện được theo giáo phái giống như những vị tu sĩ Lào có Tam y và Quả bát, mà ở Việt Nam lúc bấy giờ vẫn chưa có. Bởi lẽ trước nay Ngài tu theo những gì thầy tổ dạy, một giáo lý có truyền thống rất lâu đời, chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa.

Khoảng cuối thập niên 30, đức Giới Nghiêm nghe tin ở Sài gòn - Gia Ðịnh có phái đoàn truyền giáo của Phật giáo Nguyên Thủy do người Việt Nam tu tập ở Campuchia mang về. Nghe tin này Ngài rất mừng, dự định là sẽ tìm gặp phái đoàn truyền giáo do Hoà thượng Hộ Tông lãnh đạo; Ngài cho các huynh đệ đồng tu biết chuyện này. Một hôm, Ngài và chín huynh đệ nữa trực chỉ hướng về Sài gòn - Gia Ðịnh để tận mắt nhìn thấy những vị chân tu theo truyền thống của Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Ðó là các Ngài Hoà thượng Thiện Luật, Hoà thượng Hộ Tông và Hoà thượng Huệ Nghiêm. Nhìn oai nghi tế hạnh của những vị này, Ngài nhớ đến những tu sĩ Lào mà Ngài trông thấy ở Huế gần mười năm trước. Ôi! Sao lạ thế, trông chẳng khác chút nào, quí Ngài đẹp và thanh tịnh làm sao. Ngài nghĩ thầm: "Ta đã tìm đúng giáo phái mà ta đã mơ tưởng trước đây rồi, vậy ta hãy lập tức hành động". Ngài chấp tay xá chào các vị trong phái đoàn của Hoà thượng Hộ Tông và tự giới thiệu về mình và các huynh đệ của Ngài. Trong buổi gặp gỡ hôm đó Ngài đã trao đổi rất nhiều vấn đề đạo pháp với các vị trong phái đoàn truyền giáo của Hoà thượng Hộ Tông. Hoà thượng Hộ Tông giải đáp cho đức Giới Nghiêm những thắc mắc đã cưu mang trong lòng nhiều năm qua. Hoà thượng Hộ Tông nói: "Những thắc mắc của thầy cũng giống như những thắc mắc của tôi ngày xưa khi chưa gặp Phật giáo Nguyên Thủy". Lời lẽ, đạo hạnh của phái đoàn truyền giáo của Hoà thượng Hộ Tông đã thu hút đức Giới Nghiêm và chín huynh đệ. Ðức Giới Nghiêm tiếp tục hỏi Hoà thượng Thiện Luật: "Chúng tôi muốn tu theo quí Ngài có được không; và thủ tục như thế nào?".

- Ðược. Nhưng theo giới luật, thầy phải làm giới tử 3 tháng - Hoà thượng Thiện Luật đáp.

Hoà thượng Thiện Luật hỏi các vị trong phái đoàn và trả lời tiếp:

- Tốt hơn hết là quí thầy nên sang Campuchia làm giới tử và xuất gia ở đó, vì chúng tôi tu theo đạo Phật Nguyên Thủy không được bao lâu. Nếu quí vị đồng ý, chúng tôi sẽ giới thiệu chùa và bổn sư để quí vị tu học.

Ðức Giới Nghiêm trầm tư suy nghĩ trong giây lát và nói: "Vậy xin các Ngài hoan hỷ giới thiệu cho chúng con".

Hoà thượng Thiện Luật đáp: "Sàdhu, Sàdhu, Sàdhu".

Năm 1944, đức Giới Nghiêm giã từ quê hương. Tuy nhiên, trước ngày đức Giới Nghiêm rời quê hương Việt Nam sang đất nước chùa tháp Campuchia tu học chỉ còn ba huynh đệ thôi; những vị kia còn nặng nợ đời thường nên ở lại Sài gòn - Gia định. Khi sang đến Campuchia tu học chỉ còn lại một mình đức Giới Nghiêm, hai vị kia cũng bùi ngùi chia tay trở về đời thường. Nhìn những huynh đệ ra đi, Ngài rất động tâm và lấy điều đó để tự thức tỉnh cho mình.

Trên con đường tu học, dùi mài kinh sách ở đất nước chùa tháp Campuchia, đức Giới Nghiêm tinh tấn không biết mệt mỏi. Kết quả là lúc 20 giờ 20 ngày 08 tháng 3 năm 1947, đức Giới Nghiêm được thầy bổn sư cho thọ đại giới, xuất gia Tỳ kheo theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, thầy thế độ là Hoà thượng Visuddhiransì và thầy Yết ma là Candavijìra. Trong thời gian ở Campuchia, Ngài cũng có dịp sang Thái Lan để tu học thêm.

Sau 9 năm tu học ở Campuchia và Thái Lan, Ngài quyết định trở về Việt Nam để chia xẻ hương vị pháp bảo với đồng bào trong nước, và hợp tác với các vị trong phái đoàn truyền giáo của Hoà thượng Hộ Tông để thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam. Vì Ngài là người Huế nên muốn đem hương vị pháp bảo này truyền bá trên quê hương của mình, trước là để đền ơn song thân giáo dưỡng, và sau là báo đáp thầy tổ đã nuôi lớn tâm hồn mình. Ðầu tiên, Ngài về thăm cha mẹ, anh em và họ hàng. Ðược biết thân mẫu đã qua đời khi Ngài còn tu học ở xứ người, nhưng gia đình đã không báo tin cho Ngài biết, vì sợ tin buồn đó sẽ chi phối việc học đạo của Ngài; Ngài nén cơn xúc động và giảng cho gia đình nghe về giáo lý vô thường của đạo Phật. Sau đó Ngài ghé thăm một số vị tôn đức Bắc Tông quen biết ngày trước như Ôn Trí Thủ, Ôn Châu Lâm. Gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, các vị hàn huyên tâm sự về đạo pháp thật nhiều. Các vị đã vấn đạo với nhau nhiều ngày đêm. Ðức Giới Nghiêm có viết một quyển sách mỏng kể lại cuộc đối thoại lịch sử này, với nhiều đề tài như Tiểu thừa, Ðại thừa, ăn chay, ăn mặn, v.v...

Sau đó Ngài đến thăm chùa Phổ Ðà ở Ðà Nẵng, nơi Ngài được thầy truyền thọ đại giới Tỳ kheo theo truyền thống Bắc Tông. Ở đây, Ngài được mời giảng giáo lý Nguyên Thủy cho Phật tử và chư Tăng Bắc tông. Thời giảng của Ngài giúp cho chư Tăng và Phật tử có cái nhìn đúng đắn về Phật giáo truyền thống.

Ðiểm đáng nói là tại chùa Phổ Ðà này, chính là nơi manh nha để hình thành việc ra đời chùa Tam Bảo- Ðà Nẵng năm 1953 - ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy đầu tiên ở miền Trung. Phật tử thấy đạo mới lạ và phong cách khả kính của đức Giới Nghiêm khiến cho họ tăng thêm lòng tín thành nơi Tam Bảo nên họ rũ nhau đến quy y và học đạo với đức Giới Nghiêm ngày càng đông. Ngoài ra, còn có nhiều vị tu sĩ trong truyền thống Bắc Tông quyết định chuyển sang tu trì theo tông phái Nguyên Thủy của đức Giới Nghiêm, điển hình như Hoà thượng Hộ Nhẫn (Tăng trưởng Phật giáo Nam Tông vừa viên tịch).

Nhờ số lượng tín đồ Phật tử ngày càng đông, người xuất gia tu học cũng khá nhiều nên ở đây đã thành lập được chùa Tam Bảo với sự hỗ trợ của Ngài Hộ Tông và Ngài Bửu Chơn v.v... Ðấy cũng là những nhân tố thuận lợi cho việc thành lập thêm chùa Tăng Quang ở Huế sau này.



3. Những điểm thuận lợi và khó khăn

Việc gì trên đời này để thành công cũng phải có cái giá của nó. Nếu thành công mà không có những khó khăn, trở ngại thì sự thành công ấy sẽ trở nên tầm thường. Việc du nhập luồng tư tưởng Phật giáo Nguyên Thủy vào cố đô Huế của Hoà thượng Giới Nghiêm là cả một quá trình nhiêu khê trong lịch sử hoằng pháp của Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Nguyên do là Phật giáo Nguyên Thủy rất xa lạ, mới mẻ đối với cư dân địa phương và có nhiều điểm tu học khá quan trọng tương phản với Phật giáo Bắc tông vốn có nguồn gốc lịch sử, lâu đời trên mảnh đất này. Thế nên Phật giáo Nguyên Thủy truyền bá được trên đất Huế là một thành công lớn của đức Giới Nghiêm. Chúng ta cần tìm hiểu các yếu tố thuận lợi lẫn khó khăn khi Phật giáo Nguyên Thủy được giới thiệu ở cố đô Huế.



a) Thuận lợi:

- Vì đức Giới Nghiêm là người Huế nên sự hiện diện của Ngài trên làng quê của mình để dạy đạo cho Phật tử và thân bằng quyến thuộc theo giáo pháp Nguyên Thủy thì không có gì trở ngại đối với dân làng và chính quyền địa phương. Họ xem Ngài giống như một vị tiên thánh đã học được phép mầu linh nghiệm gì đó ở xứ người và giờ đây Ngài chia xẻ phép mầu đó cho thân quyến và Phật tử. Họ hoc rất chân thành, niềm tin kiên cố và đạo tâm vững chãi. Niềm tin đó dường như bất di bất dịch với thời gian và không gian. Ðến ngày nay con cháu của họ vẫn còn sắt son một lòng vì đạo, xem đạo Phật Nguyên Thủy như là nguồn suối đạo đức tươi mát không thể thiếu trong gia đình.

- Vì đức Giới Nghiêm trước khi xuất gia theo Phật giáo Nguyên Thủy là một vị tỳ kheo của Phật giáo Bắc tông, có thầy tổ và huynh đệ khá đông ở Huế và Ðà Nẵng. Gặp gỡ lại huynh đệ và thầy tổ, mặc dù trong hình thức tông phái khác nhau nhưng các vị tương đối cảm thông cho nhau. Quí Ngài quan niệm vườn hoa chánh pháp phải có trăm sắc nghìn vẻ để tô điểm giáo lý của đức Từ bi, đồng thời khế hợp nhịp nhàng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thuộc nhiều căn cơ của đồng bào Phật tử. Nếu như quá cứng nhắc, cục bộ sẽ có nguy cơ làm cho Phật Pháp khô héo, quần chúng Phật tử không thường đến chùa hoặc bỏ đạo theo những tôn giáo khác. Chính nhờ quan niệm phóng khoáng như vậy, chư vị huynh đệ và thầy tổ của đức Giới Nghiêm ít nhiều cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Ngài truyền bá Phật giáo Nguyên Thủy tại Huế và Ðà Nẵng. Thể hiện như vậy là không phân biệt tông phái trong đạo Phật, giúp cho người huynh đệ cùng lý tưởng trong ngôi nhà Phật giáo.

- Vì đức Giới Nghiêm được sự hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất của các vị Hoà thượng trong phái đoàn truyền giáo miền Nam của Hoà thượng Hộ Tông. Ðồng thời lúc bấy giờ Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam đã được nhà nước thời ấy công nhận, có pháp lý và pháp quyền. Ðức Giới Nghiêm cũng là thành viên trong Ban Chưởng Quản.

- Vì Giáo lý Nguyên Thủy chỉ thẳng những điều thực tế trong cuộc đời với ngôn từ bình dị, dễ hiểu, không dùng nhiều Hán tự. Giáo lý hướng đến tinh thần tự giác, vô ngã, vị tha, lấy nhân quả làm đầu, không chấp nhận mê tín dị đoan. Lại nữa, nhân cách, phương pháp tu tập, nghi lễ của đức Giới Nghiêm và chư Tăng hoàn toàn giản dị nhưng trang nghiêm nên quần chúng rất tín mộ, đến tìm hiểu và học đạo khá đông.

b) Khó khăn:

- Ðạo Phật Nguyên Thủy rất mới lạ ở Việt Nam nên không thể nào không có sự chống đối mãnh liệt của một số người trong các môn phái bạn cổ truyền vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm màu sắc Trung Hoa từ xưa đến nay.

- Tình trạng chia cắt đất nước vào năm 1954 làm giới hạn con đường hoằng pháp của đức Giới Nghiêm, ít nhiều cũng ảnh hưởng rất lớn trong việc khai mở đạo Phật Nguyên Thủy tại cố đô Huế. Chính sách kỳ thị tôn giáo dưới chế độ Ngô Ðình Diệm cũng là một yếu tố bất lợi.

Mặc dù vậy, đức Giới Nghiêm trong tinh thần Từ bi hỷ xả, thực hiện hạnh nhẫn nại của đạo Phật để khắc phục những khó khăn khi đối diện những thử thách lúc đạo Phật Nguyên Thủy mới chập chững đặt nền tảng trên mảnh đất sông Hương, núi Ngự. Nhờ biện tài khôn khéo; ngoại giao, ứng xử thấu tình đạt lý nên đức Giới Nghiêm đã dễ dàng vượt qua mọi cam go, trở ngại.



4. Ðôi nét về cuôc đời người khai sáng và các vị có công truyền bá.

4.a) Tóm tắt tiểu sử đức Giới Nghiêm, người khai sáng Phật giáo Nguyên Thủy tại Huế.

Hoà thượng Giới Nghiêm, thế danh Nguyễn Ðình Trấn, sinh ngày 5 tháng 5 năm 1921 tại Giạ Lê thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, Thành phố Huế. Con của cụ ông Nguyễn Ðình Tải (Hoà thượng Thích Quang Diệu) và cụ bà Huỳnh Thị Thành.

Năm 1930, Ngài xuất gia Sa di tại một ngôi chùa thuộc địa phận làng Bãng Lãng, huyện Hương Trà, thành phố Huế.

Năm 1940 (Canh Thìn), xuất gia Tỳ kheo tại chùa Phổ Ðà - Ðà Nẵng theo truyền thống Phật giáo Bắc tông.

Năm 1947 xuất gia Tỳ kheo ở chùa Sirìsàgara tại Campuchia, Hoà thượng bổn sư là Ngài Visuddhiransì và Ngài Candavijìra là thầy Yết ma theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy.

Hoà thượng Giới Nghiêm viên tịch ngày 13 tháng 7, Giáp Tý, tức ngày 9/8/1984 tại chùa Phật Bảo, hưởng thọ 64 tuổi (theo cách tính Âm lịch Việt Nam).



Những điểm đáng lưu ý trong cuộc đời của Hoà thượng

- Năm 1953, đức Giới Nghiêm xây dựng chùa Tam Bảo - Ðà Nẵng với ý định làm trụ sở Phật giáo Nguyên Thủy miền Trung.

- Năm 1954, Ngài tham dự đại hội kết tập Tam Tạng lần thứ VI tại Miến Ðiện. Sau khi kết thúc đại hội, chư Tăng phái đoàn Việt Nam về nước, còn Ngài xin ở lại tham học thiền quán. Và Ngài là vị Tăng đầu tiên của Phật giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam học pháp môn thiền Minh sát tuệ với Hoà thượng thiền sư Mahàsì Sayadaw tại Miến Ðiện. Chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam vẫn còn duy trì tu tập phương pháp này cho đến ngày nay.

- Ngài là một trong các vị thuộc phái đoàn truyền giáo của Hoà thượng Hộ Tông đệ đơn xin chính phủ thành lập Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, và được công nhận vào ngày 18/12/1957. Trụ sở trung ương đặt tại Kỳ Viên tự, số 610 Phan Ðình Phùng, Quận 3, Sài gòn.

Năm 1954 - 1959, Ngài cùng một số chư Tăng xây dựng chùa Tăng Quang. Ðây là ngôi Tam Bảo tổ đình Phật giáo Nguyên Thuỷ tại cố đô Huế.

- Ngày 29/1/1967, đức Tăng thống Giới Nghiêm và tám thành viên trong Ban chưởng quản GHTGNTVN: Tỳ kheo Tối Thắng, Tỳ kheo Thiện Căn, Tỳ kheo Thiện Quả, Tỳ kheo Pháp Trí, Tỳ kheo Giác Quang, Tỳ kheo Ẩn Lâm, Tỳ kheo Pháp Quang, Tỳ kheo Pháp Lạc - đồng ký tên giữ vững lập trường rút GHTGNTVN ra khỏi GHPGVNTN. Ðây là một quyết định khá phức tạp, gây dư luận và bất ngờ cho các vị lãnh đạo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Sau đó, vào ngày 31/1/1967, cuộc họp bất thường được tổ chức tại trụ sở trung ương Kỳ Viên tự. Thành phần tham dự gồm các vị lãnh đạo của Ban Chưởng quản GHTGNTVN và 16 ký giả báo chí của thủ đô Sài gòn đến phỏng vấn đức Tăng thống về lý do tại sao rút GHTGNTVN ra khỏi GHPGVNTN. Ngài trả lời:

- "Nhận thấy có một số vị Tăng kể từ ngày tham gia GHPGVNTN giới luật không trang nghiêm. Rút ra để chỉnh đốn lại.

- "Nhận thấy GHTGNTVN bị Phật giáo Bắc tông chèn ép thái quá. Ðiển hình là văn thư của Thượng tọa Huyền Quang gởi các cơ quan công quyền tại miền Trung để ngăn chặn việc xây dựng chùa Huệ Quang ở Bình Ðịnh, thư đề ngày 22/2/1966. Biết được văn thư đó, Giáo hội chúng tôi gởi văn thư đến Viện Tăng thống và Viện Hoá đạo nhờ can thiệp nhưng không thấy lưỡng viện phúc đáp. Do đó Giáo hội Nguyên Thủy chúng tôi quyết định rút ra khỏi GHPGVNTN."

Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam thành lập tháng 12/1957 đến ngày gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam 1981 có tất cả là 11 nhiệm kỳ Tăng thống. Ðức Giới Nghiêm đã đảm nhiệm chức vụ Tăng thống liên tiếp các nhiệm kỳ 4, 5, 6, 7 (1964 - 1971) và nhiệm kỳ cuối, rồi gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sau khi nước nhà được thống nhất. Ðây là vị Tăng Thống có uy tín được chư Tăng tín nhiệm lâu nhất trong các vị Tăng Thống của Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.

- Năm 1979, Ngài được Hội Phật giáo yêu nước Tp HCM và nhà nước mời tham gia phái đoàn chư Tăng Việt Nam sang Campuchia để tái truyền giới cho 8 vị sư Campuchia bị Khmer Ðỏ bắt hoàn tục. Ngài là thầy tế độ cho 8 vị đó. Ðây là nghĩa cử tôn giáo có ý nghĩa rất lớn, giúp thắt chặt tình đoàn kết Việt Nam và Campuchia.

- Ngày 4/7/1981 Ðại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội, Ngài được cung thỉnh vào Hội đồng Chứng minh và đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Ðồng Trị Sự GHPGVN.

- Ðức Giới Nghiêm là vị Tăng trưởng đầu tiên của Hệ phái Phật giáo Nam Tông Việt Nam kể từ ngày GHPGVN ra đời.



4.b) Tóm tắt tiểu sử Hoà thượng Hộ Nhẫn.

Hoà thượng thế danh Tôn Thất Thuế, sanh năm 1924 tại thôn Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, Thành phố Huế. Thân phụ là cụ ông Tôn Thất Tích, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Cưỡng.

- Năm 1937, Ngài thi đậu bằng Primaire (Tiểu học thời Pháp thuộc).

- Năm 1939, Ngài được cụ Tôn Thất Cổn mời làm thư ký Tôn Nhơn Phủ ở Thành Nội Huế. Tại đây, một hôm nọ, Ngài vào thư viện Hoàng gia đọc sách và đọc được quyển "Cuộc đời Ðức Phật Thích Ca"; đó là động cơ đưa Ngài đến với Chánh pháp.

- Năm 1942, rời Miếu Ðường Hoàng gia trở về quê xin phép cha mẹ xuất gia. Lúc đầu cha mẹ không đồng ý, quyết liệt không chấp nhận hành động cho là nông nỗi của con. Sau đó biết ý chí con đã quyết, cha mẹ đành im lặng nuốt lệ để con lên đường tìm đạo. Ngôi chùa Ngài đến dừng chân học đạo bước đầu là chùa Cao Minh; chùa này không phải là chùa thuộc truyền thống Phật giáo Bắc tông thời đó. Ở đây Ngài tự tu giống như những đạo sĩ ngày xưa.

- Năm 1945, trên đường lánh nạn binh đao (chiến tranh Pháp - Việt) Ngài gặp được chùa Vô Vi; nay là chùa Từ Nghiêm. Ở đây Ngài cũng tiếp tục khổ hạnh tu trì.

- Năm 1947, nghe tin ở trong Huế có Ôn Châu Lâm đức độ cao, Ngài tìm đến thọ giáo. Ở đây tu học hơn 2 năm, được Ôn Châu Lâm thương mến, hướng dẫn Ngài học Kinh, Luật, chữ Hán và cho thọ giới Sa di.

Khoảng thập niên 50 đức Giới Nghiêm về thăm song thân ở làng Giạ Lê và sau đó có viếng thăm các vị lãnh đạo Phật giáo Huế như Ôn Trúc Lâm, Ôn Từ Ðàm, Ôn Linh Quang; đồng thời đức Giới Nghiêm có ghé thăm Ôn Châu Lâm. Nhờ vậy lần đầu tiên Ngài được nhìn thấy một vị tỳ kheo tu theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy. Phong cách uy nghi thoát tục của đức Giới Nghiêm đã tạo nên một ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc trong tâm tư Ngài. Một định hướng mới cho lý tưởng học Phật ngày một lớn mạnh, thôi thúc. Thế là không bao lâu Ngài lặng lẽ từ giã thầy tổ, huynh đệ và những người thân thương tìm đến đức Giới Nghiêm để xin nhập môn tu hành theo Phật giáo Nguyên Thủy.

- Năm 1952, Ngài được Hoà thượng Thiện Luật cho xuất gia Sa di tại Tam Bảo tự (bấy giờ mới chỉ là cái thất lợp lá chia thành 4 phòng). Và cũng trong năm này Ngài được sang Miến Ðiện dự Hội Nghị Phật giáo thế giới lần thứ III; sau đó được ở lại để dự đại hội kết tập Tam Tạng Thánh Ðiển Pàli lần thứ VI tại Rangoon. Vào lúc 9 giờ 30 ngày 29 tháng 12 năm 1955, Ngài được Hoà thượng Pokokku Sayadaw và Hoà thượng Yết ma Nandàvasa cho thọ đại giới tại chùa Sirìmangalà, Miến Ðiện.

Những điểm đáng lưu ý trong cuộc đời của Hoà thượng

- Mặc dù còn Sa di nhưng được các vị trong phái đoàn Việt Nam cho tháp tùng đến thủ đô Miến Ðiện để tham dự kỳ kết tập kinh điển lần thứ sáu.

- Ngài là người Việt Nam thứ hai được học thiền quán Minh sát tuệ với Hoà thượng thiền sư Mahàsì Sayadaw. Khi về Việt Nam Ngài vẫn áp dụng tu hành và hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu thiền Minh sát tuệ.

Từ ngày xuất gia cho đến lúc viên tịch Ngài là vị thiền sư nuôi mạng bằng hạnh trì bình khất thực và chỉ thọ dụng Tam y. Hai pháp môn đầu đà này có hai tác dụng: vừa tu tập cho chính mình vừa nhắc nhở cho Tăng Ni về đời sống thanh cao của hạnh khất thực, tri túc.

- Năm 1958, Ngài được Giáo hội đề cử về trụ trì chùa Tăng Quang, Huế.

- Năm 1966, Ngài thành lập Thiền Lâm tự và kiến tạo bảo tháp Xá lợi. Ngôi Tam Bảo này tồn tại cho đến ngày hôm nay.

- Năm 1998, Ngài được Giáo hội suy tôn vào Hội Ðồng Chứng Minh và đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ Tịch HÐTS GHPGVN.

Ngài là vị Tăng trưởng đời thứ ba của Phật giáo Nam Tông Việt Nam kể từ ngày thành lập GHPGVN.

Tuy hằng ngày người ta chỉ thấy Ngài tham thiền và trì bình khất thực vào buổi sáng; một việc làm bình thường nhưng đối với bậc xuất gia rất hiếm người thực hiện được thường xuyên, do vậy ý nghĩa và ảnh hưởng tốt đẹp do công hạnh này đối với Tăng Ni, Phật tử các giới vô cùng lớn lao.

4.c) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Viên Minh

Thượng tọa thế danh Nguyễn Hữu Tặng, sinh ngày 10/2/1945 tại Ðạo Ðầu, Triệu Phong, QuảngTrị. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hữu Xướng, thân mẫu là cụ bà Pham thị Quy.

Xuất gia năm 1964; thọ giới Sa di năm 1964; thọ giới Tỳ kheo lúc 16 giờ 30 ngày 28/11/1965 tại trụ sở trung ương Kỳ Viên tự. Ðức Giới Nghiêm là Hoà thượng bổn sư và là thầy thế độ. Thượng tọa Sirìcando và Thượng tọa Duyên Hạnh là hai vị thầy Yết ma.

Những điểm đáng lưu ý

- Năm 1973, Thượng tọa đại diện Giáo hội sáng lập chùa Huyền Không ở Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thành phố Huế. Ngôi Tam Bảo này là tiền thân của Huyền Không Sơn Thượng, Huyền Không Sơn Trung và Huyền Không Sơn Hạ.

- Năm 1976, Thượng tọa là Tổng thư ký Giáo hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam.

- Năm 1976, Thượng tọa trụ trì Kỳ Viên Tự, trụ sở trung ương Giáo hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam.

- Năm1990, Thượng tọa trụ trì Tổ đình Bửu Long. Nơi đây Thượng tọa đào tạo Tăng Ni cho Giáo hội.

- Năm 1998, Thượng tọa kiến tạo thêm thiền viện Viên Không, núi Dinh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thượng tọa đã sáng tác một số tác phẩm như sau: Tuyển tập thư Thầy, Con đường Hạnh phúc, Vi Tiếu rất có giá trị và giúp ích cho chư Tăng và Phật tử Việt Nam.


Каталог: 2009
2009 -> Công ty cổ phần Xây dựng Điện vneco3
2009 -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố HỒ chí minh độc lập Tự do Hạnh phúc
2009 -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôN
2009 -> Nghị ĐỊnh số 163/2004/NĐ-cp ngàY 07/9/2004 quy đỊnh chi tiết thi hành một số ĐIỀu của pháp lệNH
2009 -> BỘ CÔng thưƠng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> Mẫu số: 01 (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 31 /2009/ttlt-btc –BLĐtbxh ngày 09 tháng 09 năm 2009) CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> BỘ y tế Số: 12/2006/QĐ-byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam sở TƯ pháP Độc lập Tự do Hạnh phúc
2009 -> CÔng ty cp đIỆn tử BÌnh hòa cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> Ủy ban nhân dân thành phố HỒ chí minh

tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương