Giới thiệu Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam MỤc lục lịch sử phát triển


Hòa thượng Hộ Tông Vansarakkhita (1893-1981)



tải về 0.5 Mb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích0.5 Mb.
#2199
1   2   3   4   5   6   7

Hòa thượng Hộ Tông Vansarakkhita
(1893-1981)

Bình Anson


Hòa thượng Hộ Tông, Maha Thera Vansarakkhita, có thế danh là Lê Văn Giảng, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1893, tại làng Tân An, quận Tân Châu, tỉnh Châu Ðốc. Ngài xuất thân trong một gia đình trung lưu trí thức, thân phụ là ông Lê Văn Như, thân mẫu là bà Ðinh Thị Giêng.

Lúc thiếu thời, ngài theo gia đình sang lập nghiệp tại Phnom Penh (Nam Vang), thủ đô của Cam Bốt. Năm 16 tuổi ngài được tuyển vào học trường trung học Collège Sisowath. Sau khi đậu bằng trung học (diplome), ngài làm việc cho sở bưu điện và sở giáo dục. Năm 20 tuổi, ngài kết hôn với bà Võ Thị Nhung. Sau đó, ngài đi Hà Nội để học ngành thú y. Sau khi tốt nghiệp, ngài trở về Phnom Penh làm việc với chức vụ bác sĩ thú y.

Năm 34 tuổi, ngài được bổ nhiệm về tỉnh Soay Rieng, gần biên giới Việt Nam. Ngài phát tâm hướng về nghiên cứu con đường tu hành, con đường giải thoát. Ngài thử nhiều phương pháp, trong đó có những pháp môn ép xác như ăn cơm lạt với nước, ăn cơm với giấm, ăn toàn rau cải và trái cây, tuyệt dục, tu niệm chú, tu niệm Phật v.v. mà không thấy có kết quả tốt.

Do nhân duyên đưa đẩy, ngài đến gặp vị Phó Tăng Thống Cam Bốt tại chùa Unalom. Vị nầy cũng là giám đốc trường Cao đẳng Pali tại Phnom Penh. Sau khi nghe vị sư giảng về Bát Chánh Ðạo, ngài cảm thấy thơ thới hân hoan và phấn khởi. Vị sư còn giảng thêm rằng: "...Xưa kia chư Phật cũng nhờ tu theo Bát Chánh Ðạo mà chứng ngộ đạo quả. Vậy ông nên tinh tấn hành đúng theo Con Ðường Tám Chánh ấy, rồi một ngày nào khi phước duyên tròn đủ, ông cũng sẽ được giác ngộ, giải thoát." Vị sư giới thiệu ngài tìm đọc một quyển sách viết về Bát Chánh Ðạo bằng tiếng Pháp tại thư viện của chùa. Ngài đọc say mê và từ đó quyết tâm hành trì theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada. Trong thời gian kế tiếp, ngài tiếp tục lui tới chùa Unalom, học tập kinh điển Pali. Ngài được một vị thiền sư tại đó truyền dạy pháp quán niệm hơi thở "anapanasati", và chẳng bao lâu, ngài đạt nhiều kết quả rất tốt trong việc nhập định.

Năm 1934, ngài về làm việc tại tỉnh Prey Veng. Nơi đây, ngài giúp thành lập Trung tâm Thiền định tại chùa Ruong Damrey và giảng dạy Phật Pháp và pháp môn hành thiền. Với ước vọng khuyến khích người Việt hành trì và xuất gia trong truyền thống Theravada, ngài bỏ công dịch quyển Luật Xuất Gia trong 2 năm, và sau đó soạn thêm quyển Kinh Nhựt Hành cho người tại gia cư sĩ, bằng tiếng Việt.

Năm 1936, ngài trở lại Phnom Penh, cùng với một nhóm bạn đạo cư sĩ người Việt tu bổ lại một chùa Bắc Tông cũ, tên là chùa Sùng Phước, để làm nơi truyền giảng đạo Phật Nguyên Thủy cho người Việt trên đất Cam Bốt. Năm 1940, sau khi được sự đồng ý của hiền thê, ngài quyết định xuất gia. Ngài xuất gia ngày 15 tháng 10 năm 1940, vị thầy truyền giới là vị Phó Tăng Thống Cam Bốt, và lấy pháp danh là Hộ Tông (Vansarakkhita).

Trong thời gian ngài còn là cư sĩ, ngài thường về Việt Nam để truyền đạo, dạy thiền, và tạo nhiều quen biết với các cư sĩ Phật tử, trong đó có ông Nguyễn Văn Hiểu. Ông Hiểu là một người bạn đạo chí tình, thường xuyên trao đổi các kinh nghiệm tu học, và hết lòng ủng hộ, khuyến khích con đường hoằng pháp của ngài Hộ Tông. Năm 1939, ông tìm ra một thửa đất ở Gò Dưa, Thủ Ðức, để cất chùa cho người Việt. Cuối năm 1940, ông thỉnh Tỳ kheo Hộ Tông về trụ trì, và sau đó, Hòa thượng Chuon Nath, Tăng Thống Cam Bốt, cùng một đoàn 30 vị tỳ kheo được mời thỉnh đến làm lễ kết giới Sima, và đặt tên là Chùa Bửu Quang (Ratana Ramsayarama). Từ đó, Tỳ kheo Hộ Tông cùng với các Tỳ kheo Việt Nam khác như ngài Bửu Chơn, Thiện Luật, Huệ Nghiêm bắt đầu truyền giảng Phật Pháp Nguyên Thủy cho người Việt tại Việt Nam.

Năm 1944, ngài trở sang Cam Bốt, thực hành hạnh du tăng đầu đà (dhutanga), chu du khắp nơi trong rừng sâu vắng vẻ, độc cư hành thiền. Năm 1949, ngài trở về Việt Nam. Lúc đó, chùa Bửu Quang đã bị lính Pháp tàn phá vào 2 năm trước (1947). Cùng với ông Hiểu, ngài tìm mua một thửa đất trống ở khu Bàn Cờ, quận Ba, Sài Gòn, và xúc tiến xây cất một ngôi chùa khác, rộng lớn hơn, ngay tại trung tâm thành phố, và đặt tên là Chùa Kỳ Viên (Jetavana Vihara). Chùa Kỳ Viên được hoàn tất vào năm 1950. Ðồng thời, chùa Bửu Quang cũng được trùng tu lại vào năm 1951.

Năm 1954, cùng với Hòa thượng Bửu Chơn, ngài đến tham dự Ðại hội Kết tập Tam Tạng Pali lần thứ VI tại Rangoon, Miến Ðiện, và có đọc diễn văn trong ngày bế mạc đại hội. Sau đó ngài đi thăm các thánh tích tại Ấn Ðộ, và dự các khóa tu học ngắn hạn về hành thiền và kinh điển Pali tại Tích Lan và Thái Lan.

Ngày 18 tháng 12 năm 1957, Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam được chính thức thành lập, đặt trụ sở tại Chùa Kỳ Viên, và toàn thể chư Tăng suy cử ngài vào chức vụ Tăng Thống của Giáo Hội, khóa I.

Trong suốt cuộc đời, từ khi bắt đầu thấm nhuần Phật Pháp, ngài luôn sống cho Ðạo, vì Ðạo, luôn luôn lo xây dựng thêm chùa, khuyến khích xuất gia, soạn thảo kinh sách, truyền giảng giáo pháp. Ngoài 2 chùa đầu tiên, ngài trực tiếp tham gia và đóng góp xây dựng nhiều chùa Nguyên Thủy khác như chùa Bửu Long (Thủ Ðức), Tam Bố (Lâm Ðồng), Phi Nôm (Ðịnh Quán), Bồ Ðề (Vũng Tàu), Tam Bảo (Ðà Nẵng), Giác Quang (Chợ Lớn), Pháp Quang (Gia Ðịnh), Tăng Quang (Huế), Thiền Lâm (Huế), Nguyên Thủy (Vàm Ông Tố), Long Khánh (Bà Rịa), v.v.

Trong suốt bốn mươi mốt hạ của tỳ kheo, ngài không bao giờ rời kinh sách. Mỗi nơi ngài đến ngụ đều có một tủ kinh. Ngài sống một đời giản dị, ba y một bát như một vị tỳ kheo mẫu mực của truyền thống Nguyên Thủy. Hằng đêm, ngài thức giấc lúc 3 giờ sáng, tụng niệm và tham thiền. Sau đó bắt đầu viết và phiên dịch kinh sách, không lúc nào chểnh mảng. Các tác phẩm của ngài gồm:

Luật Xuất Gia, quyển 1 và 2
Nhựt Hành của người tại gia tu Phật
Cư sĩ thực hành
Vi Diệu Pháp vấn đáp
Nền tảng Phật Giáo
Sơ thiền tâm
Thanh Tịnh kinh
Tứ Diệu Ðế
Bát Chánh Ðạo
Thập Ðộ Ba-la-mật
Thiền Ðịnh
Pháp trích yếu
Phật ngôn
Triết lý về Nghiệp
Phật Giáo chánh lời Phật thuyết
v.v.

Ngài sang Pháp năm 1980, nhưng sau đó lại quyết định trở về Việt Nam năm 1981 và ngụ tại chùa Bửu Long, Thủ Ðức. Tại đây dù tuổi già sức yếu, ngài lại ra công giúp tu bổ chùa.

Ngày 25 tháng 8 năm 1981 (26 tháng 7, Tân Dậu) trước những giờ phút cuối cùng, ngài vẫn minh mẫn giảng dạy các vị tỳ kheo đệ tử về pháp hành thiền quán niệm hơi thở. Sau đó, ngài bảo vị đệ tử thân cận đọc kinh rải tâm Từ và ngài từ từ nhắm mắt. Trong một khoảnh khắc, ngài mở hé mắt nhìn lên trời rồi nhắm lại, an lành viên tịch. Lúc đó là 16 giờ 45 phút. Ngài hưởng thọ 89 tuổi đời, 41 tuổi đạo.

Bình Anson
tháng 6, 1999


Tham khảo
[1] Nguyễn Văn Hiểu, 1971. Công tác xây dựng Phật Giáo Nguyên Thủy tại Việt Nam
[2] Lê Minh Qui, 1987. Hòa thượng Hộ Tông
[3] Thích Ðồng Bổn, 1995. Tiểu sử Danh tăng Việt Nam

Lễ hội trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy

Tỳ kheo Thiện Minh

Trong Phật giáo Nam tông, những ngày lễ hội thường mang ý nghĩa lịch sử dựa theo kinh điển hơn là lễ hội dân gian truyền thống như những tôn giáo hay hệ phái khác. Ða số các ý nghĩa lịch sử đó dựa trên cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp của đức Phật Thế Tôn. Cho nên lễ hội là để biểu duơng đức hạnh và lời dạy của Ngài nhằm rút ra những bài học cho Tứ chúng áp dụng tu học. Vì thế, trong những ngày lễ hội này, Phật giáo Nam tông thường tổ chức lễ thọ hạnh Ðầu Ðà, thức một đêm không ngủ, tỉnh niệm nghe pháp và hành thiền hầu gieo duyên lành giải thoát, và nhờ đó người tại gia cư sĩ có cơ hội tốt để hiểu thêm về lời dạy của đức Phật hầu áp dụng tu tập có hiệu quả.



1. Ý nghĩa lễ hội rằm tháng Giêng (Màghapùja)

Về ngày rằm tháng Giêng, có hai ý nghĩa chính: một là đức Phât tuyên hứa và khẳng định với Ma vương ba tháng nữa Ngài sẽ nhập Níp-bàn (cho nên ngày nầy còn được gọi là ngày Phật di chúc), hai là ngày Ðại hội thánh tăng tại Trúc Lâm tịnh Xá.

Kinh Ðại Bát Níp-bàn có ghi: một hôm trên trên đường hoằng pháp, sau khi thọ trai ở tư gia chàng thanh niên Cunda, Ngài và hàng đệ tử ngự ngang đền tháp Pàvala. Ngài bảo Ànanda rằng: "Này Ànanda, bảo tháp này tuy cũ nhưng sửa chữa lại thì sẽ tốt đẹp hơn; cũng vậy, một vị Phật tổ do đắc Tứ thần Túc có khả năng duy trì tuổi thọ lâu hơn một kiếp của quả địa cầu". Nhưng bất hạnh thay, lời nói của đức Phật, do năng lực thần thông của Ma vương che tâm trí khiến Ànanda không hiểu thâm ý của đức Phật để Ananda cung thỉnh Ngài ở lại trần gian thêm nữa để hóa độ chúng sinh. Ðể rồi sau đó đúng vào ngày Rằm tháng giêng, Ma vương chờ khi Ànanda đi nghỉ vào bạch Phật: "Bạch Thế tôn, những lần trước Thế tôn hứa với đệ tử là khi nào Tứ chúng đông thì Thế tôn sẽ nhập Níp-bàn. Vậy hôm nay xin thỉnh Thế tôn hãy nhập Níp-bàn, vì lẽ Tứ chúng đã đông và hàng tại gia lẫn xuất gia đã đắc quả nhiều". Ðức Phật dùng tuệ giác chiếu rọi và sau đó trả lời Ma vương: "Này Ma vương! Còn ba tháng nữa Như Lai sẽ nhập diệt".

Trong kinh có ghi lại, vừa khi Ngài nhận lời với Ma vương thì trời rung đất chuyển, bình địa nổi phong ba, gió thổi tứ bề, hoa lá héo sầu. Ànanda nghe tiếng rung chuyển bèn vào bạch thế Tôn nguyên nhân và được Ngài trả lời: "Như Lai vừa hứa với Ma vương còn ba tháng nữa sẽ nhập Níp-bàn". Ànanda nghe nói thế khóc than, buồn tủi và cầu xin Thế tôn hoan hỷ ở lại thế gian thêm nữa để Tứ chúng nương theo tu hành. Ðức Phật bảo với Ànanda rằng Như Lai đã tuyên hứa với Ma vương rồi và chuyện này Như Lai đã gợi ý cho Ànanda hơn một lần nhưng không thấy Ànanda thỉnh cầu.

Ðồng thời với ý nghĩa trên, ngày trăng tròn tháng Giêng là ngày đại hội thường lệ của chư Phật tổ được gọi là Caturangasannipàta. Tuy nhiên trong lịch sử những vị Phật tổ trong quá khứ thì số tăng hội, thời kỳ đại hội, địa điểm có phần khác với đức Phật Thích Ca. Còn những yếu tố căn bản cho kỳ đại hội thì hoàn toàn giống nhau. Dường như đây là truyền thống của Chư Phật tổ. Ðại hội thánh tăng thời kỳ Phật Thích Ca hội đủ bốn chi:

- Ðúng vào ngày trăng tròn tháng giêng,


- Ðại hội có 1250 vị tỷ kheo, tự động đến thăm Ngài mà không mời thỉnh,
- Số tăng hội 1250 vị đều xuất gia là Thiện Lai Tỷ kheo (Ehibhikhu), và
- Các Ngài đều là Thánh tăng.

Ðại hội thánh tăng này khai mạc đúng vào ngày trăng tròn tháng giêng âm lịch tại Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana). Trong đại hội, đức Phật thuyết cho 1250 vị tỷ kheo về Ba La Ðề Mộc Xoa (Patimokkha), được phân chia làm hai phần:

- Phần một: Giáo giới Ovadapatimokkha, nghĩa là Ngài tóm lược Giáo pháp của Ngài thành ba câu kệ ngôn:

Không làm điều ác (Sabbabàbassa akaranam),
Làm các hạnh lành (Kusalassu upasampadà),
Giữ tâm ý trong sạch (Sacittapariyotapanam).

Ðó là giáo giới của chư Phật trong quá khứ và của Như Lai vậy.

- Phần hai: Ngài giảng về Anàpatimokkha, có nghĩa là Ngài chuẩn y giới luật cho Chư tỷ kheo phải hành lễ Bố tát (Uposatha) mỗi tháng hai kỳ nhằm ngày 15 và 30 (hoặc 29). Lễ Bố tát là một hình thức giúp cho các vị xuất gia quán chiếu lại giới hạnh của mình cho được tinh nghiêm, nếu có sơ sót trong tiểu giới thì ngày hôm đó các vị sám hối với nhau.

Ngày nay chư Tăng Phật giáo Nam truyền vẫn còn gìn giữ truyền thống này vì Giới luật là nền tảng của Phật giáo, Giới luật còn thì Giáo pháp còn. Trong ba tạng kinh điển, đức Phật tuyên bố rằng theo thời gian, Luật tạng sẽ hoại diệt sau cùng. Khi nào Luật tạng hoại diệt thì lúc đó là thời mạt pháp, là khởi điểm hết nhiệm kỳ Giáo pháp của một vị Phật tổ.

Ðể kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại đó, giới Phật giáo Nam tông tổ chức lễ rằm tháng giêng bằng nhiều hình thức nghi lễ khác nhau: như lễ hội đặt bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ thọ đầu đà... nhằm giúp người Phật tử có cơ hội gieo duyên lành trong chánh pháp.

Ðặc biệt là lễ Ðầu đà (Dhutanga): thức một đêm không ngủ để tưởng nhớ đức Phật - một con người vĩ đại, với một lý tưởng phi thường, suốt cuộc đời tận tụy hy sinh vì quyền lợi của tha nhân. Thông thường trong đêm đầu đà có nhiều tiết mục để người Phật tử tham gia học và thực hành thêm về giáo lý. Những tiết mục đó thường là Thuyết pháp, Chiêm bái Xá lợi, Hành thiền, Vấn đáp Phật pháp, Hái hoa chánh pháp, Luận đạo v.v. Người tham dự một đêm đầu đà, qua những mục đó, chắc chắn sẽ được hiểu biết giáo lý căn của đức Phật và sẽ có thêm niềm tin vững chắc ở Tam bảo.



2. Ý nghĩ lễ hội rằm tháng Tư (Vesàkhapùja)

Ðã từ lâu bộ phái Phật giáo Nam tông và Bắc tông có sự khác biệt về ngày sinh của đức Từ phụ. Ở Việt Nam truớc năm 1963, Phật giáo Bắc tông sử dụng ngày mồng 8 tháng Tư là ngày Ðản sanh, nhưng sau đó y cứ theo Ðại hội Phật giáo Thế giới điều chỉnh lại để thống nhất là ngày 15 tháng Tư âm lịch là ngày Phật Ðản. Mặc dù vậy nhưng một vài nơi vẫn còn có quan niệm cho rằng từ mồng 8 tháng Tư đến ngày Rằm tháng Tư gọi là tuần lễ Phật Ðản.

Theo kinh điển Nguyên thủy của Phật giáo Nam tông, Bồ tát Ðản sanh, Bồ tát thành Ðạo và Phật nhập Níp-bàn đều diễn ra vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch. Chúng tôi sử dụng danh từ "Bồ tát" (Ðản sanh và Thành đạo) do vì quan niệm Phật giáo Nam tông bất đồng với Bắc tông về sự "Thị Hiện" của Phật Thích Ca ở cõi Ta bà để tế độ chúng sinh. Phật giáo Nam tông cho rằng vì Ngài khi là vị Bồ Tát đã thành tựu các Pháp độ (Ba-la-mật) trong quá khứ nên kiếp này Ngài mới thành Phật để tế độ chúng sanh. Chính vì thế, nên Phật không có Ðản sanh và Thành đạo, mà chỉ có Bồ tát Ðản sanh và Bồ Tát Thành đạo. Kinh điển Pàli không chấp nhận quan niệm cho rằng người giải thoát khỏi sanh tử luân hồi (bậc thánh A-la-hán, Phật Ðộc giác, và Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác) lại còn sanh trở lại Tam giới này. Người tái sanh trở lại Tam giới chỉ dành cho những hạng phàm phu. Cho nên, chúng ta cần phải nghiên cứu và tìm hiểu lại cho chính xác danh từ "thị hiện" trong kinh điển của một vài tông phái khác, bằng không, chúng ta dễ bị Bà-la-môn giáo đồng hóa chúng ta về mặt tư tưởng. Tuy điểm mâu thuẩn đó có vẻ nhỏ nhặt, nhưng có thể tạo sai lầm lớn về mục đích, và nếu không khéo thông hiểu, sẽ làm tri kiến của Phật tử hiểu sai khác về quả vị Phật và đạo quả Níp-bàn. Cần biết rằng bậc thánh đã giải thoát và nhập Níp-bàn thì vắng lặng phiền não, không còn Tham Sân Si. Các bài kinh trong Trung bộ thường có ghi về các vị đã giác ngộ: "Các Ngài đã đặt gánh nặng xuống, chuyện nên làm đã làm, sau kiếp sống này không còn tái sanh nữa". Căn cứ vào câu kinh Nguyên thủy trên thì việc "thị hiện" của chư vị Phật tổ trong quá khứ theo quan niệm của một vài tông phái khác là một chuyện không thể xảy ra.

Do đó, ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử trọng đại của Phật giáo Nam tông Việt Nam cũng như trong các cộng đồng Phật giáo thế giới, để kỷ niệm một lúc ba sự kiện (Tam hợp): Bồ tát Ðản sanh, Bồ tát Thành đạo và Phật Bát Níp-bàn.



* Bồ tát Ðản sanh

Ở Việt Nam tới ngày rằm tháng tư , Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều thống nhất biểu ngữ KÍNH MỪNG PHẬT ÐẢN. Ðứng trên phương diện hành chánh, biểu ngữ đó để thống nhất từ bắc chí nam là một nghĩa cử rất đẹp, đáng được duy trì, nói lên một tinh thần đoàn kết các bộ phái Phật giáo. Tuy nhiên đứng trên phương diện giáo lý Nguyên thủy, chúng ta cần phải xét lại từ ngữ đó. Về giáo lý thì Phật không có đản sanh mà chỉ có Bồ tát đản sanh. Nếu nói rằng Phật đản sanh thì có người sẽ hiểu Phật đã thành đạo từ nhiều kiếp trước, kiếp này chỉ thị hiện lại. Nhưng nếu đã là Phật, rồi đản sanh thì tại sao đến năm 35 tuổi Ngài còn phải chiến thắng Ma vương và thành đạo dưới cội Bồ đề?

Theo thánh điển Pàli, bộ Phật Tông (Bhuddhavamsa) giải thích có ba hạng Bồ tát tu tập 10 pháp độ (Ba-la-mật): Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Quyết định, Tâm từ và Tâm xả ba-la-mật. Mỗi pháp độ chia làm ba cấp: bờ kia, bờ trên và bờ cao thượng. Ví dụ như Bố thí đến bờ kia là Bố thí tài sản, của cải, sự nghiệp, vợ và con. Bố thí đến bờ trên là bố thí các bộ phận cơ thể như mắt và tứ chi, tim, gan... Bố thí đến bờ cao thượng là bố thí liên quan đến tánh mạng. Cho nên Bồ tát tu hạnh chánh đẳng chánh giác phải thực hành 10x3= 30 pháp độ.

Thế nào là ba hạng Bồ tát? Bồ tát tu hạnh Trí tuệ, Ðức tin, và Tinh tấn. Vị tu hạnh Trí tuệ từ lúc phát nguyện thành Bồ tát tu tập pháp độ đến lúc thành đạo dưới cội Bồ đề có thời gian 20 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. A-tăng kỳ ở đây là một đơn vị thời gian không thể tính được mà trong kinh chỉ cho một hình tượng ví dụ vuông vức 16 cây số ngàn trong đó đựng đầy hạt cải, một trăm năm một vị trời xuống nhặt một hạt và cứ thế nhặt đến khi nào hết những hạt cải trong đó thì mới gọi là 1 A tăng kỳ. Còn 100 ngàn đại kiếp, kiếp ở đây là kiếp của quả địa cầu chứ không phải là kiếp người. Vị tu hạnh Ðức tin phải thực hành pháp độ mất 40 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Vị tu hạnh Tinh tấn thực hành pháp độ mất thời gian 80 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Trong kinh đó có ghi nhận đức Phật Thích Ca tu hạnh Bồ tát Trí tuệ và Phật Di lặc tu hạnh Bồ tát Tinh tấn.

Chú giải bộ Phật Tông (Buddhavamsa) có ghi rằng khi tiền thân của Phật Thích Ca hoàn thành pháp độ, Ngài hóa sanh trên cõi Trời Ðẩu Xuất đà (Tusita), có tên là Setaketu. Vào một ngày duyên lành hội đủ, Chư Thiên và Phạm thiên trong 10 ngàn thế giới đồng hội lại cung thỉnh Ngài giáng phàm xuất gia tu tập thành chánh quả để tế độ chúng sinh. Ngài quan sát năm điều kiện đản sanh theo thông lệ của chư Phật như sau:

1. Thời kỳ: Tuổi thọ chúng sinh thời này không quá 1000 tuổi mà cũng không kém 100 tuổi, vì sống lâu chúng sanh dễ duôi.

2. Quốc độ: Trung Ấn Ðộ, ở đó có nhiều sự bất đồng về giai cấp, nghèo khổ, bệnh hoạn, nhờ thế loài người dễ hướng thiện.

3. Dòng dõi: hoàng tộc Sakya. Trong 30 tục lệ của Chư Phật, tất cả vị Chánh đẳng Chánh giác kiếp cuối không tái sanh trong gia đình thấp hèn.

4. Châu: Ngài chọn Nam thiện Bộ Châu vì ở châu này loài người không quá thiện cũng không quá ác, nên dễ dàng liễu ngộ khi nghe Phật giảng.

5. Cha mẹ: Ngài chọn vua Suddhodana và chánh hậu Mahà-mayàdevì vì nhị vị này đã từng là cha mẹ của Ngài trong nhiều ngàn kiếp và có nhiều phúc đức.

Khi thấy đầy đủ nhân duyên, Ngài nhận lời giáng trần đúng vào Rằm tháng Sáu âm lịch và đúng ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch năm sau Ngài đản sanh ở vườn Lâm Tỳ Ni. Ðó là vào ngày thứ Sáu, rằm tháng Tư năm Tuất, và được đặt tên là Siddhattha (Sĩ-đạt-ta).

Ngài chào đời giống như bao nhiêu hài nhi khác, nhưng có điều khác thường là thân thể không bị hoen ố đồ nhơ uế mà còn rực rỡ như buổi bình minh. Ðiểm đặc biệt là khi Bồ tát đản sanh, có nhiều vị Chư Thiên và Phạm thiên có mặt trong lúc đó chúc tụng, tiếp đón một người cao quí đản sanh.

Sau khi đản sanh, đức Bồ tát mở mắt ngó về hướng đông thấy nhiều vị tiên cúng dường bông hoa cho Ngài. Ngài bèn quay mặt hướng bắc, ung dung bước đi bảy bước, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, ứng khẩu :

Aggohamasmi lokasmim
Settho ettho gianuttaro
Ayaca antimà jàti
Natthidàni punabbhavo.

Dịch nghĩa:



Ðây là kiếp chót của ta
Duyên sinh không không còn nữa
Trên trời dưới đất
Ta là bậc chí tôn

Sau khi ấy, ánh sáng rực rỡ, trời đất rung chuyển, hoa ưu đàm nở, chim hót líu lo, núi Tu Di dường như cúi đầu để tiếp đón bậc thầy của nhân thiên. Kinh có ghi sau khi ứng khẩu xong Ngài trở lại trạng thái bình thường như muôn triệu hài nhi khác.



* Bồ tát Thành đạo

Mặc dù Ngài sanh trưởng trong một gia đình vua chúa và thụ hưởng tất cả những hương vị của cuộc đời, nhưng đối với Ngài tất cả chỉ là bóng mờ sương đêm. Ðể rồi một ngày kia trong chuyến đi du ngoạn bốn cửa thành, Ngài nhìn tận mắt cảnh tượng già, bệnh, chết và một tăng sĩ. Chính nhờ cuộc vân du đó giúp cho Ngài phát huy được hạt giống giác ngộ mà Ngài huân tập từ muôn vạn triệu kiếp qua.

Từ ngày hạnh ngộ bốn cảnh động tâm trên, đêm ngày tâm trí miên man nghĩ đến việc thoát ly gia đình để tìm chân lý giác ngộ. Khi công chúa Da Du Ðà La, người vợ từ nhiều tiền kiếp của Ngài hạ sanh một người con, tên Rahula (La-hầu-la), đêm đó là đêm Ngài vượt cửa thành xuất gia tầm đạo. Ngài ra đi bỏ lại tất cả: cung vàng điện ngọc, vợ hiền con thơ, cung phi mỹ nữ kiều diễm, cha già...

Nhưng bỏ tất cả mà Ngài được tất cả: an lạc, bình yên, ung dung, không dính mắc, tĩnh lặng và Níp-bàn. Có người sẽ hỏi Ngài đi như vậy là thiếu trách nhiệm đối với người con, người cha, người chồng. Câu trả lời là không phải như vậy. Ngài ra đi để tìm một con đường giúp chúng sanh thoát khổ vĩnh viễn, đạt được hạnh phúc tối hậu là Níp-bàn. Sau khi thành đạo, Ngài đã trở về để tế độ vợ con và gia đình dòng họ, để họ cũng đạt được sự hạnh phúc vĩnh hằng như thế. Sẽ có người hỏi tiếp, tại sao trước khi thành Phật Ngài phải trải qua một đời sống thế tục, có vợ con... Xin thưa, đây là tục lệ của chư Phật, đã là tục lệ thì vị Bồ tát nào trước khi thành Phật cũng phải trải qua như vậy. Còn về ẩn ý thì phàm phu khó giải thích. Có thể nghĩ đơn giản là các Ngài có tất cả như vậy mà từ bỏ không bị dính mắc đấy mới là tâm hồn vĩ đại, một lý tưởng phi thường. Cũng có thể giải thích rằng phải trải qua một đời sống như vậy thì mới thấy rõ được sự vô vọng và ràng buộc của lòng tham thủ trong tâm mỗi người.

Khi bỏ tất cả để xuất gia, Ngài tầm sư học đạo, nghe nơi nào có vị thầy trứ danh Ngài liền tìm đến tham vấn. Tất cả những vị thầy trứ danh thời đó Ngài đều đến học và thành công tất cả những sở đắc của họ. Thậm chí Ngài khổ hạnh sáu năm chỉ còn ăn ngày một hạt mè để cầm hơi, đến mức độ chỉ còn da bọc xương. Cuối cùng Ngài nghiệm ra một điều là pháp mà Ngài muốn tu chứng không có ở những vị thầy đã dạy Ngài. Quyết chí bỏ khổ hạnh, ăn ngày một buổi và bắt đầu tham thiền nhập định dưới cội Bồ đề. Ðúng vào ngày thứ Tư, của ngày rằm tháng Tư, năm Dậu, Ngài hoàn toàn giác ngộ, Chư Thiên, Phạm thiên đồng nhau ca tụng Ngài với 10 hồng danh: Ứng cúng , Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn.

Trong kinh có ghi lại đêm thành đạo của Ngài đã diễn ra nhiều chuyện phi thường. Thứ nhất là việc Ma vương đến thử thách Ngài, dùng vũ lực chiến đấu và dùng cả tuyệt chiêu mỹ nhân kế. Nhưng tất cả đều bị vô hiệu hóa. Sở dĩ Ngài chiến thắng được đạo quân của Ma vương là nhờ Ngài khéo huân tập ba mươi pháp độ. Còn về mỹ nhân kế thì đã có giả thuyết cho rằng đó là cách nói ẩn dụ về Tham Sân Si. Người nào diệt tham sân si sẽ chiến thắng ba cô gái Ma vương đẹp tuyệt trần. Danh từ Ma vương (Mara) thường thường chúng ta cho là xấu là ác, nhưng Ma vương ở đây chính là đức vua trời Tha Hóa Tự Tại, người có nhiều quyền lực và phước báu. Chính đức vua trời này thường theo phá đức Phật. Nhưng điểm đáng lưu ý ở đây là những vị Phật tổ trước không bị Ma vương theo phá. Tại sao Phật Thích Ca bị Ma vương theo phá?

Theo kinh điển truyền thống thì một kiếp nọ có ba đứa bé chơi nhau ngoài đường, bỗng gặp một vị Phật. Ðứa thứ nhất hoan hỷ cúng dường và phát nguyện: do nhân này đệ tử xin nguyện sẽ trở thành Phật tổ trong tương lai. Ðứa thứ hai nghe vậy phát biểu, nếu mày thành Phật tao sẽ theo phá mày. Ðứa thứ ba nghe vậy phát biểu, nếu mày phá tao sẽ trị mày. Không ngờ câu chuyện ba đứa nhỏ trong quá khứ về sau thành hiện thực. Ðứa thứ nhất trở thành Phật Thích Ca, đứa thứ hai trở thành Ma vương. Sau khi Phật Níp-bàn ba trăm năm, vào lúc khi Ma vương phá Ðại hội Kết tập lần ba, thì đứa nhỏ thứ ba bấy giờ là vị Sa-di A-la-hán đã trừng trị Ma vương tâm phục khẩu phục.

Sau khi toàn thắng Ma vương, trong canh đầu Ngài thiền định bằng hơi thở, tâm thanh tịnh, tuần tự Ngài đắc bốn bậc thiền hữu sắc. Trên cơ sở tâm thanh tịnh, Ngài hướng tâm tu tập và chứng đắc Túc Mạng Minh (pubbenivàsànussati). Túc mạng minh nghĩa là biết được vô số lượng kiếp, sanh châu nào, tên tuổi, dòng họ, cha mẹ... Trong canh giữa và canh chót Ngài chứng đắc Thiên Nhãn Minh (Dibbacakkhunàna) và Lậu Tận Minh. Thiên nhãn minh là thấy rõ, biết rõ kiếp vị lai của từng chúng sinh, Lậu Tận Minh là tâm thanh tịnh trong sạch do nhờ không bị phiền não chi phối, tâm không còn bị nhiễm bụi trần, tận diệt mọi lậu hoặc.

Trên đà phát triển Thiền An Chỉ (Samàtha-bhàvanà) cực mạnh, Ngài chuyển qua Thiền Minh Tuệ (Vipassanà-bhàvanà), thấy rõ biết rõ Thập Nhị Nhân Duyên bằng chiều thuận, nghĩa là trí tuệ thấy rõ, biết rõ sự Sanh. Ngay khi đó Ngài chứng ngộ Khổ đế và Tập thánh đế. Ðồng thời trí tuệ thấy rõ,  biết rõ sự Diệt theo Thập Nhị Nhân Duyên bằng chiều nghịch, ngay khi đó Ngài chứng ngộ Diệt và Ðạo thánh đế. Giờ đây, trí tuệ Ngài đã thẩm thấu được Tứ thánh đế qua ba luân và mười hai thể cho nên Ngài là bậc A-la-hán Chánh đẳng Chánh giác trong Tam giới này, nên Ngài có hồng danh là Sammàsambuddho.

Tâm hoàn toàn an lạc, giải thoát, đây là lời nói đầu tiên sau khi thành đạo:



"Trong vô vạn kiếp Như Lai lặn lội tìm kiếm anh thợ cất nhà thì sự sanh đã khiến Như Lai đau khổ vô vàn. Này Tham ái (anh thợ), ngươi đã bị Như Lai khám phá ra rồi, từ nay ngươi không còn xây nhà cho ta nữa, rui mè... đã bị Như Lai phá vỡ, tâm Như Lai hoàn toàn vô hành, vô nhiễm."

Qua lời trên chúng ta thấy rằng đức Phật đã nói lên nỗi niềm đau thương của Ngài trong vòng sanh tử luân hồi. Bài học kinh nghiệm của đức Phật ngày xưa cũng là bài học cho chúng ta ngày nay. Sự sanh đó chính là sợi dây tham ái trong tài sắc lợi danh, dính mắc, ích kỷ, tham lam, bỏn sẻn. Ngài nhận ra một điều là tất cả chúng sinh hiện trầm luân đau khổ là vì những pháp trên. Nay Ngài đã đoạn diệt chúng rồi và Ngài diệt luôn cả thói Tiền Khiên Tật, là những tật xấu huân tập nhiều đời, nhiều kiếp. Các bậc thánh A-la-hán Thinh văn không đạt được điều này. Cho nên là bậc thánh A-la-hán Chánh đẳng Chánh giác, thân khẩu ý của Ngài thật trọn vẹn.



Каталог: 2009
2009 -> Công ty cổ phần Xây dựng Điện vneco3
2009 -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố HỒ chí minh độc lập Tự do Hạnh phúc
2009 -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôN
2009 -> Nghị ĐỊnh số 163/2004/NĐ-cp ngàY 07/9/2004 quy đỊnh chi tiết thi hành một số ĐIỀu của pháp lệNH
2009 -> BỘ CÔng thưƠng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> Mẫu số: 01 (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 31 /2009/ttlt-btc –BLĐtbxh ngày 09 tháng 09 năm 2009) CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> BỘ y tế Số: 12/2006/QĐ-byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam sở TƯ pháP Độc lập Tự do Hạnh phúc
2009 -> CÔng ty cp đIỆn tử BÌnh hòa cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> Ủy ban nhân dân thành phố HỒ chí minh

tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương