Giới thiệu Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam MỤc lục lịch sử phát triển



tải về 0.5 Mb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích0.5 Mb.
#2199
1   2   3   4   5   6   7

5. CHÙA BỬU LONG

Kể từ khi phái đoàn truyền giáo của Hòa thượng Hộ Tông đem Phật giáo Nguyên thủy du nhập Việt Nam năm 1939, một tiếng chuông được gióng lên để thức tỉnh nhiều người còn say mê trong bóng tối cuộc đời, chưa tìm được lối đi đích thực cho chính mình. Thấy đạo mới lạ và đạo hạnh của những nhà sư truyền giáo đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy khác thường hơn những tôn giáo mà họ hay biết trước đây ở Việt Nam, nhiều người tò mò đến tìm hiểu và học đạo, và cứ thế càng học họ càng nhận ra một điều là những gì họ biết trước đây giống như chân núi Tu Di còn Giáo pháp họ đang tiếp xúc tu học giống như đỉnh Tu di. Vì họ nhận thấy từ cách sống, nghi lễ, kinh kệ, y phục, v.v. đều có phần đơn giản nhưng rất ý nghĩa, hình như sinh hoạt của những vị này là đang kế thừa truyền thống Tăng già thời đức Phật. Do đó họ khuyến khích thân bằng quyến thuộc và những người bạn hữu của họ đến quy y Tam bảo rất đông.

Từ đó về sau, tiếng lành đồn xa, tận Biên Hòa, có thiện nam tử Võ Hà Thuật tìm đến trung tâm hoằng pháp đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy tại Gò Dưa, Thủ Ðức để quy y Tam bảo với Hòa thượng Hộ Tông. Mặc dù thiện nam có một đời sống giàu có sang trọng và có địa vị trong xã hội (Hội đồng Ðịa hạt tỉnh Biên Hòa) nhưng thường chứng kiến những cảnh dâu bể của cuộc sống và ngán ngẩm thế sự thăng trầm. Vì vậy vào năm 1942, nhân duyên hội đủ, ông quyết định bỏ tất cả để tìm một hướng đi đích thực cho cuộc đời còn lại của mình. Thế là, ông chọn mua một phần còn lại của ngọn đồi tại ấp Thái Bình, Long Bình, Thủ Ðức để lập tịnh thất tu niệm và thỉnh thoảng, ông thỉnh Hòa thượng bổn sư của mình qua tịnh thất để trình pháp và cúng dường. Năm 1958, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam chính thức được nhà nước công nhận, Hòa thượng Hộ Tông được suy tôn giữ chức Tăng thống đầu tiên. Hòa chung niềm hoan hỷ khi Giáo hội có pháp nhân, pháp quyền, cư sĩ Võ Hà Thuật hoan hỷ dâng đất và tịnh thất của mình cho Giáo hội để xây dựng trung tâm Thiền. Năm 1959, tịnh thất và đất của ông được đức Tăng thống khởi công xây dựng chùa Bửu Long và thường xuyên ngài cư ngụ tại đây hành thiền và hướng dẫn những hành giả tu tập Tứ niệm xứ, còn tại trụ sở chùa Kỳ Viên, Hòa thượng chỉ đến đó làm việc cho giáo hội chứ không ở cố định vì ngài thích sống cảnh u tịch để hành thiền.

Về kiến trúc, như đã đề cập ở trên, lúc đầu thiện nam Võ Hà Thuật chỉ xây dựng một thiền thất nhỏ để hành đạo trên một ngọn đồi ở Long Bình, Thủ Ðức, chu vi khoảng hơn mười bốn mẫu tây. Về sau, ông hiến cúng thiền thất và toàn bộ khu đất cho Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam để thành lập chùa và đào tạo Chư Tăng. Lúc đó, Hòa thượng Hộ Tông đương kim là Tăng thống của Giáo hội và là thầy tổ của ông nên Hòa thượng đại diện Tăng già tiếp nhận. Hòa thượng Hộ Tông nhận thấy vùng đất yên tịnh, thoáng mát, rộng rãi và phong cảnh u tịch xứng đáng để mở thiền viện, cho nên vào năm 1963, ngài kết hợp với kiến trúc sư phát họa một bản vẽ sơ đồ thiền viện Bửu Long rất quy mô và vĩ đại. Kiểu mẫu chánh điện rất độc đáo phối hợp nhịp nhàng giữa kiến trúc Việt Nam vớiø kiến trúc Ấn Ðộ, Thái Lan, Miến Ðiện, phía trên chánh điện dự định xây một ngọn tháp để tôn trí Xá Lợi chiều cao khoảng 30 m.

Tuy nhiên công trình này không thực hiện được vì một số lý do khách quan. Có lẽ vì cách thiền viện Bửu Long không xa có một doanh trại quân đội của thời đó, nếu thiền viện được xây dựng với chiều cao như vậy, chắc chắn nhà chức trách địa phương sẽ không đồng ý và như thế, công trình xây dựng của Hòa thượng sẽ không được nhà nước cấp giấy phép. Do đó, Hòa thượng đành phải xây một chánh điện nhỏ chiều ngang khoảng 12m, chiều dài khoảng 28m để tôn thờ tượng đức Bổn Sư trang nghiêm cho Chư Tăng Ni và Phật tử lễ bái cúng dường hằng ngày, và kiến trúc không có gì nổi bật cho lắm. Ðồng thời với công trình xây dựng đó, có rất nhiều liêu thất được xây cất nằm rải rác khắp ngọn đồi dành cho chư Tăng Ni và Phật tử tu thiền. Phong cảnh và trú xứ ở đây rất thích hợp cho những thiền giả tu tập thiền định.

Về sau, do nhu cầu phát triển của chư Ni, Thượng tọa Viên Minh thực hiện một chương trình đào tạo những vị ni trẻ tuổi có năng lực cầu học và cầu tu để giúp sức cho chư Tăng về phương diện văn hóa và xã hội. Trên cơ sở đó, năm 1990, Thượng tọa xây dựng một Ni viện trong khuôn viên thiền viện Bửu Long cho các vị ni trẻ tuổi xuất gia để có trú xứ tu học. Lối kiến trúc xây dựng theo hình chữ U, có nhiều phòng, một nhà trù, một phòng học. Năm 1995 Thượng Tọa Viên Minh, chư Tăng Ni và Phật tử Phật giáo Nam tông cử hành lễ động thổ xây dựng chánh điện mới, vị trí nằm giữa khuôn viên thiền viện, nhưng vì kinh tế còn eo hẹp nên chưa thực hiện.

Năm 1996, Thượng tọa Hộ Pháp (du học ở Thái Lan và Miến Ðiện hơn 25 năm) có hoài bão mở lớp chuyên khoa Phật học về Kinh điển Nguyên thủy cho Chư Tăng Phật giáo Nam tông. Thượng tọa Hộ Pháp và Viên Minh vận động Phật tử Thái Lan, Miến Ðiện và Việt Nam xây dựng một lớp học chiều ngang khoảng 4 m, chiều dài khoảng 30 m, 1 lầu. Tầng trệt là phòng học của chư Tăng, có 2 phòng song song dành cho giảng sư nghỉ giải lao. Tầng trên là tăng phòng dành cho các vị học tăng cư trú. Kiến trúc rất tao nhã, nhẹ nhàng và thanh thoát, có phần pha tạp kiểu mẫu của Miến Ðiện và Thái Lan, tuy nhiên cũng không mất hẳn đường nét, kiểu mẫu Việt Nam.

Như phần trên đã nói do nhu cầu kinh tế không thể tiếp tục xây dựng chánh điện mới, cho nên vào năm 2000, Thượng tọa Viên Minh trùng tu chánh điện cũ, kinh phí khoảng 600.000 đồng. Công trình giữ nguyên hiện trạng cũ, chỉ nới rộng thêm phía sau tượng đức Bổn sư để tăng thêm chu vi của chánh điện. Bên trong chánh điện, thờ phượng rất đơn giản nhưng tôn nghiêm, một tượng đức Phật tổ ngồi trên tọa sen với gương mặt hiền từ và nhân ái, phía sau tượng là bức tường vẽ những vầng sáng tượng trưng cho những ánh hào quang của ngài. Hai bên tượng Phật là hai tủ kinh Tam Tạng bằng chữ Pàli mẫu tự Thái Lan, một pháp tọa dành cho pháp sư ngồi giảng giáo lý vào những dịp lễ, hai bên vách tường của chánh điện treo những bức tranh về lịch sử cuộc đời của đấng Giác Ngộ. Chúng ta mới bước vào chánh điện cảm thấy một không gian thênh thang, trầm hùng và uy nghiêm, tưởng chừng như đức Phật đang ngự trong một cung điện nguy nga tráng lệ. Lối kiến trúc chánh điện ở đây mang đầy màu sắc Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam. Bên ngoài chánh điện còn có thêm hai cửa hông, qua hai cửa này chư Tăng và Phật tử thường vào hành lễ, với kiểu mẫu kiến trúc nhìn xa hơi giống loại kiến trúc cổ kính của cung đình. Tuy nhiên cũng có đường nét nghệ thuật, hoa văn, kiến trúc độc lập của Phật giáo Nguyên thủy.

Từ ngày thành lập cho đến nay, chùa luôn luôn là bóng mát cho Tăng Ni cư ngụ để yên tâm tu hành, là nơi trang nghiêm thanh tịnh cho người tại gia có nơi tôn nghiêm lễ bái cúng dường Tam Bảo. Trụ trì hay còn gọi là viện chủ là những vị lãnh đạo tối cao trong một ngôi chùa. Các ngài là tấm gương sáng cho Tăng chúng nương theo tu hành. Thông thường vị trụ trì có cả tài lẫn đức thì ngôi chùa đó chắc chắc sung túc và đầy đủ phước báu. Theo năm tháng trôi qua, chùa Bửu Long đã trải qua những đời trụ trì:

- Hòa thượng Hộ Tông


- Thượng tọa Lão Tâm
- Đại Đức Ngự Tâm
- Đại Đức Tăng Huệ
- Ðại đức Bửu Ðức
- Thượng Tọa Viên Minh

Trong đời trụ trì của Hòa thượng Hộ Tông, mặc dù bị chiến tranh và pháp nạn nhưng ngài vẫn cố gắng phát triển ngôi chùa với khả năng của mình. Ðào tạo tăng tài để phục vụ Giáo hội, nhiều nữ tu sau khi ý thức được con đường tu hành do Hòa thượng giảng dạy, phát tâm bỏ tất cả, theo ngài xuất gia hành đạo. Ở đây ngài hướng dẫn chư Tăng và Tu Nữ thực hành pháp môn thiền Tứ niệm xứ. Nhìn chung thấy cách tổ chức và phát triển như vậy hơi khiêm tốn nhưng đầy kinh nghiệm của một bậc thức giả, vì chính những người tu tập thực sự mới là những người bảo tồn và gìn giữ chánh pháp của đức Như Lai.

Mặc dù Hòa thượng có di chúc cho Thượng Tọa Viên Minh kế nghiệp trụ trì, nhưng vì lúc đó Thượng tọa đang nhiệm chức trụ trì Chùa Kỳ Viên, nên Ðại đức Bửu Ðức thế Thượng tọa điều hành Phật sự tại đây với tư cách là quyền trụ trì. Về sau, khi Ðại đức Bửu Ðức xuất ngoại, Thượng tọa Viên Minh trở về trụ trì lại thiền viện Bửu Long. Có thể nói đời trụ trì của Thượng tọa Viên Minh là một bước chuyển mình rất lớn cho sự phát triển thiền viện Bửu Long về mọi mặt: xây dựng, văn hóa, xã hội, giáo dục v.v. như đã trình bày ở phần trên.

Thiền viện Bửu Long ngày nay được xem như là tổ đình của Phật giáo Nam Tông Việt Nam, tổ đình ở đây không có nghĩa là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, mà là địa điểm cư ngụ và tôn thờ vị khai sáng Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam. Có thể nói trong tương lai, thiền viện Bửu Long có thể sẽ là Trung tâm Văn hóa Phật giáo Nam tông Việt nam, vì Bửu Long hiện nay đang nằm trong khu vực Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc. Hy vọng Thiền viện Bửu Long sau này sẽ được xây dựng lại với kiến trúc đặc thù của Phật giáo Nguyên thủy để tương xứng với các công trình khác của dân tộc Việt trong khu vực Công viên Lịch sử đó.

Ðịa chỉ: Chùa Bửu Long
81 Tổ 1, Ấp Thái Bình 1,
Phường Long Bình, Quận 9. TP HCM

Tỳ kheo Thích Thiện Minh
Tháng 05-2001


Một số đặc điểm trong sinh hoạt của Phật giáo Nam tông

Tỳ kheo Thiện Minh

Kinh điển

Nguồn kinh điển của Phật giáo Nam tông có lịch sử truyền thừa rất lâu đời trong lịch sử kết tập kinh điển Phật giáo. Nguồn tài liệu này được các vị Thánh tăng tổ chức kết tập từng thời kỳ khác nhau. Có tất cả 6 kỳ kết tập kinh văn, ba kỳ tổ chức ở Ấn Độ, một kỳ tổ chức ở Sri Lanka, hai kỳ tổ chức ở Myanmar. Kỳ kết tập lần thứ sáu ở Myanmar với kết quả là kinh điển được viết lên giấy trắng mực đen vào năm 1956, trong kỳ này có đại diện phái đoàn Phật giáo Nam tông Việt Nam tham dự. Điểm đáng lưu ý là kỳ này vẫn còn 6 vị Thánh tăng thuộc lòng Tam tạng, đó là 45 cuốn chánh tạng và 92 cuốn chú giải. Toàn bộ kỳ kết tập kinh văn này đuợc viết bằng tiếng Pàli và tiếng Myanmar. Và từ nền tảng căn bản kinh điển này, Phật giáo Nam tông truyền bá đến quốc gia nào cũng dịch từ 45 quyển chánh tạng và 92 quyển chú giải ra tiếng bản xứ của mình để y cứ tu hành. Tại Việt Nam, tạng kinh đã được Hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch, Luận tạng do Hòa thượng Tịnh Sự phiên dịch và Luật tạng do Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Giới Nghiêm và TT.Giác Giới phiên dịch, tuy nhiên phần chú giải các công trình đó vẫn còn khuyết và hiện nay nhiều vị giáo phẩm đang nghiên cứu để chuyển ngữ. Nếu toàn bộ Tam tạng và chú giải Pali dịch sang tiếng Việt sẽ giúp ích cho Tăng Ni một kho tàng giáo lý phong phú để nghiên cứu và ứng dụng.



An cư và Dâng y

Truyền thống An cư của Phật giáo Nam tông thường là an cư tại chỗ, chưa từng thấy an cư tập trung như Phật giáo Bắc tông, chắc có lẽ số lượng Tăng sĩ hiện quá ít. Tuy nhiên năm nay (2003) ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã tổ chức quy tụ chư Tăng tại một số địa điểm để học tập và thảo luận những chuyên đề căn bản nhằm giúp chư Tăng hiểu biết đường hướng hoạt của Giáo hội và Nhà nước. Trong khóa học, Ban Tổ chức có mời các vị giáo phẩm từ Trung ương Giáo hội và Ban Tôn giáo của Chính phủ đến giảng dạy và nói chuyện. Thời gian an cư là từ 16 tháng 6 âm lịch đến 15 tháng 9 âm lịch.

Sau khi mãn mùa An cư kiết hạ, theo giới luật, chư Tăng có một tháng để tổ chức dâng y, từ 16 tháng 9 đến 15 tháng 10 âm lịch. Thường ở Việt Nam mỗi chùa cử hành lễ Dâng y một ngày cố định trong một tháng, luân phiên nhau từ chùa này đến chùa nọ, nên không khí mùa lễ hội tràn ngập tinh thần hoan hỷ của chư Tăng và Phật tử. Một chùa có một thí chủ dâng y hoặc là thí chủ tập thể.

Ẩm thực

Chư Tăng Nam tông chỉ dùng ngọ (dùng ngày một buổi, không ăn sau 12 giờ trưa), thường sáng ăn cháo, trưa dùng ngọ (bữa cơm chính trong ngày). Điểm chú ý trong truyền thống Phật giáo Nam tông là chư Tăng không ăn chay thuần túy như Phật giáo Bắc tông, mà đuợc phép dùng mặn theo luật Tam tịnh nhục. Nghĩa là thực phẩm mặn phải hợp thời, không thấy, không nghi và không nghe (thấy) sinh vật bị giết vì mình. Luật Tam tịnh nhục được ghi chép trong Luật tạng Nam tông. Đa số những quốc gia tu theo truyền thống Nam tông cũng thực hành luật Tam tịnh nhục này.



Tam y và nhất bát

Tam y nhất bát là hình thức truyền thừa từ thời Đức Phật đến ngày nay. Phật giáo Nam tông các nước đều gìn giữ truyền thống này một cách nghiêm túc và nhất quán. Tam y là y Tăng già lê, y nội và y vai trái, bình bát là dụng cụ để chư Tăng trì bình khất thực mỗi ngày, thậm chí chư Tăng sử dụng bình bát để độ ngọ. Đức Phật cũng từng ví con chim sống được nhờ cái mỏ, bậc xuất gia sống được nhờ bình bát. Tài sản của bậc xuất gia bên ngoài có tam y và bình bát, bên trong có Giới Định Tuệ. Trong chùa chư Tăng mặc y hở vai phải, đi ra ngoài mặc kín mình. Y Tăng già lê thường sử dụng trong những đại lễ như lễ xuất gia, lễ Dâng y v.v... Điểm chú ý là y phục truyền thống Nam tông khác biệt với Bắc tông, sự khác biệt này chắc có lẽ khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa.



Kiến trúc và tôn thờ

Kiến trúc Phật giáo Nam tông cho đến tận ngày nay vẫn còn chưa nhất quán, mỗi chùa mỗi vẻ, hình như vẫn chịu ảnh hưởng nặng hình thức kiến trúc của Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Điều đó không có nghĩa là không có tính dân tộc. Các chùa (tinh xá) Thích Ca Phật đài, Phước Hải, Bửu Long, Bửu Thắng, Kỳ Viên, Pháp Quang vẫn có đường nét kiến trúc khá độc đáo, tính dân tộc hòa quyện trong đường nét kiến trúc đó. Nói cụ thể, Thích Ca Phật đài, tuợng Phật lộ thiên là một Đức Phật rất Việt Nam, có thể nói đó là một biểu tuợng rất tuyệt vời trong giới Phật giáo Việt Nam. Cổng tam quan và bảo tháp, tuy bề thế thì không lớn như công trình khác, nhưng thời điểm xây dựng thì quả là một công trình đáng ghi nhận và mang tính dân tộc đậm đà. Điểm lôi cuốn chúng ta là tính dân tộc đã thể hiện trong những những công trình kiến trúc ấy.

Cách tôn thờ trong các chùa, tinh xá theo truyền thống Nam tông, thường ở chánh điện chỉ tôn trí Đức Phật Thích Ca trong nhiều tư thế ngồi, đứng, nằm và đi bát. Nguời Phật tử Nam tông chỉ tôn thờ duy nhất Phật Thích Ca trong nhà.

Phật giáo Nam tông là một trong 9 hệ phái trong ngôi nhà GHPGVN

Phật giáo Nam tông thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ vào năm1957, hoạt động rất tích cực trong vòng 24 năm, đến năm 1981 trở thành một thành viên trong GHPGVN và tồn tại cho đến ngày nay. Sự hiện diện của Phật giáo Nam tông Việt Nam là một sự góp phần không nhỏ vào việc xây dựng diện mạo Phật giáo VN thế kỷ XX



Trích: Nguyệt san Giác Ngộ, số 88, 07-2003
Vài nét về sự phát triển của Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam

Tỳ kheo Thiện Minh

I. TỪ LÚC THÀNH LẬP CHO ĐẾN NĂM 1975

Trong khoảng thời gian này, Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam thiết lập một nền tảng sinh hoạt có phong cách đặc thù so với truyền thống đạo Phật Việt Nam đương thời. Vì mới thiết lập nên các vị Tăng trong phái đoàn hoằng pháp của Hòa thượng Hộ Tông bận rộn đối phó nhiều vấn đề liên quan đến sự giao tiếp với các tôn giáo và các hệ phái Phật giáo cũng như quần chúng Phật tử.

Qua cả một quá trình phấn đấu liên tục, các vị Hòa thượng mới tổ chức được các buổi thuyết giảng Phật pháp đều đặn, trước tác và dịch thuật kinh điển để phổ biến trong quần chúng Phật tử về những điểm đặc thù của Phật giáo Nguyên thủy. Bên cạnh đó, các vị cũng tập hợp truyền giảng cho kiều bào ở Campuchia và có những liên hệ ngoại giao gặp gỡ các giới lãnh đạo Phật giáo Nguyên thủy trên thế giới để được hỗ trợ trong công cuộc hoằng pháp tại Việt Nam.

Khi tình hình tạm ổn thì Pháp nạn xảy ra, chế độ Nhu Diệm đàn áp Phật giáo trong đó có Phật giáo Nguyên thủy nói riêng. Mặc dù Phật giáo Nguyên thủy trong giai đoạn đầu gặp vô vàn trở ngại nhưng nói chung, phát triển rất sôi nổi. Trong thời gian này, cả Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam lẫn Tổng hội Cư sĩ hoạt động rất có hiệu quả. Sau đây chúng tôi xin điểm qua một số hoạt động nổi bật của Phật giáo Nam tông Việt Nam trong ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam.



a. Về vấn đề xuất bản kinh sách

Xuất bản kinh sách là một công tác rất quan trọng trong việc hoằng pháp, để truyền bá tư tưởng Phật giáo, giúp quần chúng thông hiểu giáo pháp. Thấy được tầm quan trọng đó, phái đoàn hoằng pháp của Hòa thượng Hộ Tông đã thành lập Ban Phiên dịch kinh điển và cho ra mắt tạp chí ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP, xuất bản số đầu tiên tại Tổ đình Sùng Phước ở Phnom Penh. Khi Phật giáo Nguyên thủy được vững mạnh ở Việt Nam, các vị vẫn liên tục trước tác, dịch thuật nhiều kinh điển từ nguồn Pàli và các sách từ các nguồn ở nước ngoài sang Việt ngữ.

Chính nhờ tạp chí Ánh sáng Phật pháp và các kinh điển dịch thuật, các sách trước tác trên đã gây ảnh hưởng rất lớn trong giới trí thức, sinh viên và Phật tử. Nhờ vậy, người Việt Nam dần dần quen với sinh hoạt và giáo lý Phật giáo Nguyên thủy. Từ đó, có nhiều vị cư sĩ nhờ đọc kinh điển và qua tạp chí, quyết định xuất gia tu học để truyền bá chánh pháp. Điểm hạn chế trong giai đoạn này là các vị tiền bối chưa khai thác đúng mức phần dịch thuật Tam tạng lẫn chú giải kinh điển hệ Pàli, có lẽ vì không đủ thời gian, và các vị chỉ muốn chọn những kinh điển cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu Phật tử trong giai đoạn đầu.

Trong giai đoạn này, có hơn 120 tác phẩm dịch thuật lẫn trước tác với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng thường xoay quanh vào ba thể loại chính: kinh tụng niệm, giáo lý căn bản và từ điển Pàli. Các tác giả, dịch giả tiêu biểu là chư vị Hòa thượng Hộ Tông, Bửu Chơn, Giới Nghiêm, Tịnh Sự, Hộ Giác, và các cư sĩ Huỳnh Văn Niệm, Trùng Quang, Hồ Đắc Thăng, Phạm Kim Khánh, v.v...



b. Gửi Tăng Ni đi du học

Từ khi Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được chính thức công nhận, vào năm 1957, các vị Hòa thượng có thêm điều kiện dễ dàng để hoạt động Phật sự trong nước và ngoài nước. Trong nước, Giáo hội tổ chức giới đàn Tỳ kheo, Sa di và Tu nữ để đào tạo Tăng tài cho thế hệ sau. Ngoài nước, Giáo hội liên hệ với các tổ chức Phật giáo Nam tông trên thế giới để xin học bổng, gửi chư Tăng Việt Nam đi du học. Sau đây là các vị được Giáo hội gửi đi du học: - Các Đại đức Kim Triệu, Dũng Chí, Pháp Nhẫn, Tâm Lực, Nguyệt Quang du học Ấn Độ; - Các Đại đức Kim Quang, Giác Minh, Tịnh Giác, Hộ Pháp, Tịnh Đức, Chơn Trí, Thiện Dũng, Trí Minh du học Thái Lan; - Các Đại đức Hộ Nhẫn, Sư cô Diệu Đáng du học Myanmar; - Các Đại đức Đức Minh, Giác Tuệ du học Pháp.

Như vậy có hơn 15 vị Đại đức được gửi du học ở Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Pháp và Sri Lanka. Những vị này có trình độ Phật học tương đối cao ở Việt Nam nên tiếp thu dễ dàng các kiến thức mới khi sang du học ở nước ngoài. Tất cả đều thành công và hoàn thành học vị theo nguyện vọng của Giáo hội. Điều đáng tiếc do hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời đó nên có vị học xong không muốn về nước, trái lại tiếp tục đi tu học tại những nước khác. Mặc dù vậy, các vị đó rất thành danh trong việc hoằng pháp ở xứ lạ như ở Pháp, Mỹ, Thái Lan. Còn những vị trở về nước thì kết hợp với các vị Hòa thượng tiền bối để hoằng pháp, giáo dục đào tạo thế hệ Tăng trẻ Việt Nam. Tuy nhiên các Phật sự này chỉ thành công tuyệt đối ở giai đoạn đầu, còn giai đoạn giữa và cuối thì thưa và mất dần. Lý do là vì chiến tranh liên tục diễn ra, một số các vị tu sĩ hoàn tục và thêm vào đó, những vị Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo Nam tông đột ngột viên tịch quá sớm.

c. Mở Phật học viện

Do nhu cầu Tăng chúng mỗi ngày một đông, và với nhiều vị đã tốt nghiệp tiến sĩ từ Ấn Độ về nước, Giáo hội nhận thấy đã đến lúc cần phải mở những Phật học viện để đào tạo thế hệ Tăng tài để kế thừa. Cho nên các Phật học viện Pháp Quang, Phật Bảo, Nam Tông và Nguyên Thủy được thành lập. Giám đốc những Phật học viện trên đa phần là những vị đã tốt nghiệp tiến sĩ như các Đại đức Dũng Chí, Thiện Giới.

Về mặt tổ chức và chương trình giảng dạy trong các Phật học viện rất quy mô, theo hệ thống giáo dục các tổ chức Phật giáo Nam tông trên thế giới. Giáo sư giảng dạy là những vị tốt nghiệp tiến sĩ, tốt nghiệp ở Việt Nam và thỉnh thoảng thỉnh những vị giáo sư nước ngoài như ở Sri Lanka, Myanmar v.v... Nói chung, các Phật học viện hoạt động khả quan, đào tạo nhiều vị Tăng tài cho Giáo hội. Mặc dù chỉ tốt nghiệp trung đẳng Phật học, nhưng trên nền tảng đó, Giáo hội gửi sang Đại học Vạn Hạnh và du học nước ngoài để các vị tiếp tục con đường tu học.

d. Xây dựng chùa tháp

Trong việc truyền bá Phật pháp, xây dựng cơ sở hạ tầng chùa tháp là điều quan trọng, vì đó là cơ sở hoằng pháp và là điểm trú xứ của chư Tăng. Tuy nhiên trong thời gian đó, không có nhiều chùa tháp được xây dựng như ngày nay. Lý do là các vị Hòa thượng bận nhiều Phật sự của Giáo hội.

Trong số các chùa tháp được xây dựng, mặc dù lối kiến trúc chưa đạt đến trình độ như những nước xem Phật giáo Nam tông là quốc giáo, nhưng qua các chùa như Kỳ Viên, Pháp Quang, Tam Bảo, Thiền Lâm và Thích Ca Phật đài, chúng ta thấy được sự nỗ lực đáng trân trọng trong việc phát huy xây dựng chùa tháp ở Việt Nam của phái đoàn Hòa thượng Hộ Tông.

Công trình kiến tạo chùa tháp vĩ đại có tầm cỡ quốc gia là Thích Ca Phật đài. Người ta sẽ cảm nhận từ tháp, chùa, Phật cảnh và cổng tam quan có một lối kiến trúc rất độc đáo của Phật giáo Nguyên thủy nhưng tinh thần dân tộc tính không bị lãng quên. Hoàn thành năm 1963, có tiếng vang rất lớn trong các tôn giáo bạn. Từ cơ sở trên, ít nhiều cũng khẳng định được vị trí lớn mạnh của Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam.



e. Hoạt động trong Phật giáo quốc tế

Tuy Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam mới thành lập nhưng đã có một vị trí quan trọng trong Hội Phật giáo Thế giới. Hòa thượng Bửu Chơn đã từng là Cố vấn Hội Phật giáo Thế giới. Ngài và các vị cao tăng thỉnh thoảng được mời tham dự hội nghị Phật giáo thế giới tại Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, v.v...

Giáo hội thường xuyên liên lạc thư từ với các tôn giáo bạn tại các quốc gia trên khắp thế giới như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Singapore, v.v... , đã được phúc đáp thư từ hoặc gửi biếu kinh sách như hội ở Sri Lanka (Buddhist Publication Society), hội ở Đài Loan (Bodhi Drum Publication), v.v... Nhờ vậy nên chư Tăng Việt Nam có rất nhiều cơ hội được tặng học bổng để du học tại các nước Phật giáo Nam tông trên thế giới.

Điều đáng ghi nhận ở đây là Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam là một thành viên chính trong buổi lễ bế mạc kỳ Kết tập kinh điển lần thứ VI tại Myanmar.



f. Hoạt động từ thiện xã hội

Về phương diện hoạt động từ thiện, Phật giáo Nguyên thủy có phần giới hạn so với các hệ phái khác. Chư Tăng chú trọng đến phần tu tập nhiều hơn công tác xã hội. Tuy Giáo hội Tăng già không trực tiếp hoạt động từ thiện xã hội, nhưng lúc nào cũng động viên và cố vấn Tổng hội Cư sĩ Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam thực hiện mạnh mẽ phong trào phụng sự xã hội. Theo bản tường trình công tác do Giáo hội đã thực hiện từ ngày 1-1-1968 đến ngày 31-12-1969 thì về phần hoạt động xã hội, trong những ngày biến cố Tết Mậu Thân, Giáo hội tổ chức các cuộc lạc quyên nội bộ để cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến tranh tại khắp các nơi như sau:



Đợt I tại Sài Gòn: Cứu trợ nạn nhân chiến tranh tại khu chợ Bàn Cờ, Sài Gòn và Trung tâm tị nạn An Dưỡng Địa, số tiền là 42.828 đồng, tặng phẩm 43 hộp thuốc chích ngừa dịch tả, 178 lọ Péniciline, 1000 viên Nivaquine, 1kg thuốc Aspérine, 8 lít Alcool, 5 hộp Pommade, 20 chai Teinture d' Iode, và một tấn gạo.

Đợt II, tại Sài Gòn: Ủy lạo bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Tổng y viện Cộng Hòa, khu phố bị trúng đạn tại đường Bùi Viện, Sài Gòn, ấp Phú Trung II thuộc Phú Thọ Hòa, 13 chùa tại Sài Gòn và Gia Định. Tổng cộng số tiền là 230.330 đồng. Tặng phẩm gồm có đường, sữa, dầu, bánh mì, thuốc, gạo.

Đợt I tại Huế: Cứu trợ đồng bào nghèo ở Huế. Số tiền 115.778 đồng. Tặng phẩm gồm gạo, sữa, dầu hôi, muối v.v...

Đợt II tại Huế: Cứu trợ đồng bào nghèo ở Huế. Số tiền là 206.900 đồng. Tặng phẩm gồm gạo, chiếu, sữa, quần áo v.v...

Đợt III tại Huế: Cứu trợ đồng bào nghèo ở Huế. Số tiền 12.270 đồng và nhiều tặng phẩm.

Qua bản báo cáo trên, chúng ta thấy vấn đề hoạt động từ thiện của Phật giáo Nguyên thủy và Tổng hội Cư sĩ vẫn thể hiện tấm lòng "lá lành đùm lá rách" khi đất nước và người Việt gặp những khó khăn do chiến tranh hoặc bị thiên tai.



Каталог: 2009
2009 -> Công ty cổ phần Xây dựng Điện vneco3
2009 -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố HỒ chí minh độc lập Tự do Hạnh phúc
2009 -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôN
2009 -> Nghị ĐỊnh số 163/2004/NĐ-cp ngàY 07/9/2004 quy đỊnh chi tiết thi hành một số ĐIỀu của pháp lệNH
2009 -> BỘ CÔng thưƠng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> Mẫu số: 01 (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 31 /2009/ttlt-btc –BLĐtbxh ngày 09 tháng 09 năm 2009) CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> BỘ y tế Số: 12/2006/QĐ-byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam sở TƯ pháP Độc lập Tự do Hạnh phúc
2009 -> CÔng ty cp đIỆn tử BÌnh hòa cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> Ủy ban nhân dân thành phố HỒ chí minh

tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương