Click here: World timezones map with current time chưƠng trình ( 2 hrs )



tải về 412.71 Kb.
trang13/13
Chuyển đổi dữ liệu12.08.2016
Kích412.71 Kb.
#17440
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13

Chuỗi mân côi

36. Tràng hạt là phương tiện truyền thống giúp đọc kinh mân côi. Ở bình diện hời hợt nhất, tràng hạt thường được xem là dụng cụ dùng để đếm các Kinh Kính mừng. Tuy nhiên nó cũng có thể xem như một biểu tượng giúp đi vào chiều sâu của chiêm ngưỡng.

Ở đây điều đầu tiên đáng ghi nhận là cách thức các chuỗi hạt đều đổ về tượng Thánh giá; Thánh giá vừa mở ra vừa đóng lại chuỗi lời kinh. Cuộc sống và lời cầu nguyện của người tín hữu đều tập trung vào Đức Ki-tô. Mọi sự bắt đầu từ Người, mọi sự dẫn đến Người, mọi sự nhờ Người, trong Chúa Thánh Thần, đến với Chúa Cha.

Là một dụng cụ để đếm, ghi dấu tiến trình của lời kinh, tràng hạt gợi lên con đường vô tận của chiêm ngưỡng và của hoàn thiện Ki-tô giáo. Chân phước Bartolo Longo cũng đã thấy nó như là sợi dây nối kết chúng ta với Thiên Chúa. Một sợi dây, vâng, nhưng là một sợi dây êm ái; quả thế, êm ái thay mối giây liên kết ta với Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Một sợi dây con thảo, đặt chúng ta hoà nhịp với Đức Ma-ri-a, nữ tì của Chúa (Lc 1,38) và nhất là, với chính Đức Ki-tô, Đấng, dầu là Thiên Chúa, đã mặc lấy thân nô lệ vì yêu thương chúng ta (Pl 2,7).

Một cách thức tốt để mở rộng ý nghĩa biểu tượng của tràng hạt là để chúng nhắc nhở chúng ta về những mối tương quan của chúng ta, về mối giây hiệp thông và huynh đệ kết hiệp tất cả chúng ta trong Đức Ki-tô.

Lời kinh mở đầu và kết thúc

37. Hiện nay, ở nhiều miền khác nhau của Giáo hội, có nhiều cách mở đầu Kinh mân côi. Ở một vài nơi, người ta có thói quen mở đầu bằng lời khẩn cầu của thánh vịnh 70: Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con; muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ, như để nuôi dưỡng nơi những người đang cầu nguyện một ý thức khiêm tốn về sự thiếu thốn của họ. Ở nơi khác, Kinh mân côi bắt đầu bằng việc đọc kinh Tin kính, như để đặt việc tuyên xưng đức tin làm nền tảng cho cuộc hành trình chiêm ngưỡng mà ta thực hiện. Những thói quen đó và những thói quen tương tự, trong chừng mực chúng chuẩn bị tâm hồn để chiêm ngưỡng, dều chính đáng. Rồi Kinh mân côi được kết thúc bằng một lời kinh theo ý chỉ của đức giáo hoàng, như để mở rộng tầm nhìn của người cầu nguyện hầu ôm ấp mọi nhu cầu của Giáo hội. Chính là để khuyến khích chiều kích Giáo hội này của Kinh mân côi mà Giáo hội thấy thích hợp khi ban những ân xá cho những ai lần hạt theo những quy định đề ra.

Nếu cầu nguyện theo cách ấy, Kinh mân côi đích thực trở thành con đường thiêng liêng nơi đó Đức Ma-ri-a hành động trong tư cách là Mẹ, Thầy dạy và người Hướng đạo, khi phù trợ các tín hữu bằng lời chuyển cầu đầy quyền năng của Mẹ. Đáng ngạc nhiên chăng khi linh hồn, sau khi lần chuỗi và kinh nghiệm sâu xa tình mẫu tử của Đức Ma-ri-a, cảm thấy nhu cầu cất lời ca ngợi Đức Trinh Nữ, hoặc bằng lời kinh tuyệt mỹ Salve Regina hoặc bằng Kinh cầu Loreto? Đó là sự hoàn thành của một cuộc hành trình nội tâm đã dẫn đưa các tín hữu tiếp xúc cách sống động với mầu nhiệm Đức Ki-tô và Mẹ Người.

Phân bổ trong thời gian

38. Kinh mân côi có thể được đọc trọn mỗi ngày, và có nhiều người đáng ca ngợi đã thực hiện như thế. Theo cách thức ấy, nó lầp đầy ngày sống của nhiều người chuyên chăm chiêm ngưỡng bằng lời cầu nguyện, hay đồng hành với người bệnh và già cả là những người có nhiều giờ rãnh rỗi. Tuy nhiên rõ ràng là -và điều này càng đúng nếu ta thêm vào loạt mầu nhiệm ánh sáng- nhiều người sẽ không thể đọc nhiều hơn một phần của Kinh mân côi, phù hợp với một sơ đồ hàng tuần nào đó. Cách phân bổ theo hàng tuần này có tác dụng là làm cho mỗi ngày khác nhau trong tuần có một sắc thái thiêng liêng nào đó, tương tự như cách mà Phụng vụ tô điểm những mùa khác nhau của Năm Phụng vụ.

Theo cách thực hành thông thường, Thứ Hai và Thứ Năm được dành cho các sự Vui, Thứ Ba và Thứ Sáu cho các sự thương, và Thứ Tư, Thứ Bảy và Chúa Nhật cho các sự mừng. Vậy các mầu nhiệm sự sáng có thể được chen vào ở đâu? Nếu chúng ta để ý rằng các sự mừng được đọc cả vào ngày Thứ Bảy lẫn Chúa nhật, và ngày Thứ Bảy đã luôn có một sắc thái của Đức Ma-ri-a, lần suy niệm thứ hai trong tuần về các sự Vui, các mầu nhiệm trong đó sự hiện diện của Đức Ma-ri-a được đặc biệt cảm nhận, có thể chuyển sang ngày Thứ Bảy. Như thế ngày Thứ Năm sẽ dành để suy niệm các mầu nhiệm sự sáng.

Chỉ dẫn này không nhắm giới hạn sự tự do chính

đáng trong việc cầu nguyện riêng tư và cộng đoàn, nơi đó cần tính đến nhu cầu thiêng liêng và mục vụ và trường hợp các cử hành Phụng vụ đặc biệt đòi hỏi một sự thích ứng tương xứng. Điều thực sự quan trọng là Kinh mân côi phải luôn được xem và kinh nghiệm như một con đường chiêm ngưỡng. Trong Kinh mân côi, theo một cách thức tương tự như điều xảy ra trong Phụng vụ, tuần lễ ki-tô giáo, cao điểm là ngày Chúa nhật, ngày cử hành mầu nhiệm sống lại, trở thành một cuộc hành trình đi qua các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Ki-tô, và Người được mặc khải trong đời sống của các môn đệ như là Chúa của thời gian và lịch sử.

KẾT LUẬN

Kinh Mân côi của Đức Ma-ri-a,

mối dây êm ái

liên kết chúng ta với Thiên Chúa

39. Những điều đã nói trên đây làm sáng tỏ khá đầy đủ sự phong phú của kinh nguyện truyền thống này, vốn có tính chất mộc mạc của lòng đạo đức bình dân, nhưng cũng có chiều sâu thần học của việc cầu nguyện thích hợp cho những ai cảm thấy nhu cầu chiêm ngưỡng thâm sâu hơn.

Giáo hội luôn luôn tin tưởng vào hiệu năng của lời cầu nguyện này, khi giao phó cho Kinh Mân côi, đọc chung trong cộng đoàn và thường xuyên thực hành, những vấn nạn nan giải nhất. Trong những khi Ki-tô giáo dường như gặp nguy hiểm, sự giải thoát được gán cho sức mạnh của Kinh Mân côi, và Đức Bà Mân côi được tôn vinh như là Đấng nhờ lời chuyển cầu đã đem lại ơn cứu độ.

Hôm nay, tôi thiết tha giao phó sự nghiệp hoà bình trên thế giới và sự nghiệp các gia đình cho quyền năng của Kinh Mân côi - như tôi đã nói từ đầu.

Hoà Bình

40. Những thách đố nghiêm trọng mà thế giới phải đương đầu khi bước vào ngàn năm mới, khiến cho chúng ta nghĩ rằng chỉ có sự can thiệp từ trên cao, có khả năng hướng dẫn tâm hồn những người sống trong những hoàn cảnh xung đột và những người nắm giữ vận mệnh các quốc gia, mới có thể cho chúng ta lý do để hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.



Tự bản chất, Kinh Mân côi là lời kinh cầu cho hoà bình, vì nó hệ tại ở việc chiêm ngưỡng Đức Ki-tô, Hoàng tử Hoà bình, là sự bình an của chúng ta (Ep 2,14). Bất cứ ai đồng hoá với mầu nhiệm Đức Ki-tô - và rõ ràng đó là mục tiêu của Kinh mân côi - thì sẽ học được bí quyết của hoà bình và biến nó thành dự phóng của đời sống mình. Hơn nữa, nhờ tính chất suy niệm của nó, với sự tiếp nối thanh thản các Kinh Kính mừng, Kinh Mân côi đem lại sự an bình nơi người cầu nguyện, tạo điều kiện cho họ đón nhận và cảm nghiệm tận đáy lòng, và gieo vãi ra chung quanh, hoà bình đích thật vốn là quà tặng đặc biệt của Chúa Phục Sinh (x. Ga 14,27; 20,21).

Kinh Mân côi cũng là lời kinh cầu cho hoà bình, vì những hoa trái bác ái mà nó sản sinh. Khi được thực hiện tốt theo một thể thức suy ngắm đích thật, Kinh mân côi dẫn ta đến gặp gỡ Đức Ki-tô trong các mầu nhiệm của Người, và vì thế, ta không thể không quan tâm tới dung nhan Đức Ki-tô nơi những người khác, nhất là nơi những người đau khổ nhất. Làm sao ta có thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm Hài nhi ở Bê-lem trong năm sự vui, mà không có lòng khao khát đón nhận, bảo vệ và cổ võ sự sống, và mang lấy gánh nặng của các trẻ em đang đau khổ trên toàn thế giới? Làm sao ta có thể bước theo vết chân Đức Ki-tô, Đấng Mạc khải, trong các mầu nhiệm sự sáng, mà không cương quyết làm chứng cho các mối phúc lộc của Người trong đời sống hằng ngày? Và làm sao ta có thể chiêm ngưỡng Đức Ki-tô vác Thánh giá và chịu dóng đinh, mà không nhận thấy cần phải hành động như ông Xi-mong thành Xy-rê-nê để nâng đỡ những anh chị em quằn quại đau đớn và ê chề thất vọng? Cuối cùng, làm sao ta có thể chiêm ngắm vinh quang của Đức Ki-tô Phục sinh và của Đức Ma-ri-a, Nữ vương Thiên đàng, mà không khao khát làm cho thế giới này đẹp hơn, công bằng hơn và phù hợp sít sao hơn với kế hoạch của Thiên Chúa?

Tóm lại, bằng cách hướng cặp mắt chúng ta về Đức Ki-tô, Kinh Mân côi cũng biến chúng ta thành những người kiến tạo hoà bình trên thế giới. Với bản chất là một lời khẩn nài của cộng đoàn, phù hợp với lời mời gọi hãy cầu nguyện không ngừng của Đức Ki-tô (Lc 18,1), Kinh Mân côi cho phép chúng ta hy vọng rằng, cả ngày hôm nay nữa, trận chiến cam go vì hoà bình có thể dành thắng lợi. Kinh Mân côi không hề tạo cho chúng ta cơ hội tránh né những vấn đề của thế giới, trái lại nó bắt buộc chúng ta phải nhìn thẳng những vấn đề ấy với con mắt của người có tinh thần trách nhiệm và quảng đại, đồng thời ban cho chúng ta nghị lực để đối diện với chúng, xác tín về sự trợ giúp của Thiên Chúa và quyết tâm vững vàng muốn làm chứng trong mọi hoàn cảnh cho tình yêu là mối dây kiên kết tuyệt hảo (Cl 3,14).

Gia đình: cha mẹ

41. Là lời kinh cầu cho hoà bình, Kinh Mân côi cũng là và luôn luôn là lời kinh của gia đình và cho gia đình. Lời kinh này đã một thời hết sức thân thiết với các gia đình ki-tô giáo, và hẳn đã làm cho các gia đình xích lại gần nhau hơn. Điều quan trọng là đừng đánh mất gia sản quý báu đó. Chúng ta cần phải quay lại với thói quen cầu nguyện trong gia đình và cầu nguyện cho gia đình, khi tiếp tục sử dụng Kinh Mân côi.

Trong Tông thư Novo Millennio Ineunte, tôi đã khuyến khích giáo dân cử hành Các giờ kinh phụng vụ trong sinh hoạt thường nhật của cộng đoàn giáo xứ hay của các hội đoàn; nay tôi cũng mong muốn như thế đối với Kinh Mân côi. Hai con đường chiêm ngưỡng ki-tô giáo này không loại trừ nhau; chúng bổ túc cho nhau. Do đó, tôi yêu cầu những ai chăm lo công tác mục vụ gia đình, hãy hết lòng khuyên nhủ đọc Kinh Mân côi.

Gia đình mà cầu nguyện chung thì ở chung với nhau. Kinh rất thánh Mân côi, với truyền thống lâu đời, đã tỏ ra đặc biệt hữu hiệu trong việc lôi kéo các gia đình lại gần nhau. Các thành viên trong gia đình, khi hướng mắt nhìn về Đức Ki-tô, thì cũng có được khả năng nhìn thẳng vào mắt nhau, thông hiệp, tỏ tình liên đới, tha thứ lẫn cho nhau và nhìn thấy giao ước tình yêu của họ được đổi mới trong Thánh Khí của Thiên Chúa.

Nhiều vấn đề mà các gia đình đang đối diện, đặc biệt trong các xã hội kinh tế phát triển, phát xuất từ sự khó khăn càng ngày càng gia tăng trong mối tương giao. Các gia đình ít khi thu xếp để gặp gỡ nhau, và những cơ hội hiếm hoi gặp gỡ là để xem truyền hình. Trở về với việc đọc Kinh mân côi trong gia đình có nghĩa là lấp đầy cuộc sống hằng ngày bằng những hình ảnh rất khác nhau, những hình ảnh của mầu nhiệm cứu độ, hình ảnh của Mẹ rất thánh. Gia đình mà đọc chung Kinh mân côi tạo nên được điều gì đó của bầu khí gia đình Na-da-rét: các thành viên gia đình đặt Đức Giê-su ở trung tâm, họ chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của Người, họ đặt những nhu cầu và dự tính của họ trong tay Người, họ kín múc từ Người niềm hi vọng và sức mạnh để tiến bước.



... và con cái

42. Quả là đẹp và mang lại kết quả khi phó dâng cho lời kinh này sự tăng trưởng và phát triển của các con cái. Kinh mân côi đã chẳng dõi theo cuộc đời của Đức Ki-tô, từ lúc thụ thai đến cái chết, và rồi từ phục sinh đến vinh quang sao? Các bậc cha mẹ càng ngày càng cảm thấy khó mà theo dõi cuộc sống của các con cái khi chúng tăng trưởng đến tuổi trưởng thành. Trong một xã hội với nền kỹ thuật tân tiến, các phương tiện truyền thông xã hội và toàn cầu hoá, mọi sự đều trở nên hối hả, và sự cách biệt văn hoá giữa các thế hệ đang gia tăng ngày càng lớn hơn. Những thông tin khác biệt nhất và những kinh nghiệm không thể đoán trước được nhanh chóng thâm nhập vào cuộc sống của các trẻ nhỏ và thiếu niên, và các bậc cha mẹ có thể rất lo âu về những nguy hiểm mà con cái đương đầu. Đôi khi các bậc cha mẹ rơi vào thất vọng não nề khi con cái thất bại trong việc chống trả những quyến rũ của nền văn hoá ma túy, sự lôi cuốn của chủ nghĩa khoái lạc vô độ, cám dỗ giải quyết bằng bạo lực, và những biểu lộ muôn mặt của vô nghĩa và thất vọng.

Cầu nguyện bằng Kinh mân côi cho con cái, và hơn thế nữa, với các con cái, dạy dỗ chúng từ thuở ấu nhi biết ngừng lại mỗi ngày để cầu nguyện với gia đình, phải thú nhận rằng đó không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng đó là một trợ giúp thiêng liêng mà ta không thể hạ giá. Người ta có thể phản đối là Kinh mân côi dường như khó mà phù hợp với sở thích của các trẻ nhỏ và người trẻ của ngày hôm nay. Nhưng có lẽ sự phản đối nhắm đến một cách thức nghèo nàn của việc đọc kinh Mân côi. Hơn thế nữa, nếu không có thành kiến với cơ cấu nền tảng của Kinh mân côi, thì không có điều gì ngăn cản các trẻ nhỏ và người trẻ cầu nguyện với Kinh mân côi - hoặc trong gia đình hoặc trong nhóm - với những trợ giúp có tính biểu tượng và thiết thực tương xứng để hiểu biết và quý trọng. Tại sao ta không thử? Với ơn Chúa giúp, một lối tiếp cận với người trẻ mà tích cực, sôi nổi và sáng tạo - như đã tỏ cho thấy qua các ngày Quốc tế Giới trẻ! - có khả năng đem lại nhiều kết quả đáng kể. Nếu Kinh mân côi được trình bày rõ ràng, tôi tin chắc rằng người trẻ sẽ lại một lần nữa làm cho người lớn ngạc nhiên vì cách họ làm cho lời kinh trở thành của riêng họ và đọc kinh với sự nhiệt tình đặc trưng của lứa tuổi họ.

Kinh mân côi, một kho tàng cần được tái khám phá

43. Anh chị em thân mến! Một lời kinh quá dễ nhưng lại rất phong phú đáng được Cộng đồng ki-tô giáo khám phá lại. Chúng ta hãy thực hiện điều đó, đặc biệt trong năm nay, xem đó như là phương thế để thừa nhận đường hướng mà tôi đã phác thảo trong Tông Thư Novo Millennio Ineunte, từ đó chương trình mục vụ của biết bao cộng đoàn Giáo hội địa phương đã múc lấy sự soi sáng khi họ nhìn đến tương lai gần.

Tôi đặc biệt hướng về anh em, các giám mục, linh mục và phó tế yêu dấu, và tới anh em, những người lo công tác mục vụ trong những thừa tác vụ khác nhau: nhờ kinh nghiệm riêng của anh em về vẻ đẹp của Kinh mân côi, ước gì anh em dấn thân cổ võ lời kinh ấy với lòng xác tín.

Tôi cũng đặt tin tưởng vào anh chị em, các thần học gia: nhờ những suy tư khôn ngoan và nghiêm chỉnh, bắt nguồn từ Lời của Thiên Chúa và nhạy cảm với kinh nghiệm sống động của toàn dân ki-tô giáo, ước gì anh chị em giúp họ khám phá các nền tảng Kinh Thánh, những phong phú thiêng liêng và giá trị mục vụ của lời kinh truyền thống này.

Tôi đặt kỳ vọng vào anh chị em, những người sống đời thánh hiến nam nữ, vì anh chị em được mời gọi cách đặc biệt để chiêm ngưỡng dung nhan Đức Ki-tô trong trường học của Đức Ma-ri-a.

Tôi nhìn đến toàn thể anh chị em, những anh em, chị em thuộc mọi bậc sống, đến anh chị em, các gia đình ki-tô giáo, đến anh chị em, những người bệnh và cao tuổi, đến các con, những người trẻ: Hãy cầm lấy lại chuỗi mân côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá Kinh mân côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hoà với Phụng vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày của anh chị em.

Ước gì lời kêu gọi này của tôi không rơi vào quên lãng! Vào lúc khởi đầu năm thứ 25 của triều đại giáo hoàng, tôi phó dâng Tông thư này trong bàn tay âu yếm của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, khi cúi mình trong tinh thần trước ảnh tượng đặt trong Đền thánh huy hoàng do Chân phước Bartolo Longo xây nên, vị tông đồ của Kinh mân côi. Tôi sẵn lòng xem là của tôi những lời cảm động mà ngài kết thúc Lời Khẩn cầu dâng lên Nữ Vương rất thánh Mân côi rất nổi tiếng: Ôi tràng hạt mân côi của Đức Ma-ri-a, sợi dây êm ái nối kết chúng tôi với Thiên Chúa, mối ràng buộc chúng tôi với các thiên thần, đồn lũy ơn cứu độ chống lại các cuộc tấn công của Hoả ngục, bờ bến an toàn tránh khỏi đắm chìm đồng loạt, chúng tôi không bao giờ từ bỏ bạn. Bạn là nguồn an ủi chúng tôi trong giờ lâm tử: nụ hôn cuối cùng của chúng tôi dành cho bạn khi từ giã cõi đời. Và lời nói cuối cùng thốt lên từ môi miệng chúng con sẽ là danh dịu êm của Mẹ, ôi Nữ Vương Mân côi ở Pompei, lạy Mẹ rất dấu yêu, Nơi trú ẩn của những người tội lỗi, ôi Đấng an ủi tuyệt hảo của kẻ ưu phiền. Nguyện Mẹ được chúc phúc ở mọi nơi, hôm nay và mãi mãi, dưới trần gian và trên các tầng trời.


Vatican, ngày 16 tháng 10 năm 2002,

khởi đầu năm thứ 25

triều đại giáo hoàng của tôi.

GIO-AN PHAO-LÔ II

1 Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 45.

2 Giáo hoàng Phao-lô VI, Tông huấn Marialis Cultus (2/2/1974), 42: AAS 66 (1974), 153.

3 X. Acta Leonis XIII, 3 (1884), 280-289.

4 Điều đáng ghi nhận là Tông thư của ngài về Kinh mân côi Il religioso convegno (29/9/1961): AAS 53 (1961), 641-647.

5 Kinh Truyền tin: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, I (1978): 75-76.

6 AAS 93 (2001), 285.

7 Trong những năm chuẩn bị Công đồng, Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII không ngừng khuyến khích cộng đoàn Ki-tô giáo đọc Kinh mân côi xin cho biến cố Giáo hội này được thành công: x. Thư gởi Hồng y Phụ tá (28/9/1960): AAS 52 (1960), 814-816.

8 Hiến chế về Giáo hội Lumen Gentium, 66.

9 No. 32: AAS 93 (2001), 288.

10 Ibid., 33: loc. cit., 289.

11 Điều đã rõ và cần nhắc lại là những mặc khải riêng tư không giống với mặc khải công, mặc khải này bó buộc toàn thể Giáo hội. Nhiệm vụ của Huấn quyền là biện phân và nhìn nhận tính xác thực và giá trị của những mặc khải riêng tư vì lòng đạo đức của các tín hữu.

12 Bí mật của Kinh mân côi.

13 Chân phước Bartolo Longo, Storia del Santuario di Pompei, Pompei, 1990, 59.

14 Tông huấn Marialis Cultus (2/2/1974), 47: AAS (1974), 156.

15 Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, 10.

16 Ibid., 12.

17 Hiến chế Giáo hội Lumen Gentium, 58.

18 I Quindici Sabati del Santissimo Rosario, 27th ed., Pompei, 1916, 27.

19 Hiến chế Giáo hội Lumen Gentium, 53.

20 Ibid., 60.

21 X. Diễn từ đầu tiên truyền thông Urbi et Orbi (17 October 1978): AAS 70 (1978), 927.

22 Bàn về lòng sùng kính đích thật đối với Đức Trinh Nữ Đức Ma-ri-a.

23 Giáo lý của Giáo hội Công giáo, 2679.

24 Ibid., 2675.

25 Lời khẩn cầu cùng Nữ vương rất thánh mân côi do Chân phước Bartolo Longo soạn năm 1883 nhằm đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII trong Thông điệp đầu tiên của Ngài về Kinh mân côi, để toàn thể các người Công giáo dấn thân cách thiêng liêng trong việc chống lại các tệ nạn xã hội. Kinh được đọc cách trọng thể hai lần hằng năm, vào tháng Năm và tháng Mười.

26 Divina Commedia, Thiên đàng XXXIII, 13-15.

27 Gio-an Phao-lô II, TÔNG THƯ Novo Millennio Ineunte (6/1/2001), 20: AAS 93 (2001), 279.

28 Tông huấn Marialis Cultus (2/2/974), 46: AAS 6 (1974), 155.

29 Gio-an Phao-lô II, TÔNG THƯ Novo Millennio Ineunte (6/1/2001), 28: AAS 93 (2001), 284.

30 No. 515.

31 Kinh Truyền tin 29/10/1978 : Insegnamenti, I (1978), 76.

32 Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22.

33 X. Thánh I-rê-nê thành Lyon, Adversus Haereses, III, 18, 1: PG 7, 932.

34 Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, 2616.

35 X. No. 33: AAS 93 (2001), 289.

36 Gio-an Phao-lô II, Thư gởi các nghệ sĩ (4/4/1999), 1: AAS 91 (1999), 1155.

37 X. No. 46: AAS 66 (1974), 155. Thói quen này mới đây trong Direttorio su piet popolare e liturgia. Principi e orientamenti (17 December 2001), 201, Vatican City, 2002, 165.



38 ...concede, quaesumus, ut haec mysteria sacratissimo beatae Mariae Virginis Rosario recolentes, et imitemur quod continent, et quod promittunt assequamur. Sách lễ Rô-ma 1960, Lễ Mân côi.

39 X. No. 34: AAS 93 (2001), 290.
tải về 412.71 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương