Click here: World timezones map with current time chưƠng trình ( 2 hrs )



tải về 412.71 Kb.
trang12/13
Chuyển đổi dữ liệu12.08.2016
Kích412.71 Kb.
#17440
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13

Các Mầu nhiệm thương

22. Các sách Tin mừng đặt để một tầm quan trọng lớn cho các mầu nhiệm thương khó của Đức Ki-tô. Từ khởi đầu, lòng đạo đức ki-tô giáo, đặc biệt trong mùa Chay qua việc thực hành Đường Thánh giá, đã dừng lại ở mỗi giai đoạn của cuộc khổ nạn, nhận thức rằng cao điểm của mặc khải về tình yêu Thiên Chúa và nguồn mạch ơn cứu độ được tìm thấy nơi đó. Kinh mân côi chọn lựa một vài giai đoạn của cuộc khổ nạn, để mời gọi các tín hữu chiêm ngưỡng trong tâm hồn và sống lại thời điểm ấy. Giòng suy niệm mở đầu với biến cố vườn Cây dầu, nơi đó Đức Ki-tô kinh nghiệm sự sầu não khi đối diện với thánh ý Thiên Chúa, khi mà tính yếu đuối của xác thịt bị cám dỗ muốn chống lại. Nơi đó Đức Giê-su gặp phải mọi cơn cám dỗ và đối diện với mọi thứ tội của nhân loại, để thốt lên với Chúa Cha: Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha (Lc 22,42 và song song). Tiếng Xin vâng của Đức Ki-tô đối lại với tiếng Không của tổ tiên chúng ta trong vườn Địa đàng. Và cái giá của sự trung thành với thánh ý Chúa Cha tỏ lộ trong các mầu nhiệm tiếp theo; qua việc đánh đòn, đội mão gai, vác thập giá và chết trên thập giá, Chúa đã bị gục ngã trong những đau khổ hèn hạ nhất: Ecce homo!

Sự đau khổ hèn hạ đó mặc khải không những tình yêu Thiên Chúa nhưng còn ý nghĩa của chính con người nữa.

Ecce homo: ý nghĩa, nguồn gốc và sự hoàn thành của con người được tìm thấy trong Đức Ki-tô, vị Thiên Chúa vì yêu thương đã hạ mình cho đến chết, chết trên thập giá (Pl 2,8). Các sự thương giúp người tín hữu sống lại cái chết của Đức Giê-su, đứng dưới chân Thánh giá bên cạnh Đức Ma-ri-a, cùng với Mẹ tiến vào chiều sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và kinh nghiệm năng lực trao ban sự sống của nó.

Các Mầu nhiệm mừng

23. Việc chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Ki-tô không thể dừng lại ở hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh. Người là Đấng đã sống lại!29 Kinh mân côi đã luôn diễn tả sự hiểu biết phát sinh từ đức tin này và mời gọi người tín hữu vượt lên trên bóng tối của cuộc khổ nạn để chiêm ngắm vinh quang của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm sống lại và lên trời. Khi chiêm ngưỡng Đấng phục sinh, người ki-tô hữu tái khám phá lý do của niềm tin (x. 1 Cr 15,14) và sống lại niềm vui không chỉ của những người được Đức Ki-tô hiện ra -Các Tông đồ, Bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na và các môn đệ trên đường về làng Em-mau- nhưng cả niềm vui của Đức Ma-ri-a nữa, đấng đã có một kinh nghiệm không kém mãnh liệt về đời sống mới của người Con vinh quang của ngài. Trong mầu nhiệm lên trời, Đức Ki-tô đã được nâng lên ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang, trong khi chính Đức Ma-ri-a sẽ được nâng lên trong cùng một vinh quang ấy qua biến cố mông triệu, để hưởng trước, do bởi một đặc ân duy nhất, định mệnh được dành cho mọi người công chính khi sống lại từ cõi chết. Đội mão triều thiên trong vinh quang - như Mẹ xuất hiện trong mầu nhiệm vinh quang cuối cùng - Đức Ma-ri-a toả sáng như Nữ hoàng của các Thiên thần và các Thánh, sự hưởng trước và sự thực hiện hoàn hảo nhất của trạng thái cánh chung của Giáo hội.

Ở trung tâm của chuỗi biến cố vinh quang của người Con và người Mẹ, Kinh mân côi đặt trước chúng ta mầu nhiệm vinh quang thứ ba, lễ Hiện xuống, nó tỏ lộ dung nhan của Giáo hội như một gia đình tụ họp cùng với Đức Ma-ri-a, tràn đầy sức sống nhờ sự tuôn đổ sức mạnh của Thần Khí và sẵn sàng chu toàn sứ vụ truyền giáo. Việc chiêm ngưỡng hoạt cảnh này, cũng như các sự mừng khác, phải dẫn đưa các tín hữu đến việc quý trọng hơn nữa đời sống mới trong Đức Ki-tô, được sống trong lòng Giáo hội, một đời sống mà hoạt cảnh Hiện xuống là hình tượng tuyệt vời nhất. Vì thế, các sự mừng dẫn đưa các tín hữu đến niềm hi vọng mạnh mẽ hơn về mục tiêu cánh chung, họ hành trình tiến về đó như thành viên của Dân Thiên Chúa đang lữ hành trong lịch sử. Điều đó không thể không thúc đẩy họ can đảm làm chứng về Tin mừng đã đem lại ý nghĩa cho toàn thể cuộc đời họ.

Từ các mầu nhiệm đến Mầu nhiệm: con đường của Đức Ma-ri-a

24. Chu kỳ suy niệm mà Kinh rất thánh mân côi đề nghị không thể nào bao gồm hết mọi khía cạnh, nhưng nó nhắc lại những điều cốt yếu và gợi lên trong linh hồn một sự khao khát Đức Ki-tô luôn được nuôi dưỡng từ nguồn mạch tinh trong của Tin mừng. Mọi biến cố riêng lẻ trong cuộc đời Đức Ki-tô, như được các tác giả sách Tin mừng tường thuật lại, đều chói lọi với Mầu nhiệm vượt quá mọi hiểu biết (x. Ep 3,19): Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, nơi Người tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể (Cl 2,9). Vì lý do ấy, sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nhấn mạnh nhiều đến các mầu nhiệm Đức Ki-tô, khi nhắc lại rằng mọi sự trong cuộc đời Đức Giê-su đều là dấu chỉ của Mầu nhiệm của Người.30 Việc chèo ra chỗ sâu của Giáo hội của ngàn năm thứ ba sẽ được đánh giá bởi khả năng của người ki-tô-hữu tiến vào sự thông hiểu phong phú và đầy đủ, khiến họ nhận biết mầu nhiệm của Thiên Chúa, tức là Đức Kitô, trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết (Cl 2,2-3). Thư gởi tín hữu Ê-phê-sô dâng lời cầu nguyện chân thành này cho mọi người chịu phép Thánh Tẩy: Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể các thánh, anh em đủ sức nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa (3,17-19).

Kinh mân côi nhắm phục vụ lý tưởng ấy; nó trao ban bí mật dễ thực hiện để dẫn đến một sự hiểu biết sâu xa và nội tâm về Đức Ki-tô. Chúng ta có thể gọi đó là con đường của Đức Ma-ri-a. Đó là con đường của mẫu gương Đức Nữ Trinh Na-da-rét, một người phụ nữ của lòng tin, của thinh lặng, của lắng nghe chăm chú. Đó cũng là con đường của lòng sùng kính Đức Ma-ri-a, được khiến hứng bởi sự hiểu biết về mối giây không thể phân ly giữa Đức Ki-tô và Mẹ thánh Người: các mầu nhiệm của Đức Ki-tô theo một nghĩa nào đó cũng là các mầu nhiệm của Mẹ Người, ngay cả khi chúng không dính dáng Mẹ cách trực tiếp, bởi vì Mẹ sống bởi Người và qua Người. Khi xem những lời của Thiên thần Ga-bri-en và Bà Ê-li-sa-bét trong Kinh Kính mừng như của chúng ta, chúng ta cảm thấy luôn bị lôi kéo tìm kiếm cách luôn mới mẻ nơi Đức Ma-ri-a, trong vòng tay và trong con tim của Mẹ, hoa quả được chúc phúc của lòng Bà (x Lc 1,42).

Mầu nhiệm của Đức Ki-tô, mầu nhiệm của con người

25. Trong chứng từ của tôi năm 1978 được nhắc lại ở trên, khi tôi nói Kinh mân côi là lời kinh ưa thích của tôi, tôi đã sử dụng một ý mà tôi muốn đề cập lại. Tôi đã nói rằng lời kinh đơn sơ của Kinh mân côi đánh dấu nhịp sống của con người.31

Dưới ánh sáng của những suy tư cho tới nay về các mầu nhiệm của Đức Ki-tô, đi sâu vào ý nghĩa nhân học của Kinh mân côi thì không phải là điều khó, nó sâu xa hơn cái dáng vẻ thấy lần đầu. Bất cứ ai chiêm ngưỡng Đức Ki-tô qua những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Người không thể không nhận ra trong Người chân lý về con người. Đó là khẳng định quan trọng của Công đồng Va-ti-ca-nô II mà tôi thường bàn luận trong các giáo huấn của tôi kể từ Thông điệp Redemptor Hominis: Chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập thể mà mầu nhiệm của con người được xem thấy trong ánh sáng đích thực của nó.32 Kinh mân côi giúp mở ra con đường hướng về ánh sáng này. Khi đi theo con đường của Đức Ki-tô, con đường của con người được tóm kết, 33 mặc khải và cứu chuộc trong Người, người tín hữu đi đến việc trực diện với hình ảnh của con người đích thực. Chiêm ngưỡng việc Đức Ki-tô hạ sinh, họ học biết tính cách thánh thiêng của sự sống; khi nhìn vào gia đình Na-da-rét, họ học biết chân lý nguyên thủy của gia đình theo như kế hoạch của Thiên Chúa; khi lắng nghe Thầy trong các mầu nhiệm của sứ vụ công khai, họ tìm thấy ánh sáng dẫn đưa họ vào Nước Trời; và khi bước theo Người tiến đến Núi Sọ, họ học biết ý nghĩa của đau khổ đem lại ơn cứu độ. Cuối cùng, chiêm ngưỡng Đức Ki-tô và Mẹ rất thánh Người trong vinh quang, họ thấy được cùng đích mà mỗi người trong chúng ta được mời gọi hướng về, nếu chúng ta để cho Chúa Thánh Thần chữa trị và biến đổi chúng ta. Ta có thể nói rằng mỗi mầu nhiệm của Kinh mân côi, một khi được suy niệm thấu đáo, chiếu toả ánh sáng trên mầu nhiệm của con người.

Đồng thời, sẽ là việc tự nhiên khi ta mang theo, trong cuộc gặp gỡ này với nhân tính thánh thiện của Đấng Cứu chuộc, mọi vấn đề, lo lắng, lao công và nỗ lực dệt nên cuộc sống chúng ta. Hãy trút mọi gánh lo vào tay Chúa và Người sẽ đỡ đần cho (Tv 55,23). Cầu nguyện bằng Kinh mân côi là trút bỏ mọi gánh nặng của chúng ta vào trong trái tim thương xót của Đức Ki-tô và Mẹ Người. Sau 25 năm, khi nhìn lại các khó khăn gặp phải khi thi hành chức vụ giáo hoàng, tôi cảm thấy cần phải nói thêm, như một lời mời gọi nồng nhiệt gởi đến mọi người để họ đích thân cảm nghiệm: quả thực Kinh mân côi đánh dấu nhịp sống của con người, khi làm cho nó hoà hợp với nhịp sống của Thiên Chúa, trong sự thông hiệp hân hoan với Thiên Chúa Ba Ngôi, định mệnh của cuộc sống chúng ta và khát vọng sâu xa nhất.



Chương III

Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô



Kinh mân côi, một cách đồng hoá với mầu nhiệm

26. Việc suy ngắm các mầu nhiệm Đức Ki-tô trong Kinh mân côi được thực hiện bằng một phương pháp được lập ra để giúp ta đồng hoá với mầu nhiệm. Đó là phương pháp dựa trên việc lặp đi lặp lại. Việc lặp đi lặp lại trước tiên được áp dụng cho Kinh kính mừng, được lặp lại 10 lần trong mỗi mầu nhiệm. Nếu lời kinh này được lặp đi lặp lại một cách hời hợt, chắc hẳn người ta sẽ có cám dỗ xem kinh mân côi như một việc đạo đức khô khan và nhàm chán. Trái lại, người ta sẽ không cảm thấy khô khan, nhàm chán, nếu xem kinh Mân côi như một sự dâng trào của tình yêu không ngừng hướng về Đấng mình yêu mến, với những cách diễn tả tuy giống nhau trong nội dung, nhưng luôn luôn mới mẻ về phương diện cảm xúc.

Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa thật sự đã nhận lấy một trái tim bằng thịt. Thiên Chúa không chỉ có một trái tim thần linh, giàu lòng thương xót và tha thứ, song Người cũng có một trái tim nhân loại, có khả năng biểu lộ những tình cảm sôi nổi. Nếu chúng ta cần chứng cứ trong Tin mừng, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong cuộc đối thoại cảm động giữa Đức Ki-tô và Phê-rô sau khi Người sống lại: Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? Người hỏi Phê-rô đến ba lần, và ông cũng trả lời ba lần: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy (x. Ga 21,15-17). Vượt lên trên ý nghĩa đặc thù của đoạn văn, rất quan trọng về sứ mạng của Phê-rô, không ai mà không nhận thấy vẻ đẹp của việc lặp đi lặp lại ba lần, qua đó câu hỏi nài nỉ và câu trả lời tương ứng được diễn tả bằng thứ ngôn ngữ quen thuộc trong kinh nghiệm phổ quát của tình yêu nhân loại. Để hiểu Kinh mân côi, ta phải đi vào trong năng động tâm lý riêng của tình yêu.

Một điều rõ ràng là: cho dù lời kinh Kính mừng được lặp đi lặp lại trực tiếp dâng lên Đức Ma-ri-a, nhưng hành vi yêu thương rốt cuộc lại hướng về chính Đức Ki-tô, với Mẹ và qua Mẹ. Việc lặp đi lặp lại được nuôi dưỡng bởi lòng khao khát được trở nên đồng hình đồng dạng hoàn hảo hơn với Đức Ki-tô, đó là dự phóng đích thật của đời sống ki-tô hữu. Thánh Phao-lô diễn tả dự phóng đó bằng những lời đầy lửa mến: Đối với tôi, sống là Chúa Ki-tô, và chết là một mối lợi (Pl 1,21). Và lại nữa: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi (Gl 2,20). Kinh mân côi giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô sát hơn, cho đến khi chúng ta đạt được sự thánh thiện thật sự.



Một phương thức có giá trị...

27. Chúng ta đừng ngạc nhiên rằng mối tương giao của chúng ta với Đức Ki-tô cũng cần có một phương pháp. Thiên Chúa thông ban chính mình cho chúng ta mà vẫn tôn trọng bản tính nhân loại và nhịp sống của chúng ta. Vì thế, mặc dầu linh đạo ki-tô giáo quen thuộc với những hình thức tuyệt vời nhất của sự thinh lặng thần giao, trong đó tất cả các hình ảnh, lời nói và cử chỉ nhường chỗ cho sự kết hiệp liên lỉ và khôn tả với Thiên Chúa, song linh đạo ấy thường mang dấu ấn của một sự dấn thân của toàn thể con người cùng với thực trạng phức tạp về tâm lý, thể lý và tương quan.

Điều này thể hiện rõ ràng trong Phụng vụ. Các bí tích và á bí tích được cấu trúc như một chuỗi các nghi thức dựa trên các chiều kích của con người. Điều tương tự như thế cũng áp dụng cho những việc đạo đức khác. Điều này được chứng thực bởi sự kiện là trong Giáo hội Đông phương, lời cầu nguyện đặc trưng nhất của lối suy gẫm có tính ki-tô, xoáy quanh những lời: Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin thương xót con là kẻ tội lỗi, theo truyền thống thường liên kết với nhịp thở; việc thực hành này vừa tạo thuận lợi cho sự kiên trì trong cầu nguyện, vừa biểu hiện trong mức độ nào đó lòng khao khát muốn Đức Ki-tô trở thành hơi thở, linh hồn và là tất cả của đời sống.

...tuy nhiên, vẫn còn có thể cải thiện

28. Trong tông thư Novo Millennio Ineunte, tôi đã đề cập đến một nhu cầu nguyện gẫm mới ở phương Tây, nhu cầu nầy đôi khi khiến người ta ưa thích các hình thái trong các tôn giáo khác. 35 Một số ki-tô hữu, vì hiểu biết truyền thống chiêm ngưỡng ki-tô giáo một cách nông cạn, nên đã bị các hình thức cầu nguyện ấy lôi cuốn. Cho dù các hình thức cầu nguyện này có nhiều yếu tố tích cực và có khi tương hợp với kinh nghiệm ki-tô giáo, song chúng thường đặt nền tảng trên những tiền đề tuyệt nhiên không thể chấp nhận được. Thứ đang thịnh hành trong những lối tiếp cận này là những phương pháp sử dụng kỹ thuật có tính chất tâm lý, lập đi lập lại và biểu tượng nhằm làm cho tâm trí tập trung cao độ. Kinh Mân côi tuy nằm trong bối cảnh rộng lớn của hiện tượng tôn giáo, nhưng lại trổi vượt hơn nhờ những đặc tính riêng phù hợp với những đòi hỏi đặc thù của ki-tô giáo.

Quả thực, Kinh Mân côi đơn thuần là một phương pháp chiêm ngưỡng. Vì là một phương pháp, kinh Mân côi được dùng như một phương tiện để đạt tới một mục đích, chứ tự nó không phải là mục đích. Dầu vậy, vì cách thức này là hoa quả của một kinh nghiệm lâu đời, nên không được xem thường. Ta có thể kể đến kinh nghiệm của vô vàn thánh nhân bênh vực cho cách thức đó. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là phương pháp ấy chẳng cần phải cải thiện. Đó chính là mục đích của việc bổ sung một loạt những mầu nhiệm ánh sáng vào toàn thể chu kỳ các mầu nhiệm và một vài gợi ý tôi đề nghị trong tông thư này liên quan đến cách đọc. Những gợi ý này, trong khi vẫn tôn trọng cấu trúc đã được thiết lập rất tốt của lời kinh, có dụng ý muốn giúp tín hữu am hiểu lời kinh trong tính chất biểu tượng phong phú của nó và trong sự hoà hợp đối với những yêu cầu của cuộc sống hằng ngày. Nếu không, kinh Mân côi chẳng những có nguy cơ không làm phát sinh những hiệu quả thiêng liêng, mà ngay cả tràng hạt thường được dùng để đọc kinh, cũng có thể trở thành một loại bùa phép hay linh vật, như thế là bóp méo hoàn toàn ý nghĩa và công dụng của nó.

Công bố mỗi mầu nhiệm

29. Việc công bố mỗi mầu nhiệm, và ngay cả việc sử dụng một ảnh tượng thích hợp để chiêm ngắm, thì giống như thể là mở ra một cảnh tượng để tập trung chú ý vào đó. Các lời đọc hướng trí tưởng tượng và tâm trí về một giai đoạn hay thời điểm đặc biệt trong cuộc đời Đức Ki-tô. Trong linh đạo truyền thống của Giáo hội, việc tôn kính các ảnh tượng và nhiều việc sùng kính mang nhiều yếu tố cảm giác, cũng như phương pháp cầu nguyện được thánh I-nha-xi-ô đề nghị trong các bài Linh thao, sử dụng các yếu tố thị giác và tưởng tượng (compositio loci), được đánh giá là một sự hỗ trợ lớn, giúp tâm trí tập trung vào mầu nhiệm. Ngoài ra, đây là một phương pháp học phù hợp với cái lô-gic nội tại của mầu nhiệm Nhập thể: trong Đức Giê-su, Thiên Chúa muốn nhận lấy những nét của con người. Chính nhờ thân xác của Người mà chúng ta được dẫn đến tiếp xúc với mầu nhiệm thiên tính của Người.

Việc công bố các mầu nhiệm khác nhau trong kinh Mân côi đáp ứng đòi hỏi tính cụ thể ấy. Các mầu nhiệm này tất nhiên không thay thế cho Tin mừng và cũng không đề cập đến toàn bộ nội dung của Tin mừng. Vì thế, Kinh Mân côi không thay thế việc đọc Kinh thánh, lectio divina; trái lại, Kinh Mân côi giả định trước và cổ võ việc đọc Kinh thánh. Tuy nhiên, cho dẫu các mầu nhiệm được chiêm ngắm trong Kinh Mân côi, dù có bổ sung các Mầu nhiệm Ánh sáng, chỉ phác hoạ nên các yếu tố cơ bản trong cuộc đời Đức Ki-tô, thì nhờ các mầu nhiệm ấy, tâm trí cũng dễ dàng nắm bắt phần còn lại của Tin mừng, nhất là khi Kinh mân côi được cầu nguyện trong khung cảnh của một cuộc suy niệm kéo dài.

Lắng nghe Lời Thiên Chúa

30. Để việc suy ngắm có được một nền tảng Kinh Thánh và có chiều sâu hơn, sau khi xướng tên mầu nhiệm, cần công bố đoạn Kinh Thánh liên quan đến mầu nhiệm ấy, dài ngắn tùy theo hoàn cảnh. Không lời nào khác có thể sánh được tính hiệu nghiệm của Lời được linh hứng. Khi lắng nghe, chúng ta xác tín rằng đó là Lời Thiên Chúa, được công bố cho ngày hôm nay và cho tôi.

Nếu được đón nhận theo cách thức như thế, Lời Thiên Chúa có thể trở thành một phần của phương pháp lặp đi lặp lại của Kinh Mân côi, mà không gây ra sự buồn chán do việc chỉ đơn thần hồi tưởng lại điều gì đã biết quá rõ. Vấn đề không phải là nhắc lại một thông tin, nhưng là để cho Thiên Chúa nói. Trong những buổi cử hành chung trọng thể, Lời này có thể được minh hoạ cách tương xứng bằng việc giảng giải vắn gọn.

Thinh lặng

31. Lắng nghe và suy ngắm được nuôi dưỡng bằng thinh lặng. Sau khi xướng lên mầu nhiệm và công bố Lời Chúa, quả là thích hợp việc ngừng lại một thời gian thích đáng để tập trung chú ý vào mầu nhiệm liên hệ, trước khi chuyển sang việc đọc kinh. Khám phá ra tầm quan trọng của sự thinh lặng là một trong những bí quyết của thực hành suy ngắm và chiêm ngưỡng. Trong một xã hội bị nền công nghệ và truyền thông đại chúng thống trị, sự thinh lặng càng ngày càng khó thực hiện hơn. Cũng như những thời gian thinh lặng được khuyến cáo trong Phụng vụ, trong việc suy ngắm kinh Mân côi cũng vậy, quả là thích hợp việc ngưng lại một lát sau khi nghe Lời Thiên Chúa, đang khi tâm trí tập trung vào nội dung của một mầu nhiệm.



Kinh Lạy Cha

32. Sau khi lắng nghe Lời Chúa và chú tâm vào mầu nhiệm, lòng trí đương nhiên được nâng lên cùng Chúa Cha. Trong mỗi mầu nhiệm, Đức Giê-su luôn luôn dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Cha, vì Người ở nơi cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1,18), Người không ngừng hướng về Cha. Người mong muốn chúng ta chia sẻ đời sống thân mật của Người với Chúa Cha, đến nỗi chúng ta có thể cùng Người thân thưa: Abba, Cha ơi (Rm 8,15; Gl 4,6). Nhờ mối tương giao với Chúa Cha, Người làm cho chúng ta trở nên anh em và chị em của Người, đồng thời trở nên anh chị em với nhau, bằng cách thông ban cho chúng ta Thánh Thần của Người và cũng là Thánh Thần của Chúa Cha. Kinh Lạy Cha, được xếp đặt như nền móng cho việc suy ngắm có tính ki-tô học và thánh mẫu học biểu lộ qua việc lặp đi lặp lại Kinh Kính mừng, biến việc suy ngắm mầu nhiệm, ngay cả lúc nguyện ngắm một mình, thành một kinh nghiệm có tính Giáo hội.



Mười Kinh Kính mừng

33. Đây là yếu tố trọng yếu nhất trong Kinh mân côi và cũng là yếu tố làm cho kinh mân côi trở thành lời kinh ưu việt có chiều kích Ma-ri-a. Tuy nhiên, nếu thấu hiểu Kinh Kính mừng cách đúng đắn, chúng ta sẽ thấy rõ đặc tính thánh mẫu học của lời kinh không đối nghịch với đặc tính ki-tô học, trái lại nó thật sự làm nổi bật và gia tăng đặc tính ki-tô học. Phần đầu Kinh kính mừng, được rút ra từ lời sứ thần Gáp-bri-en và thánh nữ Ê-li-da-bét nói với Đức Ma-ri-a, là một sự chiêm ngưỡng và thờ lạy đối với mầu nhiệm được thực hiện nơi Trinh nữ làng Na-gia-rét. Có thể nói là những lời này biểu lộ sự kinh ngạc của trời và đất, đồng thời cho chúng ta thoáng thấy sự kinh ngạc của chính Thiên Chúa, khi Người chiêm ngắm kiệt tác của Người - Người Con Nhập thể trong cung lòng Trinh nữ Ma-ri-a. Nếu chúng ta nhớ lại trong sách Sáng thế, Thiên Chúa đã thấy mọi sự Người đã làm ra như thế nào (St 1,31), chúng ta có thể tìm thấy nơi đây âm vang của pathos, mà ngay từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã đoái nhìn công trình tay Người thực hiện.36 Việc lặp đi lặp lại Kinh kính mừng cho chúng ta chia sẻ sự kinh ngạc và vui thích của chính Thiên Chúa: đó là niềm hân hoan, khâm phục và tri ân vì phép lạ vĩ đại nhất của lịch sử. Ở đây, lời tiên tri của Đức Ma-ri-a được thực hiện trọn vẹn: Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc (Lc 1,48).

Trọng tâm của Kinh Mân côi, ví như bản lề nối kết hai phần, là Danh Chúa Giê-su. Đôi khi vì nguyện kinh hấp tấp mà đánh mất trọng tâm này, và vì thế mà không còn liên kết với mầu nhiệm Đức Ki-tô đang được chiêm ngưỡng. Chính sự nhấn mạnh vào Danh Đức Giê-su và mầu nhiệm của Người mà ta phân biệt được một việc đọc kinh Mân côi có ý nghĩa và hữu ích. Trong tông huấn Marialis Cultus, Đức Giáo hoàng Phao-lô VI đã lưu ý đến thói quen của một vài miền trong việc nêu bật Danh Đức Ki-tô, bằng cách thêm vào một câu ngắn gợi lên mầu nhiệm đang chiêm ngưỡng.37 Đây là một thực hành đáng khen ngợi, nhất là trong những buổi nguyện kinh chung. Nó biểu lộ một cách sinh đông niềm tin vào Đức Ki-tô, khi hướng đến các thời điểm khác nhau trong cuộc đời của Đấng Cứu thế. Đồng thời, đó còn là một việc tuyên tín và là một sự hỗ trợ giúp chú tâm vào việc nguyện ngắm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đồng hoá với mầu nhiệm Đức Ki-tô gắn liền với việc lặp đi lặp lại Kinh Kính mừng. Lặp đi lăp lại Danh Chúa Giê-su - Danh duy nhất được ban cho ta hầu ta có thể hy vọng được cứu rỗi (x. Cv 4,12) - trong sự liên kết mật thiết với danh của Thánh mẫu Người, và hầu như làm theo gợi ý của Mẹ, chúng ta bước đi trên con đường đồng hoá, tức là giúp chúng ta chìm sâu hơn vào đời sống của Đức Ki-tô.

Từ mối tương giao đặc biệt và duy nhất của Đức Ma-ri-a với Đức Ki-tô, làm cho Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa, Theotĩkos, phát sinh sức mạnh của lời khẩn cầu chúng ta dâng lên Mẹ trong phần thứ hai của lời kinh, khi chúng ta phó thác đời sống và giờ lâm tử của chúng ta cho lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ.



Kinh Sáng danh

34. Vinh tụng ca Ba Ngôi là mục tiêu của mọi chiêm ngưỡng ki-tô giáo. Bởi vì Đức Ki-tô là con đường dẫn chúng ta đến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta đi con đường ấy cho đến cùng, chúng ta gặp gỡ đi gặp gỡ lại mầu nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng xứng đáng lãnh nhận mọi lời ca ngợi, thờ phượng và cảm tạ. Quả là quan trọng việc làm nổi bật kinh Sáng danh, cao điểm của chiêm ngưỡng, trong Kinh mân côi. Khi đọc chung, có thể hát lên, như một cách thức nhấn mạnh đến cơ cấu Ba Ngôi của mọi lời kinh ki-tô giáo.

Việc suy niệm về mầu nhiệm càng chăm chú và sâu sắc, và càng sinh động - từ Kinh Kính mừng sang Kinh Kính mừng khác - bởi tình yêu đối với Đức Ki-tô và Đức Ma-ri-a, lời kinh vinh danh Ba Ngôi ở cuối mỗi chục kinh, thay vì chỉ là một kết thúc làm chiếu lệ, lại càng có sắc thái chiêm ngưỡng riêng, khi nâng tâm hồn lên chiều cao của thiên đàng và giúp chúng ta cách nào đó sống lại kinh nghiệm tại núi Ta-bo, một nếm cảm trước việc chiêm ngưỡng tương lai: Chúng con ở đây quả là đẹp! (Lc 9,33).

Lời kinh ngắn kết thúc

35. Trong việc thực hành hiện nay, Vinh tụng ca Ba Ngôi được tiếp nối bởi một lời kinh kết thúc ngắn, thay đổi tùy tục lệ địa phương. Không hề giảm bớt giá trị của những lời khẩn cầu như thế, đáng ghi nhận rằng việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm có thể được diễn tả tốt hơn sự phong phú thiêng liêng của nó nếu có một nỗ lực kết thúc mỗi mầu nhiệm bằng một lời kinh nhắm đến hoa quả đặc biệt của mầu nhiệm đó. Theo cách đó, Kinh mân côi có thể diễn tả tốt hơn mối quan hệ của nó với đời sống ki-tô hữu. Điều đó được gợi hứng từ một lời kinh Phụng vụ đẹp, mời gọi chúng ta cầu xin, nhờ suy niệm về các mầu nhiệm của Kinh mân côi, chúng ta có thể noi gương điều chúng chứa đựng và đạt đến điều chúng hứa ban.38

Một lời kinh kết thúc như thế có thể có nhiều hình thức khác nhau, như đã thấy trong thực hành. Như thế Kinh mân côi có thể thích nghi tốt hơn với những truyền thống thiêng liêng khác nhau và các cộng đoàn ki-tô giáo khác nhau. Vậy mong ước rằng những công thức thích hợp sẽ được lưu hành rộng rãi, sau khi được xem xét về phương diện mục vụ và nếu được, sau khi được dùng thử tại những trung tâm và đền thánh sùng kính đặc biệt Kinh mân côi, để Dân Thiên Chúa có thể hưởng nhờ từ sự phong phú của những của cải thiêng liêng đích thực và tìm thấy của ăn nuôi dưỡng đời sống chiêm ngưỡng cá nhân.


tải về 412.71 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương