Chuyển sang ebook


Chương 22: Gặp mẹ lần cuối



tải về 1.34 Mb.
trang17/19
Chuyển đổi dữ liệu01.12.2017
Kích1.34 Mb.
#34907
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19

Chương 22: Gặp mẹ lần cuối


Một cuộc chiến tranh nhỏ đang âm ỉ ở chùa Phật giáo Washington. Ngay khi tôi vừa về đến nhà, một số thành viên trong ban chấp hành tấn công tôi: “Sư đã bỏ rơi chùa,” họ nói. “Chúng tôi mời Sư đến Mỹ để làm việc cho chúng tôi, nhưng giờ thì Sư bỏ hết thời gian giúp mấy người Việt Nam đó. Chúng tôi không ưu tiên hơn họ sao?”

“Tôi phụng sự Phật, Pháp và Tăng,” tôi trả lời. “Là người tu sĩ, tôi phụng sự tất cả mọi chúng sanh, tôi không thể phân biệt người Sinhala hay người Việt Nam. Những người tỵ nạn đó đang đau khổ, nên tôi cần giúp đỡhọ.”

Mặc dầu họ không than phiền nữa, tôi biết đó không phải là lần cuối cùng tôi phải nghe về những điều này.

Tôi trở về chùa đầu tháng chín, vừa đúng lúc cho khóa mới tại đại học American. Tôi được một học bổng toàn phần để bắt đầu việc chuẩn bị cho bằng thạc sĩ về lịch sử tôn giáo - thật là một món quà tuyệt vời!

Sau khi học được vài tháng, tôi nhận được thư em gái, báo tin mẹ của chúng tôi không được khỏe, bà không còn ăn được gì nữa. Kèm theo bên trong lá thư là một mảnh giấy do mẹ tôi viết. Chỉ một vài dòng, nhưng ở cuối thư, bà bảo đã phải mất gần một tuần để viết.  Bà đã quá yếu đến nỗi không thể viết một hay hai chữ cùng một lúc. Cầm được viết cũng đã khó rồi. Nhưng bà quyết tự viết thư cho tôi.  Có lẽ bà biết rằng đó là lá thư cuối cùng bà viết cho tôi.  “Mẹ mong có thể được gặp con,” bà viết.

“Anh nên trở về,” em tôi viết trong thư. “Mẹ có thể không sống lâu hơn nữa.”

Đó là cuối mùa thu năm 1976. Tôi thông báo cho ban chấp hành của chùa rằng mẹ tôi có thể sẽ mất, và tôi cần về thăm gia đình. Họ đồng ý mua vé cho tôi đi.

Vào tháng mười hai, tôi lên chiếc Pan Am 747 và hướng thẳng về nhà ở Tích Lan. (Năm 1972, chính phủ Ceylon chính thức đổi tên quốc gia này trở lại cái tên truyền thống hơn, Tích Lan, có nghĩa là ‘phồn thịnh và đẹp đẽ’ trong tiếng Phạn). Tôi ngồi ở ghế cạnh cửa sổ, như tôi vẫn thường làm. Máy bay trước hết đến Honolulu, rồi Guam và  Singapore.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi rời Honolulu, tôi nhìn ra cửa sổ, thấy lửa bốc lên từ một trong những bộ máy. Tôi đã nghĩ đó có thể là do dầu cặn thải ra.

Nhưng không phải thế.

Một vài giây sau, phi hành gia thông báo rằng chúng tôi phải trở lại Hawaii vì một trong những bộ máy bị cháy.  Rồi các tiếp viên hàng không hướng dẫn chúng tôi cách thoát ra khỏi máy bay sau khi đáp xuống. Cầu thang thoát hiểm được bung ra, vì thế chúng tôi có thể ra khỏi máy bay nhanh chóng.  Rõ ràng là mọi người đều lo lắng rằng một vụ nổ có thể xảy ra.

Họ cho những người có con nhỏ ra trước.  Kế đến là phụ nữ có thai và người già, sau cùng là những hành khách còn lại. Họ bảo hãy để tất cả hành lý trên máy bay.

Tôi để ý thấy một vài hành khách làm dấu thánh giá trên ngực. Người khác thì khóc lóc hay cắn móng tay, hay thầm thì với người kế bên. Tôi nhìn thấy một vài cuốn kinh thánh được mở ra trên đùi.

“Ôi,” tôi nghĩ, “tôi đã làm tất cả những gì có thể trong cuộc đời. Tôi đã giảng pháp cho nhiều người, và tôi đã được công đức. Tôi đang trên đường đi gặp mẹ tôi. Dầu có chết bây giờ, tôi cũng sẽ được một sự tái sinh tốt đẹp.”

Tôi thật sự không cảm thấy sợ hãi. Tôi nghĩ rằng nếu máy bay có rớt xuống, thì dầu gì tất cả chúng tôi sẽ đều bất tỉnh trước khi chạm mặt đất. Chết như thế cũng chắng phải ghê gớm gì.

Rồi tự động tôi bắt đầu nghĩ về những lời Phật dạy về sợ hãi.  Sợ hãi, ngài nói, phát sinh từ sự bám víu vào năm uẩn –thân, thọ, tưởng, hành và thức. Chúng ta bám víu vào những thứ này mà ta coi như là ‘cái tôi’. Chúng ta không muốn đánh mất ‘cái ngã’ này, vì thế chúng ta trở nên sợ hãi khi nó bị đe dọa dưới bất cứ hình thức nào.

“Phiền não phát sinh từ ái dục,” một đoạn trong kinh Pháp Cú đã nói thế. “Sợ hãi phát sinh từ ái dục. Sẽ không còn có phiền não hay sợ hãi đối với người không còn ái dục”. 

Khi máy bay chúi đầu xuống từ trên không, tôi biết nếu tôi có thể quán tưởng đến Tam Bảo, tôi sẽ được bình an.  Tâm đầy uế nhiễm bị sợ hãi, lo âu, căng thẳng và bức xúc chế ngự. Nhưng tâm đầy những ý tưởng hướng về Phật, Pháp và Tăng thì tràn đầy thanh tịnh.

Tới Honolulu, máy bay hạ xuống sốc giật mạnh. Đã có những chiếc xe cứu hỏa đậu sẵn trên đường băng và ngay khi chúng tôi vừa chạm mặt đất, những chiếc xe này bắt đầu thổi khói quanh máy bay.

Mọi người nhảy lên, chạy đến cửa thoát hiểm. Chúng tôi không biết máy bay sẽ phát hỏa bất cứ phút giây nào.

Tôi nghĩ có lẽ tôi là người duy nhất trên cả chuyến bay này là chưa bao giờ trượt cầu tuột lúc còn bé. Ôi thật kỳ cục, dĩ nhiên, với chiếc y phùng lên quanh tôi, nhưng tôi phải nhận rằng nó cũng vui một chút! Khi xuống đến mặt đất, tôi nhảy ra và chạy thật nhanh. Đêm đó chúng tôi ở lại khách sạn Hawaii sang trọng, do Pan Am đài thọ.

Ngày hôm sau, tôi tiếp tục đến Singapore. Khi đáp xuống đó, tôi ngạc nhiên khi gặp một số người từ chùa Phật giáo Tích Lan, một chùa Sinhala. Họ mời tôi ở lại chùa họ một tháng. Tôi bảo với họ, tôi đang đi thăm mẹ bịnh, nhưng tôi có thể gửi điện báo cho em tôi để hỏi tình trạng mẹ tôi như thế nào, có thể tôi không cần phải về gấp rút như thế.

Ngày hôm sau, em tôi nhắn tin trở lại. Cô ấy cho biết mẹ chúng tôi cũng không yếu lắm ngay bây giờ, nên tôi ở lại Singapore một tuần. Rồi tôi đi Malaysia, ở đó một tuần nữa.  Thời gian rộng rãi đó thật tốt, vì nó cho phép tôi sắp đặt để mang lại một ngạc nhiên thú vị cho mẹ.

Một vài người bạn ở Malaysia đã cúng dường một máy chiếu phim slide, và tôi cũng kiếm được một radio FM với một microphone không dây. Tôi có khoảng năm trăm ảnh slide màu của những nơi tôi đã thăm viếng khắp trên thế giới. Có chùa chiền, nhà chọc trời, khung cảnh thiên nhiên, thú vật và các lễ hội. Tôi muốn cho mẹ thấy những nơi tôi đã từng có mặt suốt những năm qua, khi tôi không ở với gia đình. 

Khi đến Tích Lan, chúng tôi đã có buổi chiếu slide ở nhà chị tôi. Vì không có điện ở đó, chúng tôi phải mượn dây nối từ nhà hàng xóm. Mẹ tôi ngồi, hoàn toàn bị thu hút khi bà xem những tấm ảnh slide và lắng nghe những lời giới thiệu của tôi.  Mắt bà sáng lên.

Chúng tôi bắt đầu buổi chiếu lúc 10 giờ tối và kéo dài cho đến hai giờ sáng, nhưng mẹ tôi hình như không biết mệt.  Khi buổi chiếu đã kết thúc, bà hỏi còn thêm slide nào nữa không. Đó là lần cuối chúng tôi vui vẻ bên nhau.

Ngày hôm sau tôi gọi bác sĩ của mẹ để hỏi về tình trạng sức khỏe của bà. Ông bảo rằng trái tim mẹ tôi đã yếu. Bà đã tám mươi sáu tuổi, bà có thể ra đi bất cứ lúc nào. Rằng tôi nên cho bà vào nhà dưỡng lão, nơi bà có thể được chăm sóc một cách chu đáo.

Vì thế chị tôi, cháu tôi và tôi quyết định chuyển bà vào một nhà dưỡng lão ở Kandy. Rồi tôi chào từ giã mẹ, đi Colombo.  Khi tôi ra đi, họ cũng trên đường chuyển mẹ tôi đến nhà dưỡng lão. Ngày hôm sau, tôi nhận được điện thoại của cháu tôi. Nó khóc.

Nhà dưỡng lão quyết định trả mẹ tôi về, sau khi đã tiếp nhận bà vào được một đêm. Không nói lý do; có thể họ nghĩ rằng nếu bà mất ngay sau khi đến đó sẽ là điều không tốt cho việc kinh doanh của họ. Lúc đó, tình trạng sức khỏe của mẹ tôi đã tồi tệ hơn, có lẽ vì phải di chuyển đường xa để đến được nhà dưỡng lão. Chị và cháu tôi biết rằng phải đưa mẹ đi bệnh viện, nên họ quay trở lại nhà dưỡng lão đón bà -ở đó không có xe cứu thương.

Bà nhất quyết muốn ngồi thay vì nằm xuống ở băng sau.  Họ kể rằng bà đã rên đau suốt chuyến đi. Khi đến được bệnh viện, bà đã im lặng.

Bà đã ra đi trong dáng ngồi thẳng, ở băng ghế sau xe. 

Tôi nhớ về những lần mẹ băng bó vết thương cho tôi ngày tôi còn bé, làm sao mà bà luôn biết chính xác phải làm gì để tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi nhớ lại cảm giác được mẹ ôm vào lòng như thế nào. Tôi nghĩ đến lá thư cuối cùng mẹ đã viết cho tôi, chỉ vài dòng, một cách khó khăn.

Tôi cảm thấy buồn vì bà đã ra đi trong đau đớn và hối hận rằng tôi không có mặt ở đó bên bà.

Đức Phật đã nói: “Phải xa cách người mình yêu thương là đau khổ.” Mặc dầu tôi đã trải qua nhiều năm giảng Pháp về đau khổ và phiền não, đã hành bao nghi lễ ở đám táng và an ủi người ta sau sự ra đi của người thân, tôi không nghĩ tôi hoàn toàn hiểu những lời dạy của Phật, cho đến khi tôi kinh nghiệm sự ra đi của mẹ tôi. Khi mẹ mất, nỗi đau khổ của tôi quá sâu đậm đến nỗi tôi cảm thấy trái tim tôi như đã bị châm chích bởi những mũi thuốc đắng cay, nhức nhối.

Với công phu tu hành của tôi cho đến thời điểm đó, tôi luôn cố gắng để làm vừa lòng mẹ. Tôi muốn cho bà, hơn tất cả bất cứ người nào trên thế giới, được sung sướng. Mẹ tôi đã rất hạnh phúc vì tôi xuất gia và tôi đi hoằng pháp khắp cả thế giới. Vì thế mỗi lần làm được điều gì mới, hay điều gì tốt, tôi đều viết cho mẹ biết. Không phải để khoe khoang, nhưng tôi biết rằng chúng sẽ mang lại cho mẹ tôi bao hạnh phúc.

Giờ bà đã ra đi, tôi còn cố gắng làm vui cho ai?

Tôi cảm thấy rằng sự đau khổ đó thực sự làm bấn loạn tâm tôi. Sự bám víu của tôi đối với mẹ là một kết sử lớn nhất của tôi. Khi mất mẹ, trong chốc lát tôi đã quên hết những lời Phật dạy về cái chết và vô thường. Tôi chỉ hoàn toàn bị chìm đắm trong khổ đau.

Cả hai người anh lớn của tôi đều đã ra đi, việc tang ma cho mẹ, tôi phải gánh vác vì là người con trai duy nhất còn sống. Các chị em tôi quyết định hỏa táng mẹ. Buổi lễ đơn giản, với các vị sư tụng kinh bên cạnh giàn hỏa thiêu của mẹ ở nghĩa trang. Cũng giống như tôi đã làm ở đám tang cha, tôi cũng nói vài lời để cảm ơn tất cả mọi người đã đến.  Chỉ là lần này, điều đó khó làm hơn. Rất khó hơn.

Cho đến ngày nay, tôi vẫn còn cảm thấy rất trân quý những kỷ niệm về mẹ.

Vào năm 1979 hay 1980, tôi có buổi nói chuyện ở một hội nghị về các tôn giáo ở Dallas, Texas. Vì thời gian đó gần lễ Thanksgiving, người ta yêu cầu tôi nói về lòng biết ơn. Vì thế, tôi quyết định nói về mẹ tôi.

Nhưng khi tôi đứng ở bục giảng, cố gắng để nói những lời đầu tiên của bài diễn văn, bỗng nhiên tôi bắt đầu khóc.  Thật là xấu hổ. Tôi tức tưởi khóc đến nỗi không thể nói được điều gì. Thính giả chỉ ngồi đó nhìn tôi. Phải rất lâu sau, tôi mới lấy lại được bình tĩnh.

Tất cả những gì tôi muốn nói với họ là tôi sẽ không bao giờ quên mẹ tôi, và tôi rất mang ơn tình thương vô giới hạn của bà. Lạ lùng thay, khi đứng đó khóc trước một khán phòng đầy người, tôi lại bắt đầu hiểu một trong những lời Phật dạy về cái chết và sự khổ đau. Ngài đã nói rằng nước mắt mà chúng ta đã đổ xuống vì sự mất mát những bà mẹ trên thế gian, trong luân hồi – những nước mắt ấy còn nhiều hơn nước ở tất cả đại dương.

---o0o---

Chương 23: Ông có phải là ngài Gunaratana?


Sau đám tang mẹ, tôi ở lại Tích Lan khoảng một tháng.

Bảy ngày sau ngày Mẹ mất, theo truyền thống chúng tôi tổ chức một nghi lễ cầu siêu cho bà. Một số vị sư đến nhà chúng tôi để tụng niệm cho mẹ tôi, rồi thọ trai do chúng tôi cúng dường hồi hướng cho mẹ. Đêm trước đó, thì có một vị sư đến nhà, thuyếp pháp chỉ riêng cho chúng tôi.

Sau đó tôi bỏ ra khoảng vài tuần thăm viếng bạn bè và các chùa nơi tôi đã từng sống trước đây.

Trên đường trở lại Mỹ, tôi đã có thêm khá nhiều con dấu đóng trên hộ chiếu của mình. Tôi dừng chân ở Ấn Độ, Nepal, Liên bang Xô Viết, Hy Lạp, Ý, Pháp, Đức, Bỉ, và Anh.

Trong tất cả các quốc gia này, Nga có lẽ là nơi thú vị nhất. Đó là chuyến viếng thăm Nga đầu tiên của tôi.

Ở phi trường Moscow, Stanley Liyanapatirana, một người Sinhala làm việc ở tòa đại sứ Tích Lan  đón tôi. Ông là người đã giúp tôi lấy visa để vào Liên Bang Xô Viết.

Hôm sau tôi đến phòng du lịch trong khách sạn, hỏi thăm cách lấy tour đến Leningrad. Người phụ nữ ngồi sau bàn giấy yêu cầu tôi để lại hộ chiếu và bảo tôi hôm sau trở lại.

Hôm sau khi tôi trở lại như đã hẹn, cô trả hộ chiếu cho tôi, rồi bảo tôi đón taxi nào đó bên ngoài khách sạn. Cô đưa cho tôi một số xe taxi. Tôi tìm được chiếc taxi, nhưng không có bác tài xế nào ở đó. Vì thế tôi leo lên ngồi vào băng sau, nghĩ rằng tôi sẽ đợi bác tài đến.

Bỗng nhiên một người đàn ông to lớn, đến mở mạnh cửa xe. Trước khi tôi có thể nói gì, ông đã chồm vào băng sau, tóm lấy sợi dây đeo máy chụp hình của tôi. Không kịp suy nghĩ gì, chỉ phản ứng theo bản năng, tôi giựt cái dây lại và giữ chặt nó.

"Không!  Không!" tôi la lên.

Anh ta không nói gì, chỉ tiếp tục dằn lấy túi xách của tôi.  Anh ta to lớn hơn tôi nhiều và tôi biết trước sau gì anh ta cũng thắng, nếu tôi không làm một điều gì đó.

Vẫn không thả chiếc túi đựng máy ảnh ra, tôi giơ cùi chỏ lên, dùng hết sức lực tống thẳng vào mũi anh ta. Tôi nghĩ là mục tiêu của tôi rất chính xác, anh ta la oái, buông tay, chạy đi.

Vâng, rõ ràng là tôi đã phạm một trong 227 giới luật của người tu sĩ ngày hôm đó. Một tu sĩ không bao giờ được dùng vũ lực trong bất cứ trường hợp nào, dầu là để tự vệ.  Lý ra tôi phải buông tay để cho anh ta lấy chiếc máy ảnh, nhưng tôi quá bám víu vào nó, khiến tôi hành động không chánh niệm. Có phim ở trong máy, những bức ảnh tôi đã chụp khắp châu Âu. Tôi chỉ muốn cho bạn bè xem chúng, và đó là tất cả những gì tôi nghĩ đến khi tôi phản ứng một  cách bản năng.

Và như tất cả chúng ta đều biết, khi bản năng làm chủ, chánh niệm bị đẩy lùi.

Khi tôi đang hoàn hồn từ việc vừa xảy ra, bác tài xế taxi xuất hiện.

"Ông là ngài Gunaratana?" anh ta hỏi.

"Vâng," tôi trả lời.

Anh ta bước lên xe, không nói thêm một lời nào nữa, chở tôi ra ga.  Ngay khi tôi vừa ra khỏi taxi ở ga xe lửa, một người đàn ông xuất hiện trên vỉa hè, đến cạnh tôi.

"Ông là ngài Gunaratana?" ông ta hỏi.

"Vâng," tôi trả lời.

"Xin vui lòng đi theo tôi."

Ông ta đưa tôi đến cửa xe lửa, chào lễ phép rồi biến mất.

"Ông là ngài Gunaratana?" người soát vé tàu hỏi.

"Vâng,”


“Xin vui lòng theo tôi."

Anh ta dẫn tôi đến một toa xe có giường nằm. Dĩ nhiên, việc bị chuyền tay từ người này đến người khác, mà tất cả đều không mỉm cười, là điều khá buồn cười, nhưng tôi đủ biết trong chiến tranh lạnh - thời kỳ Liên Bang Xô Viết, tốt hơn là không nên khôi  hài về chuyện đó.

Sáng hôm sau, chúng tôi đến Leningrad.  Khi tôi vừa ra khỏi toa xe, một phụ nữ trẻ đang đợi.

'Ông là ngài Gunaratana?"

"Vâng."

"Xin vui lòng theo tôi."



Cô giúp tôi xuống tàu và đưa tôi đến một tiệm ăn gần đó. Cô đưa tôi đến một bàn ăn đặc biệt, kéo ghế mời tôi ngồi.

Khi người bồi bàn đến, anh ta cũng hỏi: "Ông là ngài Gunaratana?"

"Vâng.”

Anh ta mang đến cho tôi bữa điểm tâm gồm có hai cái trứng, bánh mì nướng, bơ, mứt và trà. Tôi ăn một mình và khi tôi dùng xong bữa, lại một người đàn ông khác đến cạnh bàn tôi.



"Ông là ngài Gunaratana?"

"Vâng."


"Xin đi theo tôi."

Người đàn ông đó dẫn tôi đến một chiếc xe buýt chở tour đang chờ bên ngoài tiệm ăn.  Tôi lên xe và người lái xe buýt hỏi: "Ông là ngài Gunaratana?"

"Vâng."

Và thế là cuối cùng tôi được tham dự tour đi Leningrad. 



Sau khi trở về chùa ở Washington mùa xuân năm 1977, tôi lại theo học các lớp ở trường đại học American. Tôi đang học năm thứ hai chương trình Thạc sĩ. Tiến sĩ Rodier, cố vấn của tôi trong nhiều năm, đã nói rõ rằng ông muốn tôi tiếp tục học đến tiến sĩ về Triết học. Tôi cảm thấy rất phấn khởi và tự hào. Vì thế tôi nộp đơn xin một học bổng khác nữa và được chấp nhận ngay. Con đường học hành vá víu của tôi, bắt đầu từ nhiều năm trước ở một làng vùng quê Henepola đã mang tôi lên đến những trình độ học vấn cao nhất trong hệ thống giáo dục của Mỹ. Tôi thật khó lòng tin điều đó.

Trong lúc đó, chùa chúng tôi cũng phát triển lên.  Gần mười năm kể từ lúc tôi đến đó, con số hội viên đã nhân lên hàng trăm lần.  Những buổi lễ cầu nguyện và những lớp học thiền rất nổi tiếng đều có cả hai: người Mỹ và người Sinhala tham dự. Tôi được yêu cầu dạy một lớp thiền mỗi tuần hai lần cho nhân viên Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Tôi cũng bắt đầu nhận được ngày càng nhiều những lời mời đến dạy các khóa an cư tu thiền khắp nước Mỹ. Đó là vào cuối những năm 1970, khi các trung tâm dạy thiền bắt đầu mọc lên ở khắp nơi. Một nơi, ở New Mexico, đã mời tôi đến lần đầu tiên vào năm 1976. Tôi chưa bao giờ đến đó và cũng không biết những người tổ chức, nhưng tôi chấp nhận lời mời của họ.

Nơi đó thật tuyệt đẹp, cao trên núi. Người ta dành cho tôi một cabin nhỏ, riêng biệt để ở, mà phải leo dốc mới lên tới; và hơi xa những tòa nhà khác. Dường như để tôi được tha hồ ngắm vẻ đẹp của một hồ nước cạnh bên, nhà vệ sinh của cabin tôi nằm ở phía ngoài, và không có gì ngăn che. Tôi hơi do dự trước sự sắp đặt này, nhưng vì cabin của tôi khá tách biệt, tôi đã nghĩ chắc sẽ không có vấn đề gì.

Sáng hôm sau, trong lúc đang trả lời tiếng gọi của thiên nhiên, tôi bị sốc khi thấy ba phụ nữ trẻ bỗng nhiên xuất hiện để xuống hồ tắm. Họ ở cách tôi khoảng chừng mười lăm thước, ngay trong tầm nhìn của tôi. Tuy nhiên, hình như họ không thấy tôi.

Họ cởi bỏ y phục một cách tự nhiên, rồi đứng trên một hòn đá để sưởi ấm trước khi nhảy vào hồ. Tôi thật xấu hổ, kinh hoàng. Tôi đã là một tu sĩ độc thân từ năm mười hai tuổi và chưa từng bao giờ thấy một phụ nữ khỏa thân trong đời! 

Ngay sau khi đi toilet xong, tôi vội vã tìm vị quản lý của trung tâm.

"Thật không thích hợp chút nào," tôi nói. "Tôi cần phải dời khỏi cabin đó ngay lập tức."

Ông ta xin lỗi rối rít. Tôi được dời đến một cabin khác, có nhà tắm riêng biệt.

Năm sau, khi tôi lại về trung tâm đó để hướng dẫn một khóa tu thiền mười ngày khác. Cabin tôi ở có phòng tắm ở bên ngoài. Trên mái có những ống dẫn màu đen cuộn tròn, dùng ánh nắng mặt trời làm nhiệt và một tấm màn treo ở lối vào. Ngượng ngùng vì sự kiện nhà vệ sinh năm trước, người quản lý lần này đã biết cẩn thận để giữ cho tôi được kín đáo. Ông ta hỏi mỗi ngày tôi đi tắm lúc mấy giờ và ông treo một tấm giấy trên tường phòng tắm, nói rằng: “Bhante G. tắm vào buổi trưa. Xin vui lòng không làm phiền.”

Ngày hôm sau, tôi đang ở trong phòng tắm lúc 12 giờ, bỗng nhiên một phụ nữ trẻ bước vào, trên người không mảnh vải. Cô ta nói rằng cô muốn hỏi tôi một câu về Pháp.

Tôi giận điên lên. Tôi la lên, "Cô có thể hỏi lúc tôi giảng Pháp tối nay!  Không phải ở đây!"

Cô ta dội ngược ra, mặt đỏ bừng.

Tôi hy vọng đó là lần cuối cùng tôi phải đối phó với các cô gái trẻ khỏa thân. Nhưng đó là thời kỳ của tình yêu cho không.

Năm sau nữa, khi tôi trở lại trung tâm, viên quản lý tội nghiệp đã dành cho tôi một chiếc cabin riêng biệt nhất trong khuôn viên. Từ khu trung tâm phải đi mất vài phút mới đến được. Sẽ không còn ai làm phiền sư ở đó, ông ta trấn an tôi.

Mấy đêm sau đó, khi tôi trở về cabin lúc 10 giờ đêm, sau thời khóa tu thiền cuối cùng của buổi tối. Trước mắt tôi trong khu rừng tối tăm, tôi có thể thấy ánh sáng chiếu rọi từ cửa sổ phòng cabin của tôi.

"Thật tử tế," tôi nghĩ. "Chắc là nhân viên nào đó đã đốt đèn để tôi không phải về nhà trong bóng tối."

Khi bước vào bên trong cabin, tôi đã gặp người đốt đèn.  Một phụ nữ đang nằm trong giường của tôi. Cô ta rất trẻ, rất đẹp và rất trần truồng.

"Ra ngay!" tôi lắp bắp.

Cô ta không nói một lời nào, chỉ nằm đó mỉm cười.  Rõ ràng cô nghĩ rằng tôi đang đùa.

"Tôi không đùa," tôi nói. "Nếu cô không đi ra ngay lập tức, tôi sẽ đi gọi người quản lý." Tôi quay lưng chuẩn bị bước đi.

Tôi nghĩ lúc đó cô nhận ra rằng: Tôi không phải là một trong “những” loại guru (thầy) đó. Cô ta nhảy ra, khóc và túm lấy quần áo chạy ra khỏi cửa.

Trong mỗi trường hợp trên, bạn có thể nghĩ rằng tôi hoàn toàn bị chế ngự bởi lòng ham muốn, hay ít nhất cũng cảm thấy một chút tình dục bị khơi đọng. Nhưng tôi có thể chân thành nói rằng tôi rất ngượng ngùng, và rất giận dữ; và hai cảm giác này hoàn toàn chế ngự tâm tôi.

Đối với tôi, bất cứ người nào cố gắng quyến rũ tôi là đã không tôn trọng tôi với tư cách là người tu và là người thầy. Đó là cái tát vào truyền thống 2500 năm và một sự sỉ nhục lớn đối với những lời dạy của Đức Phật. Có thể nghe khó tin, nhưng tôi không cảm thấy lời nguyện sống độc thân của mình là khó giữ. Là người tu sĩ, đó là sự lựa chọn của tôi để sống như thế. Đó là cách sống của tôi từ khi còn là một cậu bé trai. Vì thế tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện sửa đổi nó.

Năm 1980, tôi đạt được học vị tiến sĩ về Triết học. Vào ngày ra trường, tôi rất ngạc nhiên thấy khoảng hai mươi người bạn Sinhala ở trong đám khán giả. 'Bhante," một người trong họ nói, "làm sao sư tìm ra được thời gian để lấy bằng tiến sĩ?"

Tôi cười vì câu hỏi ấy của anh thật đúng. Khi người ta viếng chùa, họ thường thấy tôi cắt cỏ, thuyết pháp hay là sửa chữa nhà cửa. Tôi làm việc suốt ngày.

Nhưng tôi còn một công việc khác nữa, và lúc nào cũng thế, là được làm người sinh viên. Tôi không bao giờ nghĩ người ta có thể ‘hoàn tất’ sự học của mình, chỉ vì họ đã được những học vị. Tôi nghĩ rằng sự học của chúng ta vẫn còn tiếp tục và tiếp tục mãi, nếu chúng ta để ý đến điều đó. Tất cả chúng ta đều là những người tu học cho đến khi ta đạt được giác ngộ.

Thật ra, khi so sánh với những cấp bậc cao siêu trong các chứng ngộ tâm linh mà Đức Phật đã diễn tả, thì chúng ta, những học giả “thế tục" không xứng đáng để được gọi là học giả. Đúng ra, chúng ta còn đang ở trình độ mẫu giáo.

Một học giả thực sự, theo Đức Phật, là người đã đạt được đến ngưỡng cửa quả Dự Lưu. Cái gì là “dòng chảy”?  Bất cứ ai đã tìm hiểu chút ít về Phật giáo, đều biết về Bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.

Bát chánh đạo là nền tảng cho việc tu tập theo con đường tâm linh của Đức Phật, những điều mà mỗi chúng ta đều có thể thực hành mỗi ngày. Nhưng đó chỉ là sự bắt đầu, vì không kể là chúng ta đã thực tập tinh tấn thế nào để hoàn thiện các loại thiện xảo này, chúng ta vẫn còn tâm nghi ngờ.  Chúng ta có thể thực hành tâm rộng lượng, lòng từ bi, và lòng chân thật. Chúng ta có thể nói nhỏ nhẹ và dịu dàng.  Chúng ta có thể chánh niệm và chánh định. Nhưng tất cả đều chịu ảnh hưởng của vô thường –tâm nghi hoặc có thể len lỏi vào khi chúng ta đang bị căng thẳng hay vào bất cứ lúc nào khác.

Một cấp bậc cao hơn của việc thực tập được gọi là Bát chánh đạo siêu việt. Đây là “dòng chảy” được nhắc đến trong câu nói về quả Dự lưu. Đó là cấp bậc nơi mọi nghi ngờ đều được rũ sạch, nơi hành giả biết chắc chắn về chân lý của Tam Bảo. Ở thời điểm của quả Dự lưu, hành giả bắt đầu chuyển động dọc theo một con đường, đưa họ lên một cấp bậc chứng ngộ cao hơn, và cao hơn nữa. Khi hành giả cuối cùng buông bỏ được niềm tin vào một cái ngã thường hằng, là họ đạt được quả Dự lưu. Bạn có thể nói rằng họ đã vượt qua được kỳ thi vào Bát chánh đạo siêu việt. Họ sẽ, hoặc là đạt được giác ngộ trong kiếp này, hay họ sẽ tái sinh không hơn bảy lần, trên thế giới này hoặc là ở cõi trời.

Sau khi tâm nghi ngờ đã được buông bỏ, các kiết sử khác cần được buông bỏ tiếp theo là lòng sân hận và sự bám víu vào các dục lạc -nói một cách khác, là sân và tham. Sau khi hành giả đã chiến thắng được những uế nhiễm này, họ sẽ được gọi là Nhất lai, là người sẽ tái sinh chỉ một lần nữa.  Khi chướng ngại thứ hai đã được buông bỏ, người ấy sẽ trở thành một vị bất hoàn.

Ngay như thế, ở giai đoạn chứng ngộ tột cùng này, vẫn còn năm kiết sử khác cần được chế ngự. Đó là lòng ước muốn được hiện hữu trong sắc giới, lòng ước muốn được hiện hữu trong cõi vô sắc giới, mạn, trạo cử và vô minh.  Vị Bất hoàn đã đạt đến một tầng cao trong Bát chánh đạo siêu việt, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đạt được tiến sĩ tâm linh, sự thành tựu rốt ráo.

Sự chứng ngộ xảy ra khi năm kiết sử cuối cùng bị tan rã.  Vào thời điểm đó, hành giả cuối cùng đạt được quả của con đường đạo: trở thành một vị A la hán, một chúng sinh hoàn toàn giác ngộ.

Lúc đó và chỉ lúc đó thì sự học hỏi mới được coi là viên mãn.

Sau khi vừa đạt được bằng tiền sĩ “thế tục”, tôi càng được nhiều nơi yêu cầu đến giảng dạy. Một vài đại học mời tôi vào ban giảng huấn: như Georgetown, Maryland, American, và Bucknell. Tôi không nhận lời bất cứ nơi nào vì trách nhiệm đầu tiên của tôi là với chùa, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn dạy những lớp về Phật giáo ở phần lớn các đại học này trong mười năm như thế.

Bắt đầu từ cuối những năm 1970, một số sư người Sinhala đến sống ở chùa Washington và ngôi nhà lớn trên đường số Mười Sáu trở thành một nơi rộn rịp, ồn ào.  Lúc đó thì chúng tôi đã có gần ba ngàn thành viên bao gồm những người Mỹ và Á châu như: Sinhala, Thái, Burma, Campuchia, Lào, và đôi khi người Đại Hàn nữa. Những lớp học hàng tuần và các khóa lễ đều đầy, và Phật tử mỗi ngày ghé vào chùa bất cứ lúc nào để thiền hay viếng chùa. Chuông điện thoại luôn reo không ngừng.

Vào khoảng thời gian đó, có một thanh niên trẻ nhiệt tình tên Matthew Flickstein bắt đầu đến chùa thường xuyên. Anh ta là một nhà tư vấn tâm lý ở Maryland, có một vợ và hai con. Anh cũng rất nghiêm chỉnh trong vấn đề học thiền. Anh thường hỏi tôi rất nhiều câu hỏi. Nhưng vì công việc ở chùa ngập đầu nên tôi khó dành được thời gian trọn vẹn, không bị quấy rầy để giúp Matt. Vì thế Matt bắt đầu chở tôi đến các nhà nghỉ, như một cách để chúng tôi có được những thời gian như thế. Anh thường mướn một phòng để chúng tôi có thể ở đó vài giờ, tọa thiền và trao đổi về các kinh nghiệm hành thiền.  Chúng tôi bắt đầu với phương pháp anapanasati, hay quán niệm hơi thở.

Mỗi lần chúng tôi thở vào hay thở ra, tôi bảo với Matt, chúng ta có thể kinh nghiệm được sự vô thường. Trước hết, chúng ta bắt đầu cảm nhận nhu cầu thở vào. Một sự căng thẳng nhẹ nhàng trong lồng ngực tăng lên dần khi lượng oxy được đẩy ra sâu hơn và sâu hơn nữa cho đến khi chúng ta bắt buộc phải thở vào.  Rồi giữ hơi thở lại. Nhưng không duy trì được lâu. Vì không lâu sau sự khó chịu gây ra do lồng ngực căng đầy sẽ khiến chúng ta phải thở ra. Ngay trong một chu kỳ của hơi thở vào ra, đã bao trùm cả khổ đau và hạnh phúc. Chúng ta hoàn toàn không thể làm chủ nó.

Nhận ra được sự chuyển đổi không ngừng này là tấm vé đưa ta đến giải thoát. Chúng ta sẵn sàng để chấp nhận hạnh phúc hay đau khổ, bất cứ điều gì phát sinh. Khi hạnh phúc thay đổi -không thể tránh khỏi, ta không bị sốc vì ta biết rằng đó là vô thường. Và khi đau khổ phát sinh, ta không nản lòng vì ta biết rằng điều đó cũng vô thường. Ta có thể chấp nhận cả hai, mà không để thứ nào làm chủ được ta.

Tôi rất thích thời gian tu tập với Matt, một sự xả hơi khỏi chùa từ những buổi học không định trước này và anh ta cũng rất thích được hướng dẫn riêng. Một tình bạn đã nẩy nở giữa chúng tôi.

Một ngày vào năm 1979, tôi nói với anh, "Matt, sư muốn xây một trung tâm thiền. Ở một nơi nào đó tĩnh lặng, ở đồng quê. Một lâm tự viện."

Anh ta nhìn tôi mắt sáng lên.

"Thật chứ?  Sư nói thật chứ?”

“Thật. Sư không đùa. Vấn đề duy nhất là, sư không có đủ tiền hay đủ người để hỗ trợ một nơi như thế.”

“Con có thể giúp,” Matt nói ngay.

Sau đó, chúng tôi không nói gì thêm về việc này. Tôi nghĩ cả hai đều biết rằng đó là một giấc mộng lớn và cần phải có thời gian để đưa đến kết quả. Chúng tôi cần phải suy tư về nó nhiều hơn một chút. Nhưng Matt là một người rất năng động, người luôn muốn mọi việc xảy ra ngay bây giờ hơn là sau này. Anh ta không thể đợi lâu như thế.

Vài tháng sau, một buổi chiều kia, anh lái xe đưa tôi đi đâu đó và anh bỗng nói: "Bhante, ngôi lâm tự viện đó thế nào rồi?  Sư vẫn còn nghĩ đến nó chứ?”

"Dĩ nhiên rồi," tôi trả lời.

"Vậy thì tại sao Sư không tiến hành đi?"

"Vì trước mắt, chúng ta vẫn chưa có những điều kiện tối thiểu. Chúng ta không có đủ tiền hay nhân sự, mà chúng ta cũng chưa có chỗ nào cả."

"Bhante," Matt nói, giọng đầy nôn nóng, "giờ chính là thời điểm đó. Cuộc đời quá ngắn ngủi, chúng ta phải bắt tay vào việc ngay."

Một nụ cười ranh mãnh ở khóe môi anh.

"Nếu sư không sẵn sàng để xây trung tâm đó, con phải đi tìm một vị thiền sư khác thôi," anh nói.

Tôi mỉm cười.

“OK. Hãy bắt đầu.”

---o0o---


Каталог: downloads -> sach -> quoc-te
quoc-te -> LƯỢc sử thời gian (a brief History of Time) Tác Giả:-Steven Hawking
quoc-te -> ĐƯỜng mây qua xứ tuyếT
quoc-te -> Tâm Lý Và Triết Học Phật Giáo Áp Dụng Trong Đời Sống Hằng Ngày Nguyên tác: "Abhidhamma in daily life"
quoc-te -> Những Chuyện Luân Hồi Hiện Đại tt. Thích Tâm Quang Dịch o0o Nguồn
quoc-te -> ÐẠi thừa và SỰ liên hệ VỚi tiểu thừa nguyên tác: Nalinaksha Dutt ht. Minh Châu Dịch, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh 1999
quoc-te -> LƯỢc sử thời gian (a brief History of Time) Tác Giả:-Steven Hawking
quoc-te -> SẮc tưỚng và thật tưỚng vấn Đề Nhị Đế Trong Tứ Đại Thuyết Phái của Phật Giáo Prof. Guy Newland, Ph. D
quoc-te -> Con đƯỜng đẾn tĩnh lặng -tuệ Giác Hằng Ngày
quoc-te -> Ba phưƠng diện chính của con đƯỜng giác ngộ

tải về 1.34 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương