Chuyển sang ebook



tải về 1.34 Mb.
trang19/19
Chuyển đổi dữ liệu01.12.2017
Kích1.34 Mb.
#34907
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19

Chương 25: Xây tu viện


Lúc tôi chuyển đến địa điểm mới, chúng tôi đã đào được giếng nước và đã có điện. Nhưng chỉ có khung sườn của một toà nhà dài, hẹp nổi lên giữa rừng.

Lúc đầu, mọi thứ đều ở trong một tòa nhà: nhà bếp, ba phòng ngủ và vài cái nhà tắm. Chúng tôi biến một trong những phòng ngủ trở thành chánh điện, có thể chứa khoảng mười hay mười hai người.  Phòng ăn, một nơi rộng rãi cạnh bên nhà bếp, đồng thời cũng là thiền đường.

Nhà bếp có một bếp gas với hai lò nấu. Nước dùng, chúng tôi kéo từ giếng hay từ đầu suối ở phía trên của vùng đất. Nhà vệ sinh chúng tôi mướn của Port-o-Let (ND: Nhà vệ sinh di chuyển được, chỉ sử dụng tạm thời).

Không kể những tiện nghi hạn chế đó, tôi rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy như tôi có thể thật sự phụng sự Phật pháp ở nơi này, không bị những vấn đề hành chánh, chính trị ở chùa phiền hà và tất cả những điều khó chịu khác đã khiến tôi phải đi khỏi chùa Washington. Ở đây, trong thung lũng núi hoang vắng này, tôi có thể tạo ra một nơi mà người ta có thể đến để trải nghiệm sự bình an.

Tôi không làm việc này để được nổi tiếng, để lôi kéo đệ tử hay thu gom tiền bạc. Những gì tôi muốn là để được thấy các tăng ni và thiền sinh cư sĩ đi trên những con đường sâu lắng trong thiền định và quán tưởng về Phật pháp. Tôi hy vọng rằng dần dần sẽ có nhiều người như thế giống như cây trong rừng kia!

Người bạn duy nhất của tôi trong những ngày đầu này là đại đức Yogavacara Rahula, một vị tăng sĩ Mỹ trẻ, người đã lang thang khắp châu Á và đã xuất gia vào giữa những năm 1970 ở Tích Lan. Đại đức Rahula đã nghe về chương trình xây dựng một tu viện trong rừng của chúng tôi và đã viết thư đến cho tôi ở chùa Washington, xin phép được gia nhập với chúng tôi. Đại đức đã dọn đến nơi này vào tháng 4, 1987, khi tôi vẫn còn ở chùa Washington. Đại đức đã sống trong khu nhà còn xây dở dang. Bhante La Hầu La đã chứng tỏ qua bao năm tháng là cánh tay mặt của tôi và là vị tu sĩ đầy năng lực, và đáng tin cậy nhất mà tôi đã được gặp.

Một trong những công trình đầu tiên mà Bhante Rahula đã làm được là dọn sạch một khoảng trống làm vườn rau. Để làm được điều đó, ông đã phải lượm không biết bao nhiêu đá ra khỏi đất núi nơi này. Một lần khi tôi đến thăm, ông chỉ mới bắt đầu. Hai tuần sau, khi tôi trở lại, ông đã dùng những viên đá này để làm một bức tường chắn tuyệt đẹp. Tôi đã nghĩ: đây là loại lao động cần cù mà chúng tôi rất cần để biến nơi này thành hiện thực.

Matthew Flicksteinn cũng vẫn là người bạn trung thành của tôi. Cuối năm 1987, Matt đã mua mười mẫu Anh, cạnh đất chúng tôi, và cúng dường nó cho hội Bhavana. John Hitchings, một nhà bảo trợ khác, sau đó mua khoảng đất hai mẫu, nằm giữa hai phần đất kia và cúng dường nó cho hội. Như thế tổng cộng lại chúng tôi có khoảng hai mươi lăm mẫu. 

Trước đó, ngay cả trước khi tôi dọn đến địa điểm mới, chúng tôi đã giao hẹn với một người xây dựng ở địa phương. Rằng mỗi lần chúng tôi có đủ tiền ủng hộ, chúng tôi sẽ trả cho ông để ông xây thêm một ít trên khu nhà đầu tiên đó. May mắn thay, ông ta không có vẻ phiền hà gì về công việc lúc có, lúc không này.

Nền của tòa nhà đầu tiên được đổ qua ba giai đoạn, tùy thuộc vào việc gây quỹ của chúng tôi. Khung nhà và tường cũng được xây dựng theo cách đó. Đến khi phải làm mái nhà, người xây dựng đề nghị chúng tôi tự làm giàn kèo để tiết kiệm tiền. Ông ta bảo chúng tôi sẽ cần bốn mươi kèo loại thường và bốn mươi loại hình cái kéo. Chúng tôi có thể đóng những loại thường, còn loại hình cái kéo thì phức tạp hơn, vì thế ông sẽ đặt hàng. Rồi ông vẽ cho chúng tôi cách làm các loại kèo thường.

Thế là chúng tôi bắt đầu kêu gọi tình nguyện viên, yêu cầu họ mướn các dụng cụ bằng điện và mua gỗ, đinh. Chúng tôi hoàn thành bốn mươi cái kèo thường đó trong chỉ một cuối tuần. Tiếc thay, chúng không đều nhau. Người xây dựng phải sửa chữa lại nhiều cái.

Khi mái nhà đã hoàn thành với những lớp ván ốp màu đỏ đậm, rất đẹp, viên giám sát nhà trong hạt đến đánh giá chất lượng. Ông ta nhìn rồi lắc đầu.

"Chỉ một mùa tuyết là cả cái mái nhà này sẽ đổ xuống," ông ta nói.

"Vậy chúng tôi phải làm gì?" tôi hỏi.

“Ông phải dỡ xuống và làm lại,” ông ta nói.

Tôi chắc rằng ông nhìn thấy vẻ hốt hoảng trên gương mặt tôi.

"Chúng tôi là một hội nghèo,” tôi nói. “Chúng tôi làm gì có tiền để làm trở lại."

"Thôi được," viên giám sát nói. "Tôi sẽ cho ông một chọn lựa khác. Ấy là làm một cái khung hình chữ A, kích cỡ khoảng 2x10x22, rồi đóng lên các kèo. Nhưng trước hết, ông phải bảo đảm là khung kèo bằng phẳng, phải kẹp chúng lại bằng loại gỗ dán.”

Dĩ nhiên, chúng tôi phải đợi đến lúc quyên đủ tiền để mua gỗ sửa chữa. Rồi lại phải mất thêm vài tháng nữa chúng tôi mới tìm được người có kinh nghiệm làm những khung hình chữ A.

Trong lúc đó, ở chùa Washington, tôi nhận được một lá thư của Russell LaFollette, một trong những người hàng xóm của chúng tôi ở West Virginia gửi. Ông nói rằng ông để ý thấy chúng tôi chứa nhiều gỗ trong tòa nhà chánh trên đất của chúng tôi mà không có khóa hay người bảo vệ.  “Như vậy không an toàn”, ông viết. “Nếu sư muốn, tôi sẽ trông chừng đồ đạc của Sư, giá ba đô một ngày.”  Chúng tôi đồng ý.

Những người hàng xóm khác không tử tế như vậy. Có người không giấu sự tức bực, cho rằng chúng tôi đã xâm lấn lãnh địa của họ.

Ngay sau khi vừa mua đất, chúng tôi đã tự giới thiệu mình vời người hàng xóm gần nhất. Chúng tôi đứng bên phần đất của mình. Anh ta đứng ở bên kia.

"Đây là Bhante Gunaratana," Matt giới thiệu. "Chúng tôi vừa mua miếng đất này và chúng tôi sẽ xây một trung tâm thiền ở đây."

Người đàn ông không nói một lời. Anh ta chỉ đứng đó trố mắt nhìn chúng tôi, lạnh lùng và bực dọc.

"Thưa ông, khi nào ông có thời gian, chúng tôi xin mời ông đến tham dự tu thiền với chúng tôi," tôi nói.

"Ông muốn làm chuyện khùng điên gì thì làm," người đàn ông ngắt lời. “Còn tôi, tôi là một tín đồ Thiên Chúa ngoan đạo."

Mỗi lần chúng tôi vừa dựng một thùng nhận thư trên lộ, thì nó bị đập xuống. Thật ra, thùng thư vẫn tiếp tục là mục tiêu tấn công qua bao năm tháng. Nó đã bị bắn lủng đầy lỗ, bị dán băng keo kín lại, bị đổ đầy phân chó và bị đánh cắp.  Lúc đó, chúng tôi đã phải thay đến năm hay sáu thùng thư rồi.

Chúng tôi cũng dựng lên một biển báo ở cuối đường, với một mũi tên và những chữ "Làng Phật Pháp (Dhamma Village)".  Trong một hay hai ngày sau, nhiều chữ đã bị bôi đen để tấm bảng được đọc trở thành "Làng Quỷ (Dam Village)" (Sau này, chúng tôi quyết định không dùng tên đó nữa mà chỉ để đơn giản là Hội Bhavana.)

Ngay trước khi xây được các dãy nhà trên miếng đất, chúng tôi đã bắt đầu tổ chức những khóa tu thiền ở đó.  Lúc đầu chỉ là những khóa tu một ngày. Chúng tôi sẽ ngồi ở ngoài trời dưới gốc cây. Sau này, chúng tôi yêu cầu người ta mang theo lều bạt để ở lại qua đêm.

Từ những ngày đầu tiên khi các thiền sinh bắt đầu đến hành thiền, chúng tôi đã bị những người hàng xóm cạnh nhà quấy nhiễu. Sống ở đó là người đàn ông đã đón chào chúng tôi bằng những lời không thân thiện, vợ ông ta và hai đứa con trai. Họ thường bắn súng lên trời, chửi rủa tục tằn và để chó họ sủa không ngừng. Người vợ thường đứng trong sân, lớn giọng hát thánh ca. Còn hai con trai của họ hình như lúc nào cũng tập đánh trống vào thời khóa tọa thiền buổi tối của chúng tôi.

Chúng tôi chẳng bao giờ than phiền vì không muốn mối liên hệ với họ sẽ xấu hơn. Nhưng những người hàng xóm khác đôi khi gọi cảnh sát giùm chúng tôi. Khi cảnh sát đến, tiếng ồn ào sẽ ngưng lại được một lúc -nhưng chỉ một lúc.

Người nấu bếp cho chúng tôi một thời gian ở đó, là một người Mỹ gốc Phi châu. Mỗi lần anh bước ra ngoài, những người hàng xóm thấy anh, thì họ sẽ la to: “Cút đi, đồ mọi đen!"

Chúng tôi cũng có một nữ tu người Đức sống ở tu viện một thời gian. Cô ở trong một thất khá gần đất của gia đình kia. Một buổi chiều khi cô đang ngồi ngoài hiên, một viên đạn của loại súng BB bay vút qua đầu cô, xuyên qua cửa sổ và dính vào tường.

Sự quấy nhiễu tiếp tục suốt sáu hay bảy năm trời cho đến khi đôi vợ chồng kia ly dị và người đàn ông dọn đi. Những đứa trẻ lúc đó đã trưởng thành. Vì thế chỉ còn người vợ ở lại đó. Cũng lạ, chỉ vài năm sau đó, một trong hai người con trai của gia đình trở lại thăm nhà. Anh đi qua khu đất của chúng tôi, chào hỏi Đại đức Rahula.

“Tôi xa nhà, theo hải quân," anh ta nói, "và tôi đã đến một số quốc gia theo Phật giáo. Vì thế giờ tôi hiểu tất cả những việc này. Tôi xin lỗi vì đã làm khó dễ cho các ông.  Chúng tôi chỉ làm theo lời của cha chúng tôi. Cha đã bảo các ông là những người xấu.”

Người hàng xóm khác của chúng tôi là Bernard và Aveline Denise, lúc nào cũng thân thiện. Họ sống ở phía sau chúng tôi, rồi dần dần đến năm 1991, họ bán luôn cho chúng tôi bảy mẫu đất của họ. Ngôi nhà của họ trở thành khu nội điện cho các tăng.

Vào ngày 2 tháng 10 năm 1988, chúng tôi chính thức khánh thành tòa nhà chánh.  Ngoài ra cũng có ba thất bằng gỗ, làm theo khuôn mẫu của những thất một phòng ở các tu viện bên châu Á. Tới lúc đó, chúng tôi đã có điện, hệ thống ống nước. Trung tâm đã hoàn tất, sẵn sàng mọi sinh hoạt.

Một tháng sau lễ khánh thành, Matt đến tìm tôi và bảo rằng anh muốn đến Thái Lan hay Tích Lan để xuất gia làm tu sĩ.

"Đó là một ý nghĩ khá lạ lùng,” tôi nói.

“Tại sao?” anh ta hỏi.

“Vì sư có thể làm lễ xuất gia cho anh ngay tại đây.”

“Nhưng con tưởng sư đã nói là sư sẽ không làm lễ xuất gia cho con," anh ta nói.

“Đó là mười năm về trước," tôi trả lời. "Con của anh lúc đó còn nhỏ. Chúng cần anh hơn. Lúc đó điều quan trọng là anh phải ở nhà với chúng. Giờ chúng đã lớn rồi, và nếu anh được sự đồng ý của vợ thì sư sẽ rất sẵn sàng để làm lễ xuất gia cho anh tại đây. Anh có thể là tu sĩ trong một hay hai tháng."

Matt rất vui mừng.

Ý nghĩ trở thành một tu sĩ 'tạm thời' (ND: gieo duyên) không lạ lùng như ta thoạt nghe. Ở một số quốc gia theo Phật giáo, thanh niên phải trải qua một thời gian, đôi khi là một năm, sống trong tăng đoàn. Sau đó, họ hoàn tục, trở lại đời sống cư sĩ. Đôi khi những người lớn tuổi đã lập gia đình sẽ xuất gia trong một hay hai tháng trong mùa mưa hay có thể chỉ một vài tuần, để hồi hướng cho cha mẹ quá cố của mình.

Nhưng trước khi có thể làm lễ xuất gia cho Matt hay bất cứ ai khác, chúng tôi phải thành lập một sima ở hội Bhavana. Sima là một khu thiêng liêng, dành cho các nghi lễ đặc biệt ở tu viện. Nó có thể là một ngôi nhà, một chiếc thuyền, một hang động hay chỉ là một khoảng không gian mở được đánh dấu bằng những lằn ranh. Trong tiếng Pali, sima có nghĩa là ranh giới. Các tăng ni thường họp lại trong sima, hai lần mỗi tháng để sám hối và trì tụng các giới luật trong tu viện. Các cư sĩ không thể dự các buổi họp này. Vào những dịp khác, như là lễ xuất gia, cư sĩ được mời vào sima để chứng kiến những gì đang diễn ra.

Sima đôi khi còn thiêng liêng hơn cả điện thờ.  Thiết lập một sima mới là một nghi lễ linh thiêng đến nỗi bất cứ vị tăng nào được mời đến dự cũng không thể từ chối. Nếu đến trễ, thì vị ấy không được phép tham gia nghi lễ và phải đợi ở bên ngoài.

Một sima lúc nào cũng được bao bọc bởi tám hòn đá. Có đầy đủ những lời hướng dẫn trong việc chọn kích cỡ đá cũng như cách xếp đặt chúng.

Matt đem tôi đến một mỏ đá, và tôi bảo người cắt đá chúng tôi cần những gì: tám hòn đá, mỗi hòn kích thước ngang 12 inches*, cao hai feet* rưỡi và dày ba inches*.

Vì chúng tôi không có khả năng để xây một tòa nhà làm sima, chúng tôi quyết định thiết lập nó trong ngôi thất nhỏ của tôi, đã được xây đầu năm đó, do Matt cúng dường.

Tôi định nếu chúng tôi thiết lập được sima và làm lễ xuất gia cho Matt trong cùng một ngày, thì thật là duyên lành.  Chúng tôi định ngày đó là 22 tháng 7, năm 1989.

Trong lúc đó, có hai người khác nữa cũng đến trung tâm chúng tôi xin xuất gia: Misha Cowen, một phụ nữ trẻ ở California, người đã mơ thấy được trở thành một nữ tu sĩ, và Tom West, ở Vancouver, Canada cũng muốn thề nguyện làm tỳ kheo.  Sau khi quán sát cả hai trong vài tháng, tôi thấy rằng họ đã sẵn sàng cho cuộc sống không nhà.  Tôi sẽ xuất gia cho họ trong cùng buổi lễ với Matt.

Chúng tôi muốn có càng nhiều các tu sĩ tham dự buổi lễ quan trọng này càng tốt. Vì thế chúng tôi mời ba mươi lăm tăng sĩ phái Nguyên thủy ở khắp nơi trên nước Mỹ gồm: người Sinhala, Thái, Lào, Campuchia, Việt Nam và Burma,  cũng như một tu sĩ đại thừa Nhật Bản và hai vị ni theo Đại thừa.

Vào buổi sáng tiến hành buổi lễ, tất cả chúng tôi họp lại trên sàn gỗ dán mà chúng tôi đã dựng lên ở chỗ sima. Một phóng viên ảnh của viện Smithsonian có mặt để ghi lại phóng sự cho cả ngày hôm đó. Tôi yêu cầu ba người -Matt, John Hitchins và Daniel Cory –chính thức trình giấy tờ của ba miếng đất mà chúng tôi sở hữu.  Rồi sau đó là thời gian dành cho sima.

Tám hòn đá đã được đặt cẩn thận thành vòng tròn quanh sima.  Mỗi hòn đá có một vị tăng đứng cạnh.

Với sự trịnh trọng, vị tăng cao niên nhất, hòa thượng tiến sĩ Havenpola Ratanasara Mahathera, đi từ hòn đá này đến hòn đá khác, bắt đầu từ hướng đông. Khi đối mặt với vị tăng đứng ở mỗi hòn đá, vị tăng ấy sẽ nói: "Đây là hòn đá của phương đông, thưa Thượng tọa.” Hay "Đây là hòn đá của đông nam, thưa Thượng tọa.”

Sau khi đi hai vòng qua các hòn đá, vị sư trưởng sẽ dừng lại và xướng lên một cách trịnh trọng, "Đây là giới hạn của sima này."

Sau đó tôi tuyên bố rằng nghi lễ xuất gia sẽ diễn ra sau giờ thọ trai, lúc 2 giờ chiều.

Trong lúc thọ trai, vị tu sĩ người Nhật Bản tiến lại phía tôi và yêu cầu tôi xuất gia cho ông nữa. Ông muốn trở thành một tu sĩ theo phái Nguyên thủy và tôi nhận lời.

Vì thế ngày hôm đó, chúng tôi xuất gia cho ba người nam và một nữ. Tôi đặt danh hiệu cho Matt là Sumati, có nghĩa là "Chánh Giác." Tom West trở thành Sona, hay "Vàng" -là tên của một tu sĩ được vua Ashoka xưa kia gửi đi làm nhà truyền giáo Phật giáo. Và người phụ nữ trẻ ở California có tên là Sister Sama, nghĩa là "An Bình."

Sumati và Sona, cả hai đều thọ giới sadi và giới trọng trong một ngày và vị tăng sĩ người Nhật, vì ông đang là tu sĩ nên chỉ thọ giới trọng. Tuy nhiên Sister Suma xuất gia chỉ làm sadi ni.

Truyền thống Phật giáo đòi hỏi phải có ít nhất năm vị tu sĩ chứng kiến buổi lễ xuất gia. Khi ni chúng Nguyên thủy tan rã vào thế kỷ thứ 10 sau công nguyên, do thiếu sự ủng hộ, không còn có người nữ tu sĩ nào đã thọ đầy đủ giới để làm chứng cho lễ xuất gia của các nữ tu trẻ. Đó là một bức xúc đối với phụ nữ ngày nay nếu họ muốn xuất gia tu theo Nguyên thủy. Mãi đến gần đây, họ vẫn phải bằng lòng ở một vị trí lừng chừng, chỉ là thức xoa thọ mười giới. Đó đã là nguyên nhân gây bất hòa trong cộng đồng Phật giáo Nguyên thủy nhiều năm nay.

Tôi biết rằng vấn đề đó sẽ được đặt ra khi chúng tôi bắt đầu thọ giới cho nhiều người ở hội Bhavana. Người nữ sẽ muốn trở thành những nữ tu sĩ thọ đủ giới. Tôi phải quyết định mình sẽ làm gì.

Đức Phật đã đề ra những hướng dẫn chi tiết về việc xuất gia cho người nữ, nhưng ngài chẳng bao giờ nói rằng chỉ có nữ tu sĩ mới có thể thực hiện lễ xuất gia cho nữ cư sĩ. Ngài cũng không bao giờ nói rằng nếu các ni đoàn có bị tan rã, họ sẽ không được thiết lập lại ni đoàn khác. Từ đó tôi kết luận rằng không có lý do gì tăng sĩ không thể làm lễ thọ giới cho người nữ.

Ngoài ra tôi được biết hòa thượng Havenpola Ratanasara Mahathera, vị tỳ kheo người Sinhala rất được kính trọng, người đã khánh thành sima cho chúng tôi, đã truyền giới xuất gia cho một người phụ nữ Thái ở California.

Vì thế khi Misha Cowen đến hội Bhavana để hỏi xem cô có thể trở thành một nữ tu sĩ không, tôi đã bằng lòng.  Tuy nhiên vì cô mới biết Phật pháp, tôi bảo cô trước hết phải làm thức xoa. Tôi biết rằng mình không thể làm lễ thọ đại giới cho cô mà không có sự ủng hộ của tăng đoàn, nhưng tôi hy vọng rằng tới lúc cô đã sẵn sàng thọ đầy đủ giới, thì đã có các tỳ kheo ni với đầy đủ giới, lúc ấy tôi có thể gửi cô đến đó.

Một vài tăng sĩ biết chuyện tôi đang dự định làm, họ yêu cầu tôi đừng xuất gia cho cô. Tôi lễ phép trả lời rằng ý tôi đã quyết, vì thế cô đã trở thành Sister Sama ở buổi lễ xuất gia đầu tiên tại Hội Bhavana.

Từ lúc đó đến nay, tôi đã làm lễ xuất gia cho năm phụ nữ khác nữa. Tất cả họ đều được nhận vào làm thức xoa. Một số người cũng chỉ muốn xuất gia gieo duyên trong thời gian ngắn, vì thế sau đó họ rời khỏi Hội Bhavana. Trong những người này, có một phụ nữ người Đức, đã trở thành Sister Sucinta, tiếp tục tu lên thọ đại giới vào năm 1997 ở Bodhgaya, Ấn Độ. Cô đã tham dự một buổi lễ thọ giới đông đảo với hàng chục các vị thức xoa khác. Có các tăng sĩ phái Đại thừa và Nguyên thủy đều tham dự buổi lễ truyền giới đó.

Trước lễ xuất gia đầu tiên của chúng tôi ở Bhavana vào tháng 7, năm 1989, tôi chỉ làm lễ xuất gia cho một người khác, một cậu bé mười lăm tuổi ở chùa Phật giáo Washington, người muốn được xuất gia trong một thời gian ngắn. Tôi chưa bao giờ thực hiện nghi lễ xuất gia khi tôi ở Á châu.

Vì thế đó là một ngày trọng đại cho tất cả chúng tôi. Hội Bhavana đã dựng được sima và cũng đã thâu nhận các vị tăng và ni đầu tiên của Hội.

Giấc mơ của tôi về một tu viện ở trong rừng đã thành hình. Tôi thật vui mừng không thể diễn tả nên lời.

---o0o---


Chương 26: Vô giá


ào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, lịch đi hoằng pháp của tôi dày đặc. Tôi được mời đi thuyết giảng khắp nước Mỹ, Canada, Nam Mỹ, Scandinavia, Âu châu, Úc và Á châu. Tôi đồng ý với gần như tất cả các lời mời gửi đến tôi -càng đi xa càng tốt. Tôi rất thích du lịch.

Ở nhiều nơi, sẽ có người thông dịch các bài thuyếp pháp của tôi. Ở các quốc gia khác, thì phần đông thính giả nói tiếng Anh, nên tôi có thể giảng Pháp bằng ngôn ngữ này.

Sau mỗi khóa tu hay một buổi thuyết pháp, người ta thường đến gặp tôi để cảm ơn. Đôi khi họ muốn bắt tay tôi, hay ôm tôi. Dĩ nhiên, phần đông họ là phụ nữ. Điều này, luôn tạo ra sự khó xử cho tôi. Các tăng sĩ Nguyên thủy không được đụng chạm đến phụ nữ.

Tôi thường chắp hai tay lại với nhau, mỉm cười, và nói: “Xin lỗi. Không phải tôi vô lễ nhưng đây là cách chúng tôi, người tu sĩ Phật giáo chào nhau hoặc để tỏ lòng biết ơn."

Điều này khiến có người bối rối, người thì đỏ mặt. Số khác lại cảm thấy như bị xúc phạm, quay đi không nói một lời nào. Điều đó luôn khiến tôi cảm thấy buồn.

Tôi biết nhiều người nghĩ rằng các vị tu sĩ Phật giáo không đụng chạm đến phụ nữ vì họ không 'sạch'. Tôi đã từng bị coi là một người kỳ thị giới tính, kiêu mạn, lạnh lùng, e thẹn.  Không có điều gì đúng.

Tôi tránh đụng chạm phụ nữ không phải vì tôi nghĩ họ là những sinh vật gớm ghê, xấu xa. Trái lại, phụ nữ là những sinh vật đẹp nhất trên thế giới. Và đó mới chính là vấn đề.

Có một câu chuyện về Đức Phật đã giải thích điều đó rất rõ ràng. Có lần khi thị giả của Đức Phật là ngài Ananda hỏi Phật, "Bạch Thế tôn, người tu sĩ chúng ta phải đối xử thế nào đối với phụ nữ?"

"Đừng nhìn họ," là câu Phật trả lời.

"Nhưng đôi khi chúng ta không thể tránh nhìn họ," Ananda nói. "Rồi ta phải làm sao?"

"Đừng nói chuyện với họ."

"Nếu hoàn cảnh bắt buộc ta phải tiếp chuyện với họ thì làm sao, bạch Thế tôn?" ngài Ananda tiếp tục hỏi.

"Chỉ nói vắn tắt, một cách đầy chánh niệm," Đức Phật trả lời.

Đức Phật là một người nam, một người đàn ông bằng xương thịt. Ngài hiểu rất rõ rằng không có hình ảnh nào có thể chiếm ngự tâm người đàn ông bằng hình ảnh của một người phụ nữ. Không có lời nói nào, không có hương nào, không có vị nào. Không có sự tưởng tượng nào có thể chiếm ngự tâm của người đàn ông giống như là ý nghĩ về một phụ nữ, họ không còn có thể nghĩ đến thứ gì khác.

Khi người nữ nhìn một người nam họ thích cũng giống như thế.

Đó là lý do tại sao Đức Phật đã đề ra những giới luật khắt khe cho cả tăng và ni. Một tăng sĩ không được đụng chạm đến phụ nữ và nữ tu sĩ cũng không được đụng chạm đến người nam.

Khi họ xuất gia, giới luật của người tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy là phải nguyện sống đời độc thân. Lời nguyện đó khá khó giữ, nhưng nếu bạn bắt đầu đụng chạm đến người khác giới, thì gần như không thể nào giữ được. Một cái ôm hay một nụ hôn nhẹ cũng có thể đánh thức lòng ham muốn, sự quyến luyến. Mà đó chính là những điều mà chúng tôi cố gắng chế ngự khi chúng tôi đã chọn đi theo con đường của Phật.

Ở hội Bhavana, chúng tôi rất coi trọng các giới luật tu viện.  Khách vãng lai và các cư sĩ ở chùa được yêu cầu phải giữ tám giới luật, bao gồm ngũ giới cộng thêm một số giới ở chùa nữa là: không ăn sau giờ ngọ, không có những hoạt động tình dục, không có những giải trí như xem truyền hình hay nhảy múa.

Các giới luật này nhằm bảo vệ hơn là hạn chế chúng ta. Chúng bảo vệ chúng ta bằng cách loại bỏ nhiều hoạt động khiến chúng ta xao lãng việc tu thiền một cách nghiêm chỉnh. 

Tôi luôn cảm thấy rằng chúng tôi không cần phải giảm bớt các giới luật để thu hút thêm nhiều người đến trung tâm của mình. Nếu họ cảm thấy giới luật ở Hội khá khắt khe, không muốn đến thì họ sẽ không đến, như thế cũng không sao. Vẫn có người khác đến. Người cư sĩ luôn có lòng tôn kính các giới luật. Khi họ thấy chúng tôi sống ở đây như thế nào, họ rất cảm kích. Họ sẽ chấp nhận các giới luật một cách vui vẻ, dầu cho đó là một khóa tu cuối tuần hay dài lâu.

Họ cũng tán thán việc chúng tôi điều hành hội Bhavana chỉ dựa vào dana (tiền cúng dường), thay vì bắt họ phải đóng lệ phí. Không có lệ phí nào cho các hoạt động như thuyết pháp, các khóa tu hay các lễ lạc. Chỉ có một thùng phước sương ở trong phòng ăn, và một hộp bao thư để cạnh bên. Các vị khách muốn cúng bao nhiêu, tùy hỉ.

Đây là một truyền thống lâu đời như giáo lý của Đức Phật. Dana dịch theo tiếng Pali có nghĩa "rộng rãi". Phật Pháp luôn được coi là vô giá, vì thế không thể áp đặt cái giá nào lên đó; nó chỉ có thể được ban tặng, không tính toán.

Ở Mỹ, dĩ nhiên, cái gì cũng có giá. Suy cho cùng đây là một nền kinh tế tài chính. Người bán sẽ cho bạn biết sản phẩm của họ giá bao nhiêu, và bạn, là người tiêu dùng phải quyết định sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền để mua sản phẩm đó.  Dana, trái lại, có nghĩa rằng bạn, người tiêu dùng, phải tự quyết định rằng một sản phẩm đáng giá bao nhiêu. Bạn tự xét mình muốn trả bao nhiêu, chỉ hy vọng là bạn đã công bằng.

Trong nền văn hóa Mỹ, dana là một thông điệp mạnh mẽ. Lần đầu nghe về nó, người ta thường phản ứng với sự lạ lẫm. Họ khó thể tin rằng toàn thể tu viện và trung tâm thiền đã được xây dựng dựa trên lòng tin và sự rộng rãi của con người. Sự phụ thuộc của chúng tôi vào dana, lòng tin rằng chúng tôi sẽ được hỗ trợ khi cần đến, là điều hiếm thấy ở Mỹ đến nỗi dường như nó đã mở được tâm và trí của mọi người. Tôi nghĩ rằng họ tin tưởng chúng tôi hơn vì rõ ràng chúng tôi không có ý lấy gì của họ. Thay vào đó, chúng tôi ban tặng cho họ một điều gì đó.

Từ lúc ban đầu, tôi cũng rất cương quyết không để Hội Bhavana mang dấu ấn của một nền văn hóa nào. Tôi không muốn trung tâm này được coi là một chùa Sinhala, hay một trung tâm tu thiền Mỹ hay một thiền đường Nhật Bản. Tôi muốn nó là một nơi mà mọi người thuộc mọi truyền thống, và mọi chủng tộc, nguồn gốc quốc gia, đều cảm thấy thoải mái, tự tại.

Đôi khi điều đó đòi hỏi các vị khách của chúng tôi phải uyển chuyển. Phật tử Á châu theo truyền thống không gọi trước hay ghi danh cho các Phật sự ở chùa. Họ ghé đến bất cứ khi nào họ muốn cúng dường, cần tham vấn một tăng ni nào đó, hay cần làm lễ cầu an cho một em bé sơ sinh. Họ luôn đến chùa vào những ngày rằm. Đối với họ, chùa là một nơi rất tuyệt vời để thư giãn với gia đình và bè bạn.

Người Mỹ, trái lại, đòi hỏi một không khí có quy củ hơn. Họ luôn hẹn trước khi đến trung tâm. Và vừa đến nơi là họ tham khảo xem thời khóa biểu ở chùa có gì, vì thế họ biết rõ ràng họ phải làm gì từng giờ trong ngày. Họ muốn tìm ở chùa một không khí tĩnh lặng và trầm ngâm.

Thời gian mới đầu ở hội Bhavana, khi chỉ có một cánh cửa duy nhất ngăn chia thiền đường và nhà bếp, thường có những sự xung đột văn hóa xảy ra. Người Tây phương thì im lặng, ngồi nhắm mắt trên chiếu thiền trong thiền đường. Ở phòng bên cạnh, một nhóm người Sinhala và Thái trò chuyện lớn tiếng trong lúc chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn cho các vị tăng ni.

Giờ thì tất cả chúng tôi đều học sống hòa hợp với những sự khác biệt của nhau một cách dễ dàng hơn, và tôi nghĩ đó là một điều tốt. Người Á châu bắt đầu ngưỡng mộ sự tinh tấn thực tập thiền quán của người Tây phương, và người Tây phương cũng thán phục tâm chân thật, tốt đẹp, rộng rãi của các vị khách người Á châu. Buồn thay, lòng tôn trọng lẫn nhau quá hiếm hoi trên thế giới này.

Năm 1983, cuộc nội chiến đã bùng nỗ ở Tích Lan. Sự xung đột đã âm ỉ từ khi đất nước giành được độc lập từ người Anh vào năm 1948. Hai nhóm thiểu số mạnh nhất -người Sinhala (mà đa số là Phật tử) và người Tamil (đa số theo Ấn Độ giáo) -lập tức bắt đầu tấn công nhau.

Người Sinhala cho rằng người Anh đã dành nhiều quyền lợi cho nhóm người Tamil bằng cách xây dựng cho họ trường tốt, cho họ những công việc lương cao. Vì thế, người Sinhala đòi được đền bù. Vào năm 1956, một người Sinhala, tên là Bandaranaike, đã thắng cuộc tranh cữ quốc hội. Vừa vào được quốc hội, ông vận động tuyên truyền sẽ biến tiếng Sinhala thành ngôn ngữ chính thức ở Tích Lan.

Điều đó khiến cho người Tamil nổi giận và làm cho họ cảm thấy bị bỏ rơi. Một phong trào chống chính phủ bí mật nổi lên trong nhóm người Tamil. Một thanh niên trẻ háo chiến tên là Prabhakaran, kêu gọi những người trẻ tuổi tình nguyện đánh bom tự sát. Anh ta tiêu diệt những người lãnh đạo Tamil khác mà anh ta coi là kẻ thù của mình. Năm 1983, nhóm “Những Con Hổ” Tamil của Prabhakaran bắt đầu cuộc tấn công đầu tiên của họ, giết hại mười ba người lính. Để đáp trả, biểu tình nổi lên khắp nơi trong xứ.

Kể từ đó đã có một cuộc chiến tranh đẫm máu giữa người Sinhala và người Tamil. Suốt gần hai mươi năm của cuộc nội chiến, 65.000 người đã chết.

Cuộc bạo động này đã làm tôi rất buồn, và tôi cố gắng không đứng ở phe nào. Nhưng năm 1983, tôi được biết về 500.000 người tỵ nạn, nhiều nhất là người Tamil, bị kẹt ở các trại tỵ nạn ở miền Bắc Tích Lan. Lúc đó tôi vẫn còn ở chùa Phật giáo Washington. Tôi liền gửi một lá thư đến tất cả thành viên của chùa kêu gọi họ đóng góp cho quỹ cứu trợ những người tỵ nạn. Rất nhiều người công kích tôi vì đã ủng hộ người Tamil.

Tôi trả lời rằng, tôi không cần biết họ là người Sinhala hay người Tamil – nhưng họ là những chúng sinh đang đau khổ. Chỉ vì lý do đó, tôi muốn giúp đỡhọ.

Một lần khác, tôi đang giảng Pháp cho một nhóm người Sinhala ở Ottawa. Có người hỏi về ngũ giới. Về giới đầu tiên, cấm sát sinh, tôi nói đó là một giới luật vô điều kiện. Có nghĩa là không được giết hại trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Giới thứ ba (cấm tà dâm) và giới thứ năm (cấm rượu và những chất gây ghiện) là những giới luật có điều kiện, tôi nói. Những giới luật này có thể được uyển chuyển để phù hợp với một vài hoàn cảnh nào đó. Thí dụ, vợ hay chồng có thể hành dục với người hôn phối của mình. Hoặc người ta có thể dùng các loại thuốc có chứa rượu hay uống chút ít rượu nếu điều đó không ảnh hưởng đến chánh niệm.

Nhưng đối với giới thứ nhất, cấm sát sinh, không có điều kiện. Ngay cả khi chúng ta giết hại để bảo vệ bản thân, gia đình mình hay quốc gia mình cũng không đúng. Tôi có thể thấy một vài khuôn mặt cau mày, tỏ vẻ phản đối khi tôi nói như thế.

Sau đó, một người đến nói với tôi, "Bhante, nếu Sư giảng như thế ở Tích Lan, sư sẽ không sống được đến ngày mai. Kêu gọi bất bạo động là việc không nên làm lúc này ở đó."

Tuy nhiên, ở Mỹ, không phải là quan điểm chính trị gây cho tôi những khó khăn, mà đôi khi chính là chiếc y tôi mặc.

Một lần tôi đến viếng một vị bác sĩ người Sinhala giàu có, sống ở St. Louis. Ngoài tôi, vị bác sĩ còn mời bốn tăng sĩ khác nữa, để thực hiện một nghi lễ đặc biệt cho ông. Trước khi buổi lễ bắt đầu, chúng tôi đi vòng quanh công viên ở phía bên kia đường.  Không lâu sau, một chiếc xe cảnh sát đậu tấp vào lề cạnh chúng tôi. Viên cảnh sát bước ra khỏi xe, hỏi chúng tôi đang làm gì.

"Chúng tôi đang đi bộ," tôi nói. "Chúng tôi đã làm gì sai à?"

Vị cảnh sát nói rằng gần đây có một số vụ trộm cắp trong khu vực. Và một người dân cư ngụ trong vùng đã gọi cảnh sát báo rằng có ba kẻ lạ mặt luẩn quẩn trong công viên.  Sau đó viên cảnh sát bắt đầu thẩm vấn tôi một cách cặn kẽ, một cuộc thẩm vấn mà tôi chưa bao giờ phải trải qua như sau:

Tôi từ đâu đến? Tôi làm gì ở St. Louis?  Tôi đang ở đâu? Đã từng phạm tội gì chưa? Tên cha? Tên mẹ? Cha mẹ tôi làm nghề gì? Tôi đã lập gia đình chưa? Có con cái không? Ai đã mời tôi đến đây? Tại sao?

Rồi anh ta hỏi thêm tôi cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu và có dấu vết gì đặc biệt trên người không. Sau đó anh ta còn hỏi số an sinh xã hội cũng như xét visa của tôi.

Tôi trả lời tất cả mọi câu hỏi của anh, nhưng thực sự điều tôi muốn làm là chỉ hỏi anh ta một câu đơn giản: Ông đã biết bao nhiêu kẻ trộm cướp mà lại quấn mình trong những chiếc áo vàng rực rỡ, rồi lại rảo bước trong công viên trong một buổi sáng như thế này?

Đôi khi tôi cũng thu hút sự chú ý của các nhân viên bảo vệ an ninh ở phi trường.  Suy cho cùng, chắc hẳn là vì màu da đen và y phục khác thường của tôi. Y của tôi có rất nhiều ngăn, trong đó tôi có thể giấu ma túy hay vũ khí.

Một lần ở Denver, tôi bị một nhân viên bảo vệ trì kéo vì cô ta không tin ống muối nhỏ tôi mang trong túi thực sự là muối. “Tôi dùng để súc miệng. Cổ tôi bị viêm,” tôi giải thích.

Cô ta nhất quyết gọi cảnh sát phi trường và một chuyên viên về ma túy. Kết quả là tôi trễ chuyến bay đi Vancouver và phải đợi tám tiếng chờ chuyến bay kế tiếp.

Một lần khác nữa, trở về nhà đến phi trường Dulles sau chuyến đi hoằng pháp ở Âu châu, tôi gặp một người bạn Mỹ.  Khi ông đi qua cửa hải quan cùng với tôi. Các nhân viên hải quan nhảy sổ vào chúng tôi. Bạn tôi bảo với họ, tôi là một tu sĩ Phật giáo trên đường về nhà sau một khoá tu thiền, nhưng họ cứ đoan chắc là tôi tàng trữ cocaine. Chúng tôi phải giải thích rất lâu mới có thể đi qua được.

Trong những trường hợp như thế, trước đây tôi thường giữ im lặng, nhưng giờ thì tôi cứng rắn hơn. Tôi nói với các nhân viên hải quan rằng họ không có quyền làm khó dễ tôi, khi mà tôi rất sẵn sàng hợp tác và đồng ý mở tuí xách của mình ra.

"Tôi không có gì để che giấu," tôi luôn nói vậy. Rồi tôi tặng cho các viên chức kia một nụ cười thật tươi và trải lòng từ bi đến họ.

---o0o---

Chương 27: Trưởng tăng đoàn Nayaka


Khi tôi đến Tích Lan năm 1985, một hội đồng đề cử gồm một số tăng sĩ đã đề nghị tôi nhận một chức vị danh dự nhất trong tông phái của tôi: danh hiệu của Thượng tọa Trưởng tăng đoàn Nayaka ở Bắc Mỹ.

Nói một cách đơn giản, danh hiệu đó có nghĩa như là "trưởng của cộng đồng tăng và ni". Tương đương với chức vị tổng giám mục của bên Thiên chúa giáo.  Nó có nghĩa bạn là vị tăng ở thứ vị cao nhất trong tông phái của bạn, ở một vùng nào đó (trong trường hợp của tôi là Mỹ và Canada). Và đó là một tước vị bạn giữ cho đến cuối đời.

Tôi cũng có suy nghĩ về việc đề cử này, nhưng cho rằng danh vị đó không thích hợp cho tôi. Tôi không nghĩ rằng mình đã có đóng góp gì to lớn để xứng đáng được nhận danh dự đó. Vả lại, còn có một vị tăng trong tông phái của chúng tôi, thuộc hàng trưởng lão hơn tôi, sống ở California, người mà tôi nghĩ xứng đáng với danh hiệu đó hơn là tôi. Vì thế tôi đã từ chối.

Tháng 3 năm 1996, lúc tôi đang dạy ở Norway thì người ta lại đề nghị lần nữa. Cũng nhóm tăng sĩ đó đã điện thoại để hỏi xem tôi có đổi ý, bằng lòng chấp nhận lời họ đề nghị không. Tôi lại từ chối. Việc đó lại tái diễn khi tôi đến trạm dừng kế tiếp trên chuyến đi của mình: khi tôi ở Thụy Điển, họ lại gọi, gia hạn lời đề nghị, và tôi lại từ chối.

Khi tôi đến Pháp, lại có một điện báo chờ đợi tôi: "Xin hãy suy nghĩ lại," bức điện báo ghi. Tôi không trả lời bức điện báo.

Khi khóa tu kết thúc, tôi trở lại hội Bhavana. Có một vị khách tăng đến từ Tích Lan đang chờ ở đó. Ông đã được gửi đến để trao tận tay tôi lá thư của cái ủy ban quá cương quyết muốn tôi trở thành trưởng tăng đoàn Nayaka.

Tôi nghĩ có thể đã đến thời điểm. Tôi biết thân quyến và bạn bè của tôi sẽ rất hạnh phúc. Vì thế tôi xuôi lòng.

Tôi đã dự định sẽ đi Úc hoằng pháp mùa hè năm đó.  Tôi hứa sẽ dừng lại Tích Lan, trên đường đi, để nhận bằng danh dự đó. Tôi không nghĩ đó là một sự kiện lớn lao gì, nên dự tính sẽ chỉ ở đó một ngày.

Tôi đến Tích Lan lúc 1:30 sáng, ngày mùng 4 tháng 7, 1996. Nghỉ qua đêm ở phòng chủ tịch ở Vidyalankara Pirivena, trường Phật học mà tôi đã ra trường năm 1952.

Sáng hôm sau tôi được đưa đến Kandy, văn phòng đầu não của tông phái Siyam Nikaya của Phật giáo Nguyên thủy ở Tích Lan. Khi đến nơi, tôi kinh ngạc thấy một đám đông khoảng hai trăm người chờ đợi để đón tiếp tôi -tất cả đều là họ hàng hay bạn bè cũ. Tôi đã viết thư cho một vài thành viên trong gia đình để báo với họ rằng tôi sẽ ghé về, nhưng Thượng tọa tiến sĩ Vajira, người tổ chức chương trình, đã viết thư báo cho nhiều người hơn nữa.

Tôi bước ra khỏi xe và nhận ra những khuôn mặt tôi đã không được gặp bốn mươi năm nay. Nhiều người tôi còn không nhận ra được cho đến khi họ xưng tên họ. Em gái tôi, Sita đã sắp đặt một bữa tiệc trưa thịnh soạn cho tôi và năm mươi tăng sĩ khác đến từ khắp nơi ở Tích Lan để dự buổi lễ này.

Sau bữa thọ trai, lúc tôi đang cố gắng tiếp xúc với càng nhiều vị khách càng tốt, thì một vị tu sĩ tiến gần đến để báo rằng người ta đang chờ đợi tôi ở chùa Pahamune, ngôi chùa của thầy của sư phụ tôi. Ở đó, tôi được mời một ly trà và được tặng một chiếc y vàng mới tinh để mặc trong dịp lễ này.

Không lâu sau đó một người đến để báo rằng đã sẵn sàng để tiến hành đám rước. "Đám rước gì?" tôi nghĩ. Tôi hoàn toàn không ngờ rằng những nghi lễ trang trọng như thế đã được xếp đặt cho tôi; tò mò, tôi bước ra ngoài.

Có một hàng dài khoảng vài trăm người. Tôi hoàn toàn không biết họ là ai, từ đâu đến. Tôi được dặn phải đi ở hàng đầu đám rước, chỉ sau tấm băng rôn to lớn với hàng chữ: "Chào mừng vị trưởng tăng đoàn tông phái Nakya". Sau lưng tôi là các nhạc công, kẻ đánh trống, người nhảy múa, người thổi cồng, và các đám trẻ ăn mặc đầy màu sắc. Mọi người đều ở trong trạng thái phấn khởi của một buổi lễ hội hoành tráng, tôi cũng nhận ra một vài vị viên chức chính quyền trong đoàn người, kể cả vị Bộ trưởng quốc phòng.

Đám rước dài hơn nửa cây số, và họ đưa chúng tôi đến sima ở chùa Malwatta. Ở đó, tôi sẽ cúng dường những mâm quà đến khoảng hơn hai mươi vị cao tăng thuộc tông phái Siyam Nikaya, gần giống như những gì tôi đã làm vào ngày thọ đại giới của tôi bốn mươi chín năm về trước.  Giống như trước, căn phòng cũng đầy kín người với một sợi dây thòng xuống giữa phòng để ngăn chia giới cư sĩ và tu sĩ.  Trời nóng đến nỗi mồ hôi tôi tuôn dầm dề. Tôi lại bị sái giờ giấc và đã ngủ rất ít đêm hôm trước đó.  Mùi hoa nồng nặc trên bàn thờ, cộng với khói nhang dày đặc khiến cho không khí thật ngột ngạt. Tôi hy vọng rằng mình không ngất xỉu ngay lúc đó.

Thượng tọa tiến sĩ Vajira trao cho tôi chiếc mâm đầu tiên, bảo tôi mang dâng cho vị Đại Lão Sư của tông phái, người đang ngồi trên tọa cụ,  phía bên phải tượng Phật.

Tôi cầm mâm tiến lại gần vị Đạo Lão Sư và quỳ xuống trước mặt ông. Bằng giọng khàn đục, ông nói vài lời nhỏ nhẹ về lòng biết ơn của ông đối với những công tác Phật sự của tôi.

Sau đó, Thượng tọa Vajira đưa cho tôi từng chiếc mâm một, để tôi mang đến cho mười chín vị tăng còn lại, ngồi ở phía bên trái theo thứ tự tuổi tác. Các thầy của tôi đã mất, chỉ còn một vị, người đã có mặt ngày hôm đó -Thượng tọa Parawahera Pannananda Nayaka Mahathera. Ông đã tám mươi tám tuổi, đi từ Colombo đến đây để chứng kiến việc tôi được nhận danh dự này.

Khi cúi chào và dâng chiếc mâm lên cho ông, tôi thấy mắt ông ngấn lệ. Mắt tôi cũng mờ lệ.

Sau khi tôi ngồi xuống, thầy thư ký mở một ống màu bạc và lấy ra văn bản chứng nhận với tên tôi là Trưởng Tăng Đoàn Nakya. Ông đọc lớn bằng cả hai thứ tiếng Sinhala và tiếng Anh, rồi yêu cầu tôi bước ra phía trước để nhận lãnh văn bản đó từ tay vị Đại Lão Sư.

Vài vị tăng đọc diễn văn bằng tiếng Sinhala. Vị bộ trưởng quốc phòng cũng nói vài lời trước khi được các vệ sĩ của ông hộ tống ra về.  Và rồi buổi lễ kết thúc.

Đám đông bao quanh tôi để chúc tụng. Mười phút sau, tôi được đưa ra xe và chở về chùa Chiếc Răng, nơi chúng tôi sẽ cử hành một nghi lễ đặc biệt. Tôi được phép chiêm ngưỡng xá lợi Phật trước khi dâng cúng lên Đức Phật một mâm bạc đầy hoa tươi.

Nhiệm vụ cuối cùng trong ngày đó của tôi là đến đảnh lễ vị trưởng lão của một tăng đoàn khác thuộc tông phái chúng tôi. Ông cũng bày tỏ sự vui mừng vì tôi được nhận danh dự này, và tôi cúng dường ông một chiếc y mới.

Rõ ràng là tôi phải ở lại Tích Lan hơn một ngày, vì thế tôi hòa mình chung vui với bạn bè, gia quyến, và các huynh đệ đồng tu. Ngày hôm sau, những cuộc tiếp đón khác lại diễn ra, mỗi lần ở một nơi khác. Trong bốn ngày, có đến bảy buổi lễ tất cả, tôi cứ phải đi từ nơi này đến nơi khác, bất cứ đâu mà người ta đưa tôi đến.

Một trong những buổi lễ diễn ra ở Vidyalankara Pirivena, ngôi trường cũ của tôi, gần Colombo. Ở đó, chúng tôi được đón tiếp bằng một ban nhạc nổi tiếng chỉ biễu diển ở các buổi lễ của tiểu bang. Thủ tướng, Bà Sirimavo Bandaranaike, trao cho tôi bằng khen.

Một buổi lễ khác diễn ra ở chùa nơi tôi lần đầu xuất gia. Ở đó cũng có một đám rước dành cho tôi. Vị thầy giáo thời xưa ở làng Malandeniya cũng có mặt, giờ ông đã rất lớn tuổi, ông biết tôi từ khi tôi còn là chú tiểu. Ông đã đi bộ suốt khoảng đường diễn hành, cạnh bên chiếc xe tôi đi, vịn vào xe và nói chuyện với tôi qua cửa sổ mở. Tôi mời ông lên xe ngồi với tôi, nhưng ông từ chối. Sau đó tôi nói, tôi sẽ xuống đi bộ với ông, nhưng ông cũng không nghe.

Một đêm người ta tổ chức lễ tụng kinh suốt đêm cho tôi, ở một chùa ngoại ô Kandy. Tôi không tham dự; mà chỉ lắng nghe. Mười hai vị tăng tụng kinh cầu an cho tôi. Tôi đã tụng những bài kinh này quá nhiều lần trong đời, để cầu an cho người khác, giờ tôi là người được cầu nguyện cho, tôi không khỏi có cảm giác bỡ ngỡ.

Suốt năm ngày lễ hội, tôi rất cảm động khi có nhiều người tỏ lòng trân trọng công việc tôi làm, dầu phần lớn các công việc đó không xảy ra ở Tích Lan. Suốt bốn mươi lăm năm, tôi đã dốc hết sức lực của mình để hoằng pháp ở những xứ sở xa lạ, không phải quê hương của tôi. Nhưng tôi đã nghe nhiều vị trưỏng lão tăng khuyến khích các đệ tử trẻ của họ noi theo gương tôi, học sinh ngữ để có thể đi hoằng pháp ở nước ngoài, đem lại danh dự cho Phật giáo và Tích Lan.

Tuy nhiên tự hào là một việc nguy hiểm. Đó là một sự bám víu mạnh mẽ và khó chế ngự. Để chiến thắng nó, tôi luôn nhắc nhở mình rằng trong suốt những năm qua, tôi chỉ cố gắng sống theo Pháp và giảng Pháp cho người khác, càng nhiều càng tốt. Vì thế, thật ra không có gì để tôi phải tự mãn.

Buổi tiếp đón cuối cùng là ở làng quê của tôi, Henepola.  Được tổ chức trong giảng đường của chùa.

Người vợ góa của anh Rambanda cũng có mặt, với bốn đứa con. Một trong những người cậu của tôi cũng đến, cùng với các cháu nội ngoại của ông.

Ba chị em gái của tôi, Bisomanike, Bandaramenike và Sita Ekanayaka và con cái của họ cũng đã đến Kandy để chứng kiến buổi lễ hoành tráng nơi tôi chấp nhận danh hiệu Trưởng Tăng Đoàn Nayaka. Nhưng tôi nghĩ buổi họp mặt đơn giản ở ngay tại làng quê của chúng tôi mang nhiều ý nghĩa hơn đối với tất cả chúng tôi.

Một vị bô lão ở Henepola đứng lên chào đón khách và tôi phải khó khăn lắm mới nhận ra ông. Ông tám mươi ba tuổi, tên là Puncibanda, trùng hợp một cách ngẫu nhiên với tên cha tôi.

"Tôi nhớ lại khi giảng đường này được xây lên," ông nói, giọng đứt quãng vì xúc động. "Chính là cha của Bhante Gunaratana đã xây nó. Không ai có dụng cụ máy móc vào những ngày đó, mà cũng không có nơi nào để mua gỗ tốt.  Chúng tôi chỉ có những viên gạch thô sơ, tự làm tại nhà."

Nước mắt lăn dài trên gương mặt vị bô lão.

"Nhưng chùa cần một giảng đường. Chúng tôi không có nơi nào trong làng để mọi người có thể tụ họp, vì thế ông Puncibanda đã xây dựng nơi này cho chúng tôi. Ông ấy đã xây khéo đến nỗi cho tới ngày nay, bảy mươi lăm năm sau, nó vẫn còn trụ vững. Và hôm nay chúng ta danh dự được có mặt ở đây để đón tiếp con ông ấy, người đã xuất gia, đã đi thật xa để truyền bá Phật Pháp, và đã giành được danh dự lớn lao này."

Các chị em gái của tôi lúc đó đều khóc. Tôi cũng cảm thấy một nỗi nghẹn ngào trào dâng trong lòng, nhưng tôi cố kiềm chế lại. Dĩ nhiên, người tu sĩ cũng có thể và cũng khóc. Đại đức Ananda, vị thị giả của Đức Phật, đã khóc khi sư phụ người tịch diệt. Chính tôi cũng đã khóc mấy ngày trước đó, khi dâng chiếc mâm bạc lên vị thầy già yếu của mình. Tôi cũng đã khóc ở đám tang của cha mẹ tôi, và ngay cả, như tôi đã kể, khi đọc bài diễn văn nói về mẹ tôi.

Tuy nhiên lần này, tôi là Trưởng Tăng Đoàn Nayaka.  Chỉ cần nói lên danh hiệu đó cũng gợi trong lòng người ta niềm kính trọng, và đó là một danh hiệu tôi sẽ giữ cho đến cuối đời.

Tôi muốn sống cho xứng đáng với ngày trọng đại đó và cũng để trân trọng những người đã dành cho tôi vinh dự này. Tôi muốn nâng niu sức mạnh và sự hoàn mỹ của một truyền thống 2,500 năm tuổi.

Dầu vậy, mắt tôi cũng mờ lệ. Tôi không thể kiềm chế mình.

Suy cho cùng, tôi cũng chỉ là một đứa con.

Một đứa con đã trở về quê hương ở Henepola.

---o0o---

Lời cuối


Năm nay tôi đón sinh nhật thứ bảy mươi lăm của mình. Khi nhìn lại quãng đời mình đã trải qua, tôi bàng hoàng. Bảy mươi năm trước, tôi là một cậu bé đi chân không, sống trong một ngôi làng rậm rạp cây, trên một hòn đảo ở Ấn Độ Dương. Cậu bé đó thường ngồi vẽ tranh dưới cát bằng một que cây. Hôm nay tôi là một tu sĩ có trình độ học vấn sau tiến sĩ, với hàng ngàn dặm đường bay đã được tích lũy và một chiếc máy vi tính xách tay G4 loại mạnh, xếp trong hành lý xách tay của mình.

Tôi có bạn bè và đệ tử ở khắp nơi trên thế giới và lục địa duy nhất mà tôi chưa đến là vùng Nam Cực. Quyển sách đầu tiên của tôi, Chánh Niệm Cơ Bản (Mindfulness In Plain English), đã được dịch sang tiếng Trung Hoa, Đại Hàn, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Pháp. (ND: Sư Gunaratana chưa biết là quyển sách ấy đã được dịch sang cả tiếng Việt Nam, tựa là Chánh Niệm-Thực Tập Thiền Quán, dịch giả Nguyễn Duy Nhiên).

Tôi nói điều này không phải để khoe khoang, nhưng để chứng minh rằng người ta có thể đạt đến những mục tiêu cao xa, khi họ được trang bị với lòng quyết tâm và nghiệp lành. Và tôi thực sự tin rằng rất nhiều cuộc hành trình và nhiều sự thành tựu của tôi có được là do nghiệp quả từ nhiều đời trước của tôi.

Nhưng tôi cũng luôn tự thôi thúc để hoàn thiện mình hơn. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi cảm thấy giống như, lúc đầu tôi là một người đi đứng khó khăn. Rồi người này cố gắng một cách chậm rãi, khốn khổ để bước vài bước tới.  Dần dần khi đã vững vàng hơn trên đôi chân, anh ngước nhìn lên và thấy một ngọn đồi cao ba, bốn chục mét trước mặt. Vì thế anh cố trèo lên. Rồi anh ta lại thấy một ngọn đồi khác cao hơn chút nữa, sáu chục mét. Anh cũng đã trèo lên ngọn đồi đó nữa.

Còn nhiều ngọn đồi nữa tiếp theo sau. Mỗi ngọn lại cao hơn ngọn trước đó, và anh tiếp tục leo lên tất cả, từng cái một. Dần dần anh thấy ngọn núi cao nhất chưa từng thấy trước đó -vĩ đại, hùng vĩ. Anh hít thở thật sâu vào, đặt chân này trước chân kia, rồi lần bước tới.

Khi đến trên đỉnh núi, anh nhìn quanh và thấy những đỉnh núi khác nữa. Cuối cùng, anh nhận ra rằng, mình đã không còn sức để tiếp tục trèo lên nữa.

Giờ khi đã đạt đến thập kỷ thứ tám của mình, tôi nghĩ rằng tôi sẽ nghỉ ngơi chút đỉnh. Tôi có thể đợi đến kiếp sau để trèo lên những ngọn núi còn lại.

Dĩ nhiên, tôi vẫn còn phải vượt qua ngọn núi cao nhất.  Tất cả những gì tôi đã vượt qua đều không đáng kể, so với ngọn núi ở phía trước mặt, đỉnh núi vô cùng tận -sự giác ngộ viên mãn, toàn diện, siêu việt.

Còn trong lúc này đây, cuộc sống vẫn còn đầy thử thách.  Một trong những bổn phận của tôi là phải giữ giới luật của một người tu khi còn sống trong thế giới phàm tục. Khi tôi du hành, người ta dành cho tôi những tiện nghi vượt bực.  Tôi ở trong những khách sạn năm sao hay những biệt thự sang trọng có hồ tắm được xây ngay trong đại sảnh. Những người giàu sang lái xe đưa tôi đi trong những chiếc Bentley hay Porsche của họ. Có lần tôi còn được đón trong một chiếc Rolls-Royce màu trắng, mui trần, và một lần khác, trong một chiếc trực thăng của tư nhân.

Dầu người ta cố gắng dành cho tôi nhiều vinh dự, nhưng tôi cảm thấy rất bức xúc khi thụ hưởng tất cả những sự sang cả này. Người tu sĩ phải sống đời đơn giản. Không rườm rà, không đòi hỏi gì hơn những nhu cầu tối thiểu. Vậy mà đôi khi tôi phải nằm trên những chiếc giường quá ấm êm đến nỗi tôi phải bí mật lấy mền, trải ra trên thảm ngủ, với hy vọng rằng các vị chủ nhà không bao giờ khám phá ra được điều ấy.

Nhiều bạn bè, thân quyến của tôi vẫn còn sống ở Tích Lan. Họ vẫn còn phải đi trên những sàn nhà làm bằng phân bò, giống như tôi đã từng trải qua trong thời thơ ấu. Tôi nghĩ về họ khi ngồi trên những chiếc ghế hạng nhất êm ái trên các chuyến bay, và tôi không cầm được nước mắt.

Mặc dầu tôi đã cố gắng giảm bớt các chuyến du hành những năm gần đây, nhưng những lời mời đến dạy và hướng dẫn các khóa tu thiền vẫn đến từ khắp các nước trên thế giới. Những nơi như - Canada, Brazil, Malaysia, Singapore, Úc, Scandinavia, Âu châu- tôi đi gần như hàng năm. Dấu thông hành đến các nước được đóng đầy trong hộ chiếu tôi từ rất lâu rồi.

Năm 1977, tôi trở thành công dân nước Mỹ, vì thế Mỹ giờ đã trở thành quê hương. Tôi đã thõa mản ước nguyện được giảng Pháp bằng thứ ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. (ND: tiếng Anh).

Hội Bhavana, cũng như các trung tâm thiền khác, cũng có những khó khăn riêng của nó: sự cúng dường không đều đặn, những xung đột nội bộ, những kẻ lang thang ghé qua, xin ở lại, rồi ra đi với sổ tiết kiệm của chùa hay chiếc xe của cộng đồng.

Nhưng những người trong ban điều hành của Hội vẫn rất hài lòng với những thành tựu mà Hội đã đạt được. Năm 1997, chúng tôi đã xây được một thiền đường thật khang trang, nhờ vào sự cúng dường đóng góp gần $150.000 đô của các nhà bảo trợ người Thái ở Mỹ và ở Thái Lan.

Thiền đường là một công trình kiến trúc thật đẹp mắt, gần giống các vương cung thánh đường với những cây xà bằng gỗ thông vàng trông như bộ sườn của một chú cá voi. Một tượng Phật đồ sộ, nặng hơn ba trăm ký, ngồi trên tòa cao dưới một cửa sổ bằng kính khắc họa. Các cửa sổ đều được khắc hình lá Bồ đề, gợi nhớ đến loại cây đã che chở cho Đức Phật khi Ngài ngồi thiền định trong đêm Ngài đạt được giác ngộ. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ mang đến nhiều cảm hứng cho những ai đến đây tu hành.

Thiền đường cũng có những tiện nghi vật chất khác: Ngay cả trong những mùa đông khắc nghiệt của West Virginia, các thiền sinh cũng được sưởi ấm bằng những ống dẫn nước nóng dưới sàn nhà.

Tôi đã thực hiện nhiều lễ xuất gia ở hội Bhavana cho cả nam và nữ cư sĩ. Một số là Á châu; còn lại phần đông là người Tây phương. Một số vẫn sống đời tu sĩ; số khác đã hoàn tục.

Có khoảng hai mươi thất ở rải rác trong rừng trên đất của chúng tôi, và chúng tôi đã xây cũng như làm mới lại nội điện để các thiền sinh có thể ở lại, tổng cộng là chín tòa nhà. Có thể chứa đến sáu mươi khách ở lại qua đêm.

Tôi cảm thấy cuối cùng tôi đã thực hiện được cách sống mà tôi đã phác họa ra cho những năm cuối đời mình.  Tôi không còn phải sửa chữa các ống nước bị nhiễu, làm đệm tường, hay cắt cỏ. Tôi không phải lái xe hay phải cân bằng sổ sách. Có người ở quanh tôi để làm các chuyện đó.

Tất cả tác quyền từ các sách của tôi, và tiền cúng dường của thiền sinh trong các khóa tu thiền, tôi đều bỏ cả vào tài khoản ngân hàng của hội Bhavana. Vào ngày sinh nhật tôi và các ngày lễ, tôi thường nhận được các ngân phiếu cúng dường từ bè bạn và thân quyến.

"Bhante, hãy dùng tiền này cho riêng sư," họ nói.  "Đừng bỏ vào quỹ hội Bhavana."

Tôi chỉ mỉm cười, cảm ơn họ, rồi bỏ tất cả vào tài khoản của hội Bhavana. Đó là việc phải làm. Tôi là tu sĩ; tôi không có tài sản. Tôi sẽ ra đi như tôi đã đến trong thế giới này -không có sở hữu. Tài sản mà ta thực sự sở hữu chính là nghiệp của mình.

Tôi không thể tưởng tượng ra một cuộc sống nào khác cho mình hơn là cuộc sống như thế này của một tu sĩ, và được hoằng Pháp. Tôi được sinh ra để làm Phật sự đó, và tôi cảm thấy rất hàm ân vì có duyên lành để làm thế. Tôi đã được tiếp xúc với những người nghèo nhất trong các người nghèo, cũng như giàu nhất trong các người giàu, những người nổi tiếng, những kẻ hạ tiện, những người thánh thiện và những kẻ ác độc.

Qua tất cả, tôi đã nhận thức được rằng không có gì quan trọng bằng việc có thể nhìn thấy được Tứ thánh đế trong tất cả mọi thứ ở quanh ta. Tham, sân và si chế ngự cuộc sống của con người. Chúng ta phải cố gắng tu hành tinh tấn để chế ngự được những uế nhiễm này nếu chúng ta muốn chấm dứt khổ đau.

Pháp Phật luôn che chở cho tôi, là cánh dù trong những cơn bão tố. Đó là chỗ nương tựa mà chúng ta lúc nào cũng có thể quay về, nếu chúng ta nhớ được thế.

Tôi mong rằng bạn cũng sẽ tìm được chỗ nương che cho cuộc đời của mình giống như thế.

 

                          High View, West Virginia - Mùa Xuân 2003



               Bhante Henepola Gunaratana

---o0o---

Chú Thích

Trong sách này, Sư Gunaratana sử dụng các đơn vị đo lường của Anh.  Xin ghi bảng đối chiếu để bạn đọc tiện theo dõi:

-Inch/Inches  = 2.54 cm

-Foot/Feet     = .3048 m

-Yard             = .9144 m

-Acre             = 4046.86 m2

-Gallon          = 3.7858 lít

---o0o---

Hết

1.Ceylon: Tên gọi của Sri Lanka trước đây


2 .Sinhalese: Ngôn ngữ của người Sinhala, một trong hai dân tộc chính ở Sri Lanka, chiếm 68% dân số, hầu hết theo đạo Phật. Dân tộc lớn thứ hai ở Sri Lanka là Tamil (14%), phần lớn theo đạo Ấn Độ.

Каталог: downloads -> sach -> quoc-te
quoc-te -> LƯỢc sử thời gian (a brief History of Time) Tác Giả:-Steven Hawking
quoc-te -> ĐƯỜng mây qua xứ tuyếT
quoc-te -> Tâm Lý Và Triết Học Phật Giáo Áp Dụng Trong Đời Sống Hằng Ngày Nguyên tác: "Abhidhamma in daily life"
quoc-te -> Những Chuyện Luân Hồi Hiện Đại tt. Thích Tâm Quang Dịch o0o Nguồn
quoc-te -> ÐẠi thừa và SỰ liên hệ VỚi tiểu thừa nguyên tác: Nalinaksha Dutt ht. Minh Châu Dịch, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh 1999
quoc-te -> LƯỢc sử thời gian (a brief History of Time) Tác Giả:-Steven Hawking
quoc-te -> SẮc tưỚng và thật tưỚng vấn Đề Nhị Đế Trong Tứ Đại Thuyết Phái của Phật Giáo Prof. Guy Newland, Ph. D
quoc-te -> Con đƯỜng đẾn tĩnh lặng -tuệ Giác Hằng Ngày
quoc-te -> Ba phưƠng diện chính của con đƯỜng giác ngộ

tải về 1.34 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương