Chuyên đề 2 ĐƯỜng lối lãnh đẠo củA ĐẢng soi sáng con đƯỜng cách mạng việt nam


Thành tựu đất nước sau hơn 35 năm đổi mới



tải về 42.53 Kb.
trang7/9
Chuyển đổi dữ liệu16.04.2024
Kích42.53 Kb.
#57217
1   2   3   4   5   6   7   8   9
Chuyen de 2 Đảng lãnh đạo CM Việt Nam

2. Thành tựu đất nước sau hơn 35 năm đổi mới
Đường lối đổi mới của Đại hội VI như một luồng gió mới, thức tỉnh và tạo nguồn sinh khí, động lực mới, tác động tích cực tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, từng bước thay đổi diện mạo đất nước. Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả to lớn trên mọi lĩnh vực. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá:
Về nhận thức lý luận, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đó là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam. Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển.
Khẳng định bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới phương thức vận hành của Nhà nước theo hướng hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân... Nhận thức sâu sắc hơn bản chất, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Quán triệt sâu sắc phương châm bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện lý luận về quốc phòng, an ninh và tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi “nước chưa nguy” trên cơ sở xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Hoàn thiện và nhận thức sâu sắc hơn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; chú trọng nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Về thực tiễn, đất nước đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức độ khá cao.
Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và việc thực hiện ba đột phá chiến lược có bước chuyển biến tích cực, đạt một số kết quả khích lệ. Thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập, theo định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được xác lập. Giáo dục và đào tạo có bưóc đổi mới, đóng góp tích cực vào xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng hiện đại được xây dựng và đưa vào sử dụng.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được phát triển. Giảm nghèo nhanh và bền vững hơn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội từng bước được nâng cao. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu được chú trọng; quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Quan hệ đối ngoại ngày càng sâu rộng; giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, trong những năm 2020 - 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn giữ vững, ổn định kinh tế - xã hội, nền kinh tế vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao, được thế giới ghi nhận là điểm sáng trong việc thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, nằm trong nhóm các nước có độ phủ vắcxin cao nhất, vừa khống chế ngăn chặn đại dịch Covid-19 thành công; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống và an toàn cho người dân.
Có thể nói, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố và nâng cao niềm tin của dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày naý’.
Thành tựu đó không chỉ khẳng định sức mạnh đoàn kết, sự nỗ lực, sáng tạo của toàn thể dân tộc Việt Nam, niềm tin của nhân dân với Đảng, con đường Việt Nam đang đi là đúng, mà còn khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, vai trò lãnh đạo quyết định thắng lợi của Đảng. Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần quyết định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng chính là Đảng luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đây là sợi chỉ đỏ, bài học xuyên suốt quá trình lãnh đạo của Đảng. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường mà Đảng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn, phù hợp với thực tiễn lịch sử đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Đó cũng là nhiệm vụ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.
Độc lập dân tộc theo nghĩa chung nhất là quyền tự chủ, tự quyết của mỗi quốc gia dân tộc đối với vận mệnh của dân tộc mình trong phạm vi không gian lãnh thổ của quốc gia đó. Đối với mỗi quốc gia, độc lập dân tộc được thể hiện ở các yếu tố: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Độc lập dân tộc là một phạm trù lịch sử và các giá trị của nó được định hình trong quá trình phát triển của lịch sử mặc dù giữa các quốc gia dân tộc hiện nay có những quan niệm khác nhau về độc lập dân tộc. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiện nay, độc lập dân tộc là một khái niệm mang tính tương đôi khi internet không có biên giới.
Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản, là một trong năm hình thái kinh tế xã hội mà các nhà kinh điển c. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã đúc kết thành quy luật khi nghiên cứu lịch sử phát triển của xã hội loài người. Theo cách tiếp cận trên, chủ nghĩa xã hội được hiểu là gồm 3 phạm trù: Là một học thuyết khoa học; là một phong trào thực tiễn và là một chế độ xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội có mối quan hệ gắn bó mật thiết, tác động và thúc đẩy lẫn nhau. Trong đó, độc lập dân tộc là cái có trước, là tiền đề chính trị để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu tốt đẹp, là phương hướng tiến lên của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng cho thấy, sự gắn kết chặt chẽ và thành công trong giải quyết mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng còn thể hiện ở việc Đảng đã lãnh đạo hiệu quả việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây là hai yếu tố không thể tách rời trong bất kỳ thắng lợi vĩ đại nào của dân tộc hơn 90 năm qua. Sức mạnh dân tộc hiểu một cách ngắn gọn là tổng hợp của sức mạnh vật chất (sức mạnh cứng) và sức mạnh tinh thần (sức mạnh mềm). Trong đó, sức mạnh vật chất bao gồm: tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, tức là yếu tố con người và xét trên hai phương diện về số lượng, cơ cấu dân số, độ tuổi và chất lượng nguồn nhân lực... Sức mạnh tinh thần là truyền thống dân tộc; sức mạnh của nền văn hóa với sức sống mãnh liệt và bản sắc riêng. Sức mạnh dân tộc chính là yếu tố bên trong (nội lực) của một quốc gia dân tộc. Sức mạnh dân tộc không phải là yếu tố bất biến, có thể thay đổi theo thời gian, mục tiêu phát triển của quốc gia.
Sức mạnh thời đại là các xu thế chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới được phản ánh vào trong các thời kỳ khác nhau của thế giới ở cả khía cạnh vật chất và tinh thần. Sức mạnh thời đại là sức mạnh phải phản ánh được xu thế phát triển của thời đại. Như vậy, sức mạnh thời đại là một phạm trù có tính lịch sử, là sức mạnh mang tính thời đại, bao hàm những yếu tố có tính chất phổ quát, mang tính dẫn dắt và chi phối, làm thay đổi chiều hướng phát triển của thế giới.
Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại là hai yếu tố có quan hệ gắn bó mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Không một quốc gia nào có thể tồn tại biệt lập mà không chịu sự chi phối ở những mức độ khác nhau của các yếu tố bên ngoài. Đồng thời, một quốc gia chỉ thực sự phát triển mạnh, bền vững khi huy động được sức mạnh tổng hợp của cả đất nước và tận dụng, tranh thủ được sức mạnh của thời đại. Trong đó, sức mạnh dân tộc, nội lực đóng vai trò quyết định của mỗi quốc gia đó. Đảng đã sớm nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Vì thế, quan điểm nhất quán của Đảng ngay từ buổi đầu thành lập đó là luôn coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”. Khi đất nước còn đang trong vòng khói lửa chiến tranh (tháng 9/1947), đường lối đối ngoại của Việt Nam xác định là: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” và “Đoàn kết chặt chẽ với Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác và tích cực ủng hộ phong trào giải phóng thuộc địa và nửa thuộc địa. Mở rộng ngoại giao nhân dân; giao thiệp thân thiện với chính phủ nước nào tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, đặt quan hệ ngoại giao với các nước đó theo nguyên tắc tự do, bình đẳng và có lợi cho cả hai bên”. Song, yếu tố sức mạnh dân tộc, thực lực vẫn là căn cốt quyết định mọi thắng lợi, là nguồn lực chính của cách mạng. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn. Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến, còn ta yếu thì chỉ là khí cụ trong tay kẻ khác. Phải đem sức ta mà giải phóng cho ta, bạn bè quốc tế giúp đỡ ta là để ta có thêm điều kiện mà tự lực cánh sinh. Muốn người khác giúp mình thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã... Đường lối, chủ trương đó đã góp phần làm nên những thắng lợi của dân tộc suốt gần một thế kỷ qua. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Thực tiễn lịch sử cũng minh chứng khi nào Đảng lãnh đạo chưa đúng, chủ trương, đường lốì chưa phù hợp thực tiễn, chưa thấu hiểu triệt để nguyện vọng của dân, thì khi đó cách mạng, đất nước gặp khó khăn, tổn thất. Những thành tựu đất nước đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt chặng đường hơn 90 năm qua là do Đảng luôn xuất phát từ nguyện vọng, ý chí và lợi ích của nhân dân, coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, lấy con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển; kiên định con đường, mục tiêu lý tưởng đã lựa chọn. Đảng luôn dũng cảm, thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm, khuyết điểm và nghiêm túc, kịp thời sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm; không ngừng nâng cao năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, sự lãnh đạo của Đảng để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

tải về 42.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương