Chương Sinh thái học quần thể


c. Cây bụi, thảm tươi và tái sinh rừng



tải về 291.83 Kb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích291.83 Kb.
#31372
1   2   3   4   5

c. Cây bụi, thảm tươi và tái sinh rừng
Tái sinh rừng có quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của cây bụi và thảm tươi. Ảnh hưởng của thảm tươi đến tái sinh rừng biểu hiện trên hai khía cạnh hoặc là có lợi hoặc là có hại. Mặt có hại biểu hiện ở chỗ chúng có thể tạo ra lớp màng che phủ bề mặt đất, làm đất trở nên cứng chặt, do đó, ngăn cản sự tiếp đất và sự nảy mầm của hạt giống cây gỗ. Trong điều kiện này, qúa trình hình thành cây mầm và sinh trưởng của cây gỗ non cũng gặp nhiều khó khăn. Cây bụi và thảm tươi còn cạnh tranh gay gắt với cây tái sinh về ánh sáng, nước và chất khoáng. Trên các đất dư thừa độ ẩm, cây bụi và thảm tươi có thể gây ra sự hóa lầy đất; kết quả là tái sinh rừng gặp khó khăn...Cây bụi và thảm tươi còn là nguồn truyền bệnh cho cây gỗ, và khi chết đi, chúng trở thành vật liệu gây ra cháy rừng...

Cây bụi và thảm tươi có thể đem lại những điều kiện thuận lợi cho tái sinh của các loài cây gỗ. Điều này biểu hiện ở chỗ chúng làm xốp đất, cải thiện tính chất vật lý, hóa học và sinh học trên các đất nghèo dinh dưỡng. Ngoài ra, sau thời kỳ phát triển mạnh, một số loài cây hòa thảo bị đào thải, đất phơi trần ra ánh sáng và trở thành môi trường có lợi cho tái sinh rừng. Ở những vùng khí hậu khô hạn, cây bụi và thảm tươi tạo ra lớp màng che phủ đất; kết quả hạn chế được tiểu khí hậu bất lợi cho tái sinh rừng.

Như vậy, cây bụi và thảm tươi có ảnh hưởng khá đa dạng đến tái sinh rừng. Những ảnh hưởng này không chỉ phụ thuộc vào thành phần loài cây và độ phong phú của mỗi loài, mà còn phụ thuộc vào độ khắc nghiệt của môi trường khí hậu và đất. Ngoài ra, những ảnh hưởng của cây bụi và thảm tươi đối với cây gỗ non còn tùy thuộc vào loài cây gỗ và tuổi của chúng, và vào thời gian (mùa) trong năm. Nói chung, để tạo điều kiện cho tái sinh rừng tiến triển thuận lợi ngay từ đầu, nhà lâm học phải xử lý cây bụi và thảm tươi. Đồng thời, khi thảm tươi tàn lụi trong mùa khô thì phải xử lý ngay nhằm loại trừ nguy cơ cháy rừng.


d. Vật rụng, thảm mục và tái sinh rừng
Ảnh hưởng của vật rụng và thảm mục đến tái sinh rừng biểu hiện khá rõ ràng và đa dạng. Điều đó phụ thuộc vào thành phần, mật độ, bề dày, mức độ phân giải và hàm lượng ẩm trong vật rụng và thảm mục. Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng này còn tùy thuộc vào giai đoạn tái sinh rừng và điều kiện lập địa. Thật vậy, vật rụng và thảm mục che phủ kín mặt đất với bề dày lớn có thể hoàn toàn ngăn cản sự tiếp đất và nảy mầm của hạt giống, hệ rễ cây mầm không thể xâm nhập sâu vào các tầng đất. Nếu tình trạng này kéo dài, hạt giống sẽ mất sức nảy mầm, cây mầm và cây con bị khô héo và chết. Hiện tượng này thường xảy ra với các cây họ Dầu cả ở môi trường rừng ẩm và rừng khô. Vật rụng có thể làm biến dạng hình thái và hạn chế sự sinh trưởng của cây gỗ non. Những ảnh hưởng này sẽ giảm đi một khi lớp vật rụng bị phân giải thành mùn và mùn bị khoáng hóa hoàn toàn. Trong trường hợp này, chúng trở thành nhân tố có lợi cho tái sinh rừng. Hiện tượng như thế thấy rất rõ trong các miền rừng mưa. Tại đây, chúng ít khi trở thành yếu tố hạn chế qúa trình tái sinh rừng. Ở những nơi mà vật rụng là nhân tố ngăn cản tái sinh rừng, thì việc xử lý vật rụng trước lúc hạt giống rơi xuống đất và nảy mầm là biện pháp cần thiết. Các biện pháp xử lý có thể bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn lớp vật rụng, xáo trộn thảm mục, tạo ra các điều kiện đủ ẩm để qúa trình phân giải và khoáng hóa vật rụng diễn ra thuận lợi.
9.5.3. Tái sinh rừng bằng chồi
Khác với tái sinh hạt, tái sinh chồi diễn ra bằng con đường sinh sản vô tính - một cây mới là một bộ phận của cây mẹ được tách ra. Hậu thế nhận được bằng con đường chồi được gọi là cây chồi, lúc còn nhỏ được gọi là cây tái sinh chồi. Trong lâm học, sinh sản vô tính và tái sinh chồi ở nhiều loài cây gỗ lớn thường ít có ý nghĩa. Ngược lại, tái sinh chồi có thể chỉ có ý nghĩa lớn trong kinh doanh rừng giống, rừng gỗ nhỏ. Hiện nay nước ta có không ít rừng thứ sinh nhân tác được hình thành bằng con đường chồi. Vì thế, vấn đề tái sinh chồi và kinh doanh rừng chồi cũng thu hút sự chú ý to lớn của các nhà lâm học.

Tái sinh chồi và kinh doanh rừng chồi có thể xuất hiện trong những trường hợp: (1) khi thực tiễn có nhu cầu kinh doanh rừng chồi nhằm cung cấp gỗ nhỏ hoặc đổi mới một đai rừng hạt thành rừng chồi với ý nghĩa mới là bảo vệ môi trường nông nghiệp, thủy điện và tạo cảnh quan đẹp cho các khu dân cư và thành phố, (2) sử dụng sinh sản vô tính để tạo vật liệu cây giống nhanh chóng và trên cơ sở này trồng rừng hạt năng suất cao, (3) khi rừng hạt cho năng suất thấp, (4) so với rừng hạt, rừng chồi cho năng suất cao hơn với chu kỳ kinh doanh ngắn hơn, (5) kinh doanh rừng nhằm cung cấp nguyên liệu chủ yếu là vỏ và lá cho các ngành mỹ phẩm và y học...



Để kinh doanh rừng chồi có kết quả, nhà lâm học nhất thiết phải quan tâm đến đặc tính sinh học của các loài cây, nhất là khả năng sinh sản bằng chồi và các yếu tố sinh thái chủ đạo ảnh hưởng đến khả năng tái sinh chồi của chúng. Trong tự nhiên, tái sinh vô tính của các loài cây gỗ có thể xảy ra qua các con đường: chồi gốc, chồi thân, chồi rễ, chồi cành... Chồi gốc hình thành hoặc từ các chồi ngủ (chồi dự phòng) phân bố trên thân, hoặc từ chồi phụ (xuất hiện ở lớp tượng tầng tiếp giáp giữa vỏ và gỗ). Chồi nước là các chồi hình thành trên thân cây chưa bị đổ gãy; chúng có đặc trưng cơ bản là sức sống yếu, hóa gỗ ít, ruột gỗ lớn. Chồi nước thường mọc tập trung trên một số vị trí của thân cây, nhưng không thể phát triển thành cành lớn. Chồi rễ phát sinh từ các chồi phụ ở rễ. Chồi cành phát sinh khi các cành tiếp xúc với đất, và khi loại bỏ mối liên hệ với cây mẹ chúng có thể phát triển thành cây độc lập. Ngoài ra, sinh sản vô tính (sinh dưỡng) cũng có thể hình thành bằng cách ghép cành hoặc ken cây; các dạng này được gọi là tái sinh sinh dưỡng và trồng rừng sinh dưỡng. Dưới đây chúng ta xem xét một số kiểu tái sinh chồi phổ biến nhất và có ý nghĩa lớn nhất.
(1) Tái sinh chồi gốc
Đa số các loài cây gỗ ở rừng mưa đều có khả năng tái sinh chồi gốc từ các chồi ngủ (ví dụ, Bạch đàn, Dầu song nàng, Dầu cát, Dầu trà ben, Dầu đồng...) và từ chồi phụ (chẳng hạn như loài Bằng lăng, Phượng vĩ...). Cho đến nay, ở nước ta chưa có tài liệu thống kê chính xác về các loài cây tái sinh chồi và khả năng hình thành chồi của chúng. Đây là một tài liệu quan trọng, vì nó cho phép thấy được khả năng kinh doanh rừng chồi có hiệu quả. Về mặt kỹ thuật, chúng ta cần phân biệt rõ ý nghĩa của chồi gốc và chồi thân. Chồi gốc là các chồi phát sinh trên các gốc cây mẹ bị đổ gãy do gió, do khai thác, hoặc do cháy rừng... Khả năng phát sinh chồi gốc và mức sinh trưởng của chúng phụ thuộc vào kích thước hay tuổi của gốc chặt. Căn cứ vào đặc điểm của gốc chặt trong quan hệ với sinh trưởng của chồi, có thể phân biệt hai trường hợp sau đây. Một là, các gốc chặt tiếp tục lớn lên cùng với sự tăng trưởng của cây chồi. Ở trường hợp này, các cây chồi sinh trưởng và phát triển tốt, hình thành quần thụ chồi năng suất cao tương tự như quần thụ hạt hoặc đôi khi cao hơn. Tuy nhiên, gốc chặt chỉ lớn lên khi chúng nằm trong giới hạn tuổi nhất định. Điều đó phụ thuộc vào loài cây và điều kiện thực vật rừng. Đây là trường hợp có ý nghĩa to lớn trong lâm học, đặc biệt trong kinh doanh rừng đồn điền và tạo lập rừng giống để lấy hạt và vật liệu sinh dưỡng. Hai là, kích thước gốc chặt hầu như không lớn lên được chút nào, còn cây chồi có thể sinh trưởng tốt hoặc xấu. Điều đó tùy thuộc vào loài cây và lập địa. Trong trường hợp cây chồi sinh trưởng kém, người ta không sử dụng chúng để tạo lập rừng chồi lấy gỗ, nhưng có thể sử dụng chúng để tạo rừng phòng hộ đồng ruộng, rừng chống cát bay, rừng sản xuất lá và vỏ cây nhằm đáp ứng nguyên liệu cho các ngành mỹ phẩm và y học...
(2) Tái sinh chồi thân
Chồi thân là các chồi phát sinh trên thân cây chưa bị đổ gãy. Các chồi thân thường phát triển kém và gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng kỹ thuật gỗ, đôi khi kìm hãm sinh trưởng của chồi đỉnh. Về ý nghĩa sinh học, chúng ta không thể dễ dàng phân biệt rõ ranh giới giữa chồi gốc và chồi thân.

Ngoài hai kiểu tái sinh chồi trên đây, trong tự nhiên còn gặp tái sinh chồi rễ và chồi cành. Trong lâm học, những kiểu tái sinh chồi rễ và chồi cành ít có ý nghĩa.


(3) Những nhân tố ảnh hưởng đến tái sinh chồi
Tái sinh chồi của các loài cây gỗ chịu ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố khác nhau. Trước hết, khả năng tái sinh chồi phụ thuộc vào loài cây, tuổi cây và mùa trong năm Thật vậy, đa số các loài cây lá kim không sinh sản bằng chồi. Nhiều loài cây lá rộng chỉ tái sinh chồi trong một giới hạn kích thước (tuổi) nhất định. Chẳng hạn, đa số cây họ Dầu chỉ tái sinh chồi khi đường kính thân cây không vượt qúa 25 - 30 cm. Ngược lại, nhiều loài cây trong bộ Đậu lại có khả năng phát sinh chồi ở mọi cấp kích thước. Nhiều quan sát cho thấy, cây cấp IV và V (theo phân cấp sinh trưởng của Kraft) có khả năng sinh sản bằng chồi tốt hơn cây cấp I và II. Cây mọc trong tán rừng kín tái sinh kém hơn cây mọc ở ngoài trống, cây mọc trên đất ẩm tái sinh tốt hơn cây mọc trên môi trường đất khô. Loài cây ưa sáng có khả năng tái sinh chồi mạnh hơn loài cây chịu bóng. Thời tiết đầu xuân và đầu mùa hè (miền Nam) thích hợp cho cây nảy chồi hơn các mùa khác trong năm. Trong giới hạn tuổi tái sinh chồi, khả năng sinh trưởng của cây chồi cũng khác nhau rất lớn. Ví dụ: Dầu song nàng có khả năng tái sinh chồi ngay từ lúc 1-2 tuổi đến khi đạt đường kính gốc 20-25 cm, nhưng cây chồi chỉ sinh trưởng bình thường trong giới hạn đường kính gốc chặt từ 2 -10 cm. Loài Dầu cát tái sinh rất mạnh ở đường kính gốc chặt từ 3-40 cm, nhưng cây chồi cũng chỉ sinh trưởng tốt khi đường kính gốc chặt từ 3-10 cm. Các loài thuộc chi Eucalyptus (E. camaldulensis, E. tereticornic, E. robusta...) tái sinh chồi rất khoẻ trong giới hạn đường kính gốc chặt từ 5-15 cm.

Khả năng tái sinh chồi còn phụ thuộc vào chiều cao gốc chặt. Nói chung, chiều cao gốc chặt càng lớn thì số chồi càng nhiều, nhưng cây chồi càng yếu. Gốc chặt có chiều cao từ 5-20 cm đảm bảo cho cây chồi khỏe và sinh trưởng nhanh hơn. Một đặc điểm dễ nhận thấy là những chồi được sinh ra gần gốc cây mẹ có sức sống tốt hơn và tuổi thọ cao hơn so với những chồi hình thành xa gốc cây mẹ. Vì thế, việc khai thác để lại những gốc chặt có chiều cao thích hợp (10-20 cm) trong thời kỳ cây ra chồi khỏe không chỉ có ý nghĩa to lớn về sinh học, mà còn cả về kinh tế.

Sinh trưởng của cây chồi còn phụ thuộc vào hệ rễ cây mẹ và tình trạng của gốc chặt. Theo quy luật, khả năng thu nhận chất dinh dưỡng của gốc chặt càng lớn thì sinh trưởng của cây chồi trong những năm đầu càng nhanh, sức sống càng ổn định. Hiện tượng mục ruột gỗ trên gốc cây mẹ không phải là nhân tố ảnh hưởng lớn đến khả năng tái sinh chồi, trái lại, điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng kỹ thuật gỗ trên cây chồi (ruột gỗ xốp và hay bị mục). Do đó, kỹ thuật khai thác và các biện pháp phòng chống sâu bệnh cho gốc chặt cần được đặc biệt quan tâm. Nói chung, kỹ thuật khai thác phải đảm bảo không gây ra hiện tượng xước vỏ và vỡ ruột gỗ, bề mặt cắt ngang thân cây phải tạo ra một góc nghiêng 30-450 (hình 9.8). Trong trường hợp cho phép, chúng ta có thể sử dụng hóa chất phòng chống sâu bệnh cho gốc chặt và cây chồi.

Việc chuyển hóa quần thụ cây hạt năng suất thấp thành quần thụ cây chồi cho năng suất cao, các nhà lâm học gọi là trồng rừng trên “gốc cây”. Về mặt kỹ thuật, việc chuyển hóa rừng hạt thành rừng chồi cần phải tính toán chính xác một số điều kiện sau đây:



1. Xác định đúng tuổi khai thác rừng hạt. Tuổi khai thác rừng hạt thích hợp là thời điểm vừa đảm bảo thu hoạch tốt rừng hạt vừa đảm bảo tạo lập quần thụ chồi năng suất cao. Ví dụ: Đối với rừng E. camaldulensis, thời điểm đó là tuổi 5-7 năm.

2. Mùa khai thác thích hợp. Mùa khai thác thích hợp là thời điểm ngay trước lúc tượng tầng trên thân cây bắt đầu hoạt động, đất đủ ẩm, thời tiết mát...

3. Kỹ thuật khai thác và xử lý gốc chặt sau khai thác. Để đảm bảo tái sinh chồi có kết quả, chúng ta cần phải biết rõ một số vấn đề như: (1) có nên khai thác trắng rừng hạt hay phải để lại một bộ phận làm tàn che, (2) khai thác bằng phương tiện cơ giới hay thủ công, (3) chiều cao gốc chặt cần để lại và cách thức xử lý gốc chặt để hạn chế sâu bệnh và nấm phá hủy ruột gỗ... Trong một số trường hợp, nhà lâm học có thể phải dùng hóa chất để chống lại sâu bệnh và nấm hại, hoặc có thể dùng một số hóa chất kích thích sự nảy chồi. Ví dụ: Dùng 2,4D được pha với nồng độ thích hợp và phun lên gốc cây chặt trước lúc chồi phát sinh 10-15 ngày.

4. Nuôi dưỡng rừng chồi. Kết quả tạo lập rừng chồi phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật nuôi dưỡng rừng chồi. Sau khi cây chồi đã phát sinh, nhà lâm học cần tổ chức chăm sóc và nuôi dưỡng tốt cây chồi. Nếu rừng chồi sử dụng để lấy gỗ nhỏ và trung bình thì mỗi gốc chặt chỉ nên để lại một chồi to khỏe nhất, cao nhất là hai chồi. Ngược lại, việc tạo rừng chồi nhằm mục đích cung cấp nguyên liệu lá cho y học và mỹ phẩm thì số lượng chồi cần để lại trên gốc chặt có thể trên hai chồi. Biện pháp xử lý đất bằng cày máy, phòng chống cháy rừng và sâu hại cho rừng chồi cũng có ý nghĩa to lớn.

5. Dự báo chính xác chu kỳ kinh doanh rừng chồi, nhu cầu nguyên liệu gỗ và các sản phẩm khác. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, vì chúng có ảnh hưởng đến các chi phí đầu tư và hiệu quả kinh tế. Khi phải hủy một rừng chồi thì cần sử dụng ngay các biện pháp chống lại sự phát sinh chồi.
(4) Chồi nước và hiện tượng khô ngọn cây
Từ lâu, các nhà lâm học đã quan tâm đến mối liên hệ giữa sự phát sinh chồi nước và hiện tượng khô héo đỉnh sinh trưởng của cây gỗ. Nếu các hiện tượng trên đây có mối liên hệ với nhau, thì cái gì là nguyên nhân và cái gì là kết quả, đồng thời chúng có luôn đi kèm với nhau hay không. Nhiều nghiên cứu xác nhận rằng các chồi nước là nguyên nhân của hiện tượng khô ngọn cây. Thật vậy, khi các chồi nước hình thành nhiều trên thân cây thì chúng phá hủy các chức năng sinh lý bình thường của cây và gây ra hiện tượng khô ngọn. Tuy nhiên, vấn đề này cũng hết sức phức tạp, bởi vì có thể gặp không ít trường hợp cây khô ngọn nhưng không thấy chồi nước xuất hiện trên thân, hoặc khi có nhiều chồi nước thì không thấy khô ngọn. Hiện tượng nêu ra trên đây thấy rất rõ trong các lâm phần Tếch nhân tạo ở miền Đông Nam Bộ.

Hiện tượng khô ngọn cây còn có thể do sự tác động giữa chồi nước, tán lá với môi trường bên ngoài. Nếu tán cây phát triển tốt sẽ kìm hãm sự phát sinh chồi nước và chuyển chúng vào trạng thái ngủ. Do sự thiếu hụt ánh sáng, hoặc do nguyên nhân nào đó kìm hãm sự phát triển của tán cây thì chồi nước cũng phát triển mạnh. Chồi nước phát sinh mạnh gây ra hiện tượng làm suy yếu tán cây và sau đó tán cây có thể chết. Ở đây cần phân biệt với hiện tượng khô ngọn cây do tác động của điều kiện cực hạn.

Chồi nước phát sinh mạnh có thể đưa đến một số hiện tượng sau: (1) chất lượng gỗ thân cây giảm do sự biến đổi tính đồng nhất của cấu trúc gỗ, (2) khi chồi nước chết đi có thể là nguồn dẫn chuyền sâu hại và nấm bệnh, (3) giảm tăng trưởng đường kính và chiều cao thân cây... Để khắc phục hiện tượng phát sinh chồi nước, người ta đề nghị trồng rừng hỗn giao với mật độ cao. Nhưng trong kinh doanh rừng công viên, đôi khi những loài cây có nhiều chồi nước là những loài có ý nghĩa lớn.
(5) Những đặc điểm của rừng chồi
Quần thụ có nguồn gốc chồi mang một số đặc điểm cơ bản sau đây:

1. So với rừng hạt, rừng chồi có đời sống ngắn hơn, sinh trưởng nhanh hơn, nhưng kém ổn định với tác động từ bên ngoài. Hiện tượng sinh trưởng nhanh có liên hệ với sự cung cấp đầy đủ dinh dưỡng từ phía hệ rễ cây mẹ. Trong thời kỳ đầu, cây chồi ít gặp phải trở ngại, nhưng càng về sau chúng thường bị sâu bệnh gây ra mục ruột gỗ. Sức sinh trưởng của cây chồi trong một vài năm đầu có thể cao hơn cây hạt trung bình 5-10 lần, nhưng sau đó nhịp điệu tăng trưởng giảm nhanh.

2. Rừng chồi có chu kỳ kinh doanh ngắn, có khả năng cung cấp rất nhanh gỗ và các sản phẩm khác, nhưng gỗ nhỏ và kém giá trị. Gỗ rừng chồi thường hay bị sâu hại; hiện tượng này xảy ra mạnh nếu rừng chồi được phát sinh lại lần thứ 2-3 trở đi. Rừng chồi được sử dụng tốt vào mục đích kinh doanh gỗ nhỏ, đặc biệt là cung cấp gỗ cho công nghiệp giấy-sợi. Ngoài ra, chúng còn có ý nghĩa lớn trong tạo lập rừng phòng hộ, rừng công viên bao quanh thành phố...

3. Rừng chồi thích hợp với mục đích kinh doanh rừng giống lấy hạt và vật liệu sinh dưỡng, vì nó đảm bảo tính di truyền ổn định từ thế hệ cây mẹ. Trong kinh doanh rừng đồn điền (lấy gỗ, lá, vỏ...) thì rừng chồi đem lại hiệu quả rất cao.
9.5.4. Phương pháp nghiên cứu tái sinh rừng
(1) Nhận thức chung và phương pháp
Trong nghiên cứu tái sinh rừng, một vấn đề quan trọng hàng đầu là xác định chính xác mục tiêu và đối tượng nghiên cứu. Phân biệt đúng đối tượng nghiên cứu cho phép chọn đúng các điểm quan trắc. Chỉ sau khi làm xong công việc này mới bắt đầu công việc chủ yếu của nhà lâm học cùng với các chuyên gia chuyên ngành khác nghiên cứu sâu hơn về tiến trình tái sinh rừng. Tái sinh rừng là một hiện tượng sinh học quan trọng nhất trong đời sống của rừng. Hiện tượng này không chỉ phụ thuộc vào đặc tính sinh học loài cây mà còn chịu sự chi phối của môi trường sống (vô cơ và hữu cơ) vốn hết sức phức tạp và đa dạng. Nếu rừng là một đối tượng kinh doanh thì các kết quả nghiên cứu phải hướng vào mục tiêu phục vụ kinh doanh rừng.

Cần nhận thấy rằng, các nhà lâm học là những người hiểu biết khá rõ về rừng, nhưng mỗi thứ một ít và chẳng có gì thật sâu sắc. Chính điều đó đã hạn chế khả năng tự thu nhận các thông tin ban đầu của họ. Bởi vậy, việc đúc kết, phân tích và ứng dụng kết quả nghiên cứu của các chuyên ngành khác là hết sức cần thiết. Các nghiên cứu của riêng nhà lâm học có thể dẫn đến sự phân tích hời hợt về qúa trình tái sinh rừng. Nhưng những kết quả nghiên cứu về rừng của các chuyên gia thuộc chuyên ngành khác mà không có sự tham gia của các nhà lâm học thì cũng khó có khả năng nhận được kết quả thoả đáng. Trong nghiên cứu tái sinh rừng, phương pháp so sánh có ý nghĩa lớn. Tất cả các quan trắc, đo đạc cần đặt ở nhiều nơi, ít nhất là ở hai kiểu hoàn cảnh khác nhau (kiểu lập địa), và các thí nghiệm nên chọn những sự khác biệt không lớn lắm nằm trong giới hạn của các kiểu điều kiện lập địa gần nhau. Cách bố trí những điểm nghiên cứu như vậy cho phép chúng ta phát hiện được nhiều tính chất chung, vì vậy sẽ rõ hơn là gán cho nhân tố nào đó những sai lệch qúa rõ. Các quan trắc cũng phải được bố trí ở nhiều nơi; điều đó cho phép phát hiện những sai sót trong việc đánh giá riêng rẽ từng hiện tượng. Phương pháp phân tích cần được xem là một phần bắt buộc trong nghiên cứu tái sinh rừng. Nhà lâm học nên tiến hành phân tích nhiều thành phần có ý nghĩa ấn định tái sinh rừng (đất, khí hậu - thủy văn...), sau đó đi đến chọn lựa các mối liên hệ tồn tại chặt chẽ. Do nhiều thành phần cần phải phân tích sâu, cho nên sự cộng tác giữa nhà lâm học với các chuyên gia thuộc chuyên ngành khác, trong đó nhà lâm học như một “nhạc trưởng“ là hết sức cần thiết. Phương pháp thực nghiệm kết hợp với phương pháp quan trắc theo các điểm định vị là hết sức quan trọng. Ví dụ: Khi có yêu cầu làm rõ ảnh hưởng của chế độ ánh sáng, nhiệt độ của không khí, thành phần dinh dưỡng khoáng của đất đến tái sinh rừng..., nhà lâm học cần bố trí thực nghiệm trong phòng hoặc ở vườn ươm cây con theo những chế độ thí nghiệm nghiêm ngặt. Phương pháp thực nghiệm cho phép chúng ta tránh phải chờ đợi sự xuất hiện của yếu tố nghiên cứu ở ngoài rừng vốn rất khó theo dõi và phân tích.

Vấn đề thời gian quan trắc tái sinh rừng cũng phải luôn gắn với các hiện tượng tự nhiên hoạt động theo chu kỳ, đồng thời công việc này phải lặp lại nhiều lần ở nhiều địa điểm khác nhau. Chỉ có như vậy mới phát hiện ra mối liên hệ giữa tái sinh rừng với biến động hoàn cảnh sống của chúng. Rừng là một hệ thống sinh học - tự nhiên rất phức tạp, nhưng hoạt động của chúng luôn tuân theo những quy luật xác định. Đồng thời, các quy luật sống của rừng chịu sự tác động của nhiều nhân tố (hữu sinh và vô sinh) và chính chúng cũng có sự tác động trở lại môi trường sống thông qua các mối liên hệ ngược. Vì thế, chúng ta có thể sử dụng công cụ lý thuyết xác suất thống kê, đặc biệt phương pháp phân tích đa nhân tố để khám phá các quy luật sống của rừng. Ngoài ra, cũng nên coi trọng ở một mức độ nhất định các phương pháp đo đạc đơn giản. Phương pháp mục trắc có thể nhận được kết quả tốt nếu đã trải qua nhiều cuộc tập dượt ở rừng. Cuối cùng, cần nhận thấy rằng yếu tố thời gian trong lâm nghiệp luôn hạn chế việc kéo dài các qúa trình nghiên cứu. Vì thế, khi cần thiết phải đáp ứng nhanh chóng các thông tin cho quy hoạch rừng và thiết kế các biện pháp lâm sinh, thì các nội dung và phương pháp nghiên cứu tái sinh cần thu hẹp đúng mức. Ví dụ: Để hiểu rõ quy luật tái sinh rừng thì phương pháp đo đạc chính xác về số lượng và chất lượng cây con hiện có dưới tán rừng là cần thiết; nhưng nếu chỉ cần biết khái qúat tình hình tái sinh rừng nhằm cung cấp số liệu cho quy hoạch rừng thì việc đo đạc chính xác là không cần thiết…
(2) Đánh giá hiệu quả tái sinh rừng và phương pháp nghiên cứu
Trong lâm học, có thể phân chia các các phương pháp nghiên cứu tái sinh rừng thành hai nhóm:

1. Nhóm các phương pháp chuyên nghiên cứu qúa trình ra hoa quả, đánh giá mùa vụ sai quả và xác định các nhân tố ảnh hưởng đến qúa trình này. Để giải quyết tốt nội dung của vấn đề này, ở đây đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia chuyên ngành (sinh lý, sinh hóa thực vật, khí hậu-thủy văn, đất...) và nhà lâm học.

2. Một nhóm phương pháp chuyên nghiên cứu về số lượng, chất lượng cây con trong quan hệ với môi trường sống của chúng, soạn thảo các kỹ thuật xử lý tái sinh rừng.

Tùy theo mục tiêu nghiên cứu đặt ra mà nội dung và phương pháp nghiên cứu được chọn lựa một cách thích hợp. Hiệu quả tái sinh rừng phải được đánh giá cả theo ý nghĩa kinh tế (lâm sinh) lẫn sinh thái, và việc đánh giá có thể dựa vào các chỉ tiêu dưới đây:



a. Mật độ cây tái sinh. Mật độ cây tái sinh được đánh giá theo cấp tùy thuộc loài cây và kiểu lập địa. Trong thực tế, cấp mật độ cây tái sinh còn được phân chia theo ý nghĩa kinh tế của loài cây. Ví dụ: Đối với các loài cây kinh tế, số lượng cây tái sinh được thừa nhận là đủ nếu mật độ của chúng không thấp hơn 1000 cá thể/ha với chiều cao từ 1 m trở lên; khi cây con còn nhỏ (chiều cao dưới 1 m), đòi hỏi phải có không ít hơn 5000 cây/ha. Các quy định nêu trên chỉ là quy ước gần đúng, vì không phải bất kỳ ở đâu cũng cho kết quả như vậy. Song nhà lâm học cần nhận thấy rằng những quy định này là rất cần thiết, vì chúng cho phép giảm thấp hoặc loại trừ các sai lầm trong khi quyết định phương thức tái sinh rừng.

Trong nghiên cứu sinh thái tái sinh các loài cây gỗ, chỉ tiêu mật độ cây bên cạnh nhiều chỉ tiêu khác (sức sống và sinh trưởng) có ý nghĩa thuyết minh yêu cầu sinh thái của chúng. Thật vậy, ở những nơi có điều kiện môi trường thuận lợi, chúng ta thấy mật độ của một loài cây có thể nhiều hơn nơi có môi trường không thuận lợi. Ngược lại, nơi có mật độ loài thấp chứng tỏ ở đó không thuận lợi cho tái sinh của loài. Tuy nhiên, điều đó cũng không hẳn đúng, vì rằng khả năng tái sinh của loài còn phụ thuộc vào nguồn cây giống có phong phú hay không.



Để thống kê mật độ cây con, người ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau: đặt ô dạng bản, dùng chỉ tiêu độ thường gặp, xác định bằng mắt... Số lượng và kích thước ô dạng bản được xác định tùy theo tình hình tái sinh và yêu cầu độ chính xác của kết quả nghiên cứu. Chẳng hạn: ở những nơi mật độ cây con từ 5-10 ngàn cây/ha thì nên sử dụng ô dạng bản từ 2-10m2 với số lượng không thấp hơn 30 ô cho một lô rừng từ 2 - 5 ha. Ngược lại, ở những nơi mà mật độ cây tái sinh thấp hơn 5000 cây/ha và kích thước lớn, người ta đề nghị dùng ô dạng bản 10-20 m2 với số lượng ô dạng bản được tính theo phương pháp lấy mẫu trong thống kê toán học. Trong sản xuất, người ta có thể áp dụng chỉ tiêu độ thường gặp để ước lượng mật độ cây con. Nếu là cây gỗ lớn thì kích thước ô thống kê có thể lấy từ 4-16 m2, số lượng ô thống kê không thấp hơn 30 ô/ha. Việc sử dụng độ lớn ô thống kê từ 4-16 m2 là dựa trên căn cứ: khi trồng rừng cây gỗ lớn, các nhà trồng rừng thường bố trí diện tích dinh dưỡng ban đầu là 4-16 m2/cây.


tải về 291.83 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương