Chương Sinh thái học quần thể


Những nhân tố ảnh hưởng đến năng suất rừng và phương hướng nâng cao năng suất rừng



tải về 291.83 Kb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích291.83 Kb.
#31372
1   2   3   4   5

9.3.5. Những nhân tố ảnh hưởng đến năng suất rừng và phương hướng nâng cao năng suất rừng

Năng suất của rừng phụ thuộc vào tập hợp nhiều nhân tố: khí hậu, đất đai, các yếu tố khác và tác động của con người... Trong lâm nghiệp, chỉ tiêu khách quan để đánh giá năng suất rừng là cấp đất và kiểu rừng. Các chỉ tiêu này quyết định khả năng và con đường nâng cao năng suất rừng. Theo Melekhov (1989), hệ thống các biện pháp nâng cao năng suất rừng, về cơ bản, bao gồm 4 hướng:

1. Sử dụng rừng hợp lý, phòng chống lửa rừng và các thiệt hại khác.

2. Đẩy mạnh sinh trưởng của rừng thông qua những biện pháp lâm sinh tác động vào điều kiện sinh trưởng của chúng. Hệ thống này bao gồm những biện pháp sau đây: (1) xử lý đất cẩn thận trong khi trồng rừng, (2) trồng thêm các loài cây gỗ, cây bụi và cây nông nghiệp theo hướng phối hợp nông - lâm để cải tạo đất và tiết kiệm năng lượng bức xạ mặt trời, (3) bón phân và tưới nước cho rừng...

3. Đẩy nhanh qúa trình khôi phục và hình thành rừng mới. Điều này đòi hỏi phải quan tâm đến các biện pháp: (1) bảo vệ rừng non trong khai thác và sau khi khai thác, (2) nuôi dưỡng các rừng non bằng các biện pháp hợp lý, (3) chọn giống cây cho năng suất cao và thích ứng tốt với từng lập địa, (4) khôi phục nhanh chóng các rừng sau khai thác, nơi đất trống và nơi rừng bị cháy...

4. Xây dựng, đổi mới và cải thiện triệt để tổ thành rừng bằng cách đưa vào giống cây mọc nhanh, năng suất cao, nhất là những cây có tác dụng cải tạo lập địa...

Tóm lại, để nâng cao năng suất rừng, nhà lâm học không chỉ dùng các biện pháp tác động trực tiếp hay gián tiếp vào quần thể cây rừng, mà còn cần phải tiết kiệm, chống thất thóat trong vận chuyển, chế biến và sử dụng lâm sản.
9.5. TÁI SINH RỪNG
9.5.1. Khái niệm về tái sinh rừng
Tái sinh rừng được hiểu là qúa trình phục hồi thành phần cơ bản của rừng: thảm cây gỗ và các thành phần khác của lâm phần. Sự xuất hiện lâm phần mới lại góp phần hình thành môi trường rừng và các thành phần khác như thực vật tầng thấp, động vật và vi sinh vật đặc trưng cho mỗi loại rừng. Vì thế, khái niệm tái sinh rừng có thể được hiểu theo nghĩa rộng là tái sinh hệ sinh thái rừng. Trong kinh doanh rừng, tái sinh rừng chỉ được xem xét đối với thành phần cây gỗ. Người ta phân biệt tái sinh rừng thành ba loại: tái sinh tự nhiên, tái sinh nhân tạo và tái sinh phối hợp (tự nhiên và nhân tạo).

(1) Tái sinh rừng tự nhiên. Tái sinh rừng tự nhiên là qúa trình hình thành thế hệ mới bằng con đường tự nhiên; nhưng phải hiểu nó theo hai khía cạnh. Thứ nhất, tái sinh rừng tự nhiên là qúa trình tự tái sinh của rừng, diễn ra ở rừng tự nhiên mà không có sự can thiệp của nhà lâm học. Tính chất tự nhiên này tuân theo những quy luật xác định. Sự hiểu biết những quy luật này cho phép giải quyết mọi vấn đề tái sinh ở các dạng khác. Thứ hai, tái sinh rừng tự nhiên là một qúa trình được nhà lâm học điều khiển và định hướng. Nói khác đi, tái sinh rừng tự nhiên xảy ra dưới ảnh hưởng của các biện pháp lâm sinh. Ví dụ: Nhà lâm học chọn lựa phương thức khai thác, xử lý đất và thực vật tầng thấp... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát tán hạt, sự nảy mầm và sinh trưởng của cây con sau này. Như vậy, chúng ta có thể xem tái sinh tự nhiên của rừng là một trong những phương pháp để tái sinh rừng.

(2) Tái sinh rừng nhân tạo. Tái sinh rừng nhân tạo là qúa trình hình thành thế hệ mới bằng con đường nhân tạo. Ví dụ: Trồng rừng mới bằng cây con nuôi dưỡng trong vườn ươm, hoặc trồng rừng mới bằng cách gieo hạt trực tiếp...

(3) Tái sinh rừng phối hợp. Tái sinh rừng phối hợp là qúa trình hình thành thế hệ mới của rừng bằng cách phối hợp giữa tái sinh tự nhiên với tái sinh nhân tạo trên cùng một khoảnh rừng. Ví dụ: Trên khoảnh khai thác trắng, người ta vừa giữ lại cây non chưa đến tuổi khai thác vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự gieo giống tự nhiên từ nguồn cây mẹ để lại, đồng thời trồng thêm những cây non vào những nơi thiếu cây tái sinh tự nhiên hoặc nguồn giống không thể phân tán đến.

Theo nguồn gốc tái sinh, người ta phân biệt tái sinh hạt - cây con hình thành từ nguồn hạt giống và phát triển thành rừng hạt, và tái sinh chồi - cây con phát sinh từ các chồi sẵn có trên gốc cây mẹ, trên rễ, trên thân, trên cành và hình thành rừng chồi. Cả hai hình thức tái sinh rừng này có thể đồng thời cùng xảy ra trên một khoảnh rừng. Mỗi kiểu tái sinh rừng diễn ra theo cách thức khác nhau, đồng thời có ý nghĩa lâm sinh - kinh tế khác nhau.

Tái sinh rừng là một hiện tượng sinh học quan trọng nhất trong đời sống của rừng. Qúa trình tái sinh rừng diễn biến qua nhiều giai đoạn khác nhau: (1) sự hình thành cơ quan sinh sản và phấn hoa, (2) sự thụ phấn, (3) sự hình thành quả, (4) quả chín và rụng, (5) sự nảy mầm và hình thành cây mầm, (6) giai đoạn cuối cùng (theo quy ước) là sự hình thành lớp cây non cho đến khi chúng xâm nhập được vào tán rừng. Tái sinh rừng diễn ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: (1) dưới tán rừng, (2) trên nơi đất trống trước kia đã có rừng, (3) trên đất trống chưa hề có rừng (ví dụ, các bãi bồi ven sông, biển). Trong điều kiện dưới tán rừng, các giai đoạn tái sinh diễn ra không rõ nét như trên đất trống.

Khi nghiên cứu tái sinh rừng, nhà lâm học phải làm rõ những vấn đề sau đây:

1. Xác định thành phần loài cây và đặc điểm của các thế hệ (cây mầm, cây mạ, cây con, thành phần cây hạt và chồivà tương quan số lượng và chất lượng của chúng, trạng thái sức sống của cây tái sinh và quy luật phân bố của cây tái sinh trong không gian...).

2. Xác định những nhân tố sinh thái, đặc biệt là những nhân tố chủ đạo, có tác dụng chi phối toàn bộ qúa trình tái sinh rừng.

3. Làm rõ hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của tái sinh rừng, đồng thời xác định biện pháp kỹ thuật cơ bản để xử lý môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tái sinh rừng đạt được hiệu quả tốt nhất.
9.5.2. Tái sinh rừng bằng hạt
Tái sinh hạt là qúa trình tái sinh rừng trong đó các thế hệ non hình thành từ hạt. Qúa trình tái sinh hạt bao gồm nhiều giai đoạn (pha): pha thứ nhất được kể từ lúc cây mẹ bắt đầu hình thành cơ quan sinh sản và phấn hoa đến khi hình thành quả, quả chín, sự phát tán quả và hạt; pha thứ hai được tính từ khi hạt tiếp đất đến lúc hoàn thành qúa trình nảy mầm; pha thứ ba tiếp theo pha thứ hai đến khi hình thành cây mạ (chiều cao khoảng 20-30cm); pha thứ tư tiếp theo pha thứ ba đến khi cây con xâm nhập vào tán rừng (tán cây mẹ) hoặc có thể sống độc lập mà không cần sự che chở của tán cây mẹ. Độ dài của mỗi pha tùy thuộc vào loài cây. Trong thực tiễn sản xuất, người ta quan tâm chủ yếu đến các pha từ khi quả chín rụng tiếp đất đến lúc lớp cây con xâm nhập được vào tán rừng hoặc có thể sống độc lập mà không cần sự che chở của tán cây mẹ. Tái sinh hạt thành công về căn bản là nhờ vào các yếu tố: (1) số lượng và chất lượng nguồn cây giống, (2) năng suất và chất lượng hạt giống, (3) điều kiện môi trường cho sự phát tán và sự nảy mầm của hạt giống, (4) điều kiện tồn tại của cây mầm, cây mạ và cây con.

(1) Thời kỳ ra hoa, quả và nhân tố ảnh hưởng
Nhiều nghiên cứu cho thấy tập tính ra hoa quả của cây rừng có biến đổi rất nhiều; điều đó tùy thuộc vào đặc tính sinh học - sinh thái của mỗi loài cây và những biến đổi của môi trường. Trong rừng mưa tự nhiên, những loài cây mọc ở tầng tán rừng ra hoa theo mùa khá rõ rệt, còn những loài cây phân bố trong tầng lâm hạ ra hoa liên tục hoặc thành từng thời kỳ cách nhau thất thường. Người ta cũng thấy, những điều vừa nói chỉ đúng với những nơi có khí hậu biến đổi tương đối yếu theo mùa. Đối với những khu vực mà khí hậu thay đổi rõ rệt theo mùa, các loài cây thường sinh sản vào một mùa nhất định trong năm. Hiên tượng cây rừng ra hoa quả theo mùa thấy khá rõ trong những quần xã cây họ Dầu của khu vực Đông Nam Á và một số quần thể cây rừng thuộc khu vực á nhiệt đới và ôn đới.

Một đặc điểm nổi rõ của ở cây rừng mưa là chúng ra hoa quả rất thất thường. Đặc tính này biểu hiện rõ rệt ở cây họ Dầu. Landon (1957) đã quan sát thấy mùa sai quả của cây họ Dầu thuộc khu vực Đông Nam Á diễn ra 2 - 5 năm một lần; một số loài thuộc chi Shorea mọc trên núi có thể phải qua 17 năm mới có một mùa sai quả. Theo Mackenzie và Kirkland (1961), tính chất ra hoa thất thường ở cây rừng mưa là có quan hệ với điều kiện khí hâu không được như bình thường.

Một đặc điểm khác của cây rừng mưa là quả chín rất sớm sau khi ra hoa. Thời kỳ này ở đa số các loài cây là 4 - 6 tháng, chỉ một số ít loài kéo dài đến một năm (cây lá kim). Ở những khu vực có khí hậu phân thành hai mùa rõ rệt, trong đó có một mùa khô khá khắc nghiệt, người ta thấy thời điểm phát tán hạt giống thường là cuối mùa khô hay nửa đầu của mùa mưa ẩm.

Như vậy, tập tính ra hoa quả ở cây rừng mưa có biến đổi rất nhiều. Một số loài cây mọc ở tầng thấp, kể cả cây của rừng thứ sinh, ra hoa quả vào phần lớn thời gian trong năm. Ngược lại, những loài cây gỗ to lớn, mọc ở tầng trên, thông thường là loài hợp mục đích, lại ra hoa quả theo mùa một cách khá thất thường. Từ những đặc điểm này cho thấy, nếu chúng ta chỉ dựa vào nguồn hạt giống của một mùa nhất định thì khó có thể xây dựng được một phương thức xử lý rừng mưa thích hợp.



(2) Sự phát tán hạt giống và nhân tố ảnh hưởng

Sự phát tán hạt giống của cây rừng mưa diễn ra theo nhiều cách thức khác nhau; điều đó tùy thuộc vào loài cây và vị trí của cây trong tán rừng. Những cây mọc ở tầng thấp có khuynh hướng phát tán nhờ động vật, còn cây tầng trên - nhờ gió. Bảng 9.1 dẫn kết quả nghiên cứu của Zone về cơ chế phát tán hạt của cây rừng mưa tại Nijêrya.

Nhiều động vật rừng (chim, sóc, chồn, chuột...) trong lúc thu lượm thức ăn đã vận chuyển quả và hạt cây rừng đi xa. Chính nhờ các tác nhân này mà nhiều loài cây có cơ hội tốt để mở rộng vùng phân bố của mình ra khỏi quần thể. Đối với các khoảnh đất trống chưa có cây gỗ mọc, sự phát tán quả và hạt nhờ gió và động vật có ý nghĩa rất lớn. Cây rừng mưa còn có một kiểu phát tán khác, đó là phát tán nhờ trọng lực của quả và hạt. Do kiểu cách phát tán này mà quả, hạt và cây con thường phân bố tập trung trong một phạm vi hẹp của hình chiếu tán cây mẹ, và từ đó sẽ hình thành rừng có cấu trúc dạng bức khảm khá rõ. Ngoài ra, sự phát tán của các loài cây còn nhờ vào sự trợ giúp của con người. Trong qúa trình phát triển của lịch sử loài người, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, con người đã có tác dụng cải biến sâu sắc nguồn gốc các loài cây: thuần hóa giống cây, nhập nội và nhân giống cây mới...Chính nhờ hoạt động sống của con người mà nhiều loài cây sống ở các miền địa lý rất xa đã được con người chuyển đến nơi ở mới.
Bảng 9.1. Cơ chế phát tán hạt của cây rừng mưa tại Nijêrya
(Dẫn theo Vương Tấn Nhị, 1976)


Cơ chế

Cây gỗ

tầng trên



Cây gỗ

tầng giữa



Cây gỗ

tầng dưới



Số loài

%

Số loài

%

Số loài

%

1. Phát tán nhờ gió

2. Quả ăn được

3. Quả nẻ tung hạt ra

4. Không có cơ chế riêng

5. Nghi ngờ

Tổng cộng


18

18

1



1

1

39



46

46

3



3

3

100



4

32

1



6

2

45



9

71

2



13

5

100



3

29

1



4

2

39



8

74

3



10

5

100


Khi giải quyết vấn đề tái sinh tự nhiên của rừng, nhà lâm học cần phải tính đến môi trường ảnh hưởng của cây giống. Nói khác đi, nhà lâm học cần phải xác định khoảng cách thích hợp cho sự phát tán quả và hạt. Những hạt càng nặng thì khoảng cách phát tán của chúng càng gần. Ngược lại, những hạt càng nhẹ thì khoảng cách phát tán của chúng càng xa. Ngoài ra, các vật cản (tán rừng, thảm cây bụi, thảm cỏ...) trên đường phát tán của quả và hạt cũng có ảnh hưởng rất lớn. Trong điều kiện dưới tán rừng, vì bị tán cây gỗ, cây bụi và dây leo ngăn cản nên quả và hạt luôn khó phát tán đi xa.


(3) Sự nảy mầm của hạt giống và nhân tố ảnh hưởng
Sức sống, điều kiện nảy mầm của hạt giống và qúa trình hình thành cây mầm ở cây rừng mưa có biến đổi rất nhiều. Đặc điểm cơ bản của qúa trình nảy mầm ở cây rừng mưa có thể tóm tắt như dưới đây.

1. Sau khi phát tán, tuổi thọ của hạt giống biến đổi rất nhiều. Theo Barnard (1954), hạt giống của cây họ Dầu mất sức nảy mầm rất nhanh. Thật vậy, hạt của chi Shorea có tỷ lệ nảy mầm 88% ngay sau khi thu hái, 92% sau một tuần cất trữ, hoàn toàn không nảy mầm sau khi thu hái hai tuần. Nhưng hạt giống của loài Acacia dealbata lại có khả năng sống bền dai đến 400 năm (Gilbert, 1959).

2. Phần lớn hạt giống của cây rừng mưa nảy mầm ngay sau khi rụng xuống đất ít ngày, thậm chí hạt của một số loài nảy mầm ngay từ trên cây. Trường hợp đầu gặp phổ biến ở cây họ Dầu, còn trường hợp sau có thể thấy ở các loài cây mọc ven sông và biển (Mấm trắng, Đước, Vẹt...). Ngược lại, hạt của một số loài chỉ nảy mầm dễ dàng nếu đã qua xử lý đặc biệt (bằng nhiệt, cơ giới, hoặc qua đường tiêu hóa của động vật...). Ở những lập địa bị đảo lộn, nhờ có nhiệt độ đất nâng cao, nên hạt của các loài cây gỗ của rừng thứ sinh nảy mầm khá dễ dàng.

3. Một số cây gỗ của rừng thứ sinh chỉ tái sinh nhờ vào nguồn hạt lưu trữ trong đất qua một thời gian dài. Nhờ vào sự đảo lộn trong hoàn cảnh lập địa của rừng mưa (ví dụ: tán rừng được mở trống do khai thác hay làm nương rẫy, nhiệt độ nâng cao ở sàn rừng…) đã tạo cơ hội cho hạt giống nảy mầm. Nhiều loài cây (ví dụ: một số loài thuộc chi Eucalyptus và Keo lá tràm...) có thể nảy mầm dưới tán rừng kín ẩm, nhưng không có cây mầm nào sống sót. Hạt của một số loài nảy mầm nhanh chóng trong vòng một vài tuần lễ sau khi rơi xuống đất, cây non sinh trưởng rất nhanh để vượt lên khỏi lớp cây xâm chiếm.

Từ những đặc điểm trên, chúng ta có thể phân chia cây rừng mưa thành một số nhóm theo kiểu cách nảy mầm của hạt giống như sau:



1. Kiểu thứ 1 là những loài cây mà hạt giống của chúng chỉ nảy mầm ở ngoài sáng. Đây là những loài cây mang những đặc điểm: (1) thường mọc ở những lập địa bị đảo lộn, (2) hạt giống của chúng có sức sống khá bền dai, (3) hạt chỉ nảy mầm khi mặt đất bị đảo lộn, (4) hạt không nảy mầm được trong điều kiện có bóng rợp.

2. Kiểu thứ hai là một số loài chỉ mọc ở lập địa bị đảo lộn, hạt giống giữ được sức sống không lâu trong đất. Nhóm này bao gồm những loài cây có đặc điểm cơ bản sau đây: (1) hạt giống của chúng phát tán hầu như quanh năm hoặc vào một số thời gian nhất định, (2) cây mầm chỉ hình thành khi gặp điều kiện thuận lợi như môi trường bị đảo lộn do khai thác, do cây già chết, do cháy rừng, (3) hạt chỉ nảy mầm trong bóng râm, cây mầm chịu bóng nhưng cây con đòi hỏi ánh sáng tương đối mạnh, và nhờ có lỗ trống được mở ra, những cây mầm và cây mạ có sẵn dưới tán rừng sẽ nhanh chóng sinh trưởng để chiếm đoạt lỗ trống. Người ta gọi những loài cây thuộc nhóm này là “nhóm cây lợi dụng cơ hội lỗ trống”. Đại diện của nhóm cây này là một số loài cây gỗ thuộc họ Meliaceae và Dipterocarpaceae (Dầu rái, Dầu song nàng,Vên vên…).

3. Kiểu thứ ba là những loài chỉ nảy mầm tốt trong điều kiện có bóng râm. Những loài cây của nhóm này có nguồn hạt được tích lại trong đất khá nhiều, sự nảy mầm của hạt giống thường bị trì hoãn, nhiều hạt giống rơi xuống đất không nảy mầm ngay mà sống tiềm ẩn qua nhiều tháng hoặc lâu hơn. Nói chung, đây là những loài cây mà hạt giống của chúng không thể nảy mầm dưới ánh sáng hoàn toàn, cây mầm sống bền dai, có tính chịu bóng cao, có khả năng vươn lên tầng trên rất kém.

Tóm lại, có thể phân chia cây rừng mưa thành ba nhóm theo tính cách nảy mầm của hạt giống: (1) các loài cây mà hạt giống của chúng có sức sống ngắn và cây mầm không có khả năng chịu bóng, (2) các loài cây mà cây mầm của chúng có khả năng sống bền lâu, (3) các loài cây mà hạt giống của chúng có sức sống tương đối dài và cây mầm có thể chịu bóng cao. Việc phân chia 3 nhóm cây như trên cho phép chúng ta hiểu biết rõ về tập tính sinh thái tái sinh của cây rừng mưa.



(4) Những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của cây con
Sau khi cây mầm mọc lên vững vàng, một lần nữa các nhân tố sinh thái lại có vai trò to lớn trong việc quyết định sự tồn tại và sinh trưởng của cây con. Để dễ dàng cho việc nghiên cứu và xử lý tái sinh rừng, chúng ta có thể phân chia các điều kiện chi phối đến sự hình thành cây con thành 2 trường hợp: tái sinh dưới tán rừng và tái sinh trên nơi đất trống.
a. Tái sinh dưới tán rừng
Tái sinh dưới tán rừng thường gặp điều kiện thuận lợi và khó khăn sau đây:

Điều kiện thuận lợi


  • Nhờ có nguồn cây giống hết sức phong phú, nên nguồn hạt giống cũng phong phú, số lượng lớn và có chất lượng cao.

  • Độ ẩm của đất và thảm mục ổn định hơn, đất giàu dinh dưỡng khoáng và mùn.

  • Cường độ ánh sáng có giới hạn đủ để bảo vệ cây non.

  • Tán rừng làm giảm nhẹ sự tác động của ánh sáng trực xạ và nhiệt độ cao, do đó cây mầm và cây con không bị đốt nóng hay giá lạnh.

  • Cường độ ánh sáng thấp đã hạn chế sự phát triển của các loài hòa thảo; điều đó cũng làm giảm thấp quan hệ cạnh tranh giữa cây gỗ non và thảm cỏ.

  • Do có sự phong phú về hệ vi sinh vật và động vật sống trong đất, đặc biệt là nấm rễ, đã tạo điều kiện cho nhiều loài cây phát sinh và phát triển tốt.



Điều kiện khó khăn


  • Sự thiếu hụt ánh sáng thường xuyên đã kìm hãm sự phát triển của cây non, nhất là các loài ưa sáng, làm giảm hiệu suất quang hợp của cây con, do đó gây khó khăn cho sự tồn tại và phát triển của chúng.

  • Giữa hệ thống rễ cây mẹ và cây con có sự cạnh tranh khốc liệt về nước và dinh dưỡng khoáng.

  • Trong trường hợp cây tầng thấp và thảm cỏ phát triển mạnh, tầng vật rụng dày thì hạt giống khó tiếp đất và nảy mầm, cây mầm không đủ điều kiện để tồn tại.

Tái sinh tự nhiên dưới tán rừng có thể xảy ra liên tục hoặc có tính định kỳ. Loại đầu thường gặp ở các quần xã thực vật gồm nhiều loài cây chịu bóng, ra hoa quả đều đặn trong năm. Trong trường hợp này, chúng ta luôn gặp được cây con ở mọi tầm cao và tuổi khác nhau. Quần thụ hình thành theo kiểu tái sinh liên tục là quần thụ phức tạp với kết cấu nhiều tầng thứ, nhiều cấp tuổi và kích thước khác nhau. Ngược lại, tái sinh rừng theo định kỳ luôn có quan hệ với sự dao động theo chu kỳ của các tác động từ bên ngoài (khai thác, cháy rừng...) cũng như sự ra hoa quả có tính chất định kỳ của các loài cây. Ở trường hợp này có sự phân hóa khá rõ rệt cả về kích thước (tuổi) và mật độ giữa các thế hệ cây tái sinh. Do đó, nếu ở trường hợp đầu rừng phù hợp với khai thác chọn, thì ở trường hợp sau lại thích hợp với khai thác dần hoặc khai thác trắng theo băng, theo đám.
b. Tái sinh tự nhiên trên đất trống

Đất trống có thể được hiểu là một khoảnh khai thác trắng, một đám rừng nhỏ bị cháy, các lỗ trống phát sinh do cây già bị đổ gãy hoặc do chặt chọn từng cây và đám cây thành thục...So với điều kiện dưới tán rừng, môi trường trên khoảnh đất trống biến đổi lớn hơn, và vì thế đời sống của cây tái sinh cũng thay đổi mạnh hơn. Trên môi trường đất trống, qúa trình tái sinh rừng gặp những điều kiện thuận lợi và khó khăn sau đây.



Những điều kiện thuận lợi


  • Nguồn ánh sáng được đảm bảo đủ cho sinh trưởng và phát triển của cây con.

  • Sự cạnh tranh gay gắt giữa thế hệ cây con với thế hệ cây mẹ không xảy ra.

  • Có đủ điều kiện thuận lợi cho sự phân giải thảm mục và khoáng hóa chất hữu cơ, tăng cường sự hoạt động của vi sinh vật đất.

  • Dễ dàng cho việc xủ lý đất bằng cơ giới hóa và chống lửa rừng.

  • Do được tán rừng xung quanh bảo vệ tốt, nên cây con phân bố bên các vách rừng tránh được những biến đổi xấu do ảnh hưởng của môi trường cực hạn.



Những điều kiện khó khăn


  • Có thể có điều kiện nhiệt độ cực hạn (cao hoặc thấp).

  • Đất có thể khô hạn và hình thành lớp váng cứng trên bề mặt, điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến sự bắt rễ của cây mầm và cây mạ.

  • Sự phát triển mạnh của cỏ dại trở thành nhân tố cản trở sự tiếp đất của hạt giống, đôi khi xảy ra sự cạnh tranh khốc liệt với cây gỗ non về nước và dinh dưỡng khoáng.

  • Ánh sáng khá phong phú có thể làm cho nhiều loài cây chịu bóng bị đào thải, nhất là khi lỗ trống được mở ra đột ngột do khai thác hay cây già đổ gẫy.

Ở những nơi mà môi trường bị đảo lộn do ảnh hưởng của lửa hay do canh tác, cây tái sinh của những loài cây gỗ rừng mưa sẽ mọc lên nhanh chóng. Chúng thuộc những loài mà hạt giống có thể sống bền dai trong đất hoặc những loài mà cây mầm thường bị chết trong điều kiện bóng rợp. Nhiều loài cây trong số này đặc trưng cho diễn thế thứ sinh hoặc diễn thế cưỡng chế dưới ảnh hưởng của lửa và những tác nhân khác. Trong những lỗ trống lớn và ở nơi có lửa tràn qua, những loài cây không có khả năng chịu bóng sẽ xuất hiện. Đó là các loài cây gỗ thuộc chi Shorea, Dipterocarpus và một số cây bụi, dây leo..Vì những loài cây này sinh trưởng rất nhanh, nên sau một thời gian ngắn chúng đã che phủ kín mặt đất bị đảo lộn. Trong một vài trường hợp, một số loài phát triển rất mạnh đã nhanh chóng trở thành loài ưu thế đơn độc. Phần lớn các loài cây này là loài cây ưa sáng, giữ vai trò ưu thế trong giai đoạn đầu của qúa trình diễn thế, có kích thước nhỏ, đời sống ngắn, gỗ mềm và nhẹ. Van Steenis (1957) gọi những loài cây này là các loài cây tiên phong tạm thời. Căn cứ vào đời sống của các loài cây tiên phong, Thái Văn Trừng (1978) phân biệt chúng thành hai nhóm: tiên phong tạm thời và tiên phong định cư. Những loài cây gỗ tiên phong tạm thời có đời sống ngắn, trung bình từ 10-20 năm, gỗ nhẹ và mềm. Một số đại diện của nhóm cây tiên phong tạm thời thường gặp là Ba bét (Mallotus apelta), Hu nâu (Mallotus cochinchinensis), Ba soi (Macaralga denticulata), Hu đay (Trema ancustifolia), Bồ đề (Styrax tonkinensia)... Những loài cây tiên phong định cư thường có đời sống dài hơn và tồn tại cùng với các loài định cư; ví dụ: Mỡ (Manglietia glauca), Ràng ràng mít (Ormosia palansae), Lim xẹt (Peltoforum tonkinensis)...Cả hai nhóm cây tiên phong này có thể đều cùng xuất hiện trên đất trống. Vì nhóm cây tiên phong định cư có đời sống dài hơn, thân hình cao lớn hơn, nên chúng có thể tồn tại trong rừng già cùng với các loài định vị. Những loài cây tiên phong định cư có khả năng tái sinh rất kém hoặc hầu như không thấy tái sinh dưới điều kiện tán rừng kín.

Cần nhận thấy rằng, sau khi phát triển thành tán kín, do qúa trình đào thải tự nhiên diễn ra mạnh mẽ, mật độ của những loài cây ưa sáng trở nên thưa dần. Trong điều kiện như thế, những cây mầm của các loài chịu bóng có đời sống dài hơn sẽ phát sinh nhanh chóng và có xu hướng vươn lên dành ưu thế trước các loài ưa sáng. Những loài cây chịu bóng này thường là những loài có giá trị về mặt lâm sinh. Những cây mầm thuộc nhóm cây chịu bóng thường sinh trưởng rất chậm trong những năm đầu, nhưng khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi (ví dụ: lỗ trống được mở ra do một vài cây già chết đi) thì chúng sinh trưởng khá nhanh. Chính nhờ khả năng sinh trưởng nhanh sau khi gặp điều kiện thuận lợi, và vì các loài cây thứ sinh chết dần đi, nên các loài chịu bóng dần dần vượt lên dành ưu thế trong quần xã. Theo Barnard (1954), đây là đặc điểm sinh học quan trọng của những loài cây rừng mưa thuộc tầng trên cùng.

Trong rừng ẩm nhiệt đới của khu vực Đông Nam Bộ nước ta, những cá thể trưởng thành của các loài cây thuộc họ Dầu (Dầu song nàng, Dầu rái, Vên vên...) đòi hỏi ánh sáng rất cao. Tuy vậy, khi còn là cây mạ, chúng có khả năng chịu bóng rất cao, có thể sống qua một số năm (2-5 năm đầu) dưới tán rừng kín. Nhưng khi đã đạt chiều cao từ 50cm trở lên, chúng đòi hỏi ánh sáng khá cao. Ở thời điểm này, nếu các lỗ trống với kích thước từ 100 - 300 m2 được mở ra thì tốc độ tăng trưởng chiều cao của chúng có thể đạt trung bình 70 - 150 cm/năm, và chỉ sau 3-5 năm chúng đã có thể vươn lên được tầng tán rừng. Nhiều quan sát cho thấy, sự thành công trong tái sinh của những loài cây thuộc họ Dầu sống trong rừng ẩm luôn phụ thuộc vào lỗ trống có được mở ra đúng lúc hay không. Đây là một đặc điểm sinh thái quan trọng của cây họ Sao-Dầu mọc trong rừng ẩm.



tải về 291.83 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương