Chương II khái-quan về con ngưỜI


TRÍ THÔNG-MINH, LÒNG TÍN-NGƯỠNG VÀ TRỰC-GIÁC CỦA NGƯỜI



tải về 234.74 Kb.
trang5/10
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích234.74 Kb.
#38058
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

2. TRÍ THÔNG-MINH, LÒNG TÍN-NGƯỠNG VÀ TRỰC-GIÁC CỦA NGƯỜI.




Sự quan-sát chứng tỏ một cách chắc rằng người có trí thông-minh. Đó là khả-năng làm cho người hiểu biết những sự liên-quan giữa các sự vật. Khả-năng này không phải đồng đều ở tất cả mọi người. Nó khác nhau từng người, về tánh chất cũng như về lượng. Mặt dầu trí thông-minh không phải là một vật cụ-thể, người ta có thể đo lường nó được. Nhưng sự đo lường này chỉ có thể dựa vào những ước-định xã-hội. Nó cũng giúp ta đánh giá được con người về phương-diện trí-tuệ, nhung không phải rõ rệt chắc-chắn như những sự đo lường toán-học.
Dầu trí thông-minh của người nhiều ít thế nào, nó cũng phải có vận-dụng tập tành và có gặp nhiều điều-kiện thuận-tiện của hoàn-cảnh thì mới biểu-lộ được. Con người biết chịu khó quan-sát sự vật một cách đầy-đủ và sâu sắc, quen luận-lý một cách có mạch-lạc và minh-xác, cố sử-dụng một ngôn-ngữ rõ ràng, và noi theo một qui-phạm nội-tại chặt-chẽ, có thể tăng-cường khả-năng trí-tuệ của mình. Trái lại, con người chỉ quan-sát mọi vật một cách thiển-cận, sơ sài, quen luận-lý rời rạc, mù mờ, dùng ngôn-ngữ một cách mơ hồ, không noi theo một kỷ-luật tinh-thần và không chịu cố gắng, thì trí-não suy lụt, không thể mở- mang được.
Trí thông-minh của người là một yếu-tố tất-yếu cho sự xây dựng khoa-học. Bù lại khoa-học cũng tăng-cường trí thông-minh. Nó giúp cho người một thái-độ trí-tuệ là sự tin tưởng chắc chắn vào kinh-nghiệm và lý-luận.
Sự tin-tưởng khoa-học tuy vững chắc, nhưng không mạnh mẽ sâu xa bằng sự tín-ngưỡng. Tín ngưỡng vốn không dựa vào lý-luận nên không thể đánh đổ bằng lý-luận. Gặp nó, khoa-học thường đành phải chịu nhượng-bộ, vì ít khi có thể phá vỡ nó được.
Ngoài ra người ta lại còn có trực-giác nữa. Đó là một khả-năng giúp người tự-nhiên biết được điều người cần biết. Dưới một vài hình-thức, nó là một lý-luận nhanh chóng, tiếp theo một sự quan-sát mau lẹ. Nhưng có khi nó phát-hiện tự-nhiên, không có quan-sát gì, cũng không phân-tích lý-luận gì. Ta có thể so sánh người dùng trực-giác để hiểu biết và người dùng trí thông-minh để hiểu biết với người đi qua núi theo đường hầm và người qua núi theo đường trên núi. Một bên đi nẻo tắt nên đến mục-đích nhanh hơn, nhưng không thấy phong cảnh bên ngoài thế nào, một bên thấy cả phong-cảnh núi nhưng phải vất vả và mất nhiều thì giờ. Như vậy, trực-giác là một phương-pháp trí-thức mạnh mẽ : nó giúp cho người khỏi mất thì giờ, nhưng nó rất nguy-hiểm, vì không dựa vào lý-luận minh-bạch, thành ra người ta khó phân-biệt nó với ảo-tưởng.


3.- TÌNH-CẢM VÀ NĂNG-KHIẾU LUÂN-LÝ CỦA NGƯỜI.

Khi suy nghĩ, quan-sát và lý-luận, người cũng đồng-thời sung sướng hay khổ sở, hoảng-hốt hay điềm-tỉnh, bị sự kỳ-vọng, sự ham thích kích-thích cho hăng hái, hay sự hiềm-ố làm cho chán nản. Thật ra, con người thấy thế-giới dưới những bộ mặt khác nhau tùy theo trạng-thái tình-cảm và sanh-lý của mình. Những trạng-thái này là nền tảng của ý-thức người trong sự hoạt-động trí-tuệ.

Thất tình của người có thể làm rối loạn lý-trí của người. Trong khi buồn, giận, thương, vui, oán ghét… quá-độ, người có thể có những hoạt-động hay ngôn-ngữ điên rồ, không sáng suốt bằng lúc người bình-tĩnh. Khi những tình-cảm của người biểu-lộ, sự giao-hoán hóa-hợp trong cơ-thể cũng biến-đổi khác thường. Tình-cảm càng mãnh-liệt thì sự giao-hoán hóa-hợp trong cơ-thể càng mạnh mẽ và người hoàn-toàn khác với lúc bình-thường. Nhưng trong khi người làm việc bằng trí-tuệ, sự giao-hoán hoá-hợp của cơ-thể vẫn bình-thường, không thay đổi gì nhiều.
Như vậy, đời sống tình-cảm đi sát với đời sống sanh-lý hơn đời sống trí-tuệ. Nó tạo nên tâm-tánh con người. Tâm-tánh này khác nhau từng người, từng dân-tộc. Có người rất trầm-tỉnh, có người lại nóng nảy vô-cùng. Trong các dân-tộc, có dân-tộc nổi danh trầm-tỉnh như dân-tộc Anh, cũng có dân-tộc nổi danh cấp-táo như dân-tộc Tây-ban-nha.
Dưới hình-thức của sự ham muốn, tình-cảm xô đẩy người hoạt-động. Tuy vậy, nó không phải mông-lung phóng-túng, và có thể uốn nắn được nhờ năng-khiếu luân-lý của người.
Năng-khiếu này là một khả-năng làm cho người tình-nguyện khép mình vào một qui-tắc, một hạnh-kiểm nhứt-định, và biết chọn lựa giữa nhiều thái-độ mình có thể có. Nó làm cho người thoát khỏi tánh độc-ác và một đôi khi thoát khỏi óc vụ-lợi. Nó tạo ra ý-niệm nhiệm vụ, bổn-phận. Nó có thật và phát-hiện ở mọi thời-đại lịch-sử. Đời nào cũng có những bực đạo-đức cao-siêu, đáng làm gương mẫu cho loài người.
Năng-khiếu luân-lý cũng như trí thông-minh một phần do nơi cơ-thể mà có. Nó bị sự chi-phối của kết-cấu cơ-bản các tổ-chức tế-bào và đời sống sanh-lý trong thời-kỳ phát-dục. Ngoài ra, nó cũng có tánh-cách thiên-nhiên: người sanh ra đã có những xu-hướng luân-lý khác nhau rồi. Tuy vậy, sự giáo- dục, kỷ-luật tinh-thần và ý-chí có thể giúp người phát-triển những đức-tánh tốt và chế-ngự những bẩm tánh xấu một phần nào.

4.- NHỮNG TRẠNG-THÁI HOẠT-ĐỘNG KHÁC CỦA TÂM-HỒN: NĂNG-KHIẾU THẨM-MỸ VÀ KHUYNH-HƯỚNG THẦN-BÍ.

Ngoài ra trí thông-minh, lòng tín-ngưỡng, trực-giác, tình-cảm và năng-khiếu luân-lý, người lại còn có năng-khiếu thẩm-mỹ và khuynh-hướng thần-bí.


Năng-khiếu thẩm-mỹ là năng-khiếu giúp người nhận -thức và yêu chuộng cái đẹp. Năng-khiếu này không phải đi chung với trí thông-minh. Người dã-man cũng có khiếu thẩm-mỹ. Nhiều khi, khiếu thẩm-mỹ vẫn tồn-tại khi trí thông-minh đã mất. Do đó, người ngu và người điên có thể sản-xuất những tác-phẩm nghệ-thuật được.
Sự chế-tạo ra những hình-thức hay những thanh-âm khêu gợi mỹ-cảm là một sự cần dùng sơ-đẳng tự-nhiên của người. Người từ xưa đến giờ vẫn trông ngắm một cách thích-thú những loài thú, loài hoa, cỏ cây, phong-cảnh. Trong thời-kỳ tiền-sử, người đã biết chạm khắc trên cây, trên đá, trên ngà voi, hình dáng của các loài thú. Người cũng biết trang-điểm tự làm cho mình đẹp hơn. Bây giờ, người vẫn còn thích chế-tạo những đồ vật theo cảm-hứng mình.
Sự hoạt-động mỹ-thuật của người biểu-hiện trong sự sản-xuất và trông ngắm cái đẹp. Cái đẹp là một nguồn khoái-lạc cho những người biết tìm nó. Tuy vậy, ý-niệm về cái đẹp không phải tự-nhiên mà phát-triển được. Nó ở trong ý-thức người một cách tiềm-thế. Nhiều khi nó không thể phát-hiện được. Cũng có khi, nó bị biến-tánh hay là mất hẳn đi. Vì đó, người nhiều khi có thể đang tâm phá-hủy những công-trình nghệ-thuật hoặc sản-xuất những công-trình xấu-xí, thờ phụng một quan-niệm sai lầm về cái đẹp.
Khuynh-hướng thần-bí thật ra rất hiếm. Tuy vậy, nó cũng là một trạng-thái hoạt-động của người. Nhơn-loại bị ảnh-hưởng của tôn-giáo nhiều hơn là của triết-lý. Trong xã-hội cổ-thời, tôn-giáo là nền-tảng đời sống gia-đình và xã-hội. Nó là chủ-nghĩa chánh-trị của xã-hội loài người đời trước.
Dưới hình-thức đơn-giản nhứt, khuynh-hướng thần-bí là lòng tin-tưởng nơi một năng-lực siêu-hình chi-phối võ-trụ. Cao hơn, nó là sự hướng về Thượng Đế, sự đi tìm một cái đẹp tuyệt-đối, tìm cái toàn thiện, toàn mỹ. Nó đưa người đến ý muốn hòa-hợp tâm hồn mình với Thượng Đế, chúa-tể muôn loài.
Hoạt-động tôn-giáo thường hòa-hợp với hoạt-động thẩm mỹ. Các nghi-lễ tôn-giáo phần lớn là hoạt-động thẩm-mỹ: dân-tộc nào cũng dùng những điệu nhảy múa, những bài hát, những cung đàn, trong sự thờ phụng thần-minh, ít nhứt là trong buổi đầu của lịch-sử mình. Chỉ mãi về sau này, những loại hoạt-động tôn-giáo và thẩm-mỹ mới tách nhau ra mà thôi.
Ngoài đại-đa-số loài người có một khuynh-hướng thần-bí đơn-giản và một số giáo-sĩ thường, còn có những người tu khổ-hạnh, có một xu-hướng thần-bí rất mạnh. Sự tu khổ-hạnh bắt buộc người phải quên mình, phải bỏ những tài-vật ở đời. Lúc ban đầu, sự thiếu-thốn làm cho người khổ-sở và lọt vào chỗ mù tối. Có khi người thất-bại ngay trong thời-kỳ này và đâm ra chán-nản, hoặc điên rồ. Nhưng nếu vượt qua được giai-đoạn này, người sẽ thảnh thơi, thấy mình dứt được việc hồng-trần, được giải-thoát khỏi sự ô-trọc của cuộc đời. Người sẽ cảm thấy mình hòa-hợp với linh-hồn Thượng Đế.
Cảm-giác thảnh-thơi an-nhàn này thật hay là giả ? Nó là ảo-tưởng hay thật là một cuộc phiếm-du của tâm-trí người ra ngoài thế-giới mà thường-nhơn nhận-thức, hay chỉ là một sự tự-kỷ ám-thị ? Ta không thể biết được, chỉ nên nhận rằng những người có óc thần-bí mạnh mà tu khổ-hạnh thật-sự có được thơ thới yên-ổn, có một đời sống nội-tại phong-phú. Vậy, ta phải công nhận rằng khuynh-hướng thần-bí cũng có thật như khiếu thẩm-mỹ. Đối với nhà thần-bí cũng như đối với nhà nghệ-sĩ, chỉ có cái đẹp họ trông ngắm là thật-tại trên đời.



tải về 234.74 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương