Chương II khái-quan về con ngưỜI


- NHỮNG ĐẶC-TÁNH CỦA BẢN-NĂNG



tải về 234.74 Kb.
trang10/10
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích234.74 Kb.
#38058
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

3.- NHỮNG ĐẶC-TÁNH CỦA BẢN-NĂNG.

a)- SỰ PHỨC-TẠP CỦA BẢN-NĂNG.

Vấn-đề bản-năng của người là một vấn-đề hết sức phức-tạp. Để cho dễ bề nghiên-cứu, ta phải phân nó ra làm ba loại : vị-kỷ, tình-dục và xã-hội, và nhận ra trong mỗi loại vài bản-năng chánh-yếu. Nhưng, như ta đã thấy sơ qua trong sự khảo về khuynh-hướng tôn-giáo, các bản-năng này nhiều khi trộn lộn nhau một cách chặt chẽ và làm cho ta khó qui-định tánh-cách của nó một cách rõ ràng.


Sau lòng ham súc-tích tiền bạc để dành, ta có thể nhận thấy ý muốn bảo-đảm cho mình những phương-tiện cần-thiết để thỏa-mãn nhu-cầu dinh-dưỡng, thêm vào sự cần dùng bảo-đảm sự tự-do của mình trong xã-hội, và ý muốn được kính-nể trọng-vọng hơn kẻ khác. Trong tình yêu của người, ngoài cái bản-năng tình-dục làm nền tảng, lại còn có thể có một sự thích-mến vì tánh-tình tư-tưởng, hoặc ý muốn ngự-trị, chinh-phục người yêu. Trong sự cố gắng của người để làm một công-trình vĩ-đại, hữu- ích cho xã-hội, có ý muốn phụng-sự đoàn-thể, nhưng cũng có ý muốn được trọng-vọng ngợi khen.
Nhiều khi các bản-năng bị những điều-kiện xã-hội chi-phối một cách mạnh mẽ. Bản-năng mẫu- ái lắm lúc bị biến hình hay chế-ngự vì quan-niệm xã-hội. Trong nhiều chế-độ cổ, những đứa bé ươn yếu đều bị giết chết. Ở những xã-hội trọng nam khinh nữ, người ta nhiều khi nhẫn tâm bỏ rơi con gái không thèm nuôi ngay từ lúc nó mới sanh ra.
Một mặt khác, trong những bản-năng tình-dục hay xã-hội, có khi yếu-tố vị-kỷ xuất-hiện một cách rõ rệt. Người ta lắm lúc chỉ phụng-sự đoàn-thể vì lợi riêng, vì muốn có địa-vị, quyền-lợi hay danh-vọng. Ngay sự thương-yêu con cái cũng bị sự chi-phối của lòng vị-kỷ. Người ta thường yêu đứa con thông-minh, có thể làm rạng rỡ tông-môn, hay đức con hiếu-thuận chịu nghe lời, hơn đứa con ngu độn hay ngang ngược, mặc dầu những đứa ngu độn hay ngang ngược – vốn không chịu trách-nhiệm về tài năng và bản-tánh mình – sẽ phải thất-bại ở trường đời và đáng được thương hơn.

b.- SỰ SẮP HẠNG CÁC BẢN-NĂNG.

Những bản-năng của người vốn không phải phát-sanh một lượt với nhau. Nó được cấu-tạo lần lượt theo sự tiến-hóa của loài người từ khi cái tế-bào thủy-tổ mới xuất-hiện cho đến lúc đã có hình người và sống thành xã-hội văn-minh. Cố-nhiên là những bản-năng vị-kỷ đã phát-hiện trước tiên, nhứt là bản-năng tự-vệ và bản-năng dinh-dưỡng. Hai bản-năng này, ngay đến các sanh-vật đơn tế-bào như con trùng a-míp (amibe) cũng có, và chắc chắn là cái tế-bào nguyên-thủy tiên-tổ của loài người đã có rồi. Từ khi phát-hiện, nó duy-trì mãi không lúc nào mất. Vì đó, nó mạnh mẽ vô-cùng.


Những bản-năng tình-dục chỉ xuất-hiện với sự sanh-dục hữu-tính, nghĩa là lúc người phân ra nam nữ. Những bản-năng phụ-thuộc vào bản-năng tình-dục như bản-năng gia-đình, bản-năng mẫu-ái, bắt đầu có khi đời sống loài người vào thờI-kỳ ấu-trĩ không đủ sức tự mưu-sanh của người đã kéo dài ra.
Sau hết, những bản-năng xã-hội chỉ lần lần thành-hình sau khi người sống chung nhau thành đoàn-thể.
Những điều-kiện sanh-hoạt của loài người trong giai-đoạn tiến-hóa hàng triệu năm trên này cố- nhiên có thay đổi và những bản-năng do sự tranh-đấu với hoàn-cảnh mà được cấu-tạo cũng có biến chuyển theo. Nhưng có lẽ từ khi con người thành hình người đến giờ, sự biến-chuyển này diễn-tiến một cách rất chậm chạp hầu như không có.
Nói một cách khái-quát thì bản-năng nào xuất-hiện trước và có một đời sống lâu dài hơn phải được mạnh hơn. Thêm nữa, những bản-năng được người vun bồi thì phát-triển mạnh lên, những bản-năng bị chế-ngự thì yếu sức bớt đi. Do đó, xét chung nhơn-loại thì các bản-năng vị-kỷ mạnh hơn các bản-năng tình-dục, và các bản-năng tình-dục mạnh hơn các bản-năng xã-hội. Nhưng xét về phần cá-nhơn, thì sự khác nhau có thể vô-cùng, vì hoàn-cảnh vật-chất và tâm-lý của mỗi người làm cho các bản-năng của người phát-triển không đều nhau : có những bản-năng bị thâu nhỏ lại hay lớn ra một cách quá đáng. Vì đó, trong xã-hội, ta có thể gặp những người hết sức vị-kỷ và những người đam-mê tình-dục bên cạnh những người có bản-năng xã-hội hết sức mở-mang và sẵn sàng hy-sanh mình cho quyền- lợi chung ngay trong khi sáng suốt.
Một số khuynh-hướng phụ-thuộc bản-năng như khuynh-hướng giết người thuộc bản-năng tự-vệ, thích-hợp với đời sống cô-độc của người rừng, nhưng không thích-hợp với đời sống tập-thể của người văn-minh. Do đó, ở phần lớn con người, nó bị đè nén không phát-triển được.
Tuy nhiên, có khi những điều-kiện vật-chất làm cho các bản-năng thường bị chế-ngự đột-nhiên bị giải thoát : đó là trường-hợp của chiến-tranh, của những cuộc nộI-loạn. Người ta không giải-nghĩa được sự tàn-bạo vô-biên của con người đã văn-minh trong thời-kỳ này nếu không dựa vào sự giải- phóng các bản-năng có từ thời tiền xã-hội và bị xã-hội kềm chế trong trạng-thái bình-thường.

c.- Ý-THỨC NGƯỜI VỀ BẢN-NĂNG VÀ SỰ CHUYỂN-HÓA CÁC BẢN-NĂNG.

Những bản-năng, nhứt là các bản-năng căn-bản, vốn là một yếu-tố tất-yếu của chủng-loại. Nó hỗn-hợp với cơ-thể người nên không thể nào tiêu-diệt được. Nó luôn luôn sống với con người và chỉ mất khi người chết mà thôi. Sự thỏa-mãn một bản-năng thường đưa người đến sự khoái lạc. Nhưng nếu con người đi quá mức, thì lắm khi người thấy khó chịu, chán ngán ; sự đam mê tửu sắc không những có hại cho thân-thể mà còn làm cho con người uể oải, dã dượi những lúc rượu tỉnh canh tàn.


Các loài thú luôn luôn tuân theo bản-năng mình một cách vô-ý-thức ; nó không hiểu cứu-cánh của cử-động nó, và tự-nhiên không thấy được vai tuồng của bản-năng. Một số đông người cũng không có ý-thức gì về bản-năng, và lắm khi không thấy đến cứu-cánh của việc mình làm. Do đó, đối với phần đông, bản-năng thường có tánh-cách vô-ý-thức. Tuy nhiên, những người đã đạt được một trình-độ khá cao, nếu không hiểu rõ về các bản-năng, cũng có thể có ít nhiều ý-thức về cứu-cánh của những cử-động do bản-năng thúc giục mà có. Nhờ đó, người ta có thể thay đổi cứu-cánh ấy một phần nào.
Khi cơ-thể có một nhu-cầu cần thõa mãn, bản-năng thúc giục người hoạt-động để thỏa-mãn nhu-cầu ấy. Sự thúc giục này, người không thể nào hoàn-toàn chế-chỉ được. Nhưng nếu người không có phương-tiện, hay vì một lý do gì mà không muốn trả lời cho sự thúc giục này, người có thể xoay sự hoạt-động của mình đến một mục-đích khác để thỏa-mãn một nhu-cầu khác của mình. nhờ tánh-cách này của bản-năng mà người có thể chế-ngự được một số bản-năng vị-kỷ không thích hợp với đời sống xã-hội, và những nhà đạo-đức, những bậc vĩ-nhơn anh-hùng có thể cao-thượng-hóa đời sống của mình. Đem những nhu-cầu xã-hội vị-tha thay cho những nhu-cầu cá-nhơn vị-kỷ, đem những nhu-cầu tinh-thần thay cho những nhu-cầu vật-chất, họ huy-động hết sức hoạt-động của họ để dùng vào việc thực-hiện một lý tưởng đẹp đẽ, một nguyện-vọng cao xa.
Một mặt khác, đối với những người nghèo khổ, phải chết xác làm lụng quanh năm mới có đủ vật-thực cần-thiết cho sự dinh-dưỡng của mình, những nhu-cầu tinh-thần và ngay đến các nhu-cầu tình-dục có thể không bao giờ được thỏa-mãn. Trong trường-hợp này, sự chuyển hóa bản-năng thi hành một cách vô-ý-thức và gần như cưỡng-bách.
Sau cùng, sự hoạt-động văn-nghệ cũng là một lối chuyển-hóa bản-năng. Những văn-sĩ, thi-sĩ, nghệ-sĩ thường đem phổ vào những tác-phẩm của họ tất cả những nhu-cầu mà họ không thỏa-mãn được trong thực-tế. Trong trường-hợp này, nhu-cầu của họ càng cần-thiết, sự thúc giục của bản-năng họ càng cấp-bách thì tác-phẩm họ càng mạnh mẽ, càng nhiều sinh-khí, càng tiến cao trên đường tuyệt- mỹ. Người ta đã nhận thấy rằng những văn-sĩ, nghệ-sĩ sung sướng – nghĩa là có một đời sống đầy đủ – thường không sản-xuất được những tác-phẩm tân-kỳ. Những công-trình hay và đẹp nhứt của người về phương-diện văn-nghệ hầu hết đều là sản-phẩm của những người bất-đắc-chí, đem phổ vào câu thơ hay điệu nhạc, hoặc đem bày giữa những nét đơn thanh tất cả những dục-vọng, những nhu-cầu, những nỗi băn khoăn thắc mắc, những tiếng kêu gọi cấp-bách của các bản-năng mình.
Sự chế-ngự hay chuyển-hóa những bản-năng rất hữu-ích cho người. Tuy thế, nó không phải là hoàn-toàn vô-hại. Sức phản-kháng của những nhu-cầu bị bỏ rơi, của những bản-năng bị chế-ngự có thể làm gãy đổ sự quân-bình tâm-lý của người. Sự gãy đổ này là nguồn gốc những chứng bịnh thần-kinh, từ những trạng-thái bất-thường xoàng đến những cơn điên rồ rất nặng.

B.- VẤN ĐỀ CÁ-TÁNH CỦA NGƯỜI.




1.- CÁ-TÁNH CỦA NGƯỜI.

Tất cả mọi người trên thế giới đều có một cơ-thể và những tánh-cách chung như nhau. Tuy thế, không phải mọi người đều giống nhau y hệt, vì mỗi người đều có một cá-tánh riêng.



a)- VỀ PHƯƠNG-DIỆN THỂ-CHẤT.

Về phương-diện thể-chất mỗi người đều có một gương mặt, những cử-chỉ điệu bộ đặc biệt, làm cho họ phân-biệt nhau. Sự khác nhau về các dấu tay của người lại càng rõ rệt hơn nữa. Trong số mấy ngàn triệu người trên thế giới không có một người nào mà dấu tay giống người khác. Nhờ những sự phân-biệt trên này, người có thể nhận căn cước mỗi người một cách dễ dàng. Các khí-quan của người có lẽ cũng có những tánh-cách riêng biệt mà hiện giờ chúng ta chưa hiểu rõ.


Măc dầu kết cấu như nhau, tế-bào của người này có những tánh chất khác với tế-bào người nọ. Vì đó, trường-hợp những người thật sanh đôi cùng do một noãn tử mà ra, các y sĩ không thể lấy thịt người này mà vá cho người khác.
Những hiện tượng biến cố xảy đến cho cơ-thể thường có lưu lại một dấu vết. Mỗi lần ngọa bịnh, mỗi lần tiêm thuốc, mỗi lần có sự xâm nhập của vi trùng hay của các hóa chất, cơ-thể người đều có biến đổi ít nhiều. Vì đó, người càng già thì cá-tánh và thể-chất càng khác nhau. Những người lớn tuổi có những cơ-thể khác nhau nhiều hơn trẻ con.

b)- VỀ PHƯƠNG-DIỆN TINH-THẦN.

Về trí-tuệ và tâm-tánh, sự khác nhau giữa con người lại càng rõ rệt hơn nữa. Trên đời, không bao giờ người ta có thể gặp được hai cá-tánh tâm-lý giống nhau. Sự phân-biệt giữa cá-tánh tâm-lý người này và người khác phát-hiện về cả hai mặt lượng và phẩm. Thêm nữa, cá-tánh này càng phong- phú thì sự phân-biệt cá-nhơn lại càng lớn lao rõ rệt. Do đó, trong những xã-hội văn-minh, các cá-nhơn khác nhau nhiều hơn trong các xã-hội bán-khai.


Tánh nết người gồm nhiều tánh tình trộn lộn nhau một cách phức-tạp vô-cùng. Tuy vậy, ta có thể phân loài người ra làm nhiều hạng, tùy theo những tánh-chất năng-khiếu tâm-lý và đời sống sanh-lý của họ. Người ta đã nhận thấy rằng giữa hình-trạng của cơ-thể và tâm-tánh người có một sự tương- quan chặt chẽ. Tướng mạo một người là một biểu-hiệu chắc chắn của đời sống sanh-lý và tâm-lý của họ. Như thế, khoa tướng-pháp không phải là ngoa, chỉ vì hiện giờ không còn người tinh-thông về khoa ấy và vì khoa ấy chưa đặt nền tảng trên những kết-quả thâu-hoạch được không rõ ràng đúng đắn, thành ra nhiều người không tin cậy nơi nó. Tuy vậy, khi gặp một người, ta thường có cảm-giác mơ hồ về cá-tánh họ. Điều này tự-nhiên làm cho ta có thiện-cảm hay ác-cảm với những người mà ta không hề quen biết, tùy theo cá-tánh họ có hòa-hợp với cá-tánh ta hay không.
Người ta thường phân-biệt cá-nhơn làm ba hạng : hạng trí-thức, hạng đa-tình và hạng có ý- chí. Trong mỗi hạng, lại có nhiều mực cao thấp khác nhau. Có người nóng nảy, có người trầm-tĩnh, có người chăm chú, có người lãng trí, có người mau mắn, có người chậm chạp v.v…
Trong hạng trí-thức, có người có óc mở-mang, họ có nhiều ý-tứ, có thể dung-hòa nhiều yếu-tố khác nhau và có thể phối-trí, điều-hợp những ý-tứ ấy làm thành một hệ- thống. Cũng có người trí óc hẹp hơn : họ không bao-quát được những vấn-đề rộng lớn, nhưng có thể đi sâu vào các chi-tiết và rất giỏi trong ngành chuyên-môn của mình. Ngoài ra, người ta lại có thể phân-biệt những người có một lập- luận chặt chẽ vững chắc và những người ít lý-luận, nhưng có một trực giác mẫn-nhuệ hơn.
Giữa hạng trí-thức và hạng đa-tình có nhiều lối hòa-hợp khác nhau. Nhà trí-thức có thể đa-cảm, nhiệt-tâm, táo-bạo, hèn nhát, hay không có óc thần-bí.
Những nhóm đa-tình có ý-chí, có xu-hướng đạo-đức, có khiếu thẩm-mỹ, có óc thần-bí, cũng có thể hòa-hợp nhau theo nhiều lối không kể xiết.
Mỗi người đều có cảm-tưởng rằng trên thế-giới, mình là cá-nhơn duy-nhất. Tuy thế, cá-tánh người có nhiều mực-độ mạnh yếu khác nhau. Nhiều người có một cá-tánh phong phú, vững chắc. Nhưng cũng có những người cá-tánh hết sức yếu đuối, họ rất dễ bị uốn nắn theo hoàn-cảnh và tình-thế.
Ta không thể biết hết được cá-tánh một người. Nhưng khi sau khi giao-thiệp với họ, ta có thể hiểu cá-tánh họ một phần nào, nhứt là về những đại-cương. Nghệ-thuật dùng người dựa vào sự hiểu biết trên này và thật ra, từ xưa đến nay, những nhà chánh-khách đã thành công trong những mưu-đồ của mình phần lớn nhờ sự am-hiểu cá-tánh những kẻ giúp đỡ mình cũng như những địch-thủ của mình.
Tùy theo tâm-tánh mình, con người hợp với công việc này hay công việc nọ. Muốn phát-triển hết năng-lực mình, và nắm phần thắng-lợi trong trường đời, người cần phải biết chọn lựa một nghề- nghiệp thích-hợp với cá-tánh mình.

2.-NGUỒN GỐC CỦA CÁ-TÁNH.

Con người vốn có những cá-tánh khác nhau về cả hai phương-diện thể-chất lẫn tinh-thần. Cá-tánh này do sự di-truyền và sự phát-dục của người mà ra.


Những cá-tánh di-truyền của người do những vi-nhơn chứa đựng trong các nhiễm-sắc-thể của người qui định.
Bào-thai của người vốn bắt đầu bằng một noãn-tử do một tinh-trùng của người cha và một phôi-châu của người mẹ hợp lại tạo nên. Noãn-tử là cái tế-bào căn-bản của người. Chính nó sanh hóa ra để tạo nên cơ-thể. Tất cả các tế-bào của người đều có tánh chất giống hệt tế-bào căn-bản này.

Khảo-cứu về sự sanh-dục của người, ta thấy rằng noãn-tử, tức là tế-bào căn-bản của người chứa đựng 24 nhiễm-sắc-thể của cha và 24 nhiễm-sắc-thể của mẹ mà những nhiễm-sắc-thể này lại chứa đựng những vi-nhơn qui-định đặc-tánh của người. Vậy, mỗi người gồm phân nửa đặc-tánh của cha và phân nửa đặc-tánh của mẹ.


Thêm nữa, vì tế-bào sanh-dục chỉ chứa đựng có phân nửa số nhiễm-sắc-thể của một tế-bào thường, mà tất cả những tế-bào sanh-dục của một người cũng không phải gồm có những thứ nhiễm-sắc- thể y hệt như nhau, nên những đứa con của một cặp vợ chồng không phải giống nhau cả. Những sự phốI-hợp khác nhau của 24 cặp nhiễm-sắc-thể của người cha và 24 cặp nhiễm-sắc-thể của người mẹ có thể đưa đến hàng triệu lối khác nhau. Nói một cách khác, một cặp vợ chồng có thể sanh ra hàng triệu đứa con cá-tánh khác nhau. Như thế, những anh em, chị em một nhà đã thừa-hưởng những phần đặc-tánh khác nhau của cha mẹ mình. Điều này chỉ rõ tại sao nhiều khi anh em chị em ruột mà có tâm-tánh hoàn-toàn trái ngược nhau.
Vậy, yếu-tố cấu tạo cá-tánh một người do cha mẹ người ấy truyền lại. Noãn-tử khi mới thành hình đã chứa đựng tánh-cách đứa bé sẽ sanh ra. Trong tánh-cách này cái nhứt-định sẽ xuất-hiện, như màu mắt, màu tóc, môi mỏng hay dày, da mịn hay thô, sọ dài hay ngắn, răng chắc hay dễ hỏng, cằm nhô ra hay lẹm, mũi cao hay thấp. Nhiều tánh-cách khác chỉ có trong trạng-thái tiềm-thế và xuất-hiện hay không tùy hoàn-cảnh thuận-tiện hay bất-thuận-tiện, như tóc người, màu da, sự sống thọ hay yểu, sức chịu lạnh v.v…
Bằng cớ chắc chắn nhứt chỉ tỏ sự quan-trọng của yếu-tố di-truyền là trường-hợp những người sanh đôi. Co hai hạng sanh đôi : sanh đôi thật và sanh đôi giả. Những người sanh đôi giả là những người sanh đôi do hai noãn-tử, kết-quả của sự phối-hợp của hai tinh trùng và hai phôi-châu mà ra. Họ không giống nhau hơn hai người anh em chị em thường. Trái lại, nếu họ là kết-quả của một noãn-tử vì một lý-do gì mà tự phân ra hai thì giống nhau hoàn-toàn ; đó là trường-hợp sanh đôi thật. Trong trường-hợp thứ nhì, nếu sự phân đôi của noãn-tử không hoàn-thành, hai người có thể dính nhau lại. Trường-hợp sanh ba, sanh tư, sanh năm cũng như trường-hợp sanh đôi trên này.
Có khi người ít giống cha mẹ lại giống ông bà nhiều hơn. Như thế là vì có nhiều khả-năng chứa đựng trong các vi-nhơn của ông bà truyền cho cha mẹ, nhưng trong cơ-thể cha mẹ thì bị những khả-năng khác chế-ngự nên phải ở trong trạng-thái tiềm thế, đến khi cha mẹ truyền lại cho con thì được tự-do phát-hiện ra.
Những điều trên này chỉ rằng cha mẹ tồn-tại một phần nơi con, tồn-tại một cách rõ rệt và chắc chắn. Và người càng có đông con thì càng tồn-tại một cách hoàn-toàn, vì người càng có thể truyền lại nhiều tánh-cách chứa đựng trong nhiễm-sắc-thể của mình.
Mỗi đứa con nhứt-định tiếp-thụ phân nửa tánh-cách của cha và phân nửa tánh-cách của mẹ mình. Hai anh em chị em có thể giống nhau hơn con giống cha mẹ, nhưng cũng có thể xa nhau gần như người dưng. Tế-bào một đứa cháu có thể chứa đựng 12 nhiễm-sắc-thể của ông bà, nhưng cũng có thể chứa đựng ít hơn hay nhiều hơn. Vì đó, đứa cháu có thể gần ông bà gần bằng con giống cha – hay nhiều hơn trong trường-hợp có những đặc-tánh tiềm-thế được phát-hiện kể ra trên này – nhưng cũng có thể xa ông bà mình như là người dưng vậy.
Những vi-nhơn trong các nhiễm-sắc-thể đã chứa đựng những yếu-tố căn-bản qui-định những tánh-cách rõ ràng của cơ-thể và tâm-hồn người. Tùy theo vị-trí các nhiễm-sắc-thể trong tế-bào và những điều-kiện người gặp trong sự phát-dục từ khi bào-thai tượng hình đến lúc người già, những tánh-cách trên đây có thể phát-hiện hay ở mãi trong trạng-thái tiềm-thế.
Vậy, cá-tánh người vừa do sự di-truyền vừa do sự phát-dục mà ra. Phân-biệt ảnh-hưởng của hai bên một cách rõ ràng là điều rất khó thực-hiện. Sự quan-sát và kinh-nghiệm đã chỉ tỏ rằng ảnh-hưởng này tùy theo cá-nhơn mà khác nhau. Giữa những trẻ con cùng cha mẹ và được nuôi nấng y như nhau có thể có những sự khác nhau rất xa về hình-thể, khả-năng trí-tuệ, đức-tánh, tinh-thần. Trong trường-hợp này, ta có thể quả quyết rằng sự khác nhau đó vì tánh-cách di-truyền mà có. Những người sanh đôi thật lúc mới sanh ra thì đã có những tánh-cách nội-tại y hệt như nhau. Tuy vậy, nếu ta phân-cách họ từ lúc nhỏ và nuôi họ theo những phương-pháp khác nhau, họ có thể trở thành khác nhau. Vậy, sự giống nhau về bản-chất không chắc đưa đến những cá-nhơn giống nhau trong những hoàn-cảnh khác nhau.
Người ta có thể dự định một phần nào kết-quả của di-truyền và giáo-dục đối với con người. Trẻ con bạc-nhược lừ đừ, lơ đãng, nhút nhát, lười biếng, không thể nhờ hoàn-cảnh phát-dục mà trở thành cương-quyết, mạo-hiểm và cứng cỏi.
Trí tưởng-tượng, óc phiêu-lưu không do hoàn-cảnh mà ra và có lẽ không bị hoàn-cảnh làm tiêu- diệt. Vậy, hoàn-cảnh chỉ có hiệu-lực trong vòng những đặc-tánh di-truyền và chỉ làm phát-hiện những đặc-tánh nội-tại sẵn có trong người, chớ không tạo nó được.
Bù lại, hoàn-cảnh có thể làm hư hủy các đặc-tánh nội-tại di-truyền và các đặc-tánh này chỉ có thể phát-hiện trong hoàn-cảnh thuận-tiện. Người đàn bà thuộc gia-đình đông con mà thiếu chất vôi thì xương chậu nhỏ và hóa ra ít sanh-dục. Sự thiếu sanh-tố hoặc các bịnh do vi-trùng gây ra có thể làm cho ngoại thận người nhỏ đi hay không phát-dục được. Do đó, một người có đủ trong huyết-quản, những tư-cách làm người chỉ-huy, người hướng-đạo quần-chúng-hóa dở đi, và không giữ nổi những trách-vụ trọng-hệ ấy.
Yếu-tố tâm-lý cũng có một ảnh-hưởng rất lớn đến người. Nó có thể cải-dịch sự tuần-hoàn và các tuyến nội-tiết, làm cho kết cấu của cơ-thể biến đổi một phần nào. Những qui-phạm tinh-thần và các dục-vọng sanh-lý cũng có ảnh-hưởng đến thái-độ tâm-lý và các tổ-chức của các tế-bào. Ảnh hưởng của tinh-thần có thể làm ảnh-hưởng những đức-tánh trí-tuệ, nhưng nó cũng có thể phát-triển một người ngoài trí tưởng-tượng. Nó làm cho kẻ yếu đỡ yếu và người mạnh càng mạnh hơn. Sự ngưỡng-mộ anh- hùng bao giờ cũng là khởi-điểm cho những hành-động anh-hùng.
Một yếu-tố tác-động cho một hay nhiều người trong nhiều lúc khác nhau thường có kết-quả khác nhau, nhưng sự đối phó với hoàn-cảnh của một cơ-thể phần lớn do sự di-truyền mà ra. Khi gặp trở-lực, người này có thể cố vượt lên và làm phát-hiện những khả-năng tiềm-thế của mình, còn người nọ có thể chịu thua mà lùi bước đi.
Nói tóm lại, ta rất khó phân-biệt ảnh-hưởng của đặc-tánh nội-tại và của sự phát-dục trong sự cấu tạo cơ-thể và tâm-hồn người.
Những tánh-cách người thâu-hoạch được trong đời sống mình không di-truyền. Tuy vậy, các vi-nhơn có thể bị biến đổi vì ảnh-hưởng của nội-giới. Bịnh-tật, các độc-tố, lương-thực, các hạch của người có thể làm cho các vi-nhơn biến đổi đi. Sự biến đổi này thường hướng đến cái xấu hơn cái tốt. Vì đó, hậu-duệ những bậc anh-hùng, vĩ-nhơn có thể là những người hạ-cấp, ngu độn yếu đuối, hèn nhát, điên cuồng.
Tiềm-thế trong noãn-tử, đặc-tánh của người lần lần phát-hiện trong đời người. Sự chiến-đấu giữa người và hoàn-cảnh làm cho các tánh-cách của tổ-tiên người để lại hiện ra và hướng người theo ngõ này hay ngõ khác. Mỗi người đều trả lời cho hoàn-cảnh theo đặc-tánh riêng của mình, và người thường chọn lựa đường lối nào làm cho cá-tánh mình nổi bật lên.
Vì đó, cá-tánh người không giống nhau được, và chủ trương về tổ-chức đời sống của người theo một khuôn khổ chung như một bầy cầm-thú mà các nhà độc-tài nêu ra rất mực sai lầm, không thể áp-dụng được, nhứt là đối với những người đã được hưởng ánh sáng văn-minh và do đó mà có một cá-tánh mạnh mẽ rõ ràng.

0

0 0




DTST Nguyen ngoc Huy- Quyen 2 – Chuong 2 – tr / 237


tải về 234.74 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương