Đặc San Chu Văn An


GIÁO SƯ NGUYỄN GIA TƯỜNG



tải về 1.62 Mb.
trang6/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.62 Mb.
#12756
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

GIÁO SƯ

NGUYỄN GIA TƯỜNG
Lê Duy San, CVA59

Giáo sư Nguyễn Gia Tường sinh năm 1896 tại huyện Thường Tín, Hà Nội, trong một gia đình nho giáo và đông con. Cụ có hai người em trai là Họa sĩ sơn mài Nguyễn Gia Trí và Kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức, người đã thiết kế, tái tạo tại Thủ Đức ngôi Chùa Một Cột. Cụ có tham gia nhiều tổ chức yêu nước chống thực dân Pháp. Lúc còn là sinh viên, cụ đã tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng, hệ phái Nguyễn Thái Học. Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, cụ có bị bắt một thời gian ngắn rồi được trả tự do và đi học lại.

Cụ tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội, thời Pháp gọi là Ecole Normale Supérieure và làm giáo sư trường Bưởi, Hà Nội, lúc đó gọi là Lycée du Protectorat. Cụ dạy môn Vạn Vật (Sciences naturelles). Niên khoá 1945-1946, Trường Bưởi được đổi tên thành trường Trung Học Chu Văn An và cụ được cử làm Hiệu Trưởng. Trong thời gian làm Hiệu Trưởng, cụ được học trò rất qúy mến và kính trọng.

GS Nguyễn Gia Tường ngồi hàng đầu, thứ tư tính từ trái.

Cụ có tinh thần yêu nước rất cao. Thời kỳ sôi động chính trị tại Hà Nội những năm 1945-1946, cụ là một trong những trí thức đã sớm nhìn thấy bộ mặt Cộng Sản độc tài của nhóm Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu ... Cụ tham gia Phong Trào Ngũ Xã, có trụ sở tại « Khu Tự trị Ngũ Xã », bên Hồ Trúc Bạch Hà Nội (1). Nhóm Ngũ Xã qui tụ những người quốc gia không chấp nhận Tổ chức Việt Minh do Hồ Chí Minh và nhóm CSVN thao túng. Vì thế cụ bị Việt Minh chú ý. Bọn chúng sợ để cụ làm Hiệu Trưởng lâu, nhóm Ngũ Xã của cụ có cơ hội bành trướng lớn, nên có ý đồ thay thế cụ. Chúng gửi giấy cho gọi cụ tới Nha Tổng Giám Đốc Công An Hà Nội, nằm trên đường Gambetta, sau đối là đường Trần Hưng Đạo, gần ga Hàng Cỏ, để “làm việc” tức điều tra. Thời đó bị Công an Việt Minh mời tới để “làm việc” là có thể bị giam giữ và thủ tiêu.

Giáo Sư Tường biết Việt Minh muốn kiếm cớ bắt mình nên trước khi cụ đi, cụ tụ tập các học sinh ở sân trường để từ giã. Cụ giơ cao tấm giấy mời của Công An cho mọi người biết là cụ phải tới trình diện Công An. Anh Phạm Ngọc Toả, cựu học sinh Chu Văn An thời đó cho biết thày Nguyễn Tường Lân, giáo sư dậy vẽ nói với các học sinh rằng: “Ai muốn theo thày Tường lên công an hỏi cho ra lẽ thì đứng sang một bên”.

Lúc đầu nhiều người còn nhút nhát và sợ sệt, chỉ có một vài chục học sinh. Sau số học sinh theo giáo sư Tường càng lúc càng đông lên đến mấy trăm người. Các học sinh xếp hàng thứ tự dưới sự hướng dẫn của anh Luận có hỗn danh là Luận Thọt vì anh bị thọt chân, đi theo giáo sư Tường giống như một cuộc biểu tình. Khi tới trước trụ sở Công An, Việt Minh sợ qúa, đóng chặt cửa, chiã súng ra ngoài dọa nạt và bắt phải sang bên kia đường đứng và chỉ cho phép anh Luận và một anh nữa đi theo giáo sư Tường tới gặp họ. Giáo sư Tường giơ cao tấm giấy mời nói:

- Các ông cho mời tôi tới, sao không mở cửa cho chúng tôi vào ?

Bọn Công An trả lời:



- Chúng tôi chỉ mời mình cụ, thì chỉ mình cụ vào được thôi. Các học sinh phải ở ngoài.

Giáo sư Tường trả lời:



- Các em học sinh đây theo tôi chỉ muốn biết rõ chuyện gì sẽ xẩy ra cho tôi mà thôi. Nếu các ông không dám cho vào thì các ông muốn hỏi gì tôi thì ra đây mà hỏi.

Bọn Công An Việt Minh vào trình với ban Giám Đốc. Bàn tán hồi lâu nhưng rồi cũng chỉ chấp thuận cho phép mình giáo sư Tường vào mà thôi. Anh em học sinh không chịu, nhất định theo thày để được bị giam chung với thày, nếu thày bị giam.

Sau chúng phải nhượng bộ và cho người ra trả lời:

- Cụ không vào thì thôi, mời cụ về.

Các học sinh Chu Văn An reo hò thắng lợi. Giáo sư Tường lại dẫn đầu đám học sinh trở về trường. Nhưng ít lâu sau đó, chúng đã cử Giáo sư Dương Quảng Hàm lên thay thế.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào đêm 19/12/1946, Giáo sư Tường và gia đình bị kẹt lại tại Hà Nội và không tản cư được ra hậu phương. Nhưng đây có lẽ cũng là điều may mắn cho cụ và gia đình vì nhờ vậy mà cụ đã không bị Việt Minh hãm hại. Thời gian khoảng 1948-1954, cụ là giáo sư tại trường Trung học Tư thục Dũng Lạc Hà Nội. Sau 1954 di cư vào Nam, cụ dạy tại trường Cao Đẳng Sư phạm Sài Gòn, môn Luận lý Chức nghiệp, cho đến khi hồi hưu. Tác phẩm duy nhất của cụ là “Luận lý chức nghiệp”.

Đầu thập niên 1980, Giáo sư Nguyễn Gia Tường được người con trai trưởng định cư tại Hayward, California (Hoa Kỳ) đón sang đoàn tụ gia đình. Năm 1986, cụ qua đời tại đây, hưởng thọ 90 tuổi.
Chú thích.

(1). Bác Sĩ Nguyễn Gia Tiến (con trai GS Tường cho biết bên cạnh hồ Trúc Bạch có một hòn đảo nhỏ có 5 xã (còn gọi là làng, làng xã) nên vùng này được gọi là Ngũ Xã. Ra vào vùng này rất dễ kiểm soát, nên được dùng làm trụ sở của nhóm ly khai chống lại Việt Minh thời đó.

Nhóm Ngũ Xã luôn luôn được cán bộ VN Quốc Dân Đảng mang súng đi theo bảo vệ! Nếu không chắc bị VM đã bắt và thủ tiêu rồi ! Năm 1945 anh Tiến mới độ 10 tuổi mà đã cảm thấy không khí rất ngột ngạt, căng thẳng
Tưởng niệm

thày Hiệu Trưởng TRẦN-VĂN-VIỆT


Hồ Hải Trân, CVA 63

Lê Duy San sưu tầm

LTS. Hồ Hải Trân (1939-2005) cựu học sinh CVA 57-63, anh phụ trách ban Kịch CVA dưới sự hướng dẫn của GS Vũ Khắc Khoan. Anh sinh trưởng trong một gia đình văn nghệ, quê ở Bắc Ninh, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, ban Anh Văn và làm GS tại nhiều trường Trung học. Chức vụ sau cùng của anh là Thanh Tra tại bộ Giáo Dục VNCH. Anh mất năm 2005. Bài “Tưởng Niệm thày Hiệu Trưởng Trần Văn Việt” của anh đã được đăng trong Đặc San CVA xuân Qúy Mão (1963). Chúng tôi đăng lại cũng là để tưởng niệm anh.

Những đứa con Chu Văn An sẽ còn nhớ mãi ngày vĩnh biệt của một người suốt tám năm đã buộc khoảng thời gian cuối cùng của đời mình với ngôi trường, đem kinh

nghiệm và đức độ để làm một sự tiếp nối, đào luyện những thế hệ Chu Văn An.Người đó là ông Trần Văn Việt, cố hiệu trưởng, đã khiêm nhường nhắm mắt vào một ngày đầu hè, khi lòng ngôi trường vắng teo lũ học trò.

Nhận trách nhiệm từ những ngày đầu tiên bước chân Chu Văn An còn ngập ngừng trên mảnh đất thân yêu này,khi đám học trò còn ngơ ngác giữa cơn mê của lịch sử, ông Trần Văn Việt đã đặt viên gạch đầu tiên,xây lại sự nối tiếp một truyền thống qua bao năm của Chu Văn An. Từ vài lớp học nhỏ bé đến một ngôi trường to tát,t một chấm lửa âm ỉ đến một ngọn đuốc sáng ngời nhựa sống,công việc ấy không thể trong một ngày và không thể do một người thiếu can đảm,nghị lực,kiên nhẫn và không có khả năng điều khiển.

Dáng người cao lớn, bước đi đường vệ, cằm vuông,mặt chữ điền,con người ấy đã gieo vào lòng học sinh ấn tượng linh hồn Chu Văn An với giọng nói ấm và trang nghiêm,với đôi mắt cương nghị nhưng trìu mến.Trong nhiều năm,niềm thương học trò và tính thẳng thắn,thân mật với người cộng sự của ông đã trở thành mẫu mực cho các nhà giáo dục.

Một con người biết làm việc, đã sáng lập ra hội phụ huynh học sinh và giáo sư Chu Văn An, đã mạnh dạn áp dụng phương pháp giáo dục mới vào học đường để học sinh tự do phát triển mọi khả năng của mình trong một ngôi trường cởi mở và tự lập, ông đã thành công không ngờ trong việc nuôi dưỡng một truyền thống Chu Văn An hăng hái,mật thiết huynh đệ: Và chính ông cũng đã có lần từ chối một chức vụ xứng đáng hơn để luôn luôn ở cạnh học trò của mình.Với ông,một nhà giáo dục không phải chỉ nhồi đầu học sinh những ngăn kéo đầy ắp các môn học,nhưng còn phải thổi vào ngực chúng một niềm tin tưởng,một con đường và niềm kiêu hãnh dân tộc,một truyền thống,hay gần hơn nữa,một Chu Văn An tính-nghĩa là khiêm nhường và mãnh liệt. Ông thường bảo học sinh: ”- Ừ, đúng, thế mới là Chu Văn An, đúng lắm, được.”, hoặc là: ” -Hỏng, chết thật, còn gì là Chu Văn An nữa !!”.

Hiệu trưởng, nhưng còn là người giầu nghệ sĩ tính, trẻ trung, ông đã khắc vào tim học sinh nhiều kỷ niệm không thể phai mờ. Học sinh kính mến ông, gần gũi như người cha già.Và ngay cả những ngày hôm nay,ban nhạc Chu Văn An vẫn còn hòa tấu đầu tiên bản TABOO trong những buổi trình diễn để tuởng nhớ ông, vì còn sinh thời ông thích nhất bản ấy.Nét tự do và cuồng nhiệt của bản nhạc đủ tỏ tinh thần cởi mở của ông đối với học trò.

Năm mươi tư tuổi, một buổi sang đầu hè, lũ môn sinh tự động hơn ngàn người đến qùy lạy trước linh cữu ông. Đám tang lặng lẽ nhưng chân thành như đời một nhà giáo dục. Sự vĩnh biệt của ông đã để lại một chỗ trống rất lớn trong lòng Chu Văn An.Và, như tiếng nức nở của Đinh ngọc Mô trong bài điếu văn khóc thầy trước giờ hạ huyệt, hôm nay, người học sinh Chu Văn An kính cẩn thắp nén hương và nhắc lại lời thầy mùa Xuân năm nào: “Tôi cầu chúc cho các anh tìm được đường đi và hăng hái tiến tới.”

Chúng con nguyện xin giữ lời thầy.

Hồ Hải Trân (Một đêm cuối đông 1963)


GHI NHỚ CÔNG ƠN THẦY


Đoàn Thanh Liêm, CVA 54
Bắt đầu từ niên khóa 1952-53, tôi được chuyển từ trường trung học Hồ Ngọc Cẩn từ Bùi Chu lên học lớp Đệ Nhị trường Chu Văn An Hà Nội. Sau khi thi đậu Tú Tài I, tôi lại học tiếp lớp Đệ Nhất ở Chu Văn An và đã tốt nghiệp Tú Tài toàn phần trước khi di cư vào Nam.

Trong hai năm học ở trường trung học Chu Văn An, tôi đã được thụ giáo với nhiều vị thầy danh tiếng thời đó như thầy Nguyễn Tường Phượng dạy Việt Văn, thầy Nguyễn Ngọc Cư dạy Pháp Văn và Triết học, thầy Đào Văn Dương và Bạch Văn Ngà dạy Toán, thầy Bùi Phùng dạy Lý Hóa, thầy Lê Ngọc Huỳnh dạy Sử Địa, thầy Nguyễn Văn Nguyên dạy Anh Văn. Hồi đó hiệu trưởng của trường là thầy Vũ Ngô Xán, giám học là thầy Vũ Đức Thận.

Trong số các thầy dạy đó, tôi đặc biệt chú trọng đến thầy Nguyễn Ngọc Cư thường được gọi là cụ Cư Bướu vì cụ có cái bướu nổi rõ ở sau gáy. Thầy Cư tuy không phải là người có học vị cao, cũng chẳng phải là vị giáo sư tài ba xuất sắc, nhưng thầy lại rất cần mẫn. Thầy soạn bài rất kỹ và cố gắng truyền đạt hết cả sở học của mình cho lũ học sinh chúng tôi đang ở những năm cuối cùng của bậc Trung học. Lương tâm chức nghiệp, phong cách chững chạc ung dung và lòng quý mến học trò của thầy đã ghi đậm nét trong tâm hồn non trẻ của anh em chúng tôi.

Chương trình học Pháp văn hồi đó tập chú vào văn chương Pháp thế kỷ 18 và 19. Còn môn Triết học thì chúng tôi được học về Luận Lý học. Thầy Cư đã giảng dạy chúng tôi rất tận tình về phương pháp luận của Khoa học (Methodologie des sciences) và chỉ dẫn cho học trò phải tham khảo thêm ở sách giáo khoa bằng tiếng Pháp nữa. Tôi nhớ anh em chúng tôi hay chuyền nhau đọc sách Triết của các tác giả Foulquié, Cuvillier, Challaye và cả sách Triết bằng tiếng Việt do Linh mục Cao Văn Luận ở Huế biên soạn.

Quả thật bài học khai tâm về Triết học của thầy Cư đã mở mang trí tuệ cho tôi rất nhiều. Nó đã giúp tôi luôn luôn giữ được thái độ thận trong nghiêm túc trong việc phân tích tìm hiểu những sự việc trên đời. Đó chính là phương pháp hiệu quả nhất để có được cái right thinking (suy nghĩ chính xác) như Bertrand Russell vẫn thường nói. Thêm vào đó, thầy Cư còn truyền đạt cho chúng tôi cả cái nice feeling (lòng nhân hậu) khi thầy luôn luôn nhắc nhở đến chủ trương “Quân tử hòa nhi bất đồng” của cha ông chúng ta theo truyền thống trượng phu quân tử trong xã hội Á Đông từ ngàn xưa.

Hồi bị giam giữ ở trại Hàm Tân, tôi được tin thầy mất và đã xúc động làm bài thơ tưởng nhớ vị thầy đáng quý trọng của mình. Bài thơ này tôi đã có dịp chuyển đến anh Nguyễn Ngọc Quỳnh là trưởng nam của thầy và cho cả mấy anh em cựu học sinh Chu Văn An. Nay cũng xin được đính kèm theo bài viết này để chia sẻ rộng rãi hơn nữa với bà con.


TƯỞNG NHỚ THẦY NGUYỄN NGỌC CƯ
Học với thầy bốn mươi năm trước

Con thấy mình tốt phước biết bao

Hành trang thầy cấp ngày nào

Pháp Văn, Triết học làm sao đong lường

Học nơi thầy tấm gương cần mẫn

Học từ thầy lý luận nghiêm minh

Thầy chưa thỏa chí bình sinh

Mà lòng ngay thẳng nhiệt tình mê say

Nay giữa chốn tù đày cay đắng

Tưởng nhớ thầy văng vẳng tiếng xưa

Thầy đi về cõi thiên thu

Còn lưu hình bóng hiền từ đáng yêu

Con vẫn nguyện theo điều thầy dạy

Nòi trượng phu giữ lấy danh thơm

Phù sinh một kiếp bao lăm

Sĩ phu quân tử thân tằm vương tơ

Đất nước đang tới giờ đổi vận

Dẹp oan khiên thù hận xóa tan

Người người thoát khỏi bạo tàn

Ấm no hạnh phúc đầy tràn yêu thương

Khôi phục lại luân thường đạo lý

Nước nhà ta thịnh trị ngàn năm

Hồn thiêng nơi cõi xa xăm

Thầy cười mãn nguyện với đàn hậu sinh.


Môn sinh kính bái Đoàn Thanh Liêm, lớp Đệ Nhị, Đệ Nhất Chu Văn An năm 1952-1954 (Rừng lá Hàm Tân Mùa xuân Giáp Tuất 1994). Ngày rằm tháng giêng năm Đinh Sửu.



Tưởng niệm

thầy Bùi Đình Tuyên

Kính dâng hương hồn thày Bùi Đình Tuyên

và cũng để thân tặng hai anh Nguyễn Hoàng Hải, Ngô Hữu Liễn, người đã kể cho tôi nghe

những câu chuyện về thầy.




Lê Duy San ( CVA 55-59 )


Năm 1954 tôi theo gia đình anh tôi di cư vào Nam. Lúc bấy gìơ trường Chu Văn An cũng di cư vào, nhưng vì chưa có trường sở riêng nên phải học nhờ trường Pétrus Ký. Vì học nhờ nên không đủ lớp; do đó các lớp từ đệ Ngũ trở xuống được chuyển sang các trường khác như Nguyễn Traĩ, Trần Lục hay Hồ Ngọc Cẩn. Tôi vì mới lên đệ Ngũ nên bị chuyển sang trường Trần Lục. Học được hai tuần lễ, tôi và Trần Kim Cát chê tên trường, rủ nhau xin đổi sang trường Nguyễn Trãi, lấy cớ là gần nhà. Học được một năm, tới năm sau (1955) lên đệ Tứ, tôi lại xin đổi về Chu Văn An. Lúc này trường Chu Văn An được cấp một cao ốc hai tầng lầu ở đằng sau trường Pétrus Ký. Cao ốc này trước kia là ký túc xá của học sinh nay được sửa lại cấp kỳ làm lớp học, nên lớp nọ chỉ được ngăn cách với lớp kia bằng tấm carton khiến lớp này có thể nhìn sang lớp khác một cách dễ dàng bằng những lỗ đục khoét nho nhỏ.

Vì trường sở còn chật hẹp, mặc dầu đã sửa thêm dẫy nhà ngang để làm thêm lớp học nhưng vẫn không đủ vì các trường Nguyễn Trãi, Trần Lục, Hồ Ngọc Cẩn lúc bấy giờ chưa mở các lớp đệ nhị cấp nên các học sinh của các trường này lên đệ Tam đều phải chuyển sang Chu Văn An. Thế là trường Chu Văn An trở thành trường trung học đệ nhị cấp. Nhưng vì có khoảng hơn hai chục anh thuộc các lớp đệ Tứ năm trước thi trượt Trung Học Phổ Thông, lại không đủ điểm lên đệ Tam, nhà trường không biết tống khứ đi đâu nên đành phải mở thêm một lớp đệ Tứ và lớp này được thày Tổng Lãng ưu ái tống vào căn phòng ngay đầu cao ốc, cạnh cầu tiêu. Trong cái xui cũng có cái hên. Chính vì phải học phòng này mà chúng tôi lại luôn luôn có dịp được chiêm ngưỡng dung nhan của các chị nữ sinh đệ Nhất đi qua đi lại mỗi khi phải vào nhà vệ sinh, trong đó có người đẹp tóc dài Hoàng thị Châu Quy, chị của Hoàng Cơ Định.

Tôi còn nhớ, trong lớp tôi hồi đó có Nguyễn Đức An, sau này là bác sĩ y khoa, hiện đang hành nghề ở Florida, Hoàng Cơ Định, sau du học ở Pháp đậu Tiến Sĩ Hóa học và có thời kỳ là Giám Đốc trường Cao Đẳng Hóa Học ở Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Trần Lam Giang hiện ở Sacramento, Nguyễn Tân Văn hiện ở Nam Cali, Trần (?) Văn Khải, lúc đó cũng khá lớn tuổi, biết chơi đàn Guitar, Nguyễn Văn Quyên, các anh này sau hành nghề dạy học, Nguyễn Long, đã chết ngay sau khi đậu Tú Tài I, Phạm Huấn, đang học dở dang thi vào Đà Lạt lên tới Thiếu Tá, Trần văn Khẩn v.v…

Tôi còn nhớ, các giáo sư dậy năm đó gồm có : thầy Trần Văn Maị, thân phụ của anh Trần Lam Giang, dậy Việt Văn, thầy Bùi Đình Tấn dậy Pháp Văn, thầy Trần Trọng San, dậy Sử Điạ, thầy Hoàng Đình Thanh dậy Anh Văn, thầy Nguyễn Ngọc Quỳnh, dậy Vạn Vật, thầy Chung Quân dậy Nhạc và thầy Bùi Đình Tuyên dậy Lý Hóa; còn các môn khác như Tóan, Công Dân, Hán Văn thì tôi không nhớ thầy nào đã dậy.

Thuộc loại học trò hiền lành, chẳng bao giờ dám cúp cua, nghỉ học, cũng chẳng bao giờ dám đánh lộn chứ đừng nói chuyện chọc thầy, trêu bạn, nên tôi cũng chẳng bao giờ bị thầy trách mắng hay quở phạt. Chỉ mỗi một lần thấy thầy Tuyên bôi kem ( ? ) xoa xoa lên mặt, tôi thấy lạ, nhìn thầy chăm chú, nên bị thầy la :

- Anh kia, nhìn cái gì ?

Tôi thấy thầy mắng cũng hơi vô lý, nhưng tôi không dám có phản ứng gì, chỉ yên lặng nhìn đi chỗ khác. Sau năm đệ Tứ, tôi không còn được gặp thầy nữa . Mãi tới khi tôi được bổ nhiệm làm Tùy Viên Công Tố, một chức vụ đầu tiên của ngạch Thẩm Phán, tại tòa Sơ Thẩm Saigon, phải đi chào tất cả các Thẩm Phán đàn anh, tôi mới biết thầy đã đổi nghề và đang làm Thẩm Phán xử án tại tòa Sơ Thẩm Saigon. Tôi rất mừng vì trong cái danh sách Thẩm Phán mà tôi phải đi chào, chỉ có mỗi mình thầy là người tôi biết. Thầy ngồi trong một căn phòng nhỏ, chẳng có nhân viên nào và cũng chẳng có tùy phái. Trông thầy vẫn như xưa, mặc dầu đã gần cả chục năm tôi mới được gặp lại thầy. Vẫn quần áo giản dị, vẫn dáng điệu thong dong. Sau khi chào thầy, tôi tự giới thiệu và nói rõ lý do tôi tới thăm thầy. Thầy vui vẻ giơ tay bắt tay tôi và nói :

- Chết, anh đừng xưng hô như vậy nữa. (Ý thầy muốn nói tôi đừng gọi thầy là thầy và đừng xưng là con với thầy). Bây giờ anh cũng là Thẩm Phán rồi. Xin chúc mừng anh và chúc anh may mắn.

Nghe thầy nói vậy, tôi chẳng còn biết xưng hô với thầy ra sao nữa. Tôi chỉ biết vâng vâng, dạ dạ, rồi chào thầy, kiếu từ đi ra. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ cách xưng hô với thầy. Gọi thầy bằng ông chăng ? Không được, vì gọi thầy bằng ông mà lại xưng tôi với thầy thì nghe vừa xa lạ lại vừa vô lễ. Gọi thầy bằng anh và xưng em với thầy chăng ? Nghe có vẻ thân mật hơn, nhưng thấy nó cũng vẫn có vẻ vô lễ, không được. Tôi thấy thật khó qúa. Vậy mà tôi không hiểu tại sao có những anh vừa mới rời khỏi trường Chu Văn An được vài năm, rồi trở lại dậy học, lại có thể gọi thầy cũ của mình, ngay cả những ông thầy có thể sinh ra họ, là anh và xưng tôi một cách ngon lành, không ngượng miệng.


Tôi làm việc ở toà Sơ Thẩm Saigon được khoảng ba năm rồi được cử đi làm Biện Lý toà Sơ Thẩm Kiên Giang ( Rạch Gía ).

Trong thời gian làm việc tại tòa Saigon, lúc đầu tôi cũng ít khi tới thăm thày vì thấy thầy có vẻ khép kín, ít khi thấy thầy ra khỏi phòng tới phòng các đồng nghiệp khác để nói chuyện hay tán gẫu. Tới là thầy vào thẳng phòng làm việc. Hết giờ thầy ra lấy xe gắn máy đi thẳng về nhà, không bao giờ tôi thấy thầy đi chơi với anh em. Ít lâu sau, tôi làm thân được với mấy đồng nghiệp lớn tuổi và đồng khóa với thầy, tôi mới dám thỉnh thoảng cùng họ tới thăm thày. Các ông này cũng rất qúy thầỵ Vào những dịp nghỉ lễ hay Tết Nguyên Đán, các ông này còn rủ tôi sang nhà thầy bên chợ Thị Nghè để chúc Tết thầy. Thầy sống trong một căn nhà trệt, bề ngang không quá bốn thước, bề sâu không qúa hai chục thước. Có lần tôi được thầy tặng cho cuốn ``Oan hay Ưng``, một cuốn sách thầy viết về những vụ án chuyện mà thầy đã thụ lý, khi thầy làm Biện Lý, đã điều tra, khi thầy làm Dự Thẩm hay đã xét xử, khi thầy làm Chánh Án. Các ông này có cho tôi biết là thầy bị “họ” trù. “Họ” đây có nghiã là mấy ông Thẩm Phán cấp trên. Tôi lấy làm ngạc nhiên nhưng không dám tò mò hỏi thêm.

Tôi nghĩ, làm Thẩm Phán mà bị trù thì chỉ một trong hai lý do : bị cho là thiếu tư cách hoặc làm bậy. Thầy Tuyên không thể nào thiếu tư cách được. Thầy mà còn thiếu tư cách thì trên cõi đời này ai là người đủ tư cách ? Mấy ông Thẩm Phán cao cấp, sau này được bầu lên làm Thẩm Phán Tối Cao, tư cách chắc đã được bằng thầy kh ông ? Còn làm bậy thì qủa thật cho tới ngày tôi từ chức và xin ra khỏi ngành Thẩm Phán, tôi cũng không nghe thấy ai dị nghị gì về tính liêm khiết của thầy. Hơn nữa một người đã có tư cách thì thường cũng không bao gìơ làm bậy. Vậy thì tại sao thầy lại bị ``Họ`` trù ? Sau này tôi có nghe một số các đồng nghiệp khác cho biết thêm là ``Họ`` có đầu óc kỳ thị. Điều này tôi nhận thấy cũng chỉ đúng một phần, nhưng có lẽ cái lý do chính mà thày bị “Họ” trù là vì ``cái tính tàng tàng, không sợ trời mà cũng chẳng nể đất`` của thầy như nhận xét của anh Ngô Hữu Liễn trong bài ``Tôi đi thăm thầy Bùi Đình Tuyên tại Vạn Hồ Thành`` đăng trong Đặc San Chu Văn An bắc Cali số 3 năm 1990. Hai mẩu chuyện dưới đây do chính hai anh Nguyễn Hoàng Hải và Ngô Hữu Liễn kể lại cũng nêu lên một phần nào cái tính ``tàng tàng`` của thầy.

Anh Nguyễn Hoàng Hải kể :



``Vào khoảng năm 1962, 63 gì đó, thời còn Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tôi đang học y khoa. Một hôm đang học thì thấy cô em hớt hoảng chạy tới cho biết là Dũng, em tôi bị cảnh sát bắt về tội ngăn cản nhân viên công lực. Tôi hỏi thì được biết ở nhà mẹ tôi rủ mấy bà bạn tới đánh tổ tôm. Lúc đó đang có chiến dịch bài trừ cờ bạc nên cảnh sát rình rập rất kỹ. Biết thế nên bà cụ đã dặn kỹ em tôi là ai tới phải nhìn kỹ, không phải là cảnh sát hãy mở cửa. Không ngờ anh cảnh sát gọi cửa lại lắu cá, không mặc sắc phục nên Dũng ta ung dung mở cửa hỏi có chuyện gì, tức thì tức anh cảnh sát đẩy cửa xông vào, tiếp theo là mấy cảnh sát sắc phục từ phía xa chạy lạị. Dũng ta hoảng hốt, vừa ôm tên cảnh sát vật y ngã xuống, vừa la lớn :

- Cảnh sát tới, cảnh sát tới. để trong nhà các cụ có đủ thì giờ cất dấu tiền bạc. Khi cảnh sát có mặc sắc phục tới rút súng ra Dũng ta mới chịu buông tên cảnh sát kia ra. Sau khi vào phòng trong khám xét, chẳng thấy tiền bạc đâu cả, bọn cảnh sát tức mình, liền buộc Dũng về tội cản trở nhân viên công lực trong khi thi hành nhiệm vụ và bắt về bóp cảnh sát. Tôi về đến nhà thì được biết cảnh sát đã dẫn trình Biện Lý Cuộc và ông Biện Lý thụ lý vụ này không phải là ai xa lạ, mà lại chính là thầy Bùi Đình Tuyên. Tôi vội vàng lên thẳng toà, nhưng cũng không quên mang theo tấm thẻ học sinh Chu Văn An cũ. Tôi xin vào yết kiến thầy. Sau khi tự giới thiệu và nói rõ lý do, tôi sợ thầy không nhớ nên trình tấm thẻ học sinh ra. Thầy chỉ liếc qua nhưng không coi. Thầy mời tôi ngồi chiếc ghế trước bàn của thầy rồi truyền lệnh cảnh sát dẫn Dũng vào. Thầy liếc qua biên bản của cảnh sát rồi hất hàm hỏi Dũng:

-Tại sao anh lại vật lộn với cảnh sát ?

- Thưa ông Biện Lý, con tưởng cướp vì anh ta không mặc sắc phục. Dũng trả lời.

- Thế tại sao anh lại hô ``Cảnh sát tới, cảnh sát tới ? thầy hỏi tiếp.

Dũng ta cứng họng không sao trả lời được. Tôi ngồi nghe thầy hỏi muốn phì cười mà không dám cười. Thầy nói tiếp :

-Thôi , đi về. Bận sau không được làm thế nữa, nghe chưa.

Thầy cầm biên bản, phê một chữ ``Xếp`` rồi đưa cho cảnh sát. Tôi hú hồn, mừng muốn chết, đứng dậy cám ơn thầy rồi xin phép đi về.``

Anh Ngô Hữu Liễn cũng kể một chuyện tương tự về thầy như sau :



``Tôi nhận biện hộ cho một em học sinh bị cảnh sát bắt về tội trộm. Hồ sơ được Biện Lý chuyển qua Dự Thẩm để điều tra. Cảnh sát dẫn em học sinh này vào phòng Dự Thẩm, tôi vào theo để dự thính. Ông Dự Thẩm này lại chính là thầy Bùi Đình Tuyên, thầy học cũ của tôi ở Chu Văn An. (lúc này thầy làm Dự Thẩm, không còn làm Phó Biện Lý nữa). Sau phép xã giao, tôi được thầy mời ngồi. Một ông Lục Sự ngồi ở phía đầu bàn đã sẵn sàng để ghi chép những lời thầy thẩm vấn. Nhìn em học sinh đứng co ro nơi góc phòng, mặt tái xanh như chàm đổ. Tôi nghĩ rằng em học sinh này thế nào cũng bị thầy tống giam vì đã nhận tội ở cảnh sát. Thầy hất hàm hỏi :

- Mày làm nghề gì ?

- Thưa ông Dự Thẩm, con đi học. Em học sinh trả lời.

- Mày học lớp mấy ?

- Con học lớp đệ Tứ.

Thầy cầm tờ giấy,câ y viết đưa cho em học sinh và nói :

- Viết đi.

Nói rồi thầy đọc cho em một bài toán Điện Học lớp dệ Tứ. Bài toán thật đơn giản, chỉ cần biết một vài công thức về định luật Ohm là có thể làm được. Xong thầy bảo :

- Làm đi.

Rồi thầy nói chuyện chuyện trên trời dưới biển với tôi. Tôi cũng nói chuyện về trường Chu Văn An với thầy. Thấy em học sinh đã làm xong bài toán Điện, nhưng không dám nạp, tôi phải cầm lấy chuyển cho thầy. Thầy liếc qua rồi nói :

- Mày học giỏi thế này, tại sao lại đi ăn trộm ?

Em học sinh lúng túng chưa biết trả lời sao và tôi cũng chưa kịp đỡ lời nào cho em thì thầy đã nói :

- Lần này tao cho mày về đi học. Không được đi ăn trộm nữa, nghe không ? Lần sau mà tái phạm, tao nhốt vào Chí Hòa rục xương, nghe chưa ?

Em học sinh mừng qúa , chỉ còn biết ``vâng vâng, dạ dạ``. Thầy quay sang nói với ông Lục Sự :

-Làm Án Lệnh miễn tố.``

Đối với một người không ở trong ngành tư pháp và chưa từng làm việc nơi chốn pháp đình, sau khi nghe hai câu chuyện trên, có lẽ họ cũng chỉ thấy ở thầy một thái độ tàng tàng và hơi tếu tếu, nhưng đầy lòng khoan dung và nhân ái. Nhưng đối với tôi, một người đã ở trong ngành tư pháp và đã từng làm việc tại pháp đình cả chục năm, tôi còn thấy ở thầy một đức liêm khiết, một tinh thần độc lập tuyệt đối, và một lòng can đảm vô biên.

Thực vậy, có ở trong ngành tư pháp mới biết, thẩm phán tuy nói là được độc lập và có toàn quyền xét xử theo lương tâm và luật pháp. Nhưng thực tế, không mấy người hành xử được đúng như vậy. Người thẩm phán khi xét xử rất dễ bị lầm lẫn hay sai lạc nếu không có được những đức tính như thầy. Người thẩm phán nhiều khi biết là sai mà vẫn cứ làm vì thiếu đức liêm khiết nên bị đồng tiền mua chuộc hoặc thiếu lòng nhân nên cứ chiếu luật trừng phạt bị can một cách nghiêm khắc hoặc vì thiếu sự can đảm, sợ trách nhiệm, không dám khoan hồng cho bị can. Chính anh Ngô Hữu Liễn, khi được thầy Tuyên miễn tố cho em học sinh bị truy tố về tội trộm, đã phải thốt lên rằng :

Thú thật, lúc đó tôi như người từ trên mây rớt xuống.

Vào giữa năm 1998, tôi được anh Ngô Hữu Liên cho biết thầy Tuyên đã sang đoàn tụ với gia đinh ở Saint Paul, Minnesota, tôi có gọi điện thoại hỏi thăm thầy. Giọng nói của thày vẫn như xưa. Thầy hỏi thăm tôi, hỏi thăm một vài đồng nghiệp, nhưng tuyệt đối thày không hỏi thăm “Họ

Tôi không nghĩ rằng thầy giận ``Họ``. ``Họ`` không đáng để thầy giận. Có lẽ thầy khinh ``Họ``. Tôi chào từ giã thầy và mong rằng sẽ có dịp được gặp lại thầy. Không ngờ chỉ mấy tháng sau tôi được tin thầy tạ thế.


Thày Bùi Đình Tuyên và trò Ngô Hữu Liễn

Nghe tin thầy mất, tôi bàng hoàng xúc động và cảm thấy thương thầy vô vàn. Mấy ai đã học bằng thầy? Mấy ai đã có lòng nhân bằng thầy? Mấy ai đã trong sạch bằng thầy ? Vậy mà sao số thầy lại vất vả như vậy? Hết bộ Canh Nông sang bộ Giáo Dục. Hết bộ Giáo Dục sang bộ Tư Pháp, rồi Tối Cao Pháp Viện, nơi nào thầy cũng không được vừa ý. Cuối cùng thầy còn phải vào trại Học Tập Cải Tạo để nghe những tên Cộng Sản ngu dốt, mà trong số đó có thể có cả những tên đã được thầy khoan hồng, tha thứ, nói nhăng nói cuội suốt sáu năm trời. Bây giờ là lúc thầy được nghỉ ngơi, xa lánh bọn người ti tiện, hèn hạ và dốt nát thì thầy lại vội ra đi? Phải chăng thầy đã chán cái cảnh sống tạm bợ nhưng đầy bon chen, lừa lọc và giả dối trên cõi đời này? Chúc thầy tìm được những gì tốt đẹp hơn bên kia thế giới.

Trung Thu Mậu Dần, 1998.





TRẬN ÐÁNH TRÊN CAO ÐIỂM  

Phan Nhật Nam

(trích tác phẩm Mùa Hè Đỏ Lửa)  

Trung Tá Nguyễn Đình Bảo và Đại Úy Đoàn Ngọc Hải

Anh Năm (tức Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, sĩ quan chỉ huy trưởng của Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù) bố trí quân "hết xẩy." Cứ điểm C hay Charlie chính thống, cao độ 960 giao cho "thằng 1," Đại Đội 1, do Thinh, trung uý Khoá 25 Thủ Đức chỉ huy. Thinh trẻ tuổi đời lẫn tuổi lính. Thinh có vẻ yếu trước mắt mọi người vì Thinh... đẹp trai. Đã đẹp trai, tốt mã thì đánh giặc hơi yếu. Chẳng hiểu sao phần đông là như thế. Những anh có vẻ tài tử, ăn nói ngon lành, rỗn rãng thường hay lạnh cẳng.

Nhưng nghĩ cho kỹ thì cũng công bằng thôi, con người mà, được cái này thì mất cái kia. Nhưng anh Năm dưới cái nhìn sắc sảo của con ó, kèm theo "suy tư " của phó Mễ đã chọn Thinh để giữ Charlie vì cả hai người chỉ huy đều chắc một điều: Đây là một tay "dur," loại liều, thứ "kép trẻ đang lên" của trận địa. Thinh được lãnh hãnh diện "nhất kiếm trấn ãi" và những ngày sau Thinh đã chứng tỏ, người chỉ huy mình đã không nhầm lẫn.

Phía bắc của C giao cho Ðại Ðội 3, do Hùng "mập" làm đại đội trưởng. Hùng chỉ là đại úy thôi, nhưng "người" có đủ tác phong và khả năng để "tiến" xa hơn. Vì "người" cũng là tay văn nghệ, "lãnh tụ" sinh viên, có kích thước cơ thể và tính chất của tướng Thắng, ông "tướng sạch nhất " của quân đội và cũng là ông tướng học giỏi nhất! Nhưng giờ này Hùng chỉ là "simple captain" nên cam phận dẫn quân lên trấn giữa phía bắc Charlie, căng mìn bẫy, đào hầm chờ con cháu Bác, những chiến sĩ Điện Biên. Điện Biên cái con bà nhà nó, lúc xưa bố nó đánh Điện Biên chứ đâu phải nó hôm nay, trong họ tôi có ông chú làm tiểu đoàn trưởng đánh cái Điện Biên khỉ gió kia. Bây giờ tụi nó là cái chó gì. Chẳng nhẽ tôi là lính Tây cà-lồ sao? Phần còn lại tiểu đoàn lên cao điểm 1020, hay C2.

Anh Năm bảo Mễ:  

- Mình giữ hột lạc (cao độ trên bản đồ, thường nhìn giống như hình hột lạc) này vì phía nam tao chắc toàn tụi nó. Lệnh hành quân bắt buộc mình phải giữ cửa thằng Charlie. Kẹt lắm, trước sau gì tụi nó cũng phải chiếm thằng Charlie này, và mình thì chỉ việc "thủ." Bố khỉ, thôi đã xuống đây thì phải giữ chứ biết làm sao, hôm đi họp hành quân được nhận tin tình báo từ quân đoàn, Sư Ðoàn 320 (tức Sư Ðoàn Điện Biên của Bắc Việt) đã rút về tây, vào đất Lào!  

- Anh Năm yên chí, mình "hơn tiền " tụi nó! Mễ chắc giọng.  

Nhưng thật ra tất cả chỉ là những câu nói bề mặt, phần trong, đằng sau lý luận và phân tích, do những kinh nghiệm và nhạy cảm riêng về chiến trường, mọi người đều có chung ý nghĩ: Xong rồi, mình đã lọt bẫy! Bởi, chiến tranh miền núi là chiến trường giữa những cao điểm. Ðành rằng C và C2 cũng là những cao độ, nhưng 960 và 1020 làm sao chế ngự được những đỉnh 1773, 1274, 1512 của rặng Big Mama Mountain và tiếp theo một dãy đường đỉnh nam rặng Chu To Sang. Và pháo binh của tụi nó. Pháo và kèm theo một "rừng cối," gồm một hệ thống súng cối có đường kính từ 80 ly trở lên hoặc sơn pháo bắn thẳng.

Sự thông minh và tinh tế về chiến trường của toàn bộ sĩ quan tiểu đoàn ngừng lại ở đây. Họ không dám nghĩ thêm. Phần lệnh hành quân đã giao cho họ một đỉnh núi trơ trọi để sửa soạn vinh quang cùng cái chết. Họ chỉ có một đỉnh Charlie đang hừng hực bốc hơi dưới nắng hè hạ chí trời Tây Nguyên. Định mệnh, sức mạnh khắc nghiệt khốn kiếp đã bắt phải như thế. Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù không còn khả năng chọn lựa. Như cuối cùng cái chết thế nào rồi cũng phải tới cho dù người lính hằng chiến đấu quyết liệt bao nhiêu. Sự thông minh và tinh tế về chiến trường của toàn bộ sĩ quan tiểu đoàn ngừng lại ở đây. Họ không dám nghĩ thêm. Phần lệnh hành quân đã giao cho họ một đỉnh núi trơ trọi để sửa soạn vinh quang cùng cái chết.

Ngày 6, cứ điểm Delta ở phía Nam bị đánh. Đúng chiến thuật, lính ông Giáp tưới xuống một trận mưa pháo, cối và hoả tiễn. Đêm thật dài, người ở Charlie chờ đợi và theo dõi. Tiên sư, tụi thằng Mạnh (Tiểu Ðoàn Nhảy 2 Dù giữ căn cứ Delta) bị rồi. Xem thử tụi nó đánh đấm ra sao? Bộ chỉ huy Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù chong mắt vào loa khuếch đại máy truyền tin để nghe kết quả. Trời sáng dần, Delta lấy lại được, quân ta thắng. Anh Năm nhìn Mễ: 

- Mày thấy đấy, chúng sẽ chơi với mình cũng với cách này, chúng sẽ lấy kinh nghiệm ở Delta để "dứt điểm"

mình.  

Toàn thể bộ chỉ huy im lặng. Mọi người đều có ý nghĩ chung. Bao giờ đến lượt mình? Bao giờ?  

Nhưng anh Năm không thụ động, con hổ dù bị nhốt trong chuồng vẫn còn nguyên phong độ, uy lực riêng. Không cần phải luận lý lâu lắc. Đây, quyết định của anh:  

- Mễ, mày đem hai thằng 2 và 4 (Đại Ðội 2 và 4) lên chiếm cho tao cái này. Anh chỉ vào một cao điểm ở nam C2. Nếu chiếm được mình sẽ cho một thằng lên giữ nó, mình đã bị phân tán mỏng thì cho mỏng luôn, càng mỏng càng tốt, tránh được pháo, đỡ bị tụi nó vây... Mày nghe chưa?

Mễ gật đầu, anh Năm thấy, nó cũng chung ý nghĩ. Đã vào bẫy thì tìm cách thoát ra, một đỉnh núi không thể là vị trí cố thủ. Tôi nghe anh rõ. Mễ trả lời. Trời vừa sáng, Mễ quay bảo Hải, Sĩ Quan Trưởng Ban 3 (Ban Hành Quân):  

- Ông cho hai thằng 2 và 4 chuẩn bị, mình đi làm ăn. Không thể ngồi đợi tụi nó tới đây rúc rỉa, cấu xé được.  

Ba đợt xung phong không thành, Bắc quân quả không dại dột bỏ vị trí rất nhiều ưu điểm. Cũng bởi sườn quá dốc, quân ta dù can trường, dùng tay lẫn chân cũng không thể nào "chạy" qua được hàng lưới lửa của đại liên 12.7 ly hoặc sơn pháo 75 ly bắn thẳng!  

- Cho thằng Mễ lui! Anh Năm bảo Hải. Trán cau lại, anh nhìn xuống đất, gỡ kính, chớp mắt, nói nhỏ sau tiếng chặc lưỡi: Mình bị một con dao đâm lút cán vào lưng!

Những ngày sau tương đối bình yên, hằng ngày các đại đội tung các đứa con ra xa lục soát, chỉ trừ đường về phía nam, nơi tụi "khốn nạn" đang chui trong núi. Làm sao "móc" chúng ra được? Bom thả xuống hằng ngày, nhưng chỉ là bom miểng. Mẹ, hầm tụi nó đào theo chữ U hoặc con c... gì gì thì làm sao bom "lách" vào được? Anh Năm đi lại trên đỉnh đồi nhìn bốn hướng trùng trùng và xa xa trong ánh nắng về phía Tây, cuối con đường trong vùng núi Lớn có lớp bụi mù.  

- Xe chúng nó! Xe chúng nó! Tăng hay GMC của tụi nó... Bom! Bom! Gọi lữ đoàn, Hải!  

- Để em gọi, nhưng Molotova chứ đâu phải GMC, anh Năm.  

- Thì đấy là GMC của Nga, mày biết mẹ gì!  

Đàn em thì bao giờ cũng "chẳng biết mẹ" gì. Anh Năm vốn hay phủ đầu như vậy. Nhưng đấy chỉ là một cách nói, bởi anh rõ ưu điểm của từng người như một máy ghi âm cực tốt. Máy bay ta ào tới, con đĩ "Lan 19" lượn một vòng trên vùng chỉ định, cho "ra" một trái khói. Khu trục nhào xuống tiếp theo, bom nổ dâng cột khói lên cao.  

- Tiên sư, bom ném thì hay nhưng sợ tụi nó trốn rồi, nó lại không trốn luôn mà quay trở lui về phía mình thì bỏ mẹ.  

Sau cơn bom, khói bay lên không trung, qua bóng nắng đằng xa thung lũng lại có lớp bụi mới bồi từng chập.  

- Tăng! Tăng! Tăng nữa! Ðông quá, tụi nó chưa bị! Tiên sư, nó trốn ở đâu nhỉ? Trên đồi cao, anh Năm đứng im như con báo nhìn lũ sài lang tiến tới hằng hằng lớp lớp. Làm gì được bây giờ. Không lẽ xin thêm phi tuần khu trục?

Ngày 11, trận địa pháo bắt đầu. Pháo thật sự của 122 và 130 ly ào ào trútxuống C1, C2, C3. Không phải từng trái, nhưng từng chùm, từng loạt. Một, hai, ba... Hải cố gắng đếm.  

- Mày làm gì thế, điên sao em? Anh Năm vừa hỏi vừa cười.  

- Mình gắng đếm để báo cáo cho chính xác!  

- Thế thì Mày phải đếm hàng chục một, một chục, hai chục... Tụi nó đâu "đi tiền" lẽ!  

- Tụi nó "chơi" tôi! Thinh ở Charlie báo cáo qua máy.  

- Mày giữ nỗi không? Anh Năm cướp ống liên hợp máy truyền tin trên tay Hải.  

-Trình " đích thân," suya là tôi giữ được, xin cho pháo mình nổ gần tôi thêm chút nữa.  

Pháo căn cứ hoả lực Võ Định (nơi đặt bộ chỉ huy lữ đoàn) bắn tới tới trước, rơi xuống sườn phía đông Charlie. Đạn 105 và 155 ly nổ từng trái một, khói bụi tung lên trông rõ.  

- Mẹ, bắn gì "quý phái" vậy, nó tấn công chính diện ở phía tây. Mày xin pháo Căn Cứ 5 bắn xuống dễ ăn hơn!  

Hải bốc ba, bốn cái máy truyền tin một lúc, năm ngón tay chuyên "xoa", "nặn" di chuyển trên giàn ống liên hợp lẹ như chớp... Thằng này gọi là "Hải khều" cũng phải, nó khều cái gì đúng cái đó! Anh Năm phịa câu khôi hài đúng lúc. Hải nheo mắt cười thích chí.

Pháo Căn Cứ 5, và hai căn cứ Sơn Tây và Mạnh Mẽ cùng ào xuống, vây quanh Charlie vòng đai lửa.  

- Đấy! Đấy! Phải như thế mới được. Anh Năm gật gù tán dương, đồng lúc tiếng Thinh vang vang qua loa khuyếch đại.  

- Trình đích thân cứ cho gà nó "đá" như thế, em đánh tụi nó de ra như đuổi con nít. Tốt! Tốt! cho gần hơn năm mươi thước nữa thì tốt hơn, ngay trên tuyến em cũng được!

Bốn mươi lăm phút sau, pháo im bặt, cả ta lẫn của địch. Anh Năm lên hầm chong ống nhòm xem Ðại Ðội 1 bên đồi C lục soát chiến trường. Súng và xác bộ đội Cộng Sản nằm lềnh kênh chật kín đồi đất đỏ.  

- Nó đánh thằng 1 là để dợt chơi, cú dứt sẽ với mình.  

- Trung tá, trên họ không tin nó pháo mình bằng 130 ly! Hải báo cáo, giọng mỉa mai.  

- Gì? Anh Năm chỉ gắt được một tiếng. Như thế là người đang nổi cáu. Trường hợp này vốn rất ít, vì anh vốn trầm tỉnh, sự giận chỉ đến sau chót, khi đã cuối cùng chịu đựng.  

- "Họ" bảo mày sao? Chữ "họ" được gằn xuống khinh thị!  

- "Họ" bảo mình kiếm mảnh 130 để gởi về! Chữ "họ" thứ hai qua cách nói của Hảicũng đắng cay không kém.  

- Đến đây mà kiếm, muốn thấy súng của chúng thì cũng đến đây, tao như thế này không lẻ la hoảng, báo cáo láo sao? Anh đá một hòn đất bay tung... Mẹ, nó xài toàn đạn delay (tức đạn đầu nổ chậm, xuyên phá qua đất hoặc công sự chiến đấu mới phát nổ) mới thế này đây! Câu nói ngắn đau đớn của niềm phẫn nộ tuyệt vọng.  

- Cho sửa sang hầm hố, ngày mai gì tụi nó cũng "chơi " lại. Trước khi bước đi, anh quay sang Hải, dặn thêm: Mày trình với lữđoàn, để nói với quân đoàn, đây là đạn 130 ly thật. Là 130 ly xuyên phá. Mày bảo tao nói thế.

Đêm xuống thật mau, đêm của núi rừng thẩm màu và đầy bóng tối đe doạ. Sao trên cao lấp lánh, sương mù đùn lớp. Đêm như có hình khối chuyển dịch. Ðêm chất chứa che dấu hàng ngàn sinh vật đang bò dần vào cứ điểm. Đêm cũng vô cùng im lặng, nhưng nỗi im lặng kinh dị như khoảng cách từ khi viên đạn ra khỏi nòng súng và sắp sửa "chui" xuống mái hầm, hố phòng thủ. Trong bóng tối, mấy trăm con người trên ba cứ điểm dựng đứng đôi mắt xuyên thủng qua bóng tối. Và chờ. Ngủ chỉ là khoảng cách ngắn để đối mắt khép lại, đầu gục xuống, xong giật mình tỉnh giấc với nỗi "lo lắng" như vừa qua cơn mê thiếp dài, và trong khoảng khắc "dài thăm thẳm chóng vánh" này, hình như quân địch đã tiến sát gần hơn. Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù qua đêm trong chập chờn sắc buốt với cảm giác viên đạn vô hình đang bay thẳng vào mặt. Có ráng hồng bên kia núi. Ngày đã tới. Ánh sáng đẹp âm vang hân hoan, như ân huệ nồng nàn vừa được sống sót qua thêm một đêm.

Ngày 6, cứ điểm Delta ở phía Nam bị đánh. Đúng chiến thuật, lính ông Giáp tưới xuống một trận mưa pháo, cối và hoả tiễn. Đêm thật dài, người ở Charlie chờ đợi và theo dõi. Tiên sư, tụi thằng Mạnh (Tiểu Ðoàn Nhảy 2 Dù giữ căn cứ Delta) bị rồi. Xem thử tụi nó đánh đấm ra sao? Bộ chỉ huy Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù chong mắt vào loa khuếch đại máy truyền tin để nghe kết quả. Trời sáng dần, Delta lấy lại được, quân ta thắng. Anh Năm nhìn Mễ:  

- Mày thấy đấy, chúng sẽ chơi với mình cũng với cách này, chúng sẽ lấy kinh nghiệm ở Delta để "dứt điểm" mình.  

Toàn thể bộ chỉ huy im lặng. Mọi người đều có ý nghĩ chung. Bao giờ đến lượt mình? Bao giờ?  

Nhưng anh Năm không thụ động, con hổ dù bị nhốt trong chuồng vẫn còn nguyên phong độ, uy lực riêng. Không cần phải luận lý lâu lắc. Đây, quyết định của anh:  

- Mễ, mày đem hai thằng 2 và 4 (Đại Ðội 2 và 4) lên chiếm cho tao cái này. Anh chỉ vào một cao điểm ở nam C2. Nếu chiếm được mình sẽ cho một thằng lên giữ nó, mình đã bị phân tán mỏng thì cho mỏng luôn, càng mỏng càng tốt, tránh được pháo, đỡ bị tụi nó vây... Mày nghe chưa?  

Mễ gật đầu, anh Năm thấy, nó cũng chung ý nghĩ. Đã vào bẫy thì tìm cách thoát ra, một đỉnh núi không thể là vị trí cố thủ. Tôi nghe anh rõ. Mễ trả lời. Trời vừa sáng, Mễ quay bảo Hải, Sĩ Quan Trưởng Ban 3 (Ban Hành Quân):  

- Ông cho hai thằng 2 và 4 chuẩn bị, mình đi làm ăn. Không thể ngồi đợi tụi nó tới đây rúc rỉa, cấu xé được.  

Ba đợt xung phong không thành, Bắc quân quả không dại dột bỏ vị trí rất nhiều ưu điểm. Cũng bởi sườn quá dốc, quân ta dù can trường, dùng tay lẫn chân cũng không thể nào "chạy" qua được hàng lưới lửa của đại liên 12.7 ly hoặc sơn pháo 75 ly bắn thẳng!  

- Cho thằng Mễ lui! Anh Năm bảo Hải. Trán cau lại, anh nhìn xuống đất, gỡ kính, chớp mắt, nói nhỏ sau tiếng chặc lưỡi: Mình bị một con dao đâm lút cán vào lưng!

Những ngày sau tương đối bình yên, hằng ngày các đại đội tung các đứa con ra xa lục soát, chỉ trừ đường về phía nam, nơi tụi "khốn nạn" đang chui trong núi. Làm sao "móc" chúng ra được? Bom thả xuống hằng ngày, nhưng chỉ là bom miểng. Mẹ, hầm tụi nó đào theo chữ U hoặc con c... gì gì thì làm sao bom "lách" vào được? Anh Năm đi lại trên đỉnh đồi nhìn bốn hướng trùng trùng và xa xa trong ánh nắng về phía Tây, cuối con đường trong vùng núi Lớn có lớp bụi mù.  

- Xe chúng nó! Xe chúng nó! Tăng hay GMC của tụi nó... Bom! Bom! Gọi lữ đoàn, Hải!  

- Để em gọi, nhưng Molotova chứ đâu phải GMC, anh Năm.  

- Thì đấy là GMC của Nga, mày biết mẹ gì!  

Đàn em thì bao giờ cũng "chẳng biết mẹ" gì. Anh Năm vốn hay phủ đầu như vậy. Nhưng đấy chỉ là một cách nói, bởi anh rõ ưu điểm của từng người như một máy ghi âm cực tốt. Máy bay ta ào tới, con đĩ "Lan 19" lượn một vòng trên vùng chỉ định, cho "ra" một trái khói. Khu trục nhào xuống tiếp theo, bom nổ dâng cột khói lên cao.  

- Tiên sư, bom ném thì hay nhưng sợ tụi nó trốn rồi, nó lại không trốn luôn mà quay trở lui về phía mình thì bỏ mẹ.  

Sau cơn bom, khói bay lên không trung, qua bóng nắng đằng xa thung lũng lại có lớp bụi mới bồi từng chập.  

- Tăng! Tăng! Tăng nữa! Ðông quá, tụi nó chưa bị! Tiên sư, nó trốn ở đâu nhỉ? Trên đồi cao, anh Năm đứng im như con báo nhìn lũ sài lang tiến tới hằng hằng lớp lớp. Làm gì được bây giờ. Không lẽ xin thêm phi tuần khu trục?

Ngày 11, trận địa pháo bắt đầu. Pháo thật sự của 122 và 130 ly ào ào trútxuống C1, C2, C3. Không phải từng trái, nhưng từng chùm, từng loạt. Một, hai, ba... Hải cố gắng đếm.  

- Mày làm gì thế, điên sao em? Anh Năm vừa hỏi vừa cười.  

- Mình gắng đếm để báo cáo cho chính xác!  

- Thế thì Mày phải đếm hàng chục một, một chục, hai chục... Tụi nó đâu "đi tiền" lẽ!  

- Tụi nó "chơi" tôi! Thinh ở Charlie báo cáo qua máy.  

- Mày giữ nỗi không? Anh Năm cướp ống liên hợp máy truyền tin trên tay Hải.  

-Trình " đích thân," suya là tôi giữ được, xin cho pháo mình nổ gần tôi thêm chút nữa.  

Pháo căn cứ hoả lực Võ Định (nơi đặt bộ chỉ huy lữ đoàn) bắn tới tới trước, rơi xuống sườn phía đông Charlie. Đạn 105 và 155 ly nổ từng trái một, khói bụi tung lên trông rõ.  

- Mẹ, bắn gì "quý phái" vậy, nó tấn công chính diện ở phía tây. Mày xin pháo Căn Cứ 5 bắn xuống dễ ăn hơn!  

Hải bốc ba, bốn cái máy truyền tin một lúc, năm ngón tay chuyên "xoa", "nặn" di chuyển trên giàn ống liên hợp lẹ như chớp... Thằng này gọi là "Hải khều" cũng phải, nó khều cái gì đúng cái đó! Anh Năm phịa câu khôi hài đúng lúc. Hải nheo mắt cười thích chí.  

Pháo Căn Cứ 5, và hai căn cứ Sơn Tây và Mạnh Mẽ cùng ào xuống, vây quanh Charlie vòng đai lửa.  

- Đấy! Đấy! Phải như thế mới được. Anh Năm gật gù tán dương, đồng lúc tiếng Thinh vang vang qua loa khuyếch đại.  

- Trình đích thân cứ cho gà nó "đá" như thế, em đánh tụi nó de ra như đuổi con nít. Tốt! Tốt! cho gần hơn năm mươi thước nữa thì tốt hơn, ngay trên tuyến em cũng được!  

Bốn mươi lăm phút sau, pháo im bặt, cả ta lẫn của địch. Anh Năm lên hầm chong ống nhòm xem Ðại Ðội 1 bên đồi C lục soát chiến trường. Súng và xác bộ đội Cộng Sản nằm lềnh kênh chật kín đồi đất đỏ.  

- Nó đánh thằng 1 là để dợt chơi, cú dứt sẽ với mình.  

- Trung tá, trên họ không tin nó pháo mình bằng 130 ly! Hải báo cáo, giọng mỉa mai.  

- Gì? Anh Năm chỉ gắt được một tiếng. Như thế là người đang nổi cáu. Trường hợp này vốn rất ít, vì anh vốn trầm tỉnh, sự giận chỉ đến sau chót, khi đã cuối cùng chịu đựng.  

- "Họ" bảo mày sao? Chữ "họ" được gằn xuống khinh thị!  

- "Họ" bảo mình kiếm mảnh 130 để gởi về! Chữ "họ" thứ hai qua cách nói của Hải cũng đắng cay không kém.  

- Đến đây mà kiếm, muốn thấy súng của chúng thì cũng đến đây, tao như thế này không lẻ la hoảng, báo cáo láo sao? Anh đá một hòn đất bay tung... Mẹ, nó xài toàn đạn delay (tức đạn đầu nổ chậm, xuyên phá qua đất hoặc công sự chiến đấu mới phát nổ) mới thế này đây! Câu nói ngắn đau đớn của niềm phẫn nộ tuyệt vọng.  

- Cho sửa sang hầm hố, ngày mai gì tụi nó cũng "chơi " lại. Trước khi bước đi, anh quay sang Hải, dặn thêm: Mày trình với lữ đoàn, để nói với quân đoàn, đây là đạn 130 ly thật. Là 130 ly xuyên phá. Mày bảo tao nói thế.  

Đêm xuống thật mau, đêm của núi rừng thẩm màu và đầy bóng tối đe doạ. Sao trên cao lấp lánh, sương mù đùn lớp. Đêm như có hình khối chuyển dịch. Ðêm chất chứa che dấu hàng ngàn sinh vật đang bò dần vào cứ điểm. Đêm cũng vô cùng im lặng, nhưng nỗi im lặng kinh dị như khoảng cách từ khi viên đạn ra khỏi nòng súng và sắp sửa "chui" xuống mái hầm, hố phòng thủ. Trong bóng tối, mấy trăm con người trên ba cứ điểm dựng đứng đôi mắt xuyên thủng qua bóng tối. Và chờ. Ngủ chỉ là khoảng cách ngắn để đối mắt khép lại, đầu gục xuống, xong giật mình tỉnh giấc với nỗi "lo lắng" như vừa qua cơn mê thiếp dài, và trong khoảng khắc "dài thăm thẳm chóng vánh" này, hình như quân địch đã tiến sát gần hơn. Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù qua đêm trong chập chờn sắc buốt với cảm giác viên đạn vô hình đang bay thẳng vào mặt. Có ráng hồng bên kia núi. Ngày đã tới. Ánh sáng đẹp âm vang hân hoan, như ân huệ nồng nàn vừa được sống sót qua thêm một đêm.

 

Viết văn làm báo thời xa xưa



Nhà văn Phùng Tất Ðắc (1907-2008) 

 Viên Linh

Trong đời dù chỉ được gặp mặt nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc vào một đêm văn nghệ, nhưng là đêm văn nghệ do chính mình đứng ra mời các văn hữu, tôi luôn luôn luôn còn nhớ dịp vui ấy nơi Hầm Gió, đêm ra mắt tác phẩm Hạ Ðỏ Có Chàng Tới Hỏi do Khai Hóa xuất bản, và tổ chức.





Hình bìa vài tác phẩm của Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc, in kèm chân dung Phùng Tất Ðắc qua nét phác họa của Tạ Tỵ.

Sài Gòn, 1973, đã hơi quá thời của phong trào Hippy, (Hippy a gogo do Trường Kỳ quảng bá), của quần ống chân voi và hoa đại năm cánh màu xanh lá cây, song từ phòng trà Queen Bee của Ngọc Chánh trong khu Eden tới cái quán của ca sĩ Nam Lộc trên đường Võ Tánh lúc nào cũng nhộn nhịp với trai thanh, gái tú, hay một cách cụ thể, từ Rock and Roll qua Psychedelic, với những Jo Marcel, Elvis Phương, Jimmy Joseph, Trường Kỳ, Tùng Giang, Trung Nghĩa, Annie Nga, Cathy Huệ, Thanh Tuyền,... với các ca sĩ nhạc trẻ khác lừng lẫy một thời, Sài Gòn lúc ấy là thiên đường của nhạc trẻ, và Hầm Gió là một điểm hẹn tấp nập. Ðến đó cũng là để nghe những bản nhạc thời đại phát ra từ một hệ thống âm thanh hoàn hảo, trong một không khí ấm cúng, với hình ảnh và tiếng hát của những Jimi Hendrix, Josplin, của những bài Heartbreaker hay Do What You Like. Nhưng đêm ấy đã được Nam Lộc dành cho Viên Linh và tác phẩm mới nhất viết cho tuổi trẻ. Và vào lúc rượu vừa cạn, tối chuyển vào đêm, thì hai nhà văn tên tuổi và đứng tuổi mới bước vào: đó là Mặc Ðỗ của Siu Cô Nương (1958) và Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc của Chơi Chữ (1960), Giai Thoại Làng Nho (1963).

Lúc ấy nhà văn Mặc Ðỗ đã hơn 50 và nhà văn Lãng Nhân đã hơn 60 tuổi. Ðã gặp anh Mặc Ðỗ nhiều lần, tôi không ngạc nhiên, nhưng đó là lần đầu tôi được gặp một tác giả đã từng bỏ tiền ra xuất bản báo Ðông Tây ở Hà Nội từ năm 1931, 1932! Và lúc đó đứng đầu ngành ấn loát tại miền Nam với nhà in có tiêu chuẩn Âu Châu, máy móc tối tân Kim Lai ấn thư quán. Nó vốn là nhà in IFOM của Pháp (Imprimerie Francaise d' Outre Mer - Pháp quốc hải ngoại). Cũng trong nhà in này, Phùng Tất Ðắc chủ trương nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư, in sách của các tác giả lớp trước, như của Tạ Tỵ, Ðoàn Thêm,... và nhất là các trước tác của chính ông, đã trở thành những tác phẩm cổ điển, bề thế: Chơi Chữ, Giai Thoại Làng Nho, Hán Văn Tinh Túy, Nhớ Nơi Kỳ Ngộ, Thơ Pháp tuyển dịch, Chuyện Cà Kê. Khoảng năm 1972, Lãng Nhân đã viết một bài dài về nghề làm báo thời tiền chiến.

“Sở dĩ tôi hàm làm báo là vì từ trước vẫn nghe nói chuyện về những thiên tài Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và đức cần cù của Trần Trọng Kim, nên muốn được học hỏi nơi các ‘thần tượng’ ấy. Ðến khi lên Hà thành, gặp ông Phạm Quỳnh ở Hội Khai Trí, tôi không ưa lối cao ngạo, nhưng phải phục đức tính chịu khó của ông: ông ngồi văn phòng mùa nóng nực, mồ hôi nhễ nhại mà vẫn cặm cụi viết, hoặc đọc sách đến đoạn nào đắc ý, lại lom khom đứng dậy ghi ngay vào fiches. [thẻ] Nguyễn Văn Vĩnh thật có thiên tài... hồi ông dịch tiểu thuyết Pháp, buổi trưa sau bữa cơm, ông nằm trên ghế dài, hai bên hai người ngồi chép, ông dịch một lúc hai bộ tiểu thuyết, cứ đọc một câu cho bên phải lại quay đọc một câu cho bên trái. Ông lại là người rất tình cảm, khi dịch “Mai Nương Lệ Cốt,” hễ xong vài chục trang lại cho người đem cho bà vợ đầm xem ngay trước rồi mới đưa in. Ông có tài đọc rất nhanh, tôi từng thấy ông cầm quyển Nho Giáo mới xuất bản, lật lật từng tờ, đưa mắt qua loa, độ một giờ sau là ông cầm bút viết bài phê bình trên báo “Annam Nouveau.” Trần Trọng Kim là người cần cù khổ học. Ông có một cái bàn viết thật độc đáo, cả bàn ghế cả đèn đều đặt trong một chiếc màn lớn để tránh muỗi, đêm nào dù đi yến tiệc ở đâu cũng cứ 22 giờ là về, chui vào làm việc cho đến 2 giờ sáng.” (Văn, 10.1.1975)

“Nhiệm vụ thường xuyên của tôi (ở báo Ðông Tây) là đứng ở nhà in coi đặt bài vào khuôn, đoạn nào thừa thì cắt đi, khoảng nào trống thì trám vào.”

“Báo chí buổi ấy ở dưới chế độ kiểm duyệt. Ðứng đầu Sở Kiểm Duyệt là Vayrac, một ông tây thâm nho... Khoảng năm 1930 chính quyền Pháp bổ ông Vi (Văn Ðịnh) về tổng đốc Thái Bình,... ông Vi dùng hết cơ tâm để săn bắt những người làm quốc sự, lại sáng chế ra một cách tra tấn thần hiệu là dùng chày nện vào các khớp xương. Ðược tin ấy, Ðồng Giang cư sĩ ở Nam Ðịnh gửi lên báo Ðông Tây một bài thơ vịnh chày, lấy chày làm độc vận... Hồi bấy giờ lệ kiểm duyệt cho đưa từng bài lẻ chứ không phải đưa ra cả trang báo lớn, nên khi ráp các bài đã được phép in thành một trang, tòa soạn trưng hình ông Vi lên trang nhất, và ngay bên dưới, đóng khung bài thơ chày, đã có dấu kiểm duyệt:

CHÀY


Khen ai đã khéo tạc nên chày

Ðau đớn cho ai chỉ vị chày

Ở chốn rừng xanh trơ xác lõi

Về nơi dân đỏ béo thân chày

Trông ra tròn trặn trơn lì gỗ

Dùng đến hung hăng giã nặng chày

Ðầu có nhọn đâu mà cổ thắt?

Ngàn thu còn nhớ mãi tên chày.

(Cụ lớn vốn là người mạn ngược đầu tiên được cử về trị nhậm ở vùng xuôi, cũng nhờ cái tiếng hét ra lửa.)

Báo phát hành, quả nhiên tiếng chày vang rộn rã trên khắp các tỉnh miền Trung châu, và từ đó về sau, cái hình phạt “chày” cụ lớn không cho dùng đến nữa.

Ðông Tây là tờ báo bán chạy nhất hồi đó, và qui tụ những tên tuổi lớn như Phan Khôi, Trần Tuấn Khải, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Vi Huyền Ðắc, Thiết Can, Hoàng Ngọc Phách. Tờ báo có khuynh hướng chính trị, ủng hộ những người và những việc chống Pháp, cũng như đả kích những người thân Pháp. Sau bài thơ Chày, tờ báo bị rút giấy phép vào ngày 25 tháng 7, 1932. Sau đó Phùng Tất Ðắc viết cho rất nhiều báo, cả Pháp ngữ lẫn Việt ngữ, như Cri de Hanoi, Nhựt Tân, Ích Hữu. Ông đã lấy vợ lần đầu năm 17 tuổi, đến năm 1935 lấy vợ lần nữa. Năm 1940 đắc cử chức nghị viên trong Nghị Viện Bắc Kỳ, năm 1945 bị Nhật bắt nhưng được ông bạn làm báo lúc trước là Trần Trọng Kim, lúc này là thủ tướng nước Việt Nam, cứu ra khỏi tù. Năm 1954 Phùng Tất Ðắc di cư vào Nam, năm 1975 di tản qua Anh quốc, cư ngụ ở Cambridge, và từ trần tại đây ngày 29 tháng 2, 2008, thọ 101 tuổi. Bài này được viết nhân cái giỗ thứ tư của vị đàn anh trong văn giới và báo giới Việt ngữ. (2.2012)



tải về 1.62 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương