Đặc San Chu Văn An



tải về 1.62 Mb.
trang4/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.62 Mb.
#12756
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

THẤT TRẢM SỚ

Chân Diễn Mục, CVA 57 (1)



Một xin chém cái nước thù
Hai xin diệt nốt văn nô một chiều
Những tên " trí tuệ " cao siêu
Nịnh bợ Mao , Xít  viết điều loạn ngôn  
Ba xin diệt lũ ác ôn
Đào mồ tiên tổ nói rằng quan liêu
Bốn diệt dự án làm liều
Tan hoang sông núi triệt tiêu môi trường
Năm xin tiêu diệt " sách hồng "
Đầu độc lũ trẻ hết mong thấy đường
Sáu xin đuổi hết Ma vương
Ngồi xổm hưởng lạc trên xương đồng bào
Bẩy xin chém hết cái ngu
Không phân lẫn lộn bạn thù hỡi ôi
Bạn là dân chủ tự do
Thù là phát xít mưu đồ Sô Vanh.

Chú thích.

(1). Chân Diện Mục là bút hiệu của Phạm Huy Viên. Anh sinh năm 1936 tại Nam Định, di cư vào Nam năm 1954, Anh ra trường CVA năm 57, vào Cao Đẳng Sư Phạm 1957, ban Việt Hán, rồi thi chuyển sang ĐHSP năm 1958 ( năm thứ hai, nên gọi là khoá Đặc Biệt ), ra trường năm 1960. Dạy học tại Rạch Giá, Đà Lạt, Cần Thơ. Nghỉ dạy năm 1978. Làm đủ thứ nghề: làm rẫy, đi buôn.... cuối cùng viết văn thơ giải buồn. Blog Chân Diện Mục (http://vn.myblog.yahoo.com/chandienmuc36)


Thầy Xán
Lưu Trung Khảo

Năm 1951, tôi nhập học lớp đệ Tam trường trung học Chu Văn An qua một kỳ thi tuyển. Năm đó trường có ba lớp đệ tam: Khoa Học Toán, Khoa Học Thực Nghiệm và Sinh Ngữ. Hai lớp Khoa Học sĩ số tương đối đầy đủ, nhưng lớp Sinh Ngữ còn vắng hoe. Khách văn chương xưa nay vốn vẫn hiếm. Nhà trường bèn ra thông cáo thi tuyển học sinh các trường tư vào cho đủ số 50. Cùng với Dương Văn Hoàn lúc đó đang học trường tư thục Hàn Thuyên, chúng tôi hăng hái góp đơn dự thi và đi coi kết quả. Kết quả tốt: Cả hai chúng tôi đều trúng tuyển. Thế là chúng tôi giã từ ngôi trường hàng xóm của trường Trưng Vương để lên cửa Bắc thành Hà Nội mà học trường Chu Văn An.

Các lớp đệ nhị cấp của trường nằm trên lầu 3. Hiệu trưởng năm đó là thày Vũ Ngô Xán, Giám học là thày Vũ Đức Thận. Thày Thận thấp nhỏ, quanh năm suốt tháng mặc một bộ đồ màu trắng. Trời nắng, trời mưa hay giông bão đi nữa, thày bao giờ cũng đứng ở cầu thang lối lên xuống để nhìn học sinh xếp hàng vào lớp hay ra về. Thày Xán thường mặc bộ đồ màu xám và dùng xe đạp để di chuyển. Sau này vào Nam, tôi vẫn thấy thày đạp chiếc xe cọc cạch đó mà dẫn sinh viên trường Đại Học Sư Phạm đi thực tập. Khác với thày Thận lúc nào cũng nghiêm trang, thày Xán luôn luôn giữ một nụ cười hiền hòa, một giọng nói thẳng thắn, cởi mở và chân thành. Nụ cười đó, giọng nói đó, thày luôn luôn dùng để giao thiệp với cấp trên cũng như thuộc cấp và sinh viên học sinh của thày. Không bao giờ thay đổi.

Năm đó, Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Văn Tâm đến thăm trường. Dư luận đồng bào ngoài Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng không ưa con cọp xám Cai Lậy. Cựu hoàng Bảo Đại trong cuốn hồi ký “Con rồng An Nam” cho rằng cử Nguyễn Văn Tâm làm Thủ Hiến Bắc Việt là vì ông Tâm có khả năng và vì ba kỳ đã thống nhất thật sự. Cử ông Tâm, một người gốc miền Nam ra điều khiển cơ quan hành chánh lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ, Cựu hoàng muốn tỏ rằng chế độ Nam Kỳ tự trị đã hoàn toàn cáo chung. Cựu hoàng có toàn quyền bổ nhiệm bất cứ người nào vào một chức vụ nào ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ. Thế nhưng dư luận vẫn không ưa ông Tâm. Người ta cho rằng ông Tâm thân Pháp, rằng ông chỉ biết nói tiếng Pháp, rằng ông và cả nhà ông đều có quốc tịch Pháp, rằng ông đã cai trị quá tàn nhẫn khi ông làm chủ quận Cai Lậy, Mỹ Tho. Biết dư luận không ưa mình, ông Tâm đi thăm viếng nhiều nơi để tiếp xúc với dân chúng hầu gây cảm tình tốt. Ông khai mạc các cuộc triển lãm tranh và thường mua vài bức cao giá để giúp các họa sĩ. Họa sĩ Nguyễn Văn Thịnh tức Thịnh Del, giáo sư hội họa trường trung học Nguyễn Trãi, trong lần tổ chức triển lãm tranh ở nhà Thủy tạ bên hồ Hoàn Kiếm đã dành cho tranh chân dung của Nguyễn Văn Tâm một kích thước quá lớn và trưng bày ở vị trí cao quý nhất. Bên dưới bức tranh đó, họa sĩ còn ghi rõ bằng tiếng Việt: Ngài Thủ Hiến Bắc Việt Nguyễn Văn Tâm và tiếng Pháp: Son Excellence Nguyễn Văn Tâm Gouverneur du Nord Viet Nam. Một giáo sư cùng dạy trường Nguyễn Trãi, sau khi đi xem một vòng đã chỉ vào bức tranh chân dung Nguyễn Văn Tâm mà nói với giáo sư Thịnh: “Trong số các bức tranh này của toa là đạt nhất.”

Ông Tâm còn thường mời các cụ Tú, cụ Cử đến tư dinh Thủ Hiến để nói chuyện và vịnh thơ văn. Ông làm thơ luật ký tên là Chính Đạo để tỏ cho mọi người biết rằng ông cũng sử dụng tiếng Việt rành rẽ chứ không phải chỉ biết tiếng Pháp. Nhân đó mà xảy ra giai thoại bức đại tự lưu hành trong dân gian.

Người ta kể rằng một ông Đồ một hôm đem tặng

ngài Thủ Hiến một bức hoành phi trên đó có khắc bốn chữ: Đại điểm quần thần. Cụ Đồ giải thích: Ngài Thủ Hiến người bầy tôi quan trọng của Đức Quốc trưởng cũng giống như một điểm lớn trong đám quần thần của Cựu Hoàng, rất xứng đáng để được xưng tụng như bốn chữ trong bức đại tự. Nguyễn Văn Tâm khoái lắm, thưởng cụ Đồ một món tiền và cho treo bức hoành phi lên. Ít lâu sau, có người mới giải thích cho ông Tâm rõ tác giả bốn chữ kia muốn chửi xỏ ngài Thủ hiến:

Đại điểm là chấm to, quần thần là bầy tôi. Nói lái lại chó Tâm bồi Tây!

Giai thoại trên có nhiều phần là không thật nhưng rất phổ biến. Người ta còn nói rằng ông bị Việt Minh chặt cụt một ngón tay. Có người lại bảo ông tự chặt ngón tay đó để thề sống còn với Việt Minh. Bàn tay thiếu ngón của ông Tâm, tôi đã thấy trong dịp ông viếng trường Chu Văn An.

Trước giờ ông đến trường, bốn năm chiếc xe Jeep chở công an võ trang cùng mình chia nhau đi trấn giữ những địa điểm quan trọng xung quanh trường và bốn góc sân. Học sinh chúng tôi được các thày giám thị bắt xếp hàng cho ngay ngắn trật tự để đón rước. Vẫn bộ đồ âu phục màu xám cố hữu, vẫn nụ cười hiền hòa và giọng nói rộn ràng thẳng thắn, thày Xán đã bắt tay chào mừng ông Thủ hiến Tâm. Khi bắt tay viên Thủ hiến, thày vẫn đứng thẳng như một cây tùng, mắt nhìn thẳng vào vị thượng khách. Dẫn vị thượng khách đi duyệt qua đám học sinh chúng tôi, thái độ thày vẫn đĩnh đạc tự nhiên. Thày dùng tiếng Việt trong khi vị thượng khách dùng tiếng Pháp. Lúc lên khuyên nhủ học sinh chúng tôi thì may quá, ông Tâm nói tiếng Việt. Bạn tôi, anh Đỗ Tiến Đạt thắc mắc:

“Lạ thật, giờ Pháp văn, thày nói tiếng Pháp và bắt mình nói tiếng Pháp suốt giờ mà sao thày lại dùng tiếng Việt để đàm thoại với ông Thủ hiến chỉ quen nói tiếng Pháp?”

Mai Dũng cười:

“Thì cụ nói tiếng Việt để nhắc ông Thủ hiến rằng mình là người Việt chứ đâu phải là người Pháp!”

Năm đệ tam đó, chúng tôi học môn Pháp Văn với thày Xán. Mọi người chúng tôi được nhà trường cho mượn một lô sách Pháp văn khá đầy đủ. Chúng tôi chỉ phải mua cuốn văn phạm của Crouzet bìa nâu và cuốn Littérature expliquée của Des Granges bìa xanh. Chương trình học là văn chương cổ và cổ điển Pháp không lấy gì làm hứng thú lắm. Thày Xán dạy rất đúng phương pháp sư phạm và tận tâm. Đầu mỗi giờ học, thày biên lên bảng công việc phải làm trong giờ đó:

- Đọc bài nào, của ai, trang bao nhiêu.

- Học thuộc lòng đoạn nào của bài giảng.

- Sửa soạn bài nào cho tuần tới.

Và giao cho Trần Quang Liễn, người giữ sổ điểm công việc gọi học sinh lên trả bài học thuộc lòng bằng tiếng Pháp. Chúng tôi làm quen với Corneille, Racine, Ronsard..., qua thày Xán. Khác với các giáo sư khác, số điểm cho học sinh thường rất thưa thớt, điểm Pháp Văn của thày Xán bao giờ cũng đầy đủ nhất. Một tháng chúng tôi có tới bốn, năm điểm Pháp văn về học thuộc lòng, về giảng văn, về chính tả, về luận văn và dịch văn. Các giáo sư dạy bậc trung học nhất là trung học đệ nhị cấp thường rất “lười” cho điểm vì công việc này chiếm mất khá nhiều thì giờ. Thày Xán không như vậy, có lẽ vì thày, trước khi theo học trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương, đã tốt nghiệp Sư phạm bậc Tiểu học và đã dạy Tiểu học ở tỉnh Thái Bình một thời gian.

Cuối mỗi tháng, điểm bài học và bài làm được ghi vào Thông tín bạ và được đưa về cho phụ huynh kiểm nhận. Thày Xán với tư cách Hiệu trưởng đã phê bình và kiểm ký từng cuốn trước khi giao cho học sinh. Thày làm công việc này rất đều đặn và kỹ lưỡng từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác và từ Bắc vào Nam.

“Khá”, “Vẫn khá”, “Trung bình”, “Cần cố gắng về Toán”, “Còn kém, phải cố gắng hơn...” Biết bao những lời phê như vậy đã được thày ban phát cho học sinh không ngừng nghỉ, không biết mệt trong những năm thày làm hiệu trưởng trường Chu Văn An ở Hà Nội và Sài Gòn.

Suốt ba năm học ở trường Chu Văn An Hà Nội, tôi đều “bị” anh em giao cho công việc viết và đọc chúc từ ngày cuối năm. Thày Xán không bao giờ vắng mặt trong những dịp này ở bất cứ một lớp nào. Mà tiệc liên hoan tất niên của học sinh thì nào có gì là cao lương mỹ vị đâu: Một ít bánh kẹo, mứt, hạt dưa, nước ngọt, một vài câu đối, bức tranh vẽ vội trên bảng do một họa sĩ học sinh có hoa tay, đôi khi một vài tờ bích báo nữa. Nhưng với thế giới học đường, đó là đại yến, đó là cái đạo không thể thiếu được của trò đối với thầy. Thầy trò hể hả uống nước ngọt, ăn bánh, kẹo, cắn hạt dưa. Thầy Xán ngồi chính giữa một cái bàn dài kê đối diện với đám học sinh chúng tôi, quây quần xung quanh bởi các vị giáo sư khả kính khác. Sau khi đọc bài chúc từ, tôi tiến lên trao bài cho thầy. Thầy đứng lên nhận bài chúc từ, bắt tay tôi và ứng khẩu nói về việc học của lớp trong năm qua, khuyên nhủ chúng tôi và không bao giờ quên chúc chúng tôi và gia đình chúng tôi được mọi sự tốt lành trong năm tới. Những nhận xét của thày rất đúng đắn và chính xác chứng tỏ thầy có quan tâm và theo dõi rất kỹ.

Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm xong, tôi may mắn được bổ nhiệm dạy tại trường Chu Văn An. Lúc này, thày Xán đã được bổ nhiệm làm Thanh Tra Trung Học. Thày phụ trách soạn đề thi cho bậc Trung Học Đệ Nhất cấp, Tú Tài I và Tú Tài II. Tôi nhớ một năm đề thi Pháp Văn cho bằng Trung Học Đệ Nhất cấp bị dư luận than phiền là quá khó vì trích trong tập Informations et documents ra. Tôi có dịp lên nha Trung Học và thày có hỏi tôi về việc đó. Tôi thẳng thắn thưa là đề có khó thật vì trình độ Pháp Văn của học sinh bây giờ khác hẳn với thời trước. Thày suy nghĩ và năm sau, tôi thấy năm sau đề thi Pháp Văn có dễ hẳn đi.

Vào tháng chín năm 1959, tôi nhận được sự vụ lệnh cử làm thư ký hội đồng giám khảo kỳ thi Tú tài ở Huế. Thầy Xán làm Chánh chủ khảo cùng với cụ Đỗ Văn Trần, Hiệu Trưởng trường Mạc Đĩnh Chi (Phó Chủ Khảo), giáo sư Nguyễn Văn Kỷ Cương (Phó Chủ Khảo), Giáo sư Phan Huy Đương (Thư ký), giáo sư Nguyễn Đình Quỹ (Thư ký), giáo sư Đỗ Minh Tiết (Giám khảo). Ban chỉ huy hội đồng thi và các giám khảo từ Sài Gòn ra ăn ở ngay trong trường Quốc Học ngoại trừ anh Đỗ Minh Tiết và anh Nguyễn Văn Kỷ Cương. Anh Đỗ Minh Tiết lúc này sắp lập gia đình với chị Nguyễn Thị Tiết, Hiệu trưởng trường Đồng Khánh nên ăn ở bên ngoài cho tiện, còn anh Nguyễn Văn Kỷ Cương ra Huế chấm thi để nhân dịp thăm quê ngoại nên cũng không ở trong trường. Suốt trong ba tuần lễ này, tôi có dịp gần gũi thày Xán hơn. Chúng tôi từ cụ Đỗ Văn Trần trở xuống sau giờ làm việc của Hội đồng là ra phố thăm nơi này, nơi khác dưới sự hướng dẫn của giáo sư Đinh Quy cũng là một thành viên của hội đồng giám khảo, là người rất bặt thiệp, có đức độ khoan hòa, từ ái, đã để lại trong tâm tưởng tôi rất nhiều cảm tình và sự kính trọng, nay đã ra người thiên cổ. Lăng Tự Đức, lăng Khải Định, chùa Thiên Mụ, núi Ngự, sông Hương, cửa biển Thuận An, bãi biển Tiên Sa Đà Nẵng... làm sao quên được. Thày Xán họa hoằn lắm mới đi chung với anh em. Những lúc anh em đi ra ngoài, thày nằm nhà đọc sách. Một bữa tôi tò mò để ý nhìm xem thày đọc sách gì thì thấy đó là cuốn Tam Quốc Chí diễn nghĩa loại rẻ tiền in ở Chợ Lớn. Tôi ngạc nhiên, tưởng thày dạy Pháp Văn thì chuyên đọc sách Pháp văn chứ có ngờ đâu là thày lại thông thạo cả chữ Hán nữa.

Sau ngày về hưu, thày Xán chịu không nổi cuộc sống hưu trí buồn lạnh và tẻ nhạt, thày đứng làm hiệu trưởng cho một trường trung học tư thục: Trung học tư thục Trí Đức ở đường Cao Thắng, Sài Gòn. Lại đứng trên bục giảng với bảng đen, phấn trắng, học trò. Lại phê bình hàng tháng trên Thông tín bạ của học sinh. Lại quây quần với bạn bè đồng nghiệp, đồng sự cũ: Thầy Nguyễn Đình Phú, ông Tổng Giám Thị Nguyễn Hữu Lãng. Tuy rất bận rộn vào thời gian đó, tôi cũng có dành mấy tiếng đồng hồ để phụ trách một lớp Việt văn cho trường Trí Đức hầu “có dịp để anh em thỉnh thoảng gặp gỡ nhau,” ông Tổng Lãng nói với tôi như vậy. Sau này, thày Xán còn hướng dẫn anh em sinh viên trường Đại Học Sư Phạm đến các trường Trung học ở đô thành để thực tập nữa. Các anh Nguyễn Trung Quân, Nguyễn Thành Long, Phạm Quân Hồng mỗi khi nói đến thày Xán đều ca ngợi đức tính giản dị, tận tâm của thày.

Qua năm 1982, tôi được tin thày ở miền Đông Hoa Kỳ. Lúc này thày đã già lắm rồi. Tôi tự hứa biết bao lần là phải biên thư vấn an thày, nhưng cuộc sống như ma đuổi nơi quê người đã làm tôi không giữ trọn lời hứa với chính mình. Đến khi nhận được điện thoại của các anh Trần Huy Bích, Long Ân báo tin thày không còn nữa, tôi bàng hoàng ngơ ngẩn. Đành rằng cuộc sống của con người là có hạn, nhưng có những việc mình dự trù sẽ xảy ra đến khi thực sự xảy ra rồi, mình vẫn không tin là thật. Buổi lễ cầu hồn thày Xán ở trong quận Cam trong dịp lễ Tạ Ơn 1984, đã được rất đông người đến tham dự, chắc không phải chỉ để kỷ công một bực thầy đáng kính. Tôi nghĩ thày Xán có nhiều điểm vượt lên trên mức đó: Thày đã nối tiếp dòng mô phạm của Chu văn An triều Trần, của Nguyễn Bỉnh Khiêm đời Mạc, của La Sơn Phu Tử đời Tây Sơn. Thày đã theo gương của nhà mô phạm nước Lỗ “dạy người không biết mỏi” và không bao giờ từ chối bất cứ việc làm nào trong sứ mạng trồng người.



Tưởng niệm

Cụ Phó Bảng Nguyễn-Can-Mộng



Di ảnh cụ Bảng Nguyễn-Can-Mộng
Đàm Quang Thiện

Nguyễn Đăng Khôi CVA60 sưu tầm

Niên khóa 1921-1922, tôi học lớp Nhất trường Tiểu-học Pháp-Việt Phủ-Lạng-Thương. Thầy giáo cũa tôi là thầy Nguyễn-Văn-Đản. Thầy là bực thầy gương mẫu. Thầy là hình ảnh cuối cũng của bực Sư, đứng trên Phụ, trong quan niệm Quân, Sư, Phụ của các cụ ta xưa. Thầy quen với tất cả phụ huynh học-sinh và được tất cả các phụ huynh học-sinh quý-mến. Không những thầy làm công việc của bực Sư, dạy Văn cho học trò, thầy còn làm công việc của bực Thế-Phụ, dạy Lễ cho học trò nữa. Cho nên học trò không những biết ơn thầy, mà còn quý-mến thầy nữa. Tiếc thay!. Thầy là hình-ảnh cuối cũng của bực Tôn-Sư Thế-Phụ, trong lúc giao thời của Nho-học sắp tàn và Pháp-học đương hưng.

Cuối niên học ấy, tôi thi bằng Tiểu-học Pháp-Việt. Vì đương lúc giao thời, Nho-học còn được trọng, Pháp học còn bị khinh, nên bằng Tiểu-học Pháp-Việt có giá trị lắm. Tôi thi ở trung-tâm Lạng Sơn. Chủ tịch là ông François Brachet, Thạc sĩ Toán-học Thanh-tra Khoa-học, tác-giã nhiều sách Toán Trung-học được dùng ở nhiều trường ở Pháp-quốc và Thuộc địa. Ðiều ấy chứng tỏ bằng Tiểu-học có giá trị biết mấy! Ðỗ Tiểu-học ở Lạng-Sơn, tôi về Hà-nộỉ, thi vào Trường Bưởi.

Một thiếu-niên, từ tấm bé, chỉ quen với làng-mạc và tỉnh nhỏ, lần đầu tiên được về Thủ-đô Hà-nội, nơi đệ nhất phồn-hoa:

Nhà ngói bát úp ; đường bàn cờ ;

Đèn điện sao sa ; nước máy dội ;

Áo mặc dài ngắn, hợp thời-trang;

Gấm vóc rợp trời : vàng đỏ ối !

(Nông-Sơn Nguyễn-Can-Mộng)

sao khỏi ngạc nhiên và ngưỡng mộ ! Lại so-sánh cái trường có một căn nhà độc-nhất, bốn lớp, hai chái, của tỉnh lỵ Phủ-Lạng-Thương với ba tòa nhà lầu ba từng, sừng-sững dựng lên trước bốn dãy nhà dài một từng, chung quanh mấy bãi sân vừa cát vừa cỏ, chiếm hết một vùng bao-la bên Hồ Tây, sao khỏi có cảm tưởng cá con từ ngòi ra bể !.

Khung cảnh học đã đổi, từ nhỏ, hẹp, lặng-lẽ, đến to, rộng, nhộn-nhịp ; lại phương-pháp học cũng đổi, từ một giáo-viên độc nhất, dạy tất cả các môn, đến nhiều giáo-sư chuyên môn, dạy mỗi người một món; người học-trò tỉnh-lỵ, lần đầu tiên đến Thủ-đô, để bước từ Tiểu-học sang Trung-học, sao khỏi có cảm tưởng như người vẫn quen ở ngõ cụt, nay ra ở giữa ngã sáu hay ngã bẩy, sao khỏi bàng-hoàng, sao khỏi bỡ-ngỡ, sao khỏi chiêm-ngưỡng những cái mới, cái lạ !.

Nhưng, nếu Văn được lợi, thì Lễ bị thiệt: Lý-Trí được mở rộng, thì Tình cảm bị thu hẹp !. Ở tỉnh nhỏ, giáo-viên sống thân-thiết với học trò và phụ huynh bọc-trò bao nhiêu, thì ở Hà-nội, giáo-sư hờ hững với học-sinh, cách biệt hẳn với phụ-huynh học sình bấy nhiêu !.

Vẩn-đề tình cảm giữa Sư, Đệ, như tình cảm giữa Phụ, Tử, không còn nữa !. Bắt đầu bước chân vào Trường Bưởi, học sinh không có cảm tưởng sống trong cảnh giao thời nữa, mà có cảm tưởng đã bước ra khỏi hẳn thế-giới cựu-học, để bước vào hẳn thế-giới tân-học. Sự thay-đổi toàn-diện như thế, nếu không có sự kiện mâu-thuẫn nào xẩy ra, thì mặc dầu có khiến tôi bỡ-ngỡ lúc đầu, cũng dễ chóng trở thành quen thuộc, và chắc-chắn ngày nay, sau hơn 40 năm qua, không còn để lại cho tôi một ấn tượng đặc-biệt nào nữa.

Nhưng, may thay, đã có sự hiện-diện của một sự kiện mâu-thuẫn. Giữa hoàn-cảnh học mới ấy, giữa phương-pháp học mới ấy, với sự mở rộng cửa của thế giới lý-trí, và sự đóng chặt cửa của thế-giới tình cảm, giữa những giáo-sư mặc Âu-phục, nói toàn là Pháp-ngữ, ngay cả trong giờ dạy Việt-sử, lại có một Tôn-sư, Nho gia thuần-túy, vì là chân đại-khoa của thời Hán-học, chít khăn, mặc áo quần ta, đi giầy ta, dạy hoàn toàn bằng tiếng ta, ấy là Cụ Phó-Bảng Nông-Sơn Nguyễn-Can-Mộng, giáo-sư Hán-tự và Việt-Văn. Cụ đã để lại trong thâm-tâm tôi một ấn tượng không bao giờ mất đi được, một ấn-tượng mặc dầu đã hơn 50 năm qua, vẫn làm rung-động tâm-hồn tôi một cách dịu-dàng, vui-vui, êm-đềm dễ chịu, mỗi khi nhàn rỗi, tôi gợi lại những hình ảnh trong quá-khứ của đời tôi.

Một học trò trường Tiểu-học tỉnh nhỏ, mới lên theo học tại trường Trung-học lớn nhất của Thủ-đô, lại đương chờ để được biết giáo-sư Hán-tự và Việt-văn của mình, sao không khỏi hồi-hộp tự hỏi : Giáo-sư này lành hay dữ, nghiêm-ngặt hay dễ-dãi, vui tính hay gắt-gỏng, dạy linh-động hay buồn ngủ, dễ hiểu hay khó hiểu v.v. Cả trăm nghi vấn quay-cuồng trong đầu tôi, một học sinh mới, đang chờ một giáo sư mới, trong khung-cảnh mới, của một chặng học mới...

Bỗng, toàn-thể học-sinh, như có lò-xo bật, cùng một lúc, đứng dậy, im tăm-tắp... Một nho-gia, tiên phong đạo cốt, vừa lê gót giầy bước vào lớp. Mắt sáng, nhìn học sinh một cách nhân-từ, miệng tươi mỉm cười với học sinh một cách trìu-mến, tay vẫy xuống ra hiệu cho học sinh ngồi, tiên sinh đi thẳng đến bàn giáo sư, ngồi xuống. Nhưng, đáng lẽ ngồi đối diện với học sinh, quan sát học sinh mới của mình như các giáo sư khác, trong giờ học đầu tiên của một lớp mới, nho gia lại ngồi đối diện với cửa vào lớp, không để ý gì đến học sinh mới của mình cả, nhìn đăm-đăm ra sân, vẻ mặt tư-lự như nghĩ một điều gì lung lắm. Trong khi ấy, một trăm mắt học sinh hướng cả về giáo sư, chờ đợi... Bỗng, giáo-sư ngồi quay lại, đối diện với học sinh, vẻ mặt tươi cười, cất tiếng vang như tiếng chuông đồng, ngâm lớn :

Cái học nho nay đã nguội rồi!

Còn nho, nho dạy chữ nho chơi.

Nào ai muốn học thì nho dạy,

Nho chẳng nài ai, chẳng ép ai!

Rồi Cụ nói tiếp: “Cái trò chữ nho nay lỗi thời rồi ! Muốn hợp thời, phải học tiếng Pháp. Bởi vậy, các cậu, ai muốn học chữ nho thì ngồi lên những hàng bàn đầu. Tôi

dạy cho. Còn ai thức thời, không muốn học chữ nho, tiếng Việt, muốn dành hết thì giờ để học

Pháp-ngữ, Khoa-học, thì ngồi xuống những hàng bàn cuối lớp. Cứ việc tự-nhiên giở sách Pháp-ngữ, Khoa-học, ra mà học. Tôi không nói gì đâu. Tôi cho phép. Với một điều-kiện: không được nói chuyện làm ầm-ầm, mất trật tự trong lớp, và phá-quấy những người muốn học Hán-tự và Việt-ngữ !”.

Tuy cụ đã nói cho phép tự do, muốn học thì học không muốn học thì học bài khác; nhưng chúng tôi, học sinh, không ai có can-đảm bỏ bàn trên xuống bàn duới ; chỉ có mấy người bỏ những bàn cuối cùng, lên những bàn trên cùng, để tỏ ý muốn học các môn cụ dạy.

Cụ ngồi yên mấy phút, thấy học sinh đã an-tọa rồi, không ai tỏ ý không muốn học cụ cả, cụ mới tươi cười nói tiếp : “Các cậu đều muốn học Hán-tự và Quốc-văn cả, tốt lắm! Vậy các cậu nghe tôi nói. Trong một tuần lễ, hầu hết các giờ, các cậu học Pháp văn và Khoa-học, bằng Pháp-ngữ, nghĩa là bằng tiếng những người “bảo-hộ” ta. Các cậu phải có cảm tưởng như ngồi ở lớp của một trường ngoại quốc, trên đất nước ngoại quốc. Chỉ có mấy giờ học với tôi, là các cậu mới thấy ngồi trong lớp trường nhà, trong đất nước nhà. Vậy, cậu nào hãy đứng dậy, đóng hết cả cửa ra vào và cửa sổ lại !”. Vài học-sinh đứng dạy, đi đóng hai cửa ra vào, một cửa thông ra sân trường, và một cửa thông ra hành lang, chạy suốt các lớp cùng một tòa nhà ; và đóng các cửa sổ lớp học lại.

Cụ chờ các cậu đóng các cửa xong, trở về chỗ ngồi rồi, cụ mới nói tiếp: “Bây giờ, bên ngoài lớp là thế giới của ngoại quốc; bên trong lớp là thế-giới của Tổ quốc. Chúng ta muốn nói gì với nhau cũng được, người ngoài không nghe thấy được, mà những tiếng giảng bằng Pháp-ngữ, ở các lớp bên ngoài, cũng không đến tai ta được. Trong một tiếng đồng-hồ, chúng ta hoàn-toàn là người Việt-Nam, trong đất nước Việt-Nam. Chúng ta không phải e ngại gì hết. Mà chúng ta không phải e ngại gì, e ngại ai cả. Thỉnh thoảng có những ông Thanh-Tra người Pháp đi khám các lớp. Các giáo sư Pháp-văn và Khoa-học sợ ông ấy lắm. Và các cậu cũng sợ các ông ấy hỏi mà không trả lời được. Trái lại tôi không sợ các ông ấy, và các cậu cũng không phải sợ các ông ấy. Vì các ông ấy có hiểu mô-tê gì về các môn tôi dạy đâu. Nếu các ông ấy có đến khám lớp tôi dạy, thì các cậu cứ bình tĩnh. Tôi sẽ gọi vài cậu lên bảng để viết chữ nho. Tôi sẽ đọc cho mỗi cậu vài câu chữ nho và cậu nào được tôi gọi lên bảng, nghe tôi đọc xong, thì cứ việc viết, vẽ nhăng vẽ cuội gì cũng được, miễn là nó giống chữ nho là được. Hễ tôi gật đầu khen là đúng, thì Thanh-Tra Tây cũng phải tin là đúng… Ra thi cũng vậy. Các Giám-khảo Tây phải nhờ tôi viết bài chữ nho cho các cậu dịch ra Quốc-ngữ lên bảng đen. Tôi vừa viết từng câu lên bảng, vừa dịch từng câu ra Quốc văn, đọc to lên cho các cậu nghe; các cậu cứ thế mà làm là đúng. Tây nó tưởng tôi đọc bài chữ nho, chứ nó có biết đâu là tôi đọc bài dịch cho các cậu hiểu. Thầy trò ta bắt nạt chúng nó ở chỗ ấy1.

“Tôi dạy các cậu chữ nho. Tôi đã soạn một quyển “Nam-học Hán-văn Khóa-bản” cho các cậu dùng để học. Mỗi bài gồm những chữ chính trong một bộ.

“Những chữ cùng Bộ ấy được đặt trong những câu ngắn, mà toàn thể thành một bài có ý-nghĩa liên-tục. Tôi sẽ giảng cho các cậu tại sao người ta viết chữ này thế này, chữ kia thế kia. Các cậu sẽ thấy là những chữ ấy được kết-cấu rất thần-tình và dễ nhớ. Các cậu thuộc bài nào, là biết những chữ của bộ được dùng trong bài ấy. Như thế, các cậu vừa dễ nhận mặt chữ vữa biết dùng các chữ để đặt thành câu. Các cậu sẽ thấy chữ nho học vui và dễ nhớ vô cũng. Học hết quyển “Nam-học Hán-văn Khóa-bản” là các cậu biết đủ các chữ Hán cần dùng để đọc sách, viết văn. Chữ nho là căn bản cũa Việt-ngữ. Cậu nào không học chữ nho là vong-bản. Ðáng ghép vào tội tử-hình! Vậy, từ lần sau, mỗi cậu phải có một quyển “Nam-học Hán văn Khóa-bản”.

Tôi lại dạy các cậu Quốc-văn. Muốn giỏi Quốc-văn, phải học thật kỹ tác-phẫm Quốc-văn hay nhất của nước ta là “Truyện Kiều”. Vậy từ lần sau cậu nào cũng phải có một quyển “Truyện Kiều “, không có là khinh-miệt Quốc-văn. Khinh miệt Quốc-văn là vong bản. Cũng đáng ghép vào tội tử-hình!.

“Các Giáo-sư khác đều có bằng của nước Pháp bảo-hộ, và do Chính phủ Pháp bảo hộ ra dạy các cậu. Các cậu không nghe lời giáo sư ấy, thì các cậu có lỗi với Chính-phủ bảo hộ.

“Riêng tôi, có văn bằng đại-khoa của Triều đình Việt-Nam. Triều đình Việt-Nam bổ tôi ra dạy các cậu. Tôi thấy việc học Quốc-văn như bức tường sắp đổ. Nên, tôi không ra làm quan, mà vui lòng nhận làm giáo sư, là tôi muốn hai tay đỡ lấy bức tường ấy cho khỏi đổ. Các cậu chăm chỉ học với tôi, là cùng tôi đỡ lấy bức tường Quốc học, Nếu các cậu không chịu học với tôi là các cậu mặc cho bức tường Quốc học sụp đổ. Là các cậu vong-bản, vong quốc!. Càng đáng ghép vào tội tử hình hơn!”.

Cụ còn nói : “Trong một tuần lễ, các cậu sống hầu hết các giờ dưới chế độ của nước Pháp bảo-hộ; dưới sự dìu-dắt của các công-chức do Chính-Phủ Bảo hộ bổ-nhiệm ; các cậu phải nói tiếng Pháp. Chỉ riêng có mấy giờ học với tôi, là các cậu được sống dưới chế-độ của Triều Ðình Việt-Nam, dưới sự dìu đắt của một bậc Ðại-khoa của Triều-đình, các cậu được nói tiếng mẹ đẻ. Và các cậu có thể nói với tôi tất cả mọi thắc mắc, mọi hoài bão mà không sợ tội vạ gì cả. Ðã có tôi bảo-đảm cho các cậu “.

Cụ có một quan niệm rất rộng-rãi về giáo-dục, nên sau khi cụ đã dạy chúng tôi một bài Hán-tự hay một bài Quốc-văn, thì cụ cho phép chúng tôi có vấn-đề gì thắc-mắc cứ việc mang ra trình bày cho cả lớp bàn-luận dưới sự hướng dẫn của cụ. Thành ra trong những giờ Hán-tự và Quốc-văn của cụ, chúng tôi đã đề cập đến mọi vấn-đề, mà thời ấy, người ta nêu lên trên các báo hàng ngày hoặc hàng tuần. Sau đây, tôi xin kể một vài trong vô số chi-tiết cụ đã giảng cho chúng tôi, mà chúng tôi còn nhớ đến bây giờ.

Một buổi, chúng tôi xin phép cụ đọc trong lớp bài của cụ nghè Tạp-Xuyên Ngô-Đức-Kế, đăng trong tạp-chí Hữu-Thanh, công-kích ông Thượng-Chi Phạm-Quỳnh, Chủ-bút tạp chí Nam-Phong, đã đề cao Truyện Kiều của Nguyễn-Du, và mạt-sát tác-phẩm của Tố-Như, cho nó là một dâm-thư, cho vai chủ động Vương Thúy-Kiều là một con đĩ. Đọc xong. chúng tỏi hỏi ý-kiến của cụ. Cụ dạy : “ Ông Phạm-Quỳnh muốn đề cao chữ Quốc-ngữ, cho rằng chữ Quốc-ngữ có đủ khả-năng để làm chuyển-ngữ trong bậc Tiểu-học, Trung-học cũng như Đại-học. Ðể chứng-minh khả năng ấy, ông đề cao những áng-văn Quốc-ngữ tuyệt-tác, như “ Văn-tế trận vong tướng- sĩ “ của Nguyễn-văn-Thành, “ Văn-tế Võ-Tánh và Ngô-Tòng-Chu “ của Đặng-Đức-Siêu mà ông đã dịch ra Pháp-văn, đăng trong Nam-Phong, và cho rằng có thể so sánh, mà không thua, với các bài điếu-văn hay nhứt của Bossuet. Nhất là ông đề cao Truyện Kiều của Nguyễn-Du mà chính các văn gia Pháp cũng phải công-nhận là có thể so sánh với bất cứ tác-phẩm nào, của bất cứ nước nào. Ông Phạm-Quỳnh hoài-bão việc yêu cầu Chính-Phủ Bảo-Hộ lấy Việt-ngữ thay-thế cho Pháp-Ngữ là chuyển-ngữ ít nhất là trong Tiểu-học và bậc Trung-học. Về phương diện ngôn-ngữ và văn-chương, ông Phạm-Quỳnh hoàn-toàn có lý.

“ Còn cụ nghè Tạp-Xuyên lại đứng về phương diện luân-lý. Ngay cả về phương diện luân-lý, quan-niệm của cụ nghè cũng hẹp hòi quá ! Quyển Kiều không phải là một dâm-thư ; trái lại, văn Kiều rất thanh-tao, ngay cả khi tả những sự thô-bỉ tục-tằn. Thúy Kiều không phải là một ’con đĩ’; trái lại, là người ’hiếu nghĩa đủ đường, thục-nữ chí cao’. Nếu không phải thế, tôi đã không bắt các cậu học.

“Ngoài vấn-đề Truyện Kiều ra, còn vấn đề thương mại nữa. Tạp chí Hữu-Thanh, mới ra, muốn gây một cuộc bút-chiến sôi-nổi với tạp chí Nam-Phong, đã có một địa-vị chắc chắn trên văn-đàn, để gây uy-tín cho mình. Ông Phạm-Quỳnh chắc không dại gì mà rơi vào cái bẫy ấy. Vậy, tôi chắc ông Phạm-Quỳnh sẽ không bao giờ trả lời cụ nghè Tạp xuyên đâu.

Quả như lời Cụ Bảng tiên đoán, ông Phạm-Quỳnh không trả lời thẳng cụ nghè Tạp Xuyên. Trong số tạp chí Nam Phong ra sau bài công kích của cụ nghè, ông Phạm-Quỳnh chỉ đăng một bài nhan đề “ Xử thế Châm-ngôn “, trong ấy, ông ta đề cao bằng những câu như “ Thanh bảo-kiếm đã chăm rèn mới có...! Những mũi tên rơm không bắn thủng được cẩm-bào...v.v...”. Ông Phạm-Quỳnh nổi tiếng là người tự-phụ, nhưng nhà bác học trứ danh Charles Richet đã viết trong quyển ’Le Savant’ câu nhận xét tế-nhị sau này : La modestie est un défaut dont les savants sont dépourvus: Sự khiêm-tốn là một tật xấu mà không có nhà bác học nào mắc phải.

Nhân đây, chúng tôi xin gác đời chính-trị của ông Phạm-Quỳnh sang một bên, chỉ xin nói qua về hoài bão của ông ấy, định yêu cầu Chính-phủ Bảo-hộ lấy Quốc-ngữ thay cho Pháp-ngữ, làm chuyển-ngữ ở Tiểu và Trung-học. Năm 1923, Chính-phủ Bảo-hộ đã thực hiện một cách’xỏ-lá’yêu cầu cũa ông Phạm-Quỳnh. Chữ Quốc-ngữ được dùng thử làm chuyển-ngữ ở mấy năm đầu tiên Tiểu-học : các lớp Năm,Tư và Ba. Sau ba năm ấy, học sinh phải thi một bằng gọi là ’Sơ-học Yếu-lược’. Có đỗ bằng này mới được lên lớp nhì. Nhưng vì chưa học tiếng Pháp nào nên phải học thêm một năm, gọi là lớp Nhì 2, mới được lên lớp Nhì 1, rồi sau lên lớp Nhất, để hết niên-khóa thi bằng ’Sơ học Pháp-Việt’, mà tất cả các môn đều học và thi bằng Pháp-ngữ. Thế là trẻ con Việt-Nam vừa phải thi thêm một văn-bằng Tiểu-học, vừa phải kéo dài kỳ-hạn Tiểu-học thêm một năm !. Các phụ-huyuh học sinh ta-thán về việc đổi mới chương-trình Tiểu-học này, và quy tội cho ông Phạm-Quỳnh, mà thiện-chí đề cao tiếng mẹ đẻ đã bị ‘Nhà nước Bảo-hộ’ xuyên-tạc một cách tối ’lưu-manh’!

Một hôm, đọc một bài của ông Phạm-Quỳnh đến danh-từ ’Anh Thư’ cụ Bảng bảo chúng tôi ngừng đọc, và dạy : “ Anh là cái nhị trong hoa, tượng-lrưng cho sự tế-nhị, thanh-cao; Hùng là giống ’đực’ trong loài chim, tượng-trưng cho sự mạnh mẽ, can-đảm; hai chữ



Anh-Hùng ghép lại, dùng để chỉ người vừa khỏe-mạnh, can-đảm, vừa tế-nhị, cao-quý; bất cứ người ấy là đàn ông hay đàn bà, vì vậy trong Kiều có câu của Từ-Hải nói với

Thúy-Kiều :



Anh hùng mới biết anh hùng,

Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa ?

Danh-từ ’Anh-Hùng’ trên chỉ Thúy-Kiều, danh từ ’Anh-Hùng’ dưới chỉ Từ-Hải. Còn muốn nói rõ người anh hùng ấy là đàn bà, thì phải nói ’nữ anh-hùng’ chứ không nói ’anh-thư’ được, vì ’Thư’ là giống ’cái’ trong loài chim, không có gì là đặc sắc cả, trái lại, ’gà mái’ thường tượng trưng cho sự yếu ớt, sự nhát gan ! Mấy ông không có căn bản Hán-học vững chắc, cứ đặt danh từ bừa bãi như thế, rất có hại cho tinh thần tiếng Việt!

Một hôm khác, cụ giảng cho chúng tôi về Hán-tự ’Chi’ là ’Chưng’. Cụ dạy: “ Chữ Chi

thường được dùng như préposition de, du, de la của Pháp-ngữ. Ví dụ ’Bảo hộ Chi Học-đường’ là ’Co1lège du Protectorat’ ; ’Đông-Pháp Chi Đại-Học’ là ’Université de L'Indochine Française’. Các cậu phải cẩn thận khi dùng chữ ’Chi’. Hiện nay người ta mới xây xong cái đại-giảng-đường của trường Đại-học Ðông-pháp. Ði qua tôi thấy thợ nề đang đắp bốn chữ nho “ Đại Học Ðông Pháp “. Nếu là bốn chữ Quốc-ngữ thì đúng ; nhưng lại là bốn chữ nho, thì sai; phải đề “Ðông Pháp Ðại-Học”, cùng nghĩa với “Ðông-pháp chi Ðại-học”, thì mới đúng, mới có nghĩa “. Đi qua trường Đại-học, chúng tôi để ý nhận xét, quả như vậy. Nhưng tuần lễ sau, chúng tôi đi qua, đã thấy sửa lại đúng rồi : chắc là do đề-nghị ’sửa sai’ của cụ Bảng. Cụ lại dạy: “ Không để ý đến những chi-tiết nhỏ-nhặt ấy, thì dễ sai-lầm lắm !. Thiếu gì văn-gia có tên tuổi, đáng lẽ viết (Dân Chi phụ-mẫu) là (Père et mère du peuple), lại viết (Phụ-mẫu Chi dân) chẵng có nghĩa gì cả !”

Một hôm khác, cụ giảng cho chúng tôi về Hán-tự ’Kỳ’ là ’Thửa’, là ’Của nó’. Ví dụ: (Lang bạt Kỳ hồ) là con Lang mất con Hồ của nó. Lang và Hồ là hai giống thú; một con hai chân trước dài, hai chân sau ngắn ; một con, trái lại, hai chân trước ngắn, hai chân sau dài. Vì lẽ đó, con Lang và con Hồ thường đi cặp đôi, con nọ dựa vào con kia, thành hai con cùng có một cặp chân trước và một cặp chân sau dài bằng nhau, nêu chạy nhanh lắm. Nếu con Lang mất của Hồ thường đi cặp đôi với nó, mất con Hồ (của nó), thì nó đi lảo-đảo, xiên bên này, xiên bên kia, không đi thẳng tắp được. Người nào sống không có một mục-đích để đi thẳng tới, lúc đi về hướng này, lúc đi về hướng kia, được mệnh danh là người (lang bạt kỳ hồ). Cụ Nguyễn-Du đã định phổ-biến cách dùng chữ ’Thửa’, với nghĩa là ’của nó’ nên mới viết trong Truyện Kiều câu

Thửa công đức ấy ai bằng ?

Nhưng không một ai theo cụ cả. Thế mới biết, về ngôn ngữ, một sáng-kiến chỉ có giá trị khi được đại đa số quần-chúng chấp-nhận. Nếu không thì sáng-kiến ấy, dù hay mấy, dù do một thiên-tài như Nguyễn-Du đề xướng ra, cũng không đi đến đâu cả.

Cụ Bảng cũng hay dùng những giờ đang dạy Hán-tự

và Quốc-văn cho chúng tôi mà sáng-tác Văn chương, vừa nghĩ vừa đọc cho một người trong chúng tôi viết; và mỗi lần có dịp sửa lại câu văn cho hay hơn, hoặc rõ nghĩa hơn, thì cụ lại lợi-dụng ngay dịp ấy để dạy cho chúng tôi biết phải gọt-rũa câu văn thế nào, phải ’thôi xao’ làm sao, cho câu văn vừa hay, vừa rõ nghĩa.

Một tác phẩm mà cụ đã hoàn-toàn làm ra trong khi dạy Quốc-văn cho chúng tôi, là quyển mà cụ đặt nhan-đề là ’Bức Tranh Lòng Son’. Tác phẩm này, cụ viết theo thể lục bát, thuật lại và phê-bình truyện cổ-tích ’Trọng-Thủy và Mỵ Châu’. Nghe xong câu truyện cổ-tích ấy, thường thường ai cũng chê Trọng-Thủy là lạm-dụng tình yêu của vợ một cách ’Sở-Khanh’ và chê Mỵ-Châu là ngu dại nên làm mất ngai vàng của cha. Cụ Nông Sơn Nguyễn-Can-Mộng đã bênh vực cả hai người, với những lý lẽ rất xác đáng, mà cụ đã lược bày trong bài Tựa. Chúng tôi xin trích đoạn cụ bênh-vực cho hai người, trong bài tựa, để anh em thưởng-thức lối văn điêu-luyện của cụ, phảng-phất như văn hùng-biện và nhịp-nhàng của Corneille:

Trọng-Thủy và Mỵ Châu, sự tích thật là cổ, mà tâm sự thật là hay. Hãy xem như Mỵ-Châu kén chồng để toan việc nhà, ấy là đem ’tình’ làm ’hiếu’; Trọng-Thủy lấy vợ để toan việc nước, ấy là đem ’tình’ làm ’trung’. Trọng-Thủy từ biệt là nặng vì ’nghĩa’. Mỵ-Châu tin chồng là nặng vì ’tình’. Mỵ-Châu cam-tâm chết trước mặt cha, khi đường cùng, để tạ tội với ’nhà’ và ’nước’, là ’tình duyên đã vẹn, vì trung hiếu mà quyên sinh‘; Trọng-Thủy đã táng Mỵ-Châu, cũng lăn xuống giếng mà chết, là ’trung hiếu đã toàn, vì tình duyên mà tuẫn nạn’.

Trải bao nhiêu nghịch-cảnh, bao nhiêu biến-cố, mà luân-lý vẫn toàn. Chỉ vì vua Triệu ham lòng về sự khai-thác , vua Thục chắc mình ở sự hoang đường ; để đến nỗi Trọng-Thủy mang tiếng ’bạc tình với vợ’; Mỵ-Châu mang tiếng ’phụ nghĩa với cha’! Cái khổ tâm ấy, đáng kính đáng trọng, đáng ngâm nga vịnh thán mà không quên !.

Than ôi ! Bức tranh thiên-cổ đã lòa, bút hoa tô-điểm ấy là những ai ?.

Một hôm khác nữa, chúng tôi đọc những bài ca dao - ca-dao đã thành một ’thể thơ’ mà các thi-sĩ thời ấy người nào cũng làm cả - của ông Đoàn-Như-Khuê trong tập ’Cảo-thơm’do ông trước-tác. Ðọc đến bài :



Của trời ai bán tôi mua;

Mua non non Thúy ; mua chùa chùa Hương ;

Mua hoa mới nở giữa vườn;

Mua trăng mới mọc trên sườn núi cao.

Cụ ra hiệu cho chúng tôi ngừng lại, và cụ dạy : “ Bài này hỏng !. Ý tác giả muốn nói : những cảnh đẹp thiên-nhiên của Tạo-hóa không thể mua được. Không mua được ’non Thúy’; không mua được ’chùa Hương’; không mua được ’trăng mới mọc trên sườn núi cao’. Được lắm !. Nhưng ’hoa mới nở giữa vườn’ thì có gì khó đâu, mà không mua được?. Hằng ngày, trăm người bán, vạn người mua ’hoa mới nở giữa vườn’. Lên vườn hoa làng Ngọc-Hà mà coi, sáng nào các cô hàng hoa chả bẻ ’hoa mới nở giữa vườn’ mang ra Chợ Ðồng-Xuân hay Bờ Hồ Hàng Khay bán ; và bất cứ ai, có tiền là mua được !.

“ Người bình-dân, khi muốn nói cái gì không thể làm được, thì nhất-định là không ai làm được :

Đố ai quét sạch lá rừng,

Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây

Đố ai biết lúa mấy cây,

Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng?

…………………………………………



Bao giờ rau riếp làm đình,

Gỗ lim ăn ghém, thì mình lấy ta.

Bao giờ chạch đẻ ngọn đa,

Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình !

“ Ý văn ca-dao phải rõ rệt như thế, còn lời văn ca-dao phải vô cùng giản-dị, giản dị như lời nói của người bình-dân :



Làm trai cho đáng nên trai,

Xuống đông đông tĩnh, làm đoài đoài yên.

Chim khôn đậu nóc nhà quan,

Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng.

“ Còn viết như ông Á-Nam Trần-Tuấn-Khải trong ’Duyên-Nợ Phù-Sinh’:



Đất kia hun-đúc nên hình,

Lò Trần hun-đúc cho anh nên người.

Chim khôn bay liệng ngang trời,

Người khôn không sót nước đời mới khôn !.

thì văn-chương quá, sao gọi là’ca-dao’được ?.


“ Người bình-dân khi tả nỗi nhớ của mình, thì nói :

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than !

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,

Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai ?

như thế mới là ’văn-chương bình-dân‘, như thế mới là ’ca-dao’.

Còn viết như ông Á-Nam :

Ai đi đường ấy xa xa,

Ðể em ôm bóng trăng tà năm canh.

Nước non nặng gánh chung tình,

Nhớ ai, ai có nhớ mình hay không?

thì là ’văn-chương bác học’, không thể là ’ca-dao’được.


“ Chỉ có một mình Tản-Đà Nguyễn-Khắc-Hiếu là thành-công trong’thể ca-dao’: cô me tây tiễn chồng Pháp xuống tàu về nước, trên bến Hải-Phòng mà tự hỏi :

Con sông nước chảy lờ-đờ,

Ông về bên ấy, bao giờ ông sang?

thì hay tuyệt !.

“Hay nỏi về đạo vợ nghĩa chồng ngày nay, mà ông Tản-Đà viết :

Đêm qua mất cắp như chơi,

Có chỗ mất vợ, có nơi mất chồng!

Ông Tơ luống chẳng thẹn-thùng,

Còn toan chắp mối tơ hồng xe ai ?

thì thật là ’ca dao bất-hủ’! “

Hết kỷ-niệm nọ đến kỷ-niệm kia, nến phải thuật mãi những điều cụ Bảng dạy, đã in sâu vào ký-ức tôi, thì tôi có cảm-tưởng như còn phải viết dài, dài, dài lắm... Vậy xin dừng bút ở đây. Mấy kỷ-niệm tôi đã thuật lại ở trên, tưởng cũng đủ để các bạn đồng khóa nhớ lại những buổi chúng ta học Hán-tự và Quốc-văn với cụ Bảng Mộng. Năm 1950 sau khi tôi hồi cư về Hã-nội, một hôm, tôi đã được gặp lại cụ đang đi trên đường Huế (Route de Huế). Cụ già quá rồi: 80 tuổi ! Tôi có mời cụ về nhà anh bạn Bùi-Văn-Quyển ở đường Laveran, gần đó, để hàn-huyên, và nhắc lại những kỷ-niệm Trường Bưởi xưa... Ít lâu sau, tôi được tin cụ đã thành người thiên cổ !. Ngậm ngùi, tôi nhớ lại bài thơ cụ vịnh ‘Thành Ðại-La’, bây giờ đã nhường hẳn chỗ cho thành Hà-nội :

Bia đúc đường xưa đá đã chìm.

Thành La thuyền-tạc biết đâu tìm ?

Gốc cây đục rỗng tia hang chuột ;

Khóm cỏ tha tàn rác tỗ chim !.

Trải mấy nghìn năm trong cuộc biến

Đứt ra từng đoạn dưới đồng chiêm

Cuộc đời nào biết gì là vững ?

Nước mắt ai hoài khóc cổ, kim !
Đàm Quang Thiện



tải về 1.62 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương