Đặc San Chu Văn An



tải về 1.62 Mb.
trang11/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.62 Mb.
#12756
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   18

NHỚ VỀ NIÊN TRƯỞNG

VƯƠNG VĂN BẮC (Bưởi 40-45)

Trần Văn Khởi, CVA 57-60



Ngoại trưởng Vương Văn Bắc


Saigon 17-1-1974 (VTX): Ngoại Trưởng VNCH Vương Văn Bắc chiều nay đã lên tiếng tố cáo trước dư luận quốc tế và quốc nội việc Trung Cộng đã vi phạm chủ quyền VNCH trên các quần đảo Hoàng Sa, đồng thời cho rằng việc xâm phạm chủ quyền này không thể chấp nhận được. Sau đây là nguyên văn bản tuyên bố:

Ngày 11-1-1974, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng bỗng nhiên lên tiếng mạo nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VNCH. Ngay ngày hôm sau, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao VNCH đã bác bỏ đòi hỏi vô căn cứ đó. Mặc dầu vậy, trong những ngày gần đây, nhà cầm quyền Trung Cộng không những đã không rút lại sự đòi hỏi vô lý của mình lại còn ngang nhiên xâm phạm vào chủ quyền lãnh thổ của VNCH bằng cách cho người và tàu bè xâm nhập vào vùng lãnh hải chung quanh các đảo Cam Tuyền (Robert), Quang Hòa (Duncan), Duy Mộng (Drummond) thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracels Islands) của VNCH. Thậm chí bọn người này còn dám đặt chân lên các hòn đảo này, dựng chòi và kéo cờ Trung Cộng, trắng trợn chà đạp lên chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VNCH.



Trước những sự vi phạm thô bạo đó, Chính phủ và Nhân dân VNCH rất công phẫn và quyết không dung thứ. Sự kiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần tử bất khả phân của lãnh thổ VNCH là một sự kiện hiển nhiên và không chối cãi được, căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử và pháp lý quốc tế. Thật vậy….” “

Thái độ cương quyết, lời văn chính xác, ý văn mạch lạc và luận cứ hùng hồn của bản tuyên bố trên đây đã phản ảnh nhiều nét tiêu biểu của tác giả bản văn, Luật Sư Vương Văn Bắc, người đã vĩnh viễn ra đi ngày 20 tháng Sáu năm 2011.

LS Vương Văn Bắc có một tiểu sử sáng chói: ông đã thành công vượt bực trong lãnh vực tư ở Saigon trước khi tham gia vào các hoạt động của chính phủ VNCH, mà chức vụ sau cùng là Tổng Trưởng Ngoại Giao. Nhiều người biết về LS Bắc trong nhiều tư cách khác nhau – cựu học sinh Trường Bưởi, luật sư, cố vấn công ty, giáo sư, thành viên phái đoàn Hòa Đàm Paris, đại sứ ở Luân đôn, Ngoại Trưởng.

Tôi chỉ xin được nhớ về LS Bắc khi cùng làm việc ở Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa, cùng làm và dự hội nghị về Luật Biển, và sau này khi cùng duy trì mối thân tình.



Tiêu Chuẩn Cao

Tôi gặp LS Bắc lần đầu tiên hồi đầu năm 1971. Tôi vừa được giao phó thực thi chương trình tìm kiếm và khai thácdầu hỏa theo Luật Dầu Hỏa mới ban hành hồi cuối năm 1970, và đang xúc tiến sáng kiến Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa và lập văn phòng điều hành. LS Bắc là một trong ba nhân vật trong lãnh vực tư được ông Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm Kim Ngọc đề nghị, và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chấp thuận, làm hội viên của Ủy Ban, cùng với quí vị Tổng Thư Ký / Tổng Giám Đốc của các bộ liên hệ. (Hai vị hội viên thuộc lãnh vực tư khác là Kỹ Sư Đinh Quang Chiêu và Kỹ Sư Âu Ngọc Hồ). LS Bắc cũng vừa nhận lời cầm đầu một phái đoàn đi Ba Tư để nhờ giúp cho VNCH tổ chức xúc tiến tìm dầu mà Ông Ngọc vừa móc nối được qua tình cờ quen biết với ông Tổng Trưởng Kinh Tế Ba Tư hồi cùng học ở Luân đôn.





Một trường, hai thế hệ: LS VVBắc (Bưởi) và KS TVKhởi (CVA 57-60)

Tôi trịnh trọng tự giới thiệu “Như có hẹn, ông Tổng Trưởng Kinh Tế gởi tôi qua đây để bàn chuyện với Luật Sư về chuyến đi Tehran sắp tới của phái đoàn”. LS Bắc bắt tay tôi, thân mật nói ngay: “Luật sư gì, gọi là anh và tôi được rồi. Anh Ngọc có nói về anh. Mình sẽ cùng nhau làm việc.” Lần đó, chúng tôi bàn về mọi chi tiết của chuyến đi, từ các lãnh vực chuyên viên mình muốn mời qua, đến quà sơn mài để biếu Thủ Tướng Hoveyda và Tổng Trưởng Dầu Hỏa Amouzegar, một sáng lập viên của OPEC. Tôi rất cảm kích lề lối làm việc và thái độ ân cần của LS Bắc. Khi gần xong, tôi nói tôi rất tiếc không cùng đi được; Kỹ Sư Võ Anh Tuấn sẽ thay tôi. Ông rất ngạc nhiên, nhưng sau đó hoàn toàn đồng tình khi biết tôi còn phải cấp bách lo tổ chức Ủy Ban, kiếm người cùng làm việc, và nhất là lo cấp tốc dịch Luật Dầu Hỏa ra Anh ngữ để phổ biến cho các công ty và để các chuyên viên Ba Tư có tài liệu làm việc ngay.

Ấn tượng đầu tiên thường lâu bền: tôi ghi nhớ tiêu chuẩn cao trong suy nghĩ cũng như cách tiếp cận vấn để của Anh Bắc. Sau này, Anh cũng nói với tôi là Anh nhận thấy ngay tinh thần trọng ưu tiên của tôi, bỏ qua dịp đi xuất ngoại lúc đó.

Không được cùng đi Tehran với Anh nhưng sau đó tôi lại được dịp cùng đi nhiều nơi khác, cùng làm việc ở Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa, rồi cùng liên hệ lâu dài.

* Chỉ mấy tháng sau, Anh làm trưởng phái đoàn tham dự hội thảo về pháp lý dầu hỏa ở Bangkok; tôi làm thuyết trình viên tại hội nghị, giới thiệu Luật Dầu Hỏa VNCH. Sau buổi thuyết trình, phái đoàn VNCH cùng với Tòa Đại Sứ ở Bangkok đã tổ chức một buổi tiếp tân rất thành công. Anh Bắc và tôi rất hài lòng với kết quả công tác này, và đã thưởng cho nhau đi coi xi-nê ở Bangkok, một phim mới ra đang ăn khách với bài hát chóng thịnh hành lúc đó là Love Story;

* Qua năm 1972, đáp lời mời của công ty quốc doanh dầu hỏa Pertamina của Indonesia, tôi cùng Anh đi Jakarta. Là khách của Pertamina, chúng tôi lưu trú trong khuôn viên của Pertamina ở xa phố xá. Nhưng được mấy ngày buồn chán quá, chúng tôi quyết định dọn ra khách sạn ở ngoài. Nào ngờ khách sạn này gồm toàn người Liên Sô, phần lớn là phi hành đoàn của Aeroflot. Chúng tôi thấy không yên tâm và tôi đã cẩn thận dọn qua ở cùng phòng với Anh. Anh rất phiền lòng vị đại diện ngoại giao VNCH ở Jakarta lúc đó không đủ bén nhạy, đã chọn một khách sạn không thích nghi;

* Cũng trong năm 1972, trong lần đi Mã Lai Á sơ thảo về tranh chấp thềm lục địa, Anh bàn với tôi vì vùng tranh chấp tương đối nhỏ nên mình nên thử gieo ý kiến thăm dò khai thác chung trong tương lai. Bên phia Mã cũng lịch sự ghi nhận; nhưng không bên nào thấy cấp bách. Mãi sau này, vào cuối thập niên 1980 hai nước Mã Lai Á và Việt Nam thỏa thuận khai thác chung trong vùng tranh chấp, nay gọi là Vùng Thỏa Thuận Thương Mại Mã-Việt. Đến cuối thập niên 1990 thì Việt Nam được chia phần dầu hỏa sản xuất trong vùng tranh chấp do công ty quốc doanh Petronas khai thác;

* Giữa năm 1974, Anh Bắc lại một lần nữa nêu cao ngọn cờ chính nghĩa của VNCH cho Hoàng Sa-Trường Sa; lần này trước khoáng đại hội nghị gồm tới 150 quốc gia tham dự Hội Nghị Liên Hiệp Quốc Kỳ III về Luật Biển ở Caracas. Anh đã lưu loát trình bày nội dung khúc chiết như trong bản tuyên bố hồi đầu năm. Một số phái đoàn bỏ ghế trống, một số đứng lên rời phòng hội, nhưng Anh vẫn bình tâm, vẫn hùng hồn trình bày lập trường chính thức của VNCH để đưa vào biên bản của Liên Hiệp Quốc. Lịch sử Hoàng Sa- Trường Sa ở Liên Hiệp Quốc, trước đây đã có tuyên bố Trần Văn Hữu ở San Francisco 1951, nay lại ghi thêm tuyên bố Vương Văn Bắc ở Caracas 1974;

* Tiêu chuẩn cao của Anh không những chỉ thấy trong các công tác ở luật biển và thềm lục địa, mà còn được thể hiện trong các thảo luận, phân tích và đúc kết của Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa. Anh đã luôn luôn coi kỹ hồ sơ và suy nghĩ về các đề án trước khi họp Ủy Ban – always come prepared, Anh nói. Ai cũng công nhận Anh là hội viên rường cột của Ủy Ban.

Lịch Thiệp và Witty

LS Bắc là một trong rất ít người khởi đầu một tập tục mới ở VNCH lúc đó: thành công và nổi tiếng ở lãnh vực tư trước khi tham chính – một tập tục đã có lâu đời ở Hoa Kỳ, trong truyền thống từ luật sư công ty (corporate lawyer) tới ngoại trưởng như John Foster Dulles và Cyrus Vance. Anh rất lịch thiệp, và không cần quen biết lâu cũng thấy Anh có một óc hài hước rất tinh tế. Anh rất witty.

* Trong những lần xuất ngoại, nhiều khi chúng tôi đi ăn chung. Lần nào Anh mời thì Anh cũng lịch sự nói “Cho phép chiều nay tôi mời anh đi…”. Những lúc tôi mời lại Anh thì Anh tế nhị đề nghị một tiệm hay một món ăn ít tốn kém, “để thay đổi không khí”, “để diversify”, Anh mỉm cười thân mật.

* Sau này khi Anh định cư ở Paris, tôi lại có dịp gặp Anh Chị khi ghé thăm gia đình bào huynh là nhà báo Từ Nguyên Trần Văn Ngô: khi đi nghỉ hè, đi đám cưới, hay trên đường công tác về từ vùng Trung Á. Cũng như nhiều cựu nữ sinh Trưng Vương, nhà tôi gọi Chị bằng Cô. Lần nào chúng tôi cũng cùng ăn cơm Việt ở tiệm Le Palanquin. Và lần nào Anh cũng đưa đi một tiệm cơm Tây có món đặc biệt, khác mấy lần trước.

* Anh rất thích chơi chữ. Một giai thoại về cái wit của Anh là câu chuyện thú vị với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tại một buổi họp Hội Đàm Paris mà Anh kể lại trong bài “Tưởng Nhớ Nguyển Ngoc Huy” hồi 1997, in lại năm 2003. Tôi xin mạn phép ghi lại như sau:

Óc yêu thơ có khi theo chúng tôi đến tận bàn hội đàm. Một bữa, sau khi đã nghe nhắc lại lần thứ mấy mươi lập trường của đôi bên: Cộng Sản đòi quân Mỹ phải rút nhanh, rút hết, rút không điều kiện ra khỏi Miền Nam Việt Nam, đồng thời lật đổ chính quyền Saigon; còn bên mình đòi quân Bắc Việt phải rời khỏi Miền Nam Việt Nam và phía Cộng Sản phải chấp nhận tổng tuyển cử thật sự dân chủ tự do để giải quyết vấn đề chính quyền…tôi (LS Bắc) viết vào một mảnh giấy nhỏ vế đối như sau: BÌNH BỊ BÍP BẮT BẦU, trong đó Bình chỉ Nguyễn Thị Bình trưởng phái đoàn Việt Cộng, Bip là Philip C. Habib quyền trưởng phái đoàn Mỹ, còn ”bầu” nhắc lại yêu sách bầu cử tự do nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa khác. Tôi đẩy mảnh giấy nhỏ ấy sang phía Nguyễn Ngọc Huy, thường thường ngồi cạnh tôi bên phía tay mặt ở bàn hội, rồi nói: “Cậu đối đi, mà nhớ để ý là tất cả các chữ đều bắt đầu bằng B đấy nhé!”. Nguyễn Ngọc Huy suy nghĩ một lúc, rồi viết vào mảnh giấy đẩy lại chỗ tôi. Vế đáp của anh như sau: LÂM LO LÂU LẤP LIẾM, trong đó Lâm chỉ anh đại sứ Phạm Đăng Lâm, Lâu chỉ Hà Văn Lâu quyền trưởng phái đoàn Bắc Việt, còn lấp liếm là nhắc tới mánh khóe của phái đoàn Cộng Sản, dùng những luận điệu vu khoát hòng che lấp vấn đề thực sự tức là sự có mặt của quân Cộng Sản Bắc Việt ở Miền Nam Việt Nam”.

* Anh thích diễu, nhưng khuôn mặt Anh bình thường lại nghiêm nghị, như đăm chiêu. Anh ít khi cười lớn tiếng, thường thì cười mỉm, mà cũng không cười lâu. Khi tìm được hay nghe xong một chuyện ý nhị thì Anh mỉm cưới, thú vị. Nhưng rồi Anh sớm trở lại khuôn mặt nghiêm nghị. Người mới quen thấy vậy có thể đâm lo ngại, thắc mắc, không hiểu có chuyện gì. Quen lâu thì nhận thấy Anh chừng mực, tự chế ngay cả trong thú vị. Và nếu mình còn cười thêm thì Anh cũng như rộng lượng thông cảm, nhiều khi còn cười thêm theo.
Suy Tư / Cảm Xúc

Anh thuộc loại người vừa nghiêng về hành động thực tế vừa thấm đậm trong suy tư và cảm xúc.

Anh viết nhiều về những vấn đế Anh quan tâm, nhưng hầu như không hề công khai nhắc lại những đóng góp lớn trong công vụ của Anh, hay những thành công trong đời Anh. Trong hai năm 2003-2004, Anh có cho in lại những bài vở của Anh, trong hai cuốn gởi riêng cho bạn bè, không thấy phát hành ra ngoài.

* Trong “Suy Tư”, Anh đã tập hợp lại những bài nghị luận hay phát biểu về những vấn đề chính trị tổng quát hay đặc biệt: những vấn đề của quê hương, suy nghĩ về tương lai đất nước, bình luận về vài sinh hoạt chính trị của Hoa Kỷ, chuyện chính trường quốc tế nói chung, và viết về một vài người quen đã ra đi, trong đó có Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy như đã trích ở trên;

* Trong “Cảm Xúc”, Anh thâu gồm những bài thơ, chuyện ngắn, bài tùy bút ghi lại dư âm dư ảnh của những ngày đã qua của đời mình: những ngày thơ ấu, những ngày học trường Bưởi, những ngày sống tha hương, những ngày lưu lạc quê người. Anh cũng đã gom góp lại mười mấy bài thơ Anh sáng tác, có vài bài bằng tiếng Anh, đặc biệt có nhiều bài thơ làm từ thời 1947-1952 mà Anh còn lưu giữ.

* Bàng bạc trong hai cuốn sách, và trong những lá thư Anh trao đổi với tôi hai ba lần một năm trong nhiều năm qua, là những ưu tư nặng trĩu cho số phận đồng bào và tương lai đất nước. Với Anh, không có lý tưởng nào đẹp hơn và chủ nghĩa nào hay hơn là hạnh phúc của dân Việt Nam và thịnh vượng của nước Việt Nam.



Có Tài-Có Lòng-Có Mệnh

Trong một tiệm ăn ở Paris cách đây cũng khá lâu rồi, nhìn lại những thành quả đời Anh, tôi có nói với Anh: Anh rất có tài, Anh rất có lòng. Anh mỉm cười, tưởng như bắt được ý tôi, “nhưng không có mệnh”. Tôi không phản đối, nhưng cũng không hoàn toàn đồng ý với Anh: Vì bị lôi cuốn trong vận mệnh ngập tràn của quốc gia trong thời 1945-1975, nhiều thế hệ Việt Nam đã bị chối bỏ định mệnh cho riêng mình. VNCH đã có không ít người có tài, và bình tâm mà xét thì đã có rất nhiều người có lòng. Đó là niềm hãnh diện lớn lao, và cũng là niềm an ủi sâu xa cho một số đông đã và đang lần lẩn theo nhau đi vào dĩ vãng.

Nhưng đối với riêng Anh thì Anh đã có mệnh. Do tình cờ của lịch sử, và qua tài và lòng của Anh, mệnh Anh đã dính liền với tiền đồ của Hoàng Sa- Trường Sa.

Anh nằm xuống giữa lúc Biển Đông lại dậy sóng, Trung Cộng tiếp tục ngang nhiên gây hấn trong âm mưu chiếm đất, chiếm biển.

Lúc này, một thế hệ mới ở quê nhà đang phải đương đầu với những thử thách lịch sử đó. Văng vẳng đâu đây, họ phải lắng nghe, họ hãy lắng nghe, lời nhắn của Luật Sư Vương Văn Bắc:

Nghĩa vụ cao cả và cấp thiết nhất của một chính phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia; chính phủ VNCH cương quyết làm tròn nghĩa vụ ấy, bất luận những khó khăn, trở ngại có thể gặp phải và bất chấp những sự phản đối không căn cứ dầu phát xuất từ đâu…”

Anh đã làm xong phần và vụ của mình.

Nguyện cầu hương hồn Anh thanh thản tiêu dao ở cõi Vĩnh Hằng.



Tiếc Thương Người Nằm Xuống


Tướng Lê Nguyên Khang
Phạm Văn Tiền

Trung Tướng Lê Nguyên Khang


LTS. Trung Tướng Lê Nguyên Khang sinh ngày và nơi sinh 11/6/1931, Sơn Tây, Bắc Việt. Cựu học sinh CVA Hà Nội Tú Tài I năm 1951, Tốt nghiệp, Khóa 1, Võ Bị Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, 1952, - Tốt nghiệp, Lớp Lục Quân Cao Cấp, Fort Benning, GA., USA, 1956, - Tốt nghiệp, Khóa TQLC Trung Cấp, Quantico, VA. USA 1958. Thiếu Tướng, 15/10/1964, Trung Tướng, tháng 11/1967. Chức vụ cuối cùng: Phụ Tá Hành Quân Tổng Tham Mưu Trưởng, từ 5/5/1972.

Buổi chiều khi hết giờ làm chuẩn bị ra về, thì được Lâm đến báo tin là ông Tư Lệnh TQLC mình đã mất.[...] Chúng tôi biết bệnh ông từ lâu, ông bị ung thư phổi hết thuốc trị và chỉ chờ đợi có ngày này. Ông không còn đủ sức khỏe đến với anh em chúng tôi trong mỗi dịp ngày kỷ niệm binh chủng như trước, nhưng ông vẫn còn minh mẫn, gọi điện hỏi thăm, theo dõi từng bước chúng tôi đi.[...] Và sự thật thì không còn gì để mà hy vọng, ông đã mất, mất vào lúc 3 giờ 10 phút chiều ngày thứ ba 12.11.1996 tại Los Angeles, hưởng thọ 64 tuổi. Tôi tưởng tôi nghe lầm số tuổi của ông. Tôi hỏi lại bao nhiêu? 64 tuổi. Thì ra ông đã làm tướng từ khi vừa trên dưới 30 tuổi đời, còn rất trẻ và khá đẹp trai.[...]

Vào lính năm 1963, ra trường năm 1965 với lon Thiếu Úy, không kinh nghiệm chiến trường, tôi đã "nướng" gần hết Trung Đội mình trong trận thử lửa đầu tiên khi xung phong qua cánh đồng trống tại An Quý Bồng Sơn, tôi là thằng điếc không sợ súng. Không hơn gì tôi, Liêm bạn cùng khóa, vị tân Thiếu Úy mới ra trường đã bỏ lại chiếc giò thân thương của mình tại đồi "10" khi dũng mãnh hiên ngang đứng chỉ huy Trung Đội mình. Vị Tư Lệnh thân yêu của chúng tôi đã có mặt tại chiến trường sau đó một ngày; ông đã đến bắt tay từng người tại vị trí chiến hào. Ông đã khiển trách bộ chỉ huy hành quân khi mở cuộc tấn công mà không sẵn sàng pháo binh cơ hữu yểm trợ. Lần ấy, sau khi về hậu cứ trong một buổi khao quân chính tay ông đã g¡n lên ngực tôi Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng, một bảo vật đầu tiên của người lính; và ông đã trách nhẹ tôi là "Cậu đánh giặc quá liều lĩnh và hơi sát quân", tôi gật đầu "Dạ" với niềm đau xót, vừa hãnh diện vừa đắng cay. Tôi chỉ là thằng sĩ quan quèn mới ra trường nhưng rõ ràng lời nói này đã làm tôi vô cùng xúc động, một kỷ niệm không thể nào quên được trong cuộc đời mình. Ông đã sống, đã chỉ huy và đã rất gần với các thuộc cấp của mình.

Tháng tư năm 1966, trong buổi họp tại hậu cứ Tiểu Đoàn, ông đã đề nghị với vị Thiếu Tá Lê Hằng Minh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 TQLC là nên tìm một cái tên nào đó đặt cho đơn vị, như cái tên "Cọp Ba Đầu Rằn" của Biệt Động Quân vậy. Và danh từ "Trâu Điên" đã ra đời cho Tiểu Đoàn 2 lúc này vì những chiến tích mới đây tại Tam Quan Bồng Sơn...đơn vị được kẻ thù gọi là "các con của bà phước và húc như trâu...". Chuẩn Úy Cầu, Ban 5 Tiểu Đoàn được lệnh thực hiện ngay huy hiệu Tiểu Đoàn với tài họa sĩ của anh. Sau này các tên Quái Điểu, Sói Biển, Kình Ngư, H¡c Long, Thần Ưng, Hùm Xám, Ó Biển, Mãnh Hổ...cũng đã được ra đời.

Tháng Năm 1966, sau nhiều biến cố liên tiếp của Phật Gíáo tại miền Trung, TQLC lại lên đường hành quân ra Đà Nẵng bằng chỉ thị thật rõ ràng của ông. Chỉ làm nhiệm vụ yểm trợ các lực lượng địa phương nhằm ổn định tình hình, cố g¡ng đừng làm mất lòng dân vì quân đội chỉ phục vụ cho dân và vì dân mà chiến đấu. Nếu có ai đó bảo rằng TQLC đã đàn áp Phật Giáo, cướp của đốt bàn thờ...thì đó chỉ là âm mưu tuyên truyền của kẻ thù.[...]

Đoạn đường di chuyển hành quân từ Đà Nẵng ra Huế thật thê thảm vô cùng, đoàn xe cứ nhích lên từng đoạn một, phải bò lách qua những dẫy bàn thờ đầy dẫy tại các khu phố Lăng Cô. Bọn Cộng Sản đã xâm nhập và lạm dụng lòng tín ngưỡng của con người một cách thô bạo và tr¡ng trợn. Cũng như Đà Nẵng, đơn vị chúng tôi đã ổn định trật tự tại thành phố Huế chỉ vỏn vẹn có vài ngày. Thừa nước đục thả câu, các Sư Đoàn Cộng Sản đã tập trung sát nách Quảng Trị và âm mưu cưỡng chiếm thị xã này... Lại lên đường... Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên đã bị lọt vào trận độn thổ phục kích của địch vào lúc 10 giờ sáng ngày 29.6.1966 tại cây số 23 phía Nam Cầu Phò Trạch, Phong Điền, Thừa Thiên. Cố Đại Tá Lê Minh Hằng bị tử trận cùng nguyên Trung Úy Son Xít. Nhưng bù lại xác địch cũng nằm ngổn ngang trải dài trên những ngọn đồi máu từ quốc lộ 1 về phía Tây tận dãy Trường Sơn... Đại Úy cố vấn Campbell đã bị bắt sống và vượt thoát trở về nhờ sự phản công của các lực lượng ta và đồng minh Huê Kỳ. Đây là một cuộc hành quân bị tiết lộ trước do các tên Cộng Sản nằm vùng bộ Chỉ Huy hành quân vùng I Chiến Thuật nhằm triệt hạ uy danh của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên.

Đám tang của vị Tiểu Đoàn Trưởng trẻ tuổi, tài ba, nghệ sĩ...được tổ chức thật long trọng tại Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp trước sự chứng kiến đưa ti­n của nhiều người...Và vị Tư Lệnh TQLC của chúng tôi đã khóc! Những giọt nước mắt long lanh lăn nhẹ trên gò cao qua làn kính trắng quả đã tô đậm thêm cho mầu cờ sắc áo của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Cuộc chiến vẫn tiếp diễ­n, người nằm xuống được vinh danh tiếc thương...Kẻ còn sống lại tiếp tục chiến đấu...Và Minh, Chinh, Kiệt, những người cùng khóa với tôi ở Tiểu Đoàn Trâu Điên này đã lần lượt nằm xuống...khi tuổi đời hãy còn rất trẻ.

Ông đã hiện diện và sát cánh với anh em TQLC chúng tôi khắp mọi nơi, mọi thời điểm. Ngay cả những khi sau này khi ông không còn giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn nữa. Vào những ngày sôi động nhất của cuộc chiến Hạ Lào 1971, Mùa Hè Đỏ Lửa 72...ông đã đến tận chiến trường với chúng tôi bằng con tim và khối óc. Ông đã thở bằng nhịp thở của từng người lính, từng cấp chỉ huy, từng đơn vị. Ông theo dõi từng trận chiến, hãnh diện và đau lòng về các thành tích và thiệt hại. Trận đánh Cửa Việt năm 1973...trong lúc chỉ huy, đơn vị tôi đã bị vây hãm tứ bề. Ông hỏi thăm về tôi, về thằng Tây Ninh là thằng nào?... Và chính ông đã ra lệnh cho bộ Chỉ Huy hành quân bằng mọi cách phải cứu nó về. Tôi nhớ ơn ông và thật sự tôi đã được trở về trong đường kẽ tóc.

Ngày nay, sau một thời gian dài mất nước, còn lại gì sau cuộc bể dâu nghiệt ngã tan thương, người lính thực sự không còn nguyên vẹn hình hài, mất tích nơi rừng sâu biển động hay còn rên siết trong xích xiềng tù đầy bóng tối hoặc tha phương cầu thực xứ người. Nào mấy ai còn nhớ được tình chiến hữu ngày nào! Cuộc sống vật chất đã làm biến dạng hình hài. Họ - những cấp chỉ huy tối cao, những người lãnh đạo đất nước vẫn tiếp tục cuộc sống phè phỡn hưởng thụ - đoạn tuyệt với quá khứ, chính cái quá khứ đã tạo nên cuộc sống vàng son muôn đời của họ. Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi, thời gian được tính toán đo lường một cách chỉ ly theo vật chất lũy tiến hằng ngày. Nước m¡t nhà tan cũng chẳng sao, ai còn, ai mất, ai tù đày...cũng chẳng ăn nhằm gì tới họ. Sống chui rúc vào cái vỏ sò khép kín được bọc bằng cái học bị "bác sĩ", "kỹ sư"... cho gia đình và chí con cháu họ. Sống một cách nhục nhã, ích kỷ, ươn hèn.

Cựu Trung Tướng Lê Nguyên Khang, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC, là một trường hợp điển hình quý hiếm, ông đã sống hết mình với anh em, với đồng bào... Và hầu như họ cũng dành trọn cuộc đời cho quê hương dân tộc. Ông quả xứng đáng là một danh tướng của QLVNCH. Từ nhiều năm nay, ông đã có mặt trong hầu hết các buổi sinh hoạt của các hội đoàn, của cộng đồn, ông đã đi nhiều nơi, nhưng không ngoài mục đích là đấu tranh cho một nước Việt Nam không Cộng Sản.

Có chứng kiến được hình ảnh của ông với chiếc béret xanh mầu TQLC đội nghiêng nửa đầu, tay cầm lá quốc kỳ thân yêu vẫy mạnh trong đoàn người biểu tình tại Cali...Có nghe ông hát thật to, thật ngạo ngh­ cùng đôi bàn tay vỗ mạnh nhịp nhàng bản nhạc "Cờ Bay, Cờ Bay" hay "TQLC Hành Khúc" trong mỗi lần kỷ niệm binh chủng tại Seattle, Washington D.C., Houston...Có nhìn thấy tận mắt ông bà cùng ăn, cùng ngủ với các chiến hữu của mình tại nhà anh chị Trung Úy Gừng ở Okhahoma City, của gia đình Hạ Sĩ Thành ở Sacramento ngay trên thảm nhà, trên bộ salon bình dị thoải mái...và có thuộc vào diện những người mới đến định cư với những lời hỏi thăm ân cần, một chút quà nhỏ tượng trưng của ông để sớm làm quen với cuộc sống...thì mới biết được tấm lòng bao la của vị cựu Tư Lệnh TQLC mgày nào và tại sao trái tim mình như muốn ngừng đập vì sự mất mát quá lớn lao này.

Rồi đây trong những ngày họp mặt binh chủng sắp tới, chắc chắn rằng trong lòng mỗi cựu chiến hữu TQLC chúng tôi sẽ thấy xốn xang, nuối tiếc, thèm thuồng hình ảnh người anh cả của Sư Đoàn cắt nhẹ chiếc bánh sinh nhật kỷ niệm...Sẽ mất đi lời chỉ dậy ân cần cho một sự nghiệp đấu tranh còn tiếp tục. Sẽ không còn ai hỏi thăm lo lắng về gia đình Vô Đằng Phương, Nguyễ­n Văn Nhiều, Trần Văn Lượm... Về những hoàn cảnh nghiệt ngã của từng thuộc cấp ở quê nhà, sẽ không còn ai nhắc đến những người hùng của TQLC Việt Nam, Nguy­ễn Xuân Phúc, Đỗ Hữu Tùng, Nguyễ­n Đằng Tống, Trân Ba, Trần Văn Hợp... Và các cây viết mũ xanh như Cao Xuân Huy, Huỳnh Văn Phú, Trần Ngọc Toàn, Nguyễ­n Đăng Hòa, Trần Xuân Dũng...sẽ đau xót biết bao cho cái tang chung này. Vì lúc ông còn sống, đã từng nâng niu, hãnh diện về các tác phẩm của họ... Thôi mất hết rồi...Còn gì nữa hỡi các chiến hữu TQLC/VN. Xin kính cẩn nghiêng mình kính chào vĩnh biệt ông.

TQLC Phạm Văn Tiền
Ngày 17/11/1996
Arlington, Texas



 



Phạm Tất Đắc,

người học sinh trường Bưởi

với bài thơ Chiêu Hồn Nước
Lê Duy San, CVA59

Năm 1925, nhà cách mạng Phan Bội Châu bị Pháp bắt tại Trung Hoa rồi bị đem về Hà Nội xét xử. Tin này được đăng cả trang nhất trên tờ báo Thực Nghiệp. Được biết hung tin, tinh thần yêu nước của học sinh Bưởi nổi lên như cồn. Học sinh ngoại trú bãi khóa, học sinh nội trú bỏ trường ra ngoài ở và cùng học sinh ngoại trú biểu tình, bãi khóa đòi chính quyền Pháp phải ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Cùng năm đó, nhà cách mạng Phan Châu Trinh ở Pháp về nước tuyên truyền chống chính sách thuộc địa của thực dân Pháp. Tin được các báo Sài Thành nhật báo, Đông Pháp thời báo loan truyền khắp nơi. Tinh thần yêu nước của học sinh trường Bưởi lại càng sôi sục, nên khi nghe tin cụ Phan Châu Trinh chết ( tháng 3 năm 1926 ), sinh viên trường Bưởi cùng sinh viên các trường Cao Đẳng Hà Nội mang khăn trắng, mặc áo dài đen lập bàn thờ làm lễ truy điệu. Sau biến cố này, một số học sinh trường Bưởi bị bắt, một số bị đuổi, trong đó có cụ Phùng Tất Đắc, một số phải bỏ học vì không dám trở lại trường và tờ Bút Thép cũng bị tắt tiếng luôn.

Tiếp theo lễ Truy Điệu cụ Phan là lễ Truy Điệu cụ Cử Lương Văn Can, Hiệu Trưởng trường cách mạng Đông Kinh Nghiã Thục vào năm 1927. Hai cuộc lễ Truy Điệu này đã làm cho học sinh có lòng yêu nước của trường Bưởi bừng bừng nổi dậy. Nhiều học sinh trường Bưởi đã tham gia hội kín (đảng phái) trong số đó có hai anh Nguyễn thế Nghiệp và Phạm Tất Đắc (1).

Anh Nguyễn Thế Nghiệp học rất giỏi. Nghe nói anh đậu cả ba bằng: Brevet Élémentaire, Certificat Primaire Supérieur và Diplôme (2); nhưng anh chẳng đem bằng nào đi xin việc cả mà chỉ đem tấm lòng yêu nước để xin gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, còn anh Phạm Tất Đắc thì rất nổi tiếng với nhiều bài thơ đấu tranh, khích động lòng yêu nước của thanh niên học sinh thời đó.

Theo Luật Sư Đào Hữu Dương, cựu học sinh trường Bưởi (1933-1936), anh Đắc sinh năm 1909 tại xã Dũng Kim, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (Bắc Việt). Anh đậu Tiểu Học năm 14 tuổi và được vào học trường Bưởi năm 1923. Đến năm 1926, anh đang học năm thứ tư bậc Thành Trung thì phong trào làm lễ Truy Điệu nhà cách mạng Phan Châu Trinh bộc phát và đã khơi dậy lòng ái quốc của học sinh, sinh viên khắp nơi. Anh Phạm Tất Đắc là một trong những người tham gia hăng hái nhất.

Trong niềm xúc cảm cao độ, anh đã đem hết tâm huyết để sáng tác một bài thơ dài để nói lên nỗi thống khổ cuả người dân mất nước và hô hào con cháu Lạc Hồng đứng lên đáp lời kêu gọi của Hồn Nước, bẻ gẫy xiềng xích nô lệ của ngoại bang. Đó là bài thơ Chiêu Hồn Nước, viết theo thể song thất lục bát, lời lẽ thật ai oán cảm động, nhưng cũng không kém phần hào hùng và cương quyết của một thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết. Bài thơ dài 200 câu, được chia làm năm phần.


1. Hăm lăm triệu trẻ già trai gái,

Bốn nghìn năm con cái Hồng Bàng.

Cũng cửa nhà cũng giang san,

Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời

Nghĩ lắm lúc đương cười hóa khóc,

Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang.

Vạch trời thét một tiếng vang,

Cho thân tan với giang san nước nhà.

Đồng bào hỡi! Con nhà Hồng Việt,

Có thân mà chẳng biết liệu đời.

Tháng ngày lần lữa đợi thời,

Ngẩn ngơ ỷ lại ở người, ai thương!

Nay sóng gió bốn phương dữ dội,

Có lẽ nào ngồi đợi mãi sao?

Đồng bào trút giọt máu đào,

Thương ôi! Tội nghiệp ai nào xót đây!

Nên mau mau dậy ngay kẻo muộn!

Mà xót thương đến chốn Nhị, Nùng.

Xưa nay vẩn lắm anh hùng,

Dọc ngang trời đất vẫy vùng bể khơi.

Xưa nay vốn lắm người hào kiệt,

Trong một tay nắm hết sơn hà.

Nghìn thu gương cũ không nhòa,

Mở mày mở mặt con nhà Lạc Long.

Non sông vẫn non sông gấm vóc,

Cỏ cây xưa vẫn mọc tốt tươi.

Người xem cũng dáng con người,

Cũng tai, cũng mắt như đời khác chi.

Cảnh như thế tình thì như thế !

Sống làm chi, sống để làm chi?

Đời người đến thế còn gì,

Nước non đến thế, còn gì nước non !

Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ,

Trông non sông lã chã dòng châu,

Một mình cảnh vắng đêm thâu,

Muốn đem máu đỏ nhuộm màu giang san.

Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt,

Tiếng cuốc kêu thức gọi anh hùng.

Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng,

Tôi chiêu Hồn cũ lại cùng non sông!

2. Hồn hỡi Hồn, con Hồng cháu Lạc!



Bấy lâu nay giặc giả chiến tranh,

Bấy lâu thịt nát xương tan,

Bấy lâu tím ruột thâm gan vì Hồn.

Hồn hỡi Hồn ! kìa non nước cũ,

Bấy nhiêu lâu mặt ủ mày châu.

Bấy lâu ngậm tủi nuốt sầu,

Bấy lâu hèn kém vì đâu hỡi Hồn.

Trông bốn bể bồn chồn dạ ngọc,

Ngẩm năm châu khôn khóc nên lời.

Đêm khuya cảnh vắng êm trời,

Khôn thiêng chăng hỡi ! Hồn thiêng Hồn về.

Hồn trở về, đừng mê mẩn nữa !

Tính nết xưa phải sửa từ giờ.

Hồn về Hồn cố cho nhờ,

Anh em Hồng Lạc, cõi bờ Việt Nam.

Hãy trở về chớ vì rượu thịt,

Chớ tham nhà cao tít nhiều từng.

Kìa con chim ở trong rừng,

Kiếm mồi đâu có lạc chừng quên cây.

Hồn trở về đừng say sắc đẹp,

Mà nặng tình kẻ khép phòng thu.

Đường đường một đấng trượng phu,

Lẽ đâu Hồn chẳng đền bù non sông.

Hồn trở về chớ mong giàu có,

Mà ước ao xe nọ ngựa kia.

Nghênh ngang mũ áo râu ria;

Trăm nghìn năm vẫn còn bia miệng cười.

Hồn cố về cõi đời chớ chán,

Mà vội đem lòng nản việc trần.

Bát cơm tấm áo manh quần,

Hồn ăn Hồn mặc nợ nần thế gian.

Hồn trở về bấm gan mà chịu,

Cảnh biệt ly tình hiếu đôi đường.

Cao nhân, trí ở bốn phương,

Lẽ đâu Hồn chịu vấn vương xó nhà.

Hồn trở về nguyệt hoa chi nữa,

Mà thoi đưa lần lữa tháng ngày.

Xưa nay những kẻ tỉnh say,

Lòng mê có nghĩ việc hay bao giờ!
3. Hồn Nước về chớ chờ sức yếu,

Hồn Nước hãy định liệu dọc ngang.

Hay Hồn bảo chẳng biết đàng,

Hay Hồn không muốn vội vàng làm ngay.

Hay Hồn sợ tai bay vạ gió,

Hồn Nước đành phải bỏ non sông !

Hoặc Hồn quen thói phục tòng,

Nên Hồn cam chịu làm giòng ngựa trâu.

Hoặc hồn chỉ cháo rau no đói,

Mà Hồn chẵng mong khỏi cơ hàn.

Hoặc Hồn đã trãi lầm than,

Mà Hồn đánh mất cái gan tung hoành?

Hoặc Hồn ở thị thành phố xá,

Hoặc Hồn núp túp lá lều tranh?

Hoặc Hồn trong chốn rừng xanh,

Hoặc Hồn lẩn quất ở quanh sơn hà?

Hoặc Hồn ở nước nhà chật hẹp,

Hoặc Hồn đi ẩn núp nước người?

Đêm khuya cảnh vắng im trời,

Khôn thiêng chăng hỡi, Hồn ơi Hồn về.

Hồn Nước về đừng mê mẩn nữa,

Tính nết xưa phải sửa từ giờ.

Hồn về, Hồn cố cho nhờ,

Con dân Hồng Lạc cõi bờ Việt Nam.

……………………….



……………………..

Còn chi sung sướng vẻ vang,

Bằng đem da ngựa sa tràng bọc thây.

Hồn trở về làm ngay ý muốn,

Chớ rụt rè sớm muộn nào nên.

Lẽ thường thành bại đôi bên,

Chớ đo đắn quá mà quên việc mình.

Hồn trở về hy sinh quyền lợi,

Mà tận tâm đối với nước non.

Dù cho thịt nát xương mòn,

Cái bầu nhiệt huyết vẫn còn như xưa.

Hồn Nước trở về đừng mơ ác mộng,

Để Hồn trở thành ra giống ngựa trâu.

Hồn về Hồn kíp đòi mau,

Tự do hành động mặc dầu dọc ngang.
4. Hồn trở về bền gan dốc trí,

Chớ có thèm cái vị cao lương.

Tháng ngày dưa muối rau tương,

Chớ tham rượu thịt mà nương nhờ người.

Hồn trở về xoay trời đất lại,

Hồn trở về tát hải đạp sơn !

Chớ nề gió kép mưa đơn !

Mà đem gan chọi với cơn phong trần !

Hồn Nước hỡi! Xa gần nghe thấy,

Thì vùng lên ! Kíp dậy mà về.

Hoặc Hồn ở chốn thôn quê,

Hoặc là Hồn ở phủ kia lầu nầy?

Nước non cũ bấy nay khao khát,

Ngày nầy qua ngày khác lại qua,

Mấy phen lệ nhỏ máu sa,

Mấy phen xót xót xa xa lòng vàng.

Mong Hồn tỉnh Hồn càng không tỉnh;

Mong Hồn về, Hồn định không về.

Non sông Hồn bỏ lời thề,

Cho non sông chịu trăm bề lầm than.

Hồn hỡi Hồn! Giang san là thế,

Giống Lạc Hồng tôi kể Hồn hay:

Kể từ Hồn lạc đến nay,

Đêm đêm khóc khóc, ngày ngày than than.

Cũng có kẻ trên ngàn nhỏ máu,

Cũng có người nương náu phương xa.

Nhiều người bỏ cửa bỏ nhà,

Cũng người lo nghĩ tuyết pha mái đầu.

Cũng có kẻ làm thân trâu ngựa,

Cũng có người đầy tớ con đòi.

Cũng thằng buôn giống bán nòi,

Khôn thiêng chăng hỡi! Hồn coi cho tường…!

Có mồm nói, khôn đường mà nói,

Có chân tay, người trói chân tay,

Mập mờ không biết dở hay,

Ù ù cạc cạc, công nầy việc kia.

Hồn hỡi Hồn! Đêm khuya canh vắng,

Hồn nghe có cay đắng hay không?

Tôi đây cùng giọt máu hồng,

Cũng xương cũng thịt con Rồng cháu Tiên.
5 Trông thấy cảnh mà điên mà dại,

Trông thấy tình mà dại mà điên

Mà sao không thể ngồi yên?

Sa câu gan ruột tôi biên mời Hồn.

Hồn nghe thấy nên chồn tấc dạ,

Hồn nghe xong nên khá mà về.

Chớ đừng tỉnh tỉnh mê mê,

Chớ đừng đo đắn trăm bề sâu nông.

Hồn trở về non sông nước cũ,

Mà mau mau giết lũ tham tàn,

Mau mau giết lũ hại đàn,

Túi tham cướp hết bạc vàng của dân.

Hồn trở về cho dân tỉnh lại,

Không ngu ngu dại dại như xưa.

Không còn khó nhọc sớm trưa,

Không còn nắng nắng mưa mưa dãi dầu.

Hồn trở về mau mau Hồn hỡi!

Hồn trở về tôi đợi tôi mong.

Hồn về dạy dỗ con Rồng cháu Tiên.

Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt.

Dân không còn nước mất sao còn?

Hỡi Hồn Nước nước non non!

Hồn về tôi sẵn lòng son giúp Hồn.

Tôi đây cũng không khôn cho lắm,

Nhưng cũng không dại lắm cho nhiều.

Tôi nay chỉ một lòng yêu,

Nên mong nên mỏi nên Chiêu Hồn về.

Hồn hỡi Hồn! Hồn về Hồn hỡi!

Hồn hỡi Hồn! Hồn hỡi Hồn ơi!

Đêm khuya cảnh vắng êm trời.

Khôn thiêng chăng hỡi Hồn ơi Hồn về!

Bút viết xong tai nghe miệng đọc.

Miệng đọc xong giọt ngọc nhỏ sa.

Nhỏ sa nên chữ hóa nhòa,

Hóa nhòa nên mới in ra nghìn tờ.

In nghìn tờ mà đưa công chúng,

Công chúng xem mong bụng đổi dần.

Để rồi thúc kẻ xa gần

Rằng mau nên trả nợ nần non sông!...

Bài thơ lịch sử Chiêu Hồn nước vừa được nhà in Thanh Niên ở Hà Nội ấn loát và phát hành được vài hôm thì bị chính quyền Pháp tịch thu và ra lệnh bắt giam luôn tác giả và quản lý nhà in. Anh Đắc bị truy tố về tội chống phá chính phủ Bảo Hộ. Trước Tòa, anh bị cật vấn là ai đã xúi dục anh hay đã mượn tên anh để làm bài thơ ấy. Anh điềm tĩnh trả lời :

- Đầu tôi nghĩ , tay tôi viết, mọi việc hoàn toàn chỉ do một mình tôi làm cả.

Vì anh còn trong tuổi vị thành niên nên Tòa cho mời cụ thân sinh của anh là cụ Phạm Văn Hanh ra để trả lời về tội trạng của con. Cụ Hanh thản nhiên trả lời:

- Khi con tôi còn ở nhà với cha mẹ thì bổn phận dậy dỗ thuộc về tôi. Nhưng nay tôi đã cho con tôi đi học trường của chính phủ thì mọi việc giáo dục nó bây gìơ là ở chính phủ. Sao các ông lại hỏi tôi ?

Tòa phạt giam anh vào nhà trừng giới ở Trí Cụ thuộc tỉnh Bắc Giang. Nhưng chẳng được bao lâu, thực dân Pháp lại lại đem anh về giam tại Hỏa Lò Hà Nội để hành hạ, đầy đọa anh. Tới ngày 16 tháng 3 năm 1930, anh vừa đủ 21 tuổi, thực dân Pháp mới thả anh ra, nhưng anh cũng chẳng sống được bao nhiêu vì sức khỏe suy nhược sau nhiều năm giam cầm, đầy ải. Anh bệnh hoạn triền miên. Tới ngày 24 tháng 4 năm 1935, anh từ trần tại nhà ở đường Luro, Hà Nội, hưởng dương 26 tuổi.

Khi trường Bưởi được đổi tên thành trường Chu Văn An, tinh thần yêu nước của học sinh Bưởi- Chu Văn An không những vẫn không thay đổi, mà trái lại còn được hun đúc thêm. Nhiều học sinh đã tham gia cách mạng để chống lại sự trở lại của thực dân Pháp.

Gạt bỏ mọi tự ti mạc cảm cũng như mọi tự cao tự đại, sửa đổi những sai trái, những lỗi lầm để cùng nhau quang phục đất nước. Tại Việt Nam ngày nay, với cơn sốt phát triển kinh tế, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã phơi bầy những tệ đoan của xã hội, những xa hoa, nhũng lạm của giới chức cầm quyền. Xã hội thì vô kỷ cương, vô luật pháp, chính quyền thì mất hết tín nghĩa và liêm sỉ. Người cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An vẫn tự hào là con cháu của bậc thánh hiền Chu Văn An không thể không noi gương``Thất trảm sớ `` của ngài để đứng ra tố cáo và đòi chém đầu những kẻ độc tài, tham nhũng đang làm quê hương tiêu điều, tan nát và dân tộc lầm than, đói khổ. Đó cũng là một cách để phát huy tinh thần Chu Văn An, tinh thần tôn trọng văn hóa giáo dục, đề cao kỷ cương, tín nghĩa, và bảo tồn truyền thống dân tộc.

Chỉ có sự dấn thân này mới có thể đem lại niềm tin cho dân tộc và đưa đất nước qua cơn ác mộng tối tăm ra nơi ánh sáng mặt trời và đưa dân tộc bước vào thế kỷ 21 được tự do, phú cường và hùng mạnh.
Chú thích.

(1) Sau này vào thập niên 1950 có một học báo chuyên dậy Pháp Văn xuất bản tại Hà Nội tác giả là Phạm Tất Đắc chính là tác phẩm của anh được tái bản.

(2) Cả ba bằng này, bài thi cùng trình độ, nhưng thang điểm để đậu Diplôme của bài Dictée và Composition cao hơn nên khó hơn.
Tài liệu tham khảo :

``Từ Bưởi đến Chu Văn An`` của Trương Hữu Lượng `` Đặc San Bưởi-Chu Văn An, Paris 1990.

``Trường Bưởi-Chu Văn An`` cuả Vũ văn Phường, Đặc San Chu Van An Bắc Cali số 3/1990.

``Chu Văn An những ngày xưa cũ`` của Cố Nhân, Đặc San Chu Văn An miền Đông Hoa Kỳ, xuân Tân Mùi, 1991.

``Hồi ký về trường Bưởi `` của Tô Giang Tử Nguyễn Quang Nhạ , Đặc San Chu Van An miền Đông Hoa Kỳ, xuân Tân Mùi, 1991.

``Nguồn gốc trường Bưởi-Chu Van An`` của Đinh Bá Hoàn, Đặc San Bưởi-Chu Van An Canada, số 1/1992.

``Vài hàng về trường Bưởi-Chu Văn An`` của Đào Hữu Châu, Đặc San Bưởi-Chu Văn An Canada , số1/1992.

``Trường Chu Văn An Hà Nội ngày nay`` đăng trong báo Xây Dựng số 40 ngày 30/4/92 tại San Jose, California và được trích đăng lại trong Đặc San Chu Văn An miền Đông Hoa Kỳ, 1993.

``Tài liệu lịch sử trường Chu Văn An`` của giáo sư Phạm Biển Thước, Giai Phẩn Chu Văn An Nam Cali, 1994

TẠI SAO TÔI KHÔNG VÀO TRƯỜNG BƯỞI

Trần Đỗ Cung
Năm 1896 vua Thành Thái ban Dụ lập Pháp-Tự-Quốc-Học-Trường.

Năm 1932 vua Bảo Đại hồi hương sau khi tốt nghiệp trường trung học nổi tiếng Pháp Quốc Lycée Condorcet và nhập học trường Sciences Polititiques ở Paris. Trong thời gian học tại Lycée Condorcet vua Bảo Đại được biết trường trung học danh tiếng Lycée Legrand dự bị cho các khóa sinh vào các trường lớn Pháp Quốc như Lục Quân Saint Cyr, Hải Quân École Navale de Brest, Không Quân École de l’Air Salon de Provence và trường Polytechiques. Học trình ngoài toán lý hóa và văn chương ra các học sinh phải theo quy trình võ bị và sinh hoạt chặt chẽ như trong quân ngũ.

Khi về nước vị vua trẻ đem theo những hoài vọng canh tân nước nhà. Ngài sửa đổi tập tục triều chính, thay thế bộ máy quan liêu của các cụ thượng lỗi thời bằng những bộ mặt mới. Ngày 8 tháng 4 năm 1932 vua đã ban hành một đạo dụ cải tổ nội các, quyết định chấp chính và sắc phong thêm năm thượng thư mới xuất thân từ giới học giả và hành chính là Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Bùi Bằng Đoàn và Ngô Đình Diệm. Tháng 12 năm 1933 ngài ngự du Bắc Hà thăm dân chúng và xoa dịu tình hình Xô-Viết-Nghệ-Tĩnh. Năm ấy tôi lên mười và đang học lớp Nhì Một trưòng huyện Nghi Lộc. Quan huyện sở tại Tôn Thất Hoàn vừa bị cộng sản thảm sát khi đi thị sát với thầy Đề Lại và năm lính khố lục, tất cả bị chém và ném xuống biển cửa Hội. Vua Bảo Đại đến thăm trường huyện và học sinh được lệnh quỳ xuống sàn, cúi gầm mặt xuống không được nhìn lên. Tuy nhiên tôi liếc trôm để nhìn thấy vua trẻ cao lớn đẹp trai, đầu đội khăn vàng, mặc hoàng bào thêu rồng trước ngực, dáng đi chậm rãi uy nghi.

Năm 1936 ngài đổi danh xưng trường Quốc Học thành Lycée Khải Định để kỷ niệm vua cha. Được Pháp thật lòng ủng hộ và tài trợ, lycée Khải Định thành một cơ sở giáo dục bề thế nhìn ra bờ Hương Giang, có một đội ngũ giáo sư Pháp và Việt tốt nghiệp từ Pháp về giảng giậy. Hiệu trưởng là người Pháp cao lớn trắng trẻo mà tôi nhớ tên là Henry Delépine phụ tá bởi một censeur hay là tổng giám thị Giamachi người Corse vừa lùn vừa mập. Ông này chỉ huy một đội giám thị An Nam đi lại lặng lẽ như trên những đôi giầy đế lót bông. Nên nhớ rằng Tây khuyên vua Bảo Đại chỉ nên trị vì như tập tục nước Anh còn việc cai trị thì để cho mẫu quốc tức quan Khâm Sứ lo liệu. Vua chán nản nên chỉ lo săn bắn và ngày ngày lên xuống bãi hoàng cung trên chiếc phi cơ nhỏ mà Pháp đã khéo léo tặng dữ.

Thế nhưng vì đất thần kinh nằm giữa Trung Kỳ èo uột từ Thanh Hoá phía cực Bắc đến Bình Thuận cực Nam, phải làm sao kéo được lớp sỹ tử từ các trường Cao Tiểu công lập vào Huế sau khi đã đậu Thành Chung. Có cả thẩy ba trường Cao Tiểu công lập, phía Bắc là hai collèges de Thanh Hoá và Vinh còn phía Nam là collège de Qui Nhơn. Các trường này quy tụ những tinh hoa của các tỉnh nổi tiếng về tinh thần hiếu học và biện luận. Về phương diện tiếp vận (logistics), từ Thanh Hóa ra đến Hà Nội chỉ cách xa hơn 130 cây số và di chuyển bằng xe lửa mất có hai giờ đồng hồ. Từ Vinh ra cũng chỉ xa hơn chưa đến 100 cây. Trong khi ấy đáp chuyến tầu đêm đến ga Huế phải mất mười hai giờ qua đồi núi ì-ạch vừa tốn tiền vừa hao sức. Bởi vậy Hà Nội đã có hấp lực mạnh đối với sỹ tử Bắc Trung Kỳ chỉ muốn gia nhập trường Bưởi (Collège du Protectorat) hay trường Tây Lycée Albert Sarraut, hoặc các tư thục có tiếng như Thăng Long.

Theo đề nghị của quan Tây, muốn kéo đám học sinh hiếu học Thanh Hóa Nghệ An phải khuyến khích họ vào trường Khải Định bằng những học bổng thích nghi và gián tiếp cản không cho họ ra Hà Nội. Năm 1939 khi đã đậu bằng Diplôme d’Études Primaires Supérieures mà dân gian gọi vắn tắt là Đíp-Lôm tôi đã phải sửa soạn khăn gói lên đường xuôi kinh thi tuyển nhập học Khải Định. Ở tuổi mười bẩy còn ngây ngô chỉ biết cơm nhà và mài đũng quần trên ghế nhà trường nên mẹ tôi phải đi theo trên chuyến tầu đêm đi Huế. Tôi phải nói thêm là mẹ tôi làm phụ giáo vườn trẻ Thanh Hóa trong khi bố tôi là thầy giáo thực thụ tốt nghiệp trường quốc gia sư phạm Huế nên đời sống tuy phong lưu nhưng không phải khá giả gì. Bởi vậy mẹ tôi phải xông ra buôn bán phụ thêm lợi tức gia đình. Bà thường xuyên đáp các chuyến xe lửa xuôi Nam buôn cau khô và đường phổi Quảng Ngãi về bán cất cho các nhà buôn lẻ Thanh Hóa. Có mẹ tháp tùng nên tôi yên tâm trên toa tầu đêm đầy người ngồi nằm ngổn ngang trên sàn gỗ rác rưởi, nhổ toẹt bã trầu trên sàn như thể chung quanh chả có ai.

Đến Huế sáng tinh sương hai mẹ con thuê phòng Hotel de la Gare tá túc trong mấy ngày và sáng hôm sau thuê xe tay đến trường để tôi thi nhập học. Lớp 1-S năm đầu chỉ lấy có bốn chục học sinh trong khi hơn một trăm sỹ tử đua chen, gồm một số học sinh ba trường công lập nổi tiếng Trung Kỳ và thí sinh các trường tư thục đất thần kinh như Providence, Pellerin và Thuận Hóa. Tôi may mắn trúng tuyển và thân mẫu mừng rỡ đãi cậu con trai một bữa cơm ngon lành xứ Huế. Trở về nhà hai bố mẹ lo hành trang tiễn cậu trưởng nam đi Huế nhập học vào đầu tháng Chín. Hai ông bà tiễn chân tôi trên chuyến tầu xuôi Nam, dơ tay vẫy vẫy trong khi cậu con đã bắt đầu nhìn xa về phía trước đến một phương trời mới đầy triển vọng và thử thách.

Đó là lý do tại sao tôi lại phải lặn lội vào xứ Huế xa xôi mà không ra Hà Nội vừa gần hơn lại có giọng nói thùy mị nhẹ nhàng không quá cách biệt và kiểu cọ như giọng các kiều nữ Huế. Tuy nhiên về sau duyên tôi với trường Bưởi đã trở nên khăng khít. Khi xong tú tài toán ra Hà Nội vào Đại Học Khoa Học tôi được vào ờ trong Đông Dương Học Xá mới xây. Tôi đã kết thân với nhiều bạn trường Bưởi cùng ở phòng số 6 như Vũ Tam Hoán cháu cu đốc Vũ Tam Thám, Bác Sỹ Trần Văn Bảo, Tiến Sỹ Đặng Quốc Quân con cụ Tuần phủ Đặng Quốc Giám. Anh Quân sau làm giáo sư Toán tại Đaị Học Toulouse và nay đã mất. Một bạn chí thiết nữa là Bác Sỹ Nguyễn Tấn Hồng đã thành chú rể vợ tôi và cả gia đình bên vợ đều xuất thân trường Bưởi như nhạc phụ tôi cụ phủ Nguyễn Đình Tại, bác vợ dược sỹ Nguyễn Đình Hoan, chú vợ Bố Chánh Nguyễn Đình Duy. Hơn nữa tôi đã có dịp quen với những bậc đàn anh khả kính như Tổng Hội Trưởng Dương Đức Hiền và ngay cả Bác Sỹ Phan Huy Quát đã đứng đầu Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương từ 1938 và sau trở thành Thủ Tướng để chết dưới tay Việt Cộng trong khám Chí Hòa vì bệnh tim mà không được cho tiếp tế thuốc men cần thiết.

Nếu phải kể bao nhiêu tên các bạn trường Bưởi khác thì tôi tin chắc rằng cả mấy trang giấy cũng không đủ chỗ. Những bạn, người còn kẻ mất, đã một thời chung lý tưởng yêu nước và giúp tha nhân trong Tráng Đoàn Lam Sơn của Trưởng Hoàng Đạo Thúy như Nguyễn Văn Chiển giáo sư địa chất, Phạm Mậu Quân thành giáo sư khoa học tại Paris. Hoặc những bạn cùng góp sức trong hai tờ báo Tự Trị và Gió Mới bằng tiếng Việt là hậu thân của tờ Le Monôme bằng Pháp ngữ của l’Association Générale des Étudiants de l’Indochine. Đặc biệt trong báo Gió Mới có bàn tay khéo léo của Bác Sỹ Thẩm Mỹ hồi hưu Phạm Văn Hải ở quận Cam đã vẽ các biếm họa rồi tự tay khắc ra các bản gỗ đưa lên máy in làm cho bọn Kempetai Phù Tang nổi trận lôi đình. Kết quả là tôi đã phải cùng hai bạn Nguyễn Xuân Sanh và Lê Khánh Cận tức tốc đạp xe vào làng Quỳnh Lôi ẩn tránh trong chuồng lợn sau vườn nhà thầy Hoàng Xuân Hãn!

Tại trường Khải Định tôi đã hân hạnh học cùng lớp với bạn Luật Sư Phạm Qụy đã ba năm liên tiếp chiếm giải quán quân toàn thể nước Pháp và các thuộc địa trong cuộc thi văn chương Pháp ngữ. Tôi cũng thấy hãnh diện sát cánh với bẩy Tướng lãnh trong chiến tranh chống Pháp như Đại Tá Phan Hạo người Quy Nhơn, Tướng Thế Lâm tức Nguyễn Kèn người Phan Thiết, tướng quân báo Cao Pha tức Nguyễn Thế Lương người Huế, Đại Tá Đặng Văn Việt người Nghệ An, biệt danh con hùm-xám-quốc-lộ-4 đã đánh tan sư đoàn Pháp Charton. Ở Đại Học Khoa Học Hà Nội tôi được quen thân với nhà toán học và cờ tướng cự phách Lê Thiệu Huy học trường Bưởi là con cụ cử Lê Thước ở Thanh Hóa mà chắc chúng ta còn nhớ tên trên các sách giáo khoa ký tên Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi. Anh Huy đã tử nạn trên sông Mékong khi dùng người che chở Hoàng Thân Soupanovong khi băng sông lúc Pháp săn đuổi. Cũng ở Hà Nội tôi đã quen với anh Phạm Xuân Chiểu học y khoa và về sau trở thành Trung Tướng Chiểu trong hội đồng tướng lãnh. Tướng Chiểu đã từ chối lời đề nghị đứng lập chính phủ để con ngựa-non-háu-đá vỗ ngực đứng lên đưa đến sự sụp đổ của miền Nam Tự Do chỉ vì các cấp chỉ huy tối cao quốc gia lo dành dật quyền hành khiến cho bọn cộng sản tha hồ thao túng.


Trần Đỗ Cung, Xuân 2012

Top of Form




tải về 1.62 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương