Cơ sở cho sự hình thành văn minh phương Đông


Văn minh phương Đông hướng nội và khép kín



tải về 72.05 Kb.
trang6/16
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2024
Kích72.05 Kb.
#57626
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16
Các vấn đề của văn minh phương Đông

4. Văn minh phương Đông hướng nội và khép kín
Cuộc sống nông nghiệp luôn luôn cần một sự ổn định. Người dân thường rất sợ những điều xảy ra bất thường. Lối sống hài hoà với tự nhiên, tình cảm với mọi người, suy cho cùng, cũng là nhằm đạt tới sự ổn định. Từ đây xuất hiện phương thức sống hướng nội và khép kín.
Sống trong các công xã nông thôn cô lập, tách biệt, xét ở một góc độ nào đó, tính tự trị đồng nghĩa với hướng nội và khép kín. Trong xã hội phong kiến, mô hình làng xã “kín cổng cao tường” cùng với những thiết chế xã hội ngặt nghèo của nó càng làm cho “tầm nhìn” của cư dân nông nghiệp không vượt khỏi “lũy tre làng”.
Nền nông nghiệp tự cấp tự túc chỉ tạo ra được những sản phẩm vừa đủ để lưu thông trong phạm vi “chợ làng”, không trở thành hàng hoá thương nghiệp của nền kinh tế thị trường kiểu phương Tây. Đó cũng là hướng nội, khép kín.
Lối sống hướng nội và khép kín không thể tạo ra sự phát triển đột biến. Có lẽ đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm cho chế độ phong kiến phương Đông kéo dài sự trì trệ nhiều thế kỉ.
Trái với phương Đông, phương Tây hướng ngoại và cởi mở. Điều này cũng dễ hiểu. Ở đó nền kinh tế thương mại và du mục buộc người ta phải năng động, phải đi tìm thị trường ở bên ngoài và mở rộng quan hệ.
Vấn đề thứ 5
Lịch sử hình thành các nền văn minh phương Đông
1. Phương Đông là nơi có điều kiện tự nhiên phong phú và đa dạng. Vì vậy, ngay từ khi có xã hội loài người, nơi đây đã từng là khu vực sinh tồn của bầy người nguyên thuỷ. Rồi theo sự phát triển của lịch sử, ở phương Đông dần dần xuất hiện công xã thị tộc, bộ lạc và sau đó là các nhà nước.
Ngày nay các nhà khoa học đã khẳng định một cách chắc chắn rằng phương Đông là nơi xuất hiện những nhà nước chiếm hữu nô lệ tối cổ. Các nhà nước ấy chính là các nền văn minh. Người ta thường nói đến bốn nền văn minh Phương Đông: Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ và Trung Quốc. Và có một nét đặc biệt là những nhà nước gắn liền với các nền văn minh phương Đông thường xuất hiện trên lưu vực những dòng sông lớn từ bờ biển phía đông Địa Trung Hải đến bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương: Lưu vực sông Nin ở Ai Cập; lưu vực Lưỡng Hà tạo bởi sông Tigrơ (Tigre) và Ơphơrat (Euphrate) cùng chảy ra vịnh Persi; lưu vực đồng bằng Bắc Ấn Độ tạo bởi sông Ấn (Hindus) và sông Hằng (Gangga); và lưu vực hai con sông lớn Hoàng Hà và Dương Tử (Trường Giang) tạo ra vùng đồng bằng Hoa Bắc và Hoa Trung màu mỡ. Phân lập các lưu vực rộng lớn nói trên là những hệ thống núi non trùng điệp và những sa mạc mênh mông: sa mạc Arập ở đông Ai Cập, dãy núi Zagrôt ở phía đông Lưỡng Hà, dãy Himalaya và cao nguyên Pamir ở bắc và đông bắc Ấn Độ, rồi vùng sa mạc Nội Mông, Ngoại Mông ở Bắc và Tây Bắc Trung Hoa. Địa thế hiểm trở cùng với những phương tiện giao thông hết sức hạn chế thời đó đã làm cho các nền văn minh cổ đại phương Đông xuất hiện và phát triển một cách tương đối độc lập, vì vậy mỗi nền văn minh có tính chất độc đáo riêng và mang dấu ấn dân tộc đậm đà.
Nói chung, các lưu vực sông ở phương Đông nói trên đều tạo thành những đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu, rất phù hợp với sự phát triển của nông nghiệp. Ở đây, điều kiện tự nhiên thuận lợi: thuỷ lượng cao, khí hậu ấm áp, đất đai màu mỡ, dễ canh tác. Chính vì vậy cư dân các khu vực nói trên đã sớm gắn bó với việc sản xuất nông nghiệp, nhất là nghề trồng lúa nước. Bên cạnh trồng trọt, các gia đình còn chăn nuôi gia súc và gia cầm, một số làm các nghề thủ công như sản xuất nông cụ, dệt vải, làm đồ gốm, v.v. Tuy nhiên nghề thủ công phương Đông chỉ có tính chất bổ trợ cho nền kinh tế khép kín của làng xã, không phát triển thành kinh tế hàng hoá thị trường. Như vậy là kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo của các quốc gia phương Đông.
2. Phương Đông bước vào xã hội chiếm hữu nô lệ – xã hội có giai cấp đầu tiên trong lịch sử phát triển của nhân loại – tương đối sớm. Điều này cũng dễ hiểu. Như trên đã nói, nông nghiệp ở phương Đông ra đời sớm và giữ vai trò chủ đạo. Khi nông nghiệp phát triển thì tổ chức xã hội cũng phát triển, dẫn đến việc xã hội sớm phân hoá thành giai cấp và hệ quả là nhà nước sớm ra đời. Thời gian xuất hiện nhà nước phương Đông cổ đại sớm nhất (dưới hình thức nhà nước chiếm hữu nô lệ) là vào khoảng thế kỉ thứ IV TCN. Dĩ nhiên các nhà nước chiếm hữu nô lệ không ra đời cùng một lúc và cũng không chấm dứt cùng một lúc. Ra đời sớm nhất là nhà nước chiếm hữu nô lệ ở Ai Cập và Lưỡng Hà (thế kỉ thứ IV TCN), sau đó mới đến các nhà nước ở khu vực sông Ấn, sông Hằng và Hoàng Hà, Dương Tử (thế kỉ thứ III TCN). Về sự “lụi tàn” của các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông cũng tương tự. Nếu như đế quốc Ba Tư ở vùng Trung Cận Đông sụp đổ ngay từ thế kỉ thứ IV TCN thì nhà nước cổ đại Ấn Độ còn kéo dài mãi đến tận những thế kỉ đầu công nguyên.
Các nhà nước cổ đại phương Đông không chỉ có những đặc trưng chung của một xã hội chiếm hữu nô lệ mà còn có những đặc điểm riêng mang màu sắc phương Đông, như sau.
- Do các quốc gia cổ đại phương Đông ra đời ở thời kì mà sức sản xuất xã hội đang còn ở trình độ thấp kém, tức là ở giai đoạn cuối của thời đại đồ đá mới, nên xã hội chiếm hữu nô lệ không thể phát triển nhanh chóng, khiến các quốc gia đó, nói chung, không trở thành những xã hội chiếm hữu nô lệ phát triển thành thục và điển hình.
- Sự tồn tại dai dẳng và ngoan cố của các tổ chức công xã nông thôn, tàn tích của xã hội thị tộc thời nguyên thuỷ, và sự phát triển rất yếu ớt của chế độ tư hữu về ruộng đất trong các xã hội cổ đại phương Đông.
- Sự bảo tồn lâu dài của chế độ nô lệ gia trưởng và của các hình thức áp bức, bóc lột kiểu gia trưởng, việc sử dụng lao động của nô lệ chưa được phổ cập trong các ngành sản xuất xã hội và vai trò của nô lệ trong sản xuất kinh tế chưa chiếm vị trí chủ đạo. Nô lệ phương Đông không phải là lực lượng chính làm ra của cải vật chất. Tuyệt đại đa số nô lệ được sử dụng để hầu hạ, phục dịch trong các gia đình quan lại, chủ nô quyền quý. Điều này cũng dễ hiểu bởi ở các quốc gia nông nghiệp phương Đông, nhà nước bóc lột nông dân là chính, bằng chế độ lao dịch, thuế khoá.
- Sự xuất hiện và phát triển mạnh của một hình thức tổ chức nhà nước đặc biệt - nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền – gọi là chủ nghĩa chuyên chế phương Đông. Các quốc gia phương Đông sở dĩ thiết lập được thiết chế chính trị này bởi vua các nước đó nắm được quyền sở hữu tối cao về ruộng đất và về thần dân trong cả nước. Có thể nói khắp dưới gầm trời không đâu không phải đất nhà vua, khắp dưới mặt đất không đâu không phải thần dân của nhà vua. Do nắm được tư liệu sản xuất là toàn bộ ruộng đất nên các nhà vua đã dùng nó để ràng buộc các thần dân và nắm trọn quyền chính trị. Một lí do nữa về sự tồn tại của nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền là yêu cầu của việc trị thuỷ, đắp đê phòng lụt, bảo vệ mùa màng. Nhu cầu này đòi hỏi phải tập trung quyền lực vào trung ương để có thể huy động được sức người sức của, nhân tài vật lực. Ngoài ra các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông còn phải tiến hành các cuộc chiến tranh để mở rộng bờ cõi hoặc bảo vệ lãnh thổ của mình, do đó cũng cần phải tập trung quyền lực vào tay trung ương để huy động lực lượng vật chất và tinh thần.
Tóm lại, với bộ máy bạo lực to lớn, với việc đề cao đến mức thần thánh hoá nhà vua, các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông đã phục vụ đắc lực cho giai cấp chủ nô, bảo vệ quyền lợi và tài sản của giai cấp thống trị, đàn áp những cuộc khởi nghĩa của nông dân, giữ vững địa vị thống trị của chủ nô. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông đã làm nòng cốt cho nhân dân xây dựng, phát triển được những nền văn hoá đa dạng, độc đáo, với nhiều thành tựu rực rỡ về chữ viết, văn học nghệ thuật, khoa học tự nhiên, triết học, v.v. và hàng loạt những công trình văn hoá vật chất đồ sộ vẫn sống mãi với thời gian. Những thành tựu văn hoá rực rỡ ấy đã làm cho các quốc gia cổ đại phương Đông trở thành những trung tâm của các nền văn minh thế giới cổ đại.
3. Vào những năm cuối cùng TCN hoặc những năm đầu công nguyên, nhìn chung các quốc gia phương Đông đều kết thúc chế độ nô lệ và lần lượt chuyển sang xã hội phong kiến.
Vào thời kì trung đại, nền kinh tế chủ yếu của các nhà nước phong kiến phương Đông vẫn là nền kinh tế nông nghiệp, tự cung tự cấp. Trong xã hội phong kiến, giai cấp phong kiến quý tộc và sau này thêm tầng lớp địa chủ, là giai cấp nắm tư liệu sản xuất, nắm ruộng đất nên là giai cấp thống trị. Giai cấp bị trị là nông dân. Ở phương Đông, khi kinh tế phong kiến là điền trang thái ấp thì nông dân chịu thân phận nông nô còn khi kinh tế phong kiến chuyển sang hình thức địa chủ thì nông dân trở thành tá điền.
Trong các nhà nước phong kiến phương Đông, nhà nước phong kiến Trung Hoa là một điển hình. Đặc trưng của kiểu nhà nước này là có một chính thể quân chủ chuyên chế tập quyền cao độ, hoàn hảo. Dưới chế độ phong kiến, vua là người nắm trong tay toàn bộ quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Vua được mệnh danh là Thiên tử. Và bộ máy nhà nước do vua đứng đầu có một uy quyền vô cùng to lớn.
Trong lịch sử, chế độ phong kiến phương Đông tồn tại dai dẳng: khoảng 20 thế kỉ (tính từ đầu công nguyên đến những năm đầu của thế kỉ XX). Thời điểm bắt đầu suy thoái của của các nhà nước phong kiến phương Đông có thể tính từ thế kỉ XVI-XVII trở đi. Vào thời điểm đó, giai cấp phong kiến phương Đông trở nên phản động, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Các nhà nước phong kiến phương Đông vẫn duy trì tình trạng kinh tế tự cung tự cấp, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, bóp chết những mầm mống của nền kinh tế hàng hoá và những quan hệ sản xuất mới - quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Hơn nữa các nhà nước còn thi hành chính sách bế quan toả cảng, đóng cửa, không giao lưu với thế giới bên ngoài. Trong khi đó thì cũng đúng vào thời điểm ấy, các nước phương Tây tiến hành cách mạng tư sản, xác lập chủ nghĩa tư bản và tiến hành xâm lược các nước nhằm mở rộng thị trường mà đối tượng được chúng “để mắt đến” chính là các quốc gia phương Đông. Khi cuộc chiến tranh xâm lược của phương Tây nổ ra, giai cấp phong kiến phương Đông nói chung đều nhân nhượng, thoả hiệp và đầu hàng. Do vậy từ thế kỉ XVI đến XIX, trừ Nhật Bản, tất cả các nước phương Đông đều bị biến thành nước nửa thuộc địa hoặc thuộc địa của các nước tư bản phương Tây.
Nhìn chung, trong chế độ phong kiến, các nền văn minh phương Đông vẫn toả sáng. Những “chiếc nôi” văn hoá cổ đại phương Đông vẫn có sức lan toả mạnh mẽ ra các khu vực xung quanh: Nhiều yếu tố văn minh Ấn Độ được truyền bá sang Đông Nam Á, Tây Tạng, Bắc Á, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới; văn minh Trung Quốc, đặc biệt là Nho giáo, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nhật Bản, Korea, Việt Nam và các nước khác; Văn hoá Ai Cập-Lưỡng Hà mặc dù tồn tại không lâu song những thành tựu của nó không chỉ có ảnh hưởng trong khu vực mà còn toả sáng ra các khu vực khác của thế giới, v.v. Cùng với sự lan toả của các nền văn hoá cổ đại là sự xuất hiện của các nền văn hoá mới như Arập, Nhật Bản, Korea, v.v. Bức tranh văn minh phương Đông, do vậy càng phong phú, đa dạng, nhiều sắc vẻ. Thêm nữa, vừa đấu tranh chống lại sự đô hộ của chủ nghĩa tư bản phương Tây, các dân tộc phương Đông vừa tiếp thu những yếu tố văn minh mới, tiến bộ từ phương Tây để làm giàu cho văn minh của dân tộc mình. Văn minh phương Đông từ đây càng ngày càng phát triển đa dạng và phong phu.

tải về 72.05 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương