Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II


- Nhà thờ chính tòa Wawel



tải về 0.91 Mb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu26.11.2017
Kích0.91 Mb.
#34593
1   2   3   4   5   6   7

4.- Nhà thờ chính tòa Wawel 

 

Từ thuở thiếu thời, tôi cảm nghiệm một sự gắn bó thật đặc biệt đối với nhà thờ chính tòa Wawel. Tôi không nhớ rõ tôi đã đi tới đó lúc nào, nhưng kể từ khi tôi bắt đầu lui tới, tôi cảm thấy nhà thờ chính tòa đó đã hấp dẫn và liên kết tôi một cách lạ thường. Một cách nào đó, nhà thờ chính tòa Wawel đã chứa đựng tất cả lịch sử quốc gia Ba-lan.



 

Tôi đã trải qua một thời kỳ bi thảm khi quân đội Đức Quốc Xã đặt để bản doanh vị toàn quyền của họ trong lâu đài Wawel và họ đã kéo cờ chữ vạn lên trên đỉnh đồi. Điều đó đối với tôi là một kinh nghiệm vô cùng đớn đau. Nhưng cuối cùng đã đến ngày lá cờ chữ vạn biến mất và những biểu hiệu của đất nước Ba-lan đã được treo lên trở lại.

 

Nhà thờ chính tòa hiện nay đã có từ thời đại đế Casimir III. (Đại đế Casimir III trị vì từ 1333-1370). Trước mắt tôi hiện đang lần lượt diễn ra những phần khác nhau của ngôi thánh đường đó với những tòa nhà tương ứng. Chỉ cần đi qua gian giữa và những gian bên hông để khám phá những xác ướp của các vì vua Ba-lan.



 

Và nếu người ta bước xuống những hầm mộ các thi sĩ, người ta sẽ gặp những mộ phần của Mickiewicz Adam, Slowacki Juliusz và sau cùng Norwid Cyprian Kamil. (Mickiewicz Adam là thi sĩ Ba-lan nổi tiếng nhất, đã phục hoạt xã hội kín của giới trí thức nhằm quảng bá lý tưởng ái quốc để chống lại sự đàn áp của Nga hoàng. Còn Slowacki Juliusz – thi sĩ kiêm soạn kịch gia – là một trong những thi sĩ lãng mạn nổi tiếng của Ba-lan cùng với Mickiewicz Norwid).

 

Như tôi đã nhắc tới trong sách “Ơn Gọi Của Tôi: Tặng Phẩm và Huyền Nhiệm”, tôi ước mong cử hành Thánh Lễ đầu tiên của tôi ở Wawel, trong hầm mộ Thánh Léonard ở dưới nhà thờ chính toà và đã được như thế. Hẵn nhiên điều ao ước đó đến từ tình yêu sâu lắng mà tôi đã cảm nghiệm đối với tất cả những gì mang một dấu ấn quê hương tôi. Nơi đó rất thân thương đối với tôi vì mỗi một viên đá nhắc nhở tới đất nước Ba-lan, tới sự vĩ đại của Ba-lan.



 

Tất cả cấu trúc của ngọn đồi Wawel rất thân thương đối với tôi: nhà thờ chính tòa, đền đài và cung điện. Gần đây khi tôi trở lại Cracovie, tôi cũng đã đến nhà thờ chính tòa Wawel và ở đó tôi đã cầu nguyện trên mộ phần Thánh Stanislas. Tôi không thể đánh mất một dịp thăm viếng nhà thờ chính tòa đó đã đón tiếp tôi trong hai mươi năm trước đây.

 

Nơi tôi quí mến nhất ở trong nhà thờ chính tòa Wawel là hầm mộ Thánh Léonard. Đó là phần cổ kính của nhà thờ chính tòa lùi lại thời vua Boleslas III. (Vua Boleslas III Krzywousty [1102-1138] là nhà vua đã thống nhất Ba-lan nhưng lại thiết lập “viện trưởng lão” cho phép phân chia vương quốc giữa các hoàng tử: điều nầy trong thực tế đã đưa đến việc chia cắt đất nước).



 

Chính hầm mộ chứng tỏ những thời kỳ cổ xưa hơn nữa, bởi vì nhắc nhở lại những vị giám mục đầu tiên vào lúc khởi đầu thế kỷ mười một – thời kỳ bắt đầu phả hệ giám mục Cracovie. Những vị giám mục đầu tiên mang những tên hơi huyền bí: ProkopProkulf, hình như có nguốn gốc Hy-lạp.

 

Rồi dần dần xuất hiện rất thông thường những tên thuộc dân tộc “Slave” như Stanislas Szczepanów đã trở thành giám mục Cracovie năm 1072. Vào năm 1079, ngài bị ám sát bởi những người do vua Boleslas II sai tới khi ngài đang dâng Thánh lễ. Về sau, vua nầy phải trốn khỏi nước và có lẽ đã chấm dứt những ngày còn lại ở Osjak, như để sám hối. Ngài được phong thánh năm 1253 và là một trong những vị thánh bổn mạng Ba-lan.



 

Khi tôi trở thành tổng giám mục Cracovie, và từ Roma trở về Cracovie, tôi đã dâng Thánh Lễ ở Osjak. Và chính nơi đó tôi cảm thấy gợi lại một cách thi vị biến cố xảy ra biết bao thế kỷ rồi về bài thơ nhan đề Stanislas.

 

Thánh Stanislas là “Người Cha của Tổ Quốc”. Chúa nhật tiếp theo sau ngày 8 tháng 5, người ta đi kiệu trọng thể từ Wawel đến Skalka. Dọc theo lộ trình, những người tham dự hát những bài hát được xen kẻ bởi điệp khúc: “Lạy Thánh Stanislas, thánh bổn mạng chúng tôi, cầu cho chúng tôi!” Cuộc rước kiệu từ trên đồi Wawel đi xuống, băng qua các con đường Stradon và Krakowska, tiếp tục về hướng Skalka mà ở đó thường có một vị giám mục được mời tới dâng Thánh Lễ.



 

Sau Thánh Lễ, đoàn rước kiệu trở lại cũng những con đường đó cho đến nhà thờ chính tòa và những thánh tích của Thánh Stanislas được rước đi trong hòm thánh tích lộng lẫy được đem đặt trên bàn thờ.

 

Dân chúng Ba-lan tin chắc sự thánh thiện của vị giám mục đó và họ đã nhiệt thành ra sức xin phong thánh cho Ngài và kết quả đã xảy ra ở Assise vào thế kỷ mười ba. Ở trong thành phố Ombrie, người ta đã cất giữ cho tới ngày nay những bức tranh về Thánh Stanislas.



 

Trong nhà thờ chính tòa Wawel, bên cạnh Tòa Giải Tội của Thánh Stanislas  ngôi mộ Thánh nữ hoàng Hedwige cũng tạo nên một kho tàng vô giá. Những thánh tích của nữ thánh được đặt dưới cây thánh giá nổi tiếng của Wawel vào năm 1987, nhân chuyến tông du thứ ba của tôi trên đất nước tôi.

 

Ở dưới chân thánh giá đó, Hedwige lúc lên mười hai tuổi, đã quyết định kết hôn với hoàng tử nước Lituanie là Ladislas Jagellon. Quyết định đó vào năm 1386 đã đưa nước Lituanie vào trong đại gia đình những nước Kitô giáo.



 

Tôi nhớ lại ngày 8-6-1997 với nhiều xúc động khi ở Blonia Cracovie, trong lễ phong thánh cho vị nữ hoàng, tôi đã bắt đầu bài giảng bằng những lời nầy: “Hởi Hedwige, bà đã chờ đợi ngày trọng đại nầy rất lâu…gần sáu trăm năm sau.” Nhiều hoàn cảnh khác nhau khó nói ra hết được lúc bây giờ, đã góp phần vào việc trễ tràng nầy.

 

Đã từ lâu, tôi ấp ủ niềm ao ước là “Người Đàn Bà ở Wawel” có thể mang tước hiệu nữ thánh theo ý nghĩa của giáo luật một cách chính thức và ngày đó đã được thể hiện. Tôi cảm tạ Chúa. Sau bao thế kỷ chờ đợi, Chúa đã chấp thuận cho tôi thực hiện niềm khát vọng đó rất thân tình trong con tim của nhiều thế hệ dân nước Ba-lan.



 

Tất cả những kỷ niệm đó được nối kết một cách nào đó nhân ngày lễ tấn phong giám mục của tôi. Theo một nghĩa nào đó, lễ tấn phong nầy đã trở thành một biến cố lịch sử, bởi vì lễ tấn phong giám mục trước đây đã diễn ra khá lâu, vào năm 1926. Lúc bấy giờ vị tiến chức là Đức Cha Stanislaw Rospind. Và bây giờ chính là tôi.

 

 

5.- Ngày lễ tấn phong: trung tâm điểm Giáo Hội



 

Bấy giờ đã đến ngày 28 tháng 9 – ngày lễ kính nhớ Thánh Venceslas. Lễ tấn phong giám mục của tôi được ấn định vào ngày đó. Biến cố trọng đại nầy luôn diễn ra trước mắt tôi. Có thể nói được vào thời kỳ đó phụng vụ phong phú hơn bây giờ.

 

Tôi nhớ lại mỗi một người đã dự phần vào đó. Theo tập quán, người ta hiến dâng những tặng phẩm tượng trưng cho Đức Giám Mục chủ phong. Một thùng rượu nhỏ và một mẩu bánh mì là những của lễ trong những thứ khác được vài bạn hữu của tôi mang lên.



 

Trước hết là Zbyszek Silkowski, bạn học lúc còn ở bậc trung học và Jurek Ciesielski ngày nay là Tôi Tớ Chúa. Thứ đến là Marian Wójtowicz Zdzislaw Heydel. Hình như còn có Stanislaw Rybicki nữa. Chắc chắn cha Kzimierz Figlewicz là linh hoạt nhất. Ngày đó mây mù, nhưng cuối cùng mặt trời cũng đã xuất hiện. Như một điềm lành, một tia sáng mặt trời đã giọi xuống trên vị tiến chức đáng thương là tôi.

 

Sau khi đọc Phúc Âm, ca đoàn xướng lên bài hát:



Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến

Thăm viếng những tâm hồn Ngài;

Làm đầy ân sủng từ trời cao

Trên những con tim Ngài đã tạo dựng…

 

Tôi đã lắng nghe bài thánh ca đó và một lần nữa – cũng như khi tôi được phong chức linh mục – một sự trong sáng còn lớn hơn nữa đã làm sống dậy nơi tôi ý thức rằng tác nhân của lễ tấn phong trong thực tế là Thánh Thần Chúa.



 

Đối với tôi, đó là một niềm an ủi khi đứng trước mọi nỗi sợ hãi của con người phải nhận lãnh một trọng trách nặng nề như thế: Thánh Thần Chúa sẽ soi sáng tôi, ban sức mạnh cho tôi, an ủi tôi, dạy dỗ tôi…Phải chăng đó không phải là lời hứa Chúa Kitô đã cam kết với các tông đồ sao?

 

Trong nghi thức phụng vụ, những hành động khác nhau mang tính cách tượng trưng đã nối tiếp, mỗi hành động có ý nghĩa riêng. Đức Giám Mục chủ phong đặt những câu hỏi liên hệ đến đức tin và đời sống.



 

Câu hỏi cuối cùng như sau:

Đức Cha có muốn kêu xin Chúa toàn năng không ngừng nghỉ cho dân thánh Chúa và thi hành một cách không thể chê trách chức vụ đại tư tế và mục tử không?”

 

Để trả lời câu hỏi đó, vị tiến chức thưa:



Dạ, con muốn, với ơn Chúa.

 

Lúc bấy giờ Đức Giám Mục chủ tế kết thúc như sau:



Xin chính Thiên Chúa hoàn tất nơi Đức Cha những gì Ngài đã bắt đầu!

 

Lại một lần nữa ý tưởng nầy xảy đến trong trí óc tôi, mang lại một sự tín thác bình tâm trọn vẹn: giờ đây Chúa bắt đầu nơi bạn công việc của Ngài; bạn đừng sợ hãi, hãy ký thác đường đời của bạn cho Chúa; chính Ngài sẽ hành động và sẽ hoàn tất những gì Ngài đã thực hiện (xem Tv 36 [37], 5).



 

Trong hết mọi cấp bậc tấn phong (phó tế, linh mục, giám mục), vị tiến chức nằm phủ phục trên mặt đất. Đó là dấu hiệu tận hiến chính mình cho Chúa Kitô, cho Đấng – để hoàn thành sứ vụ tư tế – “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự.” (Phi-líp 2, 7-8)

 

Một cử chỉ như thế tái diễn mỗi thứ sáu tuần thánh khi linh mục chủ tọa cộng đoàn phụng vụ, cũng nằm xuống trong thinh lặng. Trong tam nhật phục sinh, không cử hành Thánh lễ vào ngày đó: Giáo Hội trầm tĩnh để suy tư sự Thương Khó của Chúa Kitô, bắt đầu từ cơn hấp hối của Ngài ở vườn Giết-sê-ma-ni, khi chính Ngài sụp mình xuống đất cầu nguyện. Trong tâm hồn vị chủ tế luôn vang động mạnh mẽ tiếng đồng vọng của lời Ngài cầu xin: “Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” (Mt 26, 38).



 

Tôi nhớ lại thời điểm đó, khi tôi nằm xuống đất và dân chúng hát kinh cầu các Thánh, Đức Giám Mục chủ tế đã mời gọi cộng đồng:

Đối với người đã được tuyển chọn, cùng với tất cả các Thánh ở trên trởi, chúng ta hãy cầu xin Chúa là Chúa chúng ta: trong lòng từ nhân của Ngài và vì lợi ích của Giáo Hội, xin Chúa ban cho vị tiến chức ân sủng dồi dào.”

 

Rồi thì kinh cầu các Thánh bắt đầu:



Xin Chúa thương xót chúng con,

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con…

Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa,

Thánh Mi-ca-e,

Các thánh thiên thần của Chúa…,

Cầu cho chúng con!

 

Tôi sùng kính thiên thần bản mệnh một cách đặc biệt. Từ thuở thiếu thời, có lẽ cũng như những đứa trẻ khác, tôi đã kêu cầu vô số lần: “Lạy thiên thần của Chúa, ngài là người canh giữ tôi, xin soi sáng cho tôi, giữ gìn tôi, hướng dẫn tôi và cai quản tôi…” Thiên thần bản mệnh của tôi biết tôi đang làm gì. Sự tín thác của tôi nơi Ngài, trước sự hiện diện che chở của Ngài, không ngừng lắng sâu ở trong tôi.



 

Thánh thiên thần Mi-ca-e, Gabriel, Raphael là những tổng lãnh thiên thần mà tôi năng kêu cầu trong lời kinh nguyện. Tôi cũng nhớ lại bài chuyên luận tuyệt đẹp của Thánh Tô-ma về các thiên thần, những thần tinh khiết.

 

Thánh Gioan Bao-ti-xi-ta,

Thánh Giu-se,

Thánh Phê-rô và Phao-lồ,

Thánh An-rê,

Thánh Charles…,

Cầu cho chúng tôi!

 

Như người ta đã biết, tôi được phong chức linh mục vào ngày lễ trọng thể kính Các Thánh Nam Nữ. Đối với tôi, ngày đó luôn luôn là một đại lễ. Nhờ lòng từ nhân của Chúa, tôi được dâng lễ kỷ niệm chịu chức linh mục của tôi vào ngày mà toàn thể Giáo Hội kính nhớ cộng đồng các Thánh ở trên trời.



 

Từ trên trời cao, các Thánh cầu bàu nguyện giúp để cộng đoàn giáo sĩ lớn lên trong sự hiệp thông dưới tác động của Thánh Thần Chúa thúc đẩy việc thực hành đức bác ái: “Cũng như sự hiệp thông giữa Kitô hữu trên hành trình dương thế dẫn đưa chúng ta tới gần Chúa Kitô hơn, cũng thế sự hiệp thông với các Thánh ở trên trời kết hợp chúng ta với Chúa Kitô, để từ đó tuôn tràn, như từ Nguồn Suối và từ Đầu, hết mọi ân sủng và sự sống của chính Dân Chúa.” (Ánh Sáng Muôn Dân, 50).

 

Sau khi kinh cầu các Thánh chấm dứt, vị tiến chức đứng dậy và tiến lại gần vị chủ phong để vị nầy đặt tay lên đầu. Theo Truyền Thống lùi lại từ thời các thánh tông đồ, cử chỉ chủ yếu đó mang ý nghĩa sự truyền đạt Thánh Thần Chúa. Ngay sau đó, hai vị giám mục đồng tấn phong cũng đặt tay trên đầu vị được tấn phong. Rồi vị giám mục chủ phong cùng với hai vị giám mục đồng tấn phong đọc lời nguyện phong chức. Và như thế đã kết thúc cao điểm của buổi lễ tấn phong giám mục.



 

Cần nhắc lại ở đây những ngôn từ của Hiến Chế Công Đồng ‘Ánh Sáng Muôn Dân’: “Để chu toàn những trọng trách lớn lao đó, các tông đồ đã được tràn đầy những ơn đặc biệt do Chúa Thánh Thần đổ tràn xuống trên họ (xem Cv 1, 8; 2, 4; Gio 20, 22-23) và chính họ đã trao lại ơn tặng của Chúa Thánh Linh cho những cộng sự viên của họ, qua việc đặt tay lên đầu (xem 1Tm 4, 14; 2Tm 1, 6-7).

 

Ơn tặng của Chúa Thánh Linh được trao ban cho chúng ta qua việc tấn phong giám mục…Rõ ràng Thánh Truyền, nhất là được diễn tả trong những nghi thức phụng vụ và trong việc Giáo Hội – Đông cũng như Tây – qua sự đặt tay và những lời lẽ tấn phong, ơn Chúa Thánh Thần được ban xuống và tính cách linh thánh được in sâu, cho đến đỗi các giám mục, bằng một cách cao siêu và rõ rệt, đóng vai trò của chính Chúa Kitô là Thầy, là Mục Tử và Thượng Tế, đã hành động trong chính cá nhân Ngài.” (số 21)

 

 



6.- Những Giám Mục tấn phong

 

Tôi không thể không nêu lên ở đây cá nhân vị chủ phong chính là Đức Tổng Giám Mục Eugeniusz Baziak. Tôi đã nhắc đến tiểu sử phức tạp về đời sống và thừa tác vụ giám mục của ngài. Nguồn gốc của ngài trong tư cách giám mục đã có một tầm vóc quan trọng đối với tôi, bởi vì ngài là mắt xích nối kết trong sự kế thừa các tông đồ.



 

Ngài được tấn phong bởi Đức Tổng Giám Mục Boleslaw Twardowski. Trước kia vị nầy đã được tấn phong bởi Đức Giám Mục Jósef Bilczewski mà tôi rất vui mầng đã phong thánh thời gian gần đây tại Lvov, ở Ukraine. Đức Thánh Giám Mục Bilczewski thì được tấn phong bởi Đức Hồng Y Jan Puzyna, tổng giám mục Cracovie và hai vị giám mục đồng tấn phong cho ngài là chân phước Jósef Sebastian Pelczar, giám mục tại Przemysl, và tôi tớ Chúa là ngài Andrzej Szeptycki, tổng giám mục Công Giáo Hy-lạp.

 

Phải chăng tất cả những điều đó không đưa đường dẫn lối để tôi noi theo hay sao? Có thể nào tôi vượt ra ngoài truyền thống thánh thiện của những vị đại mục tử đó của Giáo Hội được sao?



 

Dịp lễ tấn phong của tôi, hai vị giám mục đồng tấn phong kia là Đức Cha Franciszek Jop ở Opole và Đức Cha Boleslaw Kominek ở Wroclaw. Tôi nhớ tới các ngài với một lòng kính trọng lớn lao và thâm sâu.

 

Trong thời gian Hồng Quân chiếm đóng, Đức Cha Franciszek Jop đã được Chúa Quan Phòng gởi tới cho Cracovie. Đức Cha Baziak bị biệt giam và Đức Cha Jop được chỉ định làm giám mục phó cho Cracovie. Nhờ ngài, Giáo Hội của thành phố đó đã sống còn mà không bị thiệt hại lớn lao nào trong thời gian đó.



 

Đức Cha Boleslaw Kominek cũng có những liên hệ với Cracovie. Trong thời gian Hồng Quân chiếm đóng, lúc bấy giờ ngài đã là giám mục Wroclaw, chính quyền Cộng Sản cấm ngài không được vào trong giáo phận của ngài. Bấy giờ ngài định cư ở Cracovie như một giám mục. Chỉ về sau đó ngài mới có thể tiếp nhận giáo phận Wroclaw của ngài theo đúng nghĩa giáo luật. Năm 1965, ngài được phong chức hồng y.

 

Cả hai ngài là những viên chức lớn lao của Giáo Hội, qua những thời kỳ khó khăn, đã nêu gương cá nhân cao cả và qua đó minh chứng lòng trung thành với Chúa Kitô và Phúc Âm Ngài. Làm sao tôi không thể xét xem sự “thăng tiến” can trường thiêng liêng đó?



 

 

7.- Những cử chỉ phụng vụ trong lễ tấn phong

 

Những cử chỉ phụng vụ đầy ý nghĩa khác của lễ tấn phong giám mục lại trở về trong ký ức tôi. Trước hết là việc đặt để quyển Thánh Kinh lên vai tiến chức, khi hát lời nguyện tấn phong. Ở đây, sự giao hòa giữa biểu tượng và lời nói thật hùng hồn.



 

Ấn tượng đầu tiên khiến người ta tưởng tới gánh nặng thuộc trách nhiệm của vị giám mục đối với Phúc Âm, tức tầm mức lời mời gọi của Chúa Kitô đưa đến việc rao giảng Tin Mừng cho tới tận cùng trái đất, bằng cách đem mạng sống mình ra minh chứng cho việc rao giảng.

 

Nhưng khi tiến sâu hơn vào trong ý nghĩa biểu tượng đó, người ta nhận thấy chính điều đang thực hiện, bắt nguồn từ Phúc Âm và đâm rễ sâu nơi Phúc Âm. Do đó vị được tấn phong giám mục có thể múc lấy sự an ủi và cảm hứng trong sự nhận thức như thế. Chính ở dưới ánh sáng Tin Mừng của sự Phục Sinh Chúa Kitô người ta mới hiểu được những lời kinh dưới đây một cách hiệu nghiệm:



 

Lạy Chúa xin đổ tràn trên người mà Chúa đã chọn, sức mạnh đến từ Chúa, xin Thánh Thần Chúa tác động và dẫn dắt, Thánh Thần mà Chúa đã ban cho Con yêu dấu của Chúa là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã ban chính mình Ngài cho các thánh tông đồ…”

(Sách Lễ Roma – Lời Nguyện Tấn Phong)

 

Trong phụng vụ tấn phong giám mục, việc kế tiếp là xức dầu thánh. Cử chỉ đó đã đâm rễ sâu trong những bí tích trước, khởi đầu là bí tích thánh tẩy và thêm sức. Khi phong chức linh mục, dầu được xức ở nơi tay; khi tấn phong giám mục, chính ở trên đầu. Cử chỉ đó còn nói lên sự thông truyền Thánh Thần Chúa đi vào bên trong, chiếm hữu con người được xức dầu và trở nên công cụ của Chúa Thánh Linh.



 

Việc xức dầu trên đầu đó mang ý nghĩa kêu mời vị tiến chức nhận lãnh những trách nhiệm mới: bởi vì ở trong Giáo Hội vị giám mục sẽ mang trọng trách điều khiển, điều đó ràng buộc ngài một cách trọn vẹn. Việc xức dầu bởi Chúa Thánh Thần đó cũng bắt nguồn từ việc xức dầu của Chúa Giêsu Kitô – Đấng Khâm Sai.

 

Danh từ Christos, Kitô”, được dịch ra tiếng Hy-lạp từ tiếng Do-thái Masiah, Đấng Khâm Sai”, có nghĩa là “được xức dầu”. Đối với dân Do-thái, được xức dầu nhân danh Chúa là những người được Chúa chọn lựa để thi hành một sứ vụ đặc biệt. Có thể đó là sứ vụ ngôn sứ, tư tế hay vương giả.



 

Nhưng danh xưng “khâm sai” trước tiên ám chỉ người phải đến để vĩnh viễn thiết lập nưóc Thiên Chúa trong đó những lời hứa về sự cứu rỗi phải được thực hiện. Chính Đấng đó phải “được xức dầu” bởi Thánh Thần Chúa như ngôn sứ, tư tế và vương giả.

 

Cụm từ “Đức Kitô được xức dầu” đã trở nên danh xưng đặc biệt của Chúa Giêsu, bởi vì ở nơi Ngài đã thực hiện một cách trọn vẹn sứ vụ linh thánh được diễn tả bởi từ ngữ đó. Phúc Âm không nói Chúa Giêsu được xức dầu bên ngoài bao giờ, như trong Cựu Ước, David hay Aaron đã được xức dầu và dầu thơm chảy xuống trên bộ râu của họ (Xem TV 132 [133], 2).



 

Khi người ta nói tới việc “xức dầu”, người ta muốn ám chỉ việc xức dầu trực tiếp của Chúa Thánh Thần ở trong tâm trí mà biểu hiệu và chứng từ là sự thực thi trọn vẹn bởi Chúa Giêsu về sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài.

 

Đó là điều mà Thánh Giám Mục Irénée đã diễn tả rất đúng: “Danh xưng Kitô hàm ý Đấng xức dầu: Đấng đó đã được xức dầu và dầu thánh mà Đấng đó đã được xức. Đấng xức dầu chính Chúa Cha; Đấng đã được xức dầu, chính Chúa Con; và được xức dầu trong Thánh Linh, chính là dầu thánh.” (Xem Contre les heresies, III, 18, 3: Sources chrétiennnes, Paris 1984, p. 362).



 

Khi Chúa Giêsu sinh ra, các thiên thần loan báo cho mục đồng: “Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em, trong thành vua Đavid. Ngài là Đấng Kitô Đức Chúa.” (Lc 2, 11). Đức Kitô, chính là Đấng Được Xức Dầu.

 

Với Ngài cũng nảy sinh việc xức dầu phổ cập, thuộc về Đấng Cứu Thế và có tính cách cứu rỗi mà hết thảy những ai nhận lãnh bí tích thánh tẩy đều được dự phần, cũng như việc xức dầu đặc biệt mà chính Ngài – Đức Kitô – đã muốn các giám mục và linh mục dự phần: họ là những người được tuyển chọn với trách vụ tông đồ đối với Giáo Hội của Ngài.



 

Dầu thánh, biểu hiệu quyền năng của Thánh Thần Chúa đã đổ xuống trên đầu chúng ta, đã ghi khắc chúng ta vào công trình của Chúa Cứu Thế cho phần rỗi. Cũng một trật, việc xức dầu đó mà chúng ta đã nhận lãnh một cách đặc biệt xét về phương diện phẩm chất, ba chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương giả.

 

 

8.- Dầu Thánh



 

Tôi cảm tạ Chúa về “dầu thánh” tôi đã nhận lãnh lần đầu tiên ở trong thành phố tôi sinh trưởng là Wadowice. (Wadowice ở cách Cracovie 50 cây số). Điều đó đã xảy ra vào ngày tôi nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy. Với việc thánh tẩy đó, tất cả chúng ta trở nên công chính hóa nhờ Chúa Kitô và được ghép vào Ngài. Chúng ta cũng lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần lần đầu tiên.

 

Chính việc xức dầu thánh là biểu hiệu sự tuôn tràn Thánh Linh mang lại cho chúng ta đời sống mới trong Chúa Kitô và làm cho chúng ta có thể sống trong sự công chính của Chúa. Việc xức dầu thánh lần đầu đó được bổ túc bởi ấn tín của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thêm Sức.



 

Mối liên kết thâm sâu và trực tiếp ở giữa các bí tích đó được nổi bật trong nghi lễ rửa tội người lớn. Các Giáo Hội Đông phương cũng còn duy trì sự liên kết trực tiếp đó trong nghi thức rửa tội các trẻ em: cùng lúc được rửa tội, các em cũng nhận lãnh bí tích thêm sức luôn.

 

Sự liên kết giữa hai bí tích hàng đầu đó và sự huyền nhiệm thánh của chính bí tích Thánh Thể với ơn gọi linh mục và giám mục thì bền chặt và thâm sâu cho đến nỗi chúng ta có thể luôn luôn tái khám phá sự phong phú, với một tấm lòng biết ơn.



 

Đối với chúng ta là những giám mục, chúng ta không những nhận lãnh những bí tích đó, mà còn được sai đi để rửa tội, để tập họp Giáo Hội chung quanh bàn tiệc của Chúa, để củng cố đức tin cho những tông đồ của Chúa Kitô bằng ấn tín của Chúa Thánh Linh trong bí tích thêm sức.

 

Trong mục vụ của mình, rất thường khi vị giám mục có cơ hội cử hành bí tích thêm sức, trao ban cho họ việc xức dầu thánh và truyền đạt cho họ Ơn Chúa Thánh Thần là suối nguồn sự sống trong Chúa Kitô.



 

Ở nhiều nơi, trong Thánh Lễ phong chức, người ta thường nghe giáo dân hát:

Hỡi dân tư tế, dân vương giả, cộng đồng các thánh, dân của Chúa, hãy hát ca mừng Chúa chúng ta.”

 

Tôi yêu thích bài hát dó, bởi vì nội dung phong phú:



Chúng con hát ca mừng Ngài, hởi Con yêu dấu của Chúa Cha!

Chúng con tán dương Ngài, hởi sự Khôn Ngoan muôn thuở và Ngôi Lời của Thiên Chúa.

Hỡi Con của Đức Trinh Nữ Maria, chúng con hát mừng Ngài.

Hỡi Đức Kitô, người Anh của chúng con đã đến cứu chuộc chúng con, chúng con tán dương Ngài.

Hỡi Đấng Cứu Thế mà những kẻ khốn khó trông chờ, chúng con hát mừng Ngài.

Ôi Đức Kitô là Vua chúng con, hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, chúng con tán tụng Ngài.

[…]

Hỡi cây nho của sự sống, chúng con là những cành nho của Ngài, chúng con hát mừng Ngài.

 

Hết mọi ơn gọi đều được nảy sinh trong Chúa Kitô và rõ ràng chính đó là điều được biểu lộ mỗi khi xức dầu thánh: khởi đầu là bí tích Thánh Tẩy cho tới việc xức dầu thánh lên đầu giám mục. Chính việc xức dầu đó mà phát sinh phẩm cách chung cho hết mọi ơn gọi của Kitô hữu.



 

Xét về phương diện đó, tất cả các ơn gọi đều bình đẳng. Sự khác biệt đến từ vai trò mà Chúa Kitô phân định cho mỗi người được gọi trong cộng đồng Giáo Hội và từ trách nhiệm bởi đó mà ra.

 

Phải rất để ý đến điều Chúa Giêsu đã cầu xin “không một ai trong họ phải hư mất” (Gio 17, 12): không một ơn gọi nào phải tàn lụi, bởi vì mỗi ơn gọi đều quí giá và thiết yếu. Đối với mọi sinh mạng, vị Mục Tử Nhân Hậu đều trao ban sự sống. Đó là trách nhiệm của vị giám mục.



 

Ngài phải biết nhiệm vụ của Ngài là làm thế nào để trong Giáo Hội có thể nảy sinh và phát triển hết mọi ơn gọi, hết mọi chọn lựa con người đối với Chúa Kitô, cho dẫu là người thấp kém nhất.

 

Chính vì điều đó mà Đức Giám Mục – cũng như Chúa Kitô – kêu mời, tập họp và dạy dỗ chung quanh bàn tiệc Mình Máu Thánh Chúa. Đồng thời, ngài hướng dẫn và phục vụ. Ngài cũng phải trung thành với Giáo Hội, nghĩa là với mỗi một thành viên trong Giáo Hội, cho tới người nhỏ bé nhất mà Chúa Kitô đã kêu gọi và tự đồng hóa (Xem Mt 25, 45). Như là dấu ấn của sự trung thành đó, đức giám mục nhận lãnh chiếc nhẫn đeo tay.



 

 

9.- Nhẫn đeo và áo choàng

 

Chiếc nhẫn đeo vào ngón tay giám mục có nghĩa là ngài đã làm lễ cưới với Giáo Hội.



Hãy nhận lấy chiến nhẫn nầy, biểu tượng của lòng trung tín: hãy gìn giữ, trong sự thuần khiết của đức tin, hiền thê của Chúa là Giáo Hội thánh.

Hãy trung thành cho đến chết…”

 

Đó là lời khuyên bảo trong sách Khải Huyền: “Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống.” (Kh 2, 10). Chiếc nhẫn đó, biểu tượng hôn nhân, là một biểu hiệu đặc biệt sự liên kết của giám mục với Giáo Hội. Đối với tôi, chiếc nhẫn biểu thị lời mời gọi hằng ngày đối với sự thành tín.



 

Đó là một sự tự vấn thầm lặng vang động trong lương tâm: tôi có tự hiến trọn vẹn cho hiền thê của tôi là Giáo Hội không? Tôi có “phục vụ” đầy đủ những cộng đoàn, những gia đình, giới trẻ và người già cả, cũng như những thai nhi chưa sinh ra không?

 

Chiếc nhẫn cũng nhắc nhở tôi sự cần thiết phải trở nên một mắt xích dũng mãnh trong dây xích thừa kế nối kết với các tông đồ. Quả thật sự bền chặt của một dây xích được đo lường bởi mắt xích yếu kém nhất. Tôi phải trở nên một mắt xích bền chắc do sức mạnh của Chúa: “Chúa là sức mạnh, là khiên mộc chở che tôi.” (Tv 28 [27], 7). “Lạy Chúa, dẫu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.” (Tv 23 [22], 4).



 

Các Đức Giám Mục của Cracovie có được đặc ân, theo chỗ tôi biết, chỉ dành riêng cho bốn giáo phận trên thế giới mà thôi. Các ngài được quyền mang áo choàng gọi là “rationnal”. Về hình thức bên ngoài, đó là một biểu tượng nhắc nhở tới dây “pallium”.

 

Ở Cracovie, trong kho tàng của đền thờ Wawel, có chiếc áo choàng “rationnal” là tặng phẩm của nữ hoàng Hedwige. Chính chiếc áo đó không mang một biểu hiệu gì. Chiếc áo đó chỉ có ý nghĩa khi Đức Tổng Giám Mục mang vào mà thôi. Lúc bấy giờ chiếc áo biểu tượng cho quyền uy và sự phục vụ của ngài. Nói đúng hơn, vì ngài có quyền uy nên ngài phải phục vụ.



 

Theo một ý nghĩa nào đó, người ta có thể thấy ở đó biểu tượng của sự thương khó Chúa Kitô và tất cả các Thánh Tử Đạo. Khi mang chiếc áo đó vào, hơn một lần đã đến trong trí óc tôi những lời sau đây mà Thánh Phao-lô lúc bấy giờ đã già nua, ngỏ với giám mục Timothée đang còn xuân xanh: “Anh đùng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.” (2Tm 1, 8).

 

 

10.- “Hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó” (1Tm 6, 20)



 

Sau lời nguyện tấn phong, nghi lễ dự kiến việc đặt quyển Thánh Kinh lên đầu vị giám mục được tấn phong. Cử chỉ đó có ý nghĩa là vị giám mục phải đón nhận và loan báo Tin Mừng: đó là biểu hiệu sự hiện diện của Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh, trong Giáo Hội. Do đó sự giáo huấn thuộc phần nòng cốt của ơn gọi giám mục: ngài phải là một bậc thầy.

 

Chúng ta biết có bao nhiêu giám mục lỗi lạc, từ thời Thượng Cổ cho tới ngày nay, đã đáp lại tiếng gọi đó một cách gương mẫu. Họ đã biết dùng cho có lợi ích lời cảnh cáo thận trọng của thánh tông đồ Phao-lô, khi tự cảm thấy bản thân mình cũng bị liên hệ: “Anh Timothée, hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng và những vấn đề của trí thức giả hiệu.” (1Tm 6, 20).



 

Những giám mục là những bậc thầy có phẩm chất bởi vì các ngài đã tập trung cuộc sống thiêng liêng của mình vào việc lắng nghe và rao giảng Lời Chúa. Nói cách khác, các ngài đã biết từ bỏ những hư từ để đem hết tất cả nghị lực dùng vào “chỉ một chuyện cần thiết mà thôi” (Lc 10, 42).

 

Quả thật nhiệm vụ của vị giám mục là làm cho mình trở nên người phục vụ Lời Chúa. Rõ ràng với tư cách là bậc thầy, ngài chủ tọa trên ngai tòa giám mục – tức trên ngai được đặt để một cách biểu tượng trong thánh đường được gọi một cách rất đúng là “nhà thờ chính tòa” – để giảng dạy, loan báo và cắt nghĩa Lời Chúa.



 

Thời đại chúng ta có những đòi hỏi mới đối với các vị giám mục trong tư cách là những thầy dạy, nhưng cũng cống hiến những phương tiện mới thật tuyệt vời để giúp đỡ các ngài loan báo Tin Mừng.

 

Sự xê dịch dễ dàng đã cho phép các ngài thăm viếng thường xuyên những nhà thờ khác nhau và những cộng đoàn trong giáo phận các ngài. Các giám mục được sử dụng hệ thống truyền thanh, truyền hình, mạng lưới điện toán, báo chí.



 

Để rao giảng Lời Chúa, các giám mục được giúp đỡ bởi các linh mục và phó tế, bởi các giáo lý viên và giáo viên, bởi các giáo sư thần học cũng như bởi một số luôn quan trọng hơn thuộc thành phần giáo dân học thức và trung thành với Phúc Âm.

 

Tuy nhiên không gì có thể thay thế sự hiện diện của đức giám mục an tọa trên ngai tòa hay hiện diện trên tòa giảng trong nhà thờ chính tòa và ngài đích thân dẫn giải Lời Chúa cho những ai được tập họp chung quanh ngài. Ngài cũng như vị “kinh sư trở thành môn đồ Nước Trời thì giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” (Mt 13, 52).



 

Tôi lấy làm sung sướng để nhắc nhở ở đây Đức Tổng Giám Mục hồi hưu Milan là Đức Hồng Y Carlo Maria Martini mà những buổi giảng dạy giáo lý ở trong nhà thờ chính tòa Milan đã lôi cuốn rất đông người. Ngài đã vén lên cho họ kho tàng Lời Chúa. Đó chỉ là một thí dụ trong nhiều thí dụ khác cho thấy sự khát khao Lời Chúa nơi tín hữu lớn lao đến mức nào!

 

Tôi luôn xác tín rằng, nếu tôi muốn làm cho no thỏa sự khát khao nội tâm đó ở nơi người khác, trước tiên tôi phải theo gương Mẹ Maria để chính tôi nghe Lời đó của Chúa và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).



 

Cùng một trật, càng lâu tôi càng hiểu thêm rằng giám mục cũng phải biết lắng nghe những người mà ngài loan báo Tin Mừng. Đối diện với trận đại hồng thủy hiện nay do bởi những ngôn từ, hình ành và âm thanh, rất quan trọng đối với giám mục là đừng để mình bị choáng váng. Ngài phải lắng nghe tiếng Chúa và nghe những đối thoại viên của mình, trong niềm xác tín rằng tất cả chúng ta liên kết trong chính huyền nhiệm Lời Chúa đối với phần rỗi.

 

 

11.- Mũ gậy giám mục



 

Ơn gọi trở thành giám mục hẵn nhiên mang lại một vinh dự. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ứng viên được lựa chọn giữa nhiều người khác là một cá nhân lỗi lạc và một Kitô hữu lỗi lạc. Vinh dự qui hướng về ngài do bởi sứ vụ của ngài được đặt để ở trung tâm Giáo Hội, để trở thành người đứng đầu trong đức tin, đứng đầu trong đức ái, đứng đầu trong sự trung tín và đứng đầu trong việc phục vụ.

 

Nếu ai chỉ tìm kiếm trong chức vụ giám mục vinh dự cho mình, người đó sẽ không hoàn tất tốt đẹp sứ vụ giám mục. Sự biện minh đầu tiên cho vinh dự đối với giám mục và là sự biện minh quan trọng nhất, hệ tại bởi trách nhiệm gắn bó với sứ vụ của ngài.



 

Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được(Mt 5, 14). Giám mục luôn luôn ở trên núi, ở trên cột đèn, mọi người đều trông thấy. Ngài phải ý thức rằng tất cả những gì xảy đến trong cuộc đời của ngài đều có một tầm mức quan trọng dưới con mắt cộng đoàn: “Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Ngài(Lc 4, 20).

 

Cũng như một người cha gia đình đào luyện con cái theo đức tin trước tiên phải nêu gương tốt của đời sống đạo đức và kinh nguyện của mình, cũng vậy giám mục cảm hóa tín hữu với tất cả phong cách của mình. Vì vậy tác giả Thư thứ nhất của Thánh Phêrô đã khẩn khoản van xin các giám mục “hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5, 3).



 

Trong viễn tượng đó, trong phụng vụ truyền chức, biểu tượng trao mũ giám mục đã nói lên một cách hùng hồn đặc biệt. Đức tân giám mục nhận lãnh chiếc mũ như một sự cảnh báo ngài phải đội lên đầu để  “rực sáng nơi ngài ánh sáng chói lọi của sự thánh thiện” hầu ngài được xứng đáng nhận lãnh triều thiên vinh quang không héo tàn khi Chúa Kitô là “hoàng tử của các mục tử” sẽ xuất hiện. (Xem Sách Lễ Phong Chức Roma).

 

Giám mục được kêu gọi đặc biệt trở nên thánh thiện trên cương vị cá nhân để góp phần vào việc tăng trưởng sự thánh thiện của cộng đoàn giáo sĩ mà ngài được phó thác. Chính ngài chịu trách nhiệm việc thực thi ơn gọi phổ cập để trở nên thánh thiện như đã đề cập nơi chương V Hiến Chế Công Đồng “Lumen gentium” (“Ánh sáng muôn dân”).



 

Như tôi đã viết trong dịp Đại Năm Thánh 2000: trong ơn gọi đó, người ta tìm thấy sự “linh động nội tại và đặc trưng” của môn Giáo Hội học (Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, số 30).

 

Dân Chúa “được kết hợp với sự duy nhất của Cha, Con và Thánh Thần” là một dân thuộc về Đấng “Thánh! Thánh! Thánh!” (Is 6, 3). Như tôi đã viết: “Khi nói Giáo Hội là thánh có nghĩa là trình bày bộ mặt Giáo Hội là hiền thê Chúa Kitô mà Ngài đã trao nộp mình để thánh hóa” (Xem Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, số 30).



 

Tặng vật thánh thiện đó trở nên một nghĩa vụ. Phải luôn luôn nhận chân rằng tất cả đời sống Kitô hữu phải được qui hướng về nghĩa vụ đó: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh.” (1Tx 4, 3).

 

Vào đầu năm 1970, tôi đã viết, khi qui chiếu vào Hiến Chế Lumen gentium (Ánh sáng muôn dân): Lịch sử cứu độ là lịch sử của toàn dân Chúa; lịch sử đó cũng trải qua bởi đời sống các cá nhân, lại được cụ thể hóa ở nơi mỗi cá nhân. Ý nghĩa căn bản của sự thánh thiện hệ tại điểm nầy: sự thánh thiện luôn luôn là sự thánh thiện cá nhân.



 

Điều đó được xác nhận bởi lời mời gọi “tổng quát” trở nên thánh thiện. Hết mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi nên thánh, nhưng mỗi người một cách duy nhất, không thể trùng hợp. (U podstaw odnowy. Studium o realizacji Vaticanum II, Cracovie 1972, tr. 165).

 

Nói tóm lại, sự thánh thiện của mỗi một người đóng góp vào sự tăng trưởng của khuôn mặt Giáo Hội, hiền thê của Chúa Kitô, bằng cách làm cho sứ điệp của Ngài được thế giới hiện đại chấp nhận dễ dàng.



 

Trong nghi lễ truyền chức giám mục, việc tiếp theo là trao gậy chủ chăn. Đó là biểu hiệu quyền uy qui về vị giám mục trong việc thực thi nghĩa vụ của ngài chăn dắt đoàn chiên. Biểu tượng đó cũng đi vào viễn tượng kêu mời cộng đồng dân Chúa nên thánh.

 

Bởi vậy mục tử phải trông coi và che chở mỗi một con chiên cùng dẫn đưa họ đến những đồng cỏ xanh tươi (Tv 23 [22], 2) – trên những đồng cỏ đó các con chiên sẽ khám phá sự thánh thiện không phải là “một cuộc sống ngoại lệ mà chỉ vài bậc ‘thiên tài’ về sự thánh thiện có thể thực hành mà thôi. Những nẻo đường đưa tới sự thánh thiện thì rất nhiều và thích ứng cho mỗi cá nhân.” (Xem “Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến”, số 31).



 

Tuyệt đẹp biết bao tiềm năng ân sủng ẩn tàng trong đoàn dân đông đảo của những người được thanh tẩy! Tôi không ngừng cầu xin để Thánh Thần Chúa thắp sáng lên ngọn lửa của Ngài ở trong con tim chúng ta là những giám mục để rồi chúng ta trở nên những bậc thầy về sự thánh thiện, ngõ hầu có thể đào luyện tín hữu bởi gương sáng chúng ta.

 

Lời giả biệt đầy xúc động của Thánh Phao-lồ đối với những kỳ mục Giáo Hội Ê-phê-xô trở về trong ký ức của tôi: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình.” (Cv 22, 28).



 

Mệnh lệnh của Chúa Kitô ám ảnh mỗi một mục tử: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28, 19). Hãy đi và đừng bao giờ ngừng nghỉ! Chúng ta đã biết sự mong đợi của Thầy Chí Thánh: “Thầy đã cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại.” (Gio 15, 16).

 

Cây gậy giám mục có hình thánh giá mà hiện tại tôi đang cầm trong tay được mô phỏng theo cây gậy của Đức Thánh Cha Phaolô VI. Tôi thấy rõ ràng cây gậy đó tượng trưng ba chức vụ: sự ân cần, sự hướng dẫn và trách nhiệm.



 

Cây gậy giám mục không phải là một biểu tượng quyền uy theo nghĩa thông thường của từ ngữ đó. Đó không phải là một biểu tượng ngôi thứ hay ưu thế trên những người khác: đó là một biểu tượng phục vụ. Như thế, đó chính là biểu tượng của sự ân cần đối với đoàn chiên: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Gio 10, 10).

 

Giám mục phải điều khiển và hướng dẫn. Ngài sẽ được tín hữu nghe theo và yêu mến trong chừng mực mà ngài bắt chước Chúa Giêsu là vị Mục Tử Nhân Hậu, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20, 28). “Phục vụ!” – tôi yêu thích từ ngữ đó biết bao! Tư tếmục vụ”, từ ngữ tuyệt vời…



 

Có khi người ta nghe ai đó cất tiếng bênh vực quyền bính giám mục được hiểu như ngôi thứ. Người ta nói: chính những con chiên phải đi theo sau mục tử và không phải mục tử đi sau đoàn chiên. Có thể người ta đồng ý như thế, nhưng trong ý nghĩa đó, chính mục tử phải đi dẫn đầu để “hy sinh mạng sống vì những con chiên; chính ngài phải là người đầu tiên tự hiến và tự trao ban chính mình.

 

Ngài đã sống lại, Vị Mực Tử Nhân Hậu, đã hy sinh mạng sống mình vì các con chiên. Ngài đã phó nộp mình chịu chết vì yêu thương những kẻ thuộc về mình.” (Xem “Phụng Vụ Các Giờ Kinh”, phần đối đáp II, Chúa nhật IV mùa Phục Sinh).



 

Giám mục đứng đầu về ngôi thứ trong tình yêu quảng đại đối với tín hữu và đối với Giáo Hội, theo gương Thánh Phao-lô: “Tôi vui mầng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Chúa Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ sức, vì lợi ích cho thân thể người là Hội Thánh.” (Col 1, 24).

 

Chắc chắn quở trách cũng là một phần trong vai trò mục tử. Về phương diện đó, tôi thiết tưởng có lẽ tôi đã hành xử hơi ít. Tương quan giữa quyền bính và phục vụ luôn luôn trở thành vấn nạn. Có lẽ tôi phải tự trách tôi là đã không tìm cách điều khiển đầy đủ.



 

Trong một chừng mực nào đó, điều nầy phát xuất bởi tính khí của tôi. Nhưng một cách nào đó, điều nầy cũng có thể phát xuất từ ý muốn của Chúa Kitô đã xin các tông đồ đừng quá điều khiển hơn là phục vụ.

 

Theo bản chất tự nhiên, quyền uy thuộc về giám mục, nhưng tất cả tùy thuộc vào cách thức mà quyền uy đó được thi hành. Nếu đức giám mục dựa vào quyền uy hơi quá đáng, lập tức dân chúng tưởng rằng ngài không biết điều khiển.



 

Trái lại, nếu ngài tự đặt mình trong một tư thế phục vụ, tự nhiên các tín hữu cảm thấy được thúc đẩy đề nghe ngài và tự ý tuân phục quyền bính của ngài.

 

Nếu đức giám mục nói: “Ở đây chỉ mình tôi cai quản”, hay: “Chỉ mình tôi phục vụ ở đây”, có thiếu sót một điều gì! Đó là ngài phải phục vụ trong khi cai quản và cai quản trong khi phục vu.



 

Về điều đó, chính Chúa Kitô đã nêu cho chúng ta một mẫu mực hùng hồn: Ngài đã phục vụ không ngừng, nhưng trong tinh thần phục vụ của Con Thiên Chúa, Ngài cũng biết đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ khi cần thiết.

 

Cho dù tôi cảm thấy những đối kháng bên trong đáng chê trách, tuy nhiên tôi thiết nghĩ tôi đã lấy những quyết định cần thiết. Với tư cách là tổng giám mục Cracovie, tôi đã làm hết sức để đi tới những quyết định đó theo cung cách giám mục đoàn, nghĩa là bằng cách tham khảo những giám mục phụ tá và những cộng sự viên của tôi.



 

Mỗi tuần, chúng tôi có nhũng buổi họp ban điều hành giáo phận, trong đó được bàn thảo hết mọi vấn đề trong tầm nhìn mang lại điều lợi ích tốt đẹp nhất cho tổng giáo phận. Câu hỏi đầu tiên: “Chân lý nào thuộc về đức tin chiếu giải trên vấn đề đó?” Và câu hỏi thứ hai: “Ai là người mà chúng ta tham khảo hay để giúp đỡ chúng ta?

 

Tìm ra động cơ tôn giáo để hành động và nhân vật đủ khả năng để chu toàn một phần vụ rõ rệt, tạo thành điều kiện tiên quyết tốt đẹp đem lại hy vọng rất nhiều cho sự thành công đối với những sáng kiến mục vụ.



 

Với việc trao ban cây gậy giám mục, nghi lễ tấn phong chấm dứt. Tiếp theo là Thánh lễ mà đức tân giám mục hiến dâng cùng với những giám mục đồng tấn phong. Tất cả những điều đó mang đầy đủ ý nghĩa, suy tư và ý thức cá nhân cho đến nỗi không thể diễn tả trọn vẹn hay cả việc thêm vào đó một điều gì nữa.

 

 

12.- Hành hương đền kính  Đức Mẹ



 

Sau khi Thánh Lễ chấm dứt, tôi đi từ Wawel đến thăm đại chủng viện, ở đó có cuộc tiếp tân. Tuy nhiên, chính chiều hôm đó, tôi đi đến Czestochowa với nhóm bạn hữu thân tình và ở đó tôi đã dâng Thánh Lễ sáng hôm sau trong nguyện đường có tượng Đức Mẹ làm phép lạ.

 

Đối với dân Ba-lan, Czestochowa là một nơi được ưu đãi, vì tự đồng hóa với quốc gia Ba-lan và lịch sử nước đó, nhất là lịch sử tranh đấu giành độc lập cho đất nước. Ở đó có đền thờ quốc gia được gọi là Jasna Góra (Clarus mons - Ngọn Đồi Trong Sáng): Tên gọi đó gợi lại ánh sáng đánh tan bóng tối, mang một ý nghĩa đặc biệt đối với dân chúng Ba-lan đã sống qua những giờ phút đen tối vì chiến tranh, phân chia và chiếm đóng.



 

Mọi người đều biết nguồn gốc ánh sáng hy vọng đó là sự hiện diện của Mẹ Maria trong bức tượng kỳ diệu. Thật đúng như thế, có lẽ lần đầu tiên, trong khi quân đội Thụy Điển chiếm đóng mà trong lịch sử gọi là “cơn hồng thủy”. Trong trường hợp đó – việc thật có ý nghĩa – đền thờ được dựng nên như một pháo đài mà quân xâm lăng không tài nào chinh phục được. Bấy giờ quốc gia giải mã biến cố đó như là một lời hứa hẹn chiến thắng. Sự tin tưởng nơi bàn tay che chở của Đức Mẹ đã mang lại cho dân chúng Ba-lan sức mạnh để chiến thắng kẻ xâm lăng.

 

Kể từ đó, đền thờ Jasna Góra, theo một ý nghĩa nào đó, đã trở thành chiến lũy của đức tin, của tinh thần, của văn hóa và tất cả những gì tạo nên căn tính quốc gia Ba-lan. Và cũng đã xảy ra như thế, bằng một cách đặc biệt, trong thời gian lâu dài của những cuộc phân tranh và mất chủ quyền quốc gia.



 

Chính đó là điều mà Đức Thánh Cha Piô XII đã nhắc tới khi ngài quả quyết trong thời Đệ Nhị Thế Chiến: “Quốc gia Ba-lan đã không biến mất và sẽ không bao giờ biến mất bởi vì Ba-lan tin tưởng, cầu nguyện và có đền thờ Jasna Góra.” Nhờ Ơn Chúa, những lời nói đó đã được kiểm chứng.

 

Tuy nhiên về sau, một thời kỳ mới đen tối trong lịch sử chúng tôi, đó là thời kỳ Cộng Sản chiếm đóng. Nhà cầm quyền của đảng Cộng Sản ý thức điều mà đền thờ Jasna Góra đã có ý nghĩa như thế nào đối với dân chúng Ba-lan. Đó là thánh tượng kỳ diệu và lòng sùng kính vô bờ bến đối với thánh tượng Đức Mẹ đó ngay từ đầu.



 

Chính vì vậy, khi do sáng kiến của hội đồng giám mục và đặc biệt là của Đức Hồng Y Stefan Wyszynski, cuộc hành hương của “Đức Me Đen”, khởi hành từ Czestochowa, đã thăm viếng hết mọi giáo xứ và mọi cộng đoàn trên đất nước Ba-lan, chính quyền Cộng Sản đã làm hết sức ngăn cản cuộc “thăm viếng” đó.

 

Khi thánh tượng bị cảnh sát “ngăn” lại, đoàn hành hương vẫn tiếp tục với khung tượng trống trơn và sứ điệp đó càng trở nên hùng hồn hơn. Trong khung tượng không có tượng, người ta có thể đọc được dấu hiệu câm nín về sự thiếu tự do tôn giáo. Dân chúng biết rằng họ có quyền tự do tôn giáo đó và họ càng cầu nguyện hơn nữa để đuợc tự do đó. Cuộc hành hương đã kéo dài gần hai mươi lăm năm và làm nảy sinh nơi dân chúng Ba-lan một sự vững mạnh lạ thường trong đưc tin, đức cậy và đức mến.



 

Tất cả những người dân Ba-lan có lòng tin đều đi hành hương Czestochowa. Tôi cũng thế, từ tấm bé, tôi đã đi đến đó bằng cách tham dự những cuộc hành hương khi nầy hay khi khác. Năm 1936, có một cuộc hành hương lớn của giới trẻ đại học trên toàn quốc Ba-lan và kết thúc bằng cuộc tuyên thệ long trọng trước thánh tượng. Và sau đó, cuộc tuyên thệ được lặp lại mỗi năm.

 

Trong thời gian quân Đức Quốc Xã chiếm đóng, tôi làm cuộc hành hương đó khi tôi đang còn là sinh viên đại học về ngành văn chương Ba-lan tại phân khoa triết học thuộc đại học Jagellon. Tôi nhớ lại một cách đặc biệt bởi vì, để duy trì truyền thống đó, chúng tôi đã đi đến Czestochowa như là những đại biểu, gồm có Tadeuz Ulewicz, tôi và một người thứ ba nữa.



 

Đền thờ Jasna Góra bị quân đội Hitler bao vây. Các linh mục ẩn tu Saint Paul đã ân cần tiếp đón chúng tôi. Họ biết chúng tôi là một đoàn đại biểu, nhưng tất cả đều kín đáo. Như thế, chúng tôi rất lấy làm hài lòng, dù sao đi nữa, đã thành công trong việc duy trì truyền thống đó. Cũng về sau nầy, tôi thường đi tới đền thờ, tham dự nhiều cuộc hành hương khác – nhất là cuộc hành hương Wadowice.

 

Hằng năm ở Jasna Góra có cuộc tĩnh tâm của các giám mục, thông thường bắt đầu tháng chín. Tôi đã tham dự lần đầu khi tôi chỉ mới được bổ nhiệm làm giám mục. Đức Cha Baziak đã dẫn tôi đi. Tôi nhớ lần đó vị thuyết giảng là cha Jan Zieja, một linh mục có nhân cách lỗi lạc. Dĩ nhiên chỗ thứ nhất dành cho Đức Giáo Chủ là Đức Hồng Y Stefan Wyszynski, một người quả thật được Chúa Quan Phòng gởi tới trong thời đại chúng tôi đang sống.



 

Có lẽ do những cuộc hành hương đó mà đã nảy sinh điều ao ước trong những bước khởi đầu hành hương khi làm giáo hoàng đã đưa tôi đến một đền thờ Đức Mẹ. Chính điều ao ước đó, trong cuộc tông du đầu tiên đến Mễ-tây-cơ, đã dẫn đưa tôi đến dưới chân Đức Mẹ Guadalupe.

 

Trong tình yêu mến của dân chúng Mễ-tây-cơ và nói một cách chung, của những người dân Trung Mỹ và Nam Mỹ đối với Đức Mẹ Guadalupe – một tình yêu mến được thổ lộ một cách hồn nhiên và nhạy cảm, nhưng rất mãnh liệt và sâu sắc – có nhiều điểm tương đồng với sự sùng kính Đức Mẹ của dân chúng Ba-lan; điều đó cũng tạo thành linh đạo của tôi.



 

Họ gọi Đức Mẹ một cách tríu mến là “la Virgen Morenita”, một danh xưng có thể tạm dịch là: “Đức Mẹ ngăm ngăm đen”. Ở đó có một bài hát phổ thông rất được nhiều người biết đến khi nhắc tới tình yêu của một con trai đối với một thiếu nữ. Dân chúng Mễ-tây-cơ áp dụng bài hát đó cho Đức Trinh Nữ Maria. Tôi luôn luôn nghe văng vẳng những âm điệu du dương đó:

 

Tôi biết một thiếu nữ xinh xắn ngăm ngăm đen…

Và tôi yêu mến nhiều.

Chiều tối, say mê và trìu mến, tôi đã đến thăm nàng.

Ngắm nhìn đôi mắt nàng, tình yêu tha thiết của tôi gia tăng gấp bội.

Hởi nàng con gái tóc nâu, tôi không bao giờ quên nàng được.

Tình yêu giữa hai chúng ta lớn lao biết bao…

 

Tôi đã thăm viếng đền thờ Guadalupe vào tháng giêng 1979, nhân chuyến tông du đầu tiên, theo lời mời tham dự đại hội Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu La-tinh ở Puebla de Los Angeles. Cuộc hành hương nầy, theo một ý nghĩa nào đó, đã gây nguồn cảm hứng và điều hướng tất cả những năm kế tiếp thuộc triều đại giáo hoàng của tôi.



 

Trước tiên tôi dừng chân ở Saint Dominique và từ đó tôi tới Mễ-tây-cơ. Thật cảm động không thể tả khi đi đến nơi mà chúng tôi phải nghỉ đêm, chúng tôi đã đi ngang qua những con đường người đen như kiến. Cuối cùng khi chúng tôi đến nơi trú ngụ, dân chung vẫn tiếp tục ca hát và đã quá nửa đêm. Vì vậy cha Stanislaw Dziwisz bắt buộc phải ra ngoài xin dân chúng im lặng và giải thích cho họ là Đức Giáo Hoàng cần phải ngủ nghỉ. Bấy giờ họ mới yên lặng.

 

Tôi nhớ lại tôi đã giải thích cuộc hành hương ở Mễ-tây-cơ như là một thứ “thông hành” có thể mở đường cho tôi đi hành hương ở Ba-lan. Thực tế tôi nghĩ rằng chính phủ Cộng Sản Ba-lan không thể từ chối việc cho phép tôi trở về thăm quê hương tôi sau khi tôi đã được đón tiếp trong một xứ sở mà Hiến Pháp hoàn toàn thế tục như quốc gia Mễ-tây-cơ lúc bấy giờ. Tôi muốn đi Ba-lan và điều đó đã được thực hiện vào tháng sáu cùng năm.



 

Guadalupe, đền thánh lớn nhất của toàn thể Mỹ châu cũng như Czestochowa đối với Ba-lan. Đó là hai thế giới hơi khác biệt nhau: Guadalupe thuộc thế giới Mỹ châu La-tinh, Czestochowa thuộc thế giới “slave”, Đông Âu. Người ta có thể nhận chân điều đó trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1991, khi lần đầu tiên có mặt tại Czestochowa những người trẻ đến từ bên kia biên giới phía đông Ba-lan: Những người trẻ Ukraine, Lettonie, Nga…tất cả những vùng đất ở Đông Âu đều có mặt.

 

Chúng tôi còn trở lại Guadalupe. Vào năm 2002, tôi được dâng Thánh Lễ gần đền thánh đó nhân dịp phong thánh cho chân phước Juan Diego. Đó là một cơ hội tuyệt diệu để cảm tạ ơn Chúa. Sau khi nhận lãnh sứ điệp Kitô giáo, Juan Diego, không chối từ căn tính bản xứ của mình, đã khám phá ra chân lý thâm sâu đối với nhân loại mới, trong đó hết thảy mọi người được mời gọi trở nên con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô. “Lạy Cha…con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11, 25). Và trong huyền nhiệm đó, Mẹ Maria đã đóng một vai trò thật đặc biệt.




tải về 0.91 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương