Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II


- Giám mục trong Giáo Hội địa phương của ngài



tải về 0.91 Mb.
trang6/7
Chuyển đổi dữ liệu26.11.2017
Kích0.91 Mb.
#34593
1   2   3   4   5   6   7

3.- Giám mục trong Giáo Hội địa phương của ngài  

Vị thế mà Chúa nhân từ đã phân định cho giám mục trong Giáo Hội như thế nào?  Ngay từ đầu, căn cứ vào sự kiện giám mục được hòa nhập vào sự kế tục các tông đồ, trải dài trước mắt họ là Giáo Hội hoàn vũ. 

Ngài được sai đi cho toàn thế giới, và chính vì lý do đó, ngài trở thành dấu chỉ về Công Giáo tính của Giáo Hội. Tôi đã nhận thức chiều kích hoàn vũ đó của Giáo Hội kể từ khi tôi biết đọc lên những lời tuyên xưng đức tin: “Tôi tin kính Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền.” 

Rõ ràng chính cộng đồng hoàn vũ đó đã thu nhận nơi mình những chứng tá phát sinh từ nhiều không gian, thời gian và những nhân vật được Thiên Chúa lựa chọn cùng hợp nhất với nhau “từ A-dong, từ Abel là người Công Chính cho đến người được lựa chọn sau cùng” (Lumen Gentium, số 2). 

Những chứng tá và những liên kết đó được nhận thức một cách hùng hồn trong phụng vụ tấn phong giám mục, đến cả việc nhắc nhở sự nguyên vẹn của lịch sử cứu độ, với hạn kỳ kết thúc là sự hợp nhất mọi người trong Nước Thiên Chúa.

Hết mọi giám mục, trong khi mang trên mình trách nhiệm của Giáo Hội hoàn vũ, cũng được đặt để ở trung tâm điểm của một Giáo Hội đặc biệt, tức cộng đoàn mà Chúa Kitô đã giao phó cho ngài, để rồi qua mục vụ giám mục của ngài, được thể hiện một cách luôn trọn hảo hơn huyền nhiệm Giáo Hội của Chúa Kitô, dấu chỉ phần rỗi cho tất cả chúng ta.  

Trong Tông Hiến Lumen gentium, chúng ta đọc được:

Giáo Hội của Chúa Kitô đó hiện diện thật sự trong hết mọi hội đồng hợp pháp của các tín hữu địa phương. Họ hợp nhất chặt chẽ với các mục tử của họ, cũng được gọi là những Giáo Hội trong Tân Ước […]  

Trong hết mọi cộng đoàn quây quần chung quanh bàn thờ, dưới mục vụ thánh của Đức Giám Mục, được tỏ lộ biểu tượng của đức ái và của sự ‘hợp nhất Nhiệm Thể Chúa Kitô mà ngoài đó ra không thể có được sự cứu độ’.

Trong những cộng đoàn đó, cho dẫu thông thường chỉ nhỏ bé và nghèo nàn hoặc sống rải rác, Chúa Kitô vẫn hiện diện, do bởi Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền, họp lại với nhau” (số 26).

Huyền nhiệm của ơn gọi giám mục trong Giáo Hội hệ tại bởi sự kiện ngài vừa hiện diện trong một cộng đoàn hữu hình đặc biệt mà ngài đã được giao phó, cùng một trật ngài cũng ở trong Giáo Hội hoàn vũ. Cần thiết phải hiểu rõ sự liên kết đặc biệt đó.

Hiển nhiên đó là một sự giản lược và cuối cùng là một sự không thấu hiểu được gây nên bởi huyền nhiệm theo đó giám mục đại diện Giáo Hội hoàn vũ trong cộng đoàn giáo phận – đối với tôi đó là Cracovie – và đồng thời ngài đại diện cộng đoàn giáo phận trên bình diện Giáo Hội hoàn vũ, cũng giống như các đại sứ đại diện quốc gia của họ và những cơ quan quốc tế.

Giám mục là dấu chỉ của sự hiện diện Chúa Kitô trong trần thế. Và đó là một sự hiện diện đưa đến việc gặp gỡ giữa những con người với nhau ở bất cứ nơi nào. Chúa đã gọi họ đích danh, đã vực họ dậy, đã yên ủi họ bằng việc loan báo Tin Mừng và tập họp họ chung quanh cùng một bàn tiệc.

Do đó giám mục thuộc về trần gian trọn vẹn và về Giáo Hội hoàn vũ, ngài sống ơn gọi của mình, xa cách những thành phần khác trong giám mục đoàn, để được liên kết chặt chẽ với những người mà ngài qui tụ trong Giáo Hội đặc thù của ngài nhân danh Chúa Kitô.

Cùng một trật, chính vì những người mà ngài qui tụ, ngài trở nên biểu tượng của sự vượt thoát tình trạng đơn độc của họ, bởi vì ngài làm cho họ liên hệ với Chúa Kitô. Và ở trong Chúa Kitô, họ cũng liên hệ với hết những ai đã được Chúa chọn trước khi tạo dựng vũ trụ, cũng như với những người ngày nay Chúa đang kết hợp lại trên toàn thế giới, và với những người Ngài sẽ tập hợp sau họ trong Giáo Hội của Ngài, cho đến những kẻ được kêu gọi trong giờ sau hết.

Hết thảy mọi người được hiện diện trong Giáo Hội địa phương qua mục vụ và biểu tượng của giám mục.

Giám mục thi hành mục vụ của mình với tinh thần trách nhiệm thực sự khi ngài biết dấy lên nơi tín hữu của ngài một tình cảm hiệp thông mãnh liệt với chính ngài và qua bản thân ngài, với hết mọi tín hữu của Giáo Hội trên khắp hoàn vũ.

Chính tôi đã có kinh nghiệm về sự hiệp nhất thân tình đó trong cuộc sống của tôi ở Cracovie, cùng với những linh mục, các dòng tu và giáo dân. Xin Chúa thưởng công bội hậu cho họ!

Thánh Augustinô, khi van xin sự giúp đỡ và hiểu biết, thường có thói quen ngõ lời với tín hữu như sau:

Đa số là Kitô hữu mà không cần phải là giám mục. Họ đến với Chúa bằng một con đường có lẽ dễ dàng hơn và chắc chắn họ bước đi với một nhịp điệu thanh thoát như mang lên mình một gánh nhẹ nhàng.



Về phần chúng tôi, chúng tôi là Kitô hữu, vì vậy chúng tôi sẽ phải trả lẽ với Chúa về chính cuộc đời chúng tôi. Vả lại chúng tôi là giám mục, do đó chúng tôi sẽ phải trả lẽ với Chúa về sự quản lý của chúng tôi

(Bài Giảng 46, 1, 2: Giáo Phụ Học La-tinh: 38, 271).

Đó là huyền nhiệm về sự gặp gỡ thần bí của những người “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7, 9) với Chúa Kitô hiện diện trong giám mục giáo phận mà chung quanh ngài quây quần Giáo Hội địa phương, trong một thời điểm lịch sử nhất định. Dũng lực biết bao mối tương quan đó! Chúa Kitô liên kết và hàn gắn chúng ta bởi những mối ràng buộc tuyệt diệu biết bao! 

Tôi đã có kinh nghiệm đó trong thời gian Công Đồng nhóm họp. Một cách đặc biệt, tôi đã có kinh nghiệm về tập thể tính giám mục: toàn thể giám mục đoàn cùng với Thánh Phê-rô! Tôi đã sống lại kinh nghiệm đó một cách hết sức đặc biệt trong những buổi Tĩnh Tâm mà tôi thuyết giảng vào năm 1976 cho giáo triều Roma, hợp nhất chặt chẽ chung quanh Đức Phao-lồ VI. Tôi sẽ trở lại đề tài nầy dưới đây.

 

4.- Tập thể tính giám mục

Nên hướng tư tưởng trở về lúc ban đầu. Do thánh ý của Chúa và Thầy chúng ta, mục vụ tông đồ đã được thiết lập. Cộng đồng “những kẻ Ngài muốn” (Mc 3, 13) tăng trưởng chung quanh Ngài. Ở giữa cộng đồng đó được đào luyện những thành viên khác nhau với nhân cách vững mạnh, đứng đầu là Thánh Phê-rô.

Trong hàng ngũ đệ tử và bạn hữu Chúa Kitô, bất cứ một tân giám mục nào được đưa vào đều qua lời mời gọi và sự tấn phong. Đó là giám mục đoàn! Sự tham gia vào cộng đoàn đức tin, chứng tá, yêu thương và trách nhiệm đó là một quà tặng mà chúng ta cùng nhau nhận lãnh khi được mời gọi và được tấn phong. Quà tặng đó lớn lao biết bao!

Đối với mỗi người trong chúng ta là giám mục, sự hiện diện của những người khác tạo nên một sự hỗ trợ được diễn tả bằng sự liên kết qua lời cầu nguyện và thừa tác vụ, qua chứng tá sự chia sẻ những thành quả của mục vụ giám mục.

Về quan điểm đó, những cuộc gặp gỡ và những liên hệ của tôi với các giám mục qua các cuộc thăm viếng “ad limina Apostolorum” đã mang lại cho tôi ngày hôm nay một sự an ủi thật đặc biệt. Tôi hết sức ao ước những gì mà ân sủng Chúa thực hiện qua con tim, khối óc và bàn tay mỗi vị giám mục được mọi người biết đến và yêu mến.

Hiện nay những phương tiện truyền thông trở nên dễ dàng khiến có thể gặp gỡ thường xuyên hơn và hiệu quả hơn. Điều đó giúp tất cả chúng ta là những giám mục của Giáo Hội Công giáo truy tầm những phương cách để củng cố tập thể tính giám mục, nhất là bằng sự hợp tác có trách nhiệm trong các hội đồng giám mục địa phương và qua sự trao đổi kinh nghiệm trong đại gia đình Giáo Hội trên toàn thế giới.

Nếu các giám mục gặp gỡ nhau và chia sẻ những buồn vui cũng như những ưu tư của họ, chắc chắn điều đó sẽ giúp họ củng cố “linh đạo hiệp thông” như tôi đã đề cập tới trong Tông Thư “Ngàn Năm Thứ Ba Đang Tới” (“Novo millenio ineunte”) (số 43-45).

Ngay trước khi được chọn lên ngai tòa Thánh Phê-rô, tôi đã gặp gỡ nhiều giám mục trên toàn thế giới, dĩ nhiên gặp thường hơn các giám mục những quốc gia Âu châu gần nhất. Đó là những cuộc gặp gỡ nhằm hỗ trợ nhau.

Một số cuộc gặp gỡ đó, nhất là với các giám mục sống trong những quốc gia dưới ách thống trị độc tài Cộng Sản, đôi khi thật cảm động. Chẳng hạn tôi hồi tưởng tang lễ Đức Hồng Y Stefan Trochta, trong nước Tiệp Khắc trước đây, khi chính quyền Cộng Sản ngăn trở sự tiếp xúc với Giáo Hội địa phương hoặc ngay cả việc làm cho những cuộc gặp gỡ đó không thể thực hiện được.

Trước khi các Đức Hồng Y quyết định tôi phải là người ngồi vào ngai tòa Thánh Phêrô, cuộc gặp gỡ sau cùng của tôi với các giám mục một quốc gia lân bang đã xảy ra ở Đức quốc, nơi mà cùng với Đức Giáo Chủ Wyszynski, chúng tôi đã thực hiện một cuộc thăm viếng mục vụ vào tháng chín năm 1978. Đó cũng là một biểu tượng quan trọng về sự hòa giải giữa những quốc gia liên hệ. 

Tất cả những cuộc gặp gỡ đó đã được tiếp nối một cách phi thường và mãnh liệt qua những cuộc gặp gỡ thường nhật của tôi với các giám mục thuộc nhiều phần đất khác nhau trên thế giới đã cho phép tôi được thực hiện từ khi tôi được nhắc lên ngai tòa Thánh Phê-rô. 

Những cuộc thăm viếng “ad limina Apostolorum” là một cách diễn tả đặc biệt tập thể tính giám mục. Theo nguyên tắc, cứ năm năm một lần (đôi khi trễ hơn), các giám mục trên toàn thế giới lần lượt đến Vatican và người ta tính ra hơn hai ngàn giáo phận. Ngày nay chính tôi đón tiếp họ.

Trước đây, vào thời Đức Phao-lồ VI, chính Đức Thánh Cha đón tiếp tôi. Tôi rất thích những cuộc gặp gỡ như thế với Đức Phao-lồ VI. Tôi đã học hỏi nhiều điều nơi ngài, đặc biệt về diễn tiến của những cuộc gặp gỡ đó.

Tuy nhiên dần dần, tôi đã soạn thảo sơ đồ của riêng tôi: trước hết, tôi đón tiếp riêng mỗi vị giám mục, kế đó tôi mời cả nhóm dùng một bữa ăn và sau cùng, chúng tôi dâng Thánh Lễ chung vào buổi sáng hôm sau và chúng tôi có cuộc gặp gỡ chung.

Tôi đã rút tỉa nhiều điều hữu ích từ những cuộc gặp gỡ của tôi với các giám mục. Tôi có thể nói một cách đơn giản là nhờ các ngài “tôi hiểu biết Giáo Hội” hơn. Tôi phải thực hiện điều đó một cách thường xuyên bởi vì, qua các giám mục, tôi luôn học được nhiều điều mới mẻ. Qua những cuộc đàm đạo với các ngài, tôi hiểu biết tình hình Giáo Hội trên những phần đất khác nhau của thế giới: ở Âu châu, Á châu, Mỹ châu, Phi châu và Đại Dương châu.

Chúa đã cho tôi sức khỏe cần thiết để có thể thăm viếng nhiều quốc gia – tôi có thể nói được là phần lớn các quốc gia. Những cuộc du hành đó mang một sắc thái quan trọng đặc biệt, bởi vì sự lưu lại có tính cách cá nhân tại một quốc gia, dù vắn vỏi đi nữa, cho phép thấu hiểu nhiều điều. Mặt khác, nhờ những cuộc gặp gỡ đó, tôi có thể tiếp xúc trực tiếp với dân chúng và điều đó mang lại lợi ích lớn lao trên bình diện giữa các cá nhân với nhau cũng như trên bình diện giáo sĩ.

Đối với Thánh Phao-lồ cũng thế, ngài du hành không ngừng. Chính vì thế, khi người ta đọc những gì ngài đã viết cho các cộng đoàn khác nhau, người ta có cảm tưởng như ngài ở gần họ, như thể ngài hiểu rõ những cá nhân sinh sống ở những nơi đó cùng với những khó khăn của họ. Chính điều đó có giá trị qua mọi thời đại, kể cả thời đại chúng ta.

Tôi luôn yêu thích những cuộc tông du. Với tôi, rõ ràng trọng trách đó đã được ban cho vị giáo hoàng bởi chính Chúa Kitô, theo một nghĩa nào đó. Ngay khi còn là giám mục giáo phận, những cuộc thăm viếng mục vụ làm tôi ưa thích và tôi xét thấy rất quan trọng để tìm hiểu điều gì xảy ra nơi các giáo xứ, để hiểu biết giáo dân và gặp gỡ họ cách trực tiếp. 

Thăm viếng mục vụ ngày nay trở thành một quy phạm của giáo luật, trong thực tế đã được gợi ý bởi kinh nghiệm của cuộc sống. Ở đây, mẫu mực chính là Thánh Phao-lồ. Thánh Phê-rô cũng thế, nhưng trước tiên là Thánh Phao-lồ.

 

5.- Các nghị phụ 

Trong phiên họp đầu tiên của Công Đồng, khi tôi còn là giám mục phụ tá tổng giáo phận Cracovie, tôi được dịp cám ơn Đức Hồng Y Giovanni Battista Montini đối với quà tặng quí giá và độ lượng mà tổng giáo phận Milan đã trao tặng cộng đoàn Thánh Florian ở Cracovie: Ba quả chuông mới (một quà tặng tượng trưng nhưng gây xúc cảm biết bao, nhất là vì danh xưng gắn vào ba quả chuông đó: “Mẹ Trinh Vương”, “Thánh Ambroise-Charles Borromée” và “Thánh Florian”). 

Quà tặng đã được yêu cầu bởi cha Tadeusz Kurowski, bề trên cộng đoàn Thánh Florian. Đức Hồng Y Montini là người luôn tỏ ra ân cần đối với dân Ba-lan, đã biểu lộ một con tim cởi mở rất lớn đối với dự án đó và ngài cũng tỏ ra am hiểu tường tận về sự quan tâm của tôi mà lúc bấy giờ chỉ là một giám mục trẻ.

Những giám mục đồng sự người Ý, có thể nói được là đóng vai trò chủ nhà đối với Công Đồng và đối với Tòa Thánh Vatican nói chung, luôn luôn làm tôi ngạc nhiên về sự thân tình và về cảm thức của họ đối với thế giới.

Trong khóa họp đầu tiên của Công Đồng, tôi có được một kinh nghiệm tuyệt vời về phổ quát tính của Giáo Hội qua những sự tiếp xúc giữa tôi với các giám mục Phi châu mà sự hiện diện của các ngài khá đông. Các ngài ngồi nhiều chỗ khác nhau trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô mà ở đó, như đã biết, đang diễn ra công tác của Công Đồng.

Ở giữa các ngài, có những thần học gia lỗi lạc và những mục tử nhiệt tình. Họ có nhiều điều để cống hiến. Trong ký ức tôi, một vị nổi bật nhất là Đức Cha Raymond-Marie Tchidimbo, tổng giám mục Conakry. Ngài bị đau khổ nhiều vì ông tổng thống Cộng Sản của quốc gia ngài và cuối cùng ngài phải bị lưu đày.

Tôi có nhiều mối liên hệ thường xuyên và thân tình với Đức Hồng Y Hyacinthe Thiandoum, một vị có một nhân cách đặc biệt. Còn một khuôn mặt lỗi lạc khác nữa, đó là Đức Hồng Y Paul Zoungrana. Cả hai ngài thuộc văn hóa Pháp nên nói ngôn ngữ đó thông thạo như tiếng mẹ đẻ. Tôi kết giao một mối thân tình với hai vị giáo sĩ đó khi tôi ở ngôi nhà dành cho giáo sĩ Ba-lan.

Tôi cảm thấy rất thân cận với Đức Hồng Y người Pháp là Gabriel-Marie Garonne. Ngài lớn hơn tôi hai mươi tuổi. Ngài đối xử với tôi một cách thân tình, có thể nói được là trong tình bạn. Ngài được cất nhắc lên tước vị hồng y đồng thời với tôi và sau Công Đồng, ngài trở thành tổng trưởng Bộ Giáo Dục Công Giáo. Hình như ngài cũng đã tham dự Mật nghị Hồng Y.

Một giáo sĩ người Pháp khác mà tôi đã có những liên hệ thân tình, đó là thần học gia Dòng tên Henri de Lubac mà chính tôi đã cất nhắc lên tước vị hồng y nhiều năm sau đó. Công Đồng là thời gian ưu đãi để làm quen với các giám mục và những thần học gia, đặc biệt ở trong những ủy ban khác nhau.

Khi đề cập tới sơ đồ 13 (về sau trở thành Tông Hiến về Giáo Hội trong thế giới ngày nay “Gaudium et spesVui Mầng và Hy Vọng”) và khi nói về nhân cách, cha de Lubac đến gặp tôi và nói: “Vâng, vâng, vâng, theo chiều hướng đó.” Ngài đã khích lệ tôi như thế và chính đó là một việc đặc biệt quan trọng đối với tôi, bởi vì tôi tương đối còn trẻ.

Tôi còn liên kết tình bạn với các giáo sĩ người Đức. Với Đức Hồng Y Alfred Bengsch, trẻ hơn tôi một tuổi. Với những Đức Hồng Y Joseph Hoffner ở Cologne, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger – tất cả các ngài là những giáo sĩ đã được chuẩn bị về thần học một cách đặc biệt.

Cách riêng tôi nhớ tới Giáo Sư Ratzinger, lúc bấy giờ rất trẻ. Trong tư cách chuyên viên thần học, ngài đã tháp tùng Đức Hồng Y Joseph Frings, tổng giám mục Cologne, tham dự Công Đồng. Sau đó ngài được bổ nhiệm tổng giám mục Munich bởi Đức Phao-lồ VI là vị đã cất nhắc ngài lên tước vị hồng y.

Ngài đã hiện diện trong Mật Nghị Hồng Y giao phó cho tôi mục vụ của ngai tòa Thánh Phê-rô. Khi Đức Hồng Y Franjo Seper qua đời, tôi đã xin ngài kế tục đảm nhận trọng trách tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Tôi cảm tạ Chúa về sự góp mặt và giúp đỡ của Đức Hồng Y Ratzinger. Ngài là một người bạn rất đáng tin cậy.

Buồn thay! Chỉ còn sống sót trên cõi đời nầy một số ít giám mục và hồng y đã tham dự Công Đồng Vatican II (11 tháng 10 năm 1962 – 8 tháng 12 năm 1965). Đó là một biến cố đặc biệt thuộc về Giáo Hội và tôi cảm tạ Chúa đã cho tôi tham dự từ ngày đầu cho đến ngày cuối.

 

6.- Hồng Y Đoàn

Theo một nghĩa nào đó, trung tâm điểm của Hội Đồng Giám Mục Thế Giới là Hồng Y Đoàn bao quanh Đấng Kế Vị Thánh Phê-rô và nâng đỡ ngài trong chứng tá đức tin trước toàn thể Giáo Hội. Tôi đã được ghi danh vào Hồng Y Đoàn năm 1967.

Đặc biệt Hội Nghị Hồng Y thể hiện nguyên tắc hợp tác và củng cố hỗ tương trong đức tin mà trên đó được xây dựng toàn bộ công tác thừa sai của Giáo Hội. Sứ vụ của Thánh Phê-rô đã được Chúa Giêsu phân định như sau: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32).

Ngay từ những thế kỷ đầu, các Đấng Kế Vị Thánh Phê-rô tìm sự cộng tác của giám mục đoàn, linh mục đoàn và phó tế đoàn. Họ chịu trách nhiệm với các ngài trong kinh thành Roma và các giáo phận lân cận (được gọi là “các giáo phận quanh Roma”). Người ta bắt đầu gọi họ là “viri cardinales”.

Dĩ nhiên, qua các thế kỷ, những hình thức của một sự hợp tác như thế đã được biến đổi. Nhưng ý nghĩa chủ yếu – một biểu tượng đối với Giáo Hội và đối với thế giới – thì không thay đổi.

Bởi vì trách nhiệm mục vụ của Đấng Kế Vị Thánh Phê-rô trải dài trên khắp thế giới, do đó dần dần xuất hiện đúng lúc trong thế giới Kitô giáo, những “viri cardinales”. Họ đã trở nên thân cận với Đấng Kế Vị Thánh Phê-rô với trách nhiệm và sự kiện luôn sẵn sàng để làm chứng tá cho đức tin kể cả việc phải đổ máu ra, nếu cần. (Chính vì thế áo các ngài nhuộm màu đỏ, như máu các thánh tử đạo).

Tôi cảm tạ Chúa về sự hỗ trợ như thế và về sự chia sẻ trách nhiệm trong việc quản trị Giáo Hội mà các Đức Hồng Y thuộc giáo triều Roma và trên thế giới đã cống hiến cho tôi một cách độ lượng.

Khi các ngài càng sẵn sàng để hỗ trợ cho kẻ khác thì các ngài càng làm vững mạnh niềm tin của họ và do đó, các ngài cũng có thể đương đầu với trách nhiệm lớn lao trong việc lựa chọn Đấng sẽ đảm nhận Trọng Trách của Thánh Phê-rô, được thể hiện dưới tác động của Chúa Thánh Linh.

 

7.- Các hội nghị giám mục

Cuộc đời giám mục của tôi trong thực tế đã bắt đầu với việc công bố việc triệu tập Công Đồng. Như đã biết, thể chế hội nghị giám mục thế giới được thiết lập bởi Đức Thánh Cha Phao-lồ VI ngày 15 tháng 9 năm 1965, là thành quả của Công Đồng. Trải qua nhiều năm, nhiều hội nghị khác cũng được thực hiện. Vị tổng thư ký được giao phó một trọng trách lớn để đặc trách những hội nghị đó.

Trước tiên là Đức Hồng Y Wladyslaw Rubin mà những tang thương ngài phải trải qua trong cuộc thế chiến đã kết thúc ở Roma là nơi ngài đã tới đó qua ngã Liban. Đức Phao-lồ VI đã giao cho ngài việc thành lập văn phòng tổng thư ký. Đó không phải là một công việc dễ dàng.

Tôi đã tìm cách hỗ trợ ngài, trong khả năng có thể được, nhất là bằng việc đưa ra nhiều ý kiến hữu ích. Về sau, nhiệm vụ của ngài được đảm trách bởi Đức Hồng Y Josef Tomko là người được Đức Hồng Y Jan Pieter Schotte kế tục.

Như tôi đã nói, những hội nghị thì nhiều. Ngoài những hội nghị diễn ra dưới triều đại của Đức Thánh Cha Phao-lồ VI, còn có những hội nghị về gia đình, bí tích hòa giải và thống hối, vai trò giáo dân trong đời sống Giáo Hội, việc đào tạo linh mục, đời sống thánh hiến, giám mục đoàn. Ngoài ra còn có những hội nghị có tính cách đặc biệt: hội nghị nước Hòa Lan, hội nghị kỷ niệm hai mươi năm bế mạc Công Đồng II và hội nghị đặc biệt về Liban.

Cũng có những hội nghị mang tính cách lục địa: những hội nghị giám mục Phi châu, Mỹ châu, Á châu, Đại Dương châu và hai hội nghị giám mục Âu châu. Mục đích nhắm tới là xuyên qua mọi lục địa trước thiên niên kỷ, để Giáo Hội hiểu rõ hơn bằng cách nắm bắt được những vấn nạn ngõ hầu chuẩn bị cho năm thánh 2000. Chương trình đó đã được thực hiện. Giờ đây phải nghĩ tới hội nghị mới với chủ đề bí tích Thánh Thể. 

Trong đời sống giám mục của tôi, tôi đã có cơ hội tiếp cận với kinh nghiệm hội nghị: quả thật đã có hội nghị rất quan trọng của tổng giáo phận Cracovie, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm chín trăm năm ngày sinh nhật Thánh Stanislas. Hiển nhiên đó là một hội nghị hoàn toàn có tính cách giáo phận. Hội nghị đó đã không diễn ra trong viễn kiến của Giáo Hội hoàn vũ, nhưng nằm trong viễn tượng khiêm tốn hơn của Giáo Hội địa phương.

Dẫu thế, một hội nghị giáo phận vẫn có tầm mức quan trọng đáng kể đối với một cộng đoàn tín hữu khi hằng ngày phải trải qua những vấn nạn như nhau, gắn liền với việc thực hành đức tin trong những hoàn cảnh xã hội và chính trị rõ rệt.

Công việc của hội nghị Cracovie nhằm hội nhập vào đời sống cộng đoàn địa phương những điều mà Công Đồng đã nói tới. Tôi đã lập chương trình cho hội nghị đó vào những năm 1972-1979, bởi vì Thánh Stanislas – như tôi đã nói – là giám mục từ 1072 đến 1079. Tôi muốn làm sống lại những năm tháng đó chín trăm năm sau.

Kinh nghiệm quan trọng nhất là công việc của những nhóm hội nghị rất đa dạng và đầy cam kết. Đó là một hội nghị mục vụ đích thực: hết thảy các giám mục, linh mục và giáo dân cùng sát cánh làm việc bên nhau. Tôi đã kết thúc hội nghị đó trong tư cách giáo hoàng, nhân cuộc thăm viếng Ba-lan đầu tiên của tôi.

 

8.- Cuộc Tĩnh Tâm đối với giáo triều Roma, trong triều đại Đức Giáo Hoàng Phao-lồ VI 

Tôi không bao giờ quên được cuộc Tĩnh Tâm thật đặc biệt đó. Từ cuộc Tĩnh Tâm như thế nảy sinh một sự thực tập là quà tặng lớn lao của Chúa đối với những ai thực hành được. Đó là thời gian người ta buông bỏ những điều còn lại để gặp gỡ Chúa và bắt đầu lắng nghe một mình Ngài.

Chắc chắn điều đó tạo nên cơ hội hữu ích đặc biệt đối với những “người cấm phòng”. Chính vì thế mà người ta không nên làm áp lực trên người đó, nhưng nên đánh thức ở nơi họ một sự ao ước ở bên trong có được một kinh nghiệm như vậy.

Thật vậy, đôi khi người ta có thể nói với một người nào đó: “Hãy đến nhà dòng Camaldoli hay nhà dòng Biển Đức ở Tyniec, để gặp lại chính mình”. Nhưng theo nguyên tắc một sự tiến hành như thế phải là thành quả của sự ước muốn nội tâm.

Giáo Hội trong tư cách là một định chế, khuyên bảo các linh mục một cách đặc biệt nên có những cuộc tĩnh tâm (Giáo Luật, điều 276, tiết 2, mục 4). Nhưng qui phạm giáo luật chỉ là một yếu tố thêm vào sự ao ước phát xuất từ trong con tim.

Tôi đã nhắc lại là nhiều lần chính tôi đã có những cuộc tĩnh tâm ở đan viện Biển Đức Tyniec. Nhưng tôi cũng năng lui tới nhà dòng Camaldoli ở Bielany, chủng viện Cracovie và Zakopane. Từ khi tôi ở Roma, tôi đã tham dự cuộc Tĩnh Tâm với giáo triều trong tuần lễ đầu Mùa Chay.

Trong những năm gần đây, những cuộc Tĩnh Tâm đó luôn được hướng dẫn bởi những vị thuyết giảng khác nhau. Nhiều vị thật đáng khâm phục về phương diện hình thức lẫn nội dung, đôi khi cả vì sự khôi hài của họ.

Chẳng hạn đó là trường hợp cha Dòng Tên Tomas Spidlik, người Tiệp Khắc. Chúng tôi đã cười rất nhiều qua những bài thuyết trình của ngài và điều đó cũng hữu ích cho chúng tôi nữa. Ngài đã biết trình bày với một tinh thần dí dỏm những chân lý sâu sắc và như thế, ngài đã biểu lộ một tài năng vĩ đại.

Những cuộc Tĩnh Tâm đó đã trở lại trong ký ức tôi khi tôi trao mũ hồng y cho cha Spididlik trong thượng hội nghị hồng y sau cùng.

Những vị thuyết giảng thì đa dạng và thông thường thật ưu tú. Chính tôi đã mời Đức Cha Ablewicz và đó là vị giáo sĩ Ba-Lan duy nhất, ngoài tôi ra, đã đến thuyết giảng Tĩnh Tâm ở Vatican.

Riêng cá nhân tôi đã thuyết giảng Tĩnh Tâm ở Vatican trước Đức Phao-lồ VI và các cộng sự viên của ngài. Có một vấn đề khi chuẩn bị. Đầu tháng 2 năm 1976, Đức Cha Wladyslaw Rubin đã gọi điện thoại cho tôi báo tin là Đức Thánh Cha Phao-lồ VI xin tôi giảng Tĩnh Tâm vào tháng 3. Như vậy chỉ còn hai mươi ngày để tôi soạn bài giảng và chuyển dịch. 

Tựa đề mà tôi đưa ra cho những buổi suy tư đó là: “Biểu Tượng của sự Mâu Thuẫn”. Tựa đề đó không được đề nghị nhưng đã xuất hiện sau cùng, như là tổng hợp những gì mà tôi có ý muốn trình bày. Sự thật đó không phải là một chủ đề, nhưng theo một ý nghĩa, đó là lời chủ yếu mà hội tụ về đó những gì tôi đã trình bày trong những bài thuyết giảng khác nhau. 

Tôi nhớ lại những ngày đã dành ra để soạn thảo. Có hai mươi đề tài để chuẩn bị. Tôi phải xác định những đề tài đó và soạn thảo một mình. Để có sự yên tĩnh cần thiết, tôi đi tới miền Zakopane, ngụ tại nhà dòng các nữ tu Thánh Ursula (Ursulines), mặc tu phục màu xám ở Jaszczurówska. Tôi đã viết những bài suy niệm cho đến trưa, đi trượt tuyết ban chiều và buối tối tiếp tục viết nữa.

Cuộc gặp gỡ đó với Đức Phao-lồ VI trong bối cảnh cuộc Tĩnh Tâm, thật đặc biệt quan trọng đối với tôi, bởi vì làm cho tôi ý thức về sự nhanh nhẹn cần thiết phải có đối với giám mục khi nói về đức tin của mình ở nơi nào mà Chúa đòi hỏi phải làm. Về điều đó, hết mọi giám mục cần phải có, ngay cả Đấng Kế Vị Thánh Phê-rô, như Đức Phao-lồ VI lúc bấy giờ đã cần đến sự sẵn sàng của tôi.

 

9.- Việc thực thi Công Đồng

Công Đồng là một biến cố lớn lao và đối với tôi, là một kinh nghiệm khó quên. Từ Công Đồng trở về, tôi được phong phú thêm lên. Một khi về lại Ba-lan, tôi đã viết một quyển sách trong đó tôi trình bày những hướng đi đã chín mùi trong tôi qua những khóa họp Công Đồng.

Qua các trang giấy, có thể nói được tôi đã tìm cách đúc kết nội dung những giáo huấn của Công Đồng và tôi đã lấy tựa đề: “Nguồn Gốc của sự Đổi Mới. Nghiên Cứu về sự Thực Thi Công Đồng Vatican II”. Sách đó đã được xuất bản ở Cracovie năm 1972 bởi Hiệp Hội Thần Học Ba-lan (PTT).

Sách đó cũng muốn trình bày như một lời cảm tạ đối với những gì mà ân sủng Chúa, qua sự nhóm họp của Công Đồng, đã tác dụng trên cá nhân tôi, trong tư cách giám mục. Quả thật, Công Đồng Vatican II đã thảo luận một cách đặc biệt những nghĩa vụ giám mục.

Công Đồng Vatican I đã bàn luận về quyền tối cao của giáo hoàng. Đặc biệt Công Đồng Vatican II dừng lại nơi các giám mục. Để nhận ra điều đó, chỉ cần có trong tay những văn kiện Công Đồng, nhất là Tông Hiến Tín Lý “Lumen gentium” (“Ánh sáng muôn dân”).

Giáo huấn thâm sâu của Công Đồng đối với giám mục đoàn dựa trên sự qui chiếu về ba chức năng (munus) của Chúa Kitô: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Tông Hiến “Lumen gentium” (“Ánh sáng muôn dân”) đề cập đến điều đó ở những số 24-27.

Nhưng những văn bản khác của Công Đồng cũng qui chiếu về ba chức năng (“tria munera”) nói trên, trong đó nên chú ý đặc biệt đến sắc lệnh “Christus Dominus” (“Chúa Kitô”) làm nổi bật một cách chính xác trách nhiệm mục vụ của các giám mục.

Khi tôi từ Roma về lại Ba-lan, đã bùng nổ vấn đề liên quan đến thông điệp thời danh của các giám mục Ba-lan gởi cho các giám mục Đức quốc. Trong thông điệp đó, các giám mục Ba-lan tuyên bố đồng ý tha thứ, nhân danh đồng bào của mình, về những điều thiệt hại phải chịu do quân đội Đức Quốc Xã gây nên, trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Cùng một trật, các ngài xin tha thứ về những lỗi lầm mà quân đội Ba-lan đã vi phạm đối với dân chúng Đức quốc.

Tiếc thay! Thông điệp đó đã gây ra nhiều cuộc bút chiến, nhiều điều ngộ nhận, nhiều điều vu khống. Cử chỉ hòa giải đó mà trong thực tế đã có tính cách quyết định, như đã tỏ lộ thời gian sau đó, nhằm bình thường hóa những mối quan hệ giữa dân chúng Đức quốc và Ba-lan, đã làm phật ý chính quyền Cộng Sản rất nhiều.

Hậu quả là họ trở nên cứng rắn đối với Giáo Hội. Điều đó không tạo thành bối cảnh tốt đẹp nhất cho những cuộc lễ lạt mừng ngàn năm Ba-lan được nhận lãnh bí tích thánh tẩy bắt đầu ở Gniezno vào tháng tư năm 1966.

Ở Cracovie, những lễ lạt đã xảy ra vào dịp lễ kính thánh Stanislas ngày 8 tháng 5. Ngay hôm nay đây, còn sống động trong ký ức tôi hình ảnh đoàn lũ dân chúng đông đảo đi kiệu từ Wawel đến Skalka. Chính quyền không dám quấy rối đám người đông đảo và kỷ luật đó.

Trong những cuộc lễ lạt mừng ngàn năm đó, những sự căng thẳng gây nên bởi thông điệp của các giám mục được giảm bớt và hầu như biến mất và người ta có thể theo đuổi việc giảng dạy môn giáo lý thích hợp dựa trên ý nghĩa ngàn năm đón nhận Tin Mừng trong đời sống quốc gia.

Thông thường cuộc rước kiệu “Mình Thánh Chúa” (“Corpus Domini”) hằng năm là một cơ hội tốt đẹp để rao giảng. Trước thế chiến, cuộc rước kiệu trọng thể để tôn vinh Mình Máu Thánh Chúa Kitô khởi hành từ nhà thờ chính tòa Wawel và đi đến Rynek Glówny, ngang qua những đường sá và công viên trong thành phố.

Trong thời gian chiếm đóng, viên toàn quyền người Đức là Hans Frank đã cấm cuộc rước kiệu như thế. Về sau, vào thời Cộng Sản, chính quyền chấp nhận một cuộc rước kiệu ngắn hơn: từ nhà thờ chính tòa Wawel cho tới sân gần nhất của lâu đài hoàng gia.

Chỉ vào năm 1971 cuộc rước kiệu mới có thể đi qua bên kia đồi Wawel như trước. Bấy giờ tôi tìm cách sắp xếp những đề tài suy niệm ở mỗi bàn thờ khác nhau trên hành trình rước kiệu, làm thế nào để có thể trình bày trong bối cảnh giáo lý về Phép Thánh Thể, những khía cạnh khác nhau của chủ đề lớn lao về “tự do tôn giáo” rất thời sự vào thời điểm đó.

Trong những mô hình khác nhau của việc sùng kính đạo đức có tính cách bình dân đó, tôi thiết tưởng được ẩn tàng một câu trả lời cho một vấn nạn đôi khi được phơi bày ra ánh sáng liên quan đến ý nghĩa của truyền thống được thể hiện qua những cuộc biểu dương, cho dẫu trên bình diện địa phương. Tựu trung, câu trả lời khá đơn giản: sự hòa điệu giữa các con tim tạo nên một sức mạnh.

Đâm rễ sâu trong những gì là cổ kính, hùng dũng, sâu sắc và cùng một trật, rất thân thiết trong con tim, sẽ tạo nên một sức mạnh nội tâm phi thường. Nếu sự đâm rễ sâu đó cũng gắn liền với mãnh lực táo bạo của trí tưởng tượng và tư duy con người, không còn lý do gì để phải lo sợ cho tiền đồ đức tin và những tương giao giữa con người với con người trong lòng dân tộc.

Chính ở trong sự phong phú của truyền thống mà nền “văn hóa” thực sự được vun bồi để củng cố mối thân tình giữa các công dân và cho phép họ có ý thức là mình thuộc về một đại gia đình để chống đỡ và tăng cường cho niềm xác tín của mình.

Đặc biệt ngày nay, trách nhiệm lớn nhất của chúng ta, trong lãnh vực toàn cầu hóa, bao gồm việc phát huy những truyền thống lành mạnh, nâng đỡ lòng dũng cảm của quần chúng trong vấn đề tư duy, một viễn kiến hướng về tương lai, cũng như lòng kính trọng và quí mến đối với những gì thuộc về quá khứ.

Chính quá khứ được tiếp nối trong con tim người đời qua những ngôn từ của người xưa, những ký hiệu thời cổ, những hoài niệm và tập quán kế thừa từ nhiều thế hệ đã qua.

 

10.- Các giám mục Ba-lan

Trong thời gian tôi thi hành mục vụ ở Cracovie, những mối liên hệ thân tình đã nối kết tôi với các giám mục ở Gorzów. Đó là ba đức cha: Wilhelm Pluta, Jerzy StrokaIgnacy Jez. Tôi xem các ngài như những bạn hữu chân tình. Chính vì thế tôi đã đi tìm gặp các ngài, ngay cả ngoài những vấn đề liên quan đến việc phục vụ. 

Với Đức Cha Stroka, chúng tôi đã quen biết nhau trong thời gian còn ở Cracovie khi ngài làm giám đốc chủng viện Silésie. Trong chủng viện đó, chính tôi là giáo sư: tôi dạy đạo đức học, thần học luân lý căn bản và luân lý xã hội.

Với ba vị tôi vừa nhắc đến, Đức Cha Ignacy Jez hiện đang còn sống. Ngài có tài thiên phú về tính hài hước: ngài biết phát biểu bằng cách nói khôi hài, chẳng hạn như về tên của ngài là Jez (trong ngôn ngữ Ba-lan tiếng đó có nghĩa là “cái vòng” hay “tóc xoắn”).

Với tư cách là giám mục thường trú, ở trong tổng giáo phận của tôi, tôi có vài giám mục phụ tá như các Đức Cha Julian Groblicki, Jan Pietraszko, Stanislaw SmolenskiAlbin Malysiak. Chính tôi đã tấn phong hai vị sau nầy.

Tôi rất thích Đức Cha Albin vì tính năng động của ngài. Tôi còn nhớ đến ngài khi ngài còn là cha xứ Nowa Wies, một trong những khu vực ở Cracovie. Đôi khi tôi thích gọi ngài bằng biệt danh là “Albin nhiệt tình”

Đức Giám Mục Jan Pietraszko là một nhà thuyết giảng tuyệt vời, một người làm cho cử tọa hứng khởi. Đức Hồng Y Franciszek Macharski, người kế vị tôi ở Cracovie, đã khởi động vụ án phong thánh cho ngài năm 1994. Vụ án đó giờ đây đang ở giai đoạn cứu xét tại Roma.

Tôi cũng nhớ rất rõ hai vị giám mục phụ tá kia: trong nhiều năm, chúng tôi đã tìm cách cùng nhau phục vụ Giáo Hội thân yêu Cracovie của chúng tôi, trong tinh thần hiệp thông huynh đệ.

Trong thành phố lân cận là Tarnów, có Đức Cha Jerzy Ablewicz mà tôi đã nhắc đến. Tôi đến thăm ngài thường xuyên: thật ra chúng tôi sinh cùng thời – ngài chỉ hơn tôi một tuổi.

Đức Giám Mục ở Czestochowa – Đức Cha Stefan Barela, luôn đối xứ với tôi rất thân tình. Trong bài giảng Thánh Lễ kỷ niệm hai mươi lăm năm phong chức linh mục của tôi, tôi đã nói:

Chức vụ giám mục như một khám phá bổ túc, một khám phá mới về chức linh mục. Tuy nhiên điều khám phá mới đó cũng được thực hiện trên căn bản cùng một tiêu chuẩn: trước tiên người ta phải hướng về Chúa Kitô, Mục Tử độc nhất và Giám Mục của mọi tâm hồn và cũng hướng về Chúa Kitô một cách thâm sâu hơn, hăng say hơn và đòi hỏi hơn.



Điều đó thực hiện được bằng cách hướng đến các linh hồn, những linh hồn bất tử, được chuộc lại bằng giá Máu Chúa Kitô. Hướng về các linh hồn có thể không có tính cách tức thời như trong công việc hằng ngày của một linh mục trong giáo xứ – cha chánh xứ hay cha phó xứ. Ngược lại, đó là một tầm nhìn rộng lớn hơn, bởi vì trước mặt giám mục mở ra cộng đồng Giáo Hội toàn vẹn.

Trong lương tâm chúng tôi là những giám mục của Công Đồng Vatican II, Giáo Hội là nơi gặp gỡ của toàn thể gia đình nhân loại, là nơi hòa giải, xích lại gần nhau bất chấp mọi trở ngại, xích lại gần nhau bằng đối thoại, xích lại gần nhau bằng cái giá của sự đau khổ.

Có thể điều đó đúng với chúng tôi – những giám mục Ba-lan thời đại Công Đồng Vatican II – chúng tôi phải trả giá bằng sự đau khổ hơn là qua việc đối thoại

(Kalendarium Zycia Karola Wojtyly, Cracovie 1983, tr. 335-336).

Chính ở Silésie mà Đức Cha Hertbert Bednorz thi hành mục vụ và trước ngài có Đức Cha Stanislaw Adamski. Đức Cha Bednorz được bổ nhiệm làm giám mục phó. Khi tôi được bổ nhiệm tổng giám mục, tôi đã đi thăm hết các giám mục trong tổng giáo phận và cũng vì vậy tôi đã đến Katowice ra mắt Đức Cha Adamski. Cùng ở với ngài có các Đức Cha Julian BieniekJósef Kurpas.

Chúng tôi với các giám mục ở Silésie rất thông hiểu nhau. Tôi gặp gỡ các ngài thường xuyên vào Chúa nhật cuối cùng của tháng năm tại nguyện đường Đức Bà Piekary. Nhà thờ chính tòa tại đây được thiết lập vào thế kỷ XVII là một nơi sùng kính Đức Trinh Vương Maria, Mẹ Công Chính và Tình Thương.

Tại nguyện đường Đức Bà Piekary chính vào ngày đó, tuôn về những đoàn người hành hương thuộc nam giới. Đức Cha Bednorz thường mời tôi thuyết giảng. Chúa nhật cuối tháng năm tạo nên môt biến cố đặc biệt: đó là cuộc hành hương của những công nhân mỏ. Họ biểu thị một chứng tá khác thường trong nước Cộng Hòa Nhân Dân Ba-lan. 

Những người tham dự nghe giảng thường kèm theo những tràng pháo tay nổ dòn khi nghe những điều trình bày tỏ rõ sự đối kháng về những đường hướng đang bàn cãi nằm trong chính sách chính phủ đang theo đuổi, liên quan đến vấn đề tôn giáo hay phong hóa, chẳng hạn việc nghỉ ngơi vào Chúa nhật. Về vấn đề đó, ở Silésie, một câu nói của Đức Cha Bednorz đã trở thành châm ngôn đối với dân chúng: “Chúa nhật thuộc về Thiên Chúa và thuộc về chúng ta nữa.”

Sau Thánh Lễ, Đức Cha Bednorz thường có thói quen ngõ lời với tôi như sau: “Vậy thì chúng con đợi tới năm sau để nghe một bài giảng khác tương tự.” Đối với tôi, dân chúng ở Piekary đã nêu lên một chứng tá tuyệt vời bằng cuộc hành hương vĩ đại của họ. Tự bản chất chứng tá đó nói lên điều gì đặc biệt khác thường.

Chiếm một chỗ rất đặc biệt trong quả tim của tôi, đó là Đức Hồng Y Andrzej Maria Deskur, hiện nay là chủ tịch danh dự Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội. Tôi đã cất nhắc ngài lên tước vị hồng y ngày 25 tháng 5 năm 1985. Kể từ lúc khởi đầu triều đại giáo hoàng của tôi, ngài luôn hỗ trợ tôi rất nhiều, đặc biệt qua những đau khổ cũng như những ý kiến chỉ bảo của ngài.

Trong khi nhắc tới các giám mục, tôi không thể không trưng dẫn Thánh bổn mạng của tôi là Thánh Charles Borromée. Khi tôi nhớ tới khuôn mặt của ngài, tôi bị xúc động bởi sự trùng hợp do những biến cố và mục vụ.

Ngài là giám mục Milan vào thế lỷ XVI, vào thời kỳ Công Đồng Trente. Còn tôi, Chúa đã ban ơn cho tôi làm giám mục thế kỷ XX và đúng vào Công Đồng Vatican II. Với tất cả hai, chúng tôi được trao phó cũng một sứ vụ: việc thực thi công đồng.

Tôi có thể nói được, suốt những năm triều đại giáo hoàng của tôi, việc thực thi công đồng luôn ở hàng đầu trong tâm tưởng của tôi. Tôi luôn kinh ngạc về sự trùng hợp đó và cảm thấy thích thú bởi sự dấn thân dũng cảm của vị thánh đó: Sau công đồng, Thánh Charles hiến trọn cuộc đời giám mục cho những cuộc thăm viếng mục vụ trong giáo phận ngài, lúc bấy giờ có khoảng tám trăm giáo xứ.

Tổng giáo phận Cracovie trước đây nhỏ hơn, tuy nhiên tôi không thể thực hiện hết các cuộc thăm viếng đã được bắt đầu. Giáo phận Roma hiện nay được giao phó cho tôi cũng lớn nữa: có 333 giáo xứ. Cho tới nay tôi đã thăm viếng 317 giáo xứ. Như vậy còn lại 16 giáo xứ phải thăm viếng.



CHƯƠNG VI: THIÊN CHÚA VÀ LÒNG CAN ĐẢM
Nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 7) 

1.- Mạnh mẽ trong đức tin

Tôi còn ghi khắc trong ký ức tôi những lời nói của Đức Hồng Y Stefan Wyszynski ngày 11 tháng 5 năm 1946: “Làm giám mục là mang lên mình cái gì có quan hệ với thánh giá, bởi vì Giáo Hội đặt để thánh giá trên ngực giám mục. Trên thánh giá, phải chết cho chính bản thân mình; nếu không như thế thì không có sự viên mãn của chức tư tế. Vác thánh giá lên mình không phải dễ dàng, cho dẫu thánh giá được làm bằng vàng và được nạm ngọc.”

Mười năm sau, ngày 16 tháng 3 năm 1956, Đức Hồng Y còn nói: “Giám mục có bổn phận phải hành động, không những bằng lời nói, bằng phụng vụ, mà còn bằng việc chấp nhận đau khổ nữa.”

Đức Hồng Y Wyszynski đã trở lại với những tư tưởng đó vào một dịp khác. Ngài nói: “Đối với một giám mục, thiếu dũng cảm là khởi đầu của sự thất bại. Ngài có thể tiếp tục là tông đồ không? Bởi vì đối với một tông đồ, làm chứng cho chân lý là điều thiết yếu. Và điều đó luôn đòi buộc sự dũng cảm.” (Zapiski wiezienne, Paris, 1982, tr. 251).

Những lời nói sau đây cũng của ngài nữa:

Nhược điểm lớn nhất của tông đồ là sự sợ hãi. Đó là sự yếu kém về đức tin trong quyền lực của Thầy Chí Thánh. Chính sự yếu kém đó đánh thức dậy sự sợ hãi. Và sự sợ hãi bức bách con tim cùng bóp nghẹt cổ họng. Lúc bấy giờ tông đồ không còn tuyên xưng đức tin nữa. Họ còn là tông đồ không?



Những tông đồ rời bỏ Thầy mình khiến các tên đao phủ bạo dạn thêm lên. Người nào im hơi lặng tiếng khi đối diện với kẻ địch thù vì một lý do nào đó thì làm cho kẻ thù địch mạnh dạn thêm lên. Sự sợ hãi của tông đồ là đồng minh trước tiên đối với những kẻ thù nghịch. Công việc hàng đầu nằm trong sách lược của những kẻ nghịch đạo là ‘bằng sự sợ hãi, bắt buộc người ta phải im hơi lặng tiếng’.

Sự khủng bố mà hết mọi chính thể độc tài sử dụng được đo lường bằng sự sợ hãi của các tông đồ. Sự im lặng chỉ mang tính cách nghĩa khí tông đồ khi không xoay mặt đi trước kẻ vả mình. Đó là điều mà Chúa Kitô đã làm khi Ngài im lặng. Nhưng qua dấu chỉ đó, Ngài chứng tỏ sức mạnh của Ngài. Chúa Kitô không để cho người khác làm Ngài khiếp sợ. Sau khi đi ra giữa đám đông, Ngài đã dũng cảm nói với họ: ‘Chính tôi đây’.”

(Tài liệu đã trích dẫn, tr. 94).

Quả thật, người ta không thể xây lưng lại với chân lý, cũng không thể ngưng loan báo hay che giấu, ngay cả đối với chân lý khó khăn mà sự biểu lộ kèm theo một sự đau khổ lớn lao. “Các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Gio 8, 32) – đó là trách nhiệm của chúng ta và cũng một trật là điểm tựa của chúng ta!

Như thế, không có khoảng trống dành cho việc đành phải làm theo, cũng không có phương sách cơ hội chủ nghĩa thuộc cách xử sự khôn khéo của người đời. Phải làm chứng tá cho chân lý, ngay cả phải trả giá bằng việc bị bắt bớ, cho đến phải đổ máu mình ra, như chính Chúa Kitô đã làm và giám mục Stanislas ở Szczepanów là một trong những vị tiền nhiệm của tôi đã làm trong thời đại của ngài. 

Chắc chắn chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách. Không có gì lạ thường hết. Điều đó thuộc về đời sống đức tin. Ở trong vài trường hợp, những thử thách chỉ nhẹ nhàng, ở những trường hợp khác thì khó khăn hơn nhiều và ngay cả bi đát nữa.

Trong những thử thách, chúng ta cảm thấy đơn độc, nhưng không bao giờ ân sủng của Chúa bỏ rơi chúng ta, ân sủng của một đức tin chiến thắng. Chính vì thế, chúng ta có thể cương quyết dự kiến vượt lên trên mọi thử thách một cách khải hoàn, ngay cả những thử thách cam go nhất.

Vào năm 1987, ở Westerplatte thuộc Gdansk, khi đề cập đến điều đó với giới trẻ Ba-lan, tôi đã nhắc tới nơi chốn đó như là một biểu tượng hùng hồn của lòng trung tín trong thời điểm bi thương. (Westerplatte là một bán đảo ở về phía bắc thành phố lịch sử Gdansk độ 7 cây số.) 

Chính ở nơi đó, vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, một nhóm binh sĩ trẻ tuổi người Ba-lan gồm 180 người, trong khi chiến đấu chống lại tàu thiết giáp của quân đội xâm lăng Đức quốc xã là Schleswig-Holstein mà vũ lực và những phương tiện chiến đấu trổi vượt rõ rệt, đã đương đầu với thử thách vô bờ bến đó bằng cách cung hiến một chứng tá hiển hách của lòng quả cảm, kiên trì và trung tín. Trận đánh đó đã mở màn cho Đệ Nhị Thế Chiến.

Tôi đã dẫn chứng điều đó, bằng cách mời gọi trước tiên những người trẻ suy nghĩ chín chắn về tương quan giữa ‘sống hơn lên và ‘có nhiều hơn lên’, và tôi đã cảnh báo họ: “Đừng bao giờ chỉ nhằm thắng thế để ‘có được nhiều hơn’. Bởi vì lúc bấy giờ con người có thể đánh mất điều cao quí nhất: đó là tình nhân loại, lương tâm và phẩm cách của mình.”

Trong viễn tượng đó, tôi đã khuyến khích họ: “Chúng con phải yêu sách điều đó nơi chính bản thân chúng con, cho dẫu người khác không yêu sách chúng con điều đó.

Và tôi đã khai triển thêm: “Hởi các bạn trẻ, mỗi một người trong chúng con cũng phải tìm cho ra một ‘Westerplatte’ trong cuộc đời mình. Một chiều kích về những bổn phận phải đảm đương và phải chu toàn. Một lý do chính đáng mà người ta không thể không chiến đấu. Một bổn phận, một nghĩa vụ mà người ta không thể miễn trừ, không thể trốn tránh. Nói tóm lại, có một thứ tự thuộc những chân lý và những giá trị cần phải ‘duy trì’ và ‘bảo vệ’: ở trong mình và chung quanh mình. Vâng: phải bảo vệ cho mình và cho kẻ khác” (Ngày 12 tháng 7 năm 1987).

Con người luôn luôn cần những gương mẫu để bắt chước. Nhất là họ cần đến ngày nay, trong thời đại chúng ta đang bị lôi cuốn bởi biết bao sự xúi biểu thất thường và trái ngược.

 

2.- Các thánh ở Cracovie

Nhắc tới những gương mẫu nên bắt chước, không thể quên các thánh. Các thánh và các chân phước là quà tặng lớn lao biết bao đối với mỗi giáo phận! Tôi thiết nghĩ, đối với hết thảy các giám mục, thật cảm động lạ thường khi nêu lên gương mẫu những người nam và người nữ cụ thể, những người nổi bật bởi đức tính anh hùng, nuôi dưỡng bởi đức tin. Sự xúc động gia tăng khi những người đó đã sống những thời điểm gần gũi chúng ta.

Tôi vui mầng đã dấn thân vào những vụ án phong thánh cho những Kitô hữu lỗi lạc gắn liền với tổng giáo phận Cracovie. Tiếp theo sau đó, với tư cách là giám mục Roma, tôi đã có thể công bố những nhân đức anh hùng của họ và khi các vụ án đã hoàn tất, họ được ghi tên vào sổ bộ các chân phước và các thánh.

Trong thế chiến, khi tôi làm nhân công tại xưởng máy Solvay ở gần Lagiewniki, tôi nhớ lại đã nhiều lần đến bên phần mộ nữ tu Faustina, lúc bấy giờ chưa là chân phước. Tất cả những gì ở nơi chị thật đặc biệt, bởi vì không thể dự kiến nơi một thiếu nữ cũng  giản dị như chị. Làm sao lúc bấy giờ tôi có thể tưởng tượng được là tôi sẽ phong chân phước cho chị trước và rồi sau đó phong thánh nữa?

Sau khi vào tu ở một đan viện tại Varsovie, chị được chuyển về Vilnius và cuối cùng ở Cracovie. Vài năm trước thế chiến, chính chị đã có thị kiến về Chúa Giêsu nhân từ đã xin chị trở thành tông đồ đối với việc sùng kính lòng Thương Xót Chúa, nhằm phổ biến rộng rãi trong Giáo Hội.

Nữ tu Faustina qua đời năm 1938. Kể từ đó, khởi đầu từ Cracovie, việc sùng kính đó đã đi vào quỹ đạo lớn của những biến cố có tầm vóc quốc tế.

Khi trở thành tổng giám mục, tôi đã giao phó cho một linh mục là giáo sư Ignacy Rózycki xem xét những bản viết của chị. Ban đầu ngài từ khước. Rồi cuối cùng, ngài đã chấp nhận và nghiên cứu tường tận những tài liệu sẵn có. Sau cùng, ngài tuyên bố: “Đó là một nhà thần bí tuyệt diệu.

Sư huynh Alber – thầy Adam Chmielowski – đã chiếm một chỗ đặc biệt trong ký ức của tôi và hơn thế nữa, trong con tim của tôi. Thầy phải chiến đấu trong cuộc nổi loạn tháng giêng mà một viên đạn đã làm thầy bị thương nặng ở chân. Kể từ thời gian đó, thầy bị tàn phế và phải mang chân giả.

Đối với tôi, thầy là một khuôn mặt đáng kính phục. Tôi đã gắn bó với thầy rất nhiều về mặt tinh thần. Tôi đã viết một vở bi kịch về thầy với tựa đề “Sư huynh của Chúa”.

Nhân cách của thầy đã hấp dẫn tôi. Tôi thấy nơi thầy một gương mẫu thích hợp với tôi: thầy đã buông bỏ nghệ thuật để trở nên kẻ phục vụ những người nghèo – những “kẻ mặt mày lem luốc” như thời đó người ta thường gọi những người ăn xin. Tiểu sử của thầy đã giúp tôi rất nhiều trong việc từ bỏ nghệ thuật và kịch nghệ để vào tu học ở chủng viện.

Mỗi ngày tôi đều đọc Kinh Cầu các thánh của đất nước Ba-lan, trong đó cũng có ghi tên thánh Albert. Trong các thánh ở Cracovie, tôi cũng nhớ tới thánh Jacek Odrowaz là một vị thánh lớn của thành phố đó.

Thánh tích của ngài đặt để trong thánh đường các cha Đa-minh. Tôi rất năng đến nguyện đường đó. Thánh Jacek là một vị thừa sai vĩ đại: từ Gdansk, ngài đã di chuyển về hướng đông, cho tới Kiev.

Trong nhà thờ các cha dòng Phan-xi-cô, cũng có phần mộ chân phước Aniela Salawa, một gia nhân tầm thường. Tôi đã phong thánh ở Cracovie ngày 13 tháng 8 năm 1991. Cuộc đời của ngài là chứng cớ cho thấy công việc của một gia nhân, được hoàn tất trong tinh thần đức tin và hy sinh, có thể đưa tới sự thánh thiện. Tôi thường thăm viếng ngôi mộ của ngài.

Các thánh Cracovie, tôi xem các ngài như những vị bảo hộ tôi. Tôi có thể kể ra một danh sách thật dài: thánh Stanislas, thánh nữ hoàng Hedwig, thánh Gioan Katy, thánh Casimir hoàng tử của vua và những vị khác. Tôi tưởng tới các ngài và cầu xin các ngài cho đất nước tôi.



Các thánh nam nữ tử đạo

Lạy Thánh Giá Chúa Kitô, con xin tán tụng,



tán tụng Thánh Giá Ngài luôn mãi!

Từ Thánh Giá Chúa phát ra quyền năng và sức mạnh,

ở nơi Thánh Giá Chúa là sự chiến thắng.

(Krzyzu Chrystusa)

Tôi không bao giờ đeo thánh giá trên ngực một cách thờ ơ. Đó là một cử chỉ mà tôi thường kèm theo một lời cầu nguyện. Từ hơn bốn mươi lăm năm nay, thánh giá được để trên ngực tôi, bên cạnh quả tim tôi.

Yêu mến thánh giá có nghĩa là yêu mến sự hy sinh. Các thánh tử đạo là những mẫu mực đối với tình yêu đó, chẳng hạn Đức Cha Michal Kozal, được tấn phong giám mục ngày 15 tháng 8 năm 1939, hai tuần lễ trước khi Đệ Nhị Thế Chiến khai mào.

Ngài đã không bỏ rơi đoàn chiên của ngài trong cuộc xung đột, cho dẫu người ta có thể thấy trước cái giá mà ngài phải trả đối với điều đó. Ngài đã hy sinh mạng sống mình trong trại tập trung Dachau mà ở đó ngài đã trở thành mẫu mực và sự hỗ trợ tinh thần cho những linh mục bị làm tù binh như ngài.

Vào năm 1999, tôi đã có dịp phong thánh một trăm lẻ tám vị tử đạo là những nạn nhân của Đức Quốc Xã trong đó có ba giám mục: Đức Cha Antoni Julian Nowowiejski, tổng giám mục Plock, vị phụ tá của ngài là Đức Cha Leon Wetmanski và Đức Cha Wladyslaw Goral ở Lublin.

Cùng với các ngài cũng được nâng lên vinh dự bàn thờ những linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân. Một sự kết hợp như thế trong đức tin, trong yêu thương và trong sự tử đạo giữa những mục tử cùng đoàn chiên tề tựu xung quanh thánh giá Chúa Kitô thật có ý nghĩa đặc biệt.

Linh mục Ba-lan – Thánh Maximilien Kolbe – là một gương mẫu được nhiều người biết đến về sự hy sinh bởi tình yêu trong trại tập trung Auschwitz, tự hiến mạng sống mình cho một tù nhân khác mà ngài không quen biết. Tù nhân đó là một người cha gia đình.

Còn có các vị tử đạo khác, gần gũi chúng ta hơn trong thời gian. Tôi muốn gợi lại với nhiều xúc động những cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận. Trong năm thánh đáng ghi nhớ 2000, ngài đã giảng Tĩnh Tâm tại Vatican.

Khi cảm ơn ngài về những bài suy niệm, tôi đã nói: “Chính ngài là chứng nhân Thánh Giá trong những năm dài ngục tù ở Việt-nam. Ngài đã thường kể lại những sự kiện và những giai đoạn trong thời gian đau khổ của ngài ở trong nhà tù. Và như thế, ngài đã xác tín một cách thật an ủi rằng, khi tất cả đều sụp đổ chung quanh chúng ta và cũng có thể ở trong chúng ta nữa thì Chúa Kitô là nơi nương tựa bất diệt” (ngày 18 tháng 3 năm 2000).

 



tải về 0.91 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương