BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 21 tháng 02 năm 2014)


Hội An: Chống thất thu vé tham quan



tải về 204.85 Kb.
trang8/8
Chuyển đổi dữ liệu08.09.2017
Kích204.85 Kb.
#32989
1   2   3   4   5   6   7   8

Hội An: Chống thất thu vé tham quan


Từ ngày 1/3, Hội An bắt đầu triển khai, áp dụng các biện pháp quản lý, chống thất thu vé tham quan khu phố cổ Hội An.
Theo đó, Thành ủy Hội An vừa yêu cầu UBND thành phố Hội An, Trung tâm Văn hóa – Thông tin Hội An và các ngành chức năng tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ban đêm tại khu phố cổ. Thường xuyên thay đổi các hoạt động, hình thức trang trí nhằm luôn tạo sự mới lạ, hấp dẫn đối với du khách.
Từ ngày 1/3 sẽ bắt đầu triển khai các biện pháp tăng cường chống thất thu; đồng thời nâng cao hiệu quả việc tổ chức bán vé tham quan ban đêm. Theo Trung tâm Văn hóa – Thông tin Hội An thì sẽ có các hoạt động cụ thể như: Tăng cường cơ cấu các điểm, hoạt động tham quan vào vé tham quan cho phù hợp như các điểm tham quan đình Cẩm Phô, bảo tàng, di tích, các chương trình xem và tham gia hát bài chòi, xem và thả hoa đăng trên sông Hoài.
Tiếp tục thực hiện “Phố dành cho người đi bộ” và “Phố không động cơ” theo thời gian quy định nhưng nghiên cứu thực tế nhu cầu của du khách và điều kiện sinh hoạt của nhân dân trong KPC để điểu chỉnh tăng thời gian hoạt động vào ban đêm từ 30 phút đến 60 phút.
Tăng cường bố trí các điểm bán vé, điểm kiểm soát vé tại các tuyến đường vào phố cổ đảm bảo phù hợp để hạn chế tình trạng du khách vào phố cổ mà không có vé. Đổi mới công tác kiểm soát vé hiệu quả, văn minh, không tạo áp lực đối với du khách khi kiểm soát vé.
Trước mắt sẽ bố trí nguồn tăng thu vé tham quan năm 2013 để đầu tư và đưa vào hoạt động một số khu vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ du khách. Từ nay đến ngày 1/3, Hội An tăng cường bố trí điểm bán vé, kiểm soát vé tại các tuyến đường vào phố cổ đảm bảo phù hợp. Đồng thời chấn chỉnh tình trạng kinh doanh, buôn bán không đúng quy định tại các điểm tham quan di tích tư nhân; nghiêm cấm các loại xe đẩy kinh doanh hàng hóa trong khu phố cổ, sắp xếp trật tự kinh doanh buôn bán…
Được biết, trong những năm qua, nguồn thu từ vé tham quan khu phố cổ Hội An vẫn tăng đều qua các năm. Năm 2013 đạt 76,47 tỉ đồng, tăng 55,07% so với năm 2012 và tăng 86,51% so với năm 2011.
Tuy nhiên, nguồn thu từ vé tham quan trong thời gian qua chưa đạt so với yêu cầu, tỷ lệ thất thu còn lớn. Theo thống kê từ văn phòng hướng dẫn tham quan Hội An thì trong 6 tháng đầu năm 2013, phố cổ Hội An đón 722.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan nhưng chỉ có hơn 300 nghìn lượt khách mua vé tham quan khu phố cổ.
Nguyên nhân cơ bản là do công tác quản lý hoạt động hướng dẫn, bán vé tham quan còn chậm đổi mới, chưa theo kịp thực tế. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là do một số nội dung, chương trình hoạt động trong khu phố cổ chưa tạo được sự mới lạ, hấp dẫn.
Ngoài ra còn do sự thiếu hợp tác của một số doanh nghiệp hoạt động lữ hành, hướng dẫn tham quan. Một số doanh nghiệp đưa khách đi “chui”, không mua vé. Thiếu sự phối kết hợp, phương thức tổ chức bán vé chưa cải tiến, quản lý bán vé cũng như quản lý hướng dẫn tham quan chưa chặt chẽ... dẫn đến tình trạng trên. (Văn Hoá 19/2, tr6; Đại Biểu Nhân Dân 21/2, tr4)Về đầu trang

Quảng Nam sẽ là điểm du lịch hút khách trong năm 2014


Các chuyên gia cho rằng, khách du lịch sẽ không đổ xô đến những điểm đến quen thuộc, thành phố trọng điểm như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang…, mà những điểm đến mới nổi như: Chu Lai, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Cô Tô… sẽ "hút" khách trong năm tới.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch khám phá danh lam thắng cảnh, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên như: Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Mộc Châu… cũng được nhiều du khách chọn.
Đó là thông tin trong bài “Để du lịch Việt Nam phát triển bền vững: Phải thay đổi tư duy và cách làm” của tác giả Xuân Lộc đăng trên báo Hà Nội Mới nói về đến những phân tích, nhận định để phát triển ngành du lịch trong năm 2014. (Hà Nội Mới 20/2, tr5)Về đầu trang

Nhiều hoạt động trong "Ngày hội du lịch biển Tam Thanh 2014"


Sáng 19/2, UBND thành phố Tam Kỳ tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức “Ngày hội du lịch biển Tam Thanh năm 2014”.
Theo đó, dự kiến ngày hội sẽ diễn ra từ 20 đến 22/6 tại bãi biển Hạ Thanh 1, xã Tam Thanh với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao, như: trưng bày, triển lãm tranh ảnh nghệ thuật; giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, các sản phẩm, ẩm thực đặc trưng vùng biển; tái hiện lễ hội cầu ngư; thi lắc thúng tròn, kéo lưới rùng; thi thả diều…
Ngoài ra, UBND thành phố cũng sẽ phối hợp với Sở VH-TT&DL, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tổ chức tham quan, khảo sát kết nối các điểm di tích lịch sử và danh thắng, các làng nghề truyền thống trên địa bàn Tam Kỳ như địa đạo Kỳ Anh, Bãi Sậy - Sông Đầm, rừng cây Bác Hồ…
“Ngày hội du lịch biển Tam Thanh năm 2014” được tổ chức nhằm quảng bá tiềm năng du lịch Tam Kỳ, nhất là các dịch vụ tại bãi biển; từng bước xây dựng biển Tam Thanh trở thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai. (Website Tổng Cục Du Lịch 20/2)Về đầu trang

GIÁO DỤC


Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh mở 6 lớp đại học hệ vừa học vừa làm


UBND tỉnh vừa thống nhất cho phép Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh liên kết mở các lớp đại học hệ vừa làm vừa học năm 2014.

Theo đó, Trung tâm sẽ liên kết với Đại học Sư phạm Đà Nẵng mở 01 lớp đại học ngành Giáo dục Mầm non liên thông từ trung cấp lên đại học với 100 chỉ tiêu; mở 01 lớp đại học ngành Giáo dục Mầm non liên thông từ cao đẳng lên đại học với 100 chỉ tiêu; Liên kết với Đại học Vinh mở 01 lớp đại học ngành Luật liên thông từ trung cấp lên đại học với 100 chỉ tiêu; Liên kết với Đại học Kinh tế Huế mở 01 lớp đại học ngành Kinh tế với 100 chỉ tiêu; Liên kết với Đại học Kinh tế Đà Nẵng mở 01 lớp đại học ngành Kế toán với 100 chỉ tiêu, mở 01 lớp đại học ngành Luật Kinh tế chuyên ngành Luật Kinh doanh với 100 chỉ tiêu.


UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh, chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, định kỳ báo cáo UBND tỉnh. (Cổng Thông Tin Điện Tử Quảng Nam 20/2) Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG


Hỗ trợ cho Đại Lộc 75 tỷ đồng xây kè chống sạt lở trên sông Vu Gia


Ngày 19/2, UBND tỉnh thông tin, Chính phủ đã thống nhất hỗ trợ cho huyện Đại Lộc 75 tỷ đồng xây dựng kè chống sạt lở trên hệ thống sông Vu Gia.
Theo đó, 65 tỷ đồng để xây dựng kè sông Quảng Huế (đoạn qua thôn Phước Yên, xã Đại An) và 10 tỷ đồng xây dựng kè Vu Gia (đoạn qua thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong)… Dự án triển khai trong quý 1/2014. (Nông Thôn Ngày Nay 20/2, tr2)Về đầu trang

CRS tài trợ gần 3 tỷ đồng giảm thiểu rủi ro do thiên tai


Tổ chức phi Chính phủ Catholic Relief Service (CRS) tài trợ gần 3 tỷ đồng để thực hiện dự án Cùng hành động – tăng cường khả năng ứng phó của cộng đồng ven biển Việt Nam tại huyện Điện Bàn trong 2 năm 2014-2015 để giúp người dân ven biển giảm thiểu rủi ro do thiên tai. (Thanh Niên 20/2, tr2)Về đầu trang

Xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế


UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải y tế và giao Sở Y tế làm chủ đầu tư, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng hạng mục trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện theo quy định.
Gồm có, hệ thống xử lý nước thải y tế cụm 3 Trung tâm y tế: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Phòng, chống sốt rét bướu cổ tỉnh; hệ thống xử lý nước thải y tế Trung tâm Y tế huyện Tây Giang; và hệ thống xử lý nước thải y tế Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn, trong năm 2014 - 2015.
Các dự án này sẽ được thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của Trung ương (50%) và ngân sách tỉnh (50%) nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. (Tài Nguyên & Môi Trường 20/2, tr14; Đại Đoàn Kết 21/2, tr2)Về đầu trang

Thương lái Trung Quốc lại đổ bộ lên rừng săn thần dược


Vùng rừng núi tiếp giáp Đà Nẵng và Quảng Nam gần đây lại nhộn nhịp người vào rừng săn tìm chè dây thảo mộc về bán cho thương lái Trung Quốc.
Những ngày này, cái lạnh của không khí lạnh tăng cường xuống phía Nam đem theo những cơm mưa phùn cóng tay chân ở vùng núi giáp ranh huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) – Đông Giang (Quảng Nam) vẫn không thể ngăn mọi người đổ vào rừng.
Người dân được thương lái Trung Quốc đến đặt vấn đề thu mua cây chà dây thảo mộc với giá 150.000 đồng/kg. Sau Tết, công việc rảnh rỗi, vậy là hàng chục người đua nhau vào rừng săn tìm thảo mộc chà dây. Trung bình mỗi ngày họ kiếm được khoảng 6kg tươi, về sao khô còn khoảng 1,5kg.

So với nhiều công việc đi làm thuê khác, lên rừng săn tìm chà dây thảo mộc thu nhập cao hơn nhiều. Chính vì vậy, từ khoảng 5h hằng ngày, nhiều gia đình đã dậy lục đục nấu ăn. Họ đêm cơm canh theo để ăn bữa trưa ngay trên núi.


Chị Linh, một người đã đi hái thảo mộc chà dây nhiều ngày qua cho biết, trước đây ở vùng núi giáp ranh Đà Nẵng và Quảng Nam loại thảo mộc này mọc rất nhiều. Cách đây ít năm, một số thầy thuốc nam người Việt cũng đến vùng tìm kiếm thu mua nhưng với giá rẻ, số lượng không nhiều nên không ai để ý.
Rồi thời gian gần đây, nhiều thương lái Trung Quốc có sự dẫn dắt của người Việt tới vùng đặt vấn đề thu mua với số lượng không hạn chế. “Họ mua với giá cao ngất ngưởng nên nhiều người đổ xô vào rừng tìm kiếm chà dây về bán. Thời điểm này trung bình mỗi ngày một người phải hái được vài ba chục ký, về bán là lấy tiền ngay!..” – chị Linh nói.
Việc thu mua dồn dập, số lượng không có giới hạn đã khiến loài thảo mộc quý này đang dần bị cạn kiệt. (Kienthuc.net.vn 21/2)Về đầu trang

XÃ HỘI


Cứu hộ an toàn tàu hỏng máy trên biển


Ngày 20/2, Thượng tá Nguyễn Trường Quy - Đồn trưởng Đồn biên phòng cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành cho biết: Tàu cá mang số hiệu QNa 91298 TS khi đang hành nghề ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thì bị hỏng máy, phải thả trôi dạt trên biển.
Rất may tàu đã được tàu cá QNg 94559 TS thuộc Tổ ngư dân đoàn kết trên biển của ngư dân Quảng Ngãi tiếp cận và kéo vào neo trú an toàn chiều 19/2.
Tàu cá do ông Hùynh Văn Diệp là chủ tàu và ông Huỳnh Văn Song (ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) làm thuyền trưởng cùng 14 lao động khác.
Cũng tại ngư trường thuộc quần đảo Hoàng Sa, tàu đánh cá mang số hiệu QNa 91989 TS do anh Nguyễn Văn Nghị (SN 1978, trú tại thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) làm thuyền trưởng cùng 12 lao động, khi đang hành nghề thì thuyền viên Bùi Văn Liên (SN 1985) bị đau bụng dữ dội.
Tàu QNa 91989 TS đang trên đường trở về đất liền. Các cơ quan chức năng vẫn giữ liên lạc thường xuyên với tàu, hướng dẫn tàu tiếp cận với các tàu khác để được giúp đỡ. (TTXVN 20/2; VietnamPlus.vn 20/2; Lao Động 21/2, tr7; VOVNews 20/2; Nhân Dân Online 20/2)Về đầu trang

Phòng LĐ-TB&XH Thăng Bình: Nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác ngành


Năm 2013, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng với quyết tâm của UBND huyện Thăng Bình, cùng với nỗ lực của tập thể cán bộ Phòng LĐ-TB&XH đã đoàn kết phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác ngành được giao.
Về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Phòng luôn chú trọng. Năm qua, chính quyền huyện đã phối hợp với các đơn vị mở 15 lớp đào tạo. Kết quả, lĩnh vực phi nông nghiệp có 169 học viên tốt nghiệp, trong đó 159 học viên có việc làm với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/tháng. Lĩnh vực nông nghiệp có 82 học viên đã tốt nghiệp làm nghề cũ nhưng năng suất cao hơn rất nhiều. Phòng cũng phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm xuất khẩu 40 lao động ra nước ngoài…
Về các công tác khác như chính sách cho người có công, bảo trợ xã hội, trẻ em… cũng được huyện thực hiện có hiệu quả. (Lao Động & Xã Hội 20/2, tr14)Về đầu trang

Tình thân giữa chốn đại ngàn


Thôn 49B (xã Đắc Pring, Nam Giang, Quảng Nam) và bản Đắc Tà Ooc thuộc huyện Đắc Chưng (Lào). Đây là hai bản nằm giáp biên với nhau và từ lâu, đồng bào hai bên vốn có mối quan hệ khăng khít. Hai xóm thuộc 2 tỉnh, 2 quốc gia khác nhau nhưng từ bao đời nay, họ sống thân thiết, gắn bó như ruột thịt.
Ngoại trừ hộ khẩu, hộ tịch phải ghi đúng theo những “phân định” hành chính, tất cả những điều khác của cuộc sống dường như chẳng có lằn ranh. Tình đoàn kết ấy đã được người làng ở đây ghép tên hai xóm thành một tên chung là xóm “tình thân”!
Theo lời già làng Seng Đi thì người dân hai bản luôn bảo ban nhau cùng làm ăn phát triển kinh tế, giúp đỡ nhau khi tối lửa tắt đèn. Đặc biệt, họ luôn có ý thức trách nhiệm trong giữ gìn an ninh trật tự chung của hai bản, không gây gổ đánh nhau, không uống rượu say xỉn.
“Chính quyền 2 địa phương luôn quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện để người dân của các thôn bản nơi đây giao lưu học hỏi, tham gia các hoạt động xã hội với người dân thôn 49B và ngược lại. Chính vì thế, tình đoàn kết ở hai khu dân cư ngày càng gắn bó, họ đang cùng nhau đẩy lùi cái nghèo, thi đua phát triển kinh tế!”, già Seng Đi phấn khởi nói.
Ông Kring Giúp - Chủ tịch xã Đắc Pring cũng cho hay: “Tình đoàn kết gắn bó giữa người dân hai địa phương trên đã góp phần xây dựng cuộc sống mới ở bản làng này, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Không đoàn kết thì không giúp nhau tiến bộ được. Người làng mình không thể có cái bụng xấu, phải cùng nhau đoàn kết chứ!”. (Thời Nay 20/2, tr16)Về đầu trang

Trồng cây lưu niệm tại công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng


Thông tin từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam ngày 20/2 cho biết, sẽ có cây lưu niệm từ 63 tỉnh, thành trên cả nước trồng tại công trình Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ.
Theo đó, công trình này có diện tích 15ha, xây dựng 30%, còn lại là hạng mục cây xanh-sân vườn. Thảm cây xanh được bố trí từ vườn cây của 63 tỉnh, thành trên cả nước, trồng theo hình chữ S, bắt đầu từ Hà Giang đến Cà Mau.
UBND tỉnh sẽ có công văn đề nghị các tỉnh, thành chọn gửi cây xanh mang đặc trưng vùng miền, thích hợp với khí hậu miền Trung; giao cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn về chọn kích cỡ cây trồng, chiều cao, đường kính cây... Việc trồng cây sẽ bắt đầu thực hiện vào tháng Ba.
Theo ông Hoàng Xuân Việt - Trưởng ban Quản lý Dự án đầu từ xây dựng Quảng Nam, công trình này đã đạt 70% tiến độ xây dựng; quần thể tượng đài, sân hành lễ, nhà đón tiếp, sân vườn… sẽ hoàn thành vào 27/7. Riêng nhà trưng bày sẽ phải thông qua Bộ LĐ-TB&XH, bởi hình ảnh, tiểu sử các Mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước sẽ được trưng bày tại đây do Bộ LĐ-TB&XH quản lý. (Phụ Nữ Online 20/2)Về đầu trang

Điện Bàn: Người cựu chiến binh sẻ lương làm từ thiện


Đó là ông Nguyễn Văn Khương (68 tuổi), thương binh 3/4 ở thôn Xóm Bùng, xã Điện Hòa. 11 năm qua, ông Khương trích tiền lĩnh chế độ thương binh (mỗi tháng 1.350.000 đồng) để làm từ thiện.
Ông Lê Châu Miên (anh Ba Lan) - nguyên Trưởng Ban trinh sát của Tỉnh đội Quảng Nam- Đà Nẵng, là người trực tiếp chỉ huy ông Khương trước đây cho hay: “Anh Khương rất dũng cảm trong các trận đánh. Thời bình, anh rất thơm thảo chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Hiện chúng tôi đang xác nhận thành tích nhằm hoàn thành hồ sơ đề nghị Nhà nước xem xét phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho anh Khương”. (Nông Thôn Ngày Nay 20/2, tr12)Về đầu trang

Cụ bà 73 tuổi hoang tưởng về chuyện có thai


Gần đây cụ bà 73 tuổi PTN ở huyện Tiên Phước thấy cái bụng của mình bỗng dưng to ra bất thường nên nghĩ mình có thai vì trước đó bà có “qua lại” với một cụ ông hàng xóm. Thế là bà đến một phòng khám tư nhân siêu âm và bác sĩ cho biết bà chỉ bị sỏi thận, ứ dịch dẫn đến chướng hơi, bụng phình to.
Không tin kết quả này, bà đến Trung tâm Y tế huyện khám lại, kết quả vẫn là sỏi thận. Vẫn ám ảnh với chuyện có thai, bà lại đến BV Đa khoa Quảng Nam kiểm tra và bác sĩ cho biết bà chẳng có thai nào trong bụng...
Trước đó, khi biết cụ ông mà bà “qua lại” có người khác, bà muốn níu kéo nên nói với mọi người: “Ổng mà bỏ tao, tao đem con bỏ vô nhà” và “bật mí” về mối quan hệ giữa bà và ông cụ… Đã hơn 70 tuổi vẫn lo mình có thai, xem ra bà này hoang tưởng nặng! (Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh 20/2, tr5)Về đầu trang

Tây Giang: Biên cương - Mùa xuân về


Nằm tiếp giáp với huyện Kà Lùm thuộc tỉnh Sê Kông (Lào) và có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, xã biên giới Bhalêê là nơi cư trú chủ yếu từ bao đời nay của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Nơi đây không ngừng đổi thay từng ngày. Đói nghèo và lạc hậu đã lùi vào dĩ vãng...
Già làng đặc biệt có uy tín Alăng Bhuốch, người được ví như cây đại thụ giữa đại ngàn miền biên viễn kể: Người Cơ Tu ngày xưa cơ cực lắm. Cơm không có đủ ăn, áo không có đủ mặc, những năm rét buốt kéo dài, cả làng có hàng chục người chết vì đói và giá lạnh. Mọi thứ sinh hoạt đều tự cấp tự túc. Giao thông chưa định hình nên núi rừng vô tình trở thành những bức tường thành ngăn cách sự giao lưu của người Cơ Tu với thế giới bên ngoài. Cả làng chẳng mấy người biết chữ, lạc hậu, đói nghèo, tăm tối vô cùng. Trẻ con được sinh ra nhiều nhưng vì điều kiện khắc nghiệt của thời tiết cộng với sự nghèo nàn lạc hậu đeo bám nên sớm theo tổ tiên rất nhiều.
Sau đó, già làng Alăng Bhuốch “kết luận”: Ngày trước người Cơ Tu cơ cực bao nhiêu thì bây giờ vui sướng bấy nhiêu, mình ưng cái bụng vô cùng. Công lao của Đảng, của Bác Hồ đem lại cho đồng bào Cơ Tu của mình nhiều như cây rừng Trường Sơn, như nước Biển Đông, không thể nào mà kể cho hết được.
Anh Alăng Lớp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bhalêê không giấu được niềm vui cho biết: Đến cuối năm 2013, toàn xã có 8 công trình thủy lợi được xây dựng kiên cố, đáp ứng được nhu cầu phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của đồng bào. Trên 95% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Số còn lại chưa được sử dụng điện vì bà con sống rải rác sẽ được đưa vào các khu tái định cư tập trung để được tiếp cận các tiện ích như điện thắp sáng và nước sạch phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Nhờ lồng ghép có hiệu quả nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân cùng làm nên đến thời điểm này toàn xã có trên 80% hộ gia đình đồng bào dân tộc Cơ Tu có nhà ở đạt tiêu chuẩn và không có hộ nào phải ở nhà tạm hay nhà dột nát.
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện. Xã Bhalêê đã có trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học bán trú cụm xã và các phòng học tại tất cả các điểm thôn. Con em đồng bào dân tộc Cơ Tu ngày càng có nhiều người theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, nhiều người đã trở về phục vụ ngay trên quê hương mình. Riêng trên lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, hiện tại toàn xã đã có trên 80% hộ gia đình đồng bào tham gia các hình thức bảo hiểm y tế.
Tệ nạn cúng bái vừa tốn kém vừa thiệt thân khi trong nhà có người mắc bệnh đã lùi xa vào quá khứ. Bhalêê cũng là một trong những xã đầu tiên ở miền biên giới của tỉnh Quảng Nam có Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia từ hơn 3 năm qua. Cuộc sống tuy vẫn còn không ít khó khăn nhưng ở miền biên viễn này, thôn nào cũng xây dựng được nhà văn hóa truyền thống (Gươl) bề thế làm nơi sinh hoạt cộng đồng và cũng là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo không lẫn vào đâu được của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
Từ những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cuối năm 2013, miền biên cương Bhalêê được huyện Tây Giang chọn làm một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới. (Tin Tức 21/2, tr6+7)Về đầu trang

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA


Website Đài Truyền Hình Việt Nam 21/2 phản ánh lại thông tin: Tại Quảng Nam, đến nay vẫn còn lại khoảng gần 4 triệu con gia cầm chưa được tiêm vaccine phòng bệnh cúm. Với tổng số đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh, hiện cần phải có trên 50.000 liều vaccine cúm A/H5N1, song trên thực tế tỉnh mới tiêm được khoảng 11.500 liều.Về đầu trang
17 hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Đông Giang đập phá nhà cửa, bỏ ruộng vườn kéo nhau đến ở nhờ nhà người thân vì sợ “ma ám”. Thông tin được phản ánh lại trên VOVNews 21/2; Đại Đoàn Kết 21/2, tr7. Về đầu trang./.
Biên tập viên Thanh Hồng


Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam

http://www.quangnam.gov.vn

Mail: cttdtqnam@gmail.com, ĐT: 0510.3818333






tải về 204.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương