BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 14 tháng 11 năm 2013)



tải về 85.96 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu08.09.2017
Kích85.96 Kb.
#32987




BÁO CÁO TỔNG QUAN BÁO CHÍ

(Tin Quảng Nam ngày 14 tháng 11 năm 2013)


PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI 2

  1. Quảng Nam cần chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới 2

TIN QUỐC HỘI 3

  1. Đại biểu Quảng Nam đề cập trách nhiệm liên quan đến thủy điện 3

QUẢN LÝ 3

  1. Duy Xuyên: hàng chục phương tiện đua nhau khai thác cát trái phép 3

KIỂM LÂM 4

  1. Phát hiện đường dây phá rừng lớn nhất tại Quảng Nam 4

  2. Núi Thành: Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển bị phá để nuôi tôm 4

NÔNG NGHIỆP 4

  1. Duy Xuyên: Lại bùng phát bệnh lở mồm long móng 4

  2. Duy Xuyên: Trợ giá giống lúa cho vùng sản xuất “3 cùng” 5

GIAO THÔNG 5

  1. Vụ Xe 16 chỗ nhồi nhét 32 khách: Đình chỉ phương tiện 7 ngày 5

  2. Hơn 75,3 tỷ đồng xây dựng 10km đường biên giới 6

  3. Bến xe miền Đông tăng giá tuyến đi Quảng Nam vào dịp Tết 6

PHÁP LUẬT 6

  1. Nỗi ám ảnh về băng cướp “yêu râu xanh” 6

GIÁO DỤC 7

  1. Giáo dục mầm non ở xã Tam Tiến (Núi Thành): Nỗi lo thiếu trường 7

Y TẾ 9

  1. Phẫu thuật u quái cùng cụt 0,5kg ở trẻ sơ sinh 9

MÔI TRƯỜNG 9

  1. Phát hiện Saola tại Quảng Nam sau 15 năm vắng bóng 9

VĂN HÓA 10

  1. Cho phép lập dự án bảo quản, tu bổ 4 di tích tại đô thị cổ Hội An 10

XÃ HỘI 10

  1. Duy Xuyên: Truyền nghề giúp thanh niên lầm lỡ 10

  2. Đại Lộc: Nỗi đau của một gia đình 11

TIN VẮN 12

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA 12




PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

Quảng Nam cần chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới


Chiều 13/11, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 94 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau yêu cầu triển khai đối phó với áp thấp nhiệt đới.
Theo đó, Ban chỉ đạo yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, tiếp tục thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động về nơi trú tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển từ Vĩ tuyến 9 đến Vĩ tuyến 15, vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới.
Tùy theo diễn biến cụ thể của áp thấp nhiệt đới, các tỉnh chủ động xác định thời điểm cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu nhỏ hoạt động ven bờ; kiểm tra và có phương án bảo vệ an toàn người dân sinh sống ven biển, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản. Các tỉnh Trung Bộ chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và an toàn các khu dân cư sinh sống ven sông, suối, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Các tỉnh, thành phố và các Bộ sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Theo bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Hồi 13 giờ ngày 13/11, vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 470 km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc, 112,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Phú Yên - Ninh Thuận khoảng 360 km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa vừa, mưa to đến rất to. (TTXVN 13/11)(về đầu trang)

TIN QUỐC HỘI

Đại biểu Quảng Nam đề cập trách nhiệm liên quan đến thủy điện

Theo Sài Gòn Giải Phóng: Dù đánh giá cao những đóng góp lớn của thủy điện trong việc cung cấp điện năng, phát triển kinh tế - xã hội nhưng tại phiên thảo luận chiều 13/11, nhiều đại biểu (trong đó có đại biểu Quảng Nam) đều cho rằng cần phải rà soát quy hoạch, xây dựng vận hành các công trình thủy điện hiện nay cũng như đảm bảo cuộc sống người dân hậu xây dựng thủy điện.


Trước một số ý kiến đại biểu chất vấn tại sao khi Quốc hội có nghị quyết thì Chính phủ mới rà soát, loại bỏ hàng trăm dự án như vừa qua dẫn tới sự lãng phí, thay đổi quá lớn trong quy hoạch. Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định “không phải như vậy” và cho biết quy hoạch thủy điện có tính mở này đã luôn được rà soát, chỉnh sửa ngay từ năm 2005. Từ năm 2005 đến nay, đã loại hàng trăm dự án và “việc có nghị quyết Quốc hội là điều kiện thuận lợi để ta thúc đẩy nhanh hơn”…
Không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), cho rằng, cách nói của Bộ trưởng theo kiểu “chúng ta nói về chúng ta” khiến tôi “không hiểu” và hiểu theo hình thức “đổ thừa tất cả ngồi đây” hay như các đại biểu là về địa phương mà hỏi.
Theo đại biểu Minh, cần phải báo cáo Quốc hội rõ hơn vì nếu cho rằng việc rà soát loại bỏ hơn 400 dự án không gây thiệt hại gì khó thuyết phục; việc Luật Điện lực có hiệu lực nhưng các nghị định, thông tư hướng dẫn chưa có để nói chế tài chưa đủ mạnh, ai chịu trách nhiệm...?
Đại Biểu Nhân Dân cho biết thêm: Cũng đề cập đến vấn đề này: Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) chỉ rõ: Nhiều chủ đầu tư hiện chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, chưa quan tâm thích đáng đến lợi ích cho xã hội, cho môi trường, trong khi, về nguyên tắc thì mỗi công trình đều phải hài hòa giữa các lợi ích kinh tế - xã hội – môi trường. Do đó, hiện nay vẫn có gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng, chống lũ bão. (Sài Gòn Giải Phóng 14/11, tr2; Đại Biểu Nhân Dân 14/11, tr7; Tuổi Trẻ 14/11, tr2; Kinh Tế & Đô Thị 14/11, tr3)(về đầu trang)

QUẢN LÝ

Duy Xuyên: hàng chục phương tiện đua nhau khai thác cát trái phép

Mục Thông tin nhanh qua đường dây nóng báo Nhân Dân phản ánh: Trên nhánh sông Thu Bồn, đoạn chảy qua xã Duy Phước, hàng chục phương tiện đua nhau khai thác cát trái phép, làm sụt lún bờ kè Mỹ Phước.


Theo đó, Báo đề nghị chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc kiểm tra, xử lý và hồi âm cho Báo để thông tin tới bạn đọc. (Nhân Dân 14/11, tr7)(về đầu trang)

KIỂM LÂM

Phát hiện đường dây phá rừng lớn nhất tại Quảng Nam

Sau hơn 2 tháng theo dõi, nhóm phóng viên đã lần ra được đường dây tập kết và hợp thức hóa gỗ lậu ở huyện Phước Sơn. Dù được ngụy trang rất tinh vi nhưng với quyết tâm vào cuộc của phóng viên, sự thật đã dần được hé mở.


Dù có được nguồn tin từ người dân bản địa nhưng phải mất hơn 4h đồng hồ lội rừng tìm kiếm, nhóm phóng viên mới tìm ra được điểm tập kết gỗ lậu. Không tiếp cận được những cánh rừng bị tàn phá nhưng nhìn những đống gỗ phát hiện được mới thấy các đối tượng tàn phá rừng ở đây đã tính toán rất kỹ cho việc vận chuyển hàng chục m3 gỗ lậu này.
Hàng trăm mét gỗ ở đây được cưa theo đúng quy cách khung ngoại và ván lót sàn của những căn nhà biệt thự, chỉ chờ đem xuống rồi chở xuôi theo dòng nước là hàng chục m3 gỗ này có thể về xuôi.
Một người dân địa phương tiết lộ: Sỗ gỗ này đều do ông Sáu râu - Công ty Thanh Nhàn quản lý.
Theo những người dân, đường dây phá rừng ở tiểu khu 39 thuộc huyện Phước Sơn đã tồn tại từ nhiều năm nay và đã có hàng trăm m3 gỗ quý đã bị các đối tượng này lấy đi dưới nhiều hình thức.
Thực trạng này đặt ra câu hỏi: Vậy các cấp chủ quản ở đâu và dựa vào đâu mà đường dây phá rừng này tồn tại từ nhiều năm nhưng không bị phát hiện. (VTV.vn 14/11)(về đầu trang)

http://vtv.vn/video-clip/131/Thoi-su/category44/Phat-hien-duong-day-pha-rung-lon-nhat-tai-Quang-Nam/video20197.vtv

Núi Thành: Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển bị phá để nuôi tôm

Mục Thông tin nhanh qua đường dây nóng báo Nhân Dân phản ánh: Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển thuộc xã Tam Tiến bị người dân chặt phá để nuôi tôm.
Theo đó, Báo đề nghị chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc kiểm tra, xử lý và hồi âm cho Báo để thông tin tới bạn đọc. (Nhân Dân 14/11, tr7)(về đầu trang)

NÔNG NGHIỆP

Duy Xuyên: Lại bùng phát bệnh lở mồm long móng

Chiều 12/11, ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch xã Duy Trinh cho biết: Bệnh lở mồm long móng bùng phát trên địa bàn xã đã làm 18 con bò của 12 hộ dân ở thôn Phú Bông và thôn Đông Yên nhiễm bệnh.


Bệnh xuất hiện từ ngày 4/11 ở 3 hộ dân thuộc thôn Đông Yên. Được biết, vào năm 2012, đây cũng là ổ dịch lở mồm long móng.
Ngày 7/11, tại thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, dịch lở mồm long móng xuất hiện đã làm 6 con trâu của 3 hộ dân bị mắc bệnh. Như vậy, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh đã có hai huyện bị dịch lở mồm long móng.
Trước đó, ngày 13/9, tỉnh công bố dịch lở mồm long móng tại vùng dịch là xã A Vương, vùng khống chế gồm xã Dang, A Tiêng, Bha Lee (huyện Tây Giang), xã Tà Lu, A Rooi, thị trấn P'rao (huyện Đông Giang), vùng đệm gồm xã A Nông, Leng (huyện Tây Giang), xã Zuoih (huyện Nam Giang), MaCooih, ZaHung, Zơ Ngây, Sông Kôn (huyện Đông Giang).
Dịch lở mồm long móng đã khiến 83 con gia súc (77 con bò, 6 con trâu) của 40 hộ dân bị mắc bệnh, trong đó có 3 con đã chết. Sau hơn 1 tháng phòng chống, vùng dịch này đã dập tắt. (Nông Nghiệp Việt Nam Online 13/11; Nhân Dân 14/11, tr5; Kinh Tế Nông Thôn Online 13/11; Nongthonmoi.net 13/11)(về đầu trang)

Duy Xuyên: Trợ giá giống lúa cho vùng sản xuất “3 cùng”

UBND huyện Duy Xuyên vừa quyết định chi 200 triệu đồng để trợ giá giống lúa lai Xuyên Hương 178 cho nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nông dân mua 1 kg hạt giống lai Xuyên Hương 178 sẽ được huyện hỗ trợ 20 ngàn đồng.
Theo đó, các hộ nông dân tổ chức sản xuất theo phương thức 3 cùng “cùng trà, cùng giống, cùng kỹ thuật” áp dụng kỹ thuật 3 tăng, 3 giảm kết hợp công cụ sạ hàng trên 250 ha lúa đông xuân 2013-2014 tại các cánh đồng mẫu lớn.
Cùng với huyện Duy Xuyên, Công ty Giống cây trồng miền Nam - đơn vị cung ứng giống lúa lai Xuyên Hương 178 cũng hỗ trợ nông dân 10% giá bán mỗi kg lúa giống. (Nông Thôn Ngày Nay 14/11, tr12)(về đầu trang)

GIAO THÔNG

Vụ Xe 16 chỗ nhồi nhét 32 khách: Đình chỉ phương tiện 7 ngày

Ngày 13/11, Thanh Niên Online nhận được công văn phản hồi do Giám đốc Hợp tác xã ô tô vận tải số 1 Đà Nẵng Trần Lâm cho biết, đơn vị đã lập hội đồng kỷ luật ngay khi báo đăng tải thông tin “Xe 16 chỗ nhồi nhét 32 khách” tại Quảng Nam hôm 10/11.


Theo đó, trước phản ánh vi phạm của xe khách biển kiểm soát 43H-7155 chạy tuyến Đà Nẵng - Bình Định, Hợp tác xã đã triệu tập lái xe Võ Ngọc Thạnh (không phải Thanh như thông tin ban đầu) và nhân viên phục vụ trên xe, Ngô Viết Hiếu.
Đối chiếu đơn trình bày và văn bản vi phạm hành chính do Cảnh sát giao thông Công an Quảng Nam lập, đơn vị có đủ cơ sở xác định lái xe Thạnh chở quá tải.
Hội đồng kỷ luật cũng nhận định hành vi của lái xe Thạnh cố tình chở quá trọng tải cho phép là “rất nguy hiểm, xem thường tính mạng hành khách…, cần phải xử lý thích đáng”.
Cụ thể, Hợp tác xã quyết định đình chỉ phương tiện 7 ngày (đến hết ngày 17/11), thu hồi sổ nhật trình xe và phù hiệu xe tuyến cố định.
Lái xe Thạnh bị buộc làm kiểm điểm cam đoan không tái phạm, và sẽ cảnh cáo toàn Hợp tác xã sau khi có quyết định xử lý của Công an Quảng Nam (với khung phạt tiền, phạt bổ sung tước giấy phép lái xe 30 ngày do chở quá tải hơn 50 đến 100%, theo Nghị định 71/CP).
Riêng nhân viên phụ xe Hiếu thì bị đình chỉ công tác 15 ngày (đến hết ngày 25/11).
Liên quan đến phản ứng của hành khách về việc bị thu tiền xong rồi đuổi xuống, cả lái xe Thạnh và phụ xe Hiếu đã phủ nhận và cho rằng trên thực tế có 1 nữ hành khách không chịu nhận lại tiền, vứt tiền trên xe rồi bỏ đi sau khi không tìm được chỗ ngồi. Giải trình của lái xe, phụ xe cho biết thời điểm này rất đông người muốn về quê phòng chống siêu bão Hải Yến nên xe quá tải. (Thanh Niên Online 13/11)(về đầu trang)

Hơn 75,3 tỷ đồng xây dựng 10km đường biên giới

UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường biên giới nối từ xã Chơ Chun, huyện Nam Giang đến xã Ga Ri và xã A Xan, huyện Tây Giang (giai đoạn 1) do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng làm chủ đầu tư.
Công trình có tổng chiều dài tuyến 10km, với tổng mức đầu tư hơn 75,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, chương trình quản lý bảo vệ biên giới và ngân sách tỉnh được thực hiện từ năm 2014-2016.
Công trình hoàn thành sẽ phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân các huyện, xã miền núi, biên giới; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ góp phần củng cố hạ tầng cơ sở phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh. (Nông Thôn Ngày Nay 14/11, tr16)(về đầu trang)

Bến xe miền Đông tăng giá tuyến đi Quảng Nam vào dịp Tết

Bến xe miền Đông (TPHCM) dự kiến bán vé xe Tết từ 1/1/2014, mức phụ thu giá cước cao nhất là 60%. Trong đó, các tuyến từ Ninh Thuận ra đến Quảng Nam, doanh nghiệp được áp dụng mức phụ thu từ 20-60% tùy thời điểm.
Bên cạnh đó, Bến xe này cũng sẽ tăng cường thêm phương tiện vận chuyển các tuyến có lượng khách tăng cao đi Quảng Nam và các tỉnh, thành khác. (Giao Thông 14/11, tr2; Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh Online 13/11; Danviet.vn 13/11; Petrotimes.vn 13/11; Nông Thôn Ngày Nay 14/11, tr16)(về đầu trang)

PHÁP LUẬT

Nỗi ám ảnh về băng cướp “yêu râu xanh”

Ít nhất 64 vụ cướp, hiếp do Nguyễn Ngọc Sang và đồng bọn thực hiện trong những năm 90 đã gây kinh hoàng cho các tài xế khi đi qua địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng.


Một trong những vụ án táo tợn nhất của băng cướp này đã gây chấn động tại thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào ngày 16/11/1993. Trong phi vụ này, Sang và đồng bọn chiếm đoạt khoảng 30 triệu đồng (tương đương 10 cây vàng). Dã man hơn, chúng còn bắt mọi người quay mặt đi, hãm hiếp một cô gái xinh đẹp ngay trên xe và bắn chết mẹ cô khi tới ngăn cản.
Theo điều tra, từ tháng 5/1992 đến đầu tháng 7/1994, Sang và khoảng 10 tên đàn em gây ra tổng cộng 64 vụ cướp gây thiệt hại ước tính hơn nửa tỷ đồng, chưa kể những trường hợp nạn nhân không trình báo. Riêng tại địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng, Sang và đồng bọn gây ra hơn 40 vụ.
Thủ đoạn của bọn chúng là nhắm vào các xe tải đường dài chạy đêm có nhiều tiền hàng. Mang theo dao, súng, búa, mặt nạ, chúng đến những nơi có mồ mả hoặc chân cầu ngủ. Đến khoảng 2-3h hàng ngày, chờ các tài xế dừng nghỉ mệt, chúng tổ chức xông vào khống chế cướp tài sản. Còn với những xe không dừng mà chỉ đi ngang qua, chúng sẽ ném đá vào thành xe để tài xế tưởng xe hỏng, dừng lại, lúc đó chúng sẽ ra tay. Nếu nạn nhân chống cự, chúng lập tức đâm trọng thương.
Trước tính chất đặc biệt nguy hiểm của băng cướp này, Công an Quảng Nam - Đà Nẵng đã thành lập chuyên án với quyết tâm phải phá án bằng được. Suốt 5 tháng miệt mài đeo bám, cải trang, ăn bờ nằm bụi, thậm chí bị các đồng nghiệp ở tỉnh khác đánh vì tưởng là cướp, các chiến sĩ công an đã bắt được tổng cộng 9 tên. Riêng Sang khi chuyển địa bàn sang các tỉnh miền Nam hoạt động đã bị Công an tỉnh Tiền Giang tiêu diệt khi cố chống trả lực lượng chức năng khi bị truy bắt.
Đến ngày 24/10/1995, TAND Quảng Nam – Đà Nẵng đã áp dụng 4 án tử hình cho các thành viên nguy hiểm của băng cướp. Các tên khác cũng phải nhận ít nhất 15 năm tù. (Vnexpress.net 13/11)(về đầu trang)

GIÁO DỤC

Giáo dục mầm non ở xã Tam Tiến (Núi Thành): Nỗi lo thiếu trường

Trên địa bàn xã Tam Tiến hiện chỉ có một điểm trường Mẫu giáo Trùng Dương, thu nhận 100 học sinh vào học, còn lại 300 cháu phải học ở các nhà văn hóa thôn và nhiều cháu chưa được đi học vì không có trường…


Chị Mai Thị Loan – người dân thôn Tân Lộc cho biết: “Gia đình tôi có hai cháu nhỏ đến tuổi học mẫu giáo, thế nhưng chỉ cho được cháu lớn (5 tuổi) đi học, đứa nhỏ phải cho ở nhà vì lớp học ở… nhà văn hóa đã đủ học sinh. Điều gia đình tôi và mọi người dân trong thôn mong muốn là các cháu có được ngôi trường đàng hoàng để học tập, vui chơi, chứ học nhà văn hóa không thể đảm bảo chất lượng”.
Cùng ở thôn Tân Lộc, cùng cảnh cho con đi học ở… nhà văn hóa, chị Trần Thị Yến than thở: “Vì thiếu trường thì phải bấm bụng chấp nhận, chứ ai muốn cho con đi học ở nơi lớp chẳng ra lớp như thế”.
Đến nhà văn hóa thôn Tân Lộc, nhóm phóng viên thấy gần “lớp học” có 3-4 ngôi mộ, bao quanh là cát trắng khiến cái nắng càng chói chang hơn. Theo lời cô giáo Phan Thị Thu Hoài, “lớp” có 22 cháu học cả ngày, trong đó 11 cháu mẫu giáo nhỏ, 11 cháu mẫu giáo lớn cùng học chung vì không được phân lớp.
Nói về điều kiên học tập, cô Hoài bảo: “Do mượn địa điểm của nhà văn hóa thôn nên cảnh quan môi trường sư phạm không đảm bảo. Xung quanh có mồ mả, các cháu không có nơi để vui chơi. Lớp rộng khoảng 25m2, tôi phải kê bàn ghế của người dân lên để dành nơi cho cô trò dạy và học. Bàn ghế của các cháu cũng không đúng kích thước, đồ chơi, dụng cụ học tập thiếu, tôi phải tận dụng đồ ở nhà, xin của mọi người dân để tự làm cho các cháu…”.
Cảnh dạy và học… vật vạ đã khổ, nhưng như lời cô giáo Hoài, bão số 14 vừa qua khiến nhà văn hóa bị tốc ngói, khi đi dạy lại các cô trò dọn dẹp cho đồ dùng khỏi ướt, điện cũng bị hư hỏng nên chịu cảnh tối tăm. Đặc biệt, mỗi khi thôn có hội họp thì cả lớp phải nghỉ học, ảnh hưởng đến chương trình. “Hôm vừa rồi thôn họp, các cháu nghỉ một ngày, hôm sau tôi đến mở cửa thấy nồng nặc mùi thuốc lá, bao ni lông. Tôi phải cho các cháu ở ở bên ngoài đợi, một mình dọn dẹp cho đảm bảo vệ sinh, rất vất vả”, cô Hoài kể.
Giống như thôn Tân Lập, ở thôn Bản Long, nhà văn hóa cũng được trưng dụng làm lớp mẫu giáo. Cô giáo Bùi Thị Gái cho biết: Lớp học hiện tại cũng thiếu dụng cụ học tập, vật dụng trang trí và đồ chơi, rất thiệt thòi cho các cháu. Được biết, toàn xã Tam Tiến có hơn 100 cháu đã đủ tuổi học mẫu giáo nhỏ nhưng thiếu lớp, điều kiện học tập không có nên các gia đình phải cho con ở nhà.
Làm việc với chính quyền xã, ông Trần Văn Hòa – Phó Chủ tịch xã cho hay: “Toàn xã có 12 thôn nhưng chỉ có một điểm trường chính tại thôn Tân Bình Trung được tài trợ xây dựng. Tại đây có 3 lớp, đáp ứng nhu cầu học tập cho khoảng 4 thôn. 8 thôn còn lại phải học ghép và dạy học tại nhà văn hóa vì không có trường. Điều kiện cảnh quan sư phạm, cơ sở vật chất của các lớp tại nhà văn hóa không đảm bảo. Vấn đề này chúng tôi ghi nhận thời gian qua, cũng đã thông tin lên chính quyền cấp trên lâu rồi nhưng không thấy có ‎ý kiến giải quyết, vì nguồn vốn không có để xây dựng”.
Hỏi về định hướng trong thời gian tới, ông Hòa nói: “Đầu năm học qua, Phòng GD&ĐT huyện Núi Thành có hứa và gửi văn bản về cho xã là sẽ rút các lớp mở tại cơ sở trưởng tiểu học Nguyễn Chí Thanh, khi đó xã sẽ lấy cơ sở đó quy hoạch thành điểm trường để mở lớp cho các cháu học. Còn về lâu dài, muốn xây dựng một điểm trường phải trông chờ vào cấp trên và các tổ chức xã hội quan tâm, hỗ trợ, chứ chính quyền xã không có khả năng”. (Lao Động & Xã Hội 14/11, tr5)(về đầu trang)

Y TẾ

Phẫu thuật u quái cùng cụt 0,5kg ở trẻ sơ sinh

Một trẻ sơ sinh con của sản phụ 18 tuổi (ngụ tại Quảng Nam) đã không may mắn mang khối u nặng 0,5kg (trọng lượng của bé khi sinh là 2,45kg). Bác sĩ nhận định đây là u quái cùng cụt rất hiếm gặp.


Chiều 13/11, sản phụ Th.Th.M.M (18 tuổi, trú Hội An) cùng con gái đã xuất viện Bệnh viện sản - Nhi Đà Nẵng. Trước đó, ngày 28/10, sản phụ M. vào Khoa Sản của Bệnh viện sản - Nhi Đà Nẵng kiểm tra thai nhi 35 tuần tuổi để chuẩn bị sinh nở.
Khi siêu âm, các bác sĩ phát hiện thai nhi có khối u 0,5kg ở hậu môn. Vì vậy, các bác sĩ chỉ định cho sản phụ sinh mổ và sinh được bé gái nặng 2,45kg. Để cho sức khỏe cháu bé ổn định, hai ngày sau đó, các bác sĩ của Khoa ngoại nhi (Bệnh viện sản - Nhi Đà Nẵng) đã tiến hành phẫu thuật cắt khối u của cháu bé. Bác sĩ Nguyễn Phi Phong - phó Khoa ngoại nhi cho biết, ca phẫu thuật kéo dài gần 2g đồng hồ.
Do cháu bé bị khối u quái cùng cụt rất hiếm gặp, u này sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, trực tràng, đường tiểu của bé. Vì thế, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật sớm để giảm nguy cơ ác tính của khối u. (Tuổi Trẻ Online 13/11; Vnexpress.net 13/11; Sài Gòn Giải Phóng 14/11, tr7; Tiền Phong 14/11, tr4; Người Lao Động 14/11, tr2)(về đầu trang)

MÔI TRƯỜNG

Phát hiện Saola tại Quảng Nam sau 15 năm vắng bóng

Tưởng chừng biến mất vĩnh viễn tại Việt Nam, các nhà bảo tồn đã sửng sốt vì bắt gặp hình ảnh sao la khi kiểm tra camera bẫy tại khu vực trung Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam.


Hoạt động bẫy do Quỹ Quốc tế bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thực hiện ghi nhận hình ảnh sao la vào ngày 7/9/2013.
“Lần đầu tiên nhìn vào các bức ảnh, chúng tôi đã không thể tin vào mắt mình. Sao la được các nhà bảo tồn Đông Nam Á coi là một báu vật, nên chúng tôi vô cùng hạnh phúc… Đây là một khám phá nghẹt thở. Một số người tin rằng sao la đã biến mất vĩnh viễn khỏi Việt Nam, và ghi nhận này làm sống lại hy vọng về sự phục hồi quần thể của loài này” - Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, giám đốc WWF Việt Nam nói.
Lần cuối cùng sao la được ghi nhận là ở Lào năm 2010. Người dân tại tỉnh Bolikhamxay, miền Trung Lào, đã bắt được một con sao la, nhưng cá thể này đã chết sau đó. Trước đó, lần cuối cùng sao la được ghi nhận trong tự nhiên là vào năm 1999 tại Bolikhamxay cũng qua hoạt động bẫy ảnh.
Tại Việt Nam, lần cuối cùng một cá thể sao la được nhìn thấy trong tự nhiên là vào năm 1998.
Gần đây, vào ngày 10/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn chính thức ban hành quyết định thành lập khu bảo tồn sao la, trong đó mở rộng diện tích từ 12.153 ha (theo văn bản thống nhất quy mô diện tích năm 2008) lên thành 15.519 ha, kết nối với Khu bảo tồn sao la Quảng Nam, vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn quốc gia Xê Sáp của Lào, tạo thành một hành lang bảo tồn liên tục và thống nhất. (Tuổi Trẻ Online 13/11; News.Zing.vn 13/11; Thể Thao & Văn Hoá Online 13/11; Kienthu.net.vn 14/11; Vnexpress.net 13/11; Lao Động 14/11, tr3; Báo Điện Tử Chính Phủ 13/11; Tinnong.vn 13/11; Thanh Niên 14/11, tr2; Songmoi.vn 13/11; Tiền Phong 14/11, tr2; Người Lao Động 14/11, tr2; Nông Thôn Ngày Nay 14/11, tr2; Đại Đoàn Kết 14/11, tr13; Nông Nghiệp Việt Nam 14/11, tr1+2; Công An Nhân Dân 14/11, tr2; Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh 14/11; Giadinh.net.vn 13/11; BCC.co.us 13/11; RFA.org 13/11)(về đầu trang)

VĂN HÓA

Cho phép lập dự án bảo quản, tu bổ 4 di tích tại đô thị cổ Hội An

Bốn di tích tại đô thị cổ Hội An gồm miếu Âm hồn, Tín Nghĩa Từ, nhà cổ số 125 Trần Phú, đình Ông Voi được Bộ VH-TT&DL cho phép lập dự án bảo quản, tu bổ và hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. (Thanh Niên 14/11, tr2)(về đầu trang)

XÃ HỘI

Duy Xuyên: Truyền nghề giúp thanh niên lầm lỡ

Gia cảnh chưa mấy khá giả, làm ăn cũng đang gặp khó khăn nhưng nếu làm gì để người khác nở nụ cười hạnh phúc thì anh Nguyễn Thành Quỳnh (ở thôn Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước) không tiếc công sức lẫn tiền bạc để giúp họ.
Với công việc gia công, ốp đá granite cho các công trình bia, huyệt mộ, anh Quỳnh quyết định nhận những thanh niên cá biệt vào học nghề tại cơ sở của mình. Họ là những thanh niên tại địa phương từng mang nhiều “thành tích” bất hảo như: Quậy phá, hút chích. Quyết định có phần mạo hiểm này bị người thân phản đối kịch liệt, nhưng Quỳnh đã chứng minh mình đúng khi nhiều thanh niên là học viên của anh đã làm lại cuộc đời tốt hơn.
Hiện cơ sở Thành Liên giải quyết việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập trung bình 4 - 5 triệu đồng/người. Những thành viên cá biệt giờ đã thành nghề, có người trở thành thợ đá chính của xưởng với thu nhập không dưới 7 triệu đồng. Để có thể giúp thêm cho nhiều thanh niên từng “nhúng chàm”, Quỳnh đã phối hợp Công an huyện Duy Xuyên để cho ra đời câu lạc bộ Tái hòa nhập cộng đồng.
“Cơ quan công an sẽ giới thiệu người cho tôi, còn tôi sẽ chủ trì nhận và dạy nghề cho họ. Ngày đầu chưa có kinh nghiệm mình còn giúp được 5 người, giờ đã hiểu họ hơn thì còn ngại gì. Cơ sở luôn mở cửa cho những thanh niên lầm lỡ”, anh khẳng định.
Nói về những dự định của mình, Quỳnh cho biết đang nỗ lực phát triển quỹ của câu lạc bộ để có thể đỡ đần thường xuyên cho khoảng 5 em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam và giúp thêm cho 2 gia đình chính sách. (Thanh Niên 14/11, tr9)(về đầu trang)

Đại Lộc: Nỗi đau của một gia đình

Bão số 11 đã đi qua, nhóm phóng viên tìm về xã Đại Cường để tìm hiểu cuộc sống người dân sau bão, trong đó có gia đình chị Trần Thị Toán có chồng bị lật thuyền, nước lũ cuốn trôi từ cơn bão số 10...
Trước đó, thuyền của anh Nguyễn Văn Sĩ (chồng chị Toán) đi trên sông thì bất ngờ bị nước dâng xoáy dẫn đến lật úp, anh Sĩ chới với giữa dòng rồi chìm. Ngày đưa thi thể anh Sĩ về, nhà cửa, vườn tược bị tàn phá tan hoang bởi cơn bão số 11.
Chị Toán nghẹn ngào: “Ngày anh Sĩ còn sống, anh là trụ cột duy nhất nuôi sống cả 5 người trong gia đình. Tôi được chẩn đoán bị bệnh tim, phải thường xuyên uống thuốc nên không thể làm được việc gì nặng nhiều năm nay…”.
Căn nhà vợ chồng chị Toán đang ở, xây cách đây vài năm chưa được trát xi măng còn vay nợ gần 30 triệu đồng chưa trả. Trong khi đó, con gái đầu Nguyễn Thị Thanh Tâm (13 tuổi), Nguyễn Thị Minh Thư (12 tuổi) học giỏi nhưng có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Cháu út Nguyễn Trần Minh Khôi (2 tuổi) từ lúc mới sinh bị bệnh chậm phát triển, phải thường xuyên đi tái khám tại Bệnh viện chỉnh hình Đà Nẵng. Nhà có 1,5 sào ruộng, khi anh Sĩ còn sống thì làm được một sào lúa để có gạo ăn nuôi cả gia đình.
Ông Nguyễn Văn Hai – Trưởng thôn Thanh Vân cho biết: “Lúc anh Sĩ bị lật thuyền, chính quyền thôn, xã cũng đã đến động viên hỗ trợ 7 triệu đồng nhưng đã dành toàn bộ để lo tìm kiếm thi thể anh. Giờ đây, anh Sĩ mất đi, cả 4 mẹ con chị Toán chưa biết tính làm sao thời gian tới. Hiện tại, thôn cũng xét cho chị vào diện hộ nghèo. Nhưng với một người phụ nữ đang bị bệnh tim lại đang chăm sóc cho con út bị bệnh chậm phát triển, hai con gái đang tuổi ăn học, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ...”. (Quân Đội Nhân Dân 14/11, tr6)(về đầu trang)

TIN VẮN


Bảo hiểm Prudential tại Quảng Nam vừa tặng 13 chiếc xe đạp (trị giá 1,385 triệu đồng/chiếc) cho học sinh nghèo vượt khó tại phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ. (Sài Gòn Giải Phóng 14/11, tr3)(về đầu trang)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA


Các đơn vị Hải quan: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và Gia Lai-Kon Tum vừa tổ chức ký kết Quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật hải quan. Thông tin được điểm lại trên báo Thanh Niên 14/11, tr2.(về đầu trang) ./.

Biên tập viên: Thanh Hồng





Каталог: QTIUpload -> BanTin
QTIUpload -> TỈnh ủy quảng nam đẢng cộng sản việt nam
BanTin -> Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 21 tháng 4 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 20 tháng 02 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 28 tháng 10 năm 2013)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 21 tháng 02 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 22 tháng 04 năm 2014)
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 23 tháng 12 năm 2013)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 8 tháng 4 năm 2014)
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 02 tháng 01 năm 2014)

tải về 85.96 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương