BẢng tổng hợp hỏI – ĐÁp sau các hội nghị ĐỐi thoại với doanh nghiệp của tổng cục hải quan


Câu 11. (Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam)



tải về 360.51 Kb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu08.07.2016
Kích360.51 Kb.
#1602
1   2   3   4   5   6

Câu 11. (Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam)

1. Theo Thông tư số 196/2012/TT-BTC thì thủ tục hải quan tại chỗ sẽ được doanh nghiệp nhập khẩu làm trước và xuất khẩu làm sau. Theo Thông tư 128/2013/TT-BTC thì thủ tục hải quan tại chỗ sẽ được doanh nghiệp xuất khẩu làm trước và nhập khẩu làm sau (doanh nghiệp áp dụng thủ tục hải quan truyền thống mà không phải làm điện tử).

Vậy Công ty tôi áp dụng thủ tục hải quan điện tử và doanh nghiệp bán hàng cho công ty chúng tôi không áp dụng. Vậy cả 2 doanh nghiệp chúng tôi sẽ làm thủ tục hải quan thủ công như thế nào?

2. Căn cứ theo khoản 2, Điều 20 Thông tư 86/2013/TT-BTC thì:

Doanh nghiệp ưu tiên được khai hải quan một lần dưới hai hình thức:



- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới, qua cửa khẩu thì thực hiện khai hải quan trước, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa sau;

- Đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ, nguyên liệu, linh kiện phụ tùng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp mua từ kho ngoại quan được thực hiện nhập khẩu hàng hóa trước khai hải quan sau”.

Nếu phải áp dụng theo Thông tư 128/2013/TT-BTC thì có thể thực hiện mở tờ khai 1 lần đối ứng cho các lô hàng mà nhà cung cấp đã giao hàng và hoàn thành thủ tục hải quan trong vòng 15 ngày không?

Trả lời

1. Trường hợp DNCX đã áp dụng thủ tục hải quan điện tử và doanh nghiệp nội địa không áp dụng thủ tục hải quan điện tử thì thủ tục hải quan đối với hàng hóa sử dụng tờ khai XNK tại chỗ thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 6501/TCHQ-GSQL ngày 01/11/2013 của Tổng cục Hải quan.

(Cục Giám sát quản lý – Tổng cục Hải quan đã có công văn số 1103/GSQL-GQ2 ngày 07/11/2013 trả lời Công ty TNHH Canon VN).

Về nội dung công ty hỏi đã được Tổng cục Hải quan trả lời tại điểm 2 công văn số 6501/TCHQ-GSQL ngày 01/11/2013, cụ thể như sau:

“Về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 45 Thông tư số 128/2013/TT-BTC: Tổng cục Hải quan sẽ báo cáo Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thống nhất trình tự thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ giữa thủ tục hải quan điện tử và truyền thống.

Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính, các đơn vị thực hiện như sau: “Trường hợp doanh nghiệp áp dụng thủ tục hải quan điện tử thì tiếp tục thực hiện tại Điều 47 Thông tư số 196/2012/TT-BTC”.

2. Đối với doanh nghiệp ưu tiên, việc khai hải quan một lần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 86/2013/TT-BTC.

Đối với doanh nghiệp thường, việc khai hải quan một lần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp khai thủ tục hải quan điện tử nên vấn đề thủ tục khai hải quan một lần không còn tồn tại, phát sinh. Do vậy, đối với trường hợp vướng mắc, phát sinh cụ thể về việc khai hải quan một lần, đề nghị gửi hồ sơ về Tổng cục Hải quan để cơ quan chức năng tháo gỡ trực tiếp.

Câu 12. (Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki)

Vào tháng 12/2012 Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long từ chối 08 C/O Form E của doanh nghiệp do C/O không đánh dấu vào ô "Third - Country Invoicing" và không ghi thông tin về tên và nước phát hành Invoice vào ô số 7

Công ty chúng tôi đã yêu cầu phía Trung Quốc sửa đổi, bổ sung thông tin vào C/O nhưng phía Trung Quốc xác nhận không thực hiện sửa chữa bổ sung mà chỉ cấp mới thay thế. Cơ quan cấp tại Trung Quốc có gửi cho chúng tôi xác nhận về việc cấp mới thay thế cho 8 C/O nói trên.

Tuy nhiên, 08 C/O này không được chấp nhận vì theo thông tin Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long thì xác nhận của cơ quan cấp C/O phải được gửi trực tiếp đến cán bộ đầu mối của Tổng cục Hải quan theo đường bưu điện để kiểm tra và xác nhận. Việc này cũng được xác nhận của Cục Giám sát quản lý về hải quan- Tổng cục Hải quan bằng công văn 902/QSQL ngày 13/9/2013.

Vậy Công ty xin được hướng dẫn để xác minh được tính hợp lệ của 08 C/O cấp mới thay thế nói trên.

Trả lời

Hiện nay, Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN- Trung Quốc (ACFTA) không có quy định về việc cấp C/O thay thế cho C/O bị lỗi. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan Hải quan Việt Nam sẽ xem xét, quyết định khi có xác nhận từ phía cơ quan cấp C/O của Trung Quốc. Việc xác nhận này phải được thực hiện theo đúng quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN-Trung Quốc (như đã nêu tại công văn số 902/GSQL-TH ngày 13/9/2013 của Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan gửi Công ty TNHH Việt Nam Nippon Seiki)

Như vậy, đối với 08 C/O cấp thay thế cho 08 C/O bị lỗi mà Công ty nêu, cơ quan Hải quan sẽ xem xét, quyết định khi cán bộ đầu mối của Tổng cục Hải quan nhận được xác nhận việc cấp thay thế 08 C/O này từ cán bộ đầu mối của Trung Quốc (dưới dạng văn bản chính thức, qua đường bưu điện hoặc qua thư điện tử). Công ty có thể liên lạc với cơ quan cấp C/O của Trung Quốc, nơi cấp thay thế 08 C/O này, để thông báo về nội dung trên và đề nghị cơ quan cấp C/O liên hệ với cán bộ đầu mối phía Trung Quốc thuộc Hiệp định ACFTA để cán bộ này gửi xác nhận đến cán bộ đầu mối phía Việt Nam.

Câu 13. (Công ty TNHH Toyo Ink Compounds Việt Nam)

Theo Thông tư 128/2013/TT-BTC hồ sơ hải quan yêu cầu bao gồm hóa đơn VAT. Theo chúng tôi được biết doanh thu ghi nhận tháng nào là xuất hóa đơn VAT trong tháng đó. Mặt khác, Thông tư 128/2013/TT-BTC cũng quy định doanh nghiệp phải làm thủ tục hải quan xuất trước khi xuất hàng đối với hàng hóa XNK tại chỗ.

Vậy đối với lô hàng giao ngày 01 của tháng, muốn mở tờ khai hải quan trước khi giao hàng cần có VAT mà VAT chỉ xuất khi doanh thu ghi nhận (nghĩa là vào ngày 01 của tháng)

Vậy với những lô hàng giao vào ngày 1 của tháng thì chúng tôi cần phải làm thủ tục như thế nào?



Trả lời

- Ngày 22/11/2013, Bộ Tài chính đã có công văn số 16239/BTC-TCHQ về việc sử dụng hóa đơn đối với hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ hướng dẫn Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Đề nghị Công ty căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số 16239/BTC-TCHQ dẫn trên để thực hiện.

- Việc xuất hóa đơn GTGT, đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan thuế nội địa để được hướng dẫn giải quyết.



Câu 14. (Panasoic Industriall Devices Vietnam c.lt)

1. Hủy tờ khai sau thông quan

Chúng tôi có 01 tờ khai mua hàng nội địa, sau khi thông quan mới phát hiện tờ khai sai loại hình (vẫn trong thời gian 60 ngày) chúng tôi có gửi công văn cho Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long xin hủy tờ khai sai ngày để mở tờ khai mới do quy định là tờ khai sau thông quan không được sửa. Tuy nhiên, Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long trả lời không được hủy/sửa tờ khai này - Hướng xử lý ra sao?

2. Việc điều chỉnh định mức được phép thực hiện trước khi doanh nghiệp nộp hồ sơ hoàn thuế, thu thuế với doanh nghiệp sản xuất có phải là thời điểm nộp hồ sơ thanh toán, quyết toán nguyên phụ liệu? Nếu đúng, tức là phải điều chỉnh trước ngày 15 của tháng tiếp sau mỗi quý là quá ngắn, doanh nghiệp không đủ thời gian điều chỉnh định mức và hoàn thiện báo cáo quyết toán nguyên phụ liệu. Đề nghị cho phép thời gian dài hơn trong vòng 30 ngày.

3. Báo cáo hàng tiêu dùng: với các doanh nghiệp nằm ngoài khu chế xuất cần báo cáo lượng nhập trong kỳ. Trong dữ liệu khai báo hải quan đã có đủ, vậy vẫn yêu cầu doanh nghiệp báo cáo liệu có cần thiết không?

4. Việc điều chỉnh định mức có được thực hiện theo từng quý cho cùng 1 mã sản phẩm xuất khẩu không? Khi điều chỉnh có ảnh hưởng tới kết quả tờ khai quý trước không.

- Quý 1 định mức có tỷ lệ hao hụt cao do tay nghề công nhân kém.

- Quý 2 do tay nghề công nhân nâng cao, cải tiến kỹ thuật, tỷ lệ hao hụt thấp giảm điều chỉnh lần 1. Tuy nhiên Quý 3 vẫn cần điều chỉnh thấp hơn nữa cho đúng thực tế. Nếu không được điều chỉnh từ Quý 3 thì kết quả quyết toán nguyên phụ liệu có thể bị âm. Còn nếu được điều chỉnh mà phải làm lại quyết toán nguyên phụ liệu quý 1 và 2 - tồn cũng không chính xác nữa.

Đề nghị được điều chỉnh định mức theo từng quý cho cùng 1 mã không phải làm lại báo cáo quyết toán các quy tắc đó.

Trả lời

1. Việc hủy tờ khai sau khi thông quan:

- Hủy tờ khai để thay tờ khai hải quan mới thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 128/2013/TT-BTC. Theo đó, thời điểm thay tờ khai hải quan phải thực hiện trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc trước thời điểm miễn kiểm tra thực tế. Do vậy, hàng hóa đã thông quan không được hủy tờ khai hải quan.

- Việc sửa chữa tờ khai, khai bổ sung thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

2. Việc điều chỉnh định mức, đề nghị thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 37 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

3. Báo cáo hàng tiêu dùng: Theo quy định tại khoản 4, Điều 49 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

4. Việc điều chỉnh định mức, đề nghị thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 37 Thông tư số 128/2013/TT-BTC; trường hợp cùng một loại nguyên liệu, doanh nghiệp muốn thay đổi theo quý thì thực hiện việc đăng ký mã nguyên liệu khác nhau cho mỗi quý.

Câu 15. (Công ty TNHH KAI Việt Nam)

1. Về cách tính định mức (theo Điều 37 Thông tư 128/2013/TT-BTC)

Công ty chúng tôi sản xuất lưỡi dao qua 2 công đoạn "dập hình" và "mài"

- Dập hình: 1 thanh thép 3 kg dập được 10 lưỡi dao, mỗi lưỡi dao nặng 0,2kg.

- Mài: Lưỡi dao sau khi dập hình được mang đi mài. Lưỡi dao sau mài nặng 0,15kg.

Như vậy, "Định mức nguyên liệu sử dụng" của thép cho 1 lưỡi dao là 0,5 kg hay 0,15 kg?

2. Khi xử lý linh phụ kiện, hàng tiêu dùng bị hỏng. Đối với tài sản cố định, khi hết khấu hao thì làm thủ tục thanh lý. Còn đối với hàng tiêu dùng như linh kiện, bộ phận nhập về để thay thế, sửa chữa máy móc sau khi bị hỏng trở thành phế liệu thì thủ tục hải quan phải xử lý như thế nào?

3. Mã nguyên phụ liệu nhập khẩu:

Chúng tôi nhập các loại thùng carton về để đóng gói cho các loại sản phẩm khác nhau. Chúng tôi khai hải quan tất cả các loại thùng carton này cùng 1 mã nguyên phụ kiện có được không?

4. Theo điểm 4 điều 49 Thông tư 128/2013/TT-BTC, doanh nghiệp chế xuất nằm ngoài khu chế xuất thì hàng quý, doanh nghiệp chế xuất nộp báo cáo tổng lượng hàng hóa tiêu dùng được nhập khẩu mua từ nội địa.

Như vậy, số lượng hàng hóa nhập về đã khai báo với hải quan bằng các tờ khai trong quý thì việc tổng hợp báo cáo hàng quý này có cần thiết không? (Vì trên dữ liệu hệ thống của Hải quan đã có rồi).

5. Xuất nhập khẩu tại chỗ

Điều 15 Thông tư 128/2013/TT-BTC quy định xuất trước nhập sau và không nói thay thế Thông tư 196/2012/TT-BTC.

Theo Thông tư 196/2012/TT-BTC thì quy định nhập trước xuất sau. Như vậy, có sự mâu thuẫn về thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ đối với doanh nghiệp áp dụng hải quan điện tử.

Kính mong có văn bản hướng dẫn thủ tục hải quan đối với loại hình này.

6. Phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức

Doanh nghiệp báo cáo thanh khoản theo quý. Tỷ lệ hao hụt nguyên phụ liệu đã khai báo trước khi xuất khẩu thấp hơn thực tế nên lượng phế liệu, phế phẩm bán ra và mở tờ khai hải quan nhiều hơn so với báo cáo thanh khoản ở thời điểm quý 1/2013

Hỏi: Doanh nghiệp có thể điều chỉnh chênh lệch này vào các quý sau bằng cách tăng tỷ lệ hao hụt sản phẩm xuất khẩu lên không?

Trả lời

1. Về cách tính định mức: Công thức tính định mức: Đc= Đs+Đs x H

Theo đó, Đc là định mức bao gồm cả tỷ lệ hao hụt; Đs là định mức cấu thành trên sản phẩm xuất khẩu; H là tỷ lệ phần trăm (%) hao hụt tính theo lượng hao hụt trên định mức sử dụng cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu

Theo quy định tại Điều 37 Thông tư 128/2013/TT-BTC và khoản 6 Điều 1 Thông tư 117/2011/TT-BTC thì định mức sử dụng trong ví dụ của Công ty nên sẽ là 0,15kg

Đề nghị Công ty căn cứ công thức tính định mức này để thực hiện.

2. Đối với linh kiện, phụ kiện hỏng trở thành phế liệu thì doanh nghiệp thực hiện thủ tục tiêu hủy theo quy định tại điểm h, khoản 3, Điều 49 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

3. Khai mã nguyên phụ liệu nhập khẩu: Việc khai báo nguyên phụ liệu thực hiện đối với từng nguyên phụ liệu riêng.

4. Theo quy định tại khoản 4, Điều 49 Thông tư số 128/2013/TT-BTC thì đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu hoặc mua từ nội địa, DNCX nằm ngoài KCX vẫn phải nộp báo cáo tổng lượng hàng hóa tiêu dùng theo quý. Do vậy, DNCX nằm ngoài KCX phải thực hiện khai với cơ quan Hải quan.

5. Thủ tục hải quan đối với loại hình XNK tại chỗ:

Thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 6501/TCHQ-GSQL ngày 01/11/2013 của Tổng cục Hải quan. Theo đó, nếu thực hiện theo thủ tục hải quan điện tử thì thực hiện theo qui định tại Điều 47 Thông tư số 196/2012/TT-BTC; nếu thực hiện thủ tục truyền thống thì thực hiện theo qui định tại điều 45 Thông tư số 128/2013/TT-BTC

6. Việc điều chỉnh định mức (tỷ lệ hao hụt nguyên phụ liệu):

Khoản 4, Điều 37 Thông tư số 128/2013/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể thủ tục điều chỉnh định mức. Đề nghị Công ty căn cứ hướng dẫn này để thực hiện.



Câu 16. (Công ty TNHH Panasonic VietNam, Công ty sản xuất & lắp ráp ô tô Trường Hải – Kia, Hiệp hội VASEP, Công ty Canon Việt Nam)

1. Điều 27 trong Thông tư 128/2013/TT-BTC đưa hàng về bảo quản có điểm chưa hợp lý:

Theo điều 27(b) hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng:

b.1) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai quyết định cho người khai hải quan đưa hàng về bảo quản tại các địa điểm sau:

b.1.1.) Cửa khẩu hàng hóa nhập khẩu

b.1.2.) Cảng nội địa (ICD), kho ngoại quan hoặc địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan trong trường hợp người khai hải quan có yêu cầu đưa hàng về bảo quản và được cơ quan kiểm tra chuyên ngành chấp nhận.

Như vậy doanh nghiệp không được mang hàng về kho của doanh nghiệp bảo quản như trước đây mà phải đưa hàng về địa điểm cảng nội địa, kho ngoại quan hoặc địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa xuất nhập khẩu chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan.

Điều này cực kỳ gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi vì chúng tôi lại mất thêm thời gian làm thủ tục của Chi cục Hải quan giám sát những địa điểm trên, mất chi phí vận tải từ cảng về địa điểm trên, ngoài ra chúng tôi phải chịu thêm phí lưu kho bãi không đáng có do phải thuê địa điểm chứa hàng trong thời gian chờ cơ quan kiểm tra chuyên ngành ra kết quả (ít nhất là 15 ngày kể từ khi lấy mẫu kiểm định). Còn nếu để hàng tại cửa khẩu trong thời gian chờ kết quả kiểm tra thì chúng tôi phải mất thêm chi phí 1 container tại cảng.

Vì vậy công ty chúng tôi kiến nghị các cấp lãnh đạo xem xét để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm thủ tục hải quan.

2. Điều 27 quy định với hàng nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng chỉ được phép đưa về kho ngoại quan, ICD và các địa điểm kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu. Vậy việc nhập khẩu ô tô, hàng chỉ bán được khi cơ quan Hải quan xác nhận tờ khai nguồn gốc thì doanh nghiệp có được phép đưa hàng về kho của doanh nghiệp bảo quản như trước đây hay không hay vẫn phải thực hiện theo quy định tại Điều 27.

3. Đối với hàng phải kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm chỉ được phép đưa về kho ngoại quan, ICD và các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu. Trường hợp được cơ quan kiểm tra chuyên ngành đề nghị đưa về để kiểm tra thì phải chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa cho đến khi thông quan. Việc đề nghị phải có văn bản và phải chịu giám sát của hai cơ quan gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đối với hàng doanh nghiệp được phép đưa về kho doanh nghiệp để kiểm tra theo quy định tại Điều 27 đã giao cho cơ quan chuyên ngành thì có cần phải báo với Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp đóng không?

Hiện nay các Cục Hải quan địa phương đang hướng dẫn doanh nghiệp chỉ được phép đưa hàng về kho ngoại quan, ICD, địa điểm kiểm tra tại cửa khẩu mà không được đưa về kho của doanh nghiệp như trước đây. Khi đã có biên bản bàn giao cho chuyên ngành rồi có cần phải thêm cơ quan Hải quan giám sát không?

4. Công ty chúng tôi đã có giấy phép công nhận là chân công trình đáp ứng được việc kiểm tra hàng hoá thực tế, với quy định trên công ty chúng tôi có được di chuyển hàng về địa điểm kiểm tra tại chân công trình không?

5. Khi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu hàng qua cửa khẩu Cầu Treo, doanh nghiệp chỉ có thể đề nghị kiểm tra tại cửa khẩu Cầu Treo vì Hà Tĩnh không có ICD, kho ngoại quan, địa điểm kiểm tra tập trung hay đưa hàng về địa điểm kiểm tra theo đề nghị của cơ quan chuyên ngành. Hiện nay, cửa khẩu Cầu Treo đang trong giai đoạn xây dựng, không có kho bãi để lưu giữ và bảo quản hàng hóa. Mặt khác, thời gian để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận chất lượng khoảng từ 12 đến 30 ngày. Do đó, nếu lưu giữ hàng tại cửa khẩu để phục vụ công tác kiểm tra sẽ không đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho hàng hóa và phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Trả lời

Liên quan tới việc giải quyết vướng mắc, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành có yêu cầu đưa về bảo quản, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 15269/BTC-TCHQ ngày 07/11/2013 và công văn số 15605/BTC-TCHQ ngày 13/11/2013 gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố để hướng dẫn thực hiện Điều 27 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.

Do đó, đề nghị Công ty căn cứ hướng dẫn tại 02 công văn dẫn trên để thực hiện.

Câu 17. (Công ty May 10, Công ty TNHH Công ty Oriatal Sports Việt Nam, Công ty CEDO Việt Nam, Công ty cổ phần sản xuất thương mại may Sài Gòn, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Sài Gòn Xanh, Tổng công ty may Đồng Nai)

1. Điều 36 Thông tư 128/2013/TT-BTC: May 10 là Tổng công ty, có chi nhánh tại Hải Phòng chuyên thực hiện nghiệp vụ XNK.

Tổng công ty chúng tôi có được áp dụng theo quy định tại Điều 36 không?

2. Chức năng của công ty chúng tôi là sản xuất kinh doanh gia công giầy dép các loại từ khi thành lập đến nay công ty chúng tôi đều làm thủ tục hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan đầu tư gia công Hải Phòng theo các loại hình SXXK đầu tư nộp thuế, kinh doanh.

Hiện nay theo hướng dẫn tại Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 thì chỉ có loại hình SXXK là được mở tờ khai tại Chi cục HQĐTGC Hải Phòng còn các loại hình đầu tư nộp thuế, kinh doanh thì phải làm thủ tục tại Chi cục HQ cửa khẩu.

Như vậy, thì rất khó khăn cho doanh nghiệp chúng tôi trong trường hợp hàng đóng ghép giữa NVL và MMTB, kéo dài thời gian làm thủ tục, tổng chi phí nhân công.

Vì thế chúng tôi mong Tổng cục Hải quan tạo điều kiện và hướng dẫn cho doanh nghiệp chúng tôi làm thủ tục hải quan được thuận lợi nhất.

3. Doanh nghiệp CEDO là doanh nghiệp SXXK 100% vốn nước ngoài. Hiện nay, doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan đầu tư gia công tại Hải Phòng. Nhưng từ 01/11/2013 theo Thông tư 128/2013/TT-BTC thì doanh nghiệp sẽ phải đăng ký với Chi cục Hải quan tại địa phương. Vậy toàn bộ dữ liệu nhập nguyên phụ liệu và xuất khẩu thành phần cũng như số liệu theo dõi thanh khoản của doanh nghiệp có được chuyển về Hải quan Bắc Ninh hay không? Nếu bắt buộc phải chuyển về Bắc Ninh thì chuyển dữ liệu như thế nào? Việc chuyển dữ liệu mất thời gian thì công ty chúng tôi có bị phạt vi phạm do thanh khoản chậm tờ khai hay không?

Trả lời

Nội dung này đã được hướng dẫn tại công văn số 15445/BTC-TCHQ ngày 01/11/2013, công văn số 16236/BTC-TCHQ ngày 23/11/2013 của Bộ Tài chính và công văn số 6501/TCHQ-GSQL ngày 01/11/2013 của Tổng cục Hải quan.



Đề nghị các Công ty căn cứ hướng dẫn trên để thực hiện.

Câu 18. (Tổng công ty May 10, Công ty TNHH Panasonic VietNam, Công ty TNHH Thương mại và giao thông vận tải Đại Sơn)

1. Điều 13: Hàng về cửa khẩu nào đăng ký tờ khai tại cửa khẩu đó.

Quy định này với tờ khai nhập theo loại hình SXXK sẽ thanh khoản thế nào (vì nhiều tờ khai nhập khẩu mở tại nhiều Chi cục do về nhiều cửa khẩu thanh khoản cho 1 tờ khai chuyển khẩu) gây khó cho cơ quan quản lý, theo dõi về định mức, thanh quản

Đề xuất các doanh nghiệp lớn có độ tin cậy tại các Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng được lựa chọn đăng ký thủ tục hải quan tại 1 Chi cục cả về GC, SXXK, đầu tư để tiện quản lý.

2. Hiện nay, theo Thông tư 128/2013/TT-BTC có điều 13 về địa điểm đăng ký tờ khai hải quan "đối với hàng hóa không được chuyển cửa khẩu thì phải đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan quản lý địa điểm lưu giữ hàng hóa tại cửa khẩu cảng đích" công ty chúng tôi thấy vướng mắc như sau:

- Hàng nhập khẩu của công ty chúng tôi thường có một lượng lớn về cửa khẩu Cảng Hải phòng, cùng lúc ở nhiều khu vực khác nhau. Nếu hàng về đâu phải làm đăng ký ở Chi cục Hải quan quản lý cảng đó thì công ty phải tăng cường nhân lực cử người đến nhiều địa điểm cơ quan Hải quan.

- Trường hợp công ty được khai báo tờ khai trước theo quy định, tại thời điểm doanh nghiệp khai báo nếu tàu chưa cập cảng, doanh nghiệp không lấy được lệnh giao hàng từ hãng tàu thì không thể xác định được cửa khẩu nhập hàng; ngoài ra khi doanh nghiệp đã nộp thuế đầy đủ, nhưng do không đúng cửa khẩu nhập hàng nên công ty phải hủy tờ khai để khai báo lại tại cửa khẩu nhập, phải chuyển tiền từ đơn vị đã khai báo nộp thuế, gây ách tắc thông quan, khó khăn cho cả cơ quan và công ty chúng tôi.

- Việc doanh nghiệp bắt buộc phải làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan quản lý địa bàn mà tàu cập cảng sẽ gây ra tình trạng độc quyền làm thủ tục, gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp.

3. Địa điểm đăng ký tờ khai hải quan

- Đối với doanh nghiệp đầu tư có loại hình SXXK thì lâu nay đăng ký tờ khai và mẫu hợp đồng tại Chi cục Hải quan đầu tư gia công Tp. Hồ Chí Minh nhưng có nhà máy sản xuất tại Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang … Nếu theo Thông tư 128/2013/TT-BTC thì doanh nghiệp phải chuyển về đăng ký tờ khai tại các Chi cục Hải quan địa phương nơi có nhà máy sản xuất.

Đề nghị hướng dẫn cụ thể về lộ trình thời gian khi nào các doanh nghiệp này phải ngừng, không được đăng ký tờ khai nhập – xuất của loại hình SXXK tại Chi cục Hải quan đầu tư gia công Tp. Hồ Chí Minh nữa, để làm thủ tục đăng ký tờ khai nơi Chi cục Hải quan mới.

- Doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin ân hạn thuế SXXK 275 ngày vào thời điểm áp dụng luật thuế mới (01/7/2013) tại Chi cục Hải quan đầu tư gia công Tp. Hồ Chí Minh.

Vậy nay doanh nghiệp có phải làm lại thủ tục xin ân hạn thuế 275 theo Thông tư 128/2013/TT-BTC hay không và phải nộp lại ở Chi cục Hải quan nơi đăng ký mới hay vẫn nộp lại tại Chi cục Hải quan đầu tư gia công Tp. Hồ Chí Minh nếu vẫn còn được tiếp tục đăng ký tại đây.

Trả lời

Nội dung này đã được hướng dẫn tại công văn số 15445/BTC-TCHQ ngày 01/11/2013, công văn số 16236/BTC-TCHQ ngày 23/11/2013 của Bộ Tài chính và công văn số 6501/TCHQ-GSQL ngày 01/11/2013 của Tổng cục Hải quan. Đề nghị các Công ty căn cứ hướng dẫn trên để thực hiện.



Câu 19. (Công ty cổ phần hóa chất Minh Đức - Hải Phòng)

Công ty thành lập từ năm 1979 nay chuyển sang Công ty cổ phần từ năm 1998 có đầy đủ quyết định chuyển đổi, quyết định đầu tư mở rộng sản xuất do UBND thành phố cấp.

Hiện nay, khi làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản, Hải quan yêu cầu phải có giấy chứng nhận đầu tư do UBND thành phố cấp, vậy chúng tôi có thể sử dụng những Quyết định của Công ty để làm thủ tục được không?

Trả lời

Căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 của Bộ Công Thương quy định hồ sơ xuất khẩu khoáng sản: “Đối với doanh nghiệp chế biến khoáng sản: Giấy chứng nhận đầu tư nhà máy chế biến và Hợp đồng mua khoáng sản của doanh nghiệp khai thác khoáng sản hợp pháp hoặc chứng từ nhập khẩu khoáng sản hợp lệ (trường hợp doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu khoáng sản nhập khẩu quy định tại Mục c Khoản 2 Điều 4)”.

Trường hợp doanh nghiệp muốn sử dụng các Quyết định của Công ty thay thế cho Giấy chứng nhận đầu tư khi làm thủ tục hải quan, đề nghị Công ty liên hệ với Bộ Công thương (cơ quan ban hành Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012) để được hướng dẫn cụ thể.



tải về 360.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương