Bán nguyệt san – Số 229 – Chúa nhật 17. 08. 2014



tải về 0.74 Mb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu22.04.2018
Kích0.74 Mb.
#37022
1   2   3   4   5   6

AN PHONG – NGỌN GIÓ LÀNH

 

Khi đặt thanh gươm hiệp sĩ của mình dưới bàn thờ "Đức Bà chuộc kẻ làm tôi", Thánh An Phong đã quyết định con đường dấn thân của mình theo một khúc quanh mới, thuộc về Chúa hoàn toàn để thuộc về người nghèo, người bị bỏ rơi hơn cả.

Từ giã pháp đình, An Phong cũng từ giã giấc mơ đấu tranh giành lấy công bằng cho người nghèo bằng con đường luật pháp. Bỏ thanh gươm, An Phong từ chối can thiệp vào xã hội bằng quyền lực. Nhận lấy chiếc áo Giáo Sĩ, An Phong chọn con đường Tin Mừng.

Chẳng phải khi trở thành Linh Mục hoặc khi thiết lập DCCT vào năm 1732 thì An Phong mới có cảm thức về người nghèo, về sự áp bức và về sự công bằng, nhưng ngay khi còn đang đeo đuổi con đường luật học, An Phong đã đưa ra những quyết tâm thuộc về người nghèo, thuộc về công lý và công bằng. Quyết tâm không cãi trắng ra đen, chọn lựa người nghèo mà bênh vực, đó là những quyết tâm của luật sư An Phong nơi pháp đình của vương quốc Napoli.

“Hỡi thế gian, ta đã biết mi”, trên đường rời bỏ pháp đình, An Phong kinh nghiệm được sự giới hạn của con người. Luật pháp có công minh cách mấy cũng không đủ sức thắng sự dữ. Cái mỉa mai là luật pháp được biên soạn và ban hành bởi những kẻ cầm quyền thì làm sao lại có thể đứng về phía người nghèo, người bị áp bức được ? An Phong chọn Tin Mừng là “bộ luật” được biên soạn và ban hành bởi người nghèo cùng cực. An Phong nhận ra Thiên Chúa hóa thân nơi người nghèo, nên “bộ luật” này là bộ luật của người nghèo, người đau khổ, người hèn mọn. “Điều gì các ngươi làm cho người bé mọn nhất đó là làm cho chính Ta” ( Mt 25 ).



Chọn người nghèo, người bị bỏ rơi hơn cả, An Phong dấn thân thuộc trọn vẹn về người nghèo, đồng thân đồng phận với người nghèo, hòa mình sống kiếp nghèo. Bỏ giới thượng lưu, An Phong bỏ phong cách quý tộc, chọn lấy nếp sống giản dị, lối cư xử đơn sơ, mộc mạc. Cấm anh em mình ăn nói hoa mỹ, cấm anh em mình đem kiến thức lòe bịp thiên hạ, An Phong chia sẻ với anh em cách ăn nói bình dị, chữ nghĩa bình dị, “hãy nói sao cho người bình dân hiểu”.

 ( Ảnh chụp Đền kính Thánh An Phong tại đường Merulana ở Roma, ngay bên cạnh là Nhà Dòng Mẹ ).

Bỏ pháp đình, An Phong không hề bỏ kiến thức luật học, nhưng chọn Tin Mừng, An Phong phả hồn Tin Mừng vào luật học, viết ra bộ Thần Học Luân Lý. An Phong sử dụng kiến thúc luật học của mình để đứng về phía người nghèo, người bị áp bức. Thời ấy, luật đạo luật đời gần như một, lắm mối liên kết chằng chịt đạo đời rối ren mật thiết. Không chấp nhận quan niệm mục vụ khắt khe cầm buộc, An Phong lên tiếng nói cho người nghèo, người bị bỏ rơi, những hối nhân đáng thương hại, tiếng nói mạnh mẽ không chỉ ngoài xã hội nhưng còn ngay giữa lòng Nhà Thờ. An Phong trả lại trách nhiệm cho lương tâm, cho tình thương, cho sự tha thứ.

An Phong trăn trở và kiên trì cho đến trọn đời, kinh nghiệm nỗi cô đơn trên con đường phục vụ người nghèo, người bị bỏ rơi, An Phong đã cam kết đi đến cùng cho dù chỉ còn một mình. Nỗi cô đơn ấy đã đeo bám An Phong cho đến hết cuộc đời, và An Phong cũng trung tín với lời cam kết cho đến hết hơi thở cuối cùng.

Có rất nhiều luồng gió thổi đến làm rung chuyển thời cuộc, biến hóa nhân sinh, thay cũ đổi mới. An Phong vẫn làm gió, nhưng khi chọn Tin Mừng, ngọn gió của An Phong là gió lành, ngọn gió lành không phá hủy, không tiêu diệt, không tàn phá, nhưng xây dựng, làm mát lòng người, làm phát sinh sự sống và làm cho sự sống thêm dồi dào.

Con cái An Phong có là ngọn gió lành không ?



Lm. VĨNH SANG, DCCT, Lễ Thánh An Phong 2014

VỀ MỤC LỤC


CHỨC VỰ TƯ TẾ, VƯƠNG ĐẾ VÀ NGÔN SỨ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN LÀ GÌ ?


Qua Phép rửa, người tín hữu giáo dân được tham  dự vào địa vị vương đế, chức vụ tư tế và ngôn sứ của Chúa Kitô.

Đây là một đặc ân cao quý và cũng là trách nhiệm của những ai đã gia nhập Giáo Hội của Chúa Kitô qua Phép Rửa.Các giáo phụ ( Church Fathers) xa xưa đã dạy rằng người tín hữu giáo dân là Đức Kitô thứ hai ( Alter Christus) nhờ Phép rửa cho phép họ được tham dự  vào các chức vụ kia của Chúa Kitô.

 Danh xưng Đức Kitô thứ hai sau này  cũng được dùng để chỉ các tư tế phẩm trật ( ordained Ministers) như linh mục và giám mục, là những người thực sự thay mặt và nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi) khi cử hành các bí tích quan trọng như Thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải  Xức dầu và Truyền Chức Thánh ( dành riêng cho giám mục) Các Bí tích Rửa tội và Hôn phối thì phó tế có thể làm , kể cả giáo dân trong trường hợp khẩn cấp, nguy tử. Hai người phối ngẫu có thể kết hôn thành sự  với sự chứng kiến của hai nhân chứng trong trường hợp nguy tử, không tìm  được linh mục hay phó tế chứng hôn.(  x giáo luật số, 1116 &1)

Danh từ giáo dân( lay persons)  được  dùng để chỉ những người không có chức thánh ( giáo sĩ =clerics) hoặc tu sĩ có lời khấn Dòng ( religious life). Họ chính là thành phần dân Chúa đông đảo nhất trong Giáo Hội và tham dự vào chức vụ  Ngôn sứ,  Tư tế và Vương đế của Chúa Kitô  theo cách thức riêng của họ.

Thánh Công Đồng Vaticanô  II , trong Hiến Chế Tin Lý Lumen Gentium,  đã phân biệt  chức linh mục  thông thường   của giáo dân.( the common priesthood of the laity) khác với chức vụ linh mục biệt tác của hàng giáo sĩ thừa tác  ( extraordinary ministerial Priesthood of  the clerics)  như sau:

Hàng giáo sĩ thừa tác thì hành chức năng tư tế khi cử hành các bí tích , cách riêng bí tích Thánh Thể và Hòa giải nhân danh Chúa Kitô ( Personna Christi). Nghĩa là chính Chúa Kitô cử hành các bí tích qua tay các thừa tác viên con người là Phó tế, linh mục và giám mục.Vì thế, bí tích luôn thành sự ( valid) khi thừa tác viên nhân danh Chúa và cử hành đúng nghi thức ( rites) mà Giáo hội đã qui định.

Thí dụ, rửa tội phải có nước và đọc công thức Chúa Ba Ngôi. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì bí tích không thành sự, dù cho thừa tác viên là linh mục hay giám mục.Cũng vậy, khi cử hành bí tích Thánh Thể trong khuôn khổ Thánh Lễ Tạ Ơn, nếu thừa tác viên  không dùng đúng chất thể là bánh không men và rượu nho đúng theo qui đinh của Giáo Hội, hoặc không đọc đúng kinh Nguyện Tạ Ơn và  lời truyền phép ( consecration) theo chữ đỏ ( rubric) thì bí tích sẽ không thành sự . Ngược lại,  nếu không có chức linh mục hữu hiệu hay thành sự, thì cho dù  có đọc  và làm đúng theo lễ qui vẫn không  có  bí tích  được , và người cử hành sẽ  bị vạ tuyệt thông tiền kết , vì không có chức linh mục mà dám cử hành Thánh Lễ hay giải tội cho ai.( x giáo luật số 1378 triệt 1 và 2).

Tiếp đến,  hàng giáo sĩ thừa tác thi hành chức năng ngôn sứ của Chúa Kitô qua việc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và giáo lý của Giáo hội cho giáo dân ở khắp nơi để giúp họ biết sống đức tin ,đức cậy và đức mến cách đích thực  để được cứu rỗi theo lòng mong muốn của Thiên Chúa,  Đấng  cứu chuộc chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. ( 1 Tm 2 :4)

Mặt khác, hàng giáo sĩ và tu sĩ cũng được mong đợi sống phù hợp với lời mình rao giảng và dạy dỗ  để làm chứng cho Chúa Kitô, “Đấng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20 28)

Đây là sứ mệnh mở mang Vương Quôc của Chúa Kitô, Vương Quốc của yêu thương, tha thứ, công bình và thánh thiện  trong lòng người ở khắp mọi nơi trên thế giới

Trên đây là cách thức  hàng giáo sĩ  tham dự  vào chức  năng  tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, với tư cách là tư tế thừa tác ( ministerial sacerdoce)

Người giáo dân, nhờ bí tích Rửa tội, cũng tham dự vào các chức năng trên  nhưng  theo cách thức riêng của họ như sau:

Liên quan đến chức năng ngôn sứ, người giáo dân không rao giảng lời Chúa trong nhà thờ, nhà nguyện như các linh mục, giám mục, mà rao giảng bằng chính đời sống của mình trước mặt người đời chưa nhận biết Chúa để giúp họ nhân biết và tin yêu Chúa nhờ gương sống đức tin của mình.

Nghĩa là, trong khi những người không có niềm tin, hay có mà không dám sống niềm tin ấy, nên họ ăn gian nói dối, cờ bạc , gian dâm, thay vợ đổi chồng, buôn bán gian lận, thù ghét người khác, phá thai , ly dị… thì người có niềm tin Chúa phải sống ngược lại với cách sống của những người vô đạo hay chối đạo kia  để họ thấy những việc tốt đẹp anh  em làm , mà tôn vinh Cha của anh  em, Đấng ngự trên Trời.” ( Mt 5 :16), như Chúa Giê su đã dạy các môn đệ xưa.

Đây chính là trách nhiệm “ phúc âm hóa môi trường sống” của người tin hữu giáo dân, góp phần hứu hiệu với hàng giáo phẩm và giáo sĩ trong sứ mệnh “phúc âm hóa thế giới”  để mở mang Nước Chúa trên trần thế.Chính  nhờ gương sống chứng nhân của mình mà  người  giáo dân sẽ thuyết phục được nhiều người khác nhận biết và tin yêu Chúa . Vì thề, Công Đồng Vaticanô II đã dạy rằng:

  “    …Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ  không trở thành muối của thế gian.” ( LG, số 33)

Nói khác đi, khi sống giữa những người khác tin ngưỡng hay vô tín ngưỡng, người tín hữu công giáo làm chứng cho Chúa Kitô và rao giảng Tin Mừng của Chúa  bằng chính  đời sống công bình, bác ái,vị tha,  trong sạch để  đối nghịch với lối sống  vô luân, gian tham, xảo trá, gian manh, vô nhân đạo của người đời. Nghĩa là. Khi không hùa theo cách sống của họ và có can đảm sống theo đường lối của Chúa từ trong gia đình ra đến ngoài cộng đồng xã hội  để không thay chồng đổi vợ, không ly dị, phá thai, không thù oán ai,  không buôn bán gian lận, không lui tới những nơi tội lỗi như  sòng bài và nhà điếm,  thì  người  giáo dân  đã chu toàn  chức vụ   ngôn sứ  của mình là  rao giảng Tin Mừng  của Chúa Kitô cách hùng hồn bằng chính  đời sống  của mình cho những người sống vô luân vô đạo ở khắp nơi trên thế giới tục hóa ngày nay.

Và đây mới chính là cách thi hành chức vụ ngôn sứ của người giáo dân trong Giáo Hội để góp phần mở mang Nước Chúa bằng  lời nói và việc làm của mình  trước mặt người đời chưa nhận biết Chúa.

Nói khác đi, nếu người tín hữu Chúa Kitô-  giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân-  mà cũng ham mê tiền của, chạy theo những lôi cuốn về danh lợi với người đời thì sẽ trở thành phản chứng ( anti-witness) thay  vì là nhân chứng ( witness) cho Chúa Kitô

Đấng vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh  em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh  em được trở nên giầu có.” ( 2 Cor 8: 9)

Mặt khác, khi người tín hữu Chúa Kitô -  giáo sĩ ,tu sĩ và giáo dân-  sống công bình  bác ái, trong sạch và vị tha, yêu thương,  tha thứ  từ trong gia đình ra đến cộng đồng xã hội  thì cũng mang Vương Quốc của Chúa là Vương Quốc yêu thương, công bình, an vui  và thánh thiện đến với những ai đang sống trong hận thù, bất công, bóc lột người khác, vô luân  vô đạo  và   dửng dưng trước sự nghèo đói của  biết bao  anh chị  em  đồng loại  sống  quanh mình.

Sau hết, người tín hữu giáo dân thi hành chức năng tư tế của mình bằng cách dâng đời sống  cá nhân hay gia đình  với mọi vui buồn , sướng, khổ, thành công hay thất bại  để  hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Kitô  một lần dâng lên Chúa Cha trên thập giá , để đền tội thay cho nhân loại, và còn tiếp tục dâng trên bàn thờ ở khắp nơi trong Giáo Hội ngày nay.

Tóm lại, người tín  hữu giáo dân thi hành các chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của mình theo cách thức đã trình bày trên đây, để thông hiệp cùng với hàng giáo sĩ thừa tác  tế  lễ, rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô để mở mang Vương Quốc  yêu thương, công bình và thánh thiện  của Người đến với mọi tâm hồn con người ở khắp mọi nơi, để đánh tan bóng đen tội lỗi của văn hóa sự chết, của chủ nghĩa  tục hóa ( vulgarism) tôn thờ tiền bạc và mọi thú vui vô luân vô đạo,  đang ngày một bành trướng ở khắp nơi trên thế giới trống vắng niềm tin này.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.
VỀ MỤC LỤC


CHÚA Ở ĐÂU?


Vào một Chúa Nhật nọ, người ta thấy một người lạ mặt ngồi lại sau Thánh Lễ lâu giờ. Họ không nhớ đã gặp người này trước đây. Anh ta ngồi đó, nhìn chằm chằm vào một khung cửa kiếng màu. Một lúc sau, ông quản phụ trách việc đèn đóm cửa giả nhà thờ đến xin lỗi anh ta để đóng cửa vì đã hết giờ. Lúc rời nhà thờ, người lạ mặt hỏi:

“Chúa ở đâu?”

Ông quản bất ngờ trước câu hỏi này.

“Ý anh là sao?”

“Ý tôi là: Chúa ở đâu?” Người lạ mặt lặp lại câu hỏi.

“Chúa ở khắp mọi nơi. Cách riêng, anh đang đứng trong nhà thờ nơi có Nhà Tạm. Và chúng ta tin rằng Chúa hiện diện nơi đây.” Ông quản trả lời thế nhưng người lạ mặt không có ý hỏi về sự hiện diện của Chúa trong Nhà Tạm. Anh ta đang vật lộn với những vấn đề khác.

“Nhưng tại sao anh lại hỏi như thế?” ông quản hỏi anh.

Tên của người lạ mặt là Yumi. Sau khi xong trung học, mười lăm năm về trước, anh không đi Lễ thường xuyên nữa. Thời gian trôi qua, kiến thức đức tin của anh cũng mai một dần, không được cập nhật. Khi cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra tại New York, anh tức giận với Chúa và chấm dứt việc đến nhà thờ hòan tòan. Anh đổ lỗi cho Chúa về cái chết của em họ mình khi Tòa Tháp Đôi sập xuống. Sự tức giận của anh lớn dần lên trong lòng, không chỉ đối với Chúa mà còn đối với con người nữa.

Nghe ông quản hỏi tại sao anh lại hỏi câu hỏi ấy, anh trả lời: “Hãy nói cho tôi biết tại sao tội ác xảy ra trên thế giới này. Tại sao ngay cả những người tin vào Chúa cũng làm những sự ác với tha nhân?”

“Đúng vậy, anh bạn à. Một số tín hữu đã làm hại người khác,” ông quản đáp.

“Nhưng tại sao họ tin Chúa mà vẫn làm như thế?” Yumi tiếp tục đặt vấn đề.

Lúc ấy vợ của ông quản xuất hiện ở cửa. Bà ấy đã đứng ở ngòai nãy giờ để chờ chồng cùng về nhà. Ông quản nói với Yumi:

“Tôi xin lỗi phải đi bây giờ. Có lẽ chúng ta sẽ gặp lại và chia sẻ nhiều hơn.”

“Tôi cũng hi vọng là vậy, nhưng không sao. Chúc anh chị buổi tối tốt lành.”

“Cảm ơn anh. Chúc anh cũng thế nhé. À, đây là tờ hiệp thông trong giáo xứ. Anh có thể đem về dùng.”

“Xin cảm ơn!”

+++


Buổi tối hôm ấy, Yumi nghe thêm tin tức về chiến cuộc ở Trung Đông. Thêm nhiều người chết và bị thương. Anh lắc đầu buồn bã và tức giận, nhưng trên hết anh cảm thấy khó hiểu và bất lực. “Đủ rồi,” anh hét lên khi xem tin tức, “tại sao các người đối xử với nhau tệ hại như thế?”

Anh tắt ti-vi đi như thể không chịu nổi nữa. Lúc ấy anh chợt thấy tờ hiệp thông của giáo xứ trên bàn. Vì lý do nào đó, anh cầm lên và đọc lướt qua trang đầu tiên. Mắt anh bắt gặp một câu hỏi in đậm: “Tại sao Chúa không ở trong cơn gió bão hay trận động đất hay lửa mà lại ở trong cơn gió nhẹ hiu hiu?” Phía dưới câu hỏi là một bài đọc trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất, chương 19, kể về chuyện ngôn sứ Ê-li-a đang chạy trốn khỏi cuộc lùng giết của hòang hậu I-de-ven. Ông tìm thấy một cái hang và núp ở đó. Một thiên sứ đến bảo ông hãy ra ngòai đứng trên núi trước nhan Đức Chúa vì Người sắp đi qua đây. Ê-li-a nghe tiếng gió bão ầm ầm xẻ núi non, đập vỡ đá, rồi đến một trận động đất, rồi đến lửa, nhưng Chúa không ở trong chúng. Cuối cùng xuất hiện một làn gió nhẹ hiu hiu. Thiên Chúa hiện diện trong đó. Chi tiết này làm cho Yumi dừng lại suy nghĩ. Anh nhớ đã nghe bài đọc này nhiều lần trước đây khi anh trẻ hơn, nhưng anh chưa bao giờ để ý đến chi tiết này. Dường như anh mới khám phá ra điều gì mới lạ.

Điện thọai di động trong túi áo khóac của anh đổ chuông. Một số điện thọai lạ đang gọi anh. Nhưng anh quyết định trả lời. Giọng nói từ đầu dây bên kia có vẻ rất tức giận:

“Nghe đây, từ giờ trở đi, đừng để tao thấy mặt mày nữa, hoặc là tao sẽ đập cho một trận. Tao thề với Chúa đấy. Hiểu chưa?”

Yumi cảm thấy sốc bởi giọng nói lạ kia. Anh trả lời: “Xin lỗi, ông là ai? Tôi nghĩ ông đang nói chuyện lầm người.”

Giọng nói bên kia ngừng lại. Yumi nghe ông ta “ồ” một tiếng rồi cúp máy mà không xin lỗi gì.

Lúc này Yumi chợt hiểu bài Kinh Thánh trong tờ hiệp thông của giáo xứ anh mới đọc. Câu trả lời cho câu hỏi in chữ đậm rất đơn giản: Chúa không ở trong gió bão hay động đất hay lửa vì Người không phải là một vị Chúa bạo lực. Chúa có thể làm tất cả mọi sự vì Người là Đấng Tòan Năng, nhưng Người luôn luôn chọn con đường dịu hiền và an lành bởi vì Người là Thiên Chúa của Tình Yêu (1Gioan 4:8). Cú điện thọai từ một người lầm số có thái độ hung hãn, thậm chí còn dùng cả danh Chúa cho hành động bạo lực của mình, đã giúp Yumi hiểu rõ hơn về các hành xử bạo lực của con người. Nguồn gốc của lọai hành xử này nằm ở sự hiểu sai hiểu lầm về Thiên Chúa. Khi người ta không hiểu rõ sự thật rằng Chúa tuyệt đối chống lại bạo lực, họ sẽ không từ khước sự dữ của bạo lực. Trường hợp tồi tệ nhất là tin rằng Chúa đồng ý với bạo lực vì trong trường hợp ấy người ta sẽ dùng danh Chúa mà gây hại cho tha nhân. Điều xấu nhất là cho rằng Chúa sẽ thưởng công cho các hành động bạo lực.

Với khám phá này, Yumi bật Ti-vi lên lại để xem tin tức thế giới. Thêm một cảnh tượng các ngôi nhà đang bị cháy rụi đi do mấy kẻ cuồng tín gây ra. Những gì đang xảy ra cho thấy rõ sự thật rằng họ đã hiểu sai về Chúa.

Lúc này là 11 giờ 15 phút đêm. Điện thọai di động của anh lại đổ chuông. Một số lạ nữa! Anh lưỡng lự không muốn trả lời. Một vài phút sau, số đó lại gọi anh. Dù ái ngại nhưng anh quyết định bắt máy.

“Chào Yumi, Minsa đây. Còn thức không?”

“Còn. Số mới của cậu à? Có chuyện gì không?”

“Ừa, tớ đổi số. Tớ mới nghe biết thằng bạn Stipud dạo này rất hay uống rượu say.”

“Sao vậy?” Yumi hỏi.

“Nó nói nó muốn tự trừng phạt mình vì đã xúc phạm đến bạn gái trước mặt một đám đông.” Minsa đáp.

Yumi nhận ra ngay rằng khi người ta không thấy Chúa luôn là Đấng bất bạo lực thì họ sẽ cho phép mình trở nên bạo lực, không chỉ đối với tha nhân mà còn đối với chính bản thân họ nữa. Bất cứ một dạng bạo lực nào cũng đều trái ngược với ý của Thiên Chúa thật. Đàng sau bạo lực là Satan. Nó tìm mọi cách để xui khiến con người dính dáng đến bạo lực, từ tư tưởng cho đến hành động, từ già đến trẻ, từ khỏe đến ốm. Nó tận dụng mọi hòan cảnh để cám dỗ người ta bạo lực với chính mình và với tha nhân.

 “Minsa, cậu thấy đấy, trong trường hợp này Stipud đang sống bạo lực đến hai lần, trước hết là với bạn gái và bây giờ với chính bản thân nó. Đơn giản nó chỉ cần chân thành xin lỗi làm hòa với cô ấy và tiếp tục tiến lên trong cuộc sống. Tớ sẽ gọi điện cho nó ngày mai xem có giúp gì được không. Cảm ơn cậu cho tớ biết nhé Minsa!”

“Cảm ơn Yumi!”

Ngày nay, Yumi không còn tức giận Chúa nữa. Ngược lại, anh yêu Người hơn. Thỉnh thỏang anh thầm thì: “Tội nghiệp Chúa quá đi!” Anh đã khám phá ra một phương pháp cho mình và muốn chia sẻ nó với những ai có cùng nỗi trăn trở giống anh trước đây. Phương pháp đó là: thay vì hỏi “Chúa ở đâu?” thì nên trả lời cho đúng một câu hỏi sâu xa hơn “Chúa là ai?” Yumi dán lên tường tờ hiệp thông anh nhận từ người ông quản trong nhà thờ hôm bữa, rồi vẽ một mũi tên màu xanh chỉ hướng lên phía trên. Anh làm thế là vì: Ê-li-a nhận ra Thiên Chúa thật trong sự dịu hiền của Người. Nhưng sự thể hiện tốt nhất về Thiên Chúa được thể hiện nơi Thầy Giêsu chịu đóng đinh trên cây thập giá phía trên tờ hiệp thông. Là hình ảnh trung thực nhất của Thiên Chúa, Thầy Giêsu đã chống lại cám dỗ hành xử bạo lực dưới mọi hình thức và bằng mọi giá. Ai là môn đệ Thầy thì cũng phải chống lại cám dỗ này bằng mọi giá và dưới mọi hình thức.

Joseph Viet, O.Carm.

[080A+V814]



 English: http://only3minutes.wordpress.com/english/where-is-god/

  BTT CGVN xin hân hạnh giới thiệu tác phẩm "Ngủ Trên Sóng" của tác giả Cát Thường.

Tác giả Cát Thường chính là bút hiệu của Lm. Giuse Tuấn Việt, O.Carm, một linh mục rất gần gũi với các ban trẻ, và luôn hướng lòng về với các bạn trẻ. Ngủ trên Sóng không phải chỉ là một kinh nghiệm sống của một đời thường, nhưng là của một tâm hồn có niềm tin mãnh liệt vào Đức Kito, Đấng đã làm nên mọi sự và vẫn còn đang tiếp tục đồng hành với bất cứ ai tin theo Ngài.

Các bạn có thể tìm gặp tập sách nhỏ rất dễ thương này tại các nhà sách công giáo. Nếu bạn thực tâm muốn đi tìm bình an hạnh phúc trong cuộc đời luôn đầy biến động này, hãy cùng với Cát Thương  chia sẽ "Ngủ Trên Sóng"

Chúc nhau bình an và thật nhiều may mắn.



BBT CGVN
VỀ MỤC LỤC


VẬN MỆNH, BÚT TÍCH VÀ LỜI CHỨNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU YÊU MẾN - GA 21,20-25.




 
Bài viết tiếng Pháp và tiếng Anh:

Jn 21,20-25. Le destin, les écrits et le témoignage du disciple que Jésus aimait.

Jn 21:20-25. Destiny, writings and testimony of the disciple whom Jesus loved.

 

Tác giả: Giu-se LÊ MINH THÔNG, O.P.



Blog: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/

Email: josleminhthong@gmail.com

Ngày 30 tháng 06 năm 2014.

Nội dung

I. Bản văn Ga 21,20-25

II. Bối cảnh và cấu trúc Ga 21

III. Phân tích

    1. Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến

    2. Ý muốn của Đức Giê-su về môn đệ Người yêu mến

    3. Bút tích và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến

IV. Kết luận

 

I. Bản văn Ga 21,20-25

Trích dẫn Ga 21,20-25 dưới đây lấy trong Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt.

20 Phê-rô quay lại, thấy môn đệ  người Đức Giê-su yêu mến  đi theo sau; ông này là người, trong bữa ăn tối, đã nghiêng mình vào ngực của Người và nói: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” 21 Khi thấy người này, Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” 22 Đức Giê-su nói với ông ấy: “Nếu Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, anh hãy theo Thầy.” 23 Vậy có lời đồn giữa anh em là người môn đệ ấy không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông ấy là “Anh ấy không chết”, mà là “Giả như Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến [, thì việc gì đến anh?]”

24 Chính môn đệ này là người làm chứng về những điều đó và người đã viết những điều đó, và chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. 25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm, nếu viết lại từng điều một, tôi thiết nghĩ cả thế gian cũng không chứa nổi các sách được viết ra.

 

II. Bối cảnh và cấu trúc Ga 21

Ga 21 được xem là do soạn giả (le rédacteur) sách Tin Mừng Gio-an viết và thêm vào sau. Soạn giả viết kết luận thứ hai (21,24-25) trong khi sách Tin Mừng đã có kết luận thứ nhất ở cuối chương 20 (20,30-31). Ga 21 trình bày tương quan giữa Đức Giê-su với hai khuôn mặt nổi bật của cộng đoàn Gio-an (Johannine community): Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Toàn bộ ch. 21 được cấu trúc thành 4 tiểu đoạn:

(1) 21,1-14. Đức Giê-su Phục Sinh tỏ mình lần thứ ba trên bờ biển hồ Ti-bê-ri-a. Hai nhân vật chính của câu chuyện là Si-môn Phê-rô và môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Hai nhân vật này sẽ được bàn đến trong các tiểu đoạn tiếp theo.

2) 21,15-19. Đức Giê-su hỏi Phê-rô ba lần về tình yêu của ông dành cho Đức Giê-su, và ba lần Đức Giê-su giao phó sứ vụ chăn dắt đàn chiên của Người (21,15-17). Sau đó, Đức Giê-su báo trước cách Phê-rô chết để tôn vinh Thiên Chúa (21,18-19), còn bây giờ, nhiệm vụ của Phê-rô là đi theo Đức Giê-su (21,19; x. 21,22).

3) 21,20-23. Ý muốn của Đức Giê-su về vận mệnh của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Người nói với Phê-rô: “Nếu Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, anh hãy theo Thầy” (21,22). Lời này được người thuật chuyện lặp lại ở 21,23b để xác định rõ lời Đức Giê-su, bởi vì một số người đã hiểu sai. Cũng như Phê-rô, người môn đệ này cũng là người “đi theo Đức Giê-su” (21,20).

4) 21,24-25. Soạn giả viết kết luận thứ hai của sách Tin Mừng dựa trên bút tích và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến.

 

III. Phân tích

Phần sau sẽ phân tích nhân vật “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” trong tiểu đoạn 3 và 4 (21,20-23; 21,24-25) với ba ý: (1) Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. (2) Ý muốn của Đức Giê-su về vận mệnh của người môn đệ này (3) Bút tích và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến.

    1. Môn đệ Đức Giê-su yêu mến

Động từ “đi theo” (akoloutheô) nối kết vận mệnh của Phê-rô với vận mệnh của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Ở cuối tiểu đoạn 2 (21,15-19), Đức Giê-su nói với Phê-rô: “Anh hãy theo Thầy” (21,19b). Đến câu mở đầu của tiểu đoạn 3 (21,20-23), người môn đệ Đức Giê-su yêu mến cũng đang trong tư thế “đi theo sau”. Người thuật chuyện kể ở 21,20a: “Phê-rô quay lại, thấy môn đệ  người Đức Giê-su yêu mến  đi theo sau.” Cuối câu 22, Đức Giê-su lại mời gọi Phê-rô: “Phần anh, anh hãy theo Thầy” (21,22b). Qua việc nhấn mạnh ý tưởng “đi theo Đức Giê-su”, nghĩa là “làm môn đệ của Người” bản văn cho độc giả thấy “đi theo Đức Giê-su” là đặc điểm của người môn đệ đích thực, dù đó là người đứng đầu nhóm các môn đệ (Phê-rô) hay là người có tương quan mật thiết với Đức Giê-su (môn đệ Đức Giê-su yêu mến). Nói cách khác các môn đệ qua mọi thời đại được mời gọi “đi theo Đức Giê-su” trong mọi hoàn cảnh, dù trong tình trạng bị bách hại (Phê-rô) hay trong hành trình làm chứng về Đức Giê-su (người môn đệ Đức Giê-su yêu mến).

Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong đoạn văn 21,20-23 được xác định khi nhắc lại những gì môn đệ này đã làm trong trình thuật nói về Giu-đa, kẻ sẽ nộp Đức Giê-su trong đoạn văn 13,21-31. Ở 21,20, người thuật chuyện nhắc lại hai chi tiết liên quan đến môn đệ Đức Giê-su yêu mến: (1) Chi tiết thứ nhất nói về vị trí đặc biệt của người môn đệ này bên cạnh Đức Giê-su trong bữa tiệc ly: “Ông này là người, trong bữa ăn tối, đã nghiêng mình vào ngực của Người [Đức Giê-su]” (21,20b) // 13,23. (2) Chi tiết thứ hai là lời người môn đệ này nói với Đức Giê-su trong bữa tiệc: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” (21,20c) // 13,24b. Trong trình thuật 13,12-32, người thuật chuyện kể về hai chi tiết này ở 13,23-26: “23 Có một người trong các môn đệ của Người (Đức Giê-su) đang dùng bữa, tựa vào lòng Đức Giê-su, đó là người Đức Giê-su yêu mến. 24 Vậy Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy hỏi xem Thầy nói về ai. 25 Ông này nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su nói với Người: ‘Thưa Thầy, ai vậy?’ 26 Đức Giê-su trả lời: ‘Kẻ đó là người mà chính Thầy chấm miếng bánh và trao cho.’ Rồi Người chấm miếng bánh [cầm lấy và] trao cho Giu-đa con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt.”

Hai chi tiết ở 21,20 liên quan đến người môn đệ Đức Giê-su yêu mến cho thấy tầm quan trọng của môn đệ này giữa nhóm các môn đệ và trong cộng đoàn Gio-an. Thật vậy, theo Tin Mừng Gio-an, người môn đệ này có vị trí bên cạnh Đức Giê-su trong bữa tiệc ly (13,23); người môn đệ này đứng dưới chân thập giá Đức Giê-su (19,25); ông là môn đệ đầu tiên “đã thấy và đã tin” (20,8) trước ngôi mộ trống và cũng là môn đệ đầu tiên nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh khi Người tỏ mình ở biển hồ Ti-bê-ri-a (21,7). Như thế, phẩm chất về tương quan với Đức Giê-su của môn đệ này hơn Phê-rô, nhưng người môn đệ Đức Giê-su yêu mến không cạnh tranh với Phê-rô. Hai môn đệ có vị trí và vai trò đặc thù riêng trong cộng đoàn các môn đệ.

Trong đoạn văn 21,15-19, Đức Giê-su đã trao cho Phê-rô sứ vụ chăn dắt đàn chiên của Người cách long trọng qua việc Đức Giê-su hỏi và Phê-rô tuyên xưng ba lần tình thương của ông dành cho Đức Giê-su (21,15-17). Đức Giê-su cũng báo trước Phê-rô sẽ chết như thế nào để tôn vinh Thiên Chúa (21,18). Cuối cùng Phê-rô được mời gọi đi theo Đức Giê-su (21,19), nghĩa là sống tư cách người môn đệ. Với sứ vụ mục tử, Phê-rô là người đứng đầu nhóm các môn đệ. Tuy nhiên trong cộng đoàn Gio-an, có những thắc mắc và lời đồn đại về một khuôn mặt bí ẩn, đó là người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Câu Phê-rô hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” (21,21b) cũng là câu hỏi của cộng đoàn Gio-an và của độc giả. Đặc biệt câu trả lời của Đức Giê-su gây ngạc nhiên và không kém phần bí ẩn: “Nếu Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, anh hãy theo Thầy” (21,22).

    2. Ý muốn của Đức Giê-su về môn đệ Người yêu mến

Ý muốn của Đức Giê-su được chính Người nói ra ở 21,22 và sau đó được người thuật chuyện lặp lại ở 21,23. Lời Đức Giê-su nói với Phê-rô về môn đệ Người yêu mến ở 21,22a: “Nếu Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” đã bị hiểu lầm. Có người nghĩ người môn đệ này không chết trước khi Đức Giê-su trở lại. Người thuật chuyện kể ở 21,23a: “Có lời đồn giữa anh em là người môn đệ ấy không chết.” Lời đồn này đã được người thuật chuyện điều chỉnh lại khi nói rõ ở 21,23b: “Đức Giê-su đã không nói với ông ấy là ‘Anh ấy không chết’, mà là ‘Giả như Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến [, thì việc gì đến anh?]’

Số phận của Phê-rô được Đức Giê-su nói rõ ở 21,18-19, còn số phận của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến không được nói rõ mà lệ thuộc vào ý muốn của Đức Giê-su. Người nói với Phê-rô: “Nếu Thầy muốn anh ấy...” (21,22a). Số phận của người môn đệ này tùy thuộc vào ý muốn của Đức Giê-su chứ không phải ý muốn của cộng đoàn. Mạch văn cho phép hiểu cộng đoàn Gio-an muốn người môn đệ này sống với họ mãi nên mới có lời đồn là môn đệ này không chết. Ước muốn này cũng dễ hiểu vì người môn đệ Đức Giê-su yêu mến là khuôn mặt nổi bật trong cộng đoàn. Lời đồn về người môn đệ này giữa cộng đoàn đã dựa trên cách hiểu không chính xác về lời Đức Giê-su (21,22).  

Qua cách thức kể chuyện như trên, độc giả có thể hiểu tình trạng của cộng đoàn Gio-an theo cách giải thích của F. J. Moloney: “Người môn đệ được yêu đã không còn sống nữa, và cộng đoàn không nên ngạc nhiên về cái chết của môn đệ này. Dù điều gì đã xảy ra cho người môn đệ được yêu cũng là làm trọn ý muốn của Đức Giê-su cho môn đệ ấy. Cả hai, Phê-rô (21,18-19) và người môn đệ được yêu (21,22-23) đã chết.” (F. J. MOLONEY, The Gospel of John, (SPS 4), Collegeville (MN), The Liturgical Press, 1998, p. 557). Cả hai nhân vật quan trọng này giữ những vai trò khác nhau trong cộng đoàn Gio-an. Phê-rô được Đức Giê-su đặt làm mục tử đàn chiên của Người, còn người môn đệ Đức Giê-su yêu mến, ông đã viết lời chứng xác thực và rất đáng tin cậy của mình về Đức Giê-su cho cộng đoàn.

    3. Bút tích và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến

Qua những lời Đức Giê-su nói với thân mẫu và với người môn đệ Người yêu mến dưới chân thập giá (19,26-27), môn đệ này được xem là vị sáng lập cộng đoàn Gio-an. Người thuật chuyện kể lời trối của Đức Giê-su ở 19,25-27: “25 Vậy đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu của Người và chị của thân mẫu Người, Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát và Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi Đức Giê-su thấy thân mẫu và môn đệ đứng bên cạnh, – môn đệ Người yêu mến –, Người nói với thân mẫu: ‘Thưa bà, đây là con của bà.’  27 Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh.’ Và kể từ giờ đó, người môn đệ đón nhậnmẹ về nhà mình.” Đối với cộng đoàn Gio-an, người môn đệ Đức Giê-su yêu mến là nhân vật được kính trọng như là người sáng lập cộng đoàn, thể hiện qua tương quan mật thiết với Đức Giê-su và lời chứng đáng tin cậy của môn đệ này về Đức Giê-su. Người môn đệ này đã đứng dưới chân thập giá và làm chứng về những gì đã xảy ra. Người thuật chuyện long trọng kể lời chứng của môn đệ này ở 19,35: “Người đã xem thấy [môn đệ Đức Giê-su yêu mến], đã làm chứng, và lời chứng của người ấy là xác thực; và người ấy biết rằng mình nói sự thật để cả anh em nữa (độc giả), anh em tin.”

Ở 21,24, soạn giả nói về bút tích và lời chứng của người môn đệ này: “Chính môn đệ này là người làm chứng về những điều đó và người đã viết những điều đó, và chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (21,24). Hai lần đại từ “houtos” ở giống trung, số nhiều: “những điều đó” trong các cụm từ “Làm chứng về những điều đó” (21,24a) và “đã viết những điều đó” (21,24b) gợi về cốt lõi nội dung sách Tin Mừng.

Khi soạn giả (le rédacteur) khẳng định: “Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy (môn đệ Đức Giê-su yêu mến) là xác thực” (21,24b), soạn giả đã nhân danh trường phái Gio-an (trường phái thần học Gio-an, l’école johannique) để xác nhận là người môn đệ Đức Giê-su yêu mến “đã viết những điều đó”, nghĩa là môn đệ này đã để lại bút tích trong sách Tin Mừng. Ngày nay phần lớn các tác giả cho rằng người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã không viết tất cả 20 chương (Ga 1–20) với lời kết luận ở 20,30-31. Tình trạng bản văn Tin Mừng Gio-an như chúng ta có hiện nay cho thấy Tin Mừng được hình thành qua nhiều giai đoạn. Có thể nói rằng nội dung cốt lõi của Tin Mừng Gio-an là bút tích của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến (21,24), môn đệ này là người sáng lập cộng đoàn Gio-an và là người đứng đầu trường phái thần học Gio-an. Sau đó, một hay nhiều thành viên của trường phái này, được gọi là tác giả Tin Mừng, đã hoàn thành bản văn Tin Mừng (Ga 1–20) với kết luận thứ nhất ở 20,30-31. Cuối cùng một hay nhiều soạn giả, thuộc trường phái Gio-an, viết ch. 21 và kết thúc sách Tin Mừng với kết luận thứ hai ở 21,24-25. Soạn giả đã xuất bản và cho lưu hành sách Tin Mừng Gio-an như chúng ta có hiện nay. Tóm lại, có thể nói đến ba giai đoạn chính trong việc hình thành sách Tin Mừng Gio-an: (1) Bút tích của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến; (2) Tác giả (l’auteur, l’évangéliste) viết phần chính của sách Tin Mừng và kết luận ở 20,30-31; (3) Soạn giả (le rédacteur) viết ch. 21 và xuất bản Tin Mừng Gio-an như chúng ta đọc hiện nay.

 

IV. Kết luận

Đoạn văn Ga 21,20-25 nói về số phận bí ẩn của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Qua câu chuyện, soạn giả cho biết làm thế nào cộng đoàn các môn đệ có thể tồn tại mà không có sự hiện diện thể lý của Đức Giê-su (x. 20,29) và những người lãnh đạo cộng đoàn dần dần ra đi. Bởi vì vào lúc sách Tin Mừng được viết ra, Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã chết. Thực ra, cộng đoàn vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển vì vai trò mục tử của Phê-rô được tiếp nối nơi các đấng kế vị, và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến vẫn ở lại cho đến khi Đức Giê-su trở lại nhờ bút tích và lời chứng có uy tín và đáng tin cậy của môn đệ này trong sách Tin Mừng.

Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến là một nhân vật có uy thế trong cộng đoàn Gio-an và là hình ảnh về người môn đệ lý tưởng. Độc giả qua mọi thời đại được mời gọi sống theo khuôn mẫu của người môn đệ này: tương quan mật thiết với Đức Giê-su; sống vững mạnh niềm tin và can đảm làm chứng về Đức Giê-su. Độc giả có thể thực hiện lời mời gọi này bằng cách học hỏi và suy gẫm Tin Mừng Gio-an./.

 

Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2013/05/ga-2120-25-van-menh-but-tich-va-loi.html



Ghi chú:

Tác giả chịu trách nhiệm nội dung bài viết, vì thế, xin các trang web đăng lại cho hiển thị ngày tháng, nguồn bài viết và đừng chỉnh sửa hay cắt bớt nội dung. Cảm ơn.

Bài viết này đã đăng ngày 19/05/2013 trên blog:http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/ với tựa đề tiếng Việt “Ga 21,20-25. Vận mệnh, bút tích và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” và tiếng Anh: “Jn 21:20-25. Destiny, writings and testimony of the disciple whom Jesus loved.” Nhân dịp viết bài này bằng tiếng Pháp: “Jn 21,20-25. Le destin, les écrits et le témoignage du disciple que Jésus aimait” bài viết được cập nhật, chỉnh sửa và đề ngày mới.

12 CUỐN SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN

Một số đề tài trong các tập sách 

ĐỊA CHỈ CÁC NHÀ SÁCH


Sách học tiếng Hy Lạp để đọc Tân Ước bằng tiếng gốc:

1. Ngữ pháp Hy Lạp Tân Ước   (Phần căn bản)

2. Cú pháp  Hy Lạp Tân Ước    (Phần nâng cao)

Bản văn Tân Ước

1. Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt

2. Tin Mừng Mác-cô, Hy Lạp – Việt

3. Sách Khải Huyền, Hy Lạp – Việt

Các sách tìm hiểu Tin Mừng Gio-an 
 


01. Người MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU YÊU MẾN 
      trong Tin Mừng thứ tư là ai?

02. TÌNH YÊU và TÌNH BẠN trong Ga 15,9-17

03. KHỦNG HOẢNG và GIẢI PHÁP 
     cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư

04. Phân tích THUẬT CHUYỆN và CẤU TRÚC 
     áp dụng vào Tin Mừng thứ tư

05. Đấng PA-RÁC-LÊ – Thần Khí sự thật – 
     trong Tin Mừng thứ tư

06. YÊU và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an, Phần I

07. YÊU và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an, Phần II 
 

 

VỀ MỤC LỤC




tải về 0.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương