Bán nguyệt san – Số 229 – Chúa nhật 17. 08. 2014


MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC CỦA LINH MỤC - Thường Huấn Linh Mục Trẻ Huế (Ngày 3/6/2014)



tải về 0.74 Mb.
trang6/6
Chuyển đổi dữ liệu22.04.2018
Kích0.74 Mb.
#37022
1   2   3   4   5   6

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC CỦA LINH MỤC - Thường Huấn Linh Mục Trẻ Huế (Ngày 3/6/2014)


        



Kính mời viếng thăm www.cvlctt.net (chỉ vì lòng Chúa thương tôi)
tiếp theo kỳ trước
C. KhỦng hoẢng LẠm DỤng Tình dỤc và các BiỆn pháp cỦa Giáo HỘi và ThẾ GiỚi
1. Về phương diện bản thân
Xét về mặt thể lý, mọi tế bào trong cơ thể cứ từng 7 năm một lần đều được thay thế để tăng trưởng. Vấn đề sinh lý và tính dục cũng thế với các tuyến nội tiết và các loại hooc-môn đặc trưng qua từng giai đoạn của tuổi đời “không ai dạy cho khỉ mà khỉ vẫn biết leo cây”. Và ngày nay trẻ trưởng thành sinh học sớm hơn, lại có những cách giáo dục giới tính vội vàng không thích hợp, khiến có những cơn sóng ngầm nguy hiểm kích thích nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Chúng ta cũng cần hiểu biết những xúc cảm bản thân hơn để sống giới tính của mình với tâm hồn bình an thanh thản trong đời tu, thoát khỏi những áp lực căng thẳng của cám dỗ và ham muốn gây nên mặc cảm sợ hãi về sự yếu đuối con người của mình, đôi khi tự đặt vấn đề không biết liệu có tu bền đỗ được không?
Chúng ta đi tu nhưng vẫn không thôi là con người có những ham muốn sinh lý tính dục tự nhiên. Nguyên khởi cảm nhận những ham muốn tự nhiên ấy không tội lỗi gì hết, hãy hiểu biết điều đó để tâm hồn bằng an thanh thoát, vì đấy là sự phát huy chức năng của các cơ quan thể xác mà Chúa đã an bài để tiếp tục thực hiện công trình sáng tạo. Chỉ thứ phát dừng lại ở những ham muốn đó và tìm cách thỏa mãn trái qui trình bậc sống mới là tội. Để vận dụng tốt các qui trình tự nhiên ấy, chúng ta cần cẩn thận trong những giao tiếp gần gũi thân mật với người khác giới. Cần phải triệt để lưu ý và thực hiện năm yếu tố cần giữ gìn trong các mối tương quan khác phái: - nơi chốn gặp gỡ, - thời gian và thời lượng, - khoảng cách thể lý và tâm lý, - sự có mặt của những người thứ ba – và sống ý thức sự hiện diện khuất ẩn nhưng rất thật của Chúa.
Ai ai cũng đều biết rõ rằng mọi thân xác đều có tính dục và mọi tương quan đều có tính cách phái tính. Có những hoàn cảnh khiến các hấp dẫn và khao khát tự nhiên về tình cảm và tính dục bộc lộ mãnh liệt hơn. Cần lưu ý dữ kiện tâm sinh lý này là sự hấp dẫn tính dục. Có sức hấp dẫn tính dục [như Giuse Ai cập với vợ ông quan] hay bị hấp dẫn tính dục [như vua Đavít với vợ của Uria] đều là nguy hiểm: dù là đối với người độc thân hay có gia đình, người thường hay người tu, coi chừng kẻo cả gan tấn công hoặc bị tấn công mà vấp ngã. Trong lãnh vực này không ai được phép cho rằng mình mạnh cả. Thánh Phaolô thú nhận: “Có ai trong anh em yếu đuối mà tôi không cảm thấy yếu đuối; có ai trong anh em sa ngã mà tôi không cảm thấy như thiêu như đốt1 và Ngài nhắc nhở “ai tưởng rằng mình đang đứng vững hãy coi chừng kẻo ngã2. Hãy xem câu chuyện Samson-Dalila trong sách Thủ Lãnh và lấy đó mà răn mình. Gương vua Salomon vào cuối đời cũng là một bài học nhắc nhở quý báu3. Chúa Kitô dạy phải dùng đến hợp lực của sức Chúa và sức con người chúng ta: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì nhẹ nhàng chóng vánh nhưng xác thịt thì nặng nề yếu đuối4. ĐHY Carlo Maria Martini nói: “Mọi người, tín hữu, Giám mục, linh mục phải xác tín rằng không ai chắc chắn bền đỗ được; mối nguy lớn nhất là tưởng rằng mình đã đạt đến một mức ổn định đến nỗi không cần thận trọng nữa”5.

Và khi nhỡ yếu đuối mà sa ngã, hãy khiêm tốn cầu xin ơn mau mắn chỗi dậy, sám hối dứt khoát lật sang trang đời mới, đứt đuôi nòng nọc, đứng hẳn về phía Chúa và Giáo Hội6. Nói nguyên tắc là vậy, nhưng không dễ đâu, bản thân mình đã rồi mà còn phía kia nữa, “cây muốn lặng mà gió không ngừng”. Do vậy cần phải có thời gian và ơn Chúa, cùng với sự quyết tâm bản thân cao và sự giúp đỡ của người khác. Thế gian không chỉ ghi nhận mọi sơ hở, mà còn gài bẫy để mặc cả, đặt điều kiện ép buộc có lợi cho họ, bất chấp thiệt hại của Giáo Hội, của các linh hồn và của chính bản thân linh mục. Nếu chẳng may vấp phải, hãy khiêm tốn thành thật trình bày với Bề trên Giáo Hội, các ngài sẽ có cách giúp đỡ giải quyết, càng muốn che đậy càng bị kẹt vì phải chấp nhận hết điều kiện nọ đến điều kiện kia, luôn sống trong bất an và sợ hãi (x. câu chuyện xảy ra tại Ba Lan). Nỗ lực sống trong sáng và triệt để những đòi hỏi của đời tu, thông cảm nâng đỡ anh em và khiêm tốn cầu xin, vì nếu Chúa không thương che chở thì có khi mình đã sa ngã nặng nề hơn. Ngoài ra, nhớ thực hiện năm phương thế sống lành mạnh các mối tương quan vừa nhắc: Nơi chốn gặp gỡ - Thời gian và thời lượng - Khoảng cách thể lý và tâm lý - Sự có mặt của những người thứ ba - Sống ý thức sự hiện diện khuất ẩn nhưng rất thực của Chúa.


Trong lãnh vực này, chúng ta đừng quên có ba thứ tội tối kỵ đối với linh mục kèm theo vạ tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh: Lỗi ấn tòa giải tội, khuyến dâm trong tòa và giải tội cho đồng phạm. Chúng ta hãy biết điều đó để tránh khỏi cái vạ rắc rối kia, ai có lỡ mà sa ngã thì đừng giải tội cho người đồng phạm, dù có sợ bị lộ phải xấu hổ, hầu khỏi nguy cơ tội chồng chất thêm tội phạm thánh, sống bất an suốt đời, và khi chết biết đi đâu !?

Còn tiếp

VỀ MỤC LỤC

TỬ BIỆT


Câu Chuyện Thầy Lang

Bác sĩ Nguyễn Ý-ÐỨC

Cổ nhân ta vẫn thường nói tới chu kỳ kín của đời người “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”.

Vâng: có sinh thì có tử, nhưng “sinh thì hữu kỳ, tử thì vô hạn”. Nặng bụng cưu mang chín tháng mười ngày là biết rằng con sẽ “nhập thế cuộc”, chào đời. Còn mặc áo mới vĩnh viễn ra đi thì chẳng biết khi nào, ra sao.  

Sinh ly, tử biệt. Vào đời là tạm thời chia ly với cơ thể người mẹ. Rời khỏi cuộc đời là tạm biệt với nhân gian. Hẹn lại cùng nhau gặp ở “cõi thật xa”: Niết Bàn, Thiên Ðàng, Aara, Elysium, Soma, Jahannan...Hoặc Ðịa Ngục để mặt đối mặt với Diêm Vương, luận tội kể công.

Với thân xác, bệnh tật thì học giả Ngô Tất Tố đã thoát dịch bốn câu thơ của vua Trần-Thái-Tôn như sau:

Cũng bởi có thân mà có bệnh

Ví bằng không xác quyết không đau.

Phép tiên chớ vội khoe không chết,

Thuốc thánh còn chưa chắc sống lâu”.

Chưa chắc sống lâu thì có ngày phải biệt tử.

Mà Voltaire đã nói “Lúc ta chào đời là đã một bước đi về cõi chết”. Ðúng chăng là con người bắt đầu chết ngay từ lúc sinh ra và trong chu kỳ kín, cái kết cuộc nối liền với khởi điểm

Guillaume Amerye (Abbé de Chaulieu) thì rõ ràng hơn “Cái chết chỉ là sự kết thúc cuộc đời; Nỗi thống khổ, niềm sung sướng không cùng mang theo”-.La mort est seulement le terme de la vie; De peine ni de biens elle n’est point suivie”.

Với Napoleon Ðại Ðế “Chết là giấc ngủ không mơ” và Shakespeare:“ Kẻ nào chết rồi là sạch nợ”.  

Nói vậy thì chết cũng đơn giản như sanh, đôi khi ồn ào, lộn xộn hơn.

Có người đã ví sự chết của cơ thể như sự tắt của một nhà máy với những động cơ, giây điện. Nhà máy không im lặng ngưng hoạt động khi ta ngắt nút kiểm soát tắt mở mà mọi bộ phận còn cót két rên rỉ kêu trong khi chậm lại rồi ngưng.

Ngoại trừ bất thần chết vì tai nạn, thương tích hoặc cơn dột quỵ suy tim, cơ thể cũng cót két, rên xiết trước khi sự sống hoàn toàn ngưng.Vì thế Dylan Thomas có nhận xét rằng “Chúng ta không nhẹ nhàng đi vào tử biệt mà thịnh nộ, nổi khùng trước sự tắt lịm của ánh sáng”.

Nhưng có người tin rằng ở nội tâm thì lại bình an.Tuy ồn ào nhưng sự chết luôn luôn xác thực. Nhiều người đã tìm được bình an và chân giá trị trong sự xác thực này. 

Tư Mã Thiên có ghi: “Nhân cố hữu nhất tử: Tử hoặc trọng ư Thái Sơn, hoặc khinh ư hồng mao”. Do đó mới có nguời khi đối diện với tử thần thì sợ hãi, phủ nhận, cô lập, giận dữ rồi năn nỷ điều đình để rồi cuối cùng cũng phải chấp nhận. Vì số trời đã định.

Y giới thường được huấn luyện để cứu chữa bệnh nhân và kéo dài sự sống trong đó họ đạt được phần thưởng về tinh thần cũng như tài chánh.Nhưng khi không ngăn chặn được sự chết thì họ hết hứng thú và thường chuyển sang đối tượng khác. Và nguời bệnh đôi khi bị quên lãng, đơn độc ra đi trong tình cảm gia đình, tôn giáo.

Mà ra đi thì xác còn đó, hồn đi đâu, chẳng ai hay. Cho nên Shakespeare đã ví “ Chết chỉ là một cuộc du lịch nhưng chẳng ai quay trở lại”. Ðể nói cho nhau biết chết ra sao, như thế nào, và bên kia vui hay buồn, thái bình hay binh đao, độc tài hoặc dân chủ...Chẳng ai “báo cáo” nên người tiễn đưa phải suy luận, tìm hiểu về người ra đi. Ði như thế nào, lúc nào, ra sao. 

Từ nhiều thế kỷ, chết được hiểu như là khi con người mất hết các chức năng sống: tim ngừng đập vĩnh viễn, hơi thở không còn. Nhưng khi nào thì mạng sống đó được coi như là không còn sống. Ðó là điều mà giới y, luật gia, triết nhân, các vị học giả, thường dân, người làm chính trị đã và đang ồn ào, hăng say thảo luận, góp ý.

Vì tạm thời tim ngưng đập, hơi thở gián đoạn khoảng 6 phút mà các bộ phận sinh tử chưa bị tổn thương, con người tưởng như đã mãn phần thì y học hiện đại đã phục hồi được các chức năng và cứu sống nhiều người.  

Vì vậy tiêu chuẩn não-tử brain death được thêm vào.

Não là trung tâm của hệ thần kinh.

Cuống não kiểm soát các chức năng duy trì sinh lực của các cơ quan, bộ phận.

Não trên điều hòa ý nghĩ, trí nhớ, tình cảm con người.

 

Năm 1968, Ðại Học Y Khoa Harvard đề nghị bốn tiêu chuẩn cho não tử:



a- Không đáp ứng với cảm giác sờ mó, âm thanh và các kích thích ngoại vi;

b- Không còn cử động và không còn hơi thở tự phát (spontaneous breathing);

c- Không cón tác động phản xạ.

Phản xạ (reflex) là một sinh hoạt tự động hay không chủ ý do một vòng thần kinh tương đối đơn giản gây ra mà không nhất thiết liên quan tới ý thức. Chẳng hạn khi dùng kim chích nhẹ vào tay một người, thì kim đau sẽ gây ra cử động phản xạ tự vệ tức thì để rút ngón tay lại trước khi não có thời gian gửi cảm giác đau tới các cơ quan liên hệ

d- Không còn ký hiệu não điện đồ hoặc bất cứ hoạt động điện năng nào từ tế bào não.  

Từ năm 1929, bác sĩ thần kinh tâm trí người Ðức Hans Berger đã khám phá ra là não bộ có những luồng điện phát ra trong khi não hoạt động. Nhưng khi đó không ai tin. Phải đợi tới khi nhà bác học người Anh Edgar Adrian cụ thể chứng minh được sinh hoạt điện năng này của não thì mọi người mới chấp nhận và Edgar được Nobel Prize vào năm 1932 cùng với Sir Charles Sherrington nhờ kết quả việc nghiên cứu này.  

Ngày nay nhiều máy móc tối tân đã ghi nhận được các sinh hoạt điện năng của não bộ với các sóng alpha, beta, delta, theta. Rồi lại còn MRI, PET scan ghi lại các tín hiệu cũng như thay đổi hóa chất của não khi nghỉ cũng như khi làm việc.

Trong tương lai gần đây, chắc là các ý nghĩ thầm kín của ta cũng sẽ được máy móc tìm ra, đọc được. 

Tiêu chuẩn não-tử của đại Học Harvard cũng không được mọi giới công nhận là một thử nghiệm để kết luận sự chết. Mỗi quốc gia có những tiêu chuẩn khác nhau.

Từ năm 1981, Hoa Kỳ định nghĩa chết như sự ngưng không đổi ngược của toàn bộ não kể cả phần cuống là nơi điều hòa hô hấp, tuần hoàn và các chức năng khác.Và về pháp lý, các điều kiện trên phải kéo dài sau 12 giờ. 

Khi còn ở trong tình trạng thực vật (vegetative state) thì cuống não còn hoạt động và tiếp tục giúp hoàn thành sự hô hấp, tuần hoàn và vài nhiệm vụ khác; nhưng phần não trên điều hòa sự suy tư, thu nhận cảm xúc không còn nữa.

Khi rơi vào tình trạng Permanent vegetative state là tình trạng không có ý thức vĩnh viễn, không đổi ngược trong đó không có cử động tự ý hoặc bất cứ khả năng nhận biết nào; không còn khả năng chủ ý truyền đạt hoặc tương tác với ngoại cảnh. Người bệnh đôi khi rơi vào tình trạng nhìn theo mà không còn biết gì (coma vision.)

Cho nên rơi vào Não Tử thì ít khi thoát lưỡi hái Tử Thần dù có cấp cứu tiến bộ tinh vi; tình trạng thực vật vegetative lại vẫn còn nhờ sự toàn vẹn của cuống não để điều khiển một số chức năng của cơ thể cho nên có thể kéo dài sự sống vật vờ cả nhiều năm...

Tử biệt


...Maria được Chúa và Đức Mẹ ban cho tuổi thọ 94, kéo dài sự sống được 10 năm sau khi người chồng thân yêu của bà bình an vĩnh viễn ra đi trong một cơn stroke vào ban đêm. Từ đó bà ở với con này con kia mỗi nơi một vài tháng, nửa năm để bớt đơn côi.

Bà tương đối vẫn mạnh khỏe ngoài vài bệnh thông thường của tuổi già, rất siêng năng lần hạt mân côi và luôn luôn liên lạc, khích lệ con cháu trong sự nghiệp, bổn phận đối với gia đình và xã hội.

Mấy tháng gần đây, bà cảm thấy trong người như không được khỏe cho lắm và bà được đưa vào điều trị tại bệnh viện hơn một tuần rồi xuất viện, về nghỉ ngơi theo dõi bệnh tình ở  Skill Nursing Facility do các nữ tu dòng Franciscan tổ chức có nhân viên tận tình chăm sóc. Bà enjoy nếp sống ở đây, tham gia tất cả các sinh hoạt, vui vẻ với mọi người. Bà luôn luôn điện thoại cho con cháu xa gần, khoe là bà cảm thấy hạnh phúc sung sướng lắm…

Rồi một đêm, người nhà được thông báo là bà cảm thấy trong người mệt mỏi, ngực hơi đau, khó thở, đầu hơi choáng váng và được đưa vào phòng cấp cứu. Bà yếu dần, nằm mấy ngày, rồi nhẹ nhàng ra đi trước sự chứng kiến của các con. Bà đã được gọi về nước Chúa, sau khi đã được chịu các phép bí tích của giáo hội… 

Trong khi đó, sự ra đi của Lão Tam, một người thân quen trong gia đình, lại có tính cách kinh điển hơn.

Lão được Trời ban cho tuổi thọ gần bát tuần. Ông tương đối vẫn mạnh khỏe, không bệnh kinh niên, không phải dùng thuốc gì, ngay cả Tam Tinh Hải Cẩu hoặc nhân sâm, cao hổ cốt..

Nhưng từ nửa năm nay, Lão thấy sức khỏe mỗi ngày mỗi giảm.Lão không còn sinh lực như mấy năm trước, ít quan tâm tới mọi sự chung quanh, đôi khi muốn xa lánh mọi người. Khẩu vị giảm, nhai nuốt khó khăn và ông thấy thực phẩm là không cần thiết. Ông rất sợ khi người thân ép uống súp, ăn thịt, chỉ sợ bị nghẹn, ói. Có những ngày ông ngủ li bì, như để tiết kiệm sinh lực cho những chức năng quan trọng.

Ông bồn chồn trong lòng, nằm ngồi không yên như nhớ như quên điều gì muốn làm muốn thôi, muốn nhắc nhở vợ con. Rồi thở dài, ngán ngẫm. Vào đêm khuya vắng, ông dường như thấy cha mẹ ông xuất hiện đâu đây, ân cần nói chuyện với ông.

Có lúc ông lên kinh, chân tay co giựt, hàm cứng lại. Giá có ai bóp tay bóp chân cho mình lúc này nhỉ!.

Ông thấy nhịp tim chậm dần, nhẹ hơn. Hơi thở đôi khi như hụt và nông. Tuần hoàn kém, thân ông giá lạnh vì thiếu máu. Da ông xanh nhợt. Não thiếu oxy nên ông hay choáng váng mày mặt, kèm theo những cơn nhức đầu kéo dài khó chịu. Ngượng ngùng hơn là nhiều lần ông không kềm hãm được đại tiểu tiện, bài tiết trên giường. Người toát ra mùi hôi; nước miếng hoen khóe mép, đóng cặn.

Xương thịt, nội tạng ông đôi khi đau nhức, nhưng không kéo dài lâu. Ông nhớ có người nói, cận tử thì cơ thể tiết ra vài hóa chất giúp giảm sự đau, sự quằn quại khi mô bào, bộ phận bước vào giai đoạn đau đớn của sự chết (agony phase of death). Các bộ phận trong hình hài ông ngưng dần, bộ phận nọ tiếp nối bộ phận kia như những quân bài domino đè lên nhau mà ngả xuống.

Ông mỉm cười chờ đợi. Một ngày đẹp trời nào đó, mắt ông sẽ mờ dần, đồng tử mở rộng nhưng bất động, để đón nhận thêm nhiều ánh sáng. Không gian tối dần, như Victor Hugo than phiền “ Tôi chỉ thấy bóng tối” hoặc Emily Dickinson “...sương mù đang bao phủ quanh tôi”.  Bắt chước Goeth, ông kêu lên “ Light! more light”, cho tôi thêm ánh sáng !. Ðể lần cuối nhìn thấy cuộc đời. Rồi ông lịm dần, lịm dần. 

Chỉ trong vài giờ, cơ thịt ông co cứng, giá lạnh, xanh lợt. Rồi vài chục giờ sau, cơ thể ông mềm, mô bào tự hủy hoại vì hóa chất tiết ra, rồi thoái rữa vì đám vi khuẩn trong ruột già ruột non đua nhau lan tràn phá phách đó đây.

Rồi thân xác này sẽ được chôn cất dưới lòng đất xâu. Cát bụi lại về cát bụi… 

 Ông nhớ là cách đây vài tháng, khi linh cảm rằng sẽ đi xa, ông đã làm di chúc. Xin đừng móc dây móc máy vào người tôi khi tôi hấp hối. Cho phép tôi ra đi lành lặn như khi tôi tới. Trên giấy tờ hộ tịch sẽ được ghi tôi chết vì natural cause, rất tự nhiên, điều mà nhiều người mong ước. Và xin cảm ơn mọi người đã chăm sóc tôi, đã lưu tâm tới “những nhu cầu cận tử” nhu cầu của người trên ngưỡng cửa tử vong”. 

Lão Tam sẵn sàng ra đi.

Như Thomas Edison reo lên Bên kia thế giới sao mà đẹp “It is beautifull over there”!

Và bình thản đợi chờ như nhà văn lão thành MặcThu viết nhân chuyến “tiễn đưa” nhà văn Mai Thảo.

Sân ga một đám đứng chờ tàu,



Toàn bạn già xưa biết mặt nhau.

Tàu chật, có người lên được trước;

Chậm chân, kẻ đợi chuyến tàu sau.

 

Một đi là chẳng quay đầu lại,



Áo trắng trên người đủ kín thân.

Ra đi giống thuở ai vừa đến,

Tàu suốt trăm năm chỉ một lần.

 

Sân ga thấp thoáng bóng người già,



Họ sẵn sàng về cõi thật xa.

Hình như trong đám trông chờ ấy,

Có bạn thân tình, có cả ta”.

                                             

Vâng. Có cả ta.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức



www.bsnguyenyduc.com

Tuyển tập Videos Sống Vui Sống Khoẻ

Vài hàng giới thiệu : Xin trân trọng giới thiệu tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" của BS Nguyễn Ý Đức. Tuyển tập này là những bài nói chuyện hữu ích về y tế, dinh dưỡng và sức khoẻ của BS Nguyễn Ý Đức trên các đài truyền hình được đưa lên Internet. Cùng với bộ sách "Câu Chuyện Thầy Lang" và những ấn phẩm đã được xuất bản, những bài viết trên Internet, tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" này sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích, đóng góp vào việc cải thiện vấn đề sức khỏe cho cộng đồng người Việt Nam khắp nơi.

http://www.youtube.com/user/DrNguyenYDuc/videos


VỀ MỤC LỤC


VỪA


 

VỪA THÌ ĐỨNG 

Sách “Cổ học Tinh hoa” kể lại rằng: Ngày kia, Đức Khổng Tử vào xem miếu Hoàn Công nước Lỗ, thấy có một cái lọ đứng nghiêng. Ngài bèn hỏi người coi miếu. Người ấy nói rằng:

- Đó là một vật quí, nhà vua thường để bên chỗ ngồi chơi, hầu làm gương.

Đức Khổng Tử nói:

- Ta nghe nhà vua có một vật quí để làm gương. Vật đó bỏ không thì đứng nghiêng, đổ nước vừa vặn thì đứng ngay, mà đầy quá thì lại đổ, có lẽ là vật này chăng?

Ngài bèn sai học trò đổ nước vào. Quả nhiên, đổ nước vừa, thì lọ đứng ngay, nước đổ đầy thì lọ đổ; bỏ không, thì lọ đứng nghiêng. Ngài chép miệng than rằng:

- Hỡi ôi! Ở đời chẳng cái gì đầy mà không đổ!

Thầy Tăng Tử hỏi:

- Có cách gì giữ cho đầy mà chẳng đổ không?

Ngài nói:

- Thông minh thánh trí nên giữ  bằng cách ngu độn; công lao to hơn thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung; sức khoẻ hơn đời nên giữ bằng tính nhút nhát; giàu có bốn bể nên giữ bằng thói nhún nhường. Đó là là cách đổ bớt đi để giữ  cho khỏi quá đầy mà đổ.

Mặt trời đứng bóng rồi lại xế, mặt trăng tròn rồi lại khuyết, nhân sự cũng vậy, thăng rồi trầm, thịnh rồi suy, đó là luật tự nhiên khó mà tránh khỏi. Tuy vậy, cứ theo lời dạy của Khổng Tử, thì cũng có cách giữ được lâu dài mà không suy đổ. Cách ấy là “hữu nhược vô, thực nhược hư”, nghĩa là có mà như không, đầy đặc mà như trống rỗng.

Vừa thì đứng. Quả là thâm thuý lắm vậy thay.

 

VỪA THÌ ĐỦ 

Câu chuyện trên làm cho gã nhớ tới cái lý thuyết trung dung của Khổng Tử. Thực vậy, ngày xưa các cậu học trò cắp sách đến trường với mơ ước trở thành cụ đồ nho, thường phải học thuộc lòng Tứ Thư và Ngũ Kinh, là những cuốn sách nòng cốt của Nho giáo. Chẳng hạn như vừa mới nhập môn, các cậu đã phải ê a:

- Nhân chi sơ, tính bản thiện.

Trước hết, Ngũ Kinh là bộ sách do một số soạn giả Trung Quốc thời cổ đại, được Khổng Tử sưu tầm và sắp xếp lại thành 5 cuốn:

- Kinh Thi gồm những bài ca dao ở thôn quê và những bài hát ở chốn triều đình.

- Kinh Thư gồm những phép tắc, kế sách, những lời khuyên răn và dạy bảo từ đời Nghiêu Thuấn đến thời Đông Chu.

- Kinh Dịch, sách lý số đưa ra lời giải thích trời đất và muôn vật, có từ trước đời Chu đến đời Hán và được ghi lại thành sách.

- Kinh Lễ gồm các lễ nghi trong gia đình, thôn xóm và triều đình.

- Kinh Xuân Thu, sách sử ký nước Lỗ, được Khổng Tử san định lại theo kiểu biên niên.

Tiếp đến là Tứ Thư với bốn cuốn:

- Đại Học dạy cái đạo của người quân tử.

- Trung Dung gồm những lời dạy bảo của Khổng Tử về cái đạo ăn ở cho đúng mực.

- Luận Ngữ ghi lại những lời Khổng Tử nói với học trò và người đương thời về nhiều vấn đề triết lý, chính trị, luận lý và học thuật.

- Mạnh Tử, sách do Mạnh Tử viết, bàn về cái thiện của con người cùng với chủ trương “dân vi quí”, lấy dân làm gốc.

Tứ Thư và Ngũ Kinh kết hợp với nhau thành một bộ sách căn bản về kinh điển và văn chương của Nho giáo.

Như trên, ta thấy Trung Dung là một trong Tứ Thư. Sách chứa đựng những lời dạy bảo của Khổng Tử do học trò truyền lại, rồi cháu ngài là Tử Tư chép lại thành sách gồm 33 chương. Theo Khổng Tử: Trung hào là tính tự nhiên của trời đất, trung dung là đức hạnh của con người. Trung là ở giữa, không lệch về bên này, cũng không nghiêng về bên kia. Còn dung là bình thường. Sống theo đạo trung phải là điều rất bình thường trong cuộc đời của con người. Đạo trung dung thì ai cũng có được, thế mà không mấy người chịu theo. Chẳng khác gì ai cũng ăn, cũng uống, nhưng rất ít người nhận ra mùi vị của đồ ăn thức uống. Chỉ những bậc thánh nhân mới theo được mà thôi.

Đối với Khổng Tử, trung dung là một cái đạo, một con đường, một triết lý sống của con người. Quan điểm này không khác với quan điểm phương Tây là mấy, bởi vì nếu gã không lầm, thì các nhà đạo đức vốn thường bảo: Virtus in medio stat. Nhân đức thường đứng ở giữa.

Những điều vừa trình bày ở trên xem ra có vẻ nặng mùi lý thuyết. Người bình dân Việt Nam đã đưa cái lý thuyết này vào cuộc sống và đã đúc kết thành những kinh nghiệm cụ thể.

Cha ông chúng ta cũng đã thường nói: Thái quá bất cập. Phàm những cái gì quá mức, cũng đều bất ổn, nhất là trong mối liên hệ với người khác:

- Già néo thì đứt dây.

- Bên thẳng thì bên phải chùng,

  Hai bên đều thẳng, thì cùng đứt dây.

Và như vậy, gã nghiệm ra rằng vừa thì đủ. Giống như một ông bác sĩ chữa trị cho con bệnh. Liều thuốc ông đưa bệnh nhân uống phải vừa đủ. Bởi vì nếu ít quá, bệnh nhân sẽ không khỏi, còn nếu nhiều quá, vượt quá liều lượng cần thiết, bệnh nhân có thể bị ngộ độc và dẫn tới tử vong. Hay như một câu tục ngữ cũng đã bảo: Tham thực cực thân. Ăn nhiều quá thì chỉ chuốc lấy những cực khổ vào thân mà thôi.

 

VỪA THÌ PHẢI 

Mới bước vào cuộc sống hôn nhân, gã nhận thấy nhiều chị vợ bỗng quay phắt 180 độ, thay đổi cái rụp, khiến cho anh chồng bị chới với và hụt hẫng, như lời tâm sự trong “Thư gửi vợ” sau đây:

Nhớ lúc trước em dịu dàng, xinh xắn

Có bao giờ cay đắng với anh đâu.

Giờ cưới xong, sao em cứ “mặt ngầu”?

Làm ông xã của em rầu muốn chết.

Hồi xưa ấy, nàng luôn vui như tết

Dẫu gian nan, thấm mệt vẫn mỉm cười.

Chỉ nhìn thôi, anh hạnh phúc cả người

Anh vẫn ước “tám mươi năm chạy tốt”!

Em bây giờ mới sang ba mươi mốt

Nhưng âu sầu, ủ dột quá đi thôi.

Bao nhiêu phen anh đã góp ý rồi

Nàng sửa đổi có…hai ngày, như cũ!

Em càng ngày càng giống như bà chủ

Cứ la anh đủ thứ chuyện trên đời.

Và có nhiều lý luận rất “trời ơi”

Anh nghĩ đến mà rụng rời, bải hoải.

Anh chỉ muốn vợ anh xinh tươi mãi

Như cái hồi ta mới phải lòng nhau.

Được như vậy thời hạnh phúc dạt dào

Lòng vui sướng hổng lời nào tả xiết!



Nguyễn Huỳnh An Thơ

TP. HCM

Anh chồng bỗng thấy mình bị hất ra bên rìa mái ấm, không còn là chủ gia đình nữa vì mọi quyền hành đã chui tọt vào tay chị vợ:

Có câu: “nhất vợ, nhì trời”

Ngẫm ra từng chữ, từng lời chẳng sai.

Trong nhà em thật là oai

Một lời em phán bằng hai lệnh trời.

Em giận, năn nỉ hết hơi

Phân bua cho lắm, rốt rồi…anh thua.

Ông trời mưa nắng hai mùa

Còn em mưa-nắng-nắng-mưa…bất thường.

Em “chăm” quản lý tiền lương

Hoá đơn: điện nước, em nhường cho anh.

Thương em vất vả điều hành

Thủ thành, thủ quĩ, lại giành…thủ kho.

Biết điều anh phải ráng lo

Bằng không em chẳng cho chung một mùng.

Lệnh em nếu hỏng phục tùng

Thế nào cũng có “bão bùng” nổi lên.

Chuyện nhà toàn việc không tên

Thương em, anh nghĩ chẳng nên nề hà.

Vợ ơi, vợ hỡi, vợ à!

Quyền uy như thế, đúng là nhất…em.



Lê Anh Vũ

Trong sự nghiệp “nuôi chồng khoẻ, dạy chồng ngoan”, nhiều chị vợ cũng muốn áp dụng một thứ kỷ luật sắt, đưa ra những luật lệ, giống như 9 điều dưới đây được soạn ra nhằm bảo đảm sự “công bằng” giữa vợ và chồng:

1- Luật trong nước: Nhất vợ, nhì chồng.

2- Luật ngân sách: Chồng không thể là người giữ chìa khoá kho bạc, ngay cả khi vợ vắng nhà vài ngày.

3- Luật lao động: Chồng là người cho con bú, rửa chén và giặt đồ.

4- Luật thương mại: Mọi sự mua bán đều phải trình vợ duyệt.

5- Luật doanh nghiệp: Tất cả những hợp đồng đã ký kết với vợ phải triệt để thi hành.

6- Luật kinh tế: Nhà thiếu gạo, nhưng vợ không thể không có thêm một bộ quần áo mới trong ba tháng.

7- Luật gia đình: Nghiêm cấm mọi hành vi đánh lại vợ.

8- Luật bản quyền: Tác giả của cái bầu là chồng, còn xuất bản hay không là quyền của vợ.

9- Luật cung cầu: Chồng lúc nào cũng phải bảo đảm “cung” theo yêu “cầu” của vợ.

Khi nào có bổ sung, thì vợ sẽ thông báo sau, vì vợ là người làm luật.(Thanh Ly st)

Cũng trong sự nghiệp “nuôi chồng khoẻ, dạy chồng ngoan’, nhiều chị vợ muốn chồng mình phải tốt ngay, phải giỏi ngay, mà quên mất cái kinh nghiệm quí giá, đó là “dục tốc bất đạt”, vội quá thì không đạt được như lòng mong ước.

Uốn cây thì phải từ từ. Nóng vội sẽ làm cho cây bị gẫy. Sửa lại một sai lỗi của anh chồng không phải là chuyện dễ, nhiều khi gắt quá sẽ tạo nên tác dụng ngược, khiến anh chồng càng chìm sâu vào những sai lỗi của mình. Gã xin đưa ra một vài thí dụ điển hình được Tô Diệu Hiền đề cập đến trong một bài viết trên báo Phụ Nữ Thứ Tư.

Để chữa trị bệnh lười mãn tính của chồng, chị vợ thường kết án nào là chồng ích kỷ, vô dụng, thiếu trách nhiệm. Khi đứa con có biểu hiện lười học, chị lại phán: Giống như bố mày. Nói trong nhà chưa đủ, chị còn mắng vốn nhà chồng để kiếm thêm đồng minh. Nói riết chẳng ăn thua, chị bèn nêu “gương điển hình” của ông hàng xóm, để chồng có hướng phấn đấu. Không ngờ, anh chồng không noi theo, mà lại còn sẵn sàng gây hấn với ông hàng xóm mỗi khi có dịp chạm mặt. Cuối cùng, chị đành phải thú nhận sự thất bại của mình:

- Thực ra, trước kia anh ấy cũng không đến nỗi chây lười như thế, chỉ vì tôi quá nôn nóng và không biết khuyến khích chồng. Mỗi khi anh phụ việc, tôi không khen vì cho rằng đó là trách nhiệm của anh. Tâm lý của bà vợ nào cũng muốn chồng phải giỏi ngay và giỏi hơn nữa, chứ không dừng lại ở đó, nhưng bản tính con người đã có từ bé, không thể thay đổi ngay trong một sớm một chiều.

Anh chồng khác có tật hay nhậu với bạn bè. Để “sì tốp” cái tính ham vui của chồng, chị vợ thường điện thoại nhắc chừng chồng mua đồ, rước con…Sau một thời gian được vợ “bảo ban”, anh chồng có tiến bộ, nhưng cũng chỉ cố gắng làm xong nhiệm vụ vợ giao, rồi lại đi nhậu tiếp.

Được thể, chị vợ dấn thêm bước nữa, thường xuyên “giáo dục tư tưởng” cho chồng, nhưng có lần anh chồng đã phản ứng mạnh:

- Già mồm, biết rồi mà cứ lải nhải hoài.

Chị cự nự:

- Biết kiểu gì mà không thấy sửa đội, vẫn chứng nào tật nấy. Nếu anh không tự giác bỏ nhậu, thì tôi sẽ ra tay, anh đừng có trách.

Chị vợ bắt đầu làm mặt ngầu, không nể nang với bạn nhậu của chồng. Không ngờ, anh chồng cho rằng vợ làm vậy là mất mặt, nên bỏ đi nhậu suốt đêm. Trước nay, chưa bao giờ anh làm thế.

Khi anh chồng có thói tật hoặc những lỗi lầm, thì đương nhiên chị vợ trở thành “bác sĩ gia đình”. Điều quan trọng là phải sáng suốt để quyết định liều lượng và thời gian điều trị cho đúng. Bởi vì nói nhiều thì chạm tự ái, họ sẽ không tiếp nhận. Còn nói ít hay không nói, họ sẽ không biết cần thay đổi chỗ nào và thiếu động lực để sửa chữa. Vì thế, chỉ có “vừa” là phải. Nhưng thế nào là vừa phải?

Theo các chuyên viên tâm lý, để được “đúng liều” thì phải tuỳ theo từng hoàn cảnh của gia đình và cá tính của mỗi người. Với người này là quá, nhưng với người khác có khi lại chưa đủ đô. Muốn được như vậy, chị vợ cần phải bình tĩnh, nghĩ rồi mới hành động, mới góp ý. Cố gắng nói ít, không nói vòng vo, việc nọ xọ việc kia, Mỗi lần chỉ nên đề cập đến một sự việc. Cách nói không phê phán, không ra lệnh, nhưng mang tính tin tưởng, theo tinh thần “đóng cửa bảo nhau”.

Ngoài ra, cũng cần cho chồng một thời gian thay đổi, ta phải kiên nhẫn chờ đợi. Và khi anh chồng thay đổi và có tiến bộ, chị vợ phải có thái độ ghi nhận những cố gắng của chồng, cho dù sự tiến bộ có đi theo vận tốc của cụ rùa. Dồn ép quá, sẽ khiến anh chồng chán ngán rồi bỏ cuộc.

Mưa dầm thấm đất. Lạt mềm cột chắc. Xem ra cũng có lý quá đi chứ!



Gã Siêu gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

Giáo sĩ: xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân



- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ
giaosivietnam@gmail.com
- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:
Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ; Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)
- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại
www.conggiaovietnam.net
Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị
Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.
TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam
Lm. Luca Phạm Quốc Sử USA

1 2 Cr 11, 29.

2 2 Cr 11,29; 1 Cr 10,12.

3 x. Tl 16,4-6.16-21; Hc 47,13-20.

4 Mc 14,38.

5 ĐHY Carlo Maria Martini, Phaolô đối diện với chính mình, trích trong Alleluiah số 109.

6 x. Rm 13,11-14.




tải về 0.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương