BỒ TÁt văn thù SƯ LỢi lưỡi Gươm Vàng Trí Tuệ Tâm Hà Lê Công Ða


Lưỡi Kiếm của Bồ Tát Văn Thù Trong Hệ Tư Tưởng Bát Nhã:  Phùng Phật Sát Phật!



tải về 208.28 Kb.
trang6/7
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích208.28 Kb.
#25693
1   2   3   4   5   6   7

3. Lưỡi Kiếm của Bồ Tát Văn Thù Trong Hệ Tư Tưởng Bát Nhã: 
Phùng Phật Sát Phật!


Hệ tư tưởng Bát Nhã với triết lý Tánh Không được coi như là xương sống của tư tưởng Phật giáo Ðại Thừa. Mục tiêu của Ðại Thừa là hoàn thành Bồ tát đạo cũng đồng nghĩa với  thực chứng Tánh Không. Con đường dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật phải được khởi đi từ nỗ lực loại trừ ý thức phân biệt. Nhưng Bát Nhã Ba La Mật là gì? Ta hãy nghe Bồ Tát Văn Thù giải thích trong kinh «Bát Nhã Thất Bách Tụng» (Saptasatika Prajnaparamita) :

« Phật hỏi :  Này Văn Thù Sư Lợi, Ông có bao giờ quán về các pháp của một vị Phật ?



Bồ Tát Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn, không. Nếu con có thể trông thấy được thành tựu đặc biệt của những pháp của một vị Phật, con sẽ lập tức quán chiếu. Nhưng bạch Ðức Thế Tôn, sự phát triển của Bát nhã Ba La Mật không hề được đặt cơ sở trên ý thức phân biệt về pháp để rồi nói rằng, «những cái này là pháp của kẻ phàm phu, những cái kia là pháp của hàng tỳ kheo, những cái này là pháp của Thanh văn Duyên Giác, những cái kia là pháp của bậc Giác ngộ.» Vị thiện nam tử khi buông bỏ tất cả để đi vào đại định cầu khai mở trí tuệ bát nhã không phải chỉ để nắm bắt cái pháp giúp y có thể  phân biệt được cái pháp này là pháp phàm phu, pháp kia là pháp của kẻ tu hành, hay là của kẻ giỏi giang, hay của bậc hoàn toàn giác ngộ. Bởi vì tuyệt đối không hề có những  pháp như thế, con không quán chiếu chúng, như vậy, bạch Ðức Thế Tôn, đó mới gọi là phát triển trí tuệ bát nhã... Lại nữa, bạch Ðức Thế Tôn, sự khai triển trí tuệ bát nhã không hề mang lợi lạc cũng như không hề làm phương hại đến các pháp. Trí tuệ bát nhã, khi được khai triển không là kẻ mang ân sủng cho các pháp của một vị Phật cũng không là kẻ huỷ diệt các pháp của kẻ phàm phu. Chỉ như thế, bạch Ðức Thế Tôn, mới gọi là phát triển trí tuệ bát nhã, nó không ngăn chặn những pháp của kẻ phàm phu hay thu nhận những pháp của một vị Phật.
Ðức Phật tán thán : Hay lắm ! Hay lắm ! Ông Văn Thù Sư Lợi. Ông là người hiểu pháp này một cách sâu sắc. » (20)

Trong một bộ kinh khác, «Thiên Vương Susthitamati Vấn Pháp » (Susthitamati devaputra pariprcha), Bồ Tát Văn Thù đã giảng giải về trí tuệ bát nhã cho Thiên vương Susthitamati nghe khi ông này ngỏ ý muốn cùng được chuyên tu hạnh đức với Bồ tát:



Bồ Tát Văn Thù: Này Thiên vương, nếu bây giờ ông có thể lấy hết mạng sống của tất cả mọi chúng sanh mà không cần phải dùng đến dao, đến gậy, đến dùi cui, đến gạch đá, tôi sẽ cùng tu tập hạnh đức với ông.
Susthitamati: Bạch đại thánh giả, tại sao ngài lại nói như vậy ?
Bồ Tát Văn Thù trả lời: Này Thiên Vương, ông nghĩ như thế nào về chúng sanh ?

Susthitamati: Bach đại thánh giả, theo tôi, chúng sanh cũng như vạn pháp chỉ là cái danh xưng chứ chẳng là cái gì cả. Tất cả đều chỉ là do ý tưởng tạo ra.

Bồ Tát Văn Thù: Này Thiên vương, thế nên tôi mới nói là ông nên giết chết cái ý niệm về ngã, về bản thể của một chúng sanh, của một sanh mạng, loại trừ luôn cả những ý niệm về danh của chúng. Ông hãy giết bằng cách thức như thế.

Susthitamati hỏi: Bạch đại thánh giả, ta phải dùng phương tiện gì để giết chúng ?

Bồ Tát Văn Thù trả lời: Này Thiên vương, Tôi luôn luôn giết chúng bằng lưỡi gươm bén của trí tuệ. Trong sát hành này, ta phải cầm chặt lưỡi gươm bén của trí tuệ và hạ thủ trong một cung cách không còn ý niệm về việc cầm gươm và không cả sát niệm. Này Thiên vương, với cách thức như thế, ông sẽ hiểu một cách sâu sắc rằng giết chết những ý niệm về ngã, về chúng sanh tức là thực sự giết hết mọi chúng sanh. Nếu ông làm được như thế, tôi sẽ cho phép ông cùng tu tập hạnh đức với tôi. » (21)
Chính từ mẫu đối thoại này, cuốn kinh đã đẫn đến một bầu khí trong đó Ðức Phật đã vận dụng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi qua một hành động đầy kịch tính là cầm gươm toan giết Phật, tạo một sự tác động mạnh mẽ lên 500 vị Bồ Tát đang thối chuyển vì đã không thể quên được những tác hành tiêu cực trong quá khứ, khiến họ đắc quả Vô Sanh Pháp Nhẫn: 

« Lúc này, để giúp cho 500 vị Bồ tát trong đại chúng loại trừ ý thức phân biệt, Ðức Thế Tôn đã vận dụng thần thông tạo truyền cảm ứng cho Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi khiến Bồ Tát đã từ trong đại chúng đứng dậy, sửa lại tăng bào, trật vai áo phải, cầm lưỡi gươm bén trong tay, tiến thẳng đến Ðức Thế Tôn để giết Ngài.



Thấy vậy, Ðức Phật vội vàng bảo Bồ Tát Văn Thù: Hãy ngưng ! Hãy dừng tay ! Ông Văn Thù Sư Lợi ! Không được làm chuyện quấy. Không được giết ta theo kiểu cách như vậy. Nếu ông cần phải giết ta, trước tiên ông phải nên biết cách thức tốt nhất để giết. Tại sao? Bởi vì, này ông Văn Thù Sư Lợi, ngay từ ban đầu đã không có ngã, có nhân, có tha nhân; ngay khi một người nhận thức rằng không có sự hiện hữu của tự ngã, của bản sắc cá nhân, chính họ đã giết ta; như vậy mới gọi là giết ». (22)
Nội dung của đoạn kinh này đã dẫn đến công án « Phùng Phật Sát Phật » nổi tiếng của Thiền tông Trung Hoa và có thể là nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân khi miêu tả Bồ Tát Văn Thù trên tay cầm lưỡi gươm trí tuệ bốc lửa.

---o0o---


4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm:  Bồ Tát Văn Thù Chỉ Rõ Pháp Tu Siêu Việt Ðể Tỏ Ngộ Chơn Tâm


Trong các bộ kinh Ðại thừa, Kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh rất quý,  quý đến độ ngày xưa các vị vua Ấn Ðộ xem đây như là một bảo vật trấn quốc, cấm không cho truyền bá ra nước ngoài. Sau này một vị Thánh Tăng Ân Ðộ là ngài Bát Thích Mật Ðế (còn gọi là Bất La Mật Ðế) đã phải viết kinh vào miếng lụa mỏng, xẻ thịt bắp vế nhét vào mới mang thoát ra khỏi nước đem vào Trung quốc dưới thời nhà Ðường. Ngài Bát Thích Mật Ðế may mắn gặp được một vị đại quan hết lòng hộ pháp là Thừa tướng Phòng Dung, khuyến khích ngài dịch ra Hán văn cùng với Sa môn Di Già Thích Ca người nước U Trường dịch lời, còn Thừa Tướng Phòng Dung thì đích thân lãnh việc nhuận sắc, thế nên bộ Kinh Lăng Nghiêm ngoài nghĩa lý cao thâm, văn chương cũng rất trác tuyệt.

Nguyên nhân Phật thuyết Kinh Lăng Nghiêm là vì Tôn giả A Nan trên đường đi khất thực không may đã đi vào nhà một tín nữ ngoại đạo thông thạo chú thuật là Ma Ðăng Già. Vì Tôn giả A Nan là người có dung mạo rất tuấn tú khiến Ma Ðăng Già vừa mới gặp gỡ đã rất quyến luyến yêu thương nên trổ tài huyễn thuật bắt giữ A Nan và dụ dỗ ngài sa ngã vào đường xác thịt. Ðức Phật biết A Nan đang mắc nạn liền nói thần chú Lăng Nghiêm rồi bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi mang thần chú này đến chỗ Ma Ðăng Già để phá trừ tà chú cứu nạn cho A Nan.

Ðây là một bài học cho Tôn giả A Nan. Ông học rộng, biết nhiều nhưng chẳng hề chịu tu niệm nên không có định lực và do đó không thoát khỏi bùa chú, pháp thuật của tà ma ngoại đạo. Buồn rầu và hối hận, Tôn giả A Nan đã thỉnh cầu Ðức Thế Tôn chỉ cho ông một pháp tu có thể mau chóng đạt thành đạo quả. Thương xót A Nan, cũng như thương xót chúng sanh còn mãi trôi lăn trong sanh tử, mê lầm, Phật đã chỉ ra một con đường đi đến giác ngộ nhanh chóng nhất, chắc chắn nhất mà chư Phật mười Phương đã từng tu hành và chứng đắc. Ðó là con đường loại trừ VỌNG TÂM -tức là tâm phân biệt- để làm tỏ ngộ bản thể CHƠN TÂM, tức cái TÂM thường trụ, thanh tịnh, bất sanh bất diệt. Ðó chính là chủ đề của Pháp hội Thủ Lăng Nghiêm.
Pháp hội Thủ Lăng Nghiêm là một « Hội khai thị pháp chưa từng có, nghĩa lý thâm sâu, diệu âm thuyết pháp vang khắp mười phương thế giới », được diễn ra tại tịnh xá Kỳ Hoàn thành Thất La Phiệt, quy tụ "chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là Đại A La Hán, đã ra khỏi luân hồi, đầy đủ oai nghi, giúp Phật hoằng pháp nơi các quốc độ, trì giới thanh tịnh, làm mô phạm cho tam giới, ứng hiện vô số thân, hóa độ chúng sanh đến cùng tột vị lai ra khỏi trần lao. Hàng đệ tử được phó chúc trụ trì Phật pháp gồm có: Đại Trí Xá lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Câu Si La, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, Tu Bồ Đề, Ưu Ba Ni Sa Đà v.v... là bậc thượng thủ, và có vô số Bích Chi với môn đồ đồng đến nơi Phật cùng các Tỳ Kheo mãn hạ tự tứ...cùng hằng sa Bồ Tát đều đến tụ hợp, trong đó Văn Thù Sư Lợi là bậc Thượng thủ. » (23)

Sau bảy lần được Phật khai thị, phá bỏ vọng thức bị nhận lầm là tâm, và mười phen chỉ rõ cái tánh thấy biết của con người–không phải là cái thấy biết ở giác quan, Tôn giả A Nan và đại chúng trí tuệ được thông suốt, nhận rõ rằng chúng sanh trôi nổi trong vòng sanh tử luân hồi hay chứng được đạo quả Bồ đề an vui giải thoát cũng đều là do ở sáu căn. Trong niềm hân hoan của Pháp hội, đại chúng đã trình lên Phật một vấn nạn  cuối cùng, một câu hỏi cụ thể : Như vậy, trong sáu căn này thì nên tu theo căn nào để đạt được viên thông ? Ðể trả lời câu hỏi này, Ðức Thế Tôn đã yêu cầu đại chúng –các bậc A la Hán, các vị Bồ Tát- hãy trình kiến giải của mình cũng như cho đại chúng biết là họ đã tu theo phương tiện nào mà thành được đạo quả. Lúc này 25 vị Bồ Tát, A La Hán hàng đầu có mặt trong Pháp hội đã trình lên Phật những kinh nghiệm tu chứng của mình. Hai mươi lăm vị là hai mươi lăm kinh nghiệm tu chứng khác nhau, mà pháp tu nào cũng hay, cũng đều đưa đến giải thoát rốt ráo cả, điều này quả thật làm cho đại chúng bối rối, khó chọn lựa. 

Ðến đây ta thấy Phật hoàn toàn tin cậy vào trí tuệ của Ðại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát để giải quyết vấn đề:

« Lúc đó, Như Lai bảo Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử rằng: 


Ngươi hãy xem 25 vị vô học Đại Bồ Tát và A La Hán này, mỗi mỗi trình bày phương tiện thành đạo lúc ban đầu, đều nói tu tập viên thông chơn thật, lối tu của họ thật chẳng hơn kém và chẳng trước sau sai biệt. Nay ta muốn khiến A Nan khai ngộ, trong 25 lối tu, lối nào thích hợp, và sau khi ta diệt độ, chúng sanh trong cõi này muốn vào Bồ Tát thừa, cầu đạo Vô Thượng, từ cửa phương tiện nào để được thành tựu? » (24)
Vâng lời Phật, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã đúc kết nội dung của Pháp Hội, ban cho Tôn giả A Nan và đại chúng một thời pháp vô cùng quan trọng
« A Nan, Ông nên chú ý nghe : Tôi vâng oai thần của Phật, nói pháp môn tu hành này. Ông đem cái nghe của ông, nghe tất cả pháp môn thâm mật của chư Phật, nhiều như vi trần nếu các phiền não dục lậu không trừ thì cái nghe càng thêm lầm lỗi. Ông biết đem cái nghe của ông, nghe các pháp môn của chư Phật, sao ông không đem cái nghe đó, trở lại nghe « tánh nghe » (chơn tánh) của mình.

A Nan, « cái nghe » nó không phải tự nhiên sanh, do có tiếng (thinh trần) nên mới gọi rằng « nghe ». Nếu xoay cái nghe trở vào tự tánh, không chạy theo tiếng, thế là thoát ly được cái tiếng (thinh trần), lúc bấy giờ cái nghe này cũng không còn gọi tên là nghe nữa (vì không còn đối đãi nên chẳng có tên kêu gọi). Một căn (lỗ tai) đã được phản vọng trở về chơn rồi, thì cả sáu căn cũng đều được giải thoát.

A Nan, các cảm giác : thấy, nghe, hay, biết của ông đó, đều là hư huyễn, như con mắt bị nhặm. Còn ba cõi sum la vạn tượng đây, cũng không thật, đều như hoa đốm giữ hư không. Khi cái thấy, nghe, hay, biết xoay trở lại chơn rồi, thì cũng như con mắt kia hết nhặm. Khi các vọng trần tiêu hết thì tâm ông được thanh tịnh.

Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ chơn tâm ông vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian này, cũng như là việc trong chiêm bao. Khi ông được như thế rồi thì nàng Ma Ðăng Già ở trong mộng kia làm gì bắt ông được !
A Nan, ví dụ như các nhà huyễn thuật làm các thứ hình, tuy có thấy cử dộng, nhưn gcốt yếu là tại cái máy rút. Nếu máy kia thôi rút, thì các huyễn kia yên lặng, đều không có tự tánh.

Sáu căn của ông cũng thế, gốc từ nơi tâm, vì vô minh vọng động thành ra sáu căn, nếu một căn được phản vọng về chơn rồi, thì sáu dụng kia (sáu giác quan) đều không thành. Nếu trần cấu còn thì ông vẫn còn ở địa vị hữu học (còn phải tu). Khi trần cấu hết, thì tâm tánh ông được hoàn toàn sáng suốt, đó là Phật.

A Nan, ông chỉ xoay cái nghe của mình trở về chơn tánh, không chạy theo phân biệt vọng trần bên ngoài, thì ông liền thành đạo vô thượng, đây thật là pháp tu viên thông.

Các đức Phật nhiều như số vi trần cũng đều do một con đường này mà đến cửa Niết bàn. Hiện tại các vị Bồ tát và những người tu hành đời sau, đều y pháp môn này mà thành đạo. Chính tôi cũng nhờ pháp môn này mà được chứng quả, đâu phải mộ mình Ngài Quán Âm tu mà thôi.
Nay Phật dạy con lựa pháp môn tu hành, để cho người đời sau tu hành mau thành đạo quả, thì duy chỉ có pháp tu của Ngài Quán Âm là hơn hết. Còn bao nhiêu các pháp tu hành khác, đều nhờ oai thần của Phật gia hộ mới được thành tựu. Các pháp ấy đều từ nơi sự tướng mà dẹp trừ trần lao, nên không phải là một phương pháp trường kỳ tu tập.

Kính lạy Ðức Như Lai, xin Ngài gia hộ cho chúng sanh đời sau, đối với pháp môn này không còn mê lầm. Bạch Thế Tôn, phương pháp này rất là dễ tu, mau được thành đạo quả, có thể đem dạy A Nan và chúng sanh đời sau, y theo đây tu hành thì hơn các phương pháp khác. Ðây là do lòng thành thật của con lựa chọn như thế.» (25) 

Thật là một pháp môn tu chứng hoàn toàn–giải thoát rốt ráo–mà Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã thay mặt Phật diễn nói trong kinh Lăng Nghiêm, mang lại vô số lợi lạc cho tất cả các chúng Thiên, Long, Bát bộ, các hàng Nhị thừa hữu học, các vị Bồ tát mới phát tâm nhờ đó mà tỏ ngộ được chơn tâm. Và tất cả chúng ta, không phân biệt căn cơ mau chậm, không phân biệt tuổi tác và hoàn cảnh, mọi người, mọi giới và mọi lúc đều có thể áp dụng hạ thủ công phu một cách liên tục pháp môn này để tiến đến giải thoát hoàn toàn. Bồ Tát Văn Thù như thế, quả thật xứng đáng được tuyên xưng là vị Pháp Vương Tử tuyên dương diệu pháp.

---o0o---



tải về 208.28 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương